Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mùa Sen Nở (Bài viết của HT Thích Như Điển; Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh)

20/08/202122:22(Xem: 5787)
Mùa Sen Nở (Bài viết của HT Thích Như Điển; Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh)

Mùa Sen Nở 1Mùa Sen Nở

Tác giả: HT Thích Như Điển
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước



 

 

Người Á Châu không ai là không biết đến hoa Sen. Vì Á Châu chúng ta có khí hậu ấm áp, nhất là những xứ như Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam, Trung Quốc và ngay cả Đại Hàn hay Nhật Bản, hoa Sen vẫn thường nở khoe sắc thắm vào mùa Hè nắng ấm. Sen có nhiều loại và nhiều màu khác nhau, nhưng hai màu chính mà chúng ta thường thấy là hoa Sen màu hồng và hoa Sen màu trắng. Trong Kinh A Di Đà diễn tả về màu sắc của hoa Sen ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thì có cả hoa Sen màu xanh tỏa ra ánh sáng xanh, hoa Sen màu vàng tỏa ra ánh sáng vàng nữa; nghĩa là có nhiều màu sắc khác nhau khi hoa được trổ ra nơi cảnh giới giải thoát ấy.
 
Mùa Hè năm nay (2021), ở Âu Châu lúc mưa, lúc nắng, lúc gió, lúc bão và một cơn lụt lịch sử trong mùa Hè nầy cũng đã cuốn trôi đi không biết bao nhiêu tài sản, của cải cũng như sinh mạng của những người dân ở biên giới của các nước Hòa Lan, Bỉ, Đức, Lục Xâm Bảo và Pháp.  Mùa Hè mà lụt lội xảy ra khắp nơi như thế, quả là chuyện bất thường của thiên nhiên, thời tiết. Tuy vậy, nhưng nhịp độ sống và làm việc của con người vẫn phải quay theo chiều của kim đồng hồ, nghĩa là mũi kim luôn luôn chạy tới, chứ không chạy lùi và không dừng nghỉ ở một giây phút nào cả. Thầy trò chúng tôi cũng bị định luật nầy chi phối không phải là ít. Điều nầy có nghĩa là những gì đã được vạch định ra trước đó một năm, nay cũng phải thực hiện, dầu cho Covid 19 vẫn còn hiện hữu đó đây.
 
Chiếc xe thuê 5 chỗ ngồi do Thầy Hạnh Tuệ và Thầy Thông Triêm thay phiên nhau lái. Chúng tôi khởi hành vào ngày thứ Sáu 13 tháng 8 năm 2021 từ Chùa Viên Giác Hannover hướng đến thành phố Nurnberg, thuộc miền Trung Nam nước Đức. Ai đi đâu ngày thứ Sáu mà nhằm ngày 13 dương lịch cũng ngại, nhưng tôi ít quan tâm về việc nầy. Bởi lẽ tháng ngày là của đất trời, vạn vật, còn con người là những chúng sanh được sanh ra nơi chốn nầy, chúng ta phải sống, phải thở; phải hít thở không khí chứ chúng ta đâu có được quyền ngơi nghỉ một giây phút nào đâu mà kiêng với kỵ. Ngay cả khi còn ở Á Châu, tôi cũng không kiêng cử ngày mồng 5, 14 hay ngày 23 âm lịch. Những ngày như thế nhiều người bảo rằng xấu, không tốt, nhưng với tôi thì hầu như không quan tâm đến bao giờ. Nhiều Thầy, Cô cho đệ tử xuất gia cũng xem ngày tháng rất là kỹ lưỡng, nhưng tôi thì không. Nếu phải duyên thì những vị phát tâm xuất gia sẽ đến với mình để làm Thầy trò, Sư đệ. Nếu thiếu duyên, thiếu phước thì dù có xem ngày, xem tuổi, xem giờ có hợp hay không đi nữa, thì việc nầy cũng không quan trọng mấy đối với tôi. Tôi độ cho 45 Tăng và Ni tu học từ hơn 40 năm nay, chỉ cho xuất gia vào ngày Rằm, Mồng Một hay ngày lễ vía Phật, Bồ Tát và hầu như không xem ngày tốt xấu để độ cho người xuất gia nào cả. Thế mà sau hơn 40 năm như thế, số người xuất gia hơn hai phần ba vẫn còn ở lại với cửa Thiền. Đây là một bằng chứng và xin hiểu theo nghĩa tùy duyên là được.
 
Đến chùa Viên Âm tại vùng Nurnberg, nơi Thượng Tọa Thích Hạnh Hòa Trụ Trì và do Phật tử ba vùng Nurnberg, Furth, Erlangen trực tiếp đóng góp tài chánh, tạo mãi một cơ sở tương đối rất khang trang để làm chùa. Ngày xưa ông bà mình thường nói là: “Cải gia vi tự”, nhưng bây giờ thì mua hãng xưởng để làm chùa; nhiều nơi còn mua lại nhà thờ để làm chùa. Vì chính những nơi nầy mới có thể sinh hoạt công cộng cho số đông người được, còn nhà mà mua lại ở trong khu dân cư thì không thể nào sinh hoạt đông đúc được. Chùa Viên Âm cũng nằm trong hoàn cảnh như vậy. Bây giờ chùa đã có Thầy rồi, nên sinh hoạt trở nên nhịp nhàng và mẫu mực hơn xưa rất nhiều. Buổi tối hôm ấy sau khi cơm chiều, chúng tôi ngồi nán lại một chút để thăm hỏi những Phật tử đã đến đón phái đoàn chúng tôi, sau đó ai nấy cũng đều nôn trở về nhà ngủ nghỉ, để sáng mai thức sớm chuẩn bị cho ngày lễ Vu Lan, nhằm ngày thứ Bảy 14 tháng 8 năm 2021.
 
Đúng 10:00 sáng, Phật tử đã tề tựu đông đủ nơi Chánh điện và sau đó là lễ niêm hương bạch Phật. Đặc biệt năm nay Thầy Hạnh Hòa cho làm lễ dâng đèn và dâng hoa theo một nghi thức mới, nhưng cũng không kém phần trang nghiêm và xúc động khi hướng về chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư Thánh Hiền Tăng và đặc biệt là ơn sinh thành dưỡng dục của Mẹ Cha nhân ngày Vu Lan báo hiếu. Tiếp đến là phần ban Đạo Từ của tôi. Năm nay tôi không nói về Ngài Mục Kiền Liên, mà xoay qua câu chuyện của Ngài Xá Lợi Phất đã độ cho Mẹ mình như thế nào trước khi Ngài viên tịch. Sau khi tụng kinh Vu Lan Bồn và dâng sớ cầu nguyện là lễ cúng vong do Thầy Hạnh Tuệ chủ trì. Tiếp đến là lễ cúng dường Trai Tăng, dâng tứ vật dụng lên hiện tiền Tăng Bảo nhân ngày Vu Lan báo hiếu. Ngôi chùa Viên Âm nầy cũng giống như một đóa Sen đang nở nhụy, mà cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm thường hay mô tả về việc làm Đạo tại những xứ nầy rất khó như người trồng Sen trên tuyết. Thế nhưng Sen ấy đã mọc rồi và tuyết ấy cũng đã phải tan, để nhường chỗ cho những bông hoa giác ngộ khác đang khoe sắc thắm với cảnh vật chung quanh mình.
 
Đúng 14 giờ chiều cùng ngày Thầy trò, Ông cháu chúng tôi rời Viên Âm tự lái xe hướng về biên giới của Pháp, qua ngả Strassbourg để hướng về Paris. Trời chiều hôm đó sao mà đẹp thế! Nắng vàng chiếu tỏa khắp núi đồi, chung quanh hai bên đường đi và xe cộ lưu thông qua lại ít, nên tôi liên tưởng đến những hồ sen của Chùa Phổ Hiền tại Strassbourg, do Ni Trưởng Thích nữ Như Tuấn sáng lập và Ni Sư Như Quang đang Trụ Trì cũng đang nở rộ để đón khách thập phương. Hôm đó vì thời giờ ít quá, nên chúng tôi không dừng xe tại nơi nầy để thăm viếng mà trực chỉ Paris. Tôi lại nhớ đến Chùa Thiện Minh ở Lyon, nơi Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt Trụ Trì cũng có một hồ Sen rất đẹp khi Hè sang. Hình như tại Âu Châu nầy chỉ có hồ Sen của Chùa Thiện Minh là lớn nhất và nở nhiều hoa nhất; hồ Sen của chùa Vạn Hạnh tại Nantes, nơi Thượng Tọa Nguyên Lộc Trụ Trì cũng không thua sút mấy. Bởi lẽ Thượng Tọa Thích Nguyên Lộc là người rất khéo tay, biết chăm bón cây cảnh, nên nhìn vào vườn cây của Thượng Tọa là biết đến người có tay trồng cây. Trong khi đó, với tôi thì ngược lại, cây nào vào tay tôi rồi trước sau gì cũng sẽ chết, mặc dù tôi cũng rất thích xem hoa đẹp, nhưng không có tay trồng cây, mà chỉ có tay trồng người.
 
Chạy xe gần 800 cây số từ Nurnberg sang Paris, Thầy trò chúng tôi đến Chùa Khánh Anh, Évry vào lúc 22:30, khi mọi người đang an giấc điệp để dưỡng sức cho ngày mai. Sau giờ tọa thiền và trì tụng thần chú Thủ Lăng Nghiêm vào sáng hôm sau, chúng tôi có vài lời thăm hỏi Đại Chúng, sau đó xuống Tổ Đường để lễ Tổ. Đúng 10:00 sáng ngày 15 tháng 8 năm 2021 nhằm ngày mùng 7 tháng 7 năm Tân Sửu, Đại lễ Vu Lan chính thức cử hành dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt, Đệ nhất Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, cùng với chúng tôi và độ khoảng 30 Tăng Ni, cũng như gần 400 Phật Tử đã về chùa Khánh Anh để tham dự buổi lễ trọng đại nầy. Trong phần Đạo Từ của tôi, ngoài việc tuyên dương công đức của Ngài Xá Lợi Phất đã báo hiếu cho mẹ mình như thế nào, chúng tôi còn nói về dịch bệnh của năm 1820 tại Việt Nam và Á Châu. Do vậy Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh của cụ Nguyễn Du cũng đã được ra đời trong lúc đó.
 
Năm nay chùa Khánh Anh tổ chức đàn tràng chẩn tế cô hồn vào buổi chiều cùng ngày, cũng đã nói lên được tấm lòng từ bi của chư Phật và chư vị Bồ Tát muốn cứu giúp chúng sanh trong sáu đường khổ và cốt sao cho âm được siêu, dương được thái là điều quan trọng. Nghi chẩn tế nầy cũng đã có từ thời Đức Phật. Khi Ngài A Nan nhập định nơi hang cốc tại núi Linh Thứu thường hay gặp quỷ dữ hiện hình và Đức Phật đã đặt tay của mình lên đầu Ngài A Nan nhằm để an tâm cho. Từ đó những đàn tràng chiêu mộ được dựng lên khắp nơi, để cầu cho cõi âm được siêu thoát và cõi dương được lợi lạc. Đặc biệt trai đàn chẩn tế lần này tại Chùa Khánh Anh, chính là để cầu nguyện cho hàng triệu sinh linh trên thế giới đã bị nạn dịch Covid 19 của năm 2020 và năm 2021 cướp đi mạng sống, được thác sanh về thế giới an lành.
 
Buổi lễ cúng dường Trai Tăng trưa hôm đó diễn ra tại Hội Trường của chùa Khánh Anh, do Thượng Tọa Trụ Trì Thích Quảng Đạo tác bạch và tôi đã đáp từ qua câu chuyện hạt Ni Câu Luật (Loại), mà một thời Đức Phật đã thuyết giảng cho người thiện nam nọ chưa hiểu rõ công đức việc bố thí, cúng dường của vợ mình cho chư Tăng lâu nay, và đây là nhân duyên để nam thí chủ kia phát nguyện thọ trì. Từ câu chuyện nầy tôi chuyển sang công đức to lớn của cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, người đã mang hạt mầm của Sen giác ngộ đi từ Phan Rang đến Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, rồi Bình Định và đến Nhật Bản năm 1967, để rồi năm 1973 sang Pháp. Kế tiếp năm 1974 hạt Sen ấy được gieo mầm nơi đất Arceuil đầu tiên với tên gọi là Niệm Phật Đường Khánh Anh, và rồi năm 1977 dời về vùng Bagneux ở số 14 đường Henri Barbusse. Tiếp đến vào ngày 19 tháng 2 âm lịch năm 1979, Chánh điện Chùa Khánh Anh tại Bangeux được làm lễ đặt viên đá đầu tiên và đây là tiền thân của Khánh Anh đại tự ngày hôm nay. Vào ngày 18 tháng 6 năm 1995 là ngày lễ đặt đá xây Khánh Anh đại tự, nhưng tôi vắng mặt, vì lẽ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viếng thăm và thuyết giảng tại Chùa Viên Giác Hannover lần thứ nhất, nên tôi không thể có mặt tại Paris để tham dự buổi lễ trọng đại nầy được.
 
 Chùa Khánh Anh tại Évry trải qua 20 năm xây dựng như thế, đến ngày 16 tháng 8 năm 2015 mới làm lễ Khánh thành chính thức; nghĩa là sau hai năm Tôn Sư Khai Sơn vắng bóng vào ngày 8 tháng 8 năm 2013 tại Turku Phần Lan, lúc khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25 được tổ chức tại đó. Ngày hôm nay chúng ta có mặt tại đây, ngồi nơi giảng đường nầy, không thể nào không nhớ đến ân đức của Tôn Sư đã hy hiến cho Phật Giáo, đã mang hạt Sen nhỏ như hạt Ni Câu Luật (Loại) ấy để gieo mầm khắp Âu Châu và trên thế giới, để ngày nay Sen ấy đã mọc và nở hoa được trên xứ tuyết trời Âu nầy rồi.
 
Trong khi Ban Kinh Sư cùng Hòa Thượng Chứng Minh thăng đàn chẩn tế từ 14:30 đến 19:00 giờ tại Chánh điện, thì phần tôi phải vào phòng Zoom để tham dự buổi hội thoại bằng tiếng Anh, do Ngài Huyền Diệu ở Népal tổ chức cho các học giả, giáo sư cũng như những thương gia người Âu Mỹ tham dự, qua nhiều đề tài khác nhau về hòa bình của thế giới. Phần tôi đảm trách nói về “Nghệ thuật sống”, sống như thế nào cho xứng đáng là một người Phật tử, khi chung quanh chúng ta gặp không biết bao nhiêu là chướng duyên trong cuộc sống hằng ngày. Hôm đó tôi quan sát trên màn hình thấy số người tham dự trên dưới 70 người ở khắp các châu lục, đã đóng góp cho buổi hội luận nầy được thành công viên mãn.
 
Sau thời công phu khuya vào sáng ngày 16 tháng 8 năm 2021, Thầy trò, Ông cháu chúng tôi lạy Tổ để chuẩn bị sang thăm Tổ Đình Khánh Anh, nơi Ni Sư Thích Nữ Diệu Trạm đang Trụ Trì, thì được Thượng Tọa Trụ Trì Thích Quảng Đạo và Thầy Thích Chúc Thành mời xuống hồ Sen nơi cổng chùa để xem hai đóa Sen đang nở. Theo lời Thầy Quảng Đạo cho biết thì một hoa Sen đã nở đúng vào ngày 8 tháng 8 vừa qua, nhân lễ húy nhật lần thứ 8 của Sư Ông Minh Tâm và hôm nay chỉ còn lại gương sen mà thôi, và một đóa sen khác nở vào ngày hôm qua 15 tháng 8 năm 2021, là ngày lễ Vu Lan do Chùa Khánh Anh tổ chức. Đây là hai sự kiện mà theo Thầy Quảng Đạo thật là nhiệm mầu. Với tôi cũng nghĩ như vậy thôi, vì lẽ hai duyên sự ấy đâu có dễ trùng hợp như thế, mà ở hồ Sen nầy chỉ nở hai đóa Sen và hai hoa ấy đã nở ra khoe sắc thắm đúng vào hai ngày trọng đại như đã đề cập bên trên.
 
Thầy trò chúng tôi lái xe sang thăm Bagneux, nơi mà Sư Ông Minh Tâm cư ngụ lâu nhất từ năm 1977 đến khi Ngài viên tịch năm 2013, nghĩa là gần 40 năm. Nơi căn phòng nhỏ hẹp, nhưng cũng từ đó pháp âm của Ngài đã vang dội đó đây, để ngày nay ai có nhớ nghĩ về Ngài thì cũng sẽ không quên người trồng sen trên xứ tuyết, như có lần Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng đã viết một bài để ca ngợi Ngài như vậy. Đến và đi tại Tổ Đình nầy từ năm 1977 đến nay 2021, trên dưới 45 năm với tôi, không biết bao nhiêu là kỷ niệm và nhân đó tôi đã kể lại tất cả những mẩu chuyện xưa cũng như ngôi nhà số 14 nầy cho mọi người nghe. Chỉ tiếc là hôm đó không thâu băng để lại, chỉ có những người hiện diện mới nghe được mà thôi.

 Đi quanh vườn chùa chúng tôi cũng thấy một chậu Sen thật lớn, cành lá xanh tươi, nhưng chưa có nụ hoa nào hết. Có lẽ do mới trồng năm đầu tiên và hy vọng năm sau chậu Sen nầy sẽ nở ra nhiều hoa, để không phụ lòng người đã mang hạt giống giác ngộ ấy đến đây từ thuở ban đầu tại xứ Pháp nầy.
Chúng tôi lên Chánh điện lễ Phật và ngồi đó nói năm ba câu chuyện ngày xưa, để người hiện diện nghe biết về công đức của người xưa, đã hy hiến đời mình như thế nào cho việc tuyên dương giáo lý Phật Đà tại quê hương thứ hai nầy.
 
Ni Sư Diệu Trạm, Trụ Trì Tổ Đình Khánh Anh đã trùng tu lại chốn Tổ thật là trang nghiêm, và còn độ được cho nhiều nữ Phật Tử trẻ xuất gia tu học nữa, quả là một công đức không nhỏ. Cô còn có tay trồng Bonsai, chế trà và trồng rau quả nữa. Vườn chùa Khánh Anh cả hai nơi, nếu khách thập phương nào có đi chiêm bái vào dịp mùa Hè, thì sẽ không thiếu những hoa quả tươi từ vườn chùa được hái vào để nấu lên mời khách. Tôi thấy nơi nầy có bụi tre, nơi kia có cây trừ tà, chỗ nọ có mấy cây ổi, giàn khổ qua nặng trĩu trái, rồi giàn bầu, giàn su su v.v…quả thật là một rừng công đức đã được câu hội về đây vậy.
 
Sư Cô Thích Nữ Thanh Nghiêm, người đệ tử xuất gia của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đang ở tại Phật Học Viện Linh Sơn Paris, đã mang đến cho tôi một số quyển mà tôi còn thiếu trong Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh để được trọn bộ 187 quyển, riêng những quyển từ số 188 đến số 202 sẽ được xuất bản trong năm 2022, chắc chắn phần mình sẽ không thiếu. Tôi chỉ lo không đủ bộ Đại Tạng nầy là một mất mát vô cùng không nhỏ chút nào, và ngày hôm đó tại Tổ Đình Khánh Anh Bagneux, tôi đã được toại nguyện. Xin thành kính niệm ân cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh rất nhiều và cảm ơn Sư Cô Thanh Nghiêm một lần nữa về việc chu đáo nầy. Ngoài ra Thượng Tọa Thích Minh Định, Trụ Trì Chùa Kim Quang cũng đã gửi tặng Chùa Viên Giác tại Hannover mấy bức hình Tây Phương Tam Thánh rất là tuyệt mỹ, khi có khóa huân tu Tịnh Độ, quý Thầy tại Tổ Đình Viên Giác Hannover sẽ treo lên để quý Phật Tử lễ bái nguyện cầu.
 
Đúng 13:00 trưa ngày 16 tháng 8 năm 2021, xe chở chúng tôi cùng kinh sách, hình tượng Phật, lăn bánh rời xa từ từ kinh thành Paris sáng mãi về đêm và nhộn nhịp suốt ngày, nhưng ở đó đã có những tâm hồn hướng thượng, đang ngưỡng vọng về những bậc Tôn Sư của mình đã khuất bóng về Tây, họ đã gầy dựng được những đóa sen non tươi mát cho đời và cho Đạo như thế nầy, thì mãi mãi về sau hạt giống giác ngộ giải thoát ấy, sẽ còn lan xa mãi đến tận muôn nơi.
 
Đúng 22:00 ngày 16 tháng 8 năm 2021 Thầy trò, Ông cháu chúng tôi đã an toàn sau khi chạy hơn 800 cây số trở về lại Đức Quốc, để ngày hôm sau, khi thức dậy tụng kinh xong, ra vườn ngắm cảnh thì tại đây hai đóa sen cũng đang trồi lên khỏi mặt nước rất cao, đang chuẩn bị khoe sắc thắm khi mùa Vu Lan sắp đến vào cuối tuần nầy.
 
Sen đã nở và hương không thơm ngào ngạt như ở quê mình, nhưng tâm giác ngộ của người Phật Tử với người trồng sen mới là điều quan trọng, và bây giờ sau hơn 45 năm Sen ấy đã nở, đang nở và sẽ nở vào mùa Hè và khi Đông sang, Sen vẫn nở, nhưng ở nơi lòng của mọi người. Bởi lẽ Sen ấy đã có cội rễ mọc vào tâm thức của mọi người một cách vững chắc rồi. Tất cả đều hồi hướng đến cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm và những ai đã mang được hạt giống giác ngộ ấy cấy vào nơi mảnh đất thiêng ở trời Tây nầy, chúng ta đều phải cúi đầu đảnh lễ.
 
Viết xong vào lúc 18:00 ngày 18 tháng 8 năm 2021 tại thư phòng của Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc.
Sửa lỗi chính tả: Phật Tử Thanh Phi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/11/2014(Xem: 8816)
Vẫn biết thơ văn ca tụng thành phố cố đô này nhiều vô số kể, đã khiến con tim của một người Hà Nội mất gốc như tôi phải thổn thức, phải cố tình tìm một lần ra thăm Huế để trải nghiệm bằng chính cảm xúc của mình mới thôi. Nhưng biết bao giờ duyên lành mới đến khi tôi bị dị ứng khi nhắc đến hai chữ Việt Nam, quê hương gì mà toàn là ngộ độc từ thực phẩm cho đến tâm hồn,
17/11/2014(Xem: 18512)
Trên chuyến bay từ Paris đến Reykjavik, thủ đô Iceland, tôi không khỏi mỉm cười khi thấy trên màn hình giới thiệu du lịch có những từ “mindfulness” (chánh niệm), “meditation” (thiền), “here and now” (bây giờ và ở đây). Hôm trước cũng nghe một thiền sinh ở Làng Mai (LM) chia sẻ rằng cô thích thú khi nghe một nữ tiếp viên hàng không nói với khách: “Please have mindfulness to bring your luggage down…” (xin chánh niệm khi đưa hành lý xuống…). Thiền tập đã đi vào đời sống người châu Âu đến vậy, có phần ảnh hưởng khá lớn của LM.
15/11/2014(Xem: 10535)
Không và Có tương quan mật thiết với nhau như bóng với hình. Có bao nhiêu cái có thì cũng có bấy nhiêu cái không. Nếu cái có vô cùng vô tận, thì ...
15/11/2014(Xem: 20685)
Nên lưu ý đến một cách phân biệt tinh tế về thứ tự xuất hiện của hai kiến giải sai lầm trên. Đầu tiên là kiến giải chấp vào tự ngã của các nhóm thân tâm, và từ cơ sở này lại xuất phát kiến giải chấp vào tự ngã của cá nhân. Trong trường hợp nhận thức được Tính không thì người ta sẽ nhận ra Tính không của nhân ngã trước; bởi vì nó dễ được nhận ra hơn. Sau đó thì Tính không của pháp ngã được xác định.
12/11/2014(Xem: 10468)
Chúng tôi đã hai lần đến quý quốc để hoằng pháp. Từ trước đến nay, hoặc thuyết pháp với các giáo hữu quý quốc, hoặc khai thị cho kiều bào chúng tôi tại đây, nhưng lần nào thính chúng cũng chỉ là cư sĩ. Hôm nay lần đầu tiên tôi lại được đối diện với toàn các vị xuất gia đồng đạo, nhất là với một số đông đảo các vị thanh niên xuất gia như thế này, cùng hội họp lại đây để cùng luận thuyết giáo pháp thâm yếu của Đức Phật. Thật là một điều làm cho chúng tôi sung sướng và cảm động.
12/11/2014(Xem: 16582)
Tốt nghiệp đại học, đang làm giám đốc điều hành cho một công ty chuyên về máy tính với tiền lương lên đến vài trăm ngàn đô la một năm, thế nhưng, James Christopher, một thanh niên Pháp vẫn quyết định bỏ việc sang Việt Nam đi tu.
09/11/2014(Xem: 10166)
Trước hết con kính thăm sức khỏe SP. Cầu nguyện chư Phật mười phương hộ trì cho SP luôn thân tâm an lạc, tật bệnh tiêu trừ để tiếp tục dẫn dắt hàng đệ tử chúng con tinh tấn trên con đường tu tập giải thoát. Theo hướng dẫn của SP, con đã làm lễ an vị Phật tại gia ở vùng Trung-Đông, nơi thánh địa của Hồi giáo. Buổi lễ bắt đầu bằng tụng kinh Chú Lăng Nghiêm, và sau đó là kinh Phổ Môn. Điều kỳ diệu, và đây là lần thứ 2 trong đời mà con chứng kiến, sau khi tụng kinh xong cây nhang đã cháy hết rồi mà tàn nhang còn nguyên không bị rớt xuống.
09/11/2014(Xem: 8303)
Giáo sư Tiến sĩ Genshitsu Sen, pháp danh Hanso Sōshitsu, sinh vào ngày 19 tháng 4 năm 1923, tại Kyoto, Nhật Bản. Giáo sư Genshitsu Sen, một kỳ lão Cựu phi công cảm tử ở tuổi thượng thọ 91 xuân, cựu Trưởng môn Phái trà đạo Urasenke đời thứ 15, sau khi thoát khỏi cái chết thời đệ nhị thế chiến, Giáo sư đó đây ngao du sơn thủy khắp thế giới và đáp ứng nhu cầu các nhà lãnh đạo thế giới, nhằm thúc đẩy hòa bình thông qua “Con đường Trà đạo”. Là con trai lớn và là đệ tử chân truyền của Giáo sư Sekisō Sōshitsu (1893-1964) cựu Trưởng môn Phái trà đạo Urasenke đời thứ 14.
08/11/2014(Xem: 17292)
Trong những pháp môn Phật dạy, tôi cả đời chuyên tâm nơi pháp môn Trì danh niệm Phật. Pháp tu niệm Phật có nhiều, trì niệm danh hiệu Phật là một trong những pháp niệm Phật. Đây là pháp môn dễ tu, dễ thực hành nhất, dễ thành tựu. Về chỗ thành tựu cũng như chỗ đạt được rất rõ ràng từng bước, từng nấc tiến, có thể diễn nói, có thể khắc nghĩa.
04/11/2014(Xem: 7405)
Trong đời sống chúng ta thấy một số người có những quan niệm rất ngộ nghĩnh, hay kỳ quặc. Nhiều người trong họ là những người có ăn học, trí thức nhưng họ lại tin vào những điều huyền hoặc, không tưởng. Như có người tin rằng các loài khủng long bị diệt chủng là do các nhà khoa học chế tạo ra, chứ không có thật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]