Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật dạy chăn trâu.

01/04/201318:24(Xem: 7291)
Phật dạy chăn trâu.

Phật Dạy Chăn Trâu

Thích Tuệ Sỹ

---o0o---

Không hung hăng tàn bạo, bản tánh vốn thuần hậu dễ sai khiến, siêng năng và nhiều nhẫn nại; nhưng lại hay làm bậy do sự si ngốc. Đó là đặc tính của trâu, mà cũng là đặc tính của chúng sinh. Phật không nhất thiết coi chúng sinh như trâu bò. Kinh Phật mà nói đến trâu, là nói đến bản tính si ngốc, vô trí nơi mỗi loài chúng sinh. Hiệu của Phật là Điều ngự sư, nên ngài là một người chăn, hay một người đánh xe khéo léo, đưa chúng sinh đến thành trì an lạc của giải thoát.

Sự si ngốc của chúng sinh không chỉ có một. Nó si ngốc tùy theo loại, nên cũng có cấp bực, có mỗi cách điều phục riêng biệt. Từ các hàng phàm phu, cho đến các hàng Thanh văn, Bồ tát, và cả đến các thiền sư, ngoại hạng, mỗi hành động và mỗi nỗ lực cho hành động, đều được ví với các cách chăn trâu.

TRÂU CỦA PHÀM PHU :


Kinh pháp cú, bài kệ I, phẩm Song yếu, nói :

Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu ai nói năng hay hành động với tâm bất thiện, khổ não sẽ đi theo như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe.”

Trong bài kệ này, nghiệp được ví như con vật kéo xe, mà nguyên ngữ Pàli là vahato, không nhất thiết phải là trâu. Nhưng cũng có thể nói đó là trâu.

Nghiệp được ví là trâu, vì tất cả nghiệp tạo tác đều được điều động bởi vô minh, cũng như con trâu được điều động kéo xe vì sự si ngốc của nó.

Kinh pháp cú, bài kệ 135, phẩm Đao trượng, nói :

“Như người chăn trâu cầm gậy lùa đàn trâu ra đồng cỏ. Cũng vậy, tuổi già và sự chết xua đuổi mạng sống ra đi.”

Mạng sống, hay tuổi thọ của mỗi chúng sinh, được ví như một con trâu, tuổi già là cây gậy, đồng cỏ là sự chết, và thằng chăn là nghiệp lực. Đời sống của chúng sinh bị nghiệp lực xua đuổi đi tới sự chết bằng tuổi già, như con trâu bị thằng chăn xua đuổi ra đồng cỏ bằng cây gậy. Con trâu nhắm tới đồng cỏ, sự sống nhắm tới sự chết. Chúng sinh không tự chủ trong hành động, cũng như trâu không tự chủ trong sở thích của nó.

TRÂU CỦA THANH VĂN:

Tần-bà-ta-la, quốc vương xứ Ma-kiệt-đà, thỉnh Phật và năm trăm đệ tử Phật cúng dường trong ba tháng. Vương dọn sữa tươi cúng Phật và chúng Tỳ kheo tăng, nên cho gọi những người chăn trâu ngày ngày mang sữa tươi đến. Sau ba tháng, quốc vương thương cảm những người này, muốn cho họ đến hầu Phật. Họ đến hầu Phật, sung sướng được chiêm ngưỡng dung nhan của Phật. Nhưng không biết gì để thưa hỏi. Vì họ là những người chăn, nên chỉ biết việc chăn mà thôi. Họ đem việc đó hỏi Phật, chăn thế nào cho có hiệu quả thiết thực. Phật dạy :

Nếu biết giữ mười một điều thì người chăn có thể làm cho bầy trâu mạnh khoẻ và nhiều thêm.

Nhân đó, Phật cũng dạy các thầy Tỳ kheo phải biết mười một pháp, để cho thiện pháp được tăng trưởng.

Đây là mười một điều tâm niệm của người chăn, tương xứng với mười một điều tâm niệm của thầy Tỳ kheo :

1) Biết sắc. Biết các sắc của trâu: sắc đen, sắc trắng, sắc tạp.

Tỳ kheo cũng thế. Biết hết thảy sắc pháp đều là tứ đại và tứ đại sở tạo.

2)Biết tướng. Biết trâu có tướng tốt hay không có tướng tốt. Do so với các bầy trâu khác mà biết. Tỳ kheo cũng vậy. Thấy tướng thiện nghiệp thì biết là người trí, thấy tướng ác nghiệp thì biết là người ngu.

3)Biết mổ xẻ. Khi trâu bị các trùng độc hút máu, các vết thương lở ra. Biết mổ xẻ thì trừ được các điều có hại. Tỳ kheo cũng vậy. Thấy cái đó là ác, thì biết là loài trùng độc hút máu thiện căn làm vết thương của tâm lở thêm ra. Biết trừ đi thì được an ổn.

4)Biết che vết thương. Hoặc lấy vải, hoặc lấy lá cây, che các vết thương, không để cho ruồi muỗi châm chích. Tỳ kheo cũng vậy. Niệm pháp chánh quán để che vết thương lục tình, không để cho các trùng độc phiền não tham dục, sân nhuế, ngu si châm chích gây ra vết thương.

5)Biết nhóm khói. Nhóm khói là để trừ các loài ruồi muỗi. Trâu nhìn xa thì nhằm chỗ đó mà về nhà. Tỳ kheo cũng vậy. Đúng như điều được nghe mà thuyết để trừ các loài ruồi muỗi kết sử, lấy ngọn khói chánh pháp để dẫn chúng sinh về trong nhà vô ngã, thật tướng, tánh không.

6)Biết đường tốt. Biết con đường đi về của trâu tốt hay xấu. Tỳ kheo cũng vậy. Biết con đường bát thánh có thể đi đến Niết-bàn, lìa con đường xấu chấp đoạn chấp thường.

7)Biết chỗ trâu thích hợp. Biết nơi nào thích hợp cho trâu sinh sôi nảy nở, ít bịnh. Tỳ kheo cũng vậy. Khi giảng thuyết Phật pháp thì được pháp hỉ thanh tịnh, các thiện căn thêm lên.

8)Biết đưa qua sông. Biết chỗ dễ lội xuống, dễ đi qua, không có sóng dữ, không có trùng độc. Tỳ kheo cũng vậy. Thường đến chỗ của những Tỳ kheo đa văn mà hỏi pháp, tâm sáng hay tối, phiền não nặng hay nhẹ, khiến cho được vào bến tốt, an lành mà được độ thoát.

9)Biết an ổn. Biết chỗ ở có hay không có cọp beo, sư tử, ác trùng, độc thú. Tỳ kheo cũng vậy. Biết bốn niệm xứ là chỗ an ổn, không có ác ma, độc thú, phiền não. Tỳ kheo vào ở chỗ đó sẽ được an ổn, không lo ngại.

10)Biết giữ sữa. Trâu mẹ thương yêu trâu nghé nên lén cho sữa. Nếu biết giữ sữa còn lại cho trâu mẹ hoan hỉ, trâu con không bị khát sữa. Như vậy, chủ trâu và người chăn trâu ngày ngày có thêm điều ích lợi. Tỳ kheo cũng vậy. Bạch y cư sĩ cung cấp các thứ y phục, ẩm thực, nên biết tiết lượng, không để khánh kiệt; đàn việt sẽ hoan hỉ, tín tâm do đó không dứt. Mà người thọ nhận sẽ không bị thiếu hụt.

11)Biết nuôi trâu đầu đàn. Con trâu nào lớn nhất, có thể giữ được cả đàn trâu, nên phải giữ gìn không để tiều tụy. Uống thì cho dầu lạc, trang sức thì cho vòng hoa, tiêu biểu thì lấy sừng sắt cọ mài, vuốt ve khen ngợi… Tỳ kheo cũng thế. Trong chúng tăng có bậc đại nhân có uy đức, hộ trì chánh pháp, hàng phục ngoại đạo, có thể khiến cho tâm chúng được gieo các thiện căn, nên tùy sở nghi mà cung kính cúng dường…

Những người chăn trâu sau khi nghe Phật giảng các cách chăn trâu cặn kẽ như vậy, rất lấy làm thán phục. Họ kinh ngạc, không tưởng được một hoàng tử suốt đời chưa từng chăn trâu, mà lại biết rành rẽ về các cách chăn trâu như vậy. Họ nói với nhau rằng, trong nghề của mình, biết nhiều lắm ba hoặc bốn chuyện. Dù đến bậc thầy chăn trâu cũng chỉ biết năm hay sáu chuyện là cùng. Phật lại biết cả mười một cách, quả ngài là bậc Nhất thiết trí. Theo họ, Nhất thiết trí, một danh hiệu thường được dùng tôn xưng đức Phật, có nghĩa là cái gì cũng biết, cả đến việc chăn trâu cũng phải biết.

TRÂU CỦA BỔ TÁT:

Trước đây, trong quyển tranh chăn trâu, do An tiêm xuất bản, tôi có cho in các bài văn ngắn của các cao tăng Trung hoa thời xưa, và trích dịch 30 bài thơ, vừa xướng vừa họa, cũng của các cao tăng Trung hoa, về tranh chăn trâu. Nay nhân dịp này, tôi dịch ra đây mười bài thơ khác, trích trong quyển Tịnh độ chứng tâm tập, của Vạn Liên, đời Thanh, trước thuật.

Đại thừa lấy việc chăn trâu dụ cho việc luyện tâm. Cái tâm đó, nguyên lai thuần hậu, nhưng đã bị đánh lạc mất, để nó chạy rông, buông lung theo sở thích không biết gì đến những hiểm nguy rình rập, cho nên phải tìm lại, và chế ngự cho thuần tánh. Từ khi tìm trâu để chăn cho đến khi việc chăn thành tựu, trải qua mười giai đoạn,

1) TÌM TRÂU :

Giá điều tuấn lĩnh thảo ly ly
Hoa lạc lâm gian bát nhãn mi
Đáo thử dĩ tương trân thế cách
Na biên ưng bả tục tình di
Trùng trùng hàng thọ hàm thù thắng
Yết yết dư hà đĩnh tú ti
Mịch biến khê sơn vô tích thú
Hồn nhiên đại khởi nhất đoàn nghi.

Núi cao cây cỏ mịt mùng
Vén mày tìm lối hoa rừng mà qua
Chợ đời một cõi cách xa
Tình đời thôi hãy gác ra cõi ngoài
Chập chùng biết mấy hàng cây
Ráng chiều vời vợi vẻ ngày lên cao
Nầy non kìa suối tìm đâu
Lòng ôm một nỗi mấy bầu hoài nghi

2) THẤY DẤU :

Thanh phong xuy phá bích vân yên
Trực thượng cao phong tuyệt đảnh biên
Khê lộ điều điều lai nhãn để
Đề ngân ẩn ẩn đáo ngân tiền
Tương phùng tợ suyển tùng sao nguyệt
Tạc hiến như khuy tỉnh lý thiên
Truy hướng Qui sơn cừ diện mục
Giá hồi y cựu bất năng xuyên

Gió lành thổi dạt mây mờ
Trèo lên tuyệt đỉnh trơ vô tuyệt vời
Liếc chừng con suối chảy xuôi
Dấu chân thấp thoáng đây rồi phải chăng
Tuồng chi thông réo vờn trăng
Vẻ chi đáy giếng mà trong bóng trời
Non Qui chắc có mặt mầy
Rồi ra chẳng biết đường dây mối nào

3) THẤY TRÂU

Ngưu nhi nhất kiến tự vong ưu
Đầu giốc tranh vanh tượng ngoại du
Bất hưởng cốc trung hô bất trụ
Vô âm dương xứ hoán vô hưu
Chân hình lộ địa tiền sinh ngo
Thật trí huy thiên xuất thế lưu
Không bả tị thằng nan hạ thủ
Ngưng mâu trực thị cánh thâm u

Thấy trâu lọ phải ưu sầu
Sừng chông chênh chếch ra màu xa khơi
Kêu vang hốc núi dội lời
Mà đâu thanh khí cho hoài công lao
Duyên đời rồi sẽ gặp nhau
Trí lay trời rộng cõi nào sánh ngang
Làm sao xỏ mũi tay thừng
Tròn xoe con mắt trông chừng xa xa

4) ĐƯỢC TRÂU

Đốn triệt thiên nhiên thân ngoại thân
Dã hồ tinh mị cảm đồng luân
Ngang đầu cố thị hòa thân chuyển
Ồn bộ du hành thoát tục trần
Đạp khước hoá thành tam bách chủng
Canh lai pháp địa thập phấn xuân
Đoan đoan tị khổng thâm thâm quán
Bảo thọ âm trung hảo dưỡng thần

Rõ ràng vóc dạng rồi nha !
Chồn kia cáo nọ không là giống chi
Ngẩn đầu quay lại bước đi
Thong dong dạo bước mơ gì trần ai
Ba trăm quán trọ qua ngay
Về nơi đất pháp công cày nên xuân
Sít sao mũi buộc dây thừng
Cây sao bóng rủ kề lưng giấc hòe

5) CHĂN TRÂU

Địa khoát thiên cao nhiệm mục đồng
Khê nam khê bắc dữ khê đông
Nhân ca nhất khúc tri không hữu
Tinh khán thiên kinh dẫn dị đồng
Hàm trạch phong gia mao ốc cổ
Triệu châu chỉ thú mính hoa dung
Quát kim huấn luyện thù tiêu tức
Biến lịch u lâm khí tượng hùng

Mục đồng đất chở trời che

Này nam, này bắc, này khe mấy dòng
Nghêu ngao mấy khúc Có Không
Độc kinh mấy quyển Dị Đồng dửng dưng
Nhà tranh mái cũ quen chừng
Chén trà lão Triệu mà chưng hoa ngàn
Dạy trâu nào phải nhọc nhằn
Quyền uy đậy cả một vùng cỏ cây

6) CƯỠI TRÂU

Nhị thập dư niên trụ thử san
Xuất san hung thứ thủy an nhàn
Cao phao thoa liệp tùy phong vũ
Hảo điệu tiều ca dật hứng ban

Hoa vũ phi lai do phá xuyết
Vân lâm qui khứ thiểu đồng ban
Bát khai phách tử thành tiêu sái
Ồn tọa bồ đoàn triển tiếu nhan

Hai mươi năm lẻ non này
Mới yên tất dạ từ đây giã từ
Tung nón lá, gió đong đưa
Cao lời thấp giọng chi thua lão tiều
Mưa hoa cánh áo dập diều
Rừng mâu trên đó ngược chiều dưới ni
Dang tay phách nhịp đi đi
Ngồi chơi nệm cỏ mặt hi cười cười

7) QUÊN TRÂU

Đắc thủ công huân diệc thị vô
Vong tình tuyệt lự nhất thân cô
Du du độc toạ văn đề điểu
Tịch tịch không hoài quyển trú đồ
Tự tích dĩ phùng chân tục thú
Nhi kim bất cổ súc thì đồ
Hồn dung cư chỉ thùy vi chủ
Tất cánh tiêu dao một thử mô

Xong rồi công khó thành chơi
Quên tình quên nghĩa cho người lẻ loi
Ngồi nghe chim hót chơi vơi
Tranh chiều rủ xuống đất trời lạnh tăm
Ngày xưa Chân , Tục xăm xăm
Bây giờ một dứt mấy tầm cũng thôi
Nếp nhà bỏ đó mặc ai
Tiêu dao một chuyến cho đầy ước mong.

8) VẮNG HẾT

Tịch diệt trân hoài khởi chánh tràng
Đốn dung minh ám thú phi thường
An nhiên thoát sái thành du viễn
Trực hạ trừng ngưng tuyệt ẩn tàng
Ngọc lậu điêu tàn thiên địa hiểu
Kim thương ninh tĩnh quốc dân khang
Ưu du vẫn khế đoan hô xuất
Nhất vị tiêu dung giác tánh vong

Từ nay cõi Đạo nức lòng
Lẽ thường sáng tối ôm tròn, lạ thay !
Nhởn nhơ tách bước cõi ngoài
Màu trong tiếng lặng tuyệt vời chìm xa
Canh tàn trời đất sáng ra
Quăng thương liệng giáo quốc gia thái bình
Rong chơi theo tiếng tâm tình
Vẻ chi giác tánh mà mình đeo mang

9) VỀ NGUỔN

Thượng hạ giao huy thấu triệt thanh
Qui phàm phong chánh lải chu hành
Nguyên tuyên cổn cổn tri hà hứa
Trí hải thâm thâm thùy cảm bình
Đổng triệt thiên tâm thuyên biểu lý
Đoan tư chí thú ức tung hoành
Đoàn loan bản trí nan đồng thưởng
Chiếu khí xung hòa vạn hủy sanh

Một màu trên dưới trong xanh
Cánh buồm thuận gió con thuyền lênh đênh
Suối nguồn như thác đổ ghềnh
Sâu xa biển Trí ai bình cho xuôi
Tỏ bày cao vút lòng trời
Dọc ngang chi đó thú này trong tay
Tròn xoe gốc cội khôn hay
Hơi xông ngui ngút phủ đầy cỏ hoa.

10) VÀO CHỢ

Đại triển gia phong độc lộ ki
Thanh sơn khước chỉ dã vân phi
Giang hà thủy mãn triền thành khoát
Tỉnh lý xuân thâm nguyệt sắc vi
Tọa đối lục dương tiêu tức hảo
Hành khan bạch cổ tự tri qui
Sư nhi tận sổ phiên cân đẩu
Bất xuất lão tăng kim lũy ...(?)

Rõ ràng một bóng thói nhà
Núi xanh chỉ thấy la đà từng mây
Phố thị rộng, nước sông đầy
Màu trăng mờ nhạt xuân dày ruộng nương
Ngồi xem vẻ biếc cành dương
Con tâu trăng trắng thuộc đường vãng lai
Mấy lần sư tử ra oai
Làm sao hơn nổi áo thầy mà mong.

TRÂU CỦA THIỀN SƯ:

Thiền sư không biết tụng kinh, chỉ biết gánh nước, đốn củi, vo gạo nấu cơm. Chăn trâu có nhiều phép tắc, sư làm sao nổi? Việc của mình thiền sư không thông, nhưng lại thông việc của người khác. Bây giờ thử coi các thiền sư có trâu hay không, và có, thì chăn bằng cách nào ?

1) Có thầy tăng hỏi thiền sư Nam Tuyền: “Một trăm năm nữa, hoà thượng đi đâu về?”.

Sư đáp: “Đi làm một con trâu”.

Sư Phần Dương Thượng Chiêu làm bài tụng:

Loại trung nan biện yếu phân minh
Đới giốc phi mao tốt vị tinh
Hàm thủ thảo lai phương định động
Đầu đầu vật vật tự chân linh

Phải biết cùng loài thì khó biết
Mang lông đội sừng giống nhau hết
Ngậm cỏ đưa về rồi mới hay
Trông trước trông sau ra giả thiệt.

Ý muôn nói, hoà thượng Nam-Tuyền cũng một loại với trâu. Trâu thiệt hay trâu giả, mang cỏ đến nhử nơi mỏm sẽ rõ.

2) Thiền sư Dược Sơn, trong buổi vãn tham không đốt đèn. Sư nói: “Ta có một câu, đợi cho trâu nghé sinh con rồi sẽ nói cho quý vị biết. Bấy giờ có một thầy tăng bước ra, lên tiếng: “Nghé sinh con rồi. Chỉ có hoà thượng không chịu nói đó thôi”. Sư kêu thị giả mang đèn đến. Thầy tăng đó rút lui vào trong chúng.

Thiền sư Phật Nhãn Thanh Viễn làm bài tụng :

Độc ngưu sinh tử phả tương am
Lưỡng nhãn thông hồng sắc tợ lam
Bả hỏa chiếu lai vô mịch xứ
Đại gia phổ thỉnh nhất thời tham.

Trâu nghé đẻ con biết nhau quá
Hai mắt đỏ kè mặt như chàm
Mang lửa rọi vào chuồn mất nhá !
Cả bọn xin giảng một thời tham (cứu).

3) Thiền sư Triệu Châu Tòng Thẩm hỏi thiền sư Nam Tuyền : Có biết người nào đi đâu không? Nam Tuyền đáp : “Đi đến nhà thí chủ ở trước núi làm một con trâu. Tòng Thẩm nói : “Cảm ơn sư chỉ cho biết”. Nam Tuyền bảo : “Đêm rồi canh ba trăng rọi cửa” (rọi cửa sổ : ăn trộm chắc!)

4) Thiền Sư Qui Sơn Linh Hựu dạy chúng tăng : “Lão tăng, một trăm năm sau, xuống nhà thí chủ dưới núi làm một con trâu. Hông bên trái viết năm chữ (mà tiếng Việt lại thành bảy chữ) : Ông Thầy Chùa Qui Sơn tên Đó. Bấy giờ, nếu gọi nó là ông thầy chùa Qui Sơn, thì lại là con trâu. Mà gọi con trâu, té ra là ông thầy chùa Qui Sơn tên Đó. Phải gọi là thứ gì mới được? Ngưỡng Sơn bước ra lạy rồi bỏ đi”

Thiền Sư Đạo Ngô-Ngộ chân tụng :

Thủy hồ Qui Sơn trực triệt ki
Phân minh nhân loại hiển u kỳ
Lưỡng biên xuất ngữ phân thân xứ
Dạ điểu đầu lâm hiểu phục phi.

Con trâu, Qui Sơn, thiệt mù tịt
Rõ ràng là người mới là kỳ
Bên này bên kia có chữ hết
Chim đêm về rừng sớm bay đi.

5) Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận, một hôm, cùng đi dạo với quan Tướng quốc họ Bùi, thấy bác thợ cày cày ruộng, bùn lún sâu, trâu đi không được. Bác đánh nó, Quan họ Bùi động lòng trắc ẩn, Sư bảo : “Đét cho đau nữa đi!” Họ Bùi nói : “Ông bạn quí, sao lại nói được như thế?” Sư bảo : “Cái thứ hai chân, cày làm sao được.”

Thiền sư Thuỷ Am tụng :

Vận sư Bùi tưởng lão bà tâm
Bất cố nê thâm dữ thuỷ thâm
Thống bỗng độc chuỳ hành dị loại
Túng giao bì hạ huyết lâm lâm.

Sư Vận, tướng Bùi, tâm bà nội
Chẳng kể bùn sâu hay nước sâu
Gậy đau, chảy độc hành khác loại
Cái nào cũng máu nhuộm da trâu.

6) Đầu tử Đồng thiền sư, có thầy tăng hỏi: “Con trâu trắng sờ sờ ra đó, như thế nào?” Sư bảo: “Rào rạo.” Thầy tăng lại hỏi: “Nó uống hút cái gì?” Sư bảo: “Ken két.”

Thiền sư Huệ Giác tụng:

Lộ địa bạch ngưu khởi vấn đoan
Tuỳ cơ chả chả xì nha hàn
Bất tri ẩm hám thị hà vật
Nghiết nghiết trực giao thương hải càn.

Trâu trắng sờ sờ bày chuyện kháo
Cứ tuỳ răng lạnh kêu rào rạo
Chẳng biết uống hút cái thứ gì
Ken két làm cho biển khô ráo.

-- o0o --

Source: www.phatviet.com

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/01/2019(Xem: 6579)
Chúng tôi quay trở lại Trung tâm Từ thiện và Hướng nghiệp Phật Tích lần thứ 3 trong năm 2018 với mục đích giao lưu và truyền động lực cũng như khát vọng vươn lên trong cuộc sống cho các em nhỏ sống tại trung tâm. Mỗi một lần đến Trung tâm Phật Tích chúng tôi đều luôn vô cùng bất ngờ và hạnh phúc bởi những gương mặt trẻ thơ, ngoãn ngoãn và đầy hoạt bát của các em
23/01/2019(Xem: 5647)
Đến dự lễ cúng Tất niên tại Chùa Tịnh Quang ở Suối Hiệp, được đọc và nghiền ngẫm lại "Mười Điều Tâm Niệm" ngay tại chỗ, tự dưng thấy hỗ thẹn vô cùng, thấy mình quá yếu đuối, hèn nhát, trước pháp Phật vi diệu mà mình đã từng được nghe, được đọc, được học. Lòng nặng trĩu, bèn lên chánh điện lạy sám hối...
23/01/2019(Xem: 7796)
Trong kho tàng văn chương truyền khẩu hay huyền thoại Việt Nam đã có nhiều chuyện duyên-nợ. Chẳng hạn chuyện tích Mưa Ngâu mà dân gian đã có thơ truyền tụng: Tục truyền Tháng Bảy mưa ngâu. Con Trời lấy đứa chăn trâu cũng phiền. Một rằng duyên hai là rằng nợ. Sợi xích thằng ai gỡ cho ra.
17/01/2019(Xem: 7681)
Có nhiều người cho rằng cầu an cầu siêu là mê tín dị đoan rồi chê bai ... đối với những người đi cầu an cầu siêu. Lại có không ít người chưa hiểu biết về chuyện cầu an cầu siêu rồi lại rất cuồng tín, thậm chí làm ra những việc còn mang nhiều tội lỗi hơn như việc giết hại sinh vật cúng tế, đốt nhiều vàng bạc .... rồi muốn cầu Phật Thánh Thần ... gia hộ, thế nhưng tất cả những người trên ấy đều vô minh không thể mang lại phước đức mà còn tốn tiền, tốn thời gian và mất tiền của đã không có phước mà phải mang thêm tội lỗi chồng chất.
17/01/2019(Xem: 6204)
Có những kỷ niệm ta tưởng đã được cất giấu tận đáy sâu tâm hồn và sẽ phải mờ theo thời gian, theo sự đổi thay, sự trưởng thành của ta , nhưng không .....nó không hoàn toàn mất đi ...mà thật ra vẫn tồn tại trong cơ thể ta qua những hình thức vật lý hay khuôn mẫu mà ta ứng xữ và đó cũng chính là nguyên tắc mà tôi đã học về nghiệp ....hay nói đúng hơn là những trải nghiệm trong cuộc đời ....
15/01/2019(Xem: 14979)
“Một nữ cư sĩ đến gặp vị thầy trụ trì và nói: "Bạch Thầy, Con không đi chùa nữa!" Vị Thầy hỏi: – Vậy à, Đạo hữu có thể cho thầy biết lý do không?
14/01/2019(Xem: 7800)
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - (phần 13) vài nhận xét về cách dùng tên bộ phận cơ thể ở phía dưới như lòng, bụng, dạ, ruột[1] cho đến vật âm mình! Nguyễn Cung Thông[2] Phần này bàn về một số cách dùng trong tiếng Việt như lòng, bụng, dạ, ruột thời các LM Alexandre de Rhodes và Jeronimo Maiorica sang An Nam truyền đạo. Đây là những ‘cầu nối’ để có thể giải thích một số cách dùng hiện đại. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đôn Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false .
14/01/2019(Xem: 6803)
Bài này là phần 4 trong loạt bài viết về hiện tượng đồng hóa âm thanh trong ngôn ngữ với tâm điểm là tiếng Việt. Phần 1 bàn về khuynh hướng đồng hoá âm thanh (phụ âm) qua các cách dùng ròng rọc < rọc rọc, phưng phức < phức phức, nơm nớp < nớp nớp, phấp phất/phất phới/phân phất < phất phất và khám bệnh < khán bệnh. Phần 2 bàn về khuynh hướng đồng hoá âm thanh (thanh điệu) qua các cách dùng Huyền Trang < Huyền Tảng/Tráng, Tịnh Độ < Tịnh Thổ. Phần 3 chú trọng vào cách dùng tẩm liệm so với tấn/ tẫn/tẩn liệm qua khuynh hướng đồng hoá âm thanh (phụ âm) như khán bệnh > khám bệnh. Bài này (phần 4) bàn về các dạng phong thanh (phong thinh), phong phanh và phong văn.
11/01/2019(Xem: 6232)
Trước khi bàn về ma, chúng ta thử định nghĩa xem “ma” là gì. Thông thường, ma là người đã chết hay người chết. Đang sống thì là người. Nhưng vừa chết một cái đã thành ma, thây ma. Chính vì thế đám ma là nghi thức hoặc tục lệ để khóc than, để tang, thăm viếng, tiễn đưa hoặc chôn cất, hỏa thiêu người chết.
11/01/2019(Xem: 6654)
Sống chung với nghịch cảnh, đương đầu với chướng duyên, gẫm ra đó cũng chính là một pháp môn tu trong tám vạn bốn ngàn pháp môn của Đức Phật truyền dạy. Người đã tu học theo Pháp Phật thì chẳng còn lạ gì chuyện “sống chung” và “đương đầu” này! Nhờ chướng duyên mà ta mới thấm thía được lý nhân quả. Nhờ nghịch cảnh mà ta mới nhận thấy rõ vô thường.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]