Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm XIX: Công bình pháp trụ

15/04/201311:10(Xem: 15169)
Phẩm XIX: Công bình pháp trụ

Kinh Pháp Cú

Phẩm XIX: Công bình pháp trụ

1. Quan Tòa Bất Công

Ngươi đâu phải pháp trụ...

Câu chuyện này xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên quan đến các vị chánh án.

Một ngày nọ, các Tỳ-kheo đi khất thực tại cổng phía bắc thành Xá-vệ, và trở về tinh xá, ngang qua trung tâm thành phố. Khi ấy trời đổ mưa, các Tỳ-kheo Vào trú ẩn tại một pháp đình, các thầy thấy các quan chánh án nhận của hối lộ và tịch biên tài sản của dân chúng một cách bất hợp pháp. Các thầy nghĩ thầm: "Những ông quan này không công minh, chúng ta cứ tưởng họ là những chánh án liêm chính".

Khi cơn mưa dứt, các thầy trở về tinh xá, đến chỗ Phật và bạch lên Phật câu chuyện vừa rồi, Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo, người nào đầu hàng dục vọng thấp hèn, xét xử chuyên chế, không thể gọi là công bình. Chỉ những người đi sâu tìm tòi việc sai trái trong một vụ án, và xử lý việc sai trái đó đúng pháp, không chuyên chế, mới gọi là công bình.

(256) Ngươi đâu phải pháp trụ
Xử sự quá chuyên chế,
Bậc trí cần phân biệt,
Cả hai chánh và tà!
(257) Không chuyên chế, đúng pháp,
Công bằng, dắt dẫn người,
Bậc trí sống đúng pháp,
Thật xứng danh pháp trụ.

2. Lục Quần Tỳ Kheo

Không phải vì nói nhiều...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Lục quần Tỳ-kheo.

Chuyện kể rằng nhóm Lục quần Tỳ-kheo hay đi từ tinh xá này đến tinh xá khác, từ làng này sang làng khác, làm mất trật tự trong phòng ăn của chúng Tăng. Ngày đó, vài Tỳ-kheo trẻ và Sa-di, sau khi ăn sáng ở trong làng, đến tinh xá. Các Tỳ- kheo ở đây hỏi:

- Chư huynh đệ thích phòng ăn như thế nào?

- Xin đừng hỏi chúng tôi. Mấy ông Lục quần Tỳ-kheo tự tuyên bố là: "Chỉ có chúng ta thông minh, chỉ có chúng ta là trí tuệ. Chúng ta sẽ đánh mấy thầy này, đổ rác lên đầu họ và đuổi họ ra".

Và họ tóm lấy chúng tôi, đổ rác lên đầu, làm phòng ăn lộn xộn lên.

Các Tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo, ta không gọi người nào thông minh khi người ấy nói nhiều và chọc giận người khác. Ta chỉ gọi là người trí tuệ khi kẻ ấy kiên nhẫn, thoát khỏi sân giận và sợ hãi.

Ngài nói kệ:

(258) Không phải vì nói nhiều,
Mới xứng danh bậc trí,
An ổn, không oán sợ,
Thật đáng gọi bậc trí.

3. Không Phải Vì Nói Nhiều Mà Ðược Ca Tụng

Không phải vì nói nhiều...

Câu chuyện xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Nhất Cú, tức A-la-hán Ekuddàna.

Tôn giả Nhất Cú sống một mình trong rừng và chỉ biết độc nhất một câu kệ:

Vị Sa-môn tư tưởng thanh cao,
Tinh tấn, tu tập trong im lặng.
Sa-môn ấy tâm hằng an tịnh,
Luôn chánh niệm, không còn phiền não.

Vào mỗi ngày tụng giới, Tôn giả chỉ đọc lên một câu kệ ấy, và chư thiên vỗ tay vang rền.

Ngày nọ, cũng vào dịp Bố-tát, có hai vị Tỳ-kheo lão thông Tam tạng, dẫn theo một ngàn đồ chúng đến nơi ấy. Tôn giả Nhất Cú thấy các thầy, rất vui mừng, nói:

- Các vị đến thật may mắn, hôm nay chúng ta sẽ nghe pháp.

- Nhưng thưa Ngài, ở đây đâu có người nào để nghe.

- Có chứ, vào ngày nói giới, cả khu rừng đều vang động tiếng vỗ tay của chư thiên.

Như thế, một vị bèn đọc luật và vị kia giảng rộng nghĩa ấy, nhưng chẳng có một ông trời nào vỗ tay cả. Các vị hỏi:

- Này huynh, Ngài bảo chúng tôi là khi Luật được tuyên đọc, chư thiên vỗ tay vang rền. Như vầy là sao?

- Những ngày khác đều có, tôi không hiểu hôm nay có chuyện gì?

- Thế thì Ngài đọc luật đi.

Tôn giả Nhất Cú bèn cầm quạt, lên tòa ngồi và đọc câu kệ thường nhật, chư thiên lại vỗ tay vang rền. Khi ấy, các Tỳ-kheo đồ chúng của hai bậc thầy kia đều bất bình chư thiên, nói:

- Chư thiên ở rừng này bày tỏ sự kính trọng bằng cách vỗ tay. Dù cho Tỳ-kheo thông Tam tạng giảng nhiều giới pháp, họ không nói một lời ca ngợi. Vậy mà khi Trưởng lão già chỉ đọc một câu, họ lại vỗ tay ồn cả lên.

Và trở về tinh xá, họ đem câu chuyện trình bày với đức Phật. Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo, ta không gọi người nào là thông suốt giáo pháp chỉ vì họ biết hoặc đọc nhiều kinh. Nhưng người nào chỉ biết đọc một câu, hiểu thấu sự thật, người ấy thật là người thông suốt Tam tạng.

Ngài nói Pháp cú:

(259) Không phải vì nói nhiều,
Mới xứng danh trì pháp,
Những ai tuy nghe ít,
Nhưng thân hành đúng pháp,
Không phóng túng chánh pháp,
Mới xứng danh trì pháp.

4. Người Trẻ Có Thể Là Trưởng Lão?

Không phải là Trưởng lão...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến Trưởng lão Lakuntaka Bhaddiya.

Một ngày nọ, Tôn giả Lakuntaka vào làm thị giả hầu Phật, và khi vị này đi ra, có ba mươi thầy tu ở rừng đến nhìn thấy. Các vị này vào gặp Phật, đảnh lễ và lui ngồi một bên. Ðức Phật nhận thấy ba mươi thầy đều có khả năng chứng A-la-hán, bèn hỏi:

- Các ông có thấy một Trưởng lão vừa đi ra không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn!

- Các ông không thấy ư?

- Chúng con chỉ thấy một Sa-di.

- Này các Tỳ-kheo, đó không phải là Sa-di, đó là một Trưởng lão.

- Người ấy còn quá trẻ, thưa Thế Tôn!

- Ta không gọi người nào là Trưởng lão chỉ vì họ già, vì họ ngồi ở ghế Trưởng lão, nhưng người nào thấu đạt chân lý, và đối xử tốt với người khác, người ấy là Trưởng lão.

Phật nói kệ:

(260) Không phải là Trưởng lão,
Dù tuổi cao đầu bạc,
Không tịnh hạnh tu trì,
Tôn xưng bậc Hòa thượng,
Gọi suông có ích gì?
(261) Ai chân thật, đúng pháp,
Không hại, biết chế phục,
Bậc trí, không cấu uế,
Mới xứng danh Trưởng lão.

5. Thế Nào Là Người Hoàn Toàn?

Không phải nói lưu loát...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở Kỳ Viên, liên quan đến một số Tỳ-kheo.

Một hôm, có vài Trưởng lão thấy các Sa-di và Tỳ-kheo trẻ hầu hạ thầy, nhuộm y, giặt y... Các vị bàn tán:

- Chúng ta là những người giảng dạy thông suốt, vậy mà không được săn sóc như thế. Bây giờ chúng ta đến chỗ Phật thưa rằng: Bạch Thế Tôn! Chúng con đều tinh thông Giáo pháp, xin Ngài ra lệnh cho các Tỳ-kheo tân học và Sa-di rằng: "Dù được học giáo lý với ai, không được ôn luyện cho đến khi các ông được các Trưởng lão này giảng dạy". Như thế chúng ta sẽ được danh dự và lợi dưỡng.

Bàn thế, các Trưởng lão đến chỗ Phật và thưa như trên, Phật nghĩ: "Trong truyền thống tôn giáo ta, có quyền nói như vậy, nhưng mấy ông này chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ". Và Ngài bảo:

- Ta không nhận xét các ông đã hoàn toàn chỉ vì các ông nói lưu loát. Nhưng người nào mà mọi ô nhiễm và phẩm hạnh xấu đều bị trừ tuyệt bởi Thánh quả, người ấy mới thật hoàn toàn.

Ngài nói kệ:

(262) Không phải nói lưu loát,
Không phải sắc mặc đẹp,
Thành được người lương thiện,
Nếu ganh, tham, dối trá.

(263) Ai cắt được, phá được,
Tận gốc nhổ tâm ấy,
Người trí ấy diệt sân,
Ðược gọi người hiền thiện.

6. Ðầu Trọc Không Làm Nên Tỳ Kheo

Ðầu trọc, không làm nên Sa-môn ...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến Hatthaka.

Chuyện kể rằng, mỗi khi thầy Hattthaka bị thua cuộc trong khi tranh luận, bèn hẹn:

- Hãy đến nơi ấy, nơi kia vào đúng giờ ấy, giờ kia, sẽ kết thúc cuộc bàn cãi.

Và thầy đến trước nơi hẹn, và nói:

- Xem kìa! Mấy người ngoại đạo sợ ta đến nỗi không dám đến gặp. Vậy là họ thua cuộc rồi.

Thầy luôn luôn dùng cách ấy nói với đối phương mỗi khi thua cuộc.

Ðức Phật nghe nói Hatthaka làm như vậy, bèn gọi thầy đến hỏi:

- Hatthaka, có phải ông làm như thế, như thế?

- Thưa vâng.

- Tại sao ông làm như thế? Một người làm điều sai quấy không thể gọi là Sa-môn, dù đầu họ cạo trọc. Người nào sửa được mọi lỗi lầm lớn nhỏ mới thật sự là Sa-môn.

Ngài nói kệ:

(264) Ðầu trọc, không Sa-môn,
Nếu phóng túng, nói láo,
Ai còn đầy dục tham,
Sao được gọi Sa-môn.
(265) Diệt trừ mọi tội lỗi,
Dù lớn nhỏ đều không,
Xô đuổi nhân phiền não,
Là thanh tịnh Sa-môn.

(Phạm Thiên Thư dịch).

7. Ðiều Gì Làm Nên Sa Môn

Ðâu phải là Tỳ-kheo...

Câu chuyện xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên hệ tới một Bà-la-môn.

Có một người Bà-la-môn từ bỏ gia đình, trở thành tu sĩ ngoại đạo. Khi ông đi khất thực, ông tự nghĩ: "Sa-môn Cồ-đàm gọi các đệ tử là "Tỳ-kheo" khi họ đi khất thực. Ông ấy cũng phải gọi ta là Tỳ-kheo". Ông ta đi đến chỗ Phật và nói:

- Sa-môn Cồ-đàm, tôi cũng tự nuôi sống bằng cách xin ăn, hãy gọi tôi là Tỳ-kheo.

Phật trả lời:

- Này Bà-la-môn, ta không gọi ai là Tỳ-kheo chỉ vì người ấy xin ăn. Người làm tất cả mọi hình thức giống Tỳ-kheo cũng không phải Tỳ-kheo. Chỉ có người thấy biết như thật về các uẩn và hành trì tương ưng, người ấy thật sự là Tỳ-kheo.

Ngài nói kệ:

(266) Chỉ khất thực nhờ người,
Ðâu phải là Tỳ-kheo!
Phải theo pháp toàn diện,
Khất sĩ không, không đủ.
(267) Ai vượt qua thiện ác,
Chuyên sống đời Phạm hạnh,
Sống thẩm sát ở đời,
Mới xứng danh Tỳ-kheo.

8. Không Phải Im Lặng Làm Nên Bậc Thánh

Im lặng nhưng ngu si...

Câu chuyên xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến ngoại đạo.

Các thầy ngoại đạo khi nhận được thức ăn cúng dường thường chúc lành cho chủ nhân:

- Xin chúc các vị bình an, hạnh phúc, tăng thêm tuổi thọ. Các vị sẽ không đến những nơi gai góc, sình lầy như nơi nọ nơi kia.

Như thế, họ hồi hướng phước lành, cảm tạ và xong rồi mới đi. Về phần Tăng chúng của Phật, ban đầu chưa hồi hướng, các thầy chỉ nhận vật thực rồi đi. Dân chúng phê bình như sau:

- Chúng ta được nghe lời cám ơn và chúc lành của ngoại đạo, còn các thầy Tỳ-kheo thì hoàn toàn im lặng.

Các Tỳ-kheo bạch Phật điều ấy. Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo, khi ngồi ở phòng ăn hay nơi nào thọ thực, hãy cám ơn thức ăn mình nhận, và nói lời vui lòng chủ nhân khi họ ngồi gần đó.

Như thế, đức Phật ra lệnh cho các Tỳ-kheo hồi hướng công đức cho thí chủ. Khi nghe các lời ấy, mọi người cố gắng thỉnh các thầy về nhà thọ thực, và cúng dường rất nhiều. Các ngoại đạo phê bình:

- Chúng ta là thánh và giữ im lặng, còn đệ tử của Cồ-đàm nói dông dài trên bàn ăn và các nơi thọ thực.

Khi đức Phật nghe kể lại, Ngài dạy:

- Ta không gọi người nào thánh chỉ vì họ im lặng. Có nhiều người không nói vì ngu dốt, vì thiếu niềm tin, có khi vì keo kiệt không muốn người khác học hỏi những gì mình biết. Vì thế ta nói người ấy không phải là thánh chỉ vì họ im lặng. Chỉ người nào thoát khỏi dục nhiễm mới là thánh.

Ngài nói kệ:

(268) Im lặng nhưng ngu si,
Ðâu được gọi ẩn sĩ?
Như người cầm cán cân,
Bậc trí chọn điều lành.
(269) Từ bỏ các ác pháp,
Mới thật là ẩn sĩ.
Ai thật hiểu hai đời,
Mới được gọi ẩn sĩ.

9. Cao Quý Là Hành Ðộng Cao Quý

Ðâu được gọi hiền thánh...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một người đánh cá tên Cao Quí. Một hôm, đức Phật quan sát thấy người đánh cá này có khả năng chứng quả, nên sau khi khất thực gần cửa thành phía Bắc của Xá-vệ, Ngài và chúng tăng trở về qua chỗ người này. Ðúng lúc ấy, người đánh cá đang câu cá. G��p Phật và chư Tăng, Cao Quí bèn ném cần câu và đứng yên. Ðức Thế Tôn đứng cách đó không xa, quay lại hỏi tên ngài Xá-lợi-phất và các vị khác:

- Ông tên gì?

- Con là Xá-lợi-phất.

- Con là Mục-kiền-liên.

Người đánh cá nghĩ thầm: "Ðức Phật hỏi tên mọi người, chắc sẽ hỏi tên ta". Phật biết ý quay sang hỏi:

- Này cư sĩ, ông tên gì?

- Bạch Thế Tôn, con tên Cao Quí.

Phật bảo:

- Này cư sĩ, người đoạt mạng sống người khác không thể gọi là Cao Quí. Cao Quí là không bao giờ làm hại ai.

Ngài nói kệ:

(270) Còn sát hại sanh linh,
Ðâu được gọi Hiền thánh.
Không hại mọi hữu tình,
Mới được gọi Hiền thánh.

10. Ðừng Tự Mãn

Chẳng phải chỉ giới cấm...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến vài Tỳ-kheo đức hạnh.

Một vài vị Sa-môn đầy đủ đức hạnh tự nghĩ rằng:

- Chúng ta đầy đủ giới đức, chúng ta tu tập theo giáo lý thanh tịnh, chúng ta học rộng, chúng ta sống tịnh cư, chúng ta phát triển thần thông nhờ thiền định. Vì thế, chúng ta chứng A-la-hán không khó, chúng ta sẽ chứng A-la-hán bất cứ khi nào.

Cũng như thế, các vị chứng quả A-na-hàm cũng nghĩ:

- Ðối với chúng ta, chứng quả A-la-hán không khó.

Một ngày kia các vị đi đến chỗ Phật, đảnh lễ và lui ngồi một bên. Phật hỏi:

- Này các Tỳ-kheo, các ông đã xong việc chưa?

Các thầy thưa:

- Bạch Thế Tôn, chúng con đã đạt những bậc Thánh như thế đó, khi nào muốn chúng con sẽ chứng quả A-la-hán. Vì nghĩ như vậy, nên chúng con giữ nguyên vị trí.

Nghe nói thế, Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo, không thích đáng cho một Sa-môn chỉ vì đã giữ tròn giới luật, hoặc chỉ chứng được Tam quả, và nghĩ rằng: "Chỉ còn chút ít phiền não trong đời hiện tại của ta". Trái lại, chừng nào lậu hoặc chưa hoàn toàn diệt trừ, người ấy chưa có quyền tự cho rằng mình đã thật sự chứng đắc.

Ngài nói kệ:

(271) Chẳng phải chỉ giới cấm.
Cũng không phải học nhiều.
Chẳng phải chứng thiền định,
Sống thanh vắng một mình.
(272) Ta hưởng an ổn lạc,
Phàm phu chưa hưởng được,
Tỳ-kheo, chớ tự tín,
Khi lậu hoặc chưa diệt.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/12/2013(Xem: 10574)
Các Phật tử nam lắng nghe chăm chú, các Phật tử nữ lặng nhìn, nghe Hòa thượng khai thị. Có lẽ ai nấy cũng chạnh lòng khi biết rằng, chính tại ngôi chùa Cực Lạc Cảnh Giới này, TT. Hạnh Nguyện đang ngày đêm nguyện cầu chư Phật, hộ pháp gia hộ cho công trình xây dựng Chùa Cực Lạc Cảnh Giới sớm thành tựu, và là nơi nương tựa, tu học tâm linh quan trọng của bà con Phật tử Việt Nam ở hải ngoại.
07/12/2013(Xem: 9087)
Sáng ngày 4/12, chùa Việt Nam mới có tầm cỡ bậc nhất tại Thái Lan “Cực Lạc Cảnh Giới” (WAT PA SUKAWADEE) địa chỉ: 75 Moo, 6 Tambon Samoeng-Nue Samoeng, ChiangMai, ThaiLand đã trang nghiêm tổ chức lễ xuất gia cho sáu cư sĩ bạch y Ưu Bà Tắc, dưới sự chứng minh của HT.Thích Như Điển – Tổng thư ký GHPGVNTN Châu Âu- Phương trượng chùa Viên Giác (CHLB Đức), TT.Thích Hạnh Nguyện – trụ trì chùa Cực Lạc Cảnh Giới, TT. Thích Nguyên Hiền – trụ trì chùa Vĩnh Minh (Lâm Đồng)…, gần 80 Tăng Ni Phật tử về tham dự.
07/12/2013(Xem: 8758)
Không ai không muốn xây dựng xã hội mình đang sống thành một xã hội ổn định, có sức sống phát triển bền vững và tốt đẹp. một xã hội tốt đẹp khi có: - Một hướng đi tiến bộ được đa số đồng thuận tin tưởng. - Một sự ổn định trật tự, nghĩa là có tinh thần chịu chấp nhận nhũng kỷ luật chung bắt nguồn từ trung tâm.
07/12/2013(Xem: 8921)
Khi đức Phật đi giáo hóa đến ngự tại động Thất Diệp thuộc núi Kỳ xà Quật gần thành La Duyệt, một hôm con một Trưởng giả tên Thiện Sinh, sáng sớm tắm rửa xong, ra khỏi thành vào vườn cây, dùng hương lễ lạy sáu phương. Lúc ấy, đức Phật đang ở tại động Thất Diệp, Ngài quán sát chúng sinh, thấy vậy, Ngài liền đến chỗ ấy (bằng thần thông) ngay khi Thiện Sinh vừa lễ lạy xong; khi gặp, Ngài nói với thanh niên rằng:
06/12/2013(Xem: 10345)
Người làm vườn chậm rãi quét lá. Cuối đông, những cây phong - lá đổi mầu từ xanh tươi sang đỏ, vàng - đang rụng những chiếc cuối. Thời gian không âm thanh, không hình tướng mà lại hiện hữu rõ rệt ở mọi nơi, mọi vật qua những đổi thay, luân chuyển của đất trời. Hoa ấy rực rỡ đầu hè, đã úa tàn cuối thu; mầm ấy trồi xanh tháng lạnh, cành lá đã xum xê khi nắng ấm; quỳnh nẩy nụ ngày xuân, đêm trăng rằm tháng hạ đã chợt ngạt ngào hương sắc…….
05/12/2013(Xem: 12940)
Từ Tam Kỳ tôi về lại Đà Nẵng năm 1965 để hầu ôn Phổ Thiên và tiếp tục đi học tại trường trung học Phan Châu Trinh. Ôn cư ngụ tại Chùa Diệu Pháp, nhưng thường xuyên sinh hoạt tại Chùa Phổ Đà. Hai chùa cách nhau năm bảy căn nhà
03/12/2013(Xem: 57851)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
29/11/2013(Xem: 23570)
Chúng tôi chọn viết đề tài dừng tâm sanh diệt là nhân có một Phật tử than: Trong đời tu hành của con có một chướng ngại mà con không vượt qua được, đó là những niệm tưởng lăng xăng. Nó quấy rầy luôn, cả những lúc nghỉ ngơi cũng không yên.
29/11/2013(Xem: 13398)
Gần đây, sau ngày Giáo Hội ra mắt cơ quan TTTT Trung ương, hàng loạt vấn đề nhạy cảm phơi bày mang tính méo mó của một số báo chí nói về những tu sĩ Phật giáo.
27/11/2013(Xem: 50020)
"Đức Đạt Lai Lạt Ma, Con Trai Của Tôi" là một tập tự truyện của Mẫu Thân Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là một tập sách hấp dẫn do Cụ bà Diki Tsering, Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại những chi tiết sinh động trong cuộc đời của mình, từ một phụ nữ nông thôn bình thường, bỗng chốc đã trở thành một người đàn bà có địa vị cao nhất trong xã hội, làm Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người lãnh đạo quốc gia Tây Tạng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]