Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hạnh Kham Nhẫn của Thiên Nhiên Kỳ Diệu

30/05/201211:14(Xem: 3842)
Hạnh Kham Nhẫn của Thiên Nhiên Kỳ Diệu



vang trang

HẠNH KHAM NHẪN CỦA THIÊN NHIÊN KỲ DIỆU



     Một trong các phương pháp thực tập sự kham nhẫn là học hạnh chịu đựng của đất. Đất có thể bao dung hết muôn loài vật trên thế gian này. Đất nuôi sống thiên nhiên, cỏ cây, hoa trái để nuôi dưỡng chúng sinh. Từ đất con người khai thác các loại tài nguyên khoáng sản để có điều kiện gia tăng sản xuất, nâng cao đời sống để nhân loại và muôn loài vật tồn tại.

     Đất vốn chất phát, hiền lành và đôn hậu, thuần tuý. Chỉ cần chúng ta biết cách là có thể trồng lúa, trồng hoa màu, trồng cỏ hay trồng rừng để nuôi sống con người. Con người sống được nhờ có cây lúa, hoa màu. Con người tận hưởng màu xanh nhờ đồng cỏ bao la và hít thở không khí trong lành nhờ những cánh rừng bạt ngàn. Nhờ có đất đã nuôi dưỡng muôn loài vật nên sự sống được phát triển, tiếp nối nhau. Vậy mà chúng ta đã vô tình huỷ hoại sự mầu mỡ của đất, ta vứt bỏ đủ thứ rác rến vào đất, thải ra các chất độc hại dưới nhiều hình thức làm cho đất bị ô nhiễm nặng nề.

     Mặc dù vậy, đất không bao giờ phản kháng lại mà vẫn an nhiên, bình thản đón nhận những chất độc hại đó và âm thầm chịu đựng trong suốt thời gian không có giới hạn. Đất vẫn giúp rừng cây xanh bạt ngàn, tươi tốt và con người có thức ăn trong lành. Chỉ vì lòng tham lam, ích kỷ của chính mình mà con người chỉ biết xâm hại đất và làm tổn hại đất. Vậy mà đất vẫn im lặng chịu đựng bền bỉ, lâu dài.             

     Khi chúng ta đã hiểu rõ được Phật pháp từ thấp tới cao thì đều biết tất cả đều dựa trên nền tảng của nhân quả. Hiểu rõ ý kinh thì sự trì tụng mới có được lợi ích thật sự và đời tu của chúng ta sẽ đi đúng theo lời Phật dạy; nếu không, chúng ta có thể rơi vào lầm lạc, mê tín và uổng phí cả một đời tu hành. Chúng ta là đệ tử Phật, ta tắm mình trong ánh hào quang của Phật và hào quang ấy là trí tuệ Phật tâm sáng suốt hằng chiếu soi muôn loài vật đã có sẵn ngay nơi thân mỗi người.

     Đức Phật thường được các hàng đệ tử xưng tán là "Như Lai biết nghĩa, biết pháp, biết trình độ, biết thời cơ và biết chúng hội". Sự thuyết pháp của Phật căn cứ vào ba yếu tố thời, xứ và vị - nghĩa là thời gian nói pháp, nơi chốn nói pháp và đối tượng nghe pháp. Vì vậy, Phật không nói pháp nào chỉ có ý nghĩa một chiều. Có khi Ngài nói pháp thấp cho hàng căn cơ kém; có lúc Ngài nói pháp vừa cho hàng trung căn; cũng có khi lại nói pháp cao, rốt ráo cho hàng căn cơ bậc thượng. Cho nên, nhiều khi trong kinh điển chúng ta thấy có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng kỳ thực đó là do tùy duyên hóa độ hay còn gọi là tuỳ bệnh cho thuốc.

     Nếu chúng ta đã chấp ngón tay là mặt trăng thì sẽ ỷ lại vào tha lực và tin tưởng vào thần quyền, rồi vô tình ỷ lại và bài bác lý nhân quả. Như vậy, chúng ta khỏi cần tụng kinh, sám hối, niệm Phật-Bồ tát, tọa Thiền hay tu Bát quan trai mà chỉ cần một lòng cầu Phật-Bồ tát và chờ đến lúc gần chết sẽ có các Ngài đến cứu độ, rước đi. Như vậy thì tinh thần nhân quả ai ăn nấy no, ai uống thì hết khát nên nhân nào quả nấy cũng không có ý nghĩa.

     Đức Phật ra đời đã từng tuyên bố: “Ta chỉ là vị thầy dẫn đường, Ta không có quyền ban phước giáng hoạ”. Nếu chúng ta không cải ác làm lành, không dứt trừ các nghiệp ác nơi thân-miệng-ý thì cũng không có vị Phật-Bồ tát nào cứu vớt cho mình ra khỏi biển khổ sông mê. Cũng như thế, chư Phật và chư Bồ tát không phải hoàn toàn không có tha lực đối với chúng sinh nhưng tha lực của các Ngài chỉ là sức trợ duyên ban đầu mà thôi.

     Ví dụ, trong một lớp học người thầy đem hết khả năng để dạy học trò một cách công bằng nhưng trong lớp có trò học giỏi, có trò học dở. Chủ ý của thầy là dạy hoàn toàn bình đẳng nhưng kết quả học tập lại tùy thuộc trí thông minh, sự siêng năng chăm chỉ học hành và bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh gia đình của mỗi em. Cũng vậy, đức Phật ra đời khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến, tức tính biết sáng suốt nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý của mỗi người. Nếu Phật có thể ban cho chúng sinh cái tri kiến Phật ấy thì chúng ta đâu cần tu và tinh thần "tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với Chánh pháp" hóa ra vô nghĩa.

     Cho nên, nếu người có tu một chút sẽ tự thấy rõ mọi kinh điển đều nhằm kích thích trực giác để ta nhận ra cái thường biết rõ ràng ấy là bổn tâm sáng suốt, rồi chúng ta tự nỗ lực để cứu chính mình ra khỏi biển khổ sông mê. Tất cả chúng ta hãy lắng lòng nghe lời tuyên bố của Đức Phật Thích Ca trước khi nhập diệt ở rừng Ta La Song Thọ: “Các ông hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với Chánh pháp”.

     Nếu chúng ta không tự thắp đuốc lên mà đi, cứ trông cầu sự cứu độ của Phật-Bồ tát thì chúng ta đã rơi vào thần quyền mất rồi, nghĩa là chúng ta đã tin có một đấng thần linh thượng đế ban phước giáng hoạ. Chúng ta tin như vậy thì đức Phật đã trở thành một vị thần linh thượng đế mất rồi. Và nếu chúng ta thần thánh hóa các Ngài thì chúng ta sẽ rơi vào mê tín dị đoan và chỉ biết cầu cạnh van xin, vô tình phỉ báng và đi ngược lại lý nhân quả. Giáo lý của Đức Phật cũng bị đánh mất tính thực tiễn, tính khoa học và tính nhân bản là nền tảng nhân quả và đạo đức muôn đời của đạo Phật gắn liền với con người.

     Cho nên, người Phật tử chân chính phải y cứ vào tinh thần "tự mình thắp đuốc lên mà đi" vốn là kim chỉ nam cho mỗi người con Phật dù là xuất gia hay tại gia. Có thể nói, ta không thể lìa tâm để tu hành, không thể lìa tâm mà giải thoát. Đây là điều chúng ta phải hết sức lưu ý, chúng ta tu là tu tâm của chính mình. Ta thanh tịnh là thanh tịnh cái tâm, khi giác ngộ là giác ngộ tự tâm, cho đến lúc thành đạo cũng là thành tựu cái bản tâm ấy, ngoài tâm cầu Phật tức thiên ma ngoại đạo.

     Đất ở đây có nghĩa là tượng trưng cho đất tâm. Đất tâm rất kiên cố, không có gì công phá được, hủy diệt được. Tâm địa kiên cố là đức tính thứ nhất của mỗi người chúng ta, đức tính thứ hai là sâu dày. Chúng ta thấy, biển sâu cách mấy cũng có thể dò được nhưng làm sao chúng ta có thể dò được tâm. Tâm không có hình tướng, kích thước nhưng hay soi sáng muôn loài vật nên gọi là sâu dày. Đức tính thứ ba của tâm là rộng chứa cùng khắp. Phật dạy: “Bổn tâm của mỗi chúng sinh thật bao la không ngằn mé, nếu đem hư không so với Bổn tâm cũng như hòn bọt ví cùng biển cả”.

      Tất cả pháp luôn luôn mời gọi nhưng vì chúng ta không lắng tâm lại để nghe mà mải chạy theo những vọng tưởng lăng xăng, điên đảo nên không biết tất cả tiếng đều là tiếng Phật. Trên mặt đất hiện thực của cuộc đời này, nếu tâm ta thanh tịnh, sáng suốt thì mình sẽ thấy nơi nào cũng bình yên hạnh phúc, ở đâu cũng là cõi Cực Lạc. Vì sao? Vì Cực Lạc là lòng trong sạch. Tất cả pháp đều hướng từ nơi tâm, tất cả cảnh giới đều do tâm lượng mà biến hiện.

     Ví dụ, chỉ là một dòng sông nhưng đối với loài người thì đó là nước để ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, tưới tiêu; đối với loài cá là cả thế giới cho chúng bơi lội, sinh sống, là không khí cho chúng thở; đối với loài ngạ quỷ thì chúng toàn là máu; đối với chư Thiên thì do phước nghiệp nên các vị thấy là lưu ly, pha lê trong suốt. Cho nên, cõi Tịnh độ hay thế giới Ta bà cũng ở tại đây, thiên đường hay địa ngục cũng tại đây hết.

     Trong sự học Phật nếu chúng ta hiểu được kinh điển theo tinh thần lý sự viên dung, thì ta sẽ thấy rất tự tin nên không sống theo sự mong cầu và ỷ lại vào tha lực. Tha lực chỉ là bước đầu của người mới bắt đầu tìm hiểu vì chưa đủ niềm tin vào Phật pháp. Người học Phật phải thường xuyên quán chiếu, soi sáng lại thân tâm, hoàn cảnh thì tự nhiên sẽ cảm nhận được lý nhân quả là nền tảng của sự sống trên thế gian này. Chính vì vậy, lời Phật dạy “tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với Chánh pháp” là hoàn toàn chính xác, thực tế trong cuộc sống không ai có thể ăn uống dùm và sống dùm cho ai cả.

     Hạnh của đất là tượng trưng cho hạnh nguyện cao cả của Bồ tát Địa Tạng. Bồ tát nguyện đi vào địa ngục, đi vào những nơi khổ đau để giáo hóa và cứu độ chúng sinh. Ngài nguyện khi nào trên thế gian này không còn địa ngục, không còn khổ đau thì khi ấy Ngài mới thành đạo giải thoát. Thực tập quán về đất sẽ biết hạnh của đất và thực tập hạnh của đất giúp chúng ta phát triển năng lượng Địa Tạng trong tâm mình.

     Địa Tạng là một biểu tượng và ai cũng có năng lượng này. Nếu biết chuyển hóa khổ đau là chúng ta biết cách dang tay để góp phần giải trừ địa ngục. Thân này có thể khổ đau, tâm này có thể khổ đau. Nếu chúng ta không chịu nhận diện và chuyển hóa khổ đau thì khổ đau sẽ chồng chất sâu dày và tạo điều kiện cho địa ngục hiện tiền.

     Đặc tính quan trọng đầu tiên đáng để chúng ta học tập là tính chịu đựng bền bỉ, lâu dài của đất. Dù người ta có đổ lên đất những thứ dơ dáy như rác rến; các thứ đồ bẩn thỉu, hôi hám như phân, nước tiểu và đầy dẫy máu mủ tanh hôi; hoặc người ta xả thải các chất độc hại thì đất cũng thản nhiên, không hề có sự phản kháng hay chống đối lại hoặc buồn bã hay vui mừng.

     Đất có chất liệu của sự vững chãi, từ bi và bao dung nên không bao giờ biết than vãn, phiền muộn một điều gì. Đất luôn vững chãi, bền vững vì không màng đến sự đào xới, bươi móc của con người. Đất có chất liệu của từ bi nên mang cả tấm lòng bao la rộng lớn. Đất thương muôn loài vật nên cung cấp thức ăn, thức uống, cung cấp chỗ ở, nghỉ ngơi và luôn bao bọc, che chở. Đất có chất liệu của bao dung, độ lượng, không phân biệt thân hay sơ. Dù ai có tàn hại, phá huỷ đất thì đất vẫn đón nhận như người mẹ đứng tựa cửa ngóng trông mừng đón đứa con trở về.

     Chúng ta phải học theo hạnh của đất, phải kiên trì, bền bỉ chịu đựng trong sự khó khăn, khắc nghiệt của mọi hoàn cảnh. Ta phải biết cách làm chủ bản thân từ những điều tầm thường nhất trong cuộc sống hàng ngày vì đất còn là điểm tựa cho tất cả muôn loài vật trên thế gian này. Đất đã cưu mang và nâng đỡ tất cả mọi sự vật, không thiên vị một ai. Dù vật đó đã làm tổn hại cho đất thì đất cũng không phiền muộn, khổ đau.

     Đất đã sẻ chia và nâng đỡ cho cỏ cây, hoa lá. Đất giúp con người và các loài động vật có sự sống lâu dài. Chúng ta học theo hạnh sẻ chia và nâng đỡ của đất thì phải cố gắng sống làm sao để trở thành một người tốt bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Nếu như chúng ta không thể đem đến cho người khác niềm vui, không sẻ chia hay giúp đỡ được cho ai thì cũng đừng hãm hại ai.

     Đất tượng trưng cho sự chịu đựng bền bỉ, lâu dài. Sự nâng đỡ muôn loài vật là chất liệu yêu thương bình đẳng của đất. Đất chuyển hóa những thứ đã tiếp nhận dù tốt hay xấu. Dù đó là thứ làm cho đất bị ô nhiễm nặng nề thì đất vẫn chuyển hóa lần hồi để tạo nên những gì có ích cho cuộc sống. Chúng ta thực tập hạnh của đất để chan rãi tình yêu thương tràn ngập khắp tất cả mặt đất để thế giới này được hòa bình, chúng sinh được bình yên, hạnh phúc.

     Tất cả mọi hiện tượng sự vật đang hiện hữu trong cuộc đời đều có một giá trị, lợi ích thiết thực nhất định. Nếu chúng ta tiếp xúc với mọi hiện tượng sự vật bằng cách quán chiếu thì chúng ta sẽ sống được với tính “nghe” của Bồ tát Quán Thế Âm. Bây giờ, chúng ta sẽ cùng nhau tiếp xúc với đất để “lắng nghe” tiếng lòng của đất và học từ đất nhiều điều bổ ích thiết thực.

     Mọi thứ rác rưởi dơ bẩn đến với đất sẽ được đất chuyển hóa thành loại phân bón hỗn hợp để nuôi dưỡng hoa màu, cây cối. Chính vì đất có công năng chuyển hoá mọi thứ nhơ uế để tạo thành sự sống có ích cho nhân loại mà chúng ta cần phải học theo hạnh của đất. Học theo hạnh của đất có nghĩa là chúng ta thực hành hạnh kham nhẫn, chịu đựng trong mọi hoàn cảnh.

     Khi ai ca ngợi, cung kính, tôn trọng, thân thiết với mình thì mình không vì thế mà kiêu căng, tự đắc, không vì thế mà hãnh diện tự hào để sinh tâm cống cao ngã mạn, khinh khi người khác. Khi một ai đối xử với mình không được tốt đẹp, hài hoà, hay công kích và nhục mạ thì mình vẫn không phản kháng, chống đối, không oán giận, thù hằn, ghét bỏ. Ngược lại, mình vẫn giữ lòng bình thản, an nhiên, sẵn sàng tha thứ, bao dung và thương yêu mọi người bằng trái tim hiểu biết.

     Cuộc sống của chúng ta với muôn màu muôn vẻ. Đời người có lúc gặp thuận duyên, xuôi chèo mát mái nhưng cũng lắm khi gặp chướng duyên, nghịch cảnh. Đó là lẽ thường nhiên của cuộc sống nên ta hãy nhìn đời bằng sự sáng suốt nhờ biết cách quán chiếu và buông xả. Như chúng ta đã biết, đất luôn tiếp nhận muôn loài vật một cách rất tự nhiên, không hề có sự phân biệt người thân hay kẻ thù. Một khi chúng ta thực tập hạnh kham nhẫn được thuần thục thì trong lòng mình sẽ không thấy ai là kẻ thù, chỉ có người chưa thông cảm mà thôi.

     Học theo hạnh của đất thì chúng ta biết kính trên nhường dưới, biết thương yêu bình đẳng với tất cả mọi người mà không làm tổn hại cho bất cứ một ai. Chính sự kham nhẫn, từ bi và độ lượng mà chúng ta có thể làm thay đổi cách sống của người khác từ xấu trở nên tốt, từ tiêu cực trở thành tích cực. Kham nhẫn, nhịn chịu và thương yêu bình đẳng đem lại lợi ích lớn cho tự thân, gia đình và xã hội. Kham nhẫn giúp con người giữ được tâm an tịnh trước những chuyện phải quấy, hơn thua, trước những cám dỗ trong cuộc sống.

     Chúng ta hãy nên học theo hạnh của đất. Dù người ta đổ và rải lên những thứ tinh sạch và đẹp đẽ như hoa, nước thơm, sữa thơm; hoặc người ta đổ lên đất những thứ dơ dáy, hôi hám như phân, nước tiểu và máu mủ; hoặc người ta khạc nhổ xuống đất thì đất cũng tiếp nhận tất cả một cách thản nhiên, không vui vẻ, mừng rỡ mà cũng không chán ghét, tủi nhục. Cũng như thế, khi những cảm thọ khoái lạc hoặc buồn khổ phát sinh chúng ta đừng để chúng làm nhiễu loạn thân tâm mình.

     Quả thật, hạnh kham nhẫn có công năng rất lớn hay trị lành bệnh oán giận, thù hằn, ghét bỏ. Trong cuộc đời ai cũng muốn mình trở thành một người tốt có nhân cách đạo đức, một người sống có ích cho nhân quần xã hội và muốn xây dựng cho mình một giá trị thiết thực về tâm linh. Muốn được như thế chúng ta cần phải học theo hạnh của đất, thực hành hạnh kham nhẫn, nhịn chịu trong đời sống hàng ngày. Lúc nào thấy lòng mình buồn thương, giận ghét thì chúng ta hãy nhìn xuống đất, nhớ đến hạnh của đất để tỉnh giác quay về với thực tại của chính mình.

     Từ bi và kham nhẫn là hai pháp tu tối thiết yếu của người Phật tử cũng như người xuất gia. Từ bi là ban vui, cứu khổ. Người có lòng từ bi rộng lớn là người biết thương yêu bình đẳng chúng sinh. Vì thương tất cả mọi người còn mãi chìm đắm trong biển khổ sông mê nên Bồ tát dấn thân phục vụ làm cho mọi người hết khổ, được vui nên gọi là hạnh ban vui cứu khổ.

     Nói từ bi theo nghĩa cứu khổ ban vui thì chúng ta cảm thấy khó hiểu. Để gần gũi và dễ hiểu hơn chúng ta có thể nói từ bi là tình thương mình vì mọi người chớ không phải mọi người vì mình. Chúng ta thấy người khổ thì giúp họ chén cơm, củ khoai, củ mì. Dù họ không cám ơn nhưng chúng ta vẫn thấy vui. Đó là tình thương của lòng từ bi, thấy người khổ mình thương, mình giúp mà không cần đền đáp.

     Là người Phật tử thấy ai khổ, ai đói thì chúng ta thương. Chúng ta sẻ chia, giúp đỡ mà không mong cầu người giúp lại. Bởi từ bi hệ trọng như vậy nên người Phật tử khi hiểu đạo phải tập mở rộng lòng thương xót mọi người. Khi chúng ta có tâm từ bi rồi thì mình tu mới có thể buông xả được bớt phiền não tham-sân-si; còn tu mà chưa có lòng từ bi thì vô tình ta trở thành tham lam, ích kỷ.

     Nhưng tại sao từ bi phải đi đôi với sự kham nhẫn, nhẫn nhịn? Như ở thế gian người vợ gặp ông chồng bạo hành, nhiều người khuyên sao cô không ly dị thì cô nói vì thương con, sợ con bơ vơ không còn đủ cha mẹ, việc học hành sa sút. Nhờ thương con, sợ con sau này khổ mà kham chịu, nhẫn nhịn sự bạo hành của chồng. Làm như vậy cũng vì tình thương nên mới phải chịu đựng. Chúng ta nên biết, nhờ tình thương mà người ta có thể nhẫn chịu được những cái khó nhẫn. Nếu không có tình thương thì chắc chắn con người sẽ không đủ sức sống ở đời để vượt qua những chướng duyên, nghịch cảnh. Nhẫn nhục là một sức mạnh chứ không phải sự yếu đuối. Trong kinh Pháp Cú Phật dạy:

Thắng một vạn quân không bằng thắng chính mình

Thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất.

     Thắng giặc bên ngoài chưa phải là hay, chúng ta thắng được những thói quen tham muốn về tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn sung mặc sướng mới là quan trọng. Người hùng nơi chiến trường với chiến công hiển hách nhưng không qua nổi ải mỹ nhân. Như vậy, sự kham nhẫn nhịn chịu trong mọi hoàn cảnh là việc dễ hay khó? Chúng ta bị người nói nặng, mắng chửi, sỉ nhục, nếu không biết cách làm chủ bản thân ta sẽ mắng nhiếc lại. Mắng lại là dễ vì đó là thói quen của người đời, chúng ta tu thì người khác chửi mình, mình cũng chỉ cười thôi.  

     Chúng ta thử tập khi bị người khác nói nặng hay mắng chửi mà mình vẫn cứ lặng lẽ làm thinh, không nói gì hết thì người đó sẽ tự dưng chùn bước liền. Người chửi cảm thấy bực bội, khó chịu, mặt mày trông rất dữ tợn. Chúng ta cứ tưởng tranh hơn thua là hay nhưng không ngờ người muốn tranh hơn lại càng tăng thêm phiền não, chẳng khác nào như lửa cháy mà chúng ta cứ chế thêm dầu. Một người đã lỡ nóng giận thì tất nhiên trong lòng họ đau khổ, còn ta vẫn cứ im lặng, không chống trả lại thì làm gì có chuyện đấu tranh để dẫn đến những tai hại lớn lao.

     Như vậy, người chịu đựng được là người mạnh mẽ, có một sức nhẫn phi thường. Do đó, chúng ta tu muốn đạt kết quả tốt đẹp thì đòi hỏi mình phải có lòng từ bi và cả đức nhẫn nhục. Có đầy đủ từ bi, nhẫn nhục thì tâm ta mới an ổn, nhẹ nhàng mỗi khi có chuyện không như ý. Chẳng hạn như khi ta thấy người nghèo khổ nên giúp đỡ họ nhưng họ lại có thái độ không tốt với ta.

     Vì vậy, khi nói về lòng từ bi người ta hay dùng từ “mẹ hiền thương con”. Cha cũng thương con nhưng có khi phải răn, phải đánh, phải chỉ dạy nên đôi khi nghiêm khắc. Người mẹ thương con thường an ủi, vuốt ve, chìu chuộng nên ít đánh; do đó mà nói mẹ hiền, cha nghiêm. Chính vì vậy, lòng từ thường được tượng trưng qua người mẹ thương đứa con một. Bồ tát Quán Thế Âm tu hạnh từ bi, nhẫn nhục và lắng nghe nên Ngài hiện thân người nữ để làm tròn hạnh nguyện của mình.

     Chúng ta là hàng đệ tử của Phật thì phải học theo gương sáng của Ngài. Vì thương những người khổ hay người ngang ngạnh nên dù họ có gây khó khăn, làm điều hung dữ thì chúng ta vẫn phải độ họ, không nên giận họ mà còn thương xót họ nhiều hơn. Trong đạo Phật lúc nào cũng nhắc nhở người Phật tử luôn cố gắng thực hiện cho được tinh thần từ bi, nhẫn nhục. Chưa hành được hạnh đó thì chúng ta chưa phải là người Phật tử chân chính. Cho nên, khi chúng ta hiểu rõ mục đích của đạo Phật thì phải tập theo đức từ bi, nhẫn nhục thì sẽ được những điều lợi ích lớn.

     Tất cả những gì chúng ta làm lợi ích cho người thì người sẽ đối xử tốt lại với mình, hiểu như vậy chúng ta mới cố gắng buông xả nhiều hơn nữa mà việc tu hành mới không trở ngại. Chúng ta không phải chỉ biết dùng lời nói suông mà còn phải có sức kham nhẫn, chịu đựng. Đức Phật suốt 49 năm hoằng hoá độ sinh, bất cứ trường hợp nào Ngài cũng nhịn chịu, không hề chống cự hoặc trách móc một ai dù bị họ mắng nhiếc, vu oan giá hoạ và huỷ nhục đến tận cùng. Ngài chỉ bình thản, an nhiên, tự tại trước những lời vu cáo nặng nề. Vì vậy, Ngài không hờn, không giận, không thù hằn, oán hận mà còn thương xót tất cả mọi người. 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/06/2014(Xem: 14252)
CHÁNH PHÁP BỘ MỚI: Số 31, tháng 06.2014 Hình bìa của Nhiên An ChanhPhap 31 (06.14) ¨ THƯ TÒA SOẠN, trang 2 ¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 ¨ TA NGHĨ VỀ ĐẤT NƯỚC TA (thơ Mặc Phương Tử), trang 8 ¨ ĐẠO PHẬT VIỆT TK THỨ I VÀ THỜI KỲ BẮC THUỘC (HT. Thích Đức Nhuận), trang 9 ¨ BẢN LÊN TIẾNG V/V TRUNG QUỐC XÂM PHẠM LÃNH HẢI VIỆT NAM… (VP Điều Hợp GHPGVNTN Liên Châu), trang 13 ¨ PHÁP TỪ PHẬT ĐẢN PL. 2558 (HT. Thích Tín Nghĩa), trang 15 ¨ VÌ HÒA BÌNH VÀ AN LẠC CHO THẾ GIỚI (HT. Thích Minh Tuyên), trang 16 ¨ HUẤN TỪ AN CƯ (TK. Thích Huyền Quang), trang 18
30/05/2014(Xem: 6633)
Ngũ uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn (1). Đây là những yếu tố vật chất và tinh thần được kết hợp lại mà có cái gọi là con người, là chúng sanh. Khi không gọi là ngũ uẩn mà gọi là danh và sắc thì ta cũng phải hiểu: Sắc là sắc thân vật lý, và danh là gọi chung của phần tâm và tâm sở gồm có thọ, tưởng, hành và thức.
29/05/2014(Xem: 4976)
Vô Ngã có phải là một vấn đề bế tắc của nhân sinh? Cái mà trước đây các bậc hiền triết, các nhà sáng lập tôn giáo, kể cả đức Phật muốn tìm. Đó là một cái chân ngã, cái ngã thật, tức là cái Tôi cái Ta không bị chi phối, không bị thay đổi theo không gian và thời gian. Nhắc đến Phật giáo, chúng ta thấy đạo Phật chủ trương Vô Ngã, thuyết minh về Vô Ngã, và Vô Ngã xem như là học thuyết nòng cốt của đạo Phật. Trong Tam Pháp Ấn, Vô Ngã là một trong ba ấn định đặc thù về chân lý Phật giáo: vô thường, khổ, vô ngã. Vì vậy, mọi hành động dính mắc ta đều có cảm giác rằng hành động đó còn ngã thì làm sao gọi là tu, làm sao giải thoát được?
28/05/2014(Xem: 8630)
Thiên Chúa giáo, Hồi giáo hay Tin lành chỉ tin có một Thượng đế duy nhất thì gọi là nhất thần giáo. Trong khi đó, đạo Khổng hay đạo Lão tin vào nhiều đấng thần linh nên những đạo này được gọi là đa thần giáo. Ngược lại, đạo Phật không phải là nhất thần giáo, cũng chẳng là đa thần giáo mà cũng không phải là giáo điều chủ nghĩa tức là vị giáo chủ đưa ra bất cứ giáo điều gì cho dù đúng hay sai thì tín đồ bắt buộc răm rắp tuân theo.
26/04/2014(Xem: 13096)
Các tài liệu nghiên cứu cho biết chữ VẠN vốn không phải là văn tự, chữ viết (word), mà chỉ là ký hiệu (symbol). Nó xuất hiện rất sớm, có thể là từ thế kỷ thứ 8 trước công nguyên và đến thế kỷ thứ ba trước công nguyên mới được dùng trong kinh Phật. Nhưng ký hiệu này đã không thống nhất. Có chỗ viết theo mẫu (A), ngược chiều kim đồng hồ, có chỗ viết theo mẫu (B), thuận theo chiều kim đồng hồ, như hình vẽ trên. Từ đó có những lý luận cho rằng chữ VẠN của Phật giáo phải xoay hướng này thì đúng còn hướng kia thì sai.
26/04/2014(Xem: 7348)
Đây là vòng 12 nhân duyên. Nhân là đưa đến kết quả (năng sanh). Duyên là giúp nhân thành quả (sở sanh). 12 nhân duyên còn gọi là 12 hữu chi (có cành nhánh), 12 trùng thành (gặp nhân duyên tạo thành), 12 kinh cước (chỉ móc nối với
23/04/2014(Xem: 5898)
“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Phật tánh ấy là Thường Lạc Ngã Tịnh.” Câu nói đó lập đi lập lại nhiều lần trong kinh Đại Bát Niết-bàn, cũng là chủ đề Phật tánh của kinh. Phẩm Bồ-tát Sư tử rống nói: “Sư tử rống là lời nói quyết định: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Như Lai thường trụ không biến đổi.” Sư tử tượng trưng Đức Phật, bậc tối thượng trong ba cõi. Rống là lời tuyên bố dũng mãnh của Trí huệ và Đại bi. Trí huệ vì soi thấy thật tánh của muôn loài là Phật tánh. Đại bi vì lời nói ấy bao trùm tất cả muôn loài. Phật tánh này là cảnh giới của chư Phật, là Đại Niết-bàn.
27/03/2014(Xem: 8831)
Ở đây, tôi đang đề cập đến bản chất tương đối của bạn mà trong đạo Phật thường nhắc tới. Bạn nghỉ rằng : “Bằng cách nào bạn mô tả được bản chất của tôi như vậy? Bản chất của tôi có nhiều khía cạnh khác biệt”. Đó có thể là ý tưởng của phương Tây, còn quan điểm của Phật giáo thì đơn giản hơn nhiều. Theo Phật giáo, bản chất của bạn chỉ có hai khía cạnh là tương đối và tuyệt đối.
25/03/2014(Xem: 10459)
AN CƯ là một trong các pháp chế trọng yếu trong đời sống tu hành của Tăng Đoàn Phật giáo. Chữ “cư” nghĩa là ở; chữ “an” nghĩa là yên, tức là, thân thì không đi ra khỏi chùa, tâm thì chuyên cần tu học, luôn giữ chánh niệm, không chạy theo trần cảnh bên ngoài, không để ý đến các chuyện thế sự. Vậy, “an cư” là ở yên một chỗ, chuyên cần tu tập, giữ cho thân tâm tĩnh lặng, thanh tịnh.
12/03/2014(Xem: 28199)
Nghi thức Thọ Trì Đại Bi Sám Pháp (giọng tụng: TT Thích Nguyên Tạng) Kính lạy đời quá khứ Chánh Pháp Minh Như Lai Chính là đời hiện nay Quán Thế Âm Bồ tát Bậc thành công đức diệu Dũ lòng đại từ bi Nơi trong một thân tâm Hiện ra ngàn tay mắt
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]