Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lược Sử Cuộc Đời Đức PhậtThích Ca (thơ)

25/08/201502:06(Xem: 4138)
Lược Sử Cuộc Đời Đức PhậtThích Ca (thơ)

Buddha_1

LƯỢC SỬ
CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA

Giáng phàm
            Cung trời Đâu Suất giáng phàm
Sanh vào Tịnh Phạn, Cồ Đàm vương gia
            Chánh Thái tử Sĩ Đạt Tha
Sống trong điện ngọc tháp ngà an vui
            Nhưng lòng Thái tử không nguôi
Hằng luôn suy gẫm thân người mong manh
            Du ngoạn ngoại thành
            Giải khuây dạo bốn cửa thành
Người già run rẩy thân hình kém suy
            Người bịnh ốm yếu sầu bi
Người chết lạnh ngắt thân gầy xanh xao
            Thân nhân than khóc kêu gào
Giàn thiêu hỏa táng xiết bao đau lòng

Hồi cung
            Vội truyền xa giá hồi cung
Một mình riêng chốn thơ phòng thở than
            Tử sanh nỗi khổ vô vàn
Bịnh suy già chết ngổn ngang muộn phiền
            Cung Vui bên cạnh vợ hiền
Không khuây tấc dạ lòng riêng âu sầu
            Du dương nhạc khúc đêm sâu
Dịu dàng điệu múa đủ màu áo xiêm
            Sắc hương đầm ấm êm đềm
Chẳng say dục lạc càng thêm não nùng
            Nỗi buồn canh cánh bên lòng
Thâu đêm suốt sáng bồn chồn chẳng yên

Dạo chơi cửa Bắc
            Nắng lên trải bóng trước thềm
Vườn xuân hoa nở chim chuyền hót ca
            Vào triều xin phép vua cha
Dạo chơi chuyến nữa được ra ngoại thành
            Vội truyền xa giá tiễn hành
Tiến ra cửa Bắc lộ trình xuất du
            Bình minh cảnh trí thanh u
Gió reo chim hót vi vu rì rào
            Cảnh vui lòng vẫn héo xào
Bên đường dân chúng mừng chào hoan hô
            Nắng hồng rực rỡ vừng ô
Xanh tươi hoa cỏ điểm tô dặm ngàn

Hạnh ngộ
            Xa trông thoáng bóng y vàng
Sa Môn trì bát nghiêm trang thiền hành
            Truyền cho xa giá tiến nhanh
Xuống xe Thái tử thân nghinh bái chào
            Khiêm cung thưa hỏi đạo mầu
Lắng nghe Pháp yếu thâm sâu tuyệt vời

Pháp yếu – Bốn khổ
            Chúng sanh vạn vật muôn loài
Sanh già bịnh chết kiếp người mong manh
            Dẫu cho tuyệt đỉnh quyền hành
Không ai tránh khỏi tử sanh vô thường
            Sớm còn tối mất tai ương
Xuôi tay nhắm mắt sắc hương còn gì?
            Tình thù ân oán tham si
Thọ vô lượng khổ lâm ly lệ sầu
            Huyễn hư cõi mộng trần lao
Lánh dòng tục lụy đạo mầu xuất gia

            Hạnh xuất gia
            Chim lồng chắp cánh bay xa
Rừng xanh động thẳm làm nhà ẩn tu
            Hành thiền khổ hạnh công phu
Đèn tâm rọi sáng trí ngu tỏ tường
            Giác ngộ lý đạo chơn thường
Xa lìa ngũ dục dứt đường tử sanh
            Cứu đời độ chúng hàm linh
Là chân hạnh phúc trọn lành an vui

            Quyết chí xuất gia
            Tạ từ thâm cảm ơn người
Mừng nay lãnh hội một thời Pháp hay
            Đạo Sư chỉ thẳng đường ngay
Hướng đi đã rõ duyên may phỉ nguyền
            Phút giây tan hết ưu phiền
Hồi cung vội vã tới liền gặp cha
            Quỳ tâu: “Con nguyện xuất gia
Lòng con chí quyết rời xa cung đình
            Xả thân tìm đạo tu hành
Độ đời vượt thoát tử sanh khổ nàn”
 
            Vua nghe thảng thốt bàng hoàng
Nghẹn ngào đau xót hai hàng lệ rưng
            “Con nay đang độ thanh xuân
Vội chi nỡ bỏ nửa chừng tuổi xanh
            Con đường gian khổ tu hành
Dễ đâu tìm đạo mà đành dấn thân
            Con là gia bảo quốc trân
Thương cha con hãy dành phần cho cha
            Thân con là của quốc gia
Ngai vàng truyền nối thay cha trị vì
            Vợ hiền, con trẻ, cung phi
Toàn dân mong đợi một vì minh quân
            Con nên bảo trọng lấy thân
Vì nhà, vì nước cho dân yên lòng”
 
            “Lời cha thật rất chí công
Nhưng con đã quyết thì không đổi dời
            Bởi thương tất cả muôn loài
Nên con phát nguyện vì đời dấn thân
            Quyết tìm cho rõ nguyên nhân
Sanh già bịnh chết kiếp trần khổ đau
            Dứt trừ bốn khổ dễ nào
Không đi tìm đạo làm sao cứu đời
            Phụ Vương chịu hứa một lời
Khỏi già bịnh chết con thời chẳng đi
            Bằng không xin lượng từ bi
Cho con được sớm ra đi như nguyền”

Cung Vui
            Vua nghe xiết đỗi ưu phiền
Phòng vệ nghiêm mật lịnh truyền ban ra
            Giữ chân Thái tử lại nhà
Tuyển thêm mỹ nữ cung nga dịu dàng
            Dựng thêm vũ khúc ca xang
Cung Vui lạc thú sáo đàn du dương
            Thức ngon quý hiếm vẫn thường
Tiệc bày mỹ vị sắc hương ngạt ngào
            Không vui lòng vẫn âu sầu
Chỉ toan chờ dịp ngày nào thoát ly

Ra đi
            Giờ đã đến, phút ra đi
Tiệc vui đã mãn cung vi im lìm
            Vợ hiền cùng trẻ ngủ yên
Âm thầm giã biệt buông rèm từ ly
            Trăng vàng thắp sáng lối đi
Mật truyền Xa Nặc kíp thì thắng yên
            Ngựa Kiền Trắc lướt trăng xuyên
Phóng nhanh lặng lẽ thỏa nguyền ước mơ
 
            Trăng treo còn phủ sương mờ
A Nô Ma đã vượt bờ sang sông
            Chân trời vừa rạng hừng đông
Vầng ô phút chốc nắng hồng chói chang
            Rừng xanh bát ngát mây ngàn
Tới đây đã đúng con đường ta đi
            Tìm đạo quyết chí tu trì
Tóc xanh cắt bỏ xả ly huyễn trần
            Gươm vàng vật báu tùy thân
Y trang mọi thứ chẳng cần món chi
 
            “Này, Xa Nặc chớ sầu bi
Với cùng Kiền Trắc đã vì giúp ta
            Kíp mau về sớm Hoàng gia
Dâng gươm vật báu những là y trang
            Khải tâu cùng với Phụ hoàng
Rằng ta ẩn chốn rừng hoang tu hành
            Bao giờ đạo quả viên thành
Hồi triều tái hội độ sanh cứu nàn
            Nay xin bái biệt Phụ hoàng
Gia Du, con trẻ cùng hàng bá quan”

Chia tay
            Xa Nặc giọt lệ tuôn tràn
Cũng như Kiền Trắc vô vàn xót xa
            Ôm chân Thái tử thiết tha
Phút giây lâm biệt thật là bi thương
            “Xa Nặc! Thôi hãy lên đường”
Quay lưng xay mặt trao cương giục về
            Lạy từ lui bước nặng nề
Rừng xa ngoảnh lại ủ ê tấc lòng
            Kiền Trắc hý vọng thinh không
Vùng vằng chẳng chịu ruổi dong dặm dài
            Rừng xanh khuất dạng ngàn cây
Nắng lên đứng bóng chân mây xa vời...

Tìm Thầy học Đạo
            Chim bằng mõi cánh tung trời
Tìm Thầy học Đạo khắp nơi núi rừng
            Danh Sư lắm bậc lẫy lừng
Thảy đều tìm tới dừng chân thỉnh cầu
            Theo Thầy học Đạo chẳng lâu
Nghe qua đã tỏ lý mầu quán thông
            Băn khoăn luống chẳng thỏa lòng
Đâu là chơn lý hằng mong giải nàn
            Còn già bịnh chết vương mang
Chúng sanh còn mãi vô vàn khổ đau...
 
            Tạ Thầy lui ẩn rừng sâu
Gặp năm bạn đạo rủ nhau tu hành

Khổ hạnh
            Sáu năm khổ hạnh tinh thành
Sức cùng lực kiệt xanh xao gầy gò
            Khó mong tìm rõ nguyên do
Pháp này chẳng thể giúp cho được gì
            Hành thân ép xác ích chi
Quyết tìm chơn lý tư duy đạo mầu
            Tự mình quyết chẳng nương cầu
Chia tay năm bạn rừng sâu giã từ
            Khổ già bịnh chết quyết trừ
Sao cho thành tựu được như ý nguyền
 
            Nhiều năm khổ hạnh ngồi yên
Thân gầy nhơ bẩn phải nên tẩy trần
            Bến sông xuống tắm khỏe dần
Đứng lên bỗng thấy bần thần ngã xiêu
            Cố vùng gượng dậy thở đều
Bước lê lần tới bồ đề gần bên
            Dưới cây bóng mát tọa thiền
Thệ chưa đắc đạo một nguyền chẳng ly
 
            Xa nghe dường có bước đi
Một cô mục nữ việc gì tới đây
            Thì ra tới viếng Thần Cây
Sanh con mãn nguyện bé trai an lành
            Cúng dâng bát sữa chí thành
Lạy Thần lễ tạ ơn ban cao dài
            -“Rằng ta chẳng phải Thần Cây
Là người khất sĩ tới đây tọa thiền
            Lành thay! Trọn đủ thắng duyên
Đây là bát sữa đầu tiên thọ dùng
            Cảm niệm công đức vô cùng
Hồi hướng tất cả cho chung mọi loài”
            -“Cúng dường con nguyện mỗi ngày
Cúi xin Thánh Đức ở đây tu hành”
 
            Bồ đề bóng cả cây xanh
Nơi đây Thái tử thực hành chí tu
            Tham thiền nhập định công phu
Nhận ra kiếp sống lao tù khác chi
            Giam thân cảnh khổ già suy
Đam mê ngũ dục tham si oán hiềm
            Gây nhân tạo nghiệp ác duyên
Luân hồi sanh tử oan khiên nhiều đời

Giác Ngộ
            Tư duy thiền định chẳng lơi
Sáng bừng trí tuệ rõ bày cội nguyên
            Quán thông vạn Pháp cơ huyền
Rõ đường sanh tử vọng duyên huyễn trần
            Sanh già bịnh chết huyễn thân
Vô thường bốn khổ nguyên nhân dứt trừ
            Rõ nguồn chơn lý nhứt như
Trở về bổn giác cũng từ nơi đây
            Đắc thành đạo quả cao vời
Cơ duyên hóa độ cứu đời thong dong
 
            Cõi ma rúng động hãi hùng
Giữa đêm gây bão chuyển rung núi rừng
            Tập trung thiền quán dững dưng
An nhiên tĩnh tọa sáng bừng hào quang
            Thiên ma hoảng hốt kinh hoàng
Tấn công ma chúng sẵn sàng cung tên
            Làn tên vun vút bắn lên
Tới nơi rơi xuống biến liền hoa sen
            Hung hăng ma chúng tức điên
Bàn nhau bày chước ươn hèn khơi trêu
            Khiến bầy ma nữ yêu kiều
Lõa thân ca múa gợi khêu dục tình
            Lần này lộ rõ nguyên hình
Vô cùng nhục nhã bãi binh rút về
            Quân ma thảm bại não nề
Ma Vương dưới cội Bồ Đề hỏi thưa:
            -“Ngài đây thần lực có thừa
Nhưng mà đạo quả ắt chưa dễ thành
            Lấy gì mà để chứng minh
Làm sao chấm dứt tử sanh cứu đời?”
 
            -“Đất này từng đã là nơi
Trải qua nhiều kiếp chứng lời của ta
            Thệ rằng độ chúng hằng sa
Thành tựu công đức truy ra lý mầu
            Con đường chấm dứt khổ đau
Thoát ra khỏi chốn trần lao hiểm nàn
            Chúng sanh đồng được an nhàn
Hưởng vui hạnh phúc dứt đường tử sanh
            Chứng nhân đây cõi đất lành
Xả thân ta đã tu hành nơi đây
            Viên thành đạo quả hôm nay
Ngộ ra chơn lý chẳng sai lời nguyền”

Thành Đạo
            Ma Vương lặng lẽ rút êm
Không còn quấy nhiễu bóng đêm tan dần
            Trời quang trăng tỏ sáng ngần
Rừng đêm thanh tịnh lâng lâng gió ngàn
            Sao mai vừa rạng ánh quang
Niềm vui hạnh phúc dâng tràn tâm tư
            Vô minh tạp niệm dứt trừ
Đã thành Chánh Giác lòng từ độ sanh
            Con đường Trung Đạo thực hành
Thân tâm an lạc đêm thanh xả thiền
 
            Nắng lên soi sáng rừng thiêng
Khắp nơi hoa nở chim chuyền hót ca
            Mừng Thái tử Sĩ Đạt Tha
Đã thành Phật, cõi Ta Bà hóa duyên
            Độ cho khắp cả nhơn thiên
Đạo Sư dìu dắt khỏi miền tử sanh
            Tứ Diệu Đế bốn Pháp lành
Cùng Bát Chánh Đạo thực hành pháp tu
            Chẳng còn nặng kiếp phàm phu
Mười Hai Duyên mở trí ngu sáng bừng

Chuyển Pháp Luân
            Lần đầu Phật chuyển Pháp Luân
Vườn Nai tìm tới bạn từng khi xưa
            Đồng tu khổ hạnh vốn chưa
Nay đà giác ngộ Phật Thừa truyền cho
            Rõ nguồn sanh tử duyên do
Khêu đèn Trí Huệ mở kho bảo tàng
            Lãnh ngộ giáo pháp lời vàng
Khắp nơi truyền bá Tăng đoàn dựng lên
            Thực hành Trung Đạo cơ duyên
Pháp Luân thường chuyển trống rền âm vang
            Bốn chín năm khai đạo tràng
Chánh Pháp tồn tại mấy ngàn năm qua
            Bổn Sư Từ Phụ Thích Ca
Niết-Bàn nhập diệt tuổi đà tám mươi
 
            Phật thừa chơn lý sáng soi
Truyền sang Đông Độ khắp nơi xa gần
            Ngày nay thế giới thấm nhuần
Đạo mầu giải thoát dứt lần khổ đau
            Xả ly ngũ dục phần nào
Diệt tham si ái trở vào nội tâm
            Quán soi xóa bỏ lỗi lầm
Tự mình thắp đuốc tự tầm hướng đi
            Đạo Giác Ngộ, đức Từ Bi
Tình thương, Trí Huệ độ vì chúng sanh
            Ban vui cứu khổ Pháp lành
Vâng lời Phật dạy tâm thành học tu
            Chánh Pháp trụ thế dài lâu
Đáp đền ơn Phật con nào dám quên
 
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
 
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Viên Huệ
Phật Đản 2637, 2013
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/10/2010(Xem: 6821)
Người ta luôn hỏi câu này, Phật đã đi đâu và hiện nay ngài đang ở đâu? Đây là một câu hỏi rất khó trả lời cho những ai không có một sự tu tập về đời sống tâm linh. Bởi vì người đời thường nghĩ về cuộc sống theo cách của thế gian. Họ khó có thể hiểu được khái niệm một vị Phật. Vài nhà truyền giáo nào đó tiếp cận các Phật tử và nói rằng Phật không phải là một vị thần mà chỉ là một con người. Ngài đã chết và không còn nữa. Vậy thì làm sao người ta có thể tôn sùng một người cũng đã chết? Những chúng ta phải hiểu rằng, Đức Phật được tôn xưng là Thiên Nhân Sư, vị thầy của chư thiên và loài người. Bất cứ khi nào chư thiên có gặp khó khăn, họ đều gặp ngài để xin lời khuyên. Thế rồi họ nói rằng vị chúa tể của họ vẫn hằng sống, và đó là lý do tại sao người người cầu nguyện với Ngài.
06/10/2010(Xem: 2727)
Đức Phật tướng hảo trang nghiêm, kim dung từ bi, hàng sơ học chỉ có thể dựa vào thánh tượng mới có thể nhận thức được Phật. Chủng loại thánh tượng của Đức Phật rất nhiều...
03/10/2010(Xem: 2429)
Ngài luôn luôn cổ súy tinh thần tự lực của mỗi người để tìm lấy sự giải thoát cho chính mình và điều này như là một sợi chỉ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống giáo lý của Phật...
30/09/2010(Xem: 2982)
Tiếng Phạn Sarìra, PàliSarìra có nghĩa làtử thi, di cốt:dịch ý là thể, thân, thân cốt, di thân.Thông thường xá lợi dùng để chỉ cho di cốt của Phật, nên gọi là Phật cốthay Phật xá lợi.Chữ này về sau cũng dùng để chỉ cho phần xương đầu của các bậc cao tăng sau khi viên tịch hỏa thiêu còn lại. Hơn nữa, bảo tháp dùng để tôn trí xá lợi của Phật gọi làTháp xá lợi; nơi an tri bình xá lợi của Phật gọi là Bình xá lợi; Pháp hội cúng dường xá lợi Phật gọi làHội xá lợi.
29/09/2010(Xem: 5847)
Ngoài việc nói pháp đúng đối tượng nghe, Thế Tôn còn nói pháp đúng thời và đúng chỗ, khiến cho tác dụng của thời pháp được tăng thêm hiệu quả.
25/09/2010(Xem: 10197)
Theo lời đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật chỉ dạy trong kinh A Di Đà, cách thế giới Ta-Bà của chúng ta 10 muôn ức cõi Phật về hướng Tây rất xa, có một thế giới tên là Cực Lạc, Đức Phật giáo chủ cõi đó làPhật A-Di-Đà hiện đang thuyết pháp độ sanh. Đức Phật A Di Đà là một ngôi giáo chủ trên cõi LạcBang, oai đức không cùng, thệ nguyện rất lớn, mở môn phương tiện, độ kẻchúng sanh ra khỏi Ta bà đem về Tịnh độ.
22/09/2010(Xem: 13045)
Cuộchành trình miên viễn của kiếp sống trầm luân sáu nẻo luân hồi đã thôithúc rất nhiều người đi tìm những phương pháp để thoát ly khổ não. Hạnh phúc và khổ đau là hai thực trạng của cuộc sống mà con người luôn đề cập tới. Nhưng để biết được hạnh phúc là gì thì con người phải trực nhận ra được bản chất của khổ đau như thế nào rồi mới bàn tới phương pháp giải quyết khổ đau... Sau khi nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên, đức Phật dùng tri kiến thanh tịnh quan sát khắp cả thế giới. Bằng tuệ nhãn, Ngài thấy chúng sanh có nhiều căn tánh bất đồng...
17/09/2010(Xem: 5159)
Trung đạo (madhyamŒ-pratipad) là con đường tránh xa hai cực đoan: hưởng thọ dục vọng và tu tập khổ hạnh, nó là kinh nghiệm rút ra từ bản thân của Ngài, sau khi sống hưởng thụ trong hoàng cung, và trải qua 6 năm tu khổ hạnh, nhờ con đường này mà Ngài thành đạt giác ngộ và giải thoát dưới cội cây Bồ đề.
17/09/2010(Xem: 2414)
Sau khi Thái tử Tất-Đạt-Đa đản sinh, vua cha Tịnh-Phạn triệu tập các vị tinh thông tướng số đến tiên đoán vận mệnh cho Thái tử. Các vị xem tướng xong, đồng tâu lên rằng: “Thái tử có đủ 32 tướng tốt của một Bậc Đại nhân, thật hiếm có trên đời.Đây là những dấu hiệu báo trước Ngài sẽ là Bậc vĩ nhân đệ nhất trong thiên hạ. Nếu Ngài làm vua, sẽ là vị Chuyển luân Thánh vương; nếu xuất gia tu hành, Ngài sẽ là Bậc Đại Giác Ngộ”... Kinh Phạm Võng Trường Bộ tập I, Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo, thân của Như-Lai còn tồn tại, nhưng cái khiến đưa đến một đời sống khác đã bị chặt đứt.
10/09/2010(Xem: 59815)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]