Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Người Có Con Mắt Thứ Ba

17/05/202015:22(Xem: 6487)
Người Có Con Mắt Thứ Ba

NGƯỜI CÓ CON MẮT THỨ BA

 Con Mat Thu 3 Cua Thay-2Con Mat Thu 3 Cua Thay-1

                                            

        Trong đời sống tâm linh, có hai bước ngoặt nổi bật và cực kỳ quan trọng đã làm thay đổi cả một cuộc đời của tôi, và tôi chắc sẽ còn ảnh hưởng sâu đậm đến tận những hơi thở cuối cùng của kiếp người mà tôi đã và đang khiêng mang vác gánh.

        Bước ngoặt thứ nhất, tôi cải đạo, rời xa giáo xứ, quy y Tam Bảo, trở thành đệ tử tục gia của Sư bà trú trì chùa Hang tọa lạc bên bờ hạ nguồn con sông Cái, học kinh trì chú, tập tành tu sửa và hành trì theo pháp Phật, với sự dìu dắt nhắc nhở hằng ngày của chồng tôi, một Phật tử thuần thành…

        Bước ngoặt thứ hai, tôi được gặp Thầy. Thầy đã hoan hỷ thâu nhận tôi vào hàng ngũ thiền sinh đang được Thầy hướng dẫn tu tập thiền định, hằng ngày hành trì ngũ giới, sám hối sáu căn, và điều tuyệt diệu nhất là được nghe những lời giáo huấn sâu sắc, những câu chuyện kỳ thú mầu nhiệm, những bài kệ câu kinh uyên huyền thâm thúy, hay những bài thơ áng văn mộc mạc từ bao lần trực tiếp giảng pháp của Thầy…

      Thầy, một giảng sư và giáo thọ của các lớp Phật Học dành cho tăng ni, cũng từng nhiều chuyến xuất ngoại đăng đàn thuyết pháp tại các thiền tự ở Úc và Hoa Kỳ. Thầy, một môn đồ xuất chúng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền của dân tộc Việt Nam. Trên bước đường du hóa, khi đến Nha Trang, chọn một chốn ngoại thành vắng lặng yên tĩnh, Thầy tạo lập một thiền thất nho nhỏ để từ đây vừa tu hành vừa thực hiện đại nguyện hoằng pháp lợi sanh của một người xuất gia. Nhân duyên hội đủ, tôi được phước duyên gặp Thầy, để rồi hằng ngày vượt đoạn đường 8 cây số bất kể nắng mưa, bắt đầu bước chân vào chốn Thiền đầy những mới lạ kỳ thú và vi diệu thiêng liêng…

       Thầy, y chỉ sư của tôi, là một ngọn bảo đăng soi chiếu sáng rực tứ bề trên con đường tu học mà tôi đã chọn để đi cho đến tận cùng.

      Khi chưa gặp Thầy, tôi chỉ là một Phật tử đơn thuần chỉ biết đi chùa lễ Phật, tay bưng ngọn đèn đi trên nẻo Đạo mà lắm khi không biết phải đi về đâu, đi về hướng nào, rẽ trái hay rẽ phải, thẳng tiến tới ngõ trước mặt hay quay trở lại đường sau lưng… Được gặp Thầy rồi, tôi từng buổi từng ngày tự tin hẳn lên trong cuộc sống hằng ngày có biết bao điều để đương đầu ứng phó. Tôi đã dần dần biết và kiểm soát được từng bước chân của mình. Tôi biết rõ mình đang đi đâu, đi tìm gì, khi nào dừng lại, khi nào bước nhanh, khi nào bước chậm rãi khoan thai, khi nào dũng mãnh bước những bước hiên ngang, và khi nào dừng chân đứng bất động trong tĩnh lặng. Quay về với nội tâm, quay về với chính mình, đó là nẻo đường mà ngón tay của Thầy đã hướng chỉ.

      Khi chưa gặp Thầy, tôi ê a đọc kinh, lâm râm trì chú, hai tay cung kính khư khư ôm mang pháp Phật như vũ khí hộ thân đi trên đường trường, mà lắm khi không rõ bảo vật mình mang theo đó có giá trị như thế nào, quý giá cỡ bao nhiêu, công dụng hữu hiệu ra làm sao… Được gặp Thầy rồi, tôi mỗi ngày mỗi sáng mắt lên, khai thông đầu óc, hiểu rõ từng câu pháp cú, biết được từng đoạn kinh hay, thấy được “gia trung hữu bảo” (của báu có trong nhà) để thôi nhọc công lung tung tìm kiếm ở những nơi xa xăm trắc trở và huyễn hoặc mơ hồ, mà tự trở về nhà mình lục lọi mang ra để chiêm bái, để nâng niu săm soi, để  nghiền ngẫm suy tư, để thực hành ứng dụng…

      Khi chưa gặp Thầy, cái Tôi, cái Ngã của tôi lúc nào cũng dềnh dàng phốp pháp, lềnh khềnh phỗng phao, nên rất ít khi tôi chịu nhường ai nhịn ai, rất ít khi tôi bao dung tha thứ, rất ít khi tôi nhận lỗi về mình mà cứ trách cứ bắt bẻ lỗi ở người. Tôi hay tự ái, tôi hay bừng bừng nổi cơn nóng giận, lẫy hờn, như một con thú hoang cứ mãi trúng tên lãnh đạn bị thương tổn giữa cuộc sống đa đoan và quá nhiểu thử thách… Được gặp Thầy rồi, tôi thấy được rõ mình chỉ là một sinh linh bé bỏng nhỏ nhoi, nhận ra mình chỉ là một hạt bụi giọt nước chẳng có ý nghĩa gì, chẳng có chút trọng lượng hay thể tích nào giữa muôn trùng núi cao biển rộng và đất trời bát ngát mênh mang.

       Từ khi được gặp Thầy, cuộc đời tôi như mở những trang sách mới. Tôi được thêm niềm tin, thêm nghị lực để bước từng bước trên con đường tu sửa có thể chuyển được nghiệp cho mình. Càng học càng tu sửa, tôi càng đương đầu chống chọi với nhiều thử thách gian truân, càng gặp nhiều thấy nhiều những chướng duyên nghịch cảnh đến với mình. Đôi lúc chướng duyên như gió bão, nghịch cảnh như hỏa hoạn ập đến bất thường và hung bạo, tôi yếu đuối chao đảo, tôi giãi đãi ngã nghiêng, tôi sân si gào thét… Nhưng rồi đã có Thầy. Thầy hiển hiện. Thầy hiện ra sừng sững và sáng trưng, không phải bằng hình tướng mà bằng đạo hạnh, bằng từ ngôn hiền ngữ vốn đã thấm sâu vào tâm tưởng của tôi từ những ngày tôi theo học Đạo. Thầy đã dìu đỡ tôi đứng dậy sau khi tôi vấp ngã. Thầy đã hóa thân thành một trụ cột vững chãi chắc chắn cho tôi nương tựa khi tôi lảo đảo liêu xiêu, và  thành chiếc phao cứu sinh căng đầy hơi khí cho tôi bám víu khi tôi đang vũng vẫy chới với giữa sóng nước cuồn cuộn…

       Từ khi được gặp Thầy, tôi biết buông xả. Tôi tha thứ cho người khác một cách dễ dàng. Tôi tự làm tiêu tan cơn giận đang nổi lên trong mình một cách chớp nhoáng. Tôi bỏ ngoài tai một cách dửng dưng những lời đàm tiếu chê bai, những lời khích bác dè bĩu của người khác ném bắn vào mình, và tôi biết cả cách nghe bên tai này cho chạy qua tai kia đi mất hút cả những lời khen tụng ngợi ca mà mọi người dành cho mình. Tôi biết cách hòa hợp với đại chúng, hòa đồng với đạo tràng có lắm đạo hữu mà trước đó tôi đã rất kiêng dè sợ sệt. Tôi biết cách bình tâm đón nhận những chuyện buồn lo, những biến đổi trái ý, những phiền não từ bát phong trong cuộc sống đời thường, để sáng suốt xử lý và giải quyết một cách nhẹ nhàng và hiệu quả.

      Chặng đường bắt đầu theo Thầy học đạo, tu tâm sửa tánh của tôi không những không phải phẳng phiu thông thoáng, thuận lợi dịu êm, mà còn phải đương đầu với rất nhiều hố hầm đồi núi, vượt qua những lùm bụi gai góc nhớp nhơ. Tôi tu học cũng đâu phải xuất sắc giỏi dang gì, dù luôn quyết giữ tinh tấn, cố giữ oai nghi, nhưng bản lĩnh yếu kém, đạo lực chưa đủ lớn mạnh để chiến đấu với ma quân, tranh sức với tà kiến, cho nên đã đôi lần tôi buông tay lùi bước…

      Tôi đã có lần mang ý định rời bỏ Thầy, đã đôi lần có ý chạy trốn khỏi đạo tràng mà mình đang gắn bó sinh hoạt thiền tập; cũng đã đôi lần đi tìm một chốn già lam khác, một vị Thầy khác để tiếp tục cuộc hành trình cầu đạo tu tâm.Vậy mà, tôi không đi đâu nơi khác được, đã có đi rồi nhưng lại phải quay trở về với Thầy. Như một mối duyên tiền định, vô hình vô ảnh, tôi không thể tìm một vị Thầy nào khác hơn ở một thiền tự nào khác hơn. Đạo hạnh và oai nghi của Thầy, cùng với khung cảnh thân thương của thiền thất, sự quan tâm thân thiện của đạo hữu, và những buổi tối tụng kinh với nghi thức sám hối sáu căn, những buổi pháp thoại vang vang văng vẳng tiếng Thầy chân tình điểm đạo, khai mở trí tâm… đã níu đôi chân tôi lại, kéo thân tâm tôi quay về. Thầy đã xem như không có chuyện gì xảy ra, và đón nhận đứa con lêu lỗng trở về bằng cái Tâm của một người cha tinh thần đầy Bi - Trí - Dũng.

      Thầy như có con mắt thứ ba. Tuệ nhãn, con mắt của trí tuệ bất khả tư nghì. Chính những lúc tôi chao đảo thì Thầy xuất hiện nhắc nhở khuyên lơn. Những khi tôi nhụt chí chùn chân thì bóng Thầy loáng thoáng một bên, động viên an ủi. Những lần tôi trăn trở với những câu hỏi to tướng luẩn quẩn trong đầu, thì lời giảng của Thầy chiếu rọi vào làm cho tôi tỉnh ngộ thông suốt. Rất nhiều lần tôi thấy như mình đang có mặt trong bài thuyết pháp của Thầy dành cho đại chúng, có mặt với những khuyết nhược điểm cần được chỉnh sửa xóa bỏ. Lạ nhất là mỗi khi tôi cảm thấy chơ vơ, lạc lõng, đứng ngồi không yên, thì Thầy gọi điện thoại thăm hỏi đúng lúc, hoặc gọi tập trung đi theo Thầy cùng đạo tràng hộ niệm. Thầy như đọc được ý nghĩ, thấy được suy tư, và nắm được những nỗi băn khoăn khắc khoải đang được giấu kín trong thâm tâm tôi. Từ đó, ánh sáng của Trí Tuệ từ Thầy đã truyền vào và thấm đẫm trong tôi, lôi tôi ra khỏi vùng u mê tăm tối, kéo tôi ra khỏi cõi rối rắm nhiêu khê, để cho tôi ngày càng tăng trưởng niềm tin vào Phật pháp, tinh tấn bước chậm mà chắc trên đường tu học còn dài hun hút thênh thang…

       Đã có lắm lúc tôi chợt nghĩ, mai sau, ừ phải, mai sau gẫm theo lẽ vô thường, và gẫm theo lý nhân duyên, nếu pháp duyên giữa tôi và Thầy bỗng dưng đứt đoạn, đạo duyên đột ngột tắt nín tan bay, tôi sẽ không còn được theo Thầy để tu học nữa, không còn được hằng ngày bước chân vào chốn thiền môn của Thầy nữa, thì tôi vẫn tin rằng, tin chắc, mỗi bước đi của tôi trên một nhánh đường Đạo nào đó đã khác lạ, đều vẫn được “con mắt thứ ba” của Thầy dõi theo không rời, không rời…

       Rồi thiệt vậy, đến một ngày duyên tan nợ dứt, tôi rời khỏi đạo tràng tu thiền, rời khỏi thiền tự, rời khỏi Thầy để tự đi trên lối đi tự tìm chọn thích hợp hơn với căn cơ và hoàn cảnh gia đình của mình. Không sao hết! Tuy xa nhưng vẫn gần, rời mà vẫn ở lại nơi bóng của Thầy vẫn luôn tỏa trùm để chở che bảo bọc cho tâm linh của tôi…

      Từ đó đến nay, tôi vẫn luôn trăn trở với câu hỏi tự đặt ra và tự trả lời: Nếu không được gặp Thầy, không biết bây giờ tôi là một người ngợm gì? Đó là một câu hỏi lớn, mà chỉ có mỗi mình tôi giải đáp được cho cặn kẽ, rốt ráo. Nhưng, có thể còn một người thứ hai giải đáp được, đó là người có “con mắt thứ ba”: Thầy!

 

Tâm Không Vĩnh Hữu
(ghi lại & nhuận sắc tự sự của một Phật tử)

Con Mat Thu 3 Cua Thay-4Con Mat Thu 3 Cua Thay-3

                                            

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/10/2011(Xem: 8382)
Danh từ Hạnh Phúc cũng như Thực Phẩm, có nhiều nghĩa khác nhau. Có thức ăn cho kẻ nghèo, cho người trung lưu và hạng người giàu sang. Có những loại thức ăn quốc tế, sản xuất từ các vùng khác nhau, tất cả đều bồi dưỡng cho cơ thể. Hạnh Phúc cũng thế. Tùy theo giai cấp và sự hiểu biết mà con người có cách nhìn khác nhau về hạnh phúc. Hạng người trí thức có quan điểm hạnh phúc khác với những người bình dân sống cuộc đời đơn giản, nhưng các bậc Giác Ngộ mới đạt được Hạnh Phúc Tối Thượng.
20/10/2011(Xem: 9475)
Bên nắng hồng xưa cũ Màu lam phủ chân đồi đời người bao suơng gió niềm tin vẫn lên ngôi Gió thức giấc sáng nay sưởi ấm lòng ẩn sĩ bên vô ngã vô thường an nhiên cùng chánh pháp ..
20/10/2011(Xem: 8091)
Chúng ta tự khẳng định là con của Đức Phật, nhưng chưa thấy Phật thì phải đi tìm Phật, như đi tìm người cha mà mình bị thất lạc; đó là quá trình tu hành của giai đoạn một. Và đến giai đoạn hai, khi tìm được Phật là thấy Phật rồi, chúng ta mới thật sự học Phật, làm theo Phật, là giai đoạn ba.
11/10/2011(Xem: 8078)
Cho dù bạn chỉ có một giờ để sống, một phút để sống, mục đíchcủa cuộc đời vẫn là sống vì sự lợi lạc của người khác, với một trái timtốt lành, với lòng bi mẫn đối với người khác.
09/10/2011(Xem: 6876)
Tôi thích lang thang trên hè phố để ngắm nhìn những em bé đang tung tăng cắp sách đến trường. Những khu chợ đông vui mà trật tự, đường phố thì khang trang và sạch sẽ.
06/10/2011(Xem: 7932)
Ở đây một trong những người thầy vĩ đại của thời đại chúng ta đặc biệt nói chuyện cùng những người trẻ và trình bày một triết lý thực tế của sự giáo dục không liên quan gì đến những cống hiến hiện nay trong hầu hết những trường học và đại học của chúng ta. Krishnamurti phơi bày những gốc rễ của sợ hãi và loại bỏ những thói quen được thiết lập sâu thẳm của truyền thống, mô phỏng, và thành kiến.
04/10/2011(Xem: 7603)
Tiếp theo, chúng ta nói về sự bố thí. Phía trước tôi đã nói đến có một lần tôi ở trường học, hôm khánh thành toà lầu Học viện Thương nghiệp, tôi cũng tham gia buổi lễ khai mạc. Trong buổi lễ, nhà trường có mời một vị giáo thọ người Mỹ nổi tiếng của Học viện Thương nghiệp đến diễn giảng. Sau khi tôi nghe rồi, tôi có cảm khái rất sâu sắc. Bởi vì ngay lúc đó hiệu trưởng đang ngồi bên cạnh tôi, chúng tôi rất thân quen nhau, tôi liền cảm khái nói với hiểu trưởng, tôi cười đùa mà nói với ông rằng giáo trình của Học viện Thương nghiệp này tôi cũng có thể dạy.
02/10/2011(Xem: 8603)
Hôm nay chúng tôi giảng về Sự tương quan giữa Bát-nhã và Thiền tông. Đề tài này hơi cao, quí vị chịu khó lắng nghe kỹ mới thấy giá trị của đạo Phật. CácThiền viện của chúng tôi trước khi sám hối phải tụng một biến Bát-nhã Tâm Kinh. Sau khi xả thiền cũng tụng một biến Bát-nhã Tâm Kinh. Nhiều người hỏi tại sao không tụng kinh khác mà lại tụng Bát-nhã Tâm Kinh. Bởi vì Bát-nhã Tâm Kinh là một bài kinh rất thiết yếu cho người tu Phật, chẳng những tu Thiền mà tu Tịnh, tu Mật đều quí cả.
25/09/2011(Xem: 9492)
Chúng ta không cần đi đâu xa, ở ngay tại nhà nhìn qua trang báo hằng ngày cũng đủ cho chúng ta thấy những tệ nạn xã hội hiện nay như thế nào. Rượu chè, cướp bóc, cờ bạc, mãi dâm... xảy ra thường xuyên, nếu ta có thời giờ bỏ ra vài năm hay cả cuộc đời để thống kênhững sự kiện ấy cũng không thể nào hết được, vì thế mà các nhà báo chí không thất nghiệp, nay tường thuật tệ nạn này, mai báo cáo tệ hại khác...
25/09/2011(Xem: 9063)
Dịch giả trước đây đã nêu lên chủ đề này qua một bài viết ngắn vàongày 7 tháng 8 năm 2010, mang tựa đề là "CâuChuyện về Barlaam và Joasaph: hay một sự trùng hợp lạ lùng giữa các tôngiáo",(có thể xem bài này trên các mạng Thư Viện Hoa Sen, Quảng Đức...). Thế nhưng quả là một sự ngạc nhiên kỳ thú là khilùng lại các tài liệu cũ thì tình cờ mới thấy rằng trước đó gần một năm Viện ĐạiHọc Phật Giáo Âu Châu (UBE : Université Bouddhhique Européenne) cũng đã đưa vấnđề này lên mạng trong số phát hành ngày 1 tháng 12 năm 2009, tức là vào dịp nhữngngày lễ cuối năm ở Âu Châu. Bài viết này có thể xem như là một bài khảo cứu nêulên một số dữ kiện để chúng ta cùng suy tư về một vài khía cạnh nào đó của tôngiáo nói chung.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]