Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lợi Lạc Cho Người Mất, Ông Bà Tổ Tiên Và Người Ở Lại

15/08/202111:12(Xem: 5146)
Lợi Lạc Cho Người Mất, Ông Bà Tổ Tiên Và Người Ở Lại

LỢI LẠC CHO NGƯỜI MẤT, ÔNG BÀ TỔ TIÊN VÀ NGƯỜI Ở LẠI

           Trên nền tảng Nikàya (Pali tạng) trong sự liên hệ tương ưng với giáo pháp Đại Thừa

 Lợi Lạc Cho Người Mất, Ông Bà Tổ Tiên Và Người Ở Lại

Tâm Tịnh (Mùa Vu Lan, Tân Sửu, 2021)

 

Mục Lục

1.     Người mất, ông bà tổ tiên

1.1 Ngạ quỷ quyến thuộc

1.1.1                 Bà con quyến thuộc có khi  vừa mới từ trần, tái sinh thành ngạ quỷ

1.1.2                 Bà con quyến thuộc (ông bà tổ tiên) Có khi thọ thân ngả quỷ trong một thời gian dài

1.2 Ngạ quỷ ‘có thể’ không phải quyến thuộc

2.  Những cách mang lại lợi ích cho ngạ quỷ quyến thuộc và không quyến thuộc và cho cả người thực hiện

2.1 Cúng dường và hồi hướng công đức cho ngạ quỷ

2.1.1     Cúng dường cho một tỷ kheo và hồi hướng công đức cho ngạ quỷ

2.1.2     Cúng dường cho chư tăng

2.1.3     Cúng dường cho tứ phương tăng

2.1.4     Cúng dường cho đức Phật và chư Tăng

2.1.5     Cúng dường Tăng Bảo hay thập phương Tăng

2.1.6     Cúng dường cho cư sỹ có đầy đủ lòng tin với Đức Phật

2.1.7     Cúng dường cho người tốt?

2.2 Cúng thí và tế đàn

3.   Kết Luận

4.   Tài Liệu Tham Khảo

LỢI LẠC CHO KẺ MẤT, ÔNG BÀ TỔ TIÊN VÀ NGƯỜI Ở LẠI

Tâm Tịnh cẩn tập

Cúng ma chay, giỗ người thân đã mất, giỗ ông bà tổ tiên, cúng cô hồn vào những ngày rằm, ngày lễ như lễ Vu Lan, Tết Nguyên Đán …vv cùng với đốt vàng mã là truyền thống ‘tâm linh’ lâu đời của người Việt Nam, là cách tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn, hiếu đễ đối với người đã khuất, tổ tiên và thần linh. Ngày nay, việc cúng người chết, cúng ‘cô hồn’ và đốt vàng mã tràn lan trên tinh thần kiến chấp ‘dương sao âm vậy’, nên các loại vàng mã thay đổi đa dạng sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế nầy: ngoài áo giấy ra, vàng mã còn có cả xe hơi, nhà lầu, ipad, di động, đô la vv với ý niệm ‘thiện lành’ (nhưng tà kiến) là để người ‘âm’ sử dụng. Không những tập tục này phát triển biến tướng trong nhân gian mà còn ảnh hưởng không tốt đến môt số Phật tử tại gia, và ngay cả tại một số tự viện.

Theo cái nhìn của nhà Phật, việc đốt vàng mã chẳng có một chút lợi ích nào cả cho người đã khuất và cho cả người sống (nếu có, thì rất hạn chế vì xuất phát từ ý niệm thiện lành nhưng tà kiến của người thực hiện). Như vậy, ‘Làm thế nào để có lợi ích thật sự cho người mất, cho ông bà tổ tiên và cho cả người thực hiện (người sống)?” là vấn đề bài kết tập này tập trung mổ xẻ trên nền tảng giáo điển Nikàya (Pali tạng) trong sự liên hệ tương ưng với giáo pháp Đại Thừa của Phật Tổ, ngỏ hầu giúp quý Phật tử (bất bộ phái) có cái nhìn khách quan và đúng đắn, qua đó hành giả có thể tùy duyên ứng dụng hoặc thực hành, mang lại lợi ích cho người mất, ông bà tổ tiên vv, cho cả chính người thực hiện, và hơn thế nữa.

Có thể thấy, hai vấn đề chính trong bài kết tập này sẽ được trình bày là: Người mất, ông bà tổ tiên những cách mang lại lợi ích cho cả hai đối tượng (kẻ nhận và người ‘cho’).

1.   Người mất, ông bà tổ tiên

Con người sau khi chết (người mất), theo quan điểm Phật Giáo, thần thức của họ sẽ đi tái sinh một trong sáu cõi: Trời, Người, Atula, Ngạ quỷ, Súc sanh hay Địa ngục. Tùy theo nghiệp (thiện, ác, không thiện không ác xuất phát từ thân, khẩu, ý) khi còn sống mà họ đã làm, và cả những nghiệp trong những đời trước, hoặc tùy thuộc vào ý niệm (thiện hay ác) ngay lúc lâm chung, sẽ quyết định cảnh giới tái sinh của họ. Trong sáu cảnh giới này, Ngạ quỷ là loài gần gũi nhất và tương ưng xứ với con người. Có nhiều loại ngạ quỷ trong đó những ngạ quỷ có thần lực và phước báu như những dạ xoa (quỷ thần), được hưởng một số dục lạc như chư thiên, nhưng lại thọ một số khổ đau, chẳng hạn như trần truồng do những bất thiện nghiệp họ đã gây ra khi còn thân người; hoặc những ngạ quỷ phải chịu nhiều khổ đau như đói khát giày vò, trần truồng, có thân hình quái dị, không trú xứ vv, là những hạng ngạ quỷ rất cần sự trợ giúp của con người qua việc cúng thí thực, đặc biệt cúng dường và hồi hướng công đức cho họ để họ có thể giải tỏa những nỗi thống khổ, bức bách do đói khát, khổ nhọc vv,  hoặc thoát ly cảnh khổ mà họ đang thọ vì nghiệp bất thiện mà họ đã tạo ra trong kiếp sống ở nhân gian như nhiều chuyện kể từ (Tiểu Bộ Kinh, Tập II. Ngạ Quỷ Sự, Gs. Trần Phương Lan). Theo tuệ giác của Thế Tôn, con người sau khi chết do ít tu tập thiện pháp, nên phần nhiều tái sinh vào các cõi giới thấp, chẳng hạn như cõi ngạ quỷ như lời dạy của Ngài trong Tương Ưng Bộ:  “Này các tỳ-kheo, ít hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân người, được tái sinh làm người lại, và nhiều hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân người, phải tái sinh vào cõi ngạ quỷ."

(Tương Ưng Bộ, Tập V. Chương 12. Tương Ưng Sự Thật b)

1.1           Ngạ quỷ quyến thuộc

Quyến thuộc của chúng ta có thể hiện hữu trong sáu cõi (lục thân quyến thuộc), trong đó, Đấng Thiện Thệ xác quyết bà con huyết thống của chúng ta thường luôn có trong cõi ngạ quỷ như đoạn kinh văn trong Tăng Chi Bộ, Chương 10. Mười Pháp như sau:

“Thưa Tôn giả Gotama, nếu bà con huyết thống ấy đã chết, không sanh vào chỗ ấy, thời ai hưởng bố thí ấy?

- Này Bà-la-môn, các bà con huyết thống khác đã chết, được sanh vào chỗ ấy, những người ấy được hưởng bố thí ấy.

- Thưa Tôn giả Gotama, nếu bà con huyết thống đã chết, không sanh vào chỗ ấy, và các bà con huyết thống khác cũng không sanh vào chỗ ấy, thời ai hưởng bố thí ấy?

- Không có trường hợp ấy, không có cơ hội ấy, này Bà-la-môn, rằng chỗ ấy có thể trống không trong một thời gian dài, không có người bà con huyết thống đã chết…”

(Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 10. Mười Pháp (XI) (177) Jànussoni)

1.1.1 Bà con quyến thuộc có khi  vừa mới từ trần, tái sinh thành ngạ quỷ như Chuyện Ngạ Quỷ Sànuvàsin số 27, Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Mattà số 15, Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Nandà số 16,  vv cho thấy những người thân vừa mới chết thọ sanh ngạ quỷ đói khát, trần truồng và chịu nhiều nỗi thống khổ do những bất thiện nghiệp họ gây ra khi còn thân người. Những mẫu chuyện này cho thấy họ có thể nhớ lại những việc làm bất thiện của họ từ thân, khẩu và ý, nên phải chịu nhiều nỗi thống khổ như đói khát giày vò, trần truồng, bơ vơ không trú xứ. Những câu chuyện này còn cho thấy những ngạ quỷ có xu hướng tìm đến cầu xin nhờ người thân (cha mẹ, chồng con, anh em vv) giúp đỡ (Xem phần 2 bên dưới). Tuy nhiên, có những ngạ quỷ huyết thống như Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Serinì số 9 không thể tìm đến người Mẹ của mình trong cõi nhân gian tại thành phố Hatthinipura do nghiệp lực nữ ngạ quỷ không thể ra khỏi khu vực biên địa nơi nữ quỷ  cư trú, mặc dù rất muốn tìm đến Mẹ để xin giúp đỡ. 

1.1.2 Bà con quyến thuộc (ông bà tổ tiên) Có khi thọ thân ngả quỷ trong một thời gian dài, có khi trong nhiều kiếp sống, hoặc có liên hệ huyết thống qua nhiều đời: Chẳng hạn Chuyện Mẹ Của Trưởng Lão Sàriputta (Xá Lợi Phất) số 14 cho thấy nữ ngạ quỷ, 5 kiếp về trước là Mẹ ruột của Ngài Xá Lợi Phất, đã vào tận tịnh thất của Trưởng Lão để cầu cứu Ngài. Chuyện Ngạ Quỷ Ngoài Bức Tường số 5 cho thấy qua nhiều kiếp sống thống khổ làm thân ngạ quỷ đói khát (sau khi chịu vô lượng khổ trong các địa ngục do cực trọng nghiệp họ gây ra khi còn thân người), những ngạ quỷ nầy cuối cùng cũng tìm được bà con họ hàng của mình (Vua Tần Bà Sa La trước khi tái sinh làm Vua xứ Ma Kiệt Đà, đã trãi qua nhiều kiếp  thọ hưởng dục lạc ở các cõi trời dục giới trong khi bà con huyết thống của ông chịu kiếp ngạ quỷ đói khát trong khoảng thời gian dài như thế từ thời Đức Phật Ca Diếp đến thời Đức Phật Thích Ca), và họ tề tựu đứng bên ngoài cổng thành Vương Xá xứ Ma Kiệt Đà để ‘cầu cứu’ nhà vua và hoàng tộc ban thưởng công đức cho họ (Tiểu Bộ Kinh, Tập II. Ngạ Quỷ Sự. Chuyện số 5, Gs. Trần Phương Lan).

Họ là thân bằng quyến thuộc, là những người đã từng ở với ta, và giúp đỡ ta, cho nên, Thế Tôn dạy:

“Những thân bằng quyến thuộc trong nhà
Trước đã cho ta, giúp đỡ ta;
Mong mọi người ban phần ngạ quỷ,
Nhớ công họ tạo thuở xưa xa.”

(Tiểu Bộ Kinh, Tập I. Tiểu Tụng VII. Kinh Ngoài Bức Tường)

1.2           Ngạ quỷ ‘có thể’ không phải quyến thuộc:

Có những ngạ quỷ do đói khát giày vò lang thang tìm thức uống, thức ăn từ bất kể ai hay ở chỗ nào có thể, hoặc chỗ trú xứ của họ như chuyện Chuyện Ngạ Quỷ Dhanapàla số 19 , Chuyện Ngạ Quỷ Mẹ của Uttara; hoặc có những ngạ quỷ tình cờ gặp được những người khả ái cầu xin họ giúp đỡ như Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Soái Đầu số 10 tình cờ gặp các thương gia đi lạc vào chốn biển xanh nơi Nữ Ngạ Quỷ trần truồng cư trú trong tòa lầu đài lỗng lẫy qua vài kiếp sống, hoặc Chuyện Ngạ Quỷ Không Chìm Trong Nước số 26 tình cờ gặp đại thần Koliya và cầu cứu đại thần giúp đỡ (Xem phần 2). Điểm đáng chú ý là những người tình cờ gặp những ngạ quỷ đáng thương này sẵn lòng cứu giúp họ vì lòng thương.

2    Những cách mang lại lợi ích cho ngạ quỷ quyến thuộc và không quyến thuộc và cho cả người thực hiện

Như vậy, những tích chuyện ngạ quỷ cho thấy có hai loại ngạ quỷ rất cần được cứu giúp: Thứ nhất là loài ngạ quỷ bạc phước, chịu nhiều nỗi thống khổ như đói khát giày vò, trần truồng, thân hình kỳ dị, trơ xương, bơ vơ không trú xứ, hoặc nhiều nỗi khổ về thân và về tâm. Thứ hai là những ngạ quỷ có thần lực như dạ xoa, được hưởng một số thiên lạc, đồng thời chịu một phần khổ đau (đa phần là trần truồng…) do bất thiện nghiệp mà họ đã tạo ra khi thọ thân người. Toàn bộ 51 câu chuyện trong Ngạ Quỷ Sự hầu như chỉ đề cập một cách duy nhất, mang lại lợi lạc vô cùng và lâu dài cho ‘kẻ nhận người cho’ là Cúng Dường và Hồi Hướng cho ngạ quỷ. Có lẽ trên cơ sở chân ngôn này mà Quý Sư (Nam Tông) khuyến phát chư Phật tử tại gia thực hành pháp này vì lợi ích lớn lao và lâu dài cho bà con huyết thống trong loài ngạ quỷ và cho cả người thực hiện trong khi chư Tăng Ni tăng phần dõng lực, mặc dầu trong một số bài kinh khác thuộc Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ (Nikàya) vv, Thế Tôn đã để lại cho quý Phật tử những bài pháp về cúng thí thực hay tế đàn cho bà con quyến thuộc đã chết (vong linh) trong loài ngạ quỷ. Trong phần này, bài kết tập lần lượt trình bày chi tiết hai cách mang lại lợi ích cho bà con quyến thuộc trong loài ngạ quỷ và cho người thực hành.

2.1 Cúng dường và hồi hướng công đức cho ngạ quỷ

Cúng dường ai, cúng dường cái gì và hồi hướng ra sao để cả hai (kẻ nhận, người cho) đều được nhiều công đức và kết quả vinh hiển? Những Chuyện Ngạ Quỷ cho thấy cúng dường Phật, chư tăng, tứ phương Tăng, một Tỷ kheo, cư sĩ, hoặc có thể cho người hiền những vật thí tương ứng với nhu cầu của ngạ quỷ  (chẳng hạn, ngạ quỷ có phước báu nhưng trần truồng, thì người cúng dâng y (áo quần), hoặc ngạ quỷ đói khát, trần truồng, không có trú xứ, thì người cúng dâng thức uống, nước rửa tay, rửa chân, y, am thất vv), thì ngạ quỷ sẽ được hưởng phần ngay kết quả của công đức hồi hướng, giúp ngạ quỷ thoát cảnh thống khổ lâu dài vv, và người cúng dường được công đức lớn lao.  Tuy nhiên, theo tuệ giác của Thế Tôn từ 51 câu chuyện trong Ngạ Quỷ Sự (Tập II. Tiểu Bộ Kinh Nikàya, Gs. Trần Phương Lan), hành giả (người thực hành cúng dường) nên cúng dường chư Tăng và hồi hướng cho ngạ quỷ như được đúc kết bằng những vần kệ từ Chuyện số 5. Ngạ Quỷ Ngoài Bức Tường hoặc  trong Tiểu Tụng được cô đọng bằng những vần kệ sau:

Bên kia thế giới các vong linh
Nhờ vật cúng dường để dưỡng sinh,
Như nước đổ từ trên núi xuống
Cúng dường nuôi ngạ quỷ thân tình.

Những thân bằng quyến thuộc trong nhà
Trước đã cho ta, giúp đỡ ta;
Mong mọi người ban phần ngạ quỷ,
Nhớ công họ tạo thuở xưa xa.

Song lễ vật này được cúng dâng
Khéo đem an trú ở chư Tăng,
Quả này hiện tại và sau nữa
Lợi lạc lâu dài với cổ nhân
.
Đây là nghĩa vụ của thân nhân
Tôn trọng vong linh, đã cúng dâng,
Tăng chúng được thêm nhiều dõng lực,
Người làm công đức lớn vô ngần

(Tiểu Bộ Kinh, Tập I. Tiểu Tụng VII. Kinh Ngoài Bức Tường)

 

Sau đây là bảy cách cúng dường sẽ được hiển bày trên nền tảng giáo điển Nikàya (Pali tạng) có liên hệ tương ưng với Phật Giáo Đại Thừa ngỏ hầu giúp quý đạo hữu có cái nhìn khách quan và đúng đắn nhằm để chánh pháp từ bi và trí tuệ cửa Thế Tôn lan tỏa đến với nhiều hữu tình chúng sanh, mang lại lợi ích lâu dài cho kẻ còn người mất (ông bà tổ tiên).

2.1.1     Cúng dường cho một tỷ kheo và hồi hướng công đức cho ngạ quỷ

Người hiến cúng (người nhà, người vì lòng từ…) chân thành cúng dường những vât dụng (thức uống, thức ăn, y phục, giầy dép, am thất vv) cho một Tỷ kheo và hồi hướng phần công đức này cho ngạ quỷ, lập tức ngạ quỷ được hưởng những kết quả tốt đẹp và lâu dài. Chuyện Người Thợ Dệt số 9 là một ví dụ chứng tỏ điều này.Trong câu chuyện này, người chủ nghiệp đoàn thợ dệt là người mộ đạo, hoan hỷ cúng dường chư Tăng. Tuy nhiên, người vợ không có lòng tin, tà kiến, xan tham và có ý ngăn chặn sư cúng dường của chồng. Kết quả sau khi cả hai thân hoại mạng chung, người chủ nghiệp đoàn thợ dệt tái sinh làm địa thần đầy uy lực và nhiều phước báu như chư thiên trong khi người vợ tái sinh làm ngạ quỷ đói khát, trần truồng, chịu nhiều khổ đau. Nữ ngạ quỷ tìm đến chỗ địa thần để cầu cứu, và sau khi địa thần (chồng cũ của nữ quỷ) cúng dường những thức ăn, thức uống và y phục cho một Tỷ kheo và hồi hướng công đức này cho nữ ngạ quỷ và kết quả ‘thần tiên’ liền đến với  nữ quỷ như đoạn trích sau:

Thế rồi, người vợ ích kỷ của chủ nghiệp đoàn thợ dệt,với ác tâm buông lời mạ lỵ chồng: 'Mong mọi thức uống ăn mà ông cúng các Tỷ-kheo đệ tử chân chánh của đức Phật sẽ trở thành phân dơ và y phục sẽ thành những tấm sắt nóng bỏng trong kiếp sau'.

Khi từ trần, vị chủ nghiệp đoàn thợ dệt tái sanh ở rừng Vindhya làm một vị thần đầy vẻ huy hoàng. Người vợ xan tham ấy tái sanh làm nữ ngạ quỷ ở không xa nơi ông ở. Nữ ngạ quỷ trần truồng xấu xí, bị đói khát giày vò,và khi đến gần vị địa thần này, nó nói:

- Thưa phu quân, thiếp trần truồng đi lang thang bị đói khát hành hạ vô cùng khổ cực, xin hãy cho thiếp y phục và thức ăn uống.

Vị thần liền cho nó một số thực phẩm thần tiên của mình, nhưng khi ngạ quỷ vừa cầm lấy, các thứ này lập tức biến thành phân dơ và y phục nó vừa mặc vào liền hóa ra tấm sắt nóng cháy. Ngạ quỷ vừa nôn mửa vừa kêu khóc và đi lang thang trong nỗi thống khổ cùng cực.

- Giờ đây có phương tiện gì giải thoát bà khỏi cảnh giới ngạ quỷ?

Tỷ-kheo đáp:

- Nếu ta dâng cúng đức Phật và Thánh chúng hay chỉ một Tỷ-kheo và hồi hướng công đức đến nữ ngạ quỷ, nó sẽ hưởng được phước phần và theo cách ấy nó sẽ thoát khỏi khổ đau.

Khi nghe vậy, vị thần liền cúng vị Tỷ-kheo thực phẩm và hồi hướng công đức cúng dường cho nữ ngạ quỷ. Tức thì nó được đầy đủ, tâm hân hoan hưởng thọ các thực phẩm thần tiên.

(Tiểu Bộ Kinh, Tập II. Ngạ Quỷ Sự (1) 9 Chuyện Ông Chủ Thợ Dệt (Mahàpesakàra)

Tích truyện này cho thấy người hiến cúng (người nhà, người vì lòng từ vv) chân thành cúng dường đến một Tỷ Kheo những vật phẩm tương ưng với ngạ quỷ quyến thuộc cần (nước uống, thức ăn và y áo), và hồi hướng phước phần này cho loài ngạ quỷ, thì quả báu tốt lành ‘bất khả tư nghì’  sẽ trổ ra liền ngay, và theo cách đó ngạ quỷ thoát khỏi khổ đau lâu dài. Tích truyện trên cũng cho chúng ta thấy một điều quan trọng: Không thể cúng thí trực tiếp cho loài ngạ quỷ vì ngạ quỷ không được hưởng một chút lợi lạc nào cả từ người cúng thí.

2.1.2     Cúng dường cho chư tăng

Người hiến cúng (người thân…) chân thành cúng dường những vật phẩm tương ưng với nhu cầu của ngạ quỷ quyến thuộc cho chư Tăng từ bốn vị trở lên, rồi hồi hướng công đức chân thật nầy cho ngạ quỷ quyến thuộc, thì kết quả vi diệu sẽ phát sinh cho ngạ quỷ như tích truyện số 15. Chuyện nữ ngạ quỷ Mattà: Nữ ngạ quỷ chịu nhiều đau khổ giày vò vì những nghiệp xấu ác mà nàng gây ra cho người vợ kế của chồng nàng như được đúc kết bằng những vần kệ cô đọng sau:

Mattà tái sinh cõi yêu ma
Xan tham, dối trá lại hờn ghen
Tissà, vợ nhỏ của chồng bà
Mộ đạo cúng dường bốn Sa-môn
Lại sinh bé trai, đẹp lòng chàng
Khiến nàng đau khổ gây ác nghiệp
Đổ rác lên đầu của Tissà
Rải cây cỏ ngứa khắp giường nằm
Mang giấu xiêm y dự lễ hội 
Quẳng bỏ hương liệu vào phân thối
Chẳng hề cúng dường một Sa-môn
Năm phần khốn khổ kết vào thân
Trần truồng dơ bẩn mùi xú uế
Ngứa ngáy đói khát thân gầy cồm
Không nơi nương tựa thật bơ vơ 
Đến cầu Tissà xin cúng dâng
Tám vị Sa-môn và hồi hướng
Phước lành dành cho Ngạ quỷ nương 
Đây là kết quả từ công đức:
“Thức uống, thức ăn, lẫn áo quần.
Sáng ngời, y phục thật thanh tân,
Tơ lụa Ba-la-nại tuyệt trần,
Mang đủ nữ trang và kiểu áo,
Như nàng Thiên nữ, dáng siêu phàm
Đang chiếu mười phương sáng rỡ ràng,
Thiên nữ, sắc nàng trông chói lọi,
Như vì sao cứu hộ trần gian”.

(Tiểu Bộ Kinh, Tập II. Ngạ Quỷ Sự, 15. Chuyện nữ ngạ quỷ Mattà)

Những vần kệ cho thấy ngạ quỷ Mattà chịu đói khát, trần truồng, gầy cồm, ngứa ngáy, thân hôi thối và bơ vơ, không nơi cư trú tương xứng với những hành nghiệp bất thiện mà nàng đã gây ra đối với Tissa, người vợ kế của chồng nàng khi nữ quỷ còn thọ thân người. Ngạ quỷ trở thành nàng tiên tuyệt đẹp với ánh hào quang sáng rực, là kết quả của công đức cúng dường tám vị Tăng với lòng thành kính của Tissa được hồi hướng cho nữ quỷ.

Tục cúng dường tứ sự chư Tăng, chư Ni, tối thiểu bốn vị ngay sau mùa an cư kiết hạ vào rằm tháng Bảy trong lễ Kathina hằng năm (hay Lễ Vu Lan) cho bất kể ai muốn hồi hướng phước báu cho cha mẹ, cho bà con quyến thuộc nhiều đời, là truyền thống hiếu đễ của người Việt đối với cha mẹ và ông bà tổ tiên. Nhân duyên là ngài Mahamoggallana (Đại hiếu Mục Kiên Liên) được Phât dạy, theo tạng kinh Phật Giáo Nguyên Thủy, cách cúng dường cho 3000 Tăng trong ngày mãn hạ Rằm Tháng Bảy và hồi hướng cho Mẹ ngài (chịu khổ nhục của kiếp ngạ quỷ) qua đó Mẹ ngài thoát khỏi nạn ngạ quỷ, đươc sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương. Sau lễ Kathina (Vu Lan), ngài Xá Lơi Phất thay mặt Phât dạy về nhân quả và cách cúng dường tứ sự cho chư Tăng chư Ni tại các tự viện, tịnh xá như đoạn trích từ tác phẩm Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt của Sư Giới Đức như sau:

Tôn giả Xá Lợi Phất giải thích thêm rằng, trong cuộc lễ Kaṭhina hằng năm, sau mùa chư tăng mãn hạ; bất cứ ai muốn hồi hướng phước báu cho cha mẹ, cho bà con quyến thuộc nhiều đời đều có thể tổ chức đặt bát, trai Tăng, hay cúng dường tứ sự tại các tịnh xá, tu viện Tăng hoặc Ni...

Cuối buổi giảng, tôn giả Sāriputta còn cho biết thêm rằng, một hội chúng khả dĩ đại diện cho Tăng là bốn vị tỳ-khưu hay bốn vị tỳ-khưu-ni trở lên, nhiều hơn thì càng tốt; nếu chỉ một hoặc hai vị thì không thể gọi là đại diện cho Tăng được, năng lực phước báu sẽ giảm đi.

(Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt, Tập 6 Tôn Giả Mahā Moggallāna (Đại Mục Kiền Liên) Báo Hiếu Mẹ, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Nhà xuất bản Văn Học 2014)

2.1.3     Cúng dường cho tứ phương tăng

Người hiến cúng (người thân, người vì lòng từ mẫn vv) chân thành cúng dường những tịnh phẩm cho chư Tăng hay một vị tăng với ý niệm dâng cúng cho tứ phương Tăng (tức là hết thảy Tăng Ni Thế Gian), và hồi hướng công đức chân thật nầy cho ngạ quỷ (quyến thuộc), thì kết quả bất khả tư nghị sẽ trổ ra ngay, hết khổ đau, như Chuyện số 27 Ngạ quỷ Sànuvàssin được cô đọng bằng những vần kệ sau:

Có vị Trưởng lão ở Kun-di,
Trú tại núi Sà-nu-và-si,
Điều phục các căn, người khổ hạnh,
Quả vị La Hán thật chính danh.
Em trai, cùng với mẹ và cha,
Khốn khổ thần dân cõi Dạ-ma,
Vì tạo ác hành trong kiếp trước,
Từ đời này đã hóa ra ma.
Ở nơi đọa xứ, ốm trơ xương
Ở truồng, đói khát, không nhà cửa
Hốc hác, lo âu, đầy sợ hãi,
chân trần lang thang khổ vô ngần

Động lòng từ bi, Ngài thương xót,
Cúng dường chư tăng bốn phương trời:

Tịnh thực, y áo, thùng nước trong

Am thất tự xây cùng chiếc hài
Phước phần hồi hướng cha, mẹ, em
Những kẻ khốn cùng được thỏa dạ

Thiên thực, thiên y đủ các loại

Súng sen đủ màu bốn ao trong

Lầu đài lầu các như cõi trời

Thiên xa tuyệt vời nhờ phước ân.

(Tiểu Bộ Kinh, Tập II. Ngạ Quỷ Sự, 2.(27) Chuyện Ngạ Quỷ Núi Sànuvàsin (Sànuvàsinpeta)

Qua tích truyện này, người Phật tử có thể cúng dường chư Tăng, chư Ni hoặc cho một Tỷ Kheo, Tỷ Kheo Ni với ý niệm như cúng dường tứ phương Tăng, những tịnh vật cần thiết phù hợp với nhu cầu của ngạ quỷ,chẳng hạn: ngạ quỷ bơ vơ, không có nơi tá túc, thì cúng dường am thất, ngạ quỷ không có phương tiện đi lại, thì dâng cúng một chiếc hài vv và hồi hướng công đức nầy cho ngạ quỷ (quyến thuộc…),  thì kết quả không thể nghĩ bàn đến với họ, những thiên lạc như lầu các nguy nga, thiên xa vv trổ sanh, kiếp ngạ quỷ của họ đươc tan, và họ thọ hưởng ‘thiên lạc’ lâu dài. Tích Chuyện số 14. Mẹ của Trưởng Lão Xá Lợi Phật là một ví dụ nữa cho việc cúng dường tứ phương Tăng và hồi hướng phước phần này cho ngạ quỷ quyến thuộc, thì ngạ quỷ được thọ hưởng những ‘thiên lạc’ liền ngay, và lâu dài…

2.1.4     Cúng dường cho đức Phật và chư Tăng

Vua Tần Bà Sa La cùng hoàng tộc của xứ Ma Kiệt Đà thật có duyên lành cúng dường tứ sự trong bảy ngày cho Tăng chúng với Đức Phật làm thượng thủ, và hồi hướng công đức nầy cho bà con ngạ quỷ quyến thuộc đang khao khát trông chờ ở ngoài bức tường. Kết quả không thể nghĩ bàn được trổ sanh cho họ thọ dụng. Cảnh tượng huy hoàng này nhờ oai thần của Đức Phật hiện ra trước mắt vua và mọi người để mọi người hoan hỷ, và khiến nhiều người đắc pháp nhãn thanh tịnh, như đoạn trích tiêu biểu dưới đây từ Chuyện số 5 Ngạ Quỷ Ngoài Bức Tường.

Tiếng kêu khóc của những ngạ quỷ ngoài bức tường khiến vua Tần Bà Sa La lo sợ, và đến yết kiến Thế Tôn, rồi bạch Phật về chuyên này, và được Thế Tôn an tâm:

Thưa Đại vương,  không có gì xảy ra với Đại vương đâu, mà thịnh vượng sẽ đến với Đại vương thôi. sợ, không có gì bất thường Giờ đây, quả thật là quyến thuộc của Đại vương đã tái sanh vào loài ngạ quỷ. Trong suốt một kiếp, chúng đã lang thang khắp nơi và chỉ mong ước điều này: 'Nhà vua sẽ làm lễ cúng dường đức Phật và hồi hướng công đức ấy cho chúng ta'.

Sau đó đức Thế Tôn làm cho mỗi ngạ quỷ đều hiện hình trước nhà vua. Trong khi vua dâng nước rửa, vua hồi hướng công đức ấy cho chúng với những lời này: 'Mong công đức này dành cho quyến thuộc ta'. Lập tức xuất hiện các ao sen đầy sen súng cho bọn ngạ quỷ. Chúng tắm rửa và uống nước ở đó, được giảm nhẹ nỗi thống khổ của chúng vì bất hạnh, lao nhọc và khát nước, nên da chúng trở nên vàng ánh.

Nhà vua dâng lễ cúng dường cháo gạo và các thức ăn đủ loại cứng mềm rồi hồi hướng công đứng lễ vật ấy cho chúng. Trong chốc lát liền xuất hiện cho chúng các thực phẩm khác, thậm chí cả thực phẩm thiên giới, khiến chúng hân hoan hưởng thọ.

Nhà vua lại cúng dường y phục và sàng tọa, tinh xá rồi hồi hướng công đức lễ vật ấy. Sau đó liền xuất hiện cho chung các thiên y, thiên cung, sàng tọa, khăn phủ và đồ trang sức. Đức Thế Tôn quyết định làm cho tất cả hạnh phúc tuyệt vời này của họ được hiển lộ trước vua; khi nhìn thấy vậy, vua vô cùng hoan hỷ.

(Tiểu Bộ Kinh, Tập II. Ngạ Quỷ Sự,  Chuyện số 5 Ngạ Quỷ Ngoài Bức Tường)

 

Ngoài việc cúng dường chư Tăng, quý Phât tử ngày nay làm sao có duyên lành để cúng dường Đức Phật khi ngài đã nhập diệt?

Ngày nay, quý Phật tử có thể cúng dường Phật những tịnh vật trước tôn tượng Phật như hương hoa, tịnh thủy, đèn thắp sáng, chén cơm vv một cách chân thành, thì phước báu vô lượng. Có thể tham khảo pháp bảo này trong quyển tập “Những Lời Dạy Vàng của Đức Phật” của Tỷ Kheo Thiện Minh từ thánh điển Phật giáo Miến Điện (Phật Giáo Nam truyền). Tuy nhiên, về phương diện cá nhân, không có một sự cúng dường nào phước báu hơn cúng dường chúng Tăng. Cúng dường chúng Tăng lớn hơn cả cúng dường Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, như đoạn trích dẫn sau đây từ Trung Bộ Kinh:

Nhưng này Ananda, khi Ta nói rằng cúng dường cho Tăng chúng là vô số và vô lượng, thời này Ananda, Ta không có muốn nói rằng bất cứ phương tiện gì, một sự bố thí phân loại theo cá nhân lại có kết quả to lớn hơn đối với cúng dường cho Tăng chúng.

(Trung Bộ Kinh, 142. Kinh Phân Biệt Cúng Dường)

 

Có phải chăng khi Thế Tôn nhập diệt, Đức Phật không còn hiện hữu trên thế gian nữa, chúng tăng đại diện cho Phật, Pháp và Tăng, cho nên việc cúng dường cho chúng Tăng từ các Phật tử tín tâm, sẽ có kết quả lớn hơn cả Đức Bổn Sư Thích Ca.

Theo Phật giáo đại thừa, khi cúng dường tịnh thực, tịnh thủy, tịnh vật trước tôn tượng Phật Thích Ca, hay bất kể vị Phật nào, hành giả nên xem đây như là biểu tướng của pháp thân Phật, chư Phật thập phương, là Phật bảo, thì công đức cúng dường với tâm ý thanh tịnh cao khiết này của hành giả sẽ vô lượng vô biên bất khả thuyết. Trong Chánh Giác Tông của Trưởng Lão Hòa Thượng Bửu Chơn (Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam năm 1962) kể về 28 vị Phật quá khứ và 10 vị Phât tương lai, chỉ dấu cho thấy chư Phật ba đời (quá khứ, hiện tại và vị lai) tồn tại trong giáo điển của Phật Giáo Nguyên Thủy. Công đức của chư Phật hay Phật bảo là chơn thật, là thường trụ, không biến đổi. Vì thế, Phât tử có thể nương nhờ công đức chân thật này của chư Phật qua việc kính lễ, cúng dường tịnh thực (hoa, quả, nước …), cầu nguyện, và hồi hướng cho cha mẹ, thân bằng quyến thuộc và hết thảy hữu tình chúng sanh.

Ngay trong tạng kinh Pali, việc nương nhờ vào công đức chân thật của chư Phật trong việc cầu nguyện, thì kết quả ‘nhiệm mầu’ bất khả tư nghì xảy ra như chuyện số 35 từ Tiểu Bộ Kinh Tập IV, kể về con chim cun cút con dựa vào công đức chân thật của chư Phật và tự tánh hiện hữu nơi thân để dập tắc ngọn lửa đang thiêu cháy khu rừng để cứu rất nhiều hữu tình như được mô tả trong đoạn trích sau đây:

"Trong thế giới này, có công đức, thật sự có công đức. Có những vị trong quá khứ viên mãn thành tựu các hạnh Ba-la-mật, ngồi dưới gốc Bồ-đề, chứng Chánh Đẳng Giác, đầy đủ giới định tuệ, giải thoát, giải thóat tri kiến, thành tựu chân lý, lân mẫn từ bi, nhẫn nhục tụ tập lòng thân ái, bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, những vị Phật Nhất thiết trí. Có những công đức Pháp mà các vị ấy đã chứng đắc. Và ta có được một sự thật: Một tự tánh pháp hiện hữu. Do vậy, ta cần phải niệm các công đức đã được các đức Phật quá khứ chứng đắc, nắm giữ tự tánh pháp về sự thật hiện có nơi ta, làm một hạnh chân đẩy lui ngọn lửa, đem lại an toàn cho ta và cho các con chim còn lại".

Do vậy, bài kệ này được nói lên:

Ở đời có giới đức,

Chân thật, tịnh, từ bi,

Chính với chân thật ấy

Ta sẽ làm một hạnh,

Hạnh chân thật vô thượng.

Hay hướng niệm Pháp lực,

Niệm chư Phật quá khứ,

Dựa sức mạnh chân thật,

Ta làm hạnh chân thật.

Rồi Bồ-tát niệm công đức chư Phật đã nhập Niết-bàn trong quá khứ, nhân danh tánh chân thật hiện có trên tự thân, làm một hạnh chân thật, và đọc bài kệ:

Có cánh không bay được,

Có chân không thể đi,

Cha mẹ đã bỏ ta,

Hỡi lửa, hãy đi lui!

Khi Bồ-tát nói sự thật ấy, ngọn lửa đi trở lui khoảng mười sáu tầm (1 tầm = 1,8 m). Khi trở lui như vậy, lửa không đốt cháy khu rừng nó đi ngang qua và được dập tắt tại chỗ ấy, như bó đuốc nhúng vào nước. Do vậy, bài kệ được nói như sau:

Ta làm hạnh chân thật,

Màn lửa lớn lửa ngọn.

Đi lui mười sáu tầm

Như ngọn đuốc gặp nước.

Trong suốt kiếp này, chỗ ấy không bị lửa đốt cháy, được gọi là thần thông tại trong một kiếp. Như vậy, Bồ-tát đã làm hạnh chân thật, và khi mạng chung, ngài đi theo nghiệp của mình.

(Tiểu Bộ Kinh, Tập IV. Chuyện số 35.Chuyện Con Chim Cút (Tiền thân Vattaka),

Hoặc như bài kệ bảo hộ trong chuyện số 159, con chim công hàng ngày đảnh lễ chư Phật và cầu nguyện chư Phật bảo hộ chim công sống an toàn trọn ngày và đêm. Nhờ thực hành tinh tấn, chim công sống an yên 700 năm…

Bồ-tát lại đảnh lễ các đức Phật đã nhập diệt trong quá khứ và các công đức của chư Phật với bài kệ:

Các vị Thánh, chân nhân,

Bậc tuệ tri mọi pháp,

Con đảnh lễ các Ngài

Hãy hộ trì cho con.

Đảnh lễ chư Phật-đà,

Đảnh lễ Bồ-đề vị,

Đảnh lễ bậc giải thoát,

Đảnh lễ giải thoát vị.

(Tiểu Bộ Kinh, Tập V. 159. Chuyện con công (Tiền thân Mora)

Như vậy, từ ngay tạng kinh Pali (Phât Giáo Nam Truyền), điều có thể nhận ra là công đức vô lượng không thể nghĩ bàn khi đảnh lễ chư Phât, tán thán công đức chư Phật hoặc cúng dường tịnh vật (cơm, đèn vv), và có thể đem công đức này hồi hướng cho ông bà tổ tiên của mình, nhất là trong loài ngạ quỷ…

 

2.1.5  Cúng dường Tăng Bảo hay thập phương Tăng

Trong Kinh, đức Phật dạy rằng “Khi cúng dường tứ sự đến cho một vị tỳ-khưu, hai vị tỳ-khưu, cận sự nam nữ đừng nghĩ đến cá nhân vị ấy mà cứ khởi tâm cúng dường Tăng, cúng dường Tăng Bảo thì phước báu ấy sẽ rất toàn hảo, rất thanh tịnh”

Không kể phàm, không kể thánh, bất cứ ai còn tăng tướng, phẩm mạo sa-môn thì tất cả đều ở trong Tăng Bảo ba đời: Hiện tại, quá khứ và vị lai. Tăng Bảo bao giờ cũng gồm chư thánh phàm tăng quá khứ, chư thánh phàm tăng hiện tại, chư thánh phàm tăng vị lai, này Upāli! Một vài vị, năm bảy vị, một số cá nhân tỳ-khưu thì có thể hư hỏng, xấu xa, ác giới, nhơ bợn nhưng Tăng Bảo thì không, Tăng Bảo thì luôn luôn mỹ toàn, thanh tịnh, này Upāli!

(Tín Tâm Cúng Dường Tăng Bảo, Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo, S 196, tr.22)

Sau đây là một thí dụ điển hình từ Chánh Giác Tông, phần Chư Phât vị lai cho thấy với một tấm y cúng dường cho một tỷ kheo mới tu của Dưỡng Mẫu Gotamì, thông qua đó xem như cúng dương thập phương tăng hay tăng bảo, thì công đức rất lớn, lớn hơn cúng dường đến Như Lai như đoạn trích sau :

Nguyên nhân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết về mười vị Phật tổ giáng sanh trong ngày vị lai là: một hôm bà Gotamī là dưỡng mẫu của Đức Phật, chính là em ruột của hoàng hậu Mahā Mayā, tự tay bà quay chỉ dệt, may và nhuộm lấy hai tấm y ca-sa thật quý định đem dâng cho Đức Phật. Ngài chỉ lãnh lấy một lá y, còn một lá y Ngài bèn bảo đem dâng cho chư Tăng, bà đem dâng từ vị Đại đức cho tới chót không ai dám nhận vì nghĩ rằng: nếu không ai dám lãnh thì bà sẽ đem dâng lại cho Đức Phật, khi tới sau cùng có một vị tỳ-khưu mới tu, ông thọ lãnh tấm y và tính đem dâng lại cho Đức Phật, các vị còn phàm có ý khi dể cho rằng người không đức tin và không tôn kính. Bà Gotamī có ý buồn vì dâng cho vị mới tu, sợ mình ít phước.

Đức Phật hiểu ý bèn giảng giải rằng: “Ai có lòng trong sạch dâng cúng đến chư Tăng thập phương thì sẽ được nhiều phước báu hơn dâng đến Như Lai”.

(Chanh Giac Tong, Chư Phật Vị Lai - Co Mười Vị, Trưởng Lão Hoa Thượng Bửu Chơn Phật Giáo Nguyên Thủy Theravāda)

 

Qua hai đoạn kinh văn từ tạng kinh điển Nguyển Thủy cho thấy công đức thù thắng diệu kỳ khi người tín thí với tâm chân thành cúng dường tịnh vật hay tịnh thủy cho Tăng Bảo, thập phương tăng thông qua phẩm mạo sa môn, và tăng tướng của bất kể vị tỷ kheo nào, mà không có ý niệm cá nhân vị tăng ấy vì TĂNG BẢO LUÔN TOÀN MỸ VÀ THANH TỊNH.

Như vậy, trong tất cả sự cúng dường Tăng, sự khởi tâm cúng dường cho Tăng Bảo hay thập phương tăng của hành giả là một sự cúng dường có phước báu toàn hảo và thanh tịnh. Với công đức chân thật này hồi hướng cho bà con quyến thuộc trong 6 cõi (trong đó có ngạ quỹ), thì bà con quyến thuộc sẽ được hưởng phần phước báu, và bà con quyến thuộc trong loài ngạ quỹ sẽ được an lạc, có khi thoát kiếp ngạ quỷ.

2.1.6  Cúng dường cho cư sỹ có đầy đủ lòng tin với Đức Phật

Không những cúng dường tỷ khéo (từ phương diện cá nhân, tập thể (chư tăng), tứ phương tăng (hết thảy chư tăng thế gian), hay Tăng Bảo, Thập Phương Tăng, và hồi hướng công đức này cho ngạ quỷ, thì ngạ quỷ sẽ được hưởng kết quả thù thắng, an lạc ; mà việc cúng dường có thể an trú vào một vị cư sỹ có đầy đủ lòng tin vào Đức Phật, vào Tam Bảo, và đem phần công đức này hồi hướng cho ngạ quỷ, thì ngạ quỷ cũng sẽ được hưởng những kết quả to lớn, và an lạc lâu dài. Chuyện số 10 Nữ Nhân Soái Đầu là một thí dụ điển hình cho thấy việc chân thành dâng cúng y phục của các thương gia cho một vị cư sỹ đi cùng trên con thuyền và hồi hướng công đức này cho nữ quỹ bị trần truồng cô quạnh trong nhiều kiếp sống, nữ quỷ được hưởng ngay  nhiều trang phục lộng lẫy như nàng tiên như được mô tả bằng những vần kệ trích dẫn sau :

Sau khi đem áo tặng người này,
Hồi hướng cho ta phước đức vầy,
Ta sẽ được ban nhiều hạnh phúc,
Mọi nguồn lạc thú sẽ tràn đầy
.

Sau khi nghe nàng nói, các thương nhân tắm rửa và thoa dầu thơm lên người đệ tử tại gia kia và khoác lên chàng một bộ y phục.

Chư vị kết tập Kinh điển ngâm ba vần kệ để giải thích việc này:

6. Khi đã tắm chàng, đám phú thương
Cho chàng cư sĩ tẩm dầu hương,
Và cho chàng được mang y phục,
Nữ quỷ hưởng công đức cúng dường.

7-8. Kết quả này do việc cúng dường:
Tràn đầy y phục với đồ ăn.
Xiêm y thanh lịch, nàng trong trắng
Khoác lụa Ba-la-nại tuyệt trần,
Vừa mỉm miệng cười, nàng mỹ nữ
Bước ra lầu ấy, lại thưa rằng:
'Đây là kết quả từ công đức
Lễ vật các ngài đã hiến dâng'
.

Tâm vị đệ tử tại gia đầy xúc động thương cảm, chàng nói:

- Này nữ thần, do năng lực của lễ vật nàng cúng dường ta, nàng đã thành tựu mọi ước nguyện một cách sung mãn. Nhưng giờ đây, do cúng dường các đệ tử tại gia này và ghi nhớ mọi đức hạnh của bậc Đạo Sư, nàng sẽ thoát khỏi tái sanh vào địa ngục.  

(Tiểu Bộ Kinh, Tập II,  Ngạ Quỷ Sự, Chuyện 10 : Nữ Nhân Sói Đầu (Khallàtiya)

Qua tích chuyện này, để ông bà quyến thuộc trong loài ngạ quỷ được hưởng phước phần và an lạc lâu dài, hay có thể thoát kiếp ngạ quỷ, thì hành giả có thể thành tâm dâng cúng cho cư sĩ với đầy đủ lòng tin vào Tam Bảo, và hồi hướng cho ngạ quỹ quyến thuộc hoặc bất kể ngạ quỷ nào có duyên gặp nhau (như những thương gia trong câu chuyến số 10 này tình cờ gặp ngạ quỷ bị trần truồng ở ngoài biển xa xôi khi thuyền họ bị lạc hướng).

2.1.7  Cúng dường cho người tốt?

Câu chuyện số 26 thuộc Ngạ Quỷ Sự, Tiểu Bộ Kinh Tập 2 chỉ dấu rằng có thể cúng dường tịnh vật, tịnh thủy cho một người tốt (giữ ngũ giới, người con hiểu thảo, hay làm việc thiện mà chưa quy y Tam Bảo) và hồi hướng công đức này cho Ngạ quỷ có duyên gặp nhau, thì ngạ quỷ cũng sẽ hưởng phước phần, và an lạc liền ngay. Trong câu chuyện này, Đại thần Koliya tình cờ gặp ngạ quỷ trần trụi ở Sông Hằng, khởi lòng thương xót và đem dâng cúng y phục và thức ăn cho môt thợ hớt tóc, và hồi hướng công đức này cho nga quỷ, thì ngạ quỷ được hưởng phước báu ngay liền như những vần kệ cô đọng sau :

Ngạ quỷ không chìm xuống nước sông,
Khi đi trên mặt nước sông Hằng,
Thân mình trần trụi, và tuy thế,
lại đội vòng hoa khéo điểm trang,
Cảm thương, đại thần Ko-li-ya,
dâng cúng bộ áo, cơm, bạch nha
Cho người hớt tóc khi thọ dụng
 Hồi hướng phước này ngạ quỷ sông
Tức thì quỷ phục sức cao sang
Mang đủ vòng hoa khéo điểm trang,
Ngạ quỷ đứng nơi kia hưởng thọ
Lễ dâng cúng tạo phước ân tràn,
Vì duyên cớ ấy ta nên cúng
Cho ngạ quỷ vì biết xót thương.

(Tiểu Bộ Kinh, Tập II,  Ngạ Quỷ Sự, Chuyện 26 : Chuyện Không Chìm Trong Nước (Abhijjamàna)

Thợ hớt tóc là ai, người hiền hay cư sĩ là một ẩn số vì chư Tăng kết tập kinh điển không nói rõ. Tuy nhiên, có thể suy luận thợ hớt tóc có thể là một người hiền, chưa quy Tam Bảo vì nếu là cư sĩ như câu chuyện số 10, thì danh tánh cư sĩ sẽ được hiển bày.

2.2         Cúng thí và tế đàn

Việc cúng thí và tế đàn đúng theo chánh pháp (không sát sanh, không tế lễ) được Thế Tôn tán thán từ cả tạng kinh Nam Truyền và Bắc Truyền. Mặc dù, các hành giả ‘theo hệ phái Nguyển Thủy) ít ứng dụng pháp cúng thí thực hay tế đàn nhưng việc cúng thí thực này được Đức Thích Ca xác quyết trong đoạn kinh văn của Tăng Chi Bộ như sau:

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử với tài sản... thâu hoạch đúng pháp. Với tài sản ấy, vị ấy tổ chức năm loại lễ hiến cúng; hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho các vong linh quá khứ, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên. Này Gia chủ, đây là trường hợp thứ ba vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ..

(Tăng Chi Bộ Kinh, Chương IV. Bốn Pháp, VII Phẩm Nghiệp Công Đức, (I) (61) Bốn Nghiệp Công Đức số 12)

Đoạn kinh văn trên cho thấy gia chủ có thể làm lễ cúng thí thực cho các vong linh (ông bà tổ tiên), và hiến cúng cho chư Thiên. Có thể thấy hai loại cúng thí từ các hành giả theo đại thừa Phật Giáo, thường thấy ở các chùa qua cúng thí thực hay các lễ tế đàn gồm có bàn thượng (Tam Bảo, chư thiên) và bàn hạ (Quỹ đói vv)

Tuy nhiên, trong hai loại cúng thì này, cúng thí cho thân bằng quyến thuộc trong loài ngạ quỹ là tương ứng xứ vì các ngạ quỷ (quyến thuộc trong loài này) được thọ hưởng những phần thức ăn được cúng như đoạn kinh văn 6 trong Tăng Chi Bộ, Chương 10 như sau

Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi Bà-la-môn, cho bố thí, làm các lễ cúng cho người chết. Mong rằng, bố thí này cho bà con huyết thống đã chết được lợi ích! Mong rằng các bà con huyết thống đã chết, thọ hưởng bố thí này! Thưa Tôn giả Gotama, bố thí có lợi ích gì cho các bà con huyết thống đã chết không? Các bà con huyết thống đã chết có được thọ hưởng bố thí ấy hay không?

- Này Bà-la-môn, nếu có tương ưng xứ, thời có lợi ích, không có lợi ích nếu không có tương ưng xứ.

- Thưa Tôn giả Gotama, thế nào là tương ưng xứ, thế nào là không tương ưng xứ?

Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, có tham ái, có sân, có tà kiến. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào địa ngục. Món ăn của chúng sanh ở địa ngục ăn, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ, trú ở nơi đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.

 Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh... có tà kiến. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sanh vào loại bàng sanh. Món ăn của chúng sanh ở bàng sanh ăn, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ; trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.

 Ở đây, này Bà-la-môn, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham ái, không có tâm sân hận, có chánh kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh cộng trú với loài Người. Món ăn của loài người như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.

Ở đây, này Bà-la-môn, có người từ bỏ sát sanh... có chánh kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên. Món ăn của chư Thiên như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn đây là không tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.

Ở đây, này Bà-la-môn, có người từ bỏ sát sanh... có tà kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi ngạ quỷ. Món ăn của chúng sanh ngạ quỷ như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Món ăn nào các bạn bè , hoặc thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống từ đấy muốn hướng cúng cho vị ấy, tại đấy vị ấy sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy được lợi ích của bố thí ấy.

Thưa Tôn giả Gotama, nếu bà con huyết thống ấy đã chết, không sanh vào chỗ ấy, thời ai hưởng bố thí ấy?

- Này Bà-la-môn, các bà con huyết thống khác đã chết, được sanh vào chỗ ấy, những người ấy được hưởng bố thí ấy.

- Thưa Tôn giả Gotama, nếu bà con huyết thống đã chết, không sanh vào chỗ ấy, và các bà con huyết thống khác cũng không sanh vào chỗ ấy, thời ai hưởng bố thí ấy?

Không có trường hợp ấy, không có cơ hội ấy, này Bà-la-môn, rằng chỗ ấy có  trống không trong một thời gian dài, không có người bà con huyết thống đã chết. Nhưng này Bà-la-môn, người bố thí không phải không có hưởng quả.

(Tăng chi bộ (chương 10 pháp, phẩm 17-Janussoni, phần Janussoni),

Có một số loài ngạ quỷ do nghiệp lực (cổ họng nhỏ thó, bụng thì to …),không thể thọ dụng thức ăn, thức uống được cúng thí, nên quý sư và quý Phật tử theo Đại Thừa Phật Giáo thường nương nhờ vào lực gia trì của Tam Bảo,tín niệm một số thần chú, đặc biệt Thần Chú Khai Yết Hầu, khai thông cổ họng giúp cho loài ngạ quỷ đói có thể thọ dụng thức ăn, thức uống cúng thí như được ghi lại trong các quyển kinh nhật tụng thuộc hệ phái Đại Thừa Phật Giáo. Mật chú hay thần chú và những diệu dụng của những chân ngôn này không những được ghi lại trong các tạng kinh Phật Giáo Đại Thừa và Mật Thừa mà còn trong tạng kinh Nikàya, đặc biệt trong những câu chuyện Tiền Thân, Tiểu Bộ Kinh, Phật Giáo Nguyên Thuỷ. Những kết quả khi người đọc tụng thần chú là vi diệu, bất khả tư nghì, vượt quá sức tưởng tượng của kẻ phàm nhân, như thần chú mưa bảy loại châu báu cùng quan sát thiên văn khi biết các hành tinh giao hội, thần chú có thể sai khiến tất cả các loài động vật, Chuyện số 336: Chuyện Vương tử Chatta vĩ đại với thần chú tìm kiếm châu báu, đại loại nhiều thần chú thần bí như vậy trong Tiểu Bộ Kinh Nikàya, Phật Giáo Nam Truyền. Sau đây là những trích đoạn từ hai trong nhìêu thần chú khiến cho cây với lá khô héo mọc lá, ra hoa và trổ quả trái mùa ngay lập tức trong tích Chuyện 474; và Chuyện số 150: Chuyện thanh niên Sanjiva (Tiền thân Sanjiva) với thần chú khiến cho hữu tình chết sống lại; cho thấy diệu dụng và kết quả vi diệu, không thể nghĩ bàn:

Một thời, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, cả gia đình của vị tế sư trong triều bị bệnh sốt rét tiêu diệt. Chỉ một người con trai duy nhất phá được tường nhà trốn thoát đi xa.

Chàng đến Takkasilà và học tập đủ các nghệ thuật kỹ năng với một vị giáo sư tiếng tăm lừng lẫy khắp thiên hạ.

Sau đó chàng từ giã sư phụ, và ra đi, với ý định chu du khắp nhiều miền; trên bước giang hồ, chàng đến một làng ở biên địa. Gần đó là một làng của giai cấp hèn hạ Chiên-đà-la (Candàla). Thời đó Bồ-tát cư ngụ trong làng này, và ngài là một bậc hiền trí. Ngài biết một thần chú làm cho quả trên cây mọc rộ lên trong lúc trái mùa.

Một buổi sáng kia, ngài mang đòn gánh đi ra khỏi làng mãi đến tận cây xoài mọc trong rừng, khi đứng cách đó bảy bước, ngài đọc thần chú và rảy một bụm nước vào cây đó. Trong chớp mắt, lớp lá khô rụng hết, lớp lá non mọc mầm, hoa nở rồi hoa tàn rụng, các trái xoài nhú ra. Song chỉ trong chốc lát chúng đã chín mọng ngọt ngào thơm ngát, xoài lớn nhanh như loại trái thần rồi rụng xuống đất! Bậc Đại sĩ chọn ăn tùy thích, rồi chất đầy hai giỏ trên đòn gánh, đem trái đi bán và kiếm tiền nuôi vợ con.

Tiểu Bộ Kinh, Tập VIII. Chuyện số 474. Chuyện trái xoài (Tiền thân Amba)

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Bà-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn giàu có. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài đi đến Takkasilà học tất cả các nghề và trở thành một Sư trưởng có danh nhiều phương dạy nghề cho năm trăm thanh niên, trong đó có một người tên là Sanjiva.

Bồ-tát dạy cho thanh niên ấy bùa chú làm các vật chết sống dậy nhưng không dạy bùa chú chế ngự lại. Một hôm vì kiêu mạn về năng lực của mình, anh ta đi cùng với các thanh niên vào rừng lượm củi, thấy một con cọp chết, liền nói với họ:

- Thưa các Hiền hữu, tôi sẽ làm cho con cọp chết này sống lại.

Các thanh niên ấy nói:             

- Bạn không thể làm được.

- Các bạn cứ nhìn, tôi sẽ làm cho nó đứng dậy.

Nghe vậy xong, các thanh niên ấy liền leo lên trên cây. Sanjiva đọc bùa chú, lấy mảnh sành đánh cọp. Con cọp vàng đứng dậy, nhanh như chớp xông tới, cắn vào cổ Sanjiva và hủy diệt mạng sống của anh ta và rồi rơi xuống tại chỗ ấy. Sanjiva cũng rơi xuống, và cả hai đều nằm chết tại chỗ. Các thanh niên lượm củi xong, đi về và trình Sư trưởng câu chuyện ấy. Ngài gọi các thanh niên và nói:

- Này các con thân, do thân cận với kẻ bất thiện, do kính trọng những kẻ không xứng đáng, nên nó phải gặp đại nạn như vậy.

Tiểu Bộ Kinh, Tập VIII. 150: Chuyện thanh niên Sanjiva (Tiền thân Sanjiva)

Như vậy, việc đọc tụng chú với những nghi thức truyền thống đều được ghi lại trong các kinh điển thuộc 3 hệ phái chính thống: Đại Thừa, Mật Thừa, và Nguyên Thuỷ. Sự diệu dụng và uy lực bất khả thuyết của việc đọc tụng thần chú sẽ mang lại kết quả không thể nghĩ bàn.

3.   Kết Luận: Lục thân quyến thuộc (bà con quyến thuộc trong sáu cõi) sẽ được lợi lạc khi người nhà với tâm chân thành cúng thí hoặc/và cúng dường và hồi hướng phước phần cho họ. Tuy nhiên, trong sáu cảnh giới này, loài ngạ quỷ là được hưởng phước phần trực tiếp, và lợi lạc nhiều nhất, vì tương ưng xứ. Trong hai hình thức làm lợi lạc cho bà con quyến thuộc trong lục đạo, đặc biệt loài quỷ đói khát giày vò, chịu nhiều khổ đau, và loài quỷ thần tuy có thần lực như dạ xoa (được hưởng một số thượng lạc như chư thiên), nhưng chịu một số khổ đau như trần truồng vv, thì việc cúng dường cho cho một tỷ kheo, chư tăng, chư ni (4 vị trở lên), tứ phương tăng (hết thảy chư tăng trên thế gian), thập phương tăng hay tăng bảo là phước báu rất lớn, thường được quý sư Phật Giáo Nguyên Thuỷ khuyến khích quý Phật tử thực hành, và đem công đức này hồi hướng cho thân bằng quyến thuộc trong loài ngạ quỷ, thì kết quả vinh quang sẽ đến với họ liền ngay, họ thoát nghiệp khổ (do ác nghiệp họ gây ra từ thân, khẩu và ý khi thọ thân người). Trong lễ Kaṭhina hằng năm, mùa Vu Lan, rằm tháng 07 trăng tròn, là ngày chư tăng ni mãn hạ, là duyên lành cho quý Phật tử tại gia cúng dường tịnh thực, y áo, tịnh thuỷ vv cho quý sư, đặc biệt với ý niệm cúng dường thập phương tăng, hay tăng bảo, và hồi hướng công đức cho ông bà tổ tiên trong sau cõi, và đặc biệt trong loài ngạ quỷ, thì ông bà tổ tiên (nhiều đời) sẽ được hưởng nhiều lợi lạc như đã được trình bày ở trên. Việc cúng dường cũng có thể an trú vào một vị cư sỹ có đầy đủ lòng tin vào Đức Phật, vào Tam Bảo, và đem phần công đức này hồi hướng cho ngạ quỷ, thì ngạ quỷ cũng sẽ được hưởng những kết quả to lớn, và an lạc lâu dài.  

Với đầy đủ tín tâm, việc cúng dường Tam Bảo (Chư Phật, Chư Pháp Chư Tăng thập phương ba đời, Tam Bảo Thường Trụ) và hồi hướng phước phần cho ông bà tổ tiên trong sáu cõi, đặc biệt là cõi ngạ quỷ; hay việc trì kinh, tụng chú theo  nghi thức cúng thí thực truyền thống cũng có thể ứng dụng vì lợi ích sẽ đến cho cả người mất lẫn nguời thực hiện, như đã được ghi lại trong các tạng kinh Nikàya (Phật Giáo Nguyên Thuỷ), và trong các kinh điển của Đại Thừa Phật Giáo.

Tâm Tịnh cẩn tập

(Mùa Vu Lan, Tân Sửu, 2021)

Nguyện đem công đức này        

Hồi hướng cho tất cả pháp giới chúng sanh

Đồng sanh Tây Phương Tịnh Độ                   

 

4.   Tài Liệu Tham Khảo   

Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 10. Mười Pháp (XI) (177) Jànussoni,  Hòa thượng Thích Minh Châu

Tăng Chi Bộ Kinh, Chương IV. Bốn Pháp, VII Phẩm Nghiệp Công Đức, (I) (61) Bốn Nghiệp Công,   Hòa thượng Thích Minh Châu

Trung Bộ Kinh, 142. Kinh Phân Biệt Cúng Dường,  Hòa thượng Thích Minh Châu

Tương Ưng Bộ, Tập V. Chương 12. Tương Ưng Sự Thật b,  Hòa thượng Thích Minh Châu

Tiểu Bộ Kinh, Tập II. Ngạ Quỷ Sự, 15. Chuyện nữ ngạ quỷ Mattà,  và Giáo sư Trần Phương Lan

Tiểu Bộ Kinh, Tập II. Ngạ Quỷ Sự  9 Chuyện Ông Chủ Thợ Dệt (Mahàpesakàra),  và Giáo sư Trần Phương Lan

Tiểu Bộ Kinh, Tập I. Tiểu Tụng VII. Kinh Ngoài Bức Tường  Hòa thượng Thích Minh Châu)

Tiểu Bộ Kinh, Tập II. Ngạ Quỷ Sự, 2.(27) Chuyện Ngạ Quỷ Núi Sànuvàsin (Sànuvàsinpeta),  và Giáo sư Trần Phương Lan

Tiểu Bộ Kinh, Tập II. Ngạ Quỷ Sự,  Chuyện số 5 Ngạ Quỷ Ngoài Bức Tường,  và Giáo sư Trần Phương Lan

Tiểu Bộ Kinh, Tập II,  Ngạ Quỷ Sự, Chuyện 10 : Nữ Nhân Sói Đầu (Khallàtiya)

Tiểu Bộ Kinh, Tập IV. Chuyện số 35.Chuyện Con Chim Cút (Tiền thân Vattaka),  Hòa thượng Thích Minh Châu

Tiểu Bộ Kinh, Tập V 150. Chuyện Thanh Niên Sanjiva (Tiền thân Sanjiva),  Hòa thượng Thích Minh Châu

Tiểu Bộ Kinh, Tập V. Chuyện số 159. Chuyện con công (Tiền thân Mora),  Hòa thượng Thích Minh Châu,  Hòa thượng Thích Minh Châu  và Giáo sư Trần Phương Lan

Tiểu Bộ Kinh, Tập VI. Chuyện số 336. Chuyện vương tử Chatta vĩ đại (Tiền thân Brahàchatta),  Hòa thượng Thích Minh Châu

Tiểu Bộ Kinh, Tập VIII. Chuyện số 474. Chuyện trái xoài (Tiền thân Amba),  và Giáo sư Trần Phương Lan

Chánh Giác Tông của Trưởng Lão Hòa Thượng Bửu Chơn (Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam năm 1962) kể về 28 vị Phật quá khứ và 10 vị Phât tương lai: http://phatgiaonguyenthuy.com/article/tac-pham/chanh-giac-tong.html#_Toc440226842

Tín Tâm Cúng Dường Tăng Bảo, Tâm Tịnh, Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo, S 196, tr.22 https://issuu.com/vuxuanhoan/docs/v__n_h__a_ph___t_gi__o_s____196

Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt, Tập 6 Tôn Giả Mahā Moggallāna (Đại Mục Kiền Liên) Báo Hiếu Mẹ, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Nhà xuất bản Văn Học 2014) https://thuvienhoasen.org/a23618/ton-gia-mah-moggall-na-dai-muc-kien-lien-bao-hieu-me

Những Lời Dạy Vàng của Đức Phật – Tỳ Kheo Thích Thiện Minh, Bhikku Varapanno soạn dịch từ Miến Điện: http://www.budsas.org/uni/u-ldv/ldv-00.htm)

Kinh Nhật Tụng Tỳ Kheo Thích Đăng Quang NXB Tôn Giáo

Kinh Vu Lan - NXB Tôn Giáo

                                            



***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/03/2022(Xem: 4508)
Nhân Duyên Tâm Luận Tụng Thánh Long Thọ Ấn ngữ:pratītyasamutpāda hṛdaya kārikā Tạng ngữ: rten cing 'brel par 'byung ba'i snying po tshig le'ur byas pa
25/03/2022(Xem: 3253)
Hành giả phải phát khởi các giai đoạn động lực và hành vi vì lợi lạc của tất cả các bà mẹ hữu tình, bao la như không gian, tôi phải thành tựu quả vị giác ngộ viên mãn vô song, và vì mục tiêu này mà tôi nên lắng nghe giáo pháp cao quý. Bốn mươi chín ngày sau khi đạt giác ngộ, Đức Phật bi mẫn và thiện xảo đã thuyết Tứ Diệu Đế cho năm vị đệ tử may mắn tại Varanasi. Bài pháp Tứ Diệu Đế này là khuôn khổ của Phật pháp.
25/03/2022(Xem: 4453)
Hãy phát khởi động lực và hành vi đúng đắn, nghĩ rằng tôi phải tạo lợi lạc cho tất cả chúng sanh bao la như không gian, tôi phải thành tựu giác ngộ vô song và hoàn hảo. Người ta phải nghĩ rằng mục tiêu chánh của việc lắng nghe giáo pháp là để tu tập. Hơn nữa, ý nghĩa của việc tu tập là để giúp tâm thoát khỏi phiền não hay vọng tưởng, và đó là ý nghĩa của việc thực hành Pháp. Vì vậy, động lực tích cực và hành vi tích cực là điều cần thiết ở đây, bởi vì khi càng có động lực và hành vi tốt đẹp hơn, thì việc tu tập Pháp sẽ trở nên hữu hiệu hơn.
25/03/2022(Xem: 3951)
Để bắt đầu, trước tiên, hãy điều chỉnh động lực của mình, bằng cách nghĩ rằng hôm nay, mình có mặt ở đây để lắng nghe giáo pháp cao cả, vì ước nguyện thành tựu quả vị hoàn hảo và giác ngộ viên mãn, vì lợi lạc của tất cả bà mẹ hữu tình, rộng lớn như không gian bao la. Hãy điều chỉnh động lực lắng nghe giáo pháp bằng tư tưởng đặc biệt này.
11/03/2022(Xem: 4505)
Một câu hỏi có thể nêu lên: Đức Phật sau khi thành tựu Chánh đẳng Chánh giác, Ngài dạy bài Kinh nào đầu tiên? Câu trả lời theo sử Phật Giáo: đó là bài Kinh vô ngôn, nội dung bài Kinh là lòng biết ơn. Lúc đó, Đức Phật đã bày tỏ lòng biết ơn cây Bồ Đề (cây Pippala), nơi Ngài ngồi dưới cội cây và được che mưa nắng nhiều tuần lễ cho tới khi thành tựu Chánh đẳng Chánh giác. Một điểm đặc biệt: biết ơn nhưng không dính mắc, vẫn luôn luôn nhìn thấy thế giới này trong thực tướng vô ngã.
11/03/2022(Xem: 6194)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Bát cháo sữa của nàng thôn nữ Sujata tuy giá trị rất nhỏ, nhưng mang lại lợi ích cho nhân loại và quả địa cầu là rất lớn, vì nhờ đó mà Sa-môn Gautama không chết do kiệt sức. Những giúp đỡ nho nhỏ, từ thiện nho nhỏ, đôi lúc có giá trị lớn & có ý nghĩa lớn. Học theo gương hạnh của Sujata, chúng con, chúng tôi nguyện làm tất cả việc thiện bằng các điều kiện có thể, nhằm xoa dịu phần nào sự khốn khó của tha nhân trong thời buổi nhiều khó khăn này..
08/03/2022(Xem: 11666)
Qua thông tin của truyền thông đại chúng ( các đài truyền Úc và Vietface tivi) suốt 2 tuần qua tiểu bang New South Wales và Queensland, Úc Châu, đã hứng chịu những cơn mưa như trút nước chưa từng có trong nhiều thập niên qua, từ đó dẫn đến những cơn lũ lụt lớn, khiến cho hàng nghìn người phải sơ tán và nước lũ cũng cuốn trôi nhiều tài sản, gia súc, phá hủy các tuyến đường giao thông giữa 2 tiểu bang miền đông nước Úc này. Riêng tại New South Wales, có hơn 11 vùng hiện bị ngập nước là: Chipping Norton, East Hills, Georges Hall, Holsworhy, Lansvale, Milperra, Moorebank, Warwick Farm, Sandy Point, Pleasure Point, Picnic Point.Trong khi tại tiểu bang Queensland có hơn 18.000 ngôi nhà ở phía đông nam Queensland được cho là đã bị ngập lụt, và gần 60.000 ngôi nhà khác trên toàn khu vực bị mất điện. Tính cho đến giờ này chúng tôi đang viết thư ngỏ này vào 9 giờ sáng 8/3/2022, tiểu bang Queensland có 13 người chết và NSW có 4 người tử vong vì trận lụt kinh hoàng này.
05/03/2022(Xem: 4343)
Mới vào đề chắc có người sẽ thắc mắc tại sao một người tu sao lại nói đến chữ Tình để làm gì? Xin quý vị hãy từ từ đọc vào nội dung sẽ hiểu. Hôm nay tôi sẽ viết về các loại Tình: tình bạn, tình người, tình yêu, thình thương, tình cảm v.v… Nếu viết bằng chữ Hán về chữ Tình nầy thì bên trái viết bộ tâm đứng, có nghĩa là những tình nầy đều khởi đi từ tâm của mỗi con người; bên phải viết chữ thanh là màu xanh hay cũng còn có ý là rõ ràng, trong sáng v.v…, hai chữ nầy ghép lại gọi là chữ Tình. Sau nầy tiếng Việt chúng ta dùng chữ tình yêu, tình cảm, tình thương, tình ý v.v…cũng đều sử dụng chữ tình nầy để ghép chung vào chữ Nôm của chúng ta, trở thành tiếng Việt thuần túy.
04/03/2022(Xem: 3917)
Xin khép lại những phiền muộn của năm cũ với nhiều nỗi đau thương mất mát và ly biệt, niềm thương cảm cho người thân, thầy bạn mãi mãi rời xa chúng ta. Trong bất cứ một hoàn cảnh khó khăn nào, ta vẫn nghĩ, dù sao đó là những chuyện đã qua, năm mới với nhiều hy vọng mới, tư duy mới và một cuộc hành trình mới đang chờ chúng ta phía trước. Xin bạn hãy khép lại những lo âu phiền muộn, lau khô những giọt nước mắt cho những mối tình hay những cuộc hôn nhân đổ vỡ, rồi cũng sẽ có người phù hợp với bạn, sẻ chia vui buồn trong cuộc sống của bạn. Sự chân thành sẽ tồn tại quanh bạn, những giọt nước mắt sẽ giúp bạn hiểu được cuộc đời này, rồi niềm vui sẽ đến, những trở ngại giúp bạn biết nâng niu cuộc sống.
02/03/2022(Xem: 9743)
CHÁNH PHÁP Số 124, tháng 3.2022 Hình bìa của Kranich17 (Pixabay.com) NỘI DUNG SỐ NÀY: THƯ TÒA SOẠN, trang 2 TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 XUÂN VỀ (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 6
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]