Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hồi quang phản chiếu...

13/09/201307:44(Xem: 7857)
Hồi quang phản chiếu...

Sakya_Muni_63


Hồi quang phản chiếu 

Phản quan tự kỷ

HT.Thích Thanh Từ

Trong nhà thiền có hai câu được xem như châm ngôn của hành giả tu thiền, đó là “Hồi quang phản chiếu” và “Phản quan tự kỷ”. Hai câu này là một hay khác? Nếu là một thì nói một câu đủ rồi, dùng chi tới hai câu. Nếu khác thì khác chỗ nào? Có khi ta nghe nói “Hồi quang phản chiếu”, có khi nghe nói “Phản quan tự kỷ”, câu nào cũng dạy xoay lại mình hết, tại sao có hai cách gọi khác nhau? Trước hết tôi nói về “Hồi quang phản chiếu”. Chữ “hồi” là quay lại, “quang” là ánh sáng, “phản” là trở lại, “chiếu” là soi sáng. “Hồi quang phản chiếu” tức là quay ánh sáng trở lại, soi rọi chính mình. Soi thế nào? Nhiều người không hiểu, tưởng ngồi nhìn chăm chăm thấu tim gan ruột phổi, đó là phản chiếu. Hiểu như vậy là sai lầm. Tôi sẽ dẫn kinh để nói rõ hơn về điều này. Trong kinh Lăng nghiêm, khi Đức Phật đưa tay lên hỏi ngài A-nan thấy không, ngài A-nan trả lời thấy. Rồi Phật để tay xuống hỏi ngài A-nan thấy không, ngài A-nan trả lời không thấy. Ngay đó Phật liền quở Ngài là quên mình theo vật. Tất cả chúng ta từ người trí thức cho tới kẻ bình dân, suốt ngày ai cũng phóng sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đuổi theo sáu trần bên ngoài, luôn luôn phân tích, chia chẻ, tìm hiểu. Cứ thấy hình sắc thì phân tích đẹp xấu, nghe âm thanh cũng phân tích tiếng hay dở v.v…

Đối diện với tất cả cảnh giới bên ngoài, đều đem hết khả năng soi sáng của mình phân tích, chia chẻ sự vật. Càng phân tích, chia chẻ nhiều chừng nào thì càng quên mình nhiều chừng ấy. Do đó mắt vừa thấy hình tướng thì nói thấy, khi hình tướng mất đi nói không thấy. Đó là chúng ta phóng ánh sáng của mình đuổi theo vật, hay nói cách khác là phóng quang chiếu ngoại. Phóng quang này không phải phóng quang của chư Phật, mà đem cái tri giác hiểu biết của mình phóng ra ngoài để phân tích, chia chẻ sự vật. Vì vậy khi có sự vật thì tưởng như có mình, khi mất sự vật tưởng như mất mình. Đó là một mê lầm rất đáng thương. Phật quở ngài A-nan quên mình theo vật là vì thế. Cánh tay là vật ở ngoài, còn cái hay thấy tức là ánh sáng của chính mình. Khi có cánh tay Ngài nói thấy, khi không có cánh tay Ngài nói không thấy. Như vậy nhớ mình hay nhớ vật?

Rõ ràng là nhớ vật mà quên mình. Đúng ra khi thấy cánh tay nên nói thấy có cánh tay, khi tay để xuống nên nói thấy không có cánh tay. Tay khi có khi không, cái thấy luôn luôn sẵn có. Nếu tay để xuống nói không thấy như vậy thành mù sao? Chúng ta mê muội chỉ nhớ vật ở ngoài, không nhớ cái hay thấy của mình. Chính cái hay thấy mới là mình, còn vật ở ngoài chỉ là ngoại cảnh. Quên mình theo vật, đó là chỗ tất cả chúng ta đang mắc phải. Mắt thấy sắc chỉ nhớ cảnh nhớ người mà không nhớ có cái hay thấy. Chúng ta tu hành thường vướng hai chứng bệnh rất nặng, rất sâu kín, đó là quên mình và mắc kẹt ngoại cảnh. Vì vậy các thiền sư thường dạy nơi sáu căn phải luôn gìn giữ đừng cho dính mắc sáu trần. Dính mắc tức là chạy theo, mà chạy theo tức là quên mình. Đó là gốc của sự tu. Trong sáu căn dễ nhận dễ thấy nhất là mắt và tai, nên các thiền sư dùng nhiều thủ thuật để chỉ hai tánh thấy và nghe đó. Hoặc đưa phất tử, hoặc đưa cành hoa v.v… để nhắc nơi chúng ta có cái hay thấy. Nếu ngay hình ảnh đó, ta nhớ được mình có cái hay thấy là nhớ được tâm chân thật rồi. 

Hình ảnh Phật đưa cành hoa sen lên, ngài Ca-diếp mỉm cười, đó là sự cảm thông của hai thầy trò, Tôn giả đã lãnh hội được điều Đức Phật muốn chỉ. Thấy cành hoa không lệ thuộc vào cành hoa, mà biết được mình có cái hay thấy. Khi Phật đưa mắt nhìn khắp đại chúng, tới Ca-diếp Ngài cười. Đó là đệ tử hiểu được ý Phật, nhìn cảnh mà chẳng quên mình, hay nói cách khác là nương nơi cảnh mà thấy mình. Vì vậy trong nhà thiền có câu "kiến sắc minh tâm". Nghĩa là thấy hình sắc bên ngoài mà sáng được tâm của mình. Tâm mình ở đâu? Lâu nay nhiều người cứ cho tâm là cái suy nghĩ lăng xăng lộn xộn hằng ngày, không ngờ cái hay thấy hay biết mới là tâm mình. Tâm đó không có lăng xăng lộn xộn. Thấy được cành hoa là chỉ cho "kiến sắc", nhận ra mình có cái hay thấy, hay biết hằng hữu không thiếu vắng là "minh tâm". Rõ được tâm mình thì không chạy theo vật. Nếu chỉ biết cành hoa bên ngoài, có thì nói thấy, không có thì nói không thấy, đó là quên mình theo vật. Quên mình theo vật là mê, nhớ mình không theo vật là giác.

Như vậy thì hồi quang phản chiếu nghĩa là soi ánh sáng trở lại mình. Thay vì trước kia ta phóng ánh sáng ấy theo sáu trần, bây giờ dừng lại, nhớ ánh sáng đó hiện hữu nơi sáu căn của mình, không theo sáu trần nữa. Đó là trọng tâm các thiền sư dạy cho chúng ta. Người được thấy như mù nghe như điếc, dù ngồi giữa chợ cũng như ngồi thiền. Chúng ta nhiều khi ngồi thiền tại thiền đường mà ai nói gì cũng lắng tai nghe. Ngồi thiền như vậy cũng giống như ngồi ngoài chợ. Các thiền sư luôn nhắc chúng ta phải hồi quang phản chiếu, quay lại nhớ mình, đừng nhớ cảnh. Đó là gốc của sự tu. Thiền sư nhờ tu như thế nên các ngài không bận bịu, không kiềm chế, sống rất tự tại thoải mái, thấy nghe đều không dính. Nếu chúng ta tu được vậy có thích không? Rất thích. Nhưng vì mình chưa được thế nên phải có câu thứ hai, tức là “phản quan tự kỷ”. Chữ “quang” của hồi quang có “g” để chỉ ánh sáng. Chữ “quan” của phản quan không có “g” để chỉ sự xem xét quán chiếu. “Phản quan tự kỷ” nghĩa là xem xét lại mình, quán chiếu lại mình. Hồi quang phản chiếu có tánh cách kỳ đặc dành cho bậc thượng cơ, nhất là những vị tu theo Thiền tông. Còn phản quan tự kỷ là nói tổng quát, bao trùm hết thảy giáo lý nhà Phật. Nghĩa là soi xét lại chính mình, từ thân thể cho tới nội tâm, thấy rõ thân thể, nội tâm như thế nào.

Ví dụ Phật dạy tu thiền, quán Tứ niệm xứ là pháp căn bản trong các kinh A-hàm. Quán Tứ niệm xứ là quán cái gì? Một, quán thân bất tịnh, xem xét phân tích tường tận từng bộ phận thân này, thấy đều nhớp nhúa, đó là quán thân bất tịnh. Hai, quán thọ thị khổ, tức là tất cả cảm giác do sáu trần đến với mình, ta cảm nhận rõ ràng chúng đều vô thường, không thật có, là gốc của đau khổ. Ba, quán tâm vô thường, tức những tâm niệm của mình luôn luôn sanh diệt, không dừng, đó là quán tâm vô thường. Bốn, quán pháp vô ngã tức là quán tất cả pháp, từ tâm pháp cho tới ngoại cảnh đều do duyên hợp không có chủ. Phật dạy vị nào cột tâm trong Tứ niệm xứ được bảy ngày không dời đổi, người đó sẽ chứng quả A-la-hán. Chẳng những bảy ngày mà ba ngày, chẳng những ba ngày mà một ngày, cột tâm trong Tứ niệm xứ không dời đổi sẽ chứng quả A-na-hàm. Chúng ta thấy tu dễ chứng quá, phải không? Chỉ cột tâm trong Tứ niệm xứ trọn ngày không dời đổi liền chứng quả A-na-hàm. Quán như thế là phản chiếu lại mình, soi sáng lại mình, xét nét lại mình, nên pháp của các kinh A-hàm hay của Phật giáo Nguyên thủy vẫn là pháp tu “Phản quan tự kỷ”. Cho tới như không dùng Tứ niệm xứ, mà dùng Ngũ đình tâm quán thì cũng là soi xét lại mình. Đó là nói hệ thống A-hàm.

Qua hệ thống Bát-nhã, mỗi đêm chúng ta đều tụng “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Chiếu kiến ngũ uẩn của ai? Ngũ uẩn của mình. Như vậy cũng là soi sáng, xét nét lại chính mình để biết rõ năm uẩn không thật, không có thực thể, từ đó mà qua tất cả khổ nạn. Chúng ta thấy từ hệ A-hàm tiến lên hệ Bát-nhã, Phật đều dạy phản chiếu lại mình. Đến Thiền tông tôi thường hướng dẫn quý thầy cô nhìn lại từng niệm khởi, đừng chạy theo nó, gọi là biết vọng không theo. Như thế có phải phản quan không? Nếu không xoay lại làm sao thấy niệm khởi? Rõ ràng đó là lối phản quan. Tóm lại, từ pháp tu A-hàm, pháp tu Bát-nhã, tới pháp tu Thiền tông đều dạy phản quan. Như vậy toàn bộ hệ thống tu của đạo Phật đều lấy phản quan tự kỷ làm trọng tâm. Câu “hồi quang phản chiếu” mới nghe thấy tương tự nhưng thật ra có khác. Đây là trường hợp dành cho những bậc kỳ đặc như Tổ Lâm Tế hay Lục tổ Huệ Năng. Lục Tổ Huệ Năng khi thấy tăng ngồi thiền, ngài liền kéo lỗ tai thổi phù. Ngài Lâm Tế cũng không thích ngồi thiền, vậy các ngài tu cái gì? Các ngài luôn hồi quang phản chiếu, tức nhớ nơi sáu căn thường sáng rỡ, không phóng ra ngoài.

“Hồi quang phản chiếu” và “Phản quan tự kỷ” là nền tảng của tất cả người tu Phật chúng ta. Nếu mình làm chưa nổi trường hợp thứ nhất, thì phải theo trường hợp thứ hai, tức là phản quan tự kỷ. Chừng nào nội tâm trong sạch, yên lặng hết mới bước qua trình độ thứ nhất là hồi quang phản chiếu. Đi đứng nằm ngồi mà không dính nghiệp gì hết. Thấy như mù, nghe như điếc, đó là tự tại vô ngại. Tăng Ni nên nhớ trường hợp hồi quang phản chiếu chỉ dành cho người nào triệt ngộ, nghĩa là đi đứng nằm ngồi không quên mình, mới dùng được. Ai còn quên mình thì khoan dùng, dùng rất nguy hiểm. Tăng Ni cần phải nắm thật vững, hiểu cho tường tận như thế, để trong sự tu ứng dụng đúng, đạt kết quả tốt, không bị lầm lẫn đáng tiếc. Đây là ý nghĩa tôi muốn nhắc nhở nhân ngày đầu năm.

Nguồn: http://www.thuongchieu.net/


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/09/2016(Xem: 5638)
Bốn Sự Thật Cao Quý được các kinh sách Hán ngữ gọi là Tứ Diệu Đế, là căn bản của toàn bộ Giáo Huấn của Đức Phật và cũng là một đề tài thuyết giảng quen thuộc. Do đó đôi khi chúng ta cũng có cảm tưởng là mình hiểu rõ khái niệm này, thế nhưng thật ra thì ý nghĩa của Bốn Sự Thật Cao Quý rất sâu sắc và thuộc nhiều cấp bậc hiểu biết khác nhau.
12/09/2016(Xem: 7592)
Sanh tử tử sanh chẳng chút ngừng Tiếp diễn muôn đời mãi không ngưng Nhìn dòng nước chảy luôn bất tận Cùng gió mây trời bổng nhẹ tưng
20/08/2016(Xem: 4239)
Hoặc trên trời dưới biển Hay trốn vào động núi Không chỗ nào trên đời Trốn được quả ác nghiệp. (1)
20/08/2016(Xem: 4170)
Đạo Phật thường được xem là Đạo Giải Thoát. Chính đức Phật Thích Ca đã từng tuyên bố : « Ví như này các tỳ kheo, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Cũng vậy, này các tỳ kheo, Pháp này cũng chỉ có một vị là vị Giải Thoát » (1)
20/08/2016(Xem: 4259)
Người sống mặc buông lung Ái tăng như dây rừng Sống đời này đời khác Như vượn tham quả rừng. (1)
28/05/2016(Xem: 11909)
Phật Tánh đó là Tánh Giác Ngộ, Tánh Phật, Bổn Tánh Lành, Mầm Lương Thiện trong mọi loài chúng sinh. Cũng gọi là Như Lai Tánh, đối nghĩa với chúng sanh tánh. Kinh Phạm võng: Tất cả chúnh sanh đều có sẵn Tánh Giác Ngộ nơi mình (Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh). Nhờ có Tánh Giác Ngộ ấy, bổn tánh lành ấy chúng sanh công nhận và thấu đạt lý nhân quả, hiểu cái thể tự nhiên của mình đồng với Phật. Phật Tánh nơi ta luôn tiến chớ không phải thối, tích lũy chớ không phải tiêu vong, nó tiến tới mãi, nó khiến cho cảnh trần càng tươi đẹp, càng thuần tịnh, nó đưa lần mọi vật đến gần cái tuyệt đẹp, tuyệt cao, tuyệt diệu, tuyệt trong sáng thánh thiện. Mỗi loài đều có nơi mình Phật Tánh, dầu cho loài nào có thấp hèn tới đâu cũng có khả năng thành Phật. Không trừ loài nào, không một ai mà không có khả năng thành Phật.
30/04/2016(Xem: 15651)
Pháp Thân tiếng Sanscrit là Dharmakaya, tiếng Nhật là Hosshimbutsu, tiếng Pháp là Corps d’essence. Đó là nói về Chơn Thân, Đạo Thể, thể của Pháp Tánh. Pháp Thân của Phật có 4 Đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh (4 Đức Ba La Mật). Nó không mắc vào tứ khổ (Sanh, Lão, Bệnh, Tử). Nó không lớn, không nhỏ, không trắng, không đen, không có Đạo, không vô Đạo, nó tự nhiên trường tồn, không thay đổi. Dầu Phật có ra đời hay không thì nó cũng như vậy mãi.
24/04/2016(Xem: 31645)
Qua mạng Amazon.com, tôi đặt mua cuốn sách tiếng Anh “In The Buddha’s Words” của Bhikkhu Bodhi ngay sau khi xuất bản năm 2005. Đọc sơ qua phần đầu rồi để đó. Mỗi lần đi đâu, tôi mang theo để đọc từ từ vài trang, trong lúc chờ đợi, trước khi đi ngủ. Cứ thế dần dần qua năm tháng. Rồi cũng không thẩm thấu được bao nhiêu.
29/02/2016(Xem: 9759)
Khi trình bày tổng quát về Phật pháp theo cách tu tập của người Tây Tạng, tôi thường chỉ rõ rằng đạo Phật áp dụng ở Tây Tạng là một hình thức kết hợp các giáo lý thuộc Tiểu thừa, Bồ Tát thừa và Mật thừa, bao gồm cả những pháp môn như là Đại Thủ Ấn. Vì có khá nhiều người [hiện diện ở đây] đã nhận lễ quán đảnh và thọ học giáo pháp v.v... nên việc giảng giải về một cấu trúc hoàn chỉnh [của Phật giáo Tây Tạng] có thể sẽ hữu ích.
28/02/2016(Xem: 7194)
Một thuyết giảng ở Luân Đôn, Anh quốc, 1988. Được chuyển dịch sang Anh ngữ bởi Geshe Thupten Jinpa và hiệu đính bởi Jeremy Russell. Được xuất bản lần đầu tiên trong Cho-Yang (No.5), là một tạp chí được phát hành bởi Bộ Tôn Giáo và Văn Hóa thuộc chính quyền Trung Ương Tây Tạng ở Dharamsala. Copyright His Holliness the Dalai Lama 14 (Bản quyền thuộc về Thánh đức Dalai Lama thứ 14) Quyền cho phép phổ biến Việt ngữ miễn phí với sự chuẩn thuận của ngài Rajiv Mehrotra, đại diện Foundation For Universal Responsibility of HH The Dalai Lama (www.furhhdl.org)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567