Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần B

09/05/201320:13(Xem: 5874)
Phần B

PHẬT GIÁO CHÍNH TÍN

Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học dịch
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

---o0o---

Phần B

[Câu hỏi 11 - 20]

[11] Tín đồ Phật có phải ăn chay không

[12]Thái độ của đạo Phật đối với uống rượu, hút thuốc và cờ bạc như thế nào

[13] Tin Phật giáo có phải xuất gia hay không

[14]Tín đồ đạo Phật có mấy đẳng cấp

[15] Trở thành một tín đồ Phật giáo như thế nào

[16]Phật tử vì sao mà phải tín ngưỡng Tam Bảo

[17]Những người làm các nghề ca hát, đồ tể, săn bắn, chài lưới bán rượu, có thể tin Phật hay không

[18]Phật giáo có tin ở sám hối hay không

[19]Phật giáo có tin thiên đường và địa ngục hay không

[20]Phật giáo có tin có Diêm vương hay không

11. TIN ĐẠO PHẬT CÓ PHẢI ĂN CHAY KHÔNG

Không phải. Tuy đạo Phật khuyến khích ăn chay, nhưng không phải Phật tử nào cũng bắt buộc phải ăn chay. Ăn chay là một nét đặc sắc của Phật giáo đại thừa, là phát xuất từ lòng từ bi đối với tất cả mọi loài hữu tình. Vì vậy, ở các nước Phật giáo Nam truyền, kể cả Tỷ khiêu xuất gia cũng không ăn chay. Các Lạt Ma ở Tây Tạng cũng không ăn chay. Nhưng bản thân họ không sát sinh.

Bởi vì, điều giới thứ nhất của 5 giới là không sát sinh. Sau khi tin Phật mà thực hành việc ăn chay là chuyện tốt nhất. Nhưng vì có khó khăn về gia đình và xã giao mà không ăn chay được cũng không sao. Thế nhưng, không được tự mình sát sinh hay là chỉ huy người khác sát sinh. Còn nếu mua thịt, cá về nhà ăn thì không có hại gì.

[^]



12. THÁI ĐỘ CỦA ĐẠO PHẬT ĐỐI VỚI UỐNG RƯỢU, HÚT THUỐC VÀ CỜ BẠC NHƯ THẾ NÀO

Trong giới luật nhà Phật, không có giới cấm hút thuốc. Thậm chí, để phòng ngừa các loại bệnh nhiệt đới. Phật cũng cho phép Tỷ khiêu hút thuốc. Thế nhưng, vì lý do phong tục và uy nghi, Phật giáo đồ Trung Quốc trước nay vẫn chủ trương không hút thuốc. Tuy vậy, các loại ma túy và các chất kích thích, có hại cho thân tâm, Phật giáo đều cấm chỉ, vì vậy cấm uống rượu là một trong 5 giới. Bản thân uống rượu không phải là tội ác; nhưng sau khi say rượu, con người có thể bị kích thích làm các tội ác. Từ đó suy ra thì biết, Phật giáo cũng cấm không được hút thuốc phiện, dùng cocain. Cờ bạc có tác dụng xấu hao thần, tốn của, khuynh gia, bại sản, cho nên trong kinh Phật, có răn Phật tử không được cờ bạc (Kinh Thiện sinh - Trường A Hàm). Đồng thời bản thân cờ bạc là một hành vi bịp bợm. Thậm chí, cờ bạc dẫn tới các tội ác như giết người, trộm cắp, phỉ bảng, nói ác v.v… Vì vậy Phật giáo tuyệt đối cấm chỉ cờ bạc.

[^]



13. TIN PHẬT GIÁO CÓ PHẢI XUẤT GIA HAY KHÔNG

Không phải. Tôn chỉ của đạo Phật tuy là giải thoát khỏi sinh tử và xuất gia là phương pháp tốt nhất để thoát khỏi sinh tử. Thế nhưng, xuất gia mà không thực tu, hay là tu không đúng phép thì vị tất thoát khỏi sinh tử. Không xuất gia, mà vẫn tu trì thì vị tất không thoát khỏi được sinh tử. Phật giáo Tiểu thừa coi trọng mục tiêu giải thoát. Người tại gia có thể tu chứng quả Thánh thứ ba (đệ tam quả). Quả thứ ba tuy chưa phải là ra khỏi ba giới, nhưng không trở lại luân hồi sinh tử nữa. Người chứng quả Thánh thứ ba, sau khi chết, sẽ sinh lên cõi trời Tịnh cư thiêncủa Sắc giới, và ở đó, sẽ chứng quả Thánh thứ tư là A La Hán và được giải thoát. Vì vậy, người tại gia tu chứng quả Thánh thứ ba, cũng đã gần với cảnh giới giải thoát rồi.

Còn nếu đứng trên quan điểm Đại thừa mà xét thì để hóa độ chúng sinh, các vị Bồ tát tùy theo loại chúng sinh mà ứng hiện, thường làm người tại gia. Vì vậy mà trong số các vị đại bồ tát danh tiếng, ngoài 2 ngài Di Lặc và Địa Tạng, còn thì đều là người tại gia. Ở Ấn Độ có hai vị cư sĩ là Trưởng Lão Duy Ma Cật và phu nhân Thắng Man, đều có thể thay Phật mà thuyết pháp. Vì vậy những Phật tử thực hành đạo Bồ Tát chân chính, không nhất định phải xuất gia. Người xuất gia có địa vị cao quý trong Phật giáo, đó là vì lý do người xuất gia phải chủ trì giáo đoàn, giữ vững cho Phật giáo tồn tại và hoằng dương Phật pháp. Ngoài ra, còn có lý do ứng xử đạo đức trong nội bộ giáo đoàn nữa. Nói một cách khác rõ ràng hơn, tăng ni xuất gia là xương tủy của Phật giáo, người tại gia là da thịt của Phật giáo. Đừng về bản thể thì nói xuất gia là quan trọng, đứng về tác dụng thì nói tại gia là quan trọng. Vì vậy, người tin Phật có thể xuất gia, nhưng không phải bắt buộc phải xuất gia.

[^]



14. TÍN ĐỔ ĐẠO PHẬT CÓ MẤY ĐẲNG CẤP

Đứng về bản chất mà nói, đạo Phật chủ trương bình đẳng. Người nào cũng có quyền lợi tin Phật, người nào cũng có khả năng thành Phật. Thế nhưng, xét về thứ bậc tu hành mà nói, và vì trì giới luật có cao thấp khác nhau, nghe đạo có sau trước khác nhau, cho nên nam nữ Phật giáo đồ chia thành chín cấp bậc như sau :

Cận sự nam, cận sự nữ, cận trụ nam, cận trụ nữ, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na, Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni.

Nam nữ thụ tam quy, ngũ giới (thập thiện) gọi là cận sự nam, cận sự nữ. Người tại gia mà giữ tám giới và ở trong chùa, gọi là cận trụ nam, cận trụ nữ. Nam nữ xuất gia giữ 10 giới gọi là Sa di và Sa di ni. Nam nữ xuất gia giữ đầy đủ giới luật (cụ túc) gọi là Tỷ khiêu và Tỷ khiêu ni. Thức xoa ma na là cấp trung gian giữa Sa di ni và Tỷ khiêu ni. Thời gian làm Thức xoa ma na kéo dài 2 năm. Mục đích là để xét xem Sa di ni có khả năng trở thành tỷ khiêu ni hay không và đã quen với nếp sống xuất gia hay chưa ?

Còn người đã thụ Bồ tát giới thì không thể xếp loại đẳng cấp được. Bất cứ người ở đẳng cấp nào và kể cả loại bàng sinh nữa, đều có thể thụ trì Bồ tát giới.

[^]



15. TRỞ THÀNH MỘT TÍN ĐỔ PHẬT GIÁO NHƯ THẾ NÀO

Các giáo phái cũ hay mới của đạo Thiên Chúa đều coi trọng lễ rửa tội. Có chịu lễ rửa tội mới được trở thành tín đồ của đạo Thiên chúa. Cũng tương tự như các ngoại đạo ở Ấn Độ coi trọng việc tắm rửa ở sông Thánh (sông Hằng) để xóa bỏ mọi tội ác.

Muốn trở thành Phật tử, muốn gia nhập Phật giáo chính tín, thì phải qua nghi thức "Ba quy y" (tam quy). Tính quan trọng của nghi thức này cũng giống như các nghi thức đăng quang của vua, nhậm chức của Tổng thống, vào đảng của đảng viên. Là một loại nghi thức bày tỏ sự trung thành, một sự chấp nhận tha thiết, một sự mong cầu khao khát, một sự chuyển đổi mới, một sự quy ngưỡng chân thành. Vì vậy mà Phật giáo xem lễ quy y là cực kỳ trọng yếu. Nếu không có quy y thì tuy là có lễ Phật tin Phật, nhưng chỉ là một loại học sinh dự thính, không phải là học sinh chính khóa. Nghi thức quy y có một tác dụng rất lớn đối với tâm lý tín ngưỡng có kiên định hay không kiên định.

Trong nghi thức tam quy có mời một vị Tăng hay Ni làm chứng và thuyết minh nội dung của ba quy y như sau :

Con là … suốt đời xin quy y Phật, suốt đời xin quy y Pháp, suốt đời xin quy y Tăng (đọc ba lần).

Con là … quy y Phật rồi, dù có bỏ thân mạng này, cũng không quy y thiên ma ngoại đạo.

Con là … quy y Pháp rồi, dù có bỏ thân mạng này, cũng không quy y ngoại đạo tà thuyết.

Con là … quy y Tăng rồi, dù có bỏ thân mạng này, cũng không quy y tà sư ngoại đạo.

Nghi thức tam quy giản đơn nhưng long trọng, mục đích chủ yếu là làm cho người tín đồ mới toàn tâm, ý quy y Tam Bảo, nương tựa vào Tam Bảo, có được niềm tin trong sáng và vững vàng. Phật là Phật Đà, Pháp là lời dạy của Phật, Tăng là người xuất gia, hoằng dương Phật Pháp. Nhờ nương tựa vào ba đối tượng lớn đó mà ngay hiện tại được thân tâm an lạc, sau này được chứng quả vô thượng là giải thoát sinh tử và thành Phật. Vì vậy gọi là Ba ngôi báu (Tam Bảo), và tín ngưỡng Phật giáo có nghĩa là quy y ba ngôi báu.

[^]



16. PHẬT TỬ VÌ SAO LẠI PHẢI TÍN NGƯỠNG TAM BẢO

Đúng vậy, tín ngưỡng Tam Bảo là nội dung rất riêng biệt của Phật giáo. Các tôn giáo thần quyền, hoặc là chỉ tin Thượng đế, (như đạo Do Thái, đạo Hồi), hoặc là tin chúa cha, chúa con và chúa Thánh Linh (như đạo Cơ Đốc) hoặc là sùng bái thêm Thánh Mẫu nữa (như Đạo Thiên Chúa). Phật giáo vì là vô thần, cho nên không sùng bái Phật như Thần linh, cũng không xem Phật là có một không hai, lại càng không xem Phật là chúa sáng tạo vạn vật và xá miễn tội ác cho nhân loại. Phật giáo xem Phật cũng như học sinh đối với thầy giáo. Thầy giáo có thể dạy học sinh, giúp học sinh thay đổi phẩm cách, tăng trưởng tri thức, tu dưỡng thân tâm, nhưng không thể học tập thay cho học sinh, lên lớp, nghe giảng thay cho học sinh được.

Vì vậy, tín ngưỡng Phật giáo mang tính chất thuần lý tính, thuần luân lý. Sự sùng bái Phật Đà giống như lòng hiếu kính của con cái đối với cha mẹ, xuất phát từ lòng biết ơn. Một Phật tử chính tín, sùng bái Phật, quyết không phải là để được phúc tránh họa, nguyện lực của Phật có thể do sức mạnh tâm lý của người cầu nguyện mà phát sinh cảm ứng linh nghiệm, nhưng đó chủ yếu là do bản thân người cầu nguyện. Nếu định nghiệp của mình đã chín muồi và hiện hành thì dù có cầu nguyện mấy, Phật cũng không làm gì được. Nếu biết dựa vào chính Pháp của Phật giảng mà hành động, như bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, nỗ lực, tu định, phát huệ thì có khả năng thay đổi nghiệp lực quá khứ, tội nặng nhưng chịu quả báo nhẹ; tội nhẹ thì được khỏi quả báo; bởi vì, nghiệp lực hiện hành thụ báo, cũng giống như hạt giống nẩy mầm và sinh trưởng, phải nhờ vào sự hỗ trợ của nhiều nhân duyên. Một hạt giống nhờ có các điều kiện thuận lợi như ánh nắng, không khí, nước, đất, phân bón và công phu của nhà nông, mà sinh trưởng nhanh chóng. Trái lại, nếu thiếu những trợ duyên đó hay thậm chí không có những trợ duyên đó thì hạt giống sẽ sinh trưởng chậm, thậm chí không nẩy mầm được. Phật giáo xem việc tạo nghiệp thiện, ác và thụ báo cũng theo một đạo lý như vậy. Tính vĩ đại của đức Phật không phải ở chỗ Phật tạo ra vạn vật và xá tội cho chúng sinh. Vì về căn bản, không có ai xá tội cho ai được - Quan niệm xá tội của tôn giáo thần quyền chỉ là sản vật hỗn hợp của thần quyền và độc tài. Đức Phật tự mình đã chứng ngộ đạo lý giải thoát và đem đạo lý giải thoát đó giảng cho mọi chúng sinh đều rõ, dựa vào đạo lý ấy mà tu hành và cũng được giải thoát, đạt tới quả vị Phật, không khác gì Phật.

Vì vậy mà tín đồ Phật giáo, đôi khi không ưa gọi mình là Phật giáo đồ, mà ưa tự xưng là học trò Tam Bảo ! Bởi vì người khai sáng ra Phật giáo tuy là đức Phật, nhưng điều mà Phật giáo coi trọng là Pháp chứ không phải là Phật. Vì Phật không thể giải thoát thay cho người được, còn Pháp thì có thể giúp cho người tự giải thoát. Sùng bái Phật là sùng bái ân đức của Phật đã chứng ngộ và thuyết pháp. Đức Phật, trải qua ba vô lượng ki���p, tu hành đạo Bồ Tát mà chứng ngộ được đạo lý giải thoát, và sau khi chứng ngộ, đã thuyết giảng tường tận đạo lý ấy cho chúng ta. Ân đức ấy có thể nói là vĩ đại và cao quý hơn hàng nghìn trăm vạn lần ân đức thế gian, mà không chỉ là hơn trăm vạn lần, thực ra ân đức ấy không thể ví dụ được, nghĩ bàn được.

Thế nhưng, sự truyền bá Phật Pháp, lại phải dựa vào các cán bộ của Phật, tức là tăng sĩ. Trong hàng tăng sĩ có Bồ tát tăng như Văn Thù, Di Lặc, Quan Âm, Địa Tạng v.v… có Thanh Văn tăng như các vị A La Hán : Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp v.v…, có phàm phu Tăng như tất cả mọi Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni, giữ giới thanh tịnh, tu học chính pháp và thuyết pháp độ sinh. Vì tăng si có khả năng đem đạo lý giải thoát của Phật, giảng giải truyền bá cho chúng ta, cho nên ân đức của tăng sĩ cũng là vô lượng.

Việc hoằng dương Phật Pháp không phải là sự nghiệp của riêng tăng sĩ. Phật tử tại gia cũng hoằng dương Phật Pháp; trụ trì Phật Pháp thì phải là người xuất gia, nói trụ trì Phật Pháp có nghĩa là đại biểu cho Phật Pháp, tượng trưng cho Phật Pháp, khiến Phật Pháp an trụ được ở thế gian này. Người bình thường, gặp một người xuất gia thì liên tưởng ngay đến Phật giáo, nhưng nếu gặp một Phật tử tại gia thì không có ngay ấn tượng đó (trừ phi là người Phật tử tự mình nói ra, nhưng ít có trường hợp Phật tử tự xưng mình là Phật tử, khi gặp một người lạ).

Vì vậy, khai sáng ra Phật giáo là Phật Đà. Trọng tâm của Phật giáo là Pháp. Phật giáo an trụ ở thế gian là tăng chúng. Chính vì lẽ đó mà Phật giáo gọi Phật, Pháp, Tăng là ba của báu. Tam Bảo, chủ yếu là Pháp bảo, giúp cho người lìa khổ được vui. Pháp bảo do Phật tự chứng và thuyết giảng, và do tăng chúng giữ gìn truyền bá, cho nên đều gọi là Tam Bảo. Khi Phật còn sống, Phật giáo lấy Phật làm trung tâm, làm nơi quy ngưỡng. Sau khi Phật diệt độ, Phật giáo lấy tăng chúng làm trung tâm làm nơi quy ngưỡng. Quy y Tam Bảo là để học Pháp bảo. Muốn học Pháp bảo thì phải được Tăng bảo hướng dẫn, kể cả 2 mặt trao truyền tư tưởng và nêu gương sáng trong hành vi. Vì vậy mà sau khi Phật diệt độ, đối tượng cúng dường Tam Bảo nặng về Tăng Bảo. Lại vì Phật giáo chủ trương "Y pháp bất y nhân" (dựa vào pháp, không dựa vào người) coi trọng việc truyền bá và quy y Phật Pháp, cho nên thường xem hành vi sinh hoạt của tăng sĩ là chuyện cá nhân của họ. Chỉ miễn là tăng sĩ có kiến giải đúng đắn, có khả năng thuyết pháp, thì dù có phạm cấm giới, cũng vẫn được người thế tục cung kính cúng dường. Đó là yêu cầu về mặt đạo đức, cũng như câu "Trong thiên hạ, không ai là không phải cha mẹ chúng ta". Cũng như ông thầy dạy tiểu học, chưa từng học đại học, nhưng học sinh tốt nghiệp đại học không thể phủ nhận ông thầy xưa của mình ở cấp tiểu học.

Vì vậy, đối với một Phật tử chính tín, sùng bái Phật bảo là vì Pháp bảo; và để tiếp thu được Pháp bảo thì phải sùng bái Tăng bảo. Sùng bái Bồ tát cũng là cung kính đối với Tăng. Đối với các bậc Thánh tăng Đại Bồ tát, tất nhiên phải cung kính cúng dường. Đối với phàm phu tăng có trì giới thanh tịnh và biết thuyết pháp cũng phải cung kính, cúng dường. Ngay đối với những tăng sĩ không giữ giới thanh tịnh, nhưng có kiến giải đúng đắn, biết thuyết pháp cũng phải cung kính cúng dường (vì điều quan trọng là có kiến giải đúng đắn và biết nói chính pháp). Sự thực, trong thời đại cách Phật diệt độ đã xa, Thánh Tăng rất khó gặp. Đối tượng kính tăng thường là phàm phu tăng, tỷ khiêu và tỷ khiêu ni. Trong kinh cũng nói cúng dường Thánh Tăng và cúng dường phàm phu Tăng không có khác biệt, đều có công đức vô lượng, không thể nghĩ bàn được.

Phật giáo tuy là cao minh vĩ đại, nhưng hai chữ "Tam Bảo" có thể bao quát hết. Do đó, tin Phật giáo tức là tin Tam Bảo, kính ngưỡng Tăng bảo. Vào thời Phật còn tại thế hay hiện nay, ở các nước như Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan được xem là chuyện đương nhiên. Nhưng, ở Phật giáo Trung Quốc, quan niệm kính tăng trước nay chưa hình thành một tập tục phổ biến, do phẩm cách của tăng ni không đồng đều, cao tăng chỉ chiếm số ít trong tăng chúng mà thôi. Người lớp trên thì kính trọng đạo đức và học vấn của cao tăng. Người lớp dưới thì mù quáng sùng bái cao tăng như thần linh. Do tập tục kính ngưỡng cao tăng, cho nên sinh ra tệ nạn có một số tăng sĩ, giả dối và làm chuyện bậy bạ, vẫn được sùng bái như thần linh. Đó là những quan niệm đòi hỏi phải gấp được sửa đổi, làm một Phật tử chính tín thì không được có quan niệm như vậy (chú 2).

[^]



17 - NHỮNG NGƯỜI LÀM CÁC NGHỀ CA HÁT, ĐỔ TỂ, SĂN BẮN, BẮT CÁ, BÁN RƯỢU CÓ THỂ TIN PHẬT ĐƯỢC KHÔNG

Có thể được. Ân đức của Phật giáo rộng lớn như biển cả. Chỉ cần có một niềm tín tâm là có thể vào cửa Phật, trở thành học trò "Tam Bảo".

Tuy vậy, trong giới nhà Phật, có các giới cấm : Tà dâm, sát sinh, uống rượu cho nên các nghề sinh sống nói trên đều thuộc về các loại nghề nghiệp ác, tà, bất chính. Thế nhưng, nhân dân sống ở hải đảo, nếu không bắt cá thì lấy gì sinh sống ? Thổ dân sống trên núi, nếu không săn bắn thì sẽ chết đói. Phụ nữ nghèo, nếu không múa hát thì cũng không biết làm gì để có mức sống tối thiểu. Nếu thế hệ trước làm nghề đồ tể hay bán rượu, và tự mình cũng chỉ học được nghề đồ tể và bán rượu để mưu sinh, và nếu đó là nghề duy nhất để họ mưu sống thì Phật giáo không có yêu cầu họ phải bỏ ngay nghề của họ để tin Phật. Nhưng một khi họ đã tin Phật rồi và tìm cách đổi nghề, thì Phật giáo sẽ tích cực khuyến khích họ đổi nghề. Bởi vì tôn chỉ của đạo Phật là khuyến khích mọi người sinh sống bằng nghề nghiệp lương thiện và chính đáng. Huống hồ, bản thân những nghề nghiệp của họ là tội ác. Họ tuy không có thụ giới, và do đó không có tội phá giới, nhưng bản thân nghề nghiệp của họ, về bản chất, là tội ác.

Thậm chí, do tình hình thực tế mà có những người không có cách gì đổi nghề được thì Phật giáo cũng không cho rằng họ phá giới. Bởi vì, bước đầu tín ngưỡng Phật giáo chỉ là quy y Tam Bảo. Còn thụ giới, trì giới tuy là điều hy vọng của đ���o Phật, và có rất nhiều công đức, nhưng không được ép buộc. Nếu không giữ được giới thì đừng có thụ giới. Không có thụ giới thì cũng không có phá giới, và không có tội phá giới. Nếu muốn thụ giới, có thể giữ được bao nhiêu giới thì thụ bấy nhiêu giới. Không phải thụ tất cả. Thụ giới rồi mà không giữ được thì xin xả giới. Xả giới rồi mà có làm ác nghiệp cũng không phải là phạm giới. Sau khi xả giới rồi mà muốn thụ giới lại cũng được. Nếu không xả giới mà phạm giới thì đó là phạm tội !

Phật giáo bao dung rộng rãi vô cùng. Có những người tuy không thụ năm giới, nhưng đối với Tam Bảo sinh ra một niệm tín tâm hay đôi chút lòng kính trọng thì đã có công đức rất lớn rồi, đã trồng thiện căn để tương lai thành Phật rồi.

Huống hồ là chịu quy y Tam Bảo ! Sau khi quy y Tam Bảo, chỉ cần đừng có tin theo một tôn giáo khác, còn không thụ năm giới cũng được. Vì vậy Phật giáo không cự tuyệt niềm tin và tín ngưỡng của bất cứ một người nào.

[^]



18. PHẬT GIÁO CÓ TIN Ở SÁM HỐI HAY KHÔNG

Có, Phật giáo đích xác tin ở công dụng của sám hối.

Phật giáo tin rằng, trừ những tội cực nặng đã phạm như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, đại vọng ngữ (tự xưng mình là Thánh) phải tùy nghiệp mà thụ báo, còn các tội khác đều có thể dựa vào phương pháp do Phật quy định mà tiến hành sám hối.

Tác dụng của sám hối là hoàn toàn thành khẩn tự mình phản tỉnh, tự mình kiềm chế. Với tâm tự giác và tỉnh táo, với tâm tự trọng để tẩy rửa sạch sẽ thân tâm mình, phát nguyện từ nay về sau không còn tái phạm nữa. Chỉ miễn là có quyết tâm sửa chữa lỗi lầm và trở thành con người mới, thì sẽ không còn nhắc tới chuyện cũ nữa, tâm sẽ được bình tịnh, cởi bỏ được mặc cảm phạm lỗi lầm. Đó chính là tác dụng của sám hối. Sau khi phạm tội cần phải chân thành bộc lộ (tùy theo tình tiết nặng nhẹ mà bộc lộ với đông người, với ba người, với một người hay là với lương tâm của riêng mình), bộc lộ lỗi lầm của mình, tha thiết hối lỗi, quyết tâm không còn tái phạm. Nếu không thì bóng dáng của tội ác sẽ vĩnh viễn in tận trong tâm khảm, trở thành hạt nhân dẫn tới quả báo trong tương lai. Sau khi sám hối, hạt giống phát sinh ra quả báo tương lai, cũng sẽ bị tiêu diệt.

Bất quá, mục đích của sám hối là làm cho tâm mình được trong sạch, không còn phạm lại tội ác nữa. Nếu cứ thường xuyên phạm tội, lại thường xuyên sám hối, rồi thường xuyên phạm tội lại, như vậy sẽ làm mất công dụng của sám hối.

Sám hối của Phật giáo không giống việc cầu thượng đế xá tội của Gia Tô giáo. Phật giáo tin rằng không có vị thần linh nào có thể xá tội cho người. Công dụng của sám hối chỉ là tẩy sạch nội tâm, khiến nội tâm trở lại thanh tịnh.

[^]



19. PHẬT GIÁO CÓ TIN THIÊN ĐƯỜNG VÀ ĐỊA NGỤC HAY KHÔNG

Có tin, Phật giáo không hoài nghi có tồn tại thiên đường và địa ngục, bởi vì thiên đường, địa ngục đều cùng nằm trong phạm vi luân hồi, sinh tử. Phật giáo cho rằng, con người khi chưa thoát khỏi giới hạn của sinh tử luân hồi thì vẫn có khả năng thực nghiệm thiên đường và địa ngục, thậm chí có thể nói, mọi người đều đã từng sống qua ở thiên đường và địa ngục. Sống theo 5 giới và 10 thiện ở cấp cao thì sẽ sinh ở thiên đường. Phạm các tội lớn như 10 ác, 5 nghịch thì đọa địa ngục. Chịu khổ báo hết rồi, chúng sinh ở địa ngục vẫn có thể sinh lên thiên đường. Ở thiên đường, hưởng phúc báo hết rồi, chúng sinh ở thiên đường lại có thể xuống địa ngục. Vì vậy, Phật giáo cho rằng thiên đường tuy là cảnh giới sung sướng, nhưng không phải là nơi an lạc cứu kính, địa ngục tuy là cảnh giới khổ, nhưng cũng có ngày thoát khổ.

Đồng thời, tu thiện nghiệp có cao thấp khác nhau, cho nên thiên đường cũng có thứ bậc. Do ác nghiệp cũng có nặng nhẹ khác nhau, cho nên địa ngục cũng có đẳng cấp.

Thiên đường của Phật giáo chi làm 28 cõi Trời, thuộc 3 giới. Có sáu cõi Trời Dục giới, gần gũi với cõi người. Cao hơn nữa, có 18 cõi Trời thuộc Sắc giới. Và ở trên Sắc giới, có 4 cõi Trời thuộc Vô sắc giới. Trên sự thực, làm người mà tu thiện nghiệp chỉ có thể sinh ở 6 cõi trời và Dục giới. Trong các cõi Trời thuộc Sắc giới, trừ cõi trời Tịnh cư thiên ở Sắc giới, còn thì tất cả các cõi trời khác đều là những cảnh giới thiền định, do tu thiền mà đạt được.

Địa ngục trong Phật giáo, lớn nhỏ có rất nhiều, không kể xiết, do khổ báo của chúng sinh ở địa ngục có khác biệt, chủ yếu phân thành 3 loại địa ngục lớn : Căn bản địa ngục, cận biên địa ngục và cô độc địa ngục. Loại địa ngục thường được nói tới trong kinh Phật là căn bản địa ngục. Căn bản địa ngục lại chia thành tám địa ngục đại nhiệt(nóng dữ) và tám địa ngục đại hàn(lạnh giá). Chúng sinh, tùy theo tội ác đã phạm mà đọa vào các cấp địa ngục khác nhau. Người thế gian nói rằng, người làm ác bị quỷ sứ ở địa ngục bắt trói nhưng thực ra, lên thiên đường hay xuống địa ngục, đều do nghiệp lực thúc đẩy, dắt dẫn. Nghiệp lực hướng lên các cõi trời thì được sinh lên các cõi trời để hưởng phúc. Nghiệp lực hướng xuống địa ngục, thì đọa xuống các địa ngục để chịu khổ.

[^]



20. PHẬT GIÁO TIN CÓ DIÊM VƯƠNG KHÔNG

Về đại thể mà nói, Phật giáo tin có Diêm Vương. Vì trong nhiều kinh Phật, có nói tới Diêm Vương (như kinh Thiên sứ quyển 12 Trung A Hàm).

Nhưng Diêm Vương không phải là do Phật giáo đầu tiên phát hiện ra; Phật giáo chỉ tiếp thu và "Phật giáo hóa" quan niệm về Diêm Vương của tôn giáo Ấn Độ cổ đại.

Trong sách Vệ Đà xưa, vũ trụ được chia thành 3 giới là Trời, Hư không và Đất. Thiên giới có Thiên Thần. Hư không giới có Hư không thần; Địa giới có Địa thần. Khái niệm tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) của Phật giáo có thể đã chịu ảnh hưởng của thuyết 3 giới của tôn giáo Ấn Độ cổ đại. Sách Vệ Đà gọi Diêm Vương là Yama (Dạ Ma). Dạ Ma vốn là một thiên thần, về sau biến thành ông tổ đầu tiên của loài người, và cũng là người chết đầu tiên, nhưng lại sống ở trên cõi trời. Vì vậy, sách Rig-veda (Lê Câu Phệ Đà) nói, sau khi con người chết, phải lên Trời trình diện với thần Dạ Ma và ông thần Tư pháp là Baluna. Về sau, sách Atharvaveda (A Thát Bà Phệ Đà) nói Thần Dạ Ma cải quản những người chết, và có quyền phán xử đối với người chết. Thần Dạ Ma ở trên trời có điểm giống với thượng đế của Gia Tô giáo; đến Phật giáo thì có sự phân biệt giữa thần Dạ Ma ở trên cõi Trời (tức cõi Trời thứ 3 của Dục giới) với vua Diêm Vương ở địa ngục.

Diêm Vương có quyền thẩm vấn, xét xử những người đã chết. Địa vị của Diêm Vương ở địa ngục tương đương với địa vị của Thượng Đế ở trên các cõi Trời. Phật giáo đã không sùng bái Thượng Đế, tất nhiên cũng không sùng bái Diêm Vương. Đồng thời, tuy rằng đạo Phật tùy theo thế tục, để phương tiện giáo hóa chúng sinh mà cũng tin có Diêm Vương tồn tại, nhưng về bản chất, không thừa nhận Diêm Vương có tính độc lập, cho nên có bộ phái Phật giáo cho rằng Diêm Vương và ngục tối đều do cảm ứng của nghiệp lực chúng sinh mà tồn tại, là do tâm thức của chúng sinh ở địa ngục hiện ra (duy thức hiện).

Lại nói, Phật giáo chính tín cũng không tin rằng, người ta chết rồi, bị Diêm Vương xử tội; chỉ thừa nhận có các cõi sống như cõi Địa ngục và cõi quỷ có quan hệ với Diêm Vương. Còn việc Diêm Vương sai ngục tốt đến bắt bớ người sắp chết, chỉ là truyền thuyết dân gian. Trên quan điểm duy thức, Phật giáo cũng không bác bỏ truyền thuyết đó, đó là do tâm thức biểu hiện, cho nên sách Phật cũng chép những truyện tương tự như thế.

Đời nhà Thanh, ông Kỷ Hiểu Lam trong sách bút ký của ông nói rằng, tin nhưng không hiểu chuyện Diêm Vương và ngục tối. Ông nói thế giới rất to lớn, có người ở trong nước ở ngoài nước, ở phương Đông và phương Tây, vì sao chỉ có tin tức về người Trung Quốc từ ở cõi âm trở về, không thấy có những người khác ? Phải chăng cõi âm của Trung Quốc và cõi âm của ngoại quốc là 2 thế giới khác nhau ? Thực ra, nếu ông Kỷ Hiểu Lam hiểu được đạo lý "Duy thức biểu hiện" của Phật giáo thì sẽ hết nghi. Trong nội tâm của người Trung Quốc, chỉ tồn tại mô hình cõi âm của người Trung Quốc mà thôi, làm sao có thể hiện ra mô hình cõi âm của Liên hiệp quốc được !

--- o0o ---


Vi tính : Hải Hạnh
Trình bày :Nhị Tường


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/10/2013(Xem: 26200)
Nếu không có một giọt nước sẽ không có đại dương. Nếu không có một hạt cát sẽ không thành sa mạc. Trong cuộc sống, nếu không có những điều vụn vặt thì việc thành bại trong thiên hạ có đáng để lưu tâm? Tôi cũng như bạn, thấy đêm dài thì trông cho mau sáng, dù không mong đêm vẫn tiếp theo ngày. Vậy nên, thương ghét, trắng đen, tốt xấu, phải trái… là điều mà xưa nay vẫn thế và ngàn năm sau vẫn thế.
17/10/2013(Xem: 41620)
Tôi đọc kinh sách, nghe giảng và học hỏi, đồng thời rút kinh nghiệm trong những năm qua cùng các pháp hữu nghiên cứu và hoằng truyền chánh pháp, đặc biệt với đạo hữu Nguyên Phước. Thấy cần, rút ra một số nét cơ bản để chia xẻ cùng quý Phật tử thật dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành trong niềm tin Phật pháp.
18/09/2013(Xem: 14194)
Bản luận này ngoài các bài tựa ra còn có 26 chương. 25 chương đầu trình bày cụ thể triết lý căn bản giáo lý Phật giáo, giải thích hiện tượng vũ trụ nhân sinh quy về bản thể Chân như tuyệt đối. Chương thứ 26 trình bày vai trò của pháp tu Tịnh độ; và có phải đây là mục đích Luận chủ giúp người đọc trước hết nhận thức rõ ràng vấn đề và sau đó tìm về một pháp tu thích hợp? Mong những ai có dịp đọc trọn tác phẩm này có thể tìm được câu trả lời cho chính mình!
15/08/2013(Xem: 17807)
“Chẳng có ai cả ” là một tuyển tập những lời dạy ngắn gọn, cô đọng và thâm sâu nhất của Ajahn Chah, vị thiền sư lỗi lạc nhất thế kỷ của Thái Lan về pháp môn Thiền Minh Sát.
22/06/2013(Xem: 5012)
Có thể nói rằng quan điểm bình đẳng về khả năng giải thoát tâm linh do Đức Phật đưa ra có một ý nghĩa cách mạng xã hội đáng kể...
17/06/2013(Xem: 8031)
Đức Phật nêu lên tánh không như là một thể dạng tối thượng của tâm thức không có gì vượt hơn được và xem đấy như là một phương tiện mang lại sự giải thoát... Hoang Phong dịch
10/06/2013(Xem: 12346)
Mục đích có được thân người quý báu này không phải chỉ để tạo hạnh phúc cho chính mình, mà còn để làm vơi bớt khổ đau, đem lại hạnh phúc cho người. Đó là mục đích đời sống.
08/06/2013(Xem: 15408)
Mục đích có được thân người quý báu này không phải chỉ để tạo hạnh phúc cho chính mình, mà còn để làm vơi bớt khổ đau, đem lại hạnh phúc cho người. Đó là mục đích đời sống. Bạn có cái thân quý báu thoát được tám nạn[1] và có đủ mười tiện nghi để phục vụ kẻ khác. Ai cũng mong hạnh phúc, không ai muốn đau khổ. Hạnh phúc mà ta cần không chỉ là hạnh phúc tạm thời, mà là hạnh phúc tuyệt đối, thứ hạnh phúc tối thượng của giác ngộ. Khi đi phố chẳng hạn, người ta mua những thứ tốt nhất, bền nhất; cũng vậy, ai cũng muốn có hạnh phúc lâu dài nhất, cao quý nhất. Tùy theo sự hiểu biết của mình và mức hạnh phúc có thể đạt đến, người ta cố gắng đạt hạnh phúc tối thượng theo quan điểm mình.
08/06/2013(Xem: 4494)
Theo giáo lý đạo Phật, tâm là nhân tố chính trong mọi sự kiện hay việc xảy ra. Một tâm lừa dối là nguyên nhân của mọi kinh nghiệm mùi vị của samsara...
09/05/2013(Xem: 8972)
Những Điều Phật Đã Dạy - Nguyên tác: Hòa thượng Walpola Rahula - Người dịch: Lê Kim Kha
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]