Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 10: Ngôi Nhà Chung

14/11/201215:24(Xem: 8967)
Chương 10: Ngôi Nhà Chung

Susan Moon

THẾ LÀ GIÀ!
Thiền Quán Về Tuổi Già Với Chút Tự Trào Và Tự Hào
This Is Getting Old
Zen Thoughts on Aging with Humor and Dignity
Chuyển Ngữ:
Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam

Phần II:
Những Thay Đổi Trong Các Mối Liên Hệ

Chương 10: Ngôi Nhà Chung

Với thời gian, dầu tôi không liệu định như thế, nhưng ngôi nhà của tôi cũng đã trở thành ngôi nhà chung.

Tôi đã sống trong ngôi nhà này gần bốn mươi năm, chuyện mà hầu như chưa từng nghe trong thời đại của gia đình phân tán. Tôi luôn chia sẻ ngôi nhà với người khác và giờ tôi vẫn làm vậy. 

Kỷ nguyên đầu tiên trong ngôi nhà này là thời gian các con của tôi lớn lên. Năm 1972, tôi là một người mẹ mới ly hôn, có hai con nhỏ và tôi đã mua ngôi nhà này ở Berkeley, California, với sự giúp đỡ của cha mẹ tôi. Tôi sợ mình sẽ cảm thấy cô đơn nếu chỉ sống một mình với các con, nhất là khi cha chúng đã dọn đi ngay sau khi chúng tôi chia tay. Tôi cũng nghĩ rằng khi có những người lớn khác sống cùng nhà, cùng quan tâm đến lũ trẻ thì tốt hơn cho chúng. Tôi đã chọn một căn nhà bằng gỗ ấm cúng, có hơn bốn phòng ngủ nên khá lớn để có thể chia sẻ với người khác. Hai cây hồ đào già cỗi vươn cành che mái nhà sân sau.

Một số bạn bè dọn vào ở với tôi - và chúng tôi gồm bốn người lớn và ba trẻ em sống chung với nhau trong những năm đầu tiên. Các cây hồ đào cho nhiều trái, chúng tôi đem phơi khô ở tầng áp mái, rồi bỏ chúng vào trong bánh nướng. Tôi và một bà mẹ khác thay phiên nấu ăn cho các con. Một người ở cùng nhà đã vẽ hình ông mặt trời trên trần nhà bếp, với những tia nắng vàng tỏa chiếu.

Chúng tôi tổ chức các lớp học xoa bóp trên sàn phòng khách trước lò sưởi, các buổi tiệc tưng bừng với âm nhạc tự chế. Giờ tôi nhìn nhận đó có thể không phải là một khung cảnh gia đình ổn định nhất cho các con của tôi, nhưng ở Berkeley trong những năm bảy mươi, thì điều này có vẻ gần như bình thường. Chúng tôi đã vượt qua những giới hạn đáng sợ của gia đình hạt nhân.

Thời gian trôi qua, người đến rồi đi. Những người đến ở thường là bạn bè hoặc bạn của bạn. Xin kể đôi nét về họ. Một nghệ sĩ ngủ trong hành lang nhà bếp để sử dụng phòng mình làm xưởng vẽ. Một quý ông bỏ hàng giờ ở trong phòng thực hành liệu pháp phản xạ (reflexology) trên đôi chân của mình, đầu thì quấn khăn, mình mặc quần ống bó. Như thủy triều lên, xuống, cuốn theo các thiền giả, bạn trai, du học sinh, chó và mèo, trong khi bọn trẻ và tôi vẫn đứng trên bờ.

Những người không sống trong ngôi nhà này cũng biết đến nó. Các lớp học xoa bóp lại nhường chỗ cho những sự kiện bớt ồn ào hơn, giống như những buổi viết thư vì mục đích chính trị hàng tháng. Cũng có những buổi họp tại nhà về cuộc chiến ở El Salvador và các bữa ăn gây quỹ cho chiến dịch đình chỉ chương trình hạt nhân. Bọn trẻ và bạn bè của chúng chơi âm nhạc trong nhà với các nhạc cụ khác nhau. Suốt bao năm, tôi và ba người bạn, cùng với sự giúp đỡ của bọn trẻ, đã xuất bản một tạp chí hài hước dành cho gia đình với cái tên - Tỏi, Hơi thở của Công Chúng (Garlic, the Breath of the People) - trên bàn ăn, dán các bản vẽ và các cột bài đánh máy với sáp, chuẩn bị sẵn sàng để in. Chúng tôi có khoảng ba trăm độc giả đặt báo.

Căn nhà đã phát triển một nền văn hóa gia đình riêng của nó, giống như chất men để làm sữa chua hoặc bột bánh mì chua. Nếu bạn làm đổ gì đó lên các bàn ghế tiện nghi, nhưng đã cũ sờn thì điều đó không quan trọng mấy. Trong nhà lúc nào cũng có cái gì đó cần được sửa chữa - như một vòi nước rò rỉ, hoặc một bậc thềm gỗ sau nhà bị bể - nhưng ngôi nhà đó luôn có không khí chào đón thân thiện.

Nhiều khách trọ đã ngồi ở bàn trong nhà bếp với tôi. Họ lưu lại một, hai, hoặc ba năm, rồi cuối cùng cũng dọn đi. Khi các con của tôi cũng ra đi thì ngôi nhà dường như đánh mất ý nghĩa của nó. Tất cả những năm tháng chung sống với nhiều người khác nhau, tôi đã tạo được một mái nhà cho các con của tôi, nên đó cũng đã là nhà của tôi.

Giờ tôi cảm thấy nó quá rộng lớn, trống trải, không còn giống một mái nhà nữa. Tuy nhiên, nếu không phải là mái ấm, thì nó vẫn là nơi trú ngụ, nên tôi vẫn bám trụ. Một bạn học cũ người Senegal và mấy cậu con trai nhỏ của ông đã sống ở đây được một năm khi ông dạy tại trường đại học. Một đôi vợ chồng, bạn của bạn, đến từ Vermont trong một xe ngựa chở hàng do họ tự đóng, đã lưu lại đây mấy năm, để được gần cô cháu gái đang học ở Berkeley. Và các con trai của tôi cũng trở về thăm, đôi khi một thời gian dài.

Tôi luôn tiếp thu những bài học về vô thường, biến đổi. Ở những người khách trọ vừa mới đến, tôi đã biết họ sẽ sớm ra đi, thí dụ như người bạn đến từ Phi châu, dầu đã hứa ở đến một năm. Thỉnh thoảng tôi cũng có yêu cầu ai đó ra đi. Nhưng cũng có người tôi đã mong họ ở lại.

Tuy nhiên, tôi hiểu rằng tôi là chủ nhà. Tôi không thể có tất cả. Tôi không thể muốn khách trọ ở lại trong nhà theo thời hạn mà tôi định đoạt, không kéo dài hơn thế. Vì vậy, ngôi nhà này là một cộng đồng khác biệt, sở hữu của cá nhân. Có một thời điểm, tôi gần như thuyết phục bạn bè thân thiết mua lại nửa căn nhà, nhưng nó lại có những trở ngại về thuế.

Khi tôi đã sống trong ngôi nhà này được hai mươi lăm năm, tôi đã tổ chức một cuộc tái hợp mặt với tất cả những người đã từng sống ở đây, mà tôi có thể liên lạc được. Những người sống ở Chicago, đảo Prince Edward, Đan Mạch, Đức, Pháp, Senegal đã không đến, nhưng những người ở địa phương đã tới. Chúng tôi ngồi thành một vòng tròn lớn trong phòng khách và nhắc lại bao kỷ niệm: chẳng hạn chuyện con chó của tôi đã ăn phải một bụm thuốc lá của khách trọ, và đã té nhào ở bậc thềm cửa trước với một mảnh thuốc vẫn còn dính trên lưỡi mà ông khách cố kéo ra giúp nó; chuyện về cuộc thi nếm bánh sừng trâu; về các thanh thiếu niên từ Liên Xô đến thăm viếng vào lúc mà đứa con trai năm tuổi của tôi, đã dùng kéo cắt vòng tránh thai của một nữ khách trọ. Để kéo được tất cả cùng ngồi lại với nhau trong phòng khách cùng một lúc, để những câu chuyện chung sống như gia đình trong hai mươi lăm năm dồn nén lại trong phút giây, vừa tuyệt diệu vừa buồn bả. Là tôi hay chính là ngôi nhà đã tụ họp tất cả chúng tôi lại? Và tại sao, khi có quá nhiều người đã đến rồi đi, mà chỉ còn mình tôi ở lại?

Tôi rất vui khi em gái tôi với hai con gái của cô dọn đến ở với tôi, nhưng hai năm sau khi mua được nhà riêng, họ đã dọn ra, điều đó giống như sự chấm hết của một kỷ nguyên. Tôi đã nghĩ, có lẽ đã đến lúc tôi cũng phải ra đi.

Năm 2000, tôi cho mướn nhà và bắt tay vào việc khám phá các cơ hội khác. Tôi đã sống trong một thùng rượu rỗng ở một trung tâm thiền trong vùng quê, nhưng nó quá nhỏ; tôi phải mướn phòng trọ trong nhà người khác, nhưng nó cũng chẳng phù hợp với tôi; tôi lại mướn một căn phòng nhỏ rất đẹp cạnh bãi biển, nhưng ở đó quá xa nơi làm việc và bạn bè ở Berkeley, nên tôi cảm thấy cô đơn. Sau vài năm, tôi quyết định dọn trở về nhà.

Tôi vẫn còn sống ở đây, vẫn chia sẻ ngôi nhà với nhiều người khác. Bảo quản một căn nhà cũ là việc khó, vì tôi phải luôn sửa chữa, sơn phết nó. Phải mất nhiều thời giờ, tiền bạc và công sức. Tôi đang ở giữa tuổi sáu mươi. Khi mới dọn đến đây, tôi chỉ mới hai mươi chín. Giờ tôi vẫn có thể chăm sóc ngôi nhà, nhưng được bao lâu nữa?

Tôi nghĩ về những người cùng thời với tôi, bạn bè và người thân: hầu như tất cả đều sống một mình hoặc với người phối ngẫu (trừ khi họ tạm thời chung sống với tôi), ngoại trừ một số ít người sống trong các cộng đồng Thiền. Thật là kỳ lạ khi tôi là người duy nhất còn sống chia phòng trong nhà, giống như một kẻ tụt hậu. Đó không phải là một quyết định chiến lược; chắc chắn là tôi cũng không phải là người chống đối lối sống hưởng thụ. Cuộc sống sẽ đơn giản hơn nhiều nếu tôi bán nhà và dọn vào một căn hộ nhỏ hoặc căn hộ chung cư.

Nhưng vấn đề là vầy: Tôi không muốn sống một mình. Tôi cần không gian riêng cho mình, nhưng tôi cũng muốn nghe tiếng của những người tôi thương yêu vang vọng trong nhà. Tôi thích ngửi mùi cà phê của họ mỗi sáng (tôi không còn uống cà phê nữa) và tôi muốn được ngồi ăn tối cùng nhau, không nhất thiết phải là mỗi tối, nhưng thường xuyên, để biết điều gì đang xảy ra cho mọi người.

Một bà góa già sẽ phải làm gì nếu không muốn sống một mình? Tôi có thể bán nhà và dọn đến ở khu chung cư với những người xa lạ. Hoặc tôi có thể dọn vào một trung tâm Thiền, nếu tôi có thể mỗi sáng thức dậy lúc 4 giờ 30 và cống hiến thời gian của tôi cho một thời khóa biểu tu tập cam go. Tôi có thể kết hợp với bạn bè để hoạch định thành lập một cộng đồng chung. Nhưng mấy năm trước, khi một số người cố gắng thực hiện điều đó, thì chẳng có ai bỏ hết thời gian vào việc tìm kiếm địa điểm, thiết lập cộng đồng đó, nên kết quả là cả nhóm tan rã. Nếu đã có một cộng đồng như thế, nếu các bạn bè thân thiết của tôi sống trong một cộng đồng ấm cúng, có tinh thần xã hội, có căn bản tâm linh, ở một nơi gần Berkeley, hướng ra mặt biển không bị ô nhiễm, với những buổi dùng chay chung, hai lần một tuần và có phòng cho con cháu đến thăm thì tôi sẽ dọn ngay vào. Nhưng tôi không mong đợi điều đó sẽ xảy ra.

Cũng có ‘cách sống dưỡng lão’ (retirement living). Mẹ và dượng tôi đã sống hạnh phúc trong một khu nhà dành cho người già suốt mười lăm năm cuối đời họ. Nhưng lúc đó họ lớn tuổi hơn tôi bây giờ, mà tôi cũng chưa sẵn sàng để sống như thế.

Cộng đồng tồn tại không chỉ trong không gian mà còn qua thời gian. Tính ra đến giờ, chính ngôi nhà cũng đã trở thành là một thành viên của đại gia đình chúng tôi. Khi bạn bè hoặc người thân bị trặt lưng, họ tự nhiên mở cổng, vào sân, vào nhà, leo vào bồn tắm nóng. Họ tổ chức các lễ sinh nhật, kỷ niệm đám cưới ở sân sau. Mấy cậu con trai đã trưởng thành, con dâu, cháu nội gái, cháu trai, cháu gái của tôi cũng thường đến thăm. Ngôi nhà là một trạm dừng chân cho bạn bè lỡ đường. Nó trở thành một phần của cộng đồng và tôi hiện đang là người quản lý của nó. Những người còn lại, thông qua việc sử dụng, cũng đã có quyền đối với nó. Tôi không cảm thấy hoàn toàn có quyền bán nó, chưa đến lúc. Tôi vẫn để nó mở rộng cửa như là một nơi của niềm hy vọng. Bức tranh mặt trời vẫn tỏa sáng trên trần nhà bếp.

Trong những năm gần đây, như gà về chuồng để ấp trứng, những người trước kia sống nơi đây lại trở về. Em gái tôi mới đây đã quay lại lần thứ hai và một cô gái trẻ từng sống ở đây lúc còn nhỏ đã quay trở lại trong một thời gian ngắn. Hiện giờ một đứa cháu gái đang sống cùng tôi trong nhà, và tôi đang chờ xem còn ai đến nữa.

Tôi biết thời gian đang đến gần để tôi rời bỏ vai trò làm người giữ nhà, nhưng tôi không có ý nói mình chết. Chỉ là tôi đã quá mỏi mệt khi phải tính xem mình phải làm gì với tầng hầm đầy bùn đất, hoặc tôi sẽ quá buồn bả khi một khách trọ mà tôi yêu mến dọn đi. Sắp có một sự thay đổi. Có thể ai đó sẽ dọn đến sống với tôi và hứa không bao giờ ra đi, hay ai đó sẽ mời tôi đến sống chung với họ. Có lẽ tôi sẽ ngăn ngôi nhà ra thành hai căn hộ, rồi cho mướn hoặc bán một căn cho bạn. Có thể là tôi sẽ sẵn sàng để sống trong khu người già, hoặc gây ngạc nhiên cho bản thân mình bằng cách muốn sống đơn độc.

Tôi biết không phải dễ dàng chuyển đổi. Chắc chắn tôi cần sự can đảm. Nhưng cộng đồng là một bộ phận có sức sống, có hơi thở vượt lên trên các bức tường nhà tôi. Tôi là một phần của nó, và những ngày này tôi có lòng tin rằng cộng đồng sẽ bảo bọc tôi bằng những phương cách mà tôi không thể biết trước được.

* * *

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/10/2013(Xem: 25580)
Nếu không có một giọt nước sẽ không có đại dương. Nếu không có một hạt cát sẽ không thành sa mạc. Trong cuộc sống, nếu không có những điều vụn vặt thì việc thành bại trong thiên hạ có đáng để lưu tâm? Tôi cũng như bạn, thấy đêm dài thì trông cho mau sáng, dù không mong đêm vẫn tiếp theo ngày. Vậy nên, thương ghét, trắng đen, tốt xấu, phải trái… là điều mà xưa nay vẫn thế và ngàn năm sau vẫn thế.
17/10/2013(Xem: 40952)
Tôi đọc kinh sách, nghe giảng và học hỏi, đồng thời rút kinh nghiệm trong những năm qua cùng các pháp hữu nghiên cứu và hoằng truyền chánh pháp, đặc biệt với đạo hữu Nguyên Phước. Thấy cần, rút ra một số nét cơ bản để chia xẻ cùng quý Phật tử thật dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành trong niềm tin Phật pháp.
18/09/2013(Xem: 14029)
Bản luận này ngoài các bài tựa ra còn có 26 chương. 25 chương đầu trình bày cụ thể triết lý căn bản giáo lý Phật giáo, giải thích hiện tượng vũ trụ nhân sinh quy về bản thể Chân như tuyệt đối. Chương thứ 26 trình bày vai trò của pháp tu Tịnh độ; và có phải đây là mục đích Luận chủ giúp người đọc trước hết nhận thức rõ ràng vấn đề và sau đó tìm về một pháp tu thích hợp? Mong những ai có dịp đọc trọn tác phẩm này có thể tìm được câu trả lời cho chính mình!
15/08/2013(Xem: 17705)
“Chẳng có ai cả ” là một tuyển tập những lời dạy ngắn gọn, cô đọng và thâm sâu nhất của Ajahn Chah, vị thiền sư lỗi lạc nhất thế kỷ của Thái Lan về pháp môn Thiền Minh Sát.
22/06/2013(Xem: 4998)
Có thể nói rằng quan điểm bình đẳng về khả năng giải thoát tâm linh do Đức Phật đưa ra có một ý nghĩa cách mạng xã hội đáng kể...
17/06/2013(Xem: 7924)
Đức Phật nêu lên tánh không như là một thể dạng tối thượng của tâm thức không có gì vượt hơn được và xem đấy như là một phương tiện mang lại sự giải thoát... Hoang Phong dịch
10/06/2013(Xem: 12078)
Mục đích có được thân người quý báu này không phải chỉ để tạo hạnh phúc cho chính mình, mà còn để làm vơi bớt khổ đau, đem lại hạnh phúc cho người. Đó là mục đích đời sống.
08/06/2013(Xem: 15057)
Mục đích có được thân người quý báu này không phải chỉ để tạo hạnh phúc cho chính mình, mà còn để làm vơi bớt khổ đau, đem lại hạnh phúc cho người. Đó là mục đích đời sống. Bạn có cái thân quý báu thoát được tám nạn[1] và có đủ mười tiện nghi để phục vụ kẻ khác. Ai cũng mong hạnh phúc, không ai muốn đau khổ. Hạnh phúc mà ta cần không chỉ là hạnh phúc tạm thời, mà là hạnh phúc tuyệt đối, thứ hạnh phúc tối thượng của giác ngộ. Khi đi phố chẳng hạn, người ta mua những thứ tốt nhất, bền nhất; cũng vậy, ai cũng muốn có hạnh phúc lâu dài nhất, cao quý nhất. Tùy theo sự hiểu biết của mình và mức hạnh phúc có thể đạt đến, người ta cố gắng đạt hạnh phúc tối thượng theo quan điểm mình.
08/06/2013(Xem: 4474)
Theo giáo lý đạo Phật, tâm là nhân tố chính trong mọi sự kiện hay việc xảy ra. Một tâm lừa dối là nguyên nhân của mọi kinh nghiệm mùi vị của samsara...
09/05/2013(Xem: 8905)
Những Điều Phật Đã Dạy - Nguyên tác: Hòa thượng Walpola Rahula - Người dịch: Lê Kim Kha
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]