Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

17. Giấc Mộng Của Đức Vua Suddhodāna

26/10/201309:22(Xem: 25871)
17. Giấc Mộng Của Đức Vua Suddhodāna

Mot_Cuoc_Doi_01

17. Giấc Mộng
Của Đức Vua Suddhodāna





Cuộc sống cứ vẫn diễn ra đều đặn với những sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, trong Cung Vui không còn những cuộc vui rộn rã như thuở nào. Các ông hoàng sau khi buồn chán các công việc cải cách, họ cũng lắng xuống các buổi thảo luận sôi nổi với nhiệt huyết của tuổi thanh xuân. Nếu có gặp nhau trong một vài tiệc vui nho nhỏ thì ai cũng có vẻ trầm ngâm. Họ đang bế tắc trước ý nghĩa và giá trị cuộc sống.

Thái tử đã nhiều lần vào xin phép đức vua Suddhodana để đi xuất gia tầm đạo nhưng lần nào cũng bị từ chối. Thái tử lại thất thểu trở về, cố giấu giếm tâm sự trước lệnh bà Mahā Pajāpati Gotamī hoặc Amitā Pamitā - cả hai thường thay phiên nhau đến săn sóc Yasodharā.

Đức vua Suddhodana thì rất đau lòng khi thấy lời tiên tri năm xưa đã trở thành hiện thực. Bao nhiêu biện pháp ngăn cản đều vô ích. Tâm và trí của thái tử cao vời quá. Những chương trình, kế hoạch cải tạo đất nước của thái tử và các ông hoàng thì táo bạo quá, công minh, liêm khiết và chính trực quá... làm sao mà khế hợp được với tâm địa tham lam, ích kỷ của bọn quý tộc lãnh đạo ở đất nước này... và cả Koliya nữa!

Tuy ngăn cản quyết liệt như thế nhưng tự thâm tâm, đức vua biết, chẳng còn lý do nào nữa để lưu giữ con phượng hoàng ở trong lồng son, gác tía. Thái tử đã từng phụ tá đắc lực cho đức vua các công việc triều chính không chê vào đâu được. Việc gì cũng đâu ra đó, phân minh, khúc chiết, rạch ròi bởi trí tuệ quán thông và trái tim mẫn cảm. Thái tử đã lần dò tận cùng nguyên nhân của đói nghèo và lạc hậu để tìm ra kế sách tuyệt hảo cho sự thịnh cường đất nước. Một bức tranh toàn thiện, toàn mỹ chỉ mới phác thảo mà ai cũng có thể hình dung, thấy rõ trước mắt; nhưng hội đồng trưởng lão đa phiếu chống thì biết làm thế nào? Họ chống nhưng chẳng có lời phản vấn nào là có thực chất, có trọng lượng. Khôn ngoan hơn thì họ im lặng bỏ về. Có đau lòng không chứ? Đau lòng cho cái tâm địa con người. Trách thái tử ở điểm nào? Đức vua Suddhodana rất tiếc, là biết đâu nhờ đam mê vào công cuộc cải cách, thái tử phải ở lại vương vị để lo cho dân cho nước. Ôi! Người tính không bằng Thượng đế tính... Còn một lý do sau cùng nữa, là đức vua muốn có một đứa cháu trai nối dõi - thì nay cũng đã vô hiệu hóa mất rồi: Yasodharā sắp sinh, mà bà Gotamī tiên đoán là con trai! Vậy ta còn hy vọng gì mà níu kéo thái tử ở lại với cuộc đời này nữa. Đức vua Suddhodana vô cùng sầu não...

Đêm ấy, đức vua chìm vào một giấc mộng dài; trong giấc mộng ấy, bảy hiện tượng lạ lùng, cái nọ tiếp cái kia xảy ra như một dòng chảy không gián đoạn.

Hiện tượng thứ nhất, vua trông thấy một lá cờ to lớn, sắc màu chói sáng, treo trên cái cột cao tại hoàng cung. Hào quang của trời Sakka từ thiên cung rọi xuống, sáng lấp lánh... Chợt có một cơn gió thổi qua, lá cờ bị cuốn phăng, rơi ra xa. Lát sau, có một vị thiên bay đến, lượm lá cờ ấy lên đem treo ở cửa thành Đông.

Hiện tượng thứ hai, vua trông thấy mười thớt tượng to lớn, uy nghi, đĩnh đạc từ phía Nam đi đến làm rung động, chao đảo cả mặt đất. Trên thớt tượng đi đầu có bóng một người ngồi: Ấy là thái tử Siddhattha!

Hiện tượng thứ ba, vua trông thấy một cỗ xe dát châu báu, sáng ngời hào quang, thắng bốn con ngựa trắng đẹp đẽ, sang trọng; mũi ngựa thở ra lửa và khói. Người ngự trên cỗ xe ấy là thái tử Siddhattha!

Hiện tượng thứ tư, vua thấy có một bánh xe rất to, nạm ngọc, nạm vàng tỏa ngời hào quang. Bánh xe lăn không ngừng, vừa lăn vừa nháng lửa.

Hiện tượng thứ năm, vua thấy một chiếc trống rất to đặt giữa con đường từ hoàng cung lên núi. Thái tử Siddhattha nắm cái dùi sắt để đánh trống. Tiếng trống vang như sấm động, vang cả chín tầng mây.

Hiện tượng thứ sáu, vua thấy một pháo đài uy nghi vừa cổ kính vừa mới mẻ đột ngột từ đất mọc lên. Rồi nó cao lên, vươn cao lên mãi tận hư không, có mây lành ngũ sắc bao phủ xung quanh. Thái tử Siddhattha đứng trên pháo đài ấy, hào quang xung quanh như mặt trời, mặt trăng; chàng rải hoa Biruṇa và ngọc lựu, hương thơm ngào ngạt. Muôn triệu bóng người lô nhô, chen chúc nhau để lượm hoa... và ai cũng hát ca, tươi vui, sung sướng...

Hiện tượng thứ bảy, vua nghe tiếng người khóc la thảm thiết, nhìn lại thì thấy sáu người trong phục sức đạo sĩ - đang khóc nức nở, vừa khóc vừa đưa hai tay bụm miệng lại.

Đức vua Suddhodana rất lo sợ. Bình thường, những giấc mộng trong đêm, sáng ngày đã quên hay chỉ còn nhớ mường tượng; nhưng bảy hiện tượng của giấc mộng dài đêm qua, đức vua lại nhớ rõ mồn một, nhớ rõ từng chi tiết. Năm nay, đức vua đã tám mươi sáu tuổi rồi, có chết cũng phải lẽ. Mọi vinh quang, hạnh phúc hay niềm đau, nỗi khổ của đời người, đức vua cũng đã từng nếm trải - có ra đi trong lúc này cũng vừa đủ, chẳng còn chi phải ân hận, tiếc nuối. Nhưng còn thái tử? Đức vua lại lo sợ có điềm triệu nào chẳng lành xảy đến cho chàng chăng?

Bình minh vừa rạng, đức vua đã cho bố cáo khắp kinh thành, ai là người đoán mộng giỏi, hãy vào cung đoán mộng cho đức vua, sẽ được trọng thưởng. Có một số thầy bà-la-môn tìm đến. Vua kể lại giấc mộng, họ đăm chiêu suy nghĩ, sau đó cúi đầu lặng lẽ xin rút lui. Họ không đoán được những hiện tượng lạ lùng ấy, chúng chưa hề có trong sách vở. Ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa có một số thầy bà-la-môn lác đác tìm đến; nhưng nghe xong họ cũng cung kính lắc đầu, từ giã... Đức vua cảm thấy bất an, càng ngày như càng nghe lửa cháy thiêu đốt ở trong lòng. Chợt, linh cảm mách bảo, đức vua đến điện thờ Simhābanu, đốt đèn, xông trầm rồi quỳ xuống, chắp tay khấn nguyện:

“- Đây có lẽ là những điềm triệu phi thường mà người trần mắt thịt không thể nào đoán được. Vậy xin thiên thần tiên tổ ở trên cao rủ lòng thương xót, hiện xuống để giải giấc mộng này cho trẫm. Dù sự thật có thế nào chăng nữa, trẫm hoàn toàn chấp nhận...”

Lời nguyện vừa dứt thì ở ngoài cung xuất hiện một đạo sĩ cao lớn, râu tóc như tuyết, mặc áo da cọp oai phong lẫm lẫm... không biết từ đâu đến, chẳng xưng tên họ, nói với thị vệ:

- Hãy đưa ta vào cung triệu kiến đức vua, ta sẽ giải cho ngài nghe bảy hiện tượng của giấc mộng.

Đức vua Suddhodana vừa thoáng thấy vóc dáng oai phong, đĩnh đạc nhưng toát ra vẻ thanh cao, thoát phàm, đoán là thần nhân - nên vội bước ra, ân cần mời ngồi... rồi kể tự sự từng chi tiết một cho đạo sĩ nghe.

Chuyện vừa chấm dứt, đạo sĩ cung tay xá rồi thốt lên:

- Bần đạo xin có lời chúc mừng đến đại vương! Giấc mộng với bảy hiện tượng kia đều là điềm lành tất thảy!

Đức vua thở ra, nhẹ nhõm.

Đạo sĩ tiếp lời:

- Điềm thứ nhất. Lá cờ hào quang chiếu sáng của trời Sakka tượng trưng cho lý tưởng tôn giáo mấy ngàn năm nay ở quốc độ này - mà, vị chúa chư thiên của chúng ta hằng kính ngưỡng, tôn thờ; nhân gian hằng cung kính, lễ bái, cầu nguyện... Nói rõ hơn, đấy là kinh điển Vệ-đà, đạo bà-la-môn với tín ngưỡng Phạm thiên. Lá cờ thiêng liêng ấy lại rơi đi, có nghĩa là mai này, lý tưởng tôn giáo cũ sẽ mất hết giá trị, mất hết mọi uy lực. Lá cờ rơi đi, lại được chư thiên đem cắm vào một nơi khác - ý nghĩa biểu tượng muốn nói rằng, sẽ có một lý tưởng khác, tín ngưỡng khác, tôn giáo khác... thay cho truyền thống cũ. Người mà làm được việc ấy phải có trí tuệ vô song, cao viễn; muôn triệu năm mới xuất hiện một lần. Người ấy đang ở tại quốc độ này, kinh thành này. Và chính là thái tử Siddhattha, chứ không phải ai khác.

Điềm thứ hai. Mười thớt tượng cao sang, đẹp đẽ, tỏa rạng hào quang, với từng bước đi làm rung động cả quả đất - là tượng trưng cho mười pháp ba-la-mật mà thái tử đã tu tập từ vô lượng kiếp trước đến nay đã hoàn tất, đã viên mãn. Thái tử ngồi trên thớt tượng đi đầu, uy nghi, hùng dũng... chứng tỏ là nhờ năng lượng mười ba-la-mật ấy, ngài sẽ đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác; không những quả địa cầu rung động mà rung động cả ba ngàn thế giới...

Điềm thứ ba. Thái tử trấn ngự trên cỗ xe đẹp đẽ, có bốn thớt ngựa kéo, mũi chúng phun lửa và khói: Đây tượng trưng cho giáo pháp tứ diệu đế mà thái tử sẽ chứng ngộ sau này. Sự chứng ngộ ấy không phải đơn giản, phải trải qua trường kỳ khổ hạnh, nếm mật, nằm gai, cam go, nghiệt ngã... mới thành tựu được (mũi phun lửa và khói).

Điềm thứ tư. Một bánh xe lớn có hào quang, lăn đi, xẹt lửa: Đấy là tượng trưng cho giới luật được đức Phật vị lai chế định. Giới luật ấy, tùy lúc, tùy nghi, tùy từng giới phạm, tùy từng quốc độ... trên bước đường hoằng hóa mà thiết lập ra nhằm đối trị những hiện tượng xấu ác (lăn đi, xẹt lửa) xảy ra trong tăng chúng. Bánh xe có hào quang hàm chỉ giới luật ấy sáng rỡ, nghiêm minh... để cho muôn phương tứ chúng y chỉ, nương nhờ...

Điềm thứ năm. Thái tử lấy cái dùi sắt đánh cái trống lớn - tượng trưng cho đức Phật sau này sẽ dóng tiếng trống Chánh pháp vang động khắp các cõi.

Điềm thứ sáu. Pháo đài từ lòng đất mọc ra rồi cao lớn, lừng lững giữa hư không - tượng trưng cho tính chất vừa tại thế vừa xuất thế của tòa nhà giác ngộ. Sự giác ngộ ấy phải được mọc từ đất, từ lòng người, từ thế gian, từ khổ đế của trần gian mà vươn lên... như hoa sen mọc từ đáy bùn nhơ. Tòa tháp giác ngộ vươn thẳng lên giữa hư không, lồng lộng giữa mây trời... tượng trưng cho sự chứng ngộ của đức Phật đã vượt khỏi trời người, là thầy của họ. Tại chỗ ấy, trên đỉnh tháp ấy, đức Phật sẽ tuyên giảng giáo pháp, ban bố châu ngọc đến cho tất cả chúng sanh (thái tử rải hoa thơm đến cho muôn triệu người).

Điềm thứ bảy. Sáu người khóc la và bụm miệng lại - đó chính là lục sư ngoại đạo. Khi giáo pháp đã được đức Phật tuyên thuyết rồi, như mặt trời soi rọi vô minh đêm tối thì mọi tà giáo trên thế gian sẽ không còn có đất dụng võ nữa...

Giải mộng (1)cho đức vua xong, đạo sĩ tủm tỉm cười, cất giọng ôn nhu, điềm đạm:

- Tâu đại vương! Như dòng nước tự nguồn cao đổ về, chúng là sự kết tụ của biết bao nhiêu là giọt nước từ khắp các khe rãnh, hang hốc, suối ngàn... Dòng tâm của thái tử từ vô lượng kiếp trước đã kết tụ mười năng lực ba-la-mật vĩ đại... nên sẽ không có một sức mạnh nào trên thế gian có thể ngăn chặn được. Nước sẽ tìm về biển lớn, ấy là điều chắc thật. Dòng tâm kết tụ mười năng lực ba-la-mật sẽ trôi chảy về biển giác, ấy là điều chắc thật. Thái tử của chúng ta, mai sau, sẽ là đức Chánh Đẳng Giác cứu độ muôn loài. Đại vương nên vui đi mới phải!

Nói xong những điều cần nói, đạo sĩ từ từ thụt lùi, cái bóng của ông ta nhòa dần rồi mất hẳn.

Đức vua Suddhodana chợt dụi mắt, rùng mình. Không biết điều vừa xảy ra là thật hay chiêm bao? Nghĩ lại lời giải mộng, đức vua lẩm bẩm: “Ông đạo sĩ đã nói rất đúng. Nếu quả thật dòng tâm với mười sức mạnh ba-la-mật ấy thì chẳng ai có khả năng ngăn cản được. Nó sẽ về biển giác! Ôi, trước sau gì con ta cũng sẽ ra đi thôi!”

Tuy nhiên, lát sau, đức vua lại nghĩ: “Hơn nửa thế kỷ làm vua, ta chưa hề đầu hàng, bỏ cuộc, chưa hề yếu đuối trước bất kỳ ý chí của một ai khác. Chính hoàng đế Kosala cũng phải nể trọng ta về điều ấy. Điềm triệu chứ chưa phải là hiện thực. Vậy ta phải phản kháng điềm triệu ấy, đánh bại ý chí xuất gia của thái tử dù sức cùng, lực tận.”

Về phần thái tử, suốt thời gian ấy, chàng luôn kề cận, chăm sóc Yasodharā cho nàng yên tâm dưỡng thai. Có lẽ đây là những ngày tháng cuối cùng chàng biểu lộ thâm tình với một người - mà chàng biết đã cùng kết tóc se tơ, cùng chung niềm vui, nước mắt, đã cùng thương yêu dìu dắt nhau qua bao kiếp luân hồi, sinh tử. Cái đẹp tuyệt vời ở nơi nàng không chỉ ở ngoại hình tuyệt mỹ mà còn ở nơi tâm hồn, cá tính và cả hiểu biết nữa. Nhưng trước sau gì cũng phải từ giã. Tiếng gọi sâu thẳm từ kiếp nào đã hiện về trong ba giấc mộng của chàng. Chúng như lời cảnh tỉnh, bảo với chàng rằng là đừng có chần chờ, lần lữa mãi trong vòng vây của hữu hạn, của sinh già bệnh chết nữa....

Trong tháng cuối, trước khi sinh, theo phong tục truyền thống thì Yasodharā phải về quê mẹ; nhưng bà Amitā Pamitā nói là đường xa sợ động thai nên thuyết phục hai đức vua là nên phá bỏ cổ lệ ấy. Quyết định đúng đắn đó được hoàng tộc hai bên tán thành. Thế là bà Amitā Pamitā yên tâm ở hẳn Kapilavatthu để chăm sóc con gái. Cả hai bà mẹ bấy giờ dường như ở hẳn trong Cung Vui; hằng ngày hướng dẫn thị nữ chăm lo thức ăn, vật uống tránh những gì quá cay, quá nóng hoặc quá mát lạnh ảnh hưởng thai nhi. Đặc biệt là giữ không khí tươi vui, yên bình; không để cho bất kỳ chuyện trái ý, nghịch lòng nào xảy đến cho Yasodharā.

Mấy ngày trước lúc lâm bồn, hai viên ngự y tài giỏi được đức vua Suddhodana cử sang cũng phải túc trực ở bên cạnh. Một bà mụ mát tay nhất của cung đình cũng nhận nhiệm vụ như vậy.

Yasodharā rất tươi tỉnh, không biểu hiện một lo lắng, sợ hãi nào làm ai cũng yên tâm. Đức vua Suddhodana cũng không ngồi yên được, đi tới đi lui mãi. Cái cảm giác sẽ có một đứa cháu nội, niềm mơ ước bấy lâu, làm cho lòng đức vua bổi hổi, bồi hồi. Không đừng được, vua bảo quân hầu cho thắng xe để ngài sang thăm cô con dâu.

Thái tử ân cần đón đức vua từ ngoài sân. Đức vua cao lớn, phương phi, mạnh khỏe - nhưng thái tử còn cao hơn cả nửa cái đầu. Dấu ấn của dòng giống Aryan hiện rõ nơi vóc dáng, nước da, sống mũi, màu mắt xanh của thái tử đậm nét hơn đức vua.

Sau khi ghé thăm Yasodharā một lát, quan sát thấy mọi sự được chuẩn bị chu đáo, đức vua hài lòng, tỏ ra khen ngợi hai bà mẹ không hết lời.

Khi chuẩn bị về cung, đức vua nói với thái tử:

- Con sắp có một bổn phận mới, bổn phận làm cha; ấy là bổn phận thiêng liêng nhất, con nhớ đấy!

- Dạ, con hiểu.

- Là dòng giống thượng đẳng, nó cần có một chương trình giáo dục tốt, xứng đáng - để khỏi hổ thẹn với tổ tông.

- Dạ, con hiểu.

Trầm ngâm một lát, như đã quyết định, đức vua lại phán:

- Sau khi đứa trẻ ra đời, ta sẽ chọn ngày giờ hoàng đạo để con chính chức đăng quang vương vị, không thể chậm trễ hơn nữa... - Giọng ngài như chợt chùng xuống - Ta đã già quá rồi, lực đã suy, trí đã giảm. Con phải biết thương yêu gia đình, vợ con, cha mẹ, huyết thống và cả giang sơn này nữa chứ!

Đức vua không tỏ ra quyết liệt đề cập đến chuyện xuất gia của thái tử là “chuyện trái đạo”, là “ý tưởng lãng mạn siêu hình” như vài hôm trước đây; mà ngài đã khôn khéo sử dụng tình cảm! Thái tử cũng biết giấc mộng của đức vua và lời giải của vị đạo sĩ lạ mặt. Như vậy, sử dụng tình cảm là biện pháp cuối cùng, đức vua muốn làm mềm yếu ý chí của chàng đây!

Hôm ấy, một bầu không khí yên lặng bao phủ Cung Vui. Mọi người đi vào đi ra đều cẩn trọng, nhẹ nhàng. Yasodharā vừa kêu bụng đau dữ dội thì viên quan ngự y liền xem mạch và thông báo giờ sanh...

Bà mụ, hai bà mẹ và mấy thị nữ ở phòng trong. Hai viên ngự y và một số thị nữ khác túc trực ở phòng ngoài. Thái tử ngồi cách xa mấy liếp cửa, tuy không nghe gì nhưng cũng cảm thấy nôn nao khó tả. Trái tim chàng như chùng xuống. Thái tử đi lui đi tới nghe lòng mình như lửa đốt. Một sự lo lắng, bất an mơ hồ nào đó như từng lớp sóng trào lên, trào xuống, không chịu ở yên. Ôi, mẹ chàng, bà Mahāmāyā, lúc sinh chàng, nghe nói là nhẹ nhàng lắm. Tuy nhiên, sinh đẻ, đẻ sinh là cửa ải mà bất cứ chúng sanh nào cũng phải bước qua. Riêng người mẹ thì phải vượt biển một mình với biết bao nhiêu là phong ba, bão táp. Vượt qua được là sống, không vượt qua được thì đành giao phó sinh mạng cho tử thần. Lắm lúc được mẹ lại mất con. Nhiều khi được con thì mất mẹ. Có trường hợp thì mất cả mẹ lẫn con. Ôi! Thật kinh khiếp thay là sự sinh! Sự sinh này cũng là một sứ giả mang đến sự kinh hoàng cho nhân thế. Cũng là động lực cuối cùng giúp ta xuất gia, giúp ta dũng mãnh thực hiện con đường vô thượng. Ta phải tìm cho ra lộ trình bất tử...

Lúc thái tử cố điều hòa hơi thở để trấn áp cảm xúc thì phía bên trong chợt im lặng dị kỳ. Yasodharā ra sao rồi? Nàng có mệnh hệ gì không? Chàng lắng tai nghe, vừa lo lắng vừa sợ hãi xen lẫn. Bỗng nghe tiếng khóc của em bé vọng lại...

Lệnh bà Gotamī mở cửa bước ra, nhìn chàng mỉm cười:

- Mẹ tròn con vuông đấy, hoàng nhi! Nó bước ra chỉ như duỗi tay, duỗi chân vậy đó! Một cậu con trai thật kháu khỉnh.

Thái tử lau mồ trán, thở dài, nhẹ nhõm:

- Con rất cảm ơn mẹ!

Thái tử cúi đầu tưởng tượng hình bóng đứa con trai trong tâm tưởng. Chàng không biết mình có vui hay không, nhưng đây là cả một việc trọng đại. Nhất là đối với chàng, có một đứa con sẽ có một ràng buộc. Có một đứa con, phụ hoàng sẽ làm lễ đăng quang cho chàng lên ngôi vua, sẽ là sự ràng buộc thứ hai... Bất chợt, thái tử thốt lên: “Rāhulo jāto bandhanaṃ jātan ti āha”(1)(Con trai ra đời, sự ràng buộc cũng sanh đến cho ta).

Tiếng của lệnh bà Gotamī thoảng bên tai thái tử:

- Hoàng nhi sẽ đặt tên cho nó chứ?

- Phải, thưa mẹ! Hoàng nhi sẽ hội ý với Gopā.

Lát sau, thái tử được phép vào thăm hai mẹ con. Niềm vui nào đó sáng ngời trong đôi mắt của Yasodharā. Đứa bé nằm một bên, được bọc trong tấm lụa màu hồng điều trông xinh xắn, bụ bẫm, đôi mắt tròn to, xanh đen, đẹp như một tiểu thiên thần.

Thái tử bước đến, mỉm cười nhìn Yasodharā rồi cúi xuống, đưa tay vuốt nhẹ lên má đứa con của mình với một tình cảm dạt dào.

- Nàng có khỏe không, Gopā?

- Vâng, thiếp khỏe. Và thiếp sung sướng lắm!

- Ta cũng vậy. Có cái gì đó lâng lâng ở trong ta. Đây là cảm giác lạ lùng đầu tiên trong đời, Gopā.

Thái tử nhè nhẹ bế đứa trẻ vào trong vòng tay của mình với cả sự nâng niu và trân trọng. Ôi, cái sự sống này sao mà mong manh quá! Một mầm sống đang nứt lên, nẩy mầm và hiện thành một chúng sanh. Đằng sau mầm sống này là gì? Nó ở đâu mà đến cuộc đời này? Rồi phải chịu già, bệnh, chết... niềm vui, nước mắt... để lại ra đi nữa? Trong cuộc tử sinh chìm nổi vô định ấy bao giờ khổ cũng nhiều hơn vui? Rồi còn những thống khổ, đọa đày khi lỡ tạo những ác nghiệp rồi chịu đựng quả báo khốc liệt trong các con đường dữ? Nhưng mà, dẫu thế nào chăng nữa, tình cảm huyết thống thiêng liêng này, quả thật, nó như là sợi giây cột buộc, trói chặt ta ở lại mãi trong cuộc luân hồi tử sinh vô tận này hay sao? Ôi! Thế là những đám mây ưu tư lại u ám, nặng trĩu trong lòng chàng.

- Có thể đặt tên cho nó là Rāhula được không, Gopā?

- Rāhula? Yasodharā mở lớn mắt - Rāhula! Ồ được lắm chứ! Nàng im lặng một lát - Chàng đặt tên cho con trai là “Ràng buộc” nhưng thiếp biết chẳng có gì trên đời này ràng buộc chàng được cả!

Nghe giọng của Yasodharā có vẻ hờn dỗi, thái tử dịu dàng:

- Thôi mà, Gopā! Nàng hiểu ta quá mà.

Im lặng khá lâu giữa hai người. Yasodharā nín hơi nhẹ, thở dài:

- Thái tử yên trí, thiếp đã chuẩn bị tâm lý rồi. Có Rāhula, thiếp không còn sợ cô đơn nữa đâu.

- Nàng rất tuyệt vời, rất kỳ diệu, Gopā! Ta biết nàng đã thông cảm cho ta từ lâu rồi mà.

Thái tử đã quyết định xuất gia. Năm ấy chàng vừa đúng hai mươi chín tuổi.



(1)Giải đoán những giấc mộng này có lẽ là về sau, trong giai đoạn kết tập hay chú giải – vì thuở ấy Tứ diệu đế chưa có!

(1)Buddhavaṃsaṭṭhakathā - trang 280

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/02/2019(Xem: 7838)
Thuở xưa có một ông vua hiền đức, cai trị công bằng, dân chúng trong nước sống thanh bình. Một hôm, dưới sự đề nghị của cận thần tả hữu, vua triệu tập tất cả trưởng lão tôn túc của các tôn giáo trong nước. Khi tất cả có mặt đầy đủ, vua nói:
14/08/2018(Xem: 7485)
Kinh Vị Tằng Hữu của Bắc tông và Tăng Chi Bộ Kinhcủa Nam Tông đều có ghi rằng trong cuộc đời của một vị Phật CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC có 4 lần sự kiện vi diệu này xảy ra. Mỗi lần như thế, có một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm thế giới của chư Thiên, thế giới Ma vương và Phạm thiên, quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến những thế giới ở chặng giữa bất hạnh không có nền tảng, tối tăm u ám, mà tại đấy, mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu ánh sáng. Trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thâm diệu thắng xa uy lực chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh, sanh tại đấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây".
03/02/2018(Xem: 16614)
Tương quan là có quan hệ qua lại với nhau, tương cận là mối tương quan gần gủi nhất. Vấn đề này, mang tính tương tác mà trong Phật giáo gọi là: “cái này có thì cái kia có, cái này sinh thi cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt…”
06/01/2018(Xem: 15514)
Vài suy nghĩ về việc học chữ Phạn trong các Học Viện Phật Giáo Việt Nam_ Lê Tự Hỷ
22/05/2017(Xem: 53827)
Trong bước đầu học Phật, chúng tôi thường gặp nhiều trở ngại lớn về vấn đề danh từ. Vì trong kinh sách tiếng Việt thường dùng lẫn lộn các chữ Việt, chữ Hán Việt, chữ Pali, chữ Sanscrit, khi thì phiên âm, khi thì dịch nghĩa. Các nhân danh và địa danh không được đồng nhứt. Về thời gian, nơi chốn và nhiều câu chuyện trong sự tích đức Phật cũng có nhiều thuyết khác nhau làm cho người học Phật khó ghi nhận được diễn tiến cuộc đời đức Phật. Do đó chúng tôi có phát nguyện sẽ cố gắng đóng góp phần nào để giúp người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần.
19/03/2017(Xem: 7699)
Là người mới bắt đầu học Phật hoặc đã học Phật nhưng chưa thấm nhuần Phật pháp chân chính, chúng tôi biên soạn quyển sách nhỏ này, nhằm hướng dẫn cho người cư sĩ tại gia tập sống cuộc đời thánh thiện, theo lời Phật dạy. Chúng tôi cố gắng trình bày các nguyên tắc này theo sự hiểu biết có giới hạn của mình, sau một thời gian ứng dụng tu học cảm thấy có chút an lạc. Để giúp cho người cư sĩ tại gia thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình đối với gia đình người thân và cộng đồng xã hội. Trước tiên, chúng ta cần phải có một niềm tin vững chắc sau khi học hỏi, có tư duy sâu sắc, có quán chiếu chiêm nghiệm như lời Phật dạy sau đây: Này các thiện nam, tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quan sát, suy tư và thể nghiệm. Chỉ khi nào, sau khi thể nghiệm, quý vị thực sự thấy lời dạy này là tốt, lành mạnh, đạo đức, có khả năng hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán; nếu sống và thực hiện theo lời dạy này sẽ đem đến hạnh phúc, an lạc thực sự ngay hiện tại và về lâu về dài,
19/03/2017(Xem: 7173)
Nói đến đạo Phật là nói đến tinh thần nhân quả, nói đến sự giác ngộ của một con người. Con người sinh ra đủ phước báo hay bất hạnh là do tích lũy nghiệp từ nhiều đời mà hiện tại cho ra kết quả khác nhau. Mọi việc đều có thể thay đổi và cải thiện tốt hơn nếu chúng ta có ý chí và quyết tâm cao độ. Tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này là một dòng chuyển biến liên tục từng phút giây, không có gì là cố định cả. Một gia đình nọ, hai cha con cùng dạo chơi trong khu vườn nhà của họ. Bổng nhiên đứa con hỏi bố: “Bố ơi bố, nhà chúng ta có giàu không ạ?” Ông bố nghe xong liền mỉm cười, xoa đầu cậu con trai, rồi nói: “Bố có tiền, nhưng con không có. Tiền của bố là do bố tự mình siêng năng tích cực làm ra bằng đôi bàn tay và khối óc, được tích lũy trong nhiều năm tháng. Sau này con muốn giàu có như bố, trước tiên con phải học và chọn cho mình một nghề nghiệp chân chính, con cũng có thể thông qua nghề nghiệp của mình mà kiếm được tiền.”
17/03/2017(Xem: 7009)
1-Người Phật tử, phải thắng sự lười biếng bởi thái độ ỷ lại hay dựa dẫm vào người khác mà cầu khẩn van xin để đánh mất chính mình. 2-Bất mãn là thái độ thiếu khôn ngoan và sáng suốt, người trí càng nổ lực tu học và dấn thân đóng góp nhiều hơn nữa khi mọi việc chưa được tốt đẹp để không bị rơi vào trạng thái tiêu cực. 3-Người Phật tử chân chính, cương quyết phải thắng sự thiếu quyết tâm khi muốn làm việc thiện vì đó là trách nhiệm và bổn phận của người có lòng từ bi hỷ xả.
16/03/2017(Xem: 7123)
1-Người Phật tử hãy nên nhớ, sở dĩ con người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm do không tin sâu nhân quả và tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc. 2-Nếu chúng ta không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không thể làm cho ta phiền muộn khổ đau, vì ta đã có cây kiếm trí tuệ nhờ nghe và biết chiêm nghiệm để rồi tu sửa. 3-Người Phật tử dù thắng trăm vạn quân cũng không bằng chiến thắng những thói hư tật xấu của mình, đó là chiến công oanh liệt nhất mà người đời ít ai làm được. 4-Chúng ta hãy luôn cám ơn nghịch cảnh vì chính khó khăn đó đã giúp cho ta có cơ hội quay lại chính mình, nhờ vậy tâm ta an tĩnh, sáng suốt mà tìm ra phương hướng để khắc phục.
14/03/2017(Xem: 6122)
Ngài là Thái tử, tên Sĩ Đạt Ta Có mẹ có cha, giống như mọi người. Mẹ là hoàng hậu, Thánh mẫu Ma Da Đức vua Tịnh Phạn, là cha của Ngài. Ngày rằm tháng tư, Thái tử ra đời Sinh xong bảy ngày, hoàng hậu sanh thiên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]