Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chánh Ngữ Trong Đời Và Đạo

01/12/201908:36(Xem: 5180)
Chánh Ngữ Trong Đời Và Đạo

duc the ton-10
Chánh Ngữ Trong Đời Và Đạo

Nguyên Giác



Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.


Trong Trường A Hàm, Kinh DA 24 (Kinh Kiên Cố), bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, có ghi lời Đức Phật dạy: “Ta chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên tự mình bày tỏ.(1)


Xin bày tỏ sai lầm trong ấn bản Kinh Pháp Cú Tây Tạng, nơi trang 44, khi ghi về Bát Chánh Đạo, người viết đã ghi thiếu hai chữ “Chánh ngữ” trong tám chi phần. Bây giờ đã bổ túc xong, cả bản trên mạng, bản PDF và cả trên bản giấy lưu hành ở Amazon (2). Người viết trân trọng cảm ơn người chỉ ra lỗi thiếu sót này là Tỳ Khưu Minh Trí Buddhanyana, một bạn thân trong việc làm thiện nguyện từ nhiều thập niên và gần đây thọ đại giới tại một ngôi chùa Miến Điện ở vùng Austin, TX. Đồng thời cũng xin cảm ơn Cư sĩ Tâm Diệu, người phụ trách Thư Viện Hoa Sen và nxb Ananda Viet Foundation, đã bổ túc hai chữ “Chánh ngữ” vào các ấn bản hiệu đính. Người viết xin sám hối trước Tam Bảo, và kính xin chư tôn đức sử dụng bản mới trên mạng, nếu có sử dụng. Bài này sẽ viết về đề tài Chánh ngữ.

.

Nơi đây, xin trích dẫn một số lời Đức Phật dạy về Chánh ngữ -- các Kinh sau đây do Thầy Thích Minh Châu dịch (3).

--- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. (Kinh SN 45.8)

--- Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói với lời từ tâm. (Kinh AN 5.198)

--- Này các Tỷ-kheo, có mười đề tài để nói chuyện này. Thế nào là mười? Câu chuyện về ít dục, câu chuyện về biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không tụ hội, câu chuyện về tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Này các Tỷ-kheo, có mười đề tài để nói chuyện này. Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy tiếp tục nói những câu chuyện liên hệ đến mười đề tài để nói chuyện này, thời các Thầy có thể với ánh sáng (của mình) đánh bạt ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực, có uy lực, còn nói gì của các du sĩ ngoại đạo. (Kinh AN 10.69)

--- Này các Tỷ-kheo, chớ có nói lời tranh luận nhau: “Ông không biết Pháp và Luật này. Tôi biết Pháp và Luật này. Sao Ông có thể biết Pháp và Luật này? Ông theo tà hạnh. Tôi theo chánh hạnh. Điều đáng nói trước, Ông lại nói sau. Điều đáng nói sau, Ông lại nói trước. Lời nói tôi tương ưng. Lời nói Ông không tương ưng. Điều Ông quan niệm, trình bày đã bị đảo lộn. Quan điểm của Ông đã bị thách đố. Hãy đi giải tỏa quan điểm của Ông. Hãy tự thoát khỏi bế tắc nếu Ông có thể làm được”. Vì sao? Những câu chuyện ấy, này các Tỷ-kheo, không liên hệ đến mục đích, không phải căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. (Kinh SN 56.9)

.

Như thế, Chánh ngữ là một chìa khóa quan trọng để vào Pháp, vì là lời đúng sự thật, lời về viễn ly và giải thoát. Là ngón tay chỉ trăng, là ký hiệu để chở ý, do vậy khi chữ và lời minh bạch nói lên được Chánh pháp hẳn luôn luôn là kết quả từ các lựa chọn qua rất nhiều suy nghĩ, so sánh, đối chiếu giữa các chữ và lời. Đó cũng là một tiến trình để nhận ra khổ đế của những người dịch và ghi chú về kinh điển, khi lọc ra các chữ không vừa ý, lọc ra các ý bất toàn… để chọn các chữ thích nghi nhằm trình bày lời Đức Phật dạy. Thấy chữ này không chính xác, thấy chữ kia bất toàn – đó là nhận ra khổ đế trong khi dịch và viết.


Không nương vào lời nói và chữ viết, chúng ta sẽ rất gian nan để thọ nhận và hiểu đúng Phật pháp. Ngày hôm nay chúng ta học Phật là nhờ công của các vị tiền bối đã dịch kinh điển ra tiếng Việt. Nhưng chọn đúng chữ để dịch lại là một tiến trình rất mực khó khăn. Bởi vì, hễ dịch sai la không giữ được Chánh ngữ. Lời nói và chữ viết nhiều khi đa nghĩa, thường gặp tình huống không gói trọn ý.

Thí dụ, chữ dukkha thường được dịch là khổ. Đức Phật nói rằng ngài dạy về khổ và về chấm dứt khổ. Trong tiếng Anh thường dịch gần nghĩa, bằng chữ suffering. Tự điển Pali-English Dictionary (2008) nói rằng chữ dukkha không có chữ tương đương trong tiếng Anh, vì bao gồm cả những bất như ý trong cả thân và tâm. Một số học giả tùy nơi lại dịch là stress (căng thẳng), pain (đau đớn), unsatisfactoriness (không như ý), unhappiness (không hạnh phúc)…

Tiếng Việt mình nói là “khổ” cho gọn, nhưng hàm cả nhiều nghĩa “bất như ý” hay “không vui”…

Do vậy, suy nghĩ nhiều nhất về Chánh ngữ chính là những người dịch và ghi chú về kinh luận. Không dễ gì tìm được chữ như ý để ghi lại lời Đức Phật.

Một chữ khác cũng khó dịch là “sati” – chúng ta thường dịch cho gọn, có khi là “tỉnh thức” và có khi là “chánh niệm.” Chữ “tỉnh thức” mang cả nghĩa đời, và đôi khi nghĩa đạo; thí dụ nghĩa đời, trên một chuyến xe buýt vài chục hành khách, có thể người “tỉnh thức” nhất lại là một anh trong nghề móc túi chờ sơ hở của người khác để hành nghề, và đó là bất thiện. Nhưng chữ “chánh niệm” lại không đầy đủ nghĩa.

Dựa theo các kinh trong Tạng Pali, chữ “sati” có nhiều nghĩa, như: ghi nhớ, nhận ra, ý thức được, khởi tâm tác ý, tâm tỉnh thức, tâm trong trẻo, hiện diện của tâm… trong khi tiếng Anh thường gặp là “mindfulness” và theo Wikipedia định nghĩa chữ này là “bringing one's attention to experiences occurring in the present moment” (chú tâm vào kinh nghiệm đang xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại), nghĩa là mang cả nghĩa đời, khi kỹ năng chú tâm này được các chiến binh bắn tỉa sử dụng để giết người.

Do vậy, Chánh ngữ là một lựa chọn chữ nghĩa rất gian nan (rất mực khổ đế). Vì hễ ghi sai một chữ, là tự lòng mình băn khoăn liền, huống gì là sót tới hai chữ.

Đôi khi, dịch theo nghĩa nào cũng đúng, và hễ chọn chữ này là lại rời chữ kia. Như trường hợp Kinh Pháp Cú Pali, bài kệ 348.

Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là:

“348. "Bỏ quá, hiện, vị lai,

Đến bờ kia cuộc đời,

Ý giải thoát tất cả,

Chớ vướng lại sanh già." (4)


Nghĩa là, hãy buông bỏ cả quá khứ, hiện tại và vị lai mới tới bờ giải thoát được. Buông bỏ có nghĩa là rời bỏ tất cả sản phẩm ngũ uẩn, thân tâm trong ba thời (như 4 chữ phương châm của Thiền Tào Động: phóng hạ thân tâm, tức buông bỏ thân và tâm).  

Hầu hết các dịch giả đều dịch y hệt như Thầy Minh Châu, trong đó có quý ngài: Narada Thera, Acharya Buddharakkhita, Ajahn Munindo, Bhikkhu Ānandajoti, Daw Mya Tin…


Bài kệ đó là lời Đức Phật nói, khi chàng nghệ sĩ gánh xiếc Uggasena. Anh này là con của một nhà đại phú, say mê một cô vũ nữ trong một gánh xiếc lưu diễn nên chạy theo, kết hôn với cô và học nghề xiếc với cha của cô. Anh trở thành một nghệ nhân giỏi, trình diễn các màn trên cột cao. Một lần, khi gánh xiếc này tới Rajagaha để trình diễn trong 7 ngày, Đức Phật biết rằng đã tới cơ duyên độ anh này, nên ra đứng xem. Khi Uggasena trèo lên ngồi cột cao, trình diễn và đột nhiên thấy không ai chú ý tới anh để hoan hô, nên cảm thấy rất buồn. Đức Phật lúc đó mới nói với anh: “Hỡi Uggasena, người trí nên rời bỏ tất cả dính mắc vào các uẩn, và hãy tìm giải thoát ra khỏi vòng tái sinh.”

Rồi Đức Phật đọc bài Kệ 349. Nghe xong, chàng Uggasena, trong khi còn ngồi trên cột cao, đắc quả A La Hán. Anh trèo xuống và xin xuất gia theo Đức Phật.


Bài kệ đó được Thanissaro Bhikkhu dịch hơi khác đi trong tiếng Anh: hãy rời bỏ phía trước (thay vì vị lai), rời bỏ phía sau (thay vì quá khứ), rời bỏ cái trung gian (thay vì hiện tại)… you let go of in front, let go of behind, let go of between…. A.R. Bomhard cũng dịch như Thanissaro. (4)

Cả hai cách dịch đều đúng, vì ý Đức Phật nói là hãy buông bỏ tất cả sản phẩm ngũ uẩn/thân tâm trong bất kỳ thời nào và không gian nào. Nhưng người dịch tìm được chữ như ý là một lựa chọn gian nan, trong khi đi tìm Chánh ngữ.

Khi đối chiếu bài Kệ 348 trên với Tương Ưng Bộ, Kinh SN 1.1, có thể chúng ta sẽ thấy một nghĩa rất minh bạch.

Kinh này, trích bản dịch của Thầy Minh Châu là:

“— Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.

--- Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?

--- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.” (5)

Có thể hiểu rằng “bước tới” là mơ tưởng về (hay chạy đi tìm) một ngũ uẩn/thân tâm tương lai, và “đứng lại” là nuối tiếc quá khứ hay nắm giữ hiện tại…  không trôi giạt thì sẽ chìm.

 


Trong khi đó, nếu không giữ được Chánh kiến, trong rất nhiều trường hợp, chữ nghĩa chính là cạm bẫy lôi chúng ta vào sinh tử luân hồi. Như trường hợp Giả Đảo (779 - 843), một nhà thơ Trung Quốc thời nhà Đường. Ông nguyên là một nhà sư, sau hoàn tục, thi làm quan.

Một lần, ông nghĩ ra hai câu thơ, và suy tính không biết nên dùng chữ “thôi” (đẩy) hay chữ “xao” (gõ):

Điểu túc trì biên thụ ,

Tăng xao nguyệt hạ môn

(Dịch: Chim ngủ trên cây bên ao, nhà sư gõ cửa dưới ánh trăng.)

Gặp nhà thơ Hàn Dũ, được đề nghị dùng chữ “thôi” – nghĩa là: nhà sư đẩy cửa dưới ánh trăng.

Họ Giả mê thơ tới mức, truyền thuyết kể là cứ đêm trừ tịch hàng năm, Giả Đảo gom hết thơ làm trong năm bày lên án, đốt hương, rót rượu vái lạy rằng: “Đây là nổi khổ tâm của ta trong suốt năm nay!”

Mê thơ tới mức như thế, dù thơ hay cỡ nào, cũng vẫn là chìm vào bộc lưu thôi. Bởi vì thơ, nếu không hướng về giải thoát, sẽ không gọi là Chánh ngữ.

Trong khi đó, chúng ta nhìn thấy chuyển biến rõ rệt trong đời nhà thơ Nguyễn Du (1765-1820), từ một thời lãng mạn tuổi trẻ tới cuối đời là hiển lộ các hiểu biết sâu sắc về Phật pháp.


Trong tác phẩm “Hoan-trung Cổ-nguyệt-đường Xuân Hương nữ-sử tập: Lưu Hương Ký” do GS Nguyễn Ngọc Bích phiên âm và chú thích có ghi lại mối tình ngắn ngủi (khoảng hơn hai năm, 1802-1804/5) giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (1770? – 1840?). Theo GS Hoàng Xuân Hãn trong tác phẩm Hồ Xuân Hương Poèmes (in ở Paris), và theo nghiên cứu của GS Nguyễn Ngọc Bích trong Lưu Hương Ký, thơ Hồ Xuân Hương có nhắc tới Nguyễn Du qua cách gọi “Nguyễn-hầu” (ông họ Nguyễn) và nhắc chức vị “Cần-chánh học-sĩ” (Nguyễn Du được vua phong làm “Cần-chánh-điện học-sĩ) cũng như dưới đề bài thơ có ghi “Hầu Nghi-xuân Tiên-điền nhân” (Ông người [làng] Tiên-điền [huyện] Nghi-xuân).

Trong khi đó, Nguyễn Du có bài thơ Mộng Đắc Thái Liên (Mộng Thấy Hái Sen) dài 5 đoạn, mỗi đoạn 4 dòng và mỗi dòng 5 chữ được hiểu là đề tặng Hồ Xuân Hương. Trong đó, có những câu rất tình tứ trong văn phong Nguyễn Du, như “Cộng tri liên liên hoa, Thùy giả liên liên cán. Kỳ trung hữu chân ti, Khiên liên bất khả đoạn” (Nguyễn Ngọc Bích dịch là: Hoa sen ai chẳng ưa? Cuống hoa, mấy ai thích? Trong cuống vướng bao tơ, Vấn vương bao giờ dứt?) – nghĩa là, những câu thơ rất nặng nghiệp, đọc lên là biết nhiều kiếp lai sinh cũng khó dứt nổi tơ vương.

Nhưng tới cuối đời, trong bài thơ Phân Kinh Thạch Đài, cụ Nguyễn Du đã có một phong thái rất mực nhẹ nhàng. Thiền sư Đại Lãn trong một bài trên báo Giác Ngộ, nhan đề “Nguyễn Du và Phân Kinh Thạch Đài” đã phân tích về bài thơ dài này.

Cuối bài thơ là 4 dòng:

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,

Kì trung áo chỉ đa bất minh

Cập đáo phân kinh thạch đài hạ,

Chung tri vô tự thị chân kinh .”

(Nhà phân tích Đại Lãn dịch nghĩa là: Ta đọc Kim Cương hơn nghìn biến, Áo chỉ trong kinh không tỏ nhiều. Cho đến dưới đài đá phân kinh, Cuối cùng “Vô tự” biết là chân kinh.) (6)

Kinh vô tự, tức là Kinh không có chữ. Đây là văn phong Thiền Tông. Trong bài vừa dẫn, Đại Lãn cũng dẫn thơ Nguyễn Du trong bài đề động Nhị Thanh:

"… Mãn cảnh giai không hà hữu tướng

Thử tâm thường định bất ly Thiền..."

(Đại Lãn dịch: …Mọi cảnh đều không, có tướng sao? Tâm này thường định, chẳng lìa Thiền…”)


Đây chính là chỗ Thiền Tông thường nói. Định nơi đây là không có xuất, không có nhập, vì là Định của Tự Tánh. Và Tự Tánh đây có nghĩa là vô tự tánh, là rỗng rang, là tịch lặng trong mọi thời, bất kể đang đi đứng nói cười…

Đại Lãn giải thích trong bài trên: “Đích thị là Cụ đã tự giới thiệu cho mọi người biết là Tâm cụ không bao giờ lìa Thiền định, có nghĩa là cụ luôn luôn ở trong thiền định. Vậy thì những việc làm của Cụ đó không phải là một việc làm của hành giả đang hành Thiền tu tuệ đó là gì!? Vì cốt tủy của bộ kinh Kim Cương chính là một phương pháp tu để trụ tâm và hàng phục Tâm mình qua công án: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm? (Nên trụ vào không chỗ, mà sinh tâm mình.)”. (6)


Như thế, Nguyễn Du sau một thời lãng mạn, đã về nghiên cứu tu học, đã tụng Kinh Kim Cương hơn cả ngàn lần, và ngộ ra rằng Kinh vô tự (Kinh không chữ) mới là chân kinh, nghĩa là Chánh ngữ thật sự chính là sự tịch lặng của tâm. Và khi nói thường định, nghĩa là thường trực, là luôn luôn (là bất kể khi đi đứng nói cười) an nhiên trong định, có nghĩa là dù khi có tiếng động hay khi không có tiếng động, tất cả đều hiển lộ trong gương tâm chiếu sáng bất động. Nghĩa là, Có (Hữu) và Không (Vô) hiển lộ trong tâm qua tánh sáng của gương sáng bất động, dù có cảnh trần hay không có cảnh trần, bản tính lặng chiếu của tâm vẫn không đổi.

Trong Kinh SN 35.242 (Kinh Đàn Tỳ Bà), Đức Phật kể về một nhà vua nghe tiếng đàn tỳ bà, nhận ra tiếng đàn khả ái, khả lạc, mê ly, say đắm, hấp dẫn nên ra lệnh triều đình đi tìm tiếng đàn, chẻ cây đàn tỳ bà làm cả trăm mảnh, nhưng cũng không tìm ra, vì tiếng đàn là do nhiều nhân duyên mới thành. (7)

Tương tự, trong Kinh Sn 5.6 trong Kinh Tập, thuộc nhóm kinh Đức Phật cho chư tăng ni trong các năm đầu dùng làm Kinh  nhật tụng, trích:

1070. [Đức Phật] Hỡi Upasiva, hãy tỉnh thức, nhìn về không một pháp nào, nương tựa “không một pháp nào” mà vượt qua dòng nước lũ. Rời dục lạc, bỏ nói năng, ngày đêm liên tục nhìn cho cạn kiệt tham ái.” (8)


Và nội dung Kinh Kim Cương mà cụ Nguyễn Du đọc tụng cả ngàn lần, chỉ là nói lên thực tướng là không một pháp nào, và nếu nói nương tựa thì chỉ là “tâm không trụ vào bất kỳ chỗ nào” (vô sở trụ) mới là vượt qua cả ba thời, vì không níu vào bất kỳ sản phẩm nào của ngũ uẩn – nơi vô sở trụ cho dù nói hay nghe thì cũng là bản nhiên tịch lặng, là thường định.

Trong cái nghe như thế, các pháp hiển lộ chỉ là cái được nghe; trong cái nhìn như thế, các pháp chỉ là cái được thấy. Và tâm rỗng rang, không có ai đang nghe, không có ai đang nhìn. Chỉ là gương tâm hiển lộ, và gương tâm không là cái gì hết. Không thêm gì được, và không bớt gì được trong cái nghe, cái thấy như thế.

Như thế, trong thực tướng, âm thanh không từ đâu tới và cũng không đi về đâu. Các pháp như thế tự thân là Niết Bàn. Y hệt khi lửa tắt, lửa không về đâu. Khi nghe trong tâm rỗng rang như thế, là lìa sanh diệt. Mắt không phải là phiền não của cái được thấy, và ngược lại. Tai không phải là phiền não của cái được nghe, và ngược lại. Không có gì là phiền não của nhau, không có gì trói buộc của nhau, vì tự thân các pháp là Niết Bàn. Như vậy, phiền não từ đâu sanh ra? Câu trả lời: Dục tham là cội nguồn phiền não. Nhưng nhìn suốt tận cội nguồn, dục tham thực tướng vẫn là rỗng rang vô tướng.

Trong A Hàm, Kinh SA 250, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ và Thích Đức Thắng ghi lời ngài Xá Lợi Phất:

“…chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý. Ở đây dục tham kết buộc chúng... Cho nên Đức Thế Tôn nói hãy đoạn tận dục tham, thì tâm được giải thoát. Cho đến, ý và pháp lại cũng như vậy.” (9)

Làm thế nào đoạn tận dục tham? Đức Phật dạy là hãy để các pháp như nó là, để cái được thấy chỉ như cái được thấy, để cái được nghe chỉ như cái được nghe… thì tức khắc lúc đó, tâm sẽ tịch lặng, sẽ như tường vách, ngôn ngữ đoạn tận, cũng là khi Chánh ngữ trở thành vô tự. Không phải là có chữ hay không có chữ, mà chỉ là các pháp như thế thì cứ thấy nghe như thế, tức là nghĩa Như Thị.

Trường hợp thấy tịch lặng khó khăn, hãy dùng một cách khác: nhìn vào cội nguồn của tâm để rồi sẽ thấy bản nhiên rỗng rang vô tự tánh. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông, bản Việt dịch của ngài Nhẫn Tế Thiền Sư, trích như sau:

Sau này, có vị tăng hỏi : “Đệ tử mỗi đêm ngồi thiền, tâm niệm tán loạn, chưa biết cách nào nhiếp phục. Xin thầy chỉ bảo”.

Ngài Quốc Thanh Tịnh trả lời: “Nếu ban đêm ngồi tịnh mà niệm niệm lăng xăng, thì lấy cái tâm lăng xăng đó cứu xét cái chỗ lăng xăng. Thấy là nó không có xứ sở, thì cái tâm niệm lăng xăng đó đâu còn! Cứ xét ngược lại cái tâm, thì cái tâm cứu xét đó đâu có tại chỗ nào. Trí chiếu soi vốn không, cái cảnh để duyên cũng tĩnh lặng vậy. Chiếu mà chẳng chiếu, tuyệt không có cảnh để chiếu soi vậy. Cảnh, Trí đều tịch diệt, tâm lượng an nhiên. Ngoài chẳng tìm cầu lấy sự tán loạn, trong chẳng trụ nơi định tĩnh. Hai đường dứt bặt, một Tánh suốt nhiên. Đây là yếu đạo về nguồn vậy.” (10)

Đó là khi lời và chữ, khi tất cả những cái được nghe về nơi tự thân tịch lặng. Đó là khi, bạn đứng nơi góc rừng, nhìn và nghe cảnh gió thổi, mưa gào, cây nghiêng ngả… mà nhận ra không ai đang thấy và không ai đang nghe, nơi dòng vô thường chảy xiết mà tâm không dính gì tới ba thời.  

Một lần nữa, xin trình bày, rằng người viết có sai lầm cần bày tỏ. Thiếu sót hai chữ “Chánh ngữ” đã hiệu đính, đã bổ túc xong. Nhưng nếu chỉ viết một câu để xin lỗi, tự thấy là không đủ trân trọng. Do vậy, bài này ghi lại các suy nghĩ riêng trong nỗ lực sống và viết với Chánh ngữ. Tất cả những bất toàn xin được sám hối cùng Tam Bảo và độc giả.



GHI CHÚ:

(1) Kinh DA 24: https://suttacentral.net/da24/vi/tue_sy

(2) Kinh Pháp Cú Tây Tạng, bản trên mạng và PDF: https://thuvienhoasen.org/p16a32358/6/kinh-phap-cu-tay-tang  
bản trên Amazon: www.amzn.com/1077971230/

(3) Kinh SN 45.8: https://suttacentral.net/sn45.8/vi/minh_chau

Kinh AN 5.198: Kinh  https://suttacentral.net/an5.198/vi/minh_chau

Kinh AN 10.69 https://suttacentral.net/an10.69/vi/minh_chau

Kinh SN 56.9 https://suttacentral.net/sn56.9/vi/minh_chau

(4) Kinh Pháp Cú, Kệ 348, bản dịch HT Minh Châu: https://thuvienhoasen.org/p15a7964/pham-21-26

Bản dịch Bhikkhu Thanissaro: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/dhp/dhp.24.than.html

Bản dịch Bomhard (trang 62 bản giấy, trang 72 bản điện tử): https://archive.org/details/Dhammapada_201307/page/n71

(5) Kinh SN 1.1: https://suttacentral.net/sn1.1/vi/minh_chau

(6) Đại Lãn. Nguyễn Du và Phân Kinh Thạch Đài: https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=12565B

(7) Kinh SN 35.242: https://suttacentral.net/sn35.242/vi/minh_chau

(8) Kinh Sn 5.6: https://thuvienhoasen.org/p15a30617/sn-5-6-upasiva-manava-puccha-cac-cau-hoi-cua-upasiva

(9) Kinh SA 250: https://suttacentral.net/sa250/vi/tue_sy-thang

(10) Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông: https://thuvienhoasen.org/p17a1224/quyen-iii

 

 

 

 

 

 

 

.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/07/2019(Xem: 8671)
Nếu tâm hồn biết thầm lặng kết “bạn đường” với thánh hiền tôn giáo, với các nhà hiền triết tâm linh, thì NĂNG LƯỢNG MẦU NHIỆM sẽ hiện hữu, và tâm hồn sẽ được giảm bớt rất nhiều nghiệp chướng khổ đau-xấu ác-mê lầm.
20/07/2019(Xem: 5204)
Anh chị em thân mến, thật sự, tôi rất, rất vui mừng và rất vinh dự để nói chuyện với quý vị. Tôi không nói gì đặc biệt, chỉ là những kinh nghiệm thông thường. Tôi đến đây là lần thứ bảy. Và mỗi lần như vậy, những người ở đây biểu lộ với tôi những cảm nhận nhân bản và thân hữu chân thành. Vì thế, cũng tự nhiên thôi, đó là lý do tại sao tôi cảm thấy hạnh phúc bất cứ khi nào tôi nhận được lời mời. Cho nên tôi rất, rất là vui mừng.
19/07/2019(Xem: 7687)
Phần này bàn về các từ chỉ màu xanh như xanh, thanh và biếc vào thời các LM de Rhodes và Maiorica sang truyền đạo ở An Nam cho đến thế kỉ XX. Ít người biết xanh cũng gắn liền với nền thi ca Việt Nam qua truyện Kiều: hai nhân vật chính là Thúy Kiều và Thúy Vân.
19/07/2019(Xem: 7055)
Pháp là quốc gia theo thế tục và đa tôn giáo. Ở Pháp có nhiều Phật tử sống hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khối Liên Âu. Các ngôi chùa do các tín đồ tự tài trợ. Chuyến đi thăm chư tăng ni của chùa Khánh Anh ở Evry, Paris.
13/07/2019(Xem: 7045)
Karuna là tiếng Pa-li và tiếng Phạn, kinh sách Hán ngữ gọi là "Từ bi" (慈悲). Qua hình ảnh của người Bồ-tát, Karuna hay Từ bi được xem là lý tưởng của toàn bộ Đại thừa, ngang hàng với Trí tuệ. Bồ-tát Quán Thế Âm là vị Bồ-tát tiêu biểu nhất cho lý tưởng đó. Thế nhưng cũng nên hiểu rằng Karuna không phải chỉ là vốn liếng riêng của Đại thừa mà còn là cốt lõi trong việc tu tập của Phật giáo Theravada.
11/07/2019(Xem: 6668)
Chúng tôi được Thầy mở cho xem Video clip do Thượng Tọa Thích Hạnh Tuệ tri sự chùa Phật Đà ở San Diego cũng là Chủ Biên của trang nhà hoavouu.com ở Hoa Kỳ thực hiện ngày 21.01.2019 với tâm ý kính tặng HT Thích Bảo Lạc và HT Thích Như Điển, nhằm giới thiệu Thiền Lâm Pháp Bảo Úc Châu. HT Thích Bảo Lạc, Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo VNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, cho biết Thiền Lâm Pháp Bảo là vùng đất thiêng đã được xây dựng từ 4 năm qua. Tháp Vãng sanh sẽ được xây dựng tại Tự Viện Pháp Bảo và Thiền Lâm Pháp Bảo cũng đang tiến hành công trình những hạng mục mới. Thiền Lâm Pháp Bảo là nơi hoàn toàn thiên nhiên hùng vĩ, núi đồi xanh tươi bao la bát ngát. Trong Vườn Thiền có 4 câu thơ được khắc vào trong đá: Dấu Thiền lắng giữa hư không Tháp hành ? soi bóng Thiền Lâm đậm màu Ngày xưa mãi đến ngàn sau Tâm Không vật cũng nhuốm màu hư không (Thơ Sông Thu TBL)
06/07/2019(Xem: 6384)
Tôi rất vui mừng gặp gở những người trẻ Nhật Bản vì tôi luôn luôn cảm thấy rằng những người của thế hệ tôi thuộc về thế kỷ hai mươi. Thế kỷ hai mươi đã qua. Với thế kỷ hai mươi, chúng ta đã chứng kiến một thế kỷ của máu đổ và bạo động. Theo một số nhà lịch sử nào đó, trong thế kỷ vừa rồi, hơn hai trăm triệu người đã bị giết qua bạo động. Chỉ trong phần sau của thế kỷ một khát vọng cho hòa bình và bất bạo động đã bắt đầu. Có một cảm giác của phẩn uất hay mệt mõi về bạo động.
03/07/2019(Xem: 5730)
Bệnh tật nó đến từ đâu Cao mỡ, cao máu lâu lâu ... tiểu đường Tránh né việc nặng là thường Việc nhẹ thì cũng đau xương, mệt nhoài Đi chơi càng khổ gấp hai Đi đâu cũng ngại đường dài lái xe Thế nhưng
30/06/2019(Xem: 11236)
Lịch giảng của Ni Sư Thích Nữ Hương Nhũ tại Hoa Kỳ từ 1/7 đến 3/8/2019 - Ảnh Phật Mười Phương Hiện Trong Đó Những Ngọc Mani Diễn Pháp Âm Tiếng Phật Mỹ Diệu Bất Tư Nghì Biển Công Đức Phật Không Cùng Tận . Kinh Hoa Nghiêm Thân Tứ Đại Ta Mất Đạo Như Lai Hằng Còn Nhờ Tăng Ni Thừa Tự Chánh Pháp Được Chuyển Luân .
29/06/2019(Xem: 5693)
Trân trọng ông chủ tịch (hỏi người thông dịch) của trường đại học Minnesota nổi tiếng và to lớn này – (thính chúng cười) tôi phải chắc chắn những tên tuổi này, những thứ này – tâm trí tôi không quá đáng tin cậy hay tốt lắm với những chi tiết. Quý vị đã tặng tôi bằng cấp danh dự này, nên tôi cảm ơn rất nhiều. Tôi thường nói, khi tôi nhận loại bằng cấp danh dự loại này, rằng tôi đã có một học vị cao cấp đặc biệt rồi, có được mà không qua học tập. Tôi chắc rằng những người bình thường, nhằm để có được một bằng cấp loại này, thì cần nổ lực rất nhiều.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]