Nam mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ
Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học bài thứ 129 về Đệ thập nhị Tổ Mã Minh. Ngài Mã Minh rất làu thông kinh Vệ Đà, Ngài nghe nói có vị thánh tăng đến thành phố Ba La Nại (gần vườn Lộc Uyển nơi Đức Thế Tôn chuyển bánh xe pháp luân, độ năm đệ tử đầu tiên xuất gia ). Ngài Mã Minh muốn đến gặp để chất vấn ngài thánh tăng này (tổ thứ 11, Phú Na Dạ Xa):
Ngài Mã Minh hỏi: Làm sao biết Phật?
Tổ Phú Na Dạ Xa đáp: Không biết là biết Phật.
Ngài Mã Minh hỏi: Không biết làm sao biết là Phật?
Tổ Phú Na Dạ Xa đáp: Không biết làm sao biết không phải là Phật.
Ngài Mã Minh nói: Nghĩa của Tổ là nghĩa cưa.
Tổ Phú Na Dạ Xa nói: Nghĩa của đệ tử là nghĩa cây.
Tổ Phú Na Dạ Xa nói tiếp: Thế nào, đệ tử nói nghĩa của tôi là nghĩa cưa?
Ngài Mã Minh đáp: Vì Tổ nói qua nói lại như cưa vậy.
Ngài Mã Minh nói tiếp: Thế nào Tổ nói nghĩa của tôi là nghĩa cây.
Tổ Phú Na Dạ Xa đáp: Vì cây bị cưa vậy. Thế nghĩa của con bị tôi phá rồi.
Ngài Mã Minh ngộ đạo, sụp lạy Sư Phụ và cầu xin xuất gia tu học, Tổ hoan hỷ tiếp nhận, về sau Tổ đã truyền tâm ấn chứng cho Ngài Mã Minh trở thành vị Tổ thứ 12.
Tổ Mã Minh (Asva-ghosha ), ra đời ở thành Ba La Nại cuối thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch (khoảng 600 năm Phật vào Niết bàn), Ngài là nhà thơ, nhà văn và là 1 luận sư lừng danh của PG Đại thừa.
Ngài Mã Minh là một trong bốn vị luận sư Đại thừa nổi tiếng của Ấn độ (3 vị kia là Ngài Long Thọ, Ngài Vô Trước, Ngài Thế Thân).
Ngài để lại 10 tác phẩm cho đời, trong đó nổi tiếng là "Đại thừa khởi tín luận" tác phẩm phá tà hiển chánh, mở màn cho PG Đại Thừa và tập Trường Thi "Phật Sở Hành Tán" 1 tập thơ với 9000 câu viết về cuộc đời của Đức Thế Tôn, đây là tác phẩm văn học tiếng Phạn đầu tiên của Phật Giáo.
Sau khi được truyền pháp, Ngài đến Hoa Thị thành để giáo hoá.
Một hôm, đang lúc giảng pháp, có ngoại đạo đến phá khiến trời sấm sét, Ngài dùng thần thông, chỉ tay lên trời thì có một con rồng vàng xuất hiện, sau đó bầu trời yên tịnh.
Tuần sau, Ngài đang nói pháp có một con sâu dưới chỗ ngồi, Ngài bắt con sâu ra và con sâu hiện nguyên hình, một người tướng mạo rất đẹp. Vị này khai là người ngoại đạo, có ngũ thần thông, hóa thành con sâu để đến nghe trộm pháp, ông có thể biến ra đại dương bao la.
Tổ bảo ông hoá ra tánh biển, vị này không làm được. Tổ khai thị rằng "Tánh biển là núi sông đất đá, đều y cứ nơi đó mà sanh ra, tam muội lục thông cũng từ nơi ấy mà phát hiện ".
Sư Phụ giải thích "tánh biển" là "Tỳ Lô Tánh Hải", ví cho Phật tánh, chơn tâm, Như lai tạng... mọi thứ từ nơi đó mà lưu xuất.
Vị Ngoại đạo nghe pháp ấy, liền khởi lòng tin mạnh mẽ, cùng ba ngàn đệ tử đến xin Tổ xuất gia.
Tổ Mã Minh cung thỉnh 500 vị A La Hán đến truyền giới cho chúng đệ tử ngoại đạo này.
Tổ khai thị cho giới tử : " Thân tâm phải buông bỏ tất cả tà kiến trước đây để nhận giới pháp". Sư phụ có giải thích giới tử đắc giới thể phải hội đủ 3 điều kiện như sau:
1- giới đàn trang nghiêm
2- giới sư thanh tịnh (Giới đàn này có đến 500 vị A La Hán)
3- giới tử phải chí thành tha thiết cầu đạo để đắc giới thể.
Vị đệ tử ngoại đạo tên là Ca Tỳ Ma La chí thành tha thiết thọ giới pháp và lập tức được đắc giới thể. Trong giới đàn, tự thân ông có hào quang phát ra và hương thơm của giới lan tỏa ngào ngạt khắp giới đàn.
Ngay lúc đó, Tổ Mã Minh truyền pháp ấn chứng cho ngài Ca Tỳ Ma La làm Tổ thứ 13 với bài kệ:
"Ẩn hiện vốn pháp này,
Sáng tối nguyên không hai,
Nay truyền pháp liễu ngộ,
Không lấy cũng chẳng bỏ".
Truyền pháp xong, Tổ Mã Minh nhập định, viên tịch và lưu lại kim cang thân để chúng đệ tử tôn thờ.
Tổ để lại câu kệ rất sâu đậm nhưng rất đơn sơ với thông điệp "Không lấy cũng chẳng bỏ " (Phi thủ diệc phi khí). Nghĩa là: muốn giải thoát phải vượt lên trên nhị biên, chấp ngã, chấp pháp, chấp có, chấp không, chấp thường, chấp đoạn. "Không lấy" sau khi giác ngộ nên để lại chiếc bè bên bờ sông, chứ không cố giữ bên mình; "không bỏ" là dành cho đệ tử chưa giác ngộ, phải bám lấy giới pháp để mà tu mà chứng đắc.
Con kính tri ơn Sư Phụ mỗi ngày kiên trì ban truyền pháp thoại về chư vị tổ sư, rất kỳ đặc và siêu tuyệt, truyền ấn pháp diễn đạt Tâm Phật trong sáng thanh tịnh hằng luôn có trong tất cả chúng sanh, là nguồn tâm vô giá trong tự thân, để thoát ra khỏi biển khổ sanh tử luân hồi.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).
Không biết thì làm sao
biết không phải là Phật ?
Con kính dâng Thầy bài thơ trình pháp về Tổ Mã Minh ...
Ngài quá lỗi lạc nên chỉ biết tán dương và ngưỡng phục . Kính đa tạ Thầy lần thứ nhất con mới biết thêm
về thì phẩm Phật sở hành tán ..., biển pháp quá mênh mông, học hoài vẫn còn bao điều quá mới. Kính chúc sức khỏe Thầy , HH