Nghệ sĩ tính là tính nghệ sĩ được thể hiện qua cung cách tư duy, diễn đạt, minh họa, ứng xử với tha nhân trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi người. Nghệ sĩ tính không phải là một đặc quyền hiếm có, chỉ dành riêng cho những cá thể biệt lệ, mà nó thẩm thấu, đượm nhuận, bàng bạc và lưu chuyển ít hay nhiều trong khắp dòng đời của từng nhân cách tại thế.
Một buổi chiều mùa xuân, tiết trời êm dịu, trên bước đường vân du hoằng hóa, Thế Tôn và A-nan, đệ tử thân cận nhất của Ngài, đang ngồi nghỉ mát trên bờ ruộng, nhác thấy một mục tử đã trọng tuổi, khổ người mảnh khảnh, nước da sạm nắng, nhưng có đôi mắt tinh anh với dáng đi thanh thoát, nhẹ nhàng, theo sau một bầy gia súc gồm cả bò, dê, cừu đang ăn cỏ dưới chân đê. Thế Tôn vỗ nhẹ vai A-nan, nói:
- A-nan, trông ông cụ mảnh mai nhưng cực kỳ cường tráng.
- Đúng vậy, bạch Thế Tôn, nhất là cái vẻ hồn nhiên tự tại của ông ta. Cứ nhìn cái roi ông vác trên vai với dáng đứng thênh thang giữa đất trời lộng gió thì rõ.
Ờ nhỉ! Và để bắt chuyện cho vui, Thế Tôn hỏi:
- Mục tử, ông là ai?
- Tôi là Dhaniya. Xin chào hai ngài.
- Mục tử, hình như ngươi có được niềm hạnh phúc thanh bình.
- Dạ không dám!… Có điều:
Cơm tôi đã nấu chínSữa tôi đã vắt xong
Trên bờ sông tôi ở
Cùng với vợ con tôi
Mái nhà lợp kỹ rồi
Trong nhà đèn sáng rỡ
Mưa rơi mặc mưa rơi.
Thế là tần số âm thanh mang tính nghệ sĩ đã được cộng hưởng, Thế Tôn mỉm cười đáp:
Ta đoạn trừ sân hận
Ta đốn phá mê lầm
Một đêm ta chờ đợi
Trên bờ sông mênh mông
Nhà ta không có mái
Lửa dục ta tắt rồi
Mưa rơi mặc mưa rơi.
Chất nghệ sĩ trong người như đang được xúc tác, Dhaniya tiếp:
Dê tôi không bị muỗi mòng
Cừu tôi mặc sức thong dong
Bò tôi đầy đồng gặm cỏ
Mặc cho mưa gió phũ phàng.
Thế Tôn nhìn Dhaniya bằng ánh mắt đồng điệu, đáp:
Ta đã làm bè kiên cố
Chống chèo đến cảnh niết bàn
Băng qua thác ghềnh tham dục
Đến được bến bờ thênh thang
Thuyền bè ta không cần nữa
Mặc cho mưa gió phũ phàng.
Dhaniya, với giai điệu hưng phấn, cất giọng:
Vợ tôi ngoan ngoãn vâng lời
Tiết trinh đức hạnh mấy đời phôi pha
Bao năm chung sống hài hòa
Nhân từ vui tính ấy là vợ tôi
Gần xa ai cũng mến người
Mưa rơi thì mặc mưa rơi sá gì.
Nồng độ thi hứng như được nhân lên theo cấp lũy thừa, Thế Tôn tiếp:
Tâm ta ngoan ngoãn vâng lời
Si mê ràng buộc nhiều đời gỡ xong
Bao năm tu tập tinh ròng,
Hiền hòa nhu nhuyến tâm ta sáng ngời
Khổ đau ác trược đoạn rồi
Mưa rơi thì mặc mưa rơi sá gì.
Dhaniya ra chiêu:
Tôi tự trả lương người giúp việc
Khẩu phần con cháu nhận nơi tôi
Không ai lên tiếng than hơn kém
Mặc sức mưa giăng ngập cả trời.
Thế Tôn phản đòn:
Ta không nô lệ cho ai cả
Đất trời lồng lộng ta thênh thang
Với ta không cần người nô lệ
Mặc sức mưa giăng trải hàng hàng.
Dhaniya lên giọng quả quyết:
Tôi có bò sữa, nghé tơ và bê con
Lại thêm một chó theo chăn chúng
Mưa gió hề chi mưa cứ mưa.
Thế Tôn cũng ngỏ lời xác tín:
Ta không bò sữa, nghé tơ và bê con
Cũng không có chó theo chăn chúng
Mưa gió hề chi mưa cứ mưa.
Dhaniya lập ngôn quyết liệt hơn:
Cọc nhọn đóng xuống đất
Mấy ai nhổ xem nào
Dây mới bện cỏ chắc
Trâu bò phá được sao
Mưa sa mặc mưa sa.
Thế Tôn liền thả giọng tối hậu:
Như chó bứt xiềng xích
Như voi phá xích xiềng
Vĩnh viễn ta đoạn tuyệt
Vào ra cõi ta bà
Mưa sa mặc mưa sa.
Ma vương, tên ác quỷ đang âm thầm theo dõi cuộc song thoại, nghe âm hưởng phản biện chan chát của Thế Tôn mà thấy ngứa gan, tím mật, bèn lên tiếng bênh vực Dhaniya với giọng điệu mỉa mai, châm chích nhưng cũng đầy ắp tinh chất thi hứng:
Có con sung sướng vì con
Có bò sung sướng vì bò
Sung sướng cho ai lắm của tiền
Người không tiền của khổ triền miên.
Chưa chắc!… Thế Tôn cười chúm chím, đáp:
Có con khốn khổ vì con
Có bò khốn khổ vì bò
Khốn khổ cho ai lắm của tiền
Người không tiền của sướng vô biên.
Bấy giờ Dhaniya nhìn Thế Tôn bằng ánh mắt quy ngưỡng. Ông quỳ rạp người đảnh lễ Ngài ba lần, rồi đưa tay vẫy chào A-nan và lùa đàn gia súc về.
Cuộc đối thoại mang tính nghệ sĩ giữa Dhaniya và Thế Tôn đã cho ta thấy hai quan điểm hạnh phúc trên đời: một là hạnh phúc tại thế, và hai là hạnh phúc xuất thế. Dhaniya có vợ đẹp con ngoan, nhà cao cửa rộng, ruộng vườn trù phú, gia súc chật chuồng, lúa khoai đầy lẫm, nên dù cho mưa bão sấm sét cũng chẳng khuấy động được tâm hồn của người đang tận hưởng vinh hoa phú quý. Ông đã bày tỏ tâm trạng thực sự an lành, hạnh phúc của mình qua ngữ điệu thi vị theo đà hưng phấn.
Thế Tôn thì ngược lại, vô sản thuần túy, có được căn nhà ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhưng không có mái, tức là có thân tướng giả hợp nhưng không còn vô minh và phiền não tác hại, nên Ngài đã tận hưởng được niềm hạnh phúc siêu việt như lời xác quyết dưới cội Bồ đề khi vừa đạt đạo:
Lang thang bao kiếp sốngTa tìm kẻ xây nhà
Tìm mãi vẫn không ra
Nên luân hồi đau khổ
Hỡi kẻ làm nhà kia
Ta thấy mặt ngươi rồi
rui mè đòn dông gãy
Ngươi hết làm nhà thôi
Tâm ta chừ tịch tịnh
Tham ái dứt bặt rồi.
(PC. 153, 154)
Ngoài nội dung tư tưởng và phong cách nghệ sĩ thuộc kiểu ngẫu hứng thượng thừa, điểm thú vị nữa là Thế Tôn đã cho ta thấy cái mà ngôn ngữ đương đại gọi là nguyên tắc “phản biện” thì thuật ngữ thiền môn gọi là “đối trị tất đàn”, tức là sử dụng những phương tiện có thật, tất yếu trên diễn đàn trái đất này để luận giải và minh chứng sự thật. Tất đàn (siddharta) có nghĩa là thành tựu. Thế Tôn đã giúp cho Dhaniya thành tựu biện chứng và thấy rõ bản chất của cái gọi là hạnh phúc tại thế, và hạnh phúc xuất thế. Ngay cả tên ác quỷ cũng được Ngài khai hóa theo nguyên tắc “đối trị” này.
Tóm lại, theo nhãn quan thông thường, có nhiều tài sản, gia súc và con cái là có hạnh phúc. Đối với Thế Tôn, tài sản, gia súc và con cái là nhửng biểu tượng ẩn dụ, chỉ sự ràng buộc, aí nhiễm và phiền não. Nhưng suy cho cùng, dù tại thế hay xuất thế, hạnh phúc vẫn là hương liệu quý hiếm, sưởi ấm lòng người, tăng trưởng nghị lực, và dẫn đến thành tựu đạo nghiệp, như lời lục tổ Huệ Năng:
Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích bồ đề
Hiệp như cầu thố giác.
Tạm dịch:
Phật pháp chan hòa khắp thế gian
Chẳng xa trần thế chứng niết bàn
Xa rời cuộc lữ cầu chánh giác
Như tìm sừng thỏ giữa nhân gian.
Mong sao tinh thần nghệ sĩ và thiền vị thi ca lúc nào cũng rạng rỡ trong lòng người con Phật.
(Tịnh Minh, đã đăng trong tuần báo Giác Ngộ, số 311, ngày 12-1-2006. Mừng Xuân Mới Bính Tuất, 2006)
Những vần thơ đối thoại trên được trích từ ấn phẩm Cuộc Đời Đức Phật, Tịnh Minh dịch.