Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

41. Tưởng Tượng

04/01/201909:36(Xem: 15130)
41. Tưởng Tượng

Tưởng Tượng

(giọng đọc Lê Quý Bình)

 

Hoàn cảnh chỉ có thể làm cho ta đau, nhưng chính trí tưởng tượng sai lầm mới là thủ phạm giết ta chết.

 

 

 

Sống trong mộng tưởng

 

Một lần nào đó, vô tình ta tìm thấy kỷ vật của người thân yêu, bỗng nhiên những kỷ niệm ngọt ngào năm xưa lũ lượt kéo về tràn đầy trong tâm khảm. Ta thấy rất rõ ánh mắt và nụ cười rạng rỡ của người ấy. Ta nghe văng vẳng bên tai từng lời an ủi dịu dàng của ngày nào. Ta nhớ cả mùi nước hoa mà người ấy thường sử dụng. Ta không thể nào quên được cảm giác lần đầu khẽ chạm vào đôi bàn tay nồng ấm. Dường như tâm ta đã ghi nhớ tất cả.

 

Ngay khi ta vừa mới trò chuyện với một người nào đó xong, nếu đây là câu chuyện hấp dẫn hay đáng nhớ, thì liền ngay sau đó những hình ảnh và âm thanh dễ chịu ấy sẽ liên tục tái hiện. Nó gần như chiếm hết hoạt động của não bộ. Thỉnh thoảng ta cười khúc khích hay thầm thì một mình như cuộc đối thoại vẫn chưa tan. Đang lái xe trên đường cao tốc ta lại ngỡ mình đang đi giữa khung trời thơ mộng, đến khi xe lạc vào lối khác thật xa hay nghe tiếng kèn xe inh ỏi phía sau ta mới sực tỉnh. Ta có cảm tưởng như mình đang bị một lực nào đó ở bên ngoài kéo đi. Thật ra, chính những hình ảnh trong tâm đã cạnh tranh và lấn át thực tại đó thôi. Tất cả những dữ liệu đó đã được lưu trữ trong kho chứa tâm thức (còn gọi là tàng thức), nên khi bị kích động thì nó sẵn sàng tái hiện như một cuốn phim ráp nối không đầu không cuối. Nơi màn ảnh để cuốn phim tái hiện chính là tâm tưởng.

 

Hoạt động của tâm tưởng không thể tách rời với tâm thọ, tâm hành và tâm thức, nên tất cả những gì xảy ra trong những tâm kia đều tác động đến tâm tưởng. Thí dụ, khi nghe gió lạnh từ đâu tràn về, lòng ta bỗng se lại rồi chợt thèm tách cà phê nóng nơi quán cóc ở một góc đường tĩnh lặng nào đó. Bởi ta đã trải qua cảm giác đáng nhớ ấy ít nhất một lần trong quá khứ. Cảm giác được cái lạnh chính là chức năng của tâm thọ (còn gọi là cảm thọ). Tâm thọ nhanh chóng truyền thông tin ấy về tâm thức để nhận dạng. Khi tâm thức tìm được dữ liệu nào ấn tượng nhất liên quan tới cái lạnh, nó sẽ cho hiện lên trong tâm tưởng. Ngay lúc ấy, nếu tâm hành cũng tham dự bằng nỗi lo buồn thì lập tức một viễn cảnh tương lai sẽ được dựng lên. Có khi mơ hồ, có khi rõ rệt. Trong đó có một số dữ liệu cũ, nhưng cũng có một số hình ảnh hoàn toàn mới. Tâm tưởng tuy có thể đưa ra những ý kiến sáng tạo bất ngờ đến kinh ngạc, nhưng nó vẫn là sự tái chế tinh xảo trong chủ động hoặc cả trong vô thức. Cho nên, không có tuyệt tác nào đến từ một siêu ý tưởng bất chợt cả. Những chất liệu làm nên ý tưởng đó có thể đã được lưu trữ từ hàng chục năm trước qua sự trải nghiệm hay góp nhặt. Dù vậy, tần suất biến đổi của tâm tưởng vẫn luôn cao hơn các tâm khác.

 

Phải xác nhận rằng tâm tưởng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống. Không có tâm tưởng thì không có sáng tạo, không có tuyệt tác, không có những dự phòng cần thiết. Tuy nhiên, cũng chính tâm tưởng đã khiến ta không thể chấp nhận và sống sâu sắc với hiện tại, vì nó luôn dệt lên những giấc mộng hấp dẫn xa xôi. Khi ta đứng núi này lại trông núi nọ, nhìn người này hóa ra người khác thì làm sao thấy được hạnh phúc mình đang có trong tay mà tận hưởng? Đó chính là vọng tưởng. Dường như bây giờ ai ai cũng đang sống trong vọng tưởng, trong đầu họ lúc nào cũng đầy rẫy những hình ảnh âm thanh đan xen nhau một cách hỗn loạn. Bởi vì họ cho rằng càng nghĩ ra được nhiều ý tưởng hay để đem về lợi nhuận thì càng tốt. Nhưng hoạt động của tâm tưởng một khi đã vượt tầm kiểm soát và đến mức không thể dừng lại được nữa, thì toàn bộ cơ chế tâm thức sẽ bị đảo lộn và chuyển sang cung bậc khác. Đó là những dạng mà ta thường thấy: đãng trí, loạn tưởng, trầm cảm hay tâm thần. Khi ấy, họ sẽ nhìn mọi thứ bằng nhận thức hoàn toàn mới lạ, một thế giới mơ mơ màng màng mà họ hoàn toàn không nhận ra và định vị mình được nữa.

 

Bây giờ người ta dễ bị mắc vào chứng bệnh "hoang tưởng". Nguyên nhân từ một chấn động quá lớn trong lúc tinh thần đang yếu ớt, hoặc do một nỗi ám ảnh nào đó kéo dài từ trong quá khứ. Nhưng phần lớn là do họ chìm đắm trong mộng tưởng quá lâu mà không được ai đánh thức, vô tình họ đồng hóa giữa thực tại với những gì mình đang suy tưởng. Đầu tiên, bệnh nhân rơi vào tình trạng đánh mất niềm tin nơi bản thân và luôn mong chờ một điều gì đó tốt đẹp sắp đến để thay đổi cuộc đời mình. Sau đó, họ cảm nhận những gì đang xảy ra xung quanh dường như đã từng được thấy ở đâu rồi, có gắn kết với số phận của họ. Rồi họ cố gắng phân tích, giải thích theo lối suy diễn mông lung của mình. Theo thời gian, những suy nghĩ ấy được củng cố thành hệ thống vững chắc, không gì có thể thay đổi được. Hoang tưởng nếu không sớm điều trị thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến thái độ sống và làm thay đổi cả nhân cách. Từ một người đạo đức có thể trở thành kẻ tội phạm tàn ác.

 

Những người trẻ bây giờ hay tự đánh giá rất cao bản thân để cố gắng dựng lên những giấc mộng xa tít tầm tay, như thể là người có chí lớn. Nhưng thực chất khoảng cách giữa tài năng hiện tại và giấc mộng của họ quá đối nghịch. Thậm chí, họ chưa từng nắm bắt được những mục tiêu rất gần, cũng chưa chạm tới những tiêu chuẩn căn bản trong cuộc sống. Họ chỉ đang sở hữu mỗi lòng tham và trí tưởng tượng quá lớn. Bởi đó cũng là cách để họ cứu rỗi niềm hy vọng sau bao lần thất bại và chứng tỏ giá trị của mình trước mọi người. Mãi mơ về một điều không có căn cứ thì cũng là "bệnh tưởng", rất gần với hoang tưởng.

 

Trí tưởng tượng quá phong phú đôi khi đưa ta vào thế "tự mình hại mình" chỉ vì muốn bảo vệ mình. Có một anh chàng nọ vội vã chèo thuyền ngược dòng nước giữa lớp sương mù dày đặc. Bỗng thấy từ xa có một chiếc thuyền đang xuôi dòng, nó lao tới rất nhanh và đâm đầu thẳng vào phía anh. Anh chàng hốt hoảng la lớn lên: "Ê, thuyền ai đó, coi chừng lủi vô thuyền tôi nè!". Vừa nói dứt lời thì hai chiếc thuyền đâm sầm vào nhau và lật úp. Nước sông buổi sáng sớm lạnh buốt khiến anh chàng run rẩy và càng thêm tức giận. Anh ta hối hả bơi tới định "thưởng" người kia một quả đấm cho đích đáng. Nhưng khi lật chiếc thuyền lên thì không thấy ai cả. Thì ra chiếc thuyền bị tuột dây nên trôi theo dòng nước, chứ không phải do ai đó vô ý vô tứ hay cố tình gây chiến như anh chàng đã nghĩ.

 

Bản năng tự vệ là rất cần thiết. Nhưng nếu nó bị thúc đẩy quá mạnh bởi những kinh nghiệm cũ rích thì thế nào cũng tạo nên những hành động sai lầm. Quen dùng đến kinh nghiệm tích lũy hơn là quan sát thực tại là do tâm sợ hãi và tâm lười biếng trong ta quá lớn. Ta luôn sợ những điều kiện thuận lợi của mình sẽ bị hư hao, mất mát. Ta cũng hay lười biếng quan sát và không chịu tư duy sâu sắc về bản chất của những đối tượng hay vấn đề đang xảy ra trong hiện tại. Nếu ta không có khả năng ngăn chặn những hình ảnh và âm thanh cũ tự tiện hiện về trong tâm tưởng, không thể định tâm để tạo ra khả năng phát hiện mọi xung lực của phiền não đưa tới, thì ta sẽ tiếp tục rơi vào những nhận thức sai lầm hoặc những quyết định đáng tiếc. Cho nên hoàn cảnh chỉ có thể làm cho ta đau, nhưng chính trí tưởng tượng sai lầm mới là thủ phạm giết ta chết. Hãy cẩn thận với tâm tưởng!

 

 

 

Nhận diện đơn thuần

 

Hiểu biết của ta thường được tạo ra bởi kiến thức tích lũy và kinh nghiệm tích lũy. Còn một chất liệu quan trọng nữa mà ít ai biết và sử dụng được nó, đó là trực giác.

 

Trực giác là khả năng nhận biết đối tượng trong hiện tại bằng cái nhìn trong suốt như lần đầu tiên mới nhìn thấy. Nó tuyệt nhiên không mang theo kiến thức hay kinh nghiệm có sẵn để định nghĩa hay đối chiếu lên đối tượng. Nhưng bản năng của ta luôn thiên về sự hưởng thụ và tự vệ, nên ta luôn có thói quen sử dụng kiến thức và kinh nghiệm cũ để giải quyết vấn đề cho mau chóng và cảm thấy yên tâm hơn. Thí dụ, khi ăn một chén xúp thì ta có tới hai cách để ăn: một là ăn như đã từng được ăn, hai là ăn như lần đầu được ăn. Nếu ăn theo cách thứ nhất thì chắc chắn đó không phải là cách để thưởng thức. Ăn chỉ để cho no bụng hay ăn chỉ để cho xong. Còn nếu có thể ăn theo cách thứ hai thì ta sẽ ăn rất chăm chú, không bị kiến thức hay kinh nghiệm có sẵn về món xúp làm giảm khả năng khám phá và thưởng thức trọn vẹn. Đó là nghệ thuật ăn xúp mà cũng là nghệ thuật nắm bắt sự sống.

 

Cũng như nhiều người mong muốn được yêu-như- yêu-lần-đầu. Họ muốn người kia hãy nhìn họ bằng cái nhìn mới mẻ như lần đầu tiên mới yêu nhau, dù rằng họ đã biết rất nhiều về những hạn chế hay khó khăn của nhau. Hoặc họ muốn người kia hãy nhìn họ như chính họ, chứ đừng nhìn họ bằng hình ảnh của những người trước mà cứ phải nghi ngờ hay phòng thủ. Thực tế thì ai cũng muốn mình được mới mẻ trong mắt người khác, vì sự thật là ta luôn luôn đổi mới - có thể hay hơn hoặc có thể tệ hơn. Nhưng điều nghịch lý là ta lại không thể nhìn người khác hay mọi vấn đề một cách đơn thuần như chính nó. Ta chỉ thấy mọi thứ qua cái bóng mờ của quá khứ mà ta cứ nghĩ là mình đã biết đã hiểu hết tất cả.

 

Thiền chính là phép thực tập để phát triển khả năng nhận diện đơn thuần. Ta cần phải có một vị thầy giỏi giúp ta xây dựng thói quen này ngay từ buổi đầu. Mỗi khi đến tham vấn với thiền sư, có thể ta sẽ ngồi suốt buổi mà chẳng nghe được điều gì hay ho ngoài mấy câu rất bình thường đến vô nghĩa: "Uống trà đi!", "Cây tùng trước sân kìa!". Nhiều thiền sinh đã đau đầu về lối hướng dẫn lạ lùng này. Họ dùng hết trí năng để suy tìm ẩn ý sâu kín phía sau những thông điệp mà thiền sư đã gửi tới. Nhưng tìm mãi cũng chẳng hiểu được gì. Cuối cùng, thiền sư thấy tội nghiệp nên giáng cho một gậy chí tử thì thiền sinh mới bừng ngộ. Thật ra, không phải thiền sinh nào cũng phải "ăn" một gậy mới bừng ngộ. Những người có thể bừng ngộ ngay từ những câu nói tưởng chừng bình thường hay vô nghĩa kia là nhờ tâm họ vốn rất đơn giản, nói sao hiểu vậy chứ không suy đoán lung tung.

 

Thiền sư bảo "Uống trà đi!" thì thiền sinh hãy cứ uống-trà-như-uống-trà. Đừng uống-trà như-không-uống- trà vì tâm tư đang bận nghĩ những vấn đề khác, dù đó là những vấn đề được cho là quan trọng hay xứng đáng. Uống-trà-như-uống-trà tức là nhận biết rõ mình đang ngồi uống trà và nhận biết rõ đối tượng tiếp xúc là chén trà, mà không phát sinh thêm ý tưởng nào trong tâm. Đó là bước căn bản nhất của thiền tập. Cũng như "Cây tùng trước sân" là một thực tại rành rành trước mắt. Nhưng mỗi ngày đi ngang qua có thể thiền sinh đã lơ là không ngó thấy, hoặc chỉ nhìn thoáng qua vì trong lòng chất chồng những lo lắng hay mong cầu. Thiền sư không muốn học trò tiếp tục cuộc chạy đua tư tưởng vô bổ nữa, phải giúp họ nếm trải ngay lập tức hương vị thiền chứ không phải lý thuyết thiền.

 

Dừng lại những vọng tưởng lao xao, nhận biết rõ những gì đang hiện hữu xung quanh, thấy rõ từng phản ứng của mình lên đối tượng tiếp xúc, đó chính là thái độ sống đúng đắn nhất của con người. Thái độ này cũng chính là nền tảng để tạo dựng trí tuệ. Trí tuệ là khả năng thấu hiểu bản chất của mọi sự vật sự việc trên thế gian này. Có trí tuệ, ta sẽ biết rõ mình nên làm gì và không nên làm gì, để ta luôn tạo thế hài hòa với vũ trụ và đạt được hạnh phúc chân thật. Nghĩa là muốn đạt tới những điều sâu sắc đến vô cùng của tâm thức, ta cần phải hạn chế đến cô lập hoàn toàn tâm tưởng. Tâm tưởng không chỉ khiến ta đánh mất thực tại, bóp méo thực tại, mà còn khiến cho thực tại trở thành viễn cảnh của tương lai hay bóng mờ của quá khứ. Thế nên chân lý phải đi bằng đôi chân trải nghiệm chứ không thể dùng cái đầu tưởng tượng. Càng dùng trí năng để tưởng tượng thì càng rời xa chân lý.

 

Có thể ta không muốn trở thành thiền sinh, không cần đạt tới mục đích trí tuệ, mà chỉ muốn là một con người bình thường để được hưởng thụ tất cả những gì cuộc đời đã ban tặng. Nhưng nếu đang đi trên con đường mùa xuân lại nhớ đến mùa thu, ngồi bên người thương mà lo nghĩ đến những dự án hấp dẫn, người ta nói thật lòng mà cứ ngỡ là gian dối thì ta có tận hưởng được gì không? Hạnh phúc đang ở trong tầm tay mà cứ mơ ước xa xôi thì làm sao ta biết thế nào là hạnh phúc? Đành rằng nhờ ý tưởng sáng tạo phong phú mà ta đã có nền văn minh tuyệt hảo như hôm nay. Nhưng nhìn kỹ lại, ta cũng không khỏi giật mình khi biết địa cầu đang rên xiết và có thể sẽ bị hủy diệt trong nay mai cũng vì những mộng tưởng điên đảo của con người. Trí tưởng tượng nếu đứng trên nền tảng của lòng tham, phục vụ cho nhu cầu ích kỷ của những kẻ quyền lực, thì nó chính là tác nhân lớn nhất nhấn chìm thế giới hiện thực này và đưa con người vào những cơn mê bất tận.

 

Ngược lại, nếu ta biết đặt tâm tưởng của mình trong một khuôn khổ đúng đắn, có khả năng quan sát và dẫn dắt nó đi đúng hướng, biết dừng lại nghỉ ngơi khi cần thiết, luôn nhận ra sự kích động của môi trường bất lợi vào những tâm hành phiền não, thì ta sẽ sử dụng tâm tưởng một cách hữu hiệu. Còn nếu ta thấy mình vẫn chưa đủ sức để kiềm tỏa tâm tưởng, vẫn luôn bị nó thao túng mọi nói năng và hành động thì ta hãy nên quay về thực tập phép định tâm cho bền bỉ. Định tâm chính là "khắc tinh" của vọng tưởng. Nhưng nếu ta chưa kịp xây dựng mức định tâm vững vàng, mà lại phải đi vào những nơi đầy cạm bẫy và hiểm trở thì ta hãy luôn luôn đi bên cạnh những người sống tỉnh thức. Chỉ cần họ kiên trì gọi đúng tên ta nhiều lần là ta sẽ giật mình bừng tỉnh và sẽ quay đầu tìm hướng.

 

 

Hãy gọi đúng tên tôi

Giữa cuồng điên mộng tưởng

Dù chưa biết ra sao

Vẫn quay đầu tìm hướng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 12279)
"Hỏi hay đáp đúng" (nguyên tác Anh ngữ: '' Good Question, Good Answer) là một trong nhiều tác phẩm phổ biến của Đại đức Shravasti Dhammika, một Tăng sĩ người Úc đã từng diễn giảng giáo lý Phật Đà trên đài truyền hình và đại học Úc
08/04/2013(Xem: 5807)
Khai Thị [ Tập 1 ] Đại Sư Tuyên Hóa Việt dịch: Ban Phiên Dịch Đại Học Pháp Giới, Vạn Phật Thánh Thành --- o0o --- --- o0o --- | Thư Mục Tác Giả | --- o0o --- Vi tính : Diệu Nga - Samuel Trình bày : Mỹ Hạnh - Nhị Tường
08/04/2013(Xem: 8105)
Có một tiểu hòa thượng mới đến thiền viện, anh ta chủ động đi gặp thiền sư Trí Nhàn, nói thành khẩn: - Con mới đến, xin sư phụ chỉ bảo con phải làm những gì. Thiến sư Trí Nhàn mỉm cười nói: - Trước hết, con hãy đi làm quen với chúng tăng trong chùa. Ngày hôm sau, tiểu hòa thượng lại đến gặp thiền sư, hỏi: - Chúng tăng con đã làm quen hết rồi, giờ phải làm gì?
08/04/2013(Xem: 8004)
Là một con người chúng ta phải có một mục đích cho cuộc sống. Kẻ không theo đúng con đường chính đáng của đời sống sẽ không bao giờ tìm thấy mục đích...
08/04/2013(Xem: 8695)
Nội dung cơ bản của Phật giáo, ở đâu cũng là một, mãi mãi vẫn là một. Phật giáo bắt nguồn từ đức Phật là bậc đại giác, tức là từ biển lớn trí tuệ và từ bi của đức Thích Ca ...
08/04/2013(Xem: 10602)
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường nghe hay thường quen miệng nói đến hai chữ "tu dưỡng’ chẳng hạn như:"Con nên tu dưỡng tánh tình để thành người có đức hạnh" hay:"Nó hư, vì khôn gbiết tu tâm, dưỡng tánh". Hai tiếng"tu dưỡng" thường đi đôi với nhau, nên chúng ta thấy mường tượng như chúng nó giống nghĩa nhau, có một phạm vi, một tác dụng riêng biệt. Tu là sửa, mà dưỡng là nuôi. Người ta sửa cái xấu, mà nuôi cái tốt_Sữa là trừ, mà nuôi là cộng; tu có tánh cách tiêu cực, dưỡng tánh có tánh cách tích cực. Một bên tiêu trừ cái xấu, một bên bồi bổ cái tốt. Một bên làm cho hết hư, một bên làm cho thêm nên. Mọi sự vật trong đời tương đối nầy đều có phần xấu và phần tốt. Đối với cái xấu ta phải tu, đối với cái tốt ta phải dưỡng. Chẳng hạn, khi ta trồng một cây gì, công việc của chúng ta có hai phần lớn: bắt sâu bọ, trừ nước phèn, nước mặn: đó là tu hay sửa. Bỏ phân, tưới nước ngọt, cho nó đủ thoáng khí và ánh nắng mặt trời: đó là bổ hay dưỡng. Tu bổ một cái cây, cho nó đơm hoa kết trái,
08/04/2013(Xem: 10072)
Tôi rất vui mừng, vì thấy mỗi ngày chủ nhật, quý vị bơ thì giờ quý báu, để đến chùa lạy Phật nghe kinh, Một giờ quý vị lạy Phật nghe kinh, thì ngày ấy hay tháng ấy quý vị tránh được việc dữ, làm được điều lành. Một người tránh dữ làm lành, thì người ấy trở nên hiền từ. Cả gia đình đều tránh dữ làm lành, thì gia đình được hạnh phúc. Cả nước đều tránh giữ làm lành thì toàn dân có đạo đức, trở nên một nước thạnh trị. Cả nhơn loại đều tránh dữ làm lành, thì lo chi thế giới chẳng được đại đồng, nhơn loại không hưởng được hạnh phúc thái bình.
06/04/2013(Xem: 9704)
Phật Giáo đưa ra nhiều quan điểm khá khác biệt nhau về cái chết. Nếu đã có nhiều quanđiểm khác nhau thì tất nhiên cũng sẽ phải có nhiều phép tu tập khác nhau. Thếnhưng cái chết cũng chỉ là một hiện tượng duy nhất, vậy chúng ta hãy thử tìmhiểu xem tại sao Phật Giáo lại có nhiều quan điểm và nhiều phép tu tập như thế.
05/04/2013(Xem: 5399)
Hẳn bạn hay chú trọng những chuyện đưa tới sai lầm trong đời, hay ít nhất những gì xảy ra không như ý muốn. Dù khổ đau cứ tái diễn chúng ta vẫn phải tiếp tục phấn đấu vượt qua để đạt tới hạnh phúc và theo đuổi chúng ngay khi ta nghĩ tới.
05/04/2013(Xem: 7260)
Đức Phật là một đấng đại Từ Bi, Ngài xem tất cả chúng sinh mọi loài như con một. Lòng yêu thương chúng sinh của Đức Phật trong Kinh Lăng Nghiêm có nói, như mẹ thương con, chỉ mong làm sao cho con mình được hết tất cả khó và hưởng tất cả vui, cho nên trong Kinh Hoa Nghiêm nói ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]