Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện Về Những Con Ma Ngoài Đời Và Trong Phật Giáo

16/10/202007:40(Xem: 6960)
Chuyện Về Những Con Ma Ngoài Đời Và Trong Phật Giáo
Chuyện Về Những Con Ma
Ngoài Đời Và Trong Phật Giáo
 
Trần Thị Nhật Hưng

 ghost2_ma

   Ma là một khái niệm mơ hồ, có người tin và có người không tin, tuy nhiên luôn là đề tài hấp dẫn đối với phụ nữ mặc dù các bà rất sợ ma nhưng lại thích nghe chuyện ma.

 

   Từ xưa đến giờ chưa ai thấy hình dáng, hình tượng con ma ra sao, thế nhưng trong tưởng tượng, mọi người phác họa ra những con ma vô cùng đa dạng, độc đáo.

 

   Từ bé tôi đã nghe rất nhiều, truyền miệng từ kẻ này đến người kia, từ người lớn đến con nít, cứ như thật về những con ma:

- Ma le, con ma có chiếc lưỡi dài cả thước, luôn lè ra để quấn vào cổ người nào mà con ma muốn bắt đi.

- Ma cà rồng còn gọi là Dracula có hai răng nanh nhọn, miệng lúc nào cũng vấy máu, thường xuất hiện chỗ vắng vẻ, cắn cổ để hút máu những cá thể sống.

- Ma trơi, chỉ là ánh sáng xanh nhạt lập lòe lúc ẩn lúc hiện lờn vờn trong những bãi tha ma xuất phát từ chất photpho bốc lên từ những nấm mộ, chỉ ban đêm mới có thể thấy được và cho đó là ma. Càng sợ hãi bỏ chạy tạo ra sự chuyển động thành gió hút ánh sáng đuổi theo, rồi nghĩ bị ma đuổi.

- Ma cất là loại ma thường núp ở bụi tre hay lùm cây, luôn chọc phá con người bằng cách, hạ cây xuống giữa đường, khi người nào bước qua thì sẽ bị cất lên. Hoặc ma còn hóa thân thành người tốt bụng hay những cô gái xinh đẹp, mời mọc ăn uống, đi chơi, rồi khi tỉnh dậy mới thấy mình nằm giữa bụi tre, miệng đầy phân trâu, phân bò.

- Ma lai hay còn gọi là ma rút ruột. Ban đêm thường tách ra khỏi xác mang đùm ruột lòng thòng đi ăn đêm. Thức ăn thường là những thứ hôi thối từ những sinh vật chết. Hết đêm, ma về nhập lại thân mình, nếu ai đó lật úp thân ma lại, nó không nhập vào được thì sẽ bị ánh sáng mặt trời hủy hoại.

- Ma xó. Truyền thuyết cho rằng những con ma này do con người cố tình «nuôi» để giữ nhà. Hễ người lạ vào nhà sờ mó vật gì muốn lấy đi thì ma xó vật cho chết.

- Ma da là một quái vật ẩn mình ở dưới nước đôi khi có hình tượng là một đứa trẻ con hay một tấm vải đen, xanh trơn nhớt lẫn trong rong rêu, chỉ đợi ai tắm nơi quảng sông vắng là lôi chân xuống nước cho chết ngộp để làm bạn với ma da. Cho nên những khúc sông có người chết đuối thì khoảng sông đó thường có huông, hằng năm  kéo người khác chết đuối theo.

 

   Ngoài những con ma kể trên, còn nhiều loại ma khác, nhưng tất cả chỉ là truyền thuyết chứ có ai thấy bao giờ đâu. Mục đích thường dọa những người yếu bóng vía hay con nít để ngăn chặn sự vòi vĩnh, nhõng nhẽo hay những điều sái quấy không hợp với người lớn. Điều này vô tình gây tai hại không ít, tạo ấn tượng không tốt cho những đứa trẻ lớn lên vô cớ mang nỗi sợ hãi một cách vô lý về những con ma mơ hồ mà thực tế chưa ai thấy qua ngoài hiện tượng bóng đè, nguyên nhân thường do tâm thần lo lắng, căng thẳng, hoãng loạn, bất an tạo những giấc ngủ chập chờn rồi trong giấc chiêm bao thấy những hình tượng quái dị, những bóng người lạ lùng khác thường hay những bóng đen đến quấy nhiễu khiến mình sợ hãi có thể được giải thích coi như thấy ma.

 

   Thế nhưng có một con ma tuy truyền thuyết nhưng cũng có phần sự thật ai cũng sợ, được văn học ghi chép rõ ràng trong sách vở, mà người đời thường gọi tà Phạm Nhan.

 

    Phạm Nhan là nhân vật có thật, thực chất  tên ông là Nguyễn Bá Linh. Vì ông phạm vào những tội tầy đình liên quan tới nhan sắc phụ nữ bị kết tội tử hình nên người đời mới gọi ông là Phạm Nhan (phạm tội nhan sắc).

 

    Thân phụ ông người Trung Hoa di cư sang Việt Nam lấy vợ Việt và sinh ông tại đây. Dù gốc quê mẹ người Việt, nhưng khi ông về Trung quốc học đỗ Tiến sĩ làm quan cho nhà Nguyên lại thêm có chút pháp thuật phù thủy nên ông được tin dùng. Nhưng với bản chất háo sắc dâm ô, thích chọc ghẹo phụ nữ, ông thông dâm không chừa một ai, từ phi tần đến cung nữ nên bị kết tội tử hình. Để chuộc tội, ông xin được sang Việt Nam hướng dẫn quân Nguyên đánh dân ta. Tiếc thay, trước chiến lược tài tình của Đức Trần Hưng Đạo, quân Nguyên thua to tại bến Bạch Đằng và Phạm Nhan bị bắt.

   Truyền thuyết kể rằng khi Phạm Nhan bị đem ra pháp trường, hễ chém đầu ông thì ông lại mọc ra đầu khác. Cuối cùng lưỡi đao phải bôi vôi, trát phân gà hay bồ hóng mới chém được đầu ông.

   Vốn tham ăn, trước khi chết, Phạm Nhan xin được một bữa ăn ngon, nhưng người cai ngục cáu giận trước sự tàn bạo của Phạm Nhan bấy lâu nên quát : «Cho mày ăn máu đẻ của đàn bà ấy!». Vì câu nói này mà sau khi chết, hồn ma của Phạm Nhan luôn theo quấy phá phụ nữ, gây ra bao chứng bịnh quái lạ cho phụ nữ về máu huyết, người đời gọi là «bịnh Phạm Nhan».

   Khi chết thân thể ông bị chém thành ba khúc. Khúc đầu ném xuống sông sinh ra đỉa, khúc mình ném lên rừng sinh ra con vắt, khúc chân ném lên bờ sinh ra con muỗi. Ba con này dân gian cho là hiện thân của Phạm Nhan chỉ thích hút máu thôi.

   Vì sợ và để ngăn ngừa bịnh Phạm Nhan, phụ nữ thường mách nhau, không nên phơi quần, nhất là quần đen trên giây phơi ngoài trời ban đêm, sợ gặp phải vía Phạm Nhan bay qua thì gánh bịnh.

 

    Tất cả những con ma vừa kể trên dù có thực hay giả tưởng, phần lớn đều do truyền thuyết trong dân gian, tuy nhiên trong Phật Giáo, kinh Bát Đại Nhân Giác có xác minh rõ ràng về bốn con ma gọi là tứ ma, gồm có:

1-Ngũ ấm ma:

    Hay còn gọi là ngũ uẩn ma. Đây là những con ma đến từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức tác động vào tâm chúng ta khiến ta bất an, phiền não, bịnh hoạn. Những con ma này luôn khích động, khơi gợi chúng ta về những đòi hỏi ăn ngon, mặc đẹp, ở sang…đại để đáp ứng mọi nhu cầu của tham dục bất chấp gây phiền não cho người và cả cho tấm thân vốn không thực tướng này. Để đối trị những con ma ngũ ấm, Đức Phật dạy chúng ta tinh thần vô ngã qua bài kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa Chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Quán thân này là không. Sắc sắc không không, không không sắc sắc. Sắc tức thị không. Không tức thị sắc. Có đó rồi sẽ mất đó. Nói rõ ra là quán tưởng tứ đại giai không. Thân này do đất, nước, gió, lửa tạo thành. Hết duyên sẽ trở về với cát bụi, không việc gì chấp vào thân mạng để bị nó chi phối và khổ vì nó.

- Phiền não ma:

   Còn gọi là dục ma. Có tới 108 phiền não dục vọng, thèm khát đủ thứ sanh ra ác nghiệp không chỉ đến từ 10 căn bản phiền não: Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, tà kiến, biên kiến, kiến thủ và giới cấm thủ mà còn phụ thuộc vào 20 tùy phiền não như bất tín, giải đãi, phóng dật, ganh tị, đố kị, ganh ghét kẻ hơn mình..v.v... Nói chung con ma này đến từ tâm của mỗi người, là nguyên nhân gây ra đau khổ triền miên.

    Để tiêu diệt con ma phiền não, Đức Phật dạy, đối cảnh đừng sanh tâm. Thấy của không tham, thấy sắc không si, thấy điều trái ý không sân, thành công không ngạo mạn, luôn nghĩ điều tốt cho người..v.v..thì tâm ta sẽ bình yên. Tâm bình thế giới bình thì con ma phiền não biến mất.

3- Thiên ma:

   Chính là ma Ba Tuần hay còn gọi Ma Vương. Con ma này được làm vua Trời cõi Dục giới, cai trị và thống lĩnh 6 cõi Trời do phước quả trong quá khứ tạo nên, nhưng không bao giờ tin vào Chánh pháp, do vậy luôn quấy phá những người hành thiện, tu trì, không muốn ai đắc đạo để hơn mình, soán ngôi chiếm mất vị trí bá chủ của mình.

   Ngày xưa, khi Đức Phật tọa thiền dưới gốc cây Bồ Đề sắp đạt Chánh quả, Thiên ma Ba Tuần xuất hiện tấn công kịch liệt dưới mọi hình thức, hóa thân từ những hình dạng của những con quỉ dạ xoa mặt mày dữ tợn xấu ác, đủ hình đủ dạng với dáo mác và sự hỗ trợ của rắn rít, sư tử, cọp, beo…vô cùng kinh sợ để hăm dọa Đức Phật; hóa thân thành những nàng con gái nhan sắc tuyệt trần ẻo lã múa hát khêu gợi, mê hoặc hòng quyến rũ Đức Phật, đến cả hóa hiện ra nàng Da Du Đà  La, từng là vợ của Phật đến tỉ tê, nỉ non với bao điều thương nhớ mong Đức Phật trở về. Cuối cùng tất cả đều bị thất bại trước thần lực qua chiếc áo giáp Từ bi, Chính định, và Trí tuệ mà Đức Phật đang nhiếp tâm.

    Phá Phật không xong, Thiên ma quay sang phá đệ tử Phật, không muốn người Phật tử tu hành. Do vậy mà chúng ta học Phật cốt theo sự hướng dẫn của Phật mà hành trì tinh tấn mới mong hàng phục ma vương.

4- Tử ma:

   Là con ma vô thường chỉ cho sự tan rã của thân tứ đại, cướp đi mạng sống của con người từ đó mất luôn tuệ mạng. Tử ma không ai tránh được, chỉ có thể duy trì thân mạng bằng cách giữ gìn sức khỏe, không để ngũ dục sai sử tạo cơ hội cho Tử ma xuất hiện và tấn công bất cứ lúc nào.

    Tuy nhiên, những người chết bất đắc kỳ tử do tai nạn hay chiến tranh, tâm thức thường không siêu thoát, họ không sống bằng thân mà sống bằng trung ấm thân. Linh hồn thường lãng vãng phất phơ đói khát mà ta thường gọi là cô hồn. Do vậy các chùa buổi chiều thường cúng cháo, Mông sơn thí thực hay tổ chức những buổi Chẩn tế bạt độ, dùng từ tâm tụng Từ Bi Thủy Sám Pháp giúp cô hồn tẩy nghiệp chướng của họ, mong họ siêu thoát đầu thai vào kiếp khác, chứ không tìm cách trừ khử như người đời thường mời thầy Pháp về nhà ếm họ.

 

   Ngoài ra, trong Phật giáo còn có một…ma nữ đặc biệt, được nhiều Phật tử luôn nhắc đến đó là con ma có tên Ma Đăng Già.

    Ma Đăng Già là một phụ nữ thuộc giai cấp Thủ Đà La, một giai cấp bị đánh giá hạ tiện thấp nhất trong bốn giai cấp tại Ấn Độ thường bị đời rẻ khinh xa lánh. Nhân duyên một ngày nàng gặp được A Nan, đệ tử ruột và là thị giả của Đức Phật. Trong khi đi khất thực, A Nan khát nước, ghé giếng xin nàng nước uống. A Nan là giai cấp quí tộc Bà La Môn. Ma Đăng Già tự ti mặc cảm, ái ngại không dám đến gần. Song được sự ân cần với tấm lòng quãng đại không phân biệt đẵng cấp của A Nan «Tôi xin nước chứ không xin giai cấp ». Lòng nàng mở hội và trước «sắc đẹp» mê hồn của A Nan, về nhà nàng tương tư và từ đó tìm cách mê hoặc A Nan, lôi kéo đưa chàng về được phòng riêng.

     Con trai mới lớn, dù tu hành nhưng chưa đắc đạo, làm sao A Nan không chao đảo trước sức quyến rũ của nàng. Chàng cũng hồn phi phách tán,…xém rơi vào mê hồn trận của Ma Đăng Già, may nhờ Đức Phật thần giao cách cảm, quán chiếu biết A Nan đang gặp nạn, liền huy động Tăng đoàn và cử Ngài Xá Lợi Phất, đệ tử trí tuệ bậc nhất của Đức Phật, dùng Thần chú Thủ Lăng Nghiêm trì tụng liên tục mới giải cứu được A Nan. Về sau, chính Đức Phật cũng cải hóa luôn Ma Đăng Già từ ma nữ dâm ô trở thành một tu sĩ đạt quả vị A La Hán.

   Thủ Lăng Nghiêm còn là thần chú để giải cứu những vụ ma nhập thời nay nhưng đòi hỏi những vị cao Tăng tài cao đức trọng, cao tay ấn mới có thể trấn át được.  

 

    Thưa các bạn.

    Tất cả những con ma dù là ma ngoài đời hay ma trong đạo, thường biểu tượng những điều không tốt đẹp, xấu xa làm chướng ngại quấy nhiễu trên con đường tu tập của hành giả, thế nhưng, là Phật tử học đạo, ai cũng mong sau chết được về cõi Thiên hay thành Phật như lời Phật nói «Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành» thế mà vừa nhắm mắt, chúng ta vô tình thường gán cho nhau tham dự ĐÁM MA (tức thành ma) thay vì dùng từ ĐÁM TANG đúng nghĩa hơn, ngay cả đối với các bậc Hòa Thượng hay Sư Bà tu đạo bao năm mong đạt chánh quả giải thoát luân hồi, chúng ta do quen miệng đành đoạn gọi đám ma ráo! Đâu ai muốn thành ma, phải không các bạn. Do vậy, là Phật tử, ngay giờ phút này, chúng ta cần sửa đổi cách quen miệng  của chúng ta. Sự quen miệng đôi khi tạo nên những trò…cười ra nước mắt « Hôm nay cúng thất tuần của cha chúng tôi, chúng tôi rất hân hạnh và thành thật cám ơn sự hiện diện đông đảo của các bạn đến…chung vui cùng gia đình chúng tôi » hoặc « Con X mới chết, phúng điếu đám…ma nó, mầy định…mừng bao nhiêu ?». Nói xong mới biết mình…quen miệng lỡ lời!

    Nhân nói về chuyện ma, tôi xin kể câu chuyện tôi gặp…ma, không rõ có được xem là ma không nữa.

    Ngày đó, một lần, đấng lang quân của tôi nằm bịnh viện với cơn giải phẫu thập tử nhất sinh. Trong nỗi bồn chồn, lo lắng sợ hãi, sợ đủ thứ, kể cả nỗi sợ một mình trong căn nhà rộng về đêm.

    Vốn sợ…ma (bị nhồi từ bé), trước khi ngủ, tôi đóng và khóa tất cả cửa phòng, thế mà nửa đêm, trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê, tôi chợt nghe tiếng lạch cạch rồi cửa phòng xịch mở. Một bóng đen to lớn lù lù bước vào chầm chậm tiến đến chỗ tôi nằm rồi chụp lên người tôi. Sợ hãi, tôi ú ớ la hét om sòm, vùng vẫy hất bóng đen ra nhưng không cách nào hất nỗi. Rồi tôi giật mình thức giấc, thở hổn hển, tim đập mạnh, và biết đó là bóng đè.

   Đêm hôm sau, tôi không dám ngủ phòng đó nữa, tìm căn phòng nhỏ hơn, chạy như trốn ma. Rồi cũng cẩn thận khóa cửa, trùm chăn lên tận đầu. Thế nhưng nửa đêm, con ma to lớn đen xì vẫn lạch cạch mở cửa chui vào. Lần này nó không chụp lên người tôi mà nắm hai chéo ra giường từ từ kéo tôi xuống đất. Thông thường khi sợ hãi lên tột đỉnh, tôi biến thành người mạnh mẽ đương đầu kháng cự, tôi hét lên, mày là ma hả, mày là ma hả, tao không sợ đâu. Rồi đưa tay kéo giật ra giường lại, bỗng tôi sực nhớ mình là Phật tử thường đi chùa và tham dự biết bao khóa tu học, sao không cầu cứu Phật, thế là vừa kéo lại, tôi liên tục niệm Nam Mô A Di Đà Phật…Nam Mô A Di Đà Phật…Bỗng con ma bỏ chạy cùng lúc tôi rơi phịch xuống đất. Giật mình thức giấc, tôi biết đó lại là bóng đè. Song cũng từ hôm đó, tôi bình tâm bớt sợ ma, và không bị bóng đè nữa. Tôi tạm tin như thế. Định tâm niệm Phật, sẽ hàng phục ma quân. Tuy bớt sợ ma, nhưng tôi vẫn cầu mong đừng bao giờ gặp… dù là dưới hình thức bóng đè.

    Ngày đấng lang quân tôi từ bịnh viện về nhà, tôi kể cho chàng nghe, rồi chợt hỏi, ngoài bốn con ma: ma túy, ma men, ma đề, ma nữ rất nguy hiểm nhưng ông nào cũng muốn húc vô, đàn ông có sợ con ma nào nữa không, chàng chỉ cười nói, có chứ, đó là «ma femme» ( con vợ !)

 

Trần Thị Nhật Hưng

2020

    

 

***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/03/2014(Xem: 7612)
Kinh Phật không nói về chân lý, đúng-sai, yêu thương - hận thù hai mặt. Cho nên Phật không làm quan tòa để phán xử ai. Muốn biết đúng-sai, có tội hay không có tội xin tới tòa án, luật sư, đừng tới Chùa, đừng hỏi Phật.
16/03/2014(Xem: 7301)
Đây là vị đệ tử cư sĩ của Đức Phật, vị ấy sống tại gia. Vị ấy đã thiết lập niềm tin vững chắc trong sự tỉnh thức của Đức Phật. Vị ấy sống tự rèn luyện từ hành động và lời nói, cử chỉ của mình. Vị ấy sống biết hổ thẹn, xấu hổ, thấy lổi của mình trong những việc nhỏ nhặt. Vị ấy sống nuôi dưỡng tâm từ đối với tất cả loài hữu tình. Vị ấy sống rộng lượng, biết hy sinh và cho đi.
16/03/2014(Xem: 8504)
Berzin sinh tại Paterson, New Jersey, Hoa Kỳ. Ông nhận bằng cử nhân năm 1965 tại Khoa Nghiên cứu Đông phương học, Đại học Rutgers liên kết với Đại học Princeton], nhận bằng Thạc sĩ năm 1967, bằng Tiến sĩ năm 1972 của Khoa Ngôn ngữ học Viễn đông (Hoa ngữ) và Khoa Nghiên cứu Ấn Độ và Phạn ngữ, Đại học Harvard.
16/03/2014(Xem: 8291)
Như những con người, tất cả chúng ta giống nhau; xét cho cùng tất cả chúng ta thuộc cùng một hành tinh. Tất cả chúng sinh có cùng bản chất tự bẩm sinh là muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Tất cả chúng ta yêu mến chính mình và khao khát điều gì đấy tốt đẹp.
15/03/2014(Xem: 15077)
“Con người thường trở thành cái mà họ muốn. Nếu tôi cứ nghĩ rằng tôi không thể làm được điều ấy, thì chắc chắn rút cuộc tôi sẽ không làm được gì. Trái lại nếu tôi tin, tôi có thể làm thì sớm muộn gì tôi cũng sẽ thành tựu như ý muốn”. Thánh Ghandi *
15/03/2014(Xem: 8903)
Nhà tâm lý học Paul Ekman thừa nhận rằng ông chỉ hơi thích thú với Đạo Phật khi ông được mời đến Dharamsala, Ấn Độ, trong năm 2000 cho một cuộc đối thoại của Đức Đạt Lai Lạt Ma với những nhà khoa học, được bảo trợ bởi Viện Tâm Thức và Đời Sống. Nhưng Ekman, một khoa học gia chức năng nổi tiếng là một chuyên gia hàng đầu về những biểu hiện trên mặt, đã mê mẫn về đề tài được bàn thảo: những cảm xúc tàn phá. Sự tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chuyển hóa đời sống của ông, đến một mức độ mà ông ngạc nhiên vô cùng.
15/03/2014(Xem: 8194)
Bốn pháp tế độ phát xuất từ cụm từ saṅgāha vattha nghĩa là sự thu phục, nhiếp hóa, cảm hóa, tế độ. Đây là 4 pháp, 4 nguyên tắc sống mà tiền thân chư Phật, tức chư Bồ-tát thường áp dụng để nhiếp hóa, cảm hóa chúng sanh, hướng dẫn chúng sanh trên con đường phước thiện, đạo đức. Bốn pháp này liên hệ hữu cơ, gắn bó thiết cốt với nhau, như một cái bàn có bốn chân, thiếu một thì cái bàn sẽ khập khiễng. Cũng vậy, bốn pháp tế độ mà thiếu một thì sự cảm hóa chúng sanh sẽ giảm hẳn hiệu năng. Vậy 4 pháp ấy là gì?
15/03/2014(Xem: 7266)
Thật cần yếu để học hỏi và thành đạt trong sự học vấn. Rèn tâm là một tiến trình làm cho quen thuộc. Trong phạm vi Phật Giáo, việc làm quen thuộc, hay thiền tập, liên hệ đến sự chuyển hóa tích cực tâm, đấy là, sự loại trừ những phẩm chất khiếm khuyết và việc trau dồi những phẩm chất tích cực của nó.
14/03/2014(Xem: 33959)
Nhiều người đến với đạo Phật để tìm cách giải trừ phiền não, khổ đau, họ đọc tụng kinh chú, ăn chay, niệm Phật, làm công quả, cúng dường, bố thí, nhưng không biết diệt trừ bản ngã. Trải qua bao nhiêu năm trong đạo vẫn chấp vào cái Ta, kiêu căng, ngạo mạn, khoe khoang, chạy theo danh lợi, đến khi cái ngã bị trái ý, tổn thương thì giận dữ, sân si tạo khẩu nghiệp mắng chưởi, mạ nhục kẻ khác.
14/03/2014(Xem: 11882)
Đọc Kim Dung, thấy có một nhân vật Hoà thượng tên là "Nói Không Được" rất thú vị. Thú vị không vì tính cách của ông mà vì cái tên của ông. Thật ra, trong nguyên bản gọi là Hoà thượng Bất Khả Thuyết. "Bất Khả Thuyết" hay "Nói Không Được" ta đã gặp nhiều khi học Phật, không chỉ là Bất khả thuyết mà còn Bất khả tư nghì, Bất khả đắc, Bất khả thủ, Bất khả...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]