Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Sòng Phẳng

03/01/201915:51(Xem: 16120)
09. Sòng Phẳng

Sòng Phẳng

(giọng đọc Thành Lộc)

 

Tại sao ta cứ mãi than phiền và đòi hỏi cuộc đời, mà có bao giờ ta tự hỏi cuộc đời cần gì nơi ta?

 

 Công bằng hay sòng phẳng?

 

Ở  làng quê Việt Nam ngày xưa, khi làm mùa vụ, người nông dân có thể nhờ vài người trong thôn xóm đến phụ giúp mà không phải trả tiền. Chỉ cần đến phiên bên kia làm mùa vụ, hay sửa sang nhà cửa, hoặc bất cứ công việc nặng nhọc nào đó, thì bên này sẽ qua phụ giúp lại. Cái đó gọi là vần công. Cách thức này thật hay. Tuy người ta cũng căn cứ trên số buổi hay số ngày làm để quy định mức công bằng, nhưng họ lại không khắt khe phân biệt năng lực làm việc của mỗi người. Thậm chí khi đang làm trả công, nếu ta bất ngờ ngã bệnh hay gia đình có việc khẩn cấp nên ta phải ngưng làm thì họ vẫn châm chước. Họ vẫn tính tròn phần công cho ta. Ngược lại, lỡ mùa màng thất bát nên họ không thể trả công cho ta thì ta vẫn vui vẻ chờ mùa vụ sau, hoặc miễn cho họ luôn cũng được. Người dân quê hiểu rằng sự trao đổi ấy chỉ có tính tương đối, không phải hễ người kia giúp mình và mình giúp lại là trả xong hết. Cái tình cái nghĩa vẫn còn đó, không bao giờ trả hết được.

 

Thời đại văn minh bây giờ người ta quan niệm về sự công bằng rất lạ lùng. Khi một người nào đó tận tình hướng dẫn ta vào nghề trong những bước đầu nhiều bỡ ngỡ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ta trong công việc làm ăn, hay chia sẻ trong những lúc ta gặp nguy khốn, thì ta lập tức tặng cho họ một món quà đắt tiền hoặc ta sẽ mời họ đi ăn trong một nhà hàng sang trọng là coi như đã trả xong. Không ai nợ ai nữa. Nhưng nếu người kia đã từng giúp đỡ ta một cách không vụ lợi, bằng tất cả tấm chân tình, mà ta lại xem nó ngang bằng với những món vật chất vô tri kia thì đừng hỏi tại sao họ lại bị tổn thương. Thà ta không làm như thế còn hơn, vì họ nghĩ ta vẫn luôn gìn giữ ân nghĩa ấy trong lòng. Món quà hay bữa ăn đó sẽ được vui vẻ chấp nhận, nếu họ thấy được ý nghĩa của nó trong suy nghĩ và thái độ của ta. Có người cho rằng như vậy là không sòng phẳng. Nhưng họ vẫn chấp nhận được, dù mãi sau này ta vẫn không có cơ hội để bù đắp. Bởi họ không có chủ trương trao đổi công bằng ngay từ buổi đầu, nói chi là sòng phẳng.

 

Ý  niệm sòng phẳng thường dễ bị nhầm lẫn với công bằng. Anh được một và tôi cũng được một, hay anh cho tôi hai thì tôi cho anh hai, đó là công bằng. Nhưng còn tùy vào mỗi xã hội và thời đại mà quy luật công bằng sẽ được thể hiện khác nhau. Sự công bằng thường được quy định trên mức cảm xúc. Cho nên, có khi người ta tự quy định mức công bằng nếu hai bên tự thỏa thuận trị giá tương xứng giữa vật trao đổi, mà không cần tuân theo quy ước chung của cộng đồng. Thí dụ, một trái bí đao có thể đổi với hai trái mướp đắng; một chuyến đò ngang có thể đổi với sáu câu vọng cổ; một bức tranh có thể đổi lấy mười bầu rượu; một lời hứa chân tình có thể đổi lấy ba trăm sáu mươi lăm ngày chờ đợi. Tuy sự trao đổi ấy được coi là công bằng, nhưng đôi bên đều ngầm hiểu rằng người kia vì cảm tình mới chấp nhận trao đổi như vậy, nên khi nào có cơ hội thì mình sẽ bù đắp thêm. Trong khi sòng phẳng là loại bỏ ý niệm muốn bù đắp, trả như thế là đủ, chấm hết.

 

Dĩ nhiên trong thương trường rộng lớn, người ta cần phải có sự rành mạch về những trị giá vật chất để trao đổi, nên đã thiết lập ra chế độ tiền tệ để đơn giản hóa và mở rộng thương mại. Vì thế, sự sòng phẳng đã vô tình trở thành quy luật. Nhưng biết bao công lao khổ nhọc mới làm ra được bát cơm trắng tinh mà chỉ đổi ngang với vài đồng bạc thừa thì không thể gọi là công bằng được. Sòng phẳng lại càng phi lý. Nên nhớ, sự trao đổi không bao giờ là tuyệt đối, tất cả chỉ là ước lệ. Cho nên, người ta đã sai lầm khi cho rằng sự thảnh thơi, thật thà hay nhường nhịn là những yếu tố nguy hại đến kinh tế và cần phải loại trừ. Trong nguyên tắc vận hành tự nhiên của vũ trụ, mọi sự mọi vật đều không ngừng nương tựa vào nhau để tồn tại. Do đó, sự biệt lập và sòng phẳng sẽ không bao giờ xảy ra dù con người có cố tình nhồi nặn ra nó để phục vụ cho quyền lợi ích kỷ của mình.

 

 

 

Làm sao trả hết những ân tình?

 

Có những người con thấy mình đã làm tròn bổn phận khi mỗi tháng chu cấp đầy đủ thực phẩm và thuốc men, hoặc mua được căn nhà khang trang cho cha mẹ. Nên khi cha mẹ cần họ thường xuyên lui tới, hay giúp đỡ vài việc vặt vãnh thì họ lại than phiền tại sao họ phải làm quá nhiều như thế. "Cha mẹ thương con biển hồ lai láng/ Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày", hai câu ca dao ấy vẫn là thực trạng đau lòng trong bất cứ thời đại nào, nhất là hiện nay. Khi người ta bị cuốn hút vì danh vọng, họ sẽ dễ dàng coi nhẹ hay gạt bỏ những yếu tố khác mà họ cho là bất lợi. Nhưng được thương yêu và chăm sóc cha mẹ chẳng phải là một quyền lợi sao? Chẳng phải có biết bao kẻ mồ côi trong thế gian này rất thèm có cha mẹ để được thương yêu và chăm sóc, dù phải đánh đổi bất cứ thứ gì thì họ cũng sẵn sàng chấp nhận cả. Chắc là phải đợi đến khi ta có con, phải hy sinh vất vả trăm bề, nhất là khi con ta đau yếu hay ngỗ nghịch, thì ta mới thấm thía hết ân tình của cha mẹ dành cho ta. Khi đó mới thấy ý niệm "trả xong nợ nần" cho đấng sinh thành là quá dại dột.

 

Trong liên hệ hôn nhân cũng vậy, ta cũng muốn có sự sòng phẳng để ta có cảm giác không bị lợi dụng hay hy sinh một cách vô nghĩa. Tôi làm cái này thì anh phải làm cái kia; tôi trả tiền rồi nên bây giờ tới phiên em; tại sao tôi phải lo nhiều thứ còn anh suốt ngày cứ phè phỡn; em chỉ biết lo cho gia đình của em thì đừng trách anh bỏ bê công việc nhà; anh mà làm khổ tôi thì tôi sẽ làm khổ anh... Vì thế khi hôn nhân đổ vỡ, người ta mau chóng xem nhau như hai kẻ xa lạ, không cần biết tới sự khó khăn hiện tại của nhau. Họ từng yêu nhau thắm thiết rồi bỗng trở thành thù ghét nhau, không muốn nhìn nhau dù vô tình gặp mặt. Tệ đến nỗi, họ lên mặt báo để bôi nhọ danh dự hay đơm đặt những điều gây bất lợi cho nhau. Điều đau lòng nhất là khi phân chia tài sản, họ luôn đòi hỏi sự rạch ròi, sòng phẳng. Bao năm tình nghĩa vợ chồng phút chốc bỗng tan thành mây khói khi ai nấy đều muốn tranh giành phần lợi, phần phải, phần thắng về mình.

 

Tất cả những phản ứng trên đều thể hiện sự ích kỷ hẹp hòi, chứ không phải là sự công bằng hợp lý. Tài sản thì có thể phân chia đồng đều, nhưng ân tình làm sao đong đếm được mà phân chia? Tuy chuyện tình đã đi vào đoạn kết, nhưng dù muốn dù không thì tất cả những gì ta đã cho nhau sẽ theo nhau mãi suốt đời. Nếu ta còn nợ quá nhiều ân tình với người này thì chắc chắn ta sẽ phải trả cho người khác. Bởi tất cả đều nằm trong vòng nhân quả chập chùng và hiển nhiên xưa nay của trời đất mà không ai có thể thoát được.

 

Chiếc lá không bao giờ nghĩ rằng nó có thể trả hết nợ ân tình của cây, dù nó đã hết lòng hấp thụ ánh nắng mặt trời để khổ công tinh chế nhựa thô thành nhựa luyện nuôi cây. Vì chiếc lá đã quan sát và thấy được sự thật là nó chưa bao giờ ngừng tiếp nhận tình thương yêu của cây. Dù cây có già cỗi, nhưng cây cũng vẫn cố gắng cắm sâu những chiếc rễ xuống lòng đất để hút chất khoáng về nuôi chiếc lá. Giả sử chiếc lá có trả được ân tình của cây thì nó cũng không thể nào trả hết nổi ân tình của mặt trời, gió, nước, khoáng chất, phân hữu cơ, côn trùng và cả vạn vật xung quanh. Tất cả những yếu tố ấy có vẻ như nằm ngoài chiếc lá, nhưng chúng vẫn đang từng giờ từng phút nuôi dưỡng chiếc lá. Chiếc lá chỉ còn cách sống sao cho trọn kiếp sống, sống cho thật dễ thương và làm tốt trách nhiệm của mình. Ta có khác gì chiếc lá đâu. Ta cũng không bao giờ trả nổi những ân tình mà cuộc đời này đã trao tặng cho ta, bằng trực tiếp hay gián tiếp. Vậy tại sao ta cứ mãi than phiền và đòi hỏi cuộc đời, mà có bao giờ ta tự hỏi cuộc đời cần gì nơi ta?

 

 

Như dòng sông trôi mãi

Luôn chở nặng phù sa

Có bao giờ em hỏi

Đời cần gì nơi ta?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/09/2013(Xem: 27349)
Không biết tự khi nào, tôi đã lớn lên trong tiếng chuông chùa làng, cùng lời kinh nhịp mõ. Chùa An Dưỡng (xem tiểu sử), ngôi chùa làng, chỉ cách nhà tôi chừng 5 phút đi bộ. Nghe Sư phụ kể lại, chùa được xây dựng vào khoảng từ 1690 đến năm 1708, do công khai sơn của Hòa Thượng Thiệt Phú, người Tàu sang Việt Nam truyền giáo cùng với các thiền sư khác. Trong chuyến đi hoằng pháp vào đàng trong, Ngài đã xây dựng ngôi chùa này. Chùa nằm trên một khu đất cao nhất làng, quanh năm bao phủ một màu xanh biếc của những khóm dừa, những lũy tre làng thân thương.
19/09/2013(Xem: 13350)
Chẳng là một tối nọ tình cờ tôi xem được đoạn phim Nghịch Duyên của hãng phim Mã Lai, tả một câu truyện có thật xảy ra tại Trung Quốc từ thời xa xưa nào đó. Nhân vật chính chỉ có hai người là Chàng và Nàng, hay anh Chồng và chị Vợ, họ lấy nhau đã lâu nhưng không có con. Vợ chồng sống khá hạnh phúc với nghề bán rau cải tươi ngoài chợ. Cho đến một hôm chị Vợ nghe được một bài Pháp của một vị Hòa Thượng giảng về công năng của câu Niệm Phật sẽ được vãng sanh.
19/09/2013(Xem: 8971)
Hôm nay đạo tràng chùa Linh Thứu hân hoan đón chào phái đoàn Phật tử từ các nơi trên thế giới, đổ dồn về dự buổi Huân Tu Phật Thất do Thầy Hạnh Tấn hướng dẫn. Này nhé! Thầy Tâm Ngoạn một du Tăng đến từ Nam Cali xứ Cờ Hoa, Thầy Hạnh Tấn của chúng ta như các bạn đã biết,
18/09/2013(Xem: 11043)
Các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang tìm cách ứng dụng sự thực tập chánh niệm và thiền định vào hoạt động của mình để có được hạnh phúc và sự phát triển bền vững. (Được chuyển ngữ từ bài viết “Google seeks out wisdom of Zen Master Thich Nhat Hanh” của tác giả Jo Confino đăng trên tờ The Guardian ngày 5/9/2013).
17/09/2013(Xem: 24314)
Trong khuôn khổ của chương trình Giáo dục thường xuyên thuộc ngành y (Continuing Medical Education) của Viện đại học Harvard. Được tổ chức bởi Trường đại học Y khoa Harvard (Harvard Medical School) mà đứng đầu là các Giáo sư danh tiếng như: Christopher Germer, Judy Reiner Platt và Ronald D. Siegel vào các ngày 11 và 12 tháng Chín 2013 tại thính đường lớn của Boston Park Plaza Hotel, với một ban Giảng huấn hùng hậu gồm 14 vị Giáo sư đứng đầu là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sau đó mới tới các vị Giáo sư danh giá như: Lilian Cheung, Alice Domar, Elissa Ely, Christopher Germer, Devon E. Hinton, Judith V. Jordan, Jon Kabat-Zinn, David Leisner, Judy Reiner Platt, Susan M. Pollak, Ronal Siegal, David A. Sieberweig và Barent Walsh.
17/09/2013(Xem: 8835)
Vầng trăng ai xẻ làm tư. Nửa in Bút Nữ, nửa soi gầm giường. Ai bảo Hoa Lan không biết làm thơ ? Không, cô nàng ngoài tài viết văn quyến rũ độc giả đưa vào mê hồn trận với những mối tình A Còng và Nghịch Duyên, cũng biết xuất khẩu thành thơ đấy. Nhưng thơ của nàng thì ôi thôi chẳng ai chịu nổi cả vì chỉ toàn đi chôm thơ của người khác rồi cải biên, tân trang lại cho đúng vần đúng điệu và cuối cùng nhận là thơ của mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]