Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 6

21/09/201201:22(Xem: 4844)
Phần 6

Truyện Cổ Sự Tích Cứu Vật Phóng Sinh


Pháp sư Tịnh Không - Thích Phước Sơn dịch

Truyen_Co_Phat_Giao_Cuu_Vat_Phong_Sinh


Phần 6



51. Giết Ba Ba Bị Quả Báo Rục Thây

Ở vùng Đan Hồ An Cảng có một người tên Trịnh Lão Cát. Bình sinh, món ăn mà y thích nhất là thịt ba ba. Y cho rằng thịt ba ba ngon ở mấy điểm: 1. Thịt của nó độ cứng và độ mềm đều thích hợp; 2. Vị nước dãi của nó rất đặc biệt; 3. Ăn vào bổ tim và bổ thận. Thế nên trong hầu bao có bao nhiêu tiền y đều dốc hết mua ba ba đem về nấu ăn mà không hề tiếc rẻ.

Một hôm, y nằm mộng thấy một người mặc áo đen đến quỳ trước mặt xin tha mạng: "Xin ông hãy tha tôi, ông đừng giết tôi tội nghiệp!".

Điều kỳ lạ là vợ con y cũng đều thấy một giấc mộng giống hệt như thế.

Đến sáng sớm hôm sau, một ngư ông đem tới bán một con ba ba to tướng, mập mạp. Trịnh Lão Cát vô cùng hoan hỷ, vừa trả tiền, vừa bảo vợ: "Bà đem nó nấu để tôi đánh chén nhé!"

Vợ y thản nhiên hỏi: "Tướng công, ông quên giấc mộng khi hôm rồi sao?"

"Ổ, cảnh trong mộng là giả, không thể hoàn toàn tin được". - Y dõng dạc đáp.

Vợ y nói: "Theo thiếp nghĩ, trong giấc mộng khi hôm thấy người mặc áo đen ắt hẳn không phải là điềm tốt. Tướng công! Hay là đem thả nó đi!"

Y cười nhạt mấy tiếng rồi bảo: "Đã đến tay rồi còn đem thả đi đâu? Hừ, đúng là kiến thức của đàn bà!"

Không bàn luận gì thêm nữa, vợ y đem xuống bếp nấu, đến khi dọn lên đang ăn ngon miệng, thì y đứng dậy đi tắm. Một hồi lâu không nghe tiếng động tịnh gì, vợ y bèn đến bồn nước xem, thì hỡi ôi! Trong bồn tắm toàn là máu, xương thịt không còn chi cả mà chỉ còn rơi rớt lại một ít lông tóc mà thôi.

52. Thay Đổi Số Phận Nhờ Lòng Từ

Tại địa phương Cối Kê có ngôi chùa Đại Thiện vốn là một ngôi chùa nổi tiếng, và cũng là một danh lam thắng cảnh đối với du khách. Vào một năm kia, hai vị sĩ tử là Đào Thạch Lương và Trương Chi Đình đến ngôi chùa ấy tham quan, ngoạn cảnh, trông thấy trong hồ phóng sinh của chùa này có hàng vạn con lươn đang cất đầu loi nhoi trong nước, khiến hai người sinh tâm thương xót. Thế rồi, Đào Thạch Lương nói với Trương Chi Đình:

- Tôi muốn mua tất cả số lươn này đem chúng thả ngoài sông Trường Giang để chúng được tự do tự tại, ý huynh như thế nào?

- Tốt quá đi chứ, tôi sẵn sàng tán thành nghĩa cửa cao quý của huynh.

- Nhưng mà tôi không có đủ sức, biết làm sao đây? Mong huynh hãy tích cực ủng hộ để tôi hoàn thành việc thiện này.

- Huynh đài đất tất phải khách sáo làm gì! Đó là việc mà chúng ta nên làm, tiểu đệ nguyện tận lực tiếp sức.

Thế rồi, không lâu sau đó, Trương Sinh tự mình xuất ra một lượng bạc, lại hướng đến những nhân sĩ có thiện tâm quyên góp thêm, chung cục được tám lượng bạc. Hai người vô cùng hoan hỉ, họ bèn thuê một người chuyên môn bắt lươn, đem theo những trúm, rổ, đến chùa ấy mua tất cả hàng vạn con lươn kia, rồi đem chúng ra ngoài sông lớn thả ra.

Sau đó, hai người cũng quên bẵng sự kiện ấy, nhưng vào một đêm Thu khuya khoắc, cả hai người đều nằm mộng, trong giấc mộng họ thấy một vị thần minh nói với họ một cách nghiêm chỉnh: "Bấy lâu nay hai vị thi không đậu, nhưng công đức phóng sinh vô cùng thù thắng, do thế, hy vọng trong kỳ thi này hai vị sẽ trúng tuyển, cho nên tôi đến báo tin vui cùng hai vị".

Qua giấc mộng lạ lùng ấy, khiến hai người nửa tin, nửa ngờ. Nhưng quả thực lời mách bảo của thần minh ấy vốn không hư dối, cho nên vào mùa Thu năm nay, Đào, Trương hai người hiển nhiên thi đậu.

53. Bị Nước Cuốn Vì Sát Sinh

Sự việc này xảy ra vào cuối năm Càn Long.

Dân chúng tại vùng Nhuận Châu rất hiếu sát, bất luận già trẻ, trai gái tính tình đều rất tàn nhẫn. Nếu khi sinh con mà là bé gái, không phải con trai, thì họ liền đem chôn sống hoặc đem dìm nước, không tỏ ra thương xót một chút nào. Dân chúng ở vùng này, mỗi ngày đi bắt ốc vặn rất nhiều, hoặc đem bán hoặc dùng để ăn, lấy đó làm kế sinh nhai. Đồng thời, họ dạy bọn trẻ đi mò ốc hến, bắt ếch nhái, rồi đem mổ xẻ chúng. "Xem kìa, thằng con tôi có bản lĩnh ghê chưa!". Đại loại, khi trẻ em sát hại sinh vật càng nhiều thì họ càng khen là tài giỏi bằng hình thức đó. Vì đã được cổ vũ một cách bất lương về tính hiếu sát từ tấm bé, cho nên khi trưởng thành chúng bị tiêm nhiễm tập quán hiếu sát, như vậy bảo làm sao chúng không có sát khí đằng đằng cho được? Thế rồi, một hôm, một người trong bọn họ ban đêm nằm mộng thấy hai vị quan viên mặc đồ đen, đứng bên bờ sông, cầm một quyển sách có bìa màu đen, họ hỏi: "Đó là cuốn sách gì vậy?". Vị quan đáp: "Đó là sách "Sát báo lục" (Sách ghi chép về sự báo ứng của sự sát hại), vậy hãy tỏ ra có lòng hiếu sinh".

Quả nhiên, năm ngày sau đó, toàn thành Nhuận Châu này bỗng nhiên chìm xuống dòng sông, tựa hồ cư dân ở đây vừa tỉnh dậy trong một giấc mộng kinh hoàng, bỗng phát hiện nhà cửa đất đai tất cả mọi thứ đều tựa hồ như mảng lục bình trên dòng sông cuồn cuộn. Họ vừa định kêu cứu thì thấy mình đã chìm lĩm, trong một tình trạng rất thảm thương.

Lạ thay, chỉ có một người may mắn thoát khỏi là Khổng bà. Bình nhật bà thường khuyên người phóng sinh, nói rằng quét ốc, cứu kiến là những việc làm công đức. Dân chúng cười bà, nhưng bà vẫn làm, vẫn thấy vui. Chính trong ngày mà cả thành bị chìm thì vì đứa con nhỏ nhất của bà bị lên cơn sốt, nên bà đã bồng nó đến một ngôi am tự của Ni để đốt hương cầu nguyện, không ngờ, lại nhờ việc đó mà tính mạng của bà được bảo toàn.

54. Con Giãi Đến Đòi Mạng

Ngô Linh vốn là một tay cự phú rất nổi tiếng đương thời gia tài hàng trăm vạn, sinh hoạt rất xa hoa.

Ngô Tử bình sinh ưa ăn những món ngon vật lạ. Một hôm nhà ông chuẩn bị tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn, người đầu bếp ra chợ mua được một con giãi bự, đoạn y vừa cầm dao vừa nói: "Hương vị thịt của loại này rất là thơm ngon! Công tử của nhà ta ắt hẳn rất thích!". Nhưng lúc sắp đem đi giết thịt thì con giãi bỗng nhiên rơi lệ, tỏ vẻ xin tha mạng. Người đầu bếp liền đem tình huống ấy đến bẩm báo với Ngô Tử, ông nói: "Thế này thì tôi làm sao hạ thủ được đây!"

Ngô Tử nghe thế nổi giận nói: "Nô tài rất là chậm chạp, để đó ta giết cho!"

Thế rồi, Ngô Tử nộ khí xung thiên đằng đằng sát khí, tay cầm con dao bự, xông vào nhà bếp, liền thấy con giãi lớn đang rơi lệ nằm trên đất, chẳng những ông không khởi lên một mảy may lòng thương xót nào mà trái lại tay cầm cho chặt liền một nhát, đầu con giãi rơi ngay xuống đất. Nhưng lập tức cái đầu ấy liền bay đáp trên đòn dông nhà.

Sau đó, nhà bếp nấu xong dọn lên, Ngô Tử vừa ăn vừa khen: "Mùi vị ngọn thật! Mùi vị ngon thật!". Thế nhưng, ăn chưa được vài miếng thì bỗng nhiên đôi mắt ông tối sầm, hốt hoảng kêu lên: "Ôi chao! Con giãi đâu mà nhiều thế! Hay là chúng từ trên đòn dông nhà đáp xuống?"

Ngô Linh bèn bảao người giúp việc dìu mình vào trong phòng nghỉ. Thế nhưng ông lại nhìn xung quanh phòng hoảng hốt la toán lên: "Ở đây cũng đều là… !" Rồi ông kêu vang không dứt: "Đau! Đau… ôi đau quá!". Người ta hỏi vì cớ gì, thì ông đáp: "Có hàng trăm con giãi bu đến cắn vào chân tôi!"

Thế nhưng mọi người không một ai thấy chi cả.

Ngô Linh kêu vang như vậy ba hôm, rồi phát điên cuồng mà chết.

55. Ở Hiền Gặp Lành

"Bệnh của phu nhân có thuyên giảm được chút nào không?

Phạm Mỗ biết rất rõ bệnh của vợ ông là chứng lao phổi không dễ gì dùng thuốc trị lành được, nhưng vì tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, cho nên ông dùng lời lẽ dịu dàng để an ủi bà. Nhân vì bệnh của vợ ông đã kéo dài lâu ngày, tiều tụy cực độ, trông già đi rất nhiều, nên bà đáp nho nhỏ: "Xin cảm ơn trướng công rất nhiều".

Một vị danh y ở đất Kinh Khẩu tên là Trần Thạch vốn có tình thông gia với Phạm Mỗ, sau khi chẩn đoán, liền kề tai nói nhỏ với Phạm Mỗ: "Nếu dùng một trăm con chim sẻ chế thuốc để dùng tong hai mươi mốt ngày rồi tiếp tục ăn não của chúng thì chứng bệnh này mới có hy vọng thuyên giảm được. Đây là một phương thuốc bí truyền của tổ sư, không thể nào sai lầm được! Nhưng nhất định phải đủ một trăm con, dù thiếu một con cũng không được đấy nhá!".

Trần Thạch dặn đi dặn lại đến ba lần như vậy. Phạm Mỗ y theo thầy thuốc bảo đi mua về một lồng chim sẻ, đúng một trăm con, Chim sẻ nhốt trong lồng kêu ríu rít rất bi thương.

Bà vợ Phạm Mỗ biết tất cả mọi việc, bèn mời ông vào bên giường, ôn tồn nói: "Chỉ vì một mạng sống của tôi mà tàn sát hàng tăm mạng sống sinh vật thì tôi thà chết chứ không bao giờ cho làm việc đó! Nếu tướng công thật lòng yêu thương tôi thì hãy nghe lời tôi mở lồng thả hết chúng ra thì tôi mới yên lòng được!".

Phạm Mỗ xưa nay vốn thuận chiều ý vợ, không còn cách nào khác đành phải thả chúng bay đi.

Thế rồi, sau đó ít hôm, bà ấy không uống thuốc gì cả mà tự nhiên thuyên giảm. Bấy giờ, có nhiều khách khứa đến đầy nhà, ai nấy đều bảo là trờ ban phước lành.

Về sau, không những bà hồi phục sức khỏe bình thuờng mà còn mang thai, rồi sinh một bé trai, trông kỹ thì toàn thân đứa bé này da dẻ hồng hào, sáng sủa trông rất khả ái, nhưng mà trên hai cánh tay của nó đều có nhiều nốt ruồi đen giống hình những con chim sẻ.

56. Chim Nhạn Đau Khổ Vì Chia Lìa

Vào năm Quý Sửu niên hiệu Vạn Lịch, tướng quân Tiền Tham ở Trấn Giang đốc suất quân sĩ của mình trở về lại thành. Trong lúc thuyền đang di chuyển từ từ trên sông và Tiền Tham đang ngồi trước bàn trong căn buồng độc sách thì nghe trên không trung có tiếng kêu "chiêm chiếp… chiêm chiếp… " không ngừng của một con chim nhạn, âm thanh rất bi thảm, thật đáng xót thương. Thuyền đi trên sông chừng một trăm dặm dặm, mà con nhạn kia vẫn bay qua lại trên đỉnh thuyền không chịu rời xa. Nhân vì có một con chim nhạn bị quân sĩ của tướng Tiền Tham bắt nhốt trong lồng. Con nhạn đang ở trong lồng phía sau đuổi thuyền này cũng cất tiếng kêu "chiêm chiếp… chiêm chiếp" một cách thảm thương.

Đến khi thuyền vừa dừng lại bên bờ sông thì con nhạn trong lồng bỗng dưng ngước đầu lên không trung kêu lớn mấy tiếng. Lập tức, con nhạn đang lơ lửng trên không kia phóng xuống nhanh như tên bắn, đáp ngay trên lồng. Bấy giờ, con nhạn trong lồng liền trương cổ ra, thế là hai con nhạn tựa cổ vào nhau không rời, tựa hồ như một đội uyên ương đa tình đang bày tỏ tình cảm mặn nồng không nỡ rời xa bạn. Tình cảnh ấy không được bọn binh sĩ đồng tình, vì trong bọn chúng có hai thằng tính tình tàn bạo, đột nhiên tay cầm con dao đi đến chỗ hai con nhạn, dang tay chém một nhát khiến hai cái đầu đứt lìa. Hai con nhạn khốn khổ kia chết ngay lập tức máu chảy đầm đìa, hồn lìa khỏi xác.

Nghe có tiếng ồn làm kinh động, tướng Tiền Tham liền đi bộ ra khỏi phòng, tới nơi chứng kiến cảnh tượng ấy, ông nổi giận xugn thiên, nói: "Hai đứa bay thực quá độc ác, giết hại một loài sinh linh không thể tự vệ được, quân lính đâu, đem hai đứa ra đánh mỗi đứa ba mươi trượng để trừng trị cái tội tàn nhẫn!"

Hai tên binh sĩ kia bì bị trừng phạt bằng gậy một cách đau đớn, nên sau đó phát sinh ra bệnh. Cái chứng bệnh quái ác này không biết gọi là gì, nó kéo dài như vậy hơn một tháng, không phương cứu chữa, cuối cùng đành phải vong mạng.

57. Thả Rắn Được Ngọc

"Ổ! Cái gì thế?". Một tên lính hỏi.

"Đó là một con rắn!". Một tên lính khác quay lại đáp.

Thế rồi, hai tên lính liền cầm gậy dài chuẩn bị đập chết con rắn nhỏ có đóm trên mình, thì ngay lúc ấy, Tùy Hầu quát họ dừng tay lại. "Thật là tội nghiệp! Nó đang bị thương". Tùy Hầu hướng mắt nhìn về phía con rằn nhỏ đang nằm trên hòn đá bên vệ đường, nói như thế. Đích xác, không hiểu nó bị kẻ nào đánh làm bị thương nơi đầu.

Thế rồi, ông Tùy Hầu nhân từ này đi tìm hai khúc cây kẹp con rắn đang bị thương đem thả xuống nước.

Trải qua thời gian không lâu, con rắn nhỏ ấy sau khi đi dũ lãm trở về, liền ngậm trong miệng một viên bảo châu đem đến bỏ tại chỗ mà Tùy Hầu thường lui tới. Tùy Hầu biết rõ mười mươi là chính con rắn nhỏ kia báo đáp ân huệ của ông. Nhưng mà tính ông thanh liêm nên không màng để ý đến viên ngọc ấy. Thế rồi, trong đêm đó, Tùy Hầu hốt nhiên nằm mộng thấy mình vô ý đạp nhằm một con rắn, chợt kinh hãi, ông vội vàng nhìn trên chân xem có bị con kia cắn bị thương hay không…, thì hóa ra đó chỉ là một giấc mộng. Vậy mà, khi ông vừa tỉnh mộng thì thấy rõ rõ ràng ràng dưới hai chân mình có vật gì phát ra ánh sáng lấp lánh. Thì ra, đấy là một đôi bảo châu tuyệt đẹp, là thứ bảo vật hiếm có trên đời này.

Kỳ thực, Tùy Hầu không hề hy vọng được báo đáp, thế mà tự nhiên lại được. Đôi bảo châu ấy rốt cuộc thành ra phẩm vật kỷ niệm độc đáo nhất trong suốt cuộc đời của ông. Chuyện thả rắn được ngọc chính là phát xuất từ đây rồi dần dần được truyền rộng ra, vì thế mọi người đều bảo nhau hễ làm thiện thì được sự báo đáp tốt đẹp. Nhân ảnh hưởng câu chuyện này mà phong tục suy vi lúc bấy giờ được chuyển biến, người ta khuyên nhau hướng về đường thiện.

58. Ba Ba Chữa Bệnh Cho Nữ Tỳ

Nhân có việc phải rời khỏi nhà, vợ chồng Trình Viên ngoại lúc ra tới cửa bèn căn dặn nữ tỳ ở nhà phải cẩn thận, bà bảo: "Đem con ba ba ấy rửa cho thật sạch, rồi bắc lên nấu rục, đừng có sơ suất đấy nhé".

Nữ tỳ dạ dạ, đợi ông bà chủ ra khỏi cửa, hốt nhiên cô khởi lên ý nghĩ thương xót một cách mơ hồ: "Ổ! Con ba ba này thật đáng thương". Cô than thở như thế.

Nhân vì vợ chồng Trình Viên ngoại ngày thường rất thích ăn thịt ba ba, tất cả đều sai cô làm thịt, qua tay cô sát hại hết bao nhiêu thì cô cũng không rõ. Nhưng kỳ quái thay, không hiểu sao lần này cô bỗng nhiên cảm thấy thương xót con ba ba ấy. "Chi bằng ta thả quách cho nó sống! Nhưng không, không thể được! Chẳng lẽ không sợ chủ nhà trở về đánh đòn hay sao?" Đại loại, trong lòng cô phân vân mâu thuẫn như thế.

Thế rồi, cuối cùng cô quyết định đem con ba ba đi phóng sinh và cam chịu khi chủ nhà trở về trừng phạt. Quả nhiên cô nữ tỳ có lòng tốt kia bị vợ chồng Trình Viên ngoài đánh cho một trận nên thân.

Có một lần, bệnh dịch tả hoành hành, cô nữ tỳ này cũng mắc bệnh, bệnh tình rất trầm trọng, xem ra không có hy vọng gì sống sót. Tất cả đều chỉ mong ơn trời và chờ sống mạng. Không hiểu sao vào lúc nửa đem, trong lúc đang mơ màng cô cảm thấy như có một vật gì từ trong hồ bò ra, mang trên mình đầy những bùn, từ từ bò gần đến cô, rồi lấy vùn ấy bôi lên mình cô. Sau đó, cô cảm thấy thân thể sảng khoái, sự đau noun dần dần biến mất. Đến hôm sau thì bệnh tình đã bớt được một nửa.

"Điều đó thật hết sức kỳ quái". Vợ chồng Trình Viên ngoại sau khi cật vấn, cô nữ tỳ đã đem tình hình vừa qua thuật lại đầy đủ, ông bà đương nhiên không tin.

Một hôm, vào lúc nửa đêm, hai vợ chồng họ Trình lén rình xem, thì chính mắt trông thấy con ba ba được phóng sinh hôm trước từ đâu ngậm bùn đến thoa trên thân nữ tỳ, do thế khiến ông bà không thể không tin được. Sau khi nữ tỳ lành bệnh, vợ chồng Trình Viên ngoại từ đó trở đi không còn ăn thịt ba ba nữa.

59. Loài Thủy Tộc Giải Độc

Lý Cảnh Văn là một người rất nhân từ, ông thường thường đi đến bên bờ sông hỏi ngư phủ: "Hôm nay lại bắt được những thứ gì đó? Tôm chẳng? Hay là ba ba?" Ông vừa hỏi vừa thọc tay vào túi lấy ra hai hào ung dung đưa cho ngư phủ, rồi đem tất cả những loài thủy tộc vừa mới mua được đi phóng sinh. Ông vốn không phải là một người giàu có gì, mà chỉ vì tính ưa thích phóng sinh lấy đó làm thú tiêu khiển.

"A, chúng mày được tự do rồi đấy!" Nhìn thấy những con cá, cua, ba ba mà mình vừa mới phóng sinh bơi lội tự tại, ông không thể kiềm chế được niềm hân hoan lộ trên vẻ mặt.

Nhân vì bấy lâu nay ông thích uống thuốc, luyện đan, trúng phải chất độc đan sa, nên ung nhọt phát sinh sau lưng, chung cục không có thuốc nào chữa trị được. Thế rồi, trong khi đang bị đau đớn ấy, bệnh tình tự nhiên biến chuyển.

Không hiểu vào lúc nào, trong khi cơn bệnh đang đau đớn hôn mê, thì ông mơ màng thấy một bầy các loài thủy tộc dưới biển dùng nước bọt thoa vào mụt nhọt đang đau đớn của mình, do thế ông cảm thấy mát mẻ, sảng khoái lạ thường không có bút mực nào mô tả được. Trải qua một thời gian rất ngắn, cái mụt nhọt đau đớn thấu xương kia giờ đây không còn có cảm giác gì nữa. Ông phấn chấn đứng bật dậy khỏi giường, bô lô, ba la nói: "A, tôi có thể chạy đi chơi được rồi, không còn đau đớn một tí nào nữa!".

Chứng bệnh ung thư nan y của lý Cảnh Văn bỗng dưng được loài thủy tộc cứu chữa quả thực là một hiện tượng không thể nghĩ bàn. Chất độc đã được giải trừ, không những sức khỏe ông được hồi phục mà thân thể còn có vẻ tráng kiện hơn xưa.

Thế rồi, dân cư ở vùng phụ cận ấy, hằng ngày lại gặp mặt ông ta, ung dung đi lại trên bờ sông, lưng mang túi bạc, dáng vẻ rất tự tín, đi đến ngư phủ mua tôm cá, với một vẻ mặt tươi tỉnh, thần sắc sảng khoái, tiếp tục tập quán phóng sinh của mình.

60. Ngư Tộc Du Hành

Vào khoảng năm Gia Tuyên, tại một huyện kia có Phan Huyện Lệnh, ông không những là một viên quan thanh liêm, mà còn yêu dân, thương vật, bản tính nhân từ. Ông từng truyền lệnh cho cư dân thuộc quyền cai trị của ông bất cứ là ai đều không được vào sông hồ đánh bắt tôm cá. Nếu ai không tuân lệnh thì sẽ bị luận tội xử phạt. Lúc bấy giờ, bách tính trong huyện đều được ông yêu thương như con; hơn nữa, lòng nhân từ của ông làm cho mọi người cảm động, do vậy phần lớn dân chúng không ai oán trách gì mà còn một lòng tuân phục. Huyện này lại được bình an vô sự, yên ổn thanh bình.

Thế nhưng, mọi việc trong đời này không có điều gì là nhất định không dị dịch. Mặc dù Phan Huyện Lệnh có nhiều cống hiến, cai trị có công lao, được dân chúng yêu mến, tiếng tốt vang dội trong ngoài, nhưng vì thượng cấp đang cần điều động ông đến chỉnh đốn một huyện khác, do thế nên thăng chức rồi thuyên chuyển. Tin tức ấy được truyền đi, dân chúng cả huyện không ai là không thương cảm. Hôm Phan Huyện Lệnh lên thuyền rời hỏi huyên, dân chúng giả trẻ, lớn bé dắt díu nhau đi tiễn đưa đông nghẹt cả đường. Đột nhiên có một người từ trong đám đông bước ra, đến qùy trước Phan Huyện Lệnh, hai tay cầm dâng lên mười lượng bạc, nói: "Đây là một chút lòng thành, kính xin đại nhân vui lòng nhận cho".

Quan huyện lấy làm ngạc nhiên, thẳng thắn nói: "tôi đã không từng bảo với các vị là không nên biếu xén tiền bạc hoặc bất cứ vật gì rồi sao? Vì sao anh không hiểu điều đó?"

Người ấy nói: "Thưa không phải vậy, vì lẽ trước đây đại nhân không những tha cho tôi tội ăn trộm mà còn cho tiền, dạy bảo, thảo dân từ đó rửa tay hồi chánh, làm một người buôn bán nhỏ, rồi năm tháng đi qua, xây dựng nên gia đình sự nghiệp, cái vật nhỏ này vốn là ân huệ mà năm ấy đại nhân đã ban cho thảo dân, cho nên…"

Qua đó càng thấy rõ lòng yêu quý mà dân chúng đã dành cho Phan Huyện Lệnh.

Quan huyện cũ ra đi thì quan huyện mới đến nhậm chức. Không lâu, trên sông hồ cả huyện, gần xa người ta đều nghe tiếng than oán của loài thủy tộc hình như cha mẹ vừa chết. Tất cả các loài ngư tộc đều có linh tính, khiến cho người ta phải lấy làm kinh ngạc xem là một việc kỳ dị.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/02/2013(Xem: 4334)
Từ bi không chỉ là đồng cảm. Trên thực tế, nó là tâm hiểu được sự bình đẳng, bình đẳng giữa bản thân và người khác, giữa tốt và xấu, bình đẳng trong mọi hiện tượng nhị nguyên.
04/12/2012(Xem: 6820)
Để cho người bệnh có được một cái vốn căn bản, thì đầu tiên chúng ta nên cố gắng hướng dẫn cho người hộ niệm cái vốn căn bản vững vàng trước.
02/12/2012(Xem: 6262)
LỜI NHẮN NHỦ CỦA LÃO HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG Khi tai kiếp đến người đáng ở sẽ được ở, người đáng đi thì phải đi. Sống chết đều có số, phú quý mạng đã định, tránh không được, thoát không khỏi. Người số không bị nạn, dù đại tai kiếp đến vẫn được sống sót bình an. Điều duy nhất ở hiện tại có thể tự cứu và độ tha chính là nghe đại Kinh giải, y giáo phụng hành, lão thật niệm Phật, buông xả vạn duyên, cầu sanh Tịnh-độ. Công đức niệm Phật bất khả tư nghì. Chỉ có niệm Phật, sửa lỗi mới giảm bớt tai nạn. Những phương pháp khác không còn kịp nữa! Diệt trừ vọng niệm. Tất cả đều tùy duyên là tốt.
18/11/2012(Xem: 11967)
Quyển THIỀN TÔNG QUYẾT NGHI TẬP này do thiền sư Đoạn Vân Trí Triệt soạn vào đời Nguyên, được ấn hành vào niên hiệu Khang Hi thứ 6 (1667) đời Thanh, sau đó được xếp vào Đại Chính Tạng tập 48, trang 1009.
14/11/2012(Xem: 12346)
Ai cũng phải chết nên chết là điều đáng sợ. Tuy nhiên không phải ai cũng được trải qua tuổi già, nên dầu tuổi già còn đáng sợ hơn cái chết, người ta vẫn chúc tụng nhau sống lâu trăm tuổi, đầu bạc răng long. Vì không phải ai cũng thấy được những cái khổ của tuổi già.
08/11/2012(Xem: 17421)
Giáo phái Thanh Hải cũng có những hình thức có vẻ tương tự, mà mới nghe nói qua, ai cũng tưởng giống đạo Phật hay một đạo nào khác...
31/10/2012(Xem: 5943)
Đức Phật dạy chúng ta hãy vất bỏ mọi thái cực. Đó là con đường thực hành chân chính, dẫn đến nơi thoát khỏi sanh tử. Không có khoái lạc và đau khổ trên đường này...
13/10/2012(Xem: 9945)
Kinh Tứ Niệm Xứ là cốt lõi của Thiền Phật Giáo, có thể nói nếu không thông suốt tinh yếu của kinh này thì việc hành thiền sẽ như người lạc trong rừng sâu chỉ đi loanh quanh, khó tìm lối thoát.
12/10/2012(Xem: 3848)
Luật nhân quả khiến chúng ta phải trải qua những kết quả của việc ta đã làm. Những nơi mà chúng ta trải qua sự chín muồi của nghiệp được gọi là sáu cõi luân hồi.
10/10/2012(Xem: 10221)
Kamma hay nghiệp chỉ là hành động, một “việc làm”. Những hoạt động của chúng ta được thực hiện theo ba cách: bằng thân, bằng tâm, và bằng lời nói. Mỗi hành động quan trọng được thực hiện vì muốn có một kết quả, tức phải có một mục đích, một mục tiêu. Nghĩa là ta muốn có một điều gì đó đặc biệt xảy ra như kết quả của nó. Ước muốn này, cho dù có nhẹ nhàng thế nào chăng nữa, cũng là một hình thức của tham ái. Nó bộc lộ khát ái đối với sự hiện hữu và đối với hành động. Hiện hữu là để hành động ở mức này hay mức khác mà thôi. Sự sống hữu cơ bao gồm những hoạt động hoá học; sự sống tinh thần bao gồm những hoạt động tâm lý. Vì vậy, sự sống và hành động (nghiệp) không thể tách rời nhau.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]