Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tản Mạn Về Lễ Vu Lan

26/08/202313:36(Xem: 2713)
Tản Mạn Về Lễ Vu Lan
TẢN MẠN VỀ LỄ VU LAN

Vu-lan-001

 

Ngày lại qua ngày, bình minh lên rực rỡ, hoàng hôn xuống đìu hiu. Nước vẫn chảy về đông nhưng vòng tuần hoàn chưa bao giờ gián đoạn. Đời vẫn sanh diệt liên lỉ, dù có thô tháo bạo liệt hay dịu êm lặng lẽ. Ta vẫn còn nơi này nhưng đang trên đường đi đến điểm cuối của vòng đời. Đến để rồi đi, đi để mà đến, dòng sanh tử luân hồi chưa từng dừng dù chỉ một sát na. Cái dòng tâm thức luôn dịch chuyển trong ba cõi sáu đường, chỉ một số vô cùng ít ỏi chứng thánh quả thì mới có thể hết trôi lăn. Cái xác thân vật lý này cũng giống như tất cả các loại vật chất khác, nó không hề mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Hiện giờ thì nó còn là thân thể nhân dáng người nhưng một khi hơi thở vào ra dứt thì nó lại trở về với đất, nước, gió, lửa trong đất trời.

Không gian vô hạn độ, thời gian vô thủy vô chung, trên cái dòng thời gian miên viễn ấy con người chế ra ngày, giờ, tháng, năm, mùa màng… làm cột mốc. Trên dòng thời gian ấy, con người có những lễ hội để vinh danh, tưởng nhớ hay kỷ niệm những sự kiện trong đời sống của mình. Thiên hạ có vô số những ngày hội, mỗi chủng tộc, mỗi quốc gia, thậm chí mỗi địa phương đều có những lễ hội riêng của mình. Cộng đồng Phật giáo cũng không ngoại lệ, ngoài những lễ hội chung như ngày Phật đản sanh, thành đạo, niết bàn… Cộng đồng Phật giáo bắc truyền còn có ngày lễ hội riêng như lễ Vu Lan chẳng hạn. Điều này phản ảnh quan điểm, cách nhìn nhận khác biệt của hai dòng truyền.

Lễ Vu Lan là một lễ hội lớn và quan trọng trong Phật giáo bắc truyền, lễ Vu Lan còn gọi là lễ hội hiếu, bắt nguồn từ điển tích ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ. Tất cả những dân tộc và những quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu, chịu ảnh hưởng Nho giáo đều rất coi trọng chữ hiếu, theo Nho giáo thì hiếu là phải phụng dưỡng cha mẹ, vâng lời cha mẹ, lấy vợ lấy chồng, sanh con đẻ cái, nối dõi tông đường… thậm chí cực đoan đến độ: “Phụ xử tử vong/ tử bất vong bất hiếu” hoặc như: “Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại”. Hiếu của Nho giáo rất lệch lạch, khiếm khuyết chứ không trọn vẹn như chữ hiếu trong nhà Phật. Với Phật giáo thì hiếu không chỉ chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, hiếu thì thuận thảo những điều đúng chứ không phải mù quáng nghe theo những lời quấy quá. Hiếu không chỉ chăm lo vật chất mà còn quan tâm đến tinh thần, hướng cha mẹ về Phật pháp, hướng cha mẹ theo chánh pháp, tạo điều kiện cho cha mẹ thực hành Phật pháp. Hiếu với cha mẹ không chỉ lo cho hiện tiền mà còn lo cho việc tương lai. Chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ là một điển hình vậy.

Ngày lễ Vu Lan, các chùa bắc tông tưng bừng rộn ràng mừngng hội hiếu, cờ ngũ sắc phất phới bay trong gió, hương trầm thơm ngan ngát, hoa quả tươi bày biện đẹp mắt. Phật tử về chùa  lễ Phật dâng hương thì thầm khấn nguyện, lòng hướng về ba ngôi tam bảo, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền mạnh khỏe, an lạc; cầu nguyện cho ông bà tổ tiên siêu sanh tịnh độ. Cầu Phật, bồ tát gia hộ cho tất cả chúng sanh. Cầu nguyện là tấm lòng, tuy nhiên cầu nguyện suông thì không thể thành, cầu nguyện phải thực hành những điều Phật dạy. Cầu nguyện còn phụ thuộc vào phước báo và nhân duyên…

Có một số người lên tiếng bài bác lễ Vu Lan, cho là văn hóa Tàu, trong phật giáo không có lễ này... Các vị ấy quên rằng Phật giáo có tính khế cơ khế lý, truyền đến đâu thì kết hợp với văn hóa, truyền thống bản địa ở đấy. Thời đức Phật còn tại thế thì không có lễ Vu Lan, điều ấy đúng nhưng Phật giáo cũng như tất cả mọi sự việc ở thế gian này, luôn luôn biến thiên vì thế gian này vốn vô thường. Khi Phật giáo truyền đến Trung Hoa thì sau đó mới có lễ Vu Lan, tuy nhiên căn bản vẫn là nhân sinh quan của Phật giáo. Lễ vu Lan đầy ý nghĩa nhân văn như thế, thấm đượm từ bi, hỷ xả và tinh thần giải thoát. Lễ Vu Lan đề cao chữ hiếu, đem Phật pháp đến với thế nhân.

Địa ngục ở đâu? Địa ngục, hỏa ngục, hàn ngục, biên địa địa ngục… địa ngục cũng có vô số tên gọi khác nhau. Về sự thì quả thật có địa ngục, về lý thì địa ngục ngay chính trong tâm ta, bởi vì cũng từ tâm địa mà ra. Bà mẹ của ngài Mục Kiền Liên bưng bát cơm lên ăn thì bát cơm hóa lửa, đó là cảnh giới của địa ngục, đây là mặt sự, còn về mặt lý thì đó chính là cái tâm tham lam, keo kiệt, bỏn sẻn vậy! Ngài Mục Kiền Liên và thần lực thập phương tăng chú nguyện để bà được sanh thiên, điều này có trái với kinh Phật dạy không? Kinh suy niệm về nghiệp viết: “Không có ai có thể làm cho mình thanh tịnh hay uế trược, thanh tịnh hay uế trược là chính do mình”. “Phước hay họa cũng tự mình tạo nên” và vô số những dạy về nhân quả, về những tấm gương thánh nhân phải gánh lấy hậu quả khi cái quả chín mùi! Ngay cả dòng họ Thích Ca bị vua Tỳ Lưu Ly tàn sát mà đức Phật cũng không thể cứu được kia mà! Thật ra thì chẳng phải thập phương tăng dùng thần lực đưa bà mẹ ngài Mục Kiền Liên lên cõi trời mà chính là dùng thần lực để thức tỉnh tâm bà, khiến bà chuyển đổi tâm niệm, một khi tâm niệm chuyển đổi thì hỏa ngục hóa hồng liên. Giáo pháp nhà Phật đã dạy: “Chánh báo tùy theo y báo mà chuyển” là vậy! Ngày hôm ấy không chỉ mỗi bà mẹ Mục Kiền Liên mà vô số những tội nhân cùng cảnh ngộ, cùng duyên phần phước phận được giải thoát theo.

Ngài Mục Kiền Liên là một đại đệ tử của đức Phật, ngài là đệ nhất thần thông, là tấm gương hiếu thảo. Người ta thường nói đức Phật có mười vị đệ tử nổi tiếng, mỗi người đại diện cho một mặt nào đó, ví dụ như ngài Xá Lợi Phất thì là trí huệ đệ nhật, ngài Kiều Trần Như thì là khai ngộ đệ nhất… Thật ra thì các ngài đồng năng, đồng giải, đồng hành… không phải ngài Xá Lợi Phất đệ nhất về trí huệ thì các ngài kia trí huệ không bằng! Tất cả đồng nhau, mỗi người đại biểu cho một phương diện.

Ngày lễ Vu Lan hôm nay cũng như những ngày lễ Vu Lan của ngàn năm trước. Những người con Phật lòng xốn xang lay động khi tưởng nhớ Phật, người đã đến thế gian này để khai mở con đường giải thoát cho loài người. Lòng thương nhớ cha mẹ hiện tiền, nhớ ông bà tổ tiên quá vãng… Nếu như ai được sống gần gũi cha mẹ, có cơ hội phụng dưỡng cha mẹ đó là cái phước lớn, là cơ hội để thực hành hiếu đễ, huân tập công phu. Hãy tận dụng cơ hội, hãy phụng dưỡng cha mẹ, hãy tạo điều kiện cho cha mẹ già sống vui vẻ trong lúc cuối đời, hãy tạo điều kiện để cha mẹ được về chùa lễ Phật. Những người con sống xa cha mẹ âu cũng là nhân duyên sâu xa nào đó trong quá khứ, nhớ thương cha mẹ mà không được gần gũi, một cái ôm, một cái cầm tay cũng không được thì nói gì đến dâng ly nước hay bát cơm. Thương nhớ cha mẹ lắm nhưng vì khoảng cách địa lý xa diệu vợi thì biết làm gì hơn ngoài việc lên chùa lễ Phật dâng hương và cầu nguyện. Những người con sống xa cha mẹ chỉ tiếc mình là thân bị thịt không có thần thông để vượt qua khoảng cách trùng dương! Nhớ thương cha mẹ vốn thường trực nhưng mỗi khi lễ Vu Lan về thì lòng lại nao nao, dường như đó là cộng hưởng của sóng âm trong trời đất với sóng lòng.

Vườn chùa ngày lễ Vu Lan đẹp và rộn ràng, những tà áo dài thướt tha, những người con Phật ăn mặc nghiêm trang, những bậc cha mẹ già được con cháu chở đến chùa lễ Phật, những em thiếu nhi như những bông hoa múa điệu dâng hương cúng dường...Nhiêu đó đủ cho lòng người thơ thới an lạc, thiên địa quỷ thần hoan hỷ, trời đất phong quang. Bức tranh ngài Địa Tạng tay cầm châu, tay cầm gậy vàng vừa oai nghiêm vừa hiền từ chi lạ. Ngài là bậc giáo chủ cõi U Minh, lời thệ nguyện của ngài là lời thề vô tiền khoáng hậu, chưa từng thấy bất cứ ở đâu, chưa từng có ở trong những tôn giáo đã xuất hiện trên thế gian này: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng bồ đề”. Thật chẳng có ngôn từ nào của con người có thể tán thán hay nghĩ bàn được, chỉ có cách duy nhất là mượn lời kinh để nói: “Bất khả thuyết, bất khả tư nghị”.

Ngày lễ Vu Lan, những con người xa quê, xa cha mẹ lòng buồn và thương nhớ. Biết cha mẹ già thân thể suy hao từng ngày, những cơn đau nhức đang hành… dù biết thời gian của cha mẹ già không còn nhiều nhưng cơ hội gần gũi, cơ hội về không có bao nhiêu, đó cũng chính là nỗi khổ “ái biệt ly khổ” mà đức Thế Tôn đã dạy chúng ta. Tất cả những gì mình đang thọ nhận hay bị nhận là cái quả vốn có nhân từ sâu xa mà mình không có khả năng biết. Còn tất cả những gì mình đang làm (tam nghiệp) hôm nay thì sẽ cho cái quả  mai sau. Sống xa cha mẹ âu cũng là cái quả, là nghiệp lực đã thành, một khi quả đã chín mùi, nghiệp đã thành thì không thể thay đổi, dù có thần thông như Phật cũng đành chịu thôi!

Ngày lễ Vu Lan, những người con ở xa thương nhớ cha mẹ, lòng vẫn luôn hướng về cha mẹ, hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ngày hội hiếu lên chùa lễ Phật, cầu cho cha mẹ sống khỏe và vui với con cháu, cầu cho mọi người an lạc, cầu cho quốc độ mình đang sống hòa bình, cầu cho cố quận mình sớm được dân chủ, tự do và nhân quyền được tôn trọng.

 

Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành, mùa Vu Lan 2023

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/09/2020(Xem: 7026)
“So sánh với thế giới ngày nay, tôi nghĩ rằng mọi người ở khắp nơi đều cảm thấy hòa bình là rất quan trọng. Vào thế kỷ trước, chúng ta đã chi rất nhiều tiền và kiến thức khoa học để chế tạo vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Bây giờ tôi nghĩ rằng phải khai trừ thái độ tinh thần đó và đã thay đổi nhiều. Bây giờ mọi người đang thể hiện mối quan tâm nghiêm túc về hòa bình; điều đó rất quan trọng. Ngày nay do đại dịch hiểm ác Covid-19 nên tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Trong thời kỳ nguy khốn như vậy, suy nghĩ về vũ khí là không thực tế và lỗi thời. Bây giờ chúng ta phải nghĩ về một thế giới hòa bình.
29/09/2020(Xem: 5228)
Hai cây đàn gỗ, thường gọi là đàn thùng, được chủ nhân treo gần bên nhau trên chung một vách gần bên kệ kinh sách. Sáng sớm, cây Đàn Mới Đẹp được chủ mang đi hòa tấu ở đâu đó đến trưa mới mang về treo lại bên cây Đàn Cũ Kỹ. Gần bên nhau hơn cả giờ đồng hồ, thấy Đàn Cũ Kỹ vẫn im thin thít không hỏi han gì, Đàn Mới Đẹp ấm ức hỏi: "Sao anh không hỏi gì?"
28/09/2020(Xem: 6332)
Họa sĩ Nhân dân Mông Cổ, Cư sĩ Urjingiin Yadamsuren (1905–1986) là cha đẻ của Nghệ thuật Mông Cổ hiện đại, đặc biệt là một phong cách chịu ảnh hưởng của “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” (Socialist realism), cũng như các phong cách và kỹ thuật truyền thống của Mông Cổ, được gọi là Mongol Zurag. Phong cách lấy chủ đề Mông Cổ thường nhật và làm cho những người bình thường và thực hành chủ đề này.
28/09/2020(Xem: 7154)
Sáng nay chúng con, chúng tôi lại tiếp tục lên đường gieo hạt tình thương, nơi đến cứu trợ hôm nay là một địa điểm đặc biệt liên quan đến lộ trình hoằng pháp của đức Phật, đó là nơi Ngài đã thuyết Bài Kinh Lửa Cháy (Aditta-pariyaya Sutta- Tương Ưng Bộ Kinh- Kinh 35.28). Như trong kinh tả lại, vài tháng sau khi giác ngộ, Đức Phật giảng bài pháp nầy cho 1,000 tu sĩ theo phái thờ thần lửa. Qua lối giảng siêu việt của Ngài, Đức Phật đã dùng ví dụ về lửa cháy (lửa tham, sân, si) để dạy về tâm xả ly đối với các cảm thọ qua sáu căn. Sau khi nghe bài giảng nầy, toàn thể thính chúng đắc quả A la hán.(Đường Link để tham khảo bài Kinh: Kinh Lua Chay)
28/09/2020(Xem: 6873)
Dharamshala: Thủ tướng Chính phủ Tây Tạng lưu vong (Sikyong), Tiến sĩ Lobsang Sangay, nhà lãnh đạo Chính trị được bầu dân chủ Tây Tạng, Cục Quản lý Trung ương Tây Tạng lưu vong đã ra mắt cuốn sách do Hoà thượng Acharya Yeshi Phuntsok, Phó Chủ tịch Quốc hội Lưu vong Tây Tạng biên soạn với chủ đề “So sánh Hiến pháp của các Quốc gia Dân chủ Khác nhau” (Comparative Constitutions of Various Democratic Nations). Tác phẩm tập trung vào việc so sánh Hiếp pháp của các quốc gia dân chủ khách nhau trên thế giới, và giải thích các loại Hiếp pháp Dân chủ khác nhau một cách đơn giản nhưng sâu sắc.
27/09/2020(Xem: 6080)
Hôm thứ Bảy, ngày 26 tháng 9 năm 2020, Ấn Độ đã công bố khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 15 triệu USD để thúc đẩy quan hệ Phật giáo giữa hai quốc gia Ấn Độ-Sri Lanka, bên cạnh việc khẳng định mở rộng quan hệ đối tác quốc phòng nhằm ổn định Ấn Độ Dương. Những quyết định này đã được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ảo đầu tiên giữa Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Chính phủ Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Đây cũng là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên như vậy của Ấn Độ với một quốc gia láng giềng.
27/09/2020(Xem: 7179)
Colombo (News 1st); Cư sĩ Gotabaya Rajapaksa, Tổng thống nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka nhấn mạnh rằng, cần phải nâng cao một thế hệ được định hướng về mặt Đạo đức, và Đạo đức được hướng dẫn bởi Tôn giáo của họ, đồng thời với sự phát triển thể chất trong nước. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa nhấn mạnh, Sri Lanka là một quốc gia giàu Đạo đức và phẩm hạnh do lòng tôn kính cao độ đối với Chính pháp Phật đà và sự đồng đạo của các tôn giáo khác được thực hành tại Sri Lanka.
27/09/2020(Xem: 6478)
Vài năm trước, dân tình xôn xao khi xuất hiện website lễ chùa online thì nay việc đi chùa đã được đưa lên... App. Khi cài ứng dụng này, mọi người có thể đến viếng, thắp nhang rất nhiều ngôi chùa trên cả nước. Đặc biệt, người dùng có thể nạp tiền vào App để... được phù hộ. Với mức nạp 20 ngàn đồng, "thí chủ" sẽ được phù hộ trong 1 ngày, nạp 50 ngàn đồng sẽ được bình an trong 1 tháng. Mua gói càng lớn thì ưu đãi càng cao! Hiện App này có hơn 5.000 lượt tải về và hàng trăm đánh giá trên Google Play.
27/09/2020(Xem: 4678)
Vào tuần trước, phát biểu tại buổi gặp gỡ với chư tôn tịnh đức Tăng già giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo Hàn Quốc, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Moon Jae-in đã thỉnh cầu sự hỗ trợ tiếp tục của cộng đồng Phật giáo tại Hàn Quốc, trong nỗ lực mở ra lộ trình đối thoại và trao đổi hơn nữa với Triều Tiên nhằm thúc đẩy con đường hướng tới hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và sự thống nhất cuối cùng.
27/09/2020(Xem: 6921)
Thời gian vừa qua, thật hết sức ngạc nhiên khi tôi tình cờ xem được trên dòng Facebook những bức ảnh lưu niệm của bạn bè, đạo hữu khoe cho thấy họ đã ở rất gần bên Kim Các Tự, một danh lam nổi tiếng ở Kyoto, Nhật Bản. Thoạt đầu, cứ tưởng là mọi người được phước duyên xuất ngoại ngao du qua tận xứ sở hoa anh đào, được “tận mục sở thị” ngôi chùa “Gác Vàng” được dát vàng, còn mình thì cứ quanh quẩn với chùa chiền tự viện trong tỉnh, trong nước…
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]