Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giáo Và Vấn Đề Kỳ Thị Chủng Tộc, Giai Cấp, Giới Tính

25/01/202119:10(Xem: 5167)
Phật Giáo Và Vấn Đề Kỳ Thị Chủng Tộc, Giai Cấp, Giới Tính

Phật Giáo Và Vấn Đề Kỳ Thị Chủng Tộc, Giai Cấp, Giới Tính

 PHAT GIAO VA VAN DE KY THI CHUNG TOC 01

Huỳnh Kim Quang

 

Ngày nay, vấn đề kỳ thị chủng tộc, giai cấp, giới tính được con người quan tâm và tranh đấu quyết liệt hơn bao giờ hết. Có lẽ một phần là do sự văn minh tiến bộ của xã hội đã giúp mở rộng nhận thức và tâm thức con người đối với những vấn đề xã hội như thế. Trong đó không thể không nói đến nhiều đóng góp của các phong trào dân quyền, nhân quyền, bình quyền, nữ quyền, v.v… trên thế giới từ vài thế kỷ qua đã xây dựng những nền tảng về lý thuyết và thực hành cho công cuộc đấu tranh đòi quyền sống và bình đẳng cho từng cá nhân trong cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, ở đời hễ có đấu tranh cho quyền bình đẳng thì tất nhiên cũng đã có thực trạng bất công và kỳ thị xảy ra. Các hiện tượng tiêu cực này không phải chỉ mới xuất hiện vài trăm năm mà đã có từ hàng ngàn năm trước.

Thời đại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni Buddha) cách nay hơn hai mươi sáu thế kỷ -- thế kỷ thứ 6 trước Tây Lịch – tại Ấn Độ, nơi Đức Phật đản sinh, là một xã hội phân biệt và kỳ thị giai cấp và giới tính rất nặng nề. Trong các Kinh Luật Luận của Phật Giáo còn lưu truyền ngày nay cho thấy xã hội Ấn Độ thời Phật bị phân chia ra làm 4 giai cấp, theo thứ tự từ trên xuống dưới: Tăng lữ [Brahmins – giới tăng lữ Đạo Bà la môn], vua chúa quan lại [Kshatriyas – Sát đế lợi], nghệ sĩ thương nhân điền chủ [Vaishyas – Phệ xá], và dân nghèo lao động [Shudras – Thủ đà la]. Sự đối xử phân biệt và kỳ thị trầm trọng đến mức những người ở giai cấp thấp nhất trong xã hội bị đối xử như kẻ nô lệ không hơn không kém.

Khi Đức Phật đem giáo pháp giác ngộ và giải thoát của ngài truyền bá trong xã hội và tuyên bố tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng như nhau không phân biệt giai cấp thì đó là một cuộc cách mạng xã hội rộng lớn chưa từng có tại Ấn Độ nói riêng và trên thế giới này nói chung. Thông điệp bình đẳng của Đức Phật cho đến nay vẫn còn y nguyên giá trị thù thắng cho nhân loại noi theo.

Nhưng, vấn đề được đặt ra là, vào thời đại của Đức Phật khi mà nhân loại vẫn còn chìm đắm trong tư duy phân biệt kỳ thị chủng tộc, giai cấp và giới tính và hành xử bất bình đẳng trong xã hội, thì Đức Phật đã dựa vào động lực nào hay yếu tố nào để thể hiện đời sống bình đẳng và chống lại những phân biệt đối xử?

 

Hai bánh của cỗ xe bình đẳng trong Phật Giáo

 

Có hai yếu tố để có thể hiểu được quan điểm của Đức Phật đối với vấn đề phân biệt và kỳ thị chủng tộc, giai cấp và giới tính. Đó là yếu tố trí tuệ và yếu tố từ bi.

Trí tuệ mà Đức Phật chứng đắc nhìn thấu suốt vào bản chất của tất cả các pháp đều do duyên mà sinh và diệt. Các pháp thực chất không có bất cứ một định tánh nào và do đó không có bất cứ một tự ngã nào tồn tại thực sự để từ đó làm nền tảng cho quan điểm giai cấp như một thực hữu câu sinh hay bẩm sinh. Vì vậy, giai cấp là quan điểm được xây dựng trên tâm phân biệt cố chấp cho rằng con người có tự ngã thực sự, hay được sinh ra từ những chỗ khác nhau trên thân thể của Phạm Thiên - theo Kinh Vệ Đà của Bà La Môn Giáo, hoặc khởi lên tự mãn, tự đắc về giai cấp của mình cho mình là thành phần thượng đẳng trong xã hội.

Trong Kinh Ambattha của Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya) do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, Đức Phật dạy rằng:

“Này Ambattha, một vị đã thành tựu vô thượng trí đức không có luận nghị đến sự thọ sanh, không có luận nghị đến giai cấp hay không có luận nghị đến ngã mạn với lời nói: “Ngươi bằng ta hay ngươi không bằng ta.” Chỗ nào nói đến cưới hỏi hay rước dâu đi, hay cả hai, chỗ đó mới có luận nghị đến sự thọ sanh, luận nghị đến giai cấp hay luận nghị đến ngã mạn với lời nói: “Ngươi bằng ta hay không bằng ta.”

“Này Ambattha, những ai còn chấp trước lý thuyết thọ sanh [ghi chú của người viết: tức là sự thọ sanh dựa vào vị trí trên thân của Phạm Thiên], còn chấp trước lý thuyết giai cấp, còn chấp trước lý thuyết kiêu mạn, hoặc còn chấp trước cưới hỏi rước dâu, những người ấy còn rất xa sự thành tựu vô thượng trí đức. Này Ambattha, không chấp trước lý thuyết thọ sanh, không chấp trước lý thuyết giai cấp, không chấp trước lý thuyết kiêu mạn, không chấp trước cưới hỏi, đưa dâu, người ấy tức chứng ngộ vô thượng trí đức.”

Khi chứng đắc căn bản trí thể nhập bản thể vô sai biệt, Đức Phật nhìn thấy bản tính bình đẳng tuyệt đối của tất cả chúng sinh và ngài đã khởi tâm từ bi để cứu khổ muôn loài. Trong Kinh Lăng Già (Laṅkāvatāra Sutra) bản dịch Hán văn của Cầu Na Bạt Đà La (Gunavarma), Đức Phật dạy rằng:

 

Thế gian ly sanh diệt

Do như hư không hoa

Trí bất đắc hữu vô

Nhi hưng đại bi tâm

 

Thiền Sư Thích Duy Lực dịch lời Việt như sau:

 

Thế gian lìa sanh diệt

Như hoa đốm trên không.

Trí chẳng trụ hữu, vô,

Mà khởi tâm đại bi.

 

Đức Phật có lòng từ bi vô lượng đối với tất cả mọi chúng sinh chứ không chỉ với con người. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahāparinirvāṇa Sūtra), Đức Phật dạy rằng, “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh.” Ngài dạy rằng tất cả chúng sinh đều có khả năng thành tựu mục tiêu tối thượng giác ngộ và giải thoát như nhau. Vì vậy, tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Đức Phật tôn trọng sự sống và phẩm giá của mọi người như nhau. Ngài dạy các đệ tử không được não hại người khác và không được giết hại sinh mạng của tất cả chúng sinh. Chính lòng từ bi bao la của Đức Phật đã xô ngã bức tường phân biệt giai cấp của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.

Trong Kinh Từ Bi (Metta Sutta) thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikaya), do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, Đức Phật dạy thực hành lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, không phân biệt các loài.

 

“148. Mong rằng không có ai,

Lường gạt lừa dối ai,

Không có ai khinh mạn,

Tại bất cứ chỗ nào.

Không vì giận hờn nhau,

Không vì tưởng chống đối.

Lại có người mong muốn,

Làm đau khổ cho nhau.

 

149. Như tấm lòng người mẹ,

Đối với con của mình,

Trọn đời lo che chở,

Con độc nhất mình sanh.

Cũng vậy, đối tất cả

Các hữu tình chúng sanh,

Hãy tu tập tâm ý,

Không hạn lượng rộng lớn.”

 

Phật dạy về phân biệt giai cấp

 

Thời đại Đức Phật, giai cấp Tăng Lữ Bà La Môn đã dựa vào Kinh Vệ Đà nói họ được sinh từ miệng của Phạm Thiên (Brahma) nên nắm độc quyền về tư tưởng, tôn giáo, lễ nghi tế tự trong xã hội Ấn Độ. Họ tự cho mình thuộc giai cấp thượng đẳng nên các giai cấp thấp hơn phải tôn kính và tùng phục họ.

Khi Đức Phật truyền bá giáo pháp bình đẳng không phân biệt giai cấp thì tức khắc đã bị giai cấp Tăng Lữ Bà La Môn chống đối và nhiều lần đến tranh luận với Đức Phật về địa vị độc tôn tối thượng của họ.

Đức Phật đã trả lời và khai thị cho họ về quan điểm giai cấp thực ra là thiên kiến, cố chấp, vì con người sinh ra và thừa tự tất cả những gì mà chính con người đã và đang tạo dựng qua ba nghiệp thân, khẩu và ý. Chính các hành động của con người làm cho họ cao thượng hay thấp hèn, chứ không do bất cứ ai khác ban phát hay quyết định. Nếu người tự cho mình thượng đẳng mà hành động không chân chính, không cao đẹp thì chính hành động đó làm cho họ thấp hèn bị người khác khinh miệt. Ngược lại, những người bình dân nghèo khổ nhưng hành động chân chính, chất trực, cao thượng thì các hành động đó làm cho họ cao quý được người khác quý trọng.

Trong Kinh Kẻ Bần Tiện (Vasalasuttam) trong Tập V của Kinh Tập (Sutta Nipata) thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikaya) do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch sang tiếng Việt, Đức Phật đã dạy cho Bà-la-môn Aggibhàradvàja về giai cấp như sau:

 

116. Người phẫn nộ, hiềm hận,

Ác nhân, gièm pha người,

Ác tà kiến, man trá,

Được biết là bần tiện.

117. Ai ở đây hại vật,

Một sanh, hoặc hai sanh,

Không thương xót hữu tình,

Được biết là bần tiện.

131. Ở đời nói không thật,

Bị si mê che đậy,

Tham cầu chút lợi nhỏ,

Được biết là bần tiện.

132. Ai đề cao tự ngã,

Khi miệt giá trị người,

Hạ mình với tự cao,

Được biết là bần tiện.

136. Bần tiện không vì sanh,

Phạm chí không vì sanh,

Do hành, thành bần tiện,

Do hành, thành Phạm chí.

 

Chữ “hành” được dịch trong bài kệ trên là chỉ cho hành động tạo tác (karma, actions) gồm ý nghĩ, lời nói và hành động của con người. Bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu dùng chữ “action” tức là hành động tạo tác.

Khi hành động, con người tạo ra năng lực, mà trong Luận Câu Xá (Abhidharmakośakārikā của Ngài Thế Thân) gọi là vô biểu sắc, một dạng năng lực vô hình; và trong Duy Thức Tông (vijñaptimātravādin) gọi là chủng tử. Từ năng lực này duy trì nhân tạo tác cho đến khi có kết quả thọ nhận.

Chính trong ý nghĩa này, Đức Phật đã xác định sự bình đẳng của mọi chúng sinh và qua đó Ngài cũng bác bỏ chủ trương giai cấp được các Tăng Lữ Bà La Môn dựng lên.

 

Trường hợp ngài Ưu Ba Ly

 

Trước hết là trường hợp người thợ cạo tóc Ưu Ba Ly (Upali) được xuất gia trong Tăng Đoàn của Đức Phật.

Ưu Ba Ly sinh ra ở giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ. Ông có cơ thể yếu đuối cho nên cha mẹ ông cho ông làm nghề hớt tóc. Ưu Ba Ly được nhiều người thích, chẳng bao lâu ông đã trở thành thợ hớt tóc cho các thái tử dòng họ Thích Ca.

Khi Ưu Ba Ly được 20 tuổi, Đức Phật trở lại Ca Tỳ La Vệ để thăm phụ thân của ngài. Đức Phật đã được Ưu Ba Ly hớt tóc. Ưu Ba Ly rất hồi hộp nên ông đã đem mẹ của mình theo. Trong lúc hớt tóc, mẹ của Ưu Ba Ly hỏi Đức Phật, “Nghề hớt tóc của Ưu Ba Ly thế nào?” Đức Phật trả lời, “thân thể quá cong.” Ưu Ba Ly liền đứng thẳng người, và đạt được cấp đầu tiên của chánh niệm (sơ thiền). Sau một lúc, mẹ của Ưu Ba Ly lại hỏi, và Đức Phật đã trả lời, “Bây giờ cơ thể quá thẳng.”  Ưu Ba Ly liền buông thả căng thẳng và đạt được cấp thứ hai của chánh niệm (nhị thiền). Một lúc sau, mẹ của Ưu Ba Ly lại hỏi, và Đức Phật đã trả lời, “hơi thở hít vào quá nhanh.” Ưu Ba Ly tức thì tập trung vào hơi thở, và đạt được cấp thứ ba của chánh niệm (tam thiền). Một lát sau, mẹ của Ưu Ba Ly lại hỏi, và Đức Phật đã trả lời, “hơi thở ra quá nhanh.” Bây giờ Ưu Ba Ly kiểm soát được tất cả tư duy và đạt được cấp thứ tư của chánh niệm (tứ thiền). Đức Phật liền dạy thêm rằng, “Người nào đó nên nhanh chóng lấy con dao khỏi Ưu Ba Ly, ông đã nhập vào cấp thứ tư của chánh niệm, hãy giúp ông để ông không bị té xuống đất!”

Tôn Giả Ưu Ba Ly đã được xuất gia trước bảy vị hoàng tử của dòng họ Thích Ca. Ông ấy trở thành sư huynh thọ giới trước, không bao giờ phạm bất cứ giới nào. Ông thường được Đức Phật nhờ dàn xếp các vụ tranh tụng trong Tăng Già. Sự vô tư và nghiêm khắc của Tôn Giả Ưu Ba Ly đã làm cho ông dàn xếp thành công tất cả các vụ tranh tụng. Tôn Giả Ưu Ba Ly cũng góp ý với Đức Phật trong nhiều nghi ngờ về giới luật và nếp sống thiền môn, để Đức Phật dạy nhiều Kinh.

Tôn giả Ưu Ba Ly là vị đệ tử trì giới số một trong những vị đệ tử xuất gia của  Đức Phật. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Tôn Giả Ưu Ba Ly đã trùng tuyên Giới Luật trong kỳ kết tập Kinh Điển đầu tiên do Tôn Giả Đại Ca Diếp chủ trì trong mùa an cư đầu tiên sau khi Đức Phật diệt độ.

Ưu Ba Ly sinh ra trong giai cấp Thủ Đà La là giai cấp thấp nhất trong xã hội. Theo xã hội Ấn Độ thời đó thì Ưu Ba Ly không thể đứng ngang hàng với giới Tăng Lữ Bà La Môn. Nhưng Tôn Giả Ưu Ba Ly đã được đối xử bình đẳng trong Tăng Đoàn của Đức Phật vì Tăng Đoàn của Phật giống như biển cả bình đẳng có thể dung nạp mọi dòng nước từ sông ngòi giai cấp đổ vào.

 

Nữ giới trong Đạo Phật

 

Vào thời đại của Đức Phật, thế kỷ thứ 6 trước Tây Lịch, người phụ nữ vẫn còn bị đối xử phân biệt và kỳ thị ở khắp nơi. Đức Phật là Người đầu tiên trong lịch sử nhân loại thừa nhận khả năng và vai trò của phụ nữ bình đẳng với nam giới. Trong Tiểu Phẩm (Cullavagga) của Luật Tạng (Vinaya Pitaka), Đức Phật dạy rằng phụ nữ cũng có thể thành đạt sự giác ngộ.

Trong Kinh Mạt Lỵ Phu Nhân (Mallikā Sutta) thuộc Kinh Tạng Pali, qua bản dịch Anh Ngữ của Bhikkhu Sujato, khi Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) của Nước Kosala (Kiều Tát La) mà Thủ Đô là Thành Xá Vệ (Sāvatthī) phàn nàn với Đức Phật về việc Hoàng Hậu Mạt Lỵ sinh con gái thay vì con trai, Đức Phật đã tán dương Hoàng Hậu Mạt Lợi với Vua Ba Tư Nặc rằng:

“Tốt, một số phụ nữ thì tốt hơn đàn ông.

Hỡi nhà lãnh đạo quần chúng

Trí tuệ và đức hạnh,

một người vợ hy sinh là người đã tôn kính mẹ chồng.

Và khi bà ấy có con trai

anh ấy trở thành một anh hùng, hỡi vị chúa tể của quốc gia.

Con trai cùa người phụ nữ diễm phúc như thế

thậm chí cũng có thể trị vì đất nước.”

Liên quan đến Vua Ba Tư Nặc và Mạc Lỵ Phu Nhân, trong Phần Giới Thiệu Kinh Thắng Man (śrīmālādevī-sūtra), Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cho biết Thắng Man Phu Nhân trong Kinh Thắng Man chính là công chúa con của Vua Ba Tư Nặc và Mạc Lỵ Phu Nhân.

“Về tiểu sử của Thắng Man Phu nhân, hiện chúng ta biết rất ít, ngoại trừ những điểm chính như được nói trong phần mở đầu của kinh. Các tài liệu trong điển tích Phật giáo Trung hoa hiện có cũng không nói gì nhiều hơn những điều mà kinh này nói. Như vậy, chúng ta biết một cách vắn tắt về thân thế của Phu nhân như sau: Phu nhân là con gái của vua Ba-tư-nặc và Mạt-lị Phu nhân, là vương phi của vua Hữu Xứng.”

Trong bài giới thiệu này, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cũng đã nói đến sự bình đẳng nam nữ trong Phật Pháp.

“Và đây cũng là một biến cố vĩ đại, khi Thắng Man Phu nhân phát khởi chí nguyện Đại thừa. Chí nguyện ấy là mong học hỏi và thấu triệt vô lượng vô biên Phật pháp; và không chỉ có thế, chí nguyện của Phu nhân còn hướng đến những thực hành cao cả, tự mình gánh vác trách nhiệm lớn lao, sẵn sàng xả bỏ thân mạng vì sự tồn tại của Chính pháp và vì ích lợi của tất cả chúng sinh. Nơi đây không còn giới hạn vấn đề mà người ta nói là thường tình nhi nữ hay chí khí trượng phu nữa.”

Năm năm sau ngày Đức Phật giác ngộ và cũng là 5 năm sau ngày Đức Phật thành lập Tăng Đoàn Tỳ Kheo, Đức Phật đã chấp nhận cho phụ nữ xuất gia và thọ trì Tỳ Kheo Ni Giới, với vị Tỳ Kheo Ni đầu tiên là Ngài Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di (Mahapajapati Gotami). Từ đó mà Ni Đoàn của Đức Phật hiện diện và phát triển với vô số vị Tỳ Kheo Ni chứng quả A La Hán giống như chư vị Tỳ Kheo Tăng.

Trong số chư vị Tỳ Kheo Ni đắc đạo thời Đức Phật, ngoài Ngài Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di và Tỳ Kheo Ni Gia Du Đà La (Yasodharā), còn có chư vị Tỳ Kheo Ni khác gồm: Tỳ Kheo Ni Khemā, Tỳ Kheo Ni Uppalavaṇṇā (Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc), Tỳ Kheo Ni Paṭācārā, Tỳ Kheo Ni Dhammadinnā, Tỳ Kheo Ni Nandā, Tỳ Kheo Ni Soṇā, Tỳ Kheo Ni Sakulā, Tỳ Kheo Ni Bhaddā Kuṇḍalakesā, Tỳ Kheo Ni Bhaddā Kāpilānī, Tỳ Kheo Ni Bhaddakaccānā, Tỳ Kheo Ni Kisāgotamī, Tỳ Kheo Ni Siṅgālakamātā, Tỳ Kheo Ni Siṅgālakamātā, v.v…, theo Tương Ưng Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya).

Trong một hội nghị về Phụ Nữ Trong Phật Giáo tại Đại Học Hamburg của Đức vào năm 2007, Đức Đạt Lai Lạt Ma Đời Thứ 14 phát biểu về nữ giới như sau:

“Chiến tranh theo truyền thống được thực hiện chủ yếu bởi nam giới bởi vì họ có vẻ được huấn luyện về thể chất tốt hơn cho hành động tấn công. Phụ nữ, ngược lại, có khuynh hướng nhạy bén hơn đối với sự bất an và đau khổ của người khác. Dù nam giới và nữ giới có cùng các khả năng đối với sự tấn công và tấm lòng ấm áp như nhau, họ khác nhau trong cách mà cả hai thể hiện dễ dàng hơn. Vì thế, nếu đại đa số lãnh đạo thế giới là phụ nữ, có lẽ sẽ ít nguy cơ chiến tranh và nhiều hợp tác hơn trên cơ bản của sự quan tâm toàn cầu. Tôi cảm thông với những người ủng hộ nữ quyền, nhưng họ không nên chỉ la ó. Họ phải thực hiện các nỗ lực để tạo ra những đóng góp tích cực cho xã hội.”

Còn vấn đề giới tính thì Đạo Phật có quan điểm như thế nào?

 

Giới tính trong Đạo Phật

 

Đây là vấn đề rất tế nhị và vẫn còn nhiều tranh luận tiếp diễn. Tuy nhiên, có điều rõ ràng là Đạo Phật với lòng từ bi vô lượng không hề kỳ thị và chống đối đối với những người đồng tính nam và nữ, lưỡng tính, và chuyển giới.

Trong bài viết vào năm 1998 của Steve Peskind, người đã qua đời vì bệnh AIDS vào năm 2004 và được đăng trên trang mạng www.lionsoars.com vào 2009, tác giả Peskind có nhắc lại câu nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma Đời Thứ 14 được tạp chí OUT trích thuật nói rằng, “Nếu một người đến với tôi và hỏi [về đạo đức của hành động đồng tính luyến ái] điều đó có ổn hay không, tôi trước hết sẽ hỏi bạn có đang giữ lời thề tôn giáo nào không. Và câu hỏi kế tiếp của tôi là, quan điểm của người bạn đồng hành của bạn là gì? Nếu bạn đồng ý cả hai, thì tôi nghĩ là tôi sẽ nói rằng, nếu hai người đàn ông hay hai người phụ nữ đồng ý tự nguyện để có sự thỏa mãn với nhau mà không có ý làm tổn hại đến những người khác, thì điều đó là ổn.”

Trong bài nghiên cứu công phu của Thầy Thích Chúc Phú có tựa đề “Quan Điểm Của Phật Giáo Về Vấn Đề Chuyển Giới (Transgenderism)” được đăng trên www.thuvienhoasen.org vào ngày 19 tháng 12 năm 2017, Thầy Chúc Phú đã nêu ra một số trường hợp chuyển giới trong Kinh Tạng và Luật Tạng và đồng thời cũng nêu ra quan điểm và cách giải quyết của Đức Phật đối với các trường hợp đặc biệt này. Xin trích lại một số nhận định và kết luận của Thầy Chúc Phú trong bài viết nói trên như sau:

“Từ đoạn văn nêu trên của luật tạng, đã bộc lộ rõ ràng quan điểm của Đức Phật đối với vấn đề chuyển giới, thể hiện cụ thể qua những chủ điểm quan trọng sau.

Thứ nhất, khi một vị tỳ-kheo Tăng, vì một lý do đặc thù nào đó mà chuyển thành tỳ-kheo Ni và ngược lại, thì được Đức Phật cho phép sống chung với đoàn thể Tăng, Ni tương ứng. Điều này dẫn đến một kết luận phát sinh là, một sự chuyển giới hợp pháp sẽ được Đức Phật chấp nhận.

Thứ hai, sau khi chuyển giới, vị ấy vẫn được giữ nguyên thầy tế độ, giới phẩm, thâm niên hạ lạp…. Điều đó có ý nghĩa rằng, một cá thể sau khi chuyển giới, vẫn được đảm bảo các phẩm vị cơ bản của con người theo đặc thù phái tính. Nói cách khác, cần tôn trọng và đối xử bình đẳng đối với một người chuyển giới.

Thứ ba, mặc dù được chuyển giới, nhưng tội lỗi vẫn được thẩm xét theo đặc thù phái tính và căn cứ vào thời điểm chuyển giới. Trong thực tiễn đời thường, điều này có nghĩa là, tuy có sự chuyển đổi giới tính nhưng phải đảm bảo trách nhiệm cá nhân đối với những hành vi mà mình đã gây tạo, trước hoặc sau khi chuyển giới.

Như vậy, sự kiện một chúng sanh chuyển đổi giới tính là sự thực lịch sử, đươc bảo chứng từ cơ sở luật tạng khả tín, và được chính Đức Phật có những quan tâm, hướng dẫn cụ thể.

4.  Kết luận

Thành tựu của các ngành khoa học ở Ấn Độ cổ đại được lưu giữ trong những cổ thư Upaniṣads và kinh văn Phật giáo đã xác tín rằng, giới tính con người tuy được định hình trong khi mang thai nhưng thực chất có những biến đổi linh hoạt.

Theo Vi diệu pháp (abhidhamma), giới tính con người được căn cứ vào sắc nam (purisabhāvarūpa) và sắc nữ (iṭṭhibhāvarūpa) thuộc sắc pháp (rūpadhamma). Và đã là sắc pháp, tất sẽ chịu sự tác động của nguyên lý vô thường. Chính vì vậy, khi sắc pháp biến đổi, thì giới tính của con người có khả năng thay đổi theo.

Sự biến đổi của sắc nam và sắc nữ trong khi mang thai và ngay cả lúc trưởng thành đã tạo nên những trường hợp đặc thù về giới tính. Tuy phần lớn những trường hợp này không được xuất gia và thọ giới; mặc dù vậy, vẫn có vài trường hợp biến đổi giới tính sau khi ổn định sinh hoạt trong đời sống tăng-già.

Từ những lời dạy của Đức Phật trong luật tạng liên quan đến việc chuyển đổi giới tính của hàng xuất gia, đã khẳng định rằng, Đức Phật cho phép việc chuyển giới (transgender), và bảo đảm các quyền lợi về nhân thân cũng như trách nhiệm của cá thể này trong những mối quan hệ tương ứng.”

Độc giả có thể đọc nguyên văn bài viết của Thầy Chúc Phú ở đây: https://thuvienhoasen.org/a29059/quan-diem-cua-phat-giao-ve-van-de-chuyen-gioi-transgenderism-

          Tóm lại, những vấn đề này, đặc biệt vấn đề giới tính, vẫn còn nhiều tranh luận chưa thống nhất. Đức Đạt Lai Lạt Ma Đời Thứ 14, theo bài viết của tác giả Steve Peskind được nói ở trên, cũng đã cởi mở và khuyến khích các thảo luận đối với vấn đề giới tính, nhưng ngài không chấp nhận thái độ bạo động đối với vấn đề này. Ngài cũng cho biết rằng Ngài không có thẩm quyền để thay đổi Giới Luật.

 

 

++++++

 

 

Caption 01:

Bình đẳng với tất cả mọi người. (www.ipu.org)

 

 

Caption 02:

Một người đàn ông thuộc giai cấp Thủ Đà La từ Bali. Hình từ năm 1870 của Tropenmuseum tại Hòa Lan. (www.en.wikipedia.org)

 

 

Caption 03:

Vận động đòi giải phóng phụ nữ.( www.jacobinmag.com)

 




***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/03/2012(Xem: 19382)
Bằng kinh nghiệm của riêng tôi, tôi đã học được phương pháp hữu hiệu nhất để vượt qua khủng hoảng là sự tiếp xúc chặt chẽ và trao đổi giữa những người có niềm tin khác nhau...
23/03/2012(Xem: 8612)
Trong một quyển sách nhỏ mang tựa đề là « Phật Giáo nhập môn » (ABC du Bouddhisme, nhà xuất bảnGrancher, 2008) tác giả Fabrice Midal nêu lên một số các vấn đề căn bản nhằm giúpchúng ta có một cái nhìn bao quát về Phật Giáo. Tuy các chủ đề trong tập sáchnày đều mang tính cách đại cương thế nhưng kiến thức của ông về Phật Pháp thì lạithật vô cùng sâu sắc và các đường nét chính yếu trong giáo lý nhà Phật đã đượcông trình bày với một chiều sâu và dưới các khía cạnh uyên bác thật bất ngờ.
20/03/2012(Xem: 9627)
Chú Đại bi còn có những tên gọi sau: Thiên thủ thiên nhãn quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni, Quảng đại viên mãn đà-la-ni...
20/03/2012(Xem: 6658)
Sự giải thoát có thể dụ cho một sự sáng không bờ mé, ngăn ngại và cái ngã đã được giải thoát (vô ngã) dụ cho một cái sáng khác ở trong cái sáng không bờ mé đó...
19/03/2012(Xem: 10420)
Không thể không phản tỉnh, không thể không kiểm thảo, hay nói cách khác, nhất định phải tìm lỗi lầm của chính mình, phải tìm tâm bệnh của chính mình.
19/03/2012(Xem: 9509)
Một thái độ từ ái vị tha chỉ có một khuôn mặt, ân cần tử tế đến tất cả. Tuy nhiên, sự vị tha này giúp ích người khác và chính mình, cả hiện tại bây giờ và trong tương lai dài lâu. Như một vi lạt ma Tây Tạng Kunu Tenzin Gyelsten đã nói, "nếu con muốn là một người thân hữu của tất cả, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn. Nếu con muốn là một người hướng dẫn tâm linh cho tất cả mọi người, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn. Nếu con muốn giúp ích mọi người, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn."
17/03/2012(Xem: 9756)
Theo truyền thuyết, không lâu trước khi nhập niết bàn, Đức Phật đã trả lời Ananda, thị giả theo hầu cận Phật nhiều năm, khi vị này xin Phật chỉ dẫn cách đối xử cho các vị tỳ kheo...
15/03/2012(Xem: 21406)
Pháp hành thiền không chỉ dành riêng cho người Ấn Độ hay cho những người trong thời Đức Phật còn tại thế, mà là cho cả nhân loại vào tất cả mọi thời đại và ở khắp mọi nơi.
11/03/2012(Xem: 8621)
Ta có thể chuyển nghiệp nặng thành nhẹ bằng cách ăn năn sám hối những nghiệp đã tạo và nỗ lực tu tập, tạo các nhân duyên lành làm trở ngại sự hình thành nghiệp quả.
11/03/2012(Xem: 9664)
Vận mạng từ do đâu mà có? Do đời trước tu mà được, trên thực tế mỗi ngày vận mạng của chúng ta cũng đang có sự tăng giảm, thêm bớt.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]