Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Kinh Lời vàng Phần I - Tỳ kheo Giới Đức

12/04/201316:38(Xem: 15760)
4. Kinh Lời vàng Phần I - Tỳ kheo Giới Đức

Kinh Pháp Cú

4. Kinh Lời vàng
Phần I

I. SONG YẾU

1.
Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ, ý tạo
bắt cầu đưa duyên
Nói, làm với ý chẳng hiền
Bánh xe, bò kéo
khổ liền theo sau!
2.
Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ, ý tạo
bắt cầu đưa duyên
Nói, làm với ý tốt hiền
Như hình dọi bóng
vui liền theo sau!
3.
"Nó đánh, nó cướp của tôi!
Lại còn nhục mạ
lắm lời đắng cay!"
Ai mà ôm ấp niệm nầy
Lửa phiền thiêu đốt
tháng ngày chẳng nguôi!
4.
"Nó đánh, nó cướp của tôi!
Lại còn nhục mạ
lắm lời đắng cay!"
Người không ôm giữ niệm nầy,
Lửa phiền chợt tắt
khổ rày tự tiêu!
5.
Nếu ai lấy oán báo thù
Oan oan tương báo
thiên thu hằng sầu
Từ tâm định luật nhiệm mầu
Lấy ân báo oán
còn đâu oán thù?
6.
Luận tranh chẳng có ích gì!
Tranh cường, hiếu thắng
lắm khi phiền hà
Ai người suy gẫm sâu xa
Nói năng tự chế,
bất hòa lặng yên!
7.
Người hằng say đắm lục trần
Uống ăn vô độ
trăm phần dễ duôi!
Ma vương chúng vỗ tay cười
Cây cành mềm yếu
tơi bời gió lay!
8.
Người hằng quán niệm tự thân
Uống ăn tiết độ
tinh cần sớm hôm
Ma vương đâu dễ khinh lờn
Gió qua núi đá
chẳng sờn, chẳng lay!
9.
Người không tự chế, không chơn
Người mà tâm địa
chẳng hơn thế phàm!
Làm sao xứng mặc y vàng?
Làm sao xứng đáng
dự hàng Sa-môn?
10.
Người mà nhẫn nại tu hành
Nghiêm trì giới luật
cao thanh rỡ ràng
Khen thay! khéo mặc y vàng?
Khen thay! xứng đáng
dự hàng Sa -môn
11.
Phi chơn lại tưởng chánh chơn
Chánh chơn
lại tưởng phi chơn, đó là:
Duy trì ác kiến, ác tà
Ngu nhân
nào thấy tinh hoa pháp mầu!
12.
Chánh chơn thấy rõ chánh chơn
Phi chơn
thấy rõ phi chơn, mới là:
Lìa xa ác kiến, ác tà
Trí nhân
dễ ngộ tinh hoa pháp mầu!
13.14.
Nhà ai vụng lợp, mưa tuôn!
Tâm người kém hạnh
dễ luồn ái tham
Mái tranh che đậy kỹ càng
Tâm người khéo giữ,
dục phàm khó xen!
15.
Ðây hối quá, kia ăn năn
Tâm người ác hạnh
hai đằng chẳng vui
Bất an, ưu não rối bời
Mắt nhìn khổ báo,
Phật, trời thở than!
16.
Ðây hoan hỷ, kia hỷ hoan
Tâm người thiện hạnh
mọi đàng mọi vui
An vui, hoa nở, nụ cười
Mắt nhìn phước sự
thảnh thơi, nhẹ nhàng!
17.
Ðây đau khổ, kia khổ đau
Tâm người ác hạnh
muộn sầu thảm thương
Thở than nghiệp dữ đã vương
Chết vào khổ cảnh đoạn trường,
than hơn!
18.
Ðây hạnh phúc, kia an vui
Tâm người thiện hạnh
rạng ngời hân hoan
Ðã mừng gieo được phước vàng
Sanh vào tiên cảnh
lại càng mừng hơn!
19.
Suốt thông kinh luật mặc dầu
Nếu không hành đạo
đếm trâu, đếm bò!
Dễ đuôi, tự mãn, nằm co!
Qua miền siêu thoát
gọi đò, ai đưa?
20.
Ít thông kinh luật mặc dầu
Nếu chuyên hành đạo
tìm câu sửa mình
Sống đời chánh hạnh, quang minh
Qua miền siêu thoát,
vô sinh, hưởng nhàn!

II. KHÔNG PHÓNG DẬT

21.
Con đường phóng dật: nguy nan!
Con đường tỉnh thức:
vinh quang đời đời
Buông lung là kẻ chết rồi
Pháp mầu bất tử
đợi người cần chuyên!
22.
Trí nhân thấy rõ cơ duyên
Nhiếp tâm kiên định
vẫy thuyền sang sông!
An vui, hoan hỷ tự lòng
Dự vào cảnh giới
thanh trong thánh mầu!
23.
Trí nhân tinh tấn thiền hành
Kiên trì, nỗ lực
duyên sanh Niết bàn
Ma vương khó buộc, khó ràng
Tự do tối thượng
thênh thang bến bờ!
24.
Tinh cần, chánh niệm hỡi ai!
Giữ gìn tịnh hạnh
trong ngoài chăm chuyên
tự điều, theo pháp sống thiền
Nỗ lực sung mãn
thiện hiền tấn tăng!
25.
Sống không phóng dật, kiên trì
Tự điều, tự chế
thường khi mới là!
Chí người thiện trí cao xa
Xây hòn đảo lớn,
quê nhà trú thân!
26.
Si mê, cuồng sĩ buông lung
Riêng người thiện trí
canh chừng niệm tâm
Tâm tâm, niệm niệm tinh cần
Giữ gìn kho báu
thế nhân dễ gì!
27.
Người không phóng dật, dễ duôi
Người không mê đắm
niềm vui dục trần
Tỉnh thức, thiền quán tinh cần
Sẽ hái, sẽ gặt
phước phần sum suê!
28.
Niệm tâm: phóng dật lùi xa
Thoát khỏi phiền não -
binh ma cuối đèo!
Cao sơn, trí tuệ khéo trèo
Vô minh, đau khổ -
nằm queo đám người!
29.
Trú niệm giữa kẻ buông lung
Tỉnh thức
giữa đám mê mung, loạn cuồng
Như con tuấn mã kiên cường
Sau lưng bỏ lại
lươn ươn ngựa hèn!
30.
Chỉ nhờ đức tánh tinh cần
Ðế thích cai quản bốn tầng
Thiên vương
Dễ duôi thiên hạ khinh thường
Tinh cần
mãi được tán dương đời đời!
31.
Tỷ - kheo vui thích tinh cần
Sợ hãi phóng dật,
niệm tâm canh chừng
Bước đi như đám lửa hừng
Thiêu bao phiền não
kiết thừng [*] tiêu tan!
[*] kiết thừng: giây buộc trói
32.
Tỷ kheo vui thích tinh cần
Sợ hãi phóng dật,
chuyên tâm quán thiền
Khỏi rơi, đọa xuống các miền
Vị ấy
nhất định kề bên Niết bàn!

III. TÂM

33.
Khó thay! trì nhiếp tâm người
Chập chờn, dao động
vạn đời không yên!
Thợ tài uốn thẳng cây tên
Giữ tâm cũng vậy,
thiện hiền khéo tu!
34.
Cá kia quăng bỏ lên bờ
Vẫy vùng, hốt hoảng
đợi giờ chết thôi!
Cho hay, tâm lạc chợ đời
Cũng dường như thế ấy,
hãy rời dục tham!
35.
Tâm ta khinh động bất an
Kiếm tìm dục lạc
chạy quàng, chạy xiêng
Lành thay! chế ngự thành hiền
Tâm được điều phục
thuốc tiên chẳng màng!
36.
Tâm ta tế nhị vô cùng
Dễ nào thấy biết,
canh chừng làm sao?
Kiếm tìm dục lạc xôn xao
Tâm được phòng hộ
xiết bao phước lành!
37.
Xa xôi diệu vợi lữ trình
Ðến đi đơn độc
ẩn mình hang sâu [i]
Ðiều tâm: hạnh phúc cơ mầu
Vui sao!
thoát khỏi ma đầu sáu tay! [ii]
[i] trú xứ ẩn mật của Thức
[ii] lục trần
38.
Tâm chưa an trú vững vàng
Làm sao
chánh pháp dễ dàng liễu tri?
Niềm tin rung động từng khi
Trí tuệ như vậy
mong chi thành toàn?!
39.
Tâm không ái dục đầy tràn
Tâm không sân hận
chẳng mang lửa phiền
Vượt lên thiện, ác đôi miền
Bậc luôn tỉnh giác
chẳng hiềm sợ chi!
40.
Thân này gốm sứ mỏng mạnh
Tâm này kiên cố
thủ thành chống ma!
Gươm vàng trí tuệ vung ra
Giữ gìn chiến thắng
một tòa "vô tham"!
41.
Mai kia thương xót thân này
Nằm vùi đất lạnh
tháng ngày nắng mưa
Vô tri một đống thịt thừa
Gỗ mùn vô dụng
xẻ cưa làm gì?
42.
Kẻ thù hiềm hại kẻ thù
Oan gia chước hiểm
báo cừu oan gia
Ghê hơn, tâm hướng ác tà
Vạn lần nguy khốn
cho ta, cho người
43.
Ðiều mà quyến thuộc mẹ cha
Chẳng thể làm được
cho ta, cho người
Nhưng tâm chân chánh hướng rồi
Thành tựu tốt đẹp
vẹn mười, vẹn trăm!

IV. HOA

44.
Ai người thấu triệt ''cái Ta"?
Thấu triệt thiên giới,
Dạ-ma các hàng?
Ai người khéo giảng Con đàng?
Như tay thiện xảo
kết tràng hoa tươi?
45.
Ai người chinh phục "cái Ta"?
Chinh phục thiên giới,
dạ ma các hàng?
Bậc "Hữu học" khéo Con đàng,
Như tay thiện xảo
kết tràng hoa tươi.
46.
Thân như bọt nước đầu ghềnh
Rỗng không, huyễn ảo
diệt sinh vậy mà!
Trượng phu bẻ gãy tên hoa
Vượt lên tầm mắt
Tử ma khó tìm!
47.
Ai còn thu nhặt hoa hương
Ðắm si, tham nhiễm
bên đường, biết hay?
Tử thần mang kẻ ấy ngay
Như cơn lũ cuốn
ngủ say cả làng!
48.
Ai còn thu nhặt hoa hương
Ðắm say, tham nhiễm
bên đường chẳng thôi?
Coi chừng thần chết tới nơi.
Bắt làm nô lệ
rồi đời kẻ ngu!
49.
Như ong kiếm tí mật thôi
Sắc hương chẳng hại
lá chồi cũng không!
Khẽ khàng chút nhụy lót lòng
Bậc thánh cũng vậy,
thong dong vào làng!
50.
Lỗi người tìm trách sao nên?
Dầu phải, dầu quấy
chen xen chẳng gì?
Gẫm ta làm được điều chi?
Lặng im, tự kiểm,
tu trì mới hay!
51.
Hoa kia đẹp đẽ dường bao!
Sắc màu tươi thắm,
nhưng nào có hương!
Ngôn lời dệt gấm thêu chương,
Không hành, chỉ nói
là phường bỏ đi!
52.
Hoa kia đẹp đẽ dường bao!
Sắc màu đã thắm
lại ngào ngạt hương!
Ngôn lời trong sáng như gương
Nói làm là một
văn chương dám bì!
53.
Ðó đây lác đác đầu cành
Hái tìm từng đóa
xâu thành tràng hoa
Chúng sanh giữa cõi ta bà
Việc lành thu góp,
kết tòa thiện tâm!
54.
Hương thơm tối thắng diệu hoa
Làm sao ngược gió
bay xa mọi đường?
Hương thơm đức hạnh phi thường
Xông bay khắp cả
muôn phương ngát ngào!
55.
Hương sen, hương lý, hương trầm
Già la cùng với
chiên đàn thắng hương
Dẫu thơm, nhưng chẳng phi thường
Hương người đức hạnh
so lường dễ đâu!
56.
Hương sen, hương lý, hương trầm
Già la cùng với
Chiên đàn thắng hương
Hương người đức hạnh phi thường,
Xông bay bốn cõi
thiên vương ngát ngào!
57.
Ai người trú niệm tinh cần
Ai người siêu thoát
dự phần vô vi?
Ai người đức hạnh, chánh tri?
Ma vương chẳng thấy
đường đi, lối về
58.59.
Hoa sen dễ mến, dễ ưa
Mọc lên giữa đống
bùn nhơ vệ đường
Môn đệ đức Chuyển pháp vương
Trí tuệ chiếu sáng
khắp phường tối tăm!

V. KẺ NGU

60.
Người mất ngủ thấy đêm dài
Ðường xa mệt mỏi
đôi vai lữ hành
Ngu nhân chẳng thấy pháp lành
Luân hồi nào biết
mối manh nẻo về! (Viên Minh)
61.
Xa xôi thiên ý lữ trình
Không gặp đồng đạo
bằng mình hoặc hơn
Thà rằng vững bước cô đơn
Chẳng nên bè bạn
với phường ngu si!
62.
Con Tôi, tài sản của tôi!
Ðó là ưu não
Cho người cuồng si
Trong ''ta'', ''ta'' ấy có gì!
Tài sản, con cái
khác chi mộng trường!
63.
Người ngu xin hãy biết mình!
Thà rằng như vậy
thông minh mấy phần
Ngu si lại tưởng trí nhân
Với kẻ như vậy
vạn lần chí ngu!
64.
Người ngu cho dẫu trọn đời
Sống gần trí giả
uổng lời cao siêu
Không hành chánh pháp nửa điều
Muỗng canh
nào biết trong niêu vị gì!
65.
Phút giây thân cận đại hiền
Với người hữu trí
là duyên vạn đời
Thấy ngay chánh pháp tuyệt vời
Lưỡi kia nếm thưởng
biết nồi canh ngon!
66.
Ơi người thiểu trí đại ngu!
Lại xem "tự ngã"
kẻ thù, khốn thay!
Trở đi, lộn lại cõi này
Mãi tạo ác nghiệp,
Khổ rày ai mang?!
67.
Aïc nghiệp là nghiệp chẳng lành
Ăn năn, hối quá
phát sanh lòng người
Ðến khi quả dữ chín muồi
Lệ tuôn đầy mặt
lạy trời khóc mưa!
68.
Thiện nghiệp là nghiệp tốt lành
Thỏa thích, mát mẻ
phát sanh lòng người
Ðến khi lạc báo chín muồi
Thọ hưởng quả phúc,
nói cười hân hoan!
69.
Ác hạnh ngọt ngào như đường!
Người ngu nghĩ vậy
quả thường chưa sanh!
Ðến khi ác báo đành rành
Than trời, trách Phật,
khổ thành khổ hơn!
70.
Người ngu ngày lại qua ngày
Chỉ dùng vật thực
cỏ rây chút gì!
Phép tu khổ hạnh sao bì?
Một phần mười sáu
liễu tri pháp hành!
71.
Ác hạnh không tạo quả ngay
Tựa như sữa nọ
sớm ngày chưa đông!
Nghiệp kia theo kẻ cuồng ngông
Dưới tro, âm ỉ
than hồng biết chăng?
72.
Người ngu sa đọa tâm hồn
Trí thức hái lượm
cúi luồn công danh
Ðầu to bửa nát tan tành!
Hoa hương úa rã
cây cành thảm thương!
Trong sự sụp đổ của mình
Hái thâu kiến thức
góp kinh nghiệm đời
Người ngu đâu biết, than ôi!
Chính chúng bửa nát
bể hai cái đầu!
73.
Người ngu cuồng vọng tiếng tăm
Muốn ngồi trên trước
chư Tăng thánh, phàm
Quyền uy tu viện cao sang!
Muốn người đưa đón
lọng vàng, lọng hoa!
74.
Người ngu "tự ngã" phô trương
Cướp công đồng đạo
nêu gương mình làm!
Ưu sai, ưa lệnh rắp hàng
Mạn cuồng tăng thượng,
ái tham lũ dòng!
75.
Con đường lợi lộc trần gian
Con đường vô dục,
Niết bàn, vốn hai!
Sa môn đâu dễ đắm mùi
Khởi tâm nhàm chán
xa rời mồi câu!

VI. HIỀN TRÍ

76.
Thiện hiền điểm lỗi cho ta
Ðiều cần sai sửa,
điều chưa thành toàn
Ví như chỉ chỗ chôn vàng
bạn người như vậy,
tốt càng tốt hơn!
77.
Ai khuyên kẻ khác làm lành
Ngăn ngừa niệm dữ,
pháp hành gắng tu
Người hiền cảm kích kính yêu
Còn người xấu ác
ra điều chẳng ưa!
78.
Với người xấu ác, không thân!
Với người ti tiện,
lại cần tránh xa!
Người hiền, bạn tốt mới là
Thượng nhân cao quý
điểm hoa lòng mình!
79.
Vui thay! giáo pháp thấm nhuần
Vui thay! hỷ lạc
thân tâm nhẹ nhàng!
tri nhân thỏa thích Con đường
của đức Ðại Giác
xiển dương cứu đời!
80.
Ðào mương dẫn nước, khéo thay!
Mũi tên cong vạy
uốn ngay, chẳng phiền
Gỗ vênh thợ mộc đẽo liền
Khiển tà thành chánh,
trí hiền nhiếp tâm!
81.
Ví như tảng đá kiên trì
Gió cuồng tám hướng
dễ gì chuyển lay!
Tiếng đời chê dở, khen hay!
Không làm chao động,
đôi mày trí nhân! (Tâm Cao)
82.
Ví như hồ nước thẳm sâu
Lắng yên, trong suốt
chẳng màu bợn nhơ!
Lòng người trí giả lặng tờ
Khi nghe diệu pháp
bến bờ như nhiên!
83.
Người hiền - tất cả xả ly
Thánh nhơn: dục ái,
đắm si, chẳng bàn!
Dầu cho cảm thọ khổ nàn
Vui buồn, thiện trí
đâu màng để tâm!
84.
Chẳng vì mình, chẳng vì người
Chẳng vì con cái
lộc tài trăm xe:
làm điều bất chánh đáng chê!
Bậc trí như vậy,
bồ đề nở bông!
Chẳng vì mình, chẳng vì người
Chẳng vì sự nghiệp,
tiếng đời công danh:
bởi do bất chánh mà thành!
Bậc trí như vậy,
đạo hành viên dung!
85.
Giữa đám nhân loại dật dờ
May ra ít kẻ
vượt bờ bến mê!
Phần đông cười, khóc ê chề
Tâm hồn rách nát
kéo lê bờ này!
Phần đông nhân loại dật dờ
Sống say, chết mộng
bên bờ bến mê!
Quẩn quanh, xuôi ngược ê chề
Ðảo điên, tất bật
kéo lê bờ này!
86.
Những ai tinh tấn tu trì
Ðúng lời chánh pháp,
khéo tri, khéo hành
Vượt qua dục vọng, tử sanh
Thuyền xuôi giác ngạn,
mây lành đón đưa!
87.
Bỏ nhà, mây trắng ra đi
Thong dong muôn sự,
viễn ly thế tình
Pháp đen, pháp trắng phân minh
Tìm trong an lạc
câu kinh khước từ
88.
Phất tay sở hữu riêng tư
Cầu vui tịch tịnh
chân như Niết bàn
Gỡ bao chướng ngại sân tham
Nhiễm ô thanh lọc
xứng làm Sa môn
89.
Khéo thay! tu tập giác chi!
Lành thay!
chánh hạnh, nhiếp trì bền tâm!
Người không ô nhiễm dục trần
Sống đời sáng chói,
Niết bàn, ở đây!

VII. A-LA-HÁN

90.
Trải qua suốt cuộc hành trình
Ưu phiền chấm dứt
khổ hình tiêu tan!
Cởi bao triền phược buộc ràng
Sống đời siêu thoát,
lửa tàn vùi tro!
91.
Sa môn chánh niệm kiên trì
Lìa mọi trú xứ
ra đi nhẹ nhàng!
Ngỗng trời cất cánh thênh thang
Ao hồ bỏ lại,
mây ngàn thong dong!
Chim có tổ, cáo có hang
Lìa mọi trú xứ
gót chàng sa môn
Non xanh, mây trắng: tâm hồn
rỗng không muôn sự,
cô đơn dặm ngoài!
92.
Rỗng rang tư hữu ra đi
Uống ăn biết đủ
có chi phải bàn?
Lòng không, vô tướng nhẹ nhàng
Chim trời giải thoát,
non ngàn tìm đâu?
93.
Sa môn lậu hoặc đoạn ly
Uống ăn chẳng đắm
có chi phải bàn?
Lòng không, vô tướng nhẹ nhàng
Chim trời giải thoát,
non ngàn tìm đâu?
94.
Ví như tuấn mã luyện thành
Lục căn chế ngự
xứng danh trượng tòng!
Nhiễm ô, ngã mạn tiêu vong
Chư thiên
mến mộ giống dòng sa môn!
95.
Ðất kia cau mặt bao giờ?
Trụ đồng kiên cố.
ao hồ lặng thinh!
Sa môn tâm ý quân bình
Lang thang vô định,
tái sinh nào còn?
96.
Tâm an thì nghiệp cũng an
Lời ăn, tiếng nói
lại càng an hơn!
Sống đời hiểu biết chánh chơn
Thanh bình, siêu thoát
sa môn Phật đà!
97.
Chỉ tin giác ngộ, chánh tri
Chẳng tin ai khác,
an vi tự lòng
Cắt lìa hệ lụy trần hồng
Xả ly tối thượng,
hư không cũng từ!
98.
Thị phường, làng mạc, rừng sâu
Non cao, lũng thấp
hoặc đâu mặc dù
Nơi nào bậc thánh ngụ cư
Ở đấy khả ái,
an như tuyệt vời!
99.
Rừng sâu khả ái vô cùng
Chỗ người phàm tục
ngại ngùng bước chân
Vì không tìm kiếm dục trần
Bậc "ly tham" sống
mười phần hân hoan!

VIII. NGÀN

100.
Dẫu cho ngôn ngữ trăm ngàn
Nói điều vô ích:
chỉ bàn suông thôi!
Tốt hơn: ít chữ, ít lời!
Nghe xong tịnh lạc
sống đời vô ưu!
101.
Chữ câu ngàn vạn ích gì
Trăm kinh nói mãi
lắm khi loạn mù
Một câu có ích, cho dù
Nghe xong tịnh lạc
an như đời đời!
102.
Trăm câu đọc tụng ích gì
Máy móc, nhái lại
khác chi vẹt, nhồng!
Một lời Phật pháp chánh tông
Nghe xong tịnh lạc
trú dòng bất lai!
103.104.105.
Vẻ vang tự thắng chính mình
Khó hơn ngàn vạn
chiến binh sa trường!
Chư thiên, phạm đế, ma vương
Làm sao thắng kẻ
''tự thường thắng y''?
106.
Trăm năm bỏ cả thời gian
Chí thành tế tự
núi vàng, rừng châu!
Chẳng bằng giây lát cúi đầu
Cúng dường bậc thánh
dày sâu phước lành!
107.
Trăm năm đốt lửa rừng thiêng
Khẩn cầu tế tự
triền miên đêm ngày
Chẳng bằng chỉ một phút giây
cúng dường bậc thánh
sâu dày phước hơn!
108.
Suốt năm tế vật cúng dường
Ðể mong phước quả
nhờ nương sau nầy
Phần tư lợi ích chẳng tày
Một lần đảnh lễ
gót mây thánh hiền!
109.
An vui, sắc đẹp, sống lâu
Dồi dào sức khỏe:
bốn câu chúc mừng!
Cho ai kính lễ cúc cung
Những bậc trưởng thượng
thuộc dòng sa môn
110.111.
Trăm năm sống có ích gì
Buông lung, phóng dật
ác trí, ác tà!
Một ngày trong cõi người ta
Giới định, thiền tuệ -
thật là tốt hơn!
112.
Trăm năm sống có ích gì
Dễ duôi biếng nhác -
li bì xác thân!
Khởi tâm nỗ lực tinh cần
Một ngày như vậy,
muôn phần tốt hơn!
113.
Trăm năm sống có ích gì
Pháp đi, pháp đến -
vô tri chẳng tường
Một ngày, quả thật khó lường
Thấy pháp sanh diệt,
vô thường ra sao!?
114.115.
Trăm năm sống có ích gì
Chẳng thấy bất - tử
vô vi pháp hành
Một ngày quả thật trọn lành!
Sống đời chứng ngộ
vô sanh Niết bàn!

IX. ÁC

116.
Mau mau làm các việc lành
Mau mau ngăn ác
Phát sanh tâm người
Tâm người vốn thật dễ duôi
Nếu chậm thiện nghiệp,
ác chồi ló ra!


117.
Hỡi ai điều ác lỡ làm
lặp đi lặp lại
dễ dàng thành quen
Ðiều ác, thỏa thích chẳng nên!
Chứa ác thọ khổ,
lời khuyên đạo vàng!
118.
Hỡi ai hoan hỷ làm lành
Hãy nên tiếp tục cho thành
thói quen!
Ðiều làm thỏa thích, rất nên!
Chứa thiện được lạc,
lời khuyên đạo vàng!
119.
Người kia làm ác, nghĩ rằng:
Làm ác được tốt
được hằng an vui!
Ðến khi quả dữ chín muồi
Khổ đau họa hại
rồi đời kẻ ngu!
120.
Người kia làm thiện lâu ngày
Vẫn gặp đau khổ
vẫn hay than phiền
Ðủ duyên, quả tốt đến liền
An vui hạnh phúc,
thiện hiền mến ưa!
121.
Nước rơi từng giọt giọt thôi
Lâu ngày chầy tháng
đến hồi tràn lu
Chút chút việc ác, mặc dù!
Ngày qua, tháng lại
người ngu ác đầy!
122.
Nước rơi từng giọt giọt thôi
Khe mương trăm nẻo
đến hồi thành sông!
Chút chút việc thiện nhẹ bồng
Mai kia
vô lượng hư không cũng tràn!
123.
Thương buôn lắm bạc, nhiều tiền
Ðồng hành ít ỏi
tránh miền hiểm hoang!
Muốn sống, thuốc độc chớ quàng!
Lánh ác, cũng vậy,
rõ ràng là khôn!
124.
Tay ta nếu chẳng vết thương
Dẫu cầm thuốc độc
chẳng phương hại gì
Ác kia vô hiệu tức thì
Với người hiền sĩ
thường khi niệm lành!
125.
Sống đời đạo hạnh thiêng liêng
Nếu ai hiểm hại
không điên cũng cuồng!
Bụi mù tung ngược gió luồng!
Khổ đau dội lại
bằng muôn bằng ngàn!
126.
Nhiều kẻ sanh thú thai bào
Bốn đường đau khổ
đón chào ác nhân
Người lành, thiên giới du nhàn
còn người vô nhiễm,
Niết bàn tĩnh cư
127.
Dẫu cho động thẳm hang sâu
Hoặc nơi biển cả
non đầu, rừng thiêng
chẳng đâu trốn thoát ưu phiền
Lỡ gieo ác nghiệp
khổ liền chạy theo!
Trốn vào động thẳm hang sâu
Ẩn trong núi vắng
non đầu, trùng khơi
Có đâu một chỗ trên đời
Mà quả ác nghiệp
lại thôi lần tìm!
128.
Trốn vào động thẳm hang sâu
Ẩn vào núi vắng,
non đầu, trùng khơi
Có đâu một chỗ trên đời
Tử thần
lại chẳng đến lôi kéo về!

X. HÌNH PHẠT

129.
Ai ai cũng sợ gươm đao
Ai ai cũng sợ
máu đào thây phơi
Bụng ta suy hiểu bụng người
Chớ nên giết hại,
xúi lời giết nhau!
130.
Ai ai cũng sợ gươm đao
Người người
mạng sống mong sao bảo toàn
Bụng ta hiểu bụng thế gian
Chớ nên giết hại,
xúi bàn giết nhau!
131.132.
Ai ai hạnh phúc cũng cầu
Tại sao
đao trượng hại nhau làm gì?
Tìm an mà lại ác tri
Những người như vậy
mong chi gặp lành!
133.
Người này thô lỗ, cộc cằn
Người kia trả miếng
cũng ngần ấy thôi!
Khổ thay! phẫn hận trên đời
Vết thương dao xé:
tiếng lời lại qua!
134.
Tự mình nếu biết lặng yên
Không còn oán nộ,
chẳng hiềm hại ai
Như chuông đã bể tiếng rồi
Ai mà được vậy,
kề nơi Niết bàn!
135.
Người chăn dùng gậy lùa dê
Lùa từng con một
đi về núi xa
Tuổi già, sự chết cũng là
Lùa từng mạng sống
chúng ta xuống hầm!
136.
Người ngu xằng bậy lỡ lầm
vẫn không nhận thức
việc làm cuồng si
Nghiệp kia nhân quả tức thì
Bị thiêu, bị nấu
có chi phải ngờ!
137.138.139.140.
Dùng đao hại kẻ ""không đao"" [*]
Trượng hại ""không trượng"" [*]
khác nào tự thiêu!
Ai kia thọ khổ mười điều
Chịu quả khốc liệt
cùng nhiều tai ương!
Một là nhức nhối đau thương
Hai là tai biến
khôn đường trở xoay
Ba là thương tích mặt mày
Bốn là trọng bệnh
thuốc thầy chẳng xong!
[*] hàm chỉ bậc Thánh
Năm là tâm trí loạn cuồng
Sáu, bị hại bởi
lực quyền vua quan,
Bảy, chịu trọng tội cáo oan
Tám là gia quyến
các hàng phân ly!
Chín là tài sản ra đi
Mười là nhà cửa trà - tì
hỏa tai!
Ðến khi thọ mạng hết rồi
Chung thân địa ngục,
đồng sôi, chảo dầu!
141.
Bằng cách lõa thể lang thang
Hoặc là bện tóc,
tro than trét mình!
Hay là bôi mặt bùn sình
Hoặc như tuyệt thực
tóp hình sậy khô!
Tu gì, đất bẩn nằm co!
Lấm lem bụi dính
phết nhơ dọa người
Ngồi xổm hoặc nhảy loi choi
Nhịn ăn, nhịn thở
sống đời dị nhân!
Ấy là thanh lọc thân tâm?
Hoài nghi trừ diệt,
thánh nhân đời này?!
Than ôi! khổ hạnh đặt bày
Nhân khổ, quả khổ-
biết hay trí cuồng?!
142.
Người kia dẫu đẹp phục trang
Nhưng đời thanh tịnh
tĩnh an tục trần
Sáu căn chế ngự tinh thuần
Sống đời phạm hạnh
trong ngần pha lê
Bước trên chánh đạo mà về
Từ tâm vô lượng
chẳng hề trượng đao!
Tỷ kheo, phạm chí khác nào
Sa môn, khất sĩ
gọi sao cũng là!
143.
Hiếm thay người ở thế gian
Ðã biết tự chế,
lại càng tự khiêm
Biết hổ thẹn, thoát chê gièm
Như con tuấn mã
tài hiền tránh roi!
144.
Ngựa hiền chỉ thấy bóng roi
Tinh cần, giới đức
sáng ngời tín tâm
Ðịnh thiền, trạch pháp suy tầm
Kiến tri, đạo hạnh
trong ngần như gương
Ðủ đầy chánh niệm lên đường
Những người như vậy,
tai ương tận lìa!
145.
(Giống câu 80)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/10/2014(Xem: 7550)
Có những gì cần phải sửa trong Kinh Phật hay không? Có những gì cần phải cắt bớt khỏi Kinh Phật, hay cần phải bổ túc thêm cho Kinh Phật hay không? Câu trả lời tất nhiên không dễ. Vì người xưa đã nói, nếu chấp vào nghĩa từng chữ một, có thể sẽ hiểu nhầm ý của Phật; nhưng nếu rời kinh một chữ, lại hệt như lời ma nói. Nguyên văn: Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết.
26/10/2014(Xem: 9046)
Gió mùa thu năm nay, trở nên khô khốc, ảnh hưởng bởi nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua ở xứ này. Nhưng đâu đó trên hành tinh, mưa thu lất phất bay, và gió thu se sắt gợi buồn; cũng có nơi mưa ngập cả các con lộ chính của thành phố lớn để người và xe cộ phải lội bì bõm trong giòng nước ngầu đục. Và chỗ nọ, chỗ kia, làn gió dân chủ, hòa bình, khơi niềm hứng cảm cho sự vươn dậy của ý thức tự do, khai phóng.
24/10/2014(Xem: 14208)
Một kỷ nguyên mới canh tân kỹ thuật đang lan tràn khắp thế giới và đang tiến đến trưởng thành, đó là mạng lưới thông tin toàn cầu internet (world wide web), một hệ thống truyền thông và môi trường học có sức mạnh. Không nên xem Internet chỉ là một phương tiện mới để truyền bá Giáo Pháp với một hình thức mới, mà Internet còn có tiềm năng là một căn cứ cho một cộng đồng Phật Giáo trên mạng (online) cống hiến những giá trị xã hội và tâm linh cho mọi người.
24/10/2014(Xem: 8133)
Chuyện kinh Phật kể rằng, tự ngàn xửa ngàn xưa, hằng hà sa kiếp trước, có con thỏ ngọc nọ thấy bầy đàn đang lúc giá rét cuối đông, chẳng kiếm được chút rau cỏ gì cho nguôi cơn đói bụng ; thỏ nọ liền “hưng khởi đại bi tâm” nhảy vào đám lửa đang cháy rực hồng, tự biến thân mình thành thịt nướng cho bầy đàn ăn đỡ đói. Khi bầy đàn thỏ no nê thì cũng là khi thân thỏ nọ chỉ còn sót lại mấy miểng xương đen. Phật biết đại bi tâm của thỏ từ đầu, bèn nhặt xương thỏ đem về cung quảng, phục sinh và đặt tên cho thỏ là NGỌC THỐ - có nghĩa là Thỏ Ngọc, một sinh thể có đại bi tâm quý như ngọc; thứ ngọc Phật từng nói đến trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Bấy giờ, cuộc đời thỏ ngọc ngày đêm yên ả nơi cung trăng, tự thân sớm hôm trau dồi công dung ngôn hạnh khiến biết bao người chung quanh nâng niu, thương yêu chiều chuộng.
23/10/2014(Xem: 12792)
“Phật pháp trong đời sống” của cư sĩ Tâm Diệu là tuyển tập về mười hai chuyên đề Phật học gắn liền với đời sống của người tại gia. Tuyển tập các bài viết này gồm ba mục đích chính: (i) Xóa bỏ mê tín dị đoan và các tập tục hủ lậu, (ii) Giới thiệu Phật pháp căn bản, giúp người đọc hiểu rõ các giá trị thiết thực của đạo Phật, (iii) Đính chính các ngộ nhận về các khái niệm thầy tu, giải thoát, giá trị trị liệu của thiền và bản chất hạnh phúc trong hiện tại. Dầu được viết trong nhiều thời điểm khác nhau cho nhiều đối tượng độc giả, tác giả chú trọng đến việc giới thiệu về hình thái đạo Phật nguyên chất, xây dựng niềm tin bằng lý trí, giới thiệu đạo Phật từ góc độ ứng dụng trong đời sống, so sánh những điểm dị biệt và sự vượt trội của đạo Phật đối với các truyền thống và tín ngưỡng khác.
23/10/2014(Xem: 8437)
Bằng cách này hay cách khác, Đức Phật luôn gợi nhắc cho chúng ta rằng mỗi người chúng ta đều sở hữu các khả năng và phẩm chất tốt đẹp, cần phải biết vận dụng và phát huy để làm cho cuộc sống trở nên giàu sang hiền thiện, tránh mọi khổ đau và để thực nghiệm hạnh phúc an lạc. Trong bài kinh Nghèo khổ thuộc Tăng Chi Bộ, Ngài đơn cử câu chuyện một người nghèo túng về của cải vật chất nhưng không biết cách nỗ lực khắc phục tình trạng nghèo khó của mình nên phải liên tiếp rơi vào các cảnh ngộ khó khăn để nhắc nhở chúng ta về các tai họa khổ đau mà chúng ta sẽ phải đối diện, nếu không biết nỗ lực nuôi dưỡng và phát huy các phẩm chất đạo đức và trí tuệ của mình.
23/10/2014(Xem: 10005)
Tục lệ, hay những lễ nghi đã trở thành thói quen, là văn hóa được ước định của một dân tộc. Sự hình thành tục lệ thường chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán trong dân gian, hoặc do sự thực hành các tín ngưỡng tôn giáo lâu ngày của một cộng đồng. Sau khi truyền vào Trung Quốc, Phật giáo không chỉ đi sâu vào dân gian, hòa nhập với đời sống, từng bước hình thành nên một bộ quy phạm lễ nghi về “hôn táng hỷ khánh” (dựng vợ gả chồng, chôn cất người chết, thể hiện niềm vui, bày tỏ việc mừng); mà còn có tác dụng thay đổi phong tục đối với các thói quen dân gian mang đậm màu sắc mê tín trong các việc như: tổ chức hôn lễ rườm rà; đoán số mệnh dựa trên bát tự(1); miễn cưỡng tổ chức việc vui trong lúc gia đạo đang gặp rắc rối với mong muốn giải trừ vận xui, tà khí, chuyển nguy thành an, gọi là xung hỷ; thực hành tục minh hôn(2); duy trì lối khóc mộ; xem phong thủy…
23/10/2014(Xem: 9328)
Từ Thiện chỉ là Tu Phước, đó là cành lá hoa trái, nhưng Tu Huệ là gốc rễ , có chăm sóc cội gốc thì cây Bồ-Đề mới xanh tươi, đó là Phước Huệ song tu, là Tâm Hạnh của một vị Bồ-Tát, Một vị Phật tương lai, hiện tại phải Hành Bồ-Tát Đạo, Phục vụ chúng sinh là cúng dường Chư Phật, Bồ-Tát Giới thì cũng có Xuất gia và Tại Gia, Người con Phật phải luôn tưởng nhớ đến Tánh Phật vốn sẵn nơi chính Thân Tâm Ngũ Uẩn nầy, Người Tu Phật phải luôn nhìn lại chính mình, nếu hiểu được chính Thân Tâm mình, thì sẽ hiểu được người khác, (Tức Quán một Pháp thông, thì tất cả các Pháp đều thông) Người Giác Ngộ đối với Thân Tâm này, chỉ thấy là như hạt bụi, rời hơi thở rồi thì thiêu đốt thành tro, Muốn giải thoát Luân Hồi Sanh Tử, thì sống chấp nhận trả Nghiệp quá khứ, mà không tạo thêm Nghiệp tương lai, Bằng cách, nếu có người phiền não Ta, hay tức giận Ta, thì liền xin lỗi, đó là chấp nhận trả Nghiệp cũ, mà không tạo thêm nghiệp mới,
22/10/2014(Xem: 8314)
Tôi thường đeo một xâu chuỗi nhỏ ở tay, cũng nhiều năm rồi, như một sở thích, như một thói quen. Nhiều người thấy lạ thường hỏi, mang xâu chuỗi chi vậy? Tu hả? Cầu xin gì hả? Thường thì tôi chỉ cười thay câu trả lời vì cũng hơi rắc rối để giải thích.
21/10/2014(Xem: 8667)
Tôi may mắn có mặt trong buổi tối quý giá mà đông đảo Phật tử và thanh niên Hà Nội đã được học hỏi từ Sư bà Thích Nữ Giác Liên, một vị ni sư có 2 dòng máu Ấn – Việt, và là tác giả của cuốn “Đường về xứ Ấn”, tại nhà sách Thái Hà (119 C5 phố Tô Hiệu, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Sư bà Thích Nữ Giác Liên sống ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ đã 7 năm, đã đi giảng Pháp tại nhiều nước trên thế giới. Sư bà cũng là tác giả của nhiều bản đạo ca nổi tiếng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]