Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương I: Nghiệp dưới cái nhìn của người Phật tử

01/10/201209:40(Xem: 6817)
Chương I: Nghiệp dưới cái nhìn của người Phật tử
CHÁNH KIẾN VÀ NGHIỆP

Tác giả: Ledi Sayadaw vànhiều c giả khác

Dịch giả: Pháp Thông

 

CHƯƠNGI:

NGHIỆP DƯỚI CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

NGHIỆP (KAMMA)-Francis Story

Kamma hay nghiệp chỉ là hành động, một “việc làm”. Những hoạt động của chúng ta được thực hiện theo ba cách: bằng thân, bằng tâm, và bằng lời nói. Mỗi hành động quan trọng được thực hiện vì muốn có một kết quả, tức phải có một mục đích, một mục tiêu. Nghĩa là ta muốn có một điều gì đó đặc biệt xảy ra như kết quả của nó. Ước muốn này, cho dù có nhẹ nhàng thế nào chăng nữa, cũng là một hình thức của tham ái. Nó bộc lộ khát ái đối với sự hiện hữu và đối với hành động. Hiện hữu là để hành động ở mức này hay mức khác mà thôi. Sự sống hữu cơ bao gồm những hoạt động hoá học; sự sống tinh thần bao gồm những hoạt động tâm lý. Vì vậy, sự sống và hành động (nghiệp) không thể tách rời nhau.

Nhưng một số hành động có tâm ý tham dự trong đó nhất định phải có sự chủ ý hay cố ý. Sự chủ ý này được diễn tả bằng ngôn ngữ Pāḷi là cetanā (tư tâm sở), một trong những sở hữu tâm. Chanda (dục) là một từ khác thay cho ước muốn hay khao khát một kết quả. Những từ này nói chung đều diễn đạt một loại mong ước nào đó. Và trên thực tế, luôn luôn có một hình thức mong muốn hay khao khát đằng sau mỗi hoạt động. Vì thế “sống” và “khao khát” là một và như nhau. (Tất nhiên, ở đây vẫn có một ngoại lệ tuyệt đối mà chúng ta sẽ bàn đến sau, đó là trường hợp của một vị Alahán, bậc đã diệt tận mọi khao khát hay tham ái)

Một hành động hay nghiệp được xem là bất thiện về phương diện đạo đức khi nó được thúc đẩy bởi những hình thức của khát ái kết hợp với tham, sân, và si (lobha, dosa, moha). Một nghiệp được xem là thiện về phương diện đạo đức (hay ‘tốt’ theo ngôn ngữ thông thường) khi nó được thúc đẩy bởi những yếu tố ngược lại: vô tham, vô sân, và vô si (trí tuệ). Khi nói một hành động được thúc đẩy như vậy là muốn nói nó bị thúc đẩy bởi sự “chủ ý” hay “cố ý” hơn là “tham ái”. Tuy thế, trong mọi hoạt động của khát ái, chủ ý cũng có mặt. Nó là yếu tố chỉ hướng và quy định hình thức cho hành động (nghiệp).

Như vậy, mỗi hành động được thực hiện với chủ ý là một hành động có khả năng sáng tạo. Do ý chí nằm đằng sau nó, hành động này tạo thành một lực. Nó là một lực tương tự như những lực vật lý khác, dù vô hình, làm chuyển động thế gian. Bằng những ý nghĩ, lời nói, và hành động của mình, chúng ta tạo ra thế gian của chúng ta từ sát-na này đến sát-na khác trong cái tiến trình bất tận của sự đổi thay. Chúng ta cũng tạo ra bản chất của chúng ta nữa. Đó là, chúng ta uốn nắn nhân cách luôn thay đổi của mình bằng sự tích lũy những ý nghĩ, lời nói, và việc làm khi chúng ta trôi lăn trong cuộc đời. Chính sự lớn dần của những tích lũy này và sự vượt trội của một loại nào đó hơn những loại khác, quyết định những gì chúng ta sẽ trở thành, trong đời này và những đời sống sau đó.

Trong việc tạo ra nhân cách, chúng ta cũng tạo ra điều kiện để nhân cách thực hiện những chức năng trong đó. Nói khác hơn, chúng ta cũng tạo ra loại thế gian mà chúng ta sống trong đó. Bởi thế mới nói tâm là chủ của thế gian. Tâm của một người thế nào, thế gian của họ cũng như thế ấy.

Nghiệp, như vậy, kể như sản phẩm của tâm, là lực đích thực và duy nhất trong dòng tiến sinh (dòng hữu phần hay duy trì kiếp sống), dòng đi đến cuộc sống tương lai. Từ đây chúng ta hiểu được rằng chính tàn dư của tâm lực là yếu tố nhen nhóm lên một kiếp sống mới vào thời điểm chết. Nó là mối liên hệ duy nhất giữa kiếp sống này và kiếp sống khác. Và vì tiến trình là một dòng tương tục, nên chính sát-na tâm tác nghiệp cuối cùng vào thời điểm chết tạo thành kiết sinh thức (thức nối liền) – còn gọi là sanh nghiệp hay nghiệp tái tạo. Những nghiệp tốt hoặc xấu khác sẽ có tác dụng ở giai đoạn sau đó, khi những điều kiện bên ngoài được xem là thuận lợi cho việc chín muồi của nó. Lực hay sức mạnh của nghiệp yếu có thể bị vô hiệu hóa trong một thời gian dài bởi sự xen vào của một nghiệp mạnh hơn. Một số loại nghiệp thậm chí có thể trở thành vô hiệu lực; song điều này không bao giờ xảy ra với loại nghiệp cực mạnh hay trọng nghiệp. Theo nguyên tắc chung, mỗi nghiệp đều cho ra một loại quả tương ứng nào đó, sớm hay muộn mà thôi.

Nghiệp của mỗi cá nhân là hành động riêng của họ, những kết quả của nghiệp ấy cũng là người thừa kế riêng của họ. Chỉ mình họ có toàn quyền đối với những hành động của họ, cho dù những người khác có thể cố gắng buộc họ (phải làm) ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, một nghiệp bất thiện được làm dưới sự cưỡng buộc mạnh mẽ của người khác hoàn toàn không có cùng sức mạnh như khi một người tự nguyện làm. Dưới sự đe dọa của tra tấn hoặc cái chết, một người có thể buộc phải hành hạ hay giết chết người khác. Trong trường hợp như vậy ta có thể tin rằng tính chất của nghiệp không đến nỗi nghiêm trọng như nó sẽ là nếu họ cố tình chọn hành động theo cách đó. Trách nhiệm đạo đức nặng nề nhất thuộc về những người bắt buộc họ phải hành động, nhưng trong ý nghĩa tuyệt đối, họ vẫn phải gánh chịu một trách nhiệm nào đó, vì trong trường hợp cùng đường nhất họ vẫn có thể tránh làm hại người khác bằng cách chọn cái chết hoặc để bản thân mình chịu sự tra tấn.

Điều này đặt ra cho chúng ta câu hỏi về nghiệp chung (collective kamma). Như chúng ta đã thấy, nghiệp của mỗi người là kinh nghiệm cá nhân của họ. Không ai có thể can thiệp vào nghiệp của người khác quá một điểm nào đó. Vì thế không người nào có thể xen vào để làm thay đổi những kết quả của nghiệp riêng được. Tuy nhiên, cũng thường xảy ra trường hợp một số người hợp tác với nhau trong cùng loại công việc, và chia sẻ cùng một loại ý nghĩ; họ quan hệ mật thiết với nhau và có ảnh hưởng lẫn nhau. Tâm lý đại chúng tạo thành nghiệp đại chúng. Do đó rất có thể tất cả những người này hình thành cùng một mô thức tác nghiệp, từ đó dẫn đến việc họ cùng hợp tác với nhau qua một số kiếp sống, và chia sẻ cùng một loại kinh nghiệm. Như vậy nghiệp chung chỉ là tập hợp của những nghiệp riêng, cũng như đám đông là tập hợp của các cá nhân mà thôi.

Thực ra chính loại nghiệp cộng đồng này tạo thành các loại thế gian khác nhau – thế gian chúng ta đang sống, những trạng thái khổ đau nhiều hơn, và những trạng thái hạnh phúc tương đối. Mỗi người sống trong loại kiến trúc vũ trụ mà họ đã trang bị cho chính họ. Chính nghiệp của họ và nghiệp của những chúng sinh giống như họ đã tạo ra thế gian ấy. Điều này cho thấy vì sao trong không gian - thời gian đa chiều lại có nhiều thế gian (Loka)và nhiều cách tồn tại. Mỗi người tiêu biểu cho một loại tâm thức đặc biệt, kết quả của nghiệp. Tâm bị hạn chế bởi chính những giới hạn tự nó dựng lên.

Kết quả của nghiệp được gọi là vipāka, ‘dị thục quả’. Không nên lẫn lộn những từ Kamma(nghiệp) và vipāka(dị thục quả) và những ý niệm mà chúng đại diện cho. Vipāka được tiền định bởi chính chúng ta do kamma đã làm trước đó. Nhưng trong ý nghĩa tối hậu, nghiệp tự nó là sản phẩm của sự chọn lựa và tự do ý chí: giữa những việc làm thiện và bất thiện, giữa những hành động tốt và xấu (đó là khi ta kềm nén được những áp lực bên ngoài và những khuynh hướng đã thiết lập sẵn). Vì vậy đức Phật nói: “Cố ý (tư tâm sở) tạo thành nghiệp.” Không có sự cố ý hay chủ ý thì một hành động được xem là không có kết quả; nó không tạo ra những phản ứng mang ý nghĩa đạo đức. Tuy nhiên, cũng cần có sự dè dặt ở đây; nếu một hành động được làm với “sự sơ xuất đáng tội” tỏ ra có hại cho người khác, không biểu lộ sự chú ý, thận trọng hay cân nhắc, vẫn sẽ tạo ra nghiệp bất thiện và có quả báo của nó như thường. Mặc dù sự tác hại đó không được làm với “cố ý”, nghĩa là hành động không do sân hận thúc đẩy, vẫn có một “căn bất thiện” khác hiện hữu, đó là si mê (moha)mà trong trường hợp này được kể như sự khinh suất vô trách nhiệm.

Kamma (nghiệp) là hành động, vipākalà kết quả. Vì thế nghiệp là nguyên lý tích cực; quả là phương thức thụ động của tương lai sẽ tới. Sở dĩ người ta tin vào thuyết tiền định hay định mệnh vì họ chỉ thấy quả mà không thấy nhân. Trong tiến trình duyên khởi (paṛicca-samuppāda) cả nhân lẫn quả được trình bày trong mối liên hệ thích đáng của chúng.

Một người có thể bị điếc, câm, và mù bẩm sinh. Đây là hậu quả của một nghiệp bất thiện nào đó đã tự thể hiện nơi tâm thức của họ trong sát-na tâm cuối cùng của thời cận tử ở kiếp trước. Suốt cuộc đời, có thể họ phải gánh chịu những hậu quả của nghiệp đó, dù nó có là như thế nào. Nhưng sự kiện ấy không ngăn họ tạo tác những nghiệp mới thuộc loại thiện để phục hồi lại sự thăng bằng trong kiếp kế. Hơn nữa, nhờ sự trợ giúp của một thiện nghiệp từ quá khứ, cộng với nỗ lực của tự thân và những hoàn cảnh thuận lợi trong kiếp hiện tại (tất nhiên kể cả việc giúp đỡ người khác với lòng bi mẫn), những ảnh hưởng của nghiệp xấu ấy thậm chí có thể giảm khinh ngay trong hiện tại.

Những trường hợp như vậy xảy ra ở khắp nơi, có khi người ta còn vượt qua được những tật nguyền ghê gớm nhất cả về thể xác lẫn tinh thần đến mức độ khó có thể ngờ nổi. Kết quả là họ đã chuyển được một quả xấu thành lợi ích cho bản thân và cho mọi người. Song điều này đòi hỏi phải có sự can đảm và sức mạnh ý chí phi thường lắm, vì phần lớn những người trong hoàn cảnh như vậy vẫn cứ cam chịu thụ động những hậu quả của nghiệp xấu của họ, cho đến khi những quả ấy cạn kiệt. Đây ắt hẳn phải là trường hợp của những người suy nhược tâm thần bẩm sinh hay nằm trong những trạng thái thấp thỏi của khổ; hầu như không có một khả năng nào cho việc vận dụng tự do ý chí, họ phải lệ thuộc hoàn toàn vào sự tiền định cho đến khi quả xấu phát triển và chấm dứt theo tự nhiên của nó.

Như vậy, nhờ nhìn nhận có yếu tố tiền định ở một mức độ nào đó, nhưng đồng thời vẫn duy trì uy thế tuyệt đối của ý chí, đạo Phật đã giải quyết được một vấn đề đạo đức mà dường như không thể giải quyết được bằng cách khác. Một phần của cá tính con người, và những điều kiện trong đó nó tồn tại, được tiền định bởi những nghiệp và toàn bộ cá tính quá khứ, nhưng trong những phân tích cùng tột, tâm có thể tự giải thoát khỏi sự ràng buộc của cấu trúc cá tính quá khứ và dấn thân vào một hướng mới.

Đến đây chúng ta đã thấy rằng ba nhân của nghiệp bất thiện: tham, sân, và si tạo ra những dị thục quả xấu; ba nhân của nghiệp thiện: vô tham, vô sân, và vô si tạo ra những dịthục quả tốt. Những hành động được thực hiện một cách máy móc hay vô tình hoặc ngẫu nhiên so với hành động khác có một mục đích hoàn toàn khác, không tạo ra dị thục quả ngoài những hậu quả có tính máy móc tức thời của chúng. Nếu ta đạp lên một con kiến trong bóng tối, ta không có trách nhiệm đạo đức về cái chết của nó. Ta chỉ là một công cụ vô tình của nghiệp riêng con kiến trong việc tạo ra cái chết của nó.

Nhưng, trong khi có một tầm rộng lớn của những hành động hay nghiệp thuộc loại vô tình vốn không thể tránh được như vậy, những nghiệp quan trọng hơn trong cuộc sống của mỗi người đều bị chi phối bởi một nhân này hay nhân khác trong sáu nhân thiện và bất thiện này. Ngay cả nơi mà đời sống về phương diện vật lý không hoạt động, những tư duy vẫn làm việc và chúng cũng đang tạo ra nghiệp. Bởi thế sự tu tập tâm cốt ở chỗ loại trừ (chứ không đè nén) những trạng thái tâm bất thiện và thay thế bằng những trạng thái tâm thiện. Văn minh hiện đại phát triển bằng cách đàn áp những bản năng bất thiện (phản xã hội), cho nên thỉnh thoảng lại nổi lên những cuộc bùng nổ bất thiện. Một cuộc chiến tranh nổ ra và những kẻ mắc chứng cuồng sát tự động xuất hiện, tội ác sát nhân được khen ngợi. Ngược lại, đạo Phật nhắm vào việc loại trừ những yếu tố tinh thần bất thiện. Và để làm điều này, những kỹ thuật thiền đặc biệt (bhāvanā)là cần thiết.

Thiện nghiệp là sản phẩm của những trạng thái tâm thiện. Và để chắc chắn về điều này, nhất thiết phải có sự hiểu biết về các trạng thái tâm và những động lực kín đáo nhất của con người. Trừ phi điều này được làm, chúng ta gần như không thể trau dồi được những thiện nghiệp một cách tuyệt đối, vì trong tâm thức của mỗi người có một khu liên hợp của những động cơ thúc đẩy ẩn tàng. Chúng được xem là ẩn tàng vì chúng ta không muốn nhìn nhận chúng. Trong mỗi người, ai cũng có một cơ cấu phòng thủ ngăn không cho ta thấy quá rõ bản thân mình. Nếu bất ngờ có dịp đối diện với tâm tiềm thức của mình, có thể ta sẽ lãnh một cú sốc tâm lý khó chịu. Cái hình ảnh được xây dựng cẩn thận của ta về chính bản thân mình bị tan vỡ một cách sống sượng. Ta lấy làm kinh sợ bởi sự thô lỗ, dã man không ngờ nổi của những động cơ đích thực của mình.

Người làm công việc xã hội nhiệt tình và năng động có thể phát hiện ra rằng những gì họ gọi là phục vụ xã hội, thực ra bị thúc đẩy bởi ước muốn thích sai bảo người khác, thích cho người khác biết những gì là tốt và buộc họ phải làm theo ý mình mà thôi. Người làm công việc nhân đạo luôn tranh đấu cho những người yếu đuối thế cô, có thể thấy rằng lòng căm phẫn mang tính đạo đức của họ đối với những bất công xã hội chẳng qua chỉ là sự bộc lộ lòng sân hận của họ về người khác, làm ra vẻ tự trọng mình và tôn trọng mọi người bằng cái vỏ quan tâm đến những nạn nhân của xã hội. Hoặc những gì họ làm chỉ là để bù đắp lại những khiếm khuyết ẩn náu trong nhân cách riêng của họ mà thôi. Tất cả những sự kiện này đã được các nhà tâm lý học ngày nay biết đến, nhưng có được bao người tự nguyện hiến mình cho các cuộc thăm dò của các nhà phân tích tâm lý này? Đạo Phật dạy chúng ta biết cách thăm dò và khám phá chính bản thân mình, và tự làm cho mình không bị ảnh hưởng bởi những phát giác khó chịu hay những phát hiện đến độ sửng sốt ấy, bằng cách thừa nhận trước rằng không có một nhân cách nào không thay đổi, không có “cái ngã” nào để ngưỡng mộ hay lên án.

Một hành động khi đã làm rồi là xong nếu nói về tính năng thực sự của nó. Và nghiệp ấy không thể thay đổi được.

Ngón tay chuyển động viết ra rồi,

Bất kể lòng thành hoặc trí khôn,

Bạn không thể dụ nó quay lại

Xoá được nửa dòng đã viết ra.

Nước mắt tuôn rơi cũng vô ích

Một chữ, làm sao xoá sạch đây!

(Edward Fritzgerald: The Rubaiyyat of Omar Khayyam)

Ngón tay chuyển động (moving finger) không phải là điều bí ẩn đối với người am hiểu nghiệp và quả của nghiệp. Đừng hỏi ngón tay của ai viết trên tường. Nó chính là của bạn. Những gì còn lại của nghiệp là tiềm lực hay những kết quả không thể tránh được của nó. Có thể nói đó là một lực phóng thích vào dòng thời gian, và đúng lúc sẽ phải cho quả. Và khi nó đã cho quả, dù tốt hay xấu, sức mạnh của nó phải diệt như mọi lực khác – và lúc đó nghiệp cũng như quả của nó không còn nữa. Nhưng khi nghiệp cũ diệt, nghiệp mới lại được tạo ra trong mỗi sát-na của từng giờ sinh hoạt. Thế là tiến trình sống, hệ luỵ trong khổ, cứ mãi tiếp tục. Nó được mang theo cùng với dòng tham ái. Thực sự bản chất của nó chính là khát ái đó, ước muốn đó – ước muốn vốn mang nhiều hình thức, không bao giờ thoả mãn, và luôn tự làm mới lại. Mang nhiều hình thức như Proteus (thần Prote, người hay thay đổi ý định hay thay đổi hình dạng) và bất tử như chim thần Phoenix (chim Phượng Hoàng, một loại chim trong thần thoại, người ta nói nó tự thiêu đến chết trong lửa rồi tái sinh lại từ tro tàn).

Nhưng khi ý chí muốn chấm dứt khát ái có mặt, một sự thay đổi xảy ra. Tâm vốn khao khát vị ngọt trong lĩnh vực giác quan giờ đây xoay lưng lại. Một ước muốn hay hoài bão khác, khác hơn ước muốn thuộc các giác quan, gom góp sức mạnh và xung lực. Đó là ước muốn đối với sự diệt, đối với sự tịch tịnh, đối với sự đoạn tận khổ ưu - ước muốn đối với Niết-bàn.

Bây giờ, ước muốn này xung khắc với mọi ước muốn khác. Bởi thế nếu nó đủ mạnh nó sẽ diệt sạch mọi ước muốn kia. Dần dần khát ái cũng tiêu mòn, trước tiên là những khát ái thô xuất phát từ ba căn bất thiện (tham, sân, si); rồi đến những ước vọng cao hơn; sau đó đến những chấp thủ, tất cả đều khô héo và tàn lụn, rồi bị dập tắt bởi ước muốn không gì cưỡng lại được đối với Niết-bàn.

Và khi chúng khô héo, tàn lụn, thì những hành động không còn cho quả thay chỗ chúng, vì thế dòng tiến sinh (dòng tương tục của sự sống) khô cạn. Những hành nghiệp bất thiện không thể được thực hiện, vì các căn của chúng đã tàn lụn, không còn căn cứ để chúng tác hành. Những hành nghiệp thiện đến lượt chúng cũng trở nên vô sinh, vì chúng không còn bị tác động bởi ước muốn (tham ái) nên chúng không còn phóng một lực nào nữa vào tương lai. Cuối cùng không còn chút ái lực nào để tạo ra một kiếp sống khác. Mọi thứ đã bị nuốt chửng bởi ước muốn đối với sự diệt tận mọi ước muốn.

Khi mục đích của ước muốn đó đã đạt đến, liệu nó có còn là một ước muốn (dục) nữa không? Người ta có tiếp tục khát khao những gì họ đã đạt được không? Ước muốn cuối cùng của mọi ước muốn là không làm mới lại cái ngã, mà là diệt ngã. Vì trong sự thành tựu của nó cũng là cái chết của nó. Niết-bàn đã được đạt đến. Vì thế Đức Phật nói:

“Đối với sự diệt tối hậu của khổ, mọinghiệp – thiện và bất thiện – phải được vượt qua, phải được từ bỏ. Bỏ qua một bên cả thiện lẫn ác, vị ấy đạt đến Niết-bàn, không còn con đường nào khác.”

Vị Alahán lúc ấy sống chỉ để cảm thọ phần thọ mạng còn lại của ngài. Và khi xung lực cuối cùng ấy đi đến chỗ chấm dứt, các uẩn của vị ấy cũng đi đến chỗ chấm dứt, không bao giờ tái tạo lại, không bao giờ được thay thế lại. Chính do sự phục hồi liên tục của các uẩn mà có khổ; giờ đây chỉ có giải thoát. Chính do sự kết hợp của các uẩn mà phát sinh ảo tưởng – ảo tưởng về tự ngã. Giờ đây chỉ có Thực Tại.

Và Thực Tại thì nằm ngoài mọi khái niệm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/10/2013(Xem: 25578)
Nếu không có một giọt nước sẽ không có đại dương. Nếu không có một hạt cát sẽ không thành sa mạc. Trong cuộc sống, nếu không có những điều vụn vặt thì việc thành bại trong thiên hạ có đáng để lưu tâm? Tôi cũng như bạn, thấy đêm dài thì trông cho mau sáng, dù không mong đêm vẫn tiếp theo ngày. Vậy nên, thương ghét, trắng đen, tốt xấu, phải trái… là điều mà xưa nay vẫn thế và ngàn năm sau vẫn thế.
17/10/2013(Xem: 40949)
Tôi đọc kinh sách, nghe giảng và học hỏi, đồng thời rút kinh nghiệm trong những năm qua cùng các pháp hữu nghiên cứu và hoằng truyền chánh pháp, đặc biệt với đạo hữu Nguyên Phước. Thấy cần, rút ra một số nét cơ bản để chia xẻ cùng quý Phật tử thật dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành trong niềm tin Phật pháp.
18/09/2013(Xem: 14029)
Bản luận này ngoài các bài tựa ra còn có 26 chương. 25 chương đầu trình bày cụ thể triết lý căn bản giáo lý Phật giáo, giải thích hiện tượng vũ trụ nhân sinh quy về bản thể Chân như tuyệt đối. Chương thứ 26 trình bày vai trò của pháp tu Tịnh độ; và có phải đây là mục đích Luận chủ giúp người đọc trước hết nhận thức rõ ràng vấn đề và sau đó tìm về một pháp tu thích hợp? Mong những ai có dịp đọc trọn tác phẩm này có thể tìm được câu trả lời cho chính mình!
15/08/2013(Xem: 17705)
“Chẳng có ai cả ” là một tuyển tập những lời dạy ngắn gọn, cô đọng và thâm sâu nhất của Ajahn Chah, vị thiền sư lỗi lạc nhất thế kỷ của Thái Lan về pháp môn Thiền Minh Sát.
22/06/2013(Xem: 4998)
Có thể nói rằng quan điểm bình đẳng về khả năng giải thoát tâm linh do Đức Phật đưa ra có một ý nghĩa cách mạng xã hội đáng kể...
17/06/2013(Xem: 7924)
Đức Phật nêu lên tánh không như là một thể dạng tối thượng của tâm thức không có gì vượt hơn được và xem đấy như là một phương tiện mang lại sự giải thoát... Hoang Phong dịch
10/06/2013(Xem: 12078)
Mục đích có được thân người quý báu này không phải chỉ để tạo hạnh phúc cho chính mình, mà còn để làm vơi bớt khổ đau, đem lại hạnh phúc cho người. Đó là mục đích đời sống.
08/06/2013(Xem: 15057)
Mục đích có được thân người quý báu này không phải chỉ để tạo hạnh phúc cho chính mình, mà còn để làm vơi bớt khổ đau, đem lại hạnh phúc cho người. Đó là mục đích đời sống. Bạn có cái thân quý báu thoát được tám nạn[1] và có đủ mười tiện nghi để phục vụ kẻ khác. Ai cũng mong hạnh phúc, không ai muốn đau khổ. Hạnh phúc mà ta cần không chỉ là hạnh phúc tạm thời, mà là hạnh phúc tuyệt đối, thứ hạnh phúc tối thượng của giác ngộ. Khi đi phố chẳng hạn, người ta mua những thứ tốt nhất, bền nhất; cũng vậy, ai cũng muốn có hạnh phúc lâu dài nhất, cao quý nhất. Tùy theo sự hiểu biết của mình và mức hạnh phúc có thể đạt đến, người ta cố gắng đạt hạnh phúc tối thượng theo quan điểm mình.
08/06/2013(Xem: 4474)
Theo giáo lý đạo Phật, tâm là nhân tố chính trong mọi sự kiện hay việc xảy ra. Một tâm lừa dối là nguyên nhân của mọi kinh nghiệm mùi vị của samsara...
09/05/2013(Xem: 8902)
Những Điều Phật Đã Dạy - Nguyên tác: Hòa thượng Walpola Rahula - Người dịch: Lê Kim Kha
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]