Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Dòng Lũ Tham Dục

17/08/201916:36(Xem: 4756)
09. Dòng Lũ Tham Dục

DÒNG LŨ THAM DỤC

Thiền sư giảng bài Pháp này cho chư Tăng sau khi tụng Giới bổn ở tu viện Nong Pah Pong trong mùa An cư năm 1978)

Kāmogha... dòng lũ tham dục là nói trạng huống như đắm chìm trong cảnh sắc bên ngoài, trong âm thanh, trong hương thơm, trong vị ngon, trong cảm thọ dễ chịu của thân. Chúng ta bị cuốn chìm ngay bởi vì chúng ta chỉ để ý bên ngoài, không quay lại bên trong. Con người ta không chịu nhìn chính mình mà chỉ nhìn người khác. Họ có thể thấy mọi người nhưng không thể nào thấy được chính mình. Quay lại nhìn chính mình thật sự không phải khó chỉ vì mọi người không cố gắng thực tập mà thôi.  

Ví dụ, nhìn thấy cô gái xinh đẹp. Chuyện gì xảy ra với bạn? Ngay khi thấy gương mặt cô ấy, bạn thoáng thấy nhiều thứ khác. Bạn có nhận ra điều đó không? Hãy nhìn vào tâm của bạn. Cũng giống như thấy cô gái xinh đẹp, bạn thấy những gì? Ngay khi đôi mắt nhận ra một chút, cái tâm đã thấy tất cả những cái còn lại. Tại sao nó nhanh quá vậy?

Chính vì bạn đang bị chìm trong “dòng nước lũ”. Bạn đang chìm, bạn nghĩ về nó, mơ màng viễn vông về nó, cũng có nghĩa bạn đang bị sa lầy trong đó. Cũng như bạn là nô lệ, lệ thuộc chịu sự sai bảo của một số người. Khi họ bảo ngồi, bạn phải ngồi, khi họ bảo đi, bạn phải bước đi... bạn không thể không vâng lời họ, bởi vì bạn là nô lệ. Nô lệ của các giác quan cũng thế. Dù cố gắng khó khổ cách nào đi nữa, dường như bạn không thể thoát được chúng. Và nếu mong chờ có người đến giúp đỡ, bạn còn gặp rắc rối hơn. Bạn phải tự mình thoát ra mới được.

Thế nên, Đức Thế Tôn dạy cho chúng sinh cách thực tập pháp, con đường siêu việt thù thắng vượt thoát đau khổ trần thế. Ví dụ nói Niết-bàn (Nibbāna).[36] Ngài là bậc Toàn Giác, vậy tại sao Ngài không nói về Niết-bàn cho thật chi tiết dễ hiểu? Tại sao Ngài chỉ nói rằng chúng ta nên tự thân thực tập và khám phá ra? Tại sao vậy? Ngài nên giải thích Niết-bàn giống như cái gì cụ thể mới phải chứ?

Đức Thế Tôn đã thực tập, tu tập các Ba-la-mật vô số kiếp rồi chỉ vì lợi ích cho hết thảy chúng sinh, thế tại sao Ngài không chỉ rõ Niết-bàn để tất cả chúng sinh có thể thấy được và đi đến đó?” Nhiều người đã có suy nghĩ như vậy. “Nếu Đức Thế Tôn thật sự biết, Ngài sẽ nói cho chúng ta rõ. Tại sao Ngài giữ kín hết vậy?

Thật ra, suy nghĩ như thế là sai. Chúng ta không thể thấy chân lý theo cách ấy. Chúng ta phải thực tập, chúng ta phải tu tập để thấy. Đức Thế Tôn chỉ hướng dẫn con đường để tu tập Tuệ, chỉ có vậy. Ngài bảo tự thân chúng ta phải hành trì. Bất cứ ai hành trì đều sẽ đến đích.  

Nhưng con đường Đức Thế Tôn chỉ dạy lại trái nghịch với thói quen của chúng ta. Bị gò bó, bị chế ngự... chúng ta thật sự không thích ở trong trạng huống như vậy, nên chúng ta nài nỉ: “Hãy chỉ lối cho chúng con, hãy chỉ đường cho chúng con đi đến Niết-bàn để những ai thích dễ dàng như chúng con cũng có thể đến đó được”. Trí tuệ cũng giống như thế. Đức Thế Tôn không thể chỉ cho bạn thấy trí tuệ, nó không phải là một vật thể để có thể chuyền tay nhau. Ngài có thể chỉ phương pháp để tu tập phát triển trí tuệ, còn việc bạn siêng năng công phu tu tập hay công phu chút đỉnh tuỳ thuộc vào cá nhân bạn. Công đức và đạo hạnh của mỗi người vốn khác nhau.

Hãy nhìn xem một vật thể, những con sư tử bằng gỗ trước sảnh đường đây. Mọi người đến ngắm nhìn chúng và dường như không ai đồng ý với ai. Một người nói: “Ồ, đẹp quá!”, người khác lại nói: “Ôi, ghê quá!” Cùng một con sư tử mà vừa đẹp vừa ghê. Chỉ điều này thôi cũng đủ nhận ra sự việc như thế nào.

Thế nên, nhận chân pháp đôi khi chậm chạp, đôi khi rất nhanh lẹ. Đức Thế Tôn và các đệ tử của Ngài đều giống nhau, chư vị tự giác thực tập, nhưng họ cũng nương vào các vị Thầy khuyến khích họ và trao cho họ phương pháp tu tập.  

Khi lắng nghe Pháp bảo, chúng  ta có thể muốn nghe cho đến lúc mọi nghi vấn trong ta đều tan biến, nhưng nghi vấn sẽ không bao giờ biến mất chỉ nhờ vào việc lắng nghe suông. Nghi ngờ không dễ xoá sạch nhờ lắng nghe hay tư duy, mà việc trước tiên chúng ta phải dọn sạch tâm mình. Dọn sạch tâm có nghĩa là thay đổi lại việc thực tập của chúng ta. Cho dù chúng ta có nghe vị Thầy giảng về sự thật bao lâu đi nữa, chúng ta cũng không thể biết hoặc nhìn thấy sự thật đó chỉ từ việc lắng nghe. Nếu cứ như thế, cái biết của chúng ta cũng chỉ thông qua phỏng đoán hoặc ước chừng thôi.

Tuy nhiên, dù là lắng nghe Pháp suông không đưa đến triệt ngộ, việc lắng nghe ấy vẫn rất bổ ích. Lúc Đức Thế Tôn còn tại thế, có những vị trong khi lắng nghe một bài Pháp thoại, liền chứng ngộ quả vị cao nhất, tức quả A-la-hán. Những vị ấy đã tu tập ở cấp độ cao, tâm họ thông hiểu quảng bác đến một phạm vi nào đó. Giống như quả bóng căng tròn, không khí trong quả bóng muốn tuôn ra ngoài song không có một lỗ nhỏ nào để nó xì ra. Nếu lúc ấy châm mũi kim vào, không khí tức thì tràn ra rất mạnh, lớp vỏ bóng không chịu đựng nổi, quả bóng ắt phải nổ tung.

Tâm của những vị đệ tử, những vị giác ngộ trong lúc đang nghe pháp cũng giống như thế. Lâu nay không có chất xúc tác nào khiến tạo phản ứng áp lực bên trong họ, giống như quả bóng căng tròn. Họ chưa được thảnh thơi bởi vì tâm còn một chút xíu che khuất chân lý. Ngay khi nghe Pháp, được điểm vào đúng huyệt đạo, trí tuệ bùng vỡ. Ngay lập tức, họ hiểu tận tường, thẳng tiến, nhận chân ngay pháp chân thật. Sự việc là như vậy. Rất dễ dàng. Tâm tự nó dựng đứng thẳng. Nó biến chuyển, đổi hướng từ quan điểm này sang quan điểm khác. Bạn có thể nói nó thật xa hay thật gần, đều đúng cả.

Đây là một vài điều, chính chúng ta phải thực tập. Đức Thế Tôn chỉ có thể đưa ra phương pháp làm thế nào để tu tập Tuệ và những vị Thầy thời nay cũng chỉ làm mỗi việc đó. Họ thuyết pháp, họ thuyết về chân lý nhưng chúng ta vẫn không thể thấy được chân lý. Tại sao vậy? Có một cuốn phim làm nó mờ đi. Bạn có thể cho rằng chúng ta đang bị chìm, chìm trong dòng nước. Kāmogha - “dòng lũ của dục lạc”. Bhavogha - “dòng lũ của tái sanh luân hồi”.   

“Hữu - Tái sanh” (bhava) có nghĩa là “cảnh giới của sanh.” Dục vọng sinh khởi từ cảnh sắc, âm thanh, hương, vị, xúc chạm, suy tưởng, đồng nhất với những thứ này. Tâm giữ chặt chúng và bị sa lầy trong dục lạc.

Một vài hành giả buồn bực, chán nản, mỏi mệt khi thực tập rồi sinh ra lười biếng. Bạn không phải nhìn đâu xa, hãy nhìn những người tâm họ không giữ được pháp ra sao, nếu họ bị quở trách, họ cố chấp mãi vào đó. Có thể họ bị quở trách vào đầu mùa An cư, và ngay cả khi mùa An cư kết thúc rồi, họ vẫn chưa quên được nó. Kiếp này đến kiếp khác, họ cũng sẽ không quên được nếu họ không nỗ lực tu tập để buông bỏ.

Nhưng khi đọc vào giáo huấn của Đức Thế Tôn, Ngài bảo chúng ta phải thiểu dục, tri túc, chế ngự các căn, thực tập tinh tấn... tại sao mọi người không ghi nhớ những lời dạy ấy trong tâm? Tại sao họ quên mất những điều này? Bạn không phải nhìn đâu xa, hãy nhìn vào việc thực tập của chúng ta cũng đủ rõ. Ví dụ, thiết lập một số nguyên tắc như sau khi ăn, trong lúc rửa bát, không được nói chuyện! Điều này có vẻ như lo xa quá, dù rằng nói chuyện không ích lợi gì hay cột trói chúng ta vào dục lạc... họ vẫn thích nói. Vui chẳng mấy chốc, họ bắt đầu bất hòa, lý luận và rồi cãi cọ ầm ĩ. Rốt cuộc không có gì khác hơn là vậy.

Hiện tại chúng ta chỉ cảm thấy chút thanh thản thôi chứ chưa được thanh tịnh hay cảm giác an lạc tinh tế gì cả. Tuy nhiên dường như không mấy ai thật sự nỗ lực thực tập. Họ nói họ muốn thấy Pháp nhưng họ muốn thấy nó chỉ trên ngôn từ, họ không muốn bước đi trên con đường thực tập. Họ chỉ có thể đi xa tới chừng ấy. Tất cả nguyên tắc thực tập này là những phương pháp thiện xảo để thể nhập và nhận chân Pháp, nhưng người ta không theo đó thực tập.

Bảo rằng “thực tập thật sự” hay “thực tập tinh cần”, không nhất thiết là bạn phải dành hết năng lượng cho việc thực tập mà là bạn chỉ cần chuyên tâm, cố gắng nhận biết rõ cảm thọ đang khởi lên. Nhất là những cảm thọ ái dục ngủ ngầm, hãy thức tỉnh sớm nhận ra ái dục chính là kẻ thù của chúng ta.

Nhưng dường như người ta không thể làm được việc này. Hàng năm, vào cuối mùa An cư, tình hình tu tập càng lúc càng tệ hơn. Nhiều vị Tăng ráng hết sức chịu đựng của họ rồi, có vẻ như “hoàn toàn kiệt sức”. Càng gần kết thúc khoá An cư, họ càng lười ra, không còn kiên định trong thực tập nữa. Mỗi mùa An cư, tôi đều nhắc nhở điều này nhưng hình như họ không thể nhớ. Chúng ta thiết lập một tiêu chuẩn nào đó nhưng rồi chưa được một năm, chúng đã bị rơi vào quên lãng. Hầu như cuối Hạ, điều này bắt đầu diễn ra, nói chuyện, ồn ào, đủ thứ. Nguyên tắc gì cũng vỡ vụn. Sự việc cứ theo chiều hướng như vậy.

Những ai thật sự chú trọng thực tập nên tư duy tại sao điều này lại như thế. Bởi vì người ta không thấy được hậu quả ngược lại của những điều này.  

Khi được cho phép gia nhập Tăng đoàn, chúng ta sống giản dị. Và một số vị cũng hoàn tục để đi về phía trước nơi những viên đạn vụt ngang qua mỗi ngày - họ thích như thế. Họ thật sự muốn đi. Nguy hiểm từ mọi phía bủa xung quanh nhưng họ vẫn chuẩn bị tinh thần đi. Tại sao họ không thấy nguy hiểm? Họ chuẩn bị chết vì súng đạn nhưng không ai muốn chết vì tu dưỡng đạo hạnh. Chỉ thấy chừng này cũng đủ rồi. Bởi họ không ai khác, chính là những tên nô lệ. Nhận thức rõ điều này và bạn biết họ đang muốn gì. Người ta không hề sợ nguy hiểm.  

Thật ngạc nhiên quá phải không? Bạn nghĩ, họ có thể thấy điều ấy, nhưng thật ra họ không thể thấy được. Nếu họ không thể thấy điều ấy, thì không có cách gì họ thoát ra ngoài được. Họ nhất định bị cuốn theo vòng luân hồi (saṃsāra) rồi. Đây là điều chắc chắn xảy ra. Chỉ cần nói những điều đơn giản như thế này, chúng ta có thể bắt đầu hiểu.  

Nếu bạn hỏi họ: “Tại sao các bạn được sinh ra?” Có thể họ rất khó trả lời bởi vì họ không thể biết điều này. Họ đắm chìm trong thế giới tri giác và tái sinh (bhava).[37] Bhava là cảnh giới của sanh, nơi chúng ta ra đời. Đặt vấn đề đơn giản, chúng từ đâu sinh ra? Bhava là điều kiện đầu tiên cho sanh. Nơi nào sanh hiện hữu, nơi ấy là bhava.

Giả sử chúng ta có một vườn táo, chúng ta rất thích khu vườn ấy. Đó là một bhava nếu chúng ta không dùng trí tuệ quán chiếu. Thế nào? Giả như vườn táo của chúng ta có hàng trăm hàng ngàn quả táo... mặc cho chúng là cây gì, chúng ta chỉ biết đó là cây của chúng ta. Vì tham luyến vườn cây, chúng ta cứ như con sâu trên mỗi thân cây. Mặc dầu, thân của chúng ta đang ở trong nhà, chúng ta vẫn bủa ra những “tua cảm xúc” trên mỗi thân cây kia.

Bây giờ, chúng ta đã biết bhava là như thế nào? Bhava, cảnh giới của sự sống, sự tồn tại của một thực thể do vì ái chấp một ý tưởng - Các cây ấy là của riêng ta, vườn cây ấy là của riêng ta. Nếu ai lấy rìu chặt một cây trong vườn ấy, người chủ ở trong nhà cũng chết theo với cây ấy. Ông ấy nổi giận, đến để nói lý lẽ, cãi cọ, đánh nhau, có khi còn giết chết nhau. Cuộc cãi vả chính là “sanh” đó. “Lãnh địa của sanh” là vườn cây mà chúng ta dính mắc, bám víu vào đó, xem là của riêng ta. Chúng ta bị sanh trở lại đúng ngay nơi chúng ta cố chấp là của riêng mình, việc sinh ấy chính từ bhava. Dù rằng chúng ta có một ngàn cây táo, nếu ai chặt dù chỉ một cây cũng như chặt chính ông chủ ấy vậy.

Bất cứ cái gì chúng ta cố giữ, chúng ta sẽ sanh trở lại ngay nơi ấy, chúng ta tồn tại nơi ấy. Chúng ta sinh ra ngay khi chúng ta “biết”. Cái biết từ cái không biết: Chúng ta biết có người chặt một cái cây của ta, nhưng chúng ta không biết tất cả những cây đó thật ra không phải của ta. Đây gọi là “biết từ không biết”. Chúng ta bị sanh trở lại vào bhava rồi.

Bổn phận (vaṭṭa) bánh xe duyên hữu hoạt động như thế. Người ta bám víu vào bhava, họ lệ thuộc bhava. Nếu họ yêu mến bhava, đó là sanh. Và nếu họ bị đau khổ, cũng như thế, đó là sanh. Chỉ cần không thể xả bỏ, chúng ta đã bị giữ lại trong lối mòn của luân hồi (saṃsāra), quay tròn theo bánh xe. Hãy quán sát và suy tư điều này. Bất cứ cái gì, chúng ta bám víu, cố chấp xem là của chúng ta, thuộc chúng ta, nơi ấy là trú xứ của sanh.  

Phải có bhava, phạm vi của sanh trước mới có sanh ra đời. Vì vậy, Đức Thế Tôi dạy rằng - Bất cứ cái gì, các vị có hay không có, hãy để mặc nhiên như thế, đừng quy kết chúng vào các vị. Các vị phải hiểu “có” và “không có” đây, nhận biết rõ sự thật của chúng, đừng nhầm lẫn để rồi đau khổ.

Nơi chúng ta được sinh ra; bạn có muốn quay trở lại đó và sinh trở lại không? Tất cả bạn đang ở trong hàng xuất gia và tập sự xuất gia, bạn có biết mình từ đâu sinh ra không? Bạn có muốn trở lại nơi đó không? Ngay nơi đây, hãy quán sát điều này. Tất cả các bạn hãy sẵn sàng. Càng gần thời điểm kết thúc An cư, chúng ta càng nỗ lực sửa soạn cho hành trình trở lại và tái sinh nơi đó.

Bạn nghĩ rằng người ta có thể hiểu rõ cảm giác như thế nào khi sống trong bụng mẹ. Không thoải mái phải không? Bạn nghĩ thử xem khi bạn ở trong cốc suốt một ngày cũng đủ biết. Đóng tất cả cửa lớn, cửa sổ là bạn đã ngạt thở rồi. Làm sao chịu nổi nằm trong bụng suốt chín, mười tháng kia chứ? Hãy nghĩ xem.

Mọi người không nhận ra trách nhiệm của vạn vật. Hãy hỏi họ: “Tại sao họ sống được đây? hay Tại sao họ được sinh ra trong đời? thì họ không làm sao trả lời được cả. Bạn còn muốn trở về lại nơi ấy không? Tại sao? Thật quá rõ nhưng bạn không thấy nó thôi. Tại sao bạn không thể nhìn thấy? Bạn đang vướng mắc vào điều gì? Bạn đang cố nắm giữ điều gì? Chính bạn phải nghĩ thông suốt những điều ấy.

Chính vì nguyên nhân của hữu và sanh. Hãy nhìn em bé còn trong bụng mẹ đang có mặt trong chánh điện này, bạn có thấy em bé ấy không? Có ai biết gì về em bé không? Không, không có ai biết gì cả. Em bé đang nằm trong bụng mẹ đang được bảo bọc rất kỹ. Và chính bạn muốn làm nhiều việc hơn và ngay cả muốn trở lại bị cầm cố trong đó. Tại sao bạn không thấy sự nguy hiểm của nó và lợi ích của việc thực tập pháp?  

Bạn thấy chứ? Đó là bhava. Cội rễ ngay nơi đó và xoay tròn vòng quanh nơi đó. Đức Thế Tôn bảo chúng ta quán chiếu điểm này. Mọi người nghĩ về nó nhưng vẫn không nhận ra nổi. Tất cả họ đều sẵn sàng quay trở lại đó lần nữa. Họ biết về lại trong ấy không sung sướng gì, cổ của họ phải bị ở trong thòng lọng thật khó chịu lắm, nhưng họ vẫn muốn để đầu của họ vào đó. Tại sao họ không hiểu điều này? Đây cũng chính là nơi trí tuệ phát sinh, nơi chúng ta cần phải quán chiếu.

Khi tôi nói điều này, mọi người cho rằng: “Nếu trường hợp ai ai cũng đi xuất gia... thế thì thế giới này sẽ vận hành ra sao?” Bạn sẽ không bao giờ làm cho mọi người đi xuất gia hết được đâu, nên yên tâm, không phải lo lắng. Thế giới vẫn còn nguyên đó vì chúng sinh còn lừa dối, đó không phải là chuyện đùa.

Tôi xuất gia làm Sa-di năm lên chín tuổi. Tôi bắt đầu thực tập từ con đường trở lại ấy. Nhưng những ngày tháng này, tôi thật sự không biết gì hết. Tôi khám phá ra lợi ích của thực tập pháp khi tôi trở thành một vị Tăng thật sự. Khi bước lên hàng xuất gia thiệt thọ, tôi luôn cảnh giác, thận trọng. Những thú vui dục lạc mà người đời đắm nhiễm say mê, với tôi dường như không chút hứng thú nào. Tôi thấy đau khổ trong chúng. Giống như thấy quả chuối ngon có độc, tôi biết nó rất ngọt đồng thời tôi cũng biết nó có độc. Vị ngọt hay sự mời gọi không có vấn đề gì cả, nhưng nếu bỏ vào miệng ăn, tôi sẽ chết ngay. Tôi luôn cân nhắc điều này rất kỹ, tôi muốn “ăn chuối,” tôi sẽ nếm vị độc thấm bên trong, và cuối cùng tôi có thể thoát ra sự tham chấp mọi thứ. Ở tuổi này, những thứ như vậy không còn mời nhử, lôi cuốn tôi nữa.  

Nhiều người không biết có “độc”, cũng có người biết có “độc” song vẫn muốn thử vận may. Nếu tay bạn bị đứt, đừng chạm nhằm chất độc, nó có thể thấm vào vết thương.

Tôi cũng thường quán chiếu và tinh tấn thực tập điều này. Khi thọ giới tu tập được năm, sáu năm, tôi nghĩ về Đức Thế Tôn. Ngài thực tập năm, sáu năm rồi chứng quả Chánh đẳng giác, còn tôi vẫn cứ đắm trong cuộc sống thế gian này. Rồi tôi lại có ý nghĩ:

Mình nên trở lại đời sống thế tục “xây dựng thế giới phàm trần này” một thời gian để học hỏi thêm kinh nghiệm chăng! Ngay Đức Thế Tôn trước khi xuất gia cũng có đứa con trai Rahula mà. Có lẽ mình quá bảo thủ nghiêm khắc chăng?...

Tôi ngồi quán chiếu hồi lâu đến khi tôi nhận ra: “Đúng, ý nghĩ này rất hay, nhưng tôi chỉ sợ “ông Phật” này sẽ không giống Đức Phật”. Một tiếng nói cất lên trong tôi: “Tôi sợ ông Phật này sẽ phải chìm ngỉm trong bùn, không giống như Đức Phật”. Và tôi chấm dứt ngay những tư tưởng đẫm mùi tục luỵ ấy.  

Từ năm 16 - 17 Hạ cho đến 20 Hạ, tôi thật sự phải bước vào cuộc chiến. Những ngày tháng này dường như tôi phải chạy tránh làn tên mũi đạn, tôi bị săn đuổi trong quãng thời gian dài. Tôi chỉ e ngại rằng bạn là những vị Tăng và Sa-di còn quá trẻ đang có rất nhiều đạn dược, bạn có thể muốn đi và thử súng của mình. Trước khi bạn làm, hãy suy nghĩ cân nhắc cho thật kỹ đã.

Bàn về tham dục, thật khó mà dứt bỏ. Thật sự rất khó nhận ra đúng với bản chất của nó. Chúng ta phải dùng nhiều phương tiện thiện xảo. Quán chiếu dục lạc giống như ăn thịt bị nó dính nhét vào răng. Trước khi ăn xong bữa, bạn phải tìm cây tăm để xỉa cho ra nó. Khi sợi thịt được lấy ra rồi, bạn cảm thấy dễ chịu trong chốc lát, có thể bạn nghĩ rằng mình sẽ không ăn thịt nữa đâu. Thế nhưng khi thấy món thịt, bạn lại không thể nhịn được. Bạn ăn nó và tiếp tục lại bị dính vào răng. Khi thịt dính răng, bạn lại phải xỉa lấy nó ra ngoài và một lần nữa lại cảm thấy dễ chịu, rồi bạn tiếp tục ăn thịt nữa... Dục lạc cũng giống y như thế, không tốt lành gì hơn. Khi thịt dính vào răng, bạn cảm thấy rất khó chịu. Bạn lấy tăm xỉa lấy nó ra và cảm nhận một sự dễ chịu làm sao. Ví dụ này không khác gì với việc đắm thích vào dục lạc... Áp lực tăng dần tăng dần cho đến lúc bạn làm vơi đi chút đỉnh... Ồ! Tất cả là chừng đó. Tôi không biết còn biết bao phiền toái gì nữa.

Tôi không học được những điều này từ bất kỳ ai khác, chúng xảy ra với tôi trong quá trình thực tập. Tôi ngồi thiền và quán chiếu dục lạc giống như một tổ kiến ​​đỏ.[38] Có người lấy miếng gỗ chọc vào tổ kiến, đàn kiến ồ ạt kéo ra, bò lúc nhúc lên miếng gỗ, bò lên mặt họ, cắn mắt, cắn tai. Thế nhưng họ vẫn chưa thấy chính mình đang trong tình cảnh nguy khốn.

Tuy nhiên, nó không vượt ra ngoài khả năng của chúng ta. Trong giáo huấn của Đức Thế Tôn, Ngài dạy rằng nếu chúng ta thấy sự nguy hại từ vật gì, việc gì, không sao cả, đó là cơ hội tốt để ta có thể xem xét, để biết sự nguy hại ấy. Bất cứ điều gì, chưa thấy sự nguy hại của chúng, chúng ta chỉ nghĩ đến mặt tốt. Nếu chưa thấy sự nguy hại của việc gì, chúng ta không thể nào thoát ra khỏi chúng được.  

Bạn có để ý không? Dơ bẩn thế nào không quan trọng, có người vẫn thích nó. Có loại việc không sạch sẽ, không đàng hoàng, ngay cả dù bạn không trả lương, họ vẫn vui vẻ tự nguyện làm? Đối với loại công việc nhơ bẩn khác, nếu bạn trả một số tiền lớn bảo họ làm, họ cũng sẽ không làm; nhưng với loại việc này, họ sẵn sàng vui vẻ làm dù bạn không trả cho họ thứ gì. Vấn đề không phải là việc tốt lành hay nhơ bẩn. Nhưng tại sao mọi người thích nó? Làm sao bạn có thể nói rằng họ thông minh khi cư xử như thế? Hãy nghiền ngẫm điều ấy.

Bạn đã từng để ý quan sát những chú chó trong tu viện ở đây không? Chúng có nhiều bầy, suốt ngày chạy nhảy cắn lẫn nhau, có đứa còn bị thương tật. Một tháng nọ, có chú chó nhỏ chạy đến bầy chó lớn, thế là bầy chó lớn cắn đuổi chú đi, chú kêu ăng ẳng, kéo lê cái chân bị thương đi theo sau. Nhưng khi bầy chó chạy, chú cũng khập khiễng lếch theo. Chú chỉ là một con chó nhỏ, nhưng chú nghĩ, sẽ có một ngày cơ hội đến với chú. Bầy chó cứ cắn chân chú, nên chú gặp lắm điều phiền toái. Suốt mùa tìm bạn, chú chó nhỏ vẫn không có một dịp nào. Bạn có thể tự mình thấy việc này ngay trong tự viện đây.

Lũ chó từng bầy chạy quanh kêu hú... Tôi hình dung chúng giống như người đang ca hát vậy! Chúng thấy vui, ca hát nhưng không có chút suy nghĩ, không biết nên làm việc gì, chỉ sống theo bản năng không tư lự chi hết.

Hãy suy xét kỹ điều này. Nếu thật sự muốn thực tập, bạn nên rõ biết những cảm thọ của bạn. Ví dụ: Trong số chư Tăng, Sa-di, cư sĩ, bạn nên hòa hợp với lớp người nào? Nếu bạn gần gũi với người nói nhiều, họ cũng cho là bạn nói nhiều như vậy. Chỉ mỗi phần nói nhiều của bạn cũng đã quá đủ rồi, huống chi phần của tất cả họ nhập chung lại, chắc chắn sẽ bị nổ tung thôi!  

Nhiều người thích giao du với người nói nhiều và nói những điều phù phiếm. Họ có thể ngồi lắng nghe hàng giờ. Khi lắng nghe Pháp, nói về việc thực tập, họ không muốn nghe nhiều. Cũng như trong Pháp hội, ngay khi bắt đầu, tôi niệm... “Namo Tassa Bhagavāto…[39]... họ đã buồn ngủ rồi. Họ không thu gặt được gì trong thời Pháp cả. Khi tôi tụng đến “Evaṃ…” (hồi hướng), họ mở choàng mắt ra và thức dậy. Lần nào cũng thế, nghe pháp thoại là họ ngủ. Làm sao họ có thể thu thập lợi ích từ giáo pháp được?

Những người hành trì giáo pháp thật sự, sau khi nghe được thời pháp thoại, ý chí họ hưng phấn và thôi thúc thực tập hơn, họ đã học được vài điều hay. Cứ sáu hay bảy ngày, vị Thầy ban pháp thoại mới, sách tấn họ liên tục thực tập.

Bây giờ bạn đã được thọ giới pháp, đó là cơ hội của bạn. Chỉ có cơ hội duy nhất này đây nên bạn hãy trân trọng quán sát thật kỹ. Quán sát mọi vật và suy ngẫm hành trình bạn sẽ chọn. Bạn hoàn toàn độc lập. Nơi nào bạn sẽ đi đều bắt đầu từ nơi đây. Bạn đang đứng nơi giao lộ giữa con đường thế tục và con đường giáo pháp. Bạn sẽ chọn con đường nào? Bạn chỉ có thể chọn một trong hai con đường, đây là thời điểm quyết định. Sự lựa chọn tùy nơi bạn. Bạn được giải thoát chăng chính ngay ở điểm này.



[36] Niết-bàn (Nibbāna): Trạng thái giải thoát khỏi mọi duyên ràng buộc của thế giới hữu vi.

[37] Từ ngữ Thái nói về bhava là “pop”, đây là từ ngữ Thiền sư thường dùng, rất quen thuộc đối với thính giả. Hiểu một cách chung chung là “cảnh giới của tái sinh”. Cách sử dụng từ của Ngài Ajahn Chah ở đây có chút không theo nguyên tắc, nhấn mạnh việc ứng dụng thực tập, từ ngữ chỉ là hỗ trợ cho việc thực tập.

[38] Kiến đỏ và trứng của chúng, cả hai đều được người dân vùng Đông Bắc Thái Lan dùng làm thực phẩm nên việc rập bắt hang của chúng không phải chuyện lạ.

[39] Dòng đầu tiên của kinh điển Pāli truyền thống là thành kính đảnh lễ Phật, tụng trước khi thuyết giảng Kinh pháp. Evaṃ là từ Pāli trong bài tụng kết thúc thời pháp thoại.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/02/2011(Xem: 6963)
« Sự thụ thai và hình thành của một đứa bé đòi hỏi một khung cảnh đạo đức và một thái độ tinh thần thật đặc biệt. Các khoa học gia cho biết ngay từ lúc đứa bé còn nằm trong bụng, trạng thái tâm thần của người mẹ đã bắt đầu ảnh hưởng đến nó. Sự an bình trong tâm thức của người mẹ trong thời gian mang thai tác động rất tích cực đến đứa bé sinh ra sau này. Trái lại, nếu tâm thần của người mẹ mang tính cách tiêu cực – chẳng hạn như giận dữ hay mang đầy thất vọng trong lòng – thì sẽ làm phương hại đến sự phát triển bình thường và lành mạnh của đứa bé», (Lời giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma).
27/02/2011(Xem: 7868)
Bạn có bao giờ ý thức được rằng, bi quan hay sầu muộn tức là tự mình đang lãng phí những ngày tháng quý giá của cuộc đời mình?
27/02/2011(Xem: 7648)
Buổi nói chuyện hôm nay tôinhắm vào Quý Phật tử Phước Thái nhiều hơn là Quý Phậttử ở các nơi. Vậy Quý vị hãy lắng nghe cho kỹ. Ở đâytôi không giảng những đề tài cao siêu, mà đặt những câuhỏi rất thực tế, rất thấp, quý vị hãy trả lời đúngnhư chỗ mình biết, để rồi tôi hướng dẫn cho quý vịtu hành. - Quý vị đi chùa học đạo, cóphải tu theo đạo Phật không?
26/02/2011(Xem: 7612)
Có thể nói rằng, trước khi chúng ta cảm nhận được sự thanh thản, bình yên trên quả đất này, mỗi chúng ta đã có thể cảm nhận sự bình yên, thanh thản từ bên trong tâm hồn mình.
25/02/2011(Xem: 7826)
Anh đã từng xót thương, như tự xót thương anh thuở nào thơ dại, khi bắt gặp trên đường những nét nhăn mà móng vuốt của cuộc đời đã cày trên trán ai như trán em bây giờ...
25/02/2011(Xem: 6430)
Lòng hướng thiện luôn tiềm ẩn nơi mỗi tâm hồn đang khát khao vươn lên trong cuộc sống. Với những tâm hồn đang đi trong bóng tối lầm lạc, vấp ngã, hãy biết vươn mình đứng thẳng dậy để tiếp tục sống.
25/02/2011(Xem: 8727)
Trong kinh Tăng Chi I, đức Phật dạy rằng: “Đối với bậc chân nhân, thiện nhân, hai đặc tính này sẽ được biết đến, đó là biết ơn và đền ơn đúng pháp.”
24/02/2011(Xem: 6885)
Việc giáo dục con người phải được bắt đầu tuổi ấu thơ, từ gốc rễ gia đình. Giáo dục con cái – tức là chuẩn bị hành trang cần thiết cho con cái bước vào đời...
23/02/2011(Xem: 7759)
Nói đến gia đình, trong ký ức sâu đậm của mỗi người, chúng ta thường nghĩ đến những gì là tươi đẹp và thiêng liêng nhất!
23/02/2011(Xem: 12144)
Không biết tự bao giờ, người xưa đã thốt lên một câu rất giản đơn nhưng chính xác, mà cho đến ngày nay hầu hết chúng ta không ai là không biết: “Ở sao cho vừa lòng người...”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]