Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Pháp Học “Tùy Duyên Thuận Pháp”?

20/05/202311:51(Xem: 2657)
Pháp Học “Tùy Duyên Thuận Pháp”?

PHÁP HỌC “TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP”?

Thích Nữ Hằng Như

                                                                                   Buddha-325

                                                                I. DẪN NHẬP

Trong câu chuyện hằng ngày, thỉnh thoảng chúng tôi có nghe một vài thiền sinh nhắc đến cụm từ “Vạn pháp tùy duyên”,  có khi lại nghe câu “… cứ để cho các pháp tự vận hành rồi đâu cũng vào đấy! ” hoặc “Tùy duyên thuận pháp”. Những câu nói này không phải là những câu nói cho qua chuyện, khi mình gặp một vấn đề nan giải nào đó xảy ra trong đời sống hằng ngày, mà thực ra đó là những câu nói liên quan đến cách sống của những người con Phật. Hôm nay, chúng tôi chọn cụm từ “Tùy Duyên Thuận Pháp” để chia sẻ ý nghĩa cùng nói lên sự lợi ích trong việc tu tập pháp này. Các cụm từ vừa nêu trên về mặt ý nghĩa cũng gần giống nhau. Hiểu một, sẽ hiểu được luôn cả ba không khó!

“Tùy duyên thuận pháp” gồm bốn chữ nhưng có hai vế: Vế thứ nhất là “Tùy duyên”, vế thứ nhì là “Thuận pháp”. Duyên là “điều kiện” là “pháp” bên ngoài tác động vào hành giả. Còn thuận pháp là phản ứng chấp nhận pháp, khi hành giả  giáp mặt với bất cứ loại duyên nào xảy đến với mình!

 

                                               II. TÙY DUYÊN LÀ GÌ?

- Tùy:  Có nghĩa là căn cứ vào, phụ thuộc vào, dựa vào. (Thí dụ tùy cơ ứng biến, tùy theo tình hình mà đối phó hành động, dựa theo tình thế mà làm cho phù hợp)

- Duyên: Là một trong những thuật ngữ quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Duyên thường đi đôi với chữ Nhân gọi là “Nhân Duyên”. Nhân duyên này có nghĩa là điều kiện hay yếu tố thành lập một sự kiện, một pháp nào đó!  

Thí dụ như bài kinh “Vô Ngã Tướng” dạy con người do năm uẩn lập thành. Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Mỗi uẩn này là một điều kiện, một yếu tố gọi là duyên. Hoặc trong bài “Mười Hai Nhân Duyên” (Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Già Chết). Mười hai nhân duyên là 12 mắt xích dính liền tạo thành một vòng tròn không lối thoát gọi là bánh xe luân hồi. Bắt đầu là Vô minh duyên Hành. Hành duyên Thức. Thức duyên Danh Sắc v.v… Duyên ở đây có nghĩa là nguyên nhân sinh khởi. Chúng ta có thể hiểu rằng Vô Minh là nguyên nhân khởi sinh Hành. Hành là nguyên nhân khởi sinh  Thức v.v…

Duyên cũng đứng giữa hai từ Nhân và Quả. Trong cụm từ “Nhân-Duyên-Quả”, Nhân là yếu tố chính, là những gì có năng lực sinh khởi. Duyên là những tác nhân phụ, xem như là những điều kiện, là chất xúc tác, giúp cho Nhân chính phát sanh. Khi Nhân và Duyên kết hợp đầy đủ, chín muồi, thì Quả xuất hiện. Tùy theo tính cách của Nghiệp Nhân mà trổ Quả tốt lành, an lạc, hạnh phúc, hay Quả xấu ác, phiền não, khổ đau.

Ví dụ: Hạt mầm của cây quýt, cây cam hay cây ổi là “Nhân chính”, các điều kiện liên quan như đất, nước, ánh nắng mặt trời, phân bón cùng sự chăm sóc của con người… gọi chung là  “Nhân phụ”, thuật ngữ nhà Phật gọi là “Duyên”.  Khi nhân-duyên chín muồi, hạt mầm mọc thành thân cây. Thân cây cao lớn đủ sức tặng cho đời những trái cây tốt tươi đó là Quả.

Như vậy Duyên có nghĩa chung là điều kiện hay nhân tố hỗ tương cho sự sống.

 - Tùy duyên: Là dựa vào sự kiện (duyên) xảy ra, mà xử lý mọi chuyện thích hợp với hoàn cảnh do duyên tạo ra.

Thí dụ:  Như hôm nay chúng ta đang có buổi sinh hoạt. Tùy vào sự kiện thời gian cho phép dài hay ngắn, trình độ lớp học ra sao?  Mình sẽ tùy vào sự kiện, hoàn cảnh là duyên cho phép, mà chương trình sinh hoạt dài hay ngắn, bài giảng cao hay thấp.  

Thí dụ khác: Hôm nay ta không thấy khỏe trong người, thì tùy vào sức khỏe mà không làm việc quá sức, hoặc nếu cần thì nghỉ ngơi để khi khỏe lại sẽ tiếp tục công việc. Nghỉ ngơi hay làm việc không quá sức là hành động hợp lý khi hoàn cảnh sức khỏe (duyên) không cho phép. Đó là mình “tùy duyên” mà hành động hợp lý.

Hoặc:  Trước kia, hằng tuần đạo tràng chúng ta sinh hoạt tại thiền đường. Thời gian qua, vì tình trạng bệnh dịch lây lan, khiến chúng ta không thể sinh hoạt chung tại thiền đường. Sinh hoạt đạo tràng là Nhân. Bệnh dịch lan tràn là “duyên”. Chúng ta không đến đạo tràng nữa, mà sinh hoạt qua hệ thống Google zoom chẳng hạn.  Đó là đạo tràng đã “tùy duyên” mà có hành động thích hợp với hoàn cảnh.

Tóm lại “tùy duyên” là gặp hoàn cảnh nào thì “tùy theo hoàn cảnh” đó mà xử lý thích hợp.  Ở trong “trạng thái nào” thì “tùy vào trạng thái đó” mà  ứng biến, sống sao cho phù hợp, thì đó là “tùy duyên”.

Qua định nghĩa trên, chúng ta có thể rút ra bài học về “Tùy duyên”. Không phải nói tùy duyên là chúng ta phó mặc, buông xuôi tất cả mọi sự việc xảy ra trong đời sống của chúng ta. Tốt cũng được, xấu cũng được. Giỏi cũng được, dở cũng được. Ta không quan tâm! Tùy duyên không phải là buông thả cuộc đời mặc cho dòng nước cuốn trôi đời mình đi đâu thì đi, mặc kệ! Tinh thần tùy duyên trong nhà Phật không phải như thế! Là người Phật tử, chúng ta nên biết tùy duyên là cơ hội để chúng ta thực tập giữ tâm bình tỉnh, xem nhẹ được-mất, hơn-thua, cao sang-nghèo hèn, danh giá-khổ nhục. Nhờ vậy mà tâm chúng ta được bình ổn trước những cơn thịnh nộ, hay dịu dàng từ những trận gió thế gian bất ngờ đổ ập tới! Tùy duyên như thế mới là tùy duyên một cách sáng suốt, có trí tuệ, của người học Phật!

 

                                                III. THUẬN PHÁP LÀ GÌ ?

- Thuận: Có nghĩa là bằng lòng, chấp nhận, đồng tình, xuôi theo, noi theo, thích hợp, vừa lòng, thuận ý, hài hòa. Khác với thuận là nghịch hay ngược.

- Pháp: Dhamma (Pali), Dharma (Sanskrit). Tùy theo ngữ cảnh mà Pháp mang ý nghĩa khác nhau.

Pháp là tất cả mọi sự vật cụ thể hay trừu tượng trên thế gian như: Con người, con vật, nhà cửa, xe cộ, thời gian giờ giấc, không gian bốn mùa, nóng, lạnh, mưa gió… hay các sự kiện, tập quán, luật lệ, thói quen, phép cư xử, bổn phận, nghĩa vụ, việc thiện, việc ác, đức hạnh hay các đối tượng của tâm ý.

Pháp (viết hoa) là những lời dạy của đức Phật bao gồm Kinh-Luật-Luận. Nếu hữu hình, hữu tướng gọi là sắc pháp. Vô hình, trừu tượng gọi là tâm pháp. Có thể tánh (kết hợp giữa hai giống đực cái) gọi là hữu pháp. Không thể tánh gọi là vô pháp. Tất cả bốn pháp này gọi chung là Pháp giới. (*)

- Thuận pháp: Có nghĩa là pháp lành hay pháp ác tác động đến mình, mình chấp nhận, thuận theo. Không phải thuận theo trong mê muội, mà có “nhận thức trung thực, đúng đắn về pháp này”, đồng thời có thái độ ứng xử thích hợp.  Đó gọi là thuận pháp. Ngược lại, nếu mê man hưởng thụ hay chán ghét phản kháng bằng ý nghĩ, hành động chiều theo bản ngã mình thì đó là “bất thuận pháp”.

 

                                     IV.  SỐNG TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP

Về phương diện đời sống của con người, ai cũng biết cuộc đời luôn có hai mặt: Thành công-thất bại, hạnh phúc-đau khổ, đúng-sai, đẹp-xấu, yêu thích-ghét bỏ v.v… Tùy lúc, tùy thời khi một trong các duyên này xuất hiện tác động vào đời sống của mỗi người, chúng ta không thể chọn lựa mặt này mà chối bỏ mặt kia. Nhất là khi duyên tới từ phía nghiệp quả.

Duyên đến như thế nào mình chấp nhận như thế đó! Duyên tốt thì mình trân trọng. Duyên xấu thì mình phải tự hiểu đó là do lỗi lầm của mình gây ra trước kia, cần phải điều chỉnh thái độ sống sao cho tốt hơn!

Trường hợp, duyên thành công trong nghề nghiệp, duyên giàu có dồi dào tiền bạc, duyên con cái học hành đổ đạt, duyên gia đình hạnh phúc v.v… xuất hiện trong cuộc đời chúng ta, xin đừng quên lời Phật dạy “các pháp hữu vi đều vô thường”. Trong thời gian hưởng thụ do phước đãi, nếu không lo bồi dưỡng thêm phước mới. Đến khi phước củ xài hết, mà nhân mới là nhân bất thiện, thì một ngày nào đó mình phải chịu trả quả xấu tương đương hoặc nhiều hơn mà thôi! 

Còn như hiện tại bị duyên trái ngang, đổ vỡ, phiền muộn, đau khổ. Gặp duyên này thì đừng quá thất vọng, bi quan, chán nản. Đây có thể là do nhân xấu mình đã tạo trước kia, bây giờ phải gánh chịu. Có phản kháng cũng không ích lợi gì. Nên thực hành pháp tu “Tinh tấn và Nhẫn nại”. Tinh tấn ở đây là siêng năng làm lành lánh dữ. Nhẫn nại chịu đựng để vượt qua thời gian khó khăn. Thời gian chịu khổ dài hay ngắn là do nghiệp mình gây ra nặng hay nhẹ mà thôi!

Nói chung “Tùy duyên thuận pháp không có nghĩa là mình buông xuôi bất kể mọi chuyện.  Là người học Phật, chúng ta nên chấp nhận duyên xấu hay duyên tốt đến với mình bằng tinh thần tích cực.  Chúng ta hiểu rằng con người sinh ra và sống trong Nhân Quả thì khó mà trốn tránh được hậu quả những gì mình đã gây ra. Thay vì chán nản buồn khổ,  khiến cho cuộc sống mỗi lúc, mỗi thêm rối ren đen tối, thì chúng ta có thể chuyển nghiệp xấu thành tốt bằng cách nghĩ lành, làm lành, tạo nhân tốt cho mai sau. Hoặc khi duyên lành tới, trong lúc hưởng thụ cũng đừng quên các pháp vốn “vô thường, khổ, vô ngã” mà sống sao cho tốt với chính mình, với mọi người và mọi loài xung quanh.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần hiểu rằng “Tùy duyên” là các pháp phụ thuộc bên ngoài. Còn “Thuận pháp” là Nhân. Nhân mới là chủ yếu bên trong tâm của chúng ta. Khi duyên xuất hiện tác động đến chúng ta, điều quan trọng là phản ứng của tâm lúc ấy ra sao? Chúng ta có bình tỉnh thấy biết như thật về duyên đó hay là chúng ta mê man hưởng thụ? Nếu mê man thích thú hưởng thụ, thì bấy giờ tâm ta đã khởi “Nhân tham”. Còn như bực bội khó chịu là chúng ta đang khởi “Nhân sân”.  Tâm tham lam, sân hận, là hai thứ lậu hoặc, ô nhiễm mang sự lo âu, sợ hãi, khổ đau đến cho người cưu mang nó!

Tóm lại, người gặp hoàn cảnh khó khăn trở ngại, hoặc dễ dàng suông sẻ, tâm người đó bình tỉnh, không bị dao động, thì đó là người có tu tập, có trí tuệ vậy!

 

           V. LÀM SAO ĐỂ “SỐNG TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP”?

Người “Sống Tùy Duyên Thuận Pháp” là người có tu tập theo lời Phật dạy. Một trong những pháp người đó thực hành là giữ chánh niệm trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, hay khi làm bất cứ điều gì, cũng làm trong chánh niệm.

Chúng ta có thể tu tập theo Pháp Như Thật (Yathà bhùta). (**) Pháp Như Thật là phương thức thực hành để có cái Biết phù hợp với sự thực nhằm chuyển hóa tâm lao xao, loạn động, chủ quan sang tĩnh lặng, thanh thản, khách quan. Pháp này thuộc về thiền Huệ. Tuy lậu hoặc, tập khí, kiết sử, tùy miên vẫn còn nhưng chúng bị cô lập không khởi lên thành tạp niệm (vọng tưởng).

Khi thực tập pháp này, hành giả phải xử dụng giác quan và phải có đối tượng. Nếu không xử dụng giác quan tiếp xúc ngay với đối tượng (tức tiếp xúc duyên) thì cái Biết sẽ rơi vào Tâm ba thời bất khả đắc là: Quá khứ (ý căn), hiện tại (ý thức), vị lai (trí năng), và vì thế hành giả đang sống trong cái tâm ảo tưởng mất chánh niệm.

Trong kinh “Nhất Dạ Hiền Giả” đức Phật dặn dò: “Quá khứ không truy tìm, Tương lai không ước vọng, Quá khứ đã đoạn tận, Tương lai lại chưa đến, Chỉ có pháp hiện tại, Tuệ Quán chính là đây…”. Kinh Kim Cang cũng dạy: “Quá khứ, hiện tại, tương lai bất khả đắc. Chỉ có bây giờ và ở đây”. Nội dung hai đoạn kinh này, không ngoài mục đích nhắc nhở người tu tập ở trong hoàn cảnh nào cũng không được thất niệm!

Thực hành Pháp Như Thật thường xuyên giúp hành giả an trú trong chánh niệm, tức có cái Biết rõ ràng, trong sáng, khách quan trên đối tượng (pháp hay duyên). Hành giả không có phản ứng thuận (thích) hay nghịch (không thích) đối với pháp, mà chỉ thấy cái đang là của pháp, tức pháp như thế nào thấy biết như thế ấy, nên tâm hành giả được yên lặng, không tạo thêm “Nhân mới” khi tiếp xúc với thiện duyên hay ác duyên.

 Nhờ công phu tu tập hành trì qua pháp Quán Như Thật, mà hành giả tuệ tri được bản chất “vô thường, khổ, vô ngã” của vạn duyên, sẽ không dễ dàng bị quyến rủ bởi vật chất (sắc pháp), khi duyên tốt đến thăm, và vượt qua nỗi ưu sầu, phiền não (tâm pháp), khi bị duyên xấu tấn công. Từ đó hành giả giữ được sự cân bằng trong đời sống hằng ngày để có thể tiếp tục tiến xa hơn trên con đường tu tập tâm linh hướng đến giải thoát giác ngộ./.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thích Nữ Hằng Như

(Sinh hoạt on line với đạo tràng Tánh Không

Sacramento và San Jose) 14/5/2023)

 

Tài liệu:

(*) Phật Quang Đại Tự Điển, Tự điển Phật học Tuệ Quang

(**) Xem thêm: Sách “Trên Đường Về Nhà”, Chương: Thiền Huệ - Pháp Như Thật”. TNHN,  Ananda Viet Foundation xuất bản. Amazon tổng phát hành.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/04/2020(Xem: 5299)
Phật giáo là Tông giáo theo quan niệm cổ xưa, trước đây bị người đời ngộ nhận cho là mê tín. Xem từ trên phương diện bề ngoài, nó xác thực là đã khoác lên trên nó sắc thái tông giáo rất sâu nặng. Người ta xem thấy tượng Phật trang sức bằng vàng, nghe đến tụng kinh bằng tiếng Phạn với tiếng chuông và tiếng khánh, nếu có ai hỏi đến, họ đều khăng khăng trả lời là lễ bái nhằm mục đích tỏ lòng tôn kính thần tượng; người ta lại xem thấy sự sinh hoạt của tăng chúng trong tự viện liền khăng khăng vu khống cho chúng nó là ký sanh trùng trong xã hội.
20/04/2020(Xem: 5010)
Các giám đốc chi nhánh của Trung ương Hiệp hội Sinh viên Phật tử Indonesia (HIKMAHBUDHI) thành phố Tangerang đã tiến hành một loạt các phong trào Nhân đạo và xuất phát ra quân vào ngày 10 đến ngày 12 tháng 4 năm 2020, để giúp giảm thiểu nỗi đau thương bởi đại dịch Covid-19 và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
19/04/2020(Xem: 5551)
Đại Đế Nã Phá Luân, vị tướng lừng danh của nước Pháp, người từng lập bao chiến công oanh liệt, đã tuyên bố một câu bất hủ, qua những kinh nghiệm chính bản thân: “Có hai sức mạnh trên thế giới, đó là sức mạnh của Thanh Gươm và sức mạnh của Tấm Lòng. Cuối cùng thì Tấm Lòng luôn đánh bại Thanh Gươm” Là con Phật, chúng ta hiểu, Tấm Lòng ở đây là Lòng Từ Bi, là sự tử tế với nhau, là những viên minh châu trong Tứ Vô Lượng Tâm gồm Từ, Bi, Hỷ,Xả mà chúng ta được thọ nhận để học hỏi, để tu trì.
19/04/2020(Xem: 5599)
Dường như đường đê mỗi lúc mỗi hẹp! Lại quanh co nữa! Lạ thay, lẽ ra tới đây lữ khách đã phải nhìn thấy ngã ba, có cây đa cổ thụ, có bụi tre mạnh tông cao vút mướt xanh, dẫn vào thôn Phương Viên, làng Đan Phượng rồi chứ? Lữ khách tự nhủ “Lâu qúa, không được về thăm quê nội nên cảnh trí đổi khác chăng? Cố lên! Ráng thêm chút nữa sẽ thấy đường rẽ vào làng mà!” Nhưng mây đen bỗng từ đâu kéo tới, rồi nước sông dâng cao, dâng cao… ….Nước từ sông Hồng cuồn cuộn dâng cao, như rượt đuổi bước chân siêu vẹo của kẻ phương xa, tìm về thăm quê cũ … Rồi, ầm! ầm! Mưa bão trút xuống cùng lúc với bờ đê mong manh vỡ tan, sụp đổ … Lữ khách nghe tự đáy lòng mình bật lên hai tiếng thảm thiết “Mẹ ơi!”
19/04/2020(Xem: 7303)
Tiến sĩ Phật tử Ernest Hetenyl – Lạt ma Dharmakirti Padmavadzsra (1912-1999), là một trong những người tiên phong vĩ đại của Phật giáo châu Âu, tác giả nổi tiếng người Hungary, chuyên nghiên cứu và thực nghiệm Kim Cương thừa Phật giáo Tây Tạng, nguyên Chủ tịch Hội Phật giáo Hungary, vị lãnh đạo Hội Phật giáo Ārya Maitreya Mandala tại Đông Âu.
19/04/2020(Xem: 8136)
Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Cầu nguyện thôi chưa đủ” Tác giả: Đạt Lai Lạt Ma https://time.com/5820613/dalai-lama-coronavirus-compassion/ Dịch giả: Trúc Lam 14-4-2020 Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tại sao chúng ta cần chiến đấu chống virus Corona với lòng từ bi.
19/04/2020(Xem: 5626)
Sức Mạnh nơi Niềm Hy Vọng Đức Đạt-lai Lạt-ma (The Dailai Lama’s Power of Hope) Ann Curry Hình ảnh Saumya Khandelwal Hoang Phong chuyển ngữ (Trích từ một tập san lâu đời và uy tín của nước Mỹ là National Geographic, số tháng 8, 2019 Bản chuyển chuyển ngữ dưới đây được dựa vào ấn bản tiếng Pháp của tập san này)
19/04/2020(Xem: 7488)
Kể từ khi Covid-19 bùng phát đến nay ngót ngét trên dưới 4 tháng, con người phải thay đổi cách sống thường ngày. Mỗi ngày, sáng ra đi làm, chiều về nhà đều đặn như vậy không ngớt. Trước đây, có lần ta ước gì được có thêm thời gian một ngày hai ngày trong tuần để nghỉ ngơi ở nhà với gia đình, hoặc chơi với con cái, hay là để tịnh dưỡng tâm hồn…Nhiều khi lại ước gì mình nghỉ làm ở nhà mà có người lo cho mình, chứ đang làm mà nghỉ thì ai lo tiệm, ai lo trông coi nhân viên, việc đó mình mà nghỉ đi thì người khác không làm được, xin chủ nghỉ thì sợ không cho, tự động nghỉ thì sợ mất việc, nếu là chủ mà đóng cửa nghỉ thì công việc không xong…
17/04/2020(Xem: 7541)
Chúng ta, như những nhà khoa học, định nghĩa từ bi như thế nào? Đó là một thể trạng cảm xúc, một động cơ, một đặc điểm xử lý, hay một thái độ trau dồi? Trong chương giới thiệu này, chúng tôi trình bày một cơ chế định nghĩa cho từ bi, vị trí của từ bi trong phạm vi của những thuật ngữ liên hệ và kinh nghiệm tinh thần hướng độc giả đến những vấn đề then chốt được trình bày bởi những tác giả trong quyển sách này.
16/04/2020(Xem: 8002)
Trong nếp sống cộng đồng của người Việt Nam nói riêng và một vài nước Á Đông nói chung, truyền thống thờ kính chư Phật, thánh thần và những người thân trong gia đình luôn được gìn giữ cũng như thể hiện một cách rất thành kính. Phật giáo ngay từ lúc du nhập đã nhanh chóng góp phần và nâng cao thêm ý nghĩa thờ lạy ấy mà không đánh mất đi giá trị chân lý của chính mình. Ngược lại, qua việc thờ lạy luôn giúp khắc sâu thêm đạo nghĩa Tứ Ân làm trọng của mỗi một con người. Do đó, những ai không biết thờ kính tổ tiên đều không là người của xứ sở, đất nước này. Thậm chí còn bị xem là thành phần mất gốc, phàn bội nòi giống tổ tiên, ông bà mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]