Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cây Quạt Lụa Hồng

21/03/202121:33(Xem: 5119)
Cây Quạt Lụa Hồng

Cây quạt lụa hồng-1

Đây là tựa đề của một vở tuồng cải lương của những năm đầu thập niên 60, do soạn giả Thu An tức "Chú Sáu đờn cò" viết tuồng cho đoàn cải lương "Tiếng chuông vàng Thủ Đô" đi trình diễn khắp nơi. Năm ấy đoàn ra tận Nha Trang diễn tại rạp Tân Quang gần ngã sáu, tôi được mẹ dẫn đi xem ngồi ở hàng ghế mời phía trước sân khấu. Không phải mẹ con tôi đặc biệt và quan trọng đến độ chủ gánh hát phải tốn đến hai ghế mời. Họ gửi vé mời đến các công sở, chủ yếu cho vợ chồng ông Tổng Giám đốc sở Tạo Tác nơi mẹ tôi làm việc, nhưng họ không "hảo" cải lương nên thưởng công tặng cho mẹ con cô thư ký chăm chỉ. Do đó tôi được xem rất nhiều tuồng cải lương hay và nổi tiếng thời bấy giờ, nhưng vở tuồng này đã in sâu vào tâm trí của tôi mãi tận đến bây giờ.

 

Ấn tượng lớn nhất là đám rước dâu với kiệu hoa kèn trống linh đình để đưa Huyền Trân Công Chúa sang Chiêm quốc, dẫn đầu có tướng Trần Khắc Chung oai hùng trên lưng ngựa và sau cùng là đoàn múa rối với em bé Hương Lan trong vai Bo Bo và anh chàng khổng lồ cao trên hai mét. Đám rước đi từ bên ngoài rạp xuyên qua khán giả để lên sân khấu. Tôi lúc đó chỉ bằng tuổi của em bé Hương Lan nên rất ngưỡng mộ các nghệ sĩ, đã rời tay mẹ chạy theo đám rước thật đình đám. 

 

Với số tuổi hỉ mũi chưa sạch ấy, tôi làm sao nhớ hết cả một vở tuồng, chỉ nhớ cảnh chia tay sầu thảm của Thượng Tướng Trần Khắc Chung với Huyền Trân Công Chúa "bên cầu biên giới" nghe dòng đời từ từ trôi... Sau khi ca đủ sáu câu vọng cổ mùi tận mạng, Chàng Thượng Tướng mới rút trong tay áo ra một chiếc quạt lụa hồng tặng cho người yêu. Mong nàng nơi đất khách quê người, mỗi lần nhìn quạt lại nhớ tới người phương xa. Đoạn này chắc tôi nhớ lầm rồi, phải nàng tặng quạt chứ ai lại để Thượng Tướng tặng quạt bao giờ?

 

Màn một đã não lòng, màn hai lại càng hào hứng gấp bội khi chàng Thượng Tướng được lệnh sang Chiêm giải cứu Huyền Trân sau một năm đưa nàng ngàn dặm về xứ chồng, đoạn cuối soạn giả cho kết thúc thật đẹp. Đôi "Thanh mai, trúc mã" lấy theo ý thơ của Lý Bạch, đã dong thuyền đi chu du ngoài biển khơi, lênh đênh trên sóng nước cả ba tháng trời như Sử gia Ngô Sĩ Liên thời Hậu Lê đã viết trong "Đại Việt Sử ký toàn thư".

Sử đã viết như vậy, ca nhạc cũng như nghệ thuật sân khấu đã dàn dựng lên mối tình đẹp ngời ngợi như thế! Lấy gì tôi không dệt mộng, vẽ vời cho bản tình ca vô tận này. 

 

Nhưng rồi mọi việc giống như câu nói: "Nửa cái bánh vẫn là cái bánh, nhưng nửa sự thật không là sự thật", khi tôi được giao cho nhiệm vụ cao quý là đọc và hiệu đính các lỗi chính tả tác phẩm "Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa" của Hòa Thượng Thích Như Điển (Sư phụ tôi). Ôi thôi! Tôi biết mình đã lầm nặng, dám nghi oan cho mối tình thầy trò trong sạch, một nghĩa quân thần cao quý chỉ vì lợi nước ích dân. 

 

Trở lại dòng lịch sử của triều đại nhà Trần vào thế kỷ 13, một triều đại được dựng lên do bàn tay thao túng của Trần Thủ Độ. Ông "Thần biến hóa" này đã không từ nan một thủ đoạn nào để chiếm lấy ngai vàng cho dòng họ Trần, dùng cậu cháu Trần Cảnh kết mối tơ duyên với vị vua cuối cùng của triều Lý tức Lý Chiêu Hoàng. Rồi dùng sức ép bắt vợ phải nhường ngôi cho chồng, để Trần Cảnh lên ngôi dựng lên nhà Trần với Trần Thái Tông. 

 

Bắt đầu từ đây sóng gió trong hoàng cung nổi lên ầm ầm vì những điều trái với luân thường đạo lý do Trần Thủ Độ gây ra. Phế Hoàng Hậu của vua, bắt chị dâu đang có thai gả cho em chồng để nối nghiệp nhà Trần. Chia cắt hai mối tình lớn của hai anh em Trần Liễu và Trần Cảnh với hai chị em Chiêu Cảm và Chiêu Thánh công chúa dòng họ Lý. Họ vùng vẫy trong tuyệt vọng, nhưng cuối cùng vẫn phải đầu hàng nghịch cảnh. Trần Liễu với đội quân tinh nhuệ kéo về Thăng Long đòi vợ, nhưng đã bị Trần Thủ Độ dẹp tan và ban tội chết, may nhờ ông em Hoàng Đế đứng ra che chở mới giữ được mạng sống. Phần ông em Hoàng Đế cũng đau khổ muôn vàn, vừa mất Ái Hậu yêu quý, vừa phải loạn luân với chị dâu. Thôi đành bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử đi tu, nhưng nghiệp trần chưa trả hết, nợ núi sông còn réo gọi với quân Nguyên, nên gặp Thiền sư Phù Vân khuyên giải trở về. Chuyến đi "Thoát vòng tục lụy" của Vua Thái Tông không thành mà còn liên lụy đến cả trăm phi tần, cung nữ kéo theo tìm ngài, rồi làm áp lực nhảy tập thể xuống Suối Giải Oan trầm mình.

 

Sự trở về của vua Trần Thái Tông đã đánh dấu một sự kiện lịch sử hào hùng nhất cho nước Việt, với Hội nghị Diên Hồng thăm dò ý kiến toàn dân, với Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người đã vì "Nợ nước quên thù nhà", gác lại lời trăn trối của cha là Trần Liễu mà giúp "kẻ thù nhà" chống lại quân Mông Cổ đang đem quân sang dày xéo quê hương.

 

"Toàn dân nghe chăng... Sơn hà nguy biến... Hận thù đằng đằng. Nên hòa hay chiến? 

-  Quyết chiến! Quyết chiến! 

                ……..

Thế việc nước nguy biến lấy gì lo chiến chinh?

-  Hy sinh! Hy sinh! ".

 

Ôi lời bài hát Hội Nghị Diên Hồng sao hùng khí ngất trời! Khi toàn dân đồng một lòng chống ngoại xâm thì Thái tử Thoát Hoan chỉ còn nước chui vào ống cống để chạy thoát về Tàu. 

 

Đến đời vua Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Trần, còn gọi là Giác Hoàng hay Phật Hoàng, sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm ở núi Yên Tử. Ngài kết hôn với con gái của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tức Khâm Từ Hoàng Hậu, sinh được hai trai, hai gái. Một người là vua Trần Anh Tông và người con gái út là Huyền Trân Công Chúa chào đời vào năm 1287. Khi ấy Thượng Tướng Trần Khắc Chung đã hơn 40 tuổi (1247 - 1330), nếu lúc đó có bài hát "Sáu mươi năm cuộc đời" của Y Vân thì phải đổi lại là "Năm anh bốn mươi, em mới sinh ra đời" và "Ngày anh sáu mươi, em mới vừa đôi mươi". Nhưng thôi, trích dẫn như thế cho chúng ta rõ ràng về sự chênh lệch tuổi tác của hai người, đừng thêu dệt những gì không đẹp cho một nửa sự thật đã được sử sách nghiên cứu lại. 

Năm 1294 khi Huyền Trân Công Chúa được 7 tuổi, trong ngày xuất gia của vua cha Trần Nhân Tông tại chùa Bút Tháp, lúc ấy đã truyền ngôi cho con trai Trần Anh Tông, có sự tham dự của Thượng Tướng Trần Khắc Chung, cô Công Chúa bé nhỏ đã hỏi chú Trần Khắc Chung một số các thắc mắc mà nàng không thể hiểu trong buổi lễ xuất gia của phụ hoàng. Sau đó Thượng Hoàng Trần Nhân Tông dưới lớp áo của một tăng lữ đi đến Vijaya, còn gọi là Đồ Bàn, kinh đô của vương quốc Chiêm Thành. Vân du sơn thủy nhiều năm, mãi đến đầu năm 1301 Giác Hoàng mới đến đèo Hải Vân và được vua Chế Mân tiếp đón long trọng tại kinh đô Vijaya. Họ là một liên minh quân sự trong việc phòng chống các cuộc xâm lăng của quân Nguyên trước đây. 

 

Giác Hoàng thấy vua Chế Mân là một anh tài hiếm có, lại khôi ngô đĩnh đạc, nên chợt nghĩ đến Huyền Trân Công Chúa nàng con gái út mới được 14 tuổi. Nếu ta kết mối tơ duyên cho họ chẳng phải là điều tốt hay sao? Cớ nỗi Chế Mân đã quá 40 hơn Huyền Trân Công Chúa khá nhiều và đã có Hoàng Hậu Tapasi chánh cung người Java thuộc nước Indonesia. Nhưng có lẽ do duyên trời se kết, khi Giác Hoàng mở lời hứa hôn sẽ gả Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân khi nàng tròn 18 tuổi, vị vua này mừng rỡ khôn cùng, đêm ngày ôm gối mộng mơ tưởng đến người đẹp phương xa. Đến lúc này Giác Hoàng chỉ kết mối tơ duyên cho đôi trẻ vì lý tình thế thôi, chẳng nghĩ gì đến sính lễ đất đai. Chỉ đến khi về lại quê nhà, đem câu chuyện hứa hôn ra bàn với triều thần mới xảy ra tranh cãi. Ông vua con Trần Anh Tông cứ cho em gái mình là lá ngọc cành vàng, gả cho Mường Mán dễ dàng như vậy không được, ít nhất sính lễ phải là hai châu Ô và Lý mới bằng lòng. Dân gian chả có các câu vè hay sao:

 

Tiếc thay cây quế giữa rừng. 

Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.

Hay văn vẻ hơn:

Tiếc thay một đóa Trà My.

Con ong con bướm tiếc gì cái hương.

 

Thượng Tướng Trần Khắc Chung cũng đồng ý đòi hai Châu Ô, Lý mới chịu hy sinh cô Công Chúa bé nhỏ mình ưa thích. Rồi cả hai dẫn nhau đến dinh của Hưng Đạo Vương hỏi ý kiến bậc lão thành, bộ ba này đưa ra điều kiện sính lễ hai châu Ô và Lý, từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên Huế đến phía bắc Quảng Trị, có thuận mới được rước dâu. 

 

Ôi chao! Lại làm Chế Mân đau đầu rồi! Chàng phải triệu tập các bô lão trong thành làm cuộc trưng cầu dân ý, xem lòng dân có thuận hay không? Hai vùng đất ấy rất hoang tàng hẻo lánh, dân cư thưa thớt nên dân chúng Chiêm Thành cũng đành bấm bụng để Chế Mân đem đi đổi lấy Huyền Trân Công Chúa xinh đẹp của xứ Đại Việt kề bên. 

 

Bắt đầu từ đây Công Chúa phải học tiếng Chiêm và phong tục tập quán của xứ chồng tương lai. Oái oăm thay người dạy nàng ở Thiên Trường Phủ và Quốc Tử Giám tại Thăng Long chính là chú Trần Khắc Chung yêu quý của nàng. 

 

Chàng là quan lớn qua 4 triều đại nhà Trần, từ Nhân Tông đến Anh Tông, bước sang Minh Tông và cuối cùng là Hiến Tông. Đã giữ trong tay biết bao chức vụ từ Đại Hành Khiển đến Tể Tướng, Thượng Thư, Ngự Sử Đại Phu, Đại an phủ kinh sư, Quan nội hầu, Sư bảo, cuối đời đạt được địa vị cực phẩm. 

Một người tài hoa oai hùng như thế lại có nhiều cơ hội gần gũi một người con gái thánh thiện với sắc đẹp quý phái tươi mát rực rỡ như Huyền Trân Công Chúa, chả trách gì thiên hạ không gán ghép cho mối tình của họ. 

 

Dù bị gán ghép oan hay yêu nhau thật, họ vẫn làm tròn bổn phận và nhiệm vụ một cách hoàn chỉnh. Đến năm 1306 vua Anh Tông cử sứ thần là Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi sang Chiêm quốc cùng phái đoàn rước dâu do Thượng Tướng Trần Khắc Chung chỉ huy hộ tống Huyền Trân Công Chúa sang xứ chồng, lúc ấy nàng vừa tròn 19 tuổi. 

"Nước non ngàn dặm ra đi. Mối tình chi. Mượn màu son phấn. 

Đền nợ Ô-Lý. Đắng cay vì đương độ xuân thì..."

 

Nàng được vua Chế Mân trân quý, phong cho làm Vương Hậu Paramecvari. Nhờ được sửa soạn kỹ lưỡng cho chuyến đi lịch sử "Đền nợ Ô-Lý" này, nên nàng đã thông thạo tiếng Chiêm và quen biết các phong tục tập quán của xứ sở Chiêm, đa số là Bà La Môn với lối kiến trúc đền đài cung điện thật cầu kỳ và đặc sắc.

 

Sau một năm hương lửa mặn nồng, nàng sinh được hoàng nam Chế Đa Đa trong bầu trời hạnh phúc do Chế Mân mang đến và che chở cho nàng. Những tưởng cuộc đời là những áng mây hồng, nhưng mây đen kéo đến liền tay không ai có thể ngờ tới được khi vua Chế Mân đột ngột qua đời. Cái chết đầy bí ẩn không rõ vì bệnh tật hay có kẻ ra tay muốn soán vị ngai vàng, những kẻ phản phúc của nước Chiêm và bọn sứ đoàn nhà Nguyên không khoanh tay ngồi nhìn hai nước Chiêm-Việt kết thân. Tin sét đánh đưa về đến quê nhà, cả triều đình nhà Trần chấn động. Không lo sao được khi hai mẹ con Huyền Trân thân cô thế cô trên xứ lạ quê người khi không còn Chế Mân che chở. Lại nghe thêm tập tục hỏa thiêu theo chồng của người Chiêm, nghĩa là Hoàng Hậu sẽ được vinh dự cùng hỏa táng với Quân Vương trên một dàn thiêu. Vua Anh Tông xót thương em gái vô cùng, đã cử Thượng Tướng Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Vân cùng đoàn tùy tùng sang phúng điếu, nhưng bên trong lập mưu đưa Huyền Trân về cố quốc và chỉ một mình người mẹ chứ không thể đem cả hoàng nhi.

 

Sứ thần nước Việt đã thuyết phục vua Chiêm Chế Chí mới lên kế vị cho lập đàn chiêu hồn bên bờ sông, rồi cho thuyền mai phục sẵn đưa Vương Hậu Paramecvari bỏ trốn.

 

Khi biết chuyện triều đình Chiêm quốc rất tức giận, vừa mất Vương Hậu vừa mất đất đai. Đâu phải chỉ mất hai Châu Ô, Lý cho cái xứ Đại Việt này thôi, mà lịch sử của 200 năm trước đã mất ba Châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính rồi. Chính vua Chế Củ đã dâng cho vua Lý đó thôi! 

 

Triều đình Chiêm quốc tuyệt giao với Đại Việt là đúng! Cứ xử ép họ mãi như thế, dám cướp Vương Hậu Paramecvari đem đi biệt tăm, chia cắt tình mẫu tử với Hoàng tử Đa Đa và niềm đau mất hai Châu Ô-Lý còn đang canh cánh bên lòng. Nhưng với thân phận nước nhược tiểu đành phải nuốt hận chờ thời. 

 

Ngoài ra chuyện quan quân nhà Trần bắt buộc phải cứu Huyền Trân để khỏi bị đưa vào giàn thiêu theo Chế Mân là suy đoán không đúng. Theo tục lệ đạo Bà La Môn, truyền thống Champa xưa, nếu có hỏa thiêu theo Quân Vương, chỉ Hoàng Hậu chánh thất mới được cái vinh dự ấy và sau 7 ngày phải hoàn tất chuyện đó vì thời tiết nóng bức, chứ không để cả 4 tháng trời chờ đợi tin qua thư về mà người vẫn y nguyên. Một sự thật nữa là Hoàng Hậu Tapasi sau này cũng được cho trở về cố hương xứ Indonesia.

 

Đoạn Sử gia Ngô Sĩ Liên thời Hậu Lê lên án Huyền Trân đã "tư thông" với Trần Khắc Chung, đã cùng nhau chung thuyền lênh đênh trên sóng nước những ba tháng trời, nghĩ lại không có cơ sở? Chỉ đúng cho một màn cải lương "Cây quạt lụa hồng" được dàn dựng lên để lấy nước mắt và cảm xúc của khán giả chứ không lô-gíc vì những lý do sau:

.  An phủ sứ Đặng Vân cùng đoàn tùy tùng đi ngã nào? 

. Tại bãi biển Thị Nại vùng Quy Nhơn-Bình Định vào tháng 9, tháng 10 mưa bão liên miên, một chiếc thuyền nhỏ có thể bám biển chống chọi với phong ba bão tố tới ba tháng được không? 

. Vương Hậu Paramecvari vừa sinh nở xong, nỗi đau mất chồng, xa con, thân phận lạc loài... có còn lạc thú để du dương với chú và cũng là thầy Trần Khắc Chung đã ngoài sáu chục. 

 

Cũng giống như câu chuyện Tây Thi - Phạm Lãi thời Đông Châu liệt quốc, thiên hạ tiếc thương mối tình của họ nên tự vẽ vời ra chuyện Phạm Lãi chèo thuyền đưa Tây Thi du ngoạn Động Đình Hồ cho thêm phần lãng mạn. Còn hơn để Câu Tiễn giết chết hay bà vợ ghen tuông của Câu Tiễn vùi dập.

 

Số phận về sau của Vương Hậu Paramecvari rất ư là có hậu. Chỉ một năm sau, nàng xin Giác Hoàng cho Quy Y với Pháp danh Hương Tràng, rồi xuất gia tu hành, thọ Bồ Tát Giới tại chùa Quảng Nghiêm (Nam Định), sống đời đạo hạnh cho đến năm 1340 thì về đất Phật, thọ mạng 53 tuổi. Góa chồng từ tuổi 20, bà đã tinh tấn tu hành suốt trong 33 năm, bỏ mặc ngoài đời những tiếng thị phi khen chê, được mất thường tình. Mộ của Bà được chôn ở chùa Nộn Sơn tỉnh Nam Định, rất được mọi người chiêm bái và ngưỡng mộ. Nhất là ở tỉnh Thừa Thiên Huế, nhân gian tạo tượng và lập đền thờ Bà, một vị Công Chúa tài hoa xinh đẹp và có công nhất trong việc mở mang bờ cõi về phương Nam với hình hài là một Ni Sư. Không có Huyền Trân Công Chúa với nước non ngàn dặm ra đi như thế thì làm gì có kinh đô Huế cho nhà Nguyễn dựng nước. Dân chúng ở đây đặc biệt với Bà như thế cũng phải!

 

Cây quạt lụa hồng-2 

Huyền Trân Công Chúa, một anh thư rực sáng của nền trời nước Việt! 

 

Hoa Lan - Thiện Giới. 

Mùa thu 2020.

 

 

Nguồn tài liệu tham khảo:

 

. Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa, Hòa Thượng Thích Như Điển, 2019.

. Trần Khắc Chung, Ngô Viết Trọng, 2009.

 

. hptt://nguoikesu.com

. hppt://m.trithucvn.net

. htppt://vi.wikipedia.org

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/05/2016(Xem: 13158)
Lễ Phật đản là một dịp lễ quan trọng với người dân theo đạo Phật, trở thành một nét văn hóa ở nhiều quốc gia, từ Thái Lan, Hàn Quốc, tới Australia.
18/05/2016(Xem: 7040)
Bốn Đại nguyện của giáo lý đại thừa được triển khai trên sự thực hành giáo lý Tứ Diệu Đế. Danh xưng thường đọc tụng là Tứ Hoằng Thệ Nguyện; “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
17/05/2016(Xem: 12313)
Ngày Hoan Hỷ, Tập Văn Kỷ Niệm Khóa Huấn Luyện Trụ Trì năm Đinh Dậu 1957_HT Thích Thiện Hòa
06/05/2016(Xem: 10120)
Khi mà bạn có Mẹ hiền Chăm lo cho bạn ngày đêm an phần Những gì bạn muốn bạn cần Mẹ hoan hỉ giúp, xả thân chẳng phiền.
05/05/2016(Xem: 9273)
Hội Thảo Giáo Dục Phật Giáo tại Hoa Kỳ, 3/3 (4/2016)
05/05/2016(Xem: 31209)
Nghi thức Kệ Chuông Đại Hồng Chung tại Tu Viện Quảng Đức, Văn chung thinh phiền não khinh, Trí huệ trưởng, Bồ đề sanh, Ly địa ngục, xuất hỏa khanh, Nguyện thành Phật, độ chúng sanh (0). Nghe chuông, phiền não nhẹ lâng lâng Bồ đề thêm lớn, Tuệ sáng ngần Xa rời Địa-ngục, qua hầm lửa Nguyện thành như Phật, độ chúng sanh. (0).
28/04/2016(Xem: 20510)
Thiền, Tịnh, Mật được xem là ba pháp môn tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam xưa nay. Thiền giáo xuất hiện từ thời Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thế kỷ sau, kinh điển Đại thừa được truyền bá, theo đó tư tưởng Thiền, Tịnh và Mật được phổ biến tại nước ta. Từ lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam cho thấy, ba pháp môn tu đó có sự đóng góp tích cực cho con người và xã hội qua nhiều thời đại.
27/04/2016(Xem: 10506)
Trọng tâm của bài viết nầy nhằm tìm nguyên nhân tại sao người Phật tử bị cải đạo và đề nghị phương pháp ngăn ngừa, chứ không phải là so sánh giữa hai tôn giáo. Tuy vậy, để có thể biết được nguyên nhân, nên một số tín điều và cách sống đạo, của tôn giáo, không thể không đề cập đến. Mong độc giả xem đó như là vài dẫn khởi cho việc truy tìm nguyên nhân Phật tử bị cải đạo và đề nghị giải pháp. Dẫu theo lối tiếp cận nào, chúng tôi vẫn dựa trên những chứng tích lịch sử để luận bàn, chứ không bao giờ đề cập những điều vô căn cứ. Một tôn giáo (hay một học thuyết) muốn đứng vững với thời và không gian thì tôn giáo ấy phải có ba tiêu chí cốt yếu: Nhân bản, Khoa học và Thực dụng.
23/04/2016(Xem: 6523)
Hàng ngày tôi có thói quen ngồi tọa thiền và sau đó đi kinh hành. Địa điểm đi kinh hành tuyệt vời và may mắn nhất tôi có được là công viên Nghĩa Đô gần nhà. Ngày thực hành 2 lần, sáng sớm và buổi tối. Thật tuyệt vời vô cùng.
23/04/2016(Xem: 13603)
Có một vị Phật tử rất thuần thành, mỗi ngày đều hái hoa trong vườn nhà mình mang đến chùa dâng cúng Phật. Một hôm khi cô đang mang hoa tươi đến cúng Phật, tình cờ gặp thiền sư từ giảng đường đi ra. Thiền sư hoan hỷ nói:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]