Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhân duyên Học Phật

04/11/202207:27(Xem: 3039)
Nhân duyên Học Phật
vesak 2022-1,


Nhân duyên Học Phật

Phương Quỳnh (Diệu Thiện)


Sau hai ngày 14 và 15 tháng 5 năm 2022, nhằm ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch, đúng vào ngày Đản Sanh năm 2646 của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, trước khi trở về Hamburg, Hòa Thượng Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác tặng cho tôi cuốn “Tôi Đọc Đại Tạng Kinh.” Đây là tác phẩm 69 của ngài vào độ tuổi 73. Trên xe lửa, tôi vội đọc ngay lời Dẫn nhập của Thầy ở đầu sách. Thầy viết: “Tất cả chúng ta đều bình đẳng về thời gian, dầu nam

hay nữ, Tăng hay Ni, người lớn hay trẻ thơ..., mỗi ngày đều có đúng 24 tiếng đồng hồ như nhau, không hơn không kém. Tuy nhiên có nhiều người làm được rất nhiều việc trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ đó, mà cũng có nhiều người đã bỏ phí thời gian một cách vô ích...”

 

Ngẫm lại mình, tôi lại tiếc nuối mình đã đến với đạo Phật quá trễ! Tôi sinh ra trong một gia đình thương mãi, cha tôi mất sớm trong thời kỳ chống Pháp, mẹ tôi là sage femme từ thời Pháp cho mãi đến sau này. Tôi là chị cả của 6 đứa em, nên trách nhiệm tinh thần và chăm sóc các em cũng khá nặng. Tôi vừa đi học vừa phải phụ giúp gia đình, không có nhiều thì giờ rảnh, nên cũng ít có dịp đến chùa chứ đừng nói đến việc quy y làm con Phật. Mãi đến năm 1980, tôi cho đứa con trai đầu 10 tuổi đi vượt biên với gia đình người cô ruột. Sau khi gởi con đi rồi, tôi vô cùng lo âu vì con còn quá nhỏ, không biết sống chết thế nào trên đại dương, có đến được bến bờ bình an hay không? Lòng nhiều bất an, mỏi mòn trông đợi tin con, mất ăn mất ngủ, nên dần dà tôi phát bệnh nặng, chỉ một muỗng nước cam cũng không uống được chứ đừng nói đến chuyện ăn gì… Đi khám nhiều bác sĩ, uống nhiều loại thuốc. Thuốc Tây thuốc Nam đủ loại nhưng bệnh cũng chẳng thuyên giảm! May mắn thay có vài người bạn khuyên tôi nên tìm đến chùa Linh Quang ở Khánh Hội do Hòa Thượng Từ Quang trụ trì để xin Thầy trị bệnh cho. Nghe nói Thầy rất giỏi, đã cứu được rất nhiều người bệnh. Bệnh tôi chạy chữa đủ nơi nhưng không thuyên giảm, nên theo lời chỉ dẫn của bạn tìm đến cửa Phật.

 

Vừa mới vào chùa, tôi muốn quỳ đảnh lễ Thầy, Thầy liền ra hiệu cho người nhà dìu tôi ngồi trên ghế đối diện. Trước đôi mắt tinh anh, uy nghi nhưng lộ vẻ hiền từ đôn hậu của Thầy, tôi trình bày hết mọi nguồn cơn và xin Thầy chữa cho tôi khỏi bệnh. Với giọng trầm ấm, Thầy nhìn tôi dịu dàng nói: “Thầy thấy con chẳng có bệnh gì trầm kha cả! Chỉ vì con quá lo lắng, bất an, mất ngủ, không ăn... Việc gì đến thì nó sẽ đến, việc gì đi thì tự nó sẽ qua đi! Cứ để cho nó tự nhiên, đừng quan tâm, đừng lo nghĩ gì cả.”

 

Trong không khí trang nghiêm của chánh điện sáng rực nét từ hòa của Đức Phật và những lời khuyên nhủ dịu dàng của Thầy, tôi cầu khẩn và được Thầy đồng ý làm phép quy y cho tôi. Tôi lặp lại theo Thầy 5 điều giới luật: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đã thệ nguyện rồi, thì suốt đời phải giữ giới, phải làm điều lành, tránh làm việc ác... Diệu Thiện là pháp danh Thầy ban cho tôi. Như vậy tôi chính thức được làm con Phật từ tuổi 36, lòng thầm niệm ơn Thầy Từ Quang là Thầy Bổn Sư của tôi. Trước khi ra về Thầy còn ân cần nhắc lại: “Con nhớ hằng ngày thành tâm cầu nguyện Chư Phật, chư Bồ Tát nghe con…!”

 

Dù vậy, hầu như tôi cũng chưa có dịp trở lại học đạo ở Thầy Từ Quang lần nào nữa, chỉ có lần cuối cùng đến đảnh lễ Thầy trước khi tôi xa quê hương. Cho nên thành thật mà nói là thời gian đó tôi hoàn toàn chưa hiểu gì về giáo lý đạo Phật. Tôi chỉ y giáo phụng hành theo lời Thầy Bổn Sư, hằng ngày niệm Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật, Nam-mô A-di-đà Phật, hoặc Nam-mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Và thành tâm hơn, vui vẻ hơn khi giúp đỡ cho những người đói rách, tật nguyền, cơ nhỡ. Số người này ngày càng đông trong chế độ mới. Việc làm này đối với tôi cũng khá quen thuộc. Nhớ hồi nhỏ còn học tiểu học, mỗi sáng mẹ tôi thường cho một đồng để mua xôi ăn trước khi đến trường. Từ nhà đến trường khoảng 4 cây số, nếu gặp những người già yếu chống gậy đi xin thì tôi cho họ. Lúc đưa tiền tôi chỉ nói “Cháu gởi bà…” như lời mẹ dặn, chứ không nói chữ “cho” làm sợ người ta tủi thân tội nghiệp! Bình thường khi có người nghèo đến nhà xin ăn, mẹ bảotôi lấy cho họ một lon gạo, nhưng tôi thường lén cho họ nhiều hơn, vì tôi thấy họ tội nghiệp quá! Bây giờ nghe Thầy Bổn Sư giảng dạy, tôi mới biết đó là hành động bố thí. Đó là cách thể hiện lòng từ bi… Tôi vẫn luôn trì niệmdanh hiệu Phật, dần dần tâm tôi được bình an trở lại, tôi quên mất những lo âu và căn bệnh của tôi cũng dứt hẳn.

 

Thời gian cứ mãi trôi mà tôi vẫn tưởng như chậm lại. Hằng ngày tôi vẫn cầu nguyện và chờ đợi tin tức của chuyến tàu đưa con tôi đi, chưa biết là về đâu! Thế rồi hơn tháng sau, chúng tôi được tin cháu được tàu Đức vớt và đưa vào Hồng Kông để chờ lệnh của chính quyền Tây Đức. Rồi một chiều đi dạo ra biển, con trai tôi bị rớt từ trên cầu tàu cao khoảng 5 mét xuống gầm cầu. Mọi người đứng trên cầu hốt hoảng tưởng chừng cháu bị thương nặng và có thể chết, vì khi rớt có lôi theo một thanh sắt lớn và dưới gầm cầu có nhiều tảng đá to. Thế mà khi rớt xuống, thanh sắt văng ra xa mà cháu lại rớt ngồi trên tảng đá như có bàn tay vô hình nâng đỡ, cứu giúp! Thật phúc thay. Tôi thầm cảm ơn chư Phật cứu độ. Từ đó tôi luôn niệm Phật và làm việc thiện nhiều hơn…

 

Một năm sau, tôi nhận được giấy bảo lãnh đoàn tụ gia đình với con trai từ Đức gởi về, nhưng nhà nước cộng sản Việt Nam không chịu cấp giấy xuất cảnh, không giải quyết và ém nhẹm hồ sơ đợi chúng tôi lo lót tiền… Đã 10 năm kể từ tháng Tư năm 1975 đến năm 1985, đời sống và sinh hoạt của dân chúng rất khó khăn, nhưng tôi may mắn được bạn bè hết lòng giúp đỡ. Đặc biệt là vợ chồng Bác sĩ Phạm Thiên Bê (trưởng khoa tim ở bệnh viện Nguyễn Trải) và vợ là Bác sĩ Hồ Thị Đào, con gái bà Mộng Cầm, người yêu của Hàn Mạc Tử. Đào là bạn học của tôi từ thuở nhỏ. Hai vợ chồng này đã chữa lành bệnh của cán bộ Chủ tịch quản lý chợ Bình Tây, nên họ đã xin ông Chủ tịch cấp cho tôi một gian hàng ngoài chợ để bán tạp hóa. Trong thời gian này, cũng có rất nhiều bạn bè tốt bụng giúp đỡ tôi, nhờ đó gia đình tôi có cuộc sống ổn định và khá giả hơn. Lại có người bạn gái của em tôi, chồng đi tù cải tạo ở Hoàng Liên Sơn, Bắc Việt, 2 con còn nhỏ dại, nên bao nhiêu đồ đạt vật dụng trong nhà đều mang đi bán hết để nuôi con và thăm nuôi chồng. Nghe hoàn cảnh cô ta thật tội nghiệp, là phận đàn bà trong giai đoạn đói nghèo nhiễu nhương của đất nước, nên tôi cho cô mượn một số tiền khá lớn để làm vốn buôn bán và trả dần lại cho tôi. Nhưng sau một thời gian khá lâu, không thấy cô liên lạc, nên tôi tìm đến nhà để đòi tiền lại. Khi vào nhà cô, thấy cảnh nhà trống vắng quạnh hiu, cô đang nằm trùm mền không ngồi dậy nổi. “Chị ơi em bị bệnh nặng quá, không có tiền mua thuốc uống, làm sao có tiền để trả cho chị đây! Em vẫn nhớ ơn chị đã cho mượn tiền, em không giựt tiền của chị đâu, em xin chị.” Tôi đứng lặng thinh, nhìn cô lòng không còn giận nữa mà tự dưng chạnh lòng muốn khóc. Tôi mở ví ra, lấy một số tiền cho cô ấy và dặn hãy mua thuốc uống ngay.

 

Tôi lặng lẽ ra về với nỗi thương tâm và tự nhủ là hãy cố quên đi số tiền đã cho cô ấy mượn. Đúng là đời sống đang quá khó khăn cơ cực, nhiều gia đình không có gạo ăn, chỉ độn khoai, sắn thì làm sao cô ấy có số tiền để trả lại cho mình. Rồi bản thân cô còn phải nuôi con, nuôi chồng cải tạo nữa! Từ đó cho đến khi tôi đi đoàn tụ với con trai, tôi không còn gặp lại cô ấy và cũng không biết hoàn cảnh của cô ấy bây giờ ra sao?

 

Sau đó không lâu, bất ngờ tôi lại được thêm một may mắn khác, có một người xa lạ ngẫu nhiên đến giúp mình. Đó là chị Năm, một cán bộ quản lý hãng bột nêm thay thế bột ngọt Vị Hương Tố trước năm 1975. Từ bột ngọt pha chế ra bột nêm để phân phối hằng tháng cho mỗi hộ gia đình. Chị Năm biết tôi là người thành tín nên thường mua bán với tôi không cần phải “tiền trao cháo múc.” Hồi đó, tôi không nghĩ “cho đi là nhận lại” hay “nhân

nào quả ấy”, mà đơn giản là chỉ giúp người trong lúc khó khăn và cũng chưa biết “từ bi hỷ xả” là thế nào. Cho nên

khi tôi được chị Năm giúp làm ăn, tôi chỉ nghĩ rằng mình có may mắn “ở hiền gặp lành”, hưởng được phước báu của ông bà để lại mà thôi!

 

Nhiều bạn bè, khi nghe tôi có giấy bảo lãnh đi Tây Đức vào tháng 11 năm 1985, đều khuyên tôi nên ở lại vì chỉ còn một thời gian ngắn nữa là đến thời kỳ mở cửa, giao thương buôn bán tự do. Ngay cả chị Năm cũng đề nghị tôi ở lại hợp tác làm ăn, chị sẵn sàng giúp tôi về mọi phương diện. Thế nhưng vì lòng thương con trẻ không có cha mẹ chăm sóc trên xứ người, nên tôi quyết định ra đi. Bạn bè cả trăm người bùi ngùi nước mắt tiễn đưa, vì ai cũng nghĩ rằng sẽ không có ngày gặp lại. Chính tôi cũng buồn vì tưởng từ đây và mãi mãi sẽ mất hết những người thân yêu! Ngược lại cũng có nhiều người khác chúc mừng cho gia đình tôi đến được “thiên đàng tự do”…

 

***

Cuối năm 1985, chúng tôi đến định cư tại thành phố cảng Hamburg, miền Bắc Đức. Thật là một phước duyên, vì ở đó có Tịnh Thất Bảo Quang do Sư Bà - hồi đó là Sư cô Thích Nữ Diệu Tâm, đã đến định cư tại Hamburg vào năm 1984. Thời gian đầu, dù có lãnh phụ cấp xã hội, nhưng tôi vẫn phải đi làm vừa chăm sóc các con còn nhỏ. Họ hàng bên chồng ở Pháp thì hầu như không muốn trả lại số tiền sản phẩm mỹ nghệ mà tôi đã chuyển sang nhờ bán giúp, cũng như trong gia đình có người còn ích kỷ ganh tỵ tranh giành của cải, viết thư nhục mạ tôi thậm tệ. Nhiều lúc như vậy tôi không còn muốn sống nữa, nhưng vì trách nhiệm làm mẹ và lòng thương con bao la nên tôi phải cố chịu đựng, không dám tâm sự với ai. Cuối cùng tôi phải đến đảnh lễ Sư Bà, khóc lóc kể hết mọi khổ đau, thị phi nhân ngã, mang tiếng chịu lời để xin Sư Bà giúp tôi vượt qua đại nạn này. Sư Bà thấu hiểu hết nên thường dịu dàng nhắn nhủ: “Cô hãy cố gắng sống tốt, đừng quan tâm đến người khác nghĩ gì về mình, cũng không nên phản ứng gì trước những lời xúc xiểm miệt thị ta. Đó là họ chỉ cho ta thấy bản chất thật của họ, chứ không phải là bản chất của ta. Mỗi người có một nghiệp riêng, mà khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nhất mà họ sẽ phải gánh chịu. Cô hãy cố giữ bình tĩnh, yên lặng chịu đựng là cách tốt nhất, bởi vì một khi sân hận nổi lên thì muôn ngàn nghiệp chướng sẽ xảy ra.” Đó là hạnh nhẫn nhục mà tôi học được từ Sư Bà.

 

Thật ra tôi cũng học được chút ít giáo pháp của đức Phật nhờ tham dự vài ba khóa tu học Phật Pháp Âu Châu, hoặc được nghe nhiều thời pháp tại chùa Bảo Quang hay tại Tổ Đình Viên Giác của quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, hay nghe những thời giảng pháp trên mạng internet. Nhưng giáo pháp của đạo Phật mênh mông như đại dương, càng học tôi càng cảm thấy kiến thức của mình vẫn còn quá hạn hẹp, non kém…

 

Tôi viết bài này vào đầu tháng 6 năm 2022, nhằm ngày tiểu tường của Sư Bà Diệu Tâm, để tự nhắc nhở mình Sư Bà là nhân duyên để tôi học Phật và để mãi mãi tưởng nhớ đến Sư Bà với tất cả những hình ảnh đầy thương yêu, trân quý và tôn kính; mà những lời khuyên nhủ từ ái của Sư Bà đã xoa dịu nỗi muộn phiền và giúp tôi thêm nghị lực để sống… Để sống, để nhớ đến Sư Bà, nên hằng ngày trước các bữa ăn, tôi vẫn thường niệm “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành” để luôn giữ được tâm an tịnh giữa cuộc đời đầy nhân ngã thị phi… Và tôi cũng thầm nguyện với lòng mình “không làm các việc ác, nguyện làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch” để đền ơn Chư Phật, Thầy Tổ và các đấng sinh thành.

 

Phương Quỳnh (Diệu Thiện)

 

Giới thiệu sơ lược về tác giả Phương Quỳnh

           - Tên thật Nguyễn Thị Hiền, Pháp danh Diệu Thiện, bút hiệu Phương Quỳnh

- Cựu học sinh Phan Bội Châu, Phan Thiết

- Nghề nghiệp: Giáo Viên

- Định cư tại Hamburg, Đức Quốc từ năm 1985

- Giải thưởng hạng 2 cuộc thi “Viết Về Âu Châu”, chùa Viên Giác tổ chức năm 2002

- Tác phẩm “Những cây Bút Nữ 2” viết chung với Nhóm Bút Nữ, Viên Giác xuất bản năm 2014.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/05/2017(Xem: 4579)
Trong 45 năm thuyết pháp, Đức Phật Thích-ca đã không để lại một chữ viết nào cả. Sau khi Đức Phật lịch sử nhập niết-bàn (khoảng năm 483 trước CN), đã có 3 kỳ Hội nghị kết tập kinh điển, Các vị Trưởng lão và Đại sư đã theo cách "ghi nhớ kinh điển ở trong đầu" (committing the Tripitaka to memory) để ghi lại lời Phật dạy.
01/05/2017(Xem: 5781)
Những bài đố chữ (word-puzzle) về Phật Pháp dựa theo cuốn Phật học phổ thông của HT Thích Thiện Hoa BS Tâm Đức - Hoàng Đức Thành Tâm dẫn đầu các pháp, Tâm làm chủ, tâm tạo; Nếu với tâm thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng, không rời hình. Mind precedes all knowables, mind's their chief, mind-made are they. If with a clear and pure mind one should speak and act happiness follows caused by that, as one's shadow never departing
26/04/2017(Xem: 13004)
Đạo Phật là đạo của giác ngộ, giải thoát nên lúc nào cũng phát khởi tấm lòng vô ngã, vị tha với tinh thần từ bi và trí huệ. Trong suốt 49 năm hoằng dương Chánh pháp, đức Phật đem hết sự thấy biết của mình qua sự tu chứng, trải nghiệm thực tế, nhằm thức tỉnh và giác ngộ mọi người để có sự hiểu biết chân chánh bằng niềm tin nơi chính mình và tin sâu nhân quả. Kinh Kamala được đức Phật nói trong hoàn cảnh khi Ngài cùng các đệ tử đi đến thị trấn Kêsaputa của sắc dân Kalama thuộc nước Kôsala.
22/04/2017(Xem: 5832)
Phật tử Chùa Thiên Khánh hỏi : 6-Hai người cùng tu tập như nhau, nhưng một người hay giúp đỡ và một người không? Vậy phước có đồng nhau không? Xin thầy chỉ dạy. Thầy trả lời : Câu hỏi này rất hay và có giá trị. Hai người cùng làm một công việc trong một thời điểm và có tài sức ngang nhau, thế nhưng có người thành công và có người thất bại. Đối với những người không thành công, họ hay tự an ủi mình rằng số mình chưa đến hoặc họ đổ thừa tại bị thì là…. Nhưng ít ai biết rằng tất cả nên hư, thành bại, tốt xấu đều do mình tạo ra trong quá khứ hoặc hiện tại
17/04/2017(Xem: 5622)
Thân và tâm là hai yếu tố quan trọng luôn liên hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau trong một cơ thể con người. Nếu ta luôn tỉnh giác hằng ngày, ý thức ba việc thường chớ đủ là ăn mặc, ngủ; hay nói cho đúng hơn, ta phải muốn ít, biết đủ, chỉ ăn uống điều độ vừa đủ để nuôi thân, làm việc, vận động hợp lý, ngủ nghỉ cho có chừng mực, nên thân khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt, nhờ vậy mình dễ dàng buông xả mọi dính mắc trong cuộc đời mà thành tựu đạo pháp.
25/03/2017(Xem: 7798)
Còn nhớ nửa đầu thập niên 90 thế kỷ trước, mỗi khi có tác phẩm nào nội dung liên quan đến Phật giáo thì phía bộ phận quản lý đều yêu cầu tác giả hoặc nhà xuất bản phải trình qua phía văn hóa, hoằng pháp Phật giáo để có phê duyệt rõ ràng, thì mới được cấp giấy phép thực hiện và phát hành rộng rãi. Quy định chặt chẽ ấy đã giúp và hỗ trợ Phật giáo rất nhiều trong việc hạn chế được những sai phạm vô tình hay hữu ý hiểu sai về Phật giáo. Việc làm tích cực này hiện nay đã không còn thấy nữa. Vì vậy từ khi thấy có xuất hiện quyển sách "Tranh Nhân Quả" do Sư Thầy Thích Chân Quang biên soạn
19/03/2017(Xem: 7698)
Là người mới bắt đầu học Phật hoặc đã học Phật nhưng chưa thấm nhuần Phật pháp chân chính, chúng tôi biên soạn quyển sách nhỏ này, nhằm hướng dẫn cho người cư sĩ tại gia tập sống cuộc đời thánh thiện, theo lời Phật dạy. Chúng tôi cố gắng trình bày các nguyên tắc này theo sự hiểu biết có giới hạn của mình, sau một thời gian ứng dụng tu học cảm thấy có chút an lạc. Để giúp cho người cư sĩ tại gia thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình đối với gia đình người thân và cộng đồng xã hội. Trước tiên, chúng ta cần phải có một niềm tin vững chắc sau khi học hỏi, có tư duy sâu sắc, có quán chiếu chiêm nghiệm như lời Phật dạy sau đây: Này các thiện nam, tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quan sát, suy tư và thể nghiệm. Chỉ khi nào, sau khi thể nghiệm, quý vị thực sự thấy lời dạy này là tốt, lành mạnh, đạo đức, có khả năng hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán; nếu sống và thực hiện theo lời dạy này sẽ đem đến hạnh phúc, an lạc thực sự ngay hiện tại và về lâu về dài,
19/03/2017(Xem: 7173)
Nói đến đạo Phật là nói đến tinh thần nhân quả, nói đến sự giác ngộ của một con người. Con người sinh ra đủ phước báo hay bất hạnh là do tích lũy nghiệp từ nhiều đời mà hiện tại cho ra kết quả khác nhau. Mọi việc đều có thể thay đổi và cải thiện tốt hơn nếu chúng ta có ý chí và quyết tâm cao độ. Tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này là một dòng chuyển biến liên tục từng phút giây, không có gì là cố định cả. Một gia đình nọ, hai cha con cùng dạo chơi trong khu vườn nhà của họ. Bổng nhiên đứa con hỏi bố: “Bố ơi bố, nhà chúng ta có giàu không ạ?” Ông bố nghe xong liền mỉm cười, xoa đầu cậu con trai, rồi nói: “Bố có tiền, nhưng con không có. Tiền của bố là do bố tự mình siêng năng tích cực làm ra bằng đôi bàn tay và khối óc, được tích lũy trong nhiều năm tháng. Sau này con muốn giàu có như bố, trước tiên con phải học và chọn cho mình một nghề nghiệp chân chính, con cũng có thể thông qua nghề nghiệp của mình mà kiếm được tiền.”
17/03/2017(Xem: 7009)
1-Người Phật tử, phải thắng sự lười biếng bởi thái độ ỷ lại hay dựa dẫm vào người khác mà cầu khẩn van xin để đánh mất chính mình. 2-Bất mãn là thái độ thiếu khôn ngoan và sáng suốt, người trí càng nổ lực tu học và dấn thân đóng góp nhiều hơn nữa khi mọi việc chưa được tốt đẹp để không bị rơi vào trạng thái tiêu cực. 3-Người Phật tử chân chính, cương quyết phải thắng sự thiếu quyết tâm khi muốn làm việc thiện vì đó là trách nhiệm và bổn phận của người có lòng từ bi hỷ xả.
16/03/2017(Xem: 7122)
1-Người Phật tử hãy nên nhớ, sở dĩ con người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm do không tin sâu nhân quả và tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc. 2-Nếu chúng ta không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không thể làm cho ta phiền muộn khổ đau, vì ta đã có cây kiếm trí tuệ nhờ nghe và biết chiêm nghiệm để rồi tu sửa. 3-Người Phật tử dù thắng trăm vạn quân cũng không bằng chiến thắng những thói hư tật xấu của mình, đó là chiến công oanh liệt nhất mà người đời ít ai làm được. 4-Chúng ta hãy luôn cám ơn nghịch cảnh vì chính khó khăn đó đã giúp cho ta có cơ hội quay lại chính mình, nhờ vậy tâm ta an tĩnh, sáng suốt mà tìm ra phương hướng để khắc phục.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]