Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phât giáo truyền bá từ Đông qua Tây Phương

01/04/201318:15(Xem: 8882)
Phât giáo truyền bá từ Đông qua Tây Phương

PHẬT GIÁO TRUYỀN BÁ
TỪ ĐÔNG QUA TÂY PHƯƠNG

Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma

Chuyển ngữ: H.T. Thích Trí Chơn

Trích từ sách “Kindness, Clarity and Insight”

Kính thưa quý vị,

Chúng tôi rất hân hạnh được gặp gỡ để hầu chuyện với quý vị hôm nay tại nơi đây, vì mỗi người chúng ta đang đi tìm hiểu về giá trị và ý nghĩa đích thực của sự sống. Vài hôm trước nhiều lần tôi đã nói rằng cùng với những tiến bộ vật chất, sự phát triển đời sống tinh thần và nội tâm của con người cũng rất cần thiết và hữu ích. Ngay các bạn cũng nhận thấy rằng một người có ý chí vững mạnh, khi gặp khó khăn họ dể dàng khắc phục vượt qua. Trong trường hợp của đất nước Tây Tạng và kinh nghiệm chính bản thân, tôi biết rằng điều ấy là đúng sự thật.

Người nào trong vai trò lãnh đạo với những trách nhiệm nặng nề như tôi hiện nay mà gặp phải nhiều vấn đề khó khăn rắc rối như vậy, chắc chẳn tinh thần của họ khó tránh khỏi bị khủng hoảng và lo âu. Nhưng quý vị hãy nhìn kỹ nét mặt của tôi lúc nào cũng bình thản, an lành và tự tại. Hẳn nhiên chúng tôi nhận thức biết rõ vấn đề của quê hương chúng tôi là trầm trọng và nghiệt ngã nhưng chúng tôi đành phải chấp nhận vận mệnh không may đó để cố gắng khắc phục vượt qua. Nhờ tinh thần cương quyết dũng mãnh, rõ ràng đã ảnh hưởng và giúp tâm chúng tôi có đủ nghị lực để đối phó với các vấn đề khó khăn.

Theo Phật giáo vì mọi người đều có khả năng thành Phật giống nhau cho nên khi thực hành lời Phật dạy, thì chúng ta sẽ gặt hái được nhiều lợi ích thiết thực. Không cần chờ hưởng phước báu ở kiếp sau, mà nếu chúng ta có lòng thương cứu giúp mọi người thì ngay trong đời này, chúng ta sẽ cảm thấy được nhiều hạnh phúc và an lạc.

Mặc dù tâm đại bi của chư Bồ Tát căn bản thường được giải thích trong các kinh điển đại thừa, nhưng ngoài ra, chúng ta thấy toàn bộ tư tưởng Phật giáo lúc nào cũng xây dựng trên nền tảng của lòng từ bi này. Tất cả những lời Phật dạy có thể diễn đạt theo hai câu: theo tinh thần của giáo lý Đại Thừa thì “Các bạn nên cứu giúp mọi người” và Nguyên Thỉ hay Tiểu thừa là “Nếu không có thể thì quý vị đừng gây tổn hạicho bất cứ ai”. Nó đề cao tinh thần đạo đức là khuyên chúng ta nên chấm dứt các hành động làm đau khổ mọi kẻ khác. Cả hai lời dạy vừa kể được xây dựng trên tư tưởng của tình thương và lòng từ bi.

Nếu thực hành, trước hết chúng ta nên kiểm soát ngăn ngừa chính mình không gây các hành động ác làm hại chúng sanh được càng nhiều càng tốt. Sau đó, khi chúng ta đã phát triển được một vài tánh tốt, chúng ta bắt đầu nhắm đến mục đích giúp đỡ kẻ khác. Ban đầu, đôi lúc chúng ta cần sự yên tĩnh sống cách biệt mọi người để tu tập, nhưng sau khi đã đạt kết quả làm chủ được nội tâm, chúng ta nên tiếp xúc, dấn thân phục vụ cho xã hội con người trong mọi lãnh vực như y tế, giáo dục và chính trị v..v…

Có một số người tự nhận là Phật tử thường hay phô trương sự tu hành của mình qua hình thức mặc một chiếc áo đặc biệt khác lạ hay áp dụng một phương thức tu hành lập dị và đôi khi thích sống ẩn dật xa rời quần chúng. Hành động như vậy là sai lầm. Trong kinh đức Phật dạy “Muốn có an lạc, con người cần sửa ở nội tâm chứkhông phải thay đổi hình thức bên ngoài”. Điều đó rất quan trọng. Vì mục đích chính của sự thực hành theo Phật giáo đại thừa là phục vụ cho mọi chúng sanh; do đó, chúng ta không thể tự mình sống tách rời xã hội. Trái lại để cứu giúp mọi người chúng ta phải sống trong cuộc đời. Đây là điều thiết yếu thứ nhất.

Thứ hai, đặc biệt theo Phật giáo là khi thực hành chúng ta cần sử dụng cả khối óc lẫn con tim. Về mặt đạo đức, chúng ta nên có lòng từ bi, cùng lúc chúng ta cũng phải có trí tuệ. Cho nên sự kết hợp giữa từ bi và trí tuệ rất cần thiết. Thiếu trí tuệ các bạn khó có thể thành tựu trong việc thấu hiểu sâu xa Phật pháp. Đây là điều căn bản. Ngoài ra chúng ta cũng cần có sự phối hợp giữa văn (nghe biết) tư (suy nghĩ) và tu (thực hành). Đaị sư Tây Tạng Drom-Don (1004-1064) đã nói “Khi tôi lắng nghe, tôi cũng cố gắng suy nghĩ và thiền định. Khi tôi suy nghĩ, tôi càng lắng nghe và thiền định hơn. Khi tôi thiền quán tôi vẫn tiếp tục lắng nghe và suy tưởng”. Ngài bảo như vậy là “Tôi đã giữ được sự quân bình giữa sự nghe biết (văn), suy nghĩ (tư) và thực hành (tu)”.

Khi lắng nghe, điều quan trọng là tâm của quý vị phải chú ý suy nghĩ đến những điều mà chúng ta đã nghe. Việc học hỏi những lời dạy trong tôn giáo không giống như sự tìm hiểu về các biến cố của lịch sử. Mà hành giả cần phải sử dụng đến trí óc, chú tâm nghiên cứu các điều răn dạy của đạo giáo. Kinh Phật dạy rằng sự tu tập của chúng ta giống như tấm gương. Các hành động, nơi thân miệng và ý của quý vị chẳng khác cái mặt được soi hiện ra trên tấm gương đó, nhờ vậy mà chúng ta tìm thấy các điều sai quấy lỗi lầm của mình để sửa đổi.

Lúc đang học hỏi sự thực hành, chúng ta cần áp dụng nó trong đời sống tu tập của chính mình. Tôi xin kể quý vị nghe câu chuyện sau đây: Ngày xưa khi đạo sư Tây Tạng Ga-Dam-Ba đang nghiên cứu về giới luật. Ngài đọc thấy đức Phật dạy chư Tăng không nên dùng tọa cụ làm bằng da thú vật. Từ đó, ngài đem cất tấm da gấu không ngồi trên đó nữa. Ngày nọ, ngài lại đọc thấy trong luật đức Phật cho phép vào mùa đông lạnh lẽo, hoặc khi đau ốm bệnh tật, các tỳ kheo có thể dùng tọa cụ bằng da được; tức khắc ngài liền lấy nó ra lại để ngồi. Như vậy tôn sư Ga-Dam-Ba thực tế là biết áp dụng các giới luật ngài đã học. Cho nên, muốn thu được nhiều kết quả tốt trong việc tu tập, chúng ta nên cố gắng ứng dụng các điều mình đã học vào thực hành.

Điều thứ ba, tôi mong rằng quý vị đừng kỳ vọng quá nhiều. Chúng ta đang sống trong thời đại của máy vi tính và điện toán cho nên các bạn có thể lầm tưởng nghĩ rằng sự tu tập cải đổi nội tâm cũng giống như bộ máy tự động, chỉ cần bấm nút một cái là mọi vật đều thay đổi. Nó đâu phải như vậy. Trái lại muốn điều phục được tâm con người chẳng phải là việc dể dàng mà cần có thời gian.

Về khoa học kỷ thuật, nhất là chinh phục ngoại giới, không phải chỉ trong một thời gian ngắn con người có thể đạt được kết quả vĩ đại là phóng phi thuyền lên các hành tinh xa xôi như hiện nay, mà phải mất hàng trăm năm nghiên cứu qua nhiều thế hệ, thế hệ hiện đại tiến bộ hơn nhờ vào thế hệ trước. Tuy nhiên sự thăng hoa tinh thần, phát triển đời sống tâm linh đạo đức thì rất khó khăn, bởi lẽ việc tu tập cá nhân không thể chuyển tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác được. Cuộc sống và hành động của bạn trong đời trước sẽ ảnh hưởng nhiều đến kiếp này và nghiệp gây ra trong hiện tại của mình là nhân tạo ra quả cho đời sau. Cho nên việc làm ác hay thiện của người này không thể truyền lại cho kẻ khác. Tất cả mọi việc tu tập hành động thiện ác, hạnh phúc hay đau khổ đều tùy thuộc nơi bạn và cần có thời gian.

Tôi gặp nhiều Phật tử Tây Phương lúc đầu rất hăng hái tinh tấn tu tập nhưng sau vài năm họ sanh tâm biếng nhác giải đải và đôi khi hoàn toàn không muốn thực hành gì nữa hết. Lý do là vì ngay từ đầu họ nôn nóng muốn thấy có kết quả tu học liền. Nhưng theo lời dạy trong cuốn “Bồ Tát Đạo Hành” của ngài Tịch Thiên (Shantideva) thì hành giả cần phải tập hạnh nhẫn nhục hoặc có lòng khoan dung. Bạn không chỉ rộng lượng đối với kẻ thù mà còn phải hy sinh chịu đựng với quyết tâm để tránh khỏi rơi vào tình trạng biếng nhác và chán nản. Bạn cần phải kiên trì tập hạnh nhẫn nhục. Điều này rất quan trọng.

Hãy lấy trường hợp của tôi để làm ví dụ. Tôi sinh ra trong một gia đình tin Phật tại một xứ sở mà toàn dân chúng hầu hết đều theo Phật giáo, mặc dù cũng có nhiều người theo Thiên chúa, Hồi giáo và đạo Bon, là tín ngưỡng cổ truyền của Tây Tạng. Tôi được học hỏi Phật pháp bằng tiếng mẹ đẻ và có duyên vào chùa tu rất sớm, ngay từ lúc còn nhỏ. Như vậy xét về phương diện thực hành giáo lý, thì tôi găp nhiều thuận lợi dể dàng hơn các bạn. Vào lúc tuổi tôi độ chừng mười lăm hay mười sáu, tôi bắt đầu nổ lực siêng năng tu tập cho mãi đến hôm nay bốn mươi bốn tuổi. Nhìn lui lại những năm trước đây so sánh với hiện tại, tôi nhận thấy tôi đã tiến bộ khá nhiều trên con đường tu tập. Cho nên sự kiên trì nhẫn nại, luôn luôn tinh tấn hành trì giới luật không phút nào thối tâm giải đải là điều hết sức quan trọng.

Các bạn nên biết sự phát triển tu tập ở nội tâm cần có thời gian và diển tiến từ từ. Quý vị có thể tự nghĩ “Hôm nay tâm mình có được một chút thanh tịnh, và an vuitrong lòng”. Nếu so sánh với thời gian năm, mười hay mười lăm năm về trước các bạn nhận thấy rằng mình đã có đôi phần tiến bộ trong sự tu tập. Cho nên bạn hãy thử so sánh tâm niệm của mình không phải chỉ với ngày hôm nay và hôm qua, hoặc tuần trước hay tháng rồi; cũng không phải năm ngoái, nhưng mà năm năm trước đây rồi bạn mới thấy rõ là nội tâm mình có phần nào phát triển trong sự tu luyện. Do đó, muốn đạt kết quả tốt, tiến bộ trong việc tu hành thì chúng ta cần tinh tấn, thường xuyên cố gắng mỗi ngày trong sự hành trì tu tập.

Đôi lúc người ta hỏi tôi Phật Giáo, một nền giáo lý cổ thời truyền vào từ phương Đông chẳng rõ nó có thích hợp với dân chúng Tây Phương không? Tôi đã trả lời rằng mục đích căn bản của các tôn giáo là nhằm giải quyết những vấn đề khổ đau của nhân loại. Là con người, bất luận ở Đông hay Tây Phương, da trắng, đen vàng hoặc đỏ, thì tất cả đều có những sự khổ sanh, già, bệnh, chết giống nhau. Chừng nào còn những nổi khổ đau căn bản này, và con người còn cần đến tôn giáo để cứu khổ thì chúng ta khỏi phải nêu câu hỏi là Phật giáo du nhập Tây Phương có thích hợp hay không?

Một vấn đề khác liên quan đến đời sống tinh thần. Có người thích món ăn này, kẻ nọ lại chuộng thức ăn khác. Tương tự như vậy, vài cá nhân nghĩ nên theo tôn giáo này tốt và lợi ích hơn, có kẻ lại chọn theo đạo khác cao siêu, thực tế và tiến bộ hơn. Do đó mà trong xã hội chúng ta ngày nay con người cần đến nhiều tôn giáo khác nhau và hẳn nhiên trong số đông người Tây Phương cũng sẽ có người hâm mộ Phật giáo vì sự lợi ích thiết thực của nó.

Khi chúng tôi nói đến điều tinh túy và cốt lõi của tôn giáo thì khỏi cần nêu câu hỏi thích hợp hay không, một khi giáo lý căn bản của đạo giáo không thể thay đổi được. Một nhà sư Miến Điện theo Phật giáo Nam Tông tôi gặp gần đây tại Châu Âu và qua nếp sống tu hành thích nghi của ông ở đây, tôi nhận thấy chúng ta cần phân biệt giữa di sản văn hóa của quốc gia địa phương với những điều căn bản của Phật giáo.

Tôi muốn nói đến sự khác biệt giữa những lời dạy của đức Phật với các hình thức, lễ nghi bên ngoài của Phật giáo. Tại Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản hay bất kỳ ở đâu, giáo lý tinh túy của đạo Phật vẫn giống nhau, không có gì thay đổi; nhưng di sản văn hóa của mỗi quốc gia có thể khác biệt. Do đó, tại Ấn Độ, Phật giáo hòa nhập với nền văn hóa Ấn Độ, ở Tây Tạng thì văn hóa Tây Tạng và Nhật Bản, văn hóa Nhật Bản v..v..Theo quan điểm này, khi Phật giáo được truyền vào Châu Âu, nó cũng sẽ hòa nhập với nền văn hóa của các nước Tây Phương.

Những giáo lý căn bản của Phật giáo sẽ không biến thể tại bất cứ quốc gia nào mà nó du nhập vào, tuy nhiên, các lễ lược và nghi thức không nhất thiết phải duy trì cứng ngắt mà chúng có thể tùy tiện thay đổi để cho thích hợp với hoàn cảnh mới. Và trong môi trường đó, chúng sẽ phải cải cách như thế nào, chúng tôi, khó có thể biết. Vấn đề này chắc cần phải có thời gian. Lần đầu tiên khi Phật Giáo từ Ấn Độ truyền vào Tây Tạng không ai có thể bảo rằng “Phật giáo được du nhập vào vùng đất mới này, từ nay chúngta nên thực hành tu tập như thế này hay thế kia”. Không ai quyết định gì được. Nó phát triển dần dần, và qua thời gian một truyền thống Phật giáo mới được thành hình.

Trường hợp ở Tây Phương cũng vậy, tương lai một nền Phật giáo hòa hợp với nếp sống văn hóa các nước Âu Châu sẽ ra đời. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thế hệ hôm nay của các bạn, những người đang bắt đầu gieo trồng các ý tưởng Phật giáo vào những quốc gia này có trách nhiệm duy trì phần giáo lý căn bản và tìm cách thích nghi nó với sinh hoạt của xã hội mới.

Nhằm thực hiện điều này, chúng ta cần phải sáng suốt để tìm hiểu. Quý vị không nên có tư tưởng cực đoan bảo thủ hay quá dể dàng cởi mở đều không tốt mà chúng ta nên theo con đường Trung Đạo. Trong bất cứ môi trường nào, điều quan trọng là chúng ta cần giữ thái độ trung dung. Ngay cả việc tiêu thụ thức ăn hàng ngày, chúng ta cũng tránh tình trạng thái quá mà phải có chừng mực. Thực vậy, ăn nhiều quá sẽ hại bao tử, còn ít quá sẽ thiếu dinh dưỡng. Cho nên, trong cuộc sống thường nhật chúng ta cố gắng áp dụng con đường ở giữa nghĩa là không ăn uống quá sung sướng hay quá cực khổ.

Cùng thế ấy, chúng ta nên có nhận thức đầy đủ về môi trường và di sản văn hóa nơi chúng ta đang sống để biết điều gì còn giá trị hữu ích và điều gì không thích hợp đối với cuộc sống của chúng ta hôm nay.

Ví dụ, trường hợp văn hóa của Tây Tạng, một vài phong tục tập quán thời xưa không còn thích hợp cho ngày mai. Trong hoàn cảnh mới, các tổ chức và sinh hoạt của xã hội hiện nay đã thay đổi; do đó một vài nếp sống văn hóa có thể trở nên không còn cần thiết để duy trì. Tương tự như vậy, tại Hoa Kỳ và Gia Nã Đại, nếu một vài khía cạnh của nền văn hóa cổ thời không còn phù hợp với đời sống văn minh hiện đại thì chúng cần phải cải đổi và chỉ nên duy trì các phong tục tập quán nào tốt đẹp và hữu ích, Các bạn nên cố gắng kết hợp nền văn hóa đó với Phật giáo.

Nếu quý vị thực tâm muốn tu tập theo giáo lý đức Phật thì điều quan trọng nhất là sự thực hành. Học hỏi Phật pháp và dùng nó như công cụ để chỉ trích các học thuyết hay tôn giáo khác là sai lầm. Mục đích duy nhất của tôn giáo là điều phục chính mình chứ không phê bình chê bai kẻ khác. Tốt hơn nên tự chỉ trích chúng ta. Ta tự hỏi đã diệt trừ được bớt tánh sân hận nơi mình chưa?

Ta đã dứt bỏ được bao nhiêu phần trăm lòng tham và các tánh xấu như đố kỵ ganh ghét, kiêu căng, ngã mạn nơi tâm mình? Những ác tánh này chúng ta cần phải kiểm soát mỗi ngày với sự hiểu biết Phật pháp của chúng ta. Quý vị đã nghe rõ chưa?

Là Phật tử, khi thực hành giáo lý đức Phật, chúng ta nên kính trọng các tôn giáo khác như Thiên Chúa, Tin Lành, Do Thái và Hồi Giáo v..v.. Chúng ta cũng hoan hỷ công nhận và tán dương sự đóng góp của những đạo giáo đó qua nhiều thế kỷ cho xã hội con người và hiện tại. Chúng ta cần nổ lực trong cố gắng chung để phục vụ cho nhân loại. Sự tôn kính với tấm lòng cởi mở và khoan dung đối với các tín ngưỡng khác là điều thiết yếu mà những người Phật tử mới như chúng ta cần nên ghi nhớ.

Phật giáo có nhiều tông phái và pháp môn tu hành khác nhau. Người Phật tử chân chính không nên có ý nghĩ đề cao giáo phái này và kích bác giáo phái nọ, hoặc khen pháp môn tu này hay hơn pháp môn tu kia v..v.. Chủ trương bè nhóm và chỉ trích giáo lý, hay chê bai các tông phái khác là điều không tốt, gây tai hại mà chúng ta nên tránh.

Điều quan trọng nhất là sự tu tập trong cuộc sống hằng ngày rồi từ từ các bạn sẽ nhận chân giá trị của Phật giáo. Học hỏi giáo lý không chỉ nhằm đến việc mở rộng kiến thức mà cốt yếu là điều phục, phát triển sự tu tập ở nội tâm. Quý vị cố gắng thực hiện điều ấy vì nó là một phần trong đời sống của chúng ta. Nếu các bạn chỉ biết giữ chặt giáo pháp của đức Phật trong một tòa nhà và khi quý vị rời ngôi nhà không còn tu tập nữa thì các bạn cũng không gặt hái được kết quả gì.

Tôi mong rằng quý đạo hữu cố gắng thực hành những lời Phật dạy với tất cả sự thành tâm, hầu đóng góp nhiều lợi ích tốt đẹp cho xã hội Tây Phương. Đó là lời cầu nguyện và sự mong ước của tôi.

VẤN ĐÁP

Hỏi:

Kính thưa ngài! Làm sao con người có thể khắc phục được tâm bất an và sợ hãi?

Đạt Lai Lạt Ma:

Cách hay nhất là trước khi làm việc gì, chúng ta nên nghĩ đến hậu quả của nó. Thông thường khi gặp một việc xấu, chúng ta cho đó là điều rủi và lúc việc tốt xảy đến, chúng ta nói rằng đó là điều may. Thực ra nếu bảo rằng do điều rủi với may thì hoàn toàn không đúng mà hành động của chúng ta còn chi phối bởi luật nhân quả. Tùy theo nhân thiện hay ác gây ra mà chúng ta sẽ gặp điều tốt hay xấu, may hoặc rủi, thành công hay thất bại. Ngoài ra theo Phật giáo còn do hành động hay nghiệp báo của chúng ta gây ra trong quá khứ. Phương cách khác để diệt trừ tâm lo sợ là chúng ta tự hỏi người đang sợ hãi là ai, có thực không? Ta đang ở đâu? Ta là ai? Bản chất của ta là gì? Ngoài cái thân xác vật lý hay thay đổi này có cái Ta thực sự không? Suy nghĩ như vậy sẽ giúp tâm bạn bình an không còn lo sợ nữa. Đôi khi do tụng niệm thần chú, cầu nguyện Phật gia hộ, nổi lo sợ nơi quý vị cũng sẽ tan biến đi.

Hỏi:Tại Hoa Kỳ thanh niên nam nữ tự do trong việc lập gia đình, và khi mà giá trị đạo đức thời xưa không còn được tôn trọng nữa, vậy làm cách nào để sự liên hệ, gần gũi giữa hai phái nam và nữ có thể giữ đúng theo tinh thần của Phật giáo?

Đạt Lai Lạt Ma:

Có nhiều trường hợp áp dụng khác nhau. Các Tăng Ni theo luật Phật chế thì không được lập gia đình. Người nào không thể sống độc thân có thể làm cư sĩ tại gia.

Hỏi: Xin Ngài cho biết về vấn đề tình yêu và hôn nhân.

Đạt Lai Lạt Ma:

Tôi không biết nhiều để nói. Theo tôi trai gái yêu nhau là việc bình thường, tuy nhiên nếu tiến đến hôn nhân, thành lập gia đình thì nên cẩn thận, đừng hấp tấp phải suy nghĩ kỹ là các bạn chắc chắn sẽ ăn ở trọn đời với nhau không. Điều đó rất quan trọng, vì nếu quý vị không tìm hiểu thông cảm trước và vội vàng lấy nhau thì sau một tháng hay một năm bắt đầu cải cọ gây gỗ sẽ dẫn đến sự đổ vỡ và ly dị. Theo luật pháp, vợ chồng có thể ly dị, nhưng tôi nghĩ nếu chưa có con cái thì không sao, chứ đã có con thì không mấy tốt đẹp. Cho nên đôi nam nữ khi kết hôn chỉ nghĩ đến việc yêu thương và dục tình không thôi thì chưa đủ, mà các bạn còn có trách nhiệm luân lý đối với con cái. Nếu cha mẹ ly dị, những đứa con sẽ đau khổ, không phải tạm thời mà suốt cả cuộc đời của chúng. Đứa con sẽ noi gương cha mẹ. Nếu cha mẹ sống hằng ngày luôn luôn bất hòa hay tranh chấp, cải cọ thì vô tình sẽ gây ảnh hưởng xấu đến những đứa con trai cũng như gái sau này. Đây là một thảm họa. Do đó tôi khuyên các bạn, muốn có một cuộc hôn nhân chân chính, không nên xúc tiến nhanh chóng mà phải thận trọng. Sau một thời gian hiểu biết, thông cảm rồi mới cưới lấy nhau thực sự. Như vậy các bạn sẽ có hạnh phúc trong hôn nhân. Gia đình các bạn hạnh phúc sẽ mang lại sự hạnh phúc cho toàn nhân loại thế giới.

Hỏi: Tôi là một người qúa đam mê trần tục làm sao tôi có thể tu Thiền được.

Đạt Lai Lạt Ma:

Bạn không nên chán nãn. Tất cả mọi người đều có khả năng như nhau. Bạn nghĩ: “Tôi không có khả năng” là hoàn toàn sai lầm. Bạn tự lừa dối mình. Tất cả chúng ta ai cũng có nghị lực, ý chí, tại sao bạn lại không? Nếu bạn có quyết tâm, bạn có thể làm bất cứ việc gì. Khi cảm thấy chán nản bạn nên suy nghĩ thế này: “Tại sao Đức Đạt Lai Lạt Ma ngài có thể làm bất cứ việc gì, rồi thì bạn nỗ lực cố gắng, bạn cũng sẽ thành công vậy. Cho nên theo Phật giáo, bạn là vị thầy, và chủ nhân của chính mình. Bạn có thể thực hiện những điều bạn muốn.

Hỏi: Trong việc tu tập, vị thầy đóng vai trò như thế nào? Nên cần có người hướng dẫn không?

Đạt Lai Lạt Ma:

Vâng, tùy theo môn học. Giáo lý phổ thông, quý vị có thể tìm đọc qua các sách Phật pháp cơ bản dể hiểu mà không cần đến thầy. Trường hợp muốn nghiên cứu thâm nhập kinh tạng Phật giáo nên có thầy giải thích hướng dẫn, nếu không thì các bạn không thể thấu hiểu được.

Hỏi: Ngài thường khuyên nên có lòng từ bi giúp đõ mọi người. Nhưng làm sao chúng tôi có thể thực hiện điều đó ở xã hội tây phương?

Đạt Lai Lạt Ma:

Nếu muốn làm việc thiện, các bạn chỉ cần giúp một người cũng vẫn được. Quý vị có nhiều cơ hội để giúp đỡ những kẻ khác trong các lãnh vực như giáo dục, tại trường học, công sở v..v.. Một số linh mục và nữ tu Thiên Chúa giáo đã thực hiện nhiều công tác từ thiện xã hội mà tôi rất thán phục. Người Phật tử chúng ta nên bắt chước họ. Do đó tôi nghĩ trong lãnh vực giáo dục và y tế các bạn có thể trực tiếp tham gia giúp đỡ mọi người được.

Ngay cả khi làm việc tại hảng xưởng hay công sở, tuy không trực tiếp giúp đỡ người khác, nhưng gián tiếp quý vị đã đóng góp cho xã hội. Mặc dù các bạn làm được hảng trả lương, nhưng phần nào quý vị cũng đã giúp cho mọi người. Do đó, khi làm việc các bạn nên suy nghĩ thế này: “Công việc tôi đang làm đây nhằm giúp đỡ nhữngkẻ khác”. Trường hợp các bạn đang làm súng, đúc đạn mà quý vị vẫn nghĩ rằng “Tôi đang làm việc này để giúp đỡ mọi người” thì cũng hơi khó, và có vẽ đạo đức giả, phải không?

Hỏi:Con người có thể đạt được sự giác ngộ giải thoát mà không cần lìa bỏ xa lánh cuộc đời?

Đạt Lai Lạt Ma:

Chắc chắn được. Từ bỏ thế gian có nghĩa chúng ta nên xa lánh mọi thú vui dục lạc của trần tục, chứ không phải là sống biệt lập tách rời cuộc đời. Mục đích chính của Phật giáo là phục vụ cứu độ chúng sanh. Muốn giúp đỡ mọi người, chúng ta cần phải có mặt trong xã hội, chứ không nên tự mình sống lìa xa quay lưng với quần chúng.

Hỏi:Thưa Ngài! Ngài đã có dịp đi thuyết giảng viếng thăm nhiều nơi, ngài có cảm tưởng thế nào về đất nước Hoa Kỳ?

Đạt Lai Lạt Ma:

Đây là một quốc gia vĩ đại. Con người hoàn toàn tự do trong sự chọn lựa và chấp nhận bất cứ tư tưởng, truyền thống hay tôn giáo nào mà họ ưa thích và tôn kính. Điều đó rất tốt. Tôi nhận thấy người dân Mỹ có tính tình ngay thẳng thành thực với tâm hồn rộng lượng cởi mở, thích giúp đỡ mọi người. Tôi rất ngưỡng mộ và mến yêu đất nước này.

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/03/2014(Xem: 11216)
Trị liệu ung thư bằng chánh niệm là một tập sách ghi chép lại kinh nghiệm của thầy Chân Pháp Đăng về quá trình trị liệu thành công căn bệnh ung thư ruột già của thầy mà không sử dụng những phương pháp y khoa hiện đại như hóa trị, xạ trị….
23/03/2014(Xem: 19590)
Bài giảng cuối cùng là câu chuyện đẹp về người thầy, một người bạn, một người chồng và người cha, về giá trị nhân văn cao cả của cuộc sống. Bài giảng của người thầy đã cận kề với cái chết không nói gì về sự ra đi, mà lại là những câu chuyện hài hước, dí dỏm để đúc kết những chân lý sống “nếu bạn dám ước mơ điều gì, bạn sẽ có thể thực hiện được điều đó". Đó là người thầy của Trường Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) - Randy Pausch, người đã mang đến một bài giảng có sức sống vượt ra khỏi khuôn khổ nhà trường để đến với công chúng toàn thế giới. Bài giảng cuối cùng thật xúc động, chân tình và đầy ý nghĩa đã được kết tinh lại thành những trang sách có sức lan tỏa đến hàng triệu trái tim người đọc trước khi ông qua đời ở tuổi 47 vào giữa năm 2008 vì bệnh ung thư. Sách đã được dịch ra 35 thứ tiếng.
22/03/2014(Xem: 7838)
* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. * “Tự tri” là quán chiếu tâm thức, là biết rõ tâm trí. “Tỉnh thức” là tâm không vọng tưởng. “Vô ngã” là tâm thái hoà bình, an lạc, yêu thương, thiện ích, tự do tự tại, diệu dụng, bất sinh bất diệt, tịch tri, tịch chiếu.
21/03/2014(Xem: 11666)
Có người thợ mộc già làm việc rất chuyên cần và hữu hiệu lâu năm cho hãng thầu xây cất . Một ngày kia, ông ngỏ ý với hãng muốn xin nghỉ việc về hưu để vui thú với gia đình. Tuy không còn có đồng lương nhưng ông ta muốn nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già.
21/03/2014(Xem: 25412)
Những câu kệ, lời văn, tư tưởng, ý nghĩ trong suốt 365 trang giấy của quyển sách nhỏ này là tinh hoa, là kinh nghiệm tu tập, là trải nghiệm cuộc sống từ nhiều nguồn tư tưởng, hệ phái, pháp môn khác nhau, là suối nguồn tư duy, là hạnh nguyện, là sự hành đạo và chứng đạo của những bậc Lạt Ma Phật giáo Tây Tạng, những Tăng sĩ Miến Điện, những vị Thiền sư, những đạo sĩ Ấn Độ giáo, những cư sĩ học giả Đông Tây, và ngay cả những thi sĩ, văn hào, nghệ nhân trên thế giới, tuy nhiên, như nước trăm sông đều chảy xuôi về biển rộng, dù khác nhau trên mặt văn từ, ngôn ngữ hay hình thái diễn đạt, những nguồn tư tưởng tâm linh này đều nhắm chung về một đích hướng là “Yêu thương đời, giác ngộ người trong Từ Bi, Trí Tuệ và An Lạc.”
20/03/2014(Xem: 9279)
Đạo Phật thường được gọi là “viên ngọc như ý” vì nó đáp ứng cho mọi nhu cầu, mọi đòi hỏi, mọi ước muốn của con người, dù thấp hay cao. Đáp ứng điều gì? Đáp ứng cho con người tự do, bình an và hạnh phúc, tùy theo mức độ đầu tư và khai thác kho tàng bên trong của mỗi con người. Tự do, bình an và hạnh phúc là quyền của mỗi người, do chính con người định đoạt.
19/03/2014(Xem: 9052)
Trong đời tôi, dường như ngoài việc được (hay bị) má tôi đẻ sớm, trước khoảng thời gian dự định thường lệ, chín tháng mười ngày cho một bào thai, mọi chuyện khác đều đến với tôi rất muộn màng. Yêu muộn mà tu cũng muộn!. Sinh ra trong một gia đình theo
19/03/2014(Xem: 8164)
Mẹ mất, con gái biết nấu ăn từ lúc lên 5 Yasutake Hana lần đầu làm món súp miso khi 5 tuổi, sau vài tuần mẹ cô bé mất vì ung thư vú. Hiện tại, nữ sinh 11 tuổi có thể tự nấu một bữa cơm nhiều món hoàn chỉnh, và làm mọi việc trong nhà.
19/03/2014(Xem: 8709)
Khổ đau hay phiền muộn của chúng ta do chính chúng ta tạo nên, chứ không phải là một tai ách gia truyền hay tội tổ tông từ thế giới bên kia trở về ám ảnh chúng ta, như một vài người quan niệm. Cũng không có thưởng phạt từ một đấng quyền uy tối thượng phán xử công và tội của ta. Chúng ta phải là quan tòa của chính mình.
18/03/2014(Xem: 9838)
hật ái ngại khi với tư cách một tác giả lại viết giới thiệu về một tác phẫm do chính mình chuyễn thể. Nhưng trước tấm lòng và sự tận lực cống hiến của êkíp thực hiện nhằm kịp thời dâng lên đức Từ Phụ nhân ngày Đại Lễ Phật Đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2558 (2014), nên sau thời gian đắn đo khá lâu đã thôi thúc, đi đến quyết định phải có đôi dòng giới thiệu đến chư tăng ni và Phật tử khắp nơi vở cải lương đặc biệt này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]