Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nghiệp Nhân và Nghiệp Quả

01/10/202320:38(Xem: 1442)
Nghiệp Nhân và Nghiệp Quả
Phat thuyet phap-4


Nghiệp Nhân và Nghiệp Quả
Trần Thị Nhật Hưng


Nhiều Phật tử thường nói với nhau như một lời nhắn nhủ:  "Tiền tài danh vọng dù giàu nứt đố đổ vách, hằng tỉ đô la, siêu xe, dinh thự, quyền cao chức trọng...khi nhắm mắt xuôi tay chẳng mang được gì ngoài nghiệp“. Vậy nghiệp là gì, là quá trình trong cuộc sống dù vô tình hay cố ý, không chỉ kiếp này mà kể luôn những kiếp trước, những hành động dù thiện hay ác đều tạo nên nghiệp. Nghiệp tốt đến từ ý tưởng và hành vi tốt sẽ có kết quả tốt. Trái lại nghiệp xấu sẽ mang lại khổ đau. Đơn giản vậy thôi.

Tôi xin kể một câu chuyện sau đây, ngay trong cuộc sống này, không cần đâu xa để chứng minh hậu quả của sự tạo tác do nghiệp.

***

 Tôi có một người bạn thân, cùng xóm, cùng lớp tên Vân. Trước 1975, Vân là một tiểu thư con nhà giàu có hạng. Trong nhà đầy kẻ ăn người làm, nên hằng ngày cô chỉ ăn và học, không nhúng tay bất cứ công việc gì. Thế rồi vô thường 75 đến, như bao gia đình khác, gia đình cô cũng chới với, long đong. Cô nghỉ học chờ thời, tìm công việc gì có thể phụ giúp gia đình ít nhất là tự nuôi được bản thân để chia sẻ, khỏi quấy rầy cha mẹ đang khốn đốn vì thời cuộc.

Vốn có chút chữ nghĩa, dù Vân mới chỉ học qua bậc trung học, nhưng đối với xã  hội lúc đó, những tài năng tinh hoa của đất nước một số tìm cách cao bay xa chạy ra nước ngoài, hầu hết ở lại vào tù, còn sót lại đa số „người rừng“ vừa mới chui từ rừng ra thì trình độ học vấn của Vân được đánh giá có hạng. Lại thêm chính sách nhà nước tẩy chay thành phần „ngụy quân, ngụy quyền“ sa thải hết các giáo chức cũ lý lịch „không hợp thời“ ra khỏi ngành, khiến họ „mất dạy“, nhiều người phải ra chợ trời lăn lóc kiếm sống. Vân bỗng có giá, mặc dù gia đình cô thuộc tiểu tư sản nhưng không dính líu thành phần phản động nên cô được tuyển dụng cấp tốc, đào tạo trong vài tháng ra gõ đầu trẻ thay thế những giáo chức cũ.

Vân bỗng thành cô giáo bất đắc dĩ, dù công việc cô không hằng mơ. Nhưng Vân bị đày lên dạy vùng thượng du xa xôi khỉ ho cò gáy, nơi mà đêm đêm chỉ nghe ếch nhái, ểnh ương cất lên những lời nỉ non than thân trách phận.

 Vân chấp nhận ra đi, chỉ cần vài tem phiếu nhu yếu phẩm, với 18 ký gạo...mốc, và đồng lương chết đói vẫn trám sơ cái dạ dày luôn trống rỗng. Tại đây, nhân duyên đưa đẩy, Vân gặp được người trong mộng cùng chung cảnh ngộ. Chàng có trình độ cao hơn, tốt nghiệp đại học sư phạm ban Anh văn. Nơi xa xôi hẻo lánh, núi đồi lạnh lẽo, hai tâm hồn hòa hợp cần sưởi ấm cho nhau, thế là họ yêu nhau rồi kết hôn sau đó.

Cuộc sống tạm gọi yên ổn, đắp đỗi qua ngày. Sau nhiều năm chịu đựng khí rừng, nước độc, gian nan khốn khổ nơi miền núi, vợ chồng Vân được hạ sơn, quay về thành phố. Anh dạy tại một trường trung học. Còn chị tiểu học. Và họ hạ sanh được hai trai.

Chỉ với hai con và ngành nghề cao quí, nhưng cả hai không đủ sống với đồng lương căn bản eo hẹp, phải tìm cách mở lớp dạy thêm tại nhà, thay vì phải bán bánh kẹo cho học sinh tại lớp để kiếm thêm thu nhập như bao cô giáo khác. Thế nhưng công việc „dạy thêm“ lại trái với chính sách qui định của nhà nước nên lớp học tại nhà bị đóng cửa khiến kinh tế gia đình vốn eo hẹp càng khó khăn hơn. Anh buồn, chị buồn.

Bất lực trước cuộc sống bế tắc, chưa biết làm sao hơn, thế rồi... họa vô đơn chí, bất ngờ chị mang thêm cái thai thứ ba! Thông thường đây là một niềm vui cho gia đình, nhưng với anh chị lúc đó là một hung tin! Chị khóc, anh thở dài. Vì theo chính sách của nhà nước mỗi gia đình chỉ được hai con, vi phạm sẽ bị đuổi ra khỏi ngành. Phải giải quyết sao đây? Đó là câu hỏi anh chị ngày đêm điên đầu không sao tìm ra câu giải đáp. Mất việc là chết đói cả nhà! Cuối cùng, chẳng đặng đừng, anh chị quyết định phá thai!

 Ngày chị lên bàn nạo. Cái thai hơi lớn, bịnh viện cần xét nghiệm kỹ trước khi thực hiện. Chị được chuyển đến phòng chuyên môn. Không rõ đó là may hay không may, người xét nghiệm hôm đó vắng mặt, hẹn chị lại ngày khác. Chị về nhà với lòng nặng trĩu, trút tâm sự cùng mẹ và bị mẹ mắng: „Tiên sư bố mày. Có bầu thì phải đẻ. Phá thai là giết người, không ngóc đầu lên được đâu nhé!“. Thế là chị bỏ cuộc, ngậm ngùi nghĩ đến tương lai, nước mắt chị sợi vắn sợi dài thi nhau lã chã...!

Chị đến trường rụt rè thông báo. Thật may mắn cho chị, vì bấy lâu chị là cô giáo dạy giỏi, năng nổ, tinh thần trách nhiệm cao, từng đại diện cho trường dạy mẫu và có công rất nhiều cho nhà trường. Ngoài việc dạy học, chị còn có khả năng văn nghệ đặc biệt, tập cho học sinh những màn nhạc cảnh, vũ, thi với trường khác và mang về cho trường nhiều giải thưởng. Chị được ban giám hiệu trường cứu xét và lưu dụng. Không bị mất việc nhưng chị bị cảnh cáo, hạ thấp hai bậc lương, bị cắt thi đua và không được tăng lương trong vòng ba năm liền. Thôi thì, có còn hơn không. Chị cắn răng chấp nhận và thả đời buông xuôi theo số phận.

Với hai con ngày càng khôn lớn, kinh tế vợ chồng chị đã lao đao, nay thêm đứa thứ ba và đồng lương bị cắt giảm, cuộc sống càng lao đao. Những bữa cơm độn, rau mắm, thỉnh thoảng mới có tí thịt, cá theo tiêu chuẩn, anh chị đều nhường cho con. Chị đi dạy thường với cái bụng trống trơn, uống nước lã thay cơm, chị ốm tong ốm teo, như bộ xương cách trí. Chị buồn, anh còn buồn hơn. Nhưng chịu trận biết sao  giờ?! Một bài vè đã nói lên tình cảnh của các giáo chức:

Sớm mai kiểng đánh chi mời (chơi mì: chỉ ăn khoai mì)

Trưa thì giáo chức (dứt cháo)

Tối thì khen ông (không ăn)

 Một ngày, nhân dịp Tết Nguyên Đán, anh chị về quê thăm gia đình bên nội. Miền quê có những thú vui xuân, trong đó có trò chơi đá gà và cá độ ăn tiền. Anh chị cũng tham gia giải sầu, trước vui xuân, sau càng vui hơn khi có thêm tí tiền thắng độ. Những con gà đá thua, thương tích đầy mình, bị đem xẻ thịt, anh chị hân hạnh được mời tham dự bữa ngon. Không gì thân thiện quây quần quanh bàn nhậu, thế là từ đó anh chị vui vẻ kết thân với bạn đá gà.

 Rồi xuân qua, hạ đến...thời gian vẫn trôi, thờ ơ trước mọi nỗi gian lao của mọi người. Anh chị vẫn đói thiếu như lúc nào, vẫn cố gắng loay hoay tìm cách thay đổi cuộc sống. Những ngày cuối tuần hay những giờ nghỉ dạy, bạn chơi đá gà đâu bỏ quên anh chị. Họ rủ rê hướng dẫn và tạo điều kiện cho anh chị tham gia. Ban đầu chỉ giải trí, nhưng những ngày sau đó, tiền kiếm được dần dà còn nhiều hơn lương đi dạy. Thú vui chỉ một phần nhưng đa số đều là cơm gạo để mưu sinh, phần chơi không cần bỏ vốn. Ngay cán bộ công nhân viên hay công an cấp cao, cũng xách gà đi chọi, càng lúc càng đánh lớn, cá độ với nhau. Họ chơi bằng niềm tin, ai thua không có tiền chung thì chạy làng nóng, đợi thắng thì trừ hay khi có tiền đem trả thì được tham gia đá tiếp. Cứ thế, vợ chồng chị Vân say sưa lao vào những trận đá gà. Và dần dần họ trở thành chuyên nghiệp. Anh chị nghiễm nhiên có thêm nghề tay trái, thu nhập vững vàng, đời sống khả quan hơn.

Một lần từ Thụy Sĩ về thăm quê hương, tôi ghé thăm Vân. Nghe chị kể về đời sống bấy lâu, tôi chợt rùng mình. Là Phật tử đã được học qua đôi chút về giáo lý Bát Chánh Đạo, trong đó có Chánh NghiệpChánh Mạng. Phật dạy chọn nghề nghiệp chân chánh, tránh xa những nghề xấu ác hại người như buôn bán độc dược, thuốc giả...hoặc giết hại mạng sống như đồ tể, săn bắn, bẫy chim, lưới cá..v.v..tôi đắn đo suy nghĩ rồi thật lòng khuyên chị:

- Vân à, là cô giáo, Vân không nên tham gia trò chơi  đá gà, trông không mô phạm tí nào; chưa kể nhìn hai con gà đá nhau thương tích đầy mình, đau đớn biết chừng nào. Con gà bị thua trước khi chết còn nát mặt, gãy chân, bầm mình, có khi hộc máu, vãi phân... Hình ảnh đó tàn ác kinh hãi quá chắc chắn sẽ chiêu cảm nghiệp quả không hay, tốt hơn Vân nên từ bỏ sớm.

Vân cúi mặt, thở dài, nước mắt rươm rướm chực trào ra:

- Mình cũng biết vậy, nhưng đồng lương dạy học không đủ nuôi gia đình, mình biết làm sao hơn?!

Sau khi hết lời khuyên nhủ, tôi cũng đành chỉ biết bùi ngùi thở dài, cảm thông nỗi niềm của chị. Tại Việt Nam, kể từ sau 1975, rất nhiều người trí thức đã không còn đất sống vì bị xem rẻ, phải bương chải làm đủ mọi ngành nghề vất vả để kiếm sống. Những thầy cô giáo còn đứng trên bục giảng như vợ chồng Vân thì cũng chỉ giữ được chút hình thức mô phạm bên ngoài thôi, bởi đồng lương chết đói không đủ lo cho gia đình đã đẩy họ vào đường cùng, không có nhiều lựa chọn. Trong cảnh khốn khó như vậy mà tìm được một lối thoát thì dù chật hẹp bùn lầy họ cũng phải chấp nhận, quả thật khó lòng từ chối được. Cho nên tôi cũng biết những lời khuyên can của mình không thể có tác dụng nếu như không làm gì được để giúp đỡ thay đổi được hoàn cảnh sống của bạn. Tôi chỉ biết nói thêm đôi lời an ủi rồi đành thở dài ra về, sau khi biếu tặng chị chút tiền như món quà của người phương xa!

 

Bẵng một thời gian, tôi nghe tin chồng Vân bị tai nạn xe. Hai chiếc xe Honda đâm vào nhau, anh té xuống và bị gãy vai. Tại Việt Nam, tai nạn giao thông trên những con đường chen chúc là chuyện bình thường như cơm bữa, nên ai cũng cho là không gì quan trọng đáng lưu ý. Nhưng khi đứa con trai cả của chị cũng bị tai nạn giao thông, cũng hai xe Honda đâm vào nhau, con trai chị té xuống nát mặt, gãy xương quai hàm. Nghe tin, tôi chợt rùng mình nghĩ đến hình ảnh mấy con gà đá đáng thương chị hay kể... Chúng cũng là chúng sinh tham sống sợ chết, muốn có một cuộc sống an lành, biết yêu thương. Cứ nhìn gà mẹ ấp ủ và bảo vệ đàn gà con, ai bảo chúng không có tình cảm, chỉ tại chúng không biết...nói, nên chúng ta không hiểu thôi. Những con gà đá bị chết thê thảm, với thời gian, ai dám khẳng định, chúng không có oan hồn đem lòng oán hận „hùa“ nhau trả đũa để cho gia đình chị biết tay, nếm cái đau mà chúng từng phải chịu!

Rõ ràng sau đó không lâu, đến người con trai thứ hai của chị cũng bị tai nạn giao thông, tông ngay vào xe đổ rác, ngã lăn ra bất tỉnh và bị gãy tay phải bó bột...Nhưng như thế chưa đâu, một thời gian sau nữa, cậu con trai đó tiếp tục bị tai nạn, lần này bể mặt, gãy xương hàm phải  giải phẫu như người anh cả; chưa kể đến lượt chồng chị bị sốt thổ huyết, vãi phân suýt chết, chị mới sực tỉnh tin lời tôi nói. Nhưng chị vẫn than vắn thở dài:

- Mình cố gắng nuôi con bé thứ ba (con bé xém bị nạo thai) ăn học thành tài, đợi khi cháu tốt nghiệp xong đi làm có thu nhập, mình sẽ bỏ nghề đá gà!

Nhưng hỡi ơi, khi con bé gái của chị vừa hoàn tất xong việc học, thì chính chị bị gãy hai chân, thay hai khớp háng. Bấy lâu, chị vốn thiếu dinh dưỡng, xương loãng, mục, chỉ va chạm nhẹ đã tổn thương rất nặng.


 Đến lúc này, chị mới cảm nhận rằng cả nhà chị đều nhận lãnh nghiệp quả, phải chịu đau đớn như những con gà đá.

Cũng may, tuy làm đau khổ những con gà, nhưng nhờ anh chị không có ý niệm ác, không cố tâm hành hạ chúng; bất đắc dĩ vì hoàn cảnh tác động và do mưu sinh, chưa rõ nhân quả, nghiệp chướng, mới phạm phải mà thôi. Nay anh chị nhận ra, biết sám hối, tụng kinh, nên khi nghiệp trổ ra, vẫn còn chút nhân lành, tất cả đều được chữa trị kịp thời, và bình thường trở lại như không chuyện gì xảy ra.


Nay chị còn đứa bé gái nguyên vẹn, không chỉ riêng chị mà chính cháu cũng sợ nghiệp quả. Vợ chồng chị đã bỏ „nghề“ đá gà. Cả hai mẹ con bảo nhau học và tụng Chú Đại Bi theo lời tôi khuyên vì Chú Đại Bi là thần chú, ngoài tin và tụng, phải biết sám hối sống tốt thì thần chú mới linh nghiệm. Cầu mong đứa con gái chị nói riêng và cả nhà chị nói chung từ nay được bình yên!


Thưa các bạn, qua câu chuyện tôi kể, thì nghiệp quả chứng nghiệm có thật, chính do mình, dù vô tình hay cố ý tạo tác từ thân, khẩu, ý; tùy mức độ mà khi hội đủ nhân duyên, nghiệp sẽ trổ ra để nhận nhân quả.

Trần Thị Nhật Hưng





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/10/2010(Xem: 5910)
Giáo lý đạo Phật được xem là một nền giáo lý thực nghiệm, nhằm giải quyết những vấn đề về con người, đưa con người thoát khỏi những khổ đau trói buộc...
27/09/2010(Xem: 4531)
Không thể định nghĩa về Không, mà chỉ có thể gợi ý rằng Không không thể là đối tượng của tư duy ngã tính (nhị duyên), mà là thực tại như thực của sự thể nhập...
20/09/2010(Xem: 5197)
Đây là bốn phạm trù tâm thức rộng lớn cao thượng không lường được phát sinh từ trong thiền định khi hành giả tu tập trong tự lợi và, lợi tha khi đem chúng ra ban vui cứu khổ...
31/08/2010(Xem: 6532)
"Niệm Phật, niệm Pháp niệm tăng, nhằm tự nhắc nhở mình, không làm các việc ác, siêng làm các việc lành, tâm luân hướng thượng. Khi nhớ nghĩ đến ba điều cao thượng trên, các tâm lý bất thiện như tham, sân, si không có cơ hội phát sinh,các ý niệm thuần thiện sanh khởi,hiện tại sống an lành, chân chánh." (Kinh Trung Bộ).
28/08/2010(Xem: 5650)
Ngay cả trong thời đại văn minh khoa học, xã hội phát triển theo xu hướng hội nhập toàn cầu, thì định hướng trung tâm của tính cách con người vẫn có phần thuộc đời sống hướng nội và phần thuộc đời sống hướng ngoại mà Phật giáo Thiền gọi là nội quán và ngoại quán, bao gồm trong Tứ niệm xứ với các đề tài thiền quán về thân, thọ, tâm, và pháp, theo đó, thân thì bất tịnh, thọ mang lại khổ đau, tâm thì vô thường, và pháp vốn vô ngã. Từ các pháp quán, con người có thể đứng về mặt nhận thức luận để biết bản chất cuộc đời, rồi từ đó, đứng về mặt đạo đức học, con người có những hành động phù hợp với nhận thức.
27/08/2010(Xem: 10467)
Theo quan kiến của các luận sư Phật học, kinh điển của Phật giáo Đại thừa, thì phần văn lý hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa và linh hoạt như: các bộ Kinh Hoa Nghiêm, Duy Ma, Pháp Hoa… được xây dựng trên tinh thần phát triển nội dung nên giáo lý được phân định theo hai phần: Phương tiện môn và Chân thật môn. Về phương tiện môn, như có lần đức Phật ví pháp đó như nắm lá trong tay đã rời khỏi sự sống, còn sự hiểu biết và diệu dụng của Ngài như lá trong rừng luôn luôn xanh tươi, vận hành theo bốn mùa.
24/07/2010(Xem: 4095)
Khổ đau hay hạnh phúc đều là những hậu quả tất yếu mà những hành động trước đó chúng ta đã tạo ra; dù là đồng thời hay dị thời đi nữa, thì chúng cũng bị lệ thuộc vào sự chi phối của luật tắt Nhân quả đứng về mặt hiện tượng.
22/07/2010(Xem: 13238)
Tôi phải thú nhận rằng hình như có điều gì không ổn khi một người suốt đời sống trong thế tục như tôi lại viết lời giới thiệu cho một quyển sách về giáo lý của Đức Phật về sự thành đạt, trí tuệ và bình an nội tâm. Quan điểm của tôi về tôn giáo đã bị chỉ trích nhiều, vì tôi tin rằng hầu hết các tôn giáo đều là một hình thức tâm bị nhiễm vi-rút (virus) làm lây nhiễm chúng sanh bình thường mạnh khỏe –và thường là có tri thức. Chỉ có Phật giáo dường như tách biệt với các tôn giáo khác vì tính chất cởi mở, uyển chuyển và thực dụng. Do đã sống hơn nữa thể kỷ ở Sri Lanka, tôi đã nhìn thấy giáo lý của Đức Phật đã được áp dụng như thế nào bởi nhiều thành phần xã hội, bằng nhiều phương cách khác nhau. Dầu nghe có vẻ lạ, nhưng những người hoàn toàn có lý trí và những kẻ bảo thủ một cách điên cuống đều cho rằng niềm tin và thái độ củ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]