Soạn dịch: HT Hộ Tông
Vaṃsarakkhitta Bhikkhu
TỰA
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích.
Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai.
Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để đến nơi yên vui tự tại, nên tinh tấn tu tập theo chánh pháp, khỏi sự sai lầm, ngõ hầu làm mô phạm cho kẻ hậu lai trên con đường giải thoát.
Ba cái pháp mà Đức thiên nhơn sư đã giảng giải, có nhơn duyên lẫn nhau ấy là pháp học, pháp hành và pháp thành.
1. Pháp để học hỏi cho biết phải, quấy, chánh, tà, lành, dữ v.v… gọi là “pháp học” (Pariyattidhamma) [Luật (Vinaya), Kinh (Sutta) và Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) tạng], như ngọn đèn sáng tỏ để rọi đường đi, là khí cụ vẹt tan sự tối tăm ngu dốt.
2. “Pháp hành” (Paṭipattidhamma) là Giới Định Tuệ, là pháp để trau dồi thân, khẩu, ý cho trở nên trong sạch. Người đã trì giới đầy đủ nên niệm Phật, tham thiền cho đến khi phát sanh trí tuệ, giác ngộ pháp “tứ diệu đế” mới có thể nếm hương vị cao thượng của pháp thành.
3. “Pháp thành” (Paṭivedhadhamma) là đạo, quả và Níp-bàn.
Cho nên, ba pháp ấy có nhân tương quan lẫn nhau, có nghĩa là pháp học là nhân, pháp hành là quả, pháp hành là nhân, pháp thành là quả vậy.
Mong sao hàng Phật tử, khi đã phát nguyện làm người tu Phật nên hết lòng tinh tấn tôn kính, lễ bái cúng dường[1] đến ba pháp (pháp học, pháp hành và pháp thành) theo thứ tự, mới có thể thành tựu những lợi ích trong Phật giáo.
Xin thanh minh rằng: Tôi soạn quyển kinh này chỉ vì lòng tin tưởng “Bát Thánh Đạo”, là con đường tiếp dẫn các hành giả đến chỗ yên vui, từ kiếp này qua đến đời sau, cho đến khi chứng quả Níp-bàn, là nơi tận diệt tất cả những thống khổ. Nếu có điều sơ sót sai lầm, cầu chư quí đọc giả lượng thứ và bồi bổ thêm cho.
Mong thay,
Tỳ-khưu: HỘ TÔNG
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐẠO
Nhân tâm mỗi người mỗi khác, phần đông còn tham lam, chưa chán nản ngũ trần. Có kẻ đã nhàm lờn ngũ dục nhưng chưa muốn thoát ly sanh tử luân hồi. Có người mong đến Níp-bàn là nơi diệt khổ. Cớ ấy, những hàng Phật tử đều mong được hết khổ như nhau, song sự tu hành có phần khác nhau, là tu bậc hạ, bậc trung và bậc thượng, tinh tấn hoặc giải đãi không đồng, là lẽ cố nhiên.
Sự tu tập cho đặng dứt khổ là thực hành theo Bát thánh đạo, làm cho người phàm trở nên bậc Thánh, chứng pháp vô thượng bồ đề. Những người còn tham dục, chưa có thể đi thẳng đến Níp-bàn, mặc dầu thực hành theo Thánh đạo cũng khó được hoàn toàn đầy đủ. Có kẻ nhiều tín ngưỡng tinh tấn tiến hành bậc thượng, dứt bỏ gia đình, danh lợi, xuất gia, chí nguyện đi thẳng đến Níp-bàn, chia ra làm hai phái là tại gia và xuất gia. Cả hai bậc hành giả đều có thể hành trình đến nơi dứt khổ (Nirodukkha)[2] .
“Bát Thánh Đạo”, có tám chi, là con đường tiếp dẫn chúng sinh đi đến nơi diệt dục. Những hàng tại gia cư sĩ còn thọ dụng ngũ dục cũng có thể dứt thứ ái dục thô thiển được phần nào, không xa xí thái quá làm cho thân tâm phải nóng nảy vì lửa ái dục thiêu đốt.
Những bậc xuất gia tinh tấn tu tập để đoạn trừ khổ não, khi diệt tận ái dục rồi cũng cần phải hành theo phận sự mình, như việc hoằng pháp độ sanh cho Phật pháp thêm phát triển, chẳng nên để cho thân tâm ô nhiễm ái dục, chỉ phải tiến hành cho đến mục đích cứu cánh là Níp-bàn.
Đây xin giải về cách thức hành đạo thiêng về phần diệt khổ, nghĩa là phương pháp cao thượng theo từng bậc cho đến nơi cứu cánh giải thoát.
THÁNH ĐẠO HAY LÀ TRUNG ĐẠO CÓ TÁM CHI
Sự hành trình cao quý của sanh mạng hoặc của thân, khẩu, ý để lánh khỏi sự khổ não gọi là “Thánh đạo”. Thánh đạo (Ariyamagga) dịch là “Đường đi cao quý” hoặc “đường đi của bậc thánh nhơn” là sự tu hành không quá thẳng, không quá dùn, không ở dưới quyền nô lệ của vọng tâm, làm cho thân hình phải cực nhọc vô ích gọi là “trung đạo” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa, không dùn, không thẳng, ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải đàn nghe tiếng thanh tao, êm tai thính giả.
Tiếng “đạo” (magga) dịch là “đường”, theo thông thường là đường để cho người đi, nhưng đây nói về sự hành trình của tâm, là con đường đi ra khỏi rừng khổ não, đến cảnh an vui tuyệt đối.
Cụm từ “tám chi” ấy nghĩa là phải có đầy đủ cả tám chi, như dây thừng dài có tám tao xe nhập lại.
Đường có tám chi ấy là:
1. Chánh kiến (Sammādiṭṭhi) là hiểu phải.
2. Chánh tư duy (Sammāsaṅkappa) là suy nghĩ phải.
3. Chánh ngữ (Sammāvāca) là nói lời phải.
4. Chánh nghiệp (Sammākammanta) là nghề phải.
5. Chánh mạng (Sammāājīva) là nuôi mạng phải.
6. Chánh tinh tấn (Sammāvāyāma) là tiến lên phải.
7. Chánh niệm (Sammāsati) là nhớ phải.
8. Chánh định (Sammāsamādhi) là định tâm phải.
Cả tám chi ấy, nếu rời ra, không hiệp sức nhau, cũng không gọi là “Thánh đạo” được.
Xin đem ví dụ với đường lộ có tám chi là có cống nước chảy, có bản chỉ đường, có bóng mát hai bên đường, có nhà nghỉ mát, có vật thực đầy đủ, có lính hộ vệ bộ hành khỏi điều nguy hiểm, đường bằng thẳng dễ đi. Như bát Thánh đạo có tám chi, vừa thành tựu điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, cũng như thế, theo lời giải đây hành giả nên hiểu rằng: các đức tánh mà được phát sanh đều nương theo năng lực của tám chi đạo, chung hợp nhau, thành một sức mạnh.
NHƯ LAI CHỈ LÀ NGƯỜI CHỈ DẪN
Tất cả các pháp hằng có sự tương phản nhau, như có đêm, có ngày, có nóng, có lạnh, có nước, có lửa … . Các cái ấy có tự nhiên không ai tạo ra được. Trước hết, các bậc trí tuệ xem xét tìm tòi, đem những cái ấy để dùng làm các công việc được thành tựu điều lợi ích đến kẻ tương lai. Ví dụ cho dễ nghe, như lửa là vật nóng, nước là vật lạnh, nếu dùng nước tưới hoặc tạt vào lửa, lửa tắt, nếu chưa tắt cũng làm cho giảm sức nóng của lửa chút ít không sai. Đó là điều xác thực mà người thấy đầu tiên, rồi đem chỉ dạy lại cho ta, Chư Phật cũng thế, chẳng phải Đức Chí Tôn tạo ra Thánh đạo, Đức Thế Tôn tự Ngài giác ngộ, tìm được rồi Ngài đem ra chỉ dạy rằng: đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường tu hành là nhân đưa đến nơi dứt khổ, đây là con đường dắt dẫn làm cho ma-vương cùng quân ma phải lầm lạc, là con đường mà tất cả chúng sanh tự mình phải đi lấy. Chư Phật chỉ là bậc chỉ dẫn thôi.
Sự hành đạo đủ nấc, đủ bậc, gom vào trong Thánh đạo có tám chi, nếu tóm lại cho vắn tắt nữa, là pháp Tam học (giới, định, tuệ) hiệp sức lại làm một, là đạo có tám chi, mỗi chi có phận sự khác nhau, như sau này:
ĐẠO CÓ TÁM CHI CÓ PHẬN SỰ KHÁC NHAU
Chánh kiến (Sammādiṭṭhi) là sự hiểu phải, hiểu đúng đắn theo thông thường cả bên đời và bên đạo, cả phàm pháp và thánh pháp. Sự hiểu rằng, chúng sanh sanh ra trong thế gian này mà được tốt hoặc xấu cũng do cái nghiệp mà tự mình đã làm. Phước, tội mà chúng sanh đã tạo ra, chúng sanh phải chịu quả không sai. Địa ngục, thiên đàng và Níp-bàn là cảnh có thực cho đến hiểu rằng: sanh, già, bệnh, chết là khổ. Sự ham muốn là nhân sanh khổ. Dứt bỏ được sự ham muốn ra là nhân cho điều vui sướng. Tu theo Bát Thánh đạo là nhân diệt được sự ham muốn. Đó là thuộc về sự hiểu biết phải theo bậc phàm. Còn sự hiểu biết phải theo thánh vức là pháp vi tế cao thượng hơn nữa, vì là sự hiểu biết của bậc thánh nhơn.
Nhưng hành giả nên biết rằng: Thánh đạo phải nương phàm đạo mới phát sanh ra được, nghĩa là người có đức tin cần phải thọ trì phần giới, phần định, phần tuệ trong phàm đạo cho đầy đủ, rồi nên tiến hành pháp minh sát, quán tưởng[3] thấy rõ thân thể chỉ là danh-sắc[4] nương lẫn nhau mới có thể duy trì được, chẳng phải chúng sanh, chẳng phải người, rồi quán tưởng danh-sắc theo ba tướng: vô thường, khổ não, vô ngã, dùng trí tuệ quán tưởng cho đến khi phát tâm vô ký trong tất cả danh-sắc.
Sự hiểu biết như thế gọi là có tuệ vô ký trong danh-sắc (Saṅkhārupekhāñāṇa)[5] khi (Saṅkhārupekkhāñāṇa) được thuần thục trong lúc đạo phát sanh, rồi tâm xuống giữ “thường tâm - (Bhavaṅga)”[6] “đổng lực tâm tìm cảnh giới trong ý”[7] - (Monodvārāvajjanacitta) phát sanh rồi “đổng lực tâm hành 7 khana[8]” là
1- “Sát định tâm”[9] đổng lực tâm đầu tiên gọi là parikama.
2- “Cận định tâm”[10] đổng lực tâm thứ hai gọi là upacāra.
3- “Thuận tùng tâm”[11] đổng lực tâm thứ ba gọi là anuloma.
4- “Gô-trá-phu tâm”[12] đổng lực tâm thứ tư gọi là gotrabhū.
Thắng lực của phàm đạo chỉ đến đây là cùng. Đổng lực tâm nối tiếp thuộc về phần Thánh đạo có tuệ nhãn là khí cụ đoạn tuyệt thụy miên phiền não (anusaya)[13] hằng lặn núp trong tâm. Sự hiểu biết chơn chánh như thế gọi là chánh kiến (sammādiṭṭhi) thuộc về phần thánh đạo.
Chánh tư duy (Sammāsaṅkappo) là “suy nghĩ phải” chỉ về suy nghĩ trong việc tìm phương pháp để ra khỏi ngũ dục, suy nghĩ trong việc không thù oán chúng sanh, suy nghĩ trong việc không làm khổ chúng sanh cho thân tâm được giải thoát khỏi các sự thống khổ, gọi là suy nghĩ phải trong chi đạo thứ hai.
Cả hai chi đạo đã giải ấy thuộc về phần trí tuệ đặt vào trong tuệ học (Paññāsikkhā).
Chánh ngữ (Sammāvācā) là “nói lời phải” là không nói bốn lời dữ (nói dối, nói lời chia rẻ, mắng chưởi, nói lời vô ích).
Chánh nghiệp (Sammākammanta) là nghề phải như: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm.
Chánh mạng (Sammāājīva) là “nuôi mạng phải” là lánh khỏi các điều tà mạng, cả đường đời và đường đạo. Về phần cư sĩ phải lánh khỏi sự buôn bán sai lầm[14]. Hàng xuất gia phải lánh sự tà mạng có tội lỗi theo đường đời (Lokavajja) và đường đạo (Paññattivajja)[15] .
Cả ba chi đạo này dính đấp với sự sanh mạng của loài người trong đường đời và đường đạo, từ bậc tại gia đến hàng xuất gia, tùy bậc thấp cao, đều thuộc về phần giới, nên đặt vào trong giới (Sīlasikkhā).
Chánh tinh tấn (Sammāvāyāma) là “tiến lên phải” là tiến trong bốn điều:
a- Tinh cần không cho tội phát sanh trong tâm.
b- Tinh cần dứt bỏ tội đã phát sanh.
c- Tinh cần làm những việc lành.
d- Tinh cần giữ gìn những việc lành đã phát sanh, không cho tiêu hủy.
Chánh niệm (Sammāsati) là nhớ phải, nhớ trong pháp Tứ niệm xứ.
a) Trí nhớ là khí cụ để phân biệt, quán tưởng thân thể rằng: thân này chỉ là thân, chẳng phải chúng sanh, thân ta, thân người gọi là dùng trí nhớ quán tưởng trong thân (kayānupassanāsatipaṭṭhāna).
b) Trí nhớ là khí cụ để phân biệt, quán tưởng cái thọ[16] rằng thọ này chỉ thọ thôi, chẳng phải chúng sanh, người, thân ta, thân người, gọi là trí nhớ quán tưởng cái thọ (vedanānupassanāsatipaṭṭhāna).
c) Trí nhớ là khí cụ để phân biệt quán tưởng cái tâm dơ bẩn hoặc trong sạch rằng: tâm này chỉ là tâm, chẳng phải chúng sanh, người, thân ta, thân người, gọi là trí nhớ quán tưởng cái tâm (cittānupassanāsatipaṭṭhāna).
d) Trí nhớ là khí cụ để phân biệt quán tưởng pháp lành hoặc dữ đã phát sanh rằng pháp ấy chỉ là pháp, chẳng có chúng sanh, người, thân ta, thân người gọi là trí nhớ quán tưởng pháp (dhammānupassanāsatipaṭṭhāna).
Chánh định (Sammāsamādhi) là tâm yên lặng là tâm định trong bốn bậc thiền, là phương pháp tu tâm cho an tịnh xa lánh ngũ dục, lìa khỏi ác pháp, nhất là năm pháp cái đặt vào trong năm chi thiền:
a) Tầm (vitakka) là trạng thái của tâm lên bắt lấy đề mục thiền định làm cảnh giới.
b) Sát (vicāra)[17] là tâm quan sát, suy nghĩ đề mục thiền định.
c) Phỉ (pīti) là thân tâm no đủ, vui sướng, nhẹ nhàn, mát mẻ trong đề mục thiền định.
d) Lạc (sukha) là thân tâm an vui thơ thới do phỉ phát sanh.
e) Định (ekaggatā) là tâm an tịnh trong một cảnh giới.
1. Khi tâm có đầy đủ cả năm chi thiền ấy gọi là đắc sơ thiền (paṭhamajhāna).
2. Khi tâm được trong sạch vững vàng thêm lên nữa, dứt bỏ tầm và tứ chỉ còn phỉ, lạc và định, đầy đủ cả ba chi ấy, gọi là đắc nhị thiền (dutiyajhāna).
3. Tâm càng vi tế cực lành, dứt phỉ, chỉ còn lạc và định có đầy đủ hai chi ấy gọi là đắc tam thiền (tatiyajhāna).
4. Tâm vi tế thêm nữa, vô ký trong các cảnh giới, dứt lạc, biến thành xả và định, có đầy đủ cả hai chi ấy gọi là đắc tứ thiền (cittutthajhāna).
Cả ba chi đạo thuộc về pháp trau dồi cái tâm trở nên trong sạch, xa khỏi điều dơ bẩn là các phiền não, nên đặt vào trong định học (samādhisikkhā) hoặc tâm học (cīttasikkhā).
Đạo có đầy đủ cả tám chi ấy có giải rộng, bao trùm các đường đạo khác, nhất là pháp tri túc (santosa) lục căn thu thúc (Indriyasaṃvaraṃ) cũng gom vào trong giới hạn của đạo có tám chi như: chánh kiến là thấy phải cũng gọi là hiểu chơn chánh, vừa lòng theo lẽ phải luôn cả phần phàm và phần thánh cho đến tướng, thể, nhân, quả. Đức Phật có giải trong kinh “Mahācittarisaka sutra” rằng: Chánh kiến là chủ tể các chi đạo vì là nguyên nhơn cho thấy rõ: như vầy là tà kiến, như vầy là chánh tư duy, như vầy là tà tư duy, cho đến như vầy là cao, như vầy là thấy, cả phần quấy và phần phải là nhân sanh sự tín ngưỡng cho nên các pháp có chánh tín đều khép vào chánh kiến, dầu sự hiểu phải lẽ như hiểu bố thí được phước, tạo nghiệp phải thọ quả, không tiêu diệt, kiếp vị lai có, địa ngục, thiên đường cũng có, đời này và đời sau cũng có. Như thế, cũng vẫn gọi là chánh kiến cả. Lý thuyết đã giải đây chỉ lời thí dụ cho thấy rằng: Đạo có tám chi, có nghĩa lý xâu xa rộng lớn bao trùm cả các pháp lành khác.
Sự tu hành là trau dồi thân, khẩu trong sạch, lánh khỏi tội, theo thân môn và khẩu môn gọi là “giới” (sīla); sửa trị, cho tâm yên lặng gọi là “định” (samādhi); làm cho trí tuệ sắc bén, chặt đứt các phiền não gọi là “tuệ” (Paññā). Đây giải cho thấy rằng: đạo có tám chi đầy đủ gọi là “giới, định, tuệ”
Trong đạo có đầy đủ tám chi ấy: chánh kiến như người hướng đạo (magguddesaka) dắt dẫn các chi khác cho phát sanh. Các chi khác sanh, trợ tiếp chánh kiến cho thêm sức mạnh.
Chánh kiến cũng giúp các chi đạo kia dần dần càng thêm mạnh mẽ. Đạo có tám chi giúp đỡ nhau, hiệp lực nhau, dắt dẫn nhau, khi đã được thường hiệp lực rồi, sức mạnh càng tăng trưởng thuần thục dần dần, là nhân cho thánh đạo, thánh quả, sẽ tùy thời mà phát sanh ra được.
HÀNH GIẢ CHIẾN ĐẤU VỚI PHIỀN NÃO NHỜ SỰ HIỆP LỰC
Đạo có tám chi ấy như một đại binh do tám đội binh nhỏ hiệp lại, có đội chiến binh, đội lao động, đội vận lương, đội lương y v.v… đội binh lớn ấy có chánh kiến là vị tướng soái vì sự hiểu chơn chánh thuộc về trí tuệ, ví như người lúc xem thấy rõ phiền não rồi cầm khí giới là trí tuệ, tính đào bứng gốc rễ phiền não, ái dục liệng bỏ cho dứt… . Đứng vững trên đất là chi đạo thuộc về phần giới là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Mài khí giới với đá mài là chi đạo thuộc về phần định (là: chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định) khi khí giới đã mài bén đúng đắn rồi, đoạn trừ quân nghịch là phiền não[18], ái dục cho tiêu tan hết, do sự hiệp lực của các chi đạo, như dây thừng có tám tao xe nhập lại.
Những gốc rễ của các sự khổ là “vô minh” là gốc, rễ cái, có nhiều rễ con chia tẻ ra vô số, như trong Liên Quan Tương Sinh[19] (Paṭiccasamuppada): Đức Phật thuyết vô minh đứng đầu, sự khổ sau cuối cùng, nghĩa là vô minh là nơi câu hội phát sanh những điều tội lỗi trú trong tâm chúng sanh. Các tội lỗi hoặc phiền não ấy đều là vật kiền chặt chúng sanh với nhiều sự khổ, cho nên gọi là sử[20] (saññojana).
Phiền não buộc rịt ấy chia ra có mười thứ mà người đoạn trừ được nhờ có đao bén là “Thánh đạo”.
Các phiền não ấy chia ra làm hai phần: phần thô thiển và phần vi tế. Phần thô thiển có tác ý phát sanh, thấy rõ mình và người như sự tham lam (abhijjhāvisamalobha) và sân hận (dosa).
Còn phiền não vi tế ẩn núp trong tâm như lậu phiền não[21] (āsava) thụy miên (anusaya) không rõ rệt là phiền não do tác ý, nhưng có thể giúp sức cho phiền não thô thiển. Hành giả đoạn được cả hai phần phiền não cần phải nhớ thắng lực của “Thánh đạo tuệ” (Ariyamaggañāṇa) đã phát sanh rõ rệt nương theo đạo có tám chi hiệp lực lại đầy đủ giờ nào, thì phát sanh “Thánh thiện sở hữu tâm” (Lokuttarakusalacetasika) làm cho Thánh đạo tuệ phát sanh trong giờ ấy. Sự hiệp lực nhau có thể phát sanh trong thời hành pháp minh sát hoặc trong giờ nghe pháp của Đức Thiên-nhơn sư, tâm thọ được cảnh giới dễ dàng giờ nào, đạo hiệp lực trong giờ ấy.
CHI ĐẠO HIỆP LỰC MỚI THÀNH TỰU THÁNH ĐẠO
Sự hiệp lực của chi đạo, chỉ phải đến mức thành tựu, thành đạo ấy chưa thành tựu được liền trong thời công phu tham thiền hoặc trong khi tu pháp minh sát lúc đầu, nhưng được chứng quả trong giờ cuối cùng của sự tiến hành pháp minh sát, khi tâm nhảy lên níu thánh tuệ hoặc “đạo tâm” đầu tiên phát sanh, tiếp theo “minh kiến thuận tùng tuệ”[22] (saccānulomikañāṇa) (gotrabhūñāṇa) do thắng lực của sở hữu tâm[23] mà mình được trau dồi từ trước cũng có hoặc mới tu bổ thêm phát sanh trong thời ấy cũng có, hiệp lực tạo ra thành đạo tuệ là khí cụ để trừ phiền não vô minh cho tiêu tan, làm cho trí tuệ phát sanh, vì như sự nổi lửa trong nơi tối, tối tiêu tan, ánh sáng phát sanh trong thời ấy.
Khi tám đạo chi hiệp lực tạo ra trí tuệ là khí cụ để giác ngộ pháp diệu đế, diệt ba sử đầu tiên được, do Thánh đạo trong bậc đầu của đạo gọi là “Tu-đà-huờn đạo tuệ” (Sotāpattimaggañāṇa).
Nếu “sở hữu tịnh hảo tâm” phát sanh còn mạnh mẽ nhiều, khi tâm xuống giữ tâm hộ kiếp (bhavaṅga) trong thời mà Tu-đà-huờn đạo tâm (tâm sơ đạo) diệt rồi, hiệp lực làm cho Tu-đà-hàm đạo tâm (tâm nhị đạo) phát sanh, đoạn trừ sở còn dư sót cho tiêu diệt dần dần. Nếu Thánh đạo còn nhiều tâm đổng lực (javana) là cho A-na-hàm đạo tâm (tâm tam đạo) và A-la-hán đạo tâm (tâm tứ đạo) phát sanh đến mức diệt tận tất cả kiết sử không còn dư sót.
Nên hiểu rằng, thời mà đạo tâm xuống giữ thường tâm rồi phát sanh lại ấy, rất mau chóng, cho nên mới có lời rằng: ông này chứng Tu-đà-huờn quả, ông này chứng Tu-đà-hàm quả, ông này chứng A-la-hán quả như thế, chỉ một lần ít khi nghe nói về sự hành trình của đạo tâm sanh và diệt theo từng bậc.
Chi đạo hiệp lực nhau, tạo ra bốn bậc đạo tâm đắc trí tuệ để giác ngộ diệu đế là
1- Tu-đà-huờn đạo tuệ (sotāpattimaggañāṇa)[24]
2- Tư-đà-hàm đạo tuệ (sakadāgāmimaggañāṇa)[25]
3- A-na hàm đạo tuệ (Anāgāmimaggañāṇa)[26]
4- A-la-hán đạo tuệ (Arahattamaggañāṇa)[27]
Sự thành tựu bốn bậc đạo tuệ đều nhau trong thời gian rất ngắn chẳng chần chờ qua đêm ngày, tháng, năm, hoặc qua đến đời khác, nghĩa là đắc A-la-hán đạo chỉ một lần.
Điều này chỉ do nơi căn và duyên pháp có ít hoặc nhiều, cao hay thấp của người hành giả, là trọng yếu.
Bốn bậc đạo tuệ ấy có phận sự đào bứng thụy miên (anusaya) lậu phiền não (āsava) ẩn núp trong tâm cho tiêu diệt, nhưng nhiều loại phiền não mà đạo tuệ đào bứng ấy gọi là sử (saññojana) là loại phiền não buộc rịt tâm chúng sanh phải xoay vần trong vòng sanh tử, chia ra có mười loại.
1- Thân kiến (sakkāyadiṭṭhi) là sự hiểu rằng: thân thể là của ta ; hiểu rằng: sắc, thọ, tưởng, hành, thức là của ta hoặc ta có sắc, thọ, tưởng, hành, thức như thế. Đó là sự hiểu quấy, là nhân thủ[28]rằng: thân hoặc vật dính với thân này là ta, là của ta, là nhân sanh ra tại khổ nhiều thứ. Loại phiền não này thuộc về phần si mê.
2- Hoài nghi (Viccikicchā) là sự ngờ vực nghi ngại trong sự hành đạo, là phương pháp giải thoát khỏi những thống khổ, cho đến ân đức Tam bảo là nơi nương nhờ cao quí của thế gian mà cũng còn nghi ngại, nửa tin nửa ngờ làm cho buộc ràng trí não, suy xét không ra hết một đời hoặc hết hạn kỳ mà mình chưa đoạn trừ được. Loại phiền não này cũng kể vào phần si mê.
3- Giới cấm thủ (Sīlabbataparāmāsa) là sự giữ giới sai lầm, không phải chơn chánh mà chấp là chơn chánh, như tin rằng hành được các đức cao quí, như chấp rằng học thiền định được biết gồng chém không đứt, bắn không nổ… không hiểu đó là phương tiện để trau dồi tâm tánh cho trong sạch, khỏi điều dơ bẩn. Đó là phiền não, cũng khép vào phần si mê.
4- Tình dục (kāmarāga) là tình yêu mến trong vật dục (vatthukāma) do thế lực của phiền não dục (kilesakāma) cố gìn giữ trong tâm không chịu buông rời trong các cõi hoặc trong thế gian, có thứ dục thuộc loại phiền não về sự thương yêu trìu mến, trong ngũ dục là sắc, thinh, khí, vị, xúc. Loại phiền não này kể vào phần tình dục (rāga) hoặc xan tham (labha) vi tế.
5- Uất ức (paṭigha) là sự bực tức trong tâm: những điều xốn xan, khó chịu do sân hận mà phát sanh đều thuộc về phần sử này cả. Đó là phiền não về loại sân hận.
Cả năm sử này kể vào bậc thấp, gọi là sử phần hạ cấp (orambhāgiyasaññojana) có năng lực buộc rịt chúng sanh trong hạ giới (dục giới).
6- Sắc dục (rūparāga) là sự thương yêu vừa lòng trong sự an vui phát sanh do thắng lực của thiền hữu sắc hoặc tâm dính chặt trong cõi sắc, là phước báu của sắc thiền, tâm cố chấp thiền định về phần sắc thiền.
7- Vô sắc dục (arūparāga) là sự yêu mến vừa lòng trong cảnh giới phát sanh do thắng lực của thiền vô sắc, hoặc tâm luyến trong vô sắc giới về phần thiền vô sắc, tâm cố chấp trong thiền vô sắc. Đó là phiền não cũng kể vào trong loại tình dục, song tình dục là cực kỳ vi tế.
8- Ngã mạn (māna) là sự chấp “ta” như vầy, như kia vì sự phân biệt giai cấp, tông phái, sang, hèn, giàu, nghèo, hoặc vì một lẽ gì khác: là nhân đem mình so sánh với người khác rằng: ta hơn người, ta bằng người, ta thấp hèn hơn người và có tính hay giận run. Phiền não này kể vào trong loại si mê.
9- Phóng vật (uddhacca) là tâm phóng đảng, khó tập trung trên một việc gì, lòng buông thả, khi trồi, khi sụt, không ở yên một chỗ. Đó là phiền não cũng kể vào trong loại si mê.
10- Vô minh (avijjā) là tư cách không biết rõ, là nói về sự ngu dốt không hiểu, không thông, không vừa lòng các pháp theo lẽ phải, tự nhiên, là căn sanh các ác pháp, là nguồn gốc của tất cả phiền não.
Cả năm sử sau, từ thứ sáu đến thứ mười này, thuộc về phần sử cực kỳ vi tế gọi là sử phần cao cấp (uddhaṃ-bhāgiyasaññojana) là sử về phần cao có năng lực trói chặt chúng sanh trong thượng giới là cõi sắc và vô sắc.
PHƯƠNG PHÁP DIỆT TRỪ SỬ PHIỀN NÃO CỦA THÁNH ĐẠO (ARIYAMAGGA)
Cái tâm trau dồi để tiến hành pháp niệm minh sát[29] chỉ sau khi có trí tuệ đã bén nhọn như hoàng kiếm[30] của Thánh đạo đến mức gọi là “Tu-đà-huờn đạo tuệ” có thắng lực vừa đoạn tuyệt được sử thứ 1, 2, 3 (thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ) nếu chưa chặt đứt được, vì trau dồi chưa đến mực bên Tu-đà-huờn đạo. Quả tâm được thành tựu nhờ đã đào bứng được sử gọi là Tu-đà-huờn quả tuệ, là bậc có danh hiệu “nhập lưu” (sotāpanna) là người đến dòng nước chảy về Níp-bàn, không còn thối chuyển theo thường nhơn nghĩa là sẽ chứng quả A-la-hán trong thời vị lai không sai. Sự thành công chậm hoặc mau ấy là do căn và duyên phần của mỗi người. Các sử khác, mặc dầu chưa diệt được, cũng có thể làm cho nhẹ nhàng hơn khi còn ở bậc thường nhơn.
Tâm của bậc “Nhập lưu” (sotāpanna) đã được sửa trị cao thêm đến mực gọi là “Tư-đà-hàm đạo tuệ” (sakadāgāmaggañāṇa) chặt đứt được sử như bậc nhập lưu, song đã làm cho mấy sử khác được nhẹ nhàng hơn, luôn đến tình dục (ragā) sân hận (dosā) si mê (mohā) phần thô thiển cũng đã giảm sức hơn bậc nhập lưu. Quả tuệ bậc trên kế tiếp gọi là “Tư-đà-hàm quả tuệ” (sakadāmiphala). Bậc này gọi là “nhứt lai” là bậc còn thọ sanh lại làm người một lần nữa.
Tâm của bậc Tư-đà-hàm trau dồi được cao thượng thêm nữa đến mức gọi là “A-na-hàm đạo tuệ” (anāgāmimaggañāṇa) và đào bứng thêm được 2 sử là sử thứ 4, 5 “tình dục” (kāmarāga) uất ức (patigha) cộng lại làm 5 thứ sử hoặc sử bậc hạ (orambhāgiyasaññojana) mà Thánh đạo bậc này đã tận diệt rồi. Quả tâm phát sanh tiếp tục gọi là A-na-hàm quả tuệ (anāgāmiphalañāṇa). Người chứng được đạo quả bậc này gọi là “bất lai” là bậc không còn thọ sanh làm người trong thế gian này nữa.
Tâm của bậc A-na-hàm đã tu tập được cao thượng thêm đến mức gọi là “A-la-hán đạo tuệ” (Arahattamaggañāṇa) có thể cắt đứt cả 10 sử chẳng còn dư sót. Liên tiếp quả tâm sẽ phát sanh gọi là “A-la-hán quả tuệ” (Arahattaphalañāṇa). Bậc được chứng quả gọi là A-la-hán là bậc đã đoạn tuyệt vành, câm của bánh xe luân hồi và được nhập Níp-bàn trong kiếp hiện tại.
PHƯỚC BÁU CỦA SỰ HÀNH ĐẠO
Lậu phiền não thụy miên ẩn núp trong tâm, ví như quân nghịch rình rập để báo thù làm hại. Chúng phải thường chịu khổ não xót xa, nóng nảy không ngừng nghỉ, thừa dịp trộm cướp, đạo đức của chúng ta phải tiêu hủy, làm cho rối lòng loạn tánh không thấy rõ chơn lý. Đó là quân nghịch quấy rối sanh ra đều cực nhọc, đớn đau trong mỗi kiếp. Sự trau dồi đức tánh theo lý trung đạo, vì như sự đánh đuổi quân nghịch đồn trú trong thân tâm ta, cho nó chạy ra khỏi.
Thánh quả phát sanh sau khi tiến hành thánh đạo, thì thân tâm được im lặng, có sự an vui thơ thới, vì không còn bị quân nghịch làm hại.
Lại nữa, đạo có tám chi ấy là con đường đạo cao quí hằng làm cho trí tuệ thanh tịnh thấy rõ pháp diệu đế một cách tường tận (ñāṇadassana) có thể làm cho dứt cả sự khổ, thọ hưởng an vui như sở nguyện, không sai. Cho nên, Đức Thế Tôn khuyến khích hàng Phật tử hành theo bát Thánh đạo như Phật ngôn rằng: “Đạo là con đường có tám chi, cao thượng hơn tất cả các con đường, nếu chúng sanh thực hành theo, sẽ trở nên thanh tịnh đúng đắn, nhờ có trí tuệ thấy rõ pháp diệu đế. Các người hãy đi theo con đường ấy, rồi sẽ được dứt những khổ não, thọ hưởng an vui thanh tịnh y như chí nguyện”.
CÁCH THỨC HÀNH ĐẠO THEO THÔNG THƯỜNG
Sự hành đạo của người lấy “đời làm trọng” (Lokādhi-pateyya), hoặc lấy “mình làm trọng” (Attādhipateyya) chẳng phải là nhân đem mình ra khỏi biển khổ, nhất là sanh khổ, dầu chỉ là trau dồi thân, khẩu, ý cho được thuần lương, không có tội theo thế gian thôi. Về phần tu lấy “pháp làm trọng” (Dhammādhipateyya) không tùy đời, không theo mình, chỉ thực hành chánh pháp mới gọi là phương tiện đem mình ra khỏi khổ từng bậc, cho đến Níp-bàn là nơi cứu cánh giải thoát.
Tiếp theo đây, xin giải về sự tu tập trau dồi trí nhớ và trí tuệ, chia ra làm năm phần là:
1. GIỚI (Sīla)
Giới là sự thu thúc thân, khẩu theo qui luật, không cho phát sanh tội lỗi theo thân môn và khẩu môn, là sự trau dồi thân và khẩu cho đoan chánh, lánh xa luật cấm, ở theo lời Phật chuẩn hành khi hành giả trì giới được trong sạch đầy đủ rồi, thì hằng thọ phước báu mát mẻ an vui, gọi là “giới”.
Giới chia ra làm từng chi, có nhiều thứ, nhiều phần, có ngũ giới, bát quan trai giới, thập giới, cụ túc giới (227 giới), đều là lời Phật cấm răn để dứt các tội lỗi phát sanh do thân môn và khẩu môn, là điều ngăn ngừa sửa trị sự hành vi bên ngoài cho đoan chánh theo luật định, dầu có sơ xuất về đường tâm cũng không sao phá giới được. Giới là phương pháp thực hành cho có trật tự trang nghiêm theo mỗi hạng người. Nếu chia theo bậc thì có hai:
1) Giới của bậc cư sĩ gọi là “tại gia giới” (Agāriyasīla) hoặc tại gia luật (Agāriyavinaya)
2) Giới của hàng xuất gia gọi là “xuất gia giới” (Anāgāriyasīla) hoặc xuất gia luật (Anāgāriyavinaya)
Khi hành giả đã giữ giới theo bổn phận mình được trong sạch đầy đủ rồi, giới hỗ trợ cho định thêm sức mạnh hoặc cho thiền định phát sanh.
2. THIỀN ĐỊNH (Samādhi)
Trì giới được trong sạch đầy đủ, ví như hành giả đứng vững trên nấc thang đầu tiên, tiếp theo, nên tiến hành theo pháp thiền định ví như nấc thang thứ nhì.
Thông thường, tâm của phàm nhân hằng biến đổi, vọng chuyển phóng túng theo các cảnh giới, khó an trụ, thường hay buông thả, đeo níu cảnh giới vừa ý, lìa xa cảnh giới trái ý và quyến luyến theo ái dục không ngừng nghỉ, không êm lặng, ví như loài khỉ hoặc trẻ con. Cho nên, người chưa quán tưởng thấy rõ: sanh, già, đau, chết là sự khổ lớn lao của chúng sanh, thì rất khó sửa trị cái tâm ở theo chánh pháp. Song những người đã nhàm chán, ghê gớm danh-sắc không sanh lòng cảm xúc và tìm đường để thoát khỏi thống khổ, là người có phước đức dày dặn, dầu chưa tham thiền được nhiều cũng có thể thành công đắc quả dễ dàng, có khi chỉ nghe pháp của Đức Thế Tôn mà được chứng quả.
“Thiền định” là pháp làm cho tâm an trụ khắn khít, vững vàng trong một cảnh giới, là dùng trí nhớ buộc tâm mình dính với một đối tượng. Về cảnh giới của tâm thì cái chi cũng được, chỉ làm sao cho tâm đừng vui thích theo tình dục, phiền não thôi
“Thiền định” kỳ thực, kể ra có nhiều phép… . Song tóm tắt có 40, sau khi đã chọn lựa, chỉ lấy những pháp đại cương hợp lại làm từng phần để làm qui phạm. Cả 40 pháp phương tiện ấy là cảnh giới để buộc ràng cái tâm cho an trụ vững bền, cho vừa phát sanh thiền định, như pháp Kasiṇa và pháp niệm theo hơi thở. Những pháp không có thể làm cho tâm nhập định là phương tiện đem cái tâm đến bậc cận định như pháp niệm Phật, niệm pháp, niệm bố thí.
Tâm tìm suy xét trong các cảnh giới gọi là “Tầm” (vitakka). Tâm xem xét quán tưởng các cảnh giới ấy là “tứ” (vicāra). “Tâm nhớ” gìn giữ “tầm” và “tứ” không cho vọng niệm trong các cảnh giới khác, như bò mà người buộc chặt vào cây cọc, hằng vùng vẫy, chuyển động, cho đến khi sức cùng lực tận rồi mới chịu té, ngã nằm bên cây cọc ấy, gọi là “tịnh”[31]. Khi tâm đã tịnh, “phỉ” phát sanh, tiếp tục “lạc” cũng phát sanh. Nếu có thắng lực vừa cho tâm an trụ trong một cảnh giới, thì “tâm định” phát sanh ấy gọi là nhập sơ thiền, có đủ 5 chi: tầm, tứ, phỉ, lạc, định. Nếu thiền định có thắng lực mạnh mẽ, tâm càng vi tế hơn là nguyên nhân đắc thiền định bậc trên theo thứ tự (xem nơi chương có giải về tám chi đạo ở nơi trước).
Cận định là tâm định chưa được khắn khít bền bỉ, chỉ là bậc gần nhập định, mặc dù có tầm, tứ, phỉ, lạc cũng chưa đủ thắng lực sanh định, nên chưa có thể gọi là định được. Ví như trẻ con mới tập đứng, dầu đứng ngồi được chốc lát cũng chưa có đủ sức lực đứng cho bền vững, đứng lên rồi phải té xuống, cứ vẫn đứng, té luôn, song trong thời mà tâm ở bậc cận định, nếu cố gắng tinh tấn tiến hành pháp niệm minh sát, quán tưởng ba tướng (vô thường, khổ não, vô ngã) cũng có thể thành tựu, thấy rõ chút ít pháp diệu đế, chỉ khác nhau là không đắc các đức cao thượng thêm nữa, như các pháp thần thông.
Thiền định là tâm xa lìa khỏi pháp cái (nīvaraṇā), là tâm mềm mại, nhẹ nhàng, đáng hành sự, muốn thấy thế nào cũng có thể thấy được, do thắng lực của thiền định non hoặc già. Những người muốn được giải thoát không cầu đắc pháp thần thông, hằng đem tâm tìm suy xét thân thể hoặc năm uẩn của mình và của người, chia ra từng phần mà lòng còn hoài nghi là “ta” là “vật thường tồn lâu dài” hoặc có sự an vui như thế[32].
3. TRÍ TUỆ (Paññā)
Khi tâm đã khắn khít là đắc thiền định rồi, có tâm mềm mại sẵn dành để tiến hành, quán tưởng sắc pháp và danh pháp mà mình cần phải thấy, cần phải giác ngộ từ bậc thô thiển cho đến bậc cực kỳ vi tế cả về phần chung và riêng, từ trên xuống dưới, dưới trở lên trên, từ khi mới thọ sanh rồi biến đổi, cho đến lúc tiêu diệt là nơi cuối cùng. Trí tuệ là khí cụ để quán tưởng nhân quả theo thứ tự, theo pháp minh sát tuệ, chia ra làm 9 bậc là
1) Trí tuệ quán tưởng thấy sự sanh và diệt là quán tưởng thấy cả sự sanh và diệt của danh-sắc. (Udayabbhayānupassanāñāṇa).
2) Trí tuệ quán tưởng thấy sự tan rã, tiêu diệt, của danh-sắc (bhaṅgānupassanāñāṇa).
3) Trí tuệ quán tưởng thấy danh-sắc rõ rệt, là cái đáng ghê sợ, là tưởng xét thấy danh-sắc phân minh có thể tướng đáng ghê sợ, như các thú dữ, như thấy sư tử (bhayatupaṭṭhānañāṇa).
4) Trí tuệ quán tưởng thấy tội lỗi, là tưởng xét thấy tội của danh-sắc rõ rệt, như thấy nhà đang bị lửa cháy (Ādīnavānupassanāñāṇa).
5) Trí tuệ thấy sự nhàm chán vì thể tướng, xét thấy danh-sắc ấy chỉ có tội lỗi thôi (Nibbidānupassanāñāṇa).
6) Trí tuệ quán tưởng thấy, chỉ muốn được giải thoát là muốn ra khỏi danh-sắc mà mình nhàm chán ấy, như thú mắc bẫy muốn thoát khỏi bẩy (Muñcitukamyatāñāṇa).
7) Trí tuệ quán tưởng tìm đường chọn lựa, rảo kiếm trong danh-sắc để tìm phương giải thoát, như loài chim (Samuddasakuṇī)[33] xuống tắm chơi trong biển (Patisaṅkhānupassanāñāṇa).
8) Trí tuệ quán tưởng thấy tâm vô ký trong danh-sắc, như người đàn ông vô ký với vợ đã từ bỏ hẳn rồi (Saṅkhārupekkhāñāṇa).
9) Trí tuệ hành vừa theo sự giác ngộ pháp diệu đế trong thời của tâm thuận minh sát phát sanh trong “tâm tìm cảnh giới trong ý” (manodvārāvajjana) chặt bỏ thường tâm (bhavaṅgacitta) sau saṅkhārupekkhāñāṇa, trong thời Thánh đạo sẽ phát sanh.
Sự tu pháp tuệ niệm không muốn đắc pháp thần thông là điều ràng buộc, vì chẳng phải là pháp diệt trừ phiền não mê lầm. Trái lại, là điều trở ngại sự hành trình của hành giả chỉ muốn giải thoát khỏi sự khổ. Sự thị hiện thần thông cần phải nhập định cho thuần thục, đầy đủ, làm cho người sanh lòng tín ngưỡng, ngõ hầu để hoằng pháp trong thời gian mà người đang xu hướng theo thần thông. Còn về phần tuệ niệm cần phải dùng trí tuệ quán tưởng danh-sắc cho giác ngộ pháp diệu đế để đoạn tuyệt phiền não, tiến hành theo chín pháp minh sát tuệ như đã có giải phiền não về phần thụy miên (anusaya) hoặc sử (saññojana) ẩn núp trong tâm kể vào ác pháp của tâm. Đạo đã tu tập khi có cơ hội họp lực nhau làm thành đạo cũng theo đoạn trừ thụy miên hoặc sử cho tiêu diệt. Đây thuộc về thiện pháp của tâm.
Lại nữa, về ác pháp là “vô minh” có nhiều danh hiệu khác thêm nữa, nhất là tối tăm, ngu dốt, mê muội, mù, … .
Về phần thiện là “minh” có nhiều danh hiệu khác thêm nữa, nhất là sáng sủa, trí tuệ, ánh sáng, mắt, … .
“Vô minh” và “minh” ấy đều có rất nhiều chi dắt dẫn hộ tùng, nhưng đây chỉ gọi chung là “vô minh” hoặc “minh” thôi. Vì hai pháp này chủ tể đứng đầu của tất cả ác pháp và thiện pháp.
ĐẠO, QUẢ[34]
Pháp lành bậc thượng, hiệp lực nhau do thắng lực thiền định và trí tuệ tạo thành sở hữu tâm, pháp làm cho phát sanh tâm cao thượng gọi là đạo tâm hoặc đạo tuệ. Tâm này phát sanh đoạn trừ chướng ngại trong thời đồng nhau. Thời tâm này gọi là thời của đạo tâm tồn tại chỉ một thời rồi diệt, phát sanh tức tốc tâm mới, trong thời ấy gọi là “quả tâm” hoặc là “quả tuệ”
Đạo tuệ, quả tuệ chia ra làm bốn bậc có thấp cao hơn nhau thế nào, như đã có giải ở nơi trước. Đến khi tâm bậc tố thượng là A-la-hán quả phát sanh rồi, gọi là bậc cuối cùng của đạo quả là bậc Níp-bàn.
NÍP - BÀN[35]
Đạo ví như sự chặt đứt dây nô lệ, buộc trói, chặt đứt được nhiều ít theo thắng lực của đạo quả, như sự giải thoát khỏi nô lệ buộc trói thân tâm, được hưởng mọi bề hạnh phúc chẳng còn bị ràng buộc nữa, quả cuối cùng là thân tâm được an vui thanh tịnh. Nghiệp dữ cũ đã dứt, nghiệp mới cũng chẳng có, cả phần phước và phần tội.
Đức A-la-hán làm việc gì cũng chỉ là “làm”, không sanh “kết mạc” (vipāka)[36] vì đã dứt hẳn lậu phiền não rồi. Tâm của các Ngài trong sạch, lánh xa sự cố chấp vì tâm thủ, không có nhân duyên là khí cụ làm cho thọ sanh trong cảnh vui hoặc cảnh khổ trong kiếp vị lai nữa. Tâm của các Ngài đã yên lặng, an vui, thanh tịnh cao thượng, dầu còn năm uẩn là nơi cư trú của sự khổ, như chúng sanh thường tình, song các Ngài không thọ khổ vì đã đoạn tuyệt nguồn gốc của tất cả điều khổ não, không cho sanh chồi, mọc nhánh nữa, chỉ còn chờ thời kỳ tiêu diệt theo lẽ thường của danh-sắc thôi. Bậc này gọi là hữu dư y Níp-bàn (sa upādisesanibbāna) đã diệt tất cả phiền não chỉ còn năm uẩn (hoặc gọi vắn tắt là Níp-bàn cũng được). Đến khi tịch diệt hoặc vì lẽ gì chẳng hạn, mà năm uẩn của các Ngài tiêu diệt, song diệt như đây gọi là diệt cả năm uẩn và phiền não, chẳng có chi là nhân duyên sanh năm uẩn mới trong cõi mới nữa, là tắt như ngọn đèn hết dầu hết tim rồi tắt. Như thế gọi là “vô dư y Níp-bàn” (Anupādisesanibbāna) nghĩa là tắt tất cả, chẳng còn cái chi dư xót (hoặc gọi vắn tắt là Đại Níp-bàn) (parinibbāna) cũng được.
Theo lời đã giải đây, tóm tắt lại rằng: giới, định, tuệ là pháp hành, còn đạo, quả, Níp-bàn là pháp thành (xin xem bản đồ có giải rõ ở sau).
Tiếp theo đây xin trích soạn những lời Phật ngôn trong các kinh để làm tài liệu thêm cho hành giả.
Có Phật ngôn rằng:
Này các thầy Tỳ khưu! Trong rừng có một cái bưng là nơi mà bầy thú thường xuống uống nước, có một người mong giết bầy thú ấy, liền ngăn chặng đường lên của chúng, mở rộng con đường có sự lo sợ đến bầy thú, rồi đem thú cái, thú đực đến làm mồi, bầy thú rừng ấy phải bị hại thưa thớt đi lần lần. Có một người nữa là người mong mỏi điều hạnh phúc đến bầy thú ấy, mới chận bít đường có sự nguy hiểm, mở đường khỏi điều lo sợ và bắt bỏ thú mồi ấy ra, đến sau, bầy thú lại dần dần trở nên đông đúc.
Này các thầy Tỳ khưu! Như Lai đem thí dụ này cho các ngươi hiểu rõ rằng:
- Bưng tức là ngũ dục.
- Bầy thú đông đúc ấy tức là tất cả chúng sanh.
- Người ngăn chặng đường làm hại bầy thú tức là ma vương.
- Con đường có sự lo sợ tức là đường tà đạo có tám chi là 1. Hiểu quấy, 2. Suy nghĩ quấy, 3. Nói quấy, 4. Nghề quấy, 5. Nuôi mạng quấy, 6. Tiến lên quấy, 7. Nhớ quấy, 8. Định tâm quấy.
- Thú mồi đực tức là tình dục, vì thế lực của sự vui sướng say mê.
- Thú mồi cái tức là phiền não vô minh,
- Người muốn sự hạnh phúc (đến bầy thú) là Như Lai,
- Con đường không có điều lo sợ là Thánh đạo có tám chi là 1. Hiểu phải, 2. Suy nghĩ phải, 3. Nói phải, 4. Nghề phải, 5. Nuôi mạng phải, 6. Tiến lên phải, 7. Nhớ phải, 8. Định tâm phải.
Này các thầy Tỳ khưu! Con đường có điều hạnh phúc, Như Lai đã khai mở rồi. Đường xấu xa Như Lai đã ngăn bít rồi. Thú mồi đực, thú mồi cái, Như Lai đã bắt bỏ rồi, như thế ấy.
Sự thực hành theo Thánh đạo có tám chi là nhân cho đắc Níp-bàn, đại đức Xá-lợi-phất có giải rằng:
Này các ông! Đạo là đường tu hành cho thấy rõ Níp-bàn, là Thánh đạo có tám chi: 1. hiểu phải, 2. suy nghĩ phải, 3. nói phải, 4. nghề phải, 5. nuôi mạng phải, 6. tiến lên phải, 7. nhớ phải, 8. định tâm phải.
Này các ông! Đạo là đường tu hành, ấy là đường tu hành theo cho đặng thấy rõ Níp-bàn.
Đức Phật hằng tán dương sự bố thí. Những thí chủ dâng cúng đến các hạng sa môn ở theo bát thánh đạo, gọi là bố thí có phước báu cao thượng, ví như ruộng có đủ tám chi, có đất phân rất tốt, hằng trổ sanh nhiều bông trái.
Có Phật ngôn rằng:
Này các thầy Tỳ khưu! Giống lúa mà người gieo trong ruộng có đủ tám chi hằng được nhiều bông trái, có mùi vị ngon ngọt, cây lúa nứt nở lớn bụi.
Này các thầy Tỳ khưu! Ruộng có tám chi trong thế gian này là
1. Không có chỗ cao, chỗ thấp, đều bằng phẳng nhau.
2. Không có nhiều đá sỏi.
3. Không có đất mặn hoặc nước muối đọng lại.
4. Không có đất cứng lắm, cày không được.
5. Có nhiều đường nước chảy ra.
6. Không có chổ nước chạy vào [36.1]
7. Có nhiều lòng nước nhỏ lớn
8. Có nhiều bờ ruộng và đê
Này các thầy Tỳ khưu! Bố thí dâng cúng đến hàng sa môn có đủ tám chi, hằng được quả nhiều, được nhiều phước báu cao quí, được quả to lớn.
Này các thầy Tỳ khưu! Hàng sa môn có đủ tám chi trong thế gian là người có sự: 1. hiểu phải, 2. suy nghĩ phải, 3. nói phải, 4. nghề phải, 5. nuôi mạng phải, 6. nhớ phải, 7. tiến lên phải, 8. tịnh tâm phải.
Này các thầy Tỳ khưu! Sự bố thí mà người đã làm rồi trong hàng sa môn có đủ tám chi ấy, hằng có quả nhiều, có phước báu nhiều, có quả quí trọng, có quả to lớn như thế ấy.
Người quán sát thấy rõ pháp của Đức Phật gọi là như được xem thấy Phật.
Đức Thế Tôn có giải cho một vị Tỳ-khưu Vakkali nghe như vầy:
Này Vakkali! Người nào suy thấy pháp, người ấy gọi là thấy Như Lai. Người nào được thấy Như Lai, người ấy gọi là thấy pháp.
Phận sự của đức Thiên Nhơn sư, Ngài đã làm trọn rồi, đối với các bậc Thinh văn, Ngài chẳng còn phận sự nào phải làm thêm nữa.
Có Phật ngôn rằng:
Này các thầy Tỳ khưu! Phận sự tiếp độ, tìm kiếm điều lợi ích nào mà Như Lai nên làm đến các bậc Thinh văn, phận sự ấy Như Lai đã làm đến tất cả các ngươi rồi.
Này các thầy Tỳ khưu! Nơi cội cây kia, nơi thanh vắng kia, các ngươi hãy tu tập cho đầy đủ, các ngươi chẳng nơi dể duôi, sau rồi các ngươi chẳng có sự ăn năn than tiếc. Đó là lời dạy bảo của Như Lai đối với các ngươi.
Trước khi nhập Níp-bàn, Phật ngợi khen những người hành theo pháp, gọi là bậc dâng lễ cúng dường đến Như Lai bằng cách cao thượng.
Trong lúc cuối cùng, Ngài có thức tỉnh các thầy Tỳ khưu, không nên dể duôi cẩu thả trong sự hành đạo bằng lời như sau này:
Này A-nan-đa! Các Tỳ-khưu hoặc Tỳ-khưu ni, thiện nam hoặc tín nữ nào hành pháp vừa theo pháp, người ấy gọi là tôn kính dâng lễ cúng dường đến Như Lai bằng cách cao thượng.
Này A-nan-đa! Các ngươi nên niệm tưởng như vầy: chúng ta dắt dẫn nhau hành pháp, vừa theo pháp, tu chơn chánh, hành theo pháp như thế ấy.
Này A-nan-đa! Các ngươi không nên hiểu rằng giáo pháp của Đức Giáo chủ chúng ta đã qua khỏi rồi, nay Đức giáo chủ chúng ta không có, như thế.
Này A-nan-đa! Pháp và luật mà Như Lai đã giảng giải rồi, đã chế định rồi, pháp và luật ấy sẽ là giáo chủ của người (thay mặt cho Như Lai) trong khi Như Lai đã nhập Níp-bàn.
Tiếp theo đây, Đức Phật gọi các vị Tỳ-khưu mà rằng: Này các thầy Tỳ khưu! Như Lai thức tỉnh các ngươi trong lúc này, các danh-sắc (năm uẩn) hằng có sự tiêu diệt là lẽ thường, các ngươi hãy làm cho sự không cẩu thả phát sanh đầy đủ, ấy là nơi cuối cùng của Như Lai.
Dứt chương trình hành pháp-tóm tắt bấy nhiêu.
KINH SUBHA[37]
Tôi có nghe như vầy: một thuở nọ, sau khi Đức Thế Tôn nhập Đại Níp-bàn chưa bao lâu[38], Đại Đức A-nan-đa ngụ trong Kỳ-viên tịnh xá của ông trưởng giả Cấp-Cô-Độc, gần thành Xá-vệ (Sāvatthi).
Thuở ấy, người thanh niên Subha, con của trưởng giả Bà-la-môn Todeyya, hữu sự đến tạm trú trong thành Xá-vệ, có vào đảnh lễ Đức A-nan-đa xong, ngồi nơi chỗ nên ngồi, bèn bạch với Đại Đức A-nan-đa rằng:
Bạch Đại Đức A-nan-đa, Ngài là bậc hộ pháp, là người hầu cận Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen các pháp tiếp dẫn chúng sanh cho được tồn tại, ở theo các pháp.
Bạch Đại Đức A-nan-đa! Đức Thế Tôn có lời ngợi khen pháp ấy như thế nào ?
Đại Đức A-nan-đa đáp: Này người thanh niên! Đức Thế Tôn có lời ngợi khen ba phần pháp tiếp dẫn người đời cho tồn tại, cho ở theo ba phần pháp:
Ba phần pháp ấy là
1. Phần giới quí trọng
2. Phần định quí trọng
3. Phần tuệ quí trọng
Này người thanh niên! Đức Thế Tôn có lời ngợi khen ba phần pháp ấy là pháp tiếp dẫn người đời cho tồn tại, trong ba phần pháp ấy.
Phần Giới quí trọng
Người thanh niên Subha bạch rằng:
Bạch Đại Đức A-nan-đa, phần giới quí trọng mà Đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là phần giới tiếp dẫn người đời cho tồn tại, ở theo pháp ấy, như thế nào?
Đại Đức A-nan-đa đáp:
Này người thanh niên, Đức Như Lai giáng sanh trong thế gian này, được chứng bậc chánh đẳng, chánh giác đầy đủ cả minh hạnh túc[39]. Ngài truyền bá giáo pháp quí trọng thanh tịnh, những người được nghe pháp ấy khi đã nghe rồi hằng có lòng chánh tín nơi Đức Như Lai. Có đức tin rồi hằng suy xét thấy rõ rằng: hạng tại gia chật hẹp là con đường chảy vào của các bụi bặm là phiền não, bậc xuất gia mới có bề thông thả. Những người tại gia không hành pháp cao thượng được hoàn toàn đầy đủ, trong sạch viên mãn. Nếu như thế, ta phải cạo tóc và râu, xong mặc áo cà sa vàng ra khỏi nhà đi thọ lễ xuất gia. Khi người ấy được xuất gia rồi thu thúc trong biệt biệt giải thoát giới (Pāṭimokkhasaṃvarasīlā) có gocāra[40] và ācāra[41] có sự lo sợ tội lỗi dầu nhỏ nhen chút ít, thọ trì các điều học (giới) nghiệp thân và khẩu trong sạch, có chánh mạng, hạnh kiểm trang nghiêm giữ gìn lục căn, có trí nhớ và sự biết mình, là người trí tuệ.
Này người thanh niên! Vậy thầy Tỳ-khưu hạnh kiểm trang nghiêm như thế nào?
Này người thanh niên! Thầy Tỳ-khưu trong Phật giáo này, lánh xa sự sát sanh, dứt bỏ hẳn sự sát sanh là người đã liệng bỏ khí giới, chẳng còn cầm khí giới, có sự hổ thẹn tội lỗi, có tâm từ bi, là người hay tiếp độ, tìm sự lợi ích đến chúng sanh. Như thế gọi là giới của thầy Tỳ-khưu ấy.
Lại nữa, có hạng Bà-la-môn thọ thực mà người đã dâng cúng vì đức tin, song hạng Bà-la-môn ấy hằng ở theo tà minh[42], cầu thần khấn quỉ, trả lễ tạ ơn, tụng kinh đọc chú, xem sao bói quẻ, trừ tà yếm quỉ, họa bùa làm phép, chữa bệnh cho người v.v… ấy gọi là tà minh. Thầy Tỳ-khưu lánh khỏi tà minh ấy, gọi là người có giới trong sạch.
Vị Tỳ-khưu được thu thú đầy đủ trong tứ-thanh-tịnh-giới rồi, không còn lo sợ điều chi, thân hằng được yên vui thanh tịnh.
Thu hút lục căn là
Giữ gìn không cho lục căn phóng túng theo lục trần: khi mắt thấy sắc trần mà không cố ý đến sự thấy ấy, không để ý phân biệt tốt, xấu, gái, trai, già, trẻ…
- Tai nghe tiếng mà không biệt hay dở…
- Mũi ngửi mùi mà không phân biệt thơm hôi…
- Lưỡi nếm vị mà không phân biệt ngon dở…
- Thân đụng chạm mà không phân biệt cứng mềm…
- Ý biết rõ cảnh giới ngoại trần mà không chăm chú, không quan tâm hay, dở, tốt, xấu.
Hành giả thu thúc lục căn được thanh tịnh, tâm hằng an vui trong sạch, không lẫn lộn phiền não.
Phải thu thút lục căn cho thanh tịnh như thế ấy.
Phải có trí nhớ và sự biết mình (satisampajjaññā) là khi bước tới hoặc thối lui cũng biết mình. Khi liếc xem phía trước hoặc liếc xem tứ hướng cũng biết mình. Khi co tay hoặc duổi chân cũng biết mình. Khi mặc y, mang bát, cũng biết mình. Ăn, uống, nhai, nuốt vật thực hoặc thuốc men cũng biết mình. Đi đứng nằm ngồi hoặc nói năng hoặc nín thinh cũng biết mình. Phải có trí nhớ và sự biết mình (satisampajjaññā)[43] như thế.
Phải có tri túc (santosa) là phải biết phân lượng tài sức mình được bấy nhiêu là đủ, không mong quá phận.
Hành giả phải tri túc trong y phục là vật để che thân, trong vật thực là món để nuôi sanh mạng, có sao dùng vậy, không lòng tham muốn tìm kiếm thêm. Đi đến nới nào chỉ đem theo những vật cần yếu đủ dùng (vật phụ thuộc)[44]. Thầy Tỳ-khưu chỉ có y và bát như loài chim, khi bay đi nơi nào chúng chỉ dùng cặp cánh thôi. Cũng thế, hành giả có tri túc trong y bát, trong vật thực, khi đi đến nơi nào chỉ đem theo những vật cần yếu đủ dùng như thầy Tỳ-khưu hành pháp đầu đà[45] chỉ có tấm y và bát, như thế gọi là người có tri túc.
Phần Định quí trọng
Những hành giả trì giới trong sạch, thu thúc lục căn cao thượng thêm có trí nhớ (không quên mình) và sự biết cao thượng hằng tìm ngụ trong nơi thanh vắng là cội cây, hang đá, de đá, núi, nơi mộ địa, khoảng trống hoặc lùm bụi, hành giả ngồi bán già tọa thiền, thân hình ngay thẳng, đem trí nhớ chăm chỉ trong đề mục thiền định:
1. Dứt lòng tham muốn: Không chấp năm uẩn, lánh xa sự xan tham, trau dồi cho tâm trở nên trong sạch, khỏi sự xan tham.
2. Dứt lòng thù oán: Hờn giận, không bất bình, có lòng tế độ chúng sanh được điều lợi ích, sửa trị tâm tánh, diệt trừ sự bất bình và hờn giận.
3. Dứt sự hôn trầm: Chẳng còn biếng nhác, nhờ xem ánh sáng, có đủ trí nhớ và sự biết mình, làm cho tâm được thuần thục, tươi tỉnh.
4. Dứt lòng phóng dật[46]: Diệt sự tư tưởng những việc đâu đâu, tâm được yên lặng, xa khỏi điều vọng tưởng.
5. Dứt hoài nghi: Chẳng còn ngờ vực các pháp, tiến hành cho tâm xa khỏi sự nghi ngờ.
Ví như người vay tiền để làm việc thương mại, khi các việc được thành tựu mỹ mãn, nợ vay đã trả, còn dư lời nhiều, có thể bảo tồn sanh mạng vợ con. Người ấy bèn suy nghĩ, trước kia ta vay tiền để làm thương mại, nay công việc đã thành, ta nên hoàn số nợ cho chủ, còn lại có thể bảo dưỡng vợ con. Suy nghĩ như thế, người ấy phát tâm vui vẻ (Pamojja) hoặc ví như người mang bệnh trọng chịu nhiều sự đau đớn nặng nề, ăn uống không được lại thêm sức yếu mình gầy, nay được lành mạnh, ăn uống như xưa. Suy nghĩ như thế, người ấy sanh lòng vui vẻ vì được khỏi bệnh.
Hoặc ví như kẻ tù tội ra khỏi khám đường được sự an vui chẳng còn lo sợ bị người trói trăng đánh đập. Kẻ ấy bèn nghĩ, trước kia ta bị tù tội, nay được tự do chẳng còn lo sợ bị cùm xiềng đánh chửi. Suy nghĩ như thế bèn phát lòng vui thích.
Cũng như thế ấy, hành giả thấy năm pháp cái trong tâm chưa diệt trừ được, như người thiếu nợ, như người mang bệnh nặng, như kẻ tù tội, như kẻ nô lệ, như người đi đường xa lỡ hết vật thực.
Khi hành giả suy xét thấy đã dứt trừ năm pháp cái ấy trong tâm rồi, như những người đã khỏi nợ, như những người được lành bệnh, như người ra khỏi khám đường, như người khỏi dòng nô lệ, như người đi đường xa hết vật thực mà gặp được đồ cần thiết trong khi túng ngặt, thì phát tâm vui thích.
Khi thầy Tỳ-khưu quán sát thấy tâm dứt khỏi năm pháp cái rồi, sự vui vẻ phát sanh. Sự vui sanh, phỉ cũng sanh. Khi phỉ[47] có trong tâm thì thân yên lặng, tâm an tịnh thì hằng được vững vàng. Thầy Tỳ-khưu ấy xa khỏi các dục vọng, dứt bỏ cả ác pháp rồi được nhập sơ thiền: tầm, tứ, phỉ và lạc phát sanh do tâm yên lặng, an nghỉ oai nghi. Thầy Tỳ-khưu ấy làm cho phỉ và lạc phát sanh do sự yên lặng thấm tháp đều đặn đầy đủ khắp cả châu thân.
Này người thanh niên! Như người thợ cạo tóc thiện nghệ bỏ vật để tắm, trong đồ đựng và trộn lộn với nước, vật để tắm ấy tiêu hóa trong nước, hòa lẫn với nước cả bên trong và bên ngoài không bời rời, thế nào. Này người thanh niên! Thầy Tỳ-khưu đắc sơ thiền cũng như thế ấy.
Này người thanh nên! Thầy Tỳ-khưu lánh xa các dục vọng, lìa khỏi cả ác pháp đã nhập sơ thiền có tầm, tứ, phỉ và lạc phát sanh do tâm yên lặng, an nghỉ oai nghi: thầy Tỳ-khưu ấy làm cho phỉ và lạc phát sanh do tâm yên lặng thấm tháp đầy đủ khắp cả châu thân.
Này người thanh niên! Lại nữa, thầy Tỳ-khưu diệt tầm và tứ, rồi được nhập nhị thiền là điều xác thực, có đức tin, có trạng thái nhất tâm, không còn tầm và tứ, chỉ có phỉ và lạc phát sanh do nhị thiền, an nghỉ oai nghi. Thầy Tỳ-khưu ấy hằng làm cho phỉ và lạc phát sanh do thiền định thấm tháp đầy đủ khắp cả châu thân.
Này người thanh niên! Thầy Tỳ-khưu diệt tầm và tứ rồi đắc nhị thiền, an nghỉ oai nghi, thầy Tỳ-khưu ấy hằng làm cho phỉ và lạc phát sanh, do thiền định thấm tháp đầy đủ khắp cả châu thân.
Này người thanh niên! Lại nữa, thầy Tỳ-khưu nhàm chán phỉ, có xã tâm, có trí nhớ và sự biết mình, thân được thọ lạc. Các bậc thánh nhơn hằng ngợi khen những người đã đắc tam thiền rằng: người đắc tam thiền có xã tâm, có trí nhớ, được an lạc như thế, nhờ nhập tam thiền, an nghỉ oai nghi. Thầy Tỳ-khưu dứt phỉ, hằng làm cho lạc, xã phát sanh thấm tháp, đầy đủ khắp cả châu thân.
Này người thanh niên! Như các thủy hoa, hoa sen đỏ, hoa sen trắng, trong ao sen đỏ, trong ao sen trắng, mọc trong nước, tiến hóa trong nước, lên cao trong nước, chìm trong nước, các thủy hoa ấy hằng thấm tháp khắp cả đọt đến gốc, các chi nhỏ lớn của thủy hoa ấy là, hoa sen đỏ hoặc hoa sen trắng cũng đều được thấm tháp nước mát ấy… . Này người thanh niên! Thầy Tỳ-khưu đắc tam thiền cũng như thế ấy.
Này người thanh niên! Thầy Tỳ-khưu nhàm chán phỉ rồi v.v… được nhập tam thiền, an nghỉ oai nghi, thầy Tỳ-khưu ấy dứt phỉ làm cho lạc, xã thấm tháp, đầy đủ khắp cả châu thân. Các chi nhỏ lớn của thân thể, thầy Tỳ-khưu ấy cũng đều thấm trạng thái của định lực, lạc, xã dứt khỏi phỉ.
Này người thanh niên! Lại nữa, nhờ dứt vui, dứt khổ, diệt tâm vui mừng và hờn giận từ trước, thầy Tỳ-khưu được nhập tứ thiền có cảnh giới không khổ, không vui là tâm xả, có trí nhớ trong sạch phát sanh do tâm xả, an nghỉ oai nghi. Thầy Tỳ-khưu ấy hằng làm cho thân thể thấm tháp, tâm trong sạch an tọa. Các chi nhỏ lớn của thân thể thầy Tỳ-khưu đều thấm tháp, trong sạch. Này người thanh niên! Ví như có người lấy vải sạch trùm mình luôn cả đầu, an tọa, các chi nhỏ lớn của thân thể người ấy đều thấm tháp đầy đủ vải sạch ấy.
Này người thanh niên! Thầy Tỳ-khưu nhờ dứt vui, nên được nhập tứ thiền, an nghỉ oai nghi, vị Tỳ-khưu ấy hằng làm cho tâm trong sạch, thấm tháp cả châu thân, an nghỉ oai nghi. Các chi nhỏ lớn của thân thể vị Tỳ-khưu ấy cũng đều được thấm tháp trong sạch như thế ấy.
Này người thanh niên! Ấy là phần định quí trọng mà Đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen, là pháp để tiếp dẫn chúng sanh thực hành theo cho tồn tại và truyền thừa lại. Những sự nên hành tiếp theo trong Phật pháp này, (còn nữa…)
Người thanh niên Subha bèn tán dương rằng, bạch Đại Đức A-nan-đa. Thật rất lạ thường, bạch Đại Đức A-nan-đa, việc không từng có lại có được, là phần định quí trọng ấy đã tròn đủ, chẳng phải là không tròn đủ, bạch Đại Đức A-nan-đa, tôi chưa từng thấy phần định quí trọng tròn đủ như thế trong phái Bà-la-môn ngoài Phật giáo này.
Bạch Đại Đức A-nan-đa, phái Bà-la-môn, ngoài Phật giáo cũng được thấy phần định quí trọng tròn đủ như thế trong thân tâm, song các hạng Bà-la-môn ấy chỉ vừa lòng với phần đức tánh thiền định bấy nhiêu, rằng: đức tánh bấy nhiêu vừa rồi chỉ có đức tánh bấy nhiêu là đủ. Sự lợi ích về các đức thường, chúng ta đã đến rồi theo từng bậc chúng ta chẳng còn phải làm việc gì thêm nữa.
Về phần Đại Đức A-nan-đa Ngài lại nói rằng việc phải làm tiếp thêm trong Phật pháp này còn nữa…
Phần Tuệ quí trọng
Người thanh niên bạch rằng: Bạch Đại Đức A-nan-đa, vậy phần trí tuệ quí trọng mà Đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là pháp tiếp độ người đời cho được tồn tại như thế nào?
Đại Đức A-nan-đa đáp rằng: Khi tâm hành giả đã xã ly năm pháp cái thì tâm được an trụ thanh tịnh, phiền não được yên lặng, tùy phiền não xa lánh, rồi nhờ thắng lực của tĩnh-lự[48] ấy mà phát khởi ra mấy món trí thông như sau này:
1. Minh sát trí thông (Vipassanāñāṇaṃ) Khi tâm được an trụ, có trạng thái dịu dàng, đáng niệm, không xao động vì ngoại trần, hành giả chăm chú hành pháp “minh sát trí thông”. Hành giả biết rõ rằng: thân ta đây do tứ đại hiệp nên, nhờ mẹ cha sanh dưỡng, do vật thực mà được trưởng thành, thêm nhờ sự trau dồi tắm, gội, kỳ, rửa thường ngày để tạm ngăn mùi hôi hám, mặc dầu vậy, nó cũng không khỏi sự tan rã chia lìa theo lẽ tự nhiên.
Tâm thức ta nương ngụ trong thân này, như bạch bích có tám góc mà thợ đã dồi mài tinh anh có ánh sáng trong sạch, nếu có người lấy chỉ xanh, đỏ, vàng, hoặc trắng xỏ vào châu ấy, người sáng mắt lấy ngọc ấy để trên tay và xem xét, thấy rõ rằng: đây là bạch bích tinh anh có tám góc mà thợ đã dồi mài, có ánh sáng trong sạch, chỉ mà người xỏ trông châu ấy là chỉ xanh, đỏ, vàng, hoặc trắng. Cũng như thế, hành giả khi tâm được an tịnh có trạng thái dịu dàng, đáng niệm, không xao động vì ngoại trần, chăm chú hành pháp minh sát, hành giả cũng biết rõ rằng: thân ta đây nương theo tứ đại, nhờ mẹ cha sanh dưỡng, do vật thực mà được trưởng thành, thêm nhờ sự trau dồi tắm, gội, kỳ, rửa thường ngày để tạm ngăn mùi hôi hám, mặc dầu vậy, nó cũng không tránh khỏi sự tan rã, chia lìa theo lẽ tự nhiên. Tâm thức ta nương ngụ trong thân này ví như chỉ xỏ trong bạch bích kia vậy, ấy gọi là Minh sát trí thông (Vipassanāñāṇaṃ) của hành giả.
2. Thân cảnh trí thông (Iddhividhañāṇaṃ) - Hành giả an trụ vững vàng thanh tịnh dứt cả mọi điều phiền não, xa lìa tùy phiền não, không xao động vì ngũ dục, chăm chú dùng tâm biến ra thân khác, có tứ chi đầy đủ ví như người rút đao ra khỏi vỏ rồi suy nghĩ như vầy: đây là đao, đây là võ. Đao khác, vỏ khác, nhưng đao mà ta rút ra là rút ra từ nơi vỏ vậy. Hoặc biến một thân thành nhiều thân, hoặc nhiều thân huờn trở lại một thân, hoặc đi đứng vô ngại không chi cản trở, hoặc nhập xuống đất, ẩn hình, hoặc đi trên nước như đi trên đất bằng, hoặc từ phía trong ra phía ngoài, từ ngoài vào trong vách, hoặc đi xuyên qua núi, hoặc lên hoặc xuống đều tự tại, hoặc đi hoặc ngồi trên hư không như chim bay cũng được, dùng tay rờ mặt trời mặt trăng, cách nào cũng vô ngại, ví như người thợ làm đồ gốm thiện nghệ dùng đất sét đã nhồi nhuyễn rồi làm các thứ nồi lớn nhỏ khác nhau theo ý muốn mình đều được cả. Hoặc ví như người thợ tiện thiện nghệ dùng ngà đã dồi mài đem làm các món bằng ngà nhiều kiểu khác nhau đều được cả. Hoặc ví như người thợ bạc thiện nghệ dùng vàng đã phân chế sạch sẽ đem làm một vật trang sức nào cũng đều được theo ý muốn. Cũng thế, hành giả khi tâm an trụ theo cảnh giới tịch tịnh, dứt cả mọi điều phiền não, xa lìa tùy phiền não, không xao động vì ngũ dục, tâm có trạng thái dịu dàng, đáng niệm, hành giả hiện thần thông biến ra nhiều cách như đã giải, ấy là Cảnh trí thông (Iddhividhañāṇaṃ) của hành giả.
3. Thiên nhĩ trí thông (Dibbasotañāṇaṃ) - Hành giả tâm được an trụ vững vàng thanh tịnh, dứt cả mọi điều phiền não, không xao động vì ngũ dục, tâm có trạng thái dịu dàng, đáng niệm, hành giả chăm chú hành pháp thiên nhĩ trí thông, hành giả ấy dầu ở xa hay gần hằng nghe suốt tất cả thứ âm thanh chẳng chút ngần ngại, ví như người đi đường xa, người ấy nghe thấy tiếng trống nhỏ, tiếng sáo, tiếng kèn, tiếng trống lớn, người ấy suy nghĩ rằng: tiếng trống nhỏ như thế này, tiếng sáo như thế này, tiếng kèn như thế này, tiếng trống lớn như thế này.
Cái thắng lực của thiên nhĩ trí thông ấy hơn hết các thiên nhĩ rất trong sạch, nghe đủ thứ tiếng của người phàm, bậc Thánh. Ấy là Thiên nhĩ trí thông (Dibbasota-ñāṇaṃ) của hành giả.
4. Tha tâm trí thông (Cetopariyañāṇaṃ) - Hành giả khi tâm được an trụ vững vàng, thanh tịnh, dứt cả mọi sự phiền não, không xao động vì ngũ dục, là tâm có trạng thái dịu dàng, đáng niệm. Hành giả chăm chú hành pháp tha tâm trí thông là biết phân biệt rõ rệt tâm của chúng sanh, dầu tâm còn tham dục cũng biết, tâm hết tham dục cũng biết, tâm sân cũng biết, tâm si mê cũng biết, tâm hết si mê cũng biết, tâm tinh tấn cũng biết, tâm thối chuyển cũng biết, tâm yên tịnh cũng biết, tâm toán loạn cũng biết, tâm rộng cũng biết, tâm hẹp cũng biết, tâm chưa nhập định cũng biết, tâm phiền não cũng biết, tâm hết phiền não cũng biết, ví như cậu trai hoặc cô gái còn đang vui thích trong sự trang điểm, khi soi mặt trong kiến tinh anh, mặt dơ hoặc sạch cũng biết. Như thế hành giả đắc tha tâm trí thông (Cetopariyañāṇaṃ) cũng vậy
5. Túc mạng trí thông (Pubbenivāsanussatiñāṇaṃ) - Hành giả khi tâm được an trụ thanh tịnh vững vàng, dứt cả mọi điều phiền não và tùy phiền não, không xao động vì ngũ dục, tâm có trạng thái dịu dàng, đáng niệm, hành giả chăm chú hành pháp túc mạng trí thông. Hành giả nhớ biết những kiếp quá khứ từ 1 đời, 2 đời cho đến 100, 1.000 muôn ức kiếp, nên, hoặc hư, cũng đều nhớ hết. Trong các kiếp, quá khứ ấy thọ sanh vào nhà nào, tên họ gì, cha mẹ làm sao, chủng tộc thế nào, tướng mạo tốt hay xấu, sức lực mạnh hay yếu, thọ mạng vắn hay dài, cho đến những việc khổ, vui gì cũng đều biết rõ. Ở cõi này luân hồi lại ở cõi kia, ở cõi kia thọ sanh đến cõi này, cũng đều biết rõ. Ví như người ra khỏi nhà đi đến xứ khác, khi trở về xứ mình rồi nhớ đến như vậy. Ta ra khỏi xứ đi đến xứ kia rồi đến xứ kia nữa, ta đứng như thế này, ngồi như thế kia, nói như thế này, nín thinh như thế này, đến khi ra khỏi xứ ấy ta đi như vầy, ngồi nói như vầy, nay ta trở về xứ ta rồi như thế này. Hành giả đắc túc mạng trí thông (Pubbenivāsanussatiñāṇaṃ) cũng vậy.
6. Thiên nhãn trí thông (Catūpapātañāṇaṃ) - Hành giả khi tâm được an trụ thanh tịnh vững vàng, rồi dứt cả mọi điều phiền não, không xao động vì ngũ dục, tâm có trạng thái dịu dàng, đáng niệm, hành giả chăm chú hành pháp thiên nhãn trí thông. Nghĩa là lấy cái lực thiên nhãn ấy thấy suốt sự sanh tử chúng sanh cao sang, hèn hạ, tốt, xấu, vui, khổ. Thấy rõ chúng sanh đều bị nghiệp lực lôi cuốn như vầy, chúng sanh hạng này bị nghiệp dữ (thân, khẩu, ý ác) vì sự tà kiến hủy báng thánh nhơn, chấp theo tà kiến, nên đến khi thác phải sanh vào ác đạo làm súc sanh địa ngục. Hạng chúng sanh này có chánh kiến ở theo thân, khẩu, ý lành, đến ngày lâm chung, lìa thân ngũ uẩn, được sanh lên cõi trời hoặc làm người thọ hưởng sự yên vui. Hành giả đắc nhãn thông cao thượng hơn phàm nhơn, nên thấy rõ sự luân hồi của chúng sanh do nghiệp lực thiện hay ác như thế. Ví như người lên đứng giữa đài cao cất ở ngã tư đại lộ, giữa châu thành, người ấy sáng mắt đứng trên đài cao xem thấy rõ đường vào nhà, ra nhà hoặc từ nhà này đến nơi kia, hoặc ngồi đứng thấy rõ rệt. Như thế, hành giả đắc thiên nhãn trí thông cũng vậy.
7. Lậu tận trí thông (Āsavakkhayañāṇaṃ) - Hành giả khi tâm được an trụ thanh tịnh vững vàng, dứt cả mọi điều phiền não và tùy phiền não, tâm có trạng thái dịu dàng, đáng niệm, không xao động vì ngũ dục. Như thế, rồi chăm chú hành pháp lậu tận trí thông là thấy suốt các pháp lậu phiền não, thấy rõ theo chơn lý rằng: đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự dứt khổ, đây là đạo dứt khổ, đây là lậu phiền não, đây là nhân sanh lậu phiền não, đây là sự diệt lậu phiền não, đây là đạo diệt lậu phiền não. Khi hành giả biết rõ như thế rồi, thì được dứt khổ.
Khi tâm được dứt khổ, thì được biết rằng tâm đã giải thoát, chẳng còn thọ sanh nữa, đạo cao thượng ta đã hành tròn đủ rồi, phận ta chẳng còn phải làm việc chi nữa. Ví như hầm nước trên đảnh núi trong sạch chẳng còn cặn bã, có người sáng mắt lại gần mé hầm nước trong ấy, xem thấy phân minh những vật ở trong hầm nước nào là sỏi, đá, cá lội qua lại hoặc ở yên một chỗ. Người ấy suy nghĩ rằng: hầm nước này trong sạch chẳng có cặn bã, có sỏi, đá, có bầy cá đang lội qua lại, hoặc ở yên một chỗ trong hầm nước ấy thế nào: này người thanh niên! Thầy Tỳ-khưu đắc lậu tận trí thông cũng như thế ấy. Này người thanh niên! Thầy Tỳ khưu, khi tâm an trụ vững vàng, thanh tịnh, không xao động theo cảnh giới ngoại trần, như thế rồi đem tâm hành pháp lậu tận trí thông, thầy Tỳ-khưu ấy thấy theo chơn lý rằng đây là con đường tu tập để diệt lậu phiền não. Thầy Tỳ-khưu ấy biết như thế, thấy như thế rồi, tâm cũng được giải thoát khỏi hẳn dục lậu phiền não (kāmāsava) tâm cũng giải thoát hẳn sắc và vô sắc lậu phiền não (bhavāsava) tâm cũng giải thoát khỏi hẳn vô minh lậu phiền não (avijjāsava) khi tâm đã giải thoát khỏi hẳn rồi, sự biết cũng phát sanh lên rằng : tâm đã giải thoát hẳn rồi. Thầy Tỳ-khưu ấy cũng biết rõ rằng sự sanh dứt rồi, đạo phạm hạnh được hành tròn đủ rồi, phận sự đã làm rồi, chẳng còn phận sự gì phải làm thêm nữa, ấy là trí tuệ quí trọng của thầy Tỳ-khưu ấy.
Này người thanh niên! Đó là trí tuệ quí trọng mà Đức Chí Tôn đã ngợi khen là pháp tiếp dẫn chúng sanh cho được tồn tại, cho được truyền thừa. Phận sự nên làm thêm trong giáo pháp này cũng chẳng còn.
Người thanh niên Subha tán dương rằng: Bạch Đại Đức A-nan-đa, thật rất lạ thường, điều này chưa từng có, lại có được, phần trí tuệ quí trọng ấy đầy đủ rồi, chẳng phải chẳng đầy đủ đâu.
Tôi chưa từng thấy phần trí tuệ quí trọng nào đầy đủ như thế trong các hàng Bà-la-môn khác, ngoài Phật pháp này, chẳng còn phận sự nào mà chúng ta phải làm thêm nữa.
Bạch Đại Đức A-nan-đa, rất hay, pháp mà Đại Đức đã thuyết rồi nhiều vô số như thế (rất sáng suốt rõ rệt) như người lật ngửa đồ đựng để úp hoặc như mở vật chi đã đậy kín. Bằng không, cũng như người chỉ đường cho kẻ lạc nẻo, hoặc như người rọi đường trong nơi tối tăm và suy nghĩ rằng: người có mắt (sáng) sẽ thấy các hình thể.
Bạch Đại Đức A-nan-đa, tôi cầu xin quy y Phật đã nhập Níp-bàn, cầu xin quy y Pháp, cầu xin quy y Tăng, cầu xin Đại Đức A-nan-đa rõ rằng: tôi là người thiện nam, kể từ đây cho đến trọn đời.
HẾT
------------------------------
Chú thích
[1] Có giải rõ cách cúng dường chơn chánh cao thượng nơi chương sau.
[2] Nirodukha: dịch là không khổ, khốn; cực nhọc, khó khăn, đây chỉ về Níp-bàn.
[3] - Quán tưởng là định tâm mà tưởng, sự tưởng tượng ấy phát hiện ra rõ rệt.
[4] - Danh là : thọ, tưởng, hành, thức; sắc là thân tứ đại (đất, nước, lửa, gió).
[5] - Giải rõ trong “Thanh tịnh giải”.
[6] - Giải rõ trong “Thanh tịnh giải”.
[7] - Giải rõ trong “Thanh tịnh giải”.
[8] - Khá ná (khana) tàu âm là sát-na là thời gian rất ngắn ngủn mau chóng của đổng lực tâm.
[9] - Đổng lực tâm suy xét tìm sự nhập định hay còn gọi là chuẩn bị đổng lực tâm.
[10] - Đổng lực tâm gần nhập định hay còn gọi là cận hành đổng lực tâm.
[11] - Đổng lực tâm suy xét theo “tầm sát định đổng lực tâm” và “cận định đổng lực tâm” trước; cũng còn gọi là thuận lưu, thuận thứ hay thuận theo tâm.
[12] - Giải rõ trong “Thanh tịnh kinh giải”. Gotrabhūcitto – tâm chuyển tộc hay tâm bỏ bực hoặc tâm tiến bực.
[13] - Thụy miên là phiền não thường thường ẩn núp trong tâm ý người, cũng còn gọi là phiền não ngủ ngầm.
[14] - Buôn bán sai lầm có 5 : bán khí giới, bán người, bán rượu, bán thuốc độc, bán thú.
[15] - Có giải trong “luật tu xuất gia” và tập chí.
[16] - Thọ là sự dụng nạp, nhận lấy cảnh giới.
[17] Sát (vicāra) – cũng còn gọi là tứ.
[18] - Phiền não là buồn rầu cực nhọc.
[19] - Có giải trong Phật ngôn thiệt lục.
[20] - Sử là phiền não hay là sai khiến chúng sanh xoay vòng trong chốn mê lầm khổ não.
[21] - Lậu phiền não là phiền não hay khiến chúng sanh ngủ ngầm trong ba cõi. luân chuyển trong sáu đường, hở lọt như nhà bị dột, rơi giọt nước dơ bẩn.
[22] - Trí tuệ thấy rõ vì quan sát thuận theo chín pháp minh sát.
[23] - Tâm sở là pháp sở hữu phụ thuộc của tâm vương
[24] - Dịch là : Dự lưu (dự vào dòng thánh)
[25] - Dịch là : Nhứt lai (còn thọ sanh lại trong thế gian nầy một lần nữa)
[26] - Dịch là : Bất lai (không còn tho sanh lại trong thế gian nầy nữa)
[27] - Dịch là : Ứng cúng, Vô học, Vô sanh
[28] -Thủ là giữ lấy.
[29] - Có giải trong Thanh Tịnh Tinh-giải.
[30] - Hoàng kiếm là cây kiếm rất quí mà các vị đế vương thường mang.
[31] - Tịnh - nghĩa là êm lặng.
[32] - Xem thêm pháp minh sát trong quyển “Thanh Tịnh Kinh giải”.
[33] - Chim Samuddasakuṇī hằng tìm phương bay qua khỏi biển mặc dầu biển rộng mênh mông, khi mệt thì tắm xuống biển, tắm rồi, lo bay nữa cho đến bờ biển.
[34] - Bốn đạo : tu đà hườn đạo, a na hàm đạo, a la hán đạo.
Bốn quả : tu đà hườn quả, tư đà hàm quả, a na hàm quả, a la hán quả.
[35] - Níp-bàn có ba nghĩa : ra khỏi tam giới, dứt tuyệt ái dục, giải thoát sanh tử luân hồi.
[36] - Kết mạc là kết cục của việc đã làm.
[36.1] Mục thứ 6 trong nguyên bản bị thiếu, chúng tôi y vào "Kinh Tăng Chi tập III, tr. 609, Chương VIII, IV Phẩm bố thí, đoạn (34) Thửa Ruộng." để thêm vào cho đủ. dtkvn.
[37] - Trích dịch trong tam tạng kinh.
[38] -Sau khi Phật diệt độ được một tháng.
[39] - Xem trong nhựt hành trang 33.
[40] - gocāra nghĩa là Tỳ khưu khi đi đứng ngồi nằm phải thu thúc lục căn, phải biết thận cận bậc thiện trí thức, phải hằng quán tưởng pháp tứ niệm xứ.
[41] - ācāra nghĩa là thu thúc trong giới luật thân và khẩu cho trong sạch, lánh xa 26 điều tà mạng.
[42] - Có giải trong luật xuất gia.
[43] Satisampajjaññā – còn được dịch là "niệm và lương tri".
[44] Có giải trong luật xuất gia.
[45] Có giải trong luật xuất gia.
[46] - Phóng dật là lòng buông thả linh đinh không ở yên chỗ.
[47] - Phỉ là thân tâm no đủ đã có sự vui vẻ trước
[48] Tĩnh-lự là yên lặng mà suy nghĩ.