Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

43. Cảm Xúc

04/01/201910:30(Xem: 16012)
43. Cảm Xúc

Cảm Xúc

(giọng đọc Chi Bảo)

 

Cảm xúc là những phản ứng nhất thời để bảo vệ quyền lợi của bản ngã.

 

 

 

Cơ chế cảm xúc

 

Khi yêu thích một đối tượng nào đó, ta hay tìm mọi cách để chiếm hữu cho bằng được. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi thì ta lại nhàm chán muốn tìm đối tượng mới, dù đối tượng cũ vẫn không có gì thay đổi. Thái độ ấy chứng tỏ ta đang sống trong sự điều khiển của cảm xúc. Cũng như khi bị người nào đó xúc phạm thì ta liền tức giận và tìm cách trả đũa. Ít nhất phải nói một câu khiến họ phải đau đớn thì ta mới hả dạ, chứ ta không thể bình tĩnh để tìm hiểu và giải quyết vấn đề một cách êm ái. Đó cũng là tình trạng nô lệ cảm xúc. Hoặc khi nghe ai đó khóc than kể lể quá cảm động thì ta không kiềm được nước mắt, trở nên mềm lòng và chấp nhận tất cả yêu sách của họ. Nhưng sau đó chừng vài giờ, ta bỗng thấy hối tiếc vì quyết định của mình. Hành động này cũng là do bị cảm xúc dẫn dắt.

 

Hoạt động của con người nằm trong sự điều khiển của cơ chế tâm lý gồm có bốn yếu tố: tâm thọ (cảm giác), tâm tưởng (tưởng tượng), tâm hành (phản ứng yêu ghét), tâm thức (nhận biết và ghi nhớ). Mỗi yếu tố là một tổ hợp được hình thành và chịu tác động không ngừng từ những yếu tố khác. Thí dụ, khi uống chén trà mà ta cảm nhận được độ nóng, hương và vị của trà, đó là do tâm thọ. Ta nhận biết đây là trà chứ không phải thứ nào khác và ta còn nhận ra được hương vị của nó thuộc loại trà nào, đó là do tâm thức. Còn khi ta phát sinh ý niệm thích loại trà này, đó là sự can thiệp của tâm hành. Rồi sau đó ta lại có ý  định muốn đem một ít trà này về đãi bạn bè, thì một lần nữa tâm hành lại can thiệp. Bấy giờ, nếu tâm ta hiện lên khung cảnh ngồi chia sẻ hương vị trà đặc biệt này với những người bạn thân, đó là hoạt động của tâm tưởng. Trên suốt đoạn đường về nhà hương vị trà vẫn cứ thoang thoảng trong đầu, tức là tâm tưởng vẫn còn đang hoạt động. Khi đem trà ra thết đãi bạn bè, nếu lỡ bị chê bai khiến ta buồn bã và thất vọng, thậm chí ta còn tự hứa với lòng sẽ không bao giờ làm như thế nữa, đó là sự điều khiển của tâm hành.


Tâm thọ có chức năng cảm nhận những gì mà các giác quan tiếp nhận được từ bên ngoài. Tâm tưởng có chức năng tái hiện lại tất cả những dữ liệu được lưu trữ trong tâm thức. Ngoài ra, nó còn có thể nhồi nặn những dữ liệu ấy thành ra những dữ liệu mới để giúp ta sáng tạo, khám phá hay vẽ vời mông lung. Tâm thức có chức năng nhận biết những gì tiếp xúc qua các giác quan, đồng thời lưu trữ toàn bộ thông tin từ di truyền cho đến cả những gì tiếp thu được đến tận thời điểm hiện tại. Phần lưu trữ vô tận này còn được gọi là tàng thức, tiềm thức hay chiều sâu tâm thức. Tâm hành là những biểu hiện yêu thương, tha thứ, nhẫn nhục, tùy hỷ, khiêm cung, và cả giận hờn, kỳ thị, kiêu ngạo, cô đơn, tuyệt vọng Nói chung, tất cả thái độ yêu thích hay ghét bỏ đều thuộc về chức năng của tâm hành.

 

Tuy mỗi yếu tố đóng một vai trò quan trọng và không thể tách rời nhau để hoạt động, nhưng tâm hành mới trực tiếp thể hiện thông điệp của bản ngã (cái tôi). Có thể nói tâm hành chính là hang ổ của bản ngã. Thật ra, tất cả những thái độ yêu thích hay ghét bỏ kia vốn chỉ là hạt giống nằm sâu trong kho chứa của tâm thức. Khi hạt giống ấy bị tác động bởi ngoại cảnh qua các giác quan, hay do chính những hạt giống khác ở bên cạnh kích hoạt vào, sẽ khiến chúng biến thành nguồn năng lượng biểu hiện lên bề mặt ý thức. Ta gọi đó là tâm hành. Tuy hầu hết những tâm hành đều chứa đựng tính chất yêu và ghét, nhưng chỉ những tâm hành nào thể hiện phản ứng trong nhất thời, không có sự soi sáng và can thiệp của lý trí thì mới bị xếp vào dạng cảm xúc. Vì thế, ta có thể định nghĩa một cách ngắn gọn: cảm xúc là những phản ứng nhất thời để bảo vệ quyền lợi của bản ngã.

 

Y học định nghĩa cảm xúc là trạng thái hóa học của não bộ. Do lượng máu tuần hoàn cung cấp cho não bộ liên tục đổi mới, và luồng thần kinh cũng liên tục thay đổi để đưa thông tin về các diễn biến của môi trường bên ngoài hay của những kinh nghiệm đối ứng đã được ghi chép sẵn trong kho lưu trữ não bộ, nên bất cứ trạng thái hóa học nào của não cũng sẽ được "rửa sạch" sau chừng mười lăm phút. Vì vậy, bản chất của cảm xúc là tạm thời.

 

Dù có những cảm xúc như ghen tuông hay hận thù kéo dài tới hàng chục năm trời, nhưng tần số hoạt động của chúng luôn thay đổi. Mỗi lần cảm xúc phát sinh sẽ mang thêm một kiến thức mới và một kinh nghiệm mới, làm cho năng lực của nó mạnh hơn hay yếu hơn. Hoặc nó sẽ chuyển hướng đột ngột, như đang tức giận điên tiết cũng có thể biến thành yêu thương cuồng nhiệt nếu bản ngã bất ngờ được tôn trọng hay nâng niu (dù ở dạng này hay dạng khác). Có thể nói cảm xúc là phần phản ứng cạn cợt của tâm lý. Công việc của nó là tống ra một nguồn năng lượng để bày tỏ thái độ hài lòng hay không hài lòng, thích hay không thích, chấp nhận hay không chấp nhận, nên nó thường mang lại sự hối tiếc cho ta ngay sau đó. Vì thế, người nào bị cảm xúc khống chế thường trực thì người ấy sẽ có lối hành xử rất cạn cợt. Dù biết nhiều điều hay lẽ phải, nhưng mỗi khi cảm xúc tốt hay xấu bùng vỡ thì họ nghe theo cảm xúc ấy như trẻ con - rất bản năng và bất chấp hậu quả.

 

 

 

Chăm sóc cảm xúc

 

Đời sống không thể thiếu cảm xúc, bởi cảm xúc chính là những cung bậc tình cảm của con người. Nhưng nếu cảm xúc bị khai thác đến mức vượt qua tầm kiểm soát của lý trí thì đó chính là tình trạng tự đánh mất chủ quyền với bản thân, nó khiến ta phạm sai lầm và gánh chịu nhiều hậu quả sau khi cảm xúc đi qua.

 

Trong tình yêu, người ta thường muốn con tim dẫn đường hơn là dùng cái đầu nhận xét. Điều này nghe thật dễ rung cảm, có vẻ như ta đang muốn đem hết con người của mình ra để yêu chứ không muốn cân nhắc hay suy tính. Nhưng kỳ thực chính ta cũng không biết mình đang không kiềm chế nổi nhu cầu thỏa mãn cảm xúc. Vì nếu sử dụng lý trí thì buộc ta phải ức chế sự thỏa mãn ấy. Đó là lý do tại sao khi đã nhàm chán nhau thì ta không thể vì ân nghĩa mà tiếp tục chung sống với nhau; hoặc dù biết rằng tha thứ và chấp nhận nhau là điều hay nhất để giải quyết vấn đề nhưng ta vẫn không làm được. Ta đã không vượt qua nổi nhu cầu thỏa mãn cảm xúc nhưng ta lại nghĩ do trái tim mình đã hết sức chứa.

 

Lẽ dĩ nhiên sống là phải hưởng thụ. Nhưng càng hưởng thụ thì ta càng dễ nghiện ngập và trở nên yếu đuối. Trong khi đó, cuộc sống không phải lúc nào cũng mang tới đầy đủ điều kiện thuận lợi cho ta. Nếu ta không tiếp tục được hưởng thụ ở mức độ đã quen thuộc thì cảm xúc xấu sẽ phát sinh và tạo thành những cơn đau hành hạ. Do đó, kẻ khôn ngoan phải biết hy sinh những cảm xúc tốt không cần thiết, chấp nhận những cảm xúc xấu cần thiết để vươn tới những mục đích cao cả hơn - những loại hạnh phúc lâu bền và chân thật.


Dù cảm xúc có liên quan sâu sắc đến di truyền nhưng môi trường trưởng thành mới tạo nên năng lực cảm xúc trong mỗi người. Nếu ta ý  thức mình luôn bị cảm xúc điều khiển - việc nên làm thì không làm mà việc không nên làm lại cứ làm - thì ta phải quyết tâm sắp xếp lại nếp sống của mình. Trước tiên, ta nên sống chung với một người khá vững chãi, sống có nguyên tắc và luôn sinh hoạt nghiêm túc theo thời khóa biểu. Người ấy cũng cần hơi khó tính một chút để sẵn sàng nhắc nhở mỗi khi ta vượt ra khỏi những quy định hay cam kết. Thậm chí nếu thấy thói quen sống vô độ của mình quá lớn, ta có thể gia nhập vào quân ngũ hay tu viện một thời gian dài để được đào luyện trong một môi trường luật lệ nghiêm khắc. Thời gian đầu chắc chắn sẽ gặp nhiều phiền toái, vì ta phải từ bỏ thói quen cũ để thiết lập thói quen mới. Nhưng khi đã thành nếp rồi ta sẽ thấy thích thú, tự do và vững chãi, vì ta có thể chủ động trong mọi tình huống. Nghĩa là ta không còn lo sợ hoàn cảnh hay đối tượng khác lôi kéo và điều khiển. Một người ít biểu hiện cảm xúc ra ngoài sẽ không dễ gây cảm tình với mọi người, nhưng càng tiếp xúc và sống chung với họ thì ta càng thấy an ổn và tin tưởng. Vì họ có khả năng chịu đựng và ý thức trách nhiệm rất cao.

 

Nếu ta biết tính mình thiên về nghệ thuật và thường cảm thấy mệt mỏi sau mỗi lần để cho cảm xúc tuôn trào bất tận, thì hãy thường xuyên tìm tới sinh hoạt cùng những người bạn trong các lĩnh vực khác. Hoặc tự mình nên thử nghiệm thêm ngành nghề khác hoàn toàn đối lập với tính cách của mình. Ta phải cố gắng tránh bớt những đối tượng mà mình ưa thích, và tập gần gũi với những đối tượng mà mình vốn không ưa thích. Ngoài ra, ta cũng phải cố gắng bỏ ngoài tai những lời xu nịnh hay khen tặng, và tập lắng nghe những lời góp ý thẳng thắn hay chê bai. Nên nhớ, lớp cảm xúc cạn nhất mà ta vô tình nuôi dưỡng nhiều nhất chính là những gì ta cảm nhận nơi các giác quan cộng với thái độ yêu ghét của ta.

 

Đó là những giải pháp rất hữu hiệu giúp ta cân bằng cảm xúc. Khi cảm xúc cân bằng thì khả năng quan sát của ta về mọi đối tượng sẽ chính xác hơn. Nhưng chỉ khi nào ta thấu hiểu và có khả năng hóa giải những cảm xúc thuộc dạng "cơn bão" thì ta mới có thể sống an ổn và tự do lâu bền. Tuy nhiên, trước tiên ta hãy tìm đến một không gian yên tĩnh để nhìn lại những cảm xúc quen thuộc của mình. Lý tưởng nhất là đến một trung tâm thiền.

 

Bước đầu ta sẽ học cách tập trung tâm ý lên một đối tượng (định tâm). Đây là bài tập căn bản quan trọng, giúp ta phát triển khả năng chuyên chú lâu bền mà không để những ý niệm khác dễ dàng chen vào. Cần phải mất ba tháng hay sáu tháng để xây dựng thói quen định tâm cho vững chắc thì ta cũng nên làm. Vì nếu không có được thói quen này, ta sẽ không thể nào đủ sức để khám phá và tháo gỡ những lớp tâm lý phức tạp và tinh vi.

 

Công việc chính của một thiền sinh cũng chỉ là quan sát rõ mọi hiện tượng tâm lý bằng thái độ không yêu thích cũng không ghét bỏ, không thành kiến cũng không phê phán. Ta cứ thản nhiên quan sát từ khi hạt giống phiền não bị kích động và biểu hiện lên bề mặt ý thức ở dạng năng lượng. Rồi cả quá trình nguồn năng lượng ấy tiếp tục bị kích động bởi ngoại cảnh hay chính những yếu tố khác của cơ chế tâm lý. Đến khi nó thúc giục ta nói năng hay hành động, và kể cả khi nó tan biến đi và nguyên nhân nào khiến nó tan biến. Quan trọng nhất không phải là triệt tiêu cho được phiền não, mà ta cần thấu hiểu cơ cấu của chúng. Nếu không hiểu được phiền não thì ta chỉ có thể đè nén chứ không bao giờ chuyển hóa được. Điều quan trọng nữa là cần quan sát thái độ của ta mỗi khi chạm mặt phiền não. Thái độ chống đối sẽ làm cho phiền não ẩn khuất hay lớn mạnh thêm.

 

Kỹ năng này có thể mài giũa ở mọi lúc mọi nơi. Mỗi khi thấy năng lượng cảm xúc trào lên, nếu có thể thì ta hãy ngưng ngay công việc đang làm để ưu tiên quay về chăm sóc cảm xúc. Cũng giống như bà mẹ khi đang nấu nướng hoặc may vá, chợt nghe tiếng em bé khóc là lập tức tạm ngưng công việc để vào chăm sóc em bé. Chỉ cần bà mẹ ẵm em bé lên vỗ về đôi chút là em bé sẽ bớt khóc ngay. Từ từ quan sát, bà mẹ sẽ hiểu lý do nào làm em bé khóc, có thể do khát sữa hay cái tã bị dơ để kịp thời giúp đỡ. Bà mẹ quan sát tinh tường ấy chính là chánh niệm (niệm tâm). Chánh niệm là "khắc tinh" của mọi phiền não, bởi dưới ánh sáng mạnh mẽ của chánh niệm thì mọi phiền não đều bị cô lập và tan chảy. Thế mới nói chánh niệm chính là trái tim của thiền tập. Chỉ cần phát triển chánh niệm cho vững vàng thì phiền não sẽ tự diệt mà ta không cần phải cố gắng diệt trừ nó.

 

Phiền não vốn là hiện tượng nên cảm xúc cũng là hiện tượng. Chúng được sinh ra từ sự vận hành sai lệch của cơ chế tâm lý, mà nguyên nhân chính là do nhận thức sai lầm về bản ngã. Hãy đừng quên, ta không thể dùng ý chí đàn áp nhận thức này để thay vào bằng nhận thức khác. Điều nên làm là cần siêng năng duy trì thói quen quan sát mọi diễn biến trong tâm ở mọi tình huống thì ta sẽ nhìn ra tính chất không thật của những cảm xúc ấy. Vì khi những mong cầu và chống đối không còn nữa thì phiền não hay cảm xúc cũng sẽ tan biến. Tâm ta sẽ trở nên trong vắt và yên tĩnh như mặt hồ không còn những gợn sóng.

 

Cảm xúc nếu được đặt trong một khuôn khổ giám sát thường trực của chánh niệm thì nó sẽ trở thành chất liệu quan trọng cần thiết để tạo nên màu sắc và hương vị giá trị cho cuộc đời. Bởi vì con người là một thực tại sinh động chứ không phải là gỗ đá vô tri.

 

 

Theo cơn mê cảm xúc

Trôi dạt đến chốn nào

Sáng nay trời thơm nắng

Một đóa hoa ra chào.

Tùy thuận theo hoàn cảnh

Không buộc theo ý mình

Giữ tâm không giữ cảnh

Tâm bình cảnh cũng bình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/02/2016(Xem: 5774)
Được sự phát tâm lành từ quí vị, vào hôm mồng 4 Tết (Feb 11-2016) chúng tôi đã thực hiện một buổi tặng quà cho các em nhỏ thuộc một mái trường làng không tường vách đơn sơ. Đây là một ngôi trường làng cách Bồ Đề Đạo Tràng chừng 12 cây số. Chúng tôi đã cố gắng để các em nhỏ em nào cũng có quà của quí vị cho. Hiện nay trường có 3 lớp học với tất cả là 154 em nhỏ thuộc giai cấp thấp của xã hội India.
16/02/2016(Xem: 5593)
Một chàng thanh niên thuộc giai cấp nô lệ hạ tiện, là giai cấp thấp nhất ở Ấn Độ, đang gánh phân đi trên con đường làng. Hôm đó đức Phật theo thứ lớp đi khất thực không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, Ngài bình đẳng đi hết xóm này đến làng khác và tình cờ gặp chàng gánh phân. Vì quá sợ sệt nên anh ta né qua đường khác nhưng trong lòng vẫn ao ước và tiếc nuối “biết đến bao giờ mình mới được như các Ngài”. Đang trong vòng suy nghĩ miên man, anhkhựng hẳn người bởi trước mặt anh là một bóng hình từ ái, trang nghiêm với ánh hào quang rực rỡ. Anh hoảng hốt định quay đầu bỏ đi vì sợ bị bắt nhưng Phật từ bi cất tiếng, “này chàng trai trẻ
13/02/2016(Xem: 7301)
Phước đức là phước báo, hạnh phúc có được nhờ đức hạnh. - Từ tâm đức và hạnh đức ấy mà con người nhận lãnh phước báo.
10/02/2016(Xem: 8421)
Xuân - Tết Bính Thân đã về trên quê hương Việt Nam và đã có mặt nơi cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ: California, Houston, New York, Washington... Đồng hương Phật tử trong vùng San Diego County đã cùng Pháp Thuận Thiền viện chào đón một mùa xuân an bình, thịnh vượn và lắng động tâm hồn trong năm mới với hương Thiền ngào ngạt ngát Tâm đăng mỗi người trong bầu không khí của Thiền môn.
10/02/2016(Xem: 6586)
Đầu xuân kính chúc mọi người - Cát tường như ý vui tươi mỗi ngày - Luôn luôn tỉnh giác đừng say - Sống đời đơn giản đừng bày biện ra -
10/02/2016(Xem: 8358)
Từ Úc Châu, Hoà Thượng Thích Minh Hiếu - Bậc Tôn túc Lãnh đạo Phật Giáo Úc gởi Thư Chúc Tết đến Pháp Thuận Thiền Viện:
09/02/2016(Xem: 8286)
Khánh Hòa: Linh Phong Cổ tự đón giao thừa KH-khoalechonKH-htthichchivien miên huong Đúng 0 giờ, giao thừa, ngày mùng một Tết Bính Thân, Linh Phong Cổ tự toạ lạc trên đồi Trại Thủy đường Hải Đức, phường Phương Sơn, tp.NhaTrang, tỉnh Khánh Hòa, trong không khí trang nghiêm, nghi ngút khói hương trầm quyện tỏa, ba hồi chuông trống bát nhã linh thiêng trầm hùng vang vọng khắp đất trời đón mừng ngày đầu tiên của năm mới...năm Bính Thân, Mừng Xuân Di Lặc…
07/02/2016(Xem: 5947)
Ngày cuối cùng của năm tôi thường ngồi một mình. Người ta mê rượu, mê bia, tôi thích uống trà. Trà độc ẩm ngày cuối năm thú vị lắm. Ngồi một mình ngẫm về 1 năm trôi qua. Thời khắc chuyển giao này linh thiêng vô cùng. Ít nhất là đối với tôi.
06/02/2016(Xem: 7454)
Thế giới loài người có vẻ như vừa thức dậy, vươn vai làm bạn với nhau trên đường từ thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21. Sự phát minh những phương tiện truyền thông đại chúng như điện thoại, vi tính, điện thoại thông minh, máy thu hình điện tử và các trang mạng xã hội đã làm cho hành tinh xanh nầy dần dần có khả năng biến thế giới thành một “làng địa cầu”.
06/02/2016(Xem: 6476)
KHI CÒN LÀ MỘT cậu bé con, lúc tôi đang học hỏi Đạo Phật, tôi được dạy để chăm sóc thiên nhiên, vì sự thực tập về bất bạo động áp dụng không phải chỉ với con người mà đến tất cả chúng sanh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]