Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 5: Nói với người xuất gia trẻ

15/04/201312:28(Xem: 12570)
Phần 5: Nói với người xuất gia trẻ
Nói với người xuất gia trẻ

Pháp thoại nói hôm 2.5.1996 tại Làng Mai


Tâm thương yêu

Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày mồng 2 tháng 5 năm 1996, chúng ta đang ở tại Xóm Thượng. Cách đây hơn một năm, tôi có hứa sẽ viết một cuốn sách nhỏ cho người xuất gia trẻ, nhưng trong suốt năm qua tôi đã không viết được. Mới ngày hôm kia đây, sư cô Đoan Nghiêm nói: ‘‘Tại sao Thầy không nói những điều Thầy muốn viết vào một bài giảng? Chúng con có thể đánh máy ra và chúng ta sẽ có một cuốn sách, rất mau.’’ Vì vậy hôm nay đề tài của bài pháp thoại là Nói Chuyện Với Người Xuất Gia Trẻ. Nói là trẻ, nhưng có những người bảy mươi tuổi như tôi cũng cảm thấy có liên hệ. Tôi thấy có những thầy tuổi chưa tới ba mươi mà đã có dáng dấp một ông cụ non, hai mắt lim dim như đang muốn đóng vai trò của một bậc hòa thượng đạo cao đức trọng. Tôi không nghĩ những người như thế là những người trẻ. Những người trẻ, theo tôi, là những sư chú và sư cô ăn mặc giản dị, sạch sẽ, mắt sáng, miệng sẵn sàng mỉm cười, có khả năng lắng nghe và học hỏi. Người nghe tôi có thể là một sư chú hay một sư cô đang hành trì giới sa di, hoặc vừa mới thọ giới lớn, hoặc tuy thọ giới lớn đã lâu nhưng vẫn còn khao khát học hỏi và sẵn sàng thay đổi để đi tới. Khi một người đi xuất gia, ta biết rằng có một động lực nào đó đã thúc đẩy người ấy đi xuất gia. Động lực ấy trong đạo Bụt gọi là Bồ Đề Tâm, bodhicitta. Bồ Đề Tâm là một thứ năng lượng rất mạnh - chính nó đã đẩy chúng ta đi xuất gia. Không xuất gia thì ta chịu không nổi. Nó mạnh đến mức đó. Bồ Đề Tâm là một ước vọng. Và khi ước vọng đó quá lớn thì chúng ta không thể nào chịu đựng nó được và ta phải xuất gia. Trong suốt thời gian sống đời sống của người xuất gia, năng lượng ấy tiếp tục giúp chúng ta có sự tinh tấn, có sự cần mẫn. Nó là một thứ năng lượng giúp chúng ta có đủ nghị lực để vượt thắng được tất cả mọi khó khăn và giúp cho chúng ta có hạnh phúc. Vì vậy nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm là một công trình thực tập rất quan trọng. Nếu Bồ Đề Tâm bị tiếp tục soi mòn bởi đời sống hàng ngày thì chúng ta sẽ chết - chết với tư cách của một người xuất gia. Cái ước muốn lớn của chúng ta, như thế, là không được thành tựu.

Chúng ta đã biết là trong đạo Bụt hiểu biết với thương yêu là một. Nếu không hiểu được người kia thì chúng ta không thể thương được người kia. Bi là thương, trí là biết. Bi và trí đi đôi với nhau. Không hiểu mà thương thì mình có thể làm cho người đau khổ. Tâm Bồ Đề là tâm hiểu biết mà cũng là tâm thương yêu. Vì vậy Bồ Đề Tâm có thể được dịch là tâm hiểu biết hay tâm thương yêu. Vì muốn thương yêu cho nên ta đã đi xuất gia. Ta đã thấy được những khổ đau trong cuộc đời. Chứng kiến những khổ đau đó, ta thấy trong tâm phát sinh tình thương. Ta muốn làm một cái gì, muốn sống như thế nào để có thể cứu độ được những người đang đau khổ quanh ta, cho nên ta đã đi xuất gia. Độ người lực xuất gia, như vậy, là tâm thương yêu. Tâm thương yêu buổi ban đầu rất hùng tráng, và vì thế chúng ta có cái cảm giác rõ ràng là nếu không đi tu thì chúng ta chịu không nổi. Tại vì cái năng lượng gọi là Bồ Đề Tâm đó hùng hậu vô cùng. Năng lượng ấy muốn chúng ta sống cuộc đời ta như thế nào để ta có thì giờ và khả năng làm vơi bớt những nỗi khổ quanh ta. Vì vậy cho nên Tâm Bồ Đề là một ước muốn lớn. Ước muốn đó cần được nuôi dưỡng. Còn nếu chỉ vì muốn trốn tránh những đau khổ trong cuộc đời mà đi tu thì động lực thúc đẩy ta đi tu không phải là nguồn năng lượng của Bồ Đề Tâm, vì tuy đã xuất gia, đã mặc áo người tu, nhưng ta không có cái năng lượng cần có của một người xuất gia.

Bồ Đề Tâm phải được nuôi dưỡng trong đời sống hàng ngày. Nếu không, nó sẽ bị soi mòn. Vì vậy sống đời xuất gia trong một môi trường không thuận lợi có thể là một nguy hiểm lớn. Nếu không có môi trường thuận tiện, không có tăng thân giỏi, không có thầy hay, không có pháp môn thực tập hữu hiệu, hoặc có vấn đề với thầy, giận sư anh, giận sư chợi, giận sư em, ngày nào cũng khổ đau, cũng khóc, thì chỉ trong một thời gian nào đó thôi, ta sẽ thấy Bồ Đề Tâm của ta bị soi mòn và ta sẽ ra đời. Do đó cho nên vấn đề môi trường tu học là vấn đề rất quan trọng. Ta phải tìm ra được một môi trường trong đó Bồ Đề Tâm của ta được nuôi dưỡng hàng ngày. Trong suốt 54 năm qua, từ ngày tôi xuất gia, Bồ Đề Tâm của tôi chưa bao giờ bị lung lay cả. Vì vậy cho nên tôi tự cho là một ông thầy tu có hạnh phúc. Hạnh phúc căn bản nằm ở chỗ Tâm Bồ Đề chưa bao giờ bị lay chuyển. Tâm Bồ Đề của tôi chưa bao giờ bị lay chuyển, điều đó không có nghĩa là trên con đường học đạo và hành đạo tôi chưa bao giờ gặp những khó khăn hoặc những sự kiện có thể làm cho mình nản chí, bi quan mà mất đức tin. Nhờ tôi biết cách nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm mà tất cả những trở ngại và tiêu cực ấy đã không đủ sức làm cho Tâm Bồ Đề của tôi lay chuyển. Khi Tâm Bồ Đề đã bị soi mòn hay lay chuyển rồi thì những dục lạc của cuộc đời bắt đầu có thể làm lung lay chí nguyện tu học của ta, và ta có thể bỏ tu ra đời. Chúng ta đã chứng kiến việc những người xuất gia ra đời, trong nước cũng như ngoài nước. Nếu quán sát kỹ lưỡng, ta sẽ thấy rằng sở dĩ họ ra đời là tại vì họ đã không được sống trong một môi trường thích hợp cho sự tiến tu. Trong số các thầy trẻ đi qua Hoa Kỳ, sống tại tiểu bang California để đi học, số lượng những vị bị rơi rụng rất nhiều. Chúng ta đổ lỗi cho ai? Chúng ta chỉ có thể nói rằng vì hoàn cảnh không thuận lợi. Một ông thầy còn trẻ không sống với tăng thân, chỉ muốn đi học ngoài đời với mục đích là kiếm một cái bằng cấp, mỗi ngày không có vị thân giáo sư nhắc nhở, mỗi ngày phải tiếp xúc với những hiện tượng tiêu thụ và hành lạc trong cuộc đời, môi trường đó quả thật là một môi trường rất xấu. Ở trong nước cũng có những thầy và những sư cô trẻ cứ nghĩ rằng phải có một cái bằng cấp nào đó thì khi nói khi làm người ta mới nghe, người ta mới tin. Nghĩ như vậy cho nên họ mới đổ dồn năng lượng vào chuyện đi học để có một cái bằng cấp. Có khi họ không ở chùa, có khi họ ra ở nhà thế gian để đi học. Rơi rụng, trong trường hợp này, là chuyện dĩ nhiên.


Môi trường tốt

Nếu ta chưa xuất gia mà đã có ý định muốn xuất gia thì chúng ta phải rất cẩn thận về điểm này. Môi trường nơi đó ta sẽ sống đời sống của một người xuất gia sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của ta. Cho nên ta đừng vội vã quyết định. Phải tới với môi trường đó; phải đi thăm những môi trường khác. Và khi đã tìm ra được môi trường thích hợp, ta phải ở lại đó trong một thời gian, ví dụ ba tháng, và tập sống y hệt như những người xuất gia để xem thử trong thời gian ấy Tâm Bồ Đề của ta có được nuôi dưỡng hay không. Suốt trong ba tháng ấy, ta phải thấy mỗi ngày ta có được nuôi dưỡng bởi niềm vui của đời sống xuất gia hay không. Ta có cảm thấy yếu tố của vững chãi, của an lạc và của thảnh thơi được tăng tiến mỗi ngày hay không. Nếu ta thấy trong thời gian ấy mà Bồ Đề Tâm của ta được nuôi dưỡng thì ta biết rằng môi trường này là môi trường thích hợp cho sự xuất gia của ta. Còn không thì ta đừng hy vọng hão huyền. Nếu trong môi trường ấy mà Bồ Đề Tâm của ta không được nuôi dưỡng thì ta biết chắc chắn rằng xuất gia ở đây sẽ thất bại. Ở ngoài đời, khi đi cưới vợ hay lấy chồng, người ta không có cái cơ hội đó - không có cái cơ hội sống ‘‘thử’’ với người kia ba tháng để xem có hạnh phúc hay không, tại vì cái luật ở ngoài đời là phải làm đám cưới xong thì mới được sống chung. Ở tu viện thì trái lại, ta có cơ hội đem hết trí tuệ với trái tim của ta để kinh nghiệm, để xét đoán, để xem thử là tăng thân này (nghĩa là đoàn thể tu học này) có phải là môi trường thuận lợi cho đời sống xuất gia của mình hay không. Ta đến chùa và xin ở như là một người tập sự xuất gia. Ta làm tất cả mọi công việc, ta thực tập hầu hết những gì mà một người xuất gia đang thực tập, và cố nhiên trong thời gian đó ta sẽ có một cái thấy trực tiếp về sự thực của môi trường.

Ta không nên nghĩ rằng ta chỉ cần ở tại chùa một thời gian để học những phương pháp thực tập, và sau đó ta có thể rút lui về một cái am hay là một cái chùa riêng, nghĩ rằng một khi mình đã có pháp môn rồi thì mình có thể tu tập một mình. Nghĩ như vậy là sai lầm. Tu tập không phải là vấn đề cá nhân. Trong khi ở với tăng thân, ta được tăng thân hướng dẫn, dìu dắt, và năng lượng của tăng thân luôn luôn yểm trợ ta trong sự tu học. Quý vị nào đã từng ở với tăng thân trong ba tháng, sáu tháng hoặc một năm thì đã biết điều đó. Nếu không có tăng thân thì dù những cái ta đã biết, ta cũng khó làm được. Ta tin ta có thể làm được, nhưng ta sẽ không làm, tại vì không có tăng thân thì không có sự nâng đỡ, không có sự khuyến khích, không có sự soi sáng. Tu học mà nương nhờ vào tăng thân là thực tập quy y tăng bảo, nghĩa là quay về nương tựa Tăng. Ta thường nói tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại, nghĩa là nếu người xuất gia mà xa lìa tăng thân thì sớm muộn gì cũng bỏ tu, cũng như con cọp lìa núi rừng thì sẽ bị con người bắt giết và lột da. Cho nên điều cấm kỵ nhất của người xuất gia là sống tách rời ra khỏi tăng thân của mình. Không có tăng thân, ta sẽ từ từ đánh mất Phật thân và pháp thân của ta.


Sự nghiệp giác ngộ

Người đời ai cũng theo đuổi một sự nghiệp. Người xuất gia cũng có sự nghiệp của mình, nhưng sự nghiệp của người xuất gia rất khác với sự nghiệp ở ngoài đời. Ở ngoài đời, người ta cần có một bằng cấp, một địa vị, một danh tiếng để có thể gọi là thành công. Sống trong chùa với tư cách một người xuất gia, chúng ta không cần một cái bằng cấp, dầu là bằng cấp Cao Đẳng Phật Học, chứ đừng nói là bằng cấp cử nhân hay tiến sĩ. Có nhiều nhà tu cho sự nghiệp của họ là ngôi chùa của họ, là địa vị của họ trong giáo hội và trong xã hội. Có những nhà tu có bằng cấp tiến sĩ và rất bằng lòng với cái bằng cấp đó. Có người cho rằng sự thành công của họ là một ngôi chùa lộng lẫy, có nhiều bổn đạo lui tới. Họ làm hội trưởng hội Phật Giáo, họ làm viện chủ, họ làm hòa thượng, và có khi họ làm học giả. Họ cho xuất bản những cuốn sách rất có tính cách bác học, để chứng tỏ rằng họ có khả năng nghiên cứu thâm uyên. Hạnh phúc của họ nằm ở trong những thành tựu đó. Họ có thể được ca ngợi là một nhà học giả thâm uyên, như là một người đậu bằng cấp cao, như là viện chủ một ngôi chùa lớn có nhiều bổn đạo, nhưng những thành tựu đó không phải là mục đích của người xuất gia. Người xuất gia trẻ có nên ao ước địa vị của những người ấy không ? Chúng ta phải chiêm nghiệm về vấn đề này rất kỹ, bởi vì trong giới những người xuất gia trẻ có rất nhiều người hiện đang hướng theo con đường này, dùng thời giờ và năng lượng của đời mình để chạy theo những cái bả danh lợi, dù là những bả danh lợi trong phạm vi nhà chùa. Cái năng lượng của sự ao ước đó thúc đẩy chúng ta đi học, đi nghiên cứu, đi vận động. Cái năng lượng đó không phải là Bồ Đề Tâm; cái năng lượng đó chỉ là tâm Danh Lợi được trá hình dưới Bồ Đề Tâm. Ước muốn làm nhà học giả Phật Học, ước muốn làm một giáo sư Phật Học nổi tiếng, ước muốn thi đậu một bằng cấp lớn, ước muốn làm viện chủ một thiền viện hoặc một tu viện lớn, ước muốn được người ta cung kính, trọng vọng và cúng dường, ước vọng ấy quyết không phải là Bồ Đề Tâm. Hiện bây giờ, có biết bao nhiêu người tu trẻ đang bị kẹt vào cái thế đó mà không tự biết, cứ nghĩ rằng mình đang thực sự tu đạo và phục vụ cho đạo. Trong khi đó, sự nghiệp của người xuất gia cao cả hơn một triệu lần. Đi xuất gia là để chuyển hóa những khổ đau của mình, để đạt tới hiểu biết lớn, tức là Đại Giác Ngộ, để đạt tới tình thương lớn, tức là Đại Từ Bi, để đạt tới cái tự do lớn, tức là Đại Tự Tại. Đây không phải là những danh từ, đây là những cái ta có thể thực hiện được bằng sự tu tập. Nhìn cho kỹ, ta thấy có những người có hiểu biết lớn, tình thương lớn và tự do lớn. Những người có hiểu biết, thương yêu và tự do là những người có hạnh phúc và khả năng ban phát hạnh phúc. Có những người có bằng cấp lớn, làm học giả nổi tiếng, làm viện chủ những ngôi chùa lớn nhưng không có những yếu tố đó. Họ không có hạnh phúc chân thực.

Khi ta thấy ta đã có thêm hiểu biết, thương yêu và tự do là ta đã có chuyển hóa. Sự chuyển hóa ấy là do công trình tu học của ta và nhờ đó ta biết là ta đã có khả năng độ người. Người khác đến học với ta không phải vì ta là viện chủ một ngôi chùa lớn, không phải vì ta có một hoặc hai, ba hay bốn cái bằng tiến sĩ, mà là vì ta có một cái gì mà người ấy không có, cái đó là đức độ của ta, tự do của ta, những pháp môn tu tập và chuyển hóa của ta, những pháp môn mà chính ta đã thực tập. Tại Làng Mai, mỗi mùa hè, mỗi mùa thu, người tới tu tập rất đông, trong số đó có rất nhiều người có bằng tiến sĩ. Những người ấy tới quyết nhiên không phải vì ta có bằng cấp tiến sĩ, mà vì ta có vững chãi, thảnh thơi, an lạc và giải thoát. Mục đích cao cả nhất của người tu là đem lại chất liệu của vững chãi, thảnh thơi và an lạc vào cơ thể và tâm hồn của mình, và nhờ vậy mà mình có khả năng độ người. Ta có thể giúp cho những người tới với ta vượt thoát những hố sâu của phiền muộn và khổ đau của họ. Mục đích của người xuất gia là để làm một vị thầy có khả năng đưa người ra khỏi nẻo khổ đau tăm tối của họ - đưa bằng đức độ mình, bằng trí tuệ mình, bằng giải thoát mình, bằng đạo đức mình, chứ không phải bằng tiền bạc và quyền thế. Đọc ở trong kinh Bát Đại Nhân Giác, dạy về tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân, ta thấy câu ‘‘duy tuệ thị nghiệp’’, có nghĩa là chỉ có sự hiểu biết lớn mới là sự nghiệp duy nhất của người xuất gia. Sự nghiệp của người tu là sự hiểu biết lớn, mà như ta đã biết, hiểu biết lớn là thương yêu lớn. Hiểu biết ở đây là Bồ Đề, không phải là kiến thức có thể chất chứa trong khi học hỏi. Khi ta chất chứa những học hỏi ở nhà trường, hoặc ở Viện Cao Đẳng Phật Học, thì dầu những kiến thức đó là những kiến thức Phật học, chúng cũng chỉ là những kiến thức mà thôi. Người ta có thể nói thao thao bất tuyệt về kinh điển Tam Tạng, nhưng những điều người ta nói có thể không dính líu gì đến sự sống hàng ngày của người ta cả - người ta vẫn hẹp hòi, vẫn ganh tợi, vẫn nhỏ nhen, vẫn sân si như thường - thì kiến thức, dầu là kiến thức Phật Học, cũng có ích lợi gì cho người ta và cho chúng ta đâu? Kiến thức không phải là hiểu biết. Chính cái hiểu biết gọi là Bồ Đề mới giải phóng được cho ta khỏi những u mê, những khổ đau và giúp ta trở nên thảnh thơi, nhẹ nhàng và an lạc, giúp ta có khả năng tự độ và độ người. Đó là mục tiêu đích thực của người tu. Cho nên mỗi khi thấy các cô các chú đang lao đầu vào chuyện đi học đời để có thể giựạt được một bằng cấp, chúng ta rất lấy làm thương cảm. Chúng ta biết rằng họ đang không đi đúng đường và sau này họ sẽ đau khổ và hối hận.

Có những trường Phật học trong đó người học tăng học hối hả, cố nhét vào đầu càng nhiều kiến thức càng tốt, mà không có cơ hội đem những gì mình học áp dụng vào đời sống hàng ngày. Những kiến thức này không được tiêu hóa. Người dạy nói rất nhiều, người nghe ghi chép rất nhiều, nhưng những điều được nói được nghe hình như không có ảnh hưởng gì đến những đau khổ, khó khăn và xung đột trong tâm tư và trong đời sống hàng ngày của họ. Viện Phật học tốt là nơi người học tăng có cơ hội dự pháp đàm, tiếp nhận những pháp môn thực tập và cùng thực tập với tăng thân của họ. Pháp môn phải chứng tỏ là có hiệu quả và có khả năng chuyển hóa thì đời tu học mới có hạnh phúc. Cũng như ở các trường y khoa, khoa học, mỹ thuật, sinh viên phải thực tập và thực tập phải thành công, viện Phật học cũng là một tu viện trong đó người học tăng phải thực tập cho thành công, nghĩa là chuyển hóa được khổ đau nội tâm và thiết lập được liên hệ tốt đẹp với các thành phần khác của tăng thân. Từ ba tháng đến sáu tháng mà không thấy có chuyển hóa gì trong thân tâm thì ta biết là pháp môn ta thực tập chỉ có giá trị hình thức. Ta phải lập tức đi cầu cứu với thầy và với bạn.


Hạnh phúc bây giờ

Khi có Bồ Đề Tâm, nghĩa là có cái ước muốn lớn thương người và độ đời, là chúng ta đã bắt đầu có hạnh phúc. Dầu ngoài trời có lạnh, dầu hoàn cảnh có khó khăn, dầu khổ đau còn đầy dẫy, nhưng nếu đã có năng lượng Bồ Đề Tâm trong ta thì ta đã có sức ấm và nghị lực để có thể đương đầu với mọi thứ khó khăn và đó đã là một cái hạnh phúc rồi. Ta có một con đường đi, và ta quyết tâm đi trên con đường ấy, điều này đã là hạnh phúc. Có những người không thấy đường đi, không biết mình phải đi về đâu. Những người ấy sống rất bơ vơ và trống lạnh. Đó là những người đau khổ. Có Bồ Đề Tâm là đã có một điều kiện căn bản của hạnh phúc.

Con đường Bụt dạy là con đường có thể đem lại hạnh phúc cho ta ngay vào giờ phút đầu của sự tu học. Chúng ta không cần phải đợi năm năm hay mười năm sau mới có hạnh phúc. Giáo pháp của Bụt rất mầu nhiệm ; đó không phải là một hứa hẹn hão huyền về tương lai, đó không phải là cái mà ta chỉ có quyền tin ; trái lại đó là điều ta có thể thực chứng. Giáo pháp của Bụt có tính cách ‘‘hiện thân thọ chứng’’, nghĩa là với cái thân thể của mình đây, mình có thể sờ mó được, kinh nghiệm được nó một cách trực tiếp. Tiếng Pali là sanditthika. Ditthi là thấy, thấy bằng chính con mắt của mình. Có khi ta dịch là ‘‘Ư hiện pháp trung’’, nằm ngay ở trong giây phút hiện tại. Ta không phải đợi năm hay mười năm, vì khi ta bắt đầu nắm lấy giáo pháp ấy để tu tập, giáo pháp ấy có hiệu quả ngay lập tức. Ta thấy được cái an lạc ngay trong khi ta thực tập. Giáo pháp của đức Thế Tôn lại có tính cách vượt thoát thời gian, akan lạcika. Có thể dịch là bất quán thời nhật. Tiếng Anh là it's not a matter of time. Ngay lúc sư chú nắm lấy hơi thở và thở trong chánh niệm thì sư chú đã thấy được cái giá trị của hơi thở chánh niệm, đã thấy được cái hiệu năng của hơi thở chánh niệm. Sự thực tập có hiệu lực trên thân và tâm của sư chú liền lập tức, và sư chú có thể có hạnh phúc ngay trong giờ phút đó. Nếu đã tu ba năm hay năm năm mà ta vẫn không thấy có hạnh phúc gì, thì điều đó chứng tỏ rằng ta đã không được học và tu trong một môi trường thích hợp. Ta không có một vị thầy có thể chỉ cho ta những pháp môn tu học để ta có thể có hạnh phúc ngay từ thuở ban đầu. Ta không có tăng thân để soi sáng và nâng đỡ cho ta trong sự thực tập hàng ngày và ta cũng không có pháp môn tu học. Không có thầy và không có tăng thân thì ta rất khó thành công. Khi ta không cảm thấy có hạnh phúc trong đời tu học và nếu đời sống cứ kéo dài như thế thì Tâm Bồ Đề của ta sẽ bị soi mòn. Đó là sự lỗ lã lớn nhất trong cuộc đời người tu. Nếu một người tu đánh mất Bồ Đề Tâm của mình thì người tu đó được coi như là đã chết. Dầu người đó còn đi, còn đứng, còn ăn, còn ngồi, còn tụng kinh, nhưng thật sự người đó đã chết.


Kiến thức không phải là tuệ giác

Tuệ giác không phải là cái mà ta có thể thu thập được từ sách vở hay kinh điển mà là hoa trái của công phu thực tập. Thiền sư Huệ Năng là một người không có bằng cấp. Nhưng tại sao người ta đã tới nườm nượp với thiền sư để tu học? Đó là vì thiền sư có trí tuệ lớn, có hiểu biết lớn. Hiểu biết lớn này không phải do một trường đại học trao truyền, cũng không phải là do một Viện Phật Học đào tạo un đúc. Đó là hoa trái của sự tu tập và quán chiếu. Sư anh Nguyện Hải của nhiều vị ở đây cũng không có bằng cấp. Quý vị đã từng sống với sư anh ở đạo tràng Mai Thôn và đã thấy sư anh phát tuệ chỉ nhờ phép thực tập chánh niệm. Sư anh đã có thể làm những điều mà các sư em có bằng cấp tiến sĩ hay là cử nhân vẫn chưa làm được. Tuệ là cái được phát sinh ra do công trình tu học chứ không phải do công trình nghiên cứu. Khi có tuệ thì nhìn vào bất cứ một khổ đau nào, một vấn đề nào hay là một kinh điển nào, ta cũng có thể thấy được những điều mà những người khác không thấy. Cái này không do học hỏi. Tinh ba của đời tu học là nếp sống nội quán, nếp sống nội tĩnh, luôn luôn chiếu ánh sáng chánh niệm của mình vào bên trong. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, nghe, nhìn, ăn, uống, ta phải lấy ánh sáng của chánh niệm để chiếu vào đối tượng thì tự nhiên trong mỗi giờ mỗi phút của đời sống hàng ngày ta có thể sống sâu sắc và ta bắt đầu thấy được những điều mà người khác không thấy. Đó là phép lạ của ánh sáng chánh niệm. Ta thực tập được phép gọi là ẩhiện pháp lạc trúì, sống an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Nếu sư chú tu cho đúng phép, thì ngay trong tuần lễ đầu sư chú đã có hạnh phúc trong đời sống hàng ngày rồi. Đây là hiện pháp lạc trú. Đi vào nhà bếp, mỗi bước chân của sư chú đều có thể đem lại hạnh phúc cho sư chú. Trong khi lau nhà cầu, sư chú an trú trong chánh niệm, sư chú thấy lau nhà cầu cũng mầu nhiệm như ngồi thiền và sư chú có hạnh phúc. Mỗi động tác, mỗi ngôn ngữ, mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi bước chân của người tu cần được đi theo chánh niệm. Đây không phải là lao tác mệt nhọc. Ta không đày ải ta hoặc bắt buộc ta làm một cái gì mà ta không thích. Mỗi bước chân chánh niệm là do ta tự ý bước với hơi thở chánh niệm của ta. Mộ t bước chân như thế sẽ đem lại cho ta rất nhiều an lạc. Ta bước như bước trên Tịnh Độ. Ngay trong tuần lễ đầu ta đã biết bồi đắp và vun bón sự vững chãi và thảnh thơi của ta. Mộ t sư chú hay một sư cô trong khi đi, đứng và làm việc mà có sự vững chãi và thảnh thơi thì đã chứng tỏ là có hạnh phúc rồi, dầu các vị chưa thọ giới lớn, chưa được làm giáo thọ. Không cần phải đợi thọ giới lớn, không cần phải đợi làm Hòa Thượng, chỉ cần làm một sa di là đã có thể có hạnh phúc. Đó là thực tập theo nguyên tắc hiện pháp lạc trú mà Bụt đã chỉ dạy. Nội cái chuyện ta giữ được niềm tin của ta là ta đã có hạnh phúc rồi. Có những người không có niềm tin. Có những người không có đức tin nơi thầy, nơi sư anh, sư chị và sư em của mình. Có những người không có đức tin nơi con đường của mình đi. Đi trên con đường tu học, nếu mỗi ngày ta có thể bồi đắp thêm được một chút thảnh thơi, vững chãi và an lạc thì càng ngày niềm tin của ta càng lớn và chính cái đó làm cho ta có hạnh phúc, dầu cho ta có ăn thiếu một chút hoặc mặc thiếu một chút. Còn nếu không có niềm tin ấy và hạnh phúc ấy thì dù có dư dả tài vật, chùa to, Phật lớn, bổn đạo ra vào nườm nượp, mình vẫn không có hạnh phúc như thường.


Tu cho mọi người

Còn gia đình? Còn xã hội? Người xuất gia không lẽ chỉ lo cho một mình thôi sao? Sự kiện ta đang sống với tư cách của một người xuất gia trong tăng thân và sự kiện mỗi giây phút ta đang thực tập vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc đã bắt đầu có tác dụng lập tức trên đời sống của gia đình ta và của xã hội ta rồi. Quý vị nào đã xuất gia, đã tu tập thì cũng đã chứng thực được điều đó. Trong chiếc áo của một người xuất gia, nếu ta đi được từng bước chân thảnh thơi, nếu ta ngồi được vững chãi, nếu ta tu học có hạnh phúc với tăng thân, thì dầu gia đình ta có đang bị rối rắm hay lung lay đến mấy cũng sẽ bắt đầu an định trở lại, tuy ta chưa trực tiếp làm gì cho gia đình ta cả. Cái quý nhất mà người xuất gia có thể hiến tặng cho gia đình là sự an lạc, vững chãi và thảnh thơi của mình, là tuệ giác và đạo đức của mình, chứ không phải là đi làm, đi bán thời gian để gởi tiền về mà gọi là giúp được gia đình. Những người xuất gia có hạnh phúc luôn luôn trở thành vị lãnh đạo tinh thần của gia đình mình; các vị có uy tín tinh thần, các vị có khả năng giải quyết được những hiện tượng rối rắm, chia rẽ, xung đột hay lung lay của gia đình các vị. Điều đó đã được chứng tỏ liên tiếp từ trường hợp này đến trường hợp khác. Ta ngồi yên đó, có vững chãi và thảnh thơi thì gia đình ta sớm muộn gì cũng sẽ được chuyển hóa, huống hồ là ta trực tiếp can thiệp vào bằng những pháp môn tu học. Còn nếu ta ăn không yên, ngồi không vững trong chiếc áo tu của ta thì gia đình ta sẽ còn tiếp tục lộn xộn. Khi trông thấy một người tu, một sư chú, một sư cô, vững chãi, thảnh thơi, đi đứng nhẹ nhàng, khoan thai và an lạc, những người ngoài xã hội đã bắt đầu cảm thấy ấm lòng, trong trái tim của họ bắt đầu có tin tưởng và hạnh phúc. Trong buổi nói chuyện công cộng tại nhà Mutualité ở Paris tuần trước, khi tôi nói pháp thoại thì trên bục có khoảng bốn chục các thầy và các sư cô ngồi rất vững chãi, thảnh thơi và tự tại. Quý vị ấy tuy không nói pháp thoại, nhưng quý vị cũng đang nói pháp thoại bằng cách thức có mặt của mình. Trong số một ngàn hai trăm người ngồi nghe, có khoảng mười phần trăm là người gốc Việt, và có vị đã kể lại rằng khi nhìn thấy các sư chú và sư cô ngồi thảnh thơi và an lạc như vậy nhiều người đã khóc, đã cảm động, đã hạnh phúc. Những điều các vị ấy chưa làm được thì nay các sư chú, sư cô đã và đang làm được cho họ. Đó là một niềm an ủi rất lớn cho các vị ấy. Chúng ta tu không phải là để cho riêng chúng ta, chúng ta tu là tu luôn cho tổ tiên, gia đình và con em chúng ta. Chúng ta cũng tu cho mọi người trong xã hội. Xã hội có thêm một người tu hạnh phúc thì phẩm chất đời sống của xã hội đã được nâng cao thêm. Vì vậy cho nên môi trường thuận lợi của người tu là môi trường trong đó ta có thể thực tập được chánh niệm. Có nhiều chùa chỉ biết sử dụng tài năng của người xuất gia để làm cho chùa có chân đứng vững vàng trong thành phố, nhất là những người xuất gia này đã có một ít học thức và tài năng ngoài đời. Khi các người này xuất gia, thầy trụ trì thường hay sử dụng tài năng của người ấy để lo điều hành việc chùa như làm thư ký, sử dụng máy điện toán, làm thủ quỹ, làm tri khách. Chùa nào cũng cần một người tri khách giỏi, có tài ngoại giao, một người có tài quản lý và tính toán. Vào chùa mà có những tài năng như thế thì ta thường được vị sư trưởng sử dụng, do đó ta trở thành rất quan trọng. Mình trở thành cánh tay phải của thầy và có khi không có mình thì thầy sẽ cảm thấy như bị bó tay và không làm gì được. Đó là một tai nạn lớn cho người xuất gia. Cứ sống và phục vụ cho chùa như thế, mình sẽ có thể trở thành một vị quản lý giỏi, một vị viện chủ giỏi đấy. Mình có thể thành công như là một người lãnh đạo tổ chức, nhưng mình sẽ thất bại với tư cách một người xuất gia. Mình không trở thành một vị đạo sư có thể độ mình và độ người. Đó là một sự oan uổng cho chính mình, cho gia đình mình, cho cả thầy mình và cho cả tăng thân nữa. Vì vậy cho nên khi đi xuất gia ta phải nhớ rằng cái tài năng phục vụ tổ chức của ta là thứ yếu. Ta phải để hết tâm lực của ta vào chuyện thực tập. Ta phải tập đi, tập đứng, tập nói, tập cười, tập ăn, tập thở; ta phải thực sự đi vào pháp môn hiện pháp lạc trú. Ta phải bồi đắp và vun bón cái vững chãi, cái thảnh thơi và cái an lạc của ta ngay từ những ngày đầu của cuộc đời tu học. Sử dụng tài năng của ta để làm việc cho chùa, điều đó tuy là cần thiết, có thể đem lại cho mình cái cảm tưởng là mình quan trọng, mình đang đóng vai trò của một bậc hộ pháp, nhưng điều đó cũng là một điều rất nguy hiểm. Mình có thể đang cô phụ cái chí lớn xuất gia của mình, đang cô phụ Bồ Đề Tâm của mình. Cho nên các vị mới xuất gia cần được khuyến khích là phải để hết cái tinh lực của mình vào trong việc thực tập hành trì chánh niệm. Trong khi chấp tác để phục vụ tăng thân và cơ sở tu học, phải xem chấp tác là sự thực tập, mỗi động tác và mỗi bước chân đều phải được soi sáng bởi chánh niệm. Đừng bao giờ ta để công việc lôi kéo ta đi vào thế giới của thất niệm.


Hạnh phúc và chánh niệm

Bản chất của giới luật là chánh niệm. Nếu đã từng học hỏi và thực tập năm giới quý báu thì quý vị đã biết rằng tất cả năm giới đều phát xuất từ chánh niệm, tức là từ cái thấy và cái nhận biết của mình. Vì có chánh niệm về những khổ đau gây ra do việc không giữ giới cho nên ta đã phát nguyện giữ giới. giới là sự biểu hiện cụ thể của chánh niệm. Ví dụ ta biết rằng ăn uống không cẩn thận sẽ gây ra khổ đau trong cơ thể. Nhờ chánh niệm ấy mà ta bắt đầu ăn uống trở lại cho đàng hòang. Cái đó gọi là giới. tất cả các giới, dầu là năm giới hay mười giới hay hai trăm năm mươi giới, đều phát sinh từ chánh niệm cả. Kinh dạy người xuất gia trong năm năm đầu nên chuyên môn học hỏi và thực tập giới luật. Điều này có nghĩa là người mới tu phải biết thực tập chánh niệm cho thật vững chãi. giới luật không phải là những gò bó có tính cách hình thức; giới luật phải có chánh niệm làm nội dung. Chánh niệm nghĩa là ý thức được những gì đang xảy ra bây giờ trong giờ phút hiện tại. Đi thì biết là đi, ngồi thì biết là ngồi, nói thì biết là nói, nghe thì biết là nghe. Chánh niệm là Bụt, là năng lượng soi sáng cho từng giây phút của cuộc sống hàng ngày. Trong nếp sống chánh niệm ta có hạnh phúc. Trong những giây phút thực tập chánh niệm, Tâm Bồ Đề của ta được vận hành và nuôi dưỡng. Tâm Bồ Đề không phải là một khối năng lượng nằm yên trong ta. Một chiếc đồng hồ khi đã được lên giây thì liên tiếp chạy đều cả đêm ngày. Chánh niệm cũng thế. Nó là một thứ năng lượng điều khiển đời sống hàng ngày của ta. Nếu ta không phạm giới thì đó không phải là do ta cực nhọc tranh đấu để giữ giới, mà tại vì trong ta có Bồ Đề Tâm. Tại vì ta biết rằng nếu ta phạm giới thì tất cả sẽ tan nát hết. Cái ước vọng lớn của ta sẽ không thành. Nếu một chú sa di không phạm giới thứ ba, không phải vì sư chú ấy đã cực nhọc tự đè nén mình để giữ giới, mà tại vì trong chú có tình thương. Cái tình thương ấy, cái chí nguyện ấy lớn quá nên sư chú biết rõ rằng nếu sư chú đi ngủ với một người phụ nữ thì cuộc đời tu hành của sư chú sẽ bị tan nát hết và cái chí nguyện lớn của sư chú cũng không bao giờ thành tựu được. Không những trong khi phạm giới, sư chú phá hoại đời tu của mình mà sư chú cũng phá hoại cuộc đời của người kia và gây thiệt hại cho gia đình và cho tăng thân của sư chú. Sở dĩ ta giữ giới được là nhờ ta có cái tâm thương yêu. Ta thương ta, ta thương gia đình ta, thương xã hội ta, thương thầy ta, thương tăng thân ta, thương nếp sống giải thoát của ta cho nên ta không phạm giới. Phạm giới là chết, nghĩa là chấm dứt đời sống và chí nguyện của một người xuất gia. Sở dĩ sư chú có cái biết đó là tại vì sư chú có chánh niệm. Chánh niệm ấy phát xuất từ tâm thương yêu. Nó là một nguồn năng lượng vơi đại đã thúc đẩy ta trở thành một người xuất gia. Nguồn năng lượng này quan trọng vô cùng. Ta đừng để nó bị soi mòn trong cuộc sống hàng ngày. Thất niệm (lãng quên) là yếu tố làm soi mòn Tâm Bồ Đề của ta.

Ngay từ buổi đầu, người xuất gia trẻ đã được chỉ dẫn thực tập uy nghi trong sinh hoạt thiền môn; phải học đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, quơ dép, rửa tay, làm thị giả, v.v..., như thế nào để mỗi cử động và tư thế đều phản chiếu được nếp sống vững chãi, thảnh thơi và ung dung. Nhưng uy nghi mà không phát xuất từ chánh niệm thì uy nghi chỉ là giả trang thiền tướng, nghĩa là chỉ có hình thức bên ngoài. Chánh niệm là bản chất của uy nghi. Không những chánh niệm là bản chất của uy nghi, chánh niệm còn là bản chất của giới luật và của cảnh sách. Bốn cuốn luật gọi là luật tiểu của các vị sa di và sa di ni đều là những hình thái thực tập chánh niệm.

Nếu trong đời sống hàng ngày người xuất gia có hạnh phúc, nếu môi trường xuất gia thuận tiện thì ngày nào người xuất gia cũng nuôi lớn Bồ Đề Tâm của mình. Nếu tu mà có hạnh phúc, an ổn và thảnh thơi, thì những dục lạc của thế gian không có đủ sức để làm cho người xuất gia xiêu đổ. Không có một thứ dục lạc nào ở ngoài thế gian có đủ sức mạnh hấp dẫn mình và kéo mình ra khỏi đời tu. Còn nếu ta đang thất bại trong chùa, nếu ta đang khổ đau với thầy và với anh chị em trong tăng thân, nếu ta đang nghi ngờ và giận hờn anh chị em trong tăng thân, thì đó quả là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Người xuất gia trong trường hợp ấy sớm muộn gì cũng sẽ chấm dứt đời sống xuất gia của mình. Ta đã biết môi trường rất quan trọng. Người tu không thể ở một mình. Người tu không có thể tu học mà không có thầy, không có bạn. Người tu không thể chạy theo một cái ước muốn riêng, như đi học ở ngoài đời để cố thi đậu một cái bằng cấp. Nếu tôi không muốn các sư chú và các sư cô đi công tác Phật sự một mình, đó không phải là vì tôi nghi ngờ khả năng của sư chú hay của sư cô, cũng không có nghĩa là vì tôi không tin vào học trò của tôi, nhưng vì tôi biết rất rõ là khi được cùng đi với tăng thân thì sư cô hoặc sư chú sẽ vững mạnh hơn nhiều lắm.

Sơ tâm là hảo tâm

Hủy hình phi pháp phục

Cát ái, từ sở thân

Xuất gia hành Phật đạo

Nguyện độ nhất thiết nhân

Đó là bốn câu thơ rất đẹp ca ngợi chí hướng người xuất gia. Hủy hình có nghĩa là hủy bỏ cái vẻ đẹp trần tục bên ngoài. Tóc mình xanh mướt như vậy, nhưng mình đã cạo sạch. Phấn son và vòng xuyến, tất cả những thứ ấy mình đã gạt bỏ. Đó là một hành động rất cách mạng. Chỉ khi nào có một năng lượng rất lớn trong lòng thì người ta mới làm được chuyện ấy. Phi pháp phục tức là khoác lên chiếc áo pháp, nghĩa là áo của người tu. Cát ái tức là cắt đứt mọi ân ái buộc ràng. Ái ân lưới nọ dang tay xé. Đó là một câu trong bài kệ truyền đăng tôi đã trao cho sư chị Chân Viên Quang. Ta thấy đời sống lứa đôi không phải là cái hòai bão lớn của ta. Ta muốn làm hạnh phúc không phải cho một người mà cho rất nhiều người. Vì vậy ta không muốn bị vướng kẹt vào lưới tình ái. Vì vậy cho nên ta nói với người kia rằng anh muốn đi trên con đường của một vị Bồ Tát để có thể thương được tất cả mọi người, trong đó có em. Hoặc là ta nói với người kia rằng em muốn đi trên con đường của một vị Bồ Tát, em muốn hiến tặng trái tim này cho tất cả mọi người, trong đó chắc chắn là có anh. Đó gọi là cát ái, để không còn bị sợi giây ái ân ràng buộc. Mình chỉ cần một lát kéo và sợi giây ấy đứt. Đó là ý nghĩa của hành động cạo sạch mái tóc. Đó là ý nghĩa của hai chữ hủy hình. Từ sở thân là từ giã những người thân của mình, trong đó có cha mẹ, anh chị và em mình. Tại sao mình phải xa cha, xa mẹ, xa anh, xa em mà đi tu? Đó là tại vì mình có chí nguyện lớn. Những người đi làm cách mạng cũng chỉ làm như vậy mà thôi, nghĩa là cũng phải cát ái từ sở thân. Người đi tu đích thÕực là một nhà cách mạng. Người đi tu có một hòai bảo lớn. Vì vậy cho nên người ấy có đủ năng lượng để chặt đứt sợi giây tình ái. Xuất gia hành Phật đạo là ra khỏi cái nếp sống gia đình để đi trên con đường của Bụt. Nguyện độ nhất thiết nhân là thề nguyền thương yêu và độ thoát cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ lo cho hạnh phúc một người. Khi đi lấy chồng hay là đi cưới vợ, người ta chỉ nguyện làm hạnh phúc cho một người, và mai này cho ba bốn người là nhiều, nhưng chưa chắc gì người ta đã làm được. Trong cuộc nhân sinh này, lắm khi sống với nhau chỉ có hai ba người mà người ta cũng tạo ra địa ngục cho nhau. Người xuất gia phải hết lòng trân quý tự do của mình. Nếu vướng vào vòng tình lụy, nếu đánh mất tự do của mình rồi thì người xuất gia đâu còn làm hạnh phúc cho ai được? Biết bao là hệ lụy, chìm đắm và khổ đau. Vì thấy được điều đó nên ta xót thương. Vì muốn có khả năng cứu vớt họ cho nên ta đã đi xuất gia. Ta thấy cái khổ tràn ngựạp quanh ta. Ta không muốn đi vào trong những nẻo đường tăm tối đó. Ta muốn đi tìm một con đường sáng, muốn tìm cách cởi trói cho ta và sau đó đi vào trong nhân gian để cứu giúp độ thoát cho người. Ước muốn này là Tâm Bồ Đề, là nguồn năng lượng lớn, hay tâm thương yêu lớn. Không phải là mình hết thương người mình thương. Không phải là mình bỏ người mình thương. Chỉ là vì mình không muốn thương bằng thứ tình thương chiếm hữu, hệ lụy, sầu đau. Thương như thế chỉ là để làm khổ cho nhau. Mình muốn tiếp tục thương, nhưng với một thứ tình thương mà trong đó cả người thương và người được thương đều bảo trì được toàn vẹn tự do của nhau, tự do cho nhau; một thứ tình thương có khả năng hiến tặng niềm vui và chuyển hóa đau khổ. Đây là thứ tình thương Bụt dạy. Hiến tặng niềm vui mà không gây khổ lụy là Từ. Chuyển hóa khổ đau là Bi. Tình thương mà không hệ lụy, tình thương mà trong đó tự do còn được bảo trì nguyên vẹn là Xả. Trong tình thương này, những người thương chỉ hiến tặng cho nhau niềm vui, mà không bao giờ kéo nhau vào vòng bi lụy. Đó là Hỷ. Chính vì muốn thương với tình thương mầu nhiệm ấy mà ta đã phát nguyện sống đời xuất gia.

Tôi có dịch tạm bài thơ trên, nhưng vì dịch thành bốn câu hơi khó nên tôi đã dùng tới sáu câu:

Bỏ cái đẹp trần thế

Cắt đứt dây ái ân

Xuất gia mặc áo pháp

Từ giã những người thân

Đi trên đường của Bụt

Nguyện độ hết xa gần

Bài dịch này tuy nói được hết ý của nguyên văn nhưng không có được cái hùng tráng của nguyên văn. Bài thơ này cũng là để ca ngợi Bồ Đề Tâm. Bồ Đề Tâm là nguồn năng lượng căn bản cho người xuất gia. Nuôi dưỡng được nguồn năng lượng ấy thì dầu ở bên ta đang có bão tố, có sấm chớp, có muôn vạn khó khăn, ta vẫn còn có thể đứng vững được. Người xuất gia phải làm hết tất cả những gì mình có thể làm để bảo vựòe Tâm Bồ Đề. Như ta đã biết, động lực thúc đẩy ta đi xuất gia là Bồ Đề Tâm, tức là tâm thương yêu. Nguồn năng lượng đẹp đẽ này có khi cũng được gọi là Sơ Tâm, nghĩa là Tâm Buổi Ban Đầu. Tâm buổi ban đầu là một trái tim tốt lành còn nguyên vẹn, còn lành lặn, còn nóng hổi, còn đẹp đẽ. Ta phải giữ gìn trái tim ấy cho mẹ, cho cha, cho tất cả mọi người, mọi loài, cho Bụt, cho Pháp và cho Tăng. Mà phương thức hay nhất để giữ gìn nó là sống và thực tập trong một môi trường thuận lợi. Tôi có phước duyên gìn giữ được sơ tâm. Tôi cầu mong quý vị cũng sẽ giữ được trái tim đẹp đẽ ấy mãi mãi, ngàn đời.



Viết thêm cho người xuất gia trẻ

Đọc lại bài giảng hôm 2.5.1996, tôi thấy tôi còn muốn nói với người xuất gia trẻ nhiều chuyện nữa. Sau đây là những dòng tôi viết vào ngày tâm 22.5.1996 tại Xóm Mới Làng Mai.

Này người xuất gia trẻ, các em hãy lắng nghe tôi nói đây. Tôi biết có những người xuất gia trẻ hiện đang được sống trong một môi trường tu học thích ứng, được thầy thương yêu và tin cậy, được anh chị em đồng tu khuyến khích và nâng đỡ, được có cơ hội học hỏi và thực tập hàng ngày. Tuy nhiên số lượng những người may mắn ấy còn rất hiếm. Có thể đọc đến dòng chữ này em đang khóc. Tôi biết có rất nhiều người học tăng trẻ đang gặp nhiều khó khăn, kể cả những khó khăn về cơm áo. Tôi đã đi ngang qua những chặng đường như thế rồi, nên tôi hiểu họ.


Những khó khăn

Xuất gia, sống trong chùa hay trong học viện, chúng ta cũng có thể có những khó khăn như sống trong gia đình. Nếu trong đời sống gia đình, ta có thể có vấn đề với cha mẹ hay anh chị em, thì sống trong chùa cũng thế. Em có thể đang có khó khăn với thầy em, và hai thầy trò đang khổ. Có thể em đang có cảm giác thầy em không thương em, không hiểu em, và có thể thầy em cũng đang nghĩ là em không có đủ tinh thần trách nhiệm, không chịu nghe lời thầy. Việc truyền thông giữa hai thầy trò đã trở nên khó khăn, và cả hai thầy trò đang không có hạnh phúc. Em nghĩ là đời sống ở chùa bận rộn quá, em phải làm nhiều việc quá, em không có thời giờ để học hỏi và tu tập, mà chính thầy em cũng không có thì giờ học hỏi và tu tập. Em rất muốn được thầy em gửi em vào nội trú một viện Phật học để em có thể để hết thì giờ vào việc tu học, nhưng vì chùa neo người, thầy em chưa cho em đi. Các vị thân sinh ra em có thể đã không muốn em đi tu. Họ nói gia đình đang cần em chống đỡ mà em lại bỏ đi tu. Các vị nghĩ rằng đi tu là bỏ bê gia đình, và em rất lấy làm khổ tâm. Người khác đi xuất gia thì được gia đình yểm trợ tinh thần, còn em thì không. Em có thể đang có vấn đề với sư anh, sư chị hay sư em của em. Em trách họ không hiểu em, nặng lời với em, kỳ thị em, mách những khuyết điểm của em với thầy để thầy không thương em... Những vấn đề như thế có bản chất giống hệt như những vấn đề ngoài đời. Em khổ. Và sự kiện em đang khổ là một thua thiệt lớn cho em, cho tôi, cho tất cả tăng thân. Em khổ mà không chuyển hóa được cái khổ của em thì làm sao em đi trọn con đường tu học?

Có khi em bực mình nghĩ rằng hay là em nên ly khai tăng thân, ra lập một cái am nhỏ, kiếm vài bà bổn đạo yểm trợ tài chánh cho em, đủ để trả tiền nhà, tiền ăn và tiền đi xe buýt, để em có thể đi học. Em tự bảo: học Phật pháp và sinh hoạt với tăng đoàn là chuyện ta sẽ làm suốt đời, cần gì phải gấp gáp; bây giờ mình hãy lo học để đạt tới một trình độ văn hóa khá cao của thế học đã, rồi nghiên cứu Phật học sau cũng không muộn. Hơn nữa nếu có một cái bằng cấp tốt nghiệp đại học thì không những học Phật mau thành mà nói gì người ta cũng tin, tại vì mình đã đđau cử nhân, phó tiến sĩ hay tiến sĩ... Những tư tưởng như vậy làm em bất an, không an trú được trong nếp sống thường nhật. Những tư tưởng ấy lại rất tai hại, bởi vì chúng đang có thể kéo em ra khỏi con đường tu mà em không biết.


Con đường thoát

Nếu em đang ở vào một hoàn cảnh có nhiều khó khăn, tôi muốn em đừng vội ly khai môi trường hiện tại, bỏ thầy bỏ chùa bỏ chúng mà đi tìm nơi khác. Đừng đi vào dấu chân của những người đứng núi này trông núi nọ. Có thể em đang mơ ước được vào nội trú viện Phật học, nhưng cũng có thể một người khác đang nội trú trong viện Phật học lại mơ ước được ra ở chùa ngoài như em. Nếu em chưa tìm ra một giải pháp thỏa đáng thích hợp với những điều tôi căn dặn trong bài pháp thoại ngày 2.5.96 thì em phải tìm tới tham vấn một vị thiện tri thức mà em tin cậy. Vị thiện tri thức này có thể là một thầy hay một sư cô có tuệ giác, có đức độ, có an lạc. Em hãy trình bày lên vị ấy tất cả những nỗi lòng của em và những sự thực về hoàn cảnh em. Vị ấy sẽ chỉ cho em đường đi nước bước em cần phải theo. Nếu tôi được em tham vấn, tôi sẽ nói rằng em cần thực tập để thiết lập ngay lại sự truyền thông với thầy em và với huynh đệ em càng sớm càng tốt. Em phải học hạnh đế thính (lắng nghe) và ái ngữ (ngôn từ hòa ái). Phải biết ngồi nghe một cách chăm chú, tĩnh lặng, phải học nghe với tâm không thành kiến, đừng tự vẻ nóng nảy, đừng có khuynh hướng phán xét và phản ứng; những năng lượng này một khi biểu hiện ra nét mặt, đôi mắt, hơi thở hay ra cử chỉ sẽ làm cho người nói không còn cảm hứng nói ra những điều người ấy muốn nói. Phải tập theo dõi hơi thở để giữ sự bình tĩnh trong lúc nghe, để tiếp thu được những điều mình nghe, dù những điều đang nghe không phù hợp với nhận thức sẵn có của em về sự thật. Em phải tập nghe thầy và nghe huynh đệ em theo cách ấy, và khoảng một tháng sau, sự truyền thông (comọiunication) sẽ được tái lập giữa em và những người ấy. Và khi em nói, em phải tập nói với ngôn từ hòa ái. Phải nói như thế nào để chứng tỏ mình đang bình tĩnh trình bày cho người kia thấy sự thật chứ không phải là mình đang nói để tự lộ sự bực dọc hay bất bình của mình. Tuyệt đối không trách móc. Em chỉ nói về những khó khăn những đau khổ của em thôi, và cầu xin sự giúp đỡ của người kia. Đế thính và ái ngữ là nội dung của giới thứ tư trong năm giới quý báu. Thực tập giới này em sẽ chuyển đổi được tình trạng và em có thể thuyết phục thầy và huynh đệ của em cùng góp sức chuyển hóa môi trường hiện thời thành một môi trường thích hợp hơn cho sự tu học, nghĩa là cho sự thực hiện lý tưởng cao đẹp của người xuất gia hảo tâm. Trong một viện Phật học, có thể cũng có những hiện tượng chống báng, phe phái, chia rẽ và kỳ thị. Nếu em là tăng sinh trong viện Phật học, hoặc giả nÓêu em là một vị giáo thọ trẻ của viện Phật học, em cũng phải thực tập như thế để dần dần chuyển hóa viện Phật học thành một môi trường thật sự thuận lợi cho sự thực hiện lý tưởng của người xuất gia. Tôi biết những lời tôi đang viết đây cũng sẽ được các vị sư trưởng của các chùa và các vị giáo thọ trong các viện Phật học đọc, và tôi tin chắc quý vị cũng đang thao thức như tôi và như em trong vấn đề chuyển hóa môi trường tu học cho môi trường ấy trở thành thuận lợi, và như thế mọi người trong ban giám hiệu, ban giáo thọ cũng như tất cả các tăng sinh sẽ có hạnh phúc nhiều hơn trong đời sống tu học hàng ngày. Hạnh phúc của em rất cần thiết cho tôi và cho tất cả mọi người, vì vậy em không có quyền tiếp tục đau khổ. Nếu em tiếp tục đau khổ, chúng tôi sẽ mất em. Đau khổ cần thiết cho tuệ giác nếu ta biết quán chiếu nó, nhìn sâu vào bản chất nó, để tìm lối ra. Vì vậy đau khổ là một thánh đế, nghĩa là một sự thật linh thiêng. Nhưng nếu ta tự để đắm chìm trong khổ đau mà không thấy được bản chất và con đường thoát khổ, thì đau khổ không còn là một thánh đế nữa.


Ăn cơm có canh

Nhà sử học Anh Arnold Toynbee có tiên đoán rằng sự gặp gỡ giữa đạo Bụt và văn minh Tây phương sẽ là một biến cố quan trọng nhất của thế kỷ tới. Tôi tin rằng từ cuộc gặp gỡ đó một nền văn hóa mới cho nhân loại sẽ được khai sáng. Em phải chuẩn bị để đóng góp phần em vào biến chuyển lịch sử. Em phải áp dụng cho được giáo pháp của đức Thế tôn trong đời sống hàng ngày để chuyển hóa khổ đau của em và của tăng thân em. Tăng thân là đoàn thể tu học của mình, gồm có thầy và các sư anh, sư chợi, sư em của mình. Tăng thân cũng là một thứ thân thể của mình. Nếu mỗi người đều có Phật thân và Pháp thân của mình thì đoàn thể tu học của mình cũng tức là tăng thân của mình. Phải hết lòng thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm. Phải sống cho sâu sắc mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Phải biết tiếp xúc với những nhiệm mầu của sự sống trong em và chung quanh em trong từng giây từng phút. Phải tỉnh thức lại, phải thấy được trúc tím, hoa vàng, trăng trong và mây trắng là biểu hiện của Pháp thân mầu nhiệm. Phải sống cho được giáo lý hiện pháp lạc trú như thầy Tam Di Đề (Sammidhi), một vị xuất gia trẻ hồi thời của Bụt, rất được Bụt và tăng đoàn thương mến. Thầy La Hầu La (Rahula) là người trẻ đầu tiên được gia nhập vào giáo đoàn xuất gia, và đã được thầy Xá Lợi Phất trao truyền mười giới sa di. Thầy La Hầu La sau này đã thành công như một trong mười vị đệ tử lớn của Bụt. Thầy A Nan (Ananuôi dưỡnga) cũng là một người xuất gia trẻ sống hạnh phúc đời sống xuất gia với một trái tim thương yêu trinh nguyên. Nhờ thông minh và trí nhớ phi thường của thầy mà biết bao nhiêu kinh điển của Bụt đã được lưu truyền lại. Thầy Ly Bà Đa (Revata) em út của thầy Xá Lợi Phất vì thấy được lẽ vô thường và biến hoại của mọi nhan sắc, nên đã xin đi xuất gia từ hồi còn niên thiếu. Thầy sống rất thoải mái và hạnh phúc nơi những vùng núi rừng thanh tịnh. Thầy Tu Bồ Đề (Subhuti) em trai của trưởng giả Cấp Cô Độc cũng là người niên thiếu xuất gia, được Bụt khen ngợi là thông suốt phép Từ quán và Bi quán. Cả hai đều nhìn vào gương tu tập của người anh. Thầy Tu Na Ka (Sonaka) phát tâm Bồ đề ngay sau khi được nghe bài thuyết pháp ở tu viện Trúc Lâm, đã phải nhịn ăn nhiều tuần lễ, thân thể ốm mòn, mới được phép cha mẹ cho đi xuất gia. Các thầy Bà Đề (Bhaddiya) và A Nđau Lâu Đà (Anurudha) đều là con trai dòng quý tộc, đã bỏ quyền hành và giàu sang để xuất gia theo Bụt, sống đời giải thoát. Sư cô Liên Hoa Sắc (Uppalavana) và sư cô Thu Ba (Subha) đều là những thiếu nữ nổi tiếng là sắc nước hương trời nhưng đã cắt bỏ mọi ân ái buộc ràng để trở nên người xuất gia, sống tu đạo với một quyết tâm ít ai bì kịp. Sư cô Tôn Đà Lợi Nan Đà (Sundarinanda) em cùng cha khác mẹ của Bụt, cũng đã đi xuất gia lúc chưa đầy hai mươi tuổi, và đã được Bụt khen là rất thành công trong công phu thiền tập... Các vị đều là những tấm gương sáng cho em.

Chúng ta không tu một mình. Chúng ta chỉ có thể tu với tăng thân. Không sống, không tu học và làm việc với tăng thân thì ta sẽ yếu lắm. Sống và tu học với tăng thân ta được tăng thân soi sáng và yểm trợ; đó thực sự là quy y tăng. Quy y tăng không phải chỉ là một đức tin mà là một sự thực tập hàng ngày. Nếu không quay về nương tựa tăng, em sẽ đánh mất lý tưởng xuất gia đẹp đẽ của em trong một tương lai rất gần. Người Việt chúng ta đã có kinh nghiệm sâu sắc về tuệ giác này, cho nên chúng ta ai cũng biết câu ăn cơm có canh, tu hành có bạn.


Gia tài của Bụt

Là người xuất gia, là những người con gần gũi nhất của Bụt, em phải biết thừa hưởng gia tài của Bụt. Phải thực tập cho được những pháp môn căn bản để có hạnh phúc. Phải nắm vững các pháp môn thiền tọa, thiền hành, quán niệm hơi thở, ăn cơm chánh niệm, quán chiếu vô thường, quán chiếu vô ngã, quán Từ, quán Bi, nhận diện và chuyển hóa khổ đau, xây dựng tăng thân và làm hạnh phúc cho đời. Khi học kinh, nên luôn luôn tự hỏi: những tư tưởng này của kinh có dính líu gì tới đời sống hàng ngày của ta không, có giúp ta chuyển hóa khổ đau và tạo thành an lạc không ? Cố nhiên là các kinh lớn như Kim Cương, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bảo Tích... chứa đựng nhiều tư tưởng siêu việt, nhưng mục đích học kinh không phải là để thưởng thức triết lý thâm uyên, lặp lại những tư tưởng ấy và đi tìm sự thỏa thích trong khi giải bày những tư tưởng ấy. Phật pháp là chiếc bè đưa ta qua sông; em phải sử dụng được chiếc bè để qua tới bến bờ của chuyển hóa và an lạc. Mục đích của người xuất gia không phải là để trở thành nhà Phật học hay nhà triết học, mà là trở thành một người an lạc, giải thoát, một vị đạo sư đích thực có khả năng độ đời. Cho nên em phải tránh con đường chất chứa kiến thức. Phải theo nguyên tắc thực học, thực tu, thực chứng. Em phải thấy được vô thường, vô ngã, từ, bi... là những dụng cụ quán chiếu để chuyển hóa khổ đau chứ không phải là những lý thuyết. Nếu em biết cách quán chiếu vô thường, vô ngã, từ và bi, em sẽ phá được những nhận thức sai lầm (vọng tưởng) của em trong đời sống hàng ngày, sẽ trở nên hiểu biết và bao dung hơn, và tình thương trong em càng ngày càng lớn. Có tình thương thì cuộc đời ta mới có hạnh phúc. Những người chỉ có trách móc và hận thù trong tâm là những người đau khổ. Chừng nào em thấy chất liệu của Từ và Bi lớn lên trong em, chừng nào em nhận thấy em đã bắt đầu biết nhìn người khác bằng con mắt từ bi (từ nhãn thị chúng sinh) không còn khắt khe, không còn oán trách, thì em biết lúc đó em đã bắt đầu có nhiều hạnh phúc. Đây là một chuyển hóa lớn của người tu. Tôi đã từng đi trên 30 quốc gia trên thế giới, tổ chức những khóa tu học cho người bản xứ. Có những khóa tu kéo dài được ba tuần, nhưng cũng có những khóa tu rất ngắn, chỉ kéo dài có bốn hôm. ĨAy vậy mà có những thiền sinh và gia đình họ sau bốn ngày tu đã được chuyển hóa và đã tìm lại được sự tha thứ, thương yêu và hài hòa trong lòng họ và trong gia đình họ. Người xuất gia không nên quên rằng mình có cái may mắn là được thường trú trong khung cảnh tu học: nếu để tháng ngày đi qua mà không hạ thủ công phu thì uổng phí cuộc đời xuất gia của mình. Người nông phu sau khi thí nghiệm một loại hạt giống, một loại phân bón hoặc một phương pháp canh tác mới mà không thành công thì chắc chắn sẽ thay đổi hạt giống, phân bón hoặc phương pháp canh tác ấy. Chúng ta cũng vậy. Nếu tu tập từ ba tới sáu tháng mà không thấy hoặc chưa thấy có chuyển hóa gì, ta phải biết là có một cái gì không đúng trong phương pháp tu học. Ta phải lập tức tìm thầy và bạn để tham vấn, tìm ra những pháp môn thích hợp và hữu hiệu cho ta. Tôi thấy có những người tu suốt mấy mươi năm mà nhận thức, cách sống và tập khí khổ đau vẫn không hề thay đổi. Thật là uổng phí cho họ và cho chính ta.


Bạn đồng hành của bồ tát

Thực tập Từ và Bi cho đúng phép, một ngày nào đó em sẽ thấy năng lượng từ bi trong em đòi em phải thể hiện qua hành động. Từ và Bi không phải là những nguyên tắc sống, đó là những năng lượng đòi hỏi được biểu hiện cụ thể bằng sự sống. Có thể em là một người xuất gia muốn biểu lộ từ bi qua công tác cứu trợ người nghèo đói, chăm sóc cô nhi, người khuyết tật, hoặc phục vụ tại các nhà thương và nhà tù. Những công tác này là những bài thuyết pháp đích thực, nếu quả thực công tác của em được thúc đẩy bởi động lực thương yêu. Mỗi cử chỉ săn sóc người ốm đau, người tàn tật hay người nghèo khó có thể là một lời pháp ngữ hùng hồn. Dù vị pháp sư thuyết pháp hay nhưng nếu những lời vị ấy nói ra không phải là do năng lượng từ bi thúc đẩy thì bài pháp cũng chỉ là một công tác danh lợi, không phải là một bài thuyết pháp đích thực. Tôi rất không muốn sư cô và sư chú mải mê làm công tác xã hội mà quên mất mục đích thật sự của người xuất gia là tu tập để diệt trừ phiền não, chuyển hóa khổ đau. Em không nên để hết thì giờ vào việc xã hội. Phận sự của em không phải là bác sĩ, y tá hay cán sự xã hội. Em có thể phát nguyện làm việc mỗi tuần vài ba buổi tại các bệnh viện, trại giam hoặc nhà cô nhi, nhưng trong khi làm việc em phải làm cho thật có chánh niệm, luôn luôn trầm tĩnh, có đủ phong độ, uy nghi và không bao giờ đánh mất mình trong thất niệm. Nếu em biết theo dõi hơi thở và thực tập an trú trong giây phút hiện tại thì công tác giúp người của em cũng đồng thời là công phu tu tập, cũng quan trọng như thực tập ngồi thiền hoặc tụng kinh.

Tại các nước phát triển ở Âu và Bắc Mỹ Châu, rất nhiều bệnh viện có thánh đường và thiền đường để cho bệnh nhân và những người thân nhân của họ thực tập.

Có những giây phút bệnh nhân hoặc thân nhân của họ cần phải tĩnh tâm để cầu nhiều, như những lúc trước giờ giải phẫu, những lúc giải phẫu hay cấp cứu, những lúc chờ đợi hồi sinh... Thánh đường, niệm Phật đường hay thiền đường vì vậy rất cần thiết. Có những người xuất gia nguyện phục vụ trong ấy. Họ phải được học hỏi cách thức để có thể giúp người bệnh và thân nhân của họ đạt tới sự an tâm. Trong các nhà giam cũng vậy. Có những người tu được đào tạo để có thể phục vụ những người đang bị giam giữ. Căn bản tâm lý học và phương pháp an ủi và giải tựa tâm lý rất cần thiết. Vào những nơi này để phục vụ, em sẽ có cảm tưởng là bồ tát Địa Tạng cũng cùng đang đi bên em để đem lại sự bình yên cho tâm hồn những người trong ấy. Em phải làm công tác với tất cả trái tim em, vì em đang là một vị bồ tát bạn đồng hành của bồ tát Địa Tạng. Mà đã là bồ tát thì giây phút nào cũng tập luyện tỉnh thức, đừng để công việc kéo đi, lọt vào thế giới của thất niệm. Chúng ta nói chúng ta thực tập từ bi mà nếu chúng ta không có mặt tại những nơi có khổ đau như nhà thương và trại giam thì đó là một điều khó hiểu. Tại nhiều nước Tây Phương như Anh và Mỹ, sách của tôi viết được gửi vào các trại giam nhiều lắm, thỉnh thoảng những thành phần của chúng chủ trì dòng tu Tiếp hiện cũng vào thăm viếng các tù nhân để ủy lạo và hướng dẫn thiền tập cho họ. Tôi đã nhận được rất nhiều thơ cám ơn của các độc giả trong tù. Nhiều vị nói trong tù họ thực tập tinh chuyên lắm, và tin tưởng nơi những phương pháp thực tập ấy, vì tâm hồn họ được an tĩnh và niềm tin của họ được hồi sinh. Các vị lãnh đạo giáo hội, các bậc sư trưởng của em thế nào cũng phải can thiệp với các cấp chính quyền để tại mỗi bệnh viện và nhà giam sẽ được thiết lập một thiền đường, và can thiệp với các viện Phật học để chuẩn bị huấn luyện một số tăng sinh sau này có thể phục vụ tại những nơi như thế.


Phẩm vật hiến tặng

Hiến tặng là hành động cao đẹp nhất của người tu. Phẩm vật hiến tặng có ba thứ: tài vật, pháp môn tu học và sự an vững của tâm hồn (tài thí, pháp thí và vô úy thí). Người xuất gia đâu có tài vật gì nhiều để hiến tặng? Chính nhờ đức độ và tình thương của ta mà thiên hạ đã tin cẩn và giao phó cho ta một ít tài vật của họ để ta làm công việc cứu trợ và ủy lạo. Pháp môn tu học mà ta đã từng thực tập và gặt hái kết quả là tặng phẩm rất quý của ta. Vì vậy nếu em có làm công tác xã hội thì đừng làm công tác xã hội suông, nghĩa là chỉ đóng vai trò của một tác viên xã hội. Vai trò của em là nhà tu. Vậy trong khi làm việc cứu tế em hãy tìm cách trao truyền cho người kia những phương pháp thực tập giúp họ vượt thoát khổ đau của họ. Em đừng nghĩ họ chỉ khổ đau vì thiếu cơm, thiếu áo, thiếu nhà ở, thiếu thuốc men. Họ đau khổ nhiều trong liên hệ giữa họ và những người quanh họ, họ đau khổ vì giận hờn, thất vọng, mặc cảm, ganh ghét, xung đột, vân vân. Em đừng sợ bị mang tiếng là lợi dụng công tác xã hội để truyền đạo. Em có thể dùng ngôn ngữ không tôn giáo để giúp cho họ tháo gỡ những cái kẹt của họ. Phép thở, phép buông thư, phép lắng nghe, phép ái ngữ ... ngoài đời người ta cũng dạy, cũng học, trong các tôn giáo khác cũng vậy. Pháp thí là bảo vật rất quý của người tu, đem hiến tặng hòai mà không bao giờ hao hụt. Vô úy thí là tặng phẩm thứ ba, đó là sự vững chãi, sự thảnh thơi và tuệ giác của em. Nếu em tu tập thành công thì càng ngày em càng vững chãi, càng ngày em càng có tự do nhiều hơn. Tự do đây không phải là tự do chính trị mà là tự do tâm linh. Em không bị sai sử và ràng buộc bởi bất cứ một tâm hành bất thiện nào: sự lo lắng, sự sợ hãi, sự hận thù, sự thèm khát, sự ganh ghét... Quán chiếu về vô sinh, em không còn sợ hãi, dù là cái chết. Ngồi bên giường người hấp hối, sự vững chãi và thảnh thơi của em giúp cho người đang hấp hối an tâm trở lại và thực tập chánh niệm cho đến giờ phút qua đời. Sự có mặt của em gây niềm tự tin và sự không sợ hãi. Đó là tại vì em đã có chất liệu vô úy, vững chãi và thảnh thơi nơi em. Tôi có những người học trò rất giỏi về việc thực tập nâng đỡ người hấp hối. Ví dụ như giáo thọ Chân Tiếp. Chị Chân Tiếp (Joan Halifax) là một nhà nhân chủng học nổi tiếng của Hoa Kỳ, nghiên cứu về văn minh người da đỏ. Chợi là thành viên chúng chủ trì dòng tu Tiếp Hiện. Chợi đã huấn luyện cho nhiều người trong việc hướng dẫn những người hấp hối. Các vị đều là những người có khả năng hiến tặng vô úy. Ta phải có khả năng hiến tặng vô úy cho người đời, trong những khúc quanh khó khăn nhất của đời họ, và khi họ hấp hối. Tôi có làm một bài hát lấy ý từ Tương Ưng Bộ với nhan đề là Ru Người Hấp Hối, một bài có thể đọc, tụng hay hát cho người hấp hối nghe, dù người đó đang tỉnh hay đã mê.

Thảnh thơi, tự do, đó là bảo vật quý giá nhất của người xuất gia, em đừng bao giờ đánh mất nó. Phải thực tập chánh niệm và nghiêm trì giới luật em mới bảo vệ được tự do mình. Những cám dỗ như danh vọng, quyền hành, sắc dục và tiền bạc chỉ là những con mồi bằng nhựa trong đó có móc một chiếc lưỡi câu sắc bén. Con cá tưởng con mồi nhâ là con mồi thật nên đớp lấy và bị lưỡi câu móc vào cổ họng.

Hạnh phúc của em không phải do những tài, sắc, danh, lợi ấy đem tới. Vướng vào chúng, em sẽ mất tự do. Hạnh phúc của em là chất liệu vững chãi, thảnh thơi, vô úy và tình thương. Mỗi ngày em phải bồi đắp và phát triển những yếu tố đó trong em.


Tay trong tay

Này người xuất gia trẻ, tôi đã có thể nhận ra em từ lúc em còn chưa xuất gia. Nhìn em tôi biết trong em có hạt giống tốt của người xuất gia. Và tôi thường tâm tâm niệm niệm để em có đủ nhân duyên đi xuất gia sớm. Em đã xuất gia rồi, tôi mừng biết mấy. Tựôi làm đủ những gì có thể làm để tạo điều kiện cho em được học, được tu, được nuôi dưỡng chí hướng của em. Tôi xót xa khi thấy em buồn khổ. Tôi vui mừng hạnh phúc khi thấy em hạnh phúc. Tôi hãnh diện khi thấy em độ được gia đình, giúp thầy em xây dựng nên tăng thân, và bắt đầu có thể tạo dựng hạnh phúc cho người. Tôi lo lắng cho em, mong ước nuôi dưỡng được em như những chiếc lá đầu của cây chuối nuôi dưỡng những cuộn lá kế tiếp nằm trong lòng cây chuối. Em là niềm tin cậy của tôi. Em là con Bụt. Em là em tôi, là học trò tôi, là con tôi, là cháu tôi. Cho dù em chưa sinh ra, tôi cũng đã nhìn thấy em rồi. Mới thọ giới sa di, sa di ni hay đã thọ giới lớn, em là người xuất gia trẻ mang theo em chí hướng của Bụt. Em là sự nối tiếp của Bụt, là bảo bối của Pháp, là tinh hoa của Tăng. Là gái hay là trai, em cũng có thể mang lý tưởng Bồ Tát đi vào đời. Nói chuyện tâm sự được với em hôm nay, tôi thấy lòng nhẹ nhõm. Tôi không bi quan, không lo lắng, bởi vì tôi có đức tin nơi em. Tôi sẽ có mặt bên em mãi. Tay em trong tay tôi, tay tôi trong tay Bụt, chúng ta hãy vững chãi đi về tương lai.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/05/2017(Xem: 10807)
Một bác sĩ Ấn Độ tại California nói rằng ông đã chứng kiến địa ngục, đồng thời nghe tiếng kêu gào của những vong linh bị đọa đày ngay trong cuộc giải phẫu chính mình.
26/04/2017(Xem: 13163)
Đạo Phật là đạo của giác ngộ, giải thoát nên lúc nào cũng phát khởi tấm lòng vô ngã, vị tha với tinh thần từ bi và trí huệ. Trong suốt 49 năm hoằng dương Chánh pháp, đức Phật đem hết sự thấy biết của mình qua sự tu chứng, trải nghiệm thực tế, nhằm thức tỉnh và giác ngộ mọi người để có sự hiểu biết chân chánh bằng niềm tin nơi chính mình và tin sâu nhân quả. Kinh Kamala được đức Phật nói trong hoàn cảnh khi Ngài cùng các đệ tử đi đến thị trấn Kêsaputa của sắc dân Kalama thuộc nước Kôsala.
26/04/2017(Xem: 9563)
Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông hay còn gọi là Phật giáo phát triển trong thời đại hôm nay, đời sống của hàng xuất gia không dựa trên pháp khất thực như ngày xưa nữa, mà phải tự túc sinh hoạt dựa trên sự cúng dường của hàng cư sĩ tại gia. Chùa chiền ở các nơi phải bắt đầu tích trữ của cải vật chất để phục vụ đời sống Tăng Ni và thậm chí nhiều chùa còn chia sẻ của cải ấy cho nhiều gia đình đang gặp hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn. Cư sĩ không phải cúng thức ăn hàng ngày mà thường hộ pháp qua việc cúng dường tài vật để chùa tự sắp xếp lo liệu.
24/04/2017(Xem: 6571)
Theo Phật Giáo, tâm tư duy (Tâm phan, như vệ tinh quả đất, định tinh mặt trời, và vô lượng thiên hà) có thể sinh ra trong không gian thời gian, nhưng linh ảnh tâm (Lòng Bồ Đề, vũ trụ) vượt thời gian không gian.
24/04/2017(Xem: 10218)
Lời giới thiệu: Chúng tôi viết quyển sách này với mong muốn được trình bày theo cái hiểu và suy nghĩ của riêng mình. Kính mong rằng các bậc cao Tăng thạc đức niềm tình tha thứ nếu có chỗ nào sai xót. Chúng con hàng hậu học, vừa học, vừa tu vừa hướng dẫn lấy Kinh luật luận làm nền tảng. Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu biết rõ ràng về Phật giáo và ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày. Chuyển nghiệp là quá trình nỗ lực làm cho phàm tính trong con người trở thành Thánh tính của bậc hiền.
24/04/2017(Xem: 11084)
Kiến thức khoa học gia tăng mỗi ngày theo cấp số nhân, nhưng những khám phá mới đặc biệt mang tính đột phá, thách thức nền tảng thực tánh của mọi hiện tượng là điều thật sự xa vời. Một lãnh vực đang là tâm điểm nghiên cứu cho nhiều bác sĩ và các nhà thần kinh học là sự liên hệ giữa tâm thức, não, và thần thức của con người.
24/04/2017(Xem: 9747)
Ai đã từng trải qua nhiều khắc khoải, khổ đau trong cuộc sống mà vẫn có lòng tốt và sự nhiệt tình, là nấc thang thăng tiến của các bậc hiền Thánh trong dòng đời nghiệt ngã, là kho tàng quý báu cho người biết chịu khó, kiên trì, bền chí, và cố gắng đứng lên sau khi thất bại; ngược lại, nó là hố sâu vực thẳm cho những kẻ hay ỷ lại, cầu cạnh van xin vào người khác, mà không chịu cố gắng nỗ lực vươn lên làm mới lại chính mình.
17/04/2017(Xem: 7138)
Một công dân Australia gốc Việt, anh Jimmy Phạm, giám đốc điều hành dự án KOTO ( Know One Teach One) tại Việt Nam từ 1999 đến nay, vừa thắng giải TJ Park POSCO của Hàn Quốc. TJ Park POSCO là giải được phát hàng năm, bao gồm bốn hạng mục khoa học, kỹ thuật, phát triển cộng đồng và học bổng. Năm nay anh Jimmy Phạm là ứng viên Việt Nam với tổ chức KOTO được đánh giá là một cơ sở từ thiện xã hội đạt tiêu chí sáng tạo, có hệ thống hoạt động hữu hiệu, có kết quả tốt đẹp, thực tiễn và bền vững.
17/04/2017(Xem: 6770)
Trong nội dung điều thứ ba (trong 108 điều dạy), Ngài Dalai Lama dạy rằng, “khi có kẻ gây ra tổn thương cho mình thì không nên do dự một chút nào cả, hãy tha thứ cho họ”. Dễ nói khó làm Đây là một việc làm tốt, thế nhưng không dễ làm chút nào. Ta có thể khuyên người khác thực hành điều này vì biết rõ nó đưa đến lợi ích cho nhiều người. Ta nghĩ rằng mình có thể tha thứ dễ dàng khi chưa “đụng chuyện”, khi chưa bị người làm tổn thương. Thế nhưng khi xúc cảnh, bản ngã bị chạm đến, ta nhói đau và sự tha thứ lúc này là cả một thử thách lớn.
13/04/2017(Xem: 8797)
Ngày 9/4/2017, tại tổ đình Phụng Nguyên – Seoul – Hàn Quốc, hội phật tử Việt Nam chùa Pháp Môn tại Hàn Quốc đã tổ chức đại lễ cầu siêu – tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sỹ tử trận và đồng bào tử nạn để bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, đặc biệt là 64 liệt sỹ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma. Buổi lễ do sư cô Thích Nữ Giới Tánh – Giáo thọ hội Phật tử chùa Pháp Môn Việt Nam tại Hàn Quốc làm trưởng BTC.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]