Quan sát, nhìn nhận đúng sự việc, nhà Phật gọi là chánh kiến. Chánh kiến là cách phân biệt bản chất của sự việc tốt hoặc xấu. Trong tiềm thức mỗi người đều có sẵn tính tốt và tính xấu. Ví dụ lòng trung thành và phản bội. Ai cũng có hạt giống trung thành và hạt giống phản bội. Người chồng nếu sống trong môi trường, hạt giống của lòng trung thành được tưới tẩm nuôi dưỡng hàng ngày, thì người chồng sẽ là một người trung thành, nhưng nếu hạt giống của sự phản bội được tưới tẩm nuôi dưỡng hàng ngày, người chồng có thể phản bội. Một đứa bé ở gần chùa, gần trường học xưng hô, chào hỏi khác đứa bé nhà ở Bến xe Miền Tây, hoặc Chợ Cầu Muối cũng bởi vì tác động môi trường sống.
Thực tập chánh niệm giúp mình xác định được đâu là những hạt giống tốt để tưới tẩm. Nếu trồng bắp, bắp sẽ phát triển. Nếu gieo đậu đúng cách, cây đậu sẽ lớn. Chánh kiến là để nhận ra đó là hạt giống lành mạnh và khuyến khích những hạt giống lành mạnh đó tưới tẩm. Những hạt giống xấu gây ra tham lam, sân hận, hung bạo hãy để nó ngủ yên trong tàng thức.
Nền tảng nhìn nhận quan sát sự việc ở mỗi con người nằm trong nhận thức, trong tư tưởng của mỗi người. Chữ tưởng (想) có 2 phần , phần trên là tướng (相) là hình dạng, phần dưới là tâm ( 心) . Bởi nhận thức luôn luôn do hình ảnh bên ngoài chi phối cho nên thường là không chánh kiến, không phải lúc nào cũng thật. Ngắm mặt trời lúc bình mình và cho rằng lúc ánh nắng mặt trời chiếu vào mắt là thời gian mặt trời tỏa nắng. Không phải, tia sáng mặt trời đã lóe lên trước đó 8 phút 20 giây. Đó là khoảng thời gian ánh sáng đi từ mặt trời đến trái đất và tác động vào mắt chúng ta. Cái thấy đó là cái thấy không chánh kiến. Not right view. Và cái thấy đó thường xảy ra hàng ngày trong cuộc sống.
Để có chánh kiến, cần phải suy nghĩ chín chắn, trước khi đưa ra phán xét. Thực hành chánh kiến, giúp đem lại sự an lạc cho mình và người xung quanh.
Bến Tre, ngày 19 tháng 4 năm 2018.
Hoàng Phước Đại – Đồng An.