Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tác phẩm 23: Pháp Đầu Đà (Dhutaṅgakathā)

30/07/201617:30(Xem: 7294)
Tác phẩm 23: Pháp Đầu Đà (Dhutaṅgakathā)

PHÁP ĐẦU ĐÀ

(DHUTAṄGAKATHĀ)

 

                                                                                                        

Bhikkhu Nāga Mahā Thera - Tỳ khưu Bửu Chơn

 

---

 

Tác phẩm 23 trong quyển

Toàn tập

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG BỬU CHƠN

(NĀGA MAHĀ THERA)

 

Xuất bản năm Dl. 2016 – Pl.2559

 

 
 

Lời Tựa

Trong mấy năm gần đây phong trào Phật giáo được chấn hưng lại nên phần đông các giới trong đạo Phật thường hay bàn luận đến và có một số người lại thực hành thế nọ thế kia rồi gọi là hành Đầu đà, như ngồi, nằm dưới đất hoặc đi đầu trần chân không, có người lượm vải xanh, đỏ, trắng, vàng may kế lại để mặc, thậm chí có người ráng nhịn đói, nhịn khát cũng gọi là hành Đầu đà. Vì vậy, có nhiều người yêu cầu bần tăng nên phiên dịch pháp đầu đà, bần tăng tuy bận nhiều Phật sự, phần sức khỏe không được đầy đủ nhưng cũng cố gắng nhín chút thì giờ để soạn thảo Pháp đầu đà theo Tam Tạng Pāli và bộ Thanh Tịnh Kinh (Visuddhimagga) quyển Giới Thanh Tịnh (Sīlavisuddhi) để soi sáng thêm một phần nào cho ai là người có chí muốn thực hành theo đạo cao thượng của các vị Tiên Đức cho đúng theo chánh pháp của Đức Thế Tôn hầu tránh khỏi sự sai lạc theo ngoại đạo.

Ước mong quyển kinh nhỏ bé này sẽ đem lại một phần ánh sáng nào trong công việc giúp ích cho quí vị Phật tử muốn tìm hiểu chân lý chánh truyền của Pháp môn Đầu đà.

Do quả phúc của sự soạn dịch này, bần tăng xin thành tâm hồi hướng đến các bực ân nhân nhứt là Thầy tổ và Song thân cùng tất cả chúng sanh trong cõi sa bà đồng được thọ hưởng và xin cho mau phát Bồ đề tâm dõng mãnh tinh tấn tu hành cho đến nơi vô sanh bất diệt đại Níết Bàn.

Rất mong thay!

                             Bhikkhu Nāga Mahā Thera  Tỳ khưu Bửu Chơn                               

Cựu Tăng Thống GHTGNTVN và Cố vấn Tinh thần Phật giáo Thế giới.

 

Trước khi giải về pháp đầu đà, tôi xin nghiêm thân, khẩu, ý trong sạch làm lễ ân đức Tam bảo tóm tbằng câu Pāli: “Namatthu ratanattayassa”.

---

 

Pháp Đầu Đà (Dhutaṅgakathā)

Đầu đà là tiếng phiên âm ra từ Nam phạn (Pāli) do nơi chữ Dhuta: có nghĩa là thiêu đốt ái dục và phiền não và chữ anga: có nghĩa là phần pháp hay pháp môn để thực hành, 2 chữ này ráp vần lại thành ra Dhuta_anga: dhutanga mà tiếng này người mình đọc trái lại là đầu đà hay là “tà đông, có nghĩa là phần pháp thực hành để thiêu đốt ái dục và phiền não.

Đặc tính pháp đầu đà có 4 là: appicchatā: tiết độ, tư cách của người không ham muốn hay là ít tham muốn; santuṭṭhitā: tri túc, tư cách của người chỉ vui thích vật đã được, đã có dầu xấu dầu tốt không mong muốn cái khác; sallekhatā: trau dồi, tư cách người cố gắng dồi mài dứt bỏ phiền não cho nhẹ bớt; pavivekatā: yên tịnh, tư cách người làm cho tâm được yên tịnh vắng lặng. Bốn điều trên đây là đặc tính để đo lường của người hành pháp đầu đà có đúng theo những đức tánh ấy không.

Hơn nữa, đầu đà cũng là pháp môn thực hành để dứt bỏ hay diệt trừ các pháp nghịch là phiền não do nơi tác ý thụ trì các pháp môn ấy.

Đầu đà có 13 pháp môn là: paṃsukūlikaṅga: pháp môn này của thầy tỳ khưu lượm vải nhơ nhớp của người bỏ may y để mặc; tecīvarikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu chỉ cần có tam y mà thôi (tăng-già-lê, uất-đà-la-tăng, an-đà-hội); piṇḍapātikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện phải đi khất thực; sapadānacarikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện đi khất thực theo mỗi nhà hay mỗi xóm; ekāsanikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện thọ thực trong một chỗ ngồi (là chỉ thọ thực 1 lần trong 1 ngày); pattapiṇḍikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện chỉ thọ thực trong bát[1]khalupacchābhattikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện không thọ thực nữa, khi có thí chủ cúng dâng vật thực mà mình đã ngăn cản không thọ lãnh (trong buổi sáng ấy); araññikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện luôn luôn cư ngụ trong rừng; rukkhamūlikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện ở dưới cội cây; abbhokāsikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện ở nơi đồng trống (không phải nơi che lợp hay bóng cây); sosānikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện ở nơi rừng m mồ hay chỗ người bỏ hoặc thiêu đốt tử thi; yathāsanthatikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện chỉ ở nơi nào mà chư tăng chỉ định cho, không xin thay đổi nơi khác;nesajjikaṅga: pháp môn của thầy tỳ khưu nguyện không nằm, chỉ dùng đến 3 oai nghi khác mà thôi.

Vậy chớ 13 pháp môn đầu đà này có đặc tính như thế nào? Có phận sự như thế nào? Có quả báo cho thấy rõ như thế nào? Nguyên nhân nào nâng đỡ cho được phát triển lên?

Giải rằng: 13 pháp môn đầu đà này do tác ý thọ trì có đặc tính, có tánh cách dứt bỏ sự tham muốn quá độ là phận sự, có tánh cách ít ham muốn nhất là tri túc là quả báo, có giới hạn trong sạch, là nguyên nhân nâng đỡ cho được phát triển lên thêm.

         

Cách thọ trì.

Nếu có một hành giả nào muốn thọ trì 1 trong 13 pháp đầu đà này phải thọ trì với ai? Và cách thọ trì như thế nào?

Giải rằng: nếu có một hành giả nào muốn thọ trì một pháp đầu đà nào thì nếu lúc Đức Thế Tôn còn tại thế, phải thọ trì với Đức Thế Tôn; nếu sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt rồi thì phải thọ trì với các vị Đại Thinh văn (Mahāsāvaka), nếu mấy vị Đại Thinh văn cũng đã nhập diệt hết thì phải thọ trì với các vị Thánh nhân như A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm và Tu-đà-huờn hoặc các bậc thuộc nằm lòng Tam tạng, Nhị tạng, Nhứt tạng hoặc các vị kết tập Tam tạng, thuộc chú giải lui xuống theo thứ lớp.

Nếu tất cả các vị ấy cũng không có thì nên thọ trì với các vị đã thọ đầu đà trước kia. Nếu các vị đầu đà trước cũng không có thì phải quét dọn sân thờ tháp Xá Lợi cho sạch sẽ xong đảnh lễ bảo tháp rồi nguyện thọ trì pháp môn nào mà mình sở thích trước bảo tháp ấy cũng như lúc Đức Phật còn hiện tại, hay là tự mình nguyện thọ trì tại một nơi nào cũng được.

Cách thọ trì các pháp môn đầu đà theo thứ tự như sau:

1. Cách thọ trì về sự lượm vải dơ bỏ để làm y – pamsukūnikaṅga

Cách nguyện có hai câu Pāli muốn nguyện thọ trì trong một câu nào cũng được: 1) gahapaṭidānacivaraṃ paṭikkhi-pāmi: tôi xin nguyện thọ trì không lãnh y của thí chủ đem dâng; 2) paṃsukūnikaṅga samādiyāmi: tôi xin nguyện giữ pháp đầu đà chỉ mặc y bằng vải dơ ghê gớm của người bỏ.

Bậc hành giả nào đã thọ trì pháp đầu đà này rồi phải siêng năng đi lượm 23 thứ vải như sau về giặt rửa sạch sẽ lựa chỗ nào tốt còn chắc xé lấy để may y, nhuộm xong đúng luật mới thay y của mình trước kia ra bỏ rồi mặc y dơ đã lượm được vào. 23 thứ vải nên lượm may y là: 1) sosānika: vải bỏ trong rừng mả hoặc vải bao quấn tử thi[2]; 2) pāpaṇika: vải bỏ chung quanh chợ; 3) rathiyacoḷa: vải người làm lễ chi xong thảy ra cửa sổ bỏ trên đường; 4) saṅkāracoḷa: vải bỏ nơi đống rác; 5)sotthiya: vải người lau chùi cho hài nhi sau khi sanh đẻ rồi bỏ; 6) nhānacoḷa: vải mấy thầy phù thủy đắp cho người bệnh rồi làm phép xối nước xong cho là xui đem bỏ; 7) titthacoḷa: vải bỏ gần bến nước; 8) gatapaccāgata: vải người đi vào mồ mả khi về tắm xong bỏ; 9) aggidaḍḍha: vải bị cháy chút ít người ta bỏ; 10) gokhāyita: vải bò gậm họ đem bỏ; 11) upacikākhāyita: vải mối ăn họ đem bỏ; 12) undūrakhāyita: vải chuột cắn bỏ; 13) antacchinna: vải rách biên bỏ; 14) dasacchinna: vải xười bìa bỏ; 15) dhajāhaṭa: vải người treo làm cờ trước khi xuống thuyền đi xứ nào hay vải treo làm cờ nơi chiến địa rồi bỏ; 16) thūpacīvara: vải bao gò mối để cúng lễ rồi bỏ; 17) samaṇacīvara: vải của các bực sa-môn hay tỳ khưu bỏ cho; 18) ābhisekika: vải người bỏ sau khi làm lễ tôn vương;19) iddhimaya: vải do pháp thần thông là vải của vị được ehibhikkhu; 20) panthika: vải người làm rớt theo đường; 21) vātāhaṭa: vải bị gió trốt cuốn bay đi rớt một nơi nào đó; 22) devadattiya: vải của Chư Thiên có ý bỏ cho; 23) sāmuddiya: vải ngoài biển sóng đánh đưa vào bờ. Tất cả các thứ vải này là ám chỉ thứ vải mà không do nơi thí chủ đem đến dâng hoặc là của tăng chia cho theo thứ lớp của hạ. Nghĩa là vải tự mình kiếm lượm được hoặc của một vị tỳ khưu nào bỏ cho thì mới gọi là vải paṃsukūla.

Vậy chớ thầy tỳ khưu hành cách lượm vải bỏ có mấy bực? Cách lượm vải dơ có 3 bực: ukkaṭṭho: bực thượng; majjhima: bực trung; mudu: bực hạ.

Giải: thầy tỳ khưu chỉ lượm vải ở trong mồ m để may y mà thôi không hề lượm ở nơi nào khác gọi là bực thượng, nếu có thí chủ cố ý muốn làm phước (nhưng không được đem dâng tận tay) chỉ đem y bỏ một nơi nào cho người tu hành lượm, tỳ khưu lượm y ấy về may y để dùng xài thì gọi là bực trung, tỳ khưu lượm vải thí chủ muốn dâng rồi đem bỏ gần bên chân tỳ khưu đang ngồi, làm y mặc thì thuộc bực hạ.

Ba bực này khi dứt pháp đầu đà được nơi thế nào? Đáp: Khi nào thầy tỳ khưu vui thích thọ lãnh y nơi tay thí chủ đem đến dâng thì pháp đầu đà ấy sẽ đứt không còn nữa.

Không phải chỉ riêng pháp đầu đà lượm vải dơ này mà đứt rồi hết luôn dầu cho 12 pháp môn sau này cũng vậy, khi đã đứt rồi mà thầy tỳ khưu còn mến tiếc muốn thọ trì nối tiếp thì cũng có thể nguyện thọ trì mới lại và thực hành cho đúng đắn theo thứ tự của đầu đà trong ngày sắp tới cũng được thành tựu.

Quả báo của pháp môn lượm vải dơ. Trong pháp môn này, nếu thầy tỳ khưu thọ trì chín chắn không đứt thì được 12 quả báo như sau: 1) nisayānurūpappaṭipattsabhāvo: tư cách của người thực hành đúng theo lời mình hứa trong khi làm lễ xuất gia thầy tế độ dạy nên lượm vải bỏ đ may y làm nơi nương nhờ: nisaya, mình tỏ ý bằng lòng bằng cách nói “dạ xin dâng”; 2) paṭhame ariyavaṃse patiṭṭhānaṃ: tư cách của người đứng vào dòng Thánh nhân thứ nhứt;[3] 3) ārakkha dukkhābhāvo: không khổ tâm vì bận rộn gìn giữ y nhiều; 4) apārayattavuttitā: tư cách người không dính líu đến kẻ khác. 5) corabhayena abhayatā: tư cách người không sợ trộm cướp lấy y; 6) paribhoga taṇhāyaabhāvo: không có ái dục khi dùng xài y; 7) samāna sāruppaparikkhāratā: tư cách người có đồ phụ tùng đúng theo cách của các bực samôn; 8) bhagavatā saṃvaṇṇitappaccayatā: có món vật dụng mà Đức Phật thường khen ngợi; 9) pasādikatā: tư cách người làm cho kẻ khác được trong sạch; 10)appicchatādīnaṃ phalanipphatti: có quả tốt do sự ít tham muốn; 11) sammāpatipattiyāanubrūhanaṃ: tư cách làm cho phát triển sự thực hành chân chính; 12) pacchimāya janatāyadiṭṭhānugati āpādanaṃ: làm gương tốt cho đoàn hậu tấn noi đó mà thực hành theo.

Hậu kệ của pháp môn pamsukūla:

Mārasenaṃ vighātāya paṃsukūladharo yati

Sannaddhakavaco yuddhe khattiyo viya sobhati.

Pahāya kāsikādini varavatthāni dhāritam

Yam lokagaru nā ko taṃ paṃsukūlam nadhāraye

Tasmāhi attano bhikkhu paṭiññaṃ samanussaraṃ

Yog’ācārānukūlamhi paṃsukūle rato siyā.”

Giải: Đức vua thường mặc thiết giáp kĩ lưỡng trong khi ra chiến trận như thế nào thì hành giả mặc y bằng vải dơ lượm được để diệt trừ binh tướng của Ma vương cũng như thế ấy.

Dầu cho Đức Phật là thầy của chúng sanh mà còn dứt bỏ y quí giá như y trong xứ Kāsi để mặc y bằng vải dơ lượm được thay, như vậy thầy tỳ khưu nào dám khinh thường mà không mặc y bằng vải pamsukūla sao?

Bởi vậy, tỳ khưu là hành giả khi nhớ đến lời nhận lãnh của mình (trong khi xuất gia) thì cũng nên tinh tấn vui thích trong sự lượm vải dơ để may y mà mặc.

 

2. Pháp môn chỉ mặc tam y – tecivarikaṅga

Cách thọ trì về sự chỉ mặc tam y mà thôi, có 2 cách: 1) catutthaka cīvaraṃ patikkhipāmi: tôi xin nguyện thọ trì không dùng đến tứ y để mặc; 2) tecīvarikaṅgam samādiyāmi: tôi xin nguyện thọ trì pháp đầu đà chỉ mặc tam y mà thôi (trong 2 cách này chỉ nguyện một cách nào cũng được).

Về thầy tỳ khưu, kể từ khi đã nguyện, nếu được vải định để may y ngoài ra tam y của mình đã có, nhưng mà vì một trường hợp nào như trong người không được khỏe, lo sắp đặt cách may chưa kịp, hoặc thiếu kim, chỉ thì được phép cất giữ y ấy hoài không có lỗi về sự gìn giữ lá y thứ tư đó, nhưng mà kể từ khi đã nhuộm y ấy xong rồi mà còn cất giữ nữa thì gọi là “đại bợm” của pháp môn đầu đà ấy.

Về pháp môn này cũng có 3 bực. Bực thượng khi nhuộm y phải nhuộm y uất-đà-la-tăng trước hay an-đà-hội trước cũng được, nhưng chỉ nhuộm thứ nào 1 cái, còn 1 cái để mặc chớ không nên lấy y tăng-già-lê (2 lớp) mà vận, đây là nói về phần tỳ khưu ở nơi gần chùa, gần xóm, nếu tỳ khưu ở nơi rừng vắng nhuộm hết 1 lần cũng được, nhưng phải ngồi gần chỗ phơi y, phòng khi có người nào đi đến thì có thể lấy 1 lá y nào mặc vào cho kịp. Còn bực trung thì, nếu trong chỗ nhum có y casa để dùng xài trong khi nhuộm y, có thể lấy y ấy mặc đỡ để nhuộm y của mình. Bực hạ thì, có thể mặc y của thầy tỳ khưu khác để nhuộm y của mình cũng được hoặc lấy vải trải nằm của mình, của chưtăng hay của người nào đã nhuộm đúng màu casa dùng để trải xài trong chỗ ở mà mặc cũng được, nhưng chỉ mặc được trong khi nhuộm y mà thôi chớ không được gìn giữ để mặc luôn hoài. Trong 3 bực này có thể thêm 1 lá y aṅsaka: y nhỏ mang bên trong để lót mồ hôi, nhưng mà y aṅsaka ấy phải theo khuôn khổ nhứt định là: bề ngang 1 gang = 0m25, bề dài 3 hắc tay = 1m50 chưa xấp đôi lại. Pháp môn thọ trì tam y này sẽ dứt, không còn nữa khi nào tỳ khưu vui thích thọ lãnh và dùng xài tứ y luôn cả trong 3 bực.

Quả báo của sự thọ trì tam y có 11 là: 1) santuṭṭho: được tiếng là người có sự tri túc trong sự dùng xài y phục vừa để che thân; 2) samādāyevagamanaṃ: đi đâu cũng chỉ đem theo có 3 y như loài phi cầm đi đâu cũng chỉ có mang theo cặp cánh; 3) appasamārambhatā: tư cách người ít có sự bận rộn vì khỏi phải lo xếp phơi y dư; 4) vatthasannidhiparivajjanaṃ: dứt bỏ sự ưa thâu nhập tom góp y để cất giữ; 5) sallahuka vuttitā: tư cách người thực hành nhẹ nhàng; 6) atireka cīvaraloluppappahānaṃ: tư cách dứt bỏ sự tham muốn quá độ, về sự phát sanh lên y mới; 7)kappayemattakāritā: tư cách người có tiết độ trong các thứ y nên dùng;[4] 8) sallekhavuttitā: tư cách người thực hành làm cho phiền não nhẹ bớt dần; 9) appicchatādīna phalanipphatti: thành tựu được quả báo của đức tánh tri túc; 10) sammāpaṭipattiyānubrūhanaṃ: làm cho phát triển sự thực hành theo chánh pháp; 11) pacchimāya janatāya diṭṭhānugati: tư cách người làm gương lành cho đoàn hậu tấn noi theo.

Hậu kệ ngôn trong sự thọ trì tam y: Atirekavattha taṇhaṃ pahāya sannidhivivajjito dheto santusa sukharasaññū ticīvaradharo bhavati yogī tasmā sapattacaraṇo pakkhīva sacīvarova yogivaro sukhamanuvicarītukāmo cīvaraniyame ratiṃ kayitā.

Giải: Hành giả là bực có trí tuệ, biết rõ hương vị của sự an vui phát sanh do nơi tri túc, người hằng dứt bỏ sự ham muốn được y phục nhiều hơn tam y, người đã xa lìa sự tom góp thâu nạp thêm y phục, người chỉ mặc tam y mà thôi, bởi vậy trong Phật Pháp, bực hành giả cao thượng, khi muốn đi đâu cũng được sự an vui thì nên chỉ có tam y dính theo mình, ví như loài phi cầm đi đâu cũng chỉ có đem theo cặp cánh mà thôi. Như vậy tỳ khưu nên vui thích tam y trong sự nhứt định.

 

3. Pháp môn trì bình khất thực – piṇḍapātikaṅga

Trong pháp môn này có 2 cách nguyện, tỳ khưu muốn nguyện một cách nào cũng được là:atirekalābhaṃ paṭikkhipāmi: tôi nguyện xin ngăn cản không thọ lãnh vật thực nào khác ngoài vật thực mà tôi đi khất thực được; piṇḍapātikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi nguyện thọ trì pháp môn của người chỉ đi trì bình khất thực làm pháp hành.

Tỳ khưu đã nguyện pháp đầu đà này rồi thì không được vui thích 14 thứ vật thực như sau (atirekabhatta): 1) saṅgha bhatta: vật thực người dâng cúng đến tất cả chư tăng; 2) uddesa bhatta: vật thực người chỉ thỉnh, nhứt định cho 1 hoặc 2 vị tỳ khưu từ trong tăng chúng; 3) nimantanabhatta: vật thực người thỉnh tỳ khưu đến dâng; 4) salāka bhatta: vật thực mà người bắt số được; 5)pakkhika bhatta: vật thực người nhứt định chỉ dâng trong nửa tháng 1 lần; 6) uposathika bhatta: vật thực người đem dâng trong mỗi ngày bát quan trai; 7) pāṭipadika bhatta: vật thực người nhứt định dâng trong ngày thứ nhứt của thượng huyền và hạ huyền (là ngày mùng 1 và 16 trong mỗi tháng); 8) āgantuka bhatta: vật thực người dành dâng cho tỳ khưu khách; 9) gamika bhatta: vât thực người dành dâng cho tỳ khưu khởi hành, đi xa; 10) gilāna bhatta: vật thực dành cho người bệnh; 11)gilānupatthāka bhatta: vật thực dành cho tỳ khưu nuôi bệnh; 12) vihāra bhatta: vật thực để dành dâng cho mỗi cốc, cư xá; 13) dhuva bhatta hay là dhura bhatta: vật thực người dâng luôn luôn mỗi ngày hay là vật thực để dành khi hữu sự; 14) vāra bhatta: vật thực người phân phiên nhau dâng.

Tỳ khưu khi đã thọ trì “khất thực” rồi thì không được thọ lãnh các thứ vật thực kể trên. Nhưng nếu có thí chủ thông thạo khi thỉnh chư tăng để trai tăng và xin thỉnh luôn thầy tỳ khưu này thọ thực, nếu thỉnh như vậy thầy tỳ khưu (thọ trì không phải là bực thượng) đi thọ thực cũng được, hoặc những số không phải là vật thực, như thuốc chữa bệnh phát sanh đến chư tăng, hoặc vật thực người nấu trong chùa, tỳ khưu ấy muốn thọ lãnh cũng được, không hại đến pháp đầu đà.

Pháp môn này cũng có 3 hạng. Thầy tỳ khưu bậc thượng khi đi khất thực, có người đem vật thực đến để bát, từ phía trước hoặc phía sau, đứng trước nhà họ xin bình bát đem để vật thực, khi khất thực mới về đến có người đem vật thực đến dâng đều thọ lãnh được hết thảy, nhưng khi đã ngồi xuống rồi thì không được thọ lãnh nữa. Bậc trung, dầu cho ngồi xuống cũng còn thọ lãnh được chỉ nội trong ngày ấy thôi, nhưng thọ lãnh vật thực mà họ thỉnh để ngày mai nữa thì không được. Bậc hạ, nếu có người thỉnh xin thọ thực hoặc để bát trong ngày mai nữa cũng được. Tỳ khưu trong 3 bực này khác nhau là: tỳ khưu bực trung và bực hạ không được mấy gì an vui vì tâm còn dính líu đến kẻ khác, chỉ có tỳ khưu bực thượng tâm được an nhàn, tự tại không có quyến luyến đến một nhân vật nào. Ba bực này khi vui thích thọ lãnh 14 thứ vật thực đã kể thì pháp đầu đà đã đứt mất.

Quả báo của pháp khất thực có 15 là: 1) nissay’ānurūpappaṭipatti sabhāvo: tư cách người thực hành đúng theo lời mình thọ lãnh khi xuất gia; 2) dutiye ariyavaṃse patitthānaṃ: tư cách ở vào bực thứ nhì của dòng Thánh nhân (đây là sự tri túc thứ nhì trong 4 món vật dụng); 3) aparāyattavuttitā: tư cách người thực hành không dính líu đến kẻ khác; 4) bhagavatā saṃvaṇṇitappaccayatā: vật thực mà Đức Phật thường ngợi khen (là trong sạch, tối thiểu và vô tội); 5) kosajjanimmatthanatā: tư cách dứt bỏ sự lười biếng; 6) parisuddhā jīvitā: cách nuôi mạng sống rất trong sạch; 7)sekhiyappaṭipatti pūraṅaṃ: được thực hành đầy đủ ưng học pháp; 8) aparapositā: không cần nuôi kẻ khác vì có tiết độ trong sự thọ lãnh; 9) par’ānuggaha kiriyā: tư cách tế độ đến các thí chủ vì chỉ thọ lãnh chút ít trong mỗi gia đình;10) mānappahānaṃ: dứt bỏ bớt sự ngã mạn; 11) rasataṇhāyanivāranaṃ: được dứt bỏ sự ham muốn trong các hương vị khác; 12) ganabhojanaparamparabhojanacāritta sikkhāpadehi anāpattitā: khỏi lo phạm tội vì sự đồng lòng đi thọ thực, thọ thực nơi khác ngoài người thỉnh trước, hoặc để chỗ nào khác mà không kiếu từ và cho biết (vì đã thọ đầu đà nên không thọ lãnh để đi thọ các thứ vật thực ấy); 13) appicchatādinaṃ anulomavuttitā: tư cách thực hành đúng theo pháp tri túc; 14) sammāpaṭipattī brūhanaṃ: tư cách làm cho phát triển sự thực hành đúng theo chánh pháp; 15) pacchimā janat’ānukampana: làm gương tốt cho đoàn hậu tấn.

Hậu kệ ngôn của pháp trì bình khất thực:

Pindiyālopasantuttho aparāyatta jīvako

Pahīnāhāraloluppo hoti cātuddiso yati

Vinodayati kosajjam ājivassa visujjhati

Tasmā hi nātimaññeyya bhikkhācāram sumedhaso.

Giải: Hành giả có tâm trung bình vui thích với mỗi vắt cơm đã xin được, sự nuôi mạng sống không dính líu đến kẻ khác, đã dứt bỏ được sự ham mê trong vật thực, người có thể đi đâu trong tứ phương không trở ngại, dứt bỏ được sự biếng nhác, sự nuôi mạng của người được trong sạch. Bởi vậy, bực trí thức không nên khinh thường trong sự trì bình khất thực.

 

4. Pháp môn đi bát trong mỗi nhà – sapadānacārikanga

Pháp môn này có 2 cách thọ trì, hành giả muốn thọ trì cách nào cũng được. Hai cách ấy là:lokuppacāraṃ paṭikkhipāmi: tôi xin nguyện dứt bỏ sự đi khất thực theo ý muốn (là chọn lựa nhà hay xóm mà đi); sapadāna cārikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin nguyện phải đi bát mỗi nhà hay mỗi xóm.

Tỳ khưu nguyện pháp đầu đà này khi đi đến cửa cổng vào xóm phải đứng lại quan sát sự tai hại (như chó dữ v.v…) nếu nơi xóm ấy có sự tai hại thì bỏ xóm ấy đi xóm khác cũng được. Hơn nữa, nếu nhà, xóm nào mà không từng được vật thực chỉ chút ít thì nên tưởng trong tâm rằng: “đây không phải là nhà là xóm” rồi đi nơi khác cũng được, nhưng nếu chỉ được vật chi chút ít nơi nhà hay xóm ấy thì không nên đi bỏ qua.

Như vậy, tỳ khưu phải đi khất thực cho sớm, sợ vào xóm nào gặp sự tai hại phải đi qua xóm khác cho kịp giờ. Nếu gặp những người họ đến làm phước trong chùa hoặc gặp giữa đường và họ xin lấy bình bát để vật thực đem dâng cho thọ lãnh cũng được. Tỳ khưu này khi đi đường xa mà đến buổi khất thực thì dầu cho nhà hay xóm nào có được vật thực hay không, cũng không được phép bỏ qua phải khất thực theo thứ lớp.

Pháp môn này cũng có 3 hạng. Bực thượng, khi có người đem vật thực từ phía trước, phía sau hoặc về tới chỗ rồi có người đem dâng đều không được phép thọ lãnh, nhưng nếu đứng trước nhà, trong nhà có người ra lãnh lấy bình bát để vật thực vào đem dâng cho thì thọ lãnh được. Bực trung, thọ lãnh các thứ vật thực này được hết, nhưng không được phép ngồi chờ coi có ai đem đến không. Bực hạ, ngồi chờ cũng lãnh được miễn là nội trong ngày ấy. Tất cả 3 bực này khi tâm phát sanh lên muốn đi khất thực lựa nhà hay xóm theo ý muốn thì pháp đầu đà ấy bị đứt mất.

Quả báo của pháp môn đi khất thực mỗi nhà có 8 là: 1) kulesu niccanavakatā: tư cách người luôn luôn đi đến mỗi nhà; 2) candupamatā: tư cách quí báu như mặt trăng vì không có quyến luyến trong gia đình nào; 3) kula maccherappahānaṃ: dứt bỏ được sự bỏn xẻn trong các gia quyến; 4)samānukampitā: tư cách tế độ đến tất cả các gia quyến; 5) kul’upakādīnavā bhāvo: không có tội lỗi về sự đến nhà người; 6) avhān’ānabhinandanā: không vui thích lời người mời thỉnh; 7) abhihārenaanattikatā: tư cách người không cần vật thực người mang đến dâng; 8) appicchatādīnaṃanulomavuttitā: có tư cách người thực hành theo đúng pháp tri túc.

Hậu kệ ngôn của pháp môn đi bát trong mỗi nhà: “Candūpamo niccanavo kulesu amacchavī sabba samānukampo kul’ūpakādīnavavuppamutto hotidha bhikkhu sapadānacārī loluppacāraṃ pajahāya tasmā okkhitta cakkhu yugamattadasī ākankhamāno bhuri seracāra careyya dhīro sapadanacaraṃ”.

Giải: Tỳ khưu trong Phật Pháp đã nguyện đi bát trong mỗi nhà ví như mặt trăng, thường đến cửa nhà của các gia quyến, không có tâm bỏn xẻn trong các gia đình, nhưng có sự tế độ đồng đều trong tất cả gia quyến, hoàn toàn thoát khỏi những tội lỗi phát sanh lên trong khi đi vào các gia đình thí chủ. Bởi vậy, các bực trí thức khi muốn châu du nơi nào trên vũ trụ này cũng được theo ý muốn thì nên dứt bỏ sự đi khất thực cách tham muốn (là lựa nhà hay xóm mà đi) nên chỉ nhìn xuống và khi ngó tới trước chỉ lối 2 thước mà thôi và nên thọ trì pháp đầu đà “đi bát trong mỗi nhà”.

 

5. Pháp môn thọ thực trong một chỗ ngồi – ekāsanikaṅga

Trong pháp môn này cũng có 2 cách thọ trì, thầy tỳ khưu hay hành giả muốn nguyện cách nào cũng được: nānāsanabhojanam paṭikkhipāmi: tôi xin nguyện không có thọ thực ngồi nhiều chỗ (thọ nhiều lần); ekāsanikaṅgam samādiyāmi: tôi xin nguyện thọ trì pháp đầu đà chỉ thọ thực trong một chỗ (là chỉ thọ thực một lần mà thôi).

Tỳ khưu nguyện pháp môn này khi vào thọ thực trong trai đường thì không nên ngồi chỗ các vị thượng tọa, phải dựa chỗ ngồi nào cho thuận tiện, đang khi thọ thực có thầy tế độ hay thầy hướng dẫn đi đến thì nên đứng dậy tiếp rước nhưng khi đã đứng dậy rồi không được ngồi trở lại thọ thực nữa.

Pháp đầu đà này cũng có 3 bực. Bực thượng: Khi đã thọc tay vào thọ thực trong món nào (chén, đĩa nào) dầu ít hay nhiều thì chỉ được phép thọ bấy nhiêu thôi, chớ không được lãnh lấy món khác nữa, nhưng nếu có người thấy tỳ khưu ấy thọ thực ít quá họ đem sữa lại dâng nếu tỳ khưu thọ lãnh bằng cách để làm thuốc ngừa bịnh thì được, nếu làm với ý để thế vật thực vì mình thọ thực ít thì không nên. Bực trung: nếu trong chén hay bát đương ăn còn vật thực thì có thể thọ lãnh thêm nữa được. Tỳ khưu này chấm dứt khi vật thực trong bát đã hết. Bực hạ: nếu chưa đứng dậy đến lúc nào thì có thể thọ thực đến lúc ấy. Tỳ khưu này gọi chấm dứt khi lãnh nước uống, hay là còn ngồi đến lúc nào thì được thọ thực hoài đến khi nào đứng dậy thì mới chấm dứt buổi thọ thực trong ngày ấy. Tỳ khưu trong 3 bực này khi nào vui thích thọ thực trong nhiều chỗ ngồi (nhiều lần) thì pháp đầu đà ấy đã đứt.

Pháp môn này khi thọ trì tròn đủ thì được 8 quả báo: 1) appābādhatā: ít bị bịnh hoạn; 2)appātaṅkatā: sống được nhẹ nhàng là không có khổ trong thân; 3) lahuṭṭhānaṃsự đi đứng được nhẹ nhàng mau lẹ; 4) balaṃ: có sức mạnh; 5) phāsuvihāro: tư cách được yên vui; 6)anatirittappaccayā anāpattikhông phạm tội vì thọ thực nhiều lần mà vật thực ấy không làm đúng luật; 7) rasataṅhāya vinodanaṃ: làm giảm bớt sự ham muốn trong vị trần; 8) appicchatādīnaṃanuloma vuttitā: tư cách thực hành đúng theo đức lành của pháp tri túc.

Hậu kệ ngôn của sự thọ thực trong 1 lần: Ekāsanabhojane rataṃ na yatiṃ bhojanapaccayā rujā vasabantirase aloluppoparihāpeti nakammamattano iti phāsuvihārakāraṅe sucisalie kharatupasevite janayetha visuddhamānaso ratimekāsana bhojane yati.

Giải: Tất cả tật bịnh nào phát sanh lên do nơi sự thọ thực quá độ, không thể nào làm hại cho đau khổ đến hành giả đã thọ trì thọ thực trong một lần, sự tham muốn trong vị trần không làm cho sự tinh tấn của vị ấy phải hư hoại. Bởi vậy hành giả có tâm thanh tịnh nên làm cho sự vui thích phát lên để thọ trì pháp thọ thực trong một lần là nguyên nhân đem lại sự an vui trong thân thể mà thầy tỳ khưu ưa thích trao dồi những đức lành gần kề để thọ trì pháp môn này.

 

6. Pháp môn thọ thực trong bát  pattapiṇḍikaṅka[5]

Trong pháp môn này có 2 cách nguyện, thầy tỳ khưu muốn thọ trì theo cách nào cũng được: dutiya bhājanaṃ paṭikkhipāmi: tôi xin nguyện không thọ lãnh vật trong chén, bát thứ nhì;patiapiṇḍikaṅgam samādiyāmi: tôi xin nguyện thọ thực trong bát (1 vật đựng) mà thôi.

Tỳ khưu thọ trì pháp môn này, khi thọ cháo thì nên ăn cháo trước hay ăn vật thực trước cháo cũng được, nếu để luôn đồ ăn vô trong cháo, như mắm chẳng hạn, mà không ghê gớm, tanh hôi thì nên để chung lại mà thọ thực. Còn vật nào không làm cho nhờm gớm như đường mật thì nên thọ lãnh vừa phải để chung vào cháo mà ăn. Trong khi thọ thực (cơm) thì nên cầm các thứ khoai củ rau sống trên tay mà ăn, nếu cầm mà thọ không được thì nên để lại trong bát, dầu cho vật đựng nào bằng lá cũng không dùng được cái thứ nhì.

Pháp môn này chia làm 3 bực. Bực thượng: khi thọ thực không được lựa đồ dư như xương, lá v.v... ra khỏi bát trừ khi ăn mía, và cũng không được bẻ, cắn cục cơm, cục thịt, cả bánh trái ra mà ăn. Bựctrung: được phép bẻ các vật ấy ra với tay khác. Bực hạ: tất cả các vật nào mà để được trong bát thì được phép bẻ hay cẳn ra mà ăn hết thảy. Ba hạng này khi vui thích với vật đựng thứ nhì (dầu cho bằng lá) cũng đứt hết không thành tựu.

Nếu thọ trì chín chắn không đứt thì được 6 quả báo là: 1) nānārasataṅhāvinodanaṃ: tư cách dứt lần sự ham muốn vị trần trong nhiều món; 2) atricchatāya pahānnaṃ: dứt bỏ tư cách người ước mong được thêm các món khác; 3) āhāre payojana mattadassatā: tư cách người thấy sự lợi ích trong sự thọ thực có chừng mực; 4) thālakādipariharaṅakhedā bhāvokhông có sự cực nhọc lo cất giữ vật thực; 5) avikkhittabhojitākhi thọ thực tâm không có sự bận rộn đến món khác; 6)appicchatādīnaṃ anulomavuttitā: tư cách người thực hành đúng theo pháp tri túc;

Hậu kệ ngôn của pháp thọ thực trong bát (attapiṇḍikanka):

Nānābhājana vikkhepaṃ hitvā okkhittalocano.

Khananto viyamūlani rasataṇhāya sabbato.

Sarūpaṃ viya santuṭṭhiṃ dhārayanto sumānaso.

Paribhuñjeyya āhāraṃ ko añño pattapiṇḍiko.

Giải: Tỳ khưu dứt bỏ được sự bận rộn trong nhiều món vật thực khác, mắt luôn luôn ngó xuống, có pháp hành cao thượng như đã đào gốc rễ của lòng tham muốn, có tâm thanh tịnh, nâng đỡ pháp tri túc cũng như gìn giữ thân thể của mình. Như vậy các vị tỳ khưu nào khác lại dám khinh thường pháp môn thọ trong bát.

 

7. Pháp môn không thọ thêm vật thực mà mình đã ngăn cản – khalupacchā bhaltikaṅga

Trong pháp môn này có 2 cách thọ trì, hành giả muốn thọ trì cách nào cũng được: atirittabhojanaṃpatikkhipāmi: tôi xin nguyện không thọ lại vật thực mà tôi đã ngăn cản rồi;[6] khalupacchābhattakaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin thọ trì pháp môn của thầy tỳ khưu không thọ lại vật thực mà mình đã ngăn cản rồi sau lại lãnh mà thọ thực nữa.

Thầy tỳ khưu đã thọ trì pháp đầu đà này rồi khi đã ngăn cản vật thực mà người đem dâng thì dầu có muốn thọ thêm nữa cũng không được phép biểu người nào làm phép vật thực ấy cho đúng luật để ăn cả.

Pháp môn này cũng chia làm 3 bực. Bực thượng: khi nào thầy tỳ khưu chưa thọ thực miếng nào thì không kể, nhưng khi đã ăn vô rồi dầu cho một miếng mà có người đem vật thực đến dâng thêm mà mình ngăn cản không thọ lãnh, như vậy khi nuốt miếng ấy vô rồi thì không được phép thọ thêm miếng nào nữa. Bực trung: vật nào trong bát hay chén dĩa chi mà mình đương ăn thì được phép thọ hết vật thực trong bát ấy. Nhưng không được thọ thêm món trong dĩa chén khác. Bực hạ: nếu khi chưa đứng dậy lúc nào thì được phép thọ thực các món khác đến lúc ấy. Trong 3 bực này khi thầy tỳ khưu ngăn cản vật thực rồi thọ xong đứng dậy, lại bảo người làm phép theo luật[7] rồi thọ thêm nữa thì pháp đầu đà này đã đứt.

Quả báo của pháp môn này có 5 là: 1) anatiritta bhojan’āpattiyā durībhāvo: người đã tránh xa khỏi phạm tội vì thọ vật thực đã ngăn cản; 2) odarikatta bhāvo: tư cách người không bị nặng bụng vì thọ thực nhiều quá; 3) nirāmisasanniddhitā: người không bận cất giữ vật thực; 4) punapariye sanāyaabhāvo: không bận rộn lo kiếm thêm vật thực khác; 5) appicchatādīnaṃ anulomavuttitā: tư cách người thực hành đúng theo đức lành của pháp tri túc.

Hậu kệ ngôn của pháp không thọ thực thêm khi đã ngăn cản:

“Pāriyesanāya khedaṃ na yāti na karoti sannidhiṃ dhūro.

Odarittaṃ pajahati khalupacchā bhaltiko yogī.

Tasma sugatappasatthaṃ santosagunādi vuddhisañjananaṃ.

Dose vidhunitukāmo bhajeyya yogī dhutaṅgamidaṃ”.

Giải: Hành giả có trí tuệ thọ trì pháp đầu đà này rồi khỏi phải cực nhọc vì kiếm thêm vật thực, cũng không bận rộn cất giữ, khỏi bị vật thực nhiều nặng bụng. Bởi vậy bực trí thức muốn dứt bỏ các điều tội lỗi, thì nên thọ trì pháp đầu đà này, mà Đức Phật thường tán dương khen ngợi là pháp nâng đỡ các đức lành nhứt là sự tri túc được phát triển lên cùng một lượt.

 

8. Pháp đầu đà ở rừng – araññikaṅga

Pháp môn này cũng có 2 cách để thọ trì, tỳ khưu muốn thọ trì cách nào cũng được là: gāmantasenāsanaṃ paṭikkhipāmi: tôi xin nguyện không ở trong xóm khi mặt trời mọc; araññikangaṃ samādiyāmitôi xin nguyện thường luôn ở trong rừng.

Thầy tỳ khưu đã nguyện ở rừng rồi thì không nên ở trong khoảng xóm lúc mặt trời mọc. Thế nào gọi là chỗ ở trong xóm và ở trong rừng? Chỗ ở trong xóm là chỗ ở ngay chính giữa xóm hay là gần mé xóm. Chỗ nói rừng là trừ xóm và cận xóm ra, ngoài đó gọi là rừng.

Vậy chớ xóm và cận xóm nhất định như thế nào? Giải rằng : Chỗ nói xóm ấy có một cái nhà hay nhiều cái, có hàng rào chung quanh hay không có, có người ở hay không người ở, nói cho cùng dầu cho chỗ nào mà bọn lái buôn dừng lại cư ngụ trong 4 tháng đều gọi là xóm làng hết thảy. Nếu xóm làng nào có hàng rào chung quanh thì kể từ hàng rào ấy trở vô, còn không có hàng rào thì kể từ nhà cuối xóm tạc ra thêm một tạc nước gọi là cận nhàtừ chỗ cận nhà ấy trở ra, xa bằng sức người bực trung liệng một cục đất, cục đất ấy rớt nơi nào thì từ đó trở vô cũng gọi là xóm. Chỗ cận xóm là, nếu xóm có hàng rào chung quanh thì kể từ chỗ liệng cục đất th nhì rớt xuống là cận xóm. Nếu xóm mà có hàng rào 2 lớp thì kể từ lớp hàng rào thứ nhất liệng thêm cục đất rớt nơi nào thì khoảng ấy gọi là cận xóm.

Ngoài chỗ xóm và cận xóm ấy ra đều gọi là rừng hết thảy. Nói về chỗ ở trong rừng không phải chỉ trừ xóm và cận xóm ra mà còn phải chừa khoảng cách của chùa mình ở như sau: nếu chỗ ở trong rừng mà có hàng rào thì từ hàng rào trở vô thuộc địa phận của chùa, từ hàng rào trở ra lối một cục đất do người bực trung liệng thì cận chùa; nếu chùa không có hàng rào thì phải nhất định chỗ cuối cùng của chùa là cây bồ đề, trai đường, nhà giảng hay là bảo tháp v.v... lối một cục đất liệng ra khỏi đó thì gọi là vòng chùa, từ chỗ cục đất thứ nhất rớt xuống trở ra lối 1 cục đất liệng rớt xuống nữa thì gọi là cận chùa. Cách nhứt định cận chùa và vòng chùa như vậy không được lấn chụp lên phạm vi của xóm và cận xóm phải cách khoảng rời ra mới được.

Nhưng nếu giải rộng theo tạng kinh thì phải nhất định từ hàng rào xóm đến hàng rào chỗ ở trong rừng xa lối 500 cây cung (lối 1000 thước). Nếu hai bên đều không có hàng rào thì phải nhứt định kể từ 1 cục đất liệng rớt xuống cả 2 bên cho cách khoảng xa lối 1000 thước.

Nếu xóm ấy gần nghe tiếng người nói vọng đến nhưng mà bị núi hay sông rạch ngăn cản không thể đi ngay được phải đi vòng thì cũng phải kể theo đường vòng ấy, nhưng mà không được rấp đường ngăn ngõ thông thường của người rồi làm đường đi cong quẹo cho xa, như vậy thì gọi là đại bợm về phép đầu đà này.

Tỳ khưu khi cư ngụ chỗ ở trong rừng như thế nếu thầy tế độ hay thầy chỉ đạo mà có bịnh ở trong rừng không được an vui thì cũng nên đem thầy vào cư ngụ chỗ ở trong xóm để săn sóc nhưng gần sáng phải trở về chỗ ở trong rừng trước khi mặt trời mọc. Nhưng khi gần sáng mà bịnh thầy trở nặng thêm thì không nên bỏ phải ở lo hầu hạ săn sóc thầy luôn không nên quá chấp phép đầu đà mà bỏ phận sự của mình.

Pháp đầu đà này chia làm 3 bực là. Bực thượng: phải ở trong rừng luôn luôn trước khi mặt trời mọc (suốt năm). Bực trung: trong 4 tháng mưa được ở chỗ ngụ trong xóm. Bực hạ: ở trong xóm luôn cả 4 tháng mùa lạnh (mùa tuyết rơi) nữa cũng được. Tỳ khưu trong ba bực này khi vào xóm để nghe thuyết pháp, khi còn đang nghe thuyết mà mặt trời đã mọc lên, hoặc nghe xong đã đi về nửa đường rồi trời mọc pháp đầu đà ấy không đứt đâu, nhưng khi mà vị pháp sư đã chấm dứt và đứng dậy đi khỏi nơi ấy rồi, mà còn nghĩ rằng mình nghỉ một chút rồi sẽ về, khi đương nghỉ mà mặt trời mọc lên thì pháp đầu đà ấy đã đứt mất.

Quả báo của sự ở trong rừng có 8 là: 1) bhabbo aladdha  samādhiṃ paṭiladdhuṃ: là người có thể làm cho thiền định chưa phát sanh lên được phát sanh lên; 2) laddhaṃ  rakkhitu: gìn giữ được dễ dàng pháp thiền định đã có; 3) satthāpissa attamano: đức Phật rất vừa lòng đến vị tỳ khưu ấy; 4) asappāya rūpādayo cittaṃ na vikkhipanti: sắc trần nào làm cho tâm không vui, không thể làm xao động tâm vị ấy được; 5) vigatasantāso: dứt bỏ được tâm hay kinh sợ; 6) jīvita nikantiṃpajahati: dứt bỏ được sự mê thích trong mạng sống của mình; 7) paviveka sukharasaṃ assadeti: được hưởng hương vị của sự an vui trong chỗ thanh vắng; 8) paṃsukūlikādi bhāvo: người có tư cách giữ gìn pháp đầu đà lượm vải dơ để may y rất dễ.

Hậu kệ ngôn của pháp môn ở trong rừng:

“Pavivitto asaṃsaṭṭho pantasenāsane rato ārādhayanto nāthassa vanavāsena mānasaṃ eko arañño nivasaṃ yaṃ sukhaṃ labhate yati rasaṃ tassa na vindanti api devā sa indakā.

Paṃsukūlañca esova kavacaṃ viya dhārayam arañña saṅgāmagato avesesadhutāyudho samattho na cirasseva jetuṃ māraṃ sabāhanaṃ tasmā arañña vāsamhi ratiṃ kayirātha paṇḍito”.

Giải: Hành giả có tâm yên lặng, không lẫn lộn với phe đảng, chỉ vui thích nơi thanh vắng, người làm cho Đức Thế Tôn được thỏa thích, khen ngợi rằng: Hành giả nào ở trong rừng một mình thường được sự an vui cách nào, dầu cho các vị Chư Thiên như Đức trời Đế Thích chẳng hạn cũng không có hưởng được sự an vui như thế ấy.

Nếu hành giả này lại được thọ trì đầu đà lượm vải dơ để may y nữa thì cũng như mặc thêm bộ thiết giáp để xông vào tranh đấu nơi chiến địa: chiến địa ấy là cảnh rừng, lấy 11 pháp môn đầu đà khác làm quân lính thì có thể chiến thắng Ma Vương luôn cả tướng binh phải tan vỡ, thua chạy một cách dễ dàng không lâu.

Bởi vậy, bực trí thức nên vui thích ở rừng thanh vắng.

 

9. Pháp môn  dưới cội cây – rukkhamūlikaṅga

Pháp môn này cũng có 2 cách thọ trì, hành giả muốn thọ trì cách nào cũng được là: channaṃpaṭikkhipāṃi: tôi xin nguyện không ở nơi cư ngụ có che lợp, có nóc; rukkhamūlikaṇgaṃsamādiyāmi: tôi xin nguyện thọ trì ở dưới cội cây.

Hành giả đã thọ trì rồi nên lựa một bóng cây nào ở cuối cùng của chùa, nhứt định làm nơi cư ngụ, nhưng phải chừa ra những cây có mũ, có dầu, có trái, bông có nhiều chim cò hay dơi ở, cây người thường đến khấn vải hoặc cây ở chính giữa ranh 2 quốc gia, vì tất cả những cây này đều có sự tai hại.

Trong pháp môn này chia làm 3 bực. Bực thượng: một khi đã nhứt định vừa ý lựa gốc cây nào rồi thì không được sai mượn ai đi quét dọn cho sạch, phải tự mình gom lá cây rụng bằng chân của mình mà thôi. Bực trung: nếu có người đi đến đó mượn quét dùm cũng được. Bực hạ: dầu cho kêu người giúp việc trong chùa hay sa di mượn quét dọn chỗ đồ cát, làm hàng rào, có cửa xong rồi mới ở cũng được. Ba bực tỳ khưu này, khi ngày nào có nhiều bạn đạo vào chùa làm công quả hay làm phước chi thì phải lánh mình đi nơi khác cho kín đáo, không nên ngồi đó có ý cho người biết mình thọ trì đầu đà ở dưới cội cây. Ba bực này khi có ý vào cư ngụ nơi có che lợp, có mái thì đều đứt hết, tuy nhiên khi vào chỗ che lợp có nóc để nghe thuyết pháp, làm lễ hay có phận sự chi thì phải ra khỏi chỗ ấy trước khi mặt trời mọc về chỗ cư ngụ của mình, hơn nữa trong 4 tháng mùa mưa được vào cư ngụ chỗ ở có che lợp, pháp đầu đà ấy không đứt đâu.

Quả báo của pháp môn ở dưới cội cây có 6 là: 1) nissay’ānurūpappatipatti sabbhāvo: tư cách người thực hành đúng theo lời mình đã hứa trong khi làm lễ xuất gia thầy chỉ dẫn dạy “bực xuất gia nên ở dưới cội cây” và mình đã vâng chịu bằng cách nói “dạ xin vâng”; 2) bhagavatāsaṃvannitappaccayatāvật dụng mà Đức Phật thường khen ngợi là: ít, dễ kiếm và vô tội; 3)aniccasaññā samutthāpanatā: làm cho tư tưởng vô thường được phát sanh lên do chú ý đến sự thay đổi luôn của lá cây; 4) senāsana macchera kammārāmatānaṃ abhāvo: không có tâm bỏn xẻn trong chỗ ở và không thích trong công việc tạo tác; 5) devatāhi sahavāsitā: người có tư cách như ở chung với Chư Thiên; 6) appicchatādīnaṃ anulomavuttitā: tư cách người thực hành đúng theo những đức lành nhứt là pháp tri túc.

Hậu kệ ngôn của pháp môn ở dưới cội cây: “Vaṇṇito buddhasetthena nissayoti ca bhāsito nivāso pavivittassa rukkhamūlasamo kuto āvāsamaccherahare devatā paripālite pavivitte vasanto hi rukkhamūlamhi subbato abhirattani nīlāni pandūni nīlāni pandūni patitāni ca passanto tarupaṇṇāni uiccasaññaṃ panūdaṭi tasmā hi buddha dāyajjaṃ bhāvanā bhiratālayaṃ vivittaṃ nātimaññeyya rukkhamūlaṃ vicakkhaṇo.

Giải: Chỗ ở nào của thầy tỳ khưu có tâm thanh tịnh mà Đức Phật khen là duyên lành của bực xuất gia, cho bằng chỗ ở dưới cội cây, ngoài ra có chỗ nào cho bằng được. Bởi vì thầy tỳ khưu khi cư ngụ nơi thanh vắng có thể dứt bỏ sự bỏn xẻn về chỗ ở, được các vị mộc thần thường chăm lo bảo bọc. Chẳng phải chỉ có bấy nhiêu đâu, khi tỳ khưu cư ngụ dưới cội cây thường thấy lá cây chín rụng xuống rồi lá non mọc ra thay đổi luôn hoài thì có thể dứt bỏ tư tưởng cho là trường tồn. Bởi vậy bực trí thức không nên khinh thường chỗ thanh vắng, như dưới cội cây là di sản của Đức Phật để lại, là chỗ ở của bực hành giả vui thích trong sự tham thiền.

 

10. Pháp môn ở ngoài trời – abbhokāsikaṅga

Trong pháp môn này có 2 cách nguyện, tỳ khưu muốn nguyện 1 trong 2 cách nào cũng được:channañca rukkhamulañca patikkhipāmi: tôi xin nguyện không cư ngụ nơi chỗ có che lợp, có mái hay ở dưới bóng cây; abbhokāsikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin nguyện thọ trì pháp đầu đà ở ngoài trống lổng, ngoài trời luôn luôn.

Tỳ khưu nào nguyện pháp môn này khi vào nhà simā để làm lễ phát lồ hay nghe pháp, nếu khi làm phận sự xong mà trời mưa thì không nên gp bỏ đi ra ngoài, phải chờ cho tạnh mưa rồi mới ra ngoài cũng được. Hơn nữa, dầu cho đi vào trai đường, nhà bếp chư tăng khi có việc cần, hoặc hầu hạ các vị tỳ khưu cao hạ già cả, vô trường học Kinh hay dạy Pāli, đem bàn ghế để ngoài trời trống vô trong chỗ có che lợp đều được hết thảy. Nếu khi đi theo đường có cầm vật chi của các tỳ khưu trưởng lão gặp mưa tới nên vô nhà theo đường để trú mưa, dầu cho không có cầm vật chi khi có mưa tới cũng vào nhà trú được cho tới khi tạnh mưa. Nhưng khi vô phải đi thong thả chớ không nên hấp tấp và tính sẽ ở trong sala ấy.

Pháp đầu đà này chia làm 3 bực là. Bực thượng: không được nương gần bóng núi, bóng cây hay bóng nhà, chỉ được phép làm chòi để y ở ngoài đồng trống mà thôi. Bực trung: được phép nương gần bóng cây, núi, nhà, nhưng không được vào ở trong. Bực hạ: trại không có dừng vách chung quanh, nhà chòi làm bằng lá cây, nhánh cây, trần làm bằng vải dày, trại ruộng mà người ta bỏ nếu vào ẩn núp các nơi này cũng được. Đầu đà trong 3 bực này, khi có ý vào cư ngụ nơi có che lợp, hoặc biết rõ mà còn ở các nơi ấy đến khi mặt trời mọc thì đã đứt không còn nữa.

Quả báo của pháp môn này có 5 là: 1) āvāsapalibodhupacchedo: tư cách dứt bỏ được sự bận rộn trong chỗ ở; 2) thīnamiddhappanūdanam: dứt bỏ được sự lười biếng của thân tâm; 3) nissaṅgatā: không có dính líu đến sự gìn giữ chỗ ở; 4) cātuddisatā: châu du trong tứ phương không có trở ngại vì khỏi phải lo không có chỗ ở; 5) appicchatādīnaṃ anulomavuttitā: tư cách người thực hành đúng theo đức lành của pháp tri túc.

Hậu kệ ngôn của pháp môn ở ngoài trời: “Anagāriya bhāvassa anurūpe adullhabhe tārāmanivitānaṃhi Candadīpappabhāsite Abbhokāse vasaṃ bhikkhu miga bhūtena cetasā thīnamiddhaṃ vinodetvā bhāvanārāvataṃ sito pavivekarasassādaṃ nacirasseva vindati yasmā tasmā hi sappañño abbhokāse rato siyā”.

Giải: Tỳ khưu là hành giả không có bận tâm gìn giữ chỗ ở, ví như thú rừng, chỉ có tư cách vui thích trong sự tham thiền, khi đã ở nơi trống không như vậy, đã dễ kiếm mà còn đúng với tư cách của bậc xuất gia, lấy hư không làm trần có khảm ngọc nạm bằng các vì sao, dùng mặt trăng làm đèn sáng như vậy có thể dứt bỏ sự lười biếng của thân tâm và hưởng lấy hương vị thanh cao vui thích trong cảnh thanh vắng của đạo pháp không lâu.

Bởi vậy cho nên hành giả có trí tuệ nên vui thích ở nơi đồng trống như thế ấy.

 

11. Pháp môn ở nơi mồ mả – sosānikaṅga

Pháp môn này cũng có 2 cách thọ trì, thầy tỳ khưu muốn thọ trì cách nào cũng được: nasusānaṃpatikkhipāmi: tôi xin nguyện không cư ngụ nơi nào mà không có mồ mả;[8] sosānikangaṃ samādiyāmi: tôi xin nguyện luôn luôn ở trong mồ mả.

Vậy chớ chỗ gọi là mồ mả ấy như thế nào? Giải rằng: Chỗ mà người thường thiêu, chôn tử thi hoặc bó tử thi rồi đem bỏ đều gọi là mồ mả, chỗ ấy người thường cần dùng hay đã bỏ phế trong vòng 12 năm rồi cũng còn gọi là mồ mả được. Nhưng chỗ nào có người mới chỉ định chớ chưa có chôn hoặc thiêu đốt tử thi một lần nào, chỗ ấy không thể gọi là mồ mả được. Thầy tỳ khưu ở trong chỗ mồ mả, không nên cho người làm đường kinh hành, làm cốc liêu có giường bàn, không nên để nước uống, nước dùng xài, cũng không nên dạy đạo cho ai vì pháp môn này nặng nề và nguy hiểm lắm, bởi vậy muốn ngăn ngừa tránh điều rủi ro tai hại, thì trước khi vào hành đạo phải bạch với vị Sư trưởng trong chùa và chánh quyền địa phương phải thận trọng chớ không nên dể duôi.

Khi đi vào mồ mả không nên đi theo con đường cái, khi đi kinh hành trong chỗ ấy nên liếc mắt nhìn chỗ tử thi. Ban ngày phải ghi nhớ các cảnh bên ngoài như bụi cây khúc củi ở chỗ nào, ban đên nếu có tiếng phi nhơn la ó thì không nên đôi liệng vật chi. Không nên bỏ sót một ngày nào mà không đi vào mồ mả cả. Nhưng nếu trong 3 canh chỉ đi vào 1 canh nào cũng được, như đi vào lúc đầu hôm đến 10 giờ là canh một rồi trở về cũng được. Không nên thọ vật thực có chất dầu mỡ (sợ bị mùi tanh hôi mà phải nôn mửa vì vật thực khó tiêu như mè, bột, đậu nành, đậu rán, cá, thịt, hoặc vật thực ngọt có trộn với sữa tươi với dầu đường thẻ) đều là vật mà loài phi nhơn ưa thích, nếu có miểu môn cũng không nên vào.

Pháp môn này chia ra làm 3 bực. Bực thượng: chỗ nào mà người thường hay thiêu đốt, chôn hay bỏ tử thi, có người thường đến khóc kể, nên ở chỗ ấy. Bực trung: trong 3 điều trên này, dầu cho có 1 điều nào cũng được. Bực hạ: dầu cho chỗ ấy họ đã bỏ qua trong vòng 12 năm ở cũng được. Ba bực này khi không chịu đi vào mồ mả đã nhứt định 1 lần nào trong mỗi ngày, hay là thích ở nơi không có mồ mả thì đứt mất in nhau.

Quả báo của pháp môn ở nơi mồ mả có 10 là: 1) maranassatippaṭilābho: thường được thấy tử thi luôn và làm cho phát sanh lên sự ghi nhớ về sự chết; 2) appamādavihāratā: tư cách người không có dể duôi vì thường nhớ đến sự chết; 3) asubbanimittādhigamo: được tư tưởng bất tịnh (không sạch) do nhờ thấy tử thi người đem bỏ; 4) kāmarāga vinodanaṃ: được giảm bớt tình dục vì có quán niệm bất tịnh; 5) abhiṅhaṃ kāyasabhāvadassanaṃ: tư cách được thấy luôn luôn thân này không có chi là sạch cả; 6) saṃvegabahulatā: có nhiều sự chán ngán vì thường thấy và nhớ đến sự chết; 7)ārodyamad’ādippahānaṃ: dứt bỏ sự say mê trong bản thân nhứt là cho rằng bản thân này không có bệnh hoạn; 8) bhayabheravasahanatā: người có thể thắng được sự sợ hãi ít nhiều, do sự thấy những cảnh tượng đáng ghê sợ trong chỗ ấy; 9) amanussānaṃ garubhāvaniyatā: tư cách người làm cho tất cả các phi nhơn đều cung kính và khen ngợi; 10) appichatādīnaṃ anulomavittitā: tư cách người thực hành đúng theo đức lành của pháp tri túc.

Hậu kệ ngôn của pháp ở nơi mồ mả: “Sosānikañhi maranānusatippabhāvā niddhāgaṭampi na phusanti pamādadosā sampassato ca kunapāni bahūni tassa kāmānurāgavasagampi na hoti cittaṃ saṃvegameti vipulaṃ na madaṃ upeti sammā atho ghaṭati nibbuti mesamāno sosānikaṅgami tinekaguṇāvahat tā nibbāna ninnahadayena nisevitabbaṃ”.

Giải: tỳ khưu ở nơi mồ mả dầu cho có nằm nghỉ cũng không có sự tội lỗi bởi vì do năng lực của sự ghi nhớ về sự chết đã thấy trong địa mộ, hơn nữa tâm vị tỳ khưu ấy do nhờ sự thường thấy tử thi ghê gớm, có thể đè nén được lòng ái tình, có tâm chán nản rộng lớn, không có say mê theo trần thế.

Bởi vậy cho nên hành giả muốn tìm đến Niết-bàn là nơi diệt khổ, nên cố gắng ở nơi mồ mả để đưa tâm đến cõi Niết-bàn một cách tốt đẹp vì pháp môn ở nơi mả có rất nhiều ân đức như đã kể.

 

12. Pháp môn ở nơi chư tăng đã chỉ định – yathāsanthatikaṅga

Trong pháp môn này cũng có 2 cách nguyện, hành giả muốn thọ trì 1 cách nào cũng được:senāsanaloluppaṃ paṭikkhipāmi: tôi xin nguyện dứt bỏ tư cách tham muốn trong chỗ ở;yathāsanthatikangaṃ samādiyāmi: tôi xin nguyện ở nơi nào mà chư Tăng đã chỉ cho trước hết, không thay đổi nơi khác.

Tỳ khưu đã nguyện pháp đầu đà này rồi, nếu chư tăng chỉ chỗ nào thì phải vui lòng chỗ ở ấy, không được phép hỏi hay đi lựa chỗ khác vì cho chỗ này xấu chỗ kia tốt.

Pháp môn này chia làm 3 bực. Bực thượng: chỗ mà chư tăng đã chỉ cho mình đã được thì không được phép hỏi xa, gần, nóng hay mát, có phi nhơn hay rắn rít làm hại hay không. Bực trung: được phép hỏi như trên nhưng không được đi coi chỗ theo ý muốn. Bực hạ: được phép đi coi chỗ, nếu chỗ ấy không vừa lòng cũng không được phép lựa xin đổi nơi khác. Ba bực này khi tỳ khưu tâm phát sanh tham muốn xin đổi hay chọn lựa chỗ ở theo ý mình thì đứt mất không thành tựu được.

Quả báo của pháp môn này có 6 là: 1) ovādakaranaṃ: làm đúng theo huấn từ của Đức Phật là: “chỗ ở nào mình đã được thì nên vui thích với chỗ ấy không nên thay đổi nơi khác”; 2)sabrahmacārīhitesitā: người tìm sự lợi ích cho các bực phạm hạnh khác là nhường chỗ cho các vị có giới hạnh khác nữa; 3) hīnapanīta vikappariccāgo: dứt bỏ được sự cho là xấu hay tốt trong chỗ ở; 4) anurodhavirodhappahānaṃ: diệt trừ được sự vui mừng và sự sân hận bực tức; 5) atricchatāyadvārapidahanaṃ: tư cách đóng hẳn cửa lòng tham muốn quá độ; 6) appicchatādīnaṃanulomavuttitā: người có pháp thực hành đúng theo đức lành của pháp tri túc.

Hậu kệ ngôn của pháp môn ở nơi tăng chỉ định:

“Yaṃ laddhaṃ tena santuṭṭho yathāsanthatikoyati.

Nibbikappo sukkhaṃ sati tinasantharakesupi.

Na so rajjati seṭṭhamhi hinaṃ laddhā na kuppati.

Sabrahmacārinavake hitena anukampati.

Tasmā ariyatāciṇṇaṃ munipungavavannitaṃ.

Anuyuñjetha medhāvī yathāsanthatarāmataṃ”.

Giải: tỳ khưu có pháp tri túc trong chỗ ở mà chư tăng đã chỉ cho, không có bận tâm lựa chọn chỗ tốt đẹp, thì nghỉ được an vui, dầu cho vật trải bằng cỏ bằng rơm, người cũng không thích trong chỗ sang trọng quí báu, dầu được chỗ thấp hèn người cũng không bất bình buồn tủi, lại được danh tiếng là hay tế độ đến các bực phạm hạnh mới tu được sự lợi ích. Bởi vậy bực có trí tuệ nên thường thọ trì pháp môn này và vui thích chỗ mà chư tăng đã chỉ định, đó là hạnh kiểm của các bực Thánh nhân, mà Đức Phật là bực có trí tuệ cao thâm thường tán dương khen ngợi.

 

13. Pháp môn không nằm – nesajjikaṅga

Trong pháp môn này cũng có 2 cách nguyện, hành giả muốn nguyện một cách nào cũng được:seyya paṭikkhipāmi: tôi xin nguyện không nằm; nesajjikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin nguyện ngăn cấm oai nghi nằm và thường dùng oai nghi ngồi (hay đi, đứng cũng được). Tỳ khưu đã thọ trì pháp môn này rồi, trong 3 canh dầu cho đi kinh hành hết một canh càng tốt, miễn là đừng có nằm.

Pháp môn này chia làm 3 bực. Bực thượng: không được dùng xài vải để bao trùm đầu gối khi ngồi co chân lại, vải cột trên cao thòng xuống để níu lấy khi buồn ngủ, dựa lưng vào vật chi cũng không được. Bực trung: 3 vật cần dùng kể trên, cần dùng một vật nào cũng được. Bực hạ: 3 vật đã kể trên cần dùng cũng được, lại còn được cần gối để dựa, ghế có chỗ dựa, ghế có 7 chi là chỗ dựa và chỗ để 2 tay đều cần dùng xài được hết thảy. Cả 3 bực này nếu hành giả cố ý nằm thì đứt trong lúc ấy[9].

Quả báo của pháp môn này có 5: 1) cetasovinibandhassa ucchedana: có tánh cách dứt bỏ sự quen hay nghĩ đến oai nghi nằm là được an vui khỏe khoắn; 2) sabba kammatthānānuyogasappāya: có được oai nghi phù hp để cố gắng trong pháp môn thiền định; 3) pāsādika iriyāpathatā: người có oai nghi tinh tấn làm cho mọi người phát tâm trong sạch; 4) viriyārambhānukulatā: người có tánh cách đáng khởi sự tinh tấn hành đạo; 5) sammā paṭipattiyāsamupabrūhana: tư cách làm cho sự thực hành Chánh Pháp được phát triển.

Hậu kệ ngôn của pháp môn không nằm:

“Ābhijitvāna pallankaṃ paṇidhāya ujuṃ tanuṃ

Nisīdanto vikampeti mārassa hadayaṃ yati

Seyya sukhaṃ middha sukhaṃ hitvā araddhavīriyo

Nisajj’ābhirato bhikkhu sobhayanto tapovanaṃ

Nirāmisaṃ pītisukhaṃ yasmā samādhigacchati

Tasamā samanuyuñjeyya dhīro nesajjikaṃ vataṃ”.

Giải: Hành giả ngồi bán già (hay kiết già) thân mình ngay thẳng làm cho tâm của Ma Vương phải rung động. Tỳ khưu đã khởi sự để dứt bỏ oai nghi nằm là yên vui, ngủ là yên vui và vui thích trong oai nghi ngồi làm cho pháp thiêu đốt phiền não được tỏ rạng lại thêm được sự phỉ lạc, an vui trong thiền định. Bởi vậy bực có trí tuệ phải ráng thọ trì pháp môn đầu đà không nằm cho được tốt đẹp.

 

Tóm luật và phân tách các pháp đầu đà:

Trong 13 pháp môn đầu đà này nếu thu ngắn lại thì chỉ còn có 8 là 3 pháp chánh yếu và 5 pháp không lẫn lộn (là không có liên quan với nhau). Nếu thu hẹp lại nữa thì còn có 4 pháp môn là: 2 pháp liên hệ về y phục, 5 pháp liên hệ về vật thực, 5 pháp liên hệ về chỗ ở, 1 pháp liên quan về sự tinh tấn. Nếu thu hẹp lại nữa thì chỉ còn có 2 pháp môn là: 12 pháp tùy thuộc về vật dụng, 1 pháp tùy thuộc về tinh tấn. Thu ngắn thêm 1 lần nữa là: pháp môn nào mà tỳ khưu đã thọ trì rồi làm cho pháp thiền định càng thêm phát triển thì các pháp môn ấy gọi là “nên thực hành”, còn pháp môn nào mà tỳ khưu đã thọ trì rồi pháp thiền định của mình đã có lại hư hoại mất đi thì pháp môn ấy gọi là “không nên thực hành”.

Hơn nữa, dầu cho pháp môn nào mà tỳ khưu thực hành hay không thực hành mà pháp thiền định vẫn tiến triển như thường thì phải thọ trì để làm gương lành tế độ cho đoàn hậu tấn hay là ngược lại tỳ khưu đã thực hành pháp môn nào hay không thực hành pháp môn nào mà pháp thiền định vẫn không phát triển thì cũng nên thọ trì để gây duyên lành cho ngày vị lai.

Tóm lại 13 pháp môn này thu lại chỉ có 1 mà thôi là “tác ý muốn thọ trì các pháp đầu đà ấy”.

Còn chỗ nói thu ngắn lại các pháp môn như trên là thế nào? Giải rằng: Pháp môn đi bát mỗi xóm, ngồi ăn 1 chỗ, ở ngoài trời trống, 3 pháp này gọi là chánh yếu, bởi vì khi đã thọ trì pháp môn đi bát mỗi xóm thì cũng có thể thọ trì pháp môn đi bát nữa. Nếu thọ trì pháp môn ngồi ăn 1 chỗ thì có thể thọ luôn pháp môn thọ thực trong bát và pháp môn khi ngăn cản vật thực rồi không cho người làm phép để thọ thực nữa. Nếu đã thọ trì ở nơi đồng trống rồi thì không thể nào thọ thêm pháp môn ở dưới cội cây hay là ở chỗ chư tăng đã chỉ cho nữa được.

Còn 5 pháp môn không lẫn lộn giống nhau là: pháp môn ở trong rừng, lượm vải dơ để may y, chỉ mặc tam y, không nằm, ở nơi các mồ mả. Vì 5 pháp môn này không có lẫn lộn và giống nhau như các pháp môn khác.

Chỗ nói nếu thu ngắn lại thì còn có 4 là như thế nào? Giải rằng: 2 pháp là lượm vải bỏ để may y, mặc tam y; 2 pháp này liên quan thuộc về y phục là 1. Đi bát, đi bát trong mỗi xóm, ăn trong 1 chỗ ngồi, ăn trong bát, và ngăn cản vật thực rồi không bảo người làm phép để thọ thực lại nữa; cả 5 pháp môn này có liên quan về vật thực là 2. Ở trong rừng, ở dưới cội cây, ở ngoài đồng trống, ở trong mồ mả, ở chỗ chư tăng chỉ cho; cả 5 pháp môn này đều có liên quan về chỗ cư ngụ, đều thuộc về thứ 3. Pháp môn không nằm, không có liên quan tới ai, thuộc về sự tinh tấn phần thứ 4. Cả thảy nếu thu ngắn lại có 4 phần như thế ấy.

Chỗ nói thu ngắn lại nữa chỉ có 2 là thế nào? Tất cả 13 pháp đầu đà từ số 1 đến thứ 12 có liên hệ về tứ vật dụng kể là 1 phần, còn phần pháp môn chót là không nằm thuộc về sự cố gắng tinh tấn làm 1 phần nữa thì gom lại còn có 2 phần mà thôi.

Nếu thu lại có 2 phần khác nữa là: pháp môn nên thọ trì và pháp môn không nên thọ trì.

 

Giải rộng thêm về pháp đầu đà.

Cả thảy 13 pháp môn đầu đà nếu giải rộng ra theo tư cách của hành giả thọ trì thì có đến 42 phần.

Về phần tỳ khưu thì trong 13 pháp môn thọ trì được hết, tỳ khưu ni chỉ giữ được có 8, sa di giữ được có 12, nàng sikhamānā[10] và sa di ni thọ trì được có 7 pháp, còn thiện nam và tín nữ chỉ giữ được có 2 pháp mà thôi, cộng chung cả thảy có đến 42 phần.

Giải rằng: trong 13 pháp đầu đà thầy tỳ khưu có thể thọ trì tất cả. Còn phần tỳ khưu ni, phụ nữ về phái yếu các pháp môn sau đây không thể giữ được là: ở trong rừng, ngăn cản vật thực (vì giới luật đã có cấm tỳ khưu ni trong điều học này rồi), ở nơi đồng trống, ở dưới cội cây, ở nơi mồ mả. Trừ ra 5 pháp môn này chỉ còn có 8 mà thôi. Sa di thì không có tam y và không có luật để nguyện tam y, nên trong 13 pháp trừ ra môn tam y ra còn lại 12 pháp môn được thọ. Nàng sikhamānā và sadini thuộc về phụ nữ lại chưa có luật để nguyện tam y nên chỉ thọ được có 7 pháp môn, như của tỳ khưu ni có 8 trừ tam y ra thì còn 7.

Phần thiện nam tín nữ nên thọ trì trong 2 pháp môn là: thọ thực trong 1 chỗ ngồi và thọ thực trong bát (một vật đựng nào cũng được).

(Dứt 13 pháp môn đầu đà)       

---

 

Gương Tốt Trong Pháp Đầu Đà

Một hôm Đức Thế Tôn kêu Đại đức Ca Diếp mà nói rằng: “Này Ca Diếp, bây giờ ngươi đã già rồi nên nghỉ hành pháp đầu đà “lượm vải dơ để may y” đi, vì mặc y paṃsukūla rất xấu xa nhơ bẩn, nặng nề và phải cực nhọc để tìm kiếm, nên vui thích y của thí chủ dâng cúng cho, đã được nhẹ nhàng và thuận tiện”.

Đại đức Ca Diếp bèn bạch với Đức Thế Tôn rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử nghĩ rằng: tuy 16 phận sự trong Phật Pháp đã thực hành xong rồi, không còn thấy có phận sự nào cần phải làm nữa, đệ tử nghĩ rằng tuy phận sự đã xong nhưng cũng cần phải thọ trì những phẩm hạnh cao thượng nhứt là pháp đầu đà để làm gương lành cho các đoàn em sau này không dám dể duôi và noi gương ấy mà hành theo cho được tốt đẹp trong Phật Pháp và có thể làm cho người chưa phát tâm trong sạch được trở nên trong sạch trong Phật Pháp, còn như người đã trong sạch rồi thì lại càng được trong sạch nhiều lên thêm, vì vậy mà đệ tử vẫn cố gắng thực hành cho đến suốt đời”.

Đức Phật bèn khen rằng: “Sadhu! Sadhu! Lành thay!” Rồi Ngài nói tiếp: “Này Ca Diếp, được nghe rằng người cố gắng thực hành tất cả 13 pháp đầu đà để làm gương lành cho đoàn hậu tấn sau này thì Như Lai đâu ngăn cản làm chi” (Đức Phật vẫn hiểu biết hết nhưng Ngài có ý hỏi để Đại đức Ca Diếp trả lời rồi luôn đó để Ngài xác định lại lời của Ca Diếp là chí lí).

Trong Phật Pháp có vị tỳ khưu chỉ hành 1, 2 pháp môn đầu đà hoặc 3, 4 đến 12 pháp môn mà thôi ít có vị nào hành cả 13 pháp môn như Đại đức Ca Diếp.

 

Sự tích 1 vị tỳ khưu có tri túc trong pháp đầu đà:

Có 2 anh em cùng đi xuất gia trong Phật Pháp, người anh thì ưa lẫn lộn chung chạ với bè phái nên ở nơi chùa chiền để học Kinh, Luật, còn người em thì thích về pháp hành, mới đi ở nơi phương xa để hành đạo và thọ trì các pháp đầu đà nhứt là thọ trì pháp môn thọ thực trong 1 chỗ ngồi là thọ thực có 1 lần mà thôi.

Một hôm có dịp đi ngang qua chùa chỗ anh ngụ bèn vào để viếng thăm, trong lúc ấy thì ông đã thọ thực xong rồi. Khi vào đến nơi người anh rất mừng rỡ, sẵn có nhiều món vật thực ngon ngọt mà các thí chủ vừa dâng cho bèn kêu mời em cùng thọ thực.

Ông em trả lời rằng: “Sư huynh dùng đi, đệ đã thọ thực xong rồi”.

Ông anh bèn mời tiếp thêm: “Độ rồi dầu có thọ thêm lần nữa có sao đâu, hay là sư đệ đã thọ trì pháp đầu đà chỉ thọ thực trong 1 lần mà thôi?” Nghe hỏi ngay chỗ mình muốn giấu, ông em liền nghĩ rằng: “Nếu ta không thọ thực nữa thì sư huynh ta biết ta đã thọ đầu đà ăn trong 1 lần”. Vì sự tri túc không muốn cho ai biết mình là người thọ trì đầu đà, rồi ông bèn thọ thực với anh, cố ý không cho anh biết mình đã thọ trì đầu đà vậy, sau khi khỏi nơi này ta sẽ nguyện thọ trì lại.

Người thọ trì pháp đầu đà có pháp tri túc cao thượng như thế, đừng nói chi cho dầu bực xuất gia đồng đạo mà cũng không có ý khoe khoang, cho biết thay thì cần nói chi đến người chưa thọ cụ túc giới. Đây là tư cách tri túc trong pháp hành vậy.

Hơn nữa, một khi hành giả đã nguyện thực hành 1 pháp đầu đà nào và nhất định thời hạn thì dầu cho có 1 nguyên nhân nào phát lên làm cho tổn hại đến sanh mạng cũng ráng cố gìn giữ cho đến cùng, như vậy mới có thể đạt được pháp cao thượng nào mà mình đã ước nguyện. Như mẫu chuyện của thầy tỳ khưu Cakkhupāla.

Câu chuyện thuật lại rằng: Có 1 thầy tỳ khưu tên Cakkhupāla khi sắp nhập hạ mới hội các vị tỳ khưu khác mà bàn luận rằng: “Trong khi nhập hạ chúng ta nên nguyện mỗi vị 1 pháp đầu đà tùy sở thích, riêng phần tôi xin nguyện không nằm trong 3 tháng để chú tâm vào pháp giải thoát”.

Thế rồi thời gian trôi qua, thầy thực hành không nằm được hơn 2 tháng, một hôm vì quá tinh tấn không nằm mà phát sanh bệnh đau mắt rất nặng. Trong xứ ấy có một ông thầy thuốc trị bệnh đau mắt rất hay, ông chỉ nhỏ thuốc một lần thì mạnh nhưng bệnh nhân cần phải nằm thì phương dược mới hữu hiệu.

Có người đem thuốc dâng cho ngài, ngài vẫn ngồi mà nhỏ thuốc thành ra bệnh không thuyên giảm mà còn tăng thêm. Ông thầy thuốc lấy làm lạ mới đến thăm và khuyên ngài là nên nằm mà nhỏ thuốc thì mạnh liền tức khắc. Ngài hứa sẽ hỏi lại rồi sẽ hay (chỗ này quí vị lấy làm lạ không biết ngài định hỏi lại ai, nhưng kì thật ngài sẽ hỏi lại tâm ngài cho thật kỹ coi nên làm đứt pháp đầu đà mà mình đã nguyện hay không?)

Tối hôm ấy khi ngài ngồi thiền định bèn nói với tâm rằng: “Này tâm ơi trong vòng sanh tử luân hồi hằng hà sa số kiếp ngươi đã từng bị đui mắt nhưng không hề gặp được Giáo Pháp của Đức Phật để thực hành vì vậy ngươi phải chịu xoay đi chuyển lại và phải chịu đui mắt ở trong màn vô minh đã vô lượng kiếp, kiếp này đây ngươi đã hữu phúc gặp được Giáo Pháp của Đức Thế Tôn mà ngươi còn gìn giữ bảo bọc tấm thân giả tạm này và làm cho hư hoại pháp hành mà ngươi đã nguyện hay sao?” Nghĩ thế ngài cương quyết thực hành luôn không nằm mà nhỏ thuốc dù cho con mắt có đui đi nữa miễn là “con mắt Pháp” (dhammacakkhuṃ) phát sanh lên thì mới mong thoát cảnh đui tối trong màn vô minh được.

Thế rồi ngài bỏ không chịu nhỏ thuốc cứ tiếp tục ngồi hành đạo luôn cho đến khi con mắt ngài nóng quá chịu không nổi phải nổ ra thì đồng thời tâm ngài cũng vừa thấy Đạo Quả Niết-bàn và đắc thành 1 vị A-la-hán.

G

                   Soạn xong tại Kim Biên, mùa Thu năm Ất Tỵ. PL 2509 –10-11-1965

 

 

 

 Dứt tác phẩm 23. Pháp đầu đà 

 

[1] Bát chỗ này có nghĩa là chén, dĩa, hoặc vật dụng nào khác cũng đều gọi là bát cả.

[2] Theo Ấn Độ phần đông khi có người chết thì họ lấy vải bao bó tử thi làm nhiều lớp rồi đem đi bỏ trong rừng mả xa xóm làng chớ ít có chôn hay thiêu đốt (theo cổ truyền) nhưng hiện hay cũng có 1 số chôn và thiêu.

[3] Đứng vào dòng của bực Thánh nhân có 4 là: tri túc trong y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men, đây là thói thường của các bực Thánh nhân hằng tri túc.

[4] Các thứ y khách trong sạch mà Đức Phật cho phép như: y trải nằm, trải ngồi (tọa cụ) nhưng mà tỳ khưu chỉ thích dùng tam y mà thôi.

[5] Tiếng nói patta: bình bát, chỗ này không phải ám chỉ riêng về bình bát, dầu cho đến chén dĩa hay là vật đựng nào khác cũng gọi là bát cả.

[6] Giải rằng về điều học này khi thầy tỳ khưu đang thọ thực có người đem vật thực lại họ đứng trong 1 hắc 1 gang tay dâng cho mà tỳ khưu không chịu thọ lãnh. Khi thọ thực xong đứng dậy đi nơi khác, sau lại muốn thọ thực thêm vật thực ấy hay vật ngoài khác nữa thì phải làm phép theo luật định mới thọ lại được, nếu không làm phép mà thọ thực lại thì phạm tội ưng đối trị. Vật thực mà người làm phép theo luật gọi là atirittabhojana, tỳ khưu đã nguyện pháp đầu đà này, dầu cho có người làm phép đúng luật cũng không được thọ thực lại.

[7] Cách làm phép cho đúng luật là: Vị tỳ khưu khác nói trước vật thực nào đó như vầy: “Alametam sabbaṃ – Tất cả vật thực này nên dùng”, đúng luật rồi.

[8] Tiếng sosāna: mồ mả đây là ám chỉ người thường chn, thiêu hay đem tử thi đến bỏ dầu ngoài đồng trống, trong rừng hay gần xóm xa hay gần cũng gọi là mồ mả hết thảy.

[9] Tiếng nói nằm đặt lưng hay hông của mình đụng dầu cho mặt đất, trên ván, chiếu giường v.v…dều gọi là nằm (trừ ra chỗ dựa). Nhưng nếu khi tham thiền hay đi kinh hành buồn ngủ hay mê mệt quá té nằm xuống hay ngã ngửa ra lật đật ngồi dậy liền thì cũng không đứt, nhưng khi té ngã rồi nghĩ rằng mình mệt mỏi nghỉ thêm một chút nữa thì pháp đầu đà này đã đứt mất.

[10] Sikhamānā chỉ có 6 giới giữ tối không ăn sái giờ tập sự để học hỏi kinh, luật trong hai năm cho thông thạo rồi mới được lên bực tỳ khưu ni.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/02/2019(Xem: 7873)
Thuở xưa có một ông vua hiền đức, cai trị công bằng, dân chúng trong nước sống thanh bình. Một hôm, dưới sự đề nghị của cận thần tả hữu, vua triệu tập tất cả trưởng lão tôn túc của các tôn giáo trong nước. Khi tất cả có mặt đầy đủ, vua nói:
14/08/2018(Xem: 7520)
Kinh Vị Tằng Hữu của Bắc tông và Tăng Chi Bộ Kinhcủa Nam Tông đều có ghi rằng trong cuộc đời của một vị Phật CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC có 4 lần sự kiện vi diệu này xảy ra. Mỗi lần như thế, có một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm thế giới của chư Thiên, thế giới Ma vương và Phạm thiên, quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến những thế giới ở chặng giữa bất hạnh không có nền tảng, tối tăm u ám, mà tại đấy, mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu ánh sáng. Trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thâm diệu thắng xa uy lực chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh, sanh tại đấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây".
03/02/2018(Xem: 16766)
Tương quan là có quan hệ qua lại với nhau, tương cận là mối tương quan gần gủi nhất. Vấn đề này, mang tính tương tác mà trong Phật giáo gọi là: “cái này có thì cái kia có, cái này sinh thi cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt…”
06/01/2018(Xem: 15625)
Vài suy nghĩ về việc học chữ Phạn trong các Học Viện Phật Giáo Việt Nam_ Lê Tự Hỷ
22/05/2017(Xem: 54051)
Trong bước đầu học Phật, chúng tôi thường gặp nhiều trở ngại lớn về vấn đề danh từ. Vì trong kinh sách tiếng Việt thường dùng lẫn lộn các chữ Việt, chữ Hán Việt, chữ Pali, chữ Sanscrit, khi thì phiên âm, khi thì dịch nghĩa. Các nhân danh và địa danh không được đồng nhứt. Về thời gian, nơi chốn và nhiều câu chuyện trong sự tích đức Phật cũng có nhiều thuyết khác nhau làm cho người học Phật khó ghi nhận được diễn tiến cuộc đời đức Phật. Do đó chúng tôi có phát nguyện sẽ cố gắng đóng góp phần nào để giúp người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần.
19/03/2017(Xem: 7776)
Là người mới bắt đầu học Phật hoặc đã học Phật nhưng chưa thấm nhuần Phật pháp chân chính, chúng tôi biên soạn quyển sách nhỏ này, nhằm hướng dẫn cho người cư sĩ tại gia tập sống cuộc đời thánh thiện, theo lời Phật dạy. Chúng tôi cố gắng trình bày các nguyên tắc này theo sự hiểu biết có giới hạn của mình, sau một thời gian ứng dụng tu học cảm thấy có chút an lạc. Để giúp cho người cư sĩ tại gia thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình đối với gia đình người thân và cộng đồng xã hội. Trước tiên, chúng ta cần phải có một niềm tin vững chắc sau khi học hỏi, có tư duy sâu sắc, có quán chiếu chiêm nghiệm như lời Phật dạy sau đây: Này các thiện nam, tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quan sát, suy tư và thể nghiệm. Chỉ khi nào, sau khi thể nghiệm, quý vị thực sự thấy lời dạy này là tốt, lành mạnh, đạo đức, có khả năng hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán; nếu sống và thực hiện theo lời dạy này sẽ đem đến hạnh phúc, an lạc thực sự ngay hiện tại và về lâu về dài,
19/03/2017(Xem: 7241)
Nói đến đạo Phật là nói đến tinh thần nhân quả, nói đến sự giác ngộ của một con người. Con người sinh ra đủ phước báo hay bất hạnh là do tích lũy nghiệp từ nhiều đời mà hiện tại cho ra kết quả khác nhau. Mọi việc đều có thể thay đổi và cải thiện tốt hơn nếu chúng ta có ý chí và quyết tâm cao độ. Tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này là một dòng chuyển biến liên tục từng phút giây, không có gì là cố định cả. Một gia đình nọ, hai cha con cùng dạo chơi trong khu vườn nhà của họ. Bổng nhiên đứa con hỏi bố: “Bố ơi bố, nhà chúng ta có giàu không ạ?” Ông bố nghe xong liền mỉm cười, xoa đầu cậu con trai, rồi nói: “Bố có tiền, nhưng con không có. Tiền của bố là do bố tự mình siêng năng tích cực làm ra bằng đôi bàn tay và khối óc, được tích lũy trong nhiều năm tháng. Sau này con muốn giàu có như bố, trước tiên con phải học và chọn cho mình một nghề nghiệp chân chính, con cũng có thể thông qua nghề nghiệp của mình mà kiếm được tiền.”
17/03/2017(Xem: 7067)
1-Người Phật tử, phải thắng sự lười biếng bởi thái độ ỷ lại hay dựa dẫm vào người khác mà cầu khẩn van xin để đánh mất chính mình. 2-Bất mãn là thái độ thiếu khôn ngoan và sáng suốt, người trí càng nổ lực tu học và dấn thân đóng góp nhiều hơn nữa khi mọi việc chưa được tốt đẹp để không bị rơi vào trạng thái tiêu cực. 3-Người Phật tử chân chính, cương quyết phải thắng sự thiếu quyết tâm khi muốn làm việc thiện vì đó là trách nhiệm và bổn phận của người có lòng từ bi hỷ xả.
16/03/2017(Xem: 7178)
1-Người Phật tử hãy nên nhớ, sở dĩ con người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm do không tin sâu nhân quả và tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc. 2-Nếu chúng ta không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không thể làm cho ta phiền muộn khổ đau, vì ta đã có cây kiếm trí tuệ nhờ nghe và biết chiêm nghiệm để rồi tu sửa. 3-Người Phật tử dù thắng trăm vạn quân cũng không bằng chiến thắng những thói hư tật xấu của mình, đó là chiến công oanh liệt nhất mà người đời ít ai làm được. 4-Chúng ta hãy luôn cám ơn nghịch cảnh vì chính khó khăn đó đã giúp cho ta có cơ hội quay lại chính mình, nhờ vậy tâm ta an tĩnh, sáng suốt mà tìm ra phương hướng để khắc phục.
14/03/2017(Xem: 6173)
Ngài là Thái tử, tên Sĩ Đạt Ta Có mẹ có cha, giống như mọi người. Mẹ là hoàng hậu, Thánh mẫu Ma Da Đức vua Tịnh Phạn, là cha của Ngài. Ngày rằm tháng tư, Thái tử ra đời Sinh xong bảy ngày, hoàng hậu sanh thiên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]