Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con Trâu Trong Phật Pháp

01/02/202121:01(Xem: 4492)
Con Trâu Trong Phật Pháp

CON TRÂU TRONG PHẬT PHÁP

 

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

Thập Mục Ngưu Đồ 

     Tại các nước nông nghiệp hình ảnh con trâu với đứa trẻ chăn trâu ngồi trên lưng trâu thổi sáo là một hình ảnh quen thuộc thường gắn liền với đời sống của người dân. Tại Việt Nam, từ lâu hình ảnh này đã đi vào tâm thức mọi người và không chỉ có giá trị trong đời sống lao động thực tiễn mà còn nghiễm nhiên đi vào lãnh vực văn học nghệ thuật nữa.

 

     Trong văn học Phật giáo nói chung và văn học Thiền tông nói riêng thời hình ảnh con trâu với trẻ mục đồng đã trở thành thi liệu, biểu tượng, thủ pháp nghệ thuật. Những hình ảnh này hiển hiện trong truyền thống kinh điển cũng như được đề cập đến nhiều lần trong những thời pháp của đức Phật khi Ngài còn tại thế.

    

     Trong gần nửa thế kỷ thuyết pháp độ sinh, đức Phật đã giảng dạy và hóa độ cho rất nhiều người thuộc nhiều thành phần, căn cơ và nguồn gốc khác biệt nhau. Tùy cơ duyên mà Ngài sử dụng những phương cách giảng khác nhau để khai mở trí tuệ cho hàng đệ tử. Có khi Ngài dùng lời dịu dàng để khuyên răn. Có khi Ngài dùng các lý luận sắc bén để thuyết phục. Có khi Ngài dùng những ví dụ, những ngụ ngôn, những điển cố. Có khi Ngài dùng những định nghĩa. Cũng có khi Ngài dùng các ẩn dụ mạnh mẽ. Trí tuệ của đức Phật đã tỏ rạng trong cách trình bày chân lý cao thâm với những từ ngữ bình dị, thông thường, dễ hiểu, không rườm rà phiền phức. Có rất nhiều phẩm, chương, đoạn trong các Kinh được đức Phật dùng hình ảnh con trâu để diễn đạt giá trị thông điệp giải thoát tâm linh đối với người học đạo.

    

     Hình ảnh con trâu tượng trưng cho tâm ý của chúng sinh. Mỗi người ai cũng đều có một con “trâu tâm" của riêng mình. Con trâu ấy lúc nào cũng cận kề với chúng ta như hình với bóng vậy mà rất nhiều người không tỏ ý quan tâm đến sự hiện diện của nó, không chiêm nghiệm để khám phá nó. Bản tính của trâu là thuần hậu, siêng năng, nhẫn nại và cũng dễ điều phục, nhưng thỉnh thoảng vẫn ngu si làm bậy, hung hăng tàn bạo như loài thú hoang. Đó cũng là đặc tính của chúng sinh. Kinh điển lấy hình ảnh trâu để nhấn mạnh đến sự vô trí có trong con người chúng sinh với một cái tâm đầy vọng tưởng, điên đảo, tham, sân, si, buông lung, thiếu tự chủ, chất chứa phiền não, mê lầm và dục vọng. Tâm vô minh của chúng sinh với sự si mê của con trâu vốn khởi đi từ một gốc gác vô minh như nhau. Cả hai đều không giác ngộ được chân tâm của mình mà chỉ sống theo “vọng tâm” điên đảo từ muôn kiếp. Nhưng cả hai đều vốn sẵn có tính Phật nên đều có thể thành tựu giác ngộ và giải thoát. Cả hai đều là Phật sẽ thành. 

 

     Quá trình thuần hóa trâu để cho nó trở thành hiền hòa và chịu phục tùng theo con người là một quá trình mang tính biểu tượng về mặt giáo hóa và chuyển hóa tâm linh trong thế giới nhà Phật. Trâu ví như vọng tâm điên đảo. Người tu tập chuyển hóa tâm giống như trẻ mục đồng chăn trâu, điều ngự vọng tâm sinh diệt để thuần phục nó. Bởi lẽ đó, quá trình tu chứng chính là quá trình chuyển hóa tâm, từ vọng sang chân, từ sinh diệt sang vô sinh diệt, từ mê sang ngộ, từ chúng sinh sang quả vị Phật. Nhưng quá trình chuyển hóa tâm đó, tùy theo căn cơ của người tu mà có đốn có tiệm, có cao có thấp và có sâu có cạn. 

 

     Công việc quán sát từng động niệm của tâm để luyện tâm, để tu tâm tương tự như việc chăn trâu. Đức Phật cũng như chư Tổ đã để lại nhiều lời dạy quý giá để chăn giữ “con trâu tâm ý” này. 

  

     Trong KINH PHÓNG NGƯU (Tăng Nhất A Hàm) ghi lại chuyện quốc vương xứ Ma Kiệt Đà thỉnh Phật và năm trăm đệ tử Phật để cúng dường trong ba tháng. Quốc vương muốn dọn sữa tươi cúng Phật và chúng Tỳ kheo nên phải cho gọi những người chăn trâu ngày ngày mang sữa tươi đến. Sau ba tháng, quốc vương thương cảm những người này nên cho họ cơ duyên đến hầu Phật. Họ đến hầu Phật, sung sướng được chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, nhưng không biết gì để thưa hỏi vì họ chỉ biết việc chăn trâu mà thôi. Họ đem việc đó hỏi Phật, muốn biết phải chăn trâu thế nào cho có hiệu quả thiết thực. Phật dạy nếu biết giữ “mười một điều” thì người chăn có thể làm cho bầy trâu mạnh khoẻ và sinh sôi nhiều thêm.

 

     Nhân đó, Phật cũng quay qua dạy các thầy Tỳ kheo là phải biết “mười một pháp”, để cho thiện pháp được tăng trưởng. Đây là mười một nghệ thuật của người chăn trâu, tương xứng với mười một điều tâm niệm của một vị tu sĩ để điều phục tâm. Danh hiệu của đức Phật là “điều ngự sư” nên cũng có thể hiểu là Ngài cũng như một người chăn, một người đánh xe khéo léo đưa chúng sinh ra khỏi bể khổ, đến được bến bờ giải thoát và an lạc. Mười một điều đó là:

 

     1. Nếu người chăn trâu giỏi biết nhận ra được trâu của mình, biết trâu sắc đen, sắc trắng hay sắc tạp, thời một tu sĩ giỏi cũng phải làm tương tự như thế. Tu sĩ cũng phải biết rõ “sắc pháp”, phải biết nhận ra được những yếu tố tạo nên sắc thân của mình. Phải quán biết sắc thân mình là do “tứ đại” gồm “đất, nước, gió và lửa” tạo thành. Phải khéo quán sát về tính cách kết hợp của sắc uẩn, của các yếu tố căn bản trong thân, quán sát với trí tuệ để thấy rõ bản chất vô thường, bất tịnh của thân.

 

     2. Nếu người chăn trâu giỏi nhận diện được con trâu của mình trong đàn trâu, biết tướng của trâu, biết trâu có tướng tốt hay không có tướng tốt khi so với các bầy trâu khác thời một tu sĩ giỏi cũng phải biết phân biệt hình tướng, nhận biết được các chuyển biến của “thân, khẩu, ý”. Phải biết được những hành động nào của thân, khẩu, ý của mình là thiện, nên làm và những hành động nào là bất thiện, không nên làm. Khi phân biệt được hành vi của kẻ ngu và người trí, phân biệt được việc tối với việc sáng, đó là biết rõ “các tướng”.

 

     3. Khi trâu bị các trùng độc hút máu, các vết thương lở ra, nếu người chăn trâu giỏi biết cọ xát tắm rửa cho trâu, biết mổ xẻ để trừ khử trùng độc thời một tu sĩ giỏi khi thấy điều ác cũng phải biết cái đó là ác, tương tự như là loài trùng độc hút “máu thiện căn” làm vết thương của tâm lở thêm ra. Người tu phải biết sám hối, biết buông xả và biết gột rửa tâm niệm của mình cho sạch khỏi những tham dục, si mê và sân hận. Biết trừ đi thì mới được an ổn.

 

     4. Người chăn trâu giỏi biết chăm sóc băng bó các vết thương của trâu, biết lấy vải, hoặc lấy lá cây che các vết thương, không để cho ruồi muỗi châm chích. Một tu sĩ giỏi cũng phải biết che vết thương lục tình, không để cho các trùng độc phiền não tham dục, sân nhuế, ngu si châm chích gây ra vết thương. Biết hộ trì “sáu căn” của mình là mắt, tai, mũi, luỡi, thân và ý khi tiếp xúc với “sáu trần”, để sáu trần không thể lung lạc mà gây tác hại được.

 

     5. Nếu người chăn trâu giỏi biết cách đốt vỏ cây xông khói lên để trâu khỏi bị muỗi đốt thời một tu sĩ giỏi cũng phải biết xông hương giải thoát lên, biết đem đạo lý mà mình đã học hỏi được mà dạy lại cho người chung quanh mình để họ tránh cho tâm khỏi động loạn, tránh được những khổ đau phiền muộn dằn vặt trong thân tâm họ, hướng dẫn cho tinh thần họ quay về niềm an vui.

 

     6. Nếu người chăn trâu giỏi biết tìm đường đi an toàn cho trâu thời một tu sĩ giỏi cũng phải biết chọn đường đi cho cuộc đời của mình, phải biết thực hành “bát chánh đạo”, biết con đường bát thánh có thể đi đến Niết Bàn. Biết tránh những con đường đưa tới danh lợi, sắc dục, quán rượu, sòng bạc và hý trường.

 

     7. Nếu người chăn trâu giỏi biết thương yêu trâu, biết tìm chỗ ở thích hợp cho trâu thời một tu sĩ giỏi cũng phải biết quý trọng những niềm an vui do thiền định mang lại. Khi nghe pháp phải sinh tâm hoan hỷ, tin tưởng, thọ trì và quyết tâm thực hiện. Khi giảng thuyết Phật pháp thì được pháp hỉ thanh tịnh, các thiện căn tăng thêm lên.

 

     8. Nếu người chăn trâu giỏi biết tìm bến tốt cho trâu qua sông, biết khúc sông nào sâu, khúc sông nào cạn, khúc sông nào dễ lội xuống, dễ đi qua, không có sóng dữ, không có trùng độc, biết đưa những con trâu mạnh qua khúc sông nguy hiểm, lùa những con trâu yếu qua khúc sông cạn, bờ bến tốt, thời một tu sĩ giỏi cũng phải biết bến bờ tốt để an toàn đưa tâm qua, phải biết nương vào “tứ diệu đế” để đến được bến bờ giải thoát. Phải biết thường tìm đến chỗ của những Tỳ kheo đa văn mà hỏi pháp, hỏi để biết tâm mình sáng hay tối, phiền não nặng hay nhẹ. Có thế mới khiến cho mình được vào bến tốt, an lành mà được độ thoát.

 

     9. Nếu người chăn trâu giỏi biết tìm chỗ có ruộng tốt, có cỏ non và có nước uống để thả cho trâu ăn, biết chỗ ở an ổn không có ác trùng, ác thú, thời một tu sĩ giỏi cũng phải biết rằng “tứ niệm xứ” là mảnh đất tốt nhất để đi đến giải thoát. Biết thân bất tịnh, biết thọ là khổ, biết tâm vô thường và biết pháp vô ngã.

 

     10. Nếu người chăn trâu giỏi biết bảo trì những vùng thả trâu, không tàn hại phá phách môi trường nuôi trâu, không vắt sữa trâu đến kiệt quệ thời một tu sĩ giỏi cũng phải cẩn thận và dè dặt trong việc tiếp xúc với quần chúng và thu nhận của cúng dường, đừng để mất tín tâm của Phật tử. Đối với các vật do thí chủ cúng dường như y phục, thực phẩm, sàng tọa và thuốc men thời tu sĩ phải biết nhận lãnh vừa đủ mà thôi. Nếu làm người mất lòng tin thì cũng như tàn phá khu vực chăn trâu.

 

     11. Nếu người chăn trâu giỏi biết nuôi trâu đầu đàn. Con trâu nào lớn nhất, có thể dẫn dắt được cả đàn trâu nên được giữ gìn không để tiều tụy. Uống thì cho dầu lạc, trang sức thì cho vòng hoa, tiêu biểu thì lấy sừng sắt cọ mài, vuốt ve khen ngợi. Biết dùng những con trâu lớn làm gương cho những con trâu con. Tỳ kheo cũng nên theo như thế. Trong chúng tăng có các bậc Tỳ kheo trưởng lão, các bậc đại nhân có uy đức hộ trì chánh pháp, hàng phục ngoại đạo, có thể gieo các thiện căn cho tâm, thời một tu sĩ giỏi cũng phải biết nương vào đức hạnh và kinh nghiệm của các bậc thầy đi trước mình, không được tỏ ra chểnh mảng, xem thường, phải biết cung kính, phụng sự cúng dường đúng cách.

 

     Như vậy là tu sĩ nào thực hiện được toàn hảo mười một điều kể trên thì chính bản thân mình hưởng được những lợi ích tốt đẹp và làm cho tăng đoàn càng ngày càng hưng thịnh. Những điều kể trên người tu sĩ có thể bắt chuớc kẻ mục đồng để thực hành nhưng không phải để chăn dắt con trâu nơi ngoài đồng cỏ mà chính là chăn dắt con “trâu tâm” trong lòng mình.

 

     Những người chăn trâu sau khi nghe Phật giảng các cách chăn trâu cặn kẽ như vậy, rất lấy làm kinh ngạc và thán phục, không tưởng được một hoàng tử suốt đời chưa từng chăn trâu, mà lại biết rành rẽ về các cách chăn trâu như vậy. Họ nói với nhau rằng, trong nghề của mình, biết nhiều lắm ba hoặc bốn chuyện, dù đến bậc thầy chăn trâu cũng chỉ biết năm hay sáu chuyện là cùng. Phật lại biết cả mười một cách, Ngài quả là bậc “nhất thiết trí”. Theo họ, “nhất thiết trí”, một danh hiệu thường được dùng để tôn xưng đức Phật, có nghĩa là cái gì cũng biết, cả đến việc chăn trâu cũng biết.

 

     Trong KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG, đức Phật cũng đã từng minh họa hình ảnh con trâu đi trong đám bùn sâu để chỉ cho hàng xuất gia cần phải nỗ lực tu hành mới ra khỏi cảnh luân hồi sinh tử, thoát khỏi hệ lụy phiền não: “Sa môn hành đạo như con trâu mang nặng đi trong bùn sâu, mệt nhọc đến mấy cũng không dám ngoái đầu nhìn hai bên, mà phải đi cho mau, rời khỏi bùn sâu mới được nghỉ ngơi. Sa môn luôn coi ái dục còn hơn ùn sâu, nên thẳng tắp một mạch mà hành đạo, mới thoát khỏi sự khổ lụy”. 

 

     Trong KINH PHÁP HOA có nhiều dụ: từ dụ nhà lửa, dụ chàng cùng tử, dụ cỏ thuốc đến dụ hóa thành, dụ hiện tháp báu v.v... Hình ảnh cái xe do trâu kéo hiện ra trong phẩm “Thí dụ”. Phẩm kể về một trưởng giả tuổi đã già, rất giàu có, sở hữu một tòa nhà lớn nhưng chỉ có một lối ra vào. Con cái ông rất đông đang vui chơi trong đó, nhưng phút chốc bốn phía ngôi nhà cùng một lúc bốc cháy. Các con ông mải vui chơi, không hề hay biết. Ông kêu các con mau chạy thoát ra nhưng các con ưa vui chơi, không sợ sệt, chẳng hiểu gì là lửa, chẳng biết thế nào là nguy hại, cứ mải mê chạy giỡn nhìn cha mà thôi, không chịu nghe lời cha khuyên bảo. Ông phải dùng phương tiện dụ dỗ cho các con các thứ đồ chơi quý báu như ba cỗ xe đó là các xe dê, xe hươu và xe trâu đẹp đẽ và lộng lẫy hầu kích thích lòng ưa thích của các con để dụ cho chúng ham muốn mà chạy ra khỏi nhà lửa.

 

     Nhà lửa chỉ cho ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Đây là ngôi nhà tâm thức chúng sinh trú ngụ, nó đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa “vô thường”, bởi các ham muốn, nhu cầu của vọng tâm điên đảo. Các người con đang vui chơi trong nhà lửa mà không hay biết căn nhà đang bốc lửa, dụ cho chúng sinh đang bị “sinh, lão, bệnh, tử” đốt cháy. Xe dê tượng trưng cho “thanh văn thừa”. Xe hươu biểu thị cho “duyên giác thừa”. Xe trâu chỉ cho “Đại thừa” hay “Nhất Phật thừa”. 

 

     Việc dùng xe trâu để biểu tượng cỗ xe Đại thừa mang nhiều ý nghĩa thâm diệu. Thứ nhất hình ảnh con trâu gắn liền với đời sống của người dân. Lấy con trâu làm con vật kéo xe Đại thừa nói lên được tính đại chúng, tính bình dân của lý tưởng thành Phật. Thứ hai, con trâu là con vật có nhiều sức mạnh nên cỗ xe trâu Đại thừa vì vậy mới có thể chở được nhiều chúng sinh đi trên đoạn đường dài từ phàm phu đến thành Phật. Thứ ba, con trâu tượng trưng cho tâm vô minh của chúng sinh. Con đường thành Phật khởi đi từ tâm chúng sinh đến tâm Phật, từ giai đoạn một chúng sinh bắt đầu sơ phát bồ đề tâm cho đến khi hoàn thành việc giác ngộ và giải thoát. Chính vì vậy, cỗ xe chở chúng sinh đi từ bờ bên này vô minh khổ não đến bờ bên kia giác ngộ an lạc phải là cỗ xe tâm chúng sinh, tức cỗ xe trâu, rồi lần hồi chuyển hóa thành tâm giác ngộ, tức cỗ xe Phật thừa trọn vẹn. 

 

     Trong những ngày cuối cùng, ngay trong đêm nhập Niết Bàn tại rừng cây Sa La, đức Phật với KINH DI GIÁO (tức Kinh Lời Dạy Cuối Cùng) đã khuyên dạy các đệ tử của Ngài phải nhằm canh giữ cái tâm của mình, cũng như canh giữ một con trâu, hình ảnh biểu tượng con trâu cũng đã được nêu ra như một hình ảnh cụ thể sống động.

 

     Trong KINH DI GIÁO này nơi mục “chế tâm” đức Phật dạy rất kỹ rằng: “Các vị đã an trụ trong giới luật, nên phải kiềm chế năm căn, đừng để nó buông thả vào năm dục. Ví như người chăn trâu, cầm roi dòm ngó nó, không để cho nó tha hồ xâm phạm vào lúa mạ người ta. Nếu buông thả năm căn, chẳng phải nó chỉ lan vào năm dục, mà nó, hầu như xông tới không bờ bến nào và không thể chế phục được! Cũng như con ngựa dữ, không thể dùng giây cương mà kiềm chế được và nó sẽ kéo người ta sa xuống hố. Như bị cướp hại, chỉ khổ một đời, nhưng tai họa của giặc năm căn kéo đến nhiều đời, làm hại rất nặng, không thể không cẩn thận! Thế nên, bậc trí giả kiềm chế năm căn mà chẳng dựa theo, gìn giữ nó như giặc, không để cho nó buông lung. Giả như, để cho nó buông lung, chẳng bao lâu, sẽ thấy sự tan diệt vì nó. Đối với năm căn ấy, tâm làm chủ chúng. Do đó, các vị nên khéo chế phục tâm! Tâm rất đáng sợ, sợ hơn rắn độc, ác thú, oán tặc. Và ngay như lửa cháy bừng bừng cũng chưa đủ làm ví dụ về chúng! Ví như có người tay cầm bát mật, di động hấp tấp, chỉ ngó bát mật, không thấy hố sâu. Ví như voi cuồng không có móc câu, con khỉ, con vượn, kiếm được rừng cây, leo, trèo, nhẩy nhót, khó ngăn cấm, chế phục được chúng! Nên gấp bẻ gẫy tâm niệm ấy, đừng để cho chúng buông lung. Buông lung tâm ấy, làm mất những việc tốt của người. Chế phục nó vào một chỗ, không việc gì là không xong. Vì vậy các vị Tỳ kheo nên siêng năng tinh tiến triết phục tâm các vị!”  

 

    THẬP MỤC NGƯU ĐỒ (“Mười tranh chăn trâu”) được gợi ý và bắt nguồn từ đó. Đem hành động cầm roi trông chừng con trâu để nó khỏi ăn lúa mạ của người so sánh để minh họa cho hành động tự chế không để năm căn chạy theo năm dục vọng là một lối thí dụ vừa cụ thể, linh hoạt, vừa tế nhị, sâu sắc. Đối với năm dục trong tâm chúng sinh lúc nào cũng sẵn sàng khởi lên để thao tác, người tu cần thận trọng trong từng giây phút như mục đồng trông coi trâu không để nó ăn lúa mạ của người. Người tu không tự chế trong mỗi ý tưởng, lời nói và hành động thì năm dục sẽ có cơ hội thao tác ngay.

     Chuyện chăn dắt con trâu thì rất nhiều. Tùy từng người chăn mà hình thức chăn dắt lại khác nhau đôi chút, nhưng đích đến của những con trâu ấy thì chỉ có một, đó là đưa trở về lại bản thể vô nhiễm, vô sinh, tức cái gốc ban sơ của nó.




***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/12/2016(Xem: 7019)
"Hoằng pháp thị gia vụ" đó là câu nằm lòng cho những trưởng tử Như Lai, khi bước chân vào đời. Mọi việc qua bốn oai nghi đều mang trọng trách: "Tác Như Lai sứ". Và khi hành động bất cứ việc gì cũng đều là việc Phật: "Hành Như Lai sự". Qua 35 năm thành hình một tổ chức Phật giáo thống nhất ba miền với các hệ phái, Phật sự từ đó cũng được đáp ứng tùy từng giai đoạn. Mỗi hệ phái, tông phong cũng được duy trì và phát triển chung với sự phát triển của Giáo Hội.
03/12/2016(Xem: 5792)
Cộng đồng Phật giáo chỉ là một nhóm thiểu số tại Cuba. Dù vậy, họ vẫn đang có những bước đi lặng lẽ thơ mộng và trang nghiêmtại đảo quốc xinh đẹp này. Và cũng kỳ lạ, Omar Perez, một nhà thơ và là một nhạc sĩ nổi tiếng ở Cuba – con trai của lãnh tụ du kích Che Guevara – đã trở thành một tu sĩ Thiền Tông.
03/12/2016(Xem: 6353)
Một năm lại sắp trôi qua với những vết tích điêu tàn, khổ nạn để lại trên khắp trái đất. Nhìn lại, chúng ta không khỏi giật mình, và chạnh lòng thương tưởng những nạn nhân từ các thảm họa của thiên nhiên, hoặc của con người gây nên. Có ai đã được gì sau chiến tranh và thiên tai? Có ai được hả hê sung sướng trên những bệnh tật, đói lạnh, xác người chết cứng, và nước mắt khổ đau của những kẻ sống còn sau một cơn hồng thủy, động đất, giông bão… hay sau một vụ oanh kích, nổ bom tự sát…?
09/11/2016(Xem: 11125)
Bài viết này [“Biểu nhất lảm Tam Tạng Kinh Điển Phật giáo” (An Overview of the Buddhist Tripataka)] nhằm cung cấp một cái nhìn duyệt qua kho tàng Kinh điển Phật giáo từ ngày Đức Phật Thích-ca Mâu-ni [khoảng 560 – 480 trước Công Nguyên (tr. CN)] còn tại thế cho đến ngày nay. Đạo Phật đã có một lịch sử trên 2.500 năm.
06/11/2016(Xem: 7093)
Lần nọ của nawm xưa, chúng tôi tham gia 1 khóa tu tại Packchong, Thái Lan. Theo quy định của bất cứ khóa tu nào, nam ở riêng và nữ ở riêng, bất kể là vợ chồng hay mẹ con. Tôi ở cùng 1 người đàn ông phương tây trong 1 căn phòng cho khoảng hơn chục Phật tử. Người đàn ông này khá ít nói, rất nhẹ nhàng, tham gia nghiêm túc các thời khóa.
05/11/2016(Xem: 8982)
Chúng ta đều biết, giáo dục là công trình quan trọng hàng đầu cho mọi nền phát triển của xã hội văn minh. Giáo dục xây dựng tính nhân văn cho một quốc gia và làm thành nhân cách sống con người cao quý, thiện lành, đẹp đẽ và hạnh phúc cho từng cá nhân trên hành tinh này. Đạo phật đã có một bề dầy 26 thế kỷ của công trình giáo dục,
05/11/2016(Xem: 8268)
Hồi còn nhỏ, còn trẻ tôi ít khi nghe đến từ ly dị, cả một cái làng Trại Mộ, cả một xóm Cỏ May (nơi tôi sinh trưởng và lớn lên) không hề nghe đến cặp vợ chồng nào ly dị. Thỉnh thoảng vợ chồng các chị gái có lục đục kình cãi thì mẹ tôi khuyên:"Vợ chồng cũng giống như chén bát trong sóng, khi đụng đến thì phải khua thôi, tụi con mỗi đứa nhịn nhau một chút thì sẽ yên cửa yên nhà". Mẹ khuyên chừng đó thôi, anh chị nghe theo và gia đình không còn xào xáo nữa.
03/11/2016(Xem: 14903)
Chấp ngã là từ nhà Phật. Chữ Ngã, từ Hán我 thuộc bộ qua戈. Qua戈có nghĩa là cái mác; dụng cụ của người lính lúc xưa. Ngã 我 gồm chữ qua戈 bên phải và chữ thiên bên trái 千. Ta là tất cả, trong ta luôn có nghìn con dao, cái mác. Cái ngã là ghê vậy đó. Chiến tranh thù hận cũng vì cái ngã.
01/11/2016(Xem: 6989)
Báo xuân Việt Báo Tết Bính Thân 2016, bài Huỳnh Kim Quang, “50 Năm Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ” có ghi lại việc Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân đã thu nhận nhiều đệ tử người Mỹ và trở thành vị Sơ tổ của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Bài viết mới của Lệ Hoa Wilson kể về chuyến hành hương tới ngôi chùa mang tên “Thiên Ân”, do một đệ tử người Mỹ của Hòa Thượng Thiên Ân sáng lập trong hoang mạc. Lệ Hoa Wilson là một Phật tử, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, pháp danh Tâm Tinh Cần, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Ông bà có văn phòng Di Trú-Thuế Vụ tại Long Beach.
01/11/2016(Xem: 12969)
Ngày xửa ngày xưa, ở Ấn Độ cổ có một người đàn ông vì chán ghét cõi đời hiểm ác nên đã tìm đến cửa Phật, quy y Phật giáo. Tuy rằng thân đã xuất gia, nhập không môn, nhưng trong tâm ông vẫn quyến luyến ngoại giới
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]