Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Sự chuẩn bị cho Bardo

05/06/201317:42(Xem: 3471)
06. Sự chuẩn bị cho Bardo

HÀNH TRÌNH GIÁC NGỘ

Tu tập Phật pháp trong cuộc sống hằng ngày
TULKU THONDUP
Harold Talbort biên soạn - Bản Dịch Việt Ngữ: Tuệ Pháp


PHẦN MỘT
DẪN NHẬP 

6

SỰ CHUẨN BỊ CHO BARDO


Buổi nói chuyện tại Ðiện Maha Siddha Nyingmapa, Hawley, Mass., vào ngày 22 tháng 3 năm 1992. Chương này dựa căn bản trên DM, NS (192a/ 1 – 195b/ 3 & 387b/ 3 – 396/ 3), TRD (quyển Vam, 200a/ 4 – 264b/ 6), GC, BN, KZM, và PM.


CÁC GIAI ĐOẠN CỦA CẬN TỬ VÀ SAU KHI CHẾT

Bardo trong tiếng Tây Tạng có nghĩa “trạng thái trung gian” hay “giai đoạn chuyển tiếp”. Trong ngữ cảnh của giáo lý về bardo, nó biểu thị chủ yếu giai đoạn giữa cuộc sống này và cuộc sống kế tiếp. Theo Phật giáo, sau khi bạn chết sẽ trải qua một bardo, một giai đoạn chuyển tiếp, và sau đó bạn sẽ tái sanh trong một kiếp sống khác. Với cuộc sống hiện tại, bạn có rất nhiều quan niệm đúng hoặc sai, cũng như rất nhiều thông tin về cuộc sống bạn như thế nào và bạn đang kinh nghiệm gì. Nhưng bạn không biết gì và rất ít quan tâm đến giai đoạn cận tử và những kiếp sống tương lai của bạn. Dù vậy, bạn chỉ còn ở đây vài ngày, vài tháng, hay vài năm... và sau đó bạn sẽ ở trong bardo và những kiếp tương lai mãi mãi. Vào lúc này điều bạn nên làm nhất là học biết cách để trải qua giai đoạn bardo và đi đến các kiếp tương lai như thế nào, và nhất là có thể chuyển hóa những kiếp sống tương lai thành hạnh phúc và trí tuệ trường cửu cho chính mình và người khác.

Trước khi đi vào việc tóm lược về bardo, tôi muốn làm rõ một vài điểm.

Trước tiên, trong kinh điển Phật giáo Tây Tạng có nhiều định nghĩa chi tiết và phân loại bardo, nhưng không nhất thiết rằng mọi người sẽ kinh nghiệm tiến trình lộ ra trong bardo một cách giống nhau. [Lấy ví dụ,] sau khi sinh vài năm, một đứa bé ở phương Tây sẽ bắt đầu đi học, rồi vào đại học, sau đó làm việc rồi lập gia đình, và kết thúc với việc về hưu. Nhưng không phải mọi người đều đi qua tiến trình sống giống nhau như vậy. Sự mô tả trong những trang sau đây chỉ trình bày những kinh nghiệm của một số đông người bình thường, và phần lớn trong số đó đều trải qua một cái chết tự nhiên.

Thứ hai, trong rất nhiều kinh điển của đạo Phật Tây Tạng bardo được phân loại thành sáu bardo riêng biệt, và trong một số các bản văn khác là bốn bardo. Ở đây chúng ta sẽ nói về hệ thống bốn bardo.

Thứ ba, mặc dù bardo thực tế là trạng thái giữa hai kiếp sống, giữa đời này và đời kế tiếp, kinh điển cũng xem tự thân cuộc sống hiện nay của chúng ta là một bardo. Vì trong lúc bardo hiện hữu giữa hai kiếp sống, bản chất của nó là như huyễn và lang thang không có một thân để nương tựa và nơi cố định để trụ – đây cũng là những đặc tính đúng với cuộc sống này theo nhiều nghĩa.

Bạn có thể nghĩ: “Tôi có cuộc sống thế này, thế này..., tôi sống trong nhà tôi, với gia đình tôi...” Nhưng trong thực tế bạn chỉ trải qua một thời gian nào đó trong cái thân thể như nhà trọ này của bạn, trong một thế giới mong manh huyễn ảo. Bạn tụ họp cùng với gia đình và bạn bè cũng giống như những khách du lịch theo mùa, vì nghiệp lực đã đưa các bạn đến với nhau cũng giống như những chiếc lá khô tụ lại trong một góc bởi cơn gió mùa thu. Song, chẳng mấy chốc các bạn sẽ ra đi về những hướng khác nhau và sẽ không bao giờ trở lại với nhau, ngay cả với những thân thể mà các bạn hết sức yêu quý này cũng vậy thôi. Do vậy, cuộc sống hiện tại của bạn cũng giống một bardo, một trạng thái như mộng, và đó là lý do tại sao kinh điển đã phân loại nó như một bardo.

Cuối cùng, nếu nhận ra thật tánh của tâm và hình tướng vào bất kỳ giai đoạn nào trong bốn bardo, bạn sẽ không đi vào giai đoạn kế tiếp của bardo, vì bạn sẽ tức thời giải thoát và đạt được Phật tánh.

Bốn bardo gồm có: (1) bardo của cuộc sống, nghĩa là cuộc sống hiện tại của chúng ta; (2) bardo cận tử, (3) bardo của bản tánh tối hậu và (4) bardo của sự trở thành.

BARDO CỦA ĐỜI SỐNG

Bardo của đời sống bắt đầu từ lúc bạn thụ thai và kết thúc vào lúc khởi đầu tiến trình chết. Do vậy, toàn bộ cuộc sống bạn là bardo đời sống. Nếu bạn thực hành Giáo Pháp thiền định nói chung, và nhất là những tu tập mật truyền trong giai đoạn bardo đời sống này, bạn sẽ có thể đạt giác ngộ, Phật tánh thậm chí có khả năng là ngay trong cuộc sống này.

Theo giáo lý Dzogpa Chenpo, trong chân lý tuyệt đối, bản tánh tối hậu của toàn thể pháp giới là nhất như. Nó là sự hợp nhất của bản tánh tối hậu, hoàn toàn rộng mở, hoặc tánh Không, và năm trí với năng lực tự nhiên của nó, năm ánh sáng nội tại. Nhưng vì không nhận ra chân lý, bạn phân biệt chúng như chủ thể và đối tượng, bị thiêu đốt với cảm xúc bám luyến, gây hấn, và nhầm lẫn (tham, sân, si) mọc rễ trong sự chấp ngã. Như một kết quả, toàn thể pháp giới xuất hiện trước tâm nhị nguyên của bạn như năm nguyên tố trong hình ảnh chủ thể và khách thể, và trở thành nguồn gốc của đau khổ và khích động.

Nếu bạn nhận ra và hoàn thiện tánh giác nội tại, thật tánh của tâm là sự hợp nhất của hoàn toàn rộng mở, lãnh vực tối hậu, và trí tuệ với ánh sáng nội tại của nó thì sau đó thậm chí ngay trong chính đời này bạn sẽ trở thành một vị Phật và sẽ không cần đi hết lần lượt các bardo. Trong trường hợp đó, không chỉ tâm bạn đạt trạng thái toàn giác mà còn đạt được ánh sáng nội tại của thân trí tuệ. Kết quả là, nếu muốn, bạn có thể chuyển thân thô nặng hiện tại của bạn qua nhiều phương pháp khác nhau thành loại thân ánh sáng (loại này hay loại khác), bao gồm điều được gọi trong kinh điển là “thân cầu vồng”, “thân ánh sáng”, và “đại chuyển hóa”. Hoặc bạn có thể đến cõi tịnh độ không cần để lại thân. Mà bạn cũng có thể đạt toàn giác mà không cần phô diễn các dấu hiệu vật chất hoặc siêu tự nhiên. Dĩ nhiên những loại thành tựu này cực hiếm, và chúng ta không nên nói ra một cách khinh suất.

Trong bardo cuộc đời của người bình thường, bạn có thể có cả năng lực và kiến thức để đem lại một tương lai an bình và hạnh phúc. Nhưng nếu không tận dụng cuộc sống, bạn có thể rơi vào kinh nghiệm của nhầm lẫn, sợ hãi, và đau khổ trong các bardo và các kiếp sống ở phía trước bạn. Thế nên, đừng để lãng phí bất kỳ thời gian nào, bạn phải cố gắng đạt tối thiểu một số kinh nghiệm tâm linh, kiến thức, và sức mạnh của sự rộng mở, thanh bình, hoan hỷ, lòng bi, sùng kính, nhận thức tích cực, và trí tuệ. Đó là suối nguồn duy nhất để tạo nghiệp công đức, trí tuệ bên trong, điều đó sẽ cải thiện cuộc sống này và trang bị cho bạn đối mặt với những bardo kế tiếp và các kiếp tương lai.

Bạn cũng phải cố gắng thấy và cảm nhận cuộc sống này như một kinh nghiệm bardo, thấy và cảm nhận nó không thật, giống như giấc mộng do tâm bạn tạo ra. Điều này sẽ giúp bạn nới lỏng sự bám chấp và thèm khát cuộc sống này. Bằng cách đó, khi những kinh nghiệm cận tử và các bardo sau khi chết xảy đến, bạn sẽ có thể thấy chúng như những giấc mộng, và thấy chúng quen thuộc, điều khiển chúng dễ dàng. Vì khi bạn nhận ra giấc mộng chỉ là giấc mộng, tác động của ác mộng sẽ bị vô hiệu.

Theo Phật giáo Đại Thừa nói chung, sau khi đạt được thân người quý báu, điều quan trọng trước tiên là tìm thấy một vị thầy đức hạnh đáng tin cậy. Sau khi tìm được, bạn phải học hỏi giáo lý, suy nghĩ thấu suốt và đạt đến kinh nghiệm qua thiền định. Về mặt vật chất, điều quan trọng là phải từ bỏ cuộc sống trần tục và mở rộng tâm bạn bằng quan điểm giác ngộ đến tất cả với tình thương, hoan hỷ, lòng bi, và bình đẳng, và tu tập sáu pháp ba-la-mật: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ. Ngài Jigme Lingpa khấn nguyện:

Trong bardo cuộc sống, cầu mong con có được một cuộc sống tâm linh,

Kính lễ Lama,

Dựa trên trí tuệ của việc nghe, suy nghĩ, và thiền định,

Và rèn luyện trong sự từ bỏ, tâm giác ngộ, và sáu ba-la-mật.

BARDO CẬN TỬ

Bardo cận tử khởi đầu từ lúc bắt đầu tiến trình chết và kết thúc vào lúc xuất hiện bardo của bản tánh tối thượng.

Nếu bạn đã nhận biết cao, không đi vào kinh nghiệm của bardo cận tử, qua năng lực thiền định bạn có thể hợp nhất giác tánh nội tại với sự hợp nhất của lãnh vực tối thượng và trí tuệ, đó là Phật tánh. Nếu thành tựu sự hợp nhất này qua thiền định chuyển di tâm thức (’Pho Ba) bạn có thể chuyển tâm thức mình thành một cõi tịnh độ thiên đường của chư Phật và tái sanh ở đó.

Nếu không, bạn sẽ đi qua kinh nghiệm của những bardo, và điều đó có thể bao gồm tiến trình sau. Khi tiến trình cận tử bắt đầu, năm năng lượng sinh lực (khí) của thân bạn bị đảo lộn, và bạn đi qua hai giai đoạn tan rã. Giai đoạn thứ nhất là sự tan rã năng lượng của những yếu tố vật chất và sự suy yếu chức năng của các giác quan. Giai đoạn thứ hai là sự tan rã của nhận thức và cảm xúc tinh thần.

Về sự tan rã của các yếu tố vật chất, trước tiên yếu tố đất tan hòa vào yếu tố nước. Vào lúc này, bạn cảm thấy mất năng lượng đất hay sự nối kết với yếu tố đất trong thân bạn, chính là sự vững chắc, mạnh mẽ và nâng đỡ. Bạn cảm thấy chính bạn hòa tan vào hay di chuyển đến năng lượng nước. Điều này kèm theo một cảm giác rơi xuống, mặt đất phía dưới mở ra và bạn không thể ngồi hay đứng dậy, bạn mất thăng bằng và trở nên tái nhợt. Đó là lý do tại sao người hấp hối thường van nài: “Làm ơn kéo tôi dậy, tôi cảm thấy bị chìm.” Có thể bạn cảm thấy đang chìm xuống và bị che phủ, và có thể bạn chứng kiến những hình tướng giống ảo ảnh.

Thứ hai, yếu tố nước hòa tan vào yếu tố lửa. Vào lúc này bạn cảm thấy mất năng lượng hay kết nối với yếu tố nước, chính là sự ẩm ướt và duy trì. Bạn cảm thấy rất khát nước. Nước bọt nhỏ giọt. Nước mắt chảy ra rồi khô cạn. Đó là lý do tại sao người hấp hối thường yêu cầu: “Hãy cho tôi nước. Tôi khát.” Bạn có thể cảm thấy ngộp, kích động và chứng kiến những hình tướng như khói.

Thứ ba, yếu tố lửa hòa tan vào yếu tố gió. Vào lúc đó bạn cảm thấy mất năng lượng hay kết nối với yếu tố lửa, là sự ấm áp, sung mãn và nồng nhiệt, và thân nhiệt bạn mất. Hơi nóng rút từ những bộ phận xa nhất của cơ thể hướng đến trái tim. Bạn không thể thấy các đồ vật, và mọi sự giống như tia lửa đỏ trên nền tối.

Thứ tư, yếu tố gió hòa tan vào ý thức. Vào lúc đó bạn cảm thấy mất năng lượng hay kết nối với yếu tố gió, là sự di chuyển và nhẹ nhàng. Bạn cố hết sức để thở và mắt trợn lên. Hơi thở thường kết thúc với ba hơi thở dài, và vào lần thở thứ ba, bạn hít vào lần chót và không thể hít lại lần nữa; điều đó chấm dứt hơi thở trong cuộc sống này. Vào lúc đó bạn có thể thấy những ảo giác trong nhiều hình dạng sợ hãi khác nhau hoặc những cái thấy hoan hỷ và có thể chứng kiến những hình tướng như lửa cháy.

Nếu nghiệp sống của bạn chưa hết và bạn đang đi qua tiến trình cận tử vì những lý do xảy ra bất ngờ (rKyen), thì ngay cả đến giai đoạn này bạn vẫn có thể sống lại qua các phương tiện y học hay tâm linh. Nhưng nếu đã vượt qua giai đoạn này, bạn không thể sống lại được. (Tuy nhiên, có những hoàn cảnh phi thường, người ta đã đi xa hơn nhiều và vẫn sống trở lại.)

Về giai đoạn thứ hai, sự tan rã của nhận thức và cảm xúc tinh thần, khi hơi thở bạn đã ngừng và tâm, ý thức đã mất sự kết nối của nó với năng lượng của các yếu tố vật chất, năng lượng tụ lại của kinh mạch giữa (Tạng: rTsa, Sanskrit: ndi ), năng lượng (rLung, prṇa), và tinh chất (Thig Le, bindu) trong thân thô nặng cũng sẽ bị phân tán. Kết quả là ba loại tan rã tinh thần hay thu rút sẽ xảy ra trong ba giai đoạn: vi tế, vi tế hơn, và vi tế nhất. Những sự tan rã này gợi ra ba kinh nghiệm tâm thức mà trong bản văn đặt tên là hình tướng, gia tăng và đạt được.

Trước tiên là ý thức tan rã vào hình tướng (sNang Ba). 25 Vào lúc này bạn nhận thức mọi sự đều như màu trắng. Nó không giống như ánh sáng ban ngày, sáng trắng hay chiếu sáng, mà chỉ như thể mọi sự có màu trắng hoặc hơi trắng, giống như ánh sáng mặt trăng trong bầu trời không mây. Vào lúc này những tư tưởng gây hấn hay thù hận ngừng lại.

Thứ hai, hình tướng tan rã vào sự gia tăng (mCh’ed Pa). Vào lúc này bạn nhận thức mọi sự như màu đỏ hay hoe đỏ, giống như ánh sáng của mặt trời lặn trong bầu trời không mây. Vào lúc này niệm tưởng tham lam hay bám luyến ngưng lại.

Cuối cùng sự gia tăng tan rã vào đạt được (Thob Pa), và mọi sự trở nên tối đen, giống như bầu trời không mây của một buổi tối mùa thu. Lúc này, niệm tưởng si mê ngưng lại.

Sau đó kinh nghiệm của trạng thái đạt được dẫn bạn vào một trạng thái vô thức, nền tảng phổ quát.

Nếu nhận ra, bạn sẽ không rơi vào vô thức và kinh nghiệm tối đen của giai đoạn đạt được có thể tan hòa hoặc xuất hiện như tánh quang minh nguyên sơ (gZhi gNas Kyi’od gSal), chúng ta sẽ bàn luận đến điều này sau.

Những người bình thường nên đối phó với những giai đoạn tan rã này như thế nào? Trước tiên, bạn phải nhận ra rằng mình đang ở trong tiến trình cận tử. Bạn nên cố gắng tiếp nhận những kinh nghiệm tan rã càng bình thản càng tốt. Bạn phải cố nhớ rằng mọi hình tướng và kinh nghiệm của bardo đều do tâm bạn tạo ra, giống như những giấc mộng. Bạn không nên bám luyến chúng, không bị kích động bởi chúng hoặc sợ hãi. Với an bình và tự nhiên, bạn nên theo dõi hoặc hợp nhất với thật tánh của tâm bạn, an định và trong sáng, thay vì chạy theo và bám chấp vào những niệm tưởng và kinh nghiệm.

Bạn phải nhớ lại các suối nguồn tâm linh của bạn, như chư Phật, chư tổ, giáo lý, và kinh nghiệm, và sử dụng những kinh nghiệm, ký ức đó như sự hỗ trợ tâm linh cho bạn. Hãy cố nhớ lại các thiền định tâm linh của chính bạn, mọi kinh nghiệm tâm linh và năng lượng, và hợp nhất với chúng. Hãy cảm thấy rằng chư Phật, các vị thầy, và Bổn tôn hiện diện cùng bạn mọi lúc và các Ngài đang bảo vệ và dẫn dắt bạn. Từ nơi các Ngài, hãy để ánh sáng của an bình, rộng mở, mạnh mẽ, và hoan hỷ đến với bạn, tràn đầy bạn, và chuyển hóa bạn thành thân của an bình, rộng mở, mạnh mẽ và hoan hỷ. Sau đó cố buông lỏng trong thân tâm linh đó suốt tiến trình cận tử.

Một trong những điểm quan trọng nhất để nhớ lại là không được bám luyến vào, bị kích động, hay sợ hãi bất kỳ điều gì xảy ra trong bardo, mà hãy thấy mọi sự như một minh họa của cái thấy tâm linh và một nguồn kinh nghiệm tâm linh. Hãy sử dụng bất cứ tiếp cận và kinh nghiệm tâm linh nào mà bạn đã quen thuộc trong cuộc sống, đó là những thứ sẽ làm dễ dàng và nhiều hiệu quả hơn cho bạn.

Guru Rinpoche khuyên chúng ta thực hành và cầu nguyện đừng bám luyến bất cứ điều gì vào lúc chết, hãy nhớ lại thiền định của chúng ta, và hòa nhập bản tánh tối thượng của tâm mình với lãnh vực tối thượng:

Khi bardo cận tử hé lộ trên con,

Hãy từ bỏ bám luyến và bám chấp vào mọi thứ,

Con sẽ tập trung trên các hướng dẫn rõ ràng không dao động,

Và chuyển di giác tánh nội tại của con (thật tánh của tâm) vào không gian của lãnh vực tối thượng.

Bardo cận tử cũng là một thời điểm quan trọng để sử dụng thực hành phowa (“chuyển di tâm thức” đến cõi tịnh độ). Nếu bạn là một thiền giả phowa, bạn có thể tự thực hiện việc này cho chính mình. Nếu không, một người khác cũng có thể thực hiện phowa cho bạn. Nếu người nào khác đang thực hiện phowa cho người hấp hối, người đó phải cẩn thận chờ cho đến khi người sắp chết đã hoàn tất giai đoạn tan rã thứ nhất – sự tan rã các yếu tố vật chất – mới bắt đầu thực hiện, vì người sắp chết vẫn có thể chống cự lại cái chết và vẫn còn có hy vọng là người ấy sẽ sống lại. Trong trường hợp đó, sự thực hiện phowa có thể thúc đẩy cái chết của người ấy.

Trong thực hành phowa, với lòng bi, niềm tin, sùng kính, an định, và nhất tâm (chú tâm một điểm), hãy quán tưởng chính bạn như một thân thiêng liêng, như đức Vajrayoginỵ (hoặc là thân tướng bình thường của bạn) trong trung tâm của Cõi Phật Tịnh Độ Cực Lạc (Sukhvatỵ) đẹp đẽ và hạnh phúc. Hãy quán tưởng đức Phật Amitbha (Phật A-di-đà) – đức Phật Vô Lượng Quang – trên đỉnh đầu bạn. Ngài Jigme Lingpa viết:

Mọi nhận thức của con xuất hiện tự nhiên như Cõi Phật hoàn toàn thanh tịnh,

Cõi Phật Cực Lạc toàn bộ trang nghiêm.

Giữa trung tâm, con quán tưởng chính con là Vajrayoginỵ,

Với một đầu, hai tay, màu đỏ trong sáng cầm một dao cong (biểu tượng trí tuệ) và một sọ người (cực lạc).

Chân con trong tư thế tiến lên và ba mắt nhìn lên bầu trời.

Giữa thân con là kinh mạch trung ương,

Như thân một mũi tên tre đặc,

Rỗng không, trong sáng, trống rỗng, và sáng rực.

Phần tận cùng của kinh mạch trung ương được mở ra tại lỗ mở đỉnh đầu,

Và phần thấp nhất kết thúc tại rốn.

Trên nút thắt tại ngực

Trong trung tâm của một quả cầu khí (năng lượng) màu xanh lục

Là tánh giác của con (tâm) trong dạng một chữ HRỴῌ màu đỏ

Trên đỉnh đầu con dài khoảng một cánh tay (khoảng 6 tấc)

Con quán tưởng Đức Phật Amitbha (Phật A-di-đà – Đức Phật Vô Lượng Quang)

Trang nghiêm với những biểu tượng và dấu hiệu tốt đẹp nhất.

Con cầu nguyện đến Ngài với lòng sùng kính mãnh liệt.

Sau đó với năng lượng hoàn toàn sùng kính, hãy cầu nguyện đến Đức Phật Amitbha, chư Phật, Bồ Tát và những vị thầy giác ngộ khác. Vào lúc cuối, với sự tập trung một điểm, hét nhiều lần âm PHAṬ hay HIK, quán tưởng và cảm thấy tâm bạn trong dạng chữ HRỴḤ được bắn lên trên bằng lực của sùng kính và lực của khí (năng lượng), lặp lại nhiều lần, qua kinh mạch giữa và hòa nhập vào ngực, giữa thân của Đức Phật Amitbha (A-di-đà), giống như nước rót vào nước. Tin tưởng, cảm nhận và trụ trong kinh nghiệm là một – nhất như với Đức Phật.

Bạn có thể thực hiện phowa cho chính bạn, người khác có thể làm giúp bạn, hoặc cả hai cùng làm. Nhưng như tôi đã nói ở trước, chúng ta phải rèn luyện kỹ năng từ trước, nếu không khi thời điểm đại khẩn trương xảy đến mà bạn mới tìm kiếm một phương thức không quen thuộc thì khó có thể nhớ lại sự thực hành.

Ngoài ra, hãy luôn ghi nhớ rằng việc nhận ra chính mình như vị Phật, nhận ra sự nhất như với tâm đức Phật, hay nhận ra thật tánh của tâm, như đã dạy trong nhiều pháp tu khác nhau, chính là sự tu tập phowa tuyệt đối, là phương pháp chuyển di tâm hành giả đến cõi Phật.

BARDO CỦA BẢN TÁNH TỐI THƯỢNG

Quang minh của nền tảng hay tánh sáng trí tuệ nguyên sơ của nền tảng khởi lên sau khi chấm dứt hơi thở bên ngoài nhưng hơi thở bên trong vẫn còn chưa ngưng, khi một chút hơi nóng vẫn hiện diện tại ngực. Nếu nhận ra trí tuệ của nền tảng và duy trì nó, bạn sẽ được giải thoát khỏi ba trói buộc của luân hồi (saṃsara), cụ thể là trói buộc của thân vật chất, trói buộc của hiện tượng hình tướng, và trói buộc của tâm khái niệm.

Vì nghiệp quả kiếp trước, chúng ta sinh ra với thân thô nặng này và do đó ta tự trói buộc mình trong thân vật chất này.

Vì thói quen quá khứ, chúng ta bị nô lệ bởi những đối tượng mà chúng ta nhận thức và do đó ta tự trói buộc mình trong phạm trù của các hiện tượng hình tướng.

Vì ý thức tinh thần, chúng ta tự mình chìm đắm trong những tư tưởng cảm xúc phân biệt, và do đó tự trói buộc mình trong phạm trù của tâm khái niệm. Tánh giác nội tại của tâm bạn thoát ra qua lỗ mở trên đỉnh đầu và hợp nhất với lãnh vực tối thượng. Đây là sự thành tựu của sự hợp nhất trí tuệ giác ngộ và lãnh vực thanh tịnh khởi nguyên tối thượng. Sau đó không còn giai đoạn tiếp theo nào của bardo sẽ xảy ra với bạn.

Trong bardo của bản tánh tối thượng, trạng thái đầu tiên của sự đạt được tan hòa vào tánh sáng (’od gSal), đó là trong sáng và rộng mở, giống như bầu trời tinh khiết của một sáng sớm mùa thu. Nó được gọi là “quang minh của nền tảng” (gZhi gNas Kyi ’od gSal), và là quang minh của Pháp thân, sự thanh tịnh nguyên sơ. Vì mọi người đều có Phật tánh hoăc là vị Phật trong thật tánh của họ, khi mọi khái niệm và cảm xúc được tan hòa (như vào thời điểm này), sự thanh tịnh nguyên sơ và quang minh chiếu sáng cho mọi chúng sanh. Thậm chí một con côn trùng nhỏ nhất cũng sẽ kinh nghiệm sự thanh tịnh nguyên sơ và tánh sáng vào thời điểm chết. Với người đã nhận ra và kinh nghiệm, giai đoạn này mở ra cơ hội để nhận biết nó và được giác ngộ. Với người chưa nhận ra, dù vẫn kinh nghiệm nó nhưng họ có thể thậm chí không chú ý đến, và sự xuất hiện của nó cũng chẳng tạo bất cứ khác biệt nào cho họ.

Sau đó tánh sáng tan hòa vào hợp nhất (Zung ’Jug). Nó là sự hợp nhất của rộng mở (tánh Không) và hình tướng (ánh sáng). Trong đây, hình ảnh của các Bổn tôn phẫn nộ sẽ xuất hiện. Chúng ta nghe tiếng gầm của những âm thanh lớn như sấm sét. Mặc dù những hình tướng quang minh này là năng lực tự nhiên khởi lên từ sự rộng mở và thanh tịnh tự nhiên của chính tâm chúng ta – trong dạng nhất như và giác ngộ – và âm thanh là biểu lộ tự nhiên của tâm tự nhiên chúng ta, người không nhận ra sẽ ngất đi vì sợ hãi. Toàn bộ vũ trụ xuất hiện như một thế giới của ánh sáng chiếu ra rực rỡ, với những hình ảnh ánh sáng đẹp đẽ của Bổn tôn hiền minh trong vô số các vòng tròn ánh sáng ngũ sắc. Những chuỗi ánh sáng với vô số tia sáng xuất phát từ ngực các Bổn tôn và đến ngực chúng ta. Cuối cùng chúng ta cảm nhận tất cả các Ngài hòa nhập vào trong chúng ta.

Sau đó sự hợp nhất tan hòa vào trí tuệ (Ye Shes). Trong giai đoạn này, trước tiên chúng ta thấy từ ngực mình một tia ánh sáng rất mỏng trải dài vào bầu trời. Sau đó chúng ta sẽ thấy trong những chùm ánh sáng của bầu trời – xanh dương, trắng, vàng và đỏ – cái này chồng lên cái kia. Mỗi tia sáng được trang hoàng với một vòng ánh sáng màu sắc tương ứng kích thước bằng một tấm gương, cũng được trang hoàng bằng năm vòng ánh sáng, kích thước bằng hạt đậu. Đó là ánh sáng trí tuệ của trí tuệ lãnh vực tối thượng, trí tuệ như gương, trí tuệ của bình đẳng, và trí tuệ biện biệt. Ở trên đó, chúng ta sẽ thấy một lọng ánh sáng ngũ sắc của ngũ trí, giống như cái lọng bằng lông công.

Sau đó trí tuệ tan hòa vào trạng thái thành tựu tự nhiên của bậc trì minh (Lhun Grub Rig ’Dzin). Lúc này, chúng ta sẽ thấy bốn chùm ánh sáng hòa nhập thành năm ánh sáng như cái lọng ở trên. Kế tiếp, những hình ảnh biểu tượng sau đây xuất hiện như một tánh sáng phản chiếu trong gương. Chúng ta cảm giác đang thấy các hình tướng của Dharmakya, sự thanh tịnh bổn nguyên, được biểu tượng hóa bằng bầu trời trong suốt không mây trên không trung. Phía dưới đó, chúng ta thấy các cõi tịnh độ của Sambhogakya, sự thành tựu tự nhiên, biểu tượng hóa bằng những hình ảnh của các Bổn tôn hiền minh và phẫn nộ. Ở phía dưới nữa, chúng ta thấy các cõi tịnh độ của Nirmnakya, sự hiện diện tự nhiên, trong nhiều hóa thân khác nhau. Tại dưới đáy, chúng ta thấy thế giới của chúng sanh của sáu cõi bất tịnh. Vào lúc này chúng ta cũng có thể kinh nghiệm nhiều đức hạnh Phật hiện diện trong tâm chúng ta, như năm trí tuệ biết trước.

Phần lớn chúng sanh sẽ có tất cả kinh nghiệm này, nhưng trừ khi chúng ta nhận ra, chúng chỉ xảy ra như một tia chớp; chúng ta thậm chí không thể chú ý chúng, và chúng sẽ không lợi ích nhiều cho chúng ta. Nhưng nếu, khi chúng ta kinh nghiệm quang minh của nền tảng và hình tướng quang minh chúng ta nhận ra chúng như chúng là – rộng mở, nhất như, không phân biệt, không tạo tác hay bám chấp – thì chúng ta sẽ được giải thoát vào Phật tánh, và mọi hình tướng sẽ được giải thoát như năng lực tự nhiên của Phật tánh. Nếu không, một lần nữa chúng ta sẽ đi qua giai đoạn kế tiếp của bardo.

Sự thiền định quan trọng nhất xuyên suốt mọi bardo, và nhất là với bardo của bản tánh tối thượng, là nhận ra thật tánh của tánh sáng nền tảng và sự xuất hiện của nó, ánh sáng nội tại.

Khi chúng ta thấy ánh sáng hay nhiều loại hình dạng và âm thanh, nếu nhận ra chúng như năng lượng tâm giác ngộ của chính chúng ta, chúng sẽ xuất hiện như những maṇḍala Phật, bất khả phân từ tự thân tâm giác ngộ. Nhưng nếu thấy ánh sáng, hình tướng và âm thanh như những đối tượng tách biệt khỏi bản tâm, do bám chấp vào một bản ngã với những khái niệm nhị nguyên, chúng xuất hiện như nhiều hiện tượng khác nhau của các khái niệm thô nặng, cảm xúc phiền não và thế giới của năm yếu tố vật chất.

Thêm vào việc nhận ra bản tánh của ánh sáng, hình tướng và âm thanh, một điều cũng quan trọng là nhận ra giác tánh nội tại, bản tánh của tâm chúng ta đúng thật như nó hiện hữu, như thể chúng ta gặp lại một người bạn già thân thiết. Vì thế chúng ta sẽ nhận ra thật tánh của mọi sự. Sau đó chúng ta sẽ siêu việt các khái niệm của hiện hữu và phi hiện hữu và sẽ đạt Phật tánh, trạng thái giải thoát thường hằng. Đức Guru Rinpoche khuyên chúng ta thực hành và cầu nguyện như sau:

Khi bardo cận tử hé lộ trên con,

Hãy buông bỏ mọi sợ hãi và kinh hoàng,

Con sẽ nhận ra mọi sự xảy đến như tự thân giác tánh nội tại tự hiện (năng lượng của thật tánh của tâm),

Và con sẽ nhận ra nó chỉ là các hình tướng của bardo.

Ngài Jigme Lingpa viết:

Nếu con phân tích bardo của bản tánh tối thượng,

Thì có nhiều khía cạnh để phân tích.

Nhưng, thay vào đó, nếu chỉ phân tích tự thân người phân tích,

Nó chẳng hiện hữu ở bất cứ đâu.

Nên cũng giải thoát khái niệm của không hiện hữu.

Đây là trạng thái thường giải thoát.

Ngài Longchen Rabjam viết:

Một yogi đạt giải thoát trong chính kiếp sống này,

Tan rã yếu tố đất vào nước, nước vào lửa, lửa vào gió, gió vào thức, và thức vào tánh sáng;

Sau đó, hợp nhất với (sự hợp nhất) trí tuệ và lãnh vực tối thượng

Họ vĩnh viễn an tâm trong trạng thái của bổn nguyên (Phật tánh).

Vì lợi ích của người khác, giống như một giấc mộng, trí tuệ với hai thân Phật

Xuất hiện đến chúng sanh như các phẩm tánh Phật để phục vụ họ.

Bạn có thể nghe và đọc những sách về kinh nghiệm cận tử [ở phương Tây]. Chúng đáng kinh ngạc thay! Truyền thống bardo của Tây Tạng tối thiểu cũng được một ngàn năm, và những kinh nghiệm cận tử [ở phương Tây] là một chủ đề mới, nhưng nhiều khía cạnh lại giống nhau trong cả hai tài liệu, ngôn ngữ gần như giống hệt nhau. Tuy nhiên giáo lý bardo đi sâu hơn nhiều. Chúng trình bày những nguyên nhân và kết quả của nhiều giai đoạn bardo khác nhau và đi vào tận cùng của chúng thay vì chỉ đưa ra một ý niệm khởi đầu. Nói riêng, giáo lý bardo dẫn dắt chúng ta trong việc làm thế nào chuẩn bị và đối phó với những hoàn cảnh để cải thiện các kinh nghiệm bardo và kiếp sống tương lai của chúng ta.

Trong bardo cận tử và bardo của bản tánh tối thượng chúng ta chứng kiến nhiều loại ánh sáng và hiện tượng hình tướng khác nhau. Nhưng với nhiều người, nhất là người đã nhận biết, họ không ở trong cách nhận thức chủ thể – đối tượng. Người đã nhận ra (giác ngộ), thấy và cảm nhận chúng như sự hợp nhất. Bạn có thể thấy và cảm nhận hàng trăm sự việc cùng lúc. Bạn có thể thấy và cảm nhận mọi sự, không cần thiết phải qua đôi mắt mà là sự toàn bộ, như thể tất cả đều ở phía trước bạn. Tất cả là sự hoan hỷ, cực lạc, nhất như và rộng mở – không phân biệt, giới hạn, xung đột, hay đau khổ. Bạn càng nhận biết cao thì bạn càng thấy hàng ngàn sự việc cùng lúc. Trái lại, nhiều người trong hoàn cảnh như vậy chỉ hoàn toàn kinh nghiệm sự đau khổ, sợ hãi, và chịu đựng.

Khi tôi nói “ánh sáng”, bạn có thể nghĩ về những chùm tia sáng hoặc hiện tượng như ánh sáng mặt trời bắt nguồn từ nơi nào đó. Nhưng trong nhận biết thực sự, bạn không nhận biết ánh sáng này như những đối tượng – những đối tượng của nhãn thức v.v... Bạn đang nhận biết ánh sáng như một sự trong sáng và quang minh, đó là an bình, hoan hỷ, cực lạc, rộng mở và nhất như, và trí tuệ tỏa khắp. Và bạn là ánh sáng và ánh sáng là bạn, hợp nhất. Đây là sự hợp nhất của bản tánh rộng mở (tánh Không) và trí tuệ và hình tướng xuất hiện tự nhiên (ánh sáng nội tại). Nguyên lý này là nền tảng thực sự dựa vào đó mà Phật giáo Mật tông nói về tính bất nhị, ánh sáng tự nhiên, sự trong sáng, xuất hiện tự nhiên, hiện diện tự nhiên, nhận biết cùng lúc, tự hiện, vô sanh, và toàn giác.

Trong bardo, tâm bạn mất kết nối với năng lượng thân thể, và cấu trúc của thân vật chất không kiểm soát hay ảnh hưởng đến chuyển động tâm thức bạn. Nếu bạn đã chuẩn bị tinh thần tốt trong cuộc sống thì trong bardo năng lực và tác động của nhận biết tâm linh bạn sẽ ảnh hưởng nhiều trong việc cải thiện tiến trình cuộc sống bạn hơn bây giờ. Tâm bạn sẽ hùng mạnh và rộng mở hơn hướng đến bất cứ mục tiêu nào bạn sẽ tập trung vào, vì chúng đi cùng với nhau.

Ngay cả nếu không nhận ra thật tánh của các kinh nghiệm bardo, nếu bạn chỉ nghĩ với một tâm sùng kính: “Chúng là Phật tánh và các hóa thân Phật,” hoặc nói đơn giản, hãy suy nghĩ về chúng như những hiện tượng tích cực, thì chúng sẽ tạo ra an bình, hoan hỷ, và thảnh thơi trong bạn. Kết quả là, bạn sẽ đạt được sức mạnh và trí tuệ tâm linh. Bạn sẽ có thể điều khiển tiến trình bardo và sẽ dẫn đến một tái sanh tốt hơn.

Tối thiểu bạn nên tránh việc sợ hãi, rối loạn, hay bám luyến đến bất cứ kinh nghiệm hay hình tướng nào bằng suy nghĩ: “Tất cả chúng đều không thật. Chúng chỉ là sự tạo tác của tâm tôi.” Sau đó hãy cố gắng nhớ lại các hỗ trợ tâm linh của bạn, như các vị thầy, giáo lý, và trên tất cả là các kinh nghiệm thiền định của bạn với niềm tin, sùng kính, trung thực, và hoan hỷ. Ngoài ra, điều này sẽ làm bạn có thể điều khiển tiến trình bardo và dẫn bạn đến một tái sanh tốt hơn.

Nói chung, với người bình thường, các kinh nghiệm của cả hai bardo cận tử và bardo của bản tánh tối thượng có thể kéo dài từ một phần nhỏ của một giây đến vài phút, nhưng họ có thể cảm thấy chúng kéo dài lâu hơn. Nhận thức và kinh nghiệm của thời gian không cần thiết được đo lường theo một hệ thống khái niệm, cụ thể là những khái niệm mà chúng ta hiện có.

BARDO CỦA SỰ TRỞ THÀNH

Trong nghĩa phổ biến thuộc cộng đồng người Tây Tạng, đây là “bardo.” Đây cũng là bardo có thời gian dài nhất thuộc ba bardo sau, vì đối với nhiều người những kinh nghiệm của bardo thứ hai và thứ ba có thể chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn.

Nếu bạn là một người nhận biết cao hoặc ngay cả nhận biết vừa phải, bạn sẽ đạt giác ngộ trong bardo đời sống hoặc tối thiểu trong bardo của bản tánh tối thượng, và sẽ không đi qua bardo của sự trở thành. Nếu bạn là người có chút ít nhận biết, bạn có thể đi qua bardo trở thành rất nhanh mà không có kinh nghiệm đau khổ; do vậy, bằng việc nhớ lại nhận biết thiền quán của bạn, bạn sẽ tái sanh trong một biểu hiện tịnh độ (Rang bZhin sPrul sKu’i Zhing). Ở đó bạn sẽ nhận được ân phước của Ngũ bộ Phật và đạt Phật quả. Nếu là người chưa nhận biết và tâm thức bạn chưa được chuyển di đến một cõi tịnh độ bằng bất kỳ phương tiện nào khác, như phowa, bạn sẽ đi đến bardo kế tiếp, bardo của sự trở thành.

Người bình thường trong bardo thứ hai và thứ ba có thể có kinh nghiệm rơi vào vô thức (hôn mê) [thay vì kinh nghiệm tánh quang minh của nền tảng, như nó là] và bị kinh hoàng bởi những xuất hiện của âm thanh, ánh sáng, tia sáng, và hình ảnh của những Bổn tôn. Thậm chí bạn không dám nhìn hay cảm nhận thật tánh và những hình tướng của thật tánh chính bạn, mà lại chống đối đấu tranh với chúng như những đối tượng – đối tượng trong hình thức của các thế lực xung đột.

Sau đó từ lực của không nhận biết (Ma Rig Pa) bản tánh tối thượng, tánh sáng của nền tảng, bạn cảm thấy sự xuất hiện của năng lượng yếu tố gió, lửa, nước và đất trong chính bạn, và chúng được đi theo bởi những tư duy của si mê, tham dục, và sân hận. Ý thức bạn, hay tâm, sẽ thoát khỏi thân thô nặng qua một trong chín cửa. (Cửa tốt nhất để thoát ra là qua lỗ mở đỉnh đầu hay thóp trên đỉnh đầu). Do kết hợp cùng với các năng lượng này và ý thức, bạn sẽ cảm thấy về mặt tâm thức bạn có một thân có đầy đủ mọi giác quan. Ngay cả một số kinh điển cũng nói về một thân vi tế (hay thân ánh sáng nhẹ), nhưng phần lớn đều đồng ý rằng nó là một thân tâm thức hay thân hình dung, không có bất cứ hình tướng thật nào. Tuy vậy, bạn sẽ cảm thấy có một thân với một số ánh sáng của chính nó, và bạn sẽ không cảm thấy ánh sáng của mặt trời hay mặt trăng.

Sau đó, bạn có thể đi qua các kinh nghiệm sau. Cuộc sống và tâm thức bạn không ổn định hay bền vững và mọi thứ sẽ thay đổi từ lúc này sang lúc khác tùy theo sự thay đổi tư duy và ảnh hưởng nghiệp lực của bạn. Bạn sẽ đến bất cứ nơi chốn và người nào bạn nghĩ trong tâm thức, chỉ trừ khi nó vượt khỏi phạm vi nghiệp của bạn. Nếu bạn nghĩ “New York”, lập tức bạn sẽ ở ngay đó, chẳng cần tốn thời gian và nỗ lực để đi đến. Bạn khó có thể ở yên một nơi và tập trung trên bất cứ tư duy nào, vì bạn luôn di chuyển, trôi nổi và bị đẩy đi chỗ này chỗ kia. Bạn liên tục chạy, bay và di chuyển, như một sợi lông trong cơn bão, không có sự ổn định. Tâm bạn sẽ sắc bén hơn người bình thường và sẽ có một số loại tiên tri, biết được tư tưởng người khác; nhưng bạn sẽ có ít năng lực phân tích hay lập luận, vì thiếu sự ổn định của tâm thức. Tâm bạn có thể đi qua nhiều thay đổi của hạnh phúc và đau khổ, hy vọng và sợ hãi, thanh bình và khốn khổ trong mỗi một khoảnh khắc. Đôi lúc bạn hình dung sự nguy hiểm từ những nguyên tố như thể bạn bị chôn vùi dưới nhà, hang động, hay đất sụp, rơi và chìm trong nước, bị cháy trong lửa của cây hay nhà, và bị thổi bay trong gió bão.

Khi người chết thấy xác chết của họ, một số bám luyến vào nó, trong khi số khác lại ghét bỏ. Tuy nhiên, một số khác không nhận ra thi thể họ và một cách huyền bí thấy nó như một thân tướng khác, như là xác chết của một con vật.

Bạn cũng có thể thấy thực phẩm mọi lúc, nhưng không thể hưởng được trừ khi nó được hồi hướng cho bạn. Phần lớn bạn chỉ có thể hưởng được mùi của thực phẩm đó. Bạn sẽ cảm thấy cô độc, không an toàn và sẽ luôn đi tìm một nơi trú ẩn và ổn định. Khi bạn mệt mỏi vì bị cơn bão cảm xúc, tâm thức, nghiệp cuốn đi, bạn luôn tha thiết kiếm được chỗ trú ẩn hay tìm một chỗ để sinh ra, mà không quan tâm đến việc bạn đang bị mắc kẹt vào loại hoàn cảnh nào. Mỗi tuần bạn phải kinh nghiệm toàn bộ tiến trình chết nhiều lần, đặc biệt nếu đó là một cái chết thê thảm.

Ngoài ra, vào lúc bắt đầu, trong một thời gian dài, bạn không thực sự nhận ra bạn đã chết vì bạn có ít năng lực lập luận. Bạn có thể đi đến bạn bè, nhưng họ sẽ phớt lờ bạn. Bạn có thể đến bàn ăn, nhưng chẳng ai cho bạn ghế hay phục vụ thức ăn cho bạn.

Thông thường thời gian trong bardo này khoảng từ một tuần đến bảy tuần, nhưng cũng có thể ngắn hơn hoặc trong một số rất ít trường hợp lại lâu hơn. Trong phân nửa thời gian đầu, bạn sẽ cảm thấy có thân và sự kết nối với kiếp trước, và trong phân nửa thời gian thứ hai, bạn sẽ cảm thấy mình có thân và các kinh nghiệm của lần sinh sắp đến.

Khoảng giữa thời gian trụ trong bardo này, nhiều người trải qua việc đi đến phiên tòa của Tử Thần, vị Vua của Pháp luật (gShin rJe Ch’os rGyal), nơi bạn tái sinh sẽ được quyết định bằng việc kiểm tra các ghi chép nghiệp thiện và bất thiện trong quá khứ của bạn. Những người này chứng kiến người khởi tố và người bào chữa biện hộ hay chống lại những hành động công đức hay không công đức của họ, hỗ trợ sự tranh cãi của họ với nhiều bằng chứng khác nhau được đo lường bằng những viên sỏi, bàn cân và những tấm gương.

Ngoài ra, từ khoảng giữa thời gian trụ trong bardo này, năng lượng nghiệp và cảm xúc của bạn sẽ chỉ ra cõi tái sanh của bạn. Nếu thọ tái sanh nơi cõi trời, bạn sẽ thấy một ánh sáng trắng dịu. Tương tự bạn sẽ thấy ánh sáng đỏ nhẹ cho cõi a-tu-la, xanh dương nhẹ cho cõi người, xanh lục nhạt cho cõi súc sanh, vàng nhạt cho cõi ngạ quỷ, và ánh sáng màu khói xám cho cõi địa ngục.

Bạn cũng có thể thấy cõi sinh ra của bạn trong những giới hạn biểu tượng, có thể bao gồm như sau. Nếu bạn tái sanh vào cõi trời, bạn có thể cảm thấy như thể đi vào một lâu đài. Tương tự, bạn có thể thấy đi vào một bánh xe ánh sáng hay một trận chiến cho cõi a-tu-la, vào hang động trống rỗng hay lều bạt cho cõi súc sanh, một khu rừng, khúc cây, hay mền màu đen cho cõi ngạ quỷ, một hố đen hay một thành phố thép cho cõi địa ngục. Với cõi người bạn có thể cảm thấy như thể đi vào một hồ nước có thiên nga, ngựa, hay bò, hoặc đi vào màn sương, nhà cửa, thành phố, hoặc một đám đông người.

Khi thời khắc tái sanh xảy đến, bạn sẽ thấy cha mẹ bạn đang giao hợp, và bạn có thể cảm thấy ghen tức với người cha và thèm khát người mẹ, nếu bạn trở thành người nam, và ngược lại bạn sẽ thành người nữ. Cảm giác xúc cảm đó dẫn dắt bạn đi vào tử cung để thụ thai. Với sự noãn sinh, thấp sinh, và hóa sinh, sự sinh ra của bạn thường được dẫn dắt bởi lực cảm xúc của tham hay sân.

Làm sao chúng ta điều khiển được bardo trở thành? Trước tiên, điều quan trọng là phải nhận ra rằng bạn đã chết. Nếu hình ảnh bạn không phản chiếu trong gương, không có dấu chân trên cát hay tuyết, không có bóng bên cạnh thân bạn, và nếu người ta không đáp ứng bạn, thì đó là bạn đã ở trong bardo. Hãy cố gắng đừng buồn phiền và choáng váng, mà hãy cố tập trung vào bất kỳ một trong ba điểm quan trọng sau:

Trước tiên, hãy nhận ra bạn đang ở tại điểm chuyển tiếp quan trọng nhất của tất cả các kiếp sống tương lai và không thể để lãng phí một khoảnh khắc nào.

Thứ hai, hãy cảm thấy hoan hỷ về bất cứ con đường tâm linh nào bạn đã theo đuổi trong cuộc sống mình, vì điều đó sẽ là nguồn ánh sáng, hoan hỷ, và an bình to lớn của hôm nay.

Thứ ba, hãy nhớ lại một trong bất kỳ ba thực hành sau, tùy theo kinh nghiệm trong quá khứ bạn và sau đó an trụ với thực hành đó không xao lãng. (Nếu bạn là một người có nhận biết cao, chắc chắn bạn sẽ giác ngộ).

1. Nếu bạn là người có một số kinh nghiệm thiền định Mật tông, bạn sẽ thấy những ánh sáng này như ánh sáng trí tuệ chiếu sáng, hoặc chuyển chúng thành ánh sáng tỏa sáng của trí tuệ. Ngoài ra, bạn có thể thấy chư Phật của Ngũ bộ Phật, như đã nhắc đến trong Thưtrưl, và đạt được giác ngộ. Nếu bạn cố gắng thấy với niềm tin, thì bạn sẽ thấy chúng như vậy, vì tất cả là sự tạo tác của tâm trong bardo.

Do vậy, hãy nhớ lại sự sùng kính của bạn đến chư Phật, chư tổ, và sự thiền định. Hãy nhận ra mọi kinh nghiệm này là nhất như, và mọi âm thanh, sắc tướng đều là năng lực biểu hiện của nhất như đó. Hãy là một với chúng, không bám chấp hay chống lại qua một quan điểm chủ thể và đối tượng. Sau đó an trụ thanh thản trong trạng thái nhận biết đó. Hòa nhập vào nó lặp đi lặp lại nhiều lần.

2. Nếu bạn không phải là một thiền giả đã kinh nghiệm hay nhận biết, mà là một người có tu tập tâm linh, trước tiên bạn nên cố gắng an định tâm, kiên định và tập trung vào những hỗ trợ tâm linh, thay vì bị thúc đẩy đi khắp nơi như những người trong bardo hay bị.

Trong Phật giáo Mật tông Tây Tạng, có nhiều nghi lễ để vị Lama sẽ thực hiện cho người chết. Qua năng lực của cầu nguyện, tạo công đức, sùng kính, và thiền quán, vị Lama đem tâm của người chết vào một hình ảnh (hay một đồ vật) và làm ổn định họ với nó. Sau đó vị Lama ban giáo lý và ban quán đảnh để dẫn dắt tâm thức người chết đến Phật tánh, hoặc tối thiểu đến một tái sanh tốt. Nếu nghi lễ thiền định của vị Lama mạnh mẽ, và nếu người chết có đủ thiện nghiệp, nghi lễ sẽ có hiệu quả nhất.

Hãy nhớ lại và trụ trong bất kỳ niềm tin, thiền định, hay tư duy tâm linh và cảm nhận nào mà bạn quen thuộc. Nếu bạn có thể nhớ, cầu khẩn lòng bi và năng lực của chư Phật, Bồ Tát, những vị thánh, nhà hiền triết, các vị thầy tâm linh, và sự thiền định, những kinh nghiệm tâm linh của bạn sẽ hùng mạnh vào lúc đi một mình này. Bất cứ những tư duy tâm linh, ký ức, hay kinh nghiệm mà bạn có, sẽ phát sinh sức lực của an bình, hoan hỷ, sùng kính, lòng bi, nhận thức thanh tịnh, và trí tuệ trong bạn (đó là sự nhận biết của bản tánh tối thượng và tướng quang minh của nó). Lực đó dẫn bạn đến giác ngộ hoặc đến một tái sanh tốt hơn (giống như cảm xúc tiêu cực gây tái sanh vào cõi thấp). Lực đó có thể làm lệch hướng con đường tái sanh vào cõi thấp của bạn, ngay cả nếu điều đó đã được chọn. Bất kỳ những kinh nghiệm tâm linh và sức mạnh bạn đã có trong đời sống, chắc chắn sẽ đem lại kết quả vào lúc cần thiết này.

3. Nếu bạn không có kinh nghiệm tâm linh, khi kinh nghiệm những điều đang xảy ra này hãy cố gắng đừng trở nên giận dữ, rối loạn và sợ hãi, mà hãy thấy chúng chỉ như sự tạo tác của tâm, giống như một giấc mộng. Không ai sắp đặt tất cả bardo này như nơi đến của bạn; chúng chỉ là những hình ảnh ảo tưởng do chính tâm và cảm xúc tinh thần bạn tạo ra. Hãy cố gắng rộng mở, tích cực, an định và bình thản, thay cho khái niệm bám chấp, nhận thức tiêu cực, chạy theo và đấu tranh với cảm xúc thù hận, tham dục hay si mê. Hãy thương cảm những người khác cũng đang bị lang thang trong bardo mà họ không hay biết này. Nếu bạn có thể tạo ra hay duy trì trạng thái tích cực của tâm và năng lượng tâm linh như vậy, điều đó sẽ đem lại sự an định trong tâm bạn, giải phóng những năng lượng tiêu cực hay nghiệp trong bạn, và sự an bình trong tâm linh cùng ánh sáng sẽ nở rộ trong bạn, đem lại kết quả tái sanh vào một cõi hạnh phúc.

Bạn cũng phải cố gắng đảo ngược tiến trình thọ tái sanh vào các cõi thấp, nếu phải đối diện với chúng. Khi thấy các dấu hiệu tái sinh vào cõi thấp, ánh sáng dịu và các dấu hiệu, hay nơi chốn (hoặc cha mẹ) của nơi sinh trong một tái sanh thấp, điều quan trọng nhất là không nhiễm vào các tư duy cảm xúc của bám chấp, tham lam, bám luyến, căm thù, ghen tức, sợ hãi, rối loạn, v.v... Thay vào đó, hãy thấy tất cả với một tâm của tâm linh, một tâm của an bình, nhất như, và rộng mở. Hãy thấy chúng với an tĩnh bằng việc nhận ra chúng như những tạo tác của tâm bạn, hay thấy chúng như những hình tượng Phật nam hay nữ. Hãy cầu nguyện đến chư Phật và các vị thầy tâm linh để được các Ngài ban phước và hướng dẫn.

Bạn bè cũng có thể giúp bằng cách thực hiện những thực hành tâm linh, như thực hành phowa, tạo công đức, tịnh hóa những việc làm phi công đức, cầu thỉnh ân phước của chư Phật, niệm các bài nguyện, tụng niệm mantra, bố thí, cúng dường, phóng sanh, tạc tượng Phật, sao chép kinh điển Giáo Pháp, xây dựng các đài kỷ niệm tâm linh, từ bỏ việc làm không công đức, sau đó hồi hướng mọi hành động công đức này cho bạn và cho tất cả bà mẹ chúng sanh vì sự hạnh phúc và giác ngộ của họ. Bất cứ công đức nào họ có thể làm và hồi hướng cho bạn sẽ lợi ích bạn, vì bạn là nguồn cảm hứng để họ làm và hồi hướng cho bạn và cho tất cả bà mẹ chúng sanh với tâm thức của tình thương, rộng mở và lợi ích. Điều quan trọng cho bạn bè bạn là không suy nghĩ, đặc biệt là không nói hay làm điều gì có thể khởi động bất kỳ tư tưởng, cảm giác, hay cảm xúc tiêu cực trong tâm bạn, mà hãy suy nghĩ, và nhất là nói hay làm điều gì gợi cảm hứng an bình, hoan hỷ, và sức mạnh trong bạn.

Trong cuộc sống này, tâm thức tương đối ổn định vì có vị trí trong cấu trúc thân thể phàm tục này. Do vậy, nó dễ dàng có quan điểm tâm linh và thói quen qua thiền định. Nhưng cũng khó có cơ hội tạo một thay đổi lớn hay sự tiến bộ đích thực vì tâm thức bị mắc kẹt và được lập trình trong hệ thống của thân thể trần tục, cứng nhắc của chúng ta.

Song, trong bardo, tâm thay đổi nhanh chóng trong một điểm chuyển đổi tạm thời có tác động mạnh, không bị quy định bởi thân thể vật chất. Do đó nó dễ dàng thay đổi hay cải thiện chuyến hành trình tương lai của bạn. Nhưng nó cũng khó tìm thấy một con đường mới không quen thuộc và tập trung vào đó. Vì tâm không thân của bạn trôi nổi mau chóng và liên tục cuốn đi vòng quanh với tốc độ cao.

Thế nên, nếu có thể tập trung tâm bạn vào các quan điểm tâm linh và kinh nghiệm mà bạn có được trong đời này, trong lúc bạn vẫn còn có một nền tảng ổn định thì trong bardo những thói quen của kinh nghiệm đó sẽ dễ dàng tác động chuyến hành trình vào cuộc sống tương lai của bạn, bảo đảm một tương lai an bình, hạnh phúc, và trí tuệ to lớn.

May mắn thay, hôm nay bạn còn sống và tôi cũng còn sống. Chúng ta có cơ hội để chuẩn bị cho bardo và các kiếp tới của mình. Nếu chúng ta có kinh nghiệm an bình, hoan hỷ, sức mạnh và trí tuệ, thì khi thời điểm chết xảy đến, tất cả chúng ta sẽ có thể chào đón nó với suy nghĩ: “Ồ tuyệt vời thay, tôi đã chuẩn bị cho nó!” Tâm thức trong bardo trong sáng và hùng mạnh hơn, và kinh nghiệm của nó thì sắc bén hơn tâm thức hiện nay, vốn được lập trình trong hệ thống nhận thức riêng của con người và bị kẹt trong cấu trúc của thân bằng máu thịt. Do đó, nếu có được một số kinh nghiệm của Giáo Pháp trong cuộc sống chúng ta, thì trong bardo chúng ta sẽ hưởng kết quả của đại an bình và nhẹ nhàng, hoan hỷ và được tán tụng với những gì chúng ta đạt được khi còn sống trong thế gian này.

Nếu đó là an bình, rộng mở và trí tuệ trong tâm, mọi trạng thái tinh thần và hiện tượng chung quanh chúng ta có thể xuất hiện như những hình tướng tích cực. Năm cảm xúc của tâm chúng ta xuất hiện như năm trí tuệ, và năm nguyên tố của thân thể là năm ánh sáng nội tại, chư Phật và cõi Phật, năng lượng tự nhiên của trí tuệ. Hoặc tối thiểu, các hình tượng của chư Phật, Bồ Tát, Thánh nhân, Hiền triết, Lama, Dakini, và Daka sẽ dẫn dắt chúng ta đi qua bầu trời trong sáng đến cõi Phật an bình và hoan hỷ nhất với một đại hiển bày của cúng dường huyền diệu, âm nhạc thanh bình và các vũ điệu hoan hỷ, tràn đầy toàn bộ không gian. Giờ đây chúng ta sẽ đạt được năng lực đem an bình, ánh sáng và hoan hỷ đó đến tất cả các bà mẹ chúng sanh của chúng ta.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/02/2013(Xem: 4362)
Từ bi không chỉ là đồng cảm. Trên thực tế, nó là tâm hiểu được sự bình đẳng, bình đẳng giữa bản thân và người khác, giữa tốt và xấu, bình đẳng trong mọi hiện tượng nhị nguyên.
04/12/2012(Xem: 6861)
Để cho người bệnh có được một cái vốn căn bản, thì đầu tiên chúng ta nên cố gắng hướng dẫn cho người hộ niệm cái vốn căn bản vững vàng trước.
02/12/2012(Xem: 6297)
LỜI NHẮN NHỦ CỦA LÃO HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG Khi tai kiếp đến người đáng ở sẽ được ở, người đáng đi thì phải đi. Sống chết đều có số, phú quý mạng đã định, tránh không được, thoát không khỏi. Người số không bị nạn, dù đại tai kiếp đến vẫn được sống sót bình an. Điều duy nhất ở hiện tại có thể tự cứu và độ tha chính là nghe đại Kinh giải, y giáo phụng hành, lão thật niệm Phật, buông xả vạn duyên, cầu sanh Tịnh-độ. Công đức niệm Phật bất khả tư nghì. Chỉ có niệm Phật, sửa lỗi mới giảm bớt tai nạn. Những phương pháp khác không còn kịp nữa! Diệt trừ vọng niệm. Tất cả đều tùy duyên là tốt.
18/11/2012(Xem: 12132)
Quyển THIỀN TÔNG QUYẾT NGHI TẬP này do thiền sư Đoạn Vân Trí Triệt soạn vào đời Nguyên, được ấn hành vào niên hiệu Khang Hi thứ 6 (1667) đời Thanh, sau đó được xếp vào Đại Chính Tạng tập 48, trang 1009.
14/11/2012(Xem: 12738)
Ai cũng phải chết nên chết là điều đáng sợ. Tuy nhiên không phải ai cũng được trải qua tuổi già, nên dầu tuổi già còn đáng sợ hơn cái chết, người ta vẫn chúc tụng nhau sống lâu trăm tuổi, đầu bạc răng long. Vì không phải ai cũng thấy được những cái khổ của tuổi già.
08/11/2012(Xem: 17588)
Giáo phái Thanh Hải cũng có những hình thức có vẻ tương tự, mà mới nghe nói qua, ai cũng tưởng giống đạo Phật hay một đạo nào khác...
31/10/2012(Xem: 6000)
Đức Phật dạy chúng ta hãy vất bỏ mọi thái cực. Đó là con đường thực hành chân chính, dẫn đến nơi thoát khỏi sanh tử. Không có khoái lạc và đau khổ trên đường này...
13/10/2012(Xem: 10008)
Kinh Tứ Niệm Xứ là cốt lõi của Thiền Phật Giáo, có thể nói nếu không thông suốt tinh yếu của kinh này thì việc hành thiền sẽ như người lạc trong rừng sâu chỉ đi loanh quanh, khó tìm lối thoát.
12/10/2012(Xem: 3868)
Luật nhân quả khiến chúng ta phải trải qua những kết quả của việc ta đã làm. Những nơi mà chúng ta trải qua sự chín muồi của nghiệp được gọi là sáu cõi luân hồi.
10/10/2012(Xem: 10285)
Kamma hay nghiệp chỉ là hành động, một “việc làm”. Những hoạt động của chúng ta được thực hiện theo ba cách: bằng thân, bằng tâm, và bằng lời nói. Mỗi hành động quan trọng được thực hiện vì muốn có một kết quả, tức phải có một mục đích, một mục tiêu. Nghĩa là ta muốn có một điều gì đó đặc biệt xảy ra như kết quả của nó. Ước muốn này, cho dù có nhẹ nhàng thế nào chăng nữa, cũng là một hình thức của tham ái. Nó bộc lộ khát ái đối với sự hiện hữu và đối với hành động. Hiện hữu là để hành động ở mức này hay mức khác mà thôi. Sự sống hữu cơ bao gồm những hoạt động hoá học; sự sống tinh thần bao gồm những hoạt động tâm lý. Vì vậy, sự sống và hành động (nghiệp) không thể tách rời nhau.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]