Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà

05/05/202015:41(Xem: 5828)
Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà

Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà

 Phatgiao-org-vn-Con-hu-tai-me-chau-hu-tai-ba-01

     Mẹ là từ gọi đầu tiên của loài người khi bắt đầu biết nói và cũng có lẽ cho mọi sinh vật trên trái đất, bởi hơn thế nữa mẹ là người đã đưa những sinh linh bé nhỏ đi vào cuộc đời mênh mông sau những tháng ngày ấp ủ trong lòng mình. Vì thế quả thật mẹ là ngôn từ vĩ đại nhất mà mọi sinh vật phải biết ơn và tự hào để có mặt trên cuộc đời này. Ngoài những điều hy sinh khó nhọc người mẹ đã làm còn bởi lẽ Đức Phật dạy rằng khi được thân người với đầy đủ ngũ quan, thông minh, khoẻ mạnh là một đặc ân lớn cho kiếp người nữa. Cho nên Ngài vẫn luôn nhắc nhở đến chữ hiếu “Làm con hiếu hạnh vi tiên” hay “Cha mẹ hiện tiền như Phật tại thế”. Nho giáo thì dạy rằng “ Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên” trong hằng trăm đức hạnh của con người hạnh hiếu là điều trên hết. Vì vậy được làm  ngườicó tiếng nói, có ngôn ngữ biết suy tư hơn những sinh vật khác thì mẹ càng được hiểu là những gì thiêng liêng cao quý và gần gũi nhất.

    Là người mẹluôn được gần gũi, thương yêu và chăm sóc những đứa con là điều hạnh phúc cho dù phải chịu nhiều phần cực nhọc. Bởi đó là sứ mệnh cao quý đã làm tốn kém bao nhiêu là giấy mực, sách vở từ Đông sang Tây, biết bao nhiêu thi ca âm nhạc tôn vinh thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Những ai đã từng đọc lá thư thật cảm động của người bố gởi cho cậu bé Enrico khi bắt gặp cậu bé nói những lời không đẹp với mẹ cậu trong cuốnsách Tâm hồn cao thượng của tác giả người Ý Edmondo De Amicis được Hà Mai Anh dịch. Cuốn sách một thời đã từng là kim chỉ nam cho rất nhiều thế hệ trong đó có chúng tôi, với những câu chuyện ngắn đầy tính nhân văn giáo dục đạo đức mà cho đến bây giờ khi có dịp đọc lại vẫn thấy còn đầy nguyên cảm xúc. Người mẹ, người phụ nữ nào ở bất cứ nơi đâu cũng luôn được trân quý và yêu thương bởi sự hy sinh, vất vả một đời. Đối với người VN vai trò người mẹ trong gia đình còn quan trọng hơn nữa khi được gọi là nội tướng với rất nhiều trọng trách. Khi bắt đầu làm mẹ trong dân gian VN cũng có những câu ca dao như:

                   Con vào dạ, vạ vào lòng.

     Hay

                   Con vào dạ, mạ phải tu

     Để nhắc nhở đến những hiểm nguy cũng như những gì người mẹ tương lai phải biết. Với những lời khuyên hữu ích này người mẹ cần phải sống đời sống nghiêm minh, đạo đức từ tinh thần đến thể chất trong suốt thai kỳ để bảo vệ và giáo dưỡng mầm sống theo chiều hướng tích cực tốt đẹp hay còn gọi là thời kỳ thai giáo, cho nên người mẹ còn được hiểu như vị thầy đầu tiên trong đời để giáo dục con cái nữa. Do đó nếu nhìn nhận nghiêm túc và đúng đắn thì quả thật người phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng cho một nền tảng gia đình vững chắc và cho cả sự hình thành nhân cách của mỗi con người nữa. Trong lịch sử lâu đời của Trung quốc từng ghi lại rằng các bậc Thánh hiền, những triết gia lỗi lạc đều có những bà mẹ tuyệt vời bên cạnh như Đức Khổng Tử, Thầy Mạnh Tử hay Tăng Tử …mà trong đó câu chuyện điển hình về bà mẹ Mạnh Mẫu Chương Thị có thể xem là bài học quý báu cho tất cả các bà mẹ trên toàn thế giới. Tục ngữ VN có câu ‘Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” là câu nói để thấy rõ hơn sự quan trọng của người mẹ như thế nào. Trước năm 1975 dưới thời Đệ nhị Cộng hòa trong kỳ thi văn toàn quốc dành cho khối Trung học đệ nhị cấp Bộ giáo dục cũng đã ra đề thi :Hãy bình giảng câu: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà mà tôi là người may mắn được nhà trường tuyển chọn đi tham dự.

    Khi ấy tôi đang là học sinh lớp 10 của trường Nữ trung học Lê Văn Duyệt niên khóa 1971-1972. Ngôi trường nữ này thuộc tỉnh Gia Định mang tên vị quan Đại thần nhà Nguyễn có khu lăng mộ nổi tiếng là Lăng Ông Bà Chiểu và trường cũng ở không xa khu di tích này. Có một điều chắc rằng bây giờ chẳng ai còn nhớ đến cái thời kỳ mà bọn học trò chúng tôi phải đi học ban đêm và cũng không hiểu vì sao Bộ Giáo dục lại cho mở thêm những lớp buổi tối tại các trường công lập như vậy, lúc đó vào khoảng năm 1969. Khi lớp học ban ngày ra về thì chúng tôi vào lớp lúc 6 giờ chiều và kết thúc buổi học lúc 10 giờ tối, sỉ số học sinh của lớp chỉ có 40-45 người, nên chúng tôi ngồi học rất thoải mái với bàn đôi nhưng ghế chiếc, trước khi ra về mỗi người phải đem ghế của mình úp lên bàn để những người lao công đến quét dọn dễ dàng, không như ở các trường tư thục học sinh phải ngồi chật chội trên những băng ghế dài.

Những ai đã sống ở miền Nam VN trước năm 1975 đều biết rõ hệ thống giáo dục thời ấy có 3 cấp: Tiểu học, Trung học và Đại học. Hết bậcTiểu học phải thi tuyển chuyển cấp, hết lớp Đệ nhị phải thi Tú tài phần I, hết lớp Đệ nhất phải thi Tú tài phần II, đậu cả 2 kỳ Tú tài mới được lên Đại học. Đến năm 1970 Bộ giáo dục thay đổi cách gọi các lớp học bằng số từ lớp Năm thành lớp 1 đến lớp Đệ nhất thành lớp 12. Năm 1974 Bộ giáo dục lại có một sự thay đổi đặc biệt khác là bỏ hẳn kỳ thi Tú tài I, chỉ còn lại một lần thi Tú tài hết cấp Trung học thôi,ngoài ra thí sinhcũng không còn phải làm bài thi viết nữa mà thi trắc nghiệm đánh dấu ABCD và do hệ thống máy tính IBM chấm điểm. Lúc đó chúng tôi tuy là học sinh lớp tối nhưng cũng được đến Nha khảo thí để thực tập thi thử, tiếc rằng đây là lần thi đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của Miền Nam VN.

     Trong tất cả 12 lớp học đầu đời, điều làm cho các phụ huynh thời ấy lo lắng nhất cho con em của mình chính là kỳ thi tuyển hết cấp bậc Tiểu học. Bởi đây là kỳ thi quyết định cho tương lai cuộc đời của những đứa trẻ vì sự quan trọng của nó. Các trường công nhận học sinh thi tuyển có giới hạn nên học sinh nàothi đậu kỳ thi này sẽ được vào học các trường công lập của chính phủ, có hệ thống giáo dục chính thức, các thầy cô giáo tốt nghiệp các trường Sư phạm được đào tạo căn bản, chính thống, trường có kỷ luật nghiêm túc và không phải trả một khoản phí tổn nào cho việc học suốt 7 năm của bậc Trung học. Ngược lại nếu rớt phải đi học  trường Tư thục do tư nhân mở ra như một loại công ty kinh doanh, phải đóng học phí hàng tháng và chắc chắn không được thầy cô quan tâm theo dõi việc học hay khuôn phép kỷ luật như ở các trường công lập. Do đó khi được nhận vào học lớp buổi tối chúng tôi thấy thật sự cảm kích và biết ơn Bộ giáo dục khi ấy vô cùng. Bởi vì cho dù là lớp đêm chúng tôi cũng được học chương trình chính thức của Bộ, cũng được các thầy cô giáo dạy lớp ban ngày ở các trường công lớn như Gia long, Trưng vương đến dạy và đặc biệt được hưởng tất cả các quyền lợi như các học sinh ban ngày. Đó là lý do tôi cũng được nhà trường tuyển chọn đi tham dự môn thi văn toàn quốc. Kỳ thi năm ấy được tổ chức tại trường Gia Long nằm trên đường Phan Thanh Giản mà nay đã đổi tên là đường Điện Biên Phủ.

      Sở dĩ tôi phải đi học trường tư thục cho đến năm lớp 8 mới được vào học lớp buổi tối của trường nữ Lê Văn Duyệt là bởi quyết định của mẹ tôi, phải don nhà từ Thành phố Tam kỳ thuộc Tỉnh Quảng tín vào Sài gòn lúc gần cuối niên học của mùa hè năm 1967, vì vậy tôi không có cơ hội tham dự kỳ thi tuyển cấp bậc Tiểu học này. Mẹ chúng tôi là người phụ nữ mạnh mẽ quyết đoán và rất siêng năng nên sống ở đâu cũng đều chịu khó, chịu cực mở tiệm ăn buôn bán, chính nhờ vậy mà suốt những năm tháng tuổi thơ anh em chúng tôi lúc nào cũng được no đủ vì không sống dựa vào đồng lương lính ít ỏi của bố chúng tôi. Khi cái quán ăn đang bán buôn tấp nập thì tình hình chiến sự ngày càng trở nên khốc liệt. Chỉ cách vài ba đêm bắt đầu với những tiếng súng nổ lớn nhỏ, tiếng đại bác, tiếng rít của pháo sáng hỏa châu là tất cả chúng tôi những đứa lớn bị đánh thức dậy để tự chạy xuống cái hầm nhỏ chất đầy bao cát chung quanh, bên dưới của tấm phản gỗ dầy, còn những đứa bé hơn mẹ tôi phải bồng từng đứa đẩy vào trong hầm, nằm chen chúc chật chội như vậy cho đến sáng.

Có lẽ vì quá mệt mỏi vớimỗi đêmnhư vậy và cũng để bảo vệ sinh mạng của bầy con 8 đứa mẹ tôi quyết định vào sống hẳn ở Thủ đô Sài gòn để không còn thấy cảnh chiến tranh nữa. Quyết định của mẹ tôi thật là sáng suốt bởi chỉ vài tháng sau là mùa xuân năm 1968, cũng là cái Tết Mậu thân kinh hoàng xảy ra khi Cộng sản tổng tấn công vào miền Nam VN. Quân CS đã sát hại rất nhiều người đủ mọi thành phần công chức, trí thức của Miền Nam, không loại trừ cả những người dân vô tội nữa, rồi đẩy tất cảxuống hố chôn tập thể, cảnh tượng thật khủng khiếp, đau thương không thể nào diễn tả hết được mà trong đó kinh thành Huế là nơi lãnh chịu hậu quả thảm khốc nhất. Thật may mắn lúc đó chúng tôi đã có mặt ở Sài gòn trong khi bố chúng tôi vẫn còn đang làm việc tại Ty An ninh Quảng tín.

       Trở lại đề bài thi Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà khi ấy, với tuổi đời còn quá nhỏ để có thể hiểu biết và cảm nhận hết thế nào là trách nhiệm của một người phụ nữ trong gia đình. Nhưng tôi đã viết bằng tất cả cảm nghĩ chân thành của mình qua hình ảnh vất vả của mẹ tôi cùng với những gần gũi, chia sẻ mà chúng tôi có được từ mẹ nhiều hơn so với bố là người lính trong Quân lực VNCH, quanh năm bận rộn với công vụ lại trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, thì quả thật người mẹ bao giờ cũng là chỗ dựa duy nhất, là tác nhân chính ảnh hưởng rất nhiều đến những đứa con ở thế hệ chúng tôi lúc bấy giờ. Cuối cùng kết quả kỳ thi văn năm ấy tôi chỉ đạt giải ba nhưng ít nhiều đã thấu hiểu rõ hơn về vai trò của chính mình là người phụ nữ cho tương lai của một gia đình sẽ quan trọng như thế nào.

     Một lần cách đây khá lâu có dịp đọc bài viết với tựa đề Bà mẹ nước nào là số một? của nhà báo Ngô nhân Dụng, với câu chuyện tranh luận khá sôi nổi về đề tài giáo dục con cái mà trong đó bà mẹ Trung hoa Amy Chua bảo vệ quan điểm nghiêm khắc của mình trong việc mạnh mẽ, cứng rắn với con cái qua suy nghĩ để chúng hiểu biết hơn và thành công hơn theo đúng đường hướng mong muốn của cha mẹ. Câu chuyện thật là thú vị mà có lẽ cũng là vấn đề, vấn nạn trong nhiều gia đình gốc Á châu, nhất là hiện nay đang sống ở Mỹ, đối diện với thực tế chứ không qua sách vở càng nhìn thấy rõ hơn sự xung đột gay gắt vì những thái quá bất cập giữa 2 nền giáo dục Đông Tây. Bởi vậy đã có không ít những câu chuyện đau buồn xảy ra trong các gia đình Á châu khi cha mẹ chỉ mong con cái thành đạt theo ý muốn để được vui lòng và tự hào. Trong khi người Mỹ thì ngược lại họ không làm như vậy, mà luôn thương yêu chiều chuộng và tôn trọng con trẻ theo văn hóa và luật định nhưng chỉ đến năm con 18 tuổi cha mẹ Mỹ không còn trách nhiệm với con cái nữa, hai nền văn hóa hoàn toàn khác nhau thật là khó dung hợp. Riêng người VN luôn xem gia đình là quan trọng, là nơi nương tựa cho dù ở bất cứ tuổi nào nên mới có câu:

            Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ

            Đi suốt đời lòng mẹ vẫn bên con

     Hoặc như

           Mẹ già 90 còn thương con 71

      Đó là tình thương của người mẹ vô thời hạn trong mỗi gia đình thời xa xưa, cũng như quan niệm một thời “Trẻ cậy cha, già cậy con” được xem là tình cảm thiêng liêng, là trách nhiệm của mỗi con người biết tri ân và báo ân cũng đã không còn thích hợp nữa. Thế giới bây giờ mọi thứ đã đổi khác, cha mẹ đến tuổi già phải chấp nhận con đường sẽ đến là Viện dưỡng lão, không còn cơ hội gần gũi con cái lúc cuối đời để yêu thương hay được yêu thương nữa mà phải biết thích nghi để sống cảnh tuổi già cô đơn, ngoại trừ những trường hợp may mắn được ở nhà nếu không bị đau ốm nặng nề. Còn đối với trẻ con là sinh vật quý báu ở Mỹ cũng phải chịu chung số phận hẩm hiu, ngậm ngùi với tuổi thơ hiu quạnh khi sinh ra đời cũng chỉ được ở bên mẹ vài ba tháng đầu, sau đó phần lớn thời gian sẻ phải sống với người xa lạ, trừ khi may mắn lắm có được ông bà bên cạnh. Đó là những cảnh gia đình còn có gia đình, nếu không may cha mẹ li dị thì những đứa trẻ lại càng đáng thương hơn rất nhiều, với suốt những năm tháng tuổi thơ bơ vơ lạc lỏng khi về với mẹ, lúc về với cha. Vì vậy cho dù đời sống văn minh hiện đại có thay đổi thế nào thì có lẽ vai trò người phụ nữ, người mẹ trong gia đình vẫn không thể nào thay đổi được. Người phụ nữ bao giờ cũng là nền tảng bảo vệ gia đình, là cột trụ chống đỡ, là người có nhiều ảnh hưởng và cũng là người mang hạnh phúc đến cho những đứa con nhiều nhất. Vì vậy trong ca dao VN  có câu:

            Mồ côi cha ăn cơm với cá.

            Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường.

     Chính vì tình yêu thương cũng như những trọng trách nặng nề là một thách thức rất lớn cho người phụ nữ trong thời hiện đại này khi không chỉ là nội trợ trong nhà mà còn có vô số công việc, vô số trách nhiệm ở bên ngoài xã hội nữa, bắt buột người phụ nữ phải suy nghĩ thật nghiêm túc nếu muốn gánh vác thêm vai trò làm mẹ, thật không phải là điều dễ dàng. Vì vậy không cần phải tranh luận hơn thua, đúng sai về cách giáo dục của bà mẹ nước nào là số một. Điều quan trọng là sau những năm tháng đầy ắp niềm vui, tiếng cười trong nhà khi có sự hiện diện của những đứa trẻ, thì cách giáo dục nào có thể cung ứng cho gia đình,cho xã hội những thành viên ưu tú, những người công dân có đạo đức tốt lành thì đó là người mẹ ưu việt nhất.

    Những người phụ nữ đảm đang, tài đức đem lại sự thịnh vượng cho gia đình còn được gọi là “ Vượng phu ích tử” hay có câu nói “ Sau lưng người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ” để thấy rõ hơn sự cần thiết của người phụ nữ trong mỗi gia đình như thế nào. Trong lịch sử VN có Nguyên phi Ỷ Lan là vị vương phi của vua Lý Thánh Tông cũng là người có tài đảm lược nhiếp chính khi nhà vua phải thân chinh đi dẹp giặc, được dân chúng thời bấy giờ ca ngợi, kính mến. Điều đó cho thấy người phụ nữcũng có những tư chất thiên phú thông minh, màĐức Phật là bậc đại trí là vị giáo chủ duy nhất cách đây 2600 năm đã nhìn thấy giá trị ở nơi người phụ nữ để rồi chính Ngàilà người đã đem đến sự bình đẳng, bình quyền cho nữ giới sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Trong cuốn sách Phật giáo nhìn toàn diện của Hòa thượng Piyadassi Manhàthera người Tích lan được dịch giả Phạm Kim Khánh chuyển ngữ sang tiếng Việt cũng đã dành trọn chương 12 nói về Người phụ nữ trong văn học Phật giáo với rất nhiều những câu chuyện về những người phụ nữ được ĐứcPhật hướng dẫn, giáo hoá cũng như khen ngợi khi Ngài còn tại thế.

     Vì vậy tất cả những người trí thức, hiểu biết luôn thương yêu và tôn trọng phụ nữ, điều này cũng đồng nghĩa với việc người phụ nữ không thể dễ duôi mà phải luôn trau dồi nhân cách, giữ gìn đạo đức phẩm hạnh của mình. Không ai có thể giúp hay cho mình nhân cách như lời Đức Phật đã từng dạy trong bài kinh Suy nghiệm về nghiệp:

       _ Không phải do dòng dõi thọ sinh mà một người cao quý hay thấp hèn, chính hành vi tạo tác khiến người thấp hèn hay cao quý.

   Trường học có hàng trăm môn học để giúp con người kiếm tiền dễ dàng, nhưng trường đời chỉcó một môn duy nhất là học làm người thì lại không dễ dàng chút nào. Khi dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, đang làm đảo lộn mọi trật tự thế giới,không biết có giúp con người nhìn lại, học lại về một lối sống tử tế trong thời gian phải sống chậm vì cách ly này? Bởi thật sự là khủng khiếp khi thần chếtkhông đến thăm một xóm, không đến thăm một làng hay một thành phố mà đến khắp cả địa cầu, gây hoang mang chết chóc cho nhân loại chưa từng bao giờ xảy ra. Nguy hiểm hơn nữa loại dịch bệnhnày cắt ngang sự sống của con người nhanh nhất qua con đường hơi thở mà cho dù khoa học có tiến bộ đến đâu cũng chỉ có thể thay tim, gan hay thận…nhưng không thể nào thay thế hơi thở.Thật là kỳ diệu khi điều này vẫn luôn được Đức Phật nhắc đến đã từ rất lâu trong phương pháp hành thiền gọi là Sổ tức quán, hít thật sâu thở thật chậm, thiền định quán chiếu về hơi thở để thấy sự vô thường mong manh của đời sốngmà con người vẫn hay vội vàng quên mất.

Chúng tôi đã đi quá xa cái tuổi Ngũ thập tri thiên mênh để có thể tri kiến thêm nhiều điều, càng nhận ra rằng mình thật là may mắn khi cho đến hôm nay 2020 chúng tôi vẫn còn có mẹ, có một loại gene thật tuyệt vời. Mẹ chúng tôi sinh năm 1928, năm nay đã 92 tuổi tây có nghĩa 93 tuổi ta, vậy mà dù phải trải qua những tháng năm vất vả từ khi thơ ấu cho đến bây giờbà vẫn còn khoẻ mạnh, đi đứng bình thường. Chuyện đời tuy có lẫn lộn quên quên nhớ nhớ nhưng Đức Phật thì không bao giờ quên, thấy hình ảnh Phật ở bất cứ đâu đều chắp tay xá lạy,vẫn luôn miệng cười hay hát những bài ca mình yêu thích, giọng nói vẫn sang sảng đọc làu thông những câu thơ Kiều, những câu thơ trong Chinh phụ ngâm khúc… dù chưa từng được đến trường học. Nghĩ đến mẹ, đến những người phụ nữ càng thấy thương cho những đứa trẻ mồ côi hay cả những đứa trẻ có cha có mẹ cũng như vô gia đình vì hiện trạng xã hội ngày nay. Một thế giới không còn thuần chủng, lẫn lộn khiến con người luôn cảm thấy bơ vơ, lạc lỏng không gốc rễ cội nguồn giữa một gia đình có nền tảng không vững chắc.

Để kết thúc bài viết này xin mượn những dòng thơ của Thiền sư Nhất Hạnh,bài thơmà mỗi độ Vu lan về lại lấy đi hàng ngàn giọt nước mắt.

         Năm xưa tôi còn bé

         Mẹ tôi đã qua đời

         Lần đầu tiên tôi hiểu

         Thân phận kẻ mồ côi

         Quanh tôi ai cũng khóc

         Im lặng tôi sầu thôi

         Để dòng nước mắt chảy

         Là bớt khổ đi rồi

         Hoàng hôn phủ trên mộ

         Chuông chùa nhẹ rơi rơi

         Tôi thấy tôi mất mẹ

         Là mất cả bầu trời.

California, Mother’s Day 2020

NAM PHƯƠNG ( Nghiêm Thủy )

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/08/2010(Xem: 15364)
Nghe đài, đọc báo, xem sách “HOÀNG SA – TRƯỜNG SA” âm từ bốn chữ mà sao thấy nao lòng. Có lẽ tình yêu thương Tổ quốc, đã ăn sâu vào trong máu, trong xương. Dù chưa thấy Trường Sa, Hoàng Sa nhưng khi nghe bãi cát vàng dậy sóng càng muốn biết cho tường. Tôi ước ao được thấy Trường Sa, Hoàng Sa và đã thấy được Trường Sa, dù chưa hết, biết chưa khắp, nhưng đã tận mắt, đã đặt chân lên Trường Sa đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn. Thấy gì, biết gì, nghe gì chỉ một chuyến đi 12 ngày tạm đủ cho một lão già 76 tuổi muốn đem hai chữ Hoàng Sa, Trường Sa vào hồn.
22/08/2010(Xem: 7156)
Khi có mặt trên cuộc đời này, tiếng gọi đầu tiên mà ta gọi đó là Mẹ, tình thương mà ta cảm nhận được trước nhất là tình của Mẹ, hơi ấm nồng nàn làm cho ta cảm thấy không lạnh lẽo giữa cuộc đời được toả ra từ lòng Mẹ, âm thanh mà ta nhận được khi chào đời là hai tiếng “con yêu” chất liệu nuôi lớn ta ngọt ngào dòng sữa mẹ như cam lộ thiên thần dâng cúng Phạm Thiên.
21/08/2010(Xem: 7291)
NHỮNG LỜI DẠY THỰC TIỄN CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA Tựasách : «108 perles de sagesse du Dalai-Lama pour parvenir à la sérénité» Nhàxuất bản: Presse de la Renaissance, Paris 2006. Do nữ ký giả Phật tử CathérineBarry tuyển chọn - Chuyển ngữ Pháp-Việt : HoangPhong
19/08/2010(Xem: 8651)
Tại Keelung, Đài Loan có một cửa hàng với cái tên là “Ngộ Duyên Hào”. Ông chủ Lâm vốn là một người rất tử tế, xung quanh khu vực ông sống có rất nhiều những cư dân đánh cá hay kiếm sống quanh đó.
09/08/2010(Xem: 8647)
Câu chuyện dưới đây thật xa xưa, có lẽđã xảy ra từ thời Trung cổ tại Âu châu và cả nhiều thế kỷ trước đó tại Trung đông.Tuy nhiên chúng ta cũng có thể khởi đầu câu chuyện với một sự kiện chính xác hơnxảy ra vào thế kỷ XVI khi tòa thánh La-mã phong thánh cho hai vị mang tên là Barlaamvà Joasaph, và chọn ngày 27 tháng 11 mỗi năm để làm ngày tưởng niệm họ. Riêng Chínhthống giáo (Orthodoxe) thì chọn ngày 26 tháng 8.
04/08/2010(Xem: 9058)
CáchTrợ Niệm Cho Người Khi Lâm Chung, HT. Tịnh Không, ThíchNhuận Nghi dịch
27/07/2010(Xem: 8646)
D.T. Suzuki (1870 -1966) thườngđược xem là một trong những vị thiền sư lớn nhất của thế kỷ XX. Thật ra thì rấtkhó hay không thể để chúng ta có thể đo lường được chiều sâu của sự giác ngộtrong tâm thức của các vị thiền sư, vì việc đó vượt ra khỏi khả năng của chúngta, và vì thế cũng rất khó hoặc không thể nào đánh giá họ được. Chúng ta chỉ cóthể dựa vào sự bén nhạy của lòng mình để ngưỡng mộ họ mà thôi.
19/07/2010(Xem: 7841)
Đất nước ta có một lịch sử bốn ngàn năm văn hiến, Phật giáo Viẹt Nam có bề dày lịch sử hơn hai ngàn năm hoằng pháp độ sanh. Kể từ ngày du nhập đến nay, với tinh thần khế lý, khế cơ, khế thời, Đạo Phật đã thực sự hoà nhập cùng với đà phát triển của đất nước và dân tộc. Trải qua bao cuộc biến thiên, Phật Giáo Việt Nam cũng thăng trầm theo những thời kỳ thịnh suy của dân tộc, nhưng không vì thế mà việc hướng dẫn các giới Phật tử tại gia bị lãng quên.
17/07/2010(Xem: 9319)
Phận làm người xuất gia, việc đi cúng dường như xuất hiện đồng thời với chí nguyện phụng Phật, độ sanh. Đi cúng là đi đến nhà cư sĩ, đơn giản thì để chứng minh, chú nguyện cho một sở cầu nào đó của họ. Phức tạp hơn là thực hiện một lễ nghi nào đó như cầu an, cầu siêu, an vị Phật hay cúng nhà mới v.v… Đi cúng là một hiện tượng mà xung quanh nó xuất hiện nhiều quan điểm, thái độ đánh giá. Với một vài vị xuất gia, việc đi cúng dường như không phải là trách vụ cơ bản của hàng xuất sĩ, và do vậy họ đã cực lực lên án, thậm chí là cười nhạo, đả phá. Trong khi đó có một số vị khác tận lực, và thậm chí chấp nhận buông bỏ việc tìm cầu tri thức, thời khóa tu tập … để toàn tâm đi cúng khắp nhân gian.
01/07/2010(Xem: 15969)
Ở làng quê Việt Nam ngày xưa, khi làm mùa vụ, người nông dân có thể nhờ vài người trong thôn xóm đến phụ giúp mà không phải trả tiền. Chỉ cần đến phiên bên kia làm mùa vụ, hay sửa sang nhà cửa, hoặc bất cứ công việc nặng nhọc nào đó, thì bên này sẽ qua phụ giúp lại. Cái đó gọi là vần công. Cách thức này thật hay.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]