Ta hãy tự thoát ra khỏi thân mình hiện tại mà trở về lúc ta mới được sanh ra. Trong phút giây đặc biệt đó ta là gì? Ta vừa được chào đời, được vỗ mông để bật tiếng khóc là phổi ta hoạt động, mọi chất nhớt trong miệng được lấy ra và không khí vào buồng phổi: ta chào đời. Thân ta lúc đó là do 5 uẩn kết tạo từ hư không, 5 uẩn do duyên mà hội tụ. Cơ cấu của thân thể ta là 7 đại đất nước gió lửa không kiến thức. Cơ thể ta mở ra 6 cổng (căn) để nhập vào từ ngoài là 6 trần để rồi tạo ra 6 thức. Khi đó ta có hiện hữu cái ta cái ngã đầu tiên. Ta cũng từ ngay lúc đó nhận được ánh sáng từ mặt trời chiều đến mắt ta và hạt photon của bức xa mặt trời đưa đến, hạt này rồi đến hạt sau cách nhau một khoảng cách ngắn gọi là tốc độ của ánh sáng hơn 300000 km trong một giây. Vì mặt trời chiếu tia bức xạ đến mắt ta, vì trái đất quay xung quanh mặt trời và tự nó quay xung quanh nó nên ta có thời gian. Có sáng có tối có vòng quay và có thời gian. Vì hạt photon bắn ra từ mặt trời đến mắt ta nên ta có thời gian. Einstein nói nếu ta di chuyển bằng tốc độ của ánh sáng thì thời gian là zero chính vì lý do này. Rồi thời gian làm duyên cho cái chứa đựng của trái đất và của thân thể ta nên ta có không gian. Khi ta còn oe oe chào đời là ta bắt đầu có luồng điện vận chuyển do 1.2 tỷ tế bào neuron thần kinh, từ đó tạo ra ý thức. Ý thức này do bộ não hoạt động và luồng điện ấy làm ta có vận hành nhận thức phân biệt. Vậy lúc mới sinh ra ta là gì? Ta là do thức số 8 gọi là Tàng Thức chứa nghiệp mang theo, trong Tàng Thức đó là chồng chất các nghiệp có muôn bao kiếp trước của ta và có chứa một Phật tánh là tánh giác cội nguồn của lương tâm ta. Ta cũng mang theo thức số 7 của kiếp trước, đó là cái ngã cái tôi để nó bắt nhịp cầu nối kết với thân 5 uẩn 6 căn mới của đứa bé chào đời. Tàng Thức và Mặc Na Thức là hai thức đi đầu thai cho đời sống mới. Chính cái Mặc Na Thức cái ngã nầy nên ta sinh ra là đã có sẵn bản tánh khác nhau bởi nghiệp duyên là vậy. Có người nóng tính, có người dễ sân hận, ích kỷ, ngã mạn tham lam, có người hiền từ , có người lanh lợi, có người từ tốn chậm chạp…khác nhau ngay từ lúc chào đời. Kế đến cũng chính cái ta sanh ra này mà ta có duyên theo chân Phật sớm hay muộn bởi kiếp trước ta đã tu tập học hỏi đạo Phật nhiều ít. Như vậy khi ta mới chào đời ta đã hình thành như vậy và ý thức loé ra ngay tức thì làm che mờ tánh Giác của ta có sẵn trong Tàng Thức. Vì ý thức đó mà thành ra vô minh. Vô minh không có nghĩa là không biết gì mà là biết của ý thức nên không biết thực tướng của vạn pháp. Thật vậy, lúc ta sanh ra thì ý thức bắt đầu hiện ra từ phân biệt màu sắc hình tướng của vạn pháp chung quanh ta và chính bản thân của mình. Ý thức đó dựa vào hình tướng, đặc tánh, công dụng của vạn pháp mà ta học đặc tên cho nó, và tạo ra sự hiện hữu của các pháp theo danh xưng và cảm nhận của riêng ý thức của ta hay do cha mẹ dạy ta. Bắt đầu từ ngày đó vạn pháp không còn là của chính nó nữa mà là vạn pháp ngay cả bản thân ta đều do ý thức ta đặt để một tên, một tánh chất và một khái niệm sự hiện hữu của chính nó. Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức là đây. Và cũng bắt đầu từ đó ngoài uẩn sắc là thân thể của ta còn lại 4 uẩn kia là Tâm của ta. Ta có Tâm và có thức. Ý thức đó lớn dần theo thời gian, cũng theo thời gian mà ta có 12 nhân duyên. Có thời gian nên có không gian rồi ý thức đi đến phân biệt có số lượng. Ta lớn dần lên với cái tôi cái ngã lớn dần. Ta bắt đầu có lậu hoặc đau khổ cũng từ ngày chào đời đó. Đức Phật ngồi thiền dưới cội bồ đề đã nghiệm ra bản thân chúng sanh từ khi sanh ra đã có khổ, và ngài tìm đường diệt khổ giải thoát chúng sanh. Rồi cuộc sống dần theo thời gian mà tạo nghiệp, tạo ra ý thức và sự biết của vô minh tức là sự biết của não bộ hoạt động của neuron thần kinh vận hành. Ngài dạy chúng ta hãy thoát ra trả về các pháp cho pháp chính nó là nó không phải cái do ý thức ta xen vào đó là thật tướng của các pháp đó là ngộ đạo. Ngộ đạo hiểu đơn giản là chúng ta biết được vạn pháp như lúc ta chưa sanh ra đời và sắp sanh ra đời. Với cái Thật của vạn pháp đó ta biết chúng là chính chúng hiện hữu như thị như là như hiện tiền như chính là chúng. Cái rắc rối là chúng ta có ý thức có học vấn có phân tích có tư duy hiểu biết để rồi quay lại nhìn vạn pháp như thị như chính nó bằng cách là chúng ta biết nó sau cái biết của não bộ của neuron thần kinh. Vì thế ta gọi nó là cái biết thứ hai sau cái biết đầu tiên nên gọi là Giác. Như vậy tu tập theo gót chân Phật là đi trở về cái điều này. Stephen Hawking đưa thuyết bùng nổ tạo ra vũ trụ từ một singulary thì ta quay về từ vũ trụ mênh mông này về lại cái gốc từ đầu tiên là một singulary nhỏ như một Quark vậy. Tu tập là đi ngược về cội nguồn. Muôn ngàn kinh luận đạo Phật rộng như biển cả chung quy chỉ là thu tóm lại cái thật tướng vạn pháp mà thôi. Đức Phật đi sâu vào chi tiết nguyên nhân của Khổ là do tham sân si. Ba con rắn độc này phát xuất từ ý thức của ta và cái ngã của ta, cái nghiệp của ta mà hình thành. Rồi ngài dạy Tứ Diệu Đế Bát chánh Đạo 12 nhân duyên để diệt khổ. Ngài chẻ các pháp ra thành chi tiết từng mảnh nhỏ để dạy chúng ta phép diệt trừ lậu hoặc thất bồ đề phần hay gọi là đạo đế trong đó có thất giác chi. Tự giải thoát sinh tử luân hồi là khổ của chúng sanh một cách thực tiễn và ngắn hạn nên gọi là Nguyên Thủy hay tiểu thừa. Đến Đại Thừa ngài dạy chúng ta đi xa hơn với từ bi làm gốc cho Bồ Tát và nhận ra thật tướng của các pháp khi cảm nhận nó là Không là do Tâm biến hiện là huyễn ảo là không thật. Tuy nói là thực tướng của các pháp nghe như dễ dàng nhưng thật sự rất khó khăn. Vì chúng ta đã bám chặc các pháp trong ý thức của chúng ta từ lâu rồi, cái tôi cũng đã bám chặc lâu rồi. Làm sao bỏ ngã, làm sao trả pháp về cho pháp? Đâu phải nói bằng sự tưởng tượng được. Có người cảm giác mình ngộ được đạo vì bỏ được ngã bỏ được pháp nhưng họ bỏ trong sự tưởng tượng mà thôi. Và họ tưởng là họ đạt ngộ đạo. Họ trở thành từ tốn chầm chậm như tâm thanh tịnh như tâm chân như. Họ tưởng tượng họ đã đạt vô ngã, đạt được xem các pháp như thị hiện tiền tĩnh giác. Họ chỉ tưởng tượng mà thôi. Nguyên Thủy đưa ra kinh luật khắc khe chặt đứt lậu hoặc, luật lệ nghiêm minh cấm đoán rất mạnh mẽ. Cả đời tu theo đến ngày nhắm mắt ở cận tử nghiệp có khi vẫn còn sân hận nổi lên đọa địa ngục. Tại sao thế? Khi tu tập ta thường có ý phân chia hai: chánh tà vọng chân tục đế chân đế rồi cứ cố gắng bỏ vọng bỏ tà bỏ tục đế chạy tìm chân tìm chánh. Đó là điều sai lầm. Vi vọng với chân cũng chỉ là hai mặt của bàn tay, không thể bỏ cái nầy tìm cái kia được. Mà chỉ là chấp nhận cái này để thấy cái kia mà thôi. Chấp nhận vọng và hiểu nó là vọng thì ta đã có chân trong tay rồi. Thấy được cái này là tà thì tức khắc ta có chánh chứ không phải đi tìm nửa. Ngồi thiền thấy vọng không theo, hay tìm chỗ chưa khởi niệm lên để mà đạt được tánh không là ngộ đạo. Điều này cũng là rất khó thực hiện. Chưa khởi niệm làm sao có được? Vì niệm là điều tự nhiên của ý thức. Hãy để tự nhiên niệm bậc lên rồi biết niệm chánh niệm tà là đủ rồi. Làm sao trở lại lúc chưa khởi niệm được. Tu theo phép vô niệm không có nghĩa là tìm cho được lúc chưa khởi niệm. Tìm mãi mãi vẫn không thấy. Rồi niệm bật ra thì ta hiểu vọng chân niệm là đủ rồi. Tóm lại tu tập là chấp nhận mọi việc tự nhiên xảy ra trong hiện tiền. Nó xảy ra là các pháp, rồi ta tu là biết nó chánh nó tà nó vọng nó chân là đủ rồi. Khi biết điều đó là ta có giác. Khi có giác thì chánh tà đều không còn nữa vì ta đã hiểu đâu là chánh đâu là tà thì chấp nhận hiện tiền của nó thì chánh tà không phân biệt không có hai. Hàng ngày chúng ta đều đang sống tức là đang vận hành 6 căn 6 trần 6 thức tổng công 18 giới là giới hạn. Một sự kiện thiên nhiên là trần mà vô căn tạo ra thức thì duyên người này khác với người kia vì nó mang lại khổ lạc hay không khổ không lạc khác nhau. Cùng một nhánh bông hồng nhưng có người nhìn thì thấy lạc có người nhìn thì thấy khổ. Vậy thực tướng của bông hồng đó là gì ? Nó là chính nó không phải do ta mang cái tôi xen vào. Vậy bỏ ngã có được không? Hàng ngày ta sống là vận hành căn trần thức liên tục xảy ra làm sao mà bỏ đi được. Tu tập là ngồi thiền định để như gỗ đá không có sự vận hành căn trần thức hay sao? Nghe bản nhạc hay cảm giác lạc là không được vì không thủ hộ 6 căn tức là không ngăn cấm 6 căn không được tiếp xúc 6 trần. Tu như vậy có đúng không? Ta nên hiểu 6 căn tiếp xúc 6 trần tạo ra 6 thức nhưng thức này có rồi đi đến phân biệt và cái ngã xen vào mới đưa đến khổ lạc hay không khổ không lạc. Cảm thọ có đó do tâm ta tạo ra chứ thực tướng pháp của trần cảnh hay của căn ta đều không phải tạo ra khổ lạc. Như vậy thủ hộ 6 căn là điều ép buộc nên nó chỉ có hiệu quả tạm thôi. Muốn đi đến bền vững tận gốc thì còn phải quán chiếu nữa. Trong tứ niệm xứ cũng nhờ quán chiếu mà ta đoạn diệt tận gốc lậu hoặc. Nhưng theo tứ niệm xứ cũng diệt được vậy mà có khi còn chưa tận gốc vì quán chiếu ấy chưa đi đến triệt để sâu sắc. Do đó Đại Thừa đưa thêm quán chiếu tánh không nữa cho tận cùng rốt ráo hơn. Đại Thừa là đi lên từ Nguyên Thủy cho tận cùng rốt ráo hơn chứ không khác gì với Nguyên Thủy. Tự độ rồi đến độ tha là tâm từ bi là Bồ Tát hạnh là Đại Thừa. Có Bồ Tát thì mới có chúng sanh được cứu rỗi được giáo hoá được giải thoát. Tu Nguyên Thủy chỉ ta độ cho chính ta thì còn có vẻ ích kỷ có vẻ chưa rốt ráo làm chưa từ bi lắm. Đại Thừa đưa đến các kinh đi đến sau này mấy trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Vì thế Đại Thừa thường được gắn cho danh từ là phát triển còn Nguyên Thủy là cái gốc cũng tự xưng mình là gốc và cái phát triển là cái mới tạo ra không phải Phật. Đây là điều sai lầm vi Phật bảo ta giảng cho các con như lá trong tay ta đang có những lá trong rừng này cũng đồng gíông như lá trong tay ta. Đi về tánh không trung quán luận rồi sau đó đi về duy thức luận là Đại Thừa là tu thành Bồ Tát rồi mới thành Phật. Trở lại trả pháp về cho pháp để có thật tướng của pháp qua Đại Thừa thì sao? Tánh không là không bám trụ, không chấp vào không bị trói buộc không còn cái ngã, không còn pháp . Vậy mới đúng là triệt để trả pháp về lại cho pháp trả 5 uẩn về lại cho uẩn từ trong hư không. Rồi duy thức ra đời thì tánh không đi đến chân không diệu hữu là cái không mà thật tánh nó là cái có cuối cùng kỳ diệu có, đó là tánh không là Phật tánh. Cuối cùng là kinh Pháp Hoa và Đại bát Niết Bàn đưa đến nhất thừa là Phật thừa là Phật tánh có sẵn trong chúng ta nên tu thành Phật là điều có thể được. Chúng ta học nhiều kinh nhiều luận tư duy quán chiếu cho nhiều mà không nắm sâu xa rằng cái thật tướng của các pháp là không, thật tướng là vô tướng, chân ngã là phật tánh. Duy thức làm cho ta hiểu rằng chính chúng ta là một chuỗi vận hành của tâm thức trôi theo thời gian vì vậy nó chỉ là thức mà thôi. Vận hành này theo duyên và nghiệp mà tồn tại vì thế nghiệp của nó tạo ra để nó chạy theo cũng chỉ là thức tạo nghiệp chứ không có thật sự. Vậy khổ đau là khổ đau của thức của cảm thọ của 5 uẩn, chứ thật sự khổ đau cũng không có thật. Khi ta chết đi thì 5 uẩn tan rã chết chứ ta đâu có mà sống với chết. Sự tan rã của 5 uẩn để rồi kết hợp lại 5 uẩn mới tạo một thân thể mới luân hồi. Biết thật tướng của các pháp là ngộ đạo tại sao? Khi biết được thật tướng thì các pháp hiện hữu như thị là chính nó. Ta không còn cái ngã tức là vô ngã. Khi vô ngã thì tham sân si tiêu diệt không còn chỗ để đứng. Lậu hoặc triệt tiêu do quán chiếu mà ra. Pháp hiện hữu như thị thì sống trở thành trong hiện tiền tỉnh giác. Khi đó thời gian không gian bị triệt tiêu là ý thức phân biệt cũng không còn. Số lượng của ý thức cũng mất vì không có hai phân biệt. Tâm được thanh tịnh vì tâm không còn vọng hay chân. Cuộc sống bây giờ là thực sự với tâm thanh tịnh, vô ngã, thường lạc ngã tịnh hiện diện đầy đủ.
Kết luận: Ngộ đạo có hai phép: đốn ngộ và tiệm ngộ.
Đốn ngộ: Thuyết này cho rằng Đức Phật khi tự đắc đạo không có thầy dạy, Đức Phật giác ngộ và tìm ra cả một chân lý giải thoát cho chúng sanh. Và Đức Phật cũng là con người như chúng ta vậy chúng ta cũng có thể thành Phật. Từ đó đẻ ra kiến tánh thành Phật bất lập văn tự là tu theo thiền tông của lục tổ Huệ Năng, lý do là tánh giác có sẵn trong mỗi chúng sanh chỉ cần vén vô minh thì tánh giác hiện ra như mây tan trăng tỏ. Đó là đốn ngộ tức là ngộ ra tức thì ngộ ra bằng sự thiền định bỏ đi ý thức phân biệt. Ngộ này không cần học kinh luận không cần học phật pháp mà lại cho rằng những kinh pháp đó càng làm thêm dầy vỏ bọc vô minh thêm nên khó mà kiến tánh. Thuyết này đến nay đã bị nhiều người hỏi sau lục tổ Huệ Năng có ai thành tổ nữa không? có ai bảo Huệ Năng là Phật Huệ Năng không? Biết bao nhiêu người theo đuổi con đường đốn ngộ này có ai đã ngộ thật sự mà không học kinh luận không? Ngay cả chính lục tổ Huệ Năng cũng bác bỏ tính cách bất lập văn tự mà giải thích rằng đó là không chấp vào văn tự nên phải có kinh luận Phật pháp. Thần Hội đệ tử của Huệ Năng viết quyển kinh Pháp Bảo Đàn kinh (vì lục tổ không biết viết chữ Hán) cũng bị chỉ trích là chỉ có Phật mới viết kinh chứ Tổ không được phép viết thành kinh. Thiền tông cũng vì câu bất lập văn tự nên học chỉ một kinh mà thôi. Từ đầu là kinh Lăng già rồi đến kinh Kim Cang đến thời Lâm tế Đường về sau này chỉ còn mỗi 260 chữ Bát nhã Tâm kinh. Cả một đời người tu hành chỉ học 260 chữ này mà thiền định đến chết có ngộ được thành Phật chăng? Những bậc thiện trí thức như Thích Nhất Hạnh, Thích Thanh Từ đã không còn áp dụng mỗi một kinh nữa mà xiển dương tất cả kinh luận của Phật Đại Thừa. Phật dạy ta nhiều kinh luận để chúng sanh tùy theo căn cơ nghiệp duyên trình độ mà chọn được con đường nào thích hợp với mình mà tự thấp đuốc đi đến giải thoát. Từ đó đến nay sự chỉ trích được hòa hợp với thiền tông miền bắc là Thần Tú đi đến đốn ngộ rồi tiệm tu. Đó là tiệm ngộ.
Tiệm ngộ: Khi chúng ta học tập ở đời thì cũng học từ thấp đến cao. Đạo Phật không thể đắc đạo mà không có thầy là Đức Phật Thích Ca dạy bảo. Đã chấp nhận thầy đây là Đức Phật thì mình là phật tử là con Phật thì đi theo con đường ngài đã vạch ra. Tu là tu thấp tu dần đến cao là như vậy. Vậy ngộ đạo là đi từ từ là phép Giới Định Tuệ. Giữ giới trước tiên để ép thân ta vào luật lệ, như con đường đi có hai hàng rào hai bên khi ta vấp ngã bên này bên kia đều nhờ hai hàng rào này giữ lại cho ta đi đúng đường. Giới là cách ép chúng sanh không đi ra ngoài thành ngoại đạo. Định là giữ tâm thanh tịnh là đưa ý thức vào chánh niệm đưa sự hiểu biệt của ta vào chánh kiến chánh tư duy của Bát chánh Đạo. Khi định là 6 căn không bị 6 trần dẫn dắt chạy lang thang mà chính chúng ta kiểm soát được 6 căn gặp 6 trần kiểm soát được 6 thức. Đó gọi là Thủ hộ 6 căn. Có thủ hộ được rồi mới gọi là Định, từ Định phát sinh ra Tuệ giác rồi cũng từ Tuệ giác cũng cố thêm cho Định được vững bền và chuyển hóa tiếp theo. Tức là Định có thì tuệ ra, tuệ có thì định vững chắc thêm và cứ bổ xung nhau tăng dần đi lên như thế.
Giác ngộ rồi là phải có từ bi. Đây là con đường đạo Đại Thừa. Từ bi mà không có trí tuệ là từ bi không có ý nghĩa. Tuệ giác mà thiếu vắng từ bi là dễ đi vào tà đạo làm ác sinh nghiệp nặng. Ngộ đạo là chú ý về tuệ giác mà thiếu vắng từ bi là sai đường. Bồ Tát là có đầy đủ cả hai. Tự độ rồi là độ tha rồi mới tu thành Phật.
Tóm lại chúng ta có thể đạt đốn ngộ, chúng ta phải có học kinh Phật để đưa vào Tàng Thức chủng tử Phật trong đó chồng chất thành nhiều tầng để kiếp sau tu tập tiếp. Dần dần chủng tử ấy đưa ta đến giác ngộ đó là tiệm ngộ. Có cái ta đốn ngộ có cái ta phải tiệm ngộ vì đốn ngộ không thể đạt được. Thí dụ Bồ Tát có thể thu nhiếp vạn pháp vũ trụ quy về một hạt cải và có thể giản nó khai phóng từ một hạt cải ra thành vũ trụ (trong bài viết về kinh Hoa nghiêm với nhà vật lý Bohm). Ngộ được như Bồ Tát là phải tiệm ngộ nhiều kiếp chứ không thể đốn ngộ mà thành. Và cuối cùng ta cũng có tâm từ bi của Bồ Tát độ tha và tu dần nhiều kiếp mới thành Phật.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!!
***