Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Thời gian xuất gia học đạo

01/03/201419:57(Xem: 21455)
06. Thời gian xuất gia học đạo
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)



D- THỜI GIAN XUẤT GIA HỌC ĐẠO

Từ năm 29 tuổi đến năm 35 tuổi (6 năm).

1- Ra đi (năm -595)

Năm 595 trước tây lịch, thái tử Siddhattha được 29 tuổi[1]. Công chúa Yasodharà vừa hạ sanh hoàng nam duy nhất là Ràhula[2]được bảy ngày.

Sau bữa tiệc linh đình mừng cháu nội đích tôn của vua chào đời, đêm đã quá khuya, mọi người đều mỏi mệt. Vua trời Đế Thích là Sakka Indra[3]dùng thần lực làm cho tất cả quan quân và thế nữ ngủ say mê, nằm ngổn ngang khắp mọi nơi. Riêng thái tử cảm thấy băn khoăn không ngủ được, tự nghĩ nên nhân cơ hội có một không hai nầy để ra đi. Ngài im lặng đứng nhìn công chúa Yasodharà và Ràhula lần cuối cùng để từ giã. Hai mẹ con nằm bên nhau tạo nên một hình ảnh ấm cúng chan hòa tình thương thiêng liêng, cao cả, ngây thơ, nồng nàn, êm dịu làm thái tử xúc động chùn chân. Thái tử chợt nhớ đến sông mê bể khổ vô bờ bến của chúng sinh phải chịu trong vô lượng kiếp, ngài liền bước vội ra ngoài gọi Channa :

Channa, ngươi mau dắt ngựa Kanthaka đến đây cho ta.

Thưa thái tử, bây giờ đã quá nửa đêm, ngài dùng ngựa để làm gì ?

Thời đã tới, ta đi xuất gia tầm đạo, ngươi chớ cản ta, không được trái ý ta.

Channa run sợ, lén dắt ngựa tới. Thái tử vừa lên mình ngựa thì trời đất rung chuyển sáu lần. Channa chỉ kịp bám lấy đuôi ngựa thì bốn ông Thiên vương[4]đã bay xuống cầm bốn chân ngựa bay vút qua cổng thành phía đông[5], rồi đi về hướng nam tới chỗ đạo sĩ Bhargava (Bạt Già hay Bạt Ca Bà) tu khổ hạnh thì đáp xuống. Rạng sáng ngày mồng 8 tháng 2[6]năm Bính Dần (-595), thái tử Siddhattha và Channa thấy mình đang ở bên kia bờ sông Anomà[7], cách thành Kapilavatthu 36 dậm (58 km) về hướng tây nam[8], thuộc làng Anupiya, xứ Malla.

Thái tử rút gươm cắt tóc vừa phát nguyện : "Tôi cắt bỏ mớ tóc này để phát nguyện đoạn hết phiền não và tập chướng". Vua Trời Đế Thích (Đao Lợi) là Sakka Indra liền đưa vạt áo hứng tóc của ngài rồi bay về thiên cung xây tháp cúng dường. Thái tử lại thầm nghĩ: "Còn tấm áo bào này ta cũng phải thay đổi mới thành tướng xuất gia". Sakka Indra biết ý liền hóa làm người đi săn, tay cầm cung tên, mình mặc áo cà-sa vàng đi tới. Thái tử nhìn thấy hỏi rằng:

Tại sao ông mặc áo của người tu hành mà đi làm việc giết hại như vậy?

Thưa ngài, tôi mặc áo này để cho mấy con hươu nhìn thấy không bỏ chạy. Nhờ vậy tôi mới săn được nhiều.

Ông mặc áo thầy tu mà làm việc sát hại thật không nên. Còn tôi muốn xuất gia cầu giải thoát mà chưa có áo tu sĩ. Vậy ông nên đổi áo với tôi đi.

Sakka Indra thành kính cởi áo cà-sa dâng thái tử. Thái tử cũng cởi áo bào đổi cho. Thái tử hoan hỉ mặc áo cà-sa xong[9], uy dung tự nhiên cải biến, thầm nghĩ: "Từ đây ta thật có hình tướng xuất gia".

Trước khi từ giã[10], thái tử ôn tồn nói với Channa:

Này Channa, ta thấy người thế gian, thân tuy xa nhau mà khi tâm hợp nhau thì tâm họ vẫn theo nhau. Cũng có người thân tuy gần nhau mà tâm không hợp nhau thì tâm họ vẫn xa cách nhau. Ta lìa bỏ cung điện ngai vàng chỉ có một mình ngươi theo ta tới đây. Ta sẽ ở lại nơi nhàn vắng nầy tầm đạo, còn ngươi hãy mang các trang phục của ta về dâng lên Phụ vương và tâu rằng: Tâu Bệ hạ, đối với các sự tôn vinh, quyền thế và lạc thú ở đời, Thái tử không nghĩ đến, không mong muốn, cũng không cầu sinh lên các cõi trời để hưởng năm món dục lạc, và cũng không phải bất hiếu, giận hờn, mà chính vì thấy chúng sinh lầm đường lạc nẻo, không biết con đường chính, chìm nổi trong vòng sinh tử luân hồi, nên Thái tử nguyện xuất gia để tìm phương pháp giải cứu cho họ. Cúi xin Bệ hạ chớ buồn vì Thái tử. Nếu Phụ vương nói ta còn ít tuổi, chưa nên xuất gia, thì ngươi tâu rằng: "Tâu Bệ hạ,mạng người vô thường không có hạn định tuổi, có ai là người chắc đến già mới chết". Ngươi thưa với dì ta rằng: Người ta sinh ra ở đời, ân ái có ngày biệt ly, ta vì muốn đoạn trừ những mối đau khổ đó nên đi xuất gia học đạo, xin bà đừng thương nhớ làm chi mà sinh sầu khổ. Ngươi cũng nên nói với các công chúa rằng ta muốn phá bỏ cái màn vô minh, nguyện thành ngôi chánh giác rồi sẽ trở về đưa dắt mọi người lên đường giải thoát.

Channa nghe xong bái chào thái tử, nước mắt đầm đìa, lên ngựa trở về thành.

Channa về đến hoàng cung; hoàng hậu Pajàpati, công chúa Yasodharà và hai bà phi Gopika và Migàranika, cùng các thế nữ nhìn thấy Channa về mà không thấy thái tử đều lo lắng hỏi :

Thái tử bây giờ ở đâu ?

Thưa hoàng hậu, thái tử đã lìa bỏ năm món dục lạc để cầu đạo giải thoát. Hiện ngài đang ở nơi sơn lâm, mặc áo cà-sa, cắt bỏ râu tóc, thành người xuất gia. Xin hoàng hậu hoan hỉ !

Ta có phụ gì ngươi, hoàng hậu nói, sao ngươi lại dám để thái tử ở một mình nơi sơn lâm lạnh lẽo đầy ác thú, độc trùng, lấy gì bảo đảm tánh mạng cho thái tử ?

Thưa bà, thái tử bắt con trở về trình bà những món trang phục này và xin bà cứ an tâm, đừng lo buồn gì, chẳng bao lâu thái tử đắc quả chánh giác sẽ trở về.

Nhà ngươi vô cớ làm hại ta, công chúa Yasodharà nói, ngươi còn trở về đây làm chi nữa ?

Thưa bà, thái tử vượt thành xuất gia là do sức thần thông của chư thiên làm cho mọi người ngủ say, rồi bốn ông Thiên vương xuống nắm bốn chân ngựa bay lên trời mà đi, con chỉ kịp bám lấy đuôi ngựa bay theo mà thôi. Xin bà tha thứ. Nhưng mà hay lắm, quý lắm ! Khi thái tử bay qua cổng thành tự nhiên có hào quang sáng chói cả trời đất. Thật là kỳ lạ !

Về đến hoàng cung, ngựa Kanthaka vô cùng buồn bã, bỏ ăn mấy ngày rồi đứt ruột ngã lăn ra chết, vãng sanh lên cung trời Đao Lợi (Tàvatimsa)[11].

Thái tử Siddhattha, bây giờ đã trở thành sa môn Gotama, ở lại bờ sông Anomà bảy ngày, vui thú tĩnh tọa giữa cảnh u tịch của núi rừng, thuộc làng Anupiya, xứ Malla. Nơi đây vị tân sa môn có dịp quan sát lối tu khổ hạnh của nhóm ông Bhargava (Bạt Già). Các ông đạo sĩ khổ hạnh nầy che thân hoặc bằng lá, hoặc bằng cỏ, hoặc bằng vỏ cây kết lại; khi ăn thì dùng các thứ cây, cỏ, hoa, quả, có ông ăn mỗi ngày một bữa, hoặc hai ngày, ba ngày một bữa; có ông thờ thần nước, thần lửa, có ông thờ mặt trời, mặt trăng; có ông đứng một chân suốt ngày, có ông đưa hai tay lên trời suốt ngày, có ông nằm trên chông gai, hoặc nằm gần bên đống lửa, hoặc ở mé nước. Sa môn Gotama (Cồ Đàm) hỏi :

Các ông tu khổ hạnh như vầy để cầu điều gì ?

Chúng tôi mong sau khi chết sẽ được sanh lên các cõi trời hưởng phước.

Được sanh lên các cõi trời, sa môn Gotama nói, tuy vui thú thật, nhưng khi hết phước cũng lại bị đọa lạc, sinh tử luân hồi trong sáu đường[12]. Tôi muốn tìm cách tu nào để trừ hết cái căn bản đau khổ đó.

Thảo luận đến tối cũng không ai tìm được phương pháp nào hay. Sa môn Gotama bèn xin từ giã để tiếp tục con đường tầm đạo. Ông Bhargava thấy sa môn Gotama có tướng tốt và chí lớn liền bảo :

Này đạo hữu, cách đây khoảng 120 dặm về hướng đông nam, ở gần thủ đô Vesàlì của xứ Vajji (Bạt Kỳ), có một vị đạo sư rất nổi tiếng, đạo đức sâu rộng, tài học cao minh, tên là Àlàra Kàlàma (A La La Ca Lam)[13]có đến 300 đệ tử. Vậy đạo hữu nên đến đó đàm luận thử xem.

Sa môn Gotama cám ơn ông Bhargava rồi lên đường tìm đến đạo sư Àlàra Kàlàma.

Vua Suddhodana sau khi hay tin thái tử vượt thành xuất gia thì đêm ngày thương nhớ, lòng dạ héo hon. Ngài triệu tập quần thần đàm luận rồi sai quan Thái sư cầm đầu một nhóm văn thần đi mời thái tử trở về hoàng cung. Trong nhóm đó có năm vương tôn dòng Sàkya[14]là các ông Kondanna (Kiều Trần Như), Bhaddiya (Bạt Đề), Dasabala Kassapa (Thập Lực Ca Diếp) còn gọi là Vappa (Bà Sư Ba), Mahànàma Kulika (Ma Ha Nam Câu Lỵ), Assaji (Át Bệ, A Xà Du, Mã Thắng). Phái đoàn đến khu rừng bên bờ sông Anomà, gặp đạo sĩ Bhargava, hỏi rằng :

Thưa đạo sĩ, thái tử Siddhattha rời thành đi xuất gia có tới đây không?

Thưa quý ngài, có một đồng tử tới đây đàm đạo cùng chúng tôi, nhưng hiện giờ có lẽ đang ở nơi vị đạo sư Àlàra Kàlàma gần thủ đô Vesàlì của xứ Vajji.

Phái đoàn liền từ giã đạo sĩ Bhargava và tiếp tục đi đến Vesàlì, tìm đến đạo tràng Àlàra Kàlàma. Đến nơi thấy thái tử mặc áo sa môn, liền quỳ xuống thưa rằng:

Kính thưa thái tử, Đại vương tuy đã biết ý thái tử muốn xuất gia học đạo từ lâu, nhưng ngài vẫn ngày đêm mong nhớ, tinh thần dã dượi, thân thể hao mòn. Xin thái tử hãy mau trở về hoàng cung, Đại vương sẽ dành riêng một nơi yên tĩnh để thái tử an tâm tu học, cứ gì phải ở nơi sơn lâm vắng vẻ mới được.

Tôi sao không biết nỗi khổ tâm và thâm tình của Phụ vương. Chính vì muốn giải quyết tận gốc rễ các nỗi khổ triền miên đó của chúng sinh mà tôi phải đi xuất gia tầm đạo. Vả lại bây giờ Phụ vương tôi đã có cháu nội là Ràhula ở bên cạnh để an ủi và nối nghiệp sau này. Xin quý vị hãy trở về tâu cùng Phụ vương, khi giải quyết xong cái khổ nói trên của chúng sinh tôi sẽ trở về.

Thấy thái tử đã có đầy đủ tướng xuất gia lại một lòng khẳng khái không lay chuyển, nhóm năm anh em ông Kondanna tình nguyện ở lại bảo vệ thái tử, để quan Thái sư trở về tâu lại với vua.

2- Vị đạo sư thứ nhất : Àlàra Kàlàma[15]

Khi sa môn Gotama vừa gặp đạo sư Àlàra Kàlàma liền đảnh lễ và nói :

Thưa đạo sư, xin đạo sư cho con thọ giáo và sống đời phạm hạnh thiêng liêng dưới sự hướng dẫn của đạo sư.

Hãy ở lại đây với ta, hỡi anh bạn trẻ, cách dạy của ta nhằm giúp người thông minh sớm nhận thức trực tiếp được giáo lý cao siêu bằng trí tuệ trực giác của chính mình, và thực hiện cuộc sống trong sự chứng ngộ đó. Người tu phải diệt trừ chấp thân là ngã, đến khi thành tựu thì thần thức rời khỏi thân như chim sổ lồng, mặc tình bay lượn tự do trong tam giới[16], đó là giải thoát.

Thưa đạo sư, giáo lý cao siêu mà đạo sư đã nhận thức bằng trí tuệ trực giác phải được thực hành như thế nào và kết quả như thế nào ?

Đạo-sư Àlàra Kàlàma liền giải thích cho sa môn Gotama biết cách tu tập và các cảnh giới chứng ngộ theo thứ lớp như sau :

1- Không tham sống sợ chết, không ham muốn danh lợi tài sản thế gian, nhàm chán các thú vui thế tục, sẵn sàng vui vẻ lìa bỏ tất cả thì đắc Sơ thiền[17], đạt Ly Sanh Hỷ Lạc Địa.Thực hành: Ly dục ly bất thiện pháp, dùng tầm và tứ đoạn trừ vọng tưởng và phiền não, nhập Ly Sanh Hỷ Lạc Địa, chứng và an trú Sơ thiền. Sau khi mạng chung, có thể sanh đến các cõi trời Phạm Chúng Thiên (Brahmà parisajja), Phạm Phụ Thiên (Brahmà purohita), Đại Phạm Thiên (Mahà Brahmà). Người đắc sơ thiền ví như thau nước đục (tâm) để yên lâu ngày, cặn cáu (phiền não) lắng xuống được 8/10, thân tâm nhẹ nhàng vui vẻ; nhưng khi nước bị quấy động, cặn cáu lại nổi trở lên.

2- Xa lìa các thú vui thế tục, chuyên vui trong thiền định thì đắc Nhị thiền[18], đạt Định Sanh Hỷ Lạc Địa.Thực hành: Bỏ tầm và tứ, nội tĩnh nhất tâm,nhập Định Sanh Hỷ Lạc Địa, chứng và an trú Nhị thiền. Sau khi mạng chung, có thể sanh đến các cõi trời Thiểu Quang Thiên (Parittabha), Vô Lượng Quang Thiên (Appamanabha), Quang Âm Thiên (Abhassara). Người đắc nhị thiền ví như thau nước đục để yên lâu ngày, cặn cáu lắng hết xuống đáy thau, nước trở nên trong suốt, tâm được nhẹ nhàng, định tỉnh, sáng suốt; nhưng khi nước bị quấy động, cặn cáu lại nổi trở lên.

3- Năm căn[19]thanh tịnh. Không còn cảm thọ buồn vui trước ngoại cảnh, tâm luôn luôn an lạc trong chánh niệm[20]thì đắc Tam thiền[21], đạt Ly Hỷ Diệu Lạc Địa.Thực hành:Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, xả niệm lạc trú, nhập Ly Hỷ Diệu Lạc Địa, chứng và an trú Tam thiền. Sau khi mạng chung, có thể sanh đến các cõi trời Thiểu Tịnh Thiên (Parittasubha), Vô Lượng Tịnh Thiên (Appamanasubha), Biến Tịnh Thiên (Subhakinha). Người đắc tam thiền ví như thau nước đục được lắng trong, tất cả cặn cáu đều lắng xuống đáy thau và được vớt bỏ ra ngoài hết 8/10.

4- Sáu căn[22]thanh tịnh. Không còn ý thức phân biệt khổ vui, không còn cố chấp đúng sai, phải quấy, hay dở, tốt xấu, mê ngộ, chánh tà. Tâm luôn luôn an lạc, thanh tịnh, siêu thoát, không ngăn ngại thì đắc Tứ thiền[23], đạt Xả Niệm Thanh Tịnh Địa.Thực hành: Xả lạc xả khổ, ly hỷ ưu, nhập Xả Niệm Thanh Tịnh Địa, chứng và an trú Tứ thiền. Sau khi mạng chung, có thể sanh đến các cõi trời Quảng Quả Thiên (Vehapphala), Vô Tưởng Thiên (Asanna), Vô Phiền Thiên (Aviha), Vô Nhiệt Thiên (Atapa), Thiện Kiến Thiên (Sudassana), Thiện Hiện Thiên (Sudassa), Sắc Cứu Cánh Thiên (Akanittha). Người đắc tứ thiền ví như thau nước hoàn toàn trong trẻo tinh khiết, không còn một chút cặn cáu. Nước có thể bị quấy động, nhưng vẫn trong trẻo, không bị vẩn đục.

5- Vượt khỏi hoàn toàn mọi sắc tưởng, diệt trừ chướng ngại tưởng, không tác ý với dị tưởng, hòa mình vào hư không vô biên. Cảm thấy thân mình và vạn vật đồng một thể tánh, đồng hòa tan trong cõi hư vô không biên giới, thì đắc Không Vô Biên Xứ(Akasanantya yatana), được thân không. Sau khi mạng chung, có thể sanh vào cõi trời Vô Sắc thứ nhứt. Người đắc Không Vô Biên Xứ ví như nước đã bốc thành hơi, không còn trông thấy, nhưng có thể đong lại thành mây, thành mưa. Người đắc Không Vô Biên Xứ có thể được Thần Túc Thông.

6- Vượt khỏi Không Vô Biên Xứ, không còn thấy mình có thân, chỉ còn cái tâm thức vô biên, bình đẳng với chúng sanh muôn loài không khác, thì đắc Thức Vô Biên Xứ(Vijnanantya yatana), được thức không. Sau khi mạng chung, có thể sanh vào cõi trời Vô Sắc thứ hai. Người đắc Thức Vô Biên Xứ ví như nước đã bốc thành hơi thật nhẹ, không thể đong lại thành mây, thành mưa nữa. Người đắc Thức Vô Biên Xứ có thể được Thiên Nhản Thông, Thiên Nhĩ Thông và Tha Tâm Thông.

7- Vượt khỏi Thức Vô Biên Xứ, chứng ngộ các pháp đều không, không có gì là của mình (vô sở hữu), không có gì để chứng đắc (vô sở đắc), không có gì cần thiết (vô sở dụng), thì đắc Vô Sở Hữu Xứ(Àkincannà yatana), được pháp không. Sau khi mạng chung, có thể sanh vào cõi trời Vô Sắc thứ ba. Đó là cõi trời cao nhứt mà tôi đã chứng ngộ. Ngoài ra không còn gì nữa. Người đắc Vô Sở Hữu Xứ ví như nước đã bốc thành hơi thật nhẹ, vượt ra ngoài bầu khí quyển, chỉ còn một chút tánh ướt. Người đắc Vô Sở Hữu Xứ có thể biết được một số kiếp trước của mình.

Sa môn Gotama theo lời chỉ dẫn đó tu tập vài ngày cũng chứng ngộ cảnh giới Vô Sở Hữu Xứ. Nhưng ngài cũng thất vọng vì chưa thấu triệt được chơn lý tối thượng mà ngài mong ước. Đạo sư Àlàra Kàlàma lấy làm hoan hỉ thấy đệ tử lỗi lạc của mình thành công mau chóng, khen rằng :

Này đạo hữu, tôi thật vô cùng hoan hỉ được có một người bạn đồng tu đáng kính như đạo hữu. Giáo lý mà tôi đã chứng ngộ bằng tuệ giác và đã tuyên bố thành đạt, thì nay đạo hữu cũng đã chứng ngộ như tôi. Vậy đạo hữu hãy ở lại đây với tôi, chúng ta hãy cùng nhau hợp sức dẫn dắt nhóm đạo sĩ này.

Thưa đạo sư,thần thức lìa khỏi thân vẫn còn ngã chấp, tức còn sanh tử luân hồi. Con tự thấy cần phải tu tiến thêm nữa vì tâm con chưa hoàn toàn vắng lặng, cội gốc sanh tử chưa dứt trừ, cảnh giới niết bàn chưa chứng ngộ, chơn lý vô thượng chưa thông đạt. Con xin từ giã đạo sư để tiếp tục lên đường tầm đạo.

3- Vị đạo sư thứ nhì : Uddaka Ràmaputta[24]

Ông Kondanna khuyên sa môn Gotama nên đến gặp thầy cũ của ông là đạo sư Uddaka Ràmaputta (Uãt Đầu Lam Phất)[25]ở gần thành Ràjagaha (Vương Xá)[26], xứ Magadha (Ma Kiệt Đà). Thành Ràjagaha, còn gọi là Ràjagriha, cách Vesàlì khoảng 160 km về hướng nam. Sa môn Gotama cùng với năm anh em ông Kondanna đi mười ngày đường đến gặp đạo sư Uddaka Ràmaputta. Lúc bấy giờ đạo sư đã 75 tuổi và có 700 đệ tử, 300 tu học tại chỗ và 400 ở các địa điểm khác. Đạo sư giảng :

Thông thường người ta hay chấp nơi hình tướng của muôn sự muôn vật, hoặc chấp rằng các sự vật đều không có hình tướng, như vậy đều là lầm lạc cả. Nên cần suy xét cho chính chắn, chỉ lãnh thọ cái thể nhiệm mầu (l' essence, cái tinh thể, chơn như) của muôn sự muôn vật mà thôi. Phải vượt khỏi Vô Sở Hữu Xứ để chứng và an trú Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Như vậy mới tránh khỏi mọi vọng chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả[27], tâm không còn nghĩ tưởng (được tưởng không), đặng quả giải thoát cao nhứt, không còn đau khổ nữa, và sanh về cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.

Sa môn Gotama nhập định vài ngày đã chứng được định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (N'eva sanna nasanna yatana), không còn tri thức cũng không phải không còn tri thức, tâm thức trở nên tế nhị đến đỗi không thể nói là có hay không có tâm thức. Ví như nước đã rã ra thành oxy và hydro, không phải nước nhưng cũng có thể là nước. Được tin nầy đạo sư Uddaka Ràmaputta rất lấy làm vui vẻ nói :

Này đạo hữu Gotama, tôi vô cùng hoan hỉ được có một người bạn đồng tu tài đức đáng tôn kính như đạo hữu. Những gì tôi đã hiểu biết và chứng ngộ thì nay đạo hữu cũng đã hiểu biết và chứng ngộ như tôi. Vậy thì đạo hữu hãy ở lại đây để dẫn dắt nhóm đạo sĩ này hộ tôi, vì tôi nay đã quá già rồi, không còn ở thế gian này bao lâu nữa.

Thưa đạo sư, con thấy trong cảnh giới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng vẫn còn các hành nghiệp vi tế làm nhân cho tám cái khổ vi tếsau đây:

1- Tâm còn sanh niệm, đó là sanh khổ.

2- Niệm niệm nối tiếp nhau, đó là già khổ.

3- Động niệm chưa dứt, định lực chưa vững, đó là bệnh khổ.

4- Định lực còn có thể bị thối chuyển, đó là tử khổ.

5- Còn nhớ nhung, đó là ái biệt ly khổ.

6- Còn có điều không vừa ý, đó là oán tắng hội khổ.

7- Có khi cầu định chẳng đặng vì có sự cản trở, đó là cầu bất đắc khổ.

8- Thọ, tưởng, hành, thức chưa hoàn toàn dứt, đó là ấm xí thạnh khổ.

Con cầu đạo vô thượng, mong dứt trừ tận gốc rễ mọi hình thức đau khổ. Chí nguyện chưa thành, nên con xin phép đạo sư được tiếp tục lên đường tầm đạo.

Này đạo hữu Gotama, đạo sư Uddaka Ràmaputta nói, chí nguyện cao cả của đạo hữu thật đáng thán phục, vậy khi đạo hữu thành công xin hãy nhớ đến tôi trước.

Tình cờ vua Seniya Bimbisàra đến thăm đạo sư Uddaka Ràmaputta, thấy vậy liền đến đảnh lễ sa môn Gotama và đề nghị chia cho ngài phân nửa giang sơn nếu ngài chịu ở lại Magadha. Sau khi sa môn Gotama từ chối, nhà vua yêu cầu sa môn sau khi thành công nhớ trở lại thành Vương Xá độ ngài.

4- Sáu năm tu khổ hạnh tại Uruvelà[28]

(từ năm 595 đến năm 589 trước tây lịch )

Sa môn Gotama thấy rằng không còn ai khác giỏi hơn để ngài có thể nương tựa, đã đến lúc ngài phải tự tu tự chứng để đạt sở nguyện. Ngài bèn cùng với 5 người bạn đạo là Kondanna (Kiều Trần Như), Bhaddiya (Bạt Đề), Vappa (Bà Phạm) còn gọi là Dasabala Kassapa (Thập Lực Ca Diếp), Mahànàma Kulika (Ma Ha Nam Câu Lỵ) và Assaji (Át Bệ) từ giã đạo sư Uddaka Ràmaputta, đến khổ hạnh lâm (tapovana, dukkharakrya) tại làng Uruvelà, gần thành phố Gayà, cách Vương Xá khoảng 30 km về phía đông-nam, để chuyên tu khổ hạnh. Vào thời bấy giờ, cho đến nay vẫn còn, ở Ấn Độ, có nhiều đạo sĩ tin tưởng mãnh liệt rằng lối tu khắc khe ép xác khổ hạnh có thể khắc phục và thanh lọc thân tâm, diệt trừ tất cả dục vọng, và đưa đến giải thoát cùng tột. Dĩ nhiên sa môn Gotama quyết định trắc nghiệm pháp môn này.

Ngài đến một hang đá hẻo lánh ở lưng chừng núi Dungsiri, bắt đầu một cuộc tranh đấu quyết liệt để khắc phục thân xác, với niềm hy vọng rằng một khi đã làm chủ được mọi nhu cầu phức tạp và phiền toái của thân thì tâm sẽ được giải phóng khỏi sự thống trị của vật chất để đạt đến mức độ giải thoát cao siêu. Ngài cố gắng đến mức cùng tột của lối tu khổ hạnh. Chỉ ăn lá, rễ cây, vài hột mè, hột đậu mỗi ngày, ngủ rất ít, suốt ngày ngồi thiền hoặc đi kinh hành. Thân hình ngài chỉ còn da bọc xương, cái rốn gần đụng xương sống. Về sau đức Phật đã kể lại trong kinh Mahà Saccaka (Majjhima Nikàya 36), cảnh ngài tu khổ hạnh như sau :

Lúc ấy tư tưởng sau đây phát sanh đến tôi : Hay là ta thử cắn chặt răng lại, cong đầu lưỡi ép sát vào vòm hàm trên, và dùng tư tưởng thiện đè bẹp, chế ngự và tiêu diệt tư tưởng xấu. Thế rồi tôi cắn chặt răng lại, cong đầu lưỡi ép sát vào vòm hàm trên, và cố gắng đè bẹp, chế ngự, tiêu diệt tư tưởng xấu bằng những tư tưởng tốt. Lúc tôi tranh đấu như vậy thì mồ hôi từ trong nách tôi chảy tuôn ra. Như một người mạnh đè đầu đè cổ một người yếu xuống, ấn mạnh xuống, bắt phải thần phục, tôi cũng tranh đấu như vậy để hàng phục những tư tưởng bất thiện. Nghị lực tôi thật mạnh mẽ và bất khuất. Tinh thần tôi thật vững vàng không lay động. Nhưng thân tôi mòn mỏi không còn chịu đựng nổi sự cố gắng kiên trì đè nặng lên nó. Mặc dù những cảm giác đau đớn đó phát sanh trong thân tôi, nó không ảnh hưởng đến tâm tôi chút nào.

“Rồi tôi tự nghĩ : Hay là ta hãy tham thiền về sự nín thở một lần nữa ! Rồi tôi kiểm soát chặt chẽ sự hít vào và thở ra bằng miệng, bằng lỗ mũi, bằng lỗ tai. Và khi tôi nín thở thì đầu tôi đau bưng lên khủng khiếp. Cũng như có một lực sĩ siết chặt đầu tôi bằng một sợi dây da cứng. Tuy nhiên nghị lực tôi vẫn mạnh, Những cảm giác đau đớn đó không ảnh hưởng gì đến tâm tôi.

“Rồi tôi tự nghĩ : Hay là ta hãy tham thiền về sự nín thở một lần nữa ! Rồi tôi nín thở bằng miệng, bằng lỗ mũi, bằng lỗ tai. Khi tôi kiểm soát hơi thở như thế thì một luồng hơi mạnh thọc xuyên qua bụng tôi. Cũng như có một tên đồ tể thiện nghệ hay mới tập sự đang dùng dao bén rạch bụng tôi. Tuy nhiên nghị lực tôi vẫn mạnh. Cảm giác đau đớn như thế không hề ảnh hưởng gì đến tâm tôi.

“Một lần nữa, tôi lại tự nghĩ : Hay là ta lại tham thiền về sự nín thở một lần nữa ! Rồi tôi kiểm soát hơi thở ra vào bằng miệng, bằng lỗ mũi và bằng lỗ tai. Khi tôi nín thở thì một hơi nóng kinh khủng thiêu đốt thân tôi. Cũng như có hai người lực sĩ đang nắm chặt tay chân tôi đặt lên một đống than cháy đỏ cho đến khi thân tôi bị thiêu rụi. Dù vậy nghị lực tôi vẫn mạnh. Cảm giác đau đớn như thế không hề ảnh hưởng đến tâm tôi.

“Lúc bấy giờ có những vị thiên thần thấy tôi như vậy thì nói với nhau rằng : Đạo sĩ khổ hạnh Gotama đã chết. Vài vị khác nói : Đạo sĩ khổ hạnh Gotama chưa chết, nhưng đang chết dần. Trong khi vài vị khác nói : Đạo sĩ khổ hạnh Gotama chưa chết, cũng không phải đang chết dần vì ngài là một vị A-la-hán. Đây chỉ là lối sống của một vị A-la-hán.

“Rồi tôi tự nghĩ : Hay ta thử hành pháp tuyệt thực hoàn toàn ! Lúc bấy giờ có những vị thiên thần đến gần tôi và nói : Thưa ngài, ngài không nên hành pháp tuyệt thực hoàn toàn. Nếu ngài làm như vậy, chúng tôi sẽ rót thiên tinh thể bổ dưỡng vào thân ngài qua các lỗ chân lông để nuôi sống ngài. Tôi nghĩ : Nếu ta nói ta hành pháp tuyệt thực mà các thiên thần lại rót thiên tinh thể bổ dưỡng vào thân qua các lỗ chân lông để nuôi sống ta, té ra ta gian dối. Thôi ta không cần phải tuyệt thực hoàn toàn.

“Rồi tôi lại nghĩ : Hay ta chỉ thọ thực mỗi ngày một bụm nước đậu hoặc rau cỏ ! Khi tôi chỉ dùng thật ít vật thực đặc hoặc lỏng như thế thì thân tôi trở nên gầy khô như những cọng sậy ghép lại với nhau. Bàn tọa của tôi chỉ còn bằng cái móng chân con lạc đà. Xương sống tôi như một xâu chuỗi dựng đứng lên và cong vào. Xương sườn tôi tựa như một cái sườn nhà bị sụp đổ. Tròng mắt tôi chẳng khác nào hình ảnh những ngôi sao dưới đáy giếng sâu.Da đầu tôi rụng tóc, nhăn nheo như một trái mướp phơi khô. Khi muốn rờ da bụng thì tay tôi đụng nhằm xương sống. Khi muốn rờ xương sống thì tay tôi đụng nhằm da bụng. Vì thiếu vật thực, da bụng tôi ép sát vào xương sống. Lúc muốn đứng dậy đi tiểu tiện thì tôi luống cuống té ngã xuống. Tôi đập nhẹ tay chân cho thân mình tôi sống lại. Than ôi, lúc đập như thế, lông trên mình tôi lả tả rơi xuống đất vì đã chết gốc. Những người thấy tôi như vậy thì nói : Đạo sĩ Gotama da đen. Có người lại nói : Đạo sĩ Gotama da không phải đen mà xanh. Có người lại nói : Đạo sĩ Gotama không đen, không xanh mà nâu sậm. Màu da sáng sủa của tôi trở nên tàn tệ đến như thế vì thiếu vật thực.

“Rồi tôi tự nghĩ : Dù các đạo sĩ khổ hạnh hay Bà-la-môn trong quá khứ đã chịu đựng những cảm giác nhức nhối, đau đớn, xót xa như thế nào thì cũng đến mức này là cùng, không thể hơn nữa. Dù các đạo sĩ khổ hạnh hay Bà-la-môn trong tương lai sẽ chịu đựng những cảm giác nhức nhối, đau đớn, xót xa như thế nào thì cũng đến mức này là cùng, không thể hơn. Tuy nhiên, dù đã trải qua bao nhiêu khắc khổ, khó khăn, đau đớn, tôi vẫn chưa đạt được sự giác ngộ tối thượng về nội tâm vượt lên trên trạng thái con người. Hay là còn con đường nào khác dẫn đến sự Chứng ngộ tối thượng ?”

Thấy sa môn Gotama đã gần kề cái chết mà chưa đạt được chí nguyện, Ma Vương liền hiện đến gần ngài và nói[29]:

Này đạo sĩ gầy còm, thân hình tiều tụy ! Giờ chết đã gần kề. Thân thể ngươi đã chết mòn gần hết, chỉ còn lại một phần ngàn. Nhưng hãy sống, hỡi đạo sĩ, đời sống rất tốt đẹp. Có sống mới tạo được phước. Hãy sống độc thân và năng cúng tế thần lửa, ngươi sẽ tạo được nhiều phước báo. Ép mình sống đời khổ hạnh như thế này để làm gì? Con đường kiên trì nỗ lực quả thật kham khổ, khó khăn, không phải dễ thành tựu.

Sa môn Gotama đáp :

Này Ma Vương xấu xa, quỉ quyệt, thân quyến của tội lỗi và lười biếng. Ngươi chỉ đến đây vì lợi ích riêng của ngươi. Ta tu hành với niềm tin vững chắc, với sự kiểm soát thân tâm chặt chẽ, với sự tinh tấn và trí tuệ. Ta đã quyết tâm như vậy, sao ngươi còn muốn lung lạc ta ? Máu cạn thì mật khô, thịt cũng hao mòn. Thịt ta càng hao mòn thì tâm ta càng thanh tịnh. Tâm ta càng thanh tịnh thì càng an trụ, càng sáng suốt, định lực càng vững chắc. Thể xác càng đau đớn thì tâm càng xa lìa tham ái. Chừng ấy ta biết rõ thế nào là sự trong sạch của một chúng sanh.

“Tham vọng là đạo binh số một của ngươi. Đạo binh thứ nhì là bất mãn, thứ ba là thèm khát, thứ tư là ái dục, thứ năm là hôn trầm, thứ sáu là sợ hãi, thứ bảy là hoài nghi, thứ tám là giả dối, ngu si, thứ chín là lợi lộc, khen tặng, vinh dự, thứ mười là tự cao và khinh người.

“Này Ma Vương, đó là quân đội của ngươi, đó là khách luôn luôn ẩn náu bên trong hạng người xấu xa quỉ quái như ngươi. Người hèn nhát yếu đuối thì không thắng nổi, nhưng ai đã chế ngự được đạo binh ấy là tìm được hạnh phúc.

“Ta cột trên ngọn cờ của ta chùm cỏ Munja[30]. Sống đời hèn nhát trên thế gian này thật là nhục nhã ! Ta thà chết trên chiến trường còn hơn sống mà thất bại.

Nghe đến đây Ma Vương lộ vẻ thất vọng, chán nãn, buồn rầu, bỏ đi.

Gần 6 năm tu khổ hạnh, sức lực sa môn Gotama càng ngày càng suy yếu, thân thể gầy còm do sự nhịn ăn, thức đêm, thức ngày. Có khi ngài bị ngất xỉu trong lúc ngồi thiền dưới cội cây hoặc lúc đang đi kinh hành. Hiện nay còn có một động đá ở lưng chừng núi Dungsiri, vùng Uruvelà, cách Bodh Gayà khoảng 5 km về hướng đông-bắc, kỷ niệm nơi ngài tu khổ hạnh. Trước động đá hiện có một ngôi chùa Tây Tạng.

Một hôm, đang ngồi thiền cạnh bờ sông Neranjana (Ni Liên Thiền), sa môn Gotama bỗng nghe tiếng một giáo sư âm nhạc đang dạy học trò trên một chiếc thuyền đi ngang qua : “Con nên nhớ, lên dây đàn phải vừa đúng độ căng, tiếng đàn mới thanh tao. Nếu dây dùn quá thì tiếng đàn mềm nhũng điếc câm, nếu dây căng quá thì dễ bị đứt”. Đang lúc thân thể suy tàn cùng cực, sa môn Gotama bừng ngộ pháp tu trung đạo.



[1]Siddhattà xuất gia vào năm 29 tuổi, theo Trường Bộ (Digha nikàya) 16: Mahà Parinibbàna sutta.

[2]Theo kinh Pháp Hoa Huyền Tán 1, phần cuối (Đại 34, 671 hạ), thì đức Phật có 3 người con trai là Sunakkhattà(Thiện Tinh), Upàvàna(Ưu Bà Ma Na) và Ràhula(La Hầu La). Hai người đầu, lớn tuổi hơn Ràhula, là con của các thứ phi. Theo kinh Đại Bát Niết Bàn, tập 2, phẩm Ca Diếp Bồ tát, trang 344, thì Sunakkhattà xuất gia theo làm thị giả cho Phật, tu đến tứ thiền, nhưng sau lại tin theo bạn ác, thành nhứt xiển đề, bị đọa địa ngục một kiếp; Upàvàna (Ưu Bà Ma Na) cũng xuất gia, có lúc làm thị giả cho Phật và đã có mặt bên Phật suốt 3 tháng sau cùng cho đến lúc Phật nhập niết bàn.

Ràhula(La Hầu La) có nghĩa là một trở ngại. Khi hay tin Yasodharà vừa sanh được một hoàng nam, Siddhattha buộc miệng thốt lên: “Lại thêm một trở ngại”. Lại có tài liệu cho rằng Ràhula sinh ra nhằm lúc Rahulàsura (La Hầu La A-tu-la) đưa tay che mặt trăng (nguyệt thực) để đánh nhau với trời Đế Thích. Ràhula có nghĩa là “chướng nguyệt”, che mặt trăng. Rahulâsura là Vua A-tu-la trụ ở thành Quang Minh, tầng đất thứ nhất dưới đáy biển.

[3]Sakka Indra là vua trời Đế Thích, còn gọi là trời Đao Lợi (Tàvatimsa).

[4]Tứ Thiên vương(Càtum Mahà Ràjika Deva) gồm có Trì Quốc Thiên vương (Dhatarattha) ở phía đông, Tăng Trưởng Thiên vương (Virùlha) ở phía nam, Quảng Mục Thiên vương (Virùpakkha) ở phía tây, Đa Văn hay Tỳ sa môn Thiên vương (Vesavana) ở phía bắc của một thế giới. Ở giữa thế giới có núi Tu Di (Sumeru), chung quanh núi Tu Di có 7 lớp núi và 7 lớp biển.

[5]Theo quyển Lumbini a Haven of Sacred Refuge, trang 85, thì Siddhattha ra đi xuất gia bằng cổng thành phía Đông; do đó về sau cổng này còn được gọi là Cổng Phật Xuất Gia(Mahàbhiniskramana dwara).

[6]Theo The Life of Buddha as Legend and History, trang 55, thì là ngày trăng tròn tháng Àsàlhà (tháng 6-7 dl).

[7]Theo ông Cunningham thì Anomàhiện nay là sông Aumi thuộc quận Gorakhpur; nhưng theo ông Carlleyle thì Anomà hiện nay là sông Kudawa Nadi thuộc quận Basti.

[8]Theo The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 78, thì Anupiyathuộc hướng tây-nam của Kapilavatthu. Nhưng theo The Life of Buddha as Legend and History, trang 61, thì là hướng đông. Có lẽ Siddhattha ra cổng thành phía đông rồi đi về hướng tây-nam đến bờ sông Anomà.

[9]Nơi đây về sau có tháp kỷ niệm tên Kashayagrahana shrine, theo The Life of Buddha as Legend and History, trang 57.

[10]Nơi Siddhattha từ giả Channa và Kanthaka về sau có đền kỷ niệm tên Chandaka nivartanahay Kanthaka nivattàna shrine, xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 55-56.

[11]Xem Tiểu Bộ (Khuddaka nikàya), Chuyện Thiên Cung (Vimànavatthu), kinh 81: Lâu đài của ngựa Kiền Trắc (Kanthaka Vimàna).

[12]Sáu đườnghay lục đạo luân hồiở cõi dục là trời, a-tu-la, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

[13]Ông Àlàra Kàlàmatu hạnh xuất gia theo phái Samkhya (Tăng khứ, Số luận) đã đắc ngũ thông, đạt đến bậc thiền Vô Sở Hữu Xứ.

[14]Thường gọi chung là Năm Anh Em Kiều Trần Như. Năm vị nầy đều là bà con bên nội hoặc bên ngoại của Siddhattha. Riêng ông Kondanna đã từng thọ giáo với đạo sư Uddaka Ràmaputta (Uãt Đầu Lam Phất) và là vị Bà-la-môn trẻ tuổi nhất trong nhóm sáu vị được vua mời đến xem tướng cho thái tử lúc mới sanh. Trong hội Pháp Hoa đức Phật có thọ ký cho ông Kondanna sẽ thành Phật hiệu là Samantàprabhasa (Phổ Minh). Bốn người bạn của ông Kondanna là con của bốn trong năm vị Bà-la-môn lớn tuổi đã xem tướng cho thái tử lúc mới sanh được 5 ngày.

[15]Xem Trung Bộ 26, 36, 85, 100; Trung A Hàm 204; Tạp A Hàm 110; Tương Ưng Bộ, chương 40 (Moggallàna), các kinh từ 1 đến 9; Tương Ưng Bộ, chương 48, kinh 40; Tăng Chi Bộ, chương 4 pháp, kinh 123; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 1421.

[16]Tam giới: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.

[17]Sơ thiền: (Xem Trường Bộ 2.75) Lúc mới tập thiền, các thiền sinh thường bị động tâm bởi 5 triền cái(nivarana, chướng ngại, phiền não) là tham dục(kàmachanda), sân hận(vyapada), hôn trầm(thiramiddha), trạo cử(udhaccakukucca, tâm dao động), hoài nghi(vicikiccha). Khi đắc sơ thiền rồi thì thiền sinh nhận rõ trong tâm mình không còn 5 triền cái nữa mà có đủ 5 thiền chi(jhananga) như sau: Tầm(vitakka, còn gọi là Giác, tâm chăm chú hướng về 1 định tướng), Tứ(vicara, còn gọi là Sát hay Quán, có nghĩa là chú tâm quan sát và theo dõi định tướng đó), Hỷ(pity, cảm thấy tâm lâng lâng thoải mái), Lạc(sukha, cảm thấy thân lâng lâng thoải mái), Trụ(ekaggata, còn gọi là Nhất Tâm, tâm thuần thục an trụ vào định tướng). Định tướng(nimitta) là nơi thiền sinh tập trung tư tưởng, cũng là hình ảnh thiền sinh nhận thấy trong khi thiền định. Ví như khi định tướng là màu khói xám (lờ mờ) thì đó là sơ tướng(parikamma nimitta) trong trạng thái sơ định(parikamma samàdhi); khi định tướng trở thành màu trắng như một nhúm bông gòn (rõ ràng) thì đó là học tướng(uggaha nimitta) trong trạng thái cận định(upacara samàdhi); lần lần định tướng sẽ chuyển từ màu trắng đục sang màu sáng chói (tỏ rạng) thì đó là tợ tướng(patibhaga nimitta). Thiền sinh có thể bắt đầu nhập định(appana samàdhi) để vào Sơ Thiền.

[18]Nhị thiền: (Xem Trường Bộ 2.77) Nhận thấy Tầm (Giác) và Tứ (Quán còn gọi là Sát) là trở ngại của Định, thiền sinh bỏ Tầm và Tứ, thực hành trực tiếp Hỷ, Lạc và Trụ (Nội Tĩnh Nhất Tâm).

[19]Năm căn = mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

[20]Chánh niệm : Không có ác kiến, vọng tưởng, phiền não trong tâm.

[21]Tam thiền: (Xem Trường Bộ 2.79) Nhận thấy Hỷ là trở ngại của Định, thiền sinh liền bỏ Hỷ trú Xả, thực hành Xả Niệm Lạc Trú.

[22]Sáu căn = mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (bộ óc).

[23]Tứ thiền: (Xem Trường Bộ 2.81) Nhận thấy Trụ cũng là trở ngại của Định, thiền sinh liền Xả bỏ Trụ, chứng được Xả Niệm Thanh Tịnh Địa, tâm luôn luôn an lạc thanh tịnh trước ngoại cảnh.

[24]Xem Trung Bộ 4, 26, 36, 85; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 186, 190, 1421.

[25]Ông Uddaka Ràmaputta(Uãt Đầu Lam Phất) là con và đệ tử của ông Ràma. Ông được cha truyền đạo theo phái Yoga (Du Già), tu theo ngoại định (kasina). Ông là vị đạo sư giỏi nhứt toàn xứ Ấn Độ thời bấy giờ. Trong kinh có chép rằng khi ông vừa đắc định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng và ngũ thông, ông bay tới đền vua Bimbisàra; vua mừng rỡ, đảnh lễ dưới chân ông và cúng dường trọng thể. Vua căn dặn hoàng hậu Videhi: “Như ta đi khỏi mà Tiên nhơn tới thì khanh nên lễ kính và cúng dường cũng như ta vậy”. Một hôm ông Uddaka Ràmaputta đến trong lúc vua Bimbisàra vắng mặt, hoàng hậu Videhi vâng lệnh vua lễ bái dưới chân, Tiên nhơn trong thấy sanh lòng tưởng quấy, liền mất hết thần thông, phải đi bộ trở về. Có lúc ông ngồi nhập định trên núi bị chim thú kêu la quấy rầy; ông bỏ xuống gần mé nước tọa thiền bị cá tôm làm rối; trong lúc tâm thần bất định, ông lở lời nguyện làm con Phi ly (chồn bay) để trên giết bầy chim, dưới giết đoàn cá. Sau đó ông tự ăn năn, lâu lắm mới đắc lại Phi Tưởng Phi Phi Tưởng định. Khi đức Phật thành đạo thì ông đã thác sanh về cõi trời Vô Sắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Đức Phật nói sau khi hưởng hết phước báo cõi trời ông sẽ bị đọa làm giống chồn bay theo lời đã lỡ nguyện trong khi buồn giận. (Xem Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn, chữ Uãt Đầu Lam Phất ).

[26]Ràjagaha hay Ràjagriha (Vương Xá) hiện nay là thành phố Rajgir thuộc Tiểu bang BIHAR.

[27]Chấp có cái Ta chân thật (chấp ngã), chấp Ta là người (chấp nhân), chấp Ta là một chúng sanh, chấp Ta có thọ mạng lâu dài (chấp thọ giả). Do chấp nên có phân biệt đối xử với cái không phải Ta.

[28]Xem Trung Bộ (Majjhima nikàya) 36: kinh Mahà Saccaka.

[29]Xem Tiểu Bộ, Kinh Tập (Sutta nipata), chương 3, kinh 2: Tinh Cần.

[30]Thời bấy giờ trước khi ra trận, chiến sĩ cột trên ngọn giáo của mình chùm cỏ lau Munjatỏ rằng không bao giờ lùi bước trước quân thù.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/01/2025(Xem: 767)
Kính lạy bậc kỳ vĩ xuất hiện, từ ngàn năm trong thế giới (1) Gây âm vang chấn động, mở ra một kỷ nguyên Mang ánh sáng đi vào đời, với phương pháp tịnh Thiền Giúp người người tìm về Chánh Pháp mầu nhiệm
14/08/2024(Xem: 1012)
Tính Cách Vĩ Đại Của Đức Phật- Thích Đạo Thông giảng lễ Phật Đản Chùa Hưng Long ngày 2/6/2024. Hy vọng mọi người hiểu rõ ràng Tính cách vĩ đại của Đức Phật gồm 3 phương diện cao quý của Đức Phật là: Bản thân- Tư Tưởng - Xã Hội. Nhằm tạo sự tín tâm của người con Phật với Tam Bảo.
07/08/2024(Xem: 6976)
Ở Hoa Kỳ, có ngày Father's Day và Mother's Day, là những ngày mà người con tỏ lòng biết ơn cha mẹ. Vào những ngày này, họ có thể mang một bình hoa đến mộ, mua một món quà, và đặc biệt là tổ chức một bữa ăn mời cha mẹ. Nhưng câu nói mà người Mỹ không quên trong ngày đó là "con thương cha, con thương mẹ" khi họ ôm cha mẹ vào lòng. Ngày Lễ Vu Lan của Phật giáo Việt Nam cũng là ngày mà con cái biểu tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành, dù họ còn sống hay đã ra đi.
30/07/2024(Xem: 1070)
Lang thang, nơi đây có nghĩa là đi lang thang. Đức Phật đã dạy các nhà sư nên đi lang thang thế nào? Các bản tiếng Anh thường dùng chữ “wander” để nói về hành vi lang thang. Có phải đây chỉ là một ẩn dụ, không hoàn toàn có nghĩa là rời chùa để bước xuống phố, rồi đi từ làng này tới xóm nọ, từ tỉnh này tới tỉnh kia? Bất chợt, có một vài Phật tử ngộ nhận rằng phải đi lang thang mới là nhà sư chơn chánh. Bài viết này sẽ ghi lời Đức Phật dạy về cách lang thang chơn chánh của các nhà sư, không phải là một hành trình “đường bộ” mà phải là một hành trình về tâm.
26/07/2024(Xem: 1222)
佛 號 彌 陀 法 界 藏 身 隨 淨 處 現 國 名 極 樂 寂 光 真 境 在 玄 心 開 Phật hiệu Di Đà Pháp giới tàng thân tùy xứ hiện Quốc danh Cực Lạc tịch quang chơn cảnh cá trung huyền
22/06/2024(Xem: 2018)
Bộ hành là bước đi của chân. Nơi đây, trong bài này, chỉ có ý nói rằng xin mời gọi bước đi của tâm: khuyến tấn cả nước cùng nhau bộ hành theo dòng Kinh Phật, cùng tập thói quen đọc kinh, suy nghĩ về kinh, để tâm hướng theo lời kinh dạy, và hàng ngày hãy làm như thế trong những điều kiện có thể của từng Phật tử, từng ngôi chùa. Nói theo chữ cổ, hàng ngày hãy tự xem hành động đọc, nghĩ, và làm theo lời Phật dạy cũng là một hạnh đầu đà. Nếu chúng ta đi bộ bằng chân, độ dài chỉ có thể đo bằng kilômét trong lãnh thổ Việt Nam. Trong khi, nếu chúng ta bước đi bằng tâm, hàng ngày mở trang kinh ra, để đọc, để nghĩ và để làm – thì độ dài của kinh và luận sẽ là nhiều ngàn năm, trải rộng cả Ấn Độ, Tích Lan, Trung Hoa, Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc châu… Và sẽ không làm cản trở giao thông của bất cứ ai, bất cứ nơi nào.
19/06/2024(Xem: 3012)
Khi nói tới chuyện trao truyền y bát, chỉ là sử dụng một kiểu ngôn ngữ ước lệ. Nơi đây, chúng ta muốn nói tới một thẩm quyền sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Nghĩa là, một thẩm quyền tối hậu để nương tựa. Khi dò lại kinh, chúng ta sẽ thấy câu chuyện phức tạp hơn. Vì có nơi Đức Phật nói rằng sau khi ngài nhập Niết Bàn, tứ chúng hãy chỉ dựa vào Chánh pháp. Kinh lại nói rằng tứ chúng chỉ nên dựa vào Kinh và Luật. Mặt khác, Đức Phật nói rằng có những kinh cần giải nghĩa (tức là, hãy nhìn mặt trăng, chứ đừng chấp vào ngón tay, và từ đây mở đường cho các bộ Luận và Kinh Đại Thừa). Có lúc Đức Phật chia đôi chỗ ngồi và trao y cho ngài Ca Diếp. Có kinh ghi lời Đức Phật trao pháp kế thừa cho ngài A Nan. Và có kinh ghi lời Đức Phật ủy thác quyền lãnh đạo cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Thế rồi, một hình ảnh thơ mộng từng được kể qua truyện tích Niêm Hoa Vi Tiếu, rằng Đức Phật lặng lẽ, cầm hoa lên, và ngài Ca Diếp mỉm cười. Tích này kể lời Đức Phật nói rằng ngài có một pháp môn vi diệu, không dự
24/03/2024(Xem: 2959)
Thành Kính Tưởng Niệm…. “Ngày Đức Phật nhập Đại Niết Bàn lúc 80 tuổi” Toàn bộ lời thuyết pháp lần cuối được ghi lại trong kinh Vừa căn dặn đệ tử tự là hòn đảo và tự thắp sáng chính mình, Vừa cô đọng, những điểm căn bản chính yếu trong giáo lý ! Phải luôn đi theo Chánh Đạo với BI, DŨNG, TRÍ !
16/01/2024(Xem: 3596)
Duy Thức Tam Thập Tụng, tác giả: tổ Thế Thân (316-396), dịch giả Phạn - Hán: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang (602-664), có tất cả 30 bài tụng, mỗi bài có 4 câu, mỗi câu có 5 chữ (mỗi bài có 20 chữ); trong đó có 5 bài tụng (100 chữ), thuộc phần Duy Thức Hạnh đã nêu rõ về 5 giai vị tu tập trong Phật Đạo. Đó là 5 giai vị với tên gọi là: Tư Lương vị, Gia Hạnh vị, Thông Đạt vị, Tu Tập vị, và Cứu Cánh vị. Năm giai vị này bao quát con đường tu tập đưa đến quả vị giải thoát cứu cánh trong đạo Phật. Bài viết sau đây chỉ là sự tổng hợp, góp nhặt, cảm nhận, suy luận có khi mang tính chủ quan từ những điều đã thu thập được nơi một số kinh luận, các bài giảng thuyết; các giai đoạn tu tập cũng chỉ được nêu ra một cách rất khái quát …nên chỉ có tính cách dùng để tham khảo.
19/06/2023(Xem: 8532)
Thời gian gần đây, dư luận nổi lên những ý kiến xoay quanh phát biểu của Thượng tọa Thích Chân Quang về việc đề nghị tổ chức UNESCO công nhận “sự giác ngộ của đức Phật là di sản văn hóa phi vật thể”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]