Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn: Màu Vu Lan Giữa Mùa Đại Dịch

19/08/202117:32(Xem: 7793)
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn: Màu Vu Lan Giữa Mùa Đại Dịch

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn: Màu Vu Lan Giữa Mùa Đại Dịch

blank
Tranh minh họa, “Digital Art” của Nhuận Pháp


Phật Đản và Vu Lan là hai ngày lễ lớn nhất của Phật giáo trong năm.

Riêng đối với tuổi trẻ thì Phật Đản là gốc rễ mà Vu Lan là hoa lá cành. Gốc rễ giữ cội nguồn và hoa lá cành làm giàu thêm vẻ đẹp.

Phật Đản là ngày lễ trọng đại mừng Đức Phật Thích Ca ra đời. Vu Lan là ngày kỷ niệm Mục Kiền Liên tâm thành hiếu hạnh.

Tích Mục Kiền Liên cứu mẹ đã trở thành biểu tưởng bái vọng của tinh thần báo hiếu tâm linh và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong đạo Phật.

Thuở hoa niên trên quê hương chiến tranh, bài thơ Rằm Tháng Bảy của Lê Mộng Nguyên đã làm rung động tâm hồn non trẻ chúng tôi; thế nhưng bây giờ nhớ lại những câu thuộc lòng tuy không trọn vẹn nhưng nỗi xúc động ngày xưa vẫn còn nguyên vẹn:

Mỗi độ thu sang Rằm tháng bảy,
Chiều xa vang dội tiếng chuông chùa,
Nhắc Mục Kiền Liên con nhớ Mẹ    ,
Mỗi một tâm hồn máu trẻ thơ…

Ngày xưa sống lại trong tâm trí,
Mường tượng hình ai lạnh võ vàng,
Khắc khoải chiều nay cơn gió tạt,
Lạnh mình em bé nhớ Vu Lan…

Đây bát cơm đầy nặng ước mong.
Mẹ ơi! Đây ngọc với đây lòng.
Đây tình còn đọng trong tha thiết,
Ân nghĩa sanh thành chưa trả xong…

Cũng như hầu hết tuổi trẻ Phật tử thế hệ Chiến tranh Việt Nam chúng tôi vẫn giữ mãi trong tâm tưởng rằng Vu Lan là mùa Nhớ Mẹ, mùa Báo Hiếu đầy hương hoa. Thuở ấy Vu Lan ở Huế có nắng mùa thu phai dìu dịu, có tiếng chuông chùa trầm lắng vọng âm, có lời kinh báo ân thao thiết nao lòng… Nhưng mãi đến những năm sau 1963, mới có lệ bông hồng cài áo hân hoan và thổn thức trong mùa Vu Lan sau tập bút ký ngắn đầy xúc động “ngọt ngào nước mắt” nhan đề Bông Hồng Cài Áo của Thầy Nhất Hạnh ra đời vào năm 1962. Mùa hiếu đạo ấy tưởng như muôn đời không bao giờ phai cũ bên hơi ấm mẹ hiền. Rồi lịch sử sang trang cùng với chiến tranh, hòa bình, đổi đời, hội ngộ và chia ly đã không ngừng thách đố ấn tượng êm đềm và thánh thiện của Vu Lan. Thách đố chiến tranh, tai trời ách nước có chăng cũng chỉ làm cho “gió có to đèn đường vẫn sáng!”

Nhưng thách thức chưa từng có đã xảy ra năm ngoái (2020) và năm nay. Thế giới con người và khoa học kỹ thuật thế kỷ 21 còn nghiêng đổ thì biết về đâu một lễ hội tâm linh như Vu Lan?! Câu hỏi bình thường thành vấn nạn thời thế là liệu Vu Lan có về được không giữa mùa đại địch Covid-19. Về! Chẳng phải là tổ chức được hay không lễ hội ngày rằm tháng bảy. Về ở đây là liệu lòng người còn yên ắng hay không để nhớ về hiếu hạnh khi cái chết vô hình đang vây bủa lấy thân phận con người. Mỹ, Việt Nam và khắp nơi trên thế giới đang có đầy rẫy những bà mẹ bị đày đọa như Mục Liên Thanh Đề đang là “F0” (người thọ bệnh Covid) trong địa ngục A Tỳ của dịch Covid. Biết bao đứa con hiếu thảo cũng đành thúc thủ buông xuôi tay chờ chết! Tìm đâu ra phương tiện cứu mẹ như ngày xưa được nương nhờ hồng ân hiệp lực mười phương của chư tăng?! Tính từ hôm nay thì còn đúng một tuần lễ nữa là đến ngày Lễ Vu Lan. Các chùa Việt Nam ở Mỹ đều có chương trình cử hành Lễ Vu Lan theo nghi thức truyền thống. Nhưng lương tri tự hỏi: “Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng giữa mùa đại dịch đang tàn phá tận gốc rễ của con người, Vu Lan năm nay sẽ có gì khác hơn thời trước đại dịch?” Câu trả lời và thực tế diễn ra sẽ góp phần định nghĩa cho Văn Hóa Phật Giáo trong tinh thần “Đạo Phật ra đời để cứu khổ chúng sinh”.

blank
Tranh minh họa, “Digital Art” của Nhuận Pháp

Đại dịch Covid kéo dài hơn cả năm nay. Không đất nước nào thoát khỏi tình trạng cù cưa thọ dịch và dập dịch tái đi tái lại như tội nghiệt và trò chơi sinh tử. Các tôn giáo khác thường cung tay cầu nguyện và khi có ai chết vì dịch thì cứ đơn giản gán cho cái “trách nhiệm vô trách nhiệm” là do đấng tối linh thần nào đó… gọi về. Duy chỉ có đạo Phật là lý giải rạch ròi và khách quan hơn cả khi vận dụng thuyết Nhân – Quả và lý Duyên – Nghiệp vào cái biển đời phức tạp có khi đến độ nghịch lý nầy. Người ác bị nghiệp chướng dịch bệnh đánh ngã đã đành; nhưng vẫn có bao nhiêu người tốt, người hay vẫn bị chết vì dịch; trong khi kẻ ác, kẻ gian vẫn sống nhởn nhơ… là vì sao? Vào dịp Vu Lan, sau những màu hoa, màu áo, lời hay, ý đẹp và lễ nghi… nhiều màu sắc, người học Phật thử lắng lòng nhìn thấu lẽ thật của ngày lễ mang tính chất vừa thực tế vừa huyền thoại trọng đại thứ hai trong năm của con nhà Phật theo tín lý Đại Thừa.

Tôn giả Mục Kiền Liên (568-484 Trước Công Nguyên) là biểu tượng của con người hiện thực: Thiện duyên và ác nghiệp thường hằng nối gót bên mhau. Thánh giả Mục Kiền Liên hưởng phước theo lòng hiếu thảo cùng lúc của người con đại hiếu hạnh kiếp nầy hưởng phước; nhưng đồng thời cũng là đứa con đại bất hiếu kiếp trước phải trả nghiệp trong kiếp nầy. Là một trong mười đại đệ tử của Phật với hiếu hạnh tròn đầy: cứu Mẹ ra khỏi hỏa ngục, đắc quả A La Hán, có đệ nhất thần thông ở kiếp nầy nhưng ngài Mục Kiền Liên vẫn chịu án quả báo của nhiều kiếp trước trong tội cảnh là một đứa con bất hiếu! Mục Kiền Liên trước giờ nhập diệt chứng quả A La Hán phải chịu cảnh bị bọn cướp phanh thây để trả nợ cho ác nghiệp đại bất hiếu của mình trong một kiếp xa xưa đã nghe lời vợ ác xúi dục đem bỏ đói cha mẹ của mình trong rừng sâu cho đến chết! Nghiệp có thể giải cho nhẹ bớt nhưng trốn nghiệp hay xóa nghiệp thì… vô kế khả thi!

Bởi vậy, ý nghĩa hiện thực và thâm trầm nhất của ngày lễ Vu Lan là cưu mang và hóa giải. Tuyệt đối không có luật miễn trừ khi con người đương nhiên phải đối mặt với nghiệp quả thiện hay ác do chính mình tác tạo. Con người thường nhật và bậc thánh tăng như Tôn giả Mục Kiền Liên – trước dòng đời xoay chuyển từ vô thủy đến vô chung trùng trùng duyên nghiệp – đều đang chờ thọ nghiệp mà mình đã gieo duyên; hái trái mà mình đã gieo trồng… Gieo gì gặt nấy, chẳng lầm mấy may:

Lưới trời lồng lộng thưa không lọt,
Nhân quả gieo trồng chẳng rủi may!

Gieo ân báo ân, gieo oán báo oán không phải là chuyện xa vời huyền thoại. Con số hơn 200 triệu người bị lây nhiễm và hơn 4 triệu người đã chết và con số mỗi ngày một tăng vì dịch Covid trên toàn thế giới tính đến ngày hôm nay chưa có đường dừng lại. Không dựa trên nguyên lý Duyên Nghiệp để minh giải, con người sẽ hoang mang và tuyệt vọng trước những cái chết của người thân vì dịch Covid nguyên chủng hay biến thể.

Mùa Vu Lan hiếu hạnh – báo ân cha mẹ –  là truyền thống lâu đời của người con hiếu thảo nhưng làm sao tạo được một cơ hội chia sẻ, an ủi và liên tưởng đến mặt phản diện của những đứa con bất hiếu chưa gặp duyên lành để biết ăn năn sám hối trở về với cha mẹ. Dưới mái chùa, những người hưởng thiện nghiệp được đọc kinh, nghe pháp, cài hoa và chia sẻ cảm xúc; trong lúc đó, ngoài cổng chùa bao kẻ điêu linh không nơi nương tựa đang chịu nghiệp chướng nên bản thân mình còn bị quên lãng; nói gì đến cha mẹ, tứ thân! Nhưng tự bản chất, đạo Phật là đạo cứu khổ. Trong ngày đại lễ Vu Lan báo ân Cha Mẹ và cả Bốn Ân Lớn (tứ trọng ân) lẽ nào quên đi những mảnh đời bất hạnh quanh ta. Ước mong trong một tương lai rất gần, ngày Vu Lan không chỉ là dịp thường cúng cô hồn đã khuất vào buổi chiều mà cũng là dịp tiếp trợ tinh thần và tâm linh cho những người cô độc đang sống.

Rồi sẽ đến thế hệ “hậu Covid”. Thuyền trưởng, thủy thủ, mái chèo và hành khách thời trước và trong cơn bão sẽ đổi khác nhiều sau cơn đại cuồng phong về nếp nghĩ cũng như về cách nhìn và điệu sống. Hiển nhiên, ngọn nguồn và sự lý giải về Duyên Nghiệp của Phật lý và pháp sự vẫn không phai cũ với thời gian bởi tính khách quan, công bằng và khoa học về cả Lý và Sự. Mùa Vu Lan năm nay bên cạnh bông hồng đỏ, trắng của những đứa con ngoan còn mẹ hay mất mẹ cài lên áo; ước mong rồi đến một năm nào đó rất gần như sang năm, sẽ có đóa hoa xanh, hoa tím… thêm màu nở từ những cõi lòng thấm nước mắt của những đứa con chưa ngoan biết hối cải, ăn năn trở về với Mẹ.

Sacramento, Cali –  Mùa Vu Lan 2021
Trần Kiêm Đoàn


facebook-1

***
youtube
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/10/2013(Xem: 13478)
Thiền định là một phương tiện chủ yếu vô song của Phật Giáo giúp người tu tập trực tiếp đạt được Giác Ngộ. Đức Phật đã nhắc đến phép luyện tập này ngay trong bài thuyết giảng đầu tiên về Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) khi Ngài nói về Sự Thật Cao Quý thứ tư và Con Đường Của Tám Điều Đúng Đắn (Bát Chánh Đạo). Tuy nhiên không phải vì thế mà tất cả những người tự nhận mình là Phật tử đều luyện tập thiền định.
23/10/2013(Xem: 10253)
Từ khi trên quả đất này có sự sống, con người và muôn loài vật được tồn tại bằng luyến ái, tức là sự thương yêu, trìu mến nhau mà người đời thường hay gọi là tình cảm. Nếu nói về muôn loài trên thế gian, con người là sinh vật cao cấp sống bằng “tình cảm” vì có hiểu biết, suy nghĩ, nói năng, nhận thức và làm được nhiều việc đóng góp lợi ích thiết thực trong bầu vũ trụ bao la này.
19/10/2013(Xem: 8698)
Ngày 27, tháng 9, năm 2013 – “Nếu bạn có thể học đi xe đạp bạn có thể học làm thế nào để được hạnh phúc,” nhà sư Phật giáo 67 tuổi và là người hạnh phúc nhất trên thế giới nói. Khi còn nhỏ, nhà thơ Andre Breton, nhà làm phim Louis Buñuel và nhạc sĩ Igor Stravinsky là những vị khách thường xuyên của gia đình triết gia Ricard. Tuy vậy, nhận thấy đặc tính của những người bạn của song thân không có vẻ gì là hạnh phúc hơn nên Ngài đã tìm đến Hy mã lạp sơn bỏ sau lưng công việc của một nhà sinh học tại Viện Pasteur và thay đổi cuộc đời qua thiền tập. Tính đến lần cuối cùng, Ngài đã đạt được hơn 10,000 giờ đồng hồ. Phương pháp chụp MRI tinh tế tại phòng nghiên cứu về não bộ tại Wisconsin đã cho thấy mức lạc quan siêu đẳng và hầu như không có chút cảm nhận tiêu cực nào của Ngài. Ngài nói: “Tôi không thấy mọi thứ đều màu hồng nhưng những thăng trầm của cuộc sống không trụ trong tôi theo cách của đời thường.”
19/10/2013(Xem: 12605)
Làm người biết thương yêu và bảo vệ hành tinh sống của chúng ta thì mớ thật sự làm người, mới xứng đáng làm người. Có làm người như vậy mới xứng đáng là người có đạo đức hiếu sinh. Còn ngược lại là phá hoại sự sống của nhau, làm đau khổ cho nhau. Phải không hỡi các bạn? Đạo Đức Hiếu Sinh! Có bốn chữ rất đơn giản, nhưng hành động của nó cao thượng và đẹp đẽ tuyệt vời.
17/10/2013(Xem: 8469)
Như tất cả chúng ta đều biết Tổ Khánh Anh là người xuất thân từ Quảng Ngãi và từ những năm 1916 Ngài đã quy y Tam Bảo tại chùa Cảnh Tiên và năm 1917 lúc Ngài 22 tuổi đã xuất gia tu học tại chùa Quang Lộc tỉnh Quảng Ngãi với Pháp Danh là Chơn Qúy. Ngài thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh thuộc thế hệ truyền thừa thứ 7. Ngài sinh năm 1895 và viên tịch năm 1961.
17/10/2013(Xem: 40151)
50 năm qua, cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 chống chính quyền Đệ nhất Cọng hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo đã đàn áp Phật giáo. Sự việc đã lui về quá khứ nhưng vết thương trong lòng dân tộc, trong tim của Phật tử Việt Nam thì vẫn còn đó và có lẽ mãi còn trong lịch sử đau thương mà cũng lắm hào hùng.
17/10/2013(Xem: 30312)
Là nhân chứng sống động của lịch sử, của dòng đời, ai cũng thế. Sinh ra giữa cõi trần, có tai phải nghe, có mắt phải thấy, dù muốn nghe, muốn thấy hay không. Sống, có óc phải suy tư, có miệng phải nói, có chân phải đi, có tay phải làm. Nhưng phải biết nên nghĩ gì, nói gì, đi đâu, làm gì ! Sống, có bạn để tâm sự, có con để trao truyền. Tâm sự chuyện gì, trao truyền cái gì? Tôi tự hỏi và trải lòng ra cho ai muốn thấy tim tôi đang nhảy, phổi tôi đang thở và mỗi tế bào sinh diệt trong bất diệt của chân như. Chỉ xin đừng làm bác sĩ giải phẫu chân dung của tôi, nhưng nếu muốn thì cứ.
17/10/2013(Xem: 25952)
Nếu không có một giọt nước sẽ không có đại dương. Nếu không có một hạt cát sẽ không thành sa mạc. Trong cuộc sống, nếu không có những điều vụn vặt thì việc thành bại trong thiên hạ có đáng để lưu tâm? Tôi cũng như bạn, thấy đêm dài thì trông cho mau sáng, dù không mong đêm vẫn tiếp theo ngày. Vậy nên, thương ghét, trắng đen, tốt xấu, phải trái… là điều mà xưa nay vẫn thế và ngàn năm sau vẫn thế.
17/10/2013(Xem: 41417)
Tôi đọc kinh sách, nghe giảng và học hỏi, đồng thời rút kinh nghiệm trong những năm qua cùng các pháp hữu nghiên cứu và hoằng truyền chánh pháp, đặc biệt với đạo hữu Nguyên Phước. Thấy cần, rút ra một số nét cơ bản để chia xẻ cùng quý Phật tử thật dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành trong niềm tin Phật pháp.
16/10/2013(Xem: 19496)
Có lẽ, trong thời gian qua, trong cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ dù chưa dư thừa với đa số, nên con người cần một cái gì đó về đạo đức tâm linh, muốn trở về nguồn cội, nên tưởng nhớ nhiều về tổ tiên ông bà mà gần gũi nhất là cha mẹ, anh em huyết thống. Tập sách nhỏ này, tôi viết để tưởng nhớ mẹ tôi, nhưng may mắn trong cái riêng ấy lại hòa nhập được với cái chung của những tấm lòng hiếu kính. Do đó, rất nhiều người tâm đắc muốn có, muốn đọc, có người vừa gọi điện vừa khóc, tôi cũng chạnh lòng nhớ mẹ mà khóc theo, đa số qua điện đàm yêu cầu tái bản, vâng lời, tôi cũng cố gắng tái bản 2 lần rồi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]