Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Tăng đoàn Phật giáo và Xã hội Việt Nam ngày nay

14/08/202314:09(Xem: 1538)
03. Tăng đoàn Phật giáo và Xã hội Việt Nam ngày nay
Phật Giáo
Lịch sử - Xã hội - Con người
 
Hoang Phong chuyển ngữ

 

***
Bài 3

Tăng đoàn Phật giáo

và Xã hội Việt Nam ngày nay

(Le Sangha bouddhiste

et la société vietnamienne d'aujourd'hui)

 

Bài viết của Nguyễn Thế Anh

Giáo sư trường Đại học Chuyên ngành về các Nghiên cứu Sâu rộng

(École Pratique des Hautes Études)

 

Bài viết đăng tải ngày 1 tháng 9 năm 2018

trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Phật học Pháp quốc

(Institut d' Études Bouddhiques)

 

Lời mở đầu của người chuyển ngữ

         

          Bài thứ nhất trong loạt bài "Phật giáo: Lịch sử - Xã hội - Con người" nêu lên lịch sử hình thành của một hệ thống triết học và tư tưởng của một Đấng Giác ngộ, đã được các đệ tử của Ngài ghi nhớ, học thuộc và sao chép lại sau khi Ngài tịch diệt. Hệ thống đó không phải là một mớ lý thuyết không tưởng mà là một phương pháp thực dụng giúp con người thoát ra khỏi sự u mê và lầm lẫn về bản chất của chính mình và của thế giới, mang lại cho mình một sự hiểu biết siêu việt, mang lại cho mình một niềm hạnh phúc thật sâu xa.

 

          Hệ thống triết học và tư tưởng đó được hình thành cách nay hơn hai mươi lăm thế kỷ trong vùng châu thổ sông Hằng trên miền Bắc Ấn, và rất sớm sau đó đã được quảng bá về phương Nam và phương đông của Á-châu, mang theo chữ viết ngoằn ngoèo rất khúc triết cùng các ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn độ. Về phương Bắc thì dãy Hy-mã-lạp-sơn là một bức tường thành kiên cố và phía sau là một nền văn minh khác hẳn,có một quá khứ lâu đời và một loại chữ viết tượng hình rất thực tế, đó là nền văn minh Trung quốc. Hệ thống triết học và tư tưởng thực dụng của Đấng Giác ngộ đã phải đi vòng theo hướng Tây, xuyên qua các vùng Trung đông trước khi ngược về phương Bắc để tiếp xúc với dân tộc Hán.

 

          Qua con đường thật dài đó, hệ thống triết học và tư tưởng của Đấng Giác ngộ không tránh khỏi những sự lệch lạc và thêm thắt, ảnh hưởng bởi chữ viết tượng hình và tư tưởng của Khổng giáo và Lão giáo. Phật giáo Việt Nam thừa hưởng phần lớn từ nền Phật giáo Hán ngữ pha lẫn tập tục xã hội và văn hóa Trung quốc. Các sự biến dạng, thêm thắt và cả suy thoái đó của hệ thống triết học và tư tưởng của Đấng Giác ngộ, đôi khi còn đưọc gọi là các phương tiện thiện xảo, có thể nhận thấy qua các sự đánh giá của những người thực dân về tín ngưỡng của những người "nhà quê dốt nát" nơi xứ Bắc-kỳ vào đầu thế kỷ XX, nói đến trong bài số 2 của loạt bài này.

 

          Bài số 3 dưới đây thuộc một giai đoạn lịch sử gần đây hơn nữa. Đó là một bài viết bằng tiếng Pháp của Giáo sư Nguyễn Thế Anh về Tăng đoàn Phật giáo ngày nay của Việt Nam, đăng trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Phật học Pháp quốc (Institut d' Études Bouddhiques). Quả là một điều đáng tiếc nếu một bài viết về Phật giáo Việt Nam của một sử gia Việt Nam thuộc tầm cỡ quốc tế, lại không được một số người Phật giáo Việt Nam biết đến. Bản chuyển ngữ dưới đây trưóc hết là để tưởng niệm một kiều bào lỗi lạc của Việt Nam tại nước ngoài và sau đó là để nêu lên tầm nhìn về một số sự kiện lịch sử cận đại của một sử gia có một tấm lòng với quê hương.

 

          Nguyễn Thế Anh là một học giả, một sử gia, một nhà trí thức đáng kính, cựu viện trưởng Viện Đại học Huế. Ông rời Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư năm 1975, và sau đó trên đất Pháp đã trở thành một Giáo sư sử học với tầm vóc quốc tế. Ông vừa qua đời vào ngày chủ nhật 19 tháng ba 2023 vừa qua tại tỉnh Toulouse miền Nam nước Pháp, hưởng thọ 86 tuổi, và đã để lại cho chúng ta một gia tài khảo cứu thật đồ sộ. Chúng ta sẽ trở lại với vài hàng tiểu sử của ông trong phần ghi chú cuối bài này.       

 

 

Tăng đoàn Phật giáo và Xã hội Việt Nam ngày nay

Nguyễn Thế Anh

***

 

          Thế chiến thứ Hai vừa chấm dứt, một phong trào đổi mới nhen nhúm trong Phật giáo Việt Nam. Các nỗ lực tổ chức và kết đoàn trở lại đã đưa đến một cuộc hội thảo thống nhất vào năm 1951: sáu tổ chức Phật giáo thuộc ba miền: Bắc, Trung và Nam, cùng kết hợp với nhau tạo ra một Hội đoàn Phật giáo Việt Nam rộng lớn (Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam) (l'Association générale du bouddhisme vietnamien). Phong trào nhờ đó đã thiết lập được cho mình một cấu trúc [chặt chẽ hơn], điều động được sự tham gia của nhiều người, thế nhưng phong trào [thật ra] chỉ thiết đặt được một nền móng vững chắc tại các tỉnh miền Trung hơn là tại các tỉnh miền Nam, nơi mà dân chúng có xu hướng ngả theo các giáo phái hỗn hợp (syncrétisme / hỗn tạp / kết nạp nhiều ý niệm và đường hướng khác nhau) chẳng hạn như Cao Đài và Hòa Hảo. Dù những người Phật giáo vẫn giữ một niềm tin sâu xa tự cho mình là những người biểu trưng cho truyền thống đích thật của tổ quốc, thế nhưng họ vẫn thoái thác không tích cực tranh đấu để bảo vệ tầm ảnh hưởng đó của mình trong lãnh vực chính trị, nhằm tạo sức ép đối với các sự kiện xảy ra (người Phật giáo đôi khi quá thờ ơ, không ý thức được trách nhiệm, bổn phận và vị thế của mình đối với xã hội, con người và dân tộc). Tuy nhiên các phản ứng chống lại sự ưu đãi mà chế độ Ngô Đình Diệm dành cho thiểu số Công giáo đã tạo ra cho họ một đường hướng (một tầm nhìn) rõ nét hơn trên phương diện chính trị. Không lâu sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, thì một cuộc Hội thảo được tổ chức, kéo dài từ ngày 21 tháng mười hai 1963 đến ngày 3 tháng giêng 1964, đưa ra đề nghị kết hợp tất cả các trào lưu Phật giáo Việt Nam chung trong một hội đoàn duy nhất. Những người Phật giáo trong cuộc Hội thảo này đã chọn cho sự kết đoàn đó một tên gọi mới là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (Congrégation du Bouddhisme unifìé du Vietnam).

 

          (Phân đoạn trên đây là vài lới tóm lược trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Phật học (Institut d' Études Bouddhiques) của Pháp để giới thiệu bài viết dưới đây của Giáo sư Nguyễn Thế Anh)

 

Tăng đoàn Phật giáo

và Xã hội Việt Nam ngày nay

Nguyễn Thế Anh

***

 

Dàn bài

 

Nhập đề

1) Tình trạng trước 1963

2)  Sự liên lụy chính trị và các hậu quả

3) Chủ thuyết Mác-Lê chống lại Phật giáo

4) Sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam

5) Giáo hội Nhà nước chống lại Giáo hội Phật giáo Thống nhất.

6) Tình trạng ngày nay.

Ghi chú

 

Nhập đề

 

          Theo Niên giám Phật giáo năm 2000 [note1] [xem ghi chú số 1] thì tại Việt Nam có 31.845 người tu hành Phật giáo nam và nữ (các tu sĩ nam và nữ), phân bố trong 14.043 tu viện (các Phật đường, các đền miếu) và chùa chiền. Hầu hết các tu sĩ này đều tự nhận mình là những người Phật giáo Mahâyâna (Đại thừa), tuy nhiên cũng có 7.793 vị tu tập theo Phật giáo Theravada (nhất là trong các vùng châu thổ sông Cửu Long, nơi có nhiều người Việt Nam gốc khmer) [note 2] [xem ghi chú số 2]; ngoài ra cũng có 2.045 vị tu theo truyền thống Khất thực [note 3] [xem ghi chú số 3]. Tóm lại thì Tăng đoàn (Sangha) nói đến trên đây quả là khá khiêm tốn so với con số ước tính là 7.378.417 Phật tử trong nước [note 4] [xem ghi chú số 4]. Con số này cho thấy một sự cách biệt quá lớn so với con số 80% dân chúng mà Phật giáo theo truyền thống lâu đời cho là những người Phật giáo (theo con số do Phật giáo đưa ra thì 80% dân số trong nước là người Phật giáo, thế nhưng theo con số thống kê đưa ra thì chỉ có hơn bảy triệu người Phật giáo, và đối với con số những người xuất gia, tức là Tăng đoàn, thì chỉ có hơn ba mươi ngàn người. Các con số khiêm tốn này cho thấy một sự cách biệt quá lớn so với tổng số dân trong nước). Theo cuộc kiểm kê dân số tháng tư năm 1990 thì dân số Việt Nam là 76.324.753 người, và trong số này chỉ có 15 triệu người là theo một trong số tất cả các tôn giáo nói chung, tức chỉ có nghĩa là 20% tổng số dân. [Sở dĩ] nêu lên điều này là để thấy rằng hầu hết dân chúng là những người không theo một tôn giáo nào cả (non-croyant / không tín ngưỡng).  

 

          Hiến pháp năm 1992 không đảm bảo "sự tự do tín nguỡng" với ý nghĩa đầy đủ của nó, mà chỉ đảm bảo "sự tự do tin hay không tin vào một đức tin tôn giáo" (câu này rất ý nhị: có nghĩa là Hiến pháp bảo vệ những người "tin" và cả những người "không tin", tức là những người vô thần, không tin vào tôn giáo nào cả), nêu lên bởi điều khoản 70 trong Hiến Pháp. Trong các bài diễn văn chính thức, người ta cũng không thấy nói đến chữ "tín đồ" (fidèle / beliver) mà chỉ thấy nêu lên những người "thực hành tín ngưỡng" (pratiquant / adherent / môn đồ), và đấy cũng chính là quan điểm chính trị của Đảng chỉ [duy nhất] hướng vào chủ đích sống trong thế giới này, hầu thực hiện các lý tưởng to lớn của quốc gia, dù họ là những người tin hay không tin vào thế giới bên kia (au-delà / thiên đường, kiếp sau) thì cũng vậy. Điều khoản 70 cũng cảnh giác "không ai được phép xâm phạm sự tự do tín ngưỡng hoặc lợi dụng sự tự do tín ngưỡng một cách trái phép không phù hợp với luật pháp và chính sách Nhà nước" (câu trên đây được tạm dịch từ bài viết tiếng Pháp của sử gia Nguyễn Thế Anh. Nguyên văn câu này trong Hiến pháp như sau: "Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước").

 

          Ngoài ra, điều khoản 5 trong Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng tư 1999, liên quan đến các sinh hoạt tín ngưỡng [note 5] [xem ghi chú số 5] cấm đoán thật rõ ràng "tất cả mọi hành động sử dụng sai trái tín ngưỡng và tôn giáo để chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngăn cản các tín đồ không làm trọn bổn phận của người công dân, phá hoại sự nghiệp đoàn kết dân tộc, và làm phương hại đến nền văn hóa lành mạnh của nhà nước", và điều khoản đó cũng nêu lên "tất cả mọi hành động mê tín dị đoan sẽ bị trừng trị bởi pháp luật" (các câu trên đây là dịch lại từ bản tiếng Pháp, nguyên văn của điều khoản này trong nghị định số 26/1999/NĐ-CP như sau: " Mọi hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mọi hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, phá hoại sự nghiệp đoàn kết toàn dân, làm hại đến nền văn hóa lành mạnh của dân tộc và hoạt động mê tín dị đoan đều bị xử lý theo pháp luật"). Dù quyền tự do tin [vào tôn giáo] được công nhận (điều khoản 6), thế nhưng chính phủ dành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn các việc thực hành tôn giáo: chỉ có các hình thức sinh hoạt đã được "đăng ký hàng năm và thực thi bên trong những nơi thờ phụng" là không phải xin phép chính phủ (điều khoản 8), ngoài ra chính phủ bắt buộc bất cứ các hình thức thực thi nào khác thì phải xin phép trước, kể cả các cuộc hội thảo mang tính cách đào tạo, các buổi thiền định, các đại hội, các buổi họp, các việc sửa chữa hoặc xây cất các nơi thờ phụng, các công trình từ thiện, việc điều hành các trường học của các tôn giáo, các lễ thụ phong, việc di chuyển của các thành phần trong giáo đoàn, và bất cứ một sự sinh hoạt quốc tế nào (các điều khoản 8 đến 14 và 16 đến 25).

 

(Nguyên văn điều khoản 8 trong Hiến Pháp như sau:

 

Điều 8. 

1. Tổ chức tôn giáo có tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo, cơ cấu tổ chức phù hợp với pháp luật và được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động thì được pháp luật bảo hộ.

2. Các hoạt động tôn giáo tại cơ sở thờ tự tôn giáo (các buổi cầu nguyện, hành lễ, giảng đạo, học tập giáo lý) đã đăng ký hàng năm và thực hiện trong khuôn viên cơ sở thờ tự thì không phải xin phép.

3. Những hoạt động tôn giáo vượt ra ngoài khuôn viên cơ sở thờ tự hoặc chưa đăng ký hàng năm phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Tổ chức tôn giáo được tạo nguồn tài chính từ sự ủng hộ tự nguyện của cá nhân, tổ chức, từ những thu nhập hợp pháp khác.
Việc tổ chức quyên góp phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép. Nghiêm cấm việc ép buộc tín đồ đóng góp.
Việc quản lý, sử dụng các khoản tài chính có được từ các nguồn trên đây thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức tôn giáo hoạt động trái tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo, cơ cấu tổ chức đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thì bị đình chỉ hoạt động. Những cá nhân chịu trách nhiệm về những vi phạm đó bị xử lý theo pháp luật).

 

          Sự tôn trọng tự do tín nguỡng do đó chỉ được áp dụng đối với các nhóm tôn giáo được Nhà nước chính thức thừa nhận mà thôi, có nghĩa là các sinh hoạt "không được trái luật pháp và không được phép mê tín" (chữ "mê tín" thật ra rất khó định nghĩa: có những người nghĩ rằng mình không mê tín trong lãnh vực tôn giáo, thế nhưng thật ra thì mình là những người mê tín thật điên rồ về những thứ "giáo lý" khác,những "giáo điều" khác. Trái lại có những người mà mình cho rằng họ là những người mê tín, thế nhưng thật ra thì họ là những người trông thấy được và hiểu được những điều mà chính mình không trông thấy được và không hiểu được), đồng thời những ai "lợi dụng tôn giáo và vi phạm luật pháp với chủ đích bại hoại thì sẽ bị "luật pháp trừng trị thật nghiêm khắc" [note 6] [xem ghi chú số 6].

 

          Đấy là cách mà Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát, qua trung gian của Ban Tôn giáo (Bureau des Affaires religieuses / Văn phòng quản lý các vấn đề liên quan đến Tôn giáo), khuynh hướng [sinh hoạt] của các tổ chức [tín ngưỡng] và lợi dụng sự kiểm soát đó để lèo lái [đường hướng] chính trị và sự sinh hoạt của các tổ chức đó. Ngoài ra, các tổ chức đó phải sinh hoạt dưới sự bảo trợ của Mặt trận Tổ quốc, một cơ quan trung gian giữa Đảng và các môi trường xã hội dân sự Việt Nam tự nhận là mình mang một bản chất (một hình thức, sự sinh hoạt) tự trị nào đó. Thể chế ấy (Mặt trận Tổ quốc) - thật ra là cánh tay dân sự (séculier / secular / thế tục) của Đảng nằm bên trong dân chúng với tư cách là "cơ quan chính trị đại diện cho quyền lực nhân dân nhằm chủ đích củng cố chủ trương tập quyền chính trị" [note 7] [xem ghi chú số 7] - chính thật là công cụ mà Nhà nước sử dụng để kết nạp các thành phần đa dạng trong dân chúng, các đảng phái chính trị (giả mạo), các nhà trí thức, các sắc tộc, các tín ngưỡng, v.v. Tất cả các tôn giáo được chính thức thừa nhận cùng các uỷ ban điều hành của các tôn giáo ấy đều phải sáp nhập vào Mặt trận Tổ quốc, và phải xếp thành đội ngũ thật ngay ngắn, nếu có thể nói như vậy [note 8] [xem ghi chú số 8]. Tuy nhiên cũng có một số tín đồ và một số thành phần trong giáo đoàn của các tôn giáo đó cảm thấy bực bội trước tình trạng bắt buộc phải xếp thành đội ngũ để được Nhà nước thừa nhận.

 

          Việc đòi hỏi phải trả lại quyền tự trị cho tôn giáo trước tham vọng của chủ nghĩa mác-lê của Chính phủ, chủ yếu là do các thành viên của Giáo hội Phật giáo Thống nhất Ấn quang tại miền nam Việt Nam trước kia nêu lên. Tuy Giáo hội này là một tổ chức tôn giáo, thế nhưng thật ra cũng là một tổ chức quần chúng trong các lãnh vực xã hội và chính trị, mang nặng màu sắc dân tộc, trong đó gồm có nhiều tu sĩ tài giỏi. Tập thể này (Giáo hội Thống nhất) vẫn còn giữ được một tầm ảnh hưởng rộng lớn, thế nhưng không thể nào hình dung được tầm ảnh hưởng này nếu không nhìn ngược về các sự kiện lịch sử đã từng xảy ra trong suốt nửa thế kỷ trước đó.    


1) Tình trạng trước 1963

 

                Sau Thế chiến thứ Nhất, một phong trào đổi mới bắt đầu nhen nhúm trong Phật giáo Việt Nam. Được cổ vũ bởi phong trào cải cách tín ngưỡng trên đất Tàu sau cuộc cách mạng năm 1911 (cuộc cách mạng Tân Hợi lật đổ triều đại cuối cùng là nhà Mãn Thanh, đưa đến sự thành lập một quốc gia dưới thể chế cộng hòa là Trung hoa Dân quốc năm 1912), các nhà trí thức trong nước bắt tay thực hiện một công trình tinh khiết hóa giáo lý thật rộng lớn nhằm mục đích thích ứng Phật giáo với thời đại và nhu cầu của một xã hội hiện đại hơn [note 9] [xem ghi chú số 9]. 

 

          Bắt đầu từ năm 1920, các vị lãnh đạo trong phong trào cải tiến đó rất lo ngại về tình trạng suy thoái về mặt lý thuyết cũng như tập quán của nền Phật giáo cổ truyền, vì vậy họ đã đứng lên kêu gọi phải tinh khiết hóa bầu không gian nơi tự viện, tái lập sự tôn trọng giới luật và thành lập các học viện tân tiến hơn, nhằm đào tạo một thế hệ mới với các tu sĩ nhiệt tình có một trình độ học vấn cao hơn, hội đủ khả năng đảm đang vai trò tâm linh của mình trong một xã hội đang trên đà chuyển hóa. Hơn nữa, họ cũng phải gánh vác trọng trách dịch thuật và bình giải giáo lý Phật giáo bằng chữ quốc ngữ, chẳng qua là vì từ trước đến nay chỉ có một số rất ít các tu sĩ là đọc được kinh sách ghi chép hoàn toàn bằng các ký hiệu tượng hình (chữ Hán) của nước Tàu, tình trạng đó quả không thể nào tạo được một sự phổ biến [giáo lý] rộng rãi (kinh sách thì bằng Hán ngữ, các tu sĩ ngày nay không mấy người đọc được chữ Hán. Các công trình dịch thuật thì vừa hiếm hoi vừa vướng mắc trong hệ thống thuật ngữ tiếng Hán, đấy là chưa nói đến những người dịch thuật còn quá yếu kém về giáo lý và triết học Phật giáo khiến các công trình dịch thuật đó của họ còn cần phải xem lại). Tóm lại họ hy vọng sẽ tạo ra cho Phật giáo một tổ chức mạch lạc hơn, kể cả có thể giúp Phật giáo đương đầu với đối thủ cạnh tranh với mình là đạo Công giáo, được xem là một công cụ phục vụ cho quyền lực xâm chiếm thuộc địa.     


          Qua các cố gắng thiết lập lại nội bộ, trùng tu chùa chiền, thành lập các trường đào tạo, phát hành kinh sách, Phật giáo Việt Nam đã từ từ tỉnh
dậy sau một giấc ngủ mê, tạo được cho mình một cung cách hành xử tích cực hơn trước các vấn đề từ lâu đời đã chìm sâu trong quên lãng. Các cuộc tranh luận về các chủ đề đạo đức, các khái niệm liên quan đến lãnh vực nhận thức học trong triết học Phật giáo, vai trò của Phật giáo trong thế giới tân tiến ngày nay, cũng như khả năng tự biến cải chính mình trong cuộc phấn đấu cá nhân và tập thế trước sự sống, cho thấy thật hiển nhiên là phải cần đến một thế hệ mới gồm các lý thuyết gia có tài, ý thức được sự chính xác và minh bạch.

 

          (Trên đây là tầm nhìn và sự nhận định của những người Phật giáo vào tiền bán thế kỷ XX, chúng ta sẽ trở lại vấn đề này chi tiết hơn trong phần kết luận chung của loạt bài này. Thật vậy Phật giáo trong nước vẫn tiếp tục thừa hưởng một cách trung thành với nền Phật giáo Hán ngữ pha lẫn Khổng giáo và cả Lão giáo, từ lý thuyết đến tập tục. Phật giáo của "kiều bào hải ngoại" cũng không khá hơn, dù họ sống bên cạnh các nền Phật giáo rất sâu sắc, rất khoa học và triết học của người Tây phương. Nền Phật giáo lỗi thời đó, trong nước cũng như hải ngoại, vẫn còn mang nặng tính cách cầu xin, tụng niệm và lễ lạc, không còn đủ sức chinh phục được con người trong xã hội ngày nay. Thế nhưng Phật giáo Việt Nam chưa kịp hồi sinh sau các cuộc chiến tranh triền miên thì lại phải đối đầu với các chủ nghĩa vô thần và ngoại lai). 

 

          Các nổ lực nhằm tổ chức và kết hợp trở lại [Phật giáo] đã đưa đến một cuộc hội thảo thống nhất năm 1951 tại chùa Từ Đàm ở Huế. Sáu tập thể Phật giáo gồm các người tu hành (các vị xuất gia, các tu sĩ) và các tín đồ, thuộc ba miền Bắc, Trung và Nam cùng họp nhau thiết lập một Hội đoàn Phật giáo Việt Nam rộng lớn (Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam).   


          Ngay sau khi thành lập xong thì Tổng hội mới mẻ đó tức khắc xin gia nhập Liên đoàn Phật giáo thế giới, tạo cho mình các phương tiện tân tiến hơn trong việc quảng bá giáo lý. Tập thể các tu sĩ (sangha) (tăng đoàn) dồn thì giờ vào việc tu tập tâm linh (tu học), phiên dịch và giải thích sûtras (kinh điển), [trong khi đó thì] tập thể những người thế tục (các cư sĩ tại gia) của Tổng hội giữ trọng trách cung cấp các phương tiện vật chất. Các sự xáo trộn gây ra bởi cuộc chiến Đông Dương đã tạo cơ hội cho nền Phật giáo đổi mới, vượt thoát khỏi tình trạng bất động từ trước đến nay, sự vượt thoát đó chính là động cơ chủ yếu của vai trò tín ngưỡng [nói chung] nhằm thúc đẩy người tu tập tham gia tích cực hơn vào chính trị và dấn thân [sâu xa hơn] vào thế kỷ [đang mở ra trước mặt mình, đang chờ đợi mình] (trong trường hợp này là thế kỷ XX đối với Phật giáo Việt Nam, sau khi trải qua các thời kỳ quân chủ, thuộc địa và chiến tranh).    

 

          Sau khi đất nước bị chia đôi năm 1954, thì những người Phật giáo tại miền Nam Việt Nam trước biến cố đó, đã tạo được cho mình một cấu trúc mới và huy động được sự tham gia của nhiều người, chứng tỏ một sự nhiệt tình rộng lớn trên phương diện tín ngưỡng cũng như xã hội.

 

          Từ năm 1954 đến năm 1962 (những năm đầu tiên sau Hiệp định Genève), theo con số do Tổng hội Phật giáo thời bấy giờ (tức là Tổng hội Phật giáo Thống nhất trước khi mang tên mới là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất), thì có hơn 12.000 ngôi chùa đã được xây cất. Các viện nghiên cứu dành cho các tu sĩ nhân lên gấp bội. Phong trào Thanh niên Phật giáo (Gia đình Phật tử), được hình thành như là một phương tiện nêu cao lý tưởng Phật giáo; năm 1963 phong trào bắt đầu phát triển mạnh và quy tụ được 50.000 thành viên trẻ tuổi, hầu hết xuất thân từ các trường học do chính Tổng hội điều hành. Điều đó cho thấy Tổng hội không những quan tâm đến vấn đề giảng dạy mà cả các công tác trợ giúp xã hội, bằng cách thiết lập các cơ sở giảng dạy ở các cấp tiểu và trung học, và thực hiện các chương trình từ thiện, chẳng hạn như thành lập các trạm y tế miễn phí, các viện mồ côi [note 10] (xem ghi chú số 10). Trên đây là cách mà phong trào Phật giao tạo ra cho mình một cấu trúc và kêu gọi đuợc sự tham gia của quần chúng, thế nhưng mức độ thành công thì không được đồng đều, mà tùy thuộc vào từng vùng. Phong trào chỉ được đẩy mạnh tại các tỉnh miền Trung hơn là tại các tỉnh miền Nam, nơi mà dân chúng có khuynh hướng ngả theo các giáo phái mang tính cách hỗn hợp (syncrétisme / hỗn tạp, ghép chung nhiều ý niệm và đường hướng khác biệt nhau) như Cao Đài và Hòa Hảo.  

 

          Tuy nhiên, dù những người Phật giáo bảo toàn được niềm tin sâu xa tự cho mình là những người biểu trưng cho truyền thống đích thật của tổ quốc, thế nhưng họ vẫn thoái thác không nghĩ đến là phải bảo vệ tầm ảnh hưởng đó của mình trong lãnh vực chính trị, hầu tạo sức ép trước các sự kiện xảy ra. Tuy nhiên các phản ứng chống lại sự ưu đãi đối với thiểu số Công giáo của chế độ Ngô Đình Diệm, tổng thống nước Cộng hòa Việt Nam, cũng như thái độ tự mãn (triomphalisme / tự đề cao, ngạo mạn) của chế độ này đã khiến đưa đến một sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa những người Phật giáo đối với đường hướng chính trị của họ. Các sự rạn nứt xã hội trong khung cảnh trên đây càng trở nên rõ nét hơn nữa qua quyết tâm của Ngô Đình Diệm biến tập thể Công giáo - được tăng cường thêm bởi hàng ngàn người dân quê trong vùng châu thổ miền Bắc từ bỏ làng mạc để "theo Chúa vào Nam" - trở thành nền tảng chủ yếu cho chế độ của mình.

 

          [Trước hết là một] ý thức hệ (idéologie / một cấu trúc tư tưởng hay giáo lý mang tính cách không tưởng, rơi ra ngoài thực tế) chính thức, một "chủ nghĩa cá nhân" ("personnalisme") (Cần Lao Nhân Vị), sau đó biến thành chủ nghĩa Ki-tô giáo bảo thủ (intégrisme chrétien) (Ki-tô giáo cực đoan), chống cộng sản (anti-communiste) và chống thể chế tự do (anti-libéral / chống lại các khuynh hướng tự do trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội) mang tính cách phản động nhất (réactionnaire / thái độ siêu bảo thủ, cực đoan nhất, chống lại mọi tiến bộ chính trị và xã hội), trong khi đó thì miền Bắc Việt Nam gia tăng áp lực qua trung gian của Mặt trận giải phóng miền Nam (Front national de la libération du Sud Viet-Nam). Nếu những người Phật giáo công khai nêu lên sự chống đối của mình, thì đấy phải chăng họ đã kết tinh được cả một phong trào bất mãn rộng lớn, kết hợp được dưới ngọn cờ của họ các thành phần chống đối khác nhau, trong đó kể cả những người không quan tâm gì đến các vấn đề tôn giáo, mà chỉ mượn dịp để bộc lộ quan điểm không chấp nhận cộng sản (chống cộng) của mình xuyên qua sự thù ghét chính phủ [Ngô Đình Diệm].


2) Sự liên lụy chính trị và các hậu quả

 

          Hành động chính trị mà những người Phật giáo phát động vào năm 1963 là nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm, và sau đó thì họ nghĩ là mình, nhân danh dân tộc, có đủ khả năng chủ động được các vấn đề căn bản của xứ sở. Sự thành công mang lại từ hành động đó vừa đánh dấu khả năng huy động quần chúng của Tăng đoàn Phật giáo nhưng cũng vừa phản ảnh tình trạng khó hiểu (ambiguity / mơ hồ, nhập nhằng, nước đôi, không rõ nét) của Tăng đoàn đối với vị thế (position / vị trí, quan điểm) lý thuyết và cả chính trị của mình [note 11] ( xem ghi chú số 11), nhất là những gì liên quan đến sự dấn thân của xứ sở trong một trận chiến không sao tránh khỏi được, bởi vì trận chiến đó đã phó mặc cho ảnh hưởng từ nước ngoài (influence étrangère / foreign influence / ngoại lai) ùa vào, trái với các giá trị truyền thống và các nguyên lý chính trực (principes de justice / các nguyên lý chính đáng, công bằng) cũng như lòng từ tâm của Phật giáo (du nhập một chủ nghĩa ngoại lai, độc tài và hung bạo để tàn phá dân tộc, hay mở cửa để tiếp nhận một sức mạnh từ bên ngoài để chống lại chủ nghĩa đó, thì cả hai thái độ ấy không nhất thiết là để phục vụ quyền lợi của xứ sở, mà chỉ là những sự sai lầm to lớn trong lịch sử mà thôi).

 

          Không lâu sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, một cuộc Hội thảo đã được tổ chức từ ngày 21 tháng mười hai 1963 đến ngày 2 tháng giêng 1964, đề nghị tập hợp tất cả các trào lưu Phật giáo Việt Nam trong cùng một hội đoàn duy nhất. Và trong cuộc Hội thảo này những người Phật giáo đã chọn một tên gọi mới cho hội đoàn này là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (Congrégation du bouddhisme unifié du Vietnam). Thuật ngữ "thống nhất" trong cách gọi đó là có ý gợi lên thiên hướng tự nhiên của Phật giáo (sự kính trọng không phân biệt và lòng từ bi vô biên trong giáo lý Phật giáo). Và thật ra thì cũng là lần thứ nhất trong thế giới Phật giáo mà Tăng đoàn Việt Nam (Sanghavietnamien / Tăng đoàn tu sĩ Việt Nam) đã kết hợp được cả Tiểu và Đại thừa trong cùng một đoàn thể. Hơn nữa tên gọi đó còn mang một ý nghĩa thứ hai là bác bỏ tất cả các hình thức kỳ thị sai lầm, sự phân biệt giữa người tu hành và kẻ thế tục, cũng như sự tách biệt giữa thiêng liêng và trần tục (tức là sự Thống nhất của Tăng đoàn).

 

          Một tổ chức mới được hình thành, đứng đầu là vị Tăng Thống (patriarch / vị cao niên, vị lãnh đạo một tập thể tôn giáo) tối cao là Ngài Thích Tịnh Khiết. Ủy ban lãnh đạo gồm hai đầu (bicéphale), một mặt là "Viện Tăng thống tối cao" ("L' Institut supérieur du Sangha") gồm các nhà sư phải có ít nhất từ ba mươi tuổi đạo trở lên và từng tạo được cho mình một uy tín lớn trên phương diện tâm linh, và một mặt là "Viện Truyền bá Dharma (Đạo Pháp)" (Viện Hóa Đạo) ("L'Institut pour la Propagation du Dharma"), là một hội đồng đại diện tất cả các tông phái và các trào lưu Phật giáo cùng với các uy ban điều hành của các tông phái và các trào lưu đó, và vị Tổng thư ký của hội đồng đó là Ngài Thích Quảng Độ [note 12] (xem ghi chú số 12).  

 

          Qua sự ủng hộ mạnh mẻ của hàng triệu thành viên, các vị lãnh đạo Phật giáo đứng lên và tự nhận mình là những người giám sát nghiêm khắc và tỉ mỉ những người nắm giữ quyền hành (những người trong chính phủ), họ kiên quyết giữ vững thái độ cứng rắn (intransigeant / không nhân nhượng) không chấp nhận một chính quyền quân sự tại Sài-gòn cho đến khi nào chiến cuộc Việt Nam chấm dứt. Các sự chống đối của Phật giáo trong các lãnh vực chính trị, xã hội, đạo đức và văn hóa chủ yếu được kết tinh và tập trung tại chùa Ấn Quang, tọa lạc giữa Sài-gòn và Chợ Lớn, và cũng là nơi trú ngụ của các vị chức sắc và cũng là nơi thiết đặt các cơ quan chỉ đạo và điều hành. Trọng tâm của sự chống đối đó được dựa vào nguyên tắc bất bạo động và sự hài hòa trong giáo lý Phật giáo, với ngụ ý nêu lên lòng ước mong tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho mọi sự tranh chấp. Thế nhưng những lời kêu gọi "hòa giải và đoàn kết" bằng cách thương thuyết nhằm mục đích mang lại sự thống nhất cho xứ sở qua từng giai đoạn một, thì lại là một tầm nhìn thiếu thực tế, không dự trù trước được các cảnh huống bất ngờ (contengency / không tiên đoán được) có thể xảy ra.

 

          Sau khi Sài-gòn lọt vào tay cộng sản vào cuối tháng tư 1975, thì các vị chức sắc Phật giáo tại Ấn Quang dường như vẫn còn nuôi ảo mộng với hy vọng - nói theo cách của họ - [rồi đây] sẽ tìm được một nền tảng thỏa hiệp giữa các giá trị xã hội của chủ nghĩa mác và lòng từ bi rộng lớn của những người tu tập Phật giáo. Thế nhưng trên thực tế thì mối tương quan giữa chính quyền mới và Giáo hội Phật giáo [Thống nhất] vụt suy thoái gần như là tức khác sau đó. Các sự cấm đoán và giới hạn được ban bố, chẳng hạn như các viện mồ côi và các trường học bị đóng cửa, các đám rước (các cuộc diễu hành) bị hủy bỏ, các nhà sư bị thuyên chuyển khắp nơi, hoặc bị ép buộc phải trở về nếp sống thế tục..., các biện pháp này là nhằm mục đích phong tỏa và hạn chế ảnh hưởng của Phật giáo.  

 

3) Chủ nghĩa Mác-Lê chống Phật giáo

 

          Vào tháng năm 1975, các nhà lãnh đạo mới của xứ sở quyết tâm nhanh chóng xây dựng xã hội chủ nghĩa trên toàn thể đất nước Việt Nam thống nhất. Họ nhất mực tin rằng các sự phân tích (analyse / tìm hiểu, phân giải) về chủ nghĩa mác-lê từng giúp họ chiến thắng người Mỹ [trước đây], và sẽ còn tiếp tục giúp họ vượt lên các sự thách đố tương lai hầu thực hiện được cả ba cuộc cách mạng: cách mạng về phương tiện và tỷ lệ sản xuất, cách mạng khoa học và kỹ thuật, cách mạng trong lãnh vực ý thức hệ và văn hóa. Sự thực hiện hướng vào ba chủ đích đó sẽ đưa đến sự hình thành của một con người mới, lớn lên trong xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, "con người vô sản" đáng ngờ vực đó trở thành cả một vấn đề tranh cãi giữa chủ nghĩa nhân bản (humanisme) và chủ nghĩa mác (marxisme) và cả quy chế của cá thể con người (statut de l' individu / statut of the individual / vị thế hay vị trí của con người) trên dòng biến cải trong xã hội chủ nghĩa.


          Thế nhưng tham vọng của Nhà nước, xuyên qua vô số các bằng chứng trong các lãnh vực luân lý, nhân phẩm con người, sự hài hòa và hạnh phúc mang lại từ sự kết hợp giữa các phẩm tính đạo đức và lý trí trong khung cảnh hài hòa rộng lớn và bao quát của xã hội - một khái niệm thừa hưởng phần lớn từ nền luân lý Khổng giáo - đã làm rách nát, qua sự nhúng tay của mình, tất cả mọi lãnh vực trong xã hội dân sự cũng như số phận của từng mỗi con người tạo ra xã hội đó. Tuy vậy, qua tầm nhìn mở ra sau cuộc chiến nhằm chủ đích "dứt khoát thanh toán các tàng tích về ý thức hệ và văn hóa lạc hậu lưu lại từ chế độ cũ", thì hiện tượng tín ngưỡng lại hiện ra như là một sự chối bỏ
(phủ nhận, không chấp nhận) công trình cách mạng mà chính quyền đeo đuổi như là một hình thức lý tưởng đối với quyền lực của mình: "Mục đích, chủ thuyết thần học, quan điểm về thế giới, các giải pháp do tôn giáo đưa ra để giài quyết các khó khăn trong xã hội, tất cả các thứ ấy đều nhất thiết trái ngược lại với chủ thuyết mang tính cách khoa học và cách mạng của chủ nghĩa mác-lê" [note 13] (xem ghi chú số 13).    

 

          Với chủ đích đó, chính quyền nghĩ rằng là phải tẩy xóa (vider / empty / trút bỏ, loại bỏ) những gì gọi là bản chất của các giáo hội từng biểu trưng cho sức mạnh xã hội và chính trị (socio-political) của nước Việt Nam Cộng hòa trước kia cho đến năm 1975. Vị thế trung tâm mà các giáo hội đó từng chiếm giữ trước đây bị ném vào một xó chật hẹp nhất trong guồng máy chính trị, và tất nhiên là guồng máy đó sẽ không thể nào dung thứ các cơ cấu đại loại như vậy (tức là các cấu trúc tín ngưỡng của nước Việt Nam Cộng hòa trước kia) mà phải cấp bách thu hẹp, loại bỏ hoặc hạn chế. Các sức mạnh tín ngưỡng vì vậy đã trở thành một trong số các mục tiêu quan trọng nhất trong chương trình cải tạo, một mưu đồ "bình thường hóa", nhằm áp đặt miền Nam Việt Nam vào khuôn phép độc tài của miền Bắc. Dù không nhất thiết chủ trương xóa hẳn sự tự do tín ngưỡng, thế nhưng chế độ đã xử dụng các biện pháp đủ loại nhằm phá vỡ thành lũy của các giáo hội và đặt các giáo hội đó dưới sự kiểm soát của mình, thế nhưng trong một vài lãnh vực và thời điểm nào đó, thì sự kiểm soát ấy lại là cả một sự đàn áp.   


          Thế nhưng ngay từ tháng mười một 1975, sự đàn áp đó của chính phủ đã phải đối đầu với quyết tâm tự trị của Phật giáo trong các lãnh vực đạo đức và tâm linh, khi mười hai vị sư và ni sư của ngôi chùa Dược Sư tại tỉnh Cần Thơ tự thiêu để phản đối việc cấm vị sư trụ trì của ngôi chùa treo cờ Phật giáo, tổ chức các khóa ẩn cư và các buổi thiền định, hoặc đón nhận các thành viên mới trong tăng đoàn. 

 

          Năm 1977, trước các sự phản đối và các cuộc biểu tình do ban điều hành của Giáo hội Phật giáo Thống nhất phát động nhằm đòi hỏi phải tôn trọng một sự tự do tín ngưỡng rộng rãi hơn và phải trao trả lại các tài sản bị tịch thu, thì chính quyền đã phản ứng lại bằng cách bắt giữ và quản thúc sáu thành viên của Giáo hội, trong đó có Thích Huyuyền Quang và Thích Quảng Độ, là hai nhà sư đứng đầu Viện Hóa Đạo (l'Institut pour la Propagation du Dharma) bằng cách kết tội cả hai đã "lợi dụng tôn giáo để phá hoại sự đoàn kết quốc gia, làm xáo trộn trật tự và an ninh công cộng", đồng thời lên án "Viện Hóa Đạo của giáo đoàn Ấn Quang đã khích động những người Phật giáo chống lại chính quyền và bóp méo chính sách tự do tín ngưỡng bảo đảm bởi chính quyền cách mạng". Các biện pháp đó đã khiến đưa đến sự rút lui của cả các vị sư từng được chính quyền ưu đãi từ trước đến nay, và trong số này có cả vị trụ trì chùa Thiên Mụ ở Huế là Thích Đôn Hậu [note 14] [xem ghi chú số 14], vị này rút ra khỏi các chức vụ chính thức trong Quốc hội và cả trong Mặt trận Tổ quốc, và thẳng thắn cho biết là mình đứng vào hàng ngũ ly khai (vị này sau đó đã trở thành vị đứng đầu (patriarch / vị lãnh đạo, vị trưởng lão, giáo trưởng) của Giáo hội Phật giáo Thống Nhất).       

 

4) Sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam

 

          Vào tháng mười một 1981, 165 đại biểu đại diện cho các tổ chức và các ngành Phật giáo khác nhau cùng họp chung trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội, nhằm thiết lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội Phật giáo của Nhà nước) đúng theo tiêu chuẩn được quy định trong bảng hiến chương sáng lập, với tư cách là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho tất cả những người tu hành (những người xuất gia, các tu sĩ) cũng như những người Phật giáo thế tục tại Việt Nam. Cuộc hội thảo đó cũng đã chập thuận một chương trình hành động dành cho Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam nhằm mục đích mang lại sự đoàn kết quốc gia và sự hài hòa giữa các giáo phái cũng như giữa những người tu hành (các tu sĩ) và kẻ thế tục, góp phần vào việc truyền bá Dharma (Đạo Pháp) và phổ biến các khía cạnh tích cực của Phật giáo, đồng thời thiết lập một hệ thống giáo dục dành cho những người xuất gia nam và nữ, tạo ra một lối sống thích nghi hơn cho người thế tục, nêu cao truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam, tạo ra một sự kết chặt giữa tôn giáo và người dân, góp phần tích cực vào sự xây dựng và bảo vệ xứ sở, mang lại sự thăng bằng tài chính nơi tự viện, hầu cải thiện các điều kiện sinh sống của các nhà sư và các ni sư, mang lại sự phong phú cho xứ sở, tạo ra các mối dây thân thiện kết nối giữa những người Phật giáo [Việt Nam] và các hội đoàn trên thế giới, góp phần vào công cuộc xây dựng nền hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại [note15] [xem ghi chú số 15] (lý tưởng, chủ đích và trọng trách của Giáo hội quả là đa dạng và to lớn, đọc "hụt hơi", thế nhưng hậu ý kín đáo và đích thật ẩn nấp phía sau biết đâu cũng có thể là khác hơn và đơn giản hơn chăng?). Ủy ban cố vấn tối cao trong Tăng đoàn gồm 28 thành viên cũng đã được biểu quyết, và vị điều hành ủy ban này là một vị sư miền bắc Việt Nam là Thích Đức Nhuận, đồng thời một ủy ban điều hành gồm 50 thành viên cũng đã được thành lập, và vị chủ tịch là Ngài Thích Trí Thủ.   

          Dù rằng Giáo hội Phật giáo Thống nhất trước đây không hề chính thức bị giải tán, thế nhưng thật hết sức rõ ràng là các vị lãnh đạo cao nhất trong Giáo hội sẽ không còn được chính phủ thừa nhận nếu họ không đứng vào hàng ngũ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Nhà nước bảo trợ. Kể từ thời điểm này người ta có thể bảo rằng có hai Giáo hội Phật giáo tại Việt Nam: một được chính thức cho phép, được bảo trợ và đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ, đứng ra đại diện cho Phật giáo trong các buổi hội họp chính thức; và một là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, trở nên khó nhận biết hơn từ khi bị mất trụ sở chính thức và không còn được thừa nhận là hợp pháp bởi các cơ quan chính quyền.  

 

          Dầu sao đi nữa, các cơ quan an ninh của chính phủ ra lệnh đóng cửa chùa Ấn Quang vào tháng bảy năm 1982, và năm 1984 đã đưa đến một chiến dịch đàn áp khốc liệt nhất, khiến khoảng hai mươi nhà sư bị kết án vô cùng nặng nề vì "các hoạt động của họ nhằm lật đổ chính phủ nhân dân". Tuy vậy, Giáo hội Phật giáo Thống nhất vẫn còn duy trì được một vài sinh hoạt, chẳng hạn như phân phát thực phẩm và thuốc men cho dân chúng trong các vùng xa, hoặc soạn thảo các báo cáo và viết lách gửi ra nước ngoài để phổ biến, nhất là những nơi có nhiều tín đồ của họ lánh nạn.

         

          Dưới áp lực của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong tình trạng suy sụp, chủ trương tự do kinh tế được phát động sau tháng mười hai 1986, và đồng thời một chiến dịch đổi mới và mở cửa cũng đã được tung ra. Dù không thật sự mang lại một sự đổi thay triệt để nào cả về thái độ của Nhà nước trên phương diện lý thuyết đối với chủ đề tín ngưỡng, thế nhưng sự tự do kinh tế ít ra cũng tạo được một sự hồi sinh kín đáo (renaissance prudente / a cautious rebirth /một sự hồi sinh rụt rè, thận trọng) nào đó đối với tôn giáo, giúp tôn giáo chấp nhận dễ dàng hơn các thể lệ (règles du jeu / playing rules / quy tắc, mẹo mực, luật lệ) của cái trò chơi ấy (tức là sự lèo lái, khinh thường, triệt hạ và lợi dụng tôn giáo bằng các thứ xảo thuật).

 

          Trong khi hàng giáo phẩm (hiérarchie épiscopale / episcopal hierarchy / ban lãnh đạo cao cấp) của Giáo hội Công giáo tìm cách thích ứng với một cuộc sống chung đầy căng thẳng với chủ nghĩa cộng sản, thì một phong trào ly khai của Phật giáo được đẩy mạnh bắt đầu từ tháng tư năm 1992, sau khi các nhà sư trong Tổng hội Phật giáo Thống nhất khước từ không tham dự tang lễ do Nhà nước tổ chức dành cho Ngài Thích Đôn Hậu, viên tịch vào ngày 23 tháng tư tại Huế, [note 16] [xem ghi chú số 16].  

 

          Tính cách hợp pháp của Giáo hội Phật giáo Nhà nước trở thành cả một vấn đề sau khi xảy ra một loạt các biến cố, [trong đó] gồm có các đòn bất ngờ (coups d' éclat / stuns, exploits) và các lá thư ngỏ của Ngài Thích Huyền Quang, bị quản thúc tại Quảng Ngãi từ năm 1982 vì tội chống lại việc bãi bỏ Tổng hội Phật giáo Thống nhất, và [nhất là trường hợp] Ngài Thích Đôn Hậu trong chúc thư để lại đã chỉ định Ngài Thích Huyền Quang là người kế vị mình [note 17] [xem ghi chú số 17]) (Ngài Thích Đôn Hậu là vị lãnh đạo Giáo hội Nhà nước thì lại chỉ định trong chúc thư người kế vị mình là Ngài Thích Huyền Quang, một người tù bị giam lỏng vì tội chống lại việc bãi bỏ Giáo hội Phật giáo Thống nhất!).

 

          Nhằm chủ đích đáp lại sự chống đối đó, vào khoảng giữa tháng năm và tháng bảy 1993, chính phủ bắt giam những người khởi xướng [phong trào] và kết án họ đã "xâm phạm trầm trọng trật tự công cộng" [note 18] [xem ghi chú số 18]. Tiếp theo ra sau đó là các cuộc biểu tình diễn ra tại các địa phương, gợi lên một cách kín đáo các biến cố xảy ra vào các năm sáu mươi khi Phật giáo gia nhập vào phong trào quần chúng phản đối chế độ của vị Tổng thống Công giáo Ngô Đình Diệm. Thích Huyền Quang bắt đầu tố giác "chủ nghĩa độc tài chính trị của một đảng độc nhất" và "nền chính trị đàn áp mà hậu quả là sự tàn phá nền tảng đạo đức, các quan điểm về sự thật (vérité / truth / chân lý, sự ngay thật) và sự đoàn kết, là những gì nổi bật trong nền văn minh của người Việt Nam". Thích Huyền Quang tức khắc bị kết án là "bóp méo sự thật về chính sách tôn giáo của đảng và của Nhà nước", tờ nhật báo của quân đội, tức là tờ Quân Đội Nhân Dân, tuyên bố là các nhà sư ly khai "không hề được thúc đẩy bởi các nguyên nhân tín ngưỡng, cũng không phải là vì sự lợi ích của các tín đồ, mà duy nhất chỉ vì tham vọng cá nhân và các ý đồ đen tối về chính trị".   

 

5) Giáo hội Nhà nước chống lại Tổng hội Phật giáo Thống nhất

 

          Trong bất cứ cuộc hội thảo hàng năm nào của Giáo hội Phật giáo Nhà nước thì cũng vậy, người ta đều thấy bùng ra thêm nhiều chuyện mới lạ. Chẳng hạn như trường hợp hai trăm vị hướng dẫn Hội đoàn Gia đình Phật tử (famille bouddhiste), một phong trào thanh niên mang khuynh hướng Phật giáo, đứng ra tự nhận mình là những người Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Thống nhất, và hăm dọa sẽ tự thiêu nếu chính phủ không thu hồi các biện pháp đối với hội đoàn của họ, chẳng hạn như cấm họ sinh hoạt và tìm cách lôi kéo các thành viên trong hội đoàn của họ vào tổ chức thanh niên cộng sản: hội đoàn này đúng ra đã bị giải tán từ ngày 13 tháng giêng năm 1997, trong lúc cuộc hội thảo lần thứ năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (của chính phủ) đang diễn tiến [note 19] [xem ghi chú số 19].

 

          Biện pháp trên đây đã gây ra các phản ứng cực mạnh trong Phật giáo Thống nhất nhằm mục đích chống lại một hội đoàn đang trên đà phát triển (tức là Giáo hội Nhà nước). Trong thời điểm mà người ta tìm cách làm cho nó (Tổng hội Phật giáo Thống nhất) biến mất thì trong hàng ngũ của phong trào này người ta đếm được 300.000 thành viên từ 6 đến 18 tuổi (các em thiếu nhi và vị thành niên cùng sinh hoạt với nhau như trong một gia đình chung). Ngay cả thống kê do chính quyền đưa ra cũng xác nhận là 60% trong số đó là những người trẻ từ 15 đến 16 tuổi (các em ở tuổi vị thành niên). Phong trào đó từng là ụ đất (butte / hillock / mô đất) chống lại (ostracism / tẩy chay, chận đứng) uy quyền Nhà nước ngay từ lúc vừa mới thay đổi chế độ tại miền Nam Việt Nam. Phong trào đó bị Giáo hội chính thức (Giáo hội Nhà nước) gạt sang một bên khi vừa được thành lập năm 1981, tuy nhiên và dầu sao đi nữa thì phong trào cũng đã thành công trong việc tạo ra cho mình một sức kiên trì mới; sự đổi mới đó [của phong trào] không phải là chính quyền không biết đến, [bởi vì] chính quyền luôn theo dõi phong trào này rất cẩn thận. Từ lúc mới được sáng lập, phong trào luôn tôn trọng các chủ đích đơn thuần tín ngưỡng và đồng thời gia nhập vào Ủy ban thanh niên trong sơ đồ tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thế nhưng các thành viên thì sinh hoạt trong một khung cảnh hoàn toàn tự trị.

 

          Sự hồi sinh của phong trào trên đây hiện ra với nhiều người như là một phương thuốc chống lại tình trạng ngày càng suy thoái của hệ thống giáo dục công cộng trong nước. Phong trào cũng nêu lên cho thấy các mối quan tâm mới mẻ hơn của tuổi trẻ ngày càng tách ra khỏi các lý tưởng chính thức (của Nhà nước). Chính vì vậy nên ngay từ năm 1995, một dự án nhằm khai trừ phong trào này đã được hoạch định: ngày 3 tháng ba cùng trong năm đó, một nghị định của Ban Tôn giáo (N° 1-TT-TGCP) giao phó cho Giáo hội Nhà nước trách nhiệm bắt phong trào này phải chọn cho mình một tên gọi khác là "Các Phật tử trẻ tuổi nam và nữ" ("Jeunes hommes et femmes bouddhistes") (Nam Nữ Phật tử). Một năm sau đó, một văn kiện do Ủy ban trung ương của tổ chức Thanh niên Cộng sản yêu cầu các vị chức trách hãy khởi động ngay một chương trình tuyên truyền nhắm vào tất cả mọi tầng lớp trong phong trào Phật giáo, với chủ đích đưa các thành viên của phong trào này quay về với lý tưởng của Đảng và biến Hội đoàn thanh niên Phật giáo (của Giáo hội Phật giáo Thống nhất) trở thành một tổ chức lệ thuộc (satellite / bù nhìn, dưới quyền, tay sai) của tổ chức Thanh niên Cộng sản.   

 

          Vào dịp hội thảo của Giáo hội Phật giáo Nhà nước tổ chức vào tháng mười một 1997, chính quyền gia tăng thêm áp lực đối với Phật giáo Thống nhất. Trong cuộc hội thảo này và nhằm vào mục đích gia tăng áp lực trên đây, vị giám đốc Ban Tôn giáo là Lê Quang Vịnh tuyên bố như sau: "Chỉ có một tổ chức hợp pháp duy nhất được chính phủ thừa nhận, đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tất cả mọi cá thể, mọi tổ chức mang danh nghĩa Phật giáo, sinh hoạt bên ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoặc trái với hiến chương và các quy tắc quy định bởi Giáo hội đó sẽ bị xem là bất hợp pháp, và sẽ dứt khoát bị thanh trừng" [note 20] [xem ghi chú số 20].

 

          Cũng vào dịp này, Hiệp hội tu sĩ bảo vệ Dharma (Đạo Pháp) (một Hội đoàn ủng hộ Giáo hội Phật giáo Thống nhất) [note 21] [xem ghi chú số 21] gửi sang Pháp một phúc trình nêu lên những lời chỉ trích thật sâu sắc về phương pháp điều hành của Giáo hội Nhà nước. Bản phúc trình cũng thuật lại là từ nhiều tháng trước khi bắt đầu cuộc hội thảo của các tu sĩ và các thành viên trong "Gia đình Phật tử" được tổ chức tại các chùa [note 22] [xem ghi chú số 22], thì công an Việt Nam đã bắt đầu phát động một chiến dịch hăm dọa những ai không tùng phục Ban Tôn giáo [Nhà nước] và không gia nhập vào Giáo hội chính thức.

 

          Phúc trình trên đây của những người Phật giáo ly khai trách cứ Phật giáo Nhà nước cố tình tạo ra tình trạng bất quân bình trầm trọng trong cấu trúc theo truyền thống lâu đời của tập thể Phật giáo [note 23] (xem ghi chú số 23). Phúc trình này nhấn mạnh đến một sự kiện quan trọng là theo truyền thống từ xưa đến nay thì trong toàn bộ tập thể Phật giáo - tất cả các giáo phái Phật giáo Việt Nam nói chung - gồm có bốn giới (quatre ordres / four orders / bốn dòng, bốn tập thể) hay bốn đoàn thể là: các nhà sư, các ni sư, các cư sĩ nam và nữ giới (tức là những người tuy chọn cuộc sống tu hành nhưng vẫn sống trong khung cảnh gia đình). Thế nhưng từ 16 năm nay, Giáo hội mới (của Nhà nước) hành xử như là chỉ có hai tập thể đầu tiên (các nhà sư và các ni sư). Đối với các cư sĩ nam và nữ, thì hiến chương không hề quy định cho họ bất cứ một trách vụ nào trong sự sinh hoạt chung của Giáo hội.

 

          (Người cư sĩ Phật giáo giữ một vai trò thật tích cực trong gia đình và cả bên ngoài xã hội. Ngoài các công tác từ thiện, người cư sĩ còn là tấm gương đạo đức, là giềng mối của một xã hội Phật giáo chân thật và ngay thẳng. Người xuất gia vạch ra cho người cư sĩ một con đường, người cư sĩ giúp người xuất gia tồn tại để cùng bước đi với mình trên con đường đó. Bốn giới đó cùng với nhau bước đi trên con đường đó, họ không giết hại ai cả, kể cả các sinh vật nhỏ bé; họ không tham nhũng, không vơ vét của cải của kẻ khác; họ không nói dối và phỉnh gạt ai cả; họ không dâm đãng; họ không say sưa với sự "hung bạo" và chạy theo các thứ "ma túy" điên rồ).

 

          Gạt bỏ hai giới cư sĩ, nam và nữ, cũng chẳng khác gì như biến Phật giáo trở thành một tổ chức trống rỗng, chỉ gồm các nam và nữ tu sĩ, nhưng không một bóng dáng nào của người cư sĩ. Bản phúc trình cũng nêu lên hàng trăm chuyện khác nữa, phần lớn liên quan đến chùa chiền của Tổng hội Phật giáo Thống nhất trên toàn lãnh thổ, nhất là tại các tỉnh miền Trung Việt Nam và các vùng Cao nguyên. 

 

6) Tình trạng ngày nay

 

          Dầu sao đi nữa thì trong những năm gần đây, sự nhiệt thành về tín ngưỡng cũng thấy hồi sinh khá rõ nét trên đất nước Việt Nam, điều đó không khỏi khiến các vị chức trách Nhà nước phải thận trọng hơn đối với các hành vi đàn áp của họ. Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ muốn làm dịu bớt tình trạng căng thẳng giữa một bên là những người Phật giáo Thống nhất (Giáo hội ly khai) và một bên là những người trong chính quyền dân sự đứng ra lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam (các cán bộ chỉ đạo dân sự nằm trong guồng máy điều hành của Giáo hội Nhà nước), một sự lãnh đạo thiếu chính đáng và cũng đã bị Phật giáo Thống Nhất phủ nhận. Một số các sự kiện xảy ra làm gia tăng thên sự bực tức của chính quyền đối với Tổng hội Phật giáo Thống nhất, chẳng hạn như khi Tổng hội này cương quyết không thỏa hiệp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một thành phần của Mặt trận Tổ quốc được bảo trợ bởi nhà Nước.    

 

          Trong số các sự kiện xảy ra trên đây, thiết nghỉ cũng cần nêu lên một điều là ban tổ chức cuộc hội thảo lần thứ tám của Giáo hội Phật giáo Thống nhất tại California (tại Hoa Kỳ) vào tháng năm 1999, đã bổ nhiệm một số vị mới, điều chỉnh lại việc quản lý của Giáo hội và gửi các phái đoàn tiếp tế các vùng bị thiệt hại vì các trận bão lụt gần đây, hoặc nêu lên một số phản ứng công khai (interventions publiques / public intercessions) đối với chính phủ về các vấn đề tôn giáo, chẳng hạn như vị trụ trì Thích Huyền Quang trong tình trạng bị quản thúc, gửi thư lên chính phủ vào dịp 30 tháng tư năm 2000 đề nghị - ngoài một số các sự việc khác - hãy biến ngày giải phóng Sai-gòn thành ngày hối lỗi (pénitence / atonement, ăn năn, ân hận, quốc hận) và đau buồn (deuil / bereavement / tang thương). Vì vậy, Ban Tôn giáo (tại Việt Nam) đã phải gia tăng áp lực nhằm lôi kéo các tu sĩ và Phật tử đứng vào hàng ngũ của Giáo hội chính thức.   

 

          Chính vì vậy mà nhiều vị tu hành trong Giáo hội Phật giáo Thống nhất bị công an đến viếng và tra hỏi về các vấn đề thời sự nóng bỏng. Ngày 1 tháng sáu năm 2001, có lệnh quản thúc trong hai năm Ngài Thích Quảng Độ, là vị đứng đầu Viện Hóa Đạo và đứng thứ nhì trong Giáo hội Phật giáo Thống nhất, bản án này cũng chỉ là bản án được ghép thêm vào 18 năm tù mà vị tu hành 78 tuổi vừa mới trả xong. Tất cả cũng chỉ vì Thích Quảng Độ đã lên tiếng kêu gọi hãy thực hiện một nền dân chủ cho đất nước Việt Nam. 

 

          Thế nhưng chế độ [Cộn sản] kiểm soát xã hội quá sức chặt chẽ khiến không thể nghĩ rằng một sự biến động nào có thể xảy ra được. Nhất quyết không để xảy ra bất cứ một sự sơ hở nào trong chích sách tập quyền của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng nêu lên quyết tâm nắm giữ trong tay toàn bộ số phận của nước nhà và kiểm soát một thành phần quan trọng trong xã hôi dân sự, tức là các tập thể tôn giáo. Thế nhưng, nền kinh tế thị trường theo đường hướng mà Đảng chủ trương, phải chăng [và thật ra] cũng chỉ là cách khiến ý thức hệ cộng sản trở thành vô nghĩa, hoặc ít ra thì cũng chỉ là một cái gì đó không thực hiện được (bản chất là cộng sản tức là của chung, thế nhưng thực chất thì lại là một hình thức tư sản và mại bản hoàn toàn thả lỏng, phi luật pháp và phi nhân bản). Sự pha loãng của ý thức hệ cộng sản không tránh khỏi đưa đến một sự khủng hoảng trên phương diện pháp lý (légitimité / sự hợp pháp), điều đó khiến Nhà nước và Đảng ngày càng phải vay mượn các hình thức hợp pháp của tín ngưỡng để đưa vào chế độ chính trị (tìm cho mình một sự chính đáng nào đó bằng cách nấp vào phía sau các màu mè của tôn giáo), trong khi đó thì dân chúng, trong đó gồm có cả các thế hệ trẻ, ngày càng quay về với tôn giáo để tìm lại cội rễ tâm linh và lấp đầy khoảng trống của đạo đức và trí tuệ (một câu nói và cũng là một sự nhận xét vô cùng tinh tế và sắc bén, xin bái phục một nhà sử học Việt Nam tại nước ngoài).  


          Sự kiểm soát của Nhà nước đối với các trào lưu tín ngưỡng càng trở nên cấp bách hơn trước, chẳng qua là vì Nhà nước vẫn cứ muốn hợp pháp hóa uy quyền của mình dựa vào các tổ chức tôn giáo trung thành với mình trên phương diện chính trị, thay vì chấp nhận mọi sự rủi ro qua phương cách đối đầu với sự ly khai chính trị của các tập thể tín ngưỡng độc lập. Dầu sao thì tổ chức Phật giáo cũng hàm chứa một khả năng tác động rộng lớn hơn nhiều
(so với chủ thuyết cộng sản), trong lúc quảng đại quần chúng và khả năng điều động của tổ chức đó cũng có thể sử dụng tín ngưỡng như là một phương tiện chống đối tạo ra cho Sangha (Tăng đoàn) cả một tiềm năng sức mạnh.

 

          Phong trào phản kháng của Phật giáo trong thập niên vừa qua nhất định không phải là chỉ đơn thuần mang tính cách tín ngưỡng mà còn liên kết với các yêu sách chính trị và xã hội. Cảm tính thất vọng và bất bình lan rộng đưa đến một sự ủng hộ ngày càng gia tăng đối với Giáo hội ly khai của Phật giáo Thống nhất, phải chẳng điều đó sẽ không tránh khỏi làm lung lay trầm trọng sự vững chắc của chế độ hay sao? Bởi vì, nếu cứ phó mặc cho chính sách đổi mới (tự do kinh tế, phi luật pháp và phi nhân bản), thì dân chúng nơi đô thị không công ăn việc làm, không nhà cửa, những người nông dân mất ruộng, các dân tộc thiểu số bị ức hiếp, biết đâu cũng có thể tạm thời đứng về phía những người trí thức ly khai qua sự điều động của Tăng đoàn trong Giáo hội đó, khiến chế độ cộng sản phải đối đầu với một sự chống đối khó tránh khỏi ngày càng trầm trọng hơn. Nếu các tu sĩ không tuần phục ngày càng trở thành các phát ngôn viên tố cáo các sự ngược đãi đối với các nhóm người trên đây (thợ thuyền thất ngiệp, những kẻ không nhà, nông dân mất ruộng) trong xã hội, thì kịch bản đó quả không sao tránh khỏi.     

 

Các quy chiếu và ghi chú

 

            Các quy chiếu dưới đây đôi khi cũng được ghép thêm vài lời giải thích của tác giả, do vậy người chuyển ngữ cũng mạn phép lược dịch các quy chiếu cùng các lới ghi chú này, với hy vọng giúp độc giả có thêm đôi chút ý niệm nào đó về các tư liệu dẫn chứng do tác giả đưa ra. Sau hết người chuyển ngữ cũng xin độc giả lưu ý về một số thuật ngữ tiếng Việt trong bản chuyển ngữ từ bản gốc tiếng Pháp này có thể không được hoàn toàn trung thực với các thuật ngữ nguyên gốc bằng tiếng Việt trước khi được tác giả Nguyễn Thế Anh dịch sang tiếng Pháp, vì vậy trong các trường hợp này xin độc giả sẵn lòng thứ lỗi cho người chuyển ngữ.    

 

            Note 1 : Hanoi, Maison des Editions religieuses, 2001, 673 p. L'ouvrage décrit l'organigramme de la hiérarchie bouddhique avec le Sangha central et son conseil exécutif composé de neuf bureaux (Propagation du Dharma, Education, Culture, Activités sociales, Affaires monastiques, Economie monastique, Direction des laïcs, Affaires bouddhistes internationales, et Etudes bouddhiques) ; les chapitres provinciaux (14 Sanghas provinciaux et municipaux) ; les associations et leurs activités ; les divers services de l'Eglise bouddhique : écoles (trois instituts bouddhiques et 25 écoles de base qui dispensent leur enseignement à près de 3 000 candidats à l'engagement religieux dans les pagodes), établissements caritatifs, etc. ; les pagodes et les temples avec leur adresse et téléphone.  

            Ghi chú  [1]: Hà Nội, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2001, 673 tr. Trong sách có nêu lên biểu đồ hệ thống các cấp bậc lãnh đạo thuộc Tăng đoàn trung ương và Hội đồng cố vấn điều hành gồm tất cả chín Ban (Hoằng Pháp, Giáo dục, Văn hóa, Xã hội, Tăng sự, Tài chính, Cư sĩ, Giao dịch quốc tế, và Nghiên cứu Phật giáo); các chương nói về các tỉnh lỵ (gồm 14 Tăng đoàn thuộc cấp tỉnh và thị xã); các hội đoàn và sự sinh hoạt; các cơ quan dịch vụ của Giáo hội Phật giáo; các trường học (gồm  ba viện Phật học và 25 trường học cấp sơ đẳng, phụ trách việc giảng dạy cho gần 3000 thí sinh tự nguyện sẽ xuất gia nơi chốn chùa chiền); các cơ sở từ thiện, v.v.; các ngôi chùa và và đền miếu kèm theo địa chỉ và số điện thoại của các nơi này.

 

            Note 2 : La Congrégation du Sangha du Bouddhisme theravâda du Vietnam (Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Viêt Nam) fut formellement établie en 1957, avec pour supérieur (Sangharaja) le Vénérable Hô Tông (voir Thich Dông Bôn, Tieu su danh tang Viêt Nam thê ky XX., Thanh Hôi Phât Giao TP Hô Chi Minh, 1996, pp. 629-634). En 1997, on  compte au Vietnam 64 temples theravâdin, dont 19 dans les environs de Saïgon.  

            Ghi chú  [2]: Tổng hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam (La Congrégation du Sangha du Bouddhisme theravâda du Vietnam) được chính thức thành lập năm 1957, vị lãnh đạo (Sangharaja) là Ngài Hộ Tông (xem Thích Đồng Bổn, Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh, 1996, tr. 629-634). Năm 1997, tại Việt Nam có 64 ngôi chùa Theravadin, trong số này 19 chùa tọa lạc trong vùng Saigon.

 

            Note 3 : Il s'agit de l'ordre Tang Gia Khât Si fondé en 1944 par le Maître Minh Dang Quang au Sud Vietnam, et qui représente un amalgame unique de bouddhisme mahâyâna et de bouddhisme theravâda (cf. Thich Dông Bôn, op. cit., pp. 263-269).  

            Ghi chú [3]: Tức là là trường phái Tăng Già Khất Sĩ thành lập năm 1944 tại miền Nam Việt Nam, người sáng lập là Thầy Minh Đăng Quang. Trường phái này biểu trưng cho một hình thức tổng hợp duy nhất gồm chung Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Theravâda (xem Thích Đồng Bổn, đã trích dẫn trên đây, tr. 263-269).   

 

            Note 4 : Tap Chi Công San, n° 6, 2000, pp. 11-13. Sont considérés comme bouddhistes aussi tous ceux qui vont occasionnellement à la pagode et les fidèles du bouddhisme Hoa Hao, qui selon le propre comptage de la secte seraient au nombre de 2 millions.  

            Ghi chú [4]: Tạp chí Cộng sản, số 6, năm 2000, tr. 11-13. Những người chỉ thỉnh thoảng đến chùa và các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, tất cả đều được xem là những người Phật giáo, và theo thống kê do chính Phật giáo Hòa Hảo đưa ra thì số tín đồ của giáo phái này là 2 triệu người.

 

            Note 5 : Ce décret réaffirme en fait les dispositions du décret n° 69/HDBT du 21 mars 1991 du Conseil des Ministres.  

            Ghi chú  [5]: Nghị định này thật ra chỉ là để xác nhận thêm một lần nữa nghị định số 69/HDBT ngày 21 tháng ba 1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

 

            Note 6 : Comme le précisent les directives N° 379/TTg du chef du gouvernement, publiées le 23 juillet 1993 et destinées à remédier à un certain nombre d'insuffisances constatées dans l'application du précédent décret en matière religieuse, le décret n° 69/HDBT du 21mars 1991.  

            Ghi chú [6]: Cũng như trường hợp trên dây, chỉ thị số 379/TTg của Thủ tướng Chính phủ, công bố ngày 23 tháng bảy 1993, là nhằm chủ đích sửa chữa lại một vài thiếu sót được nhận thấy trong khi áp dụng nghị định trước đó về chủ đề tín ngưỡng, tức là nghị định số 69/HDBT ngày 21 tháng ba 1991.

 

            Note 7 : L'article 9 réservé au Front de la Patrie dans la Constitution de 1992 vient d'être amendé (résolution adoptée par l'Assemblée nationale le 13 décembre 2001) pour le présenter sous un jour plus démocratique, comme une organisation d'alliance politique, une union volontaire « des organisations sociopolitiques, des diverses couches sociales, des ethnies, des religions et des Vietnamiens à l'étranger ».  

            Ghi chú  [7]: Điều khoản 9 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc nêu lên trong Hiến Pháp 1992 vừa mới được tu chỉnh (nghị quyết được chấp thuận bởi Quốc hội ngày 13 tháng mười hai 2001) là để đưa ra vào một ngày nào đó dân chủ hơn, dưới hình thức một tổ chức liên kết chính trị, một sự kết hợp tự nguyện dưới hình thức "các tổ chức liên minh trong lãnh vực xã hội và chính trị (sociopolitique)" giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội, các sắc tộc và các tín ngưỡng khác nhau, và cả những người Việt Nam tại nước ngoài".

 

            Note 8 : Les autorités civiles ne se sont préoccupées de donner un statut légal au caodaïsme qu'en 1995 et de reconnaître légalement la communauté Hoa Hao qu'en 1999. Pourtant, le caodaïsme et le bouddhisme Hoa Hao sont comptés avec le bouddhisme et le catholicisme parmi les quatre principales religions du Vietnam.  

            Ghi chú [8]: Chính quyền dân sự chỉ bắt đầu nghĩ đến việc ban cho đạo Cao Đài một quy chế hợp pháp kể từ năm 1995, và chỉ thừa nhận chính thức tập thể (Tăng đoàn) Hòa Hảo vào năm 1999. Tuy nhiên, đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo vẫn được xếp chung với Phật giáo và Ki-tô giáo, và được xem là bốn tôn giáo chính của Việt Nam.

 

            Note 9 : Voir, entre autres, Nguyên Thê Anh, « L'engagement politique du bouddhisme au Sud-Vietnam dans les années 1960 » in :, (Bouddhismes et sociétés asiatiques. Clergés, sociétés et pouvoirs). Paris, L'Harmattan, 1990, pp.111-124.    

            Ghi chú [9]: Xem bài viết của Nguyễn Thế Anh, mang tựa: "Sự dấn thân của Phật giáo tại miền Nam Việt Nam trong những năm 1960" / "L'engagement politique du bouddhisme au Sud-Vietnam dans les années 1960", trong số các bài của các tác giả khác là Alain Forest, Eiichi Kato, Léon Vandermeersch, các bài này cùng đăng chung trong một quyển sách mang tựa: "Bouddhismes et sociétés asiatiques. Clergés, sociétés et pouvoirs / [Các tông phái]Phật giáo và các xã hội Á châu. Giới tăng lữ, xã hội và chính quyền. Paris, nxb L' Harmattan, 1990, tr. 111-124.

 

            Note 10 : Avant 1975 au Sud-Vietnam, le bouddhisme gérait l'université Van Hanh de Saïgon, fréquentée par 5 000 étudiants y poursuivant des études religieuses et profanes, 25 instituts d'études bouddhiques, 200 écoles secondaires et primaires (Bô Dê), avec 100 000 élèves et 2 000 enseignants.  

            Ghi chú  [10]: Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, Phật giáo ngoài việc điều hành viện đại học Vạn Hạnh tại Sài-gòn với 5.000 sinh viên theo học các chuyên khoa liên quan đến tôn giáo và cả thế tục, ngoài ra còn quản lý 25 viện nghiên cứu Phật học, 200 trường trung và tiểu học (các trường Bồ Đề), với 100.000 học sinh và 2.000 giáo viên.

 

            Note 11 : Ambiguïté personnifiée en particulier par l'une des figures de proue de ce bouddhisme, Thich Tri Quang, qui prétendait agir au nom de la non-violence, mais dont le pouvoir reposait sur la menace implicite de la violence).  

            Ghi chú [11]: Một tình trạng nước đôi (ambiguity / lắt léo, mập mờ) được nhân cách hóa bởi một nhân vật đứng đầu là Thích Trí Quang, tự nhận là chủ trương bất bạo động, thế nhưng chính quyền thì lại cho rằng thái độ đó của ông là một sự đe dọa mang ẩn ý bạo lực.

 

            Note 12 : Né Dâng Phuc Tuê le 27 novembre 1928 dans la province de Thai Binh, ce religieux était venu dans le Sud lors de la vague des départs de 1954.  

            Ghi chú [12]: Tên khai sinh của vị này là Đặng Phúc Tuệ, sinh ngày 27 tháng mười hai 1928 tại tỉnh Thái Bình, vào Nam theo phong trào di cư năm 1954.

 

            Note 13 : Jean Maïs, « 1975-1985: Dix ans de relation entre l'Eglise et l'Etat au Vietnam », Duong Moi La voie nouvelle, (Paris), n° 6, 1987,pp. 191-243.  

            Ghi chú  [13]: [Tác giả] Jean Maïs, [bài viết]: "1975-1985: Dix ans de relation entre l'Eglise et l'Etat au Vietnam" / "1975-1985: Mười năm liên hệ giữa Giáo hội và Chính quyền Việt Nam", [tập san] Đường Mới La Voix Nouvelle, (Paris), số 6.

 

            Note 14 : Il rejoignit le Front de libération lors de l'offensive des troupes du Nord Viêt-Nam au nouvel an de 1968 et participa à l'Alliance des forces nationales pour la démocratie et la paix en qualité de vice-président, le président étant l'avocat Trinh Dinh Thao.  

            Ghi chú [14]: Vị này (Thích Đôn Hậu) từng tham gia Mặt trận Giải phóng trong cuộc tấn công của các đạo quân Miền Bắc Việt Nam vào dịp Tết [Mậu Thân] năm 1968 và cũng từng tham gia Liên Minh các Mặt Trận Dân Tộc vì Dân Chủ và Hòa Bình với tư cách là phó chủ tịch, và vị chủ tịch là luật sư Trịnh Đình Thảo.

 

            Note 15 : La nouvelle Eglise se donna un organe de presse officiel avec la revue Giac Ngô (l'Eveil).  

            Ghi chú [15]: Giáo hội mới (Giáo hội Nhà nước) tự thiết lập cho mình một cơ quan báo chí chính thức qua tạp chí Giác Ngộ (l' Éveil).

 

            Note 16 : Avant sa mort, Thich Dôn Hâu avait, en sa qualité de patriarche de la Congrégation du bouddhisme unifié, lancé en octobre 1991 un appel aux bouddhistes d'outre-mer de se réunifier sous la bannière de la Congrégation.  

            Ghi chú [16]: Trước khi qua đời Thích Đôn Hậu với tư cách là Tăng Thống (patriarche / vị trưởng lão, vị đứng đầu, vị lãnh đạo) của Giáo hội Phật giáo Thống nhất, từng đưa ra năm 1991 lời kêu gọi những người Phật giáo hải ngoại hãy đoàn kết dưới là cờ của Giáo hội. 

 

            Note 17 : Pour leur part, les dirigeants de l'Eglise d'Etat réunis en congrès à Hanoi les 3, 4 et 5 novembre 1992 ont multiplié les signes d'allégeance et ont souligné l'harmonie existant entre les idéaux du bouddhisme et ceux du socialisme. A l'issue du congrès, le vénérable Kim Cuong Tu, vice-président de l'Eglise bouddhique, a insisté sur la légitimité de son Eglise fondée en 1981, déclarant que cette dernière était résolue à concentrer sous son autorité centrale la totalité du réseau des établissements d'éducation bouddhique de niveau secondaire ou supérieur. Selon lui, au cours de ce troisième congrès placé sous le signe du Dharma, de la nation et du socialisme, les délégués ont appelé les croyants « à consolider et à renforcer leur confiance dans le Parti et l'Etat socialiste qui poursuivent une politique correcte à l'égard de toutes les religions ».  

            Ghi chú  [17]: Về phần họ thì các vị lãnh đạo Giáo hội Nhà nước trong cuộc hội thảo vào các ngày 3, 4 và 5 tháng 11 1992 tại Hà Nội, đã liên tiếp cho thấy các dấu hiệu phản ảnh sự trung thành (allégeance / allegiance) của mình [đối với Nhà nước] và nhấn mạnh đến sự hài hòa tự nhiên giữa các lý tưởng Phật giáo và các lý tưởng chủ nghĩa xã hội (nêu lên câu này thì quả đúng là "điếc không sợ súng"). Sau cuộc hội thảo đó, Ngài Kim Cương Tử (1914 - 2001), phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo (Nhà nước) từng nhấn mạnh đến tính cách hợp pháp của Giáo hội thành lập năm 1981 (thành lập bởi một đại hội tổ chức từ ngày 4 đến 7 tháng mười một 1981), và tuyên bố rằng giáo hội này sẽ cương quyết gộp chung dưới uy quyền trung ương của mình toàn bộ hệ thống các cơ sở giáo dục Phật giáo thuộc các cấp trung học và đại học. Theo vị này, thì trong cuộc hội thảo lần thứ ba dưới danh nghĩa "Dharma (Đạo Pháp), Nhà nước và Xã hội chủ nghĩa", thì các đại biểu đều kêu gọi các tín đồ hãy "đoàn kết và gia tăng lòng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong chủ đích theo đuổi một đường hướng chính trị đúng đắn đối với tất cả các tôn giáo".    

 

            Note 18 : L'organe de l'Eglise officielle, Giac Ngô, a même intitulé le compte rendu de ce procès « le procès des saboteurs de la politique d'union » et a repris sans commentaire la liste des crimes soi-disant perpétrés telle qu'elle avait été exposée par l'accusation.  

            Ghi chú [18]: Cơ quan [phát ngôn] của Giáo hội chính thức, tức là tạp chí Giác Ngộ, đã gọi đích danh bản phúc trình này là "cáo trạng tố giác những kẻ phá hoại nền chính trị đoàn kết" và lập lại, nhưng không bình luận gì cả, toàn bộ danh sách các tội trạng được xem là phạm pháp do bảng cáo trạng đưa ra.     

 

            Note 19 : Eglises d'Asie, n° 240, 01/04/1997.  

            Ghi chú [19]: [Tập san] "Eglises d' Asie" / "Các Giáo hội Á Châu", số 240, ngày 01/04/1997, (tên gọi tắt của tập san này là EDA, là cơ quan tuyền thông của Hội Thừa Sai Paris). 

 

            Note 20 : Eglises d'Asie, n° 260, 01/03/1998.  

            Ghi chú [20]: [Tập san] "Eglises d' Asie" / "Các Giáo hội Á châu", số 260, ngày 01/03/1998.

 

            Note 21 : Organisation qui s'est donné pour objectif la défense de la Congrégation du bouddhisme unifié.  

            Ghi chú [21]: Một tổ chức tự nhận là mang chủ đích ủng hộ Tổng hội Phật giáo Thống Nhất.

 

            Note 22 : (En septembre 2001encore, Hô Tân Anh, dirigeant du Mouvement de la Jeunesse bouddhiste du Vietnam du Centre, devait s'immoler par le feu pour protester contre les restrictions imposées sur son groupe).  

            Ghi chú [22]: Tháng năm 2001, người lãnh đạo Phong trào Thanh niên Phật tử miền Trung là Hồ Tấn Anh tự thiêu để phản đối các biện pháp cấp đoán đối với phong trào Thanh niên của mình.

 

            Note 23 : Eglises d'Asie, n° 254, 1/12/1997.  

            [23]: [Tập san]: "Eglises d' Asie" / "Các Giáo hội Á châu", số 254, ngày 01/12/1997. 

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

          Thiết nghĩ bài viết của Giáo sư Nguyễn Thế Anh trên đây thừa đủ mang lại cho chúng ta một ý niệm nào đó về tình trạng Tăng đoàn Phật giáo trong khung cảnh chính trị khá phức tạp và mất hết ý nghĩa và lý tưởng trên dải đất Việt Nam ngày nay. Vì vậy, người chuyển ngữ nghĩ rằng không cần phải ghi chú thêm một điều gì nữa cả, mà chỉ mạn phép gợi ý là dù đứng ở vị trí nào, hướng vào một tầm nhìn nào, bước theo một tín ngưỡng nào, thì thiết nghĩ chúng ta cũng nên nhìn trở lại chính mình, qua các hành động và sự suy nghĩa của mình, để tự ý thức bổn phận và trách nhiệm của mình đối với dân tộc trên một quê hương chung, đang trong tình trạng bất định hướng trên mọi phưong diện: từ truyền thống, tín ngưỡng, chính trị, xã hội cho đến nhân phẩm con người nói chung.

 

          Như đã nói đến trong phần mở đầu, chúng ta sẽ trở lại với vài hàng về tiểu sử của Giáo sư học giả Nguyễn Thế Anh. Ông tốt nghiệp thạc sĩ vể sử học năm 1963 và trở thành giáo sư giảng dạy về lịch sử. Trong thời gian chiến tranh ông từng xuất bản mười quyển sách về sử học, và giữ chức vụ Viện trưởng Viện đại học Huế từ 1966 đến 1969, và sau đó là Trưởng ban Sử học tại Đại học Văn khoa Sài-gòn từ năm 1969 đến năm 1975, trước khi rời Việt Nam sang Pháp vào những ngày cuối tháng tư năm 1975.

 

          Tại Pháp ông tham gia Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học (Centre National de la recherche scientifique / CRNS) từ năm 1976 đến 1991, bắt đầu với tư cách là một khảo cứu gia và sau đó với chức vụ giám đốc khảo cứu. Trong thời gian này, ông từng được mời sang Singapore trong một chương trình nghiên cứu chung về Đông Nam Á, và cũng đã được đại học Harvard mời sang Mỹ với tư cách giáo sư thỉnh giảng (từ tháng giêng đến tháng sáu 1978). Năm 1987 ông đệ trình luận án tiến sĩ quốc gia tại đại học Sorbonne. Năm 1991 ông được đề cử chức vụ giám đốc khảo cứu của Trường Đại học Chuyên ngành về các Nghiên cứu sâu rộng (École pratique des hautes études / EPHE).Tại đây ông giảng dạy về Lịch sử Đông Nam Á, và cùng lúc điều khiển Trung tâm Nghiên cứu về Lịch sử và nền văn minh của Bán đảo Đông Dương / Centre d' Histoire et de civilisation de la péninsule indochinoise, một phân khoa của Trung tâm Khảo cứu Khoa học (CNRS). Trong thời gian này ông từng hướng dẫn nhiều khảo cứu gia soạn thảo luận án tiến sĩ về sử học, ngày nay họ là các sử gia, học giả và chuyên gia nổi tiếng về Đông Nam Á và Việt Nam.

 

          Ông qua đời tại miền Nam nước Pháp ngày 19 tháng ba 2023 vừa qua khi vửa bước vào tuổi 87. Ông đã để lại cho chúng ta một gia tài đồ sộ gồm 120 đầu sách và bài viết vô cùng giá trị.

 

          Trên đây là tóm lược ngắn gọn tiểu sử của Ông dựa vào các trang mạng tiếng Pháp, nhưng không căn cứ vào các trang mạng tiếng Việt nhằm mục đích tránh mọi định kiến và quan điểm nếu có dù là theo chiều hướng nào. Ngoài ra cũng có rất nhiều sử gia, học giả, cùng các bạn hữu và các cựu sinh viên của ông tại Pháp viết lời tưởng niệm và vinh danh ông trên báo và các trang mạng. Độc giả có thể gõ các chữ "sử gia Nguyễn Thế Anh" hoặc "Giáo sư Nguyễn Thế Anh" vào một công cụ tìm kiếm trên mạng sẽ tìm thấy rất nhiều trang mạng tiếng Việt nói về ông, hoặc gõ các chữ "Historien Nguyên The Anh" thì sẽ tìm thấy nhiều trang mạng bằng tiếng Pháp nói về ông. Ngoài ra cũng có một trang mạng sưu tập các trang mạng khác cùng các lời tưởng niệm và các bài viết vinh danh ông: https://indomemoires.hypotheses.org/39814

 

          Trên đây là trường hợp của một nhân tài Việt Nam nơi xứ người. Thế nhưng cũng có những con người bình dị hơn, gần gũi với chúng ta hơn. Dù ra đi thế nhưng họ vẫn ôm ấp một chút gì đó của quê hương và dân tộc trong tâm hồn và con tim họ. Trong phần phụ lục dưới đây sẽ thuật lại câu chuyện của một cô bé tị nạn 11 tuổi và một cậu bé thuyền nhân 4 tuổi, cả hai không quên nguồn gốc và cả quê hương mình.

                                                                                         

Phụ Lục

 

Chùa và tượng Phật...,

Giữa một ngôi làng nhỏ bé của nước Pháp,

thế nhưng cứ ngỡ rằng mình đang ở trên đất nước Việt Nam

 

(Pagode, statues de Bouddha… Dans ce petit village français,

on se croirait presque au Vietnam)

 

Mục tin bốn phương: người đưa tin Gautier DEMOUVEAUX

Hoang Phong chuyển ngữ

 Tang-Doan-PG-000


 

          Vào dịp hè năm nay, tờ báo xuất bản vào buổi chiều (báo Ouest-France, một tờ nhật báo địa phương trong vùng phía Tây) sẽ đưa các bạn lần theo các nẻo đường của nước Pháp để khám phá ra những nơi mang ảnh hưởng từ các nước ngoài. Trong chuyến du ngoạn thứ ba này chúng ta sẽ cùng hướng về phía quận lỵ Allier (trung tâm nước Pháp) để viếng một ngôi làng nhỏ bé mang dáng vẻ Á-châu trong thị xã Bourdonnais.

 

          Thu mình trong một thung lũng xanh tươi, Noyan-d'Allier là một ngôi làng mang những nét tiêu biểu của vùng Auvergne, với các nông trại vách ván chen lẫn với tường gạch và cả tường đất nhồi rơm, và một ngôi nhà thờ với chính điện xây cất từ thế kỷ XII, tất cả nằm thâm thấp chung quanh một lâu đài sừng sững xây dựng từ thế kỷ XIV. Lâu đài (tuy đổ nát) thế nhưng vẫn còn giữ được con đường mòn tản bộ chung quanh, nhìn từ con đường này, thấp thoáng từ xa các đỉnh núi của dãy Forez, các đỉnh đồi của thị xã Bourbonnais và cả dãy núi Puys...(các ngọn núi lửa đã tắt của vùng Auvergne)...

         

          Ngoài hình ảnh cổ kính của thị xã Épinal (một nơi trong vùng Đông Bắc nước Pháp) biểu trưng cho hình ảnh [quen thuộc] của nước Pháp, thì ngôi làng Noyan trong quận lỵ Allier với 650 dân, còn có thêm một đặc điểm khác nửa, đó là sự đón nhận một ngôi chùa Phật giáo với một khu vườn mang dáng vẻ Á-châu. Trong vườn có khoảng ba mươi pho tượng Phật, trong số này có một pho tượng thếp vàng (doré / gilt / tô màu vàng ?) cao bảy thước! Thiết nghĩ bấy nhiêu cũng thừa đủ để tạo cho ngôi làng dáng dấp của một nơi nào đó thật xa xôi, đưa người viếng thăm lạc vào một khung cảnh hoàn xa lạ, thế nhưng nơi này thật ra chỉ cách thủ đô Paris hai giờ xe.

 

Tang-Doan-PG-001

Trong khu vườn của chùa có khoảng ba mươi pho tượng Phật,

trong số đó có một pho tượng thếp vàng (sơn vàng) cao bảy thước.

(Photo: Allier Bourdonnais Attractivité)

Quá khứ của ngôi làng là một vùng hầm mỏ

 

          Nếu muốn hiểu được điều kém tế nhị này (incongruité / incongruity / kém lịch sự, có nghĩa là nêu lên quá khứ không mấy huy hoàng của một ngôi làng từng là một khu hầm mỏ) thì phải tìm hiểu ngược về quá khứ thật đặc biệt của ngôi làng này. Khi Thế chiến Thứ hai bùng nổ, thì việc khai thác mỏ than, giúp dân làng sinh sống suốt 200 năm, phải đóng cửa. Sau một tai nạn xảy ra bất ngờ, thì cái hố sâu, dấu tích khai thác quặng mỏ cuối cùng trong toàn vùng thị xã Allier, đã được vĩnh viễn lấp đầy từ năm 1943. Sau chiến tranh (tức là sau Thế chiến thứ Hai) thợ thuyền gốc người Ba Lan cùng với gia đình họ kéo đến đây từ đầu thế kỷ XX khi làng thiếu nhân công, thì nay họ bắt đầu rời bỏ nơi này để tìm công ăn việc làm ở các nơi khác. Khu gia cư của thợ mỏ trở nên hoang vắng, hàng trăm ngôi nhà không người ở. Dân trong làng chỉ còn lại một nửa.  

 

Những người hồi hương từ các xứ Đông Dương

 

          Mười năm sau (tức là sau khi những người thợ mỏ Ba Lan bắt đầu rời bỏ ngôi làng Noyan), và sau khi Nước Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ, thì hiệp định Genève ký kết năm 1954, đã đánh dấu sự chấm dứt của chiến cuộc Đông Dương. Chính phủ Pháp phải cấp bách hồi hương nhân viên trong bộ máy hành chính thuộc địa cùng với gia đình họ và thêm cả một phần nhân viên gốc người Đông Dương, cùng làm việc với họ trong bộ máy hành chính đó. Ngôi làng Noyan nơi thị xã Allier lên tiếng xin được làm ứng viên đón nhận những người hồi hương và mở ra một trung tâm tiếp rước. Từ năm 1955 đến năm 1965 ngôi làng đã đón nhận 1.500 người hồi hương. Ngoài những người Campuchea, người Lào thì số còn lại gồm phần đông là các cặp vợ chồng Pháp-Việt, cùng với con cái họ. Tất cả đã phải rời bỏ châu thổ của con sông Mê-kông để đến đây, đến với cái mẩu đất nhỏ bé này của một vùng nông thôn trên đất Pháp. Họ mang theo với họ y phục cổ truyền cho đến những gì từng tạo ra sự phong phú cho nền văn hóa của họ. Dù phải đương đầu với khí hậu [khắt khe] và một nền văn hóa [xa lạ], thế nhưng sự tiếp đón thân thiện của người dân Auvergnat (người dân trong vùng Auvergne nơi trung tâm nước Pháp) phải chăng đã xoa dịu bớt các khó khăn đó của họ, giúp họ hòa nhập thật hài hòa vào xã hội.

 

Tang-Doan-PG-002

Đàn trẻ con nơi trường học của làng  Noyan d' Allier vào những năm đầu tiên của thập niên 1960

(phía sau phải chăng là cơ xưởng của khu hầm mỏ trước đây đã trở thành trường học?)

(Photo: Archive - Le petit Asie)

Một mảnh đất ân cần

                Sau khi trung tâm đón tiếp (những người hồi hương) đóng cửa vào năm 1965, thì các gia đình trên đây rời bỏ các ngôi nhà nhỏ bé của thợ mỏ để nhường lại cho các thuyền nhân (boat people), những người tị nạn chính trị bỏ chạy trước chế độ độc tài của một góc Á châu. Và đó cũng là trường hợp của một cô bé 11 tuổi là Caroline Guyenne (có thể đây là cách phát âm chữ "nguyễn" của người Pháp, mà người ký giả có ý tránh không nêu lên tên gọi quen thuộc này của người Việt Nam, bởi vì có thể gây ra các sự nhận diện nhầm lẫn chăng) ra đi với gia đình và đặt chân lên đất Pháp năm 1991. Cô bé đó sau này đã từng thuật lại như sau: "Khi vừa đặt chân lên vùng đất Lục giác (tức là nước Pháp với lãnh thổ có biên giới giống một hình lục giác) thì chúng tôi được đưa đến một trung tâm tiếp đón tại Créteil (một vùng ngoại ô, một quận lỵ bên cạnh thành phố Paris). Thế rồi một hôm có một bà từ ngôi làng Noyan đến đây để làm thông ngôn, bà đưa chúng tôi viếng ngôi làng của bà. Mẹ tôi say mê ngay nơi này, nhất là vì khung cảnh đặc biệt của ngôi làng và dân làng thì có nguồn gốc Á-châu, họ đứng ra giúp mẹ tôi làm giấy tờ. Năm sau thì chúng tôi về sống tại nơi này".    

 

Tang-Doan-PG-003

Cảnh đồng quê chung quanh ngôi làng Noyan d' Allier

(Photo : Gérard Joyon / Wikicommons)

Không khác gì một ngôi chùa tại Á Châu

 

          Ngày nay, có thể nói là một nửa số dân trong làng là những người mang hai dòng máu Âu-Á (eurasien). Tập thể những người Á-châu [trong làng] đưa ra sáng kiến xây dựng một ngôi chùa - thế nhưng phải thật giống với một ngôi chùa tại Việt Nam - và ngôi chùa này đã được xây cất năm 1983. Một khu vườn trang trí bao quanh ngôi chùa với các pho tượng Phật, với hoa sen, hoa lan, hoa mẫu đơn..., tất cả tạo cho dân làng một nơi để tìm thư giãn và thiền định.

 Tang-Doan-PG-004

Trong khu vườn của chùa có khoảng ba mươi pho tượng Phật, trong số đó có một pho tượng

thếp vàng (sơn vàng) cao bảy thước

(Photo: Allier Bourdonnais Attractivité)

          Ngôi chùa từ khi cất giữ tro hỏa táng của nhà sư Thích Trung Quán, một nhà sư được tập thể Phật giáo trên toàn thế giới biết đến, đã trở thành một nơi hành hương (nhà sư Thích Trung quán, 1918-2003, sang Pháp năm 1978, ngài là dịch giả của nhiều bộ kinh nổi tiếng). Ngôi chùa, nơi thờ phụng của Phật giáo, nay đã trở thành di sản của địa phương này, và cũng là một địa điểm du lịch đón tiếp khách viếng thăm (thế nhưng theo thông lệ thì phải cởi giày). Hàng năm có 25.000 người đến viếng. Bên cạnh chùa là một nhà hàng ăn Á châu, mang tên là Le Petit d' Asie, chủ quán là bà Caroline Guyenne (tức là cô bé 11 tuổi đặt chân lên đất Pháp năm 1991 đã được nói đến trên đây) nay đã chọn quốc tịch Pháp. [Thế nhưng] thực đơn thì lại là những món đặc biệt của xứ sở bà, và các người hầu bàn đều ăn mặc y phục cổ truyền. Bà Caroline Guyenne tự nhận mình là sứ giả của ngôi làng, khoác lên người cả hai nền văn hóa khác nhau.  

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

          Sự đón tiếp người tị nạn của một ngôi làng nhỏ bé nơi nông thôn của nước Pháp nói lên một khía cạnh nhân hậu nào đó của một dân tộc, phản ảnh bản chất của con người nói chung. Thế nhưng qua dòng lịch sử, thì các sự ngược đãi, hung bạo và kỳ thị quả là nhan nhãn. Ở tầm mức rộng lớn là lùa bắt nô lệ, xâm chiếm thuộc địa, các hình thức truyền bá và áp đặt văn hóa và tín ngưỡng..., ở một mức độ thấp hơn trong lãnh vực cá nhân thì đấy là sự hăng say của những người quản lý thuộc địa và sự nhiệt tình của những vị thừa sai. Thật ra thì đấy cũng chỉ là những gì tùy thuộc vào thời cuộc, cá tính và sự giáo dục của từng mỗi cá thể con người trong xã hội. Thế nhưng trong một xã hội dân chủ và pháp trị thì con người được kính trọng như là một con người, và đấy chính là điểm tích cực nhất giúp chúng ta tin tưởng nơi con người nói chung. Một ngôi làng nhỏ bé trong một vùng nông thôn trên đất Pháp, với một ngôi chùa và một pho tượng Phật cao bảy thước, cùng với dân làng khoác lên mình cả hai nền văn hóa khác nhau, phải chẳng là một bằng chứng nói lên sự tin tưởng đó nơi con người?

 

          Năm 1979, nước Pháp đón nhận 120.000 thuyền nhân, trong số này có một cậu bé 4 tuổi tên là Trung-Phúc. Cậu bé này cùng cha mẹ và năm anh em cùng vượt biên với 800 người khác trên một con tàu. Đến được Mã-lai thì lại bị công an tuần tra ven biển đánh đắm vì không cho cặp bờ, nhiều người chết đuối vì không biết lội, thế nhưng khi lên được bờ thì lại được dân chúng địa phương giúp đỡ và cho thức ăn.

 Tang-Doan-PG-005

 

Một con tàu của người tỵ nạn Việt Nam năm 1979

Cậu bé Trung-Phúc ở cạnh mép bìa bên phải trong tấm hình này.

(Photo: AFP /Getty Images)

               

         Cha cậu xin tị nạn tại Pháp và gia đình được đưa sang Pháp bằng máy bay và tạm trú trong trại tị nạn ở Créteil. Năm 2015, cậu bé Trung-Phúc thuật lại câu chuyện này với ký giả Cédric Garofé của tờ nhật báo "20 Minutes" (số ra ngày 5 tháng chín 2015). Vào năm đó thì cậu đã trở thành một người già dặn ở tuổi 40, và là một nhân viên chỉ huy trong ngành viễn thông của Pháp. Cậu bé Phúc-Trung bốn tuổi và cả cô bé Caroline Guyenne 11 tuổi trước kia trong trại tị nạn Créteil trước khi trở thành người Pháp, công dân của một nước dân chủ và tự do, thế nhưng cả hai tuy xa quê hương từ thuở ấu thơ nhưng vẫn không quên nguồn gốc của dân tộc mình, của quê hương mình và của cả chính mình.

 

         Điều đó chẳng phải đã mang lại cho chúng ta một sự tin tưởng nào đó nơi bản chất con người hay sao. Dù đứng ở vị thế nào, người tị nạn hay người mở rộng vòng tay, thì bản chất đó nơi con người quả là một chút âm ấm tình người trong tim. Hơn nữa hơi ấm tình người đó cũng cho thấy một sự tương phản thật rõ nét đối với thái độ trịch thượng của các vị thừa sai và sự hách dịch của các vị quản lý thuộc địa đối với những người "nhà quê dốt nát" của xứ Bắc-kỳ vào đầu thế kỷ XX (độc giả có thể xem lại bài số 2 của sử gia Charles Keith trong loạt bài này). Sự ân cần và thân thiện đó của một ngôi làng nhỏ bé trên đất Pháp dường như cũng tương phản với sự hung bạo đầy thủ đoạn của một nền chính trị tôn thờ một chủ nghĩa ngoại lai trên toàn đất nước (bài số 3 của sử gia Nguyễn Thế Anh trên đây). "Lịch sử - Xã hội - Con người" quả là muôn mặt, vì vậy thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta cũng nên suy nghĩ để chọn cho mình một hướng đi, một con đường xứng đáng và ngay thật hơn qua muôn ngàn ngõ ngách trên một quê hương chung.

 

         Ngoài ra trong câu chuyện vượt biên trên đây, vị kỷ sư Trung-Phúc cũng có nêu lên một lời tâm sự, một sự thương cảm nào đó, đối với một em bé vượt biên ba tuổi là Aylan Kurdi, gốc người Syria nằm chết trên bãi biển của xứ Thồ Nhĩ Kỳ ngày 3 tháng 9 năm 2015. Một số người trong chúng ta có thể vẫn còn nhớ đến em bé Aylan nằm sấp mặt trên bãi cát, thế nhưng trí nhớ của chúng ta dường như đôi khi quá ngắn, do vậy chúng ta sẽ dành ra vài phút để hồi tưởng lại hình ảnh em bé Aylan trong phần phụ lục của bài 4 sắp tới trong loạt bài "Phật giáo: Lịch sử - Xã-hội - Con người". 

 

         Ngoài ra độc giả có thể xem bản gốc tiếng Pháp bài báo nói về ngôi làng Noyan bằng cách gõ vào một công cụ tìm kiếm các chữ: "Pagode, statues de Bouddha..., dans ce petit village..", hoặc đối với câu chuyện vượt biên của cậu bé thuyền nhân Trung-Phúc thì gõ các chữ: "Je suis un réfugié de la mer, j'aurais pu...".

 

                                                          Bures-Sur-Yvette, 13.08.23

                                                           Hoang Phong chuyển ngữ      

 

           

 

         

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/10/2010(Xem: 8041)
Khi xe chúng tôi đến nơi, đồng hồ chỉ đúng 12 giờ khuya. Phòng ốc dành cho 300 giường đã không còn chỗ trống. Ban Tổ Chức đành trưng dụng phòng họp, phòng học - một cho phái nữ, một cho phái nam - với các tấm nệm lót dưới đất cho chúng tôi ngủ tạm. Giải quyết một lúc cho phái đoàn Thụy Sĩ 30 người - chưa kể các nước khác - đâu phải dễ. Vả lại đi chùa thì phải chấp nhận "ăn chay nằm đất". Nằm "đất" còn phải chịu, lựa là nằm "nệm", nên chúng tôi vui vẻ nhận lời, không than van gì cả. Mà than van nỗi gì được khi đã hiểu giáo lý (dù chút chút) của đạo Phật. Mọi sự phải do "duyên" mà có. Và "duyên" này khởi từ "nhân" chiều nay.
19/10/2010(Xem: 6003)
Chúng ta đã tìm Phật và tìm Pháp, nay phải đi tìm Tăng cho đủ Tam Bảo, nói cho đủ là Tăng già, phiên âm chữ Phạn Sangha có nghĩa là một đoàn thể sống chung với nhau ít nhất là bốn người, bỏ nhà đi tu, giữ đủ giới luật của Phật đặt ra, với tôn chỉ tự giác, giác tha, tự lợi, lợi tha, nhằm mục đích giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sinh.
19/10/2010(Xem: 6068)
Theo Phật học Từ điển thì danh từ Pháp có rất nhiều nghĩa, mà nghĩa rộng nhất và bao trùm nhất là định nghĩa: "Quỹ sinh vật giải, nhậm trì tự tánh", dịch nghĩa là những hình dáng cấu tạo, giải thích rõ một vật, nắm giữ tự tánh của nó, không cho lầm lẫm với vật khác.
19/10/2010(Xem: 6480)
Nhân mùa Phật Đản kỷ niệm đức Thích Ca giáng trần cứu độ chúng sinh, chúng ta hãy thử đi tìm Phật. Hầu hết mọi Phật tử đều thuộc lòng lịch sử Phật Thích Ca giáng sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni, con Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Gia, trị vì thành Ca Tỳ La Vệ, nước Ấn Độ bấy giờ; ngài lớn lên lấy vợ, rồi xuất gia thành đạo, chuyển Pháp Luân cứu độ chúng sinh, nhập Niết Bàn ở vườn Ta La. Vậy câu hỏi Tìm Phật Ở Đâu thật là dễ, ai cũng trả lời được.
19/10/2010(Xem: 11017)
10 Hiện Tượng Bí Ẩn Trong Lịch Sử Chưa Thể Lý Giải 10 hiện tượng bí ẩn trong lịch sử mà đến nay các nhà khoa học vẫn không giải thích nổi. Nếu tính cả chuyến bay M370 của Malaysia thì đây được coi là hiện tượng thứ 11.
19/10/2010(Xem: 9462)
Y phục được xem là một trong bốn vật dụng thiết yếu đối với tu sĩ Phật giáo. Là vật dụng thiết yếu vì y phục giúp che kín thân thể, giúp cơ thể tránh khỏi sự xâm hại của "nóng, lạnh và ruồi muỗi," chứ không phải vì một mục đích nào khác. Nói cách khác, người xuất gia (cũng như mọi người) không thể không dùng đến y áo, chứ không dùng y áo làm thước đo cho một giá trị nào đó. Điều này hẳn nhiên không hoàn toàn đúng về sau, nhưng ít nhất nó được phản ánh trong giai đoạn đầu tiên.
18/10/2010(Xem: 9845)
Ðạo Phật quan niệm mỗi cấp bực của sự sống đều mang một Thức tương ứng: cấp vi trùng vi khuẩn cũng có Thức của nó, cũng như mỗi tế bào, mỗi mô sinh vật cũng thế...
18/10/2010(Xem: 8845)
Sự tàn phá do ảnh hưởng bởi lòng thù hận dễ nhận thấy, rõ ràng và tức thời, như là một niệm sân hận có mặt, lớn mạnh, tư nhiên chi phối hoàn toàn bạn và phá hũy sự an lạc cónơi bạn.
18/10/2010(Xem: 7440)
Phật pháp dù cao siêu vi diệu nhưng liệu có ích lợi gì cho tuyệt đại đa số người đời vốn bị nhiều ràng buộc và chịu nhiều hệ lụy trong thế gian? Người thực hành theo giáo pháp của Phật có nhất thiết phải ẩn dật, ly gia cát ái? Thực ra, đạo Phật không tách rời thế gian, luôn gắn liền với cuộc đời, quan tâm đến việc xây dựng hạnh phúc cho con người.
17/10/2010(Xem: 9328)
Nhà sư Đức pháp danh Saddhaloka (Hòa Thượng Tín Quang) được người Việt ở HK gọi là “ Thầy Tây Đức” đã được làm lễ an nghỉ ngày 5/1/2014 tại HK. Lễ tang ngài bắt đầu từ nhà tang lễ Hunghom kế tiếp tiến hành tại nghĩa trang Wo Hop Sek, vùng Tân giới (NT) sau đó mọi người sẽ dự bữa ăn chay tại tu viện Yuen Long hay còn gọi là chùa Yuen Long.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]