Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tâm Tánh & Sự Tu Tập

18/12/201509:04(Xem: 7737)
Tâm Tánh & Sự Tu Tập

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Sīlaguṇa-Mahāthera)

NHẶT LÁ RỪNG XƯA
Tủ sách Huyền Không Sơn Thượng

(Phật lịch 2558 – 2015)

Tâm Tánh & Sự Tu Tập

 

Theo tích truyện Suvaṇṇakārattheravatthu ở trong bộ chú giải Dhammapadaṭṭhakathā có kể đại lược là:

“Tôn giả Sāriputta có một tỳ-khưu đệ tử còn trẻ đến xin đề mục thiền định; thấy sức vóc trai tráng, khí huyết phương cương của vị ấy, ngài liền bảo, hãy niệm thân bất tịnh (asubha), cốt ý là để đối trị với dục vọng và tham ái. Vị tỳ-khưu trẻ vào rừng, suốt bốn tháng ròng rã chăm chuyên niệm 32 thể trược, thỉnh thoảng đến nghĩa địa để nhìn ngắm tử thi nhưng “tướng bất tịnh” vẫn không hiện ra. Chán nản, vị tỳ-khưu trẻ muốn hoàn tục.

Tôn giả Sāriputta bèn dẫn vị tỳ-khưu đến đức Phật rồi kể chuyện lại cho ngài nghe. Hướng tâm một lát, đức Phật bảo:

- Vị tỳ-khưu này đã từng có 500 kiếp làm thợ vàng, thợ bạc; do tập-quán-nghiệp nhiều đời nên bây giờ ông ta nhìn cái gì nó cũng tịnh cả (subha), có bất tịnh (asubha) được đâu!

Sau đó đức Phật hóa ra một đoá sen hồng tươi thắm to bằng bàn tay, trao cho vị tỳ-khưu rồi nói:

- Ông đem đoá hoa này cắm vào một gò đất nơi chỗ vắng, và ngày nào cũng ngồi nhìn, chú tâm chuyên nhất vào đấy, đọc thầm trong tâm rằng “lohitakaṃ...lohitakaṃ- màu đỏ”, thế thôi.

Đoá hoa đẹp, tức là đề mục tịnh chứ không phải bất tịnh, nó tương hợp với dòng tâm nhiều đời của vị tỳ-khưu. Sau đó, từ đoá hoa đỏ thắm tươi đẹp đến khi nó héo tàn, úa rã; vị tỳ-khưu nắm bắt được tướng vô thường, đi vào thiền quán và đắc quả A-la-hán”.

Qua câu chuyện trên, những hành giả học Phật và tu Phật, muốn thành tựu công hạnh thì ít ra cũng phải tương đối biết rõ căn cơ, tâm tánh hay cá tánh của mình. Nếu không thấy, không biết, ai dạy sao cũng tu, cũng thực hành, đôi khi đi ngược với tâm tánh mình, lợi không thấy đâu, chỉ có hại cho mình mà thôi.

Tâm tánh hoặc cá tính là bản chất cố hữu của một con người. Tâm tánh, cá tính mỗi người mỗi khác là do hành nghiệp trong quá khứ khác nhau... Chính những hành động, thói quen, tập nghiệp, tập khí của mỗi người tạo ra tâm tính hoặc cá tính đặc thù, riêng biệt.

Trong Abhidhamma và cả trong Visuddhimagga có nêu ra 6 loại tâm tính, cá tính khác nhau của con người; ấy là tính tham, tính sân, tính si, tính tín, tính trí, tính tầm. Tạm phân chia như vậy, nhưng thật ra các tính trên có thể xen lẫn trong nhau, ở đây ta chỉ cần hiểu theo nghĩa tương đối.

1- Tánh Tham (Rāgacarita)

Người có cá tính gốc tham thường thiên nặng về tham ái, ham thích, mê đắm, tầm cầu các khóai lạc giác quan mà không chịu từ bỏ chúng mặc dầu nó rất có hại cho mình, như tổn giảm sức khỏe, hao tốn tiền tài, đôi khi hư mục cả đạo đức và thiện pháp nữa.

Theo tinh thần nhân quả nghiệp báo, người có gốc tham do hưởng được thiện quả còn lại từ kiếp trước nên quen sống cảnh xa hoa, “ngũ dục công đức” sung mãn hoặc họ tái sanh xuống cõi đời này sau khi mệnh chung ở thiên giới.     

Người có tánh tham thì biểu lộ ra bên ngoài:

- Lúc đi: Rất tự nhiên, có bước đi cẩn thận, đặt chân xuống từ từ, khoan thai, bước đi nhịp nhàng, uyển chuyển.

- Lúc trải giường và ngủ: Họ trải giường một cách chậm rãi, cẩn trọng, không vội vàng. Lúc nằm xuống cũng từ từ đặt thân xuống, sắp đặt gối mền, chân tay đều thẳng thớm, ngay ngắn; sau đó mới nằm ngủ, ngủ một cách an ổn.

- Qua hành động: Lúc quét sân thì cầm cái chổi vững vàng, quét sạch, đều đặn, không vội vàng, không tung lá rác đất bụi lên. Mọi việc làm khác cũng làm một cách khéo léo, từ tốn, cẩn thận. Lúc mặc y áo, người tính tham không mặc chật quá, lỏng quá, lúc nào cũng ngay ngắn, tươm tất.

- Qua cách ăn: Thích ăn vật thực ngọt ngào, béo bổ. Khi ăn, không ăn từng miếng quá lớn hay quá nhỏ. Ăn chừng mực, vừa phải, biết thưởng thức vị ngon.

- Qua cách nhìn: Khi thấy một cái gì thích ý, người gốc tham nhìn ngắm lâu, tỉ mỉ, như ngạc nhiên, như thú vị. Khi đi thì tiếc nuối, không muốn rời.

- Qua tâm lý: Người tham căn thường có những tính xấu như: Lừa dối, gian lận, kiêu mạn, ác dục, đa dục, làm đỏm, khoe khoang...

Người có tính tham thường thích những đối tượng khả ái, khả hỷ, khả lạc, dễ bị mê đắm nhục dục ngũ trần.

Đối với căn tánh tham này, tham-hành-giả khi tu tập:

- Không nên ở chỗ quá xinh, quá đẹp; không nên dùng vật thực quá ngon, không nên mặc y áo, dày dép, đồ dùng quá cầu kỳ, sang trọng. Chỗ ngủ nghỉ, ngồi nằm thường nên đơn sơ, giản dị. Cốt là đừng để cho tâm tham dễ phát sanh, dễ dính mắc. Tham-hành-giả phải biết lựa chọn trú xứ, ngoại cảnh xấu xí, không được vừa ý, không được thích khoái cho lắm thì càng tốt.

- Nên thường xuyên đi bách bộ, đi kinh hành nhiều hơn là ngồi một chỗ lâu.  

- Đề mục tương hợp, lợi ích nhất cho tham-hành-giả là quán 10 tướng của tử thi và niệm về 32 thể trược của thân.

2- Tánh Sân (Dosacarita)

Người có cá tính gốc sân thì ít tình cảm, thiếu vắng tình cảm, đôi khi khô nhạt tình cảm. Họ thường ít bám víu, dính mắc đối tượng lâu, thường tìm lỗi của người khác “ở lỗi không thật có” hoặc không được rõ ràng để buộc tội họ.          

Người tính sân nhiều có lẽ kiếp trước từng làm những việc như đâm chém, tra tấn tàn bạo hoặc cũng có thể tái sanh xuống cõi này sau khi mệnh chung ở cõi địa ngục, a-tu-la hay rắn rít, rồng, cọp, beo...

Người nặng tính sân thì biểu hiện bên ngoài:

- Lúc đi: Như thể đào đất bằng những đầu ngón chân, đặt chân xuống nhanh, dở lên nhanh, có vẻ hấp tấp, vội vã.

- Lúc trải giường, nằm ngủ: Họ trải giường vội vàng, cẩu thả, thế nào cũng xong, gieo mình xuống ngủ với khuôn mặt không được an lành. Lúc thức dậy rất mau lẹ. Trả lời ai thì có vẻ bực mình, khó chịu.

- Qua hành động: Lúc quét tước, người tính sân cầm chổi rất chặt nhưng quét không sạch, không đều, gây tiếng động, hất tung lá rác đất cát lên. Họ luôn làm việc có vẻ căng thẳng. Mặc y áo hơi bất cẩn, cẩu thả, sao cũng được, không tươm tất, chẳng chịu sửa sai, điều chỉnh.

- Qua cách ăn: Thích ăn đồ dai và chua. Khi ăn, họ ăn từng miếng lớn đầy cả miệng, ăn hấp tấp, vội vàng, không biết thưởng thức vị ngon. Ăn cái gì không khóai khẩu là nó bực.

- Qua cách nhìn: Có cái gì khó ưa, không nhìn lâu, thường xoi mói những khuyết điểm nhỏ, bỏ qua những đức tính thực. Khi từ giã, họ đi ngay, đi nhanh, có vẻ không tiếc nuối, không lưu luyến gì cả.

- Qua tâm lý: Có nhiều tính xấu như giận dữ, thù hận, thích phỉ báng người, ưa thống trị, nhiều ganh tỵ và dễ hiềm hại người khác.

Người có tính sân dễ căng thẳng, nóng nảy, bực bội, nhiều bất mãn, dễ trái ý, nghịch lòng trước mọi hoàn cảnh.

Đối với căn tính sân này, sân-hành-giả khi tu tập:

- Nên ở chỗ đẹp, tiện nghi, tinh tươm, sạch sẽ, ngăn nắp... nghĩa là hoàn toàn ngược lại với tính tham. Đồ dùng, y áo, thức ăn, vật uống luôn được vừa lòng, thích ý.        

- Oai nghi thích hợp là năm hoặc ngồi.

- Sau khi có ngoại cảnh hỗ trợ tạo duyên để đối trị với sân căn rồi, sân-hành-giả phải còn lựa chọn đề mục thiền định tương hợp: Đó là tứ vô lượng tâm hoặc 4 kasiṇa về màu sắc (trong 4 màu xanh, đỏ, trắng, vàng - lựa chọn màu mình thích, êm dịu... như màu xanh).

- Các đối tượng của sân-hành-giả phải lớn rộng, sâu; đừng nhỏ quá, chật hẹp quá... tâm sân dễ phát khởi.

3- Tánh Si (Mohacarita)

Người có tính si có lẽ trước kia uống nhiều rượu, ít chú ý đến học vấn hoặc được tái sanh xuống cõi này sau khi chết ở loài súc sinh.

Họ có những biểu lộ ra bên ngoài:

- Lúc đi: Có dáng đi bối rối, nhấc chân lên, đặt chân xuống thường do dự, lưỡng lự, đôi khi nhấn mạnh đột ngột.

- Lúc trải giường: Lệch lạc, cẩu thả, không bao giờ ngay ngắn, phần nhiều ngủ úp mặt, khi thức dậy thì lừ đừ, từ từ, chậm chạp.

- Qua hành động: Lúc quét sân, tâm tánh si cầm chổi lỏng lẻo, quét không sạch, không đều, đất cát cỏ rác vung vải tứ tung. Làm việc gì cũng vụng về. Ăn mặc thường lỏng và không bao giờ được tươm tất, ngay ngắn.

- Qua cách ăn: Ăn uống không có lựa chọn nhất định, ăn uống rơi rớt lung tung, tâm trí phiêu lưu chỗ này chỗ khác.

- Qua cách nhìn: Không có chủ đích với các đối tượng ngoại giới. Nghe người ta khen, chê cũng khen chê theo, nó luôn bình thản, luôn vô tâm, vô tư của một người không có trí.

- Qua tâm trạng: Thường lờ đờ, đờ đẫn, dao động, bất an, bất định, âu lo; bám víu vào cái gì thì không chịu rời bỏ.

Người có tính si thường thiếu sáng suốt, tỉnh táo, hay thụ động, dao động, dễ mê tín, mê muội.

Đối với căn tính si này, si-hành-giả khi tu tập:

- Trú xứ phải rộng rãi, khoáng đạt không bị ngăn bít, có thể nhìn thấy ngoại cảnh bên ngoài.           

- Về tứ sự, đồ dùng, y thực thì tương tợ sân-hành-giả.

- Oai nghi thích hợp là đi, là kinh hành.

- Đề mục thích hợp với si-hành-giả là niệm hơi thở hoặc kasiṇa với đối tượng lớn cỡ bằng cái soong, cái rỗ...

4- Tánh Tín (Saddhācarita)     

Đặc tính của tín gần giống với tham, nghĩa là nó cũng thiên nặng về tình cảm. Trong lúc tham tâm tầm cầu các khóai lạc giác quan thì tín tâm cầu công đức như bố thí, trì giới...

Ngoài ra giữa tham và tín:

- Tham thì không từ bỏ cái gì có hại, tín thì không từ bỏ những gì có lợi.

- Cái gì tham có thì tín có, tuy nhiên, nơi một người có tín thường có tâm trạng rộng rãi, mong muốn gặp những bậc thánh, thiện hữu trí thức để tầm cầu học hỏi, nghe pháp. Họ hồn nhiên, vui vẻ, thành thực, tin tưởng những gì đẹp, hay, chân chánh; thích những gì nhằm tăng trưởng đức tin.

Người có tính tín rất dễ thân cận với thiện pháp, tâm lý ổn định, xử sự mọi việc luôn đàng hoàng, đúng đắn, thường được mọi người tin tưởng, tin cậy.             

Đối với căn tính tín này, tín-hành-giả khi tu tập:

- Tánh tín là tốt, là thiện nhưng có gốc tham nên cách đối trị tương tợ như tham-hành-giả.

- Đề mục tương hợp với tín-hành-giả là lục niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên.

5- Tánh Trí (Bodhicarita)

Đặc tính của trí giác gần giống với sân vì trí mạnh, nhanh thường do thiện nghiệp phát sanh nơi người nhiều sân.

- Sân ít tình cảm hoặc lạnh lùng về tình cảm thì trí cũng vậy, tình nhẹ hơn trí.

- Sân hay tìm lỗi của người khác - đôi khi lỗi không thực có - còn trí cũng hay tìm lỗi, nhưng là lỗi có thật. Sân buộc tội người này người kia, nhưng trí chỉ buộc tội các hành nghiệp.

- Qua cách nhìn, đi đứng, ăn nói, sinh hoạt tính trí tương tợ tính sân nhưng bình tĩnh, ổn định và tỉnh giác nhiều hơn. Ngoài ra, tính trí dễ nói, dễ dạy, có nhiều bạn tốt, biết tri túc trong tứ sự, ưa sự thức tỉnh, vắng lặng, nỗ lực đúng đắn và mục đích hướng thượng tốt đẹp.

Tính trí hay tính giác này có nhiều sáng suốt, tỉnh thức nên tâm ít vọng động, mơ mộng hão huyền - thường sáng trong và rất bén nhạy lúc giáo tiếp, ứng xử và cả sự tu tập.

Đối với căn tính trí này, trí-hành-giả khi tu tập:

- Ngoại cảnh đối trị tương tợ sân-hành-giả. Tuy nhiên, người có tánh trí nghĩa là do có tánh giác nhiều nên dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh. Đề mục thích hợp của trí-hành-giả là niệm sự chết (maraṇānussati), niệm sự vắng lặng của Niết-bàn (niệm tịch tịnh-upasamānussati), hay yểm ly tưởng đối với thức ăn (āhāre paṭikkūlasaññā).

6- Tánh Tầm (Vitakkacarita)

Người có tánh tầm tương tợ với tánh si. Khi si giải đãi, phóng dật thì tầm tìm kiếm, suy nghĩ lung tung; và cả ngay lúc làm việc thiện nó cũng bối rối, bất an. Si dễ nông cạn nhưng tầm thì dễ đoán mò, thích suy luận, phê phán, đánh giá...         

Tánh tầm thích nói nhiều, dễ hòa mình nhưng thường không tích cực hoặc nỗ lực hết lòng cho điều thiện; nó ít khi hoàn tất được một công việc gì cho chu đáo, toàn vẹn.

Đối với căn tính tầm này, tầm-hành-giả khi tu tập:

- Không nên ở chỗ rộng rãi có non xanh nước biếc, vườn, ruộng, ao hồ, đô thị xinh tươi và thôn làng thạnh mậu. Ngoại cảnh cũng như trú xứ của tầm-hành-giả phải là hang động sâu kín hoặc rừng sâu che khuất, không thế thì phải vách tường ngăn cách với ngoại giới.

- Đối tượng của tầm hành giả thì kasiṇa cũng phải nhỏ, hẹp

- Pháp môn niệm hơi thở rất thích hợp với tầm-hành-giả.

Nói tóm lại, các bậc trí nói rằng, tính chất, cá tính dị biệt của con người là do nguồn gốc tập khí từ nhiều đời kiếp về trước. Chính hành nghiệp đã làm việc ấy. Tuy nhiên, chẳng bao giờ có người thuần là một tánh mà tánh ấy thường được trộn lẫn hoặc có liên hệ với các tính khác. Ta có thể biết trong 6 tánh ấy, tánh nào nhiều hơn, mạnh hơn thì được xem như ta thuộc về tánh ấy. Và còn nữa, tham không thể khởi nếu không có si, sân không thể khởi nếu không có si; riêng si thì có thể tự khởi một mình. Biết được tánh của mình thì công phu tu tập sẽ không bị uổng phí vô ích và vì sự chết nó không chờ ngày giờ!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/01/2011(Xem: 36597)
Từ ngày 6 đến ngày 16 tháng 6 năm 2007 này, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ viếng thăm Úc Châu, đây là chuyến thăm Úc lần thứ năm của Ngài để giảng dạy Phật Pháp. Mọi người đang trông đợi sự xuất hiện của ngài. Bốn lần viếng thăm Úc trước đây đã diễn ra vào các năm 1982, 1992, 1996, 2002, đặc biệt trong lần viếng thăm và hoằng pháp lần thứ tư năm 2002, đã có trên 110. 000 người trên khắp các thủ phủ như Melbourne, Geelong, Sydney, và Canberra đến lắng nghe ngài thuyết giảng để thay đổi và thăng hoa đời sống tâm linh của mình.
04/01/2011(Xem: 51713)
QUYỂN 5 MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BỐN (Năm 574 trước TL) 91 CÁC LOẠI CỎ Đầu Xuân, khi trời mát mẻ, đức Phật tính chuyện lên đường trở về Sāvatthi. Thấy hội chúng quá đông, đức Phật bảo chư vị trưởng lão mỗi vị dẫn mỗi nhóm, mỗi chúng phân phối theo nhiều lộ trình, qua nhiều thôn làng để tiện việc khất thực. Hôm kia, trời chiều, cạnh một khu rừng, với đại chúng vây quanh, đức Phật ngắm nhìn một bọn trẻ đang quây quần vui chơi bên một đám bò đang ăn cỏ; và xa xa bên kia, lại có một đám trẻ khác dường như đang lựa tìm để cắt những đám cỏ xanh non hơn; ngài chợt mỉm cười cất tiếng gọi:
02/01/2011(Xem: 12037)
Chúng ta an vị Phật là rước Phật trong lòng chúng ta đem thờ tại chùa, để khi nhìn thấy Phật tại chùa mà nhớ Phật trong lòng của chúng ta...
31/12/2010(Xem: 2560)
Tâm giác ngộ còn được gọi là Bồ đề tâm (Bodhicitta). Trong tiếng Phạn, “citta” là tâm và “Bodhi” là giác ngộ. Bodhicitta có thể được dịch là tâm hiểu biết hoặc tâm chứa đầy hiểu biết.
30/12/2010(Xem: 2853)
Một điều tối quan trọng là mọi người cần biết học cách trân trọng và tri ân; nếu không họ sẽ vẫn mãi khổ đau và tự gây áp lực và căng thẳng cho chính bản thân mình.
23/12/2010(Xem: 3033)
Cách tốt nhất để đem đến ý nghĩa cho cuộc đời bạn là khiến nó có lợi cho những người khác, bằng lòng bi mẫn của bạn với họ. Đó cũng là cách tốt nhất để tìm thấy bình an, hạnh phúc...
17/12/2010(Xem: 23192)
Ý thức được cái chết là điều hệ trọng: phải hiểu rằng ta không ở lâu trên địa cầu này. Không ý thức được cái chết, ta sẽ không thể tận dụng toàn vẹn cuộc sống của ta.
16/12/2010(Xem: 3241)
Nền tảng những lời dạy của Đức Phật là phật tính. Và cũng do phật tính mà Đức Phật đã ban cho những lời giảng. Mọi chúng sinh đều có khả năng để hoàn thiện và đạt được giác ngộ.
15/12/2010(Xem: 8629)
Trong tâm của chúng ta, nước là do ái mà hiện tướng. Nước là thứ đi xuống, chảy xuống, chứ không bao giờ chảy lên. Hễ có sân, ghét, bực bội thì có lửa, phực lửa bật ra...
14/12/2010(Xem: 19095)
Để hiểu Đạo Phật là gì? Ta hãy gạt mọi thiên kiến chỉ cần tìm sâu vào nguồn giáo lý cao đẹp ấy, một nền giáo lý xây dựng trên sự thật để tìm hiểu sự thật, do đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni sáng lập.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]