Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ni Sư Giới Hương Hoằng Pháp: Sáng Tác, Dịch Thuật, Ấn Hành

24/05/202119:24(Xem: 4763)
Ni Sư Giới Hương Hoằng Pháp: Sáng Tác, Dịch Thuật, Ấn Hành

Ni Sư Giới Hương Hoằng Pháp:

Sáng Tác, Dịch Thuật, Ấn Hành

Nguyên Giác

Ni sư Thích Nữ Giới Hương có lẽ là vị trụ trì viết nhiều nhất ở hải ngoại. Đó là theo chỗ tôi biết, trong cương vị một nhà báo nhiều thập niên có liên hệ tới nhà chùa và công việc xuất bản. Viết là một nỗ lực gian nan, vì phải đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, phân tích nhiều, cân nhắc kỹ rồi mới đưa chữ lên mặt giấy được. Đặc biệt, Ni sư Giới Hương cũng là vị trụ trì viết bằng tiếng Anh nhiều nhất. Tôi vẫn thường thắc mắc, làm thế nào Ni sư có đủ thời giờ để gánh vác Phật sự được đa dạng như thế. Nghĩ như thế, vì tự thấy bản thân mình, nghiệm ra, không có đủ sức đọc và viết nhiều như Ni sư.

Suy nghĩ này, cũng lại khởi lên trong tôi, khi giữa tháng 5/2021, nhận được 3 tuyển tập của Ni sư Giới Hương:

.. Ni Giới Việt Nam Hoằng Pháp Tại Hoa Kỳ (Thích Nữ Giới Hương biên soạn, với lời giới thiệu của Ni Trưởng TN Nguyên Thanh & Ni Trưởng TN Giác Hương – Tủ sách Bảo Anh Lạc 40). Sách in khổ tạp chí, dày 432 trang.

.. 40 Năm Tu Học và Hoằng Pháp của Ni Sư Giới Hương (Chư Ni Đệ Tử Chùa Hương Sen biên soạn -- Tủ sách Bảo Anh Lạc 41). Sách in khổ tạp chí, dày 380 trang.

.. Sharing the Dharma: Vietnamese Buddhist Nuns in the United States (authored by Bhikkhuni Thích Nữ Giới Hương – Foreword by Venerable Bhikkhuni TN Nguyên Thanh & Venerable Bhikkhuni TN Giác Hương). Magazine size, 444 pages.

Làm thế nào viết nhiều như thế. Nói viết nhiều là nói viết những đề tài độc đáo, viết về những gì người khác chưa viết, hoặc chưa nói hết ngọn ngành vấn đề. Chứ không phải kiểu luộc sách, kiểu đạo văn, hay kiểu cóp nhặt sách người đi trước rồi sửa lại làm bản mới của mình. Viết cho thật từ trong tâm, tự trong văn phong riêng, lúc nào cũng gian nan. Do vậy, tôi vẫn kinh ngạc thán phục mỗi khi đọc sách của Ni sư TN Giới Hương. Hiển nhiên Ni sư là một hình ảnh trái nghịch với đa số. Tôi có một thắc mắc từ lâu, không dám trực tiếp hỏi ai, vì sợ bị suy luận là ám chỉ vào một vị nào. Đó là, các vị tăng ni tốt nghiệp học vị Tiến sĩ Phật Học rất nhiều, có thể là đã có vài trăm vị, đã học và tốt nghiệp ở Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan, và nhiều nước khác, nhưng không thấy nhiều bài viết từ các vị này. Hình như ai cũng bận. Không bận chuyện này thì chuyện kia. Xây chùa thì bận. Hay là đủ thứ chuyện khác.

Noi đúng ra, vẫn có nhiều tăng ni hoằng pháp bằng phương tiện khác hơn là dùng chữ viết. Như lập đài truyền hình Phật Giáo. Tại Nam California đã có 1 đài Phật Giáo 24 giờ/ngày, không quảng cáo. Hay trên nhiều kênh YouTube, một số tăng ni thuyết pháp hàng ngày hay hàng tuần. Nhưng về chữ viết, chỉ có Ni Sư TN Giới Hương là viết và ấn hành sách nhiều nhất.

Tôi ưa thích đọc, vì từ nhỏ đã mê chữ. Tiện tay, hễ thấy chữ là đọc. Mê nhất là truyện võ hiệp Kim Dung, rồi Tam Quốc Chí diễn nghĩa, rồi đủ thứ. Bây giờ, đã có phương tiện đa dụng hơn, như YouTube, hiện cũng là một nơi nhiều tăng ni lên thuyết pháp. Dù vậy, tôi vẫn ưa đọc hơn là nghe pháp ở YouTube, hẳn là vì đã nhiễm thói quen đọc kiểu nghiền ngẫm. Đó là, khi học Phật, có khi tôi đọc đi đọc lại vài chục lần chỉ một câu hay một đoạn, nghiền ngẫm, đọc thầm trong đầu rất chậm, nghe từng chữ tan trong tâm. Một phần nữa, khi nghe, tôi (một dạng người chậm hiểu) tự thấy không thể nào nghe kịp ở tốc độ nói của hầu hết chư tăng ni trên YouTube.

Bởi vì mê đọc, cho nên tôi rất mực kính trọng người viết. Hình như trước Ni sư Giới Hương, trong hàng Ni giới chỉ có Ni Trưởng Trí Hải là viết và dịch rất nhiều, viết liên tục, viết độc đáo, viết siêu xuất, và cuối đời là làm thơ cũng rất mực tuyệt vời. Trong thế hệ trước, phần lớn các vị tăng hoằng pháp là phải viết, và viết rất nhiều. Thời đó, chưa có TV, chưa có YouTube, chưa có email. Tôi mang ơn rất lớn nhờ đọc sách từ các vị sư viết nhiều, như quý ngài Thanh Từ, Nhất Hạnh, Thiện Siêu, Minh Châu, Tuệ Sỹ, và nhiều nữa.

Đã từng nhiều năm tôi lo sợ rằng sẽ không còn sách Phật Giáo nữa, do vậy có một thời tôi đã từng đọc ngấu nghiến, đọc ngày, đọc đêm, đọc quên ăn bỏ ngủ tất cả những sách về Phật Học gặp được. May mắn, bây giờ có Internet, và sách Phật học rất nhiều. Và may mắn, thời này trong phần tiếng Việt và Anh đã có cả Tạng Nikaya, Tạng A Hàm, Kinh Đại Thừa, và nhiều bộ luận thư. Thôi thì, mình đọc chậm lại, không cần đọc vội vã nữa. Và hạnh phúc lớn nhất trên đời là được đọc Kinh Phật và viết chú giải lời Đức Phật. Không còn gì hạnh phúc hơn nữa.

 

Trường hợp Ni sư TN Giới Hương cũng là dị thường. Tôi có một niềm tin theo kiểu nhà quê của ông bà mình là, những người làm được chuyện phi thường (hầu hết) đều có tính tiền định. Ni sư xuống tóc, xuất gia năm 15 tuổi với Sư Bà Hải Triều Âm cũng là một cơ duyên lớn. Nhưng nỗ lực cá nhân mới là cực kỳ phi thường. Hoàn tất Cử nhân Phật học và Cử nhân Văn chương tại Sài Gòn; tốt nghiệp Tiến sĩ Phật Giáo ở Ấn Độ. Khi sang Hoa Kỳ, tốt nghiệp Trợ lý Điều dưỡng Y tá, hoàn tất nhiều chứng chỉ Vi tính. Năm 2015, tốt nghiệp Cử nhân Vănc hương Anh tại Đại học Riverside, Calif. Năm 2017, học Cao học Văn. Đồng thời đã viết và dịch 43 tác phẩm Anh và Việt, trong đó Ni sư đã chọn một số chủ đề rất khó, như luận giải Kinh Kim Cang (Pháp Ngữ của Kinh Kim Cang, đã tái bản lần thứ 3 – 2015&2016) và Kinh Lăng Nghiêm (bản tiếng Việt: Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm, tái bản lần thứ 4 – 2008, 2012, 2014, 2016; bản tiếng Anh: Rebirth Views in the Surasgama Sutra, 2018).

Tôi vẫn ưa thích Kinh Lăng Nghiêm một cách đặc biệt. Văn phong Lăng Nghiêm nhiều lý luận, rất mực phức tạp, may mắn được các Thiền sư làm cho đơn giản hóa, trực tiếp đưa vào chỗ có thể kinh nghiệm. Nhưng câu trong Kinh L8ang Nghiêm, như “Toàn tướng tức tánh, toàn tánh tức tướng” hễ nghe một lần là khó quên. Thế rồi một Thiền sư hỏi học trò, rằng ngươi nói ba cõi là tâm, sao tâm ngươi mang nổi tảng đá khổng lồ bên đường kia. Tuyệt vời siêu xuất. Trong khi đó, Ni sư TN Giới Hương chú giải Kinh Lăng Nghiêm về một phương diện Phật Tử nào cũng quan tâm: luân hồi, tái sanh…

Viết là một hành vi nặng nhọc. Không say mê sẽ không viết nhiều được. Nhưng tôi đoán, Ni sư không viết vì say mê, nhưng viết vì tâm nguyện. Đó là Bồ Tát Hạnh, vì thương chúng sinh, nên cầm bút để ghi lại lời Phật, để làm dễ hiểu hơn Kinh điển, và để độc giả tăng thượng tín tâm, kiên cố tu học. Để hiểu hoàn cảnh gian nan của tăng ni hải ngoại, chúng ta có thể đọc thấy một phần, mô tả trong bài "Sự Phát Triển của Ni Giới Việt Nam Tại Hoa Kỳ trong Thế Kỷ XXI" của Thượng tọa Thích Đồng Trí, nơi trang 23-25 của bản tiếng Việt, trích:

"Thật không dễ dàng để hội nhập ngôn ngữ, văn hóa, nếp sống của bất cứ quốc gia nào. Riêng về ngôn ngữ - Anh Ngữ - một người khá thì phải học 2 năm mới giao tiếp căn bản được, 5 năm thì giao tiếp được hầu hết trường hợp phổ thông. Nhưng âm giọng của người Việt nói tiếng Anh thường khác với người bản xứ, nhiều trường hợp phát âm sai. Hơn nữa, về Anh văn chuyên môn Phật Pháp, có người đã học Anh Văn: 4 năm Cử Nhân, 2 năm cao học, 5 năm Tiến sĩ, tổng cộng 11 năm với Anh Văn Phật Pháp như vậy mà cũng không thể dạy Anh Văn Phật Pháp cho trẻ em hoặc người bản xứ. Thâm nhập vào nếp sống, văn hóa lại càng khó hơn ngôn ngữ nữa. Nhưng nếu không hiểu được căn cơ, nếp suy nghĩ, văn hóa của họ thì làm sao giáo hóa được họ?" (phân đoạn "Hội nhập ngôn ngữ, văn hóa, nếp sống Hoa Kỳ" trang 23)

Hay về Chánh Mạng:

"Một vị tu sĩ ở đất nước Phật Giáo theo hệ Nam Truyền như Miến Điện, Thái Lan, Tích Lan, Cam Pu Chia, … thì sinh hoạt quá thuận tiện rồi vì nhân dân tôn kính và cúng dường mọi thứ sẵn sàng. Ở Việt Nam thì có một số tu sĩ cũng làm kinh tế nhà chùa lai rai như làm nhang, đồ ăn chay, may Pháp phục, còn tu sĩ sống ở Hải Ngoại thì khó mà đi khất thực và ít mong đợi, nương cậy hết vào sự cúng dường cung phụng của Phật tử, mà tự mình đi làm kinh tế trong chùa hoặc ngoài xã hội. Lý do đơn giản là sống ở nước ngoài, mức sống cao, chi phí lớn nên hầu hết đều mượn nợ sử dụng trước, trả sau, chẳng hạn như: xe hơi, máy lạnh, tủ lạnh, bảo hiểm sức khỏe, nhiều loại bảo hiểm và các khoản chi phí (bills) khác. Nếu ra chùa riêng, mua nhà đất lập nên chùa thì thông thường là phải mượn nợ hoặc vay rồi lo làm sao có thu nhập đều đặn mỗi tháng để trả, kéo dài đến hơn 15 năm mới hết. Hơn nữa, không phải như Việt Nam, ngày nào, đêm nào cũng có người viếng chùa, lễ Phật, tụng niệm tu tập tại chùa, ở Hải ngoại thì chủ yếu là tập trung sinh hoạt vào cuối tuần (thứ 7 và Chủ nhật), lúc đó Phật tử nghỉ làm đi chùa. Las Vegas là ngoại lệ vì Phật tử bận làm các việc trong Casino hoặc các dịch vụ cung cấp cho khách hàng cuối tuần mà được thư giãn giữa tuần. Thế thì mỗi tuần vị tu sỹ chỉ bận rộn giúp hướng dẫn cho Phật tử tu tập 1-2 ngày cuối tuần, vậy các ngày thường trong tuần đâu có thể yên tâm luẩn quẩn ở chùa trong khi nợ nần chưa trả xong? Thế là hầu hết tu sĩ trẻ (dưới 62 tuổi) phải tìm công việc đi làm kinh tế ngoài xã hội và xem đó là Chánh Mạng để duy trì sự hiện hữu của mình và tự viện một cách chủ động, về lâu về dài.

Từ việc theo phong trào “nhất Tăng nhất Tự” như thế mà vị tu sĩ phải bận rộn đóng nhiều vai: tri khách, tri viên, tri sự, hương đăng, hành đường, thư ký, thủ quỹ,…vừa lo công việc kinh tế bên ngoài, vừa lo quán xuyến trong chùa, vừa tiếp khách và đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử,… khiến cho vị ấy mỏi mệt, không đủ thời gian và sức lực cho việc trau giồi, nghiên tầm sâu Thánh Điển, thực hành tinh chuyên, tu tập chuyển hóa chính mình cho được vững chãi, thảnh thơi trên đường Đạo." (phân đoạn "Chánh mạng để tồn tại – một thách thức thực sự" - trang 25)

.

Trong 3 tác phẩm mới ấn hành đã nêu đầu bài này, cuốn thứ 43 trong Tủ sách Bảo Anh Lạc của Ni sư Giới Hương, nhan đề “Sharing the Dharma: Vietnamese Buddhist Nuns in the United States” là khó viết nhất, vì là bản dịch tiếng Anh của tuyển tập tiếng Việt nhan đề “Ni Giới Việt Nam Hoằng Pháp Tại Hoa Kỳ” (Tủ sách Bảo Anh Lạc 40).

Bản Anh văn “Sharing the Dharma…” của Ni sư Giới Hương in trên giấy khổ lớn (khổ tạp chí), dày 446 trang. Viết tiếng Việt đã mệt rồi, mà lại viết tiếng Anh thì cực nhọc biết chừng nào.

Một điểm để chú ý: tâm lượng của Ni sư TN Giới Hương. Bởi vì, trong khi một số vị tranh cãi về Nam Tông với Bắc Tông, hay về Thiền Tông với Tịnh Độ, và vân vân, Ni sư trong hai bản Anh và Việt trên, đã viết về nhiều truyền thống trong Phật Giáo Việt Nam. Hai sách này có thể đọc trực tuyến như sau.

--- Ni Giới Việt Nam Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ (có link bản PDF cuối trang):

http://www.huongsentemple.com/index.php/vn/kinh-sach/sa-ch-ni-gia-i-via-t-nam-hoa-ng-pha-p-ta-i-hoa-ka

--- Sharing Dharma - Vietnamese Nuns in America (bản PDF):

http://www.huongsentemple.com/index.php/vn/kinh-sach/tu-sach-bao-anh-lac/5920-43-sharing-dharma-vietnamese-nuns-in-america-ven-gioi-huong

.

Trong 2 tuyển tập trên, độc giả có thể đọc về Thiền Tông, như:

. Ni Trưởng Đồng Kính (Thiền Viện Vô Ưu, Calif.) và Ni Sư Thuần Tuệ (Thiền Viện Diệu Nhân, Calif.) từ truyền thống Trúc Lâm của Thiền sư Thanh Từ (VN);
. Ni Sư Chân Thiền & Ni Sư Chân Diệu (Thiền Viện Sùng Nghiêm, Calif.) từ truyền thống Thiền Nhật Bản của Thiền sư Philip Kapleau;
. Thiền Sư Ni Triệt Như (Thiền Viện Tánh Không, Calif.), từ truyền thống Thiền sư Thông Triệt;
. Thiền Sư Ni Diệu Thiện (Thiền Viện Phổ Môn, Texas).

Có thể đọc về truyền thống Tinh Độ, như:

. Ni Trưởng TN Như Hòa (Chùa Dược Sư, Calif.);
. Sư Bà Hiếu Đức (Chùa Linh Quang, Philadelphia);
. Ni Sư Thu Liên (Tịnh Xá Ngọc Thanh, Cali.).  

Có thể đọc về truyền thống Ni Giới Khất Sĩ, như:

. Ni Sư Tiến Liên (Tịnh Xá Ngọc Hòa, Calif.);
. Sư Cô Ngọc Liên (Pháp Viện Minh Đăng Quang, Cali.).

Và nhiều vị nữa, không kể hết được. Chỉ tiếc rằng, không có vị nào bên Ni Giới Nam Tông, bởi vì các quốc gia Nam Tông, như Thái Lan, Miến Điện… từ lâu đã kết thúc truyền thống Ni Giới. Cuộc hồi phục Ni Giới Nam Tông đang ở mức tự phát tại vài nơi, và không được quý Thầy Nam Tông hỗ trợ. Trong Đại Hội Vesak 2014 tại Việt Nam, theo chương trình đã phổ biến, Đại sư Úc châu  Ajahn Brahm dự kiến sẽ đọc bài diễn văn, trong đó có lời kêu gọi các quốc gia Phật Giáo Nam Tông nên cho tái lập Ni Giới Theravada, nhưng giờ chót đã bị Ban Tổ Chức hủy bỏ, hiển nhiên vì áp lực của các vị sư Thái Lan (xem: https://www.buddhistdoor.net/features/banning-ajahn-brahms-speech-on-nuns-was-a-spectacular-own-goal ). Chỉ hy vọng các sư Nam Tông tại Việt Nam sẽ lập riêng truyền thống Ni Giới Nam Tông, để làm lợi ích cho Phật Tử.

Để có cái nhìn tổng quan về 2 tuyển tập về Ni Giới, xin trích Lời Giới Thiệu từ Ni trưởng Thích Nữ Nguyên Thanh, các trang 9-10 bản tiếng Việt:

"Tập sách gồm có 70 bài viết, xoay quanh 2 chủ đề tiêu biểu:

(i) Sự Phát Triển của Ni Giới Thời Hiện Đại (28 bài)
(ii) Công Hạnh Hoằng Pháp của Chư Ni Việt Nam Tại Hoa Kỳ (42 bài).

Điểm đặc biệt của hai phần tuyển tập là giới thiệu quá trình các chùa Ni được thành lập và phát triển, tiểu sử ngắn của Chư Tôn Đức Ni Trụ Trì cũng như những thử thách, trải nghiệm và hoằng pháp của Chư Ni như thế nào tại đất nước hải ngoại với văn hóa và ngôn ngữ khác Việt Nam. Chính những hành hoạt và thực tiễn này đã làm cho các bài viết chân thực trong việc mô tả và xây dựng hình ảnh Ni giới tại Hoa Kỳ...

... Tập sách “Ni Giới Việt Nam Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ” (Sharing the Dharma - Vietnamese Buddhist Nuns in the United States) được viết song ngữ (Anh-Việt) và có thể cần nhiều hoàn thiện hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, đây là một bước đầu tiên phong và là sự đóng góp tích cực cho một bức tranh sinh động của Ni giới Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tập sách tái hiện được lịch sử truyền thừa và tiếp nối mạng mạch Phật Pháp của hàng nữ lưu trong kỷ nguyên mới– kỷ nguyên của thế kỷ 20-21 hiện đại và dấn thân.

Một lần nữa chúng con/ chúng tôi trân trọng giới thiệu tập sách đến chư Tôn Đức Tăng Ni và chư vị thiện hữu tri thức xa gần. Hy vọng, nhận được sự ưu ái góp ý của Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni và quý Phật tử để sách được tái bản và bổ sung đầy đủ hoàn thiện hơn, cũng như có thể xem đây là tập 1, để hy vọng trong tương lai tập 2 và nhiều tập nữa được ra mắt, khi danh sách chùa Ni và Chư Ni ngày càng có nhiều cống hiến cụ thể.
" (hết trích)

Để kết, xin bày tỏ lời kính phục Ni Sư TN Giới Hương về các nỗ lực viết sách, dịch sách bất kể cương vị trụ trì một ngôi chùa rất là bận rộn. Và sau cùng, trân trọng mời độc giả tìm đọc Tủ Sách Bảo Anh Lạc của Ni Sư.

Các câu hỏi, có thể liên lạc với:

Huong Sen Buddhist Temple - Chùa Hương Sen
Abbess - Trụ Trì: Venerable Thích Nữ Giới Hương
19865 Seaton Avenue,
Perris, CA 92570

Tel: 951-657-7272 | Cell: 951-616-8620
Email: [email protected]
[email protected]
Web: www.huongsentemple.com

 

PHOTO:
Ns-gioi-huong
Ni Sư Thích Nữ Giới Hương
BiaVN_Nuns_in_the_United_States
Bìa sách "Sharing the Dharma – Vietnamese Buddhist Nuns in the United States" bản tiếng Anh.
Bia 3 sach cua Ni su Gioi Huong
Bìa 3 tuyển tập mới của Tủ Sách Bảo Anh Lạc.
Chu-ni-hs-lam-sach-goi-tang-june-2021-1-
Ni sư Trụ trì Thích Nữ Giới Hương cùng quý sư cô đang gói sách để tặng Chư Tôn Thiền đức Tăng Ni ở các Chùa.
 

 



***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/03/2022(Xem: 3885)
Để bắt đầu, trước tiên, hãy điều chỉnh động lực của mình, bằng cách nghĩ rằng hôm nay, mình có mặt ở đây để lắng nghe giáo pháp cao cả, vì ước nguyện thành tựu quả vị hoàn hảo và giác ngộ viên mãn, vì lợi lạc của tất cả bà mẹ hữu tình, rộng lớn như không gian bao la. Hãy điều chỉnh động lực lắng nghe giáo pháp bằng tư tưởng đặc biệt này.
11/03/2022(Xem: 4442)
Một câu hỏi có thể nêu lên: Đức Phật sau khi thành tựu Chánh đẳng Chánh giác, Ngài dạy bài Kinh nào đầu tiên? Câu trả lời theo sử Phật Giáo: đó là bài Kinh vô ngôn, nội dung bài Kinh là lòng biết ơn. Lúc đó, Đức Phật đã bày tỏ lòng biết ơn cây Bồ Đề (cây Pippala), nơi Ngài ngồi dưới cội cây và được che mưa nắng nhiều tuần lễ cho tới khi thành tựu Chánh đẳng Chánh giác. Một điểm đặc biệt: biết ơn nhưng không dính mắc, vẫn luôn luôn nhìn thấy thế giới này trong thực tướng vô ngã.
11/03/2022(Xem: 6140)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Bát cháo sữa của nàng thôn nữ Sujata tuy giá trị rất nhỏ, nhưng mang lại lợi ích cho nhân loại và quả địa cầu là rất lớn, vì nhờ đó mà Sa-môn Gautama không chết do kiệt sức. Những giúp đỡ nho nhỏ, từ thiện nho nhỏ, đôi lúc có giá trị lớn & có ý nghĩa lớn. Học theo gương hạnh của Sujata, chúng con, chúng tôi nguyện làm tất cả việc thiện bằng các điều kiện có thể, nhằm xoa dịu phần nào sự khốn khó của tha nhân trong thời buổi nhiều khó khăn này..
08/03/2022(Xem: 11562)
Qua thông tin của truyền thông đại chúng ( các đài truyền Úc và Vietface tivi) suốt 2 tuần qua tiểu bang New South Wales và Queensland, Úc Châu, đã hứng chịu những cơn mưa như trút nước chưa từng có trong nhiều thập niên qua, từ đó dẫn đến những cơn lũ lụt lớn, khiến cho hàng nghìn người phải sơ tán và nước lũ cũng cuốn trôi nhiều tài sản, gia súc, phá hủy các tuyến đường giao thông giữa 2 tiểu bang miền đông nước Úc này. Riêng tại New South Wales, có hơn 11 vùng hiện bị ngập nước là: Chipping Norton, East Hills, Georges Hall, Holsworhy, Lansvale, Milperra, Moorebank, Warwick Farm, Sandy Point, Pleasure Point, Picnic Point.Trong khi tại tiểu bang Queensland có hơn 18.000 ngôi nhà ở phía đông nam Queensland được cho là đã bị ngập lụt, và gần 60.000 ngôi nhà khác trên toàn khu vực bị mất điện. Tính cho đến giờ này chúng tôi đang viết thư ngỏ này vào 9 giờ sáng 8/3/2022, tiểu bang Queensland có 13 người chết và NSW có 4 người tử vong vì trận lụt kinh hoàng này.
05/03/2022(Xem: 4284)
Mới vào đề chắc có người sẽ thắc mắc tại sao một người tu sao lại nói đến chữ Tình để làm gì? Xin quý vị hãy từ từ đọc vào nội dung sẽ hiểu. Hôm nay tôi sẽ viết về các loại Tình: tình bạn, tình người, tình yêu, thình thương, tình cảm v.v… Nếu viết bằng chữ Hán về chữ Tình nầy thì bên trái viết bộ tâm đứng, có nghĩa là những tình nầy đều khởi đi từ tâm của mỗi con người; bên phải viết chữ thanh là màu xanh hay cũng còn có ý là rõ ràng, trong sáng v.v…, hai chữ nầy ghép lại gọi là chữ Tình. Sau nầy tiếng Việt chúng ta dùng chữ tình yêu, tình cảm, tình thương, tình ý v.v…cũng đều sử dụng chữ tình nầy để ghép chung vào chữ Nôm của chúng ta, trở thành tiếng Việt thuần túy.
04/03/2022(Xem: 3838)
Xin khép lại những phiền muộn của năm cũ với nhiều nỗi đau thương mất mát và ly biệt, niềm thương cảm cho người thân, thầy bạn mãi mãi rời xa chúng ta. Trong bất cứ một hoàn cảnh khó khăn nào, ta vẫn nghĩ, dù sao đó là những chuyện đã qua, năm mới với nhiều hy vọng mới, tư duy mới và một cuộc hành trình mới đang chờ chúng ta phía trước. Xin bạn hãy khép lại những lo âu phiền muộn, lau khô những giọt nước mắt cho những mối tình hay những cuộc hôn nhân đổ vỡ, rồi cũng sẽ có người phù hợp với bạn, sẻ chia vui buồn trong cuộc sống của bạn. Sự chân thành sẽ tồn tại quanh bạn, những giọt nước mắt sẽ giúp bạn hiểu được cuộc đời này, rồi niềm vui sẽ đến, những trở ngại giúp bạn biết nâng niu cuộc sống.
02/03/2022(Xem: 9657)
CHÁNH PHÁP Số 124, tháng 3.2022 Hình bìa của Kranich17 (Pixabay.com) NỘI DUNG SỐ NÀY: THƯ TÒA SOẠN, trang 2 TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 XUÂN VỀ (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 6
01/03/2022(Xem: 5694)
Những ngày gần đây, dường như chánh niệm đang lan tỏa khắp mọi nơi. Khi tìm kiếm trên Google mà tôi đã thực hiện vào tháng 1 năm 2022 cho cụm từ "Chánh niệm" (Mindfulness) đã thu được gần 3 tỷ lượt truy cập. Phương pháp tu tập thiền chánh niệm này hiện được áp dụng thường xuyên tại các nơi làm việc, trường học, văn phòng nhà tâm lý học và các bệnh viện trên khắp cả nước Mỹ.
01/03/2022(Xem: 5784)
Hàng trăm đồ tạo tác vật phẩm văn hóa Phật giáo đã bị đánh cắp hoặc phá hủy sau cuộc quân sự Taliban tấn công và tiếp quản Chính quyền Afghanistan ngày 15 tháng 08 năm 2021. Hôm thứ Ba, ngày 22 tháng 02 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, Hợp chúng quốc đã hạn chế các vật phẩm văn hóa Phật giáo và lịch sử từ Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan, với hy vọng ngăn chặn "những kẻ khủng bố" kiếm lợi, nhưng các chuyên gia bày tỏ lo ngại về những hậu quả không mong muốn.
24/02/2022(Xem: 4362)
Nhà kiến tạo hòa bình, nhà tâm lý học, nhà cải cách xã hội học, nhà giáo dục và Phật giáo Dấn thân nổi tiếng, người Mỹ và được trên thế giới kính trọng, Tiến sĩ Phật tử Paula Green sinh vào ngày 16 tháng 12 năm 1937 tại Hoa Kỳ, đã thanh thản trút hơi thở từ giã trần gian vào ngày 21 tháng 2 năm 2022, hưởng thọ 84 tuổi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]