Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tôi Kể Bạn Nghe (Khóa Tu Học Âu Châu Kỳ 32 Mùa Dịch Covid Vũ Hán)

23/07/202119:36(Xem: 6039)
Tôi Kể Bạn Nghe (Khóa Tu Học Âu Châu Kỳ 32 Mùa Dịch Covid Vũ Hán)
Tôi Kể Bạn Nghe
(Khóa Tu Học Âu Châu Kỳ 32  Mùa Dịch Covid Vũ Hán)
Trần Thị Nhật Hưng

 Từ lâu, khi đến chùa, tôi thường nghe hai chữ “thần thông„ tôi nghĩ là...thần sầu, người đó thấy, nghe, biết hết những gì thiên hạ không biết dù ở xa vạn dặm, biết những suy nghĩ của người khác, biết về những điều sẽ xảy ra, biết luôn những chuyện trên trời dưới đất như Ngài Mục Kiền Liên nhờ thần thông nhìn thấy cả thân mẫu mình đang đọa đày dưới địa ngục ..v.v..và.v.v..

   Nghe thì tôi chỉ biết nghe, nhưng lòng cứ lâng lâng mơ mơ màng màng không rõ thực hư?!

   Nhưng ngày nay, với phương tiện Internet bao người khắp nơi trên thế giới cùng “chui„ vô một cái phòng thảo luận, trò chuyện còn thấy được mặt nhau thì không gọi...thần thông là gì (?). Điều không tưởng mà thực sự đã hiển hiện. Rõ ra, khoa học đã chứng minh làm sáng tỏ hai chữ „thần thông“, những ý niệm của Phật giáo về những điều Đức Phật từng nói ra cách đây mấy ngàn năm. Nhà bác học Einstein đã chẳng nói:“Nếu có một tôn giáo thích hợp với khoa học, chính là Phật giáo.

   Hôm nay, cũng chính nhờ... thần thông, và để giải quyết sự ngưng trệ do dịch covid Vũ Hán tạo ra sau hai năm đóng băng, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu đã tùy duyên sử dụng...thần thông, thiên nhỉ, thiên nhãn (từ xa vạn dặm vẫn nghe và thấy nhau được) tổ chức Khóa Tu Âu Châu kỳ thứ 32 trên mạng.

  Tổ chức trên mạng có điều lợi giúp cho tất cả mọi người không tốn sức đi lại, không tốn tiền tàu xe và nhất là những người trên thế giới có thể vào tham dự nếu cùng múi giờ, và cho những người xưa nay bận công việc không thể tham gia suốt 10 ngày tại hội trường thì bây giờ chỉ ngồi nhà mở máy ra, coi như tham dự rồi đó. Tuy nhiên sự kiện nào cũng có hai mặt lợi, hại. Giữa khi những vị giỏi Internet, nhất là giới trẻ dễ dàng vào “Zoom„ thì các cụ già ù ù cạc cạc còn lang thang trong cõi ta bà không biết đâu lần mò. Thôi thì mọi sự đều có cái duyên của nó, tùy duyên mà hành sự thôi.

  Trở lại khóa tu, khóa tu được tổ chức từ 20 giờ thứ 6, tiếp nối cho đến chiều chủ nhật chấm dứt. Và tổ chức như thế suốt hai cuối tuần tháng 7. Chương trình đương nhiên cô đọng gói gọn lại nhưng không kém phần trang trọng lẫn thích thú. Thích thú vì tìm thấy lại những khuôn mặt thân thương, không khí rộn ràng như những buổi học ngày nào tại hội trường của những khóa tu học nhiều năm trước.

   Chương trình bắt đầu không thể thiếu nghi lễ khai mạc, tôi vốn cũng ù ù cạc cạc Computer, mò mẫm mãi cuối cùng cũng chui vào được Zoom để kịp tham dự buổi lễ.

   Giọng nói rổn rảng của Thầy Hoằng Khai, MC các khóa tu, nghe rất quen thuộc, vị Thầy mà tôi...gán cho là...đệ tử của Ngài Địa Tạng dưới địa ngục. Nếu như Ngài Địa Tạng từng tuyên bố: “Khi nào dưới địa ngục không còn người thì ta mới chịu thành Phật„ thì trên cõi ta bà, Thầy Hoằng Khai chắc cũng: “Khi nào các cô hồn các đảng hết là...cô hồn vất vưỡng thì ta mới thành...chánh quả!„ (?) Vì Thầy là vị luôn được bầu làm chủ tế trong các buổi lễ “Chẩn tế cô hồn„.

   Tuy vào Zoom trễ chút, tôi vẫn còn kịp nghe Diễn Văn khai mạc của Thầy Thích Hạnh Tấn, trưởng ban tổ chức khóa tu, người điều hành mọi kết nối giữa các vị Giảng Sư, học viên và các anh em Gia Đình Phật Tử phụ trách kỹ thuật. Một công việc khởi đầu nan, nghe...đơn giản mà không...giản đơn đâu, bạn nhé. Kế tiếp là Đạo Từ của Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt, Đệ  Nhất Chủ tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Và sau khi hồi hướng, buổi học đã bắt đầu ngay sau đó. Lớp nào lớp nấy, cầm...chìa khóa (số mật mã của phòng) trở về phòng học của mình.

   Có tất cả 5 lớp học:

- Lớp 1: Riêng lớp này thật nhiêu khê, khốn khó cho ban tổ chức vì phải chia ra ba lớp với 3 ngôn ngữ khác nhau: Anh, Pháp, Đức dành cho các em thanh thiếu niên sinh trưởng tại Âu Châu không rành tiếng Việt.

- Lớp 2: Dành cho học viên bắt đầu học Phật.

- Lớp 3: Chuyên khoa dành cho người học Phật lâu năm, tuy nhiên Phật tử nào muốn nhảy lớp...bơi theo kịp thì chẳng ai cấm.

   Kỳ này không có lớp 4, lớp thường dành cho Tăng, Ni. Quí Thầy, Cô muốn ôn bài, thì cứ tụt xuống lớp 3 học chung với Phật tử.

  Riêng tôi, tôi theo lớp 3 vì là Phật tử học Phật lâu năm, chứ thực sự tôi còn...ngu lắm, vì theo lớp này đã nhiều năm mà cứ ngồi mãi không lên nổi lớp 4 (?!).

  Lớp 3 học về:

1- Trung Ấm Thân: (do Thầy Thích Như Điển, Đức quốc,  Đệ Nhị Chủ Tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu đảm trách)

   Trung Ấm Thân chính là thân giữa của sự sống và chết. Nằm giữa của:

- Tiền Ấm Thân: tức là thân đang có với ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức biết vui, buồn, khổ, đau, ham sống và sợ chết..v.v..

- Hậu Ấm Thân: Sẽ đi đầu thai tùy theo nghiệp lực và tu tập của mình nhiều đời nhiều kiếp. Có 3 cách đầu thai: Đi ngang trở về làm người. Đi lên theo Chư Thiên, Bồ Tát hay cõi Phật. Đi xuống tức đọa địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Đó là lý do cúng thất tuần, trong 49 ngày cần hộ niệm để hướng dẫn tâm thức khi thoát thân xác sẽ nương luồng ánh sáng trắng mà giải thoát. Nếu không sẽ trở thành cô hồn.

2- Du Già Sư Địa Luận (Thầy Tâm Huệ, Thụy Điển, phụ trách):

   Du Già là bộ luận theo tinh thần đại thừa rất nổi tiếng có tất cả 100 tập và 17 địa từ phàm phu địa đến Phật địa. 50 tập đầu do Đức Phật Di Lặc thuyết. 50 tập sau do Ngài Vô Trước 5 năm khổ hạnh rừng sâu kết tập chỉnh lý lại làm sáng tỏ thêm 50 tập trước dù cả hai cách nhau 900 năm. Mãi về sau, Ngài Huyền Trang, cháu nội 4 đời của Ngài Vô Trước dịch và phổ biến cho đến ngày nay. Nội dung bộ luận gom lại trong 4 chữ: Giáo, lý, hành và quả. Giáo là một cặp tương ưng. Nếu giáo đúng thì lý đúng. Sau đó thực hành theo thời, căn cơ trình độ để đạt quả Niết Bàn.

   Bản thể của Du Già vốn phóng khoáng tuy nhiên không truyền cho người nóng nảy sân si. Có 4 giới căn bản đi vào đời:

- Không tự tán, hủy tha (tự khen mình, chê người).

- Tinh thần Bồ Tát mong tất cả an vui sung túc do vậy biết bố thí, cúng dường.

- Không sân si nóng nảy.

- Không phỉ báng Tam Bảo.

3- Niềm tin bị hủy diệt (Thầy Giác Thanh, Đan Mạch, phụ trách)

   Nếu đặt niềm tin một cách mù quáng không trí tuệ vào một vị thần linh nào đó rồi khi không đạt được điều mong muốn, không được cứu rỗi, niềm tin sẽ bị hủy diệt ngay. Như trường hợp đạo Hindu (Ấn Độ giáo) bên Ấn độ vừa qua, họ đã phá bỏ hằng ngàn tượng thần la liệt trên một đoạn đường dài và ném cả xuống sông Hằng khi họ đã van xin cầu cứu vào vị thần linh mà họ hết lòng tin tưởng một cách mãnh liệt và đã từng hằng năm chặt đầu hằng ngàn trâu, bò để tế thần đã không cứu họ trong cơn khốn khó của nạn Covid vừa qua.

   Riêng đạo Phật chúng ta, Đức Phật không hề tuyên bố cứu độ cho bất cứ ai mà chỉ hóa độ hướng dẫn chúng ta con đường giác ngộ để tự mình giải thoát, tự mình thắp đuốc lên mà đi, biết phát nguyện qui y, nương vào Tam Bảo quay nhìn về tâm thức của mình mà sám hối lỗi lầm, tu sửa để an lạc chứ Phật không ban phước cũng không trừng phạt. Nghe hay không là do duyên của chúng ta với Phật mà thôi.

4- Y Báo và Chánh Báo (Thầy Hoằng Khai, Na Uy, phụ trách)

- Chánh Báo chủ động tạo tác do con người, là hữu tình chúng sinh nói về cảnh giới nội tâm của chúng ta với 6 nẻo luân hồi: Trời, người, A Tu La, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và 4 hữu tình bậc thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật.

- Y Báo là cảnh giới bên ngoài, thuộc loại thực vật, cảnh vật xung quanh, nương tựa vào các loài hữu tình, phụ thuộc vào Chánh Báo.

 Chánh BáoY Báo tương tác nhau tạo nên cảnh giới cực lạc của Đức Phật A Di Đà mà từ hồi Ngài còn là tỳ kheo Pháp Tạng, tiền thân của Ngài đã phát nguyện tu nhân 5 kỳ kiếp tạo ra cảnh giới đó nhằm xây dựng đạo tràng trang nghiêm để tiếp độ chúng sinh. Và Chánh Báo có 15 điều, Y Báo có 19 điều đều do Hòa Thượng Trí Thủ soạn lại cho chúng ta ngày nay.

5- Tam Giải Thoát Môn (Thầy Pháp Trú, Đan Mạch, phụ trách)

   Đó là 3 cánh cửa đưa đến giải thoát giác ngộ mà trong kinh Pháp Ấn Phật thuyết Tăng, Ni tìm cánh cửa giải thóat trước để sau đó Phật tử nương theo Sư tập họp tu tập tạo năng lực.

Ba cánh cửa đó là:

- Vô môn: Có nghĩa là không môn, nhưng không phải “không có cửa„ mà ở đây ý nói trước mọi vấn đề hãy dùng trí Bát Nhã quán chiếu mọi sự đều là không “Sắc sắc, không không. Không không, sắc sắc„. Suy niệm về tánh không để buông xả vọng tưởng, chấp ngã, chấp pháp mới tìm thấy giải thoát.

- Vô tướng: Nhận thức thế nào không kẹt vào tướng, chấp tướng. Ví dụ do ham đồ hiệu để phải mua lầm đồ giả. Nghe lời quảng cáo ngọt ngào để rồi bị gạt. Do vậy làm bất cứ điều gì cần có chánh niệm. Sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tiếp xúc với 6 trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp luôn cần bảo hộ.

- Vô tác: Không tạo tác, không ham muốn, không làm những gì gây phiền não cho mình cho người mà chỉ thể hiện hành động, lời nói với tâm thức tốt, nuôi dưỡng sự an lạc tích cực, quên bản ngã mới có thể tìm sự giải thoát.

6- Diệt tội (Thầy Hạnh Hòa, Đức quốc, phụ trách)

    Tội là do thân tâm từ sự mê mờ luôn chấp cái thân ngũ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà ra, quên mất tính không, tạo nên bản ngã.

   Để đối trị 5 cái thân ngũ uẩn thường gây nên tội đó, Ngài Huệ Năng đã hướng dẫn chúng ta “Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật„ hãy nhìn tâm bên trong mình, đừng luông tuồng bên ngoài để tìm cầu. Mà muốn được như thế, Ngài đã chỉ cho ta 5 pháp môn:

- Giới hương: Giữ thân thanh tịnh, không tật đố tham sân si mạn nghi..v.v..

- Định hương: Thấy cảnh ác, không tán loạn. Tâm bình, không lay động. Biết phân biệt thiện ác, nhưng không đắm nhiễm.

- Huệ hương: Huệ tác dụng của định. Định là bản thể của huệ. Khi tâm đã định thì trí huệ phát sinh quán chiếu được điều thiện ác mà hành xử.

- Giải thoát hương: Chính là quả của ba hương trên, giúp hành giả tự tại vô ngại, không bị trói buộc vào thiện, ác.

- Giải thoát tri kiến hương: Khi đã không tạo tội, tạo nghiệp đương nhiên sẽ có năng lực giải thoát, sẽ không vướng mắc, trụ vào ta, vào người. Trực chỉ tâm Bồ Đề.

   Do vậy chúng ta cần phải giác, sống trong tỉnh thức, không mê mờ để không tạo tội. Tuy nhiên, nếu lỡ đã tạo tội, sau khi quán chiếu nhận ra, Ngài Huệ Năng còn cho ta Pháp Sám Hối: Sám tội trước, rồi hối tội về sau, tương lai không tạo nữa mới diệt được tội 3 đời quá khứ, hiện tại, vị lai từ 3 nghiệp thanh tịnh thân, khẩu, ý.

7- Sự Hoạt Dụng của Tâm (Thầy Thông Trí, Pháp quốc, phụ trách)

   Tâm là tấm lòng, vô hình, nhưng vẫn nhận biết khi nhìn sự kiện, là sự huân tập từ suy nghĩ, tiếp xúc, thói quen, tích lũy rồi đưa ra khái niệm. Tất cả các pháp nhất thiết duy tâm tạo. Tạo được do tâm. Chẳng hạn một tôn tượng Phật tạo ra sẽ rất đẹp, rất tinh xảo nếu người đúc có tâm thành, tâm Phật.

   Có 4 cửa đi vào đạo để tạo tâm thức tốt:

- Thân cận thiện sĩ (bạn lành), thiện hữu tri thức.

- Thính văn chánh pháp: Huân tập lắng nghe những điều tốt lành.

- Như lý tác ý: Suy tư, quán chiếu những điều đã nghe để thực hành.

- Pháp tùy pháp hành: Tùy duyên mà hành động.

8- Quá trình của Tâm. Thập Mục Ngưu Đồ (Thầy Hạnh Tấn, Đức quốc, phụ trách)

   Tranh « Thập Mục Ngưu Đồ » xuất xứ từ thế kỷ 12 đời nhà Tống nói về quá trình tu tập trong tinh thần đại thừa. Hình ảnh con trâu biểu tượng tâm chúng sinh. Từ một con trâu đen, qua quá trình điều phục dẫn dắt để trở thành trâu trắng. Cũng như thế, tâm chúng sinh cũng nhờ giới mới chế phục được tâm. Giới làm sạch những dơ bẩn của dục đưa con người vào định, tức vào sơ thiền. Khi tâm đã được điều phục sẽ không còn bản ngã, không còn chấp thủ, và không còn cả tâm.Tất cả đã buông xả hoàn toàn trở về trống không, tâm thức tĩnh lặng an lạc nhẹ nhàng. Hành giả lúc đó thảnh thơi hòa nhập cõi ta bà đi vào đời không vướng mắc. Hòa nhập giải thoát chứ không hội nhập để cứu độ chúng sinh.

   

   Kính thưa các bạn. Đó là tất cả những bài học của lớp 3 mà tôi tóm lược theo lời giảng của quí Thầy. Nhiều quá phải không các bạn? Thôi thì, chúng ta sẽ tóm gọn theo bài kệ rất nổi tiếng của Tổ Phước Hậu:

 Kinh điển lưu truyền tám vạn tư.

Học hành không thiếu cũng không dư.

Đến nay nghĩ lại chừng quên hết.

Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ!(Như Lai)

 

Chúng ta chỉ nhớ đến Phật, chính là Đức Như Lai của chúng ta, nhớ đến lời dạy của Ngài qua lời giảng của quí Thầy trong khóa tu lần này, nhớ chút nào hay chút nấy.

  Nhưng nhìn chung, khóa Tu Học Âu Châu kỳ thứ 32, tuy trên không gian ảo, vì tổ chức online, nhưng lại người thật, việc thật. Những buổi giảng không phải là những bài thuyết giảng thông thường để Phật tử nghe qua cho biết hay giết thì giờ, mà là những bài học bài bản, giáo trình rõ ràng giúp cho Phật tử hiểu thêm về giáo lý, kinh điển của Đức Phật để tăng trưởng niềm tin và nâng cao trình độ, có vậy sự tín tâm càng sâu dày, vững chắc, Bồ Đề tâm càng kiên cố.

   Với tổng số lượng 516 học viên chia ra nhiều lớp chứng tỏ tinh thần học pháp rất cao của Phật tử Âu Châu nói riêng và cộng đồng Phật tử các nước Canada, Đài Loan, Nga, Úc, Hoa Kỳ, Việt Nam nói chung dù trái múi giờ. Đặc biệt tại Pháp có thêm 33 người bản xứ, đệ tử của chùa Thiện Minh Lyon tham dự vì chương trình có nói tiếng Pháp.

   Các giờ giảng, ngoài Giảng Sư, luôn có các anh em Gia Đình Phật Tử (GĐPT) Âu Châu, đặc biệt anh chị em nước Đức đã đóng góp tích cực, ngoài điều hành kỹ thuật vô cùng tuyệt vời chu đáo, làm MC giới thiệu chương trình, giới thiệu Giảng Sư, độc đáo và tuyệt vời nhất là sau mỗi buổi giảng, các anh chị em còn tóm lược tác pháp một cách thông suốt, nhuần nhuyễn giúp học viên hiểu rõ bài hơn, làm như anh em đã học từ kiếp trước như Ngài Huệ Năng vậy. Thật vô cùng đáng khen và ngưỡng mộ. Riêng quí Thầy thì…không thể nghĩ bàn, với thời gian các sư trẻ được đào luyện tập tành nay đã trở thành những vị Giảng Sư tuyệt vời không biết dùng lời gì để ….(?) ngoài lời…không thể nghĩ bàn! Đó chưa kể lực lượng Tăng, Ni trẻ thông thạo ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức để giảng dạy cho những học viên sinh trưởng xứ người không rành tiếng Việt. Cả một công trình vô cùng khó khăn để điều hợp, không biết nói sao ngoài câu…không thể nghĩ bàn!

   Buổi bế mạc, dù tổ chức online cũng không thiếu chương trình văn nghệ qua những lời ca tiếng nhạc và những màn vũ tập thể cũng do các anh em GĐPT đảm trách, mỗi người mỗi nhà trong tình trạng cách ly vạn dặm vẫn múa chung với nhau được.

        

khoa tu online-au chau-1khoa tu online-au chau-2




   Một ý kiến đáng ghi nhớ, Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển, trước sự thành công không ngờ của khóa tu, đã có lời đề nghị Âu Châu nên thành lập một website riêng để có tiếng nói chung thay vì mỗi chùa đều làm riêng như bấy lâu.

   Lời sau cùng, riêng con, dù bất cứ khóa tu Âu Châu nào dưới hình thức nào, con vẫn không quên tri ân cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, người đầu tiên sáng lập đạo tràng để lại cho chúng Phật tử Âu Châu kế thừa và đương nhiên con cũng tri ân công sức quí Tăng, Ni cùng toàn thể Phật tử Âu Châu đã tận tụy tổ chức vô cùng bài bản với mong ước đem giáo pháp của Đức Phật truyền bá sâu rộng để Phật giáo luôn được trường tồn và phát triển.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Trần Thị Nhật Hưng

 

    

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/10/2020(Xem: 5204)
Nhiều người hâm mộ văn hóa thể thao biết rằng, vận động viên bi da chuyên nghiệp nổi tiếng, sinh quán tại Hồng kong và khi 12 tuổi cùng gia đình đến nhập cư tại Vancouver, Canada năm 1990, cư sĩ Phật tử Phó Gia Tuấn (傅家俊) (ba lần đoạt giải vô địch thế giới và 4 lần đạt vị trí Á quân, từng đứng hàng 10 trên thế giới) là một cư sĩ Phật tử ăn trường chay và thường công phu tu tập thiền định Phật giáo. Do đó, nhiều người đã nói về tầm quan trọng của việc giữ cho người chơi thể thao chuyên nghiệp ổn định về mặt cảm xúc trong suốt trò chơi. Việc học Phật pháp và công phu tập thiền định có giúp cho thành tích của cầu thủ Phật tử Phó Gia Tuấn không? Trên thực tế, các môn thể thao ưu tú ngày nay đang trở nên chuyên nghiệp hơn, và tâm lý học thể thao đã trở thành một phần không thể thiếu của các môn thể thể chuyên nghiệp. Theo nghiên cứu chứng thực của khoa học, việc công phu tu tập thiền định Phật giáo rất hữu ích đối với thành tích của vận động viên.
02/10/2020(Xem: 5706)
Như các phần trước đã nói, chân tâm không sinh diệt và vọng tâm sinh diệt luôn tồn tại nơi mỗi con người chúng ta. Bởi con người sống với vọng tâm nên tạo ra dòng lưu chuyển sinh tử khổ đau của chúng sinh hữu tình với những quả báo sai biệt. Tất cả đều có nguồn gốc từ nhân duyên vọng tâm thiện ác. Chân tâm không sinh diệt chính là dòng hoàn diệt, cho nên chấm dứt được khổ đau, sinh tử tạo thành quả báo cũng như các quốc độ thù thắng, vi diệu, bất khả tư nghì của các bậc hiền thánh. Như vậy, phàm phu là do sống với vọng tâm thiện ác vô thường, biến hoại, sinh diệt; còn những ai sống hay an trú trong chân tâm rỗng lặng không sinh diệt thì trở nên là những bậc hiền thánh. Điều này là một chân lý.
01/10/2020(Xem: 5142)
Theo nhiều cách, khi thực hành Phật giáo cho phép chúng ta nhìn thấy những phần tiềm ẩn của bản thân. Giống như một vận động viên thể hình uốn dẻo các cơ của mình trong gương, chúng ta quan sát thể chất và tinh thần của mình từ mọi góc độ, và ghi nhận những gì ở đó. Đôi khi chúng ta thích những gì chúng ta thấy. Và đôi khi chúng ta không thích. Tuy nhiên, chính trong những khoảnh khắc mà sự phản chiếu của chúng ta khiến chúng ta thu mình lại, chúng ta sẽ tìm thấy cơ hội để phát triển.
01/10/2020(Xem: 5177)
Mấy năm qua, tôi đã quyết định từ bỏ hầu hết tài sản thế gian của mình, và vui sống trong một trang trại. Có nhiều lý do giải thích tại sao tôi đưa ra quyết định này, từ trần tục đến tâm linh. Nhưng cải giải thích đơn giản nhất là nói rằng tôi muốn “Tự do”. Tôi cảm thấy bị vướng mắc trong một công việc của công ty không được như ý. Tôi xúc động trước sự tấn công dữ dội của các công ty phương tiện truyền thông liên tục nói với tôi rằng, tôi chỉ có một lần mua hạnh phúc. Và tôi khao khát có cơ hội thực hành Phật pháp trong hòa bình.
01/10/2020(Xem: 5069)
Hội đồng Lập pháp Sikkim đã thông qua dự luật ngày 21 tháng 9 năm 2020, để thành lập một ngôi trường Đại học Phật giáo ở bang đông bắc Ấn Độ. Được biết với tên gọi Đại học Phật giáo Khangchendzonga (KBU), cơ sở này sẽ trở thành trường Đại học tư thục Phật giáo đầu tiên tại Ấn Độ, và là trường Đại học đầu tiên tại Sikkim do người dân bản địa Sikkim sáng lập.
01/10/2020(Xem: 5449)
Khi nghe Đạo Phật nói “đời là bể khổ”, nhiều người đã hiểu lầm rằng Đức Phật có quan niệm bi quan. Sự thật không phải như vậy. Từ điển đã định nghĩa bi quan là “có thói quen nghĩ rằng cái gì sắp xảy đến đều là xấu cả, đều đáng chán và không tin tưởng ở tương lai” hoặc bi quan là “chán nản, không tin tưởng, hoặc mất niềm tin vào hiện tại, tương lai”.
30/09/2020(Xem: 5547)
Cư sĩ Mahā Silā Vīravong, sử gia Lào, nhà ngữ văn, giáo viên dạy tiếng Pali, người hiện đại hóa bảng chữ cái Lào, một nhân vật trí thức lớn của nền độc lập Lào. Trong các cuộc đấu tranh chống lại sự cai trị của thực dân đế quốc Pháp, bằng cách tích cực hoạt động trong phong trào của Lào Issara mà ông lưu vong tại Vương quốc Thái Lan vào năm 1946.
29/09/2020(Xem: 5517)
Bảy đại diện của Hội nghị Hàn Quốc về Tôn Giáo và Hòa Bình (KCRP), bao gồm Hòa thượng Viên Hạnh (원행스님 - 圓行和尚), Tổng vụ Viện trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 36, đã gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ Hàn Quốc Chung Sye-kyun (정세균; Đinh Thế Quân), và cam kết hợp lực để tìm ra một kế hoạch hợp tác, đôi bên cùng có lợi cho cả các hoạt động tôn giáo và phòng chống cơn đại dịch hiểm ác Virus corona.
29/09/2020(Xem: 4666)
Có lẽ chuyến du lịch hành hương không gian mạng, các bạn nhìn thấy một thứ tương tự như thế này từ một cửa hàng trực tuyến: “Chuỗi hạt Tây Tạng Mala Charm Vòng đeo tay Cát tường tuyệt đẹp này với các hạt màu phấn nhẹ nhàng, phù hợp để thực hành chân ngôn thần chú, và để đeo làm đồ trang sức”.
29/09/2020(Xem: 5441)
Tứ là bốn, nhiếp là thu phục, pháp là phương pháp. “Tứ Nhiếp Pháp” là bốn phương pháp lợi tha, đã được Đức Phật Thích Ca dạy cho các đệ tử tại gia cũng như xuất gia của Ngài. Bốn pháp này nếu thực hành đúng đắn sẽ có công năng giúp con người lìa xa cuộc sống buông lung, phóng túng… mà theo đó dễ có những hành động bất thiện gieo khổ đau cho người và phiền não cho mình. Tứ Nhiếp Pháp giúp con người quay về với đường ngay nẻo phải, hay chính xác hơn là trở về với Phật pháp. Phật pháp là con đường tu hành chân chính, hướng về tâm linh đi đến giác ngộ giải thoát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]