Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giọt sương mai (Bài viết về Phật Giáo Âu Châu của HT Thích Như Điển)

09/09/202019:22(Xem: 8307)
Giọt sương mai (Bài viết về Phật Giáo Âu Châu của HT Thích Như Điển)

chuakhanhanh-phap_quocGiọt Sương Mai
Bài viết về Phật Giáo Âu Châu
của HT Thích Như Điển
Do Phật tử Diệu Danh đọc





Nay mai rồi thất Đa Bảo tại Campelltown nầy cũng sẽ di dời về chốn núi đồi tại Blue Monutain cách xa Sydney chừng 2 tiếng đồng hồ lái xe. Tôi đã đến chốn nầy tịnh tu, nhập thất từ năm 2003 cho đến năm 2010 là 8 mùa Đông của Âu Châu và cũng là 8 mùa hè tại xứ Úc. Tôi những tưởng thất Đa Bảo cũng là chốn dừng chân lâu dài; nhưng không, vì nhân duyên chưa thuận; nên phải di dời. Ngồi đây, nơi thư phòng, tôi liên tưởng vê cuộc sống, sự tu học và những tấm gương của những bậc Thầy đã đến Âu Châu trong những thập niên trước, đã có công khai sơn phá thạch, vang bóng một thời; nhưng bây giờ các Ngài cũng đã nằm xuống rồi. Mai đây tôi cũng sẽ ra đi và người sau lại tiếp nối con đường của những người xưa đã trải qua kinh nghiệm. Tất cả những việc nầy tôi gọi là „giọt sương mai“.

Trong "Quy Sơn Cảnh Sách", Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu dạy rằng:

"Thí như xuân sương hiển lộ, thức hốt tức vô Ngạn thọ tỉnh đằng, khởi năng trường cửu…“

Nghĩa là:

"Ví như sương xuân rỏ giọt, mới có liền tan Cây bờ miệng giếng, há lại lâu dài…“

Toàn văn Cảnh Sách không có vị Sa Di nào mà đã chẳng học qua. Cứ mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa sâu xa, thâm trầm khó tả. Chỉ phân tích ý nghĩa 2 câu trên chúng ta thấy các bậc Tổ Sư đã dạy rõ ràng về cuộc đời nầy là vô thường, thế gian là giả hợp. Nó giống như giọt sương mai và cây mọc bên bờ miệng giếng. Khi mùa Xuân đến, dưới ánh mặt trời đẹp lạ; sương mai óng ánh giống như những hạt minh châu. Khi mặt trời càng lên cao thì sương kia tan thành bọc nước nhanh chóng để hòa quyện vào với cỏ cây, đất trời, vạn vật. Cái có của giọt sương là cái có hữu thể và cái không của giọt sương là cái không của sự biến đổi vô thường sanh diệt của muôn loài vạn loại trên cõi trần ai nầy.

Cây mà bám rễ bên bờ miệng giếng thì chẳng sống được dài lâu. Vì lẽ cây ấy không có chỗ nương tựa. Giếng là một vật vô tri; nay dời mai đổi. Cây muốn sống lâu dài phải mọc chỗ khác, không thể mọc nơi miệng giếng được. Thực tế là như vậy; nhưng cây vẫn mọc trên bờ giếng và vẫn sống hiện hữu dưới ánh sáng của mặt trời để bị vô thường chi phối. Nếu biết đã vô thường thì tại sao ta phải lao vào chốn vô thường ấy? – Vì lẽ ta đang đối diện với tử, sinh; còn, mất; được, thua; khen, chê; tốt, xấu v.v… Vì đây không phải là cõi giải thoát. Chỉ là chốn tạm mà thôi. Do vậy ta phải đối diện với những gì không thực tướng như thế. Vào thời điểm năm 1968 ở trong nước, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, dưới sự lãnh đạo của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo; Hòa Thượng Thích Thiện Hòa, Giám đốc Phật Học Đường Ấn Quang; Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ v.v… các Ngài muốn thành lập 3 ngôi chùa tại Nhật, Pháp và Ấn Độ nên năm ấy đã gởi ra ngoại quốc 3 tôn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca. Tượng nhỏ thôi, độ chừng 4 đến 6 tấc, sơn màu nhủ vàng, nét mặt của Ngài rất giống người Việt Nam. Thuở ấy tại Nhật và Ấn Độ có một số chư Tăng, Ni đang du học tại đó nên đã nhận tượng và để thờ tại cư xá của mình. Riêng tượng Phật Thích Ca tại Nhật, Cố Hòa Thượng Thích Minh Lễ trước khi đi Pháp vào năm 1975, Ngài đã đem tượng nầy gởi nơi chùa Joenji (Thường Viên tự) đến năm 1980 chúng tôi đã về Nhật thưa lại với Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Hòa Thượng Thích Minh Tuyền để thỉnh tượng ấy qua Đức. Hiện nay tượng nầy đang thờ tại chùa Viên Giác Hannover. Tượng thứ hai ngày nay được thờ tại chùa Việt Nam Phật Quốc Tự; nơi Thầy Huyền Diệu trụ trì, ở gần Bồ Đề Đạo Tràng; nơi Đức Phật đã thành đạo. Tượng thứ ba gởi qua Pháp cho Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, đến năm 1974 Hòa Thượng Thích Minh Tâm thỉnh tượng nầy về thờ tại chùa Khánh Anh ở Bagneux trong hiện tại. Tôi muốn ôn lại một chút lịch sử cận đại như thế để thấy rằng: Vào thời điểm năm 1968 đến 1975 Giáo Hội tại quê nhà muốn thực hiện xây dựng 3 ngôi chùa ở ngoại quốc mà vẫn chưa thực hiện được. Vì lẽ tài chánh giới hạn và nhân sự điều hành trực tiếp không có; cho nên ngày nay chỉ còn lưu lại 3 tôn tượng có tính cách lịch sử mà thôi. Rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975 dân tộc ta đã trải qua một cuộc thư hùng giữa hai chủ nghĩa Cộng Sản và Quốc Gia. Từ đó đến nay hơn 35 năm lịch sử đã có hơn 3 triệu người bỏ nước ra đi và chắc chắn không dưới 500.000 người đã bị chết chìm nơi biển cả hay trong rừng sâu hoặc những nơi hiểm hóc. Họ ra đi chỉ tìm hai chữ Tự Do. Vì tại quê hương của họ không có trọn vẹn được hai chữ ấy. Họ ra đi vì đói tự do chứ không phải đói cơm áo. Nếu chỉ thuần về kinh tế, thì thế giới nầy đâu đâu cũng có nạn đói kém. Sở dĩ các nước Âu, Mỹ, Úc cho người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản vì họ nhận chân được rằng: dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn không có mọi sự tự do như bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã quy định Tại Âu Châu, những vị Hòa Thượng đến đầu tiên ở nước Pháp gồm có: Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, Cố Hòa Thượng Thích Chơn Thường, Cố Hòa Thượng Thích Huyền Vi, Cố Hòa Thượng Thích Trung Quán, Cố Hòa Thượng Thích Thiền Định, Cố Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Hòa Thượng Thích Phước Toàn, Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu v.v… Chín vị Hòa Thượng đến Pháp vào thời điểm trước năm 1975 ấy, nay đã trở thành „Cố“ chiếm hơn phân nửa. Bốn vị còn lại thì Hòa Thượng Thích Tâm Châu đã sang định cư tại Canada từ những nămn 1980. Ở đây tôi muốn nói đến những ngôi chùa tiêu biểu như Linh Sơn, Quan Âm, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa và Tịnh Tâm do những vị Cố Hòa Thượng bên trên đã khai sáng, để tưởng niệm công đức của các Ngài. Nếu tôi không nhắc đến thì đệ tử và môn đồ pháp quyến của các Ngài cũng đã làm nhiệm vụ nầy rồi. Nhưng „ôn cố tri tân“ vốn là bổn phận của đàn hậu học. Nếu có gì không đúng, kính xin chư vị bổ sung cho. Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Vi sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ Phật Học tại Ấn Độ, Ngài về lại Việt Nam làm việc cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) một thời gian và ngày 30 tháng 4 năm 1975, Ngài đi tỵ nạn sang Pháp. Đầu tiên Ngài cư trú tại Paris và sau đó có một số Phật tử hữu tâm cúng dường ngôi nhà của mình để thành lập ngôi chùa Linh Sơn. Đây là trụ sở của GHPG Linh Sơn trên thế giới, mà Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Vi đương thời là Tăng Thống của Giáo Hội nầy. Suốt cả cuộc đời của Ngài đã lo cho việc tiếp tăng độ chúng và hoằng pháp lợi sanh. Ngài đã độ được cả 100 vị xuất gia và hằng vạn Phật tử tại gia đã quy y với Ngài. Kinh sách Ngài viết và phiên dịch từ Anh văn, Hán văn ra Việt ngữ ngày nay còn lại rất nhiều. Ai đó đã có lần tra cứu đến những sách vở nầy, chắc rằng không quên công trình của những bậc trưởng thượng đã đi trước.


HT. Thich Thien Dinh

HT. Thich Trung Quan
HT Thích Trung Quán

HT. Thich Minh Tam
HT Thích Minh Tâm



Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Thiền Định sau khi hoàn tất chương trình hậu đại học tại Nhật Bản, Ngài về lại Việt Nam trụ trì chùa Phật Ân ở Cần Thơ. Ngài cũng là giảng sư tại Đại Học Vạn Hạnh và Đại Học Cần Thơ cho đến năm 1975 thì tỵ nạn sang Pháp. Đến Pháp, Ngài chọn Marseille để xây dựng chùa Pháp Hoa. Chùa là một thắng cảnh của thành phố. Từ trên núi nhìn xuống, trông phong cảnh xung quanh rất đẹp mắt. Thế rồi Ngài cũng phải từ giã cõi trần để ra đi và trong hiện tại tuy chùa vẫn còn đó nhưng hoạt động rất thu hẹp. Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Trung Quán cũng đã đến Pháp vào thời điểm 1975 từ Lào quốc. Ngài sáng lập chùa Hoa Nghiêm tại Paris và Bỉ quốc. Ngài rất điềm đạm, mẫu mực, giới luật tinh nghiêm và là tác giả của nhiều bộ kinh luận nổi tiếng như: Kinh Hiền Ngu, Đại Trí Độ Luận v.v… Bây giờ nếu có người Phật tử nào đó trở lại chùa xưa thì sẽ không còn được thấy dáng hình của bậc Trưởng lão nữa; nhưng khi tra cứu kinh điển, không ai là không nhớ đến công đức của một bậc long tượng Thiền Môn tự thuở nào. Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thường đã đi từ Việt Nam đến Ấn Độ và từ Ấn Độ đến Pháp vào thời điểm năm 1975. Ngài tu theo mật hạnh của Đức Quan Thế Âm, luôn trì chú và làm phước, bố thí cúng dường cũng như xây dựng chùa viện. Ngày nay ai đó đi lễ bái thăm viếng chùa Quan Âm tại Paris, xem công trình kiến trúc của chùa sẽ không quên công ơn khai sơn phá thạch của Ngài tự thuở ban đầu. Cố Hòa Thượng Thích Minh Lễ trước năm 1975 du học tại Nhật Bản. Sau khi xong chương trình hậu Đại Học, năm 1975 Ngài cùng với Hòa Thượng Thích Phước Toàn đến định cư tại Paris, Pháp quốc. Ngài đã xây dựng chùa Tịnh Tâm rất đẹp; nhưng rất tiếc sau khi Ngài viên tịch không có người trực tiếp lo cho chùa; nên chùa xuống cấp trầm trọng; khiến ai đó cũng không khỏi mủi lòng khi đi vào thăm viếng chùa nầy trong hiện tại. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là một vị Thầy rất nổi tiếng. Ngài đã được GHPGVNTN gởi ra nước ngoài từ năm 1966. Năm nay Thiền Sư đã ngoài 80 tuổi, nhưng hoạt động diễn giảng rất hăng say và là tác giả của hằng trăm đầu sách bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Năm 2010 vừa qua thế giới xuất bản sách đã bình chọn ra 10 quyển sách tiếng Anh xuất bản trên thế giới được mọi người ưa thích nhất và bán chạy nhất, thì sách của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã có 2 quyển xếp hạng đứng đầu trong 10 quyển ấy. Người nào nổi tiếng thật nhiều thì cũng không thiếu những chuyện thị phi nhơn ngã; nhất là sau vụ việc Bát Nhã tại Lâm Đồng trong năm 2010 vừa qua. Cộng Sản Việt Nam cũng được việc của họ, đồng thời cũng bị tai tiếng với thế giới là đàn áp tôn giáo. Thiền Sư cũng được việc là mang Thiền Học trở lại Việt Nam; nhưng Ngài cũng đã mất mát rất nhiều khi lầm tưởng người Cộng Sản và từ đó cộng đồng người Việt tỵ nạn ở ngoại quốc có nhiều sự xét đoán khác nhau.

Tiếng khen và lời chê luôn luôn đi đôi với nhau là vậy. Cho nên cao dao Việt Nam đã chẳng có câu: “Nam Mô hai chữ Từ Bi Phật còn mắc nạn huống chi người thường”. Hòa Thượng Thích Minh Tâm vào năm 1968 đã đến Nhật. Sau khi hoàn tất chương trình hậu Đại Học tại Nhật Bản và sau Hiệp định Paris năm 1973, thừa lịnh của GHPGVNTN trong nước, Ngài đã sang Paris để hoạt động chung với Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Đến năm 1974 Ngài ra thành lập chùa Khánh Anh tại Acceuil và Bagneux. Đến năm 1995 Ngài xây dựng chùa Khánh Anh mới tại Évry. Tính theo thời giá hiện tại, giá trị vật chất của ngôi chùa vào thời điểm 2011 đã lên đến 20 triệu US đô-la. Đây được gọi là công nghiệp vĩ đại của đời Ngài.

Những năm 1975 đến 1980 Ngài đã lặn lội khắp các nước Âu Châu để giảng pháp cho Phật tử, tham gia biểu tình, tuyệt thực, tranh đấu cho một Việt Nam Tự Do không Cộng Sản và nhất là tranh đấu để phục hoạt lại GHPGVNTN tại quê nhà. Các nước Đức, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Nga, Bỉ, Anh, Hòa Lan, Ý, Thụy Sĩ, Áo, Ái Nhĩ Lan v.v... phải nói gọn một câu là: “Nếu không có bước chân ban đầu của Hòa Thượng đến những nơi nầy đặt nền móng và cơ sở hạ tầng thì Phật Giáo Việt Nam ngày nay tại Âu Châu không phát triển được như vậy”. Chúng ta chư Tăng, Ni và Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu không nên quên điều nầy. Tuy Hòa Thượng không để lại một tác phẩm nào đặc biệt cho đời; nhưng suốt hơn 40 năm ở ngoại quốc Ngài đã đem tâm lực để tận hiến cho Giáo Hội và xây dựng Giáo Hội tại đây từ không có cái gì hết, để ngày nay có tất cả cơ sở, chùa chiền, Phật tử. Đây chính là những hành động vị tha vì người khác mà Ngài đã mang lại cho Phật Giáo Âu Châu nói riêng và Phật tử trên toàn thế giới nói chung. Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu năm 2011 nầy Ngài đã bước vào tuổi Thượng Thượng Thọ 90; nhưng vẫn còn minh mẫn và tráng kiện vô cùng. Ngài xuất thân ở Miền Bắc Việt Nam và đã có kinh nghiệm rất nhiều với Cộng Sản; nên năm 1954 khi chia đôi đất nước Ngài đã vào Nam. Đến năm 1963 Ngài là một vị Thầy có công rất lớn trong việc tranh đấu đòi tự do tôn giáo dưới chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 chế độ ngô Đình Diệm đã cáo chung và GHPGVNTN được thành lập thì Ngài đã được bầu lên làm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo đầu tiên từ năm 1964 đến năm 1966. Vào tháng 4 năm 1975 Ngài đã vượt biên tìm tự do và Ngài đã đến Nice, Pháp quốc thành lập chùa Từ Quang. Đến năm 1980 Ngài qua Hoa Kỳ và Canada để hoằng pháp và cuối cùng Ngài thành lập Tổ Đình Từ Quang tại Montréal từ đó đến nay. Hiện tại Ngài là Thượng Thủ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên thế giới. Những kinh sách của Ngài dịch và chú giải rất nhiều. Ngày nay chúng ta có thể tìm hiểu nơi “Đại Tạng Kinh điện tử Việt Nam” để rõ được công hạnh của Ngài. Nếu cuộc đời có 2 mặt phải, trái thì lịch sử cũng như thế. Trong cái tốt lại hàm chứa cái xấu và ngược lại trong cái xấu luôn luôn ẩn tàng cái tốt. Không có cái gì là tuyệt đối ở trong sự đối đãi của thế gian nầy cả. Nhưng nếu chúng ta chỉ thấy toàn mặt tiêu cực và không để tâm thấy việc tích cực của vấn đề; hóa ra chúng ta cực đoan với lịch sử và thiếu thiện chí xây dựng. Do vậy chủ trương của tôi là chỉ nên nhìn cái tốt, cái hay của người khác để học hỏi; chứ không đi bươi tìm cái xấu, để chứng minh cho người khác biết rằng mình mới đúng; còn kẻ khác thì sai. Thiết nghĩ chúng ta không cần phải làm việc ấy. Vì lịch sử sẽ tự làm nên lịch sử; chứ chúng ta không làm nên lịch sử được. Một viên ngọc quý dẫu cho có bị dìm vào dưới bùn một trăm hay một ngàn năm đi nữa; khi vớt lên nó vẫn là ngọc, chứ không thể là bùn được. Galilée nhà thiên văn học Ý là một bằng chứng. Vì quả đất luôn luôn xoay quanh mặt trời; chứ mặt trời không xoay quanh quả đất. Một tờ giấy trắng, nếu có ai đó lỡ bôi lên đó một vết đen thật nhỏ; nhưng ai cũng trông thấy vết đen thật nhanh và thật rõ. Trong khi đó cả tờ giấy trắng thì chẳng ai thèm để ý đến. Nếu ở gia đình, người chồng hoặc người vợ lúc nào cũng chỉ nhìn chăm chú cái chấm đen của chồng hay của vợ thì người ấy chắc rằng không có hạnh phúc. Chúng ta hãy nên tha thứ cho nhau và nên nhìn những phần trắng kia trước thì tâm ta an lạc và hài hòa. Chắc chắn một điều là trong chúng ta không ai muốn khổ đau hết. Vậy tại sao ta lại mang sự đau khổ đến cho người khác. Ta hãy dùng lòng từ bi để trang trải cho đời và cứu người; hơn là lúc nào cũng nói ra toàn sự hận thù và chanh chua với người đối diện. Liệu việc ấy có lợi gì cho mình và tha nhân? - Cả hai đều đau khổ. Từ lý do đơn thuần nầy chúng ta nên nhìn cộng đồng hay những nhà tu Phật Giáo bằng con mắt thiện cảm thì ắt hẳn sự sống của chúng ta có được nhiều lợi lạc.



chuakhanhanh-phap_quoc
Chùa Khánh Anh, ngôi chùa lớn nhất ở Âu Châu hiện nay


Chua Vien Giac (15)

Chua Vien Giac (16)
Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc


Chua Linh Thuu (8)

Chua Linh Thuu (32)
Chùa Linh Thứu, Berlin, Đức Quốc



Cũng trong văn Cảnh Sách, Ngài Linh Hựu dạy rằng: Như người đi trong sương mai; tuy sương không làm ướt áo và từ từ sẽ thấm vào người mình. Cũng như thế đó, nếu ta luôn gần gũi bạn lành có nhiều đức tính tốt; tuy ta không trở thành người đạo đức ngay trong tức khắc, nhưng những đức tính tốt của nguời bạn ấy sẽ dần dần ảnh hưởng vào tâm thức của ta. Ngược lại nếu chúng ta luôn gần người ác tri thức cũng giống như ta đi vào chợ cá; tuy ta không mua cá mà mùi hôi của cá làm cho áo quần của chúng ta tanh hôi. Vậy cái thiện và cái ác đã rõ ràng. Phàm là người trí nên tránh xa những tội lỗi và nên tin vào nhân quả để khỏi lụy thân về sau nầy. Đức Phật có dạy trong Luận Đại Trí Độ rằng: Vào thời mạt pháp chư Tăng Ni hành đạo rất khó khăn. Giáo pháp giống như vàng ròng; còn chư Tăng Ni giống như những bao rách để đựng vàng kia. Đa phần con người, ai cũng muốn lấy vàng ròng, chứ ai đâu có quan tâm đến túi rách kia. Nhưng thử nghĩ, nếu không có túi rách ấy thì làm sao đựng vàng ròng được. Hãy thẩm định giá trị nội tâm một cách tương đối để nhận chân được giá trị tuyệt đối của chân lý. Đức Phật dạy tiếp: Có một người đui ban đêm cầm đuốc đứng bên lề đường. Người có mắt khi đi qua lại có ý cười, giễu cợt và hỏi rằng: Nhà ngươi đui thì đâu có cần đuốc để làm gì? Người đui trả lời rằng: “Tôi mù thật ra không cần đuốc; nhưng đuốc nầy soi sáng để người có mắt đi khỏi va vào tôi”. Như vậy dù kẻ mù đi nữa cũng chẳng phải là vô dụng. Vì nếu không có người mù cầm đuốc đứng đó thì người có mắt sẽ đi lầm đường và va vào người ấy ngay. Chân lý ở đây có thể gọi là vàng và ánh sáng ấy; nhưng nếu không có túi rách và người mù kia thì không làm sao bảo tồn và phát huy chân lý được. Do vậy khi khởi tâm hành động hay phê phán một vấn đề gì, chúng ta nên nhìn cái tốt trước để tâm ta được hoan hỷ, mà người đối diện cũng vui lây. Nếu chúng ta chỉ nhìn toàn là điểm xấu của người ấy thì tâm ta cũng bị vạ lây, chẳng ích lợi gì cả.

suong_langmai
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh



ht thich nhu dien 3
tác giả bài viết này, HT Thích Như Điển


Tuy mưa phùn rất tốt cho mùa màng; nhưng người đi đường bảo là trơn trợt. Mặc dầu ánh trăng mùa thu rất đẹp đối với thi nhân; nhưng những kẻ ăn trộm lại chẳng bao giờ thích. Do đó khi nói một vấn đề gì hay bình phẩm một bức tranh, hoặc bàn thảo về vấn đề lịch sử không nên đứng một phía và nói một cách phiến diện để chứng minh cho tự ngã của mình là đúng, còn kẻ khác là sai. Chơn lý không nằm ở bên phải hay bên trái, mà chân lý vượt lên trên mọi sự đối đãi của phải, trái, thiệt, hơn nầy. Điều quan trọng ở đây là Phật Giáo; nếu không là Phật tử hay chư Tăng mà viết và bàn về Phật Giáo thì quả là điều thiếu sót vô cùng. Do vậy ở đây chúng tôi muốn gởi đến quý độc giả xa gần, nhất là những người Phật tử ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây Đạo và dựng Đạo ở xứ người; không quên câu tục ngữ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “uống nước nhớ nguồn”. Có như thế chúng ta mới thăng tiến trong cuộc sống tâm linh một cách rốt ráo được. Ai trong chúng ta cũng chỉ có mặt trong cuộc đời nầy vào một giai đoạn nào đó nhất định của một chặng dài lịch sử mà thôi. Đâu có ai sống suốt ngàn năm để chứng kiến lịch sử thay đổi, mà chúng ta chỉ là một chiếc cầu bắt nối quá khứ với tương lai và tương lai kia cũng sẽ trở thành quá khứ. Mỗi một giai đoạn như thế cũng giống như giọt sương mai mà Vạn Hạnh Thiền Sư đã để lại trong bài kệ thị tịch của Ngài cách đây 1.000 năm về trước: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô Nhậm vận thịnh suy vô bố úy Thịnh suy như lộ thảo đầu phô Hòa Thượng Thích Mật Thể dịch: Thân như bóng xế chiều tà Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời Sá chi suy thịnh cuộc đời Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành. Cả một triều đại nhà Lý thịnh trị hơn 200 năm lịch sử, từ năm 1010 đến năm 1225 mà Vạn Hạnh Thiền Sư gọi sự thịnh suy ấy giống như “hạt sương mai trên đầu ngọn cỏ” thì thử hỏi cái gì còn tồn tại nơi đời nầy! Tất cả chỉ là giả danh và không thực tướng. Một hôm Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đang giảng pháp tại một sân vận động ở Hamburg trong năm 2007, Ngài cho mời ba thế hệ khác nhau lên sân khấu để Ngài trình bày quan điểm của Ngài về cuộc sống và giá trị của nhân sinh. Khi Ngài quay qua người 60 tuổi, Ngài cảm ơn vị đại diện cho thế hệ đã đi qua và đã gầy dựng nên thế hệ ngày nay đang sống và làm việc trong xã hội nầy. Đến người độ 40 tuổi. Ngài khẽ cúi đầu chào anh ta và cảm ơn anh ta là người đại diện của thế hệ đang hoạt động mạnh mẽ qua vấn đề thông tin, khoa học thời hiện tại. Đến phiên một cô gái tuổi độ chừng 20; trông cô ta rất hạnh phúc. Vì lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Ngài mở lời chào cô ta và Ngài xin lỗi rằng: Chính thế hệ của Ngài, của cha, anh cô ta đã gây ra không biết bao nhiêu khó khăn cho thế giới và kết quả là giới trẻ của tương lai phải gánh chịu những hậu quả đó. Cho nên Ngài khuyên rằng: Ngay từ bây giờ hãy khởi tâm thương yêu chính mình và đồng loại để sau nầy khỏi hối hận như những thế hệ đi trước đã vấp phải. Bên dưới hội trường trên 25.000 người tham dự hôm đó có rất nhiều người cảm động rơi nước mắt. Phần tôi giọt lệ đã thấm vào bên trong tâm của mình. Tôi cũng mong người Việt Nam chúng ta, nhất là người Phật tử có được cái nhìn như thế, thì hận thù sẽ vơi đi và hãy lấy tâm từ bi để trải dài trong cuộc sống thì ngày nào chúng ta cũng có được những trạng thái an lạc hài hòa. Cầu nguyện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu luôn bền vững và phát triển; nhiều ngôi chùa được tiếp tục được xây dựng lên trong bầu trời tự do nầy để con người có nơi chốn lễ bái nguyện cầu và làm vinh danh cho Giáo Hội.


● Thích Như Điển
Viết xong vào ngày 20 tháng 1 năm 2011 tại Tịnh Thất Đa Bảo, Úc Châu trước khi về lại Đức



***

Tu Viện Quảng Đức Youtube Channel




 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/01/2022(Xem: 3619)
Vương quốc Phật giáo Campuchia và Nepal đã nhất trí tăng cường quan hệ giao lưu giữa nhân dân trong lĩnh vực Phật giáo và các mối quan hệ khác trong thương mại, an ninh và cải cách địa phương. Hôm thứ Ba, ngày 25 tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia Samdech Krolahom Sar Kheng đã gặp gỡ tân Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nepal tại Vương quốc Phật giáo Campuchia Genesh Prasad Dhakal để thảo luận về các vấn đề liên quan đến hợp tác giữa hai quốc gia.
27/01/2022(Xem: 7136)
Có người ngoại đạo thuở xưa Tự xưng mình giỏi nên ưa khoe tài Rành quá khứ, biết tương lai Bao điều học vấn trên đời tinh thông Nói ra trôi chảy vô cùng.
27/01/2022(Xem: 6874)
Ngày xưa có vợ chồng rùa Sống trong hang đá bốn mùa thảnh thơi Hang như tổ ấm cuộc đời Bên dòng sông mộng nước trôi xanh mầu. Một ngày rùa vợ ốm đau Chạy thầy, chạy thuốc đã lâu chẳng lành Rùa chồng thương vợ bò quanh Thở dài! Nhìn đám mây xanh than trời.
27/01/2022(Xem: 5292)
Ngày mai đã là giao thừa, nhưng không khí Tết trong nhà gần như bị đóng băng như không khí ngoài trời. Tôi ngồi bên khung cửa sổ nhìn những hạt tuyết rơi lả tả, trắng xóa cả bầu trời. Tuyết vương trên lá, tuyết phủ ngập cả lối đi, những tia nắng ấm vừa sưởi ấm bầu trời vừa tạo nên sắc màu cho khung cảnh thêm thơ mộng. Đã lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được cái đẹp thực sự của mùa đông trên xứ Đức, nơi bị thiên hạ cho là lạnh lẽo lẫn buồn nản và không đáng sống!!!
27/01/2022(Xem: 4037)
Cuộc sống đẹp mang tính cách nghệ thuật Dù thử thách vẫn chờ…đuổi chạy nghiệp duyên Từ bão họa tai …trải nghiệm những lời khuyên Hạnh phúc thay cho ai …thân cận bậc hiền trí !
23/01/2022(Xem: 5155)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Gần đây, xứ Ấn dịch Omicron tại bùng phát dữ dội, tuy không gây chết người nhiều như Delta lúc trước nhưng chính phủ Ấn cũng lấy làm lo ngại và ra lệnh LockDown trở lại. Mùa Xuân Nhâm Dần đang về với chúng ta, sự sẻ chia trong lúc hoạn nạn, khó khăn, mãi là điều quý giá nhất trên đời, vào đầu tuần này, Monday (17 Jan 2022) chúng con, chúng tôi đã tiếp tục lên đường cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo xứ Phật như mang lại chút hơi ấm cho người nghèo khi Xuân đến ..
23/01/2022(Xem: 5438)
Ngày 17 tháng 1 vừa qua, 36 người đại diện cơ quan Lập pháp, đảng Dân chủ cầm quyền đã đến Tổ đình Tào Khê, trụ sở Trung ương Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc, thủ đô Seoul, trước Đại Hùng Bảo điện trang nghiêm thanh tịnh, tại pháp hội Sám hối Hồng danh chư Phật 108 lạy hòa quyện với các ngọn nến lung linh, khói hương quyện tỏa, Hòa thượng Viên Hạnh, người đứng đầu Thiền phái Tào Khê, một tông phái Phật giáo ảnh hưởng lớn nhất Hàn Quốc cho biết: "Họ ăn năn hối cải vì những nhận xét không phù hợp".
20/01/2022(Xem: 5209)
Hôm nay thứ tư ngày 19/01/2022, TT Thích Tâm Phương đại diện chư Tôn Đức thuộc Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN đã đến tận nơi Xã Xuân Lãnh, Huyện Đồng Xuân, Tỉnh Phú Yên trao tặng 200 quà Xuân Nhâm Dần cho quý đồng bào nghèo, neo đơn, bao gồm gạo, dầu ăn, bánh kẹo, mền, quần áo mới và tiền mặt, mỗi phần trị giá 500 ngàn đồng VN. Thành tâm tán dương và cảm tạ quý Phật tử Tu Viện Quảng Đức đã đóng góp cho quỹ cứu trợ lần này.
18/01/2022(Xem: 4672)
Trong bài viết trước của tôi về Công nghệ Tư duy, chúng tôi bắt đầu khám phá khoa học thần kinh của ý thức, bằng cách xem xét các nghiên cứu hàng đầu. Chúng tôi đã lưu ý cách các phương pháp tiếp cận khoa học để nghiên cứu não bộ, đôi khi có thể khám phá con người và động vật từ góc độ sinh lý học mà không có sự phân biệt và chúng tôi thấy rằng, điều này có thể ảnh hưởng đến những thắc mắc, phương pháp nghiên cứu và cuối cùng là phạm vi kết quả giới hạn.
16/01/2022(Xem: 6139)
Thời gian đầu mới xuất gia La Hầu La quả thật là đáng chê Thân chưa thuần thục mọi bề Lời thời thô thiển người nghe buồn lòng Ý thời ô nhiễm vô cùng Phật Đà hay biết tìm đường giúp thêm Đưa về tịnh xá kề bên Tu tâm, sửa tánh ngài khuyên hàng ngày.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]