Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thế Nào Là Tu Tâm Và Tu Tướng?

13/07/201819:59(Xem: 7738)
Thế Nào Là Tu Tâm Và Tu Tướng?

Thế Nào Là Tu Tâm Và Tu Tướng?

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

 white_lotus_4

          Sống ở đời người ta hay xem trọng sắc diện, dáng vẻ bề ngoài. Thói thường người phụ nữ xinh đẹp, ăn mặc sang trọng, hay một nam tử tốt tướng "đẹp trai" diện đúng mốt thời trang... vẫn thu hút được sự chú ý của người xung quanh; ngược lại người có nét mặt buồn rầu u tối, ăn mặc xốc xếch... đi đến đâu cũng thường hay chịu thiệt thòi, dù không bị dè bỉu khinh thường ra mặt nhưng họ không được mọi người thực tâm ưu ái dành cho một chỗ đứng trang trọng, ngay trong giây phút gặp gỡ đầu tiên.

          Nói đến tướng là nói đến hình dáng tổng thể bề ngoài, bề mặt của hiện tượng thế gian trong đó có con người. Ngày xưa ông bà thường nói tư tưởng sẽ làm thay đổi tướng mạo của con người. Ngày nay các nhà Khoa Học cũng có quan niệm như thế, họ cũng đồng ý tướng mạo con người có thể thay đổi. Khi một em bé mới lọt lòng Mẹ, nhiều bé rất kháu khỉnh, lúc lớn lên một chút trông các em rất xinh xắn ưa nhìn, nhưng khi trưởng thành mặt mũi hình dáng thay đổi không còn đẹp nữa. Sự thay đổi tướng mạo có thể do vì người đó thay đổi tánh tình, tâm địa không còn trong sáng ngây thơ thay vào đó là lòng ganh tỵ thù hằn với người khác, hoặc do hoàn cảnh sinh sống của người đó không được thoải mái khiến họ lúc nào cũng ưu tư phiền não, hay do ảnh hưởng của nghề nghiệp...  mà đường nét trên khuôn mặt, phong thái, cử chỉ, tướng trạng của họ cũng thay đổi khác khi còn bé một trời một vực. Chúng ta có thể nhìn thấy một người làm nghề đồ tể chuyên giết heo, bò, gà vịt mỗi ngày, nét mặt ánh mắt của họ rất hung dữ. Còn những cô y tá có tính nhẫn nại thương người, khi săn sóc bệnh nhân thì lời nói của họ dịu dàng, cử chỉ dễ mến.

          Người mang tâm địa độc ác dù may mắn có tướng tá cao ráo khuôn mặt đẹp đẽ, nhưng vẫn không được người đời mến chuộng. Đa phần người ta tìm cách xa lánh những loại người này vì trên vẽ mặt của người ấy luôn để lộ những nét hung dữ khiến cho những người xung quanh nhìn vào cảm nhận ngay có tấm màn ngăn cách, không muốn đến gần vì e sợ sẽ đụng chạm phiền phức. Tại sao lại như thế? Lý do dễ hiểu là lúc nào đầu óc của người đó cũng căng thẳng vì đầy ắp những suy nghĩ, những mưu kế có lợi riêng cho mình, bất cần sự đau khổ của người khác. Tâm lý thù hằn oán giận thường xuyên tác động đến hệ thống các tuyến nội tiết, tiết ra những chất sinh hoá học như Norepinephrine: là chất gây căng thẳng, phấn khích quá độ, nổi giận, nỗ lực, tập trung, chú ý, vận sức lên gân, kéo dài sở thích... thuộc về Tâm động. Epinephrine: là chất gây chán nãn, thối chí, ngã lòng, buồn tủi, than thân trách phận, bất mãn, lo âu, sầu bi, nghi ngờ, trầm cảm, chán sống... thuộc về Tâm tiêu cực. Hai chất Nore và Epi hợp lại làm tăng nhịp tim, tăng áp huyết, tăng đường máu, tăng máu mỡ, đẩy chất Glucagon từ trong gan vào máu gây nên bệnh tiểu đường. Nore và Epi nhiều sẽ khiến Cortisol tiết ra chạy lên não, bó chặt tế bào não làm mất ký ức. Khi những chất này tràn vào máu sẽ khiến cho sắc mặt của người đó thường xám xịt, nhăn nhó, căng thẳng, xấu xí. Lâu ngày sinh những căn bệnh tâm thể kể trên, khiến người đó thường bực bội, khó chịu, không muốn gần gũi giao thiệp với người xung quanh.

          Ngược lại người nào có tâm địa hiền lương, thường nghĩ những điều lành, họ có tâm lý thoải mái thư giãn các cơ bắp. Nhờ sự tĩnh lặng thư giãn mà hệ thống tuyến nội tiết thay vì tiết ra những chất nêu trên, lại tiết ra những hormones có lợi cho cơ thể như Acetylcholine, Dopamine, Serotonin, Melatonin, Endorphine, Insuline v.v.. là những chất hoá giải Nore và Epi, có công năng hạ huyết áp, phục hồi ký ức, cảm thấy hưng phấn, thân thể linh hoạt, khinh an, cân bằng đường máu, giảm đau nhức, giúp cho họ cảm thấy phấn chấn, vui vẻ, yêu đời và có thái độ thân thiện với mọi người xung quanh. Gương mặt của họ lúc nào cũng tươi sáng, nhìn vào tự nhiên có cảm tình.

          Như thế tâm và tướng có sự liên quan trực tiếp với nhau. Tâm như thế nào sẽ biểu lộ ra cái tướng như thế ấy.

 

CHỮ "TU" TRONG NHÀ PHẬT

          Trong nhà Phật, người ta thường nhắc đến nhóm từ "Tu Tâm""Tu Tướng". Vậy thế nào là Tu Tâm và thế nào là Tu Tướng?

          Trước hết chúng ta tìm hiểu động từ "tu". Chữ "tu" bao hàm nhiều nội dung khác nhau. Theo quy ước nhân gian, chúng ta có thể hiểu:

          - Khi chúng ta khát nước, chúng ta cầm ly nước lớn, uống một hơi không dừng. Hành động đó gọi là "tu" một hơi hết ly nước, thay vì gọi là "uống" nước.

          - Nhà cửa, xe cộ ... hư hao, chúng ta sửa chửa lại, hành động này gọi là "tu sửa" lại căn nhà hay "tu sửa" lại chiếc xe.

          - Học bổ túc thêm kiến thức về nghề nghiệp của mình thì gọi là "tu nghiệp"

          - Chữ "Tu" dịch qua tiếng Anh, tương đương với từ "practic". Practic có nghĩa là "thực tập" . Như vậy Tu là sự thực tập, làm đi làm lại một phương pháp nào đó. Nó cũng gần giống nghĩa với chữ "Tu" trong đạo Phật.

          Chữ "Tu" trong Phật giáo, gốc từ chữ "bhàvanà" có nghĩa là "gieo trồng" để được một cái gì đó. Ở đây chúng ta có thể hiểu rộng thêm một chút "Tu" có nghĩa là tu tập, thực tập, thực hành hay hành trì... một pháp môn nào đó để biến những gì chúng ta học từ lý thuyết trở thành những kinh nghiệm thực tế trên thân và tâm của chúng ta.

          Nói cách khác, "Tu" là một tiến trình thực tập để chuyển đổi lời ăn tiếng nói, nếp suy nghĩ, hành vi của chúng ta trong những sinh hoạt giao tế hằng ngày trên chính đời sống của chúng ta, quan trọng nhất là những quán tính xấu trở thành những quán tính tốt theo lời Phật dạy.

          Tóm lại, "Tu" là cách tiếp thu pháp học và pháp hành phù hợp với căn cơ trình độ để có kết quả tốt trên thân và tâm. Nó đòi hỏi thời gian. Thời gian này có thể xem như thời gian "gieo trồng" để sau này được kết quả tốt vậy.

 

TU TƯỚNG CÒN GỌI LÀ TU PHƯỚC

          Tu Tướng là gìn giữ hình tướng bên ngoài, tức nhìn chung thân thể phải sạch sẽ, đầu tóc chải gở gọn gàng, y phục trang nghiêm. Tu Tướng không có nghĩa là ăn diện quần áo sang trọng, trang sức mắc tiền, trang điểm loè loẹt. Người Tu Tướng là người sống đạo đức luôn có thái độ tự trọng biết tuân theo các nghi lễ, văn hoá, phong tục, tập quán của cộng đồng, làng nước, xã hội. Họ thường giữ hình tướng bề ngoài luôn trang nghiêm. Chính sự trang nghiêm này khiến cho sự giao tế trong đời sống cộng đồng xã hội được văn minh, lịch sự và nề nếp.

          Tu Tướng đối với người xuất gia, là phải tuân theo giới luật, giữ gìn oai nghi tế hạnh tức là giữ cái tướng của người tu trong mọi hoàn cảnh qua bốn động tác: đi, đứng, nằm, ngồi. Người đời luôn có cảm tình và kính trọng những vị tu sĩ tuy áo cũ sờn vai nhưng nơi họ toát ra vẻ trang nghiêm của một bậc tu hành giữ giới. Một người tu sĩ ăn mặc xốc xếch bê bối, hoặc quá loè loẹt lụa là nhiều màu lắm sắc,  khi nói chuyện phùng mang trợn mắt, múa tay rung đùi, hát hò như ca sĩ chuyên nghiệp ngoài đời...  khó được sự chấp nhận của mọi người. Do đó Tu Tướng là điều rất cần thiết cho người tu theo đạo Phật dù tại gia hay xuất gia để tạo tín tâm và gây ấn tượng tốt đẹp cho mọi người xung quanh.

          Tu Tướng còn có nghĩa là tu tập những việc làm có thể nhìn thấy được qua hình tướng bên ngoài còn gọi là Tu Phước,  chẳng hạn như: đi chùa lễ Phật, quy y Tam Bảo, thọ và giữ giới luật, bái sám, tụng kinh, niệm Phật, toạ thiền, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, xây chùa tháp, ấn tống kinh sách, hộ niệm, đóng góp công sức tiền bạc giúp đỡ người nghèo khó, bệnh tật, thiên tai, bão lụt, đào giếng, đắp đường, xây cầu .v.v...  Nếu không có phương tiện tiền bạc vật chất, thì bố thí thời giờ, công sức, tham gia thực hiện các công tác thiện nguyện bằng khả năng hay kiến thức chuyên môn như dạy học, xây nhà, dựng lều, phát thuốc, tiêm thuốc, băng bó vết thương, an ủi khuyên lơn xoa dịu nỗi đau đớn của người bệnh v.v.... Làm được một hay nhiều điều trên đây thì đó là Tu Phước.

          Tu Phước cần có tinh thần "Bố thí Ba-La-Mật" nghĩa là giúp đỡ bố thí không vì danh lợi, không tính toán, không so đo, cũng không đòi hỏi điều kiện, phe nhóm này, chính trị kia, tôn giáo này, tín ngưỡng nọ. Nếu bố thí mà đặt điều kiện thì việc Tu Phước mất đi ý nghĩa "phụng sự Tam Bảo" hay "làm việc thiện với tinh thần quên mình vì người".

          Theo Hoà Thượng Thích Thông Triệt thì "Tu Phước là cách ta cụ thể hoá thái độ, cử chỉ, và lời nói của ta đối với người hay thú vật với mục đích đem lại niềm an vui hạnh phúc, sự an toàn hay làm vơi đi những nỗi lo âu, sợ hãi, những nỗi đau tâm lý và thân xác cho những đối tượng này."  (Trích Bản tin sinh hoạt Thiền Tánh Không tháng 9-2002, trang 4)

          Nói chung, người Tu Phước là người tự nguyện hy sinh phần vật chất tiền tài của mình để chia xẻ cho người khác với tâm không mong cầu danh lợi cho mình mà chỉ muốn mang lại sự an vui hạnh phúc cho người khác.

 

 

GIÁ TRỊ CỦA TU PHƯỚC

          Tu phước có hai loại Phước báo: Phước hữu lậu và Phước vô lậu.

          - Phước hữu lậu là khi mình làm công việc bố thí, cúng dường, góp công góp của xây dựng chùa chiền hay tham gia cứu trợ với tâm mong cầu làm phước nhiều sẽ được hưởng phước báo nhiều trong đời này hay đời sau. Điều này không trái với quy luật Nhân Quả Nghiệp Báo trong đạo Phật. Vì theo quy luật Nhân Quả, mình làm điều gì thì mình sẽ hưởng Quả đó khi hội đủ duyên. Nếu làm việc thiện lành thì sẽ hưởng Quả thiện lành. Nếu làm việc ác thì sớm hoặc muộn gì cũng nhận Quả báo ác, không trốn tránh được.

          - Phước vô lậu là làm một trong những việc thiện nêu trên, ngay cả giảng Pháp cũng là một việc thiện vô cùng thù thắng mà ta không màng đến công đức đã làm, không cầu mong sẽ nhận lại những phước báo tốt lành ở đời này hay đời sau.   Sự kiện này trong kinh có nhắc tới qua câu "Tam luân không tịch" nghĩa là không có chủ thể trao truyền Pháp hay vật tặng, không có người nhận, cũng không có lời giảng Pháp hay vật trao truyền. Tất cả chỉ là sự trao truyền thế thôi! Tuy người làm việc thiện không mong muốn được hưởng gì hết về việc làm của mình, nhưng Quả báo thiện lành sẽ tự nhiên xuất hiện với người Tu Phước vô lậu khi duyên đến.

          Trong cuộc sống hằng ngày người Tu Phước hữu lậu hay vô lậu thường gặp nhiều may mắn trong mọi hoàn cảnh, nhất là về con đường tâm linh sẽ gặp được những thiện tri thức giúp đỡ tiến tu.

          Kẻ nào sống ích kỷ, keo kiệt, không biết bố thí, ai khổ ai chết mặc tình, không hề để ý, không quan tâm giúp đỡ, chỉ biết gom lợi về mình. Những người đó xem như là những người thiếu vắng lòng từ thiện. Hễ thiếu lòng từ thiện thì đương nhiên sẽ không hưởng được phước báo. Nếu có chút phước báo nào trong đời này thì phước báo đó đã hưởng hết rồi, nên khi gặp tại nạn thì không còn phước báo để được may mắn thoát khỏi nữa. Cho nên chư tôn đức thường dạy chúng ta phải để dành phước báo bằng cách không nên hưởng hết mà hằng ngày cần phải tô bồi thêm phước báo bằng những việc thiện lành. Ví như tiền gửi trong nhà băng, rút ra xài hết khi cần thì không có tiền để mà tiêu là như thế! 

          Tóm lại, Tu Phước được xem như là cách để dành "tài nguyên công đức". Tu Phước hữu lậu hay Tu Phước vô lậu tuỳ quan niệm của mỗi người, tu thế nào cũng được nhưng là người Phật tử, dứt khoát Tu Phước là điều vô cùng cần thiết.

 

TU TÂM DƯỠNG TÁNH

          Ngoài việc Tu Tướng, người Phật tử còn phải Tu Tâm. Nói cho đủ là "Tu Tâm Dưỡng Tánh". Tu Tâm là làm sao cho tâm ý được trong sạch, không còn ô nhiễm bởi tam độc: tham, sân, si. Dưỡng Tánh là làm sao cho các Tánh hiển lộ. Các Tánh đó là Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Xúc Chạm và sâu sắc hơn hết là Tánh NhậnThức, gọi chung là Tánh Giác. Tánh Giác hiển lộ thì mới có cơ hội phát huy trí huệ tâm linh. Cho nên Tu Tâm còn gọi là Tu Tuệ hay Tu Huệ. Người Tu Huệ là người tu hướng về Tâm linh giải thoát, giác ngộ, nên công đức không thể nghĩ bàn.

          Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường nghe người đời hay than thở : "Tại sao đời tôi khổ quá vầy nè?" Thật ra có ai mà không khổ? Người nghèo khổ đã đành mà người giàu có cũng khổ. Người ngu khờ khổ thì không nói làm chi, đằng này những người có bằng cấp cao, địa vị tốt trong xã hội cũng khổ. Tại sao vậy? Suy nghĩ thật kỹ, tìm ra gốc gác ngọn ngành thì chính mình làm khổ mình chứ có ai làm khổ mình đâu!

          Đức Phật nói người nào sống trong đau khổ triền miên thì người đó vô minh, bất kể người đó sang giàu hay nghèo hèn, học thức cao hay thấp. Bởi vì vô minh nên mới khổ. Vì vô minh nên mình chấp đủ thứ. Trước hết chấp cái thân ngũ uẩn này là có thật, nó chính là Ta, mà hễ có cái Ta, cái Ngã thì lúc nào Ngã Kiến cũng  đúng nên dễ dàng xung đột với cái Ngã Kiến của người khác khiến mình khổ và người khác cũng khổ. Vì chấp Ngã nên thương yêu nó, bảo vệ nó, khi thành phần nào trên thân đau yếu là mình khổ. Cũng vì chấp Ngã nên ích kỷ muốn ôm gọn hết tất cả: tài, sắc, danh, thực, thuỳ về cho nó, muốn chiếm đoạt tất cả và muốn được phục vụ khi ngũ dục đòi hỏi. Lòng tham ái vô đáy nên nhiều không bao nhiêu cũng không đủ. Muốn hoài nên khổ hoài!

          Khi không được toại nguyện điều gì thì nổi sân, nổi giận. Mà sân giận thì nóng nảy. Người có Tâm Sân là người hay chấp nhặt những điều không vừa ý, khắc ghi những điều người khác vì vô tình hay cố ý làm tổn thương danh dự hoặc chạm tự ái, oán thù những ai phỏng tay trên hoặc làm hỏng kế hoạch làm ăn của mình ...  nên ôm mối hận thù dai dẵng, chỉ mong có dịp để trả thù. Từ Sân hận đưa đến Si, phát ra những lời nói hàm hồ, những hành động thiếu suy nghĩ làm khổ mình khổ người.

          Ngoài ra, Vì vô minh mà con người tin tưởng những điều mê tín dị đoan, cố chấp những phong tục tập quán thế gian lỗi thời bất công, đòi hỏi những điều vô lý quá đáng, tuân theo những lời răn giới cấm vô nhân và tàn ác. Nói chung là bị sợi dây kiết sử trói buộc tâm khiến cho họ u mê gây nhiều nghiệp xấu.

          Muốn sống thảnh thơi an lạc và hạnh phúc không khổ mình khổ người thì ngoài việc Tu Phước, người Phật tử còn phài biết Tu Tâm Dưỡng Tánh để loại trừ cái gốc Vô Minh. Do đó Tu Tâm còn gọi là Tu Tuệ hay Tu Huệ.

 

THẾ NÀO LÀ TU HUỆ ?

          Tu Tâm hay Tu Huệ là làm trong sạch Tâm bằng cách rèn luyện tâm có quán tính mới, từ lăng xăng dao động trở nên tĩnh lặng sáng suốt, làm giảm hay dứt hẳn tham, sân, si...  đi đến chỗ hoàn toàn trong sạch tức ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh tuyệt đối.

          Đức Phật phân loại Tâm con người chia làm ba nhóm. Đó là Tâm Phàm Phu, Tâm Bậc Thánh và Tâm Phật. Thật ra con người chỉ có một Tâm thôi, nhưng nếu trạng thái Tâm lộn xộn phiền não thì lúc đó ta đang ở trong Tâm Phàm Phu. Nếu Tâm tĩnh lặng, trầm lắng sáng suốt với dòng Biết không lời thì ta đang ở trong Tâm Bậc Thánh còn gọi là Chân Tâm hay Tánh Giác. Còn khi Tâm ta hoàn toàn định tĩnh, nhu nhuyến, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, ngoài lý luận (Atakkàvacara) dễ sai khiến và hoàn toàn Vô ngã thì đó là Tâm Phật.

          Về Tâm Phàm Phu được chia làm ba trạng thái Tâm. Đó là Ý (Ý Căn), Thức (Ý Thức) và Tâm (Trí Năng). Nếu Ý Căn có mặt tức là có sự suy nghĩ những chuyện đã qua, rồi buồn phiền lo lắng, đi đến những tác ý xấu hay tốt trong đầu tạo thành Ý Nghiệp, kinh Kim Cang xếp nó là Tâm Quá Khứ.  Nếu Ý Thức có mặt là có sự phân biệt, so sánh đối tượng có mặt trong hiện tại, nên thường dính mắc với ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thuỳ ... sinh lòng khát ái tham dục, thương yêu hay thù ghét, nói ra lời và hành động tạo Khẩu Nghiệp và Thân Nghiệp được xếp là Tâm Hiện Tại. Còn một trạng thái Tâm khác gọi là Trí Năng. Trí Năng là sự thông minh bén nhạy của con người. Nó là công cụ của Ý Căn và Ý Thức. Khi Ý Căn và Ý Thức phát tín hiệu ra, Trí Năng là cơ chế suy luận suy diễn tưởng tượng vẻ vời để thực hiện trong tương lai. Trong kinh so sánh Trí Năng là một thợ vẻ tài ba, nó vẻ đủ thứ mà hiện tại không có thật nên được xếp là Tâm Tương Lai.

          Cả ba tâm này Đức Phật gọi là Hồ Nước Đục. Nước Đục vì nó chứa đủ thứ phiền não khổ đau của Tâm Ba Thời là Quá Khứ, Hiện Tại, Vị Lai. Những thứ ô nhiễm trong tâm là lậu hoặc/tập khí, kiết sử, tuỳ miên mà cái gốc chánh là tam độc tham, sân, si. Những thứ ô nhiễm này khiến cho Tâm lúc nào cũng xao động, khiến cho Hồ Nuớc Tâm bị đục ngầu, mắt nhìn không thấy sò hến chim cá bên duới đáy Hồ. Cho nên Tu Tâm là tu tập làm sao cho Tâm yên lặng. Muốn Tâm yên lặng thì phải dẹp màn Vô Minh. Vô Minh biến mất thì mặt trời Trí Huệ mới xuất hiện.

          Tu tập ban đầu phải xử dụng Trí Năng tỉnh ngộ tức cái Ta tỉnh ngộ. Trí Năng tỉnh ngộ muốn tu tập nên không còn nghe lời xúi biểu của Ý Căn và Ý Thức nữa. Ngược lại nó trở thành ông chủ của Ý Căn và Ý Thức. Khi nó yên lặng thì hai tâm kia cũng yên lặng. Khi nó muốn học hỏi Pháp Phật thì hai Tâm kia phải học hỏi theo.

          Pháp Phật dạy theo công thức Giới-Định-Tuệ, Văn-Tư-Tu với các phương pháp tu tập như Quán, Chỉ, Định và Huệ. Pháp nào cũng nhằm triệt tiêu tham sân si, dẹp màn Vô Minh để ngọn đèn Trí Tuệ tự phát sáng.

          Bước đầu hành giả học những lời dạy của Đức Phật qua các bài kinh Tứ Thánh Đế để hiểu rõ bốn chân lý về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Học bài kinh Vô Ngã Tướng để nhận ra Tam Pháp Ấn: Vô thường, Khổ, Vô Ngã. Học giáo lý Duyên Khởi để biết vạn pháp đều không tự nó sinh ra mà phải do nhiều duyên mới thành tựu, hết duyên thì tan rã. Học giáo lý Nhân Quả để biết chúng ta gieo Nhân nào thì sẽ nhận Quả nấy chứ không mất đi đâu.

          Khi học thuộc và hiểu nhuần nhuyễn giáo lý của Đức Phật dạy, hành giả thành tựu được Tuệ Tri tức có trí thông hiểu sự thành hoại của hiện tượng thế gian trong đó có con người. Hiểu được do đâu con người khổ đau và làm thế nào để tận diệt khổ đau. Giai đoạn này tạm gọi là giai đoạn tu Thiền Quán (Anupassanà).

          Kết quả của giai đoạn này là giúp cho hành giả gia tăng cái biết thầm lặng, chuyển đổi Nhận Thức mới, Chuyển Tâm, Chuyển Nghiệp. Học, suy tư để hiểu rõ lời Phật dạy cũng có thể nói đây là thời gian của Văn Tuệ và Tư Tuệ.

          Giai đoạn kế tiếp là tu tập để chuyển đổi tâm lăng xăng trở nên yên lặng. Bước đầu là tu Thiền Chỉ, chúng ta áp dụng các chiêu thức: - Nghe tiếng chuông giữ niệm Biết không lời về âm thanh, nghĩa là khi nghe mà trong não không nói thầm khen chê âm thanh ngân dài hay ngắn, trong hay đục. - Khi làm việc gì biết đang làm việc đó, không suy nghĩ những chuyện khác. - Thực tập mắt nhìn đối tượng giữ tâm yên lặng trong não không khen chê, chỉ biết đó là bình hoa hay đó là cái chuông hoặc là cái bàn mà thôi. - Thư giãn lưỡi. - Thiền hành... Đó là những cách tu Thiền Chỉ. Hành trì như thế một thời gian sẽ giúp Tâm quen với quán tính mới là bớt suy nghĩ, bớt dao động.

          Trong Thiền Sử, các Tổ hay nói: "Nghe như điếc, thấy như mù" có nghĩa là nghe, thấy... biết rõ ràng nhưng Tâm không dao động, không phản ứng vì không dính mắc nên không biểu lộ vui buồn nên người ta nói người nghe thấy này như người điếc người mù vậy.

          Tâm được yên lặng tức ta có định ở mức độ ban đầu, dù không vững chắc nhưng Tâm ta cũng được thanh thản, có tuệ tri nhận rõ chân tánh hiện tượng thế gian. Sống trong đời ta sẽ bớt khổ vì đã bớt dính mắc, bớt chấp trước, bớt buồn phiền người khác.

          Ở mức độ cao hơn, hành giả thực tập Pháp Như Thật, nghĩa là đối tượng như thế nào thấy, nghe, xúc chạm biết như thật về đối tượng. Trong tâm hoàn toàn yên lặng vì "không dán nhãn đối tượng" tức không chụp mũ đối tượng là thế này thế khác, "không định danh đối tượng" tức đặt tên hay gọi tên đối tượng theo quy ước thế gian.

          Dần dần hành giả Nhận Thức Như Thật về các đối tượng của giác quan mà trong đó không có ý niệm "Ta". Lúc bấy giờ Trí Năng vẻ vời, Ý Thức phân biệt đã hoàn toàn yên lặng, nhường năng lực hoạt động cho các Tánh. Mắt thấy mà không nói thầm trong đầu là Tánh Thấy nó thấy. Tai nghe mà không nói thầm trong đầu là Tánh Nghe nó nghe. Thân nóng lạnh tự biết mà không phàn nàn suy diễn gì trong đầu thì đó là Tánh Xúc Chạm đang biết xúc chạm.  Giai đoạn này hành giả đang thực tập thiền Huệ (Vipassanà tức Tuệ Minh Sát). Qua đó mạng lưới của tưởng sẽ không hoạt động. Tầm Tứ yên lặng tức ngôn hành tịnh chỉ, hành giả lọt vào trạng thái "Định Không Tầm Không Tứ". Tâm hoàn toàn an tịnh với thầm nhận biết không lời. Khi xả thiền, hành giả sống trong chánh niệm, đi đứng nằm ngồi giữ niệm biết không lời, thì những phiền não xung quanh khó mà xâm nhập vào Tâm hành giả.

          Đến mức độ cao hơn nữa, qua các chủ đề trừu tượng của thiền Định (Samàdhi) như Không, Chân Như, Huyễn...  thì tiềm năng giác ngộ sẽ bộc phát. Lúc này hành giả kinh nghiệm Định-Huệ đồng thời. Hành giả có sự hiểu biết chân thật của chính mình chứ không phải hiểu biết qua học hỏi của Đức Phật. Trí huệ này là trí huệ tự phát từ trong Nhận Thức, tạm gọi là Phật Tánh bên trong hành giả.  Hành giả sẽ có những nhận thức mới về hiện tượng thế gian và nắm vững những pháp hành để ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày qua bốn oai nghi.

          Kết quả của sự hành trì này đã tạo điều kiện giúp cân bằng thân-tâm của chính hành giả, đưa đến sự hài hoà giữa hành giả với người chung quanh và môi trường xung quanh. Lúc bấy giờ hành giả cảm thấy thân tâm thật sự an lạc và hạnh phúc. Sự an lạc và hạnh phúc đó không phải đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong Nhận Thức của hành giả đối với chân tánh hiện tượng thế gian.

          Trên căn bản khi bắt đầu nhận rõ chân tánh hiện tượng là hành giả đã bắt đầu có trí huệ, biết rõ mọi hiện tượng đều vô thường đều thay đổi. Nó có mặt do nhiều duyên hợp lại, khi duyên tan rã thì nó biến mất, vì vậy không dại gì mà dính mắc với nó cho khổ.

          Ngoài ra, thông qua những cách ứng dụng pháp học (giáo lý) và pháp hành là Thiền Định, hành giả có khả năng khai triển các năng lực bên trong cơ chế tánh giác để phát huy trí huệ tự phát, trong kinh gọi là trí huệ bát nhã hay trí huệ tâm linh. Nhờ Huệ tự phát mà hành giả dẹp được tham sân si, cho nên nói Tu Tâm là Tu Huệ, còn tu tập để phát huy năng lực của các Tánh gọi là Dưỡng Tánh. Tu Tâm Dưỡng Tánh có nghĩa là như thế!

 

 

 

KẾT LUẬN

          Tu Tướng hay Tu Phước, Tu Tâm hay Tu Huệ...  cả hai đều cần thiết cho cuộc đời tu tập của người Phật tử. Nếu chúng ta chỉ muốn cuộc sống của chúng ta bớt khổ được an lạc trong đời này và đời sau thì nên tập Tu Phước.

          Tuy nhiên Tu Phước vẫn còn phải chịu lặn ngụp trong vòng  sanh tử để nhận phước báo mình đã gieo trồng hay những Nghiệp xấu mà mình đã tạo ra trong nhiều đời nhiều kiếp trước, hoặc vì sơ sót trong đời này, mình đã lỡ gây ra.  

          Tu Huệ là chúng ta cần phải học giáo lý để hiểu rõ và thâm nhập Nhận thức của Đức Phật về con người và vũ trụ như thế nào, rồi hành trì các pháp Chỉ, Quán, Định, Huệ,  theo đúng con đường tu tập Đức Phật đã phát hoạ là: Văn, Tư, Tu (tam Tuệ) để mở mang trí huệ. Tu hành với mục đích thoát khổ, giải thoát, giác ngộ... thành Phật thì phải tu theo thứ tự Giới-Định-Huệ (tam Vô Lậu học) dẹp sạch lậu hoặc thì mới vượt thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử.

          Đường tu còn dài, dài vô cùng tận... nhưng nếu không bắt đầu thì bao giờ mới tới đích? Trong khoảng thời gian dài ba a-tăng-kỳ kiếp hoặc hơn đó, chúng ta hãy cứ Tu Phước và Tu Huệ. Được bao nhiêu quý bấy nhiêu. Tu Phước thì chúng ta sẵn sàng làm những việc thiện có lợi cho người cũng có lợi cho ta. Giúp người bớt khổ hẳn tâm ta cũng nhẹ nhàng an vui. Tu Phước là chúng ta không làm việc ác mà làm việc lành. Bên cạnh việc Tu Phước chúng ta cũng Tu Huệ bằng cách học những phương pháp thanh lọc cho Tâm Ý được thanh tịnh. Ứng dụng sự thanh tịnh tuyệt đối của Tâm để phát huy trí huệ từ thấp đến cao theo các chủ đề trong thiền Quán (Anupassanà), thiền Chỉ (Samatha), thiền Định (Samàdhi) và thiền Huệ (Vipassanà). Đó là chúng ta tu tập cả hai: Phước và Huệ gọi là "Phước Huệ Song Tu". Cả hai phương pháp Tu này hỗ trợ lẫn nhau, giúp cho đời sống hiện tại của chúng ta được an ổn hạnh phúc. Và những đời sống kế tiếp ở tương lai ít nhiều gì cũng hưởng được phước báo thiện lành, tiếp tục gặp Phật Pháp để tiến tu cho đến khi nào trọn thành Phật đạo.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật;

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

07-7- 2018

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/11/2017(Xem: 15963)
Tiệc Chay Gây Quỹ Xây Dựng Đoàn Quán Gia Đình Phật Tử Quảng Đức, Thứ Bảy, 25-11-2017, 6pm, xin trân trọng kính mời
24/11/2017(Xem: 5464)
Trong tuần lễ mùa Tạ Ơn tại Hoa Kỳ, ý nghĩa ban đầu cũng đã nhạt dần. Và nhiều phần đã biến đổi.Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại Hoa Kỳ thực hiện vào tháng 10/1621, tức là cách nay 396 năm. Lúc đó, bữa tiệc Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên kéo dài 3 ngày, với 90 thổ dân da đỏ (chữ bây giờ, gọi lịch sự là Người Mỹ Bản Xứ, Native American) và 53 người Pilgrim
23/11/2017(Xem: 11817)
Các đối tượng vật chất mà chúng ta nhìn thấy là tương đối chứ không có một thực tại khách quan; chúng là những biểu hiện của tâm. Chúng có mặt trong những hiện khởi cảm giác của tâm. Không có thực tại riêng biệt nằm ở đâu đó bên ngoài.
21/11/2017(Xem: 13218)
Hàng năm, từ trung tuần tháng 12 dương lịch, các tự viện khắp nơi đều hoan hỷ chuẩn bị tổ chức các khóa tu để cúng dường lễ vía Đức Phật A Di Đà, vị Phật đã phát 48 đại nguyện cứu độ chúng sanh, vị Phật gần gũi trong tâm tưởng Phật tử khắp năm châu bốn biển, bất luận mầu da, tiếng nói, bất luận giầu nghèo, sang hèn, bất luận nam nữ, già trẻ ….
21/11/2017(Xem: 7873)
Mưa nhẹ trong đêm. Lắng tai thật kỹ mới nghe được tiếng rơi tí tách bên ngoài qua khung cửa kiếng đóng kín. Hàng cây cao rũ lá ướt trên các nhánh khô gầy đầu thu. Đèn đường lặng soi trên những vũng đọng. Côn trùng im tiếng. Không có tiếng đập cánh của chim đêm. Không có tiếng chân người dẫm xào xạc trên lá. Cũng không có tiếng động cơ nào của xe cộ trên đường. Hơi thở nhẹ như tơ trời. Nhẹ như hư không.
14/11/2017(Xem: 11840)
Dưới đây là bài phỏng vấn Giáo sư Trung Quốc Ji Zhe (汲 喆/Cấp Triết) về tình trạng Phật giáo ngày nay tại quê hương của ông. Bài phỏng vấn được đăng trên nhật báo "Le Monde" của Pháp ngày 9 tháng 9 vừa qua với tựa: "Đức Phật mặc áo màu đỏ" (Bouddha en habit rouge), và đồng thời cũng được đưa lên trang mạng của tờ báo này, nhưng lại mang tựa khác: "Tại Trung Quốc, chính quyền công cụ hóa Phật giáo đổi mới" (En Chine, le pouvoir instrumentalise le renouveau bouddhiste).
10/11/2017(Xem: 8852)
Trong các tổ chức, cộng đồng, quốc gia trên thế giới, nơi nào cũng có phép tắc luật lệ riêng mà thành viên thuộc các tổ chức đó hay người dân thuộc cộng đồng hay quốc gia đó bắt buộc phải tuân thủ. Mục đích của luật lệ là nhằm giữ cho cộng đồng có được trật tự, ngăn ngừa giảm thiểu những tai ương tội ác do kẻ xấu cố tình gây ra.
05/11/2017(Xem: 7899)
Hành Trình Về Con Đường Giáo Dục Của Phật Giáo, Nếu nói về việc học, việc tu của chư Tăng Ni Phật Giáo thì tự ngàn xưa Đức Phật đã là một bậc Thầy vĩ đại đảm trách làm một Hướng đạo sư cho mọi người quy về. Trên từ những vị xuất gia, dưới đến vua, quan và thứ dân, ai ai cũng một lòng quy ngưỡng về giáo lý thậm thâm vi diệu ấy. Mục đích chính của việc tu tập là thoát ly khỏi cảnh giới khổ đau nầy, để trở về với bản lai diện mục thanh tịnh, giải thoát của mỗi người. Đức Phật cũng đã từng nói rằng: “Ta chỉ là một Đạo Sư”, nghĩa là một kẻ dẫn đường. Kẻ dẫn đường ấy chính là Thầy của chúng ta và bất cứ ai trong đời nầy dẫn được ta đi vào Đời hay vào Đạo đều là Thầy của chúng ta cả.
30/10/2017(Xem: 11637)
Giữa tháng 9 năm 2017, chúng tôi đi Paris, nước Pháp, để thăm gia đình và bạn bè, đã 10 năm chưa có dịp gặp lại. Thi và tôi đã để ra 3 ngày đi thăm vợ chồng người bạn của Thi khi còn học ở trường Trung học Gia Long - Saigon, vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Chị Hồng và anh Ngọc đang ở tại thành phố Oberhausen. Đây là thành phố nằm trong vùng kỹ nghệ sông Ruhr thuộc tiểu bang NordRhein- Westfalen, phía Tây-Bắc nước Đức.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com