Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cốt lõi của Đạo Phật

05/02/201406:36(Xem: 20916)
Cốt lõi của Đạo Phật
Phat ngoc

CỐT LÕI CỦA ĐẠO PHẬT


Lê Sỹ Minh Tùng

Cốt lõi của giáo lý Phật Đà trong suốt 49 năm hoằng pháp của Ngài là giúp chúng sinh thoát khổ và giải thoát mà không cần trông đợi vào bất cứ tha lực nào bởi vì Phật giáo là tín ngưỡng tự lực.

Nhưng tại sao con người phải khổ?

Bất cứ ai sinh ra trong thế gian này đều nghĩ rằng trong ta phải có một cái linh thiêng, làm chủ mạng sống của mình và gọi đó là “Cái Tôi” tức là bản Ngã. Từ đó những vật sở hữu của họ thì gọi là “Cái Của Tôi”. Khi cảm tính về “Cái Tôi” hiện lên thì tính ích kỷ, tính tư lợi hay là tự xem ta là trung tâm (self-centered) cũng bắt đầu bùng phát. Ta thì lo ích kỷ cho riêng ta, người thì lo ích kỷ cho người vì thế con người bắt đầu tranh chấp, đố kỵ, hơn thua, lo bảo vệ Cái Tôi và những cái thuộc về Tôi. Cảm tính về Cái Tôi và Cái Của Tôi được xem là sự bám víu, chấp thủ một khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần và nỗi khổ niềm đau cũng bắt đầu phát sinh từ đó.

Ngã chấp phát triển như thế nào?

Hệ thống não bộ của một hài nhi thật ra đã bắt đầu hoạt động từ trong bụng mẹ, nhưng đưa bé chỉ bám vúi vào “Cái Tôi” của nó tức là sự sinh ra Tự Ngã chỉ xảy đến sau khi đứa bé này ra đời và có cơ hội tiếp xúc với ngoại cảnh chung quanh. Từ đó các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) hoạt động một cách hữu hiệu và trọn vẹn giúp cho tâm thức nó ý thức được Cái Tôi của chính nó. Khi đứa bé mới sinh ra đời thì chưa có cảm tính về một “Cái Tôi” riêng biệt trong tâm thức của nó. Dần theo môi trường sống lớn lên, đứa bé được cha mẹ, những người thân chung quanh nhét vào trong tâm thức những ý niệm về Cái Của Tôi. Đây là cha mẹ của nó, thức ăn của nó, cái giường ngủ của nó, đồ chơi của nó, cái phòng của nó, cái chén cái ly này là của nó, anh chị em của nó….Vì là của nó nên nó phải bảo vệ giữ gìn Cái Của Nó từ đó tâm thức bắt đầu phát triển những ý niệm ích kỷ hẹp hòi. Cái Tôi ấy mỗi ngày tiếp tục biến đổi và sinh trưởng dưới tác động của những điều mà nó học hỏi mới và các kinh nghiệm mới trong cuộc sống và trong tâm thức của nó lúc nào cũng có Cái Tôi mới khác hẳn với Cái Tôi trước đó. Nói chung Cái Tôi thay đổi từ lúc còn bé thơ, dần đến trưởng thành và sau cùng là đến lúc mạng chung. 

Mỗi thời điểm trong cuộc đời có một Cái Tôi khác biệt, nào là Cái Tôi lúc còn đi học, Cái Tôi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, Cái Tôi của những cặp nhân tình, Cái Tôi của những đấng cha mẹ, Cái Tôi của những người lớn tuổi và cuối cùng Cái Tôi của người sắp hấp hối. Nói chung, Cái Tôi đang tuần tự biến dạng trong kiếp sống này qua những thể dạng khác nhau từ trẻ thơ, đến trưởng thành, rồi già nua và sau cùng nhờ vào cái chết để trở thành Cái Tôi của một đứa bé khác dưới một cái tên gọi khác, vào trong một gia đình khác, một dòng họ khác, một quê hương khác, một tôn giáo khác và dĩ nhiên nó mang theo bao nhiêu kinh nghiệm, ký ức, kiến thức từ kiếp trước dưới hình thức những vết hằn ghi đậm trên dòng tri thức liên tục của nó. Nếu thật sự có Tự Ngã thì chỉ có một Cái Tôi duy nhất thế mà dần trôi theo thời gian, Cái Tôi cứ tiếp tục thay đổi, biến dạng tùy theo hoàn cảnh và môi trường sống cho nên có biết bao Cái Tôi hiện ra trong cuộc đời vì thế không có cái gì thật sự là Tự Ngã hay Cái Tôi cả.

Vô Ngã là bài pháp thứ nhì sau khi Đức Phật thuyết giảng chân lý Tứ Diệu Đế cho nhóm ông Kiều Trần Như. Trong đó, Đức Phật đã khẳng định rằng tất cả mọi hiện tượng trong thế gian này đều không ngừng tác tạo. Vì là do nhân duyên, nhân này quả nọ, mà thành chớ không có một vật thể nào tự chúng có được nên tất cả mọi hiện tượng đó không có thực thể, không có tự tánh tức là Vô Ngã. Con người chúng ta cũng thế, không có cái gì gọi là Cái Tôi hay Cái Của Tôi tức là Vô Ngã. Đức Phật gọi Cái Tôi chỉ là một ảo giác do tâm thức biến hiện. Sự sai lầm là con người luôn đồng hóa ngũ uẩn (thân, tâm) là Tôi cho nên họ luôn bám chặt vào nó như là một cá thể vững bền. Sự bám vúi đó chính là nguyên nhân đem lại biết bao nỗi khổ đau trong kiếp sống này và mãi mãi về sau. Nếu bạn nhìn đời không qua lăng kính của những cảm tính về Cái Tôi hay Cái Của Tôi thì sự thấy biết đó sẽ trong sáng, chân thật hơn. Thí dụ muốn nhận xét về ông A hay bà B thì hãy nhận xét một cách khách quan, chân thật, công bình chớ đừng cộng thêm cảm tính cho rằng đó là người thân của Ta, người đó thuộc phe Ta, hay kẻ thù của Ta… mà bóp méo sự thật, đi ngược với công lý.

Con người cố bám víu vào Cái Tôi và Cái Của Tôi dưới đủ mọi hình thức và họ quan niệm rằng Cái Tôi chính là sự sống trong cuộc đời. Nhưng trên thực tế, mỗi khi xảy ra sự nắm bắt và bám víu vào bất cứ hiện tượng gì trên thế gian từ vật chất đến tinh thần, kể cả những thứ tốt đẹp nhất thì tức khắc nó sẽ sinh ra phiền não khổ đau. Thí dụ nếu xem thân xác này là Của Tôi thì chắc chắn chúng ta phải trau chuốt, chưng diện, phấn son, trang sức lấp lánh, áo lụa quần là, tạo công danh phú quý cho Cái Tôi hưởng, mua nhà to đắt tiền cho Cái Tôi ở, mua cao lương mỹ vị cho Cái Tôi dùng, tranh công đoạt chức cho Cái Tôi hãnh diện. Xa hơn nữa có người cắt bớt chỗ này, độn thêm chỗ kia cho cái thân thể Của Tôi thêm hấp dẫn, rực rỡ huy hoàng…Nhưng thân này thực sự nó là Của Ta chăng? Nếu nó là Của Ta thì Ta phải làm chủ nó. Ta bảo nó đừng già, đừng bệnh, đừng chết…nó có nghe không? Nếu là Của Ta thì tại sao Ta không mang nó theo khi chết mà tứ đại trở về với cát bụi? Tệ hại hơn nữa, nếu bây giờ nghĩ rằng tâm thức là Của Ta thì sự ích kỷ sẽ bùng lên, hận thù dấy khởi, tự ái dày vò, tham lam xúi dục, trong tâm dấy lên bao nhiêu hy vọng, ước mơ, mưu mô, tiếc nuối, thương yêu, ghét bỏ…từ đó phát sinh biết bao ảo giác và tưởng tượng không thiết thực và đây chính là đầu dây mối nhợ cho biết bao sự lo âu, phiền muộn và tranh chấp trong cuộc đời.

Dựa theo tinh thần Phật giáo, không có gì trên thế gian là Cái Tôi hay Cái Của Tôi cả. Tất cả chỉ là do nhân duyên tác tạo. Vợ chồng là do duyên nợ mà thành. Hai người đã có nợ nần từ tiền kiếp, bây giờ có đủ duyên gặp lại nhau thì kết thành vợ chồng trở lại để trả hết những nợ nần kiếp trước và dĩ nhiên tiếp tục tái tạo nợ nần cho mai sau. Nếu không có nợ mà chỉ có duyên thì họ chỉ yêu nhau qua một giai đoạn rồi gặp trắc trở và cuối cùng cũng phải chia tay. Tình yêu bên ngoài có thể che phủ bằng những bông hoa tươi thắm, nhưng thật ra bên trong nó được che lấp bằng những bản chất ích kỷ và hưởng thụ của con người. Chính bản năng hưởng thụ đã thúc đẩy trai gái tìm đến với nhau và cũng chính cái bản năng ích kỷ đó (Cái Của Tôi) đã thúc đây họ làm khổ cho nhau. Do đó nếu con người biết đem tình thương chân chính của sự hy sinh, độ lượng và vị tha vào trong cuộc sống thì tình yêu đó sẽ không còn đậm màu sắc ảm đạm của bản năng ích kỷ. Thông thường, do lòng đố kỵ và ích kỷ, chúng ta ít chịu chấp nhận cái hay của người khác vì người khác nổi bật sẽ làm chúng ta bị lu mờ. Chúng ta thờ ơ trước những ưu điểm của kẻ khác và vui mừng khi tìm thấy khuyết điểm của người vì người lu mờ thì ta sẽ nổi bật. Do tâm vị kỷ chúng ta dễ dàng rơi vào cạm bẩy “tán kỷ, hủy tha”, tức là khen mình, chê người. Đây là cội nguồn phát sinh ra phiền não và tạo nghiệp cũng tại vì cái ngã mạn mà thôi. Phải đổi tính vị kỷ nầy bằng tinh thần vị tha thì cuộc sống sẽ an vui tự tại. Thấy người giỏi thì khen, thấy người giàu thì mừng, thấy người khổ thì giúp. Thực hành như vậy thì phiền não không còn và những nguyên nhân gây ra phiền não cũng chấm dứt.

Đức Phật sinh ra trong cung vàng điện ngọc nhưng Ngài thấy rằng những nỗi khổ lúc nào cũng tiềm ẩn phía sau tuổi trẻ, sức khỏe và đời sống của tất cả mọi chúng sinh. Nỗi khổ là hiện tượng vô hình, nhưng nó lại tác động không kém gì những nhát đao, những thanh kiếm xuyên suốt vào tâm của con người. Cái đau đớn trong tâm hồn nhất thiết không thương sót một ai. Người giàu sang phú quý cưu mang nỗi khổ của người giàu, kẻ nghèo khó cũng phải gánh chịu những nỗi bất hạnh đau đớn dành riêng cho họ. Ông hoàng bà chúa có những nỗi khổ niềm đau theo lối vua chúa, ngược lại kẻ bần cùng cũng có cái đau cái đớn chẳng khác gì. Nhưng tại sao chúng sinh lại phải khổ? Trong bộ Trường A Hàm (Dĩgha Nikàya) Đức Phật dạy rằng: 

-Ái dục bắt nguồn từ đâu và phát sanh ở đâu? Nơi nào có thỏa thích và dục lạc, nơi đó có ái dục bắt nguồn và phát sanh. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp có thỏa thích và dục lạc. Vậy ái dục bắt nguồn từ đó và phát sanh ở đó.

Con người vì bị vô minh che lấp nên không nhìn thấy biết đúngvà từ đó ái dục có cơ hội phát sinh rồi chấp thủ, khư khư bám chặt lấy “Cái Tôi” và những cái gì gọi là “Cái Của Tôi”. Thí dụ bất cứ ai cũng có thể xây dựng một ngôi nhà, bằng gỗ, bằng gạch hay bằng xi măng cốt sắt, nhưng Đức Phật dạy rằng loại nhà ấy không phải thật sự là “Cái Của Tôi” mà chỉ là của ta trên danh nghĩa, theo quy ước, trong khái niệm. Nó là một hiện tượng mà chúng ta gọi cái nhà trong thế gian vậy thôi. Còn ngôi nhà thật sự của chúng ta là trạng thái an tĩnh trong tâm thức. Một cái nhà vật chất ở ngoại cảnh có thể thật đẹp, nguy nga tráng lệ, nhưng nó chính là nguyên nhân tạo từ lo âu này đến lo âu khác, băn khoăn từ lo nọ đến áy náy buồn phiền kia. Vì nó ở ngoài ta tức là vật ngoại thân nên sớm muộn gì rồi ta cũng phải bỏ lại cho nên càng bám víu vào nó thì càng khó dứt bỏ tức là càng khổ đau thêm. Nó không phải là nơi chốn mà ta có thể sống vĩnh viễn trong đó, bởi vì nó không thật sự thuộc về ta mà là một phần của thế gian. Do đó ái dục làm động cơ thúc đẩy con người đưa đến hành động tạo nghiệp bất thiện bằng chính thân, khẩu hay ý của ta. Chính ái dục, nằm trong phạm vi ảnh hưởng của vô minh, sai khiến con người luyến ái, đeo níu, bám chặt vào đời sống và lòng ham muốn khát khao ấy lôi cuốn con người lặn hụp triền miên trôi nổi từ kiếp sống này đến kiếp khác. Do đó có sống là có khổ. 

Nói chung khổ là trạng thái không thỏa mãn, bất toại nguyện làm cho con người khó chịu. Hạnh phúc mà con người đeo đuổi cũng không thể tồn tại vì những điều kiện tạo duyên cho nó phát sinh luôn biến đổi vì thế không có hạnh phúc nào thật sự vững bền cả. Những điều mà chúng sinh mong muốn chỉ tồn tại nhất thời và những đối tượng mà con người khao khát mong mỏi chẳng qua chỉ là phù du tạm bợ, có đó rồi rồi mất đó chẳng khác nào như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương.

Thêm nữa, dựa theo thuyết “Nghiệp cảm duyên khởi” của đạo Phật thì tất cả những chủng tử thiện, ác chẳng những từ đời này mà còn bao nhiêu đời quá khứ phát xuất từ ý nghĩ, lời nói và hành động của con người đều được lưu giữ trong A lại da thức (nhân). Khi hội đủ duyên thì chủng tử thiện, ác đó sẽ biến thành quả và đây là những kết quả khổ, vui mà con người thọ báo trong đời này và cho những đời kế tiếp. Thí dụ mảnh vườn phía sau nhà, chúng ta gieo nhiều loại hạt giống (chủng tử) khác nhau (nhân). Vì chúng nằm dười lòng đất nên mắt thường không thấy được cho nên có lúc chúng ta nghĩ rằng những hạt giống đó không còn hay đã chết. Sau nhiều trận mưa rào và trời ấm áp (duyên) thì chúng bắt đầu nẩy mầm (quả). Điều quan trọng nhất là giống nào nẩy mầm theo giống nấy, không bao giờ lộn lạo. Thí dụ giống cây cải thì sinh ra cây cải, giống ớt thì sinh ra cây ớt…Tuyệt đối không bao giờ có chuyện trồng ngò mà thành cây ớt được nghĩa là nhân thiện thì thọ lãnh quả lành, ngược lại nhân ác thì chắc chắn sẽ thọ lãnh quã dữ. Vì thế, nếu con người biết huân tập nhiều hạt giống thiện thì những chủng tử lành đó có công năng dẫn dắt họ tái sinh vào những cảnh giới an lành để tiếp tục hưởng những quả báo tốt đẹp. 

Ngược lại thì phải thọ báo vào cảnh giới khổ não, đau thương. Nghiệp là hành động lập đi lập lại nhiều lần rồi thành thói quen tức là tập khí. Chính cái thói quen, hay tập khí này có sức mạnh phi thường mà Phật giáo gọi là nghiệp lực để tùy duyên, chiêu cảm đến môi trường thích hợp mà thọ sinh, nên gọi là nghiệp cảm. Tuy nhiên, đạo Phật là đạo chuyển nghiệp nghĩa là trong quá khứ cho dù con người vì sống trong vô minh bất giác tạo nên bao nhiêu tội nghiệp (nhân). Nhưng nếu bây giờ biết thức tĩnh, dừng lại, tu tâm dưỡng tánh, tránh xa ác nghiệp, tạo nhiều thiện nghiệp thì những ác nhân đó không có cơ hội tác tạo với ác nghiệp để gây ra cảnh khổ cho mình. Nhân (Cause) mà không có duyên (Conditions) thì tuyệt đối không bao giờ thành quả (Effect). Cũng như gạo (nhân) mà không có nước, không nấu (duyên) thì không bao giờ thành cơm được (quả).

Toàn bộ giáo lý Phật Đà dựa trên thuyết nhân quả và không bao giờ ra ngoài thuyết nhân quả nghĩa là mình gieo nhân bao nhiêu thì chính mình sẽ gặt hái bấy nhiêu kết quả. Vì vậy, nếu chúng sinh hiện đang sống khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc ấm no, con cái nên người, trên thuận dưới hòa là họ đang thọ hưởng “KẾT QUẢ” của phước báo do chính họ tạo tác chớ không phải do Phật trời ban phát và chắc chắn không phải do cầu nguyện mà có được. Ngược lại, nếu chúng sinh hiện đang gặp nghịch cảnh, luôn đối diện với phiền não khổ đau trái ý nghịch lòng thì họ đang gánh chịu “HẬU QUẢ” của nghiệp báo do chính họ tạo tác chớ không do Phật trời giáng họa cho và dĩ nhiên cũng không do cầu nguyện mà tránh khỏi được. Một khi đã hiểu thấu đáo sự công bình của luật nhân quả, chúng sinh sẽ mạnh dạn hơn, can đảm hơn, dám nhận lãnh “hậu quả” do chính mình tạo tác hay an nhiên thọ hưởng “kết quả” tốt lành cũng do chính mình tác tạo mà không còn than trời oán Phật nữa. 

Nhân quả cần thời gian để tác dụng mà nhà Phật gọi là “dị thời, dị thục” nghĩa là một người tuy làm rất nhiều điều thiện, nhưng hiện tại có thể gặp nhiều nghịch duyên bởi vì những chướng duyên đó là do những đời quá khứ chuyển đến nên nó trở thành “hiện hành”. Còn những việc thiện đang làm mới là những “chủng tử” nên chưa có cơ hội (duyên) tức là phải cần thời gian để trở thành hiện hành. Cũng như vào mùa xuân chúng ta gieo rất nhiều hạt cải, hạt đậu…nhưng cần đến vài tuần, có khi cả tháng thì mới thấy chúng nẩy mầm, sinh cây, sinh cành, sinh lá. Ngày nay bạn không cần phải đợi đến kiếp sau mới thọ lãnh quả nghiệp của mình mà quả báo sẽ hiện ra ngay trong kiếp này tức là “quả báo nhãn tiền” cho nên bạn nên nhìn lại, kiểm soát thân, khẩu, ý của mình mà làm lành lánh dữ. Chẳng những chính bạn phải thọ lãnh quả báo thiện, ác đó mà con cháu của bạn cũng phải bị ảnh hưởng theo vì tất cả đều cùng chung “cộng nghiệp” tức là cùng sống trong một môi trường. Nên nhớ cha ăn mặn con khát nước là có thật.

Kinh Lăng Nghiêm (1) giải thích rất rõ ràng rằng khi Phật thọ trai thì chư Tăng không thể no được nghĩa là ai ăn người ấy no, ai tạo phước người ấy hưởng (biệt nghiệp), ai gieo nhân ác thì trước sau cũng phải thọ lãnh quả bất thiện vì thế không có vấn đề van xin cầu nguyện trong Phật giáo bởi vì Phật trời không bao giờ can dự vào chuyện ân oán nhân quả của chúng sinh mà chúng sinh phải tự mình giải quyết lấy.

Ngoảnh nhìn cuộc đời như giấc mộng
Được mất bại thành bỗng hóa không.

Luật nhân quả là một định luật của thiên nhiên chớ không nhất thiết chỉ dành cho Phật giáo vì nó cũng giống như những định luật vật lý về trọng lượng và gia tốc trọng trường của Newton, định luật sức đẩy về nước của Archimedes hay định luật về lượng tử E=mc2của nhà bác học Albert Einstein…Tuy bạn có tin, có biết, có chấp nhận hay không thì nó vẫn tồn tại, vẫn xãy ra trong mọi ứng dụng cuộc sống hằng ngày của bạn. Ngày nay hệ thống viễn thông (Google Search) đưa con người gần với nhau hơn cho nên bạn có thể nhìn thấy luật nhân quả ứng hiện cho biết bao nhiêu người trên thế giới, từ những nhà độc tài Saddam Hussein của Iraq, Muammar Gaddafi của nước Libya cho đến sự bố thí rộng lớn của nhà tỷ phú Bill Gates, Warren Buffett… nhưng quan trọng nhất là bạn hãy quay về để thể nghiệm chính bản thân, cuộc đời của mình thì sẽ thấy luật nhân quả không bao giờ sai sót cả. Thí dụ bạn trồng cây mai (nhân), hằng ngày chăm sóc vun phân bón nước (duyên) cho nên đến Tết thì cây mai nở rộ (quả). Hoặc là nếu bạn bây giờ đem bớt tiền của bố thí cho những người thiếu may mắn thì ngay vào thời điểm đó chính bạn đã có niềm vui, đã có phước báu rồi vì chính mình đã thắng được lòng tham, tính ích kỷ của mình. 

Nhưng quan trọng hơn là về sau bạn sẽ có nhiều phước báu chẳng những cho mình mà cho cả cho con cháu của mình. Thế thì Phước là do làm lợi ích cho người mà có còn Đứclà cái tốt của tự tâm tức là con người có tâm hồn trong sáng, cao thượng. Thí dụ vụ bão Hải Yến (Typhoon Haiyan) vừa mới xãy ra ở Phi Luật Tân, có nhiều nhà giàu vì muốn cho thế giới biết đến tên tuổi của mình nên đã bố thí cho các nạn nhân để được tiếng khen, đăng báo, mua danh… Vì thâm ý của họ không tốt, chỉ có mục đích tư lợi cá nhân cho nên họ chỉ có Phước mà không có Đức. Do đó muốn có phước đức vẹn toàn thì khi làm việc lợi ích cho người đừng mong có sự đền đáp mà nhà Phật gọi là “Bố thí vô tướng, độ sanh vô ngã”. Cái tuyệt vời của cuộc sống là làm thế nào để có Phước Đức vẹn toàn nghĩa là Phước và Đức hỗ trợ cho nhau, đó là tâm có tốt thì việc làm thiện mới được chu đáo và lâu bền còn đức có sâu thì phước mới lớn. Vì thế khi làm việc thiện, bạn nên củng cố thêm chất tốt của nội tâm của mình. Ngược lại, nếu bạn làm phước mà không có đức nghĩa là làm việc thiện vì mục đích tự lợi, vị kỷ, tính toán thì chắc chắn những tư tưởng bất thiện đó sẽ biến thành lời nói hay hành động ác về sau để gây cảnh khổ cho mình.

Phú quý vinh hoa như giấc mộng
Sắc tài danh lợi tựa phù du.

Ngày nay con người thay vì cố tìm cách thay đổi cuộc sống cho phù hợp với đạo đức nhân bản thì họ nhắm mắt đi tìm phước báo. Giáo lý của Đức Phật rất ngắn gọn, đó là nên tránh xa các việc ác và cố gắng làm các việc lành. Khi đã thành tựu rồi thì cố gắng giữ gìn tâm ý cho được thanh tịnh là có giải thoát. Nhưng đa số người tu Phật cừ lờ đi, tuy họ cũng làm việc thiện mà không muốn buông bỏ những thói quen xấu của mình. Do đó đi tìm phước báo mà không buông bỏ tánh ác thì không bao giờ có. Tất cả hành vi thiện, ác đều do từ thân, khẩu, ý mà ra cho nên đó là nơi mà bạn phải nhìn lại mình mà nhà Phật gọi là “Phản quang tự kỷ” nghĩa là soi xét lại mình, quán chiếu lại mình, từ thân thể cho tới nội tâm, thấy rõ thân thể, nội tâm như thế nào. Trong khi đó “Hồi quang phản chiếu” có tánh cách đặc biệt dành cho bậc thượng cơ, nhất là những vị tu thiền trong Phật giáo. Nhìn xem hành vi của bạn có sai trái hay không? Chúng ta hằng ngày cố gắng cực nhọc lo lau sạch nhà cửa, xe cộ, chén bát nhưng lại quên không nhìn lại sự dơ bẩn trong tâm của mình. Bởi vì không thấy chính mình, con người mới có thể làm đủ điều xấu. Khi trong tâm vừa thoáng lên một ý nghĩ xấu, họ nhìn chung quanh xem có ai nhìn thấy ý đồ đó không rồi họ mới làm. Bạn có thể lừa cả thế gian, nhưng có một điều chắc chắn là bạn không thể nào lừa lương tâm của mình được và tòa án lương tâm đó sẽ gặm nhấm, đọa đày lương tri của bạn cho đến giây phút cuối cùng của đời mình. 

Mikhail_KalashnikovÔng Mikhail Kalashnikov là người đã sáng chế ra súng AK47 và khẩu súng trường AK47 đã được bán trên 100 triệu khẩu trên khắp thế giới. Ông Mikhail Kalashnikov năm 1949, ở tuổi 30, là thời điểm 2 năm sau khi khẩu AK47 đã được đưa vào sản xuất một cách rộng rãi. Tính trung bình cứ 70 người trên thế giới lại có một người sử dụng súng AK47. Chính sự phát minh này đã mang danh tiếng đến cho Mikhail Kalashnikov nhưng cũng đồng thời là nổi ám ảnh cuối đời ông. Trong những ngày tháng cuối đời, Mikhail Kalashnikov đã viết “thư xưng tội” gửi người đứng đầu giáo hội công giáo Nga. Trong thư ông viết rằng:

Nỗi đau tinh thần của tôi là không thể chịu đựng được. Tôi đã luôn bị dằn vặt bởi cùng một câu hỏi không có lời giải đáp: Có phải khẩu súng trường của tôi đã cướp đi mạng sống của quá nhiều người, nếu quả thực như vậy, tôi - Mikhail Kalashnikov, 94 tuổi, con trai của một người nông dân, một tín đồ công giáo - liệu có phải là người đáng bị nguyền rủa vì cái chết của những sinh linh kia, cho dù đó có là kẻ thù của tôi chăng nữa?

Càng sống lâu, càng nhiều câu hỏi xoáy sâu vào đầu óc tôi và tôi càng băn khoăn tự hỏi tại sao Chúa lại để nảy sinh trong con người những mầm mống tội ác của sự tham lam, ích kỷ, lòng ghen tị và thói hung hãn…”.(Trích theo BBC/Dailymail)Năm 2008, ông phát biểu rằng: ”Thật đau lòng cho tôi khi nhìn thấy những kẻ tội phạm sử dụng khẩu AK47 để làm hại dân lành”.

Mikhail_Kalashnikov_2

Mikhail_Kalashnikov_3

Hình ảnh về lễ tang trọng thể của ông Mikhail Kalashnikov tại Moscow ngày 27-12-2013 không thể nào xóa được bao nỗi đau thương từ tâm hổn của người nằm xuống. Trong thư, ông thể hiện sự hối hận, day dứt khi quá nhiều người đã chết dưới họng súng AK47 và thể hiện nỗi lo sợ vẫn ám ảnh ông bấy lâu rằng xét về mặt đạo đức, ông chính là người phải chịu trách nhiệm (tội nghiệp) trước những sinh linh từng thiệt mạng vì khẩu súng AK47.

Nhà bác học Albert Einstein năm 1905 đã tìm ra thuyết tương đối (Theory of Relativity) và từ đó thuyết lượng tử E=mc2 ra đời, đó là từ một số lượng (mass) rất nhỏ Uranium có thể phát sinh ra một năng lượng khổng lồ (E) bởi vì số lượng (m) nhân bình phương với vận tốc ánh sáng (c). Từ đó ý tưởng phát sinh ra bom nguyên tử được nghiên cứu và thực hiện. Dự án Manhatttan bí mật được Hoa kỳ thực hiện với kinh phí khổng lồ lúc bấy giờ vào thời Tổng thống Truman, kết quả có hai trái bom nguyên tử tên là A Little Boy và A Fat Man được thả xuống và tàn phá giết hại kinh khủng hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8 năm 1945 đưa đến chấm dứt thế chiến thứ 2. E là năng lượng (vô hình) tức là không, m là trọng lượng (vật thể) tức là sắc cho nên E=mc2nghĩa là sắc tức là không. Do đó hai trái bom nguyên tử đã biến hai thành phố lớn (sắc) (form) thành tro bụi tức là không (emptiness), nhưng sau mấy chục năm người Nhật đã tái thiết trở lại khiến nó càng to lớn, huy hoàng hơn ngày xưa tức là không bây giờ tức là sắc vậy. Thế thì cuộc đời là sắc sắc không không (duyên sinh, duyên diệt) chớ có chi là chân thật. (Form is emptiness)(3).

Mikhail_Kalashnikov_5Mikhail_Kalashnikov_4

Tuy Einstein không trực tiếp trong việc phát triển hai trái bom nguyên tử đó, nhưng vào tháng 11 năm 1954, 5 tháng trước khi chết, ông đã tóm gọn sự hối hận của mình rằng: “Tôi có một quyết định sai lầm rất lớn trong đời tôi… khi tôi ký lá thư cho Tổng thống Roosevelt khuyến khích chế tạo bom nguyên tử. Tuy nhiên, có vài điểm khích lệ là rất nguy hiểm (cho thế giới) nếu bom nguyên tử được chế tạo bởi Đức Quốc Xã (thay vì Mỹ)(“I made one great mistake in my life…When I signed the letter to President Roosevelt recommending that atom bombs be made; but there was some justification – the danger that the Germans would make them”).

Ngày nay, trên thế giới có biết bao nhà bác học, khoa học gia, triết lý gia, chính trị gia nhưng tất cả đều sống trong cảnh khổ. Trí thức của cuộc đời không thể nào so sánh với trí tuệ của Đức Phật được bởi vì trong cái trí tuệ sáng suốt đó, không bao giờ có hình bóng của tham-sân-si, không có tranh chấp, đố kỵ, lợi mình hại người cho nên Đức Phật lúc nào cũng thanh thản, thanh tịnh, tự tại Niết bàn. Mục đích trí thức của con người là sự hiểu biết (khám phá) mà (cái) biết thì không có giới hạn cho nên biết bao nhiêu cũng không đủ, không vừa. Càng biết thì lại càng thấy mình ngu cho nên họ không bao giờ thỏa mãn tham dục trí thức của mình được. Ngược lại trí tuệ của đạo Phật là cũng biết đấy chứ, nhưng chỉ biết tất cả hiện tượng vật chất đều là “duyên khởi, vô thường, vô ngã” cho nên thấy biết thì cũng thấy biết, nhưng hãy cứ để mọi chuyện trôi qua một cách tự nhiên thế thôi.

Vì thế đối với Phật giáo, nếu biết nhìn vào chính mình thì bạn sẽ biết phân biệt thiện, ác rất rõ ràng. Nếu bạn sắp làm một việc ác, bạn nhìn vào chính mình đúng lúc thì bạn có thể dừng lại. Thông thường vì nhìn ở bên ngoài nên tâm con người chứa đầy tham vọng và ảo tưởng, nhưng bây giờ nếu nhìn vào bên trong, nhìn lại chính mình thì bạn sẽ thấy rất rõ điều thiện và điều ác. Thấy điều thiện nhắc nhở chúng ta cố gắng làm y như vậy. Buông bỏ điều ác, thực hành điều thiện là có phước báo ngay. Đức Phật dạy rằng: “ Chúng sinh nếu muốn vun bồi phước báo của mình cho được viên mãn thì hãy lánh xa điều ác” nghĩa là nếu mình không làm điều ác thì tất cả việc làm bây giờ đều trở thành thiện hết mà không cần phân biệt thiện, ác gì cả. Ngược lại tuy có làm vài điều thiện, nhưng vẫn còn làm điều ác thì vẫn còn lo lắng, ưu bi, khổ não triền miên. Do đó, nếu tâm của chúng ta thiện lành và đức hạnh thì đây là hạnh phúc trong đời này vậy. Đối với con người hạnh phúc là diễn tiến theo ý muốn của họ, là khi mà mọi người trên thế giới chỉ nói những lời tốt đẹp đối với họ, nhưng nếu thực sự đây là hạnh phúc mà bạn mong muốn thì chính bạn đang xây lâu đài trên cát. Không những người ngoài làm chúng ta bực bội mà ngay cả những người thân yêu quanh chúng ta đôi khi cũng làm cho chúng ta buồn phiền, ưu bi, khổ não. Thậm chí, chính chúng ta cũng làm cho chúng ta buồn bực, không vui. Vì vậy, nếu bạn biết nhìn lại chính mình để buông bỏ điều ác thì chính mình sẽ có hạnh phúc bởi vì tâm lành thì không có lo âu, phiền não. Khi tâm thanh thản, bạn nở một nụ cười. Ngược lại khi tâm rối ren, lo lắng thì lòng bực dọc, mặt khô cằn, hung hăng, tức giận. 

Đường về khép bóng trần gian
Lợi danh gói một hành trang vô thường.

Tôn chỉ của đạo Phật là giúp chúng sinh giải thoát ra khỏi mọi hệ lụy của phiền não khổ đau để có cuộc sống an vui tự tại mà muốn đạt đến cứu cánh này thì chúng sinh phải biết buông xả. Vì thế trong Kinh Trung A Hàm (Majjhima Nikaya), Đức Phật đã tóm gọn cốt lõi của đạo Phật trong một câu thật ngắn gọn cho những ai muốn đi trên con đường giải thoát giác ngộ, đó là”Không được bám víuvào bất cứ gì cả” mà Kinh Kim Cang gọi là Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâmnghĩa là một khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà tâm không bám víu, chấp thủ nghĩa là tuy mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý có tiếp xúc với cuộc đời nhưng không bị chúng nhận chìm trong ái dục, không làm nô lệ cho vật chất giả tạm. Tuy bạn có gom cả thế gian vào tay của mình thì ngày cũng ăn hai, ba bửa và khi chết cũng bỏ lại hết cho thế gian. Biết tư duy, chánh niệm thì dễ dàng kiềm chế lòng tham, ngược lại càng muốn thì càng muốn có thêm cho nên không bao giờ thỏa mãn dục vọng của mình được cũng ví như chiếc xe chạy xuống dốc (không có thắng) càng xuống dốc, xe càng chạy nhanh cho đến khi lao đầu vào hố thẳm, vực sâu của ái dục.

Cùng ý niệm đó, trong kinh Bahiya Sutta, Đức Phật giảng giải cho một đệ tử tên là Bahiya về sự bám víu, chấp thủ một khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần như sau: 

"Này Bahiya,
Khi nhìn thấy một hình tướng, thì đấy chỉ là cách trông thấy.
Khi nghe thấy một âm thanh, thì đấy chỉ là cách nghe thấy.
Khi ngửi thấy một mùi, thì đấy chỉ là cách ngửi thấy.
Khi nếm thấy một vị, thì đấy chỉ là cách nếm thấy.
Khi xảy ra một sự cảm nhận trên thân xác, thì đấy cũng chỉ là một sự cảm nhận.
Và mỗi khi có một tư duy hiện ra, thì đấy cũng chỉ là một hiện tượng tự nhiên hiện ra trong tâm thức.
Đấy là cách không có cái ngã.
Đấy là sự chấm dứt của dukkha (khổ đau). Đấy là nibbâna (niết-bàn).

Bài kinh trên tuy ngắn gọn, nhưng rất quan trọng. Vậy hãy nghiệm xem Đức Phật muốn dạy chúng ta những gì?

1) Khi mắt nhìn thấy hình tướng nào đó thì chỉ cần biết là mắt thấy hình tướng là đủ, đừng cho rằng mắt Ta thấy hình tướng đó thì sẽ vắng bóng Cái Ta và Cái Của Ta trong tâm thức. Tại sao? Thí dụ nếu mắt thấy chiếc xe thì chỉ là chiếc xe thôi cũng như mắt thấy trăm ngàn vật thể khác cho nên cái thấy đó không có dính mắc, cái thấy dững dưng không có gì quan trọng. Đó là thấy mà cũng như không thấy nên tâm không giao động. Ngược lại nếu cho là mắt Ta thấy chiếc xe thì cái thấy bây giờ là mình thấy, mình đem hình bóng chiếc xe đó vào tâm mình rồi ái dục phát sinh, lòng tham đắm nỗi dậy và nỗi khổ niềm đau cũng từ đó phát sinh. Nếu cố gắng làm đêm làm ngày để có tiền mua chiếc xe giống vậy thì quá khổ, còn muốn mà không được thì quá khổ tâm.

2) Khi tai nghe tiếng nhạc thì biết là tai đang nghe nhạc.Đừng cộng thêm ngã chấp vào mà nghĩ rằng tai Ta đang nghe nhạc.

3) Khi mũi ngửi mùi hương thì biết mũi đang ngửi mùi hương thế thôi.

4) Khi lưỡi nếm vị ngọt thì biết lưỡi đang nếm vị ngọt là đủ.

5) Khi thân đụng phải vật cứng hay mềm thì biết thân đang đụng vật cứng hay mềm chớ đừng cho rằng thân Ta đang đụng vật cứng hay mềm.

6) Cuối cùng khi có một tư tưởng hiện ra trong tâm thức thì biết có tư tưởng đang hiện ra trong tâm thức là đủ.

Thí dụ khi muốn làm một việc (thiện) gì cho người khác thì chỉ lo làm cho hoàn tất, tạo niềm vui cho kẻ khác là đủ thì tâm tự tại. Ngược lại, nếu cho rằng chính Ta làm việc đó thì trong tâm sẽ đặt ra vô số điều kiện tức là tâm còn dính mắc. Nào là muốn người trả ơn, nào là muốn người khác khen tặng, chụp hình, đăng báo thì phiền não tức thì phát sinh, không còn tự tại. Đây là sự khác biệt giữa việc làm vô ngã vị tha (vì người mà làm) và bản ngã tư lợi (mua bán, kinh doanh).

Ngày xưa Đức Phật vào các tầng thiền định, thiền tuệ và sau cùng trí tuệ của Ngài bừng sáng mà nhận chân rằng:

1) Thân thể này không phải là Tôi, là Của Tôi cho nên đối với người giác ngộ thì thân thể là thân thể chớ không phải là thân thể của tôi. Hoặc thế gian nhân sinh vũ trụ là thế gian nhân sinh vũ trụ chớ không phải thế gian này là của tôi. Trước khi vào thế gian thì thân này chưa có, đến khi ra đi cũng chẳng mang thân theo được. Cát bụi trở về với cát bụi thế thì cái gì thật sự là thân của Ta? Khi thân đau bệnh, thân đâu có hỏi Ta. Thời gian trôi qua, thân trở thành già, yếu, bệnh tật, nếu thân thật sự là của Ta thì Ta phải làm chủ nó, Ta bảo nó đừng già, đừng bệnh, đừng chết, nó có nghe Ta không? Khi Đức Phật thật chứng qua các tầng thiền định thì Ngài thấu biết rằng thân xác của Ngài không phải thật sự là của Ngài tức là thân là Vô Ngã cho nên mọi sự dính mắc, tham níu cho thân bị diệt. Tham sân si diệt tức là nguyên nhân gây ra khổ bị diệt. Khổ diệt thì Niết bàn hiển hiện cũng như có ánh sáng thì màn đêm biến mất hay có nước trong thì ánh trăng hiện. Khoa học ngày nay cũng áp dụng phương thức này của Đức Phật cho bất cứ sự nghiên cứu, phát minh nào. Họ thử nghiệm và tiếp tục thử nghiệm cho đến khi có kết quả chắc chắn, trước sau như một rồi mới đem ra ứng dụng. 

Vì thế không phải chi riêng Đức Phật sau khi chứng tứ thiền đã nghiệm chứng chân lý Vô Ngã và chứng quả vô sanh (không còn tái sinh nữa) mà biết bao các vị A la hán khác cũng đều có một kết quả giống nhau. Khi thực chứng tứ thiền trở thành A la hán thì chính vị ấy tự biết là mình đã được giải thoát mà không cần phải tham hỏi ai hết. Ngược lại, Huyền Giác thiền sư (thiền tông Trung Hoa) tác giả của Chứng Đạo Ca đã lặn lội vượt ngàn dặm từ phương Bắc đến phương Nam để mong cầu được Lục Tổ Huệ Năng ấn chứng. Thiền tông xiễn dương vô chứng, vô đắc thế thì Huyền Giác cầu Lục Tổ ấn chứng cái gì? Không có chứng đắc thì viết Chứng Đạo Ca để làm gì? Ngày nay người biết đạo, giảng đạo, thậm chí ngộ đạo có rất nhiều, nhưng trong họ tham sân si chưa diệt cho nên phiền não khổ đau không dứt, tranh chấp đố kỵ vẫn còn. Hết tham sân si là mình có Niết bàn ngay chớ người khác làm sao biết mình hết tham chưa mà ấn với chứng. Ngày xưa Đức Phật không bao giờ nói về các hiện tượng siêu hình, không bàn về chân như, Phật tánh, không hề nói Pháp thân, Ứng thân hay Báo thân, cũng không bao giờ nói đến Bát Nhã (Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân)(Phật giáo Đại thừa), mà chỉ dạy về Vô Ngã và Tứ Thánh Đế. Vì sao? Bởi vì cốt lõi của đạo Phật là diệt khổ mà muốn diệt nó thì phải biết nó phát xuất từ đâu và con đường hóa giải nó thì khổ diệt, an lạc hiện bày. Mãi 7, 8 trăm năm sau ngày Đức Phật nhập diệt, Long Thọ mới giới thiệu tư tưởng Bát Nhã dựa theo Trung Quán Luận và Vô Trước, Thế Thân dựa theo trường phái Du Già (Duy thức)( rất trừu tượng siêu hình).

Đối với Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật Thích Ca là một vị Phật lịch sử. Ngài cũng bắt đầu bằng thân phận bình thường của một con người, cũng chia sẻ tất cả mọi hệ lụy của kiếp người. Ngài cũng phải đương đầu với sanh, lão, bệnh, tử như tất cả mọi chúng sinh khác. Sau cùng, Ngài tìm kiếm một con đường giải thoát và đạt đến hạnh phúc Niết bàn, chứng đắc trí tuệ viên mãn và thoát ly sinh tử luân hồi. Hãy lắng nghe Đức Phật diễn tả lại cuộc hành trình đó trong kinh Pháp Cú câu 154: “Ta đi lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà chưa gặp kẻ làm nhà. Nay ta đã gặp ngươi rồi, ngươi đừng hòng cất nhà thêm được nữa, những đòn tay, những cột kèo, những rui mè... của ngươi đã bị mục rã cả rồi...” Kẻ làm nhà ở đây là tham lam ái dục, là độc đầu tiên trong tam độc tham sân si. Nhà là tấm thân do ngũ uẩn giả hợp. Cột kèo... là những phiền não nhiễm ô. Mục rã rồi nghĩa là Đức Phật đã chinh phục, đã vượt lên trên, đã đứng ngoài sự chi phối của chúng. Ngài chỉ rõ cứu cánh này cho mọi người biết và những ai đi theo con đường này cũng sẽ đạt đến cứu cánh tối thượng giống như Ngài. Đức Phật dạy rằng: “Các ngườilà những hải đảo, những ngọn đuốc cho chính mình. Hãy nương tựa vào chính mình, không nương tựa vào nơi nào khác”.

Trong kinh Pháp Cú, Phật lại dạy thêm:

Các ngườihãy tự thắp đuốc lên mà đi! Các ngườihãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tu giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người.

Và sau cùng Đức Phật dạy rằng:

Các ngườihãy tự cố gắng, Như Lai chỉ là kẻ dẫn đường”.

Vì thế A la hán (vô sanh) là quả tối thượng của Phật giáovà chính Đức Phật cũng là vị A la hán bởi vì Đức Phật là người chứng thánh quả A la hán đầu tiên dưới cội Bồ đề và là vị thầy của tất cả các vị A la hán cho nên danh vị Phật chỉ dành riêng cho Ngài chớ tuyệt đối khôngHóa thành hay Bảo sở chi hết. (2) Bây giờ, dựa theo triết lý Trung Quán, Long Thọ đã giới thiệu tư tưởng “PHÁP THÂN” và sau đó Vô Trước của phái Du Già Hành Tông (Duy Thức) đề ra khái niệm về “BÁO THÂN” cho Đức Phật. Ở đây, Long Thọ lý luận rằng Đức Phật lịch sử chỉ là ứng thâncủa Phật vào trong thế giới Ta Bà để cứu độ chúng sinh. Vì vậy dựa theo Long Thọ, Đức Phật không phải là một nhân vật lịch sử, mà Đức Phật chân chính là một thực thể siêu việt, vượt hiện thế, vĩnh hằng và vô hạn tức là “Pháp thân”. Cho nên Đức Phật lịch sử chỉ là nhân vật được “Đức Phật chân chính” gởi đến với thế gian để tạo thành một nhân vật có hình thể là một con người, có một đời sống sinh hoạt giống hệt như một con người thường tục để thuyết giảng Chánh Pháp cho nhân thế. Do đó Đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp trước chớ không phải mới thành Phật tại thế giới này nhờ công phu tu thiền định. Từ quan điểm này mới phát sinh ra tín ngưỡng trong Phật giáo Đại thừa. (Kinh Pháp Hoa)(2).

Thế thì Đại thừa đã biến Đức Phật trở thành một đối tượng lý tưởng của tín ngưỡng chẳng khác nào Thượng đế của Thiên Chúa giáo. Chẳng những thế hình ảnh các vị Bồ-tát cũng lần lượt được giới thiệu vào làm cho khoảng cách giữa hai bộ phái càng ngày càng cách xa. Vào thời Đức Phật còn tại thế không hề có các vị Bồ Tát, không có Văn Thù cũng không có Phổ Hiền, không có Quán Thế Âm cũng không có Đại Thế Chí, mà Thái tử tất Đạt Đa là vị Bồ Tát duy nhất trước khi thành Phật thế thôi. (Tìm đọc ngũ bộ Kinh Nikayas). Vì những tư tưởng bất đồng đó mà trong hệ thống kinh điển của Nguyên thủy và Đại thừa cũng khác biệt khá rõ ràng. Mãi về sau, các luận sư của Đại thừa mới giới thiệu các vị Bồ Tát như là biểu tượng đức tính từ bi và trí tuệ của Đức Phật, nhưng người đời tin là thật.

Trong hệ Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật lịch sử giảng pháp trong những hoàn cảnh xã hội bình thường, những bài pháp thoại phản ảnh phong tục, tập quán và những tư tưởng dị biệt của những tôn giáo cùng thời. Trong đó những hình ảnh thiên nhiên như núi rừng hùng vĩ, mùa khô nước đổ, cây cỏ, chim bay, cá lặn…Đặc biệt từ người ăn xin, nhà tu khổ hạnh, ông hoàng bà chúa, thương gia, phú hộ thậm chí những kẻ trộm cướp, giết người ngay cả gái giang hồ thì ai ai cũng được Đức Phật thu nhận làm đệ tử. Đây là một bức tranh sống động trong xã hội Ấn độ lúc bấy giờ. Ngược lại trong kinh điển Đại thừa, hoàn cảnh phản ảnh lại nền văn hóa xứ Ấn độ bây giờ chỉ còn là một bức tranh mờ nhạt. Đức Phật không còn là người khất sĩ, y bát tầm thường xốc xết hay thuyết giảng cho những đệ tử bình thường trong cái xã hội đầy bất công đau khổ. Ngược lại Đức Phật bây giờ uy nghi ngồi trên tòa sen, có chữ Vạn trước ngực (chỉ có Đức Phật ở Trung Hoa), hào quang sáng chói chiếu rọi đến vô vàn thế giới và chung quanh Ngài có hàng ngàn hàng vạn Bồ-tát, chư Thiên đứng hầu. Khi Phật thuyết pháp, trái đất rung chuyển, mưa hoa mạn đà la từ trời rơi xuống. Thật là thế giới đầy ánh sáng rực rỡ, nhiệm mầu bí mật tuyệt đẹp không có bút mực nào diễn tả được. Thế giới quá mầu nhiệm huyền bí vượt ngoài cái tâm nghĩ bình thường của con người nhất là con người cách nay trên mấy ngàn năm mà có lẽ chỉ xảy ra trong các phim thần thoại Harry Potter của nhà viết ảo tưởng J.K. Rowling ở Anh Quốc.

2) Những cảm thọ sướng khổ cũng chẳng liên quan gì đến Cái Tôi bởi vì những cảm thọ đó có cũng bởi do duyên tạo từ bên ngoài chớ chẳng có cái gì thật sự là của tôi cả cho nên cuộc sống con người buồn vui lẫn lộn là vậy. Cảm thọ là do tác động của duyên từ bên ngoài nên nó không thật vì những ngoại duyên đó luôn biến đổi mà con người cứ chấp là thật, là bền chắc nên muốn giữ mãi những giây phút êm đềm đó. Thí dụ vì không để ý, chúng ta đụng vào cột nhà nên có cảm giác rất đau. Nếu biết quán thọ trên thân để thấy biết như thật thì cái đau trước đâu giống cái đau sau. Mỗi thời điểm có một cái đau khác nhau cho đến khi cái đau hoàn toàn biến mất. Vì thế cảm thọ chỉ là ảo giác, chẳng khác gì những gợn sóng nổi lên bất thường, có đến rồi lại đi chớ chẳng dính dấp gì tới cái Tôi cả. Khi đau nhức (khổ đau) hay hạnh phúc phát sinh, con người thường hay đồng hóa mình với những cảm xúc của mình cho nên họ bị hành hạ bởi sự hiểu biết sai lầm bởi vì tất cả hạnh phúc hay khổ đau đó cũng chỉ là vô thường, vô ngã chớ không phải là Của Ta.Tại sao con người thích tích lũy tiền bạc, mơ ước thành ông này, bà kia, mong cầu đạt được danh vọng trong xã hội…? Bởi vì tất cả những thứ ấy sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc tức là lạc thọ. Đơn giản chỉ có thế thôi. Nhưng rất tiếc không có niềm vui hay hạnh phúc nào vĩnh viễn ở mãi với chúng ta, nó đến rồi ra đi (duyên sinh, duyên diệt) nhanh chóng cho nên cuộc sống con người luôn mãi khổ công nhọc kế đi tìm từ hạnh phúc này đến hạnh phúc khác. Thế thì cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc phải chăng đó là khổ đau cũng ví như viên thuốc bọc đường, khi chất ngọt tan mất thì vị đắng sẽ hiện ra.

3) Cái tâm đang quán sát cũng không phải là linh hồn Của Tôi bởi vì tâm thức sinh diệt liên tục do những ngoại duyên chớ không có cái gì thật sự là cái tâm của ta cả. Tâm thức không ngừng liên tục thay đổi thì làm sao gọi đó là linh hồn cố định được?

4) Và tất cả những đối tượng của tâm như ý thức và hành thức cũng không phải là Của Tôibởi vì tất cả cũng từ do ngoại duyên mà có nên tự chúng không có tự thể vì thế chúng không phải là cái của Ta được.

Nếu con người biết tư duy quán chiếu và thực hành đúng những lời dạy của Đức Phật ở trên thì trong họ cái tự Ngã dần dần bị tiêu diệt và những cảm tính về “Cái Tôi” và “Cái Của Tôi” cũng không còn. Đây là con đường thoát khổ, giải thoát tự tại Niết bàn tức là: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” rồi vậy. Vì vậy nếu con người sống trong chánh niệm tĩnh thức, không chạy theo sự quyến rũ của cuộc đời tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì những nguồn gốc phát sinh ra tham lam, ái dục, bám níu hay những cảm tính về “Cái Tôi” và “Cái Của Tôi” sẽ biến mất và đúng vào thời điểm đó không còn hình bóng của khổ đau và dĩ nhiên Niết bàn thanh tịnh sẽ hiện bày.

Đắc đạo rồi có còn đau khổ không?

Trở lại với kinh Na Tiên Tỳ Kheo:

Vua Di Lan Đà hỏi:

-- Bạch Ðại đức, bậc tu hành đắc đạo không còn tái sanh trong đời sau, nhưng trong đời nầy có còn thấy mình đau khổ nữa không?

-- Tâu Ðại vương, tùy từng việc một. Có việc còn thấy đau khổ, có việc không.

-- Có việc có, có việc không, là như thế nào?

-- Ðau khổ của thân thì còn, đau khổ của tâm thì hết.

-- Vì sao vậy?

-- Sở dĩ thân còn đau khổ là vì nhân duyên sinh ra loại đau khổ nầy là thân, hễ nhân duyên ấy còn tồn tại thì đau khổ của thân còn. Sở dĩ tâm hết đau khổ là vì nhân duyên sinh ra loại đau khổ thứ hai là lòng tham dục, một khi tâm ý đã dứt trừ hết các điều dữ, tham dục không còn nữa, thì đau khổ của tâm hết.

Người đắc đạo thì tâm đã giải thoát, nhưng thân hằng ngày vẫn còn ăn uống, đi đứng, nằm ngồi cho nên còn tùy thuộc ngoại duyên. Nếu ngoại duyên tốt thì ít đau bệnh, ngược lại thì vẫn có bệnh. Nên nhớ Đức Phật hay các vị A la hán khi đã tu chứng thì tất cả chủng tử hữu lậu biến thành vô lậu nghĩa là tất cả tội nghiệp đã được hóa giải vì thế bệnh tật là chuyện thường do ngoại duyên đưa đến chớ không phải trả nghiệp gì cả. Thí dụ thời tiết thay đổi, ăn uống vật thực không quen thì có bệnh thế thôi. Ngay cả Đức Phật cũng có bệnh cảm, bệnh đau nhức, bệnh kiết lỵ…cho nên người tu Phật là người biết kiềm chế việc ăn uống (không tham ăn, tham uống) thì thân bệnh chắc chắn sẽ giảm thiểu rất nhiều. Cho nên:”Đa dục vi khổ, Sanh tử bì lao, Tùng tham dục khởi, Thiểu dục vô vi, Thân tâm tự tại…” nghĩa là càng tham muốn thì càng khổ. Có sinh tử khổ đau cũng do chạy theo tham dục. Bây giờ bớt tham dục thì cuộc đời sẽ nhẹ nhàng, thanh thoát, an vui, tự tại.

-- Bậc tu hành đã đắc đạo rồi mà không khiến thân lìa được khổ đau, như thế là chưa chứng đắc Niết Bàn chăng? Ðắc đạo rồi mà thân còn đau khổ thì làm sao gọi là đắc đạo? Còn nán ở lại trần thế làm gì để còn chịu khổ đau?

-- Tâu Ðại vương, bậc đắc đạo không chuộng mà cũng không ghét, không tìm cầu mà cũng không xua đuổi. Bình thản mà sống giữa cõi đời nầy, không hấp tấp, không vội vả. Ví như chuối non không cần phải vú ép. Lại cũng không cần chờ chuối chín để chực hái. Vì vậy nên đức Xá Lợi Phất xưa có dạy rằng:

Không cần tịch diệt,

Cũng không cần trường sanh.

Chưa phải lúc thì ở,

Thời đến thì ra đi.

Vua nói:

-- Hay thay! Hay thay!

Thế thì Niết Bàn và thế gian hay Phật và chúng sinh là một hay hai?

Phật và ta không hai, không khác, không thể tìm Phật ngoài tấm thân này được. Khi thức tĩnh giác ngộ là Phật nghĩa là sống trong thanh tịnh tự tại Niết Bàn, ngược lại sống trong mê mờ bất giác thì vĩnh viễn là chúng sinh thế thôi. Thế thì Thái tử Tất Đạt Đa với Đức Phật Thích Ca là một hay hai? Nếu là một (tương đồng) thì tại sao không ai bái lạy Thái tử mà chỉ bái lạy Đức Phật? Còn nếu là hai (dị biệt) thì không có Thái tử, lấy đâu ra có Đức Phật? Cũng như khúc gỗ và tượng Phật là một hay hai? Nếu là một (tương đồng) thì đâu có ai lạy khúc gỗ bao giờ? Còn nếu là hai (dị biệt) thì nếu không có khúc gỗ, làm sao đục thành tượng Phật được? Cũng như chính bạn vậy. Bạn ngày nay và mấy chục năm trước là một hay hai? Nếu là một (tương đồng) thì bạn ngày trước bãnh trai, trẻ trung, hào hoa phong nhã còn bạn ngày nay lưng mõi, gối mòn, da nhăng má hóp thì làm sao là một được? Còn nếu là hai (dị biệt) thì bạn muôn đời vẫn là bạn mà, cũng ông A, bà B, cũng DNA giống nhau từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời chớ đâu phải người nào khác. Đây chính là nguyên lý Bất Nhị nói lên cái biết, cái nghiệm chứng bằng thực hành, bằng thiền định chớ không thể bằng luận giải hay bằng ngôn ngữ của con người. 

Vậy biết cái gì? Cái biết rốt ráo ở đây chính là sự tương quan giữa “Tướng” và “Tánh” hay cả hai không phải tương đồng và cũng không phải là dị biệt. Tuy tướng trạng (hình dáng) của con người, của thế giới nhân sinh vũ trụ thay đổi dựa theo thuyết “Duyên Khởi” nhưng thể Tánh (bản chất) của nó lúc nào cũng vẫn thế. Ví như Tướngcủa nước là những làn sóng nhấp nhô trên biển, nhưng nước chính là thể Tánhcủa sóng cho nên không có làn sóng nào ngoài nước mà có được. Nói cách khác “Vô Ngã” là duyên sinh biểu thị ở mặt hiện tượng và duyên sinh là vô ngã biểu thị ở mặt thể tánh. Chân lý Vô Ngã, Vô Thường và Duyên Khởi là xương sống của đạo Phật mà không có một tôn giáo nào trên thế giới từ ngàn xưa cho đến ngày nay có thể so sánh được. Đây chính là điểm đặc thù tại sao Phật giáo là trí tuệ, là con đường giải thoát mà không có tín ngưỡng. Một khi con người đạt đến trình độ không còn phân biệt chủ thể và đối tượng, không còn ý thức với vô thức, không còn có hữu hay vô, không còn “sắc không” , “Tướng Tánh” đối đãi thì họ đạt đến trạng thái Chơn Không hay Tánh Không tối thượng tức là Niết Bàn bởi vì đối với Phật giáo tất cả những ý niệm chủ khách, sắc không, niết bàn sinh tử, thường đoạn, nhất nguyên nhị nguyên…chỉ là những vọng chấp đối đãi trong khi Niết Bàn chính là trạng thái mà trong đó mọi tư tưởng, mọi ý niệm về chấp Ngã (Cái Tôi) và Ngã Sở (Cái Của Tôi) đều tịch diệt.

Sự vắng bóng “Cái Tôi” và “Cái Của Tôi” nghĩa là hành giả đã diệt xong Ngã chấp không có nghĩa là người đó không còn cảm biết những điều trên thế gian nầy nữa để hóa thành một pho tượng đá vô tri vô cảm mà hành giả thực sự phát triển một sự linh hoạt tột đỉnh. Tại sao? Bởi vì sự chấm dứt của dục lạc, của sự thèm muốn thường tình mà chính là cội nguồn phát sinh ra biết bao nỗi khổ cho con người về sau sẽ đưa hành giả đến một niềm hạnh phúc lớn nhất trong tất cả các niềm hạnh phúc mà nhà Phật gọi là thanh tịnh an lạc Niết Bàn. Thông thường, những lạc thú của con người chỉ là những hạnh phúc phù du, giả tạm, lừa phỉnh chẳng khác gì miếng mồi móc vào một lưỡi câu. Khi đã nuốt miếng mồi mà mình đang thèm muốn thì tức thì lưỡi câu kia cũng sẽ móc vào cổ họng vì thế không có hạnh phúc nào trên thế gian của con người bình thường mà không ngầm chứa những nỗi khổ niềm đau về sau. Ngược lại Niết Bàn, tạm gọi là hạnh phúc tối thượng, là sự an lạc thanh tịnh trong tâm hồn mà trong đó không còn hình bóng của tham, sân, si cho nên họ không còn tranh chấp, đố kỵ cho những ảo ảnh phù du, giả tạm của thế gian. Những căn bản về bản ngã tức là “Cái Tôi” đã phá thì những cảm tính về “Cái Của Tôi” cũng bị diệt cho nên tâm hồn mới thật sự thanh tịnh, thanh thoát, nhẹ nhàng được. 

Có người thắc mắc rằng nều không còn Cái Tôi nữa thì Tôi là ai?Con người thật sự chỉ là sự kết tạo của Ngũ Uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) mà mỗi uẩn không có thật thể do vậy toàn bộ ngũ uẩn không có tự thể cho nên nhà Phật gọi nó là Không. Cái “có” mà chúng ta gọi là “ai” chỉ là cái có tạm bợ, là giả danh mà con người đặt tên để gọi, để có thể phân biệt người này với người kia trong xã hội thế thôi. Tuy “” nhưng không “thật có” vì có là do nhân duyên tác tạo cho nên tuy “có mà thật chất là không, sắc tức là không” tức là Vô Ngã vì thế Tâm Kinh mới có câu: “Ngũ uẩn giai không” là vậy. Nên nhớ nhân duyên sinh diệt trong ta từng sát na cho nên con người luôn thay đổi từ tinh thần (tâm lý) cho tới sắc thân (sinh lý). Tư tưởng sau thay thế tư tưởng trước, tế bào mới thay thế tế bào cũ cho nên trong ta luôn biến chuyển vận hành. Thế thì cái gì là “Ta”? Cái mà con người gọi là “Ta” chỉ là cái tên (giả danh) để gọi chớ không có cái gì thật sự là Cái Ta cả. Thí dụ ngày xưa ở Việt Nam thì gọi là ông Hùng bây giờ sang định cư ở Mỹ thì đổi sang thành ông John thế thì ông Hùng hay ông John thật sự tên nào là Ta?

Thế nào là ngũ uẩn?

1)Sắc uẩnlà yếu tố vật chất bao gồm vật lý - sinh lý, có bốn yếu tố vật chất căn bản là đất(Tóc, lông, móng răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, ruột, lá lách, phèo, phổi, bao tử, thực phẩm chưa tiêu, phẩn), nước( Mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước mỡ, nước miếng, nước mũi, nước khớp xương, nước tiểu), gió( Gió hướng lên khiến ta nôn, gió hướng xuống giúp nước tiểu và phẩn ra ngoài, gió trong ruột, gió ngoài ruột nhưng nằm trong bụng, mọi tác động của cơ thể như đi, đứng, ngồi, co, duỗi v.v… hơi thở ra vào), lửa(Thân nhiệt, sức nóng làm cho cơ thể trưởng thành, già nua, nhiệt độ quá cao khiến chúng ta khó chịu và than phiền là quá nóng, nhiệt độ cần thiết để tiêu hóa thức ăn). Các yếu tố do tứ đại tạo ra thuộc về sinh lý như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; các đối tượng của giác quan như: hình sắc, âm thanh, mùi vị, vật xúc chạm. Khi tứ đại kết hợp thì chúng ta có hình dáng và nếu không nhìn bằng cặp mắt trí tuệ thì chúng ta sẽ thêm vào cái hình dáng đó là Tôi, Của Tôi, đàn ông, đàn bà…Do ý niệm sai lầm này khiến sự dính mắc phát sinh trong tâm ta. 

Như vậy yếu tố vật chất là thân thể hay ngoài thân thể, thuộc vật chất hay năng lượng, thuộc thời gian hay không gian đều bao hàm trong sắc uẩn. Thân thể là sắc uẩn, vì vậy chúng không phải là một thực thể độc lập mà là một hợp thể vật chất biến động và mâu thuẫn như mảng bọt trên mặt nước hay nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy thân tứ đại chỉ là những bọt vật chất tạm bợ. Thân thể muốn tồn tại phải nương vào các duyên bên ngoài như ánh sáng mặt trời, thức ăn thức uống, không khí, nhà cửa, xe cộ...vì thế thân tứ đại là vô thường, vô ngã tức là Không. Vì vậy bất cứ sự chấp thủ, tham ái thân thể (sắc uẩn), hoặc bất cứ một đối tượng vật lý, sinh lý nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ đau khổ cho nên Đức Phật dạy rằng “Ai cho rằng sắc uẩn là Ta, là Của Ta, là tự ngã Của Ta thì chắc chắn gặt hái đau khổ, thất vọng, sầu muộn, vấp ngã và tai nạn”.

2)Thọ uần: Thọ là cảm giác, do sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng mà sinh ra thọ. Đức Phật dạy có sáu thọ: mắt tiếp xúc với hình sắc mà sinh thọ, tai với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với vật cứng-mềm, ý với đối tượng tâm ý. Cảm giác theo Phật giáo không dừng lại ở mức độ tiếp xúc đơn thuần mà là cảm xúc, một biểu hiện sâu hơn của cảm giác; cảm giác có ba loại: một là cảm giác khổ (khổ thọ), hai là cảm giác vui sướng (lạc thọ), ba là cảm giác không vui không khổ (vô ký). Tất cả những loại cảm thọ ấy tạo thành một dòng sông cảm thọ tâm lý chi phối hệ thống tâm thức. Chúng sinh khởi biến hiện thay đổi vô chừng. Chúng chuyển biến vô tận, vô thường, vô ngã và hiện hữu có điều kiện. Chấp thủ vào những cảm thọ đó bao giờ cũng sai lầm và gặt hái khổ đau.

3)Tưởng uẩn: là nhóm tri giác có khả năng nhận biết đối tượng là cái gì, đây là khả năng kinh nghiệm của sáu giác quan và sáu đối tượng của giác quan. Sự nhận biết đối tượng có hai loại: một là nhận biết đối tượng bên ngoài như mắt thấy sắc nhận biết đó là cái nhà, chiếc xe, tai nghe âm thanh nhận ra tiếng chim hót, tiếng khen, lời chửi mắng...; hai là khả năng nhận biết đối tượng bên trong, tức là các đối tượng tâm lý như những khái niệm, hồi tưởng, ký ức, kinh nghiệm... Như vậy, tưởng uẩn là cái thấy, cái biết của mình về con người, hoặc sự việc hay sự kiện. Vì vậy, tri giác là một trong những tác dụng của thức.

Sự có mặt của tri giác là sự có mặt của kinh nghiệm. Tri giác tùy thuộc vào những kinh nghiệm đã qua cho nên khi thấy đóa hoa thì biết đây là đóa hoa bởi vì cái tri giác về đóa hoa đã có sẵn trong A lại da thức. Nhưng làm thế nào để biết đó là đóa hoa? Khi ý thức muốn so sánh thì Mạt na thức liền chuyển tư tưởng đó vào A lạ da thức và sau khi so sánh các kinh nghiệm của các đóa hoa đã có trong đó xong thì một lần nữa Mạt na thức liền chuyển ý tưởng đó cho tưởng uẩn thành ra “tri giác” tức là “sự thấy” hay là “sự nhận ra” vật đó là đóa hoa. Vì vậy tri giác dễ bị đánh lừa bởi kinh nghiệm, do vì thực tại thì luôn sinh động. Tại sao? Bởi vì chúng ta chỉ thấy đóa hoa dựa theo quan niệm của mình chớ không thấy thật tánh của đóa hoa tức là “tự nó thật sự là”. Khi nhìn đóa hoa chúng ta cho rằng mình đang nhìn đóa hoa, nhưng đóa hoa là tên do mình đặt cho nó chớ tự nó “không phải là” đóa hoa “hay là” đóa hoa. Mà thật chất của nó là sự tổng hợp của đất, nước, gió, lửa qua trùng trùng duyên khởi kết thành hình tướng rồi chúng ta đặt tên hình tướng đó là đóa hoa. Do đó thật tánh của hoa là không tánh vì hoa là do sự kết hợp của trùng trùng duyên khởi chớ đóa hoa không tự nó có hay tồn tại được. Vì vậy cái biết của tri giác là cái biết “không thật” mà là cái biết của duyên khởi cho nên tri giác tồn tại có điều kiện, cho nên chúng là vô thường, trống rỗng và do duyên sinh vì vậy tri giác đầy hư vọng mà chúng ta thường gọi là vọng tưởng.

4) Hành uẩn: Hành có nghĩa là các hiện tượng tâm lý mang tính chất tạo tác nghiệp, có năng lực đưa đến quả báo của nghiệp, nói cách khác là tạo động lực tái sinh. Hành uẩn là những hiện tượng tâm lý còn được gọi là tâm sở. Duy thức học chia thành 51 tâm sở gồm cả thọ, tưởng, tức là cảm giác và tri giác cũng gọi là hành. Nhưng ở đây không xếp cảm giác và tri giác vào nhóm hành vì thọ và tưởng không có khả năng tạo nghiệp và quả của nghiệp. Hành uẩn tồn tại nhờ các điều kiện do duyên sinh nên chúng vô thường, trống rỗng và biến động bất tận. Mỗi uẩn chỉ có thể làm công việc của chính nó. Thọ uẩn chỉ kinh nghiệm lạc thọ, khổ thọ và vô ký thọ. Tưởng uẩn đóng vai trò nhận ra đối tượng là cái gì. Thức uẩn chỉ làm nhiệm vụ nhận biết đối tượng (chỉ biết thấy, biết nghe, biết ngửi v.v...). Nhưng hành uẩn có đặc tính là phản ứng hay tác động của tâm và nó là nguyên nhân của đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi, di chuyển, cười, nói, nghĩ, thấy, nghe... và tất cả những hoạt động khác. Do sự kích thích của hành uẩn cho nên tất cả hành động về thân, khẩu, ý xảy ra. Bởi vậy, thân, khẩu, ý là sự biểu hiện của hành uẩn, nhưng khi hành uẩn biểu hiện qua thân, khẩu, ý người ta hiểu lầm rằng: Đó là linh hồn, là tự ngã, là Tôi.

5) Thức uẩn: Thức là có khả năng rõ biết, phản ánh thế giới hiện thực. Khi giác quan tiếp xúc với đối tượng, thực nhận biết sự có mặt của đối tượng, thức không nhận ra đối tượng ấy là gì, là cái gì, màu gì... đó là chức năng của tri giác (tưởng); thức chỉ nhận biết sự hiện diện của đối tượng giống như tấm gương phản chiếu tất cả những hình ảnh đi ngang qua nó. Dựa theo Duy thức của Vô Trước (Phật giáo Đại thừa), thức có tám loại nên gọi là bát thức tâm vương: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức và A lại da thức. Thức là nền tảng của thọ, tưởng, hành. Thức là Tâm vương còn thọ, tưởng, hành là Tâm sở. Duy thức triển khai bát thức tâm với mục đích khai thác các khía cạnh sâu kín của thức. Mạt na thức là ý căn, là căn cứ của ý thức đồng thời nó cũng có tác dụng nhận thức sự tồn tại của một thực thể, một bản ngã. A lại da thức là cái kho dung chứa tất cả những chủng tử của kinh nghiệm, ký ức, kiến thức và tất cả những chủng tử thiện ác hay vô ký. Mặt khác, A lại da thức làm căn bản cho các hoạt động tâm lý trở về sau khi không còn điều kiện hoạt động. Nhờ khả năng bảo tồn của A lại da thức mà các hiện tượng tâm lý phát khởi trở lại khi hội đủ các yếu tố. Có thể hiểu A lại da thức như là một cái kho chứa và Mạt na thức là người giữ kho. Chính Mạt na thức vào trong cái kho để chuyển các chủng tử ra hay vào mà Duy thức gọi là hiện hành hay biến hành và từ đó tưởng uẩn mới biết được vật đó là gì. 

Mặc dù thức uẩn là nền tảng của tâm lý nhưng nó không tồn tại độc lập, không thể tự chủ bởi vì thức uẩn có tồn tại cũng bởi do duyên sinh. Thí dụ nếu không có sắc, thọ, tưởng, hành thì không thể nào có thức được cho nên mối quan hệ của ngũ uẩn là bất khả phân ly vì vậy đạo Phật không chấp nhận có một thức nào đó độc lập, tự chủ như khái niệm về một linh hồn bất tử chẳng hạn. Tuy A lại da thức là một cái kho chứa nhóm, nhưng nó biến chuyển vận hành liên tục không ngừng nghĩ, có lúc chuyển chủng tử mới vào và có khi đưa chủng tử ra gọi là biến hành. Vì sự biến chuyển này mà con người mới có thể tu thành Thánh nhân hay trở thành ác quỷ. Còn linh hồn là cố định, bất biến cho nên đạo Phật phủ nhận có một linh hồn sống giữ chết đem về. A-lại-da hàm chứa mọi nội dung của thức. Nội dung này luôn luôn biến đổi theo hoàn cảnh sống và theo hành động của chúng sang mang nó. Chính đấy là năng lượng, là sức mạnh gọi là nghiệp lực mà khi một người chết đi, nó đẩy A-lại-da hay Thức nương gá vào một thân thể mới vừa tượng hình có hoàn cảnh phù hợp với nó. 

Đó là ý nghĩa của “linh hồn đi đầu thai” mà Phật giáo gọi là Thức đi đầu thai. Bây giờ, đối với Phật giáo Nguyên thủy, thức được hiểu như là dòng chảy liên tục của các ý niệm. Các ý niệm này tuỳ thuộc nhiều yếu tố khác mà phát sinh, Đức Phật gọi quá trình tuỳ thuộc phát sinh nầy là “duyên khởi” (paticasamupàda). “Thức” chỉ là một mắc xích trong 12 mắc xích duyên khởi mà thôi. Do đó, khái niệm “thức” của Phật giáo nói chung khác nhau với "linh hồn bất tử" của các tôn giáo khác rất xa. Chính sự tiếp nối của các ý niệm tương tục nầy mà thức đi tái sanh, lên xuống trong 3 cõi 6 đường, chứ không phải là một linh hồn bất tử, vĩnh hằng như cách hiểu của các tôn giáo khác.

Dựa theo khoa học thì vật lý là sự vật chưa có cái biết, chưa có sự sống. Sinh lý là sự vật có sự sống mà chưa có cái biết. Còn tâm lý là có sự sống, có cái biết mà chưa có phân biệt đó là cảm giác tức là thọ uẩn. Thế thì vật lý là trần, sinh lý là căn và tâm lý là thức. Dựa theo Duy thức thì căn tiếp xúc với trần sinh ra thức tức là sinh lý tiếp xúc với vật lý thì tâm lý phát hiện. Và tâm lý đầu tiên là cảm giác tức là thọ uẩn. Tuy nhiên mỗi uẩn đều nương tựa vào các uẩn kia mà tồn tại. Thí dụ trong sắc uẩn có thọ uẩn và trong thọ uẩn có sắc uẩn rồi. Khi chúng ta có một cảm giác đau khổ, khó chịu thì cái cảm giác này gồm luôn cả thân thể và tri giác, tâm tư và thức.

Tuy con người là sự kết hợp của ngũ uẩn, nhưng mỗi uẩn là vô thường vô ngã nên toàn khối cũng là vô thường vô ngã tức là Không chẳng khác nào như cây chuối không có lõi, chỉ là sự kết tập của các bẹ chuối. Khi thấu rõ bản chất thật của con người và vũ trụ mà chúng ta đang sống thì chúng ta sẽ không còn bám vúi vào cái thân giả hợp, sẽ không còn thấy nó là Ta hay là Của Ta thì những phiền não khổ đau sẽ đoạn diệt. Hãy quán ngũ uẩn của Thân và Tâm cũng giống như một miếng sắt nóng đỏ cho nên nếu bạn nắm (chấp thủ) chỗ nào cũng bị phỏng cả. Thế giới của tham ái và si mê cũng giống như miếng sắt nóng đỏ kia cho nên nếu bạn có khuynh hướng chấp thủ, bám vúi vào những kinh nghiệm của cuộc đời mà cho đó là “Tôi” hay “Của Tôi” chẳng hạn như Tôi hạnh phúc, Tôi đau khổ, Tôi tốt hay Tôi xấu…thì đó là nguyên nhân hình thành sự khổ đau trong bạn. Tâm thật sự chẳng có gì cả, không sinh cũng không diệt, nó lúc nào cũng tự do, chiếu sáng, rạng ngời mà không bao giờ bận rộn cả. Lý do tâm trở thành bận rộn chỉ vì nó bị mê mờ bởi những hiện tượng sai lầm tức là ảo tưởng về “Tự Ngã”.

Khi tóc bạc trên đầu trôi dạt mãi

Cội nguồn ơi chiếc lá lại rơi về.

Đức Phật dạy rằng ngũ uẩn là vô Ngã tức là Không nên đừng dính mắc vào chúng, không xem chúng là Ta hay là Của Ta. Sau khi thành đạo, Đức Phật vẫn dựa vào thân ngũ uẩn để sống như tất cả chúng ta nghĩa là Ngài vẫn có thân, có bệnh, có cảm giác khổ vui, có trí nhớ, có suy nghĩ, có tâm…nhưng sự khác nhau giữa Đức Phật và chúng sinh là Ngài không dính mắc vào chúng, không xem chúng là Tự Ngã, là Ta hay là Của Ta. Đức Phật vẫn biết đấy chứ, nhưng Ngài hiểu biết cuộc đời đúng theo bản chất thật của nó (như thị) cho nên cái hiểu biết đó không phải là Ta, là Tự Ngã. Vì thế Đức Phật cũng đối diện với cuộc đời, cũng ăn, cũng nói, cũng nghe nhưng trong Ngài rất thanh tịnh, không dính mắc bởi bất cứ hiện tượng gì cho nên Đức Phật lúc nào cũng sống trong thanh tịnh tự tại Niết bàn. Thí dụ có ai khen hay có người nguyền rủa thì bạn cảm thấy vui hay buồn. Tại sao? Bởi vì bạn nghĩ rằng họ khen Ta hay chửi Ta tức là bạn đang sống với Tự Ngã. Ngược lại nếu không có cảm giác về Tự Ngã thì vừa nghe xong thì nó cũng chấm dứt với lời nói mà bạn không hề khổ đau chi cả. Nếu đúng là hạnh phúc hay khổ đau thì chúng sẽ không bao giờ mất, nhưng đâu có hạnh phúc hay khổ đau nào vĩnh viễn ở mãi với Ta. Tóm lại, giác ngộ không phải là điếc hay mù mà là người luôn sống trong tĩnh thức chánh niệm nghĩa là không dính mắc vào tham ái của thế gian và những phán đoán của người đời tức là hãy cứ để mọi chuyện trôi qua một cách tự nhiên thế thôi.

Tuy Bát Nhã Tâm Kinh vỏn vẹn có 260 chữ, nhưng quan trọng nhất của Tâm Kinh vẫn nằm ở câu đầu: "Quán tự tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thế khổ ách". Đoạn kinh Bát Nhã này chú trọng đến vấn đề thoát khổ. Con người sẽ thoát khổ, theo Bát-nhã, khi thực hành trí tuệ Bát-nhã sâu xa, soi rọi rõ ngũ uẩn là Vô ngã tức là Không. Thấy biết ngũ uẩn là Vô ngã là thấy biết tất cả các pháp là Vô ngã nghĩa là khổ là Vô ngã và người cảm thọ khổ cũng là Vô ngã, bởi cả hai đều là duyên sinh. Ngũ uẩn nếu bây giờ nói rộng ra chính là nhân sinh vũ trụ vì thế câu “ngũ uẩn giai không” có nghĩa là thế gian vũ trụ không có cái chi là thật (có) cả vì cái có đó chỉ là giả có (nay có mai không), không bền không chắc cho nên Kinh Kim Cang cũng có câu: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” nghĩa là bất cứ cái gì có hình tướng, mùi vị, kích thước thì cái đó không thật tức là Vô Ngã. Như thế rõ ràng, không thực có khổ, cũng không thực có cái gọi là con người thọ khổ, thì hẳn là không còn có một thứ khổ ách nào ràng buộc cả. Quan trọng nhất là chúng sinh thấy rõ ngũ uẩn là Vô ngã thì không còn chấp thủ ngũ uẩn là mình, là của mình, hay là tự ngã của mình. Chấp thủ diệt thì ái diệt, khổ diệt. Đây là đường vào giải thoát. Đức Phật ngày xưa cực lực lên án lối cúng tế rườm rà phức tạp, cầu xin thần thánh của đạo Bà la môn mà chỉ xiễn dương một con đường thanh tịnh duy nhất là thiền định và thiền tuệ. Rất tiếc ngày nay người đệ tử Phật quá chú trọng vào hình thức đưa con người đến chỗ tăm tối, mê lầm.

Vậy thế nào là Niết Bàn?

Vào thời Đức Phật còn tại thế có một ẩn sĩ Bà-la-môn khi gặp ngài Xá Lợi Phất liền hỏi:

- Niết bàn, Niết bàn, này ông bạn Xá Lợi Phất xin cho biết đó là cái gì vậy?

Tôn giả Xá Lợi Phất bèn trả lời:

- Sự tiêu diệt lòng tham muốn, sự tiêu diệt lòng nóng giận hận thù, sự tiêu diệt lòng si mê sai lạc là cái mà con người gọi là Niết bàn.

Khi những cảm tính về “Cái Tôi” qua những thể dạng giận dữ, vui buồn, sung sướng, yêu thương, ghét bỏ, thèm khát…biến mất thì người đó đang đi bên cạnh Niết bàn. Mặc dù đây chỉ là loại Niết bàn nho nhỏ, nhưng nó có cùng một bản chất với Niết bàn đích thật. Nói cách khác một khi tâm thức vắng bóng “Cái Tôi” và “Cái Của Tôi” thì đây chính là Niết bàn vậy.

Nếu bạn biết thực hành tĩnh thức chánh niệm đừng cho bất cứ ý niệm nào vào tâm thức, tránh không cho mình bị lây nhiễm thì Niết bàn đó sẽ tồn tại lâu dài. Đức Phật đã từng dạy rằng chỉ khi nào tâm thức quán thấy được hậu quả của sự khổ đau do sự chấp thủ, nắm bắt và bám víu mang lại thì khi đó chính tâm thức mới thật sự chấp nhận buông bỏ. Ngược lại sự quyến rũ, tham ái, thèm khát làm cho tâm thức bị mê mờ nên càng chạy theo ái dục. Cuộc đời tạm bợ ngắn ngủi cho nên người biết buông bỏ để có những giây phút thanh tịnh, an lạc là người biết sống. Ngược lại nhắm mắt làm nô lệ cho vật chất giả tạm, tuy vật chất có thừa nhưng tâm tâm hồn khô khan, thiếu vắng lúc nào cũng bận rộn, tính toán như ma đuổi cho đến khi nhắm mắt mới biết rằng mình chưa bao giờ biết sống cả. Thông thường, những tiêu chuẩn mang lại hạnh phúc là tiền bạc, uy quyền, danh vọng hay khả năng cung phụng lạc thú cho mình, nhưng con người phải trả giá bằng biết bao nỗi khổ niềm đau để có những hạnh phúc đó. Đến khi có nó rối thì cảm thấy nhàm chán, trống không nên muốn đi tìm hạnh phúc mới và cứ thế mà con người mới đi và đi mãi, không dừng lại được. Đức Phật đã nói với tướng cướp Angulimala rằng: “Mặc dù ta đang đi, nhưng ta đã dừng lại. Còn nhà ngươi đã dừng chân hay chưa?” có nghĩa là tuy Đức Phật vẫn sống, vẫn sinh hoạt trong thế giới này, nhưng tâm của Ngài không còn dính mắc, không tham luyến chạy theo thế trần (dừng lại).

Tất bật hơn thua rồi cũng bỏ

Thong dong tự tại vậy mà vui

Ngày xưa, chính Đức Phật cũng đã từng chịu đựng khổ đau trong cung thành Ca tỳ la vệ mà vua cha nghĩ rằng đây là thiên đường đầy lạc thú. Ngài đã buông bỏ tất cả, giải thoát những gông cùm ràng buộc trong tâm thức và sau cùng trở thành đấng giác ngộ.

Hai bàn tay của bạn có thể nắm giữ cả thế gian này, nhưng đến một thời điểm nào đó đôi tay của bạn sẽ quá mệt mõi và sau cùng cũng đành buông xui thôi. Thế thì tại sao không buông bỏ bớt những thứ không cần thiết để cho tâm thức được thư giản, cuộc sống nhẹ nhàng thanh thoát hơn. Có thực tập buông bỏ thì tâm dần dần đến chỗ thanh tịnh, tự tại và sau cùng đạt đến cứu cánh tối thượng là giải thoát Niết bàn.

Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật

Thế cho nên tất bật đến bây giờ.

Sau cùng, Phật giáo nhập thế là phải từ cái thế gian đầy ô nhiễm này mà tự mình thanh lọc thân tâm, quán biết đời là giả tạm, cố gắng buông bỏ mỗi ngày một chút thì hoa sen nơi chính mình sẽ vươn lên và nở rộ. Cho dù đóa sen còn nằm trong bùn, sắp vọt ra khỏi bùn, vươn lên khỏi mặt nước hay đã nở rộ thì tất cả đều mang theo bên trong mình một tiềm năng để trở thành những đóa sen tươi đẹp, màu sắc rực rỡ và hương thắm dịu dàng./.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/05/2012(Xem: 3477)
Đại Vương nên biết thân người như tuyết đọng, rồi sẽ tan rã, cũng như ngói đất sẽ tan hoại không thể giữ lâu mãi mãi...
26/05/2012(Xem: 6900)
Đã từ lâu, vấn đề vai trò của tôn giáo trong việc kiến tạo và bảo vệ nền hòa bình thế giới đã thu hút sự quan tâm không chỉ của giới chính khách mà hầu như của tất cả những ai đang ưu tư đến sự an ninh của toàn cầu.
19/05/2012(Xem: 5648)
Phạn ngữ "Buddha" (Phật) có nghĩa là hoàn toàn giác ngộ. Phật là hồng danh của Ðức Bồ Tát CỒ ÐÀM SĨ ÐẠT TA (Siddhatta Gotama) khi Ngài thành đạo. Giáo lý của Ðức Phật truyền dạy gọi là Phật Giáo.
11/05/2012(Xem: 12514)
Vô ngã là hình thức đối nghịch với cái ngã. Cái ngã thì sanh lão bệnh tử, biến dị, khổ ưu, vô thường. Trái lại vô ngã được quan niệm như là bất sanh bất diệt...
11/05/2012(Xem: 5406)
Con đường tìm đạo, tự tu tự chứng đến khi đắc đạo của đức Phật là hành trình lắm chông gai với lòng kiên trì quyết thắng là một nỗ lực phi thường.
29/04/2012(Xem: 10109)
Nghe Thuyết Pháp Cho Ipad, Iphone và Download - Thích Hạnh Tuệ
25/04/2012(Xem: 4633)
Ý Nghĩa Của Om Mani Padme Hum - Lạt ma Zopa Rinpoche – Thanh Liên Việt dịch
24/04/2012(Xem: 10022)
Tâm vô lượng là tâm rộng lớn không thể tính lường được. Tâm vô lượng không những làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh, dẫn sinh vô lượng phúc đức...
19/04/2012(Xem: 3653)
Vô minh không chỉ có nghĩa là phi-trí tuệ (non-knowledge), nó cũng là một thức nghĩ tưởng cái đối lập của trí tuệ chính xác (the opposite of correct knowledge). Vô minh ở đây là nhận thức sai lầm về bản ngã là hiện hữu có tự tính và về các pháp/hiện tượng gồm cả tương tục của bạn là những đối tượng được kiểm soát bởi một Tôi hiện hữu có tự tính (inherentlyexistent I).
19/04/2012(Xem: 3700)
Tất cả các học phái Phật giáo đều nói về lí tính duyên khởi (the principle of pratiya samutpada) nghĩa là các hiện tượng sinh khởi tùy thuộc vào các hiện tượng khác. Đức Phật đã trình bày mười hai chi, từ chi thứ nhất – căn bản vô minh (fundamental ignorance) – đi tới chi thứ mười hai – già và chết -- để diễn tả bản chất duyên khởi của sinh tử luân hồi. Khi cơ chế vận hành của nguyên nhân và hiệu quả là tâm yếu của bốn thánh đế được giải thích đầy đủ chi tiết, chúng ta đi tới giáo pháp của đức Phật về mười hai chi của duyên khởi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]