Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Hạnh Phúc

19/11/201815:16(Xem: 22098)
02. Hạnh Phúc
Hạnh Phúc

(giọng đọc Ngô Thanh Vân)

Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com

   Không có cái hạnh phúc nào từ trên trời rơi xuống, cũng không có cái thiên đường nào chỉ toàn là hạnh phúc. Bởi ý niệm hạnh phúc chỉ có khi con người biết cảm nhận khổ đau.

Thỏa mãn cảm xúc

   Hạnh phúc luôn là niềm khao khát lớn nhất của con người. Tùy vào hiểu biết của mỗi người qua từng xã hội và từng thời đại, mà hạnh phúc được quan niệm một cách khác nhau. Những người cứ gặp phải xui rủi triền miên, nên họ quả quyết rằng trên đời này làm gì có hạnh phúc. Còn những người trẻ thì cứ mơ mộng hạnh phúc chắc hẳn rất tuyệt diệu và tin rằng nó chỉ nằm ở cuối con đường mình đang đi. Và hằng bao lớp người đã đi gần hết kiếp nhân sinh mà vẫn đuổi theo hạnh phúc như trò chơi cút bắt: có khi tóm được nó thì nó lại tan biến, có khi ngỡ mình tay trắng thì lại thấy nó chợt hiện về. Mặc dù ai cũng mong muốn có hạnh phúc, nhưng khi được hỏi hạnh phúc là gì thì phần lớn mọi người đều rất lúng túng. Họ định nghĩa một cách rất mơ hồ, hoặc chỉ mỉm cười trong mặc cảm.

   Chẳng phải ta cũng như bất kỳ người trẻ nào, đã từng cảm thấy thật hạnh phúc khi cầm được mảnh bằng tốt nghiệp sau nhiều năm vật lộn với đèn sách đó sao? Thế nhưng, liền sau đó ta lại than phiền phải kiếm được việc làm có nhiều tiền, khiến bạn bè ai cũng nể phục thì mới thật sự hạnh phúc. Rồi cái cảm giác hạnh phúc ấy không ở lại bao lâu, ta lại nghĩ nếu không cưới được người mình yêu thì sao gọi là hạnh phúc. Và chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, ta lại trông đứng trông ngồi có một đứa con, rồi thêm đứa nữa cho vui nhà vui cửa, đẹp lòng hai họ. Những ngày tháng hạnh phúc ấy đến rồi đi vội vã, bây giờ ta lại ao ước được dọn ra riêng, được sở hữu một căn hộ đắt tiền thì mới gọi là hạnh phúc trọn vẹn. Rồi khi thấy bạn bè ai cũng chạy xe đời mới, con của họ học những trường danh tiếng, chức vụ của họ được nhiều người ngưỡng mộ, nên ta lại lo sợ nếu không theo kịp họ thì hạnh phúc mình đang có cũng chỉ là tầm thường, chẳng đáng vào đâu.

    Ta cứ bỏ hình bắt bóng, đứng núi này trông núi nọ. Rốt cuộc, ta chẳng biết hạnh phúc là gì cả. Tuy ta cảm nhận được hạnh phúc chính là những cảm giác sung sướng, dễ chịu, thoải mái khi đạt được những gì mình mong muốn, nhưng ta không lý giải được tại sao những cảm giác ấy lại đến rồi đi quá vội vàng. Rồi ta cũng mặc kệ, chẳng buồn tìm hiểu thêm. Ta cứ sống theo thói quen cũ, dốc hết năng lượng để nắm bắt những thứ mà ta tin chắc nếu không có nó thì ta không thể nào hạnh phúc được. Thật lạ, ta không biết được cái gì ngay trong hiện tại có thể làm cho ta hạnh phúc, thì làm sao ta quả quyết những gì trong tương lai có thể làm cho ta hạnh phúc? Hạnh phúc có phải là vấn đề của thời gian hay không gian không? Hạnh phúc có cần hội đủ những điều kiện tối ưu cho nó không? Chẳng lẽ những người không có những điều kiện ấy thì họ không thể hạnh phúc sao?

   Thật ra những điều kiện của hạnh phúc vẫn luôn có mặt, chỉ có điều nó không còn hấp dẫn ta nữa thôi. Không phải do nó mất đi tính hữu dụng mà do nhu cầu hưởng thụ của ta đã biến đổi, ta đã mau chóng nhàm chán. Một phần là do bản năng hưởng thụ trong ta quá lớn, một phần là do ta bị tác động sâu đậm bởi tâm thức xã hội. Đôi khi, ta vất vả cả chục năm trời để sắm cho bằng được một món đồ quý giá chỉ vì ta lo sợ nếu không có nó thì đời sống của mình sẽ không được an toàn, hoặc chỉ vì ta muốn chứng tỏ cho mọi người biết mình là ai, chứ ta có tận hưởng nó được bao nhiêu đâu. Mọi tranh đấu của ta chung quy cũng chỉ để có thật nhiều tiện nghi vật chất và tiện nghi tinh thần (danh dự), để thỏa mãn cảm xúc, phục vụ cho cái tôi ham thích hưởng thụ không biết dừng của mình.

    Nếu cho rằng hạnh phúc chính là cảm xúc được thỏa mãn khi được hưởng thụ, thì ngay trong giây phút hiện tại này đây ta cũng đang nắm trong tay vô số điều kiện mà nhờ có nó ta mới tồn tại một cách vững vàng, vậy tại sao ta lại cho rằng mình chưa có hạnh phúc? Một đôi mắt sáng để nhìn thấy cảnh vật và những người thân yêu, một đôi chân khỏe mạnh có thể đi đến bất cứ nơi nào, một công việc ổn định vừa mang lại thu nhập kinh tế vừa giúp ta thể hiện được tài năng, một gia đình chan chứa tình thương giúp ta có điểm tựa vững chắc, một vốn kiến thức đủ để ta mở rộng tầm nhìn ra thế giới bao la, một tấm lòng bao dung để ta có thể gần gũi và chấp nhận được rất nhiều người Đó không phải là điều kiện của hạnh phúc thì là gì? Chỉ cần nhìn sâu một chút ta sẽ thấy mình đang sở hữu rất nhiều thứ, nhiều hơn mình tưởng. Vì thế, đừng vì một vài điều chưa toại nguyện mà ta vội than trời trách đất rằng mình là kẻ bất hạnh nhất trên đời.

  Một kẻ khôn ngoan thì không cần chạy thục mạng đến tương lai để tìm kiếm những thứ chỉ đem tới những cảm xúc nhất thời. Họ sẽ dành ra nhiều thời gian và năng lượng để khơi dậy và giữ gìn những giá trị hạnh phúc mình đang có. Không cần quá nhiều tiện nghi, chỉ cần sống một cách bình an và vui vẻ là ta đã có hạnh phúc rồi. Ngay khi đời sống chưa mấy ổn định, ta vẫn có thể hạnh phúc vì thấy mình còn may mắn giữ được thân mạng này. Hãy nhìn một người đang nằm hấp hối trong bệnh viện, một người đang cố ngoi lên từ trận động đất, một người vừa suýt mất đi người thân trong gang tấc, thì ta sẽ biết hạnh phúc là như thế nào. Hạnh phúc của họ rất đỗi bình thường: đôi khi chỉ là một hơi thở, một nắm cơm hay một cái nhìn nhau lần cuối. Cho nên, không có thứ hạnh phúc nào đặc biệt ở tương lai đâu, ta đừng mất công tìm kiếm. Có chăng, nó cũng chỉ là những trạng thái cảm xúc khác nhau mà thôi. Mà cảm xúc thì chỉ có nghiện ngập chứ có bao giờ đủ!

Thỏa mãn ý chí

 Khi hay tin người thân đang bị kẹt trong cơn bão tuyết, tuy đang nằm trong nệm ấm chăn êm nhưng ta cũng không tài nào hạnh phúc được. Bấy giờ, ta không cần cái cảm giác sung sướng ấy nữa. Chỉ cần có mặt kịp thời để cứu giúp người thân, dù phải trải qua cái cảm giác lạnh buốt trong bão tuyết thì ta cũng hài lòng. Cũng như những bậc cha mẹ làm việc quần quật suốt ngày để kiếm tiền lo cho con ăn học thành tài. Tuy phải chấp nhận sự mệt nhọc thể xác, nhưng họ vẫn cảm thấy thật hạnh phúc vì đã làm tròn tâm nguyện. Cũng như những người hoạt động chính trị chấp nhận hy sinh để đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tuy bị khảo tra rất đau đớn nhưng họ vẫn thấy tự hào vì đã thực hiện được lý tưởng. Thế nên, hạnh phúc không chỉ là những cảm xúc dễ chịu, đôi khi ta phải hy sinh những cảm xúc ấy để đổi lấy thứ hạnh phúc sâu sắc hơn: đó là thỏa mãn ý chí.

     Mặc dù thỏa mãn ý chí vẫn còn đứng trên nền tảng phục vụ cái tôi - thực hiện cho bằng được điều mình muốn làm - nhưng đó là sự hưởng thụ rất tinh tế và phải để tâm sâu sắc lắm thì ta mới nhận ra. Nó vượt qua những đòi hỏi tầm thường của thói quen, dốc hết bản năng sinh tồn để chịu đựng, vận dụng tất cả những hiểu biết và kỹ năng luyện tập để xử lý. Vì thế, phẩm chất của nó chắc chắn sẽ bền vững hơn loại hạnh phúc chỉ đơn giản được tạo bằng những cơn cảm xúc. Bởi bản chất của cảm xúc luôn biến đổi không ngừng theo tâm thức và sự chi phối của những đối tượng xung quanh. Tức là, hạnh phúc được thỏa mãn cảm xúc bị điều kiện hóa nhiều hơn hạnh phúc khi được thỏa mãn ý chí.

  Như vậy khi gặp hoàn cảnh khó khăn, đối đầu với những cảm giác không mấy dễ chịu, thì ta đừng vội chống trả. Hãy ý thức là mình đang thực hiện mục đích lớn lao, nên không thể đòi hỏi những tiện nghi hưởng thụ tầm thường được. Nếu lỡ mức khó khăn của hoàn cảnh lên tới đỉnh điểm, khiến cho cảm giác khó chịu biến thành khổ đau, thì ta cũng đừng vội bỏ chạy. Chính cái khổ đau ấy sẽ giúp ta nhận ra được giá trị của hạnh phúc. Cũng như đã từng bị đói, ta mới biết cái quý giá của thức ăn; đã từng chịu cái giá rét của mùa đông, ta mới mong đợi nắng ấm về; đã từng bị mất mát chia lìa, ta mới nâng niu từng phút giây đoàn tụ; đã từng trải qua tai nạn thập tử nhất sinh, ta mới yêu thương quá đỗi cuộc đời này. Cho nên ta đừng sợ khổ đau, cũng đừng chia cắt rạch ròi giữa hạnh phúc và khổ đau, vì nếu không có khổ đau thì ta sẽ không biết thế nào là hạnh phúc.

   Nên nhớ, ngọc chỉ có trong đá và sen chỉ ở dưới bùn. Ngọc được kết tinh từ sỏi đá, sen được kết tinh từ bùn nhơ. Không thể nào tìm kiếm ngọc ở ngoài đá hay tìm kiếm sen ở ngoài bùn. Cũng vậy, không có cái hạnh phúc nào từ trên trời rơi xuống, cũng không có cái thiên đường nào chỉ toàn là hạnh phúc. Bởi ý niệm hạnh phúc chỉ có khi con người biết cảm nhận khổ đau. Hạnh phúc không thể thiếu khổ đau và cũng không thể tách rời với khổ đau. Vậy còn nơi nào tuyệt diệu hơn cõi đời này, vì nó có cả hạnh phúc lẫn khổ đau!

Hạnh phúc chân thật

    Hạnh phúc khi được sống chung với người mình yêu thương thường không còn nguyên vẹn sau đôi ba năm. Hạnh phúc mua được căn nhà như ý thường không kéo dài quá đôi ba tháng. Hạnh phúc được thăng chức thường bị lãng quên ngay sau đôi ba tuần. Hạnh phúc được khen ngợi thường tan thành mây khói chỉ sau đôi ba tiếng. Rồi ta lại khát khao đi tìm và dễ dãi tin vào một đối tượng nào đó trong tương lai sẽ mang lại hạnh phúc lâu bền hơn. Hạnh phúc của ta quả thật ngắn ngủi. Đôi khi ta phải mất rất nhiều thời gian và năng lực để tạo dựng, nhưng rồi nó cứ bỏ mặc ta mà đi một cách tàn nhẫn. Tại vì ta đã vay mượn những điều kiện bên ngoài, nhồi nặn chúng thành những thứ để ta hưởng thụ, nên ta không làm chủ được nó là phải. Ta biết rất rõ nguyên do nhưng không thể làm khác hơn, vì ta không thể vượt qua nổi bóng tối tham lam quá lớn của chính mình

  Thật ra, hạnh phúc thỏa mãn cảm xúc hay hạnh phúc thỏa mãn ý chí cũng đều xuất phát từ tâm của con người, chứ không phải do điều kiện bên ngoài. Nhưng đó là những phần tâm lý cạn, chưa thấy được giá trị sâu sắc bên trong của mình. Cái trạng thái tâm lý không muốn tìm kiếm thêm điều gì và không cần phải loại bất cứ điều gì mới chính là hạnh phúc chân thật. Nó bằng lòng và chấp nhận tất cả. Nó chân thật vì nó được tạo ra từ sự bình an của chính lòng mình, chứ không lệ thuộc vào những thuận cảnh bên ngoài. Chính vì thế mà người xưa hay nói lạc phải đi liền với an - an lạc - thì mới bền vững. Một người không có nhiều tiền, không có quyền lực, không được ai ngưỡng mộ, nhưng lúc nào cũng có thể mỉm cười và tiếp xúc sâu sắc với những giá trị mầu nhiệm trong thực tại, thì đó chẳng phải là mẫu người hạnh phúc sao? Sống như thế mới thật sự là đáng sống!

    Tâm tham cầu và tâm chống đối thì ai cũng có. Nhiều người trải qua vài biến động lớn lao trong đời thì những năng lượng ấy đột nhiên suy giảm. Nhưng phần lớn đều phải siêng năng luyện tập từng ngày từng giờ thì mới chuyển hóa những thói quen lâu đời ấy. Thật ra, những mong cầu hay chống đối cũng chỉ là những phản ứng phục vụ cho cái tôi dại khờ của ta mà thôi. Chỉ cần ta nhận ra bản chất chân thật của mình, luôn sống trong tỉnh thức để biết rõ mình đang làm gì và với thái độ nào, tập buông bỏ dần những tham cầu và chống đối không cần thiết. Nhờ đó cái tôi bé nhỏ này sẽ tan chảy vào vũ trụ, nó sẽ vận hành đồng điệu với mọi người và vạn vật. Hạnh phúc trong ta sẽ rộng mở đến vô cùng.

Có thể nói tâm ta như thế nào thì ta sẽ cảm nhận hạnh phúc như thế ấy. Bởi hạnh phúc vốn luôn có sẵn trong tâm ta - ở đây và ngay bây giờ.

Mỉm cười nhìn đóa hoa
Lòng nghi ngờ tan vỡ
Hạnh phúc ở đây rồi
Dại khờ tìm muôn thuở
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/05/2019(Xem: 6509)
Kinh luận của Phật giáo nói với chúng ta rằng trên việc thực chứng tánh không, vọng tưởng về sự tồn tại cố hữu yếu đi, nhưng điều này không phải như sau một sự thực chứng đơn lẻ, ngắn gọn.
10/05/2019(Xem: 5673)
Y vàng thanh thoát chốn chùa chiền, Tỏa sáng niềm tin tỏa ánh thiêng Pháp lữ huân tu nền định tuệ Tăng thân trưởng dưỡng giới hương thiền An Cư thúc liễm ngời hoa giác Kiết Hạ tu trì rạng sắc liên K Nhưng tại sao lại khó như vậy ?có phải chăng, vì muốn được thân người, phải cả đời giữ gìn ngũ giới nghiêm ngặt:(1/ không sát sanh, 2/ không trộm cướp, 3/ không tà dâm. 4/ không nói dối, 5/ không uống ruợu). Nhưng vì sự hấp dẫn của “ngũ dục”(tài, sắc, danh, thực, thuỳ) để rồi thuận theo dòng vô minh, xem những tiện nghi vật chất trên thế gian này là trường tồn vĩnh viễn, là hạnh phúc muôn đời, xem những thành công về hình tướng là sự thành tựu chí nguyện, nên mặc sức để cho dòng đời lôi cuốn vào đường “thị phi”, “danh lợi” xem việc hưởng thụ “ngũ dục” là lẽ đương nhiên, là vinh dự và hạnh phúc. Từ đó lơ đểnhnăm điều cấm giới.Một khi sức giữ năm giới cấm, một cáchlơ là,mãi “lang thang làm kiếp phong trần, quê nhà ngày một muôn lần dặm xa”thì cơ hội kiếp sau làm lại được thân người,
09/05/2019(Xem: 7566)
Bà La Môn Giáo là Đạo giáo có xuất xứ từ Ấn Độ và Đạo nầy đã tồn tại ở đó cho đến ngày nay cũng đã trên dưới 5.000 năm lịch sử. Họ phân chia giai cấp để trị vì thiên hạ, mà giai cấp đầu tiên là giai cấp Bà La Môn, gồm các Giáo Sĩ, rồi Sát Đế Lợi gồm những Vua, Chúa quý Tộc. Kế đó là Phệ Xá gồm những thương nhơn, Thủ Đà La và cuối cùng là hạng cùng đinh . Những người có quyền bính trong tay như Bà La Môn hay Giáo Sĩ, họ dựa theo Thánh Kinh Vệ Đà để hành xử trong cuộc sống hằng ngày; nghĩa là từ khi sinh ra cho đến khi lớn khôn, học hành, thi cử, ra làm việc nước và giai đoạn sau đó là thời kỳ họ lánh tục, độ tuổi từ 40 trở lên và họ trở thành những vị Sa Môn sống không gia đình, chuyên tu khổ hạnh để tìm ra chân lý.
08/05/2019(Xem: 7261)
Tùy duyên là hoan hỷ chấp nhận những gì xảy ra trong hiện tại, ngưng đối kháng và bình thản chờ đợi nhân duyên thích hợp hội tụ. Nhiều khi chính thái độ ngưng đối kháng và bình thản chờ đợi ấy lại là nhân duyên quan trọng để kết nối với những nhân duyên tốt đẹp khác.
06/05/2019(Xem: 7894)
Được đăng trong Advice from Lama Zopa Rinpoche, Lama Zopa Rinpoche News and Advice. Trong khóa thiền lamrim dài tháng tại Tu Viện Kopan năm 2017, Lama Zopa Rinpoche đã dạy về nghiệp, giảng giải một vần kệ từ Bodhicharyavatara (Hướng Dẫn Về Bồ Tát Hạnh) của ngài Tịch Thiên (Shantideva), đạo sư Phật giáo vĩ đại vào thế ký thứ 8 của Ấn Độ. Đây là những điều Rinpoche đã dạy: Tác phẩm Bodhicharyavatara có đề cập rằng “Trong quá khứ, tôi đã hãm hại những chúng sanh khác như thế, vì vậy nên việc chúng sanh hại tôi là xứng đáng. Đối với tôi thì việc nhận lãnh sự hãm hại này là xứng đáng.”.
06/05/2019(Xem: 6153)
Bỏ lại sau lưng những cung bậc thị phi đời thường, lang thang vân du tìm đến những thắng tích đã phế bỏ từ lâu qua bao nhiêu cuộc thăng trầm nhung nhớ. Tôi cùng phái đoàn Phật tử thuộc Đạo Tràng Liên Tịnh Nguyện, tìm về quê hương Tuyên Quang, nằm ở phía Tây Bắc, tham quan một số điển tại Thủy Điện Na Hang, trong đó ta tìm về chiêm ngưỡng vẻ đẹp đất trời.
27/04/2019(Xem: 6838)
TẬP TRUNG TÂM THỨC Nguyên bản: Focusing the Mind Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển/Friday, March 22, 2019
23/04/2019(Xem: 9740)
Khóa Tu Học nhân Mùa Phục Sinhà019 tại Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc, từ ngày 19-22.4.2019.
23/04/2019(Xem: 6452)
Cảnh Giác Với Bạo Lực Tôn Giáo, Vào ngày 21/4/2019 hãng Reuters loan tin, “Hơn 290 người chết và tối thiểu 500 bị thương trong bảy cuộc đánh bom liên tiếp vào ba nhà thờ Thiên Chúa Giáo và bốn khách sạng sang trọng tại miền đông Tích Lan (Sri Lanka) vào ngày hôm nay do nhóm cực đoan Quốc Gia Thowfeek Jamaath thực hiện và đây là cuộc tấn công đầu tiên lớn nhất vào hòn đảo ở Ấn Độ Dương kể từ khi cuộc nội chiến chấm dứt cách đây mười năm. Bảy người đã bị bắt vài giờ ngay sau những cuộc đánh bom
18/04/2019(Xem: 6523)
NGƯỠNG MỘ GIÁC NGỘ Nguyên bản: Aspiring to Enlightenment Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com