Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con đường giác ngộ

22/06/201304:21(Xem: 5013)
Con đường giác ngộ

CON ĐƯỜNG GIÁC NGỘ

Nguyễn Huy

con-duong-giac-ngo-nguyenhuy“Trên sân ga thành phố Đại học Gorakhupur ở Bắc Ấn, ta có thể thấy ngoài số du khách Ấn Độ, còn có du khách đến từ Nhật Bản, Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện cũng như đoàn người Tây Tạng tha hương và du khách Tây phương nữa. Họ là những người chiêm bái, trên đường đi viếng nơi Đức Phật đản sanh tại Lumbìni và nơi Ngài diệt độ tại Kusinàra”.


Đó là cảnh khách hành hương chiêm bái Phật tích mà H.W. Schumann từng chứng kiến và phác họa lại lúc ông viếng thăm Ấn Độ. Giao thông thuận tiện cộng với đức tin tôn giáo, dĩ nhiên, đóng vai trò quan yếu trong các cuộc hành hương xứ Phật. Mặt khác, sự căng thẳng và trống vắng nội tâm của cuộc sống hiện đại khiến ngày càng có nhiều người tìm đến chiêm bái các thánh tích Phật giáo. Người ta cảm thấy tâm hồn như được bình an hơn khi có dịp tiếp xúc với những gì khiến gợi nhớ về Đức Phật. Hơn 2.500 năm sau, một khách hành hương bộc lộ cảm xúc của mình khi viếng thăm các địa danh từng in dấu chân bậc Đại từ:
“Tôi bước chậm rãi trong Kỳ-viên (Jetavana) trên con đường hẹp tráng xi-măng mà bây giờ đã sạch bóng sau cơn mưa và nhận ra rằng lòng mình lúc nào cũng bình an khi đến các thánh địa. Ở đây, tôi cảm nhận một không khí thuần tịnh, ở Vesali một khí sắc vương giả, ở Bodh Gaya một tâm tư kính sợ, ở Linh Thứu một lòng cảm động vô hạn, ở Câu-thi-na một khí lực mát lạnh buồn bã, ở Lộc Uyển một lòng hân hoan. Nhưng ở mọi nơi, lòng bình an luôn luôn chan hòa trong mọi cảm nhận, nó làm nền cho chúng phát khởi”1.
Đức Thích-ca Mâu-ni xuất hiện ở Ấn Độ thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch đã để lại cho nhân thế một di sản tâm linh vô cùng cao quý. Đó là sự xác chứng rõ ràng về tiềm năng giác ngộ của con người và phương pháp khiến cho tiềm năng ấy bộc lộ và tuôn chảy. Đức Phật là bậc giác ngộ, có sức cảm hóa và phương pháp dẫn dắt thiện xảo khiến cho người khác tràn đầy tin tưởng và sẵn sàng đi theo con đường của Ngài.
T.W. Rhys Davids nói rằng đặc điểm nổi bật của Phật Gotama là Ngài không chỉ tìm kiếm Niết-bàn hay an ổn nội tâm cho riêng mình mà còn kêu gọi người khác thực nghiệm nó, và Ngài có đủ khả năng để giúp cho người khác hiểu rõ, ước muốn, và chứng ngộ điều đó2. Các bản kinh Nikàya thuộc văn hệ Pàli lưu lời khuyến khích của Ngài: “Các ngườ ihãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được. Ta sẽ giảng dạy, Ta sẽ thuyết pháp. Nếu sống đúng theo lời khuyến giáo, các người không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của Phạm hạnh, sẽ an trú.” Trong tâm tưởng các đệ tử Ngài: “Thế Tôn đã giác ngộ, Ngài thuyết pháp để giác ngộ mọi người… Thế Tôn đã vượt qua, Ngài thuyết pháp để mọi người vượt qua. Thế Tôn đã chứng Niết-bàn, Ngài thuyết pháp để mọi người chứng Niết-bàn.”3

Sự giác ngộ từ vị trí một con người

Sự kiện giác ngộ của Đức Phật ở Gayà Ấn Độ thế kỷ thứ sáu trước kỷ nguyên Tây lịch có một ý nghĩa và ảnh hưởng lớn lao đối với các truyền thống văn hóa và tâm linh của nhân loại. Sự chứng đắc Phật quả của Ngài không chỉ mở ra một chân trời hoàn toàn mới mẻ và sáng sủa cho truyền thống tâm linh vốn nổi tiếng của Ấn Độ, mà còn ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến các truyền thống tâm linh và nhiều nền văn hóa khác trên thế giới. Sự kiện từ rất sớm các vương triều Trung Hoa từng phái người sang Tây Trúc cầu đạo và hàng loạt các tu sĩ Phật giáo Trung Hoa không ngại gian nan băng rừng vượt núi sang Ấn Độ tu học Phật pháp đã chứng minh điều đó. Trung Quốc có lịch sử văn minh xa xưa không thua gì Ấn Độ và về nhiều phương diện còn vượt cả văn minh Ấn Độ. Thế nhưng về mặt thực nghiệm tâm linh thì phải nói là kém Ấn Độ một bậc. Nhân thể cũng cần nói thêm rằng người Trung Hoa đã vay mượn truyền thống tâm linh Phật giáo kết hợp với văn minh bản xứ để tạo nên nhiều kỳ tích văn hóa vượt trội. Việt Nam từ rất sớm đã khéo tiếp thu truyền thống tâm linh và tinh thần tự chủ Phật giáo nên đã nuôi dưỡng được ý chí độc lập tự cường, tránh được nạn bị đồng hóa bởi các thế lực xâm lăng phương Bắc.
Ấn Độ có truyền thống tâm linh lâu đời nhưng chỉ thật sự tỏa sáng sau sự kiện thái tử Siddhattha, người con ưu tú của kinh thành Kapilavatthu, trở thành bậc Giác ngộ. Đức Phật Gotama là người đầu tiên trong lịch sử xác tín với cuộc đời về khả năng giác ngộ của con người bằng chính sự nỗ lực và trí tuệ của mình. Bản kinh Ariyapariyesana Trung Bộ ghi nhận:
“Rồi này các Tỷ-kheo, Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già… tự mình bị bệnh… tự mình bị chết… tự mình bị sầu… tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Và trí và kiến khởi lên nơi Ta. Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa.”4
Không có một văn bản nào trong các thánh thư trước đó của Ấn Độ xác nhận mạnh mẽ và chính xác về sự giác ngộ của một con người cụ thể như đoạn kinh trên. Rõ ràng, việc Đức Phật tự thân tu tập và thành tựu mục tiêu giải thoát tâm linh là một sự kiện lớn và cũng là bằng chứng xác thực và hùng hồn nhất để bậc Giác ngộ xác lập đường hướng chuyển hóa tâm linh cho cuộc đời một cách đầy thuyết phục. Từ đây vai trò khai sáng tâm linh không còn là đặc quyền của tôn giáo thần thánh nữa mà đã hoàn toàn thuộc về con người và ý chí của con người. Kinh sách Phật giáo mô tả rằng đại địa đã chấn động, tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động mạnh trước sự kiện giác ngộ của Đức Phật. Chúng ta ngày nay không cảm nhận được hiện tượng siêu nhiên lạ thường này, nhưng các cứ liệu còn lưu lại cho thấy đức tin truyền thống Ấn Độ đã dao động mạnh trước sự kiện Đức Phật khẳng định sự giác ngộ của Ngài. Có một hệ quả hết sức to lớn đối với đời sống tinh thần Ấn Độ chung quanh lời tuyên bố giác ngộ của Đức Phật, nếu ta xét qua bối cảnh lịch sử các truyền thống tôn giáo và tư tưởng của xứ sở này.

Đức tin tôn giáo và khát vọng giải thoát tâm linh của người Ấn bộc lộ rất sớm và rất mạnh mẽ. Sự xuất hiện rất sớm các bản kinh Vệ-đà, tiếp theo Bà-la-môn giáo, sang đến tư tưởng triết học Upanisad, rồi đến các phong trào Sa-môn trong suốt một dọc dài của lịch sử Ấn Độ cổ đại đã cho thấy điều đó. Mặc dù có các truyền thuyết và đức tin, các truyền thống tín ngưỡng và tâm linh trước đó của Ấn Độ chưa sẵn sàng để tiếp nhận một sự kiện mới mẻ như sự giác ngộ của một con người bằng xương bằng thịt. Truyền thống Bà-la-môn có nói đến bậc Chánh đẳng giác (Sammàsambuddho) với những mỹ tướng lạ thường nhưng hãn hữu lắm mới xuất hiện ở đời 5. Chính đức tin này đã khiến ẩn sĩ Asita tiên đoán thái tử Siddhattha sẽ xuất gia thành bậc giác ngộ6. Một vài vị Bà-la-môn khác cũng tò mò muốn biết Đức Phật có thật sự sở hữu 32 hảo tướng hay không7. Truyền thuyết và đức tin là thế nhưng phần lớn các Bà-la-môn danh tiếng mà Đức Phật đã có dịp gặp gỡ và trao đổi đều thừa nhận rằng “không một vị tôn sư nào của các Bà-la-môn, cho đến bảy đời, thật sự được xem là đã chứng đạt mục tiêu cứu cánh giác ngộ”8.
Như vậy, dưới con mắt các phả hệ Bà-la-môn thì Phật hay bậc giác ngộ chỉ có ở truyền thuyết và đức tin mà chưa hề hiện hữu dưới hình thức một con người. Có lẽ vì thế mà khi trông thấy dấu chân của Đức Phật có mỹ tướng xa luân, Bà-la-môn Dona không tin Ngài là một con người:
- Thưa Sa-môn, Ngài là Tiên, Càn-thát-bà hay Dạ-xoa chăng?
– Ta không phải là Tiên, Càn-thát-bà hay Dạ-xoa, này Bà- la-môn.
– Vậy Ngài là ai, thưa Sa-môn?
– Này Bà-la-môn, Ta là người, với các lậu hoặc đã đoạn tận… Ví như, này Bà-la-môn, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn, sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật.9

Upanisad xuất hiện khoảng thế kỷ thứ chín trước Tây lịch, được xem là giai đoạn chuyển biến mạnh mẽ đầu tiên của truyền thống tư tưởng tâm linh Ấn Độ, từ hình thái tín ngưỡng thuần túy bước sang tư duy triết học thực nghiệm. Một số triết gia xuất hiện vào thời kỳ này để lại nhiều tác phẩm tư tưởng rất nổi tiếng. Tuy vậy, không một nhân vật nào của thời kỳ Upanisad được xem là đã thành tựu đạo quả giác ngộ. Đến lượt các phong trào Sa-môn xuất hiện khoảng thế kỷ thứ bảy trướcTây lịch, tuy có nhiều dấu hiệu cho thấy sự khao khát tìm cầu tâm linh nhưng không có một bậc đạo sư nào được ghi nhận đã chứng Chánh đẳng giác. Có một câu chuyện10 chép ở Tương Ưng Bộ chứng thực sự kiện này. Vua Pasenadi nước Kosala trước lúc quy ngưỡng Tam bảo, từng dò hỏi Đức Phật:
- Tôn giả Gotama có tự cho mình đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?
– Thưa Đại vương, nếu có ai có thể nói một cách chơn chánh là mình đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thời người ấy phải chính là Ta. Thưa Đại vương, Ta đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
– Thưa Tôn giả Gotama, có những vị Sa-môn, Bà-la-môn là vị hội chủ, vị giáo trưởng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, như ngài Pùrana Kassapa, Makkhali Gosàla, Nigantha Nàtaputta, Sanjaya Belatthiputta, Pakudha Kaccàyana, Ajita Kesakambala. Khi con hỏi các vị ấy có tự xem là đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không, thời họ đã trả lời là không. Vậy làm sao Tôn giả Gotama, trẻ tuổi, sanh sau đẻ muộn, và chỉ mới xuất gia lại tự cho mình như vậy?

Văn đoạn tiếp theo cuộc đối thoại, Đức Phật đã có một lối giải thích thật minh triết và đầy ý nhị khiến vị vua có học vấn uyên thâm như Pasenadi rất đỗi khâm phục, xin quy y Tam bảo. Tuy nhiên lời nhận xét ở trên cho thấy lúc đầu vị vua này chưa thực tin Sa-môn Gotama là bậc Chánh đẳng giác, còn sáu vị đạo sư có tiếng tăm lúc bấy giờ chỉ là hữu danh vô thực.
Như vậy, sự kiện Đức Phật chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác đã gây kinh ngạc không ít đối với đức tin truyền thống lúc bấy giờ. Từ đức tin, đến tâm lý hoài nghi muốn tìm hiểu, rồi chuyển sang xác tín hoàn toàn; không ít các Bà-la-môn trưởng thượng đã quy ngưỡng Đức Phật và nương theo giáo pháp của Ngài11. Một số vị còn cầu xin xuất gia dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn, nỗ lực tu học, chứng đắc đạo quả giác ngộ và rồi tự nhận xét về mình: “Quả thực chúng ta suýt nữa bị suy vong. Trong khi trước đây chúng ta không thực sự là Bà-la-môn, lại tự cho mình là Bà-la- môn; không phải Sa-môn, lại tự cho mình là Sa-môn; không phải A-la-hán, lại tự cho mình là A-la-hán. Nhưng nay chúng ta mới thực sự là Bà-la-môn, mới thực sự là Sa-môn, mới thực sự là A-la-hán.”12
Các bản kinh cũng cho biết sau nhiều lần tìm đến luận chiến với Sa-môn Gotama, du sĩ biện thuyết gia nổi tiếng Saccaka và đại thí chủ Upàli thuộc phái Kỳ Na giáo đều lần lượt quy y Đức Phật với lòng xác tín Ngài là bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác.13 Vua Pasenadi cũng chính thức trở thành Phật tử sau khi hiểu ra Sa-môn Gotama thực sự là bậc giác ngộ.14 Tài liệu Cullavagga thuộc Luật tạng Pàli nói rằng lần đầu tiên nghe một vị triệu phú người Ràjagaha dùng danh từ Đức Phật (Buddho) trong khi nói về bữa tiệc cúng dường được sửa soạn cho Ngài và Tăng chúng của Ngài, đại thương gia Cấp Cô Độc (Anàthapindika) hết sức ngạc nhiên gạn hỏi vị này đến lần thứ ba để xác tín sự thật, vì lẽ theo ông thì chỉ danh xưng “Đức Phật” không thôi đã hiếm thấy ở đời.15 Tài liệu cho biết tín tâm của vị gia chủ giàu có này đối với Đức Phật bắt đầu phát sinh từ đó.

Xác tín khả năng giác ngộ của mọi người

Thái độ của nhóm năm ẩn sĩ do Kondanna đứng đầu tỏ ra ít ngạc nhiên hơn, nhưng họ không tin Sa-môn Gotama lại có thể thành Phật một khi Ngài đã từ bỏ lối tu khổ hạnh:
- Hiền giả Gotama, với nếp sống này, với đạo tu này, với khổ hạnh này, Hiền giả đã không chứng được Pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, thì nay làm sao Hiền giả, với nếp sống sung túc, với sự từ bỏ tinh cần, với sự trở lui đời sống vật chất đầy đủ, lại có thể chứng được Pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh?16
Lúc này bậc Giác ngộ mới lên tiếng:
– Này các Tỷ-kheo, Như Lai không sống sung túc, không từ bỏ tinh cần, không trở lui đời sống vật chất đầy đủ. Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Này các Tỷ-kheo, hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta sẽ giảng dạy, Ta sẽ thuyết pháp. Nếu các ngươi đi theo con đường Ta chỉ dạy thì không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại, các người sẽ đạt được mục đích vô thượng của Phạm hạnh.17

Lời xác chứng của Đức Phật cho nhóm năm ẩn sĩ này thật quan trọng bởi nó cho thấy không những Đức Phật tự nhận đã giác ngộ mà Ngài còn tin người khác cũng có khả năng giác ngộ giống như Ngài, nếu tuân theo đường lối do Ngài chỉ dẫn. Có thể nói rằng đây là thông điệp giác ngộ đầu tiên mà Đức Phật gởi đến cho con người và cuộc đời, một thông điệp đổ đầy niềm tin và tính nhân bản, đặt nền móng cho sự tồn tại và phát triển lâu dài của Phật giáo: “Tất cả mọi người đều có khả năng giác ngộ.”

Như vậy, khác với quan niệm khá hẹp hòi của các Bà-la-môn cho rằng chỉ có giai cấp Bà-la-môn mới là cao thượng và mới có khả năng lãnh hội con đường giải thoát tâm linh, Đức Phật khẳng định rằng tất cả mọi người đều có khả năng giác ngộ và xứng đáng theo đuổi con đường tu tiến tâm linh. Theo Ngài, không có sự khác biệt về khả năng giải thoát giữa con người và con người hay giữa các giai cấp hoặc giới tính. Tất cả mọi người đều có khả năng chứng đắc chân lý, giác ngộ sự thật, nếu họ được giáo dục tốt và nỗ lực theo đúng phương pháp; tựa như mọi ngọn lửa cháy đỏ đều có ngọn, có ánh sáng, màu sắc và có thể dùng vào việc nấu chín thức ăn dù do ai đốt và được đốt bằng chất liệu gì.18 Như là kết quả, mọi giai cấp đều có mặt trong tổ chức Tăng-già do Đức Phật thành lập và tại các buổi thuyết pháp hay giảng dạy của Ngài. Phụ nữ được giải phóng về phương diện xã hội và được thừa nhận về mặt trí tuệ và khả năng giác ngộ. Họ có quyền xuất gia tu học, tự đứng ra lo tổ chức và điều hành Giáo hội Ni giới.
Có thể nói rằng quan điểm bình đẳng về khả năng giải thoát tâm linh do Đức Phật đưa ra có một ý nghĩa cách mạng xã hội đáng kể đối với thời kỳ này, đặc biệt là đối với các tầng lớp nghèo khó. Người ta thấy có rất nhiều người đã sung sướng đến rơi nước mắt khi được chấp nhận gia nhập hàng ngũ những người xuất gia đệ tử của Đức Phật. Quan niệm cũ bị đánh đổ và một làn không khí mới đầy nhân bản tràn lên mọi ngõ ngách của xã hội. Khắp nơi quần chúng hân hoan lắng nghe lời khuyến giáo của Đức Phật. Tài liệu Kinh tạng Pàli mô tả rằng các thính giả, sau khi được Thế Tôn làm cho phấn khích và hoan hỷ với bài pháp thoại, rời chỗ ngồi lưu luyến ra đi mắt không rời khỏi Ngài.19 Tài liệu cũng ghi nhận có nhiều lượt người từ xa đến chờ nghe Đức Phật thuyết pháp với ý nghĩ: “Chúng ta sẽ được nghe Chánh pháp mà Đức Thế Tôn sẽ thuyết giảng cho chúng ta.” Quần chúng mong muốn được lắng nghe những lời dạy bảo chí tình chí lý từ Đức Phật. Người ta không ngại băng ngàn vượt biển để được nghe những điều mới mẻ và chân thật. 21 Những người đương thời trang trọng nêu nhận xét về Ngài: “Như người dựng đứng lên những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy mọi vật”.
Jawaharlal Nehru nói rằng “Đức Phật có cá tính rất đặc biệt đến độ ngày nay người ta vẫn còn nhớ như in mỗi khi nghĩ đến Ngài. Ngài là mẫu người hoàn chỉnh của sự uy nghiêm, thanh thản và dịu dàng, vô vàn trìu mến chúng sinh và thương cảm những kẻ bất hạnh, một con người hoàn toàn tự do về tinh thần và không hề có chút định kiến đối với bất cứ ai.”22
Quả thực như vậy, đấng Đại từ Thế Tôn đã vào Niết-bàn hơn 25 thế kỷ, thế nhưng những gì Ngài đã thể hiện và làm cho cuộc đời thì vẫn còn nguyên giá trị. Nhân cách giác ngộ của Ngài vẫn tỏa ánh dịu dàng trong tâm hồn nhân thế. Những lời dạy sáng suốt đầy từ tâm của Ngài vẫn soi đường hạnh phúc cho những con tim biết yêu quý cái thiện. Đặc biệt, bức thông điệp xác quyết về khả năng giác ngộ không phân biệt giai cấp hay giới tính do Ngài công bố ngày nào vẫn tỏ rõ giá trị đạo đức chuẩn mực của nó trong thế giới hiện đại, trong tư tưởng tiến bộ của loài người, và trong niềm kính tín biết ơn của nhiều người luôn nhớ đến Ngài như một bậc Thầy vĩ đại “đã sinh ra ở đời vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho chư Thiên và loài Người”.

Chú thích:
1. Nguyễn Tường Bách, Mùi hương trầm, tr. 132.
2. T.W. Rhys Davids, Lectures on some Points in the History of Indian Buddhism, tr. 162.
3. Tiểu kinh Saccaka, Trung Bộ.
4. Kinh Ariyapariyesana, Trung Bộ.
5. Xem Kinh Ambattha, Trường Bộ; Kinh Brahmàyu, Trung Bộ.
6. Kinh An sĩ, Kinh tập, Tiểu Bộ.
7. Kinh Brahmàyu, Trung Bộ.
8. Kinh Đại bổn, Trường Bộ; Kinh Cankì, Kinh Subha, Trung Bộ.
9. Kinh Tùy thuộc thế giới, Tăng Chi Bộ.
10. Kinh Tuổi trẻ, Tương Ưng Bộ.
11. Kinh Ambattha, Kinh Sonadanda, Kinh Kùtadanta, Trường Bộ; Kinh Brahmàyu, Kinh Cankì, Trung Bộ.
12. Tiểu kinh Ví dụ dấu chân voi, Kinh Pháp trang nghiêm, Trung Bộ.
13. Kinh Mahàsaccaka, Kinh Upàli, Trung Bộ.
14. Kinh Tuổi trẻ, Tương Ưng Bộ.
15. T.W. Rhys Davids & H. Oldenberg, Vinaya Texts, Part III, tr. 180-181.
16. Kinh Ariyapariyesana, Trung Bộ.
17. Kinh Ariyapariyesana, Trung Bộ.
18. Kinh Assalayana, Kinh Kannakatthala, Trung Bộ.
19. Kinh Brahmàyu, Trung Bộ.
20. Kinh Mahà Sakuludàyi, Trung Bộ.
21. Kinh Cankì, Trung Bộ.
22. Phạm Thủy Ba, Phát hiện Ấn Độ, tập I, tr. 212. •

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 152 | Nguyễn Huy

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/07/2012(Xem: 8815)
Cổ đức bảo: “Kinh là lời Phật, Thiền là Tâm Phật”. Trên lộ trình Giác ngộ, hành giả cần phải thực hành cả hai mặt: Thấu ngữvà Đạt tâm. Do đó, chư Phật, chư Tổ ứng cơ thị hiện, tiếp dẫn độ sanh, nhằm mục đích tạo cho con người có một cuộc sống an bình tự tại. Phương tiện thì nhiều, nhưng cứu cánh chỉ có một. Nếu chúng ta biết tự chủ, nỗ lực tinh tiến dũng mãnh không chi chẳng thành tựu. Tinh tiến ít thì đạt kết quả ít, tinh tiến nhiều thì đạt kết quả nhiều. Tinh tiến rốt ráo thì kết quả viên mãn.
26/07/2012(Xem: 12524)
Giáo pháp Thiền giống như một cánh cửa sổ. Trước nhất chúng ta mới nhìn vào chỉ thấy bề mặt phản ánh lờ mờ. Nhưng khi chúng ta tu hành thì khả năng nhìn thấy trở nên rõ ràng.
24/07/2012(Xem: 15362)
Ở đây lời khuyên của Đức Phật đưa ra cho chúng ta là hãy sống thiện, chuyên cần và hành động một cách hiểu biết nếu chúng ta muốn giải quyết những vấn đề của chúng ta.
20/07/2012(Xem: 12069)
Đức Phật dạy Bốn Thánh Đế này cho chúng ta để đắc chứng Niết-bàn, Thánh Đế Thứ Ba, chấm dứt hoàn toàn tái sanh và do đó cũng chấm dứt luôn Khổ.
06/07/2012(Xem: 17192)
Cách đây vài năm, để tìm tài liệu cho cuốn sách của tôi ‘thế giới vắng bóng con người’ (the world without us) tôi có viếng thăm một bộ lạc ở Ecuador, Nam Mỹ. Mảnh đất nhỏ này may mắn còn sót lại của rừng già Amazon nổi tiếng màu mỡ, nhưng cũng bị khai thác đến mức cạn hết nguồn thực phẩm nên người dân bộ lạc bắt buộc phải săn bắn loài khỉ nhện (spider monkey) để ăn thịt. Điều này làm cho họ rất đau lòng bởi vì họ vẫn tin rằng họ là con cháu của loài khỉ nhện này.
05/07/2012(Xem: 11634)
Nếu muốn đạt được sự giải thoát, trước hết chúng ta phải quán xét thật cẩn thận những gì chung quanh ta, hầu quán nhận được bản chất đích thật của chúng...
15/06/2012(Xem: 6357)
Trong kinh điển Phật giáo , có nhiều trường hợp mô tả Đức Phật đã giữ thái độ im lặng trước một sồ câu hỏi của các du sĩ ngoại đạo mang tính huyền hoặc hoặc thiếu thực tế . Đức Phật thấy rõ , những người đặt các câu hỏi như thế thì hoặc chính bản thân họ không hiểu , hoặc họ chỉ nhằm khoe khoang kiến thức qua những tưởng tượng hay ức đoán ; và nếu có trả lời thì tính hạn chế của ngôn ngữ cũng khiến mọi giải thích không thể diễn tả rốt ráo mọi điều thấy biết của Đức Phật . Vì thế mà Đức Phật chỉ im lặng .
14/06/2012(Xem: 26585)
Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng - Tập 2, Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang ấn hành... Nguyên Siêu
19/03/2012(Xem: 7821)
Nỗi khổ đau suốt trăm năm trong cõi người ta vẫn hoài đè nặng lên kiếp người như một người mang đôi gánh nặng trĩu trên vai và đi mãi trên con đường dài vô tận, không khi nào đặt xuống được. Nhưng ngàn xưa vẫn chưa có bậc xuất thế nào tìm ra con đường thoát khỏi khổ đau của sanh, lão, bệnh, tử nên trong tiền kiếp Đức Phật cũng đã từng xông pha lăn lộn trong cuộc đời đầy cát bụi và đã trải qua biết bao khổ đau, thương tâm cũng như nghịch cảnh để tìm ra người thợ xây ngôi nhà ngũ uẩn và dựng lên những tấm bi kịch thường diễn ra trên sân khấu cuộc đời.
04/03/2012(Xem: 54061)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (tập 4), mục lục: Sắc đẹp hoa sen Chuyện hai mẹ con cùng lấy một chồng Cảm hóa cô dâu hư Bậc Chiến Thắng Bất Diệt - Bạn của ta, giờ ở đâu? Đặc tính của biển lớn Người đàn tín hộ trì tối thượng Một doanh gia thành đạt Đức hạnh nhẫn nhục của tỳ-khưu Punna (Phú-lâu-na) Một nghệ sĩ kỳ lạ Vị Thánh trong bụng cá Những câu hỏi vớ vẩn Rahula ngủ trong phòng vệ sinh Voi, lừa và đa đa Tấm gương học tập của Rahula Bài học của nai tơ Cô thị nữ lưng gù
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]