QUÁN ĐẢNH
Kyabje Kalu Rinpoche
Thực hành Kim Cương thừa được bắt đầu thông qua một quán đảnh. Để hiệu quả, quán đảnh đòi hỏi sự chứng ngộ của đạo sư, bậc trao truyền nó, cũng như sự tin tưởng và trí thông minh của đệ tử nhận nó. Những quán đảnh này mang hình tướng là các nghi thức phức tạp khác nhau. Trong những quán đảnh của các bổn tôn Mật thừa vĩ đại, các kiểu phổ biến và chi tiết nhất của quán đảnh được đặc trưng bởi việc sử dụng một mạn-đà-la cát màu. Kiểu trung bình sẽ sử dụng mạn-đà-la vẽ trên vải. Một kiểu đơn giản hơn là sử dụng mạn-đà-la làm bằng các đống gạo nhỏ. Cuối cùng, trong quán đảnh được giảm tới mức tinh túy, thân của đạo sư, bậc ban quán đảnh hay chỉ một sự đại diện tinh thần đơn giản là đủ để biểu tượng cho mạn-đà-la.
Bốn giai đoạn của một quán đảnh
Một quán đảnh trong dạng thức trọn vẹn phổ biến nhất bao gồm bốn phần nhỏ gọi là bốn quán đảnh.
- quán đảnh bình
- quán đảnh bí mật
- quán đảnh trí tuệ
- quán đảnh thứ tư hay quán đảnh của khẩu cao quý
Các dạng thức đơn giản của quán đảnh hạn chế ở mức trao truyền thân, khẩu hay ý của bổn tôn hoặc chỉ với quán đảnh bình. Tuy nhiên, quán đảnh trong sự trọn vẹn, ám chỉ đến bốn phần như vừa đề cập. Chỉ trong những hoàn cảnh này mà samayagiới mới đóng vai trò đầy đủ và phải được tôn trọng một cách tỉ mỉ với sự trao truyền lực gia trì để mở ra cánh cửa của các thành tựu.
Các giai đoạn chuẩn bị
Vị lạt ma chịu trách nhiệm ban quán đảnh, trước tiên cần tuân thủ Mật điển tham chiếu được tuyên thuyết bởi Đức Phật bằng cách chuẩn bị mạn-đà-la, thứ phục vụ như một hỗ trợ. Mạn-đà-la này có thể là mạn-đà-la cát, mạn-đà-la được vẽ, hay một mạn-đà-la bao gồm các đống gạo nhỏ được đặt một cách biểu tượng trên đế. Tiến hành một mình, vị lạt ma thực hiện một phần của nghi lễ trong ba giai đoạn chuẩn bị.
- dakye, ở đó vị lạt ma tự quán tưởng bản thân trong hình tướng bổn tôn
- dunkye, ở đó vị lạt ma quán tưởng chư bổn tôn trong hư không
- bumkye, ở đó vị lat ma gia trì bình quán đảnh, quán tưởng nó như là cung điện linh thánh mà chư bổn tôn của quán đảnh đang ngự
- cuối cùng, giai đoạn chuẩn bị thứ tư được thêm vào. Vị lạt ma ban quán đảnh cho bản thân (dajuk). Chỉ sau giai đoạn này các đệ tử mới được vào chùa để nhận quán đảnh.
Quán đảnh bình
Đệ tử trước tiên nhận quán đảnh bình, được trao truyền lên thân. Điều này giới thiệu đệ tử với bản tính thanh tịnh của các thành phần khác nhau của tính cách tâm – vật lý của họ. Có năm uẩn, năm yếu tố hay các nhân tố của nhận thức. Quán đảnh này được ban với sự giúp đỡ các Pháp khí nghi lễ, biểu tượng cho năm vị Phật phụ – như là vương miện, chày kim cương, chuông và nhiều thứ khác. Nhờ quá trình này, các lỗi lầm và che chướng liên quan đến thân tan biến và các thành phần của bản thân trở thành những khía cạnh thanh tịnh tương ứng: năm vị Phật phụ, năm vị Phật mẫu, tám Bồ Tát nam và nữ và nhiều vị khác. Quán đảnh này ban sức mạnh để thiền định với chính thân này trong hình tướng của thân bổn tôn và một cách tuyệt đối sẽ dẫn chúng ta đến việc đạt được thân Hiển bày (Hóa thân).
Quán đảnh bí mật
Quán đảnh thứ hai, quán đảnh bí mật, liên quan đến khẩu, được truyền bởi rượu gia trì, thứ trở thành cam lồ (tiếng Tạng dutsi), chứa trong bát sọ người. Đệ tử uống vài giọt. Quán đảnh này tịnh hóa các che chướng và lỗi lầm về khẩu, ban sức mạnh để trì tụng thần chú của bổn tôn và cho phép người ta đạt được thân của kinh nghiệm hoàn hảo (Báo thân).
Quán đảnh trí tuệ
Quán đảnh thứ ba, quán đảnh trí tuệ, liên quan đến tâm, được trao truyền bởi một trí tuệ (tiếng Tạng rikma), tức là, một người phụ nữ trẻ, được vẽ, dành cho nghi lễ trên tấm thẻ nhỏ. Quán đảnh này tịnh hóa các lỗi lầm và che chướng liên quan đến tâm và ban sức mạnh để thiền định về sự hợp nhất của hỷ lạc và tính không, và đạt được thân tuyệt đối (Pháp thân).
Quán đảnh của khẩu cao quý
Quán đảnh thứ tư, quán đảnh của khẩu cao quý, không sử dụng các Pháp khí nghi lễ mà bao gồm một giới thiệu khẩu truyền đến kiểu tồn tại của tâm và mọi hiện tượng. Tác động của nó được đặt ở mức độ đồng thời – sự tịnh hóa đồng thời các lỗi lầm và che chướng của thân, khẩu và ý. Nó cũng cho phép thiền định đồng thời với thân là thân của bổn tôn, khẩu là thần chú của bổn tôn và ý là trạng thái định. Một cách tuyệt đối, nó dẫn đến sự chứng ngộ của thân tinh túy (Tự tính thân, tiếng Phạn svabhavakaya), sự hợp nhất của ba thân khác của Giác ngộ.
Để một quán đảnh có tác dụng thực sự, dĩ nhiên cần phải có các điều kiện bên ngoài nhất định. Vị lạt ma, người ban nó cũng cần có sự trao truyền chân chính và tiến hành nghi lễ chính xác, không thêm hay bớt thứ gì. Cuối cùng, đệ tử, những kẻ nhận nó cần có niềm tin trọn vẹn với vị lạt ma, một vài sự hiểu biết về quá trình và sự xác quyết về hiệu quả của nó.
Cách tiếp cận Kinh điển của Đại thừa và cách tiếp cận Mật điển của Kim Cương thừa dẫn đến cùng một mục tiêu, nhưng với lượng thời gian khác nhau. Người ta nói rằng hành giả cần thực hành ba vô lượng kiếp trước khi đạt đến Giác ngộ nhờ con đường Kinh thừa. Họ cũng nói rằng tối đa mười sáu đời là cần thiết để đạt được mục tiêu tương tự nhờ con đường Mật thừa. Về tối thiểu, nó khác biệt theo các bản văn. Một vài nói rằng trong sáu tháng, số khác nói sáu hay mười hai năm, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, Giác ngộ đều đặt được trong chính đời này.
Samye Ling, 3/1983
Trích: Đạo Phật bí mật, Kalu Rinpoche.
Việt dịch: Pema Jyana.