Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nguồn Xưa

26/08/201722:19(Xem: 5251)
Nguồn Xưa
NGUỒN XƯA  
Pháp thoại tại tu viện Lộc Uyển Ngày 13-09-2008

Chúng ta đang ngồi với nhau ở đây, trong không gian của núi rừng Lộc Uyển sau khi khóa tu Về Nguồn vừa kết thúc. Tôi muốn mượn hai chữ Về Nguồn để mời tất cả cùng đi vào thăm dò đời sống bên trong, tìm đến cội nguồn sự sống của mình: cội nguồn của đời sống gia đình và cội nguồn đời sống tâm linh.

Khi thăm dò được vào đời sống tâm linh của chính mình, ta sẽ có hạnh phúc và người thân của ta cũng được hạnh phúc. Nếu ta chưa tìm vào đời sống nội tâm, tức về lại cội nguồn sâu xa của chính mình thì đời sống ta chỉ ở trên bình diện cạn, lay lắt phù du không thể thiết lập được nền tảng cho hạnh phúc chân thật. Và hẳn nhiên khi không làm cho mình hạnh phúc ngay nơi hoàn cảnh của mình, thì thật khó mà nói đến việc hiến tặng hạnh phúccho người thân. Do vậy, trở về với nguồn cội huyết thống là quan trọng, nhưng chỉ ở mặt cạn. Trở về nguồn cội tâm linh mới là điều kiện thiết yếu của đời người.

Ngày xưa đức Thế Tôn suốt 45 năm giảng dạy trên khắp lưu vực sông Hằng, chung quy ngài cũng chỉ muốn truyền đạt các phương pháp hay các pháp môn để cho những người có duyên với chánh pháp tự mình thăm dò vào đời sống nội tâm thâm sâunhất của chính họ. Đến nayphương pháp này vẫn được biểu hiện trong sinh hoạt của già lamtự viện qua các khóa lễ quy y Tam Bảo (quay về nương tựa). Theo đó, bước đầu chúng ta có thể quy y theo Phật, Pháp, Tăng bên ngoài, nhưng cuối cùng, nền tảng chính vẫn là quay về nương tựa hay quy y với tâm Phậtcủa chính mình. Theo Thiền tôngquy y Tam Bảo nghĩa là quay về nương tựa vị Phật bên trong, cũng chính là tánh giác của mỗi người (quy y Phật); quay về với tâm chân chánh của mỗi người (quy y Pháp) và quay về với tâm thanh tịnh của mỗi chúng ta(quy y Tăng).

Có thể nói phần lớn chúng ta đến với đạo do cảm tính hơn là lý tính; vì thấy vui mà đến với đạo, hay buồn khổ mà đến với đạo hoặc vì cảm tình với vị thầy này, với sư kia mà đến với đạo. Đến chùa vì nơi đó có không gian yên tĩnh, nơi đó cho mình một chút an bình, tịnh lạc, một chút niềm vui trong cuộc sống. Điều này không hẳn là sai, nhưng nếu ta chỉ sống với những gì nông cạn như thế thì chỉ trong một thời gian ngắn ta sẽ chán đạo. Cảm tính là phần rất cạn của đời sống tâm lý thường đi kèm với những vui buồn, thương ghét, khen chê... lắc lư như thuyền nhảy sóng.

Ý nghĩa đích thực của việc quy y Tam bảo là chúng ta bước sâu vào vùng đất tâm, quay về nương tựa nơi chính mình, cho nên quy y Phật, Pháp, Tăng là chúng ta đang quay về về nguồn cội - nguồn cội tâm linh. Làm được như vậy thì dù Tam Bảo bên ngoài có dễ thươnghay không, Phật pháp thịnh hay suy không còn là điều quan trọng. Dù cho ngũ dục trần gian có lôi kéo, những chướng ngại có cản đường, cũng không ảnh hưởng gì đến ta, bởi chúng ta đã có một vùng đất tâm linh an ổnvững vàng để cư trú, để nương tựa. Ta nương tựa với Tam Bảo ngay trong ta và nương tựa vào chính trạng thái Niết bàn của ta. Lúc bấy giờ, dù sống trong lều tranh, ăn cơm hẩm, uống nước suối ta vẫn thấy tuyệt vời lý thú vì đời sống ta đã thật sự thong dong, phiều bồng không vướng bận.

Người tu khi thấu đạt đạo lý, đến được nguồn xưa cũng có nghĩa là về lại chốn sâu thẳm của nguồn linh, tánh giác. Người xuất gia an trú được nơi nguồn cội đó thì mọi Phật sự lớn, nhỏ trong nhân gian chỉ xem như một trò chơi, dù có đem thân vào phố chợ thuyết phápgiảng kinh, hoặc ngồi một mình trong rừng sâu núi thẳm cũng đều thấy lòng phơi phới. Được ngàn vạn người tôn kính cúng dường, hoặc bị nhục mạ xem thường cũng cảm thấy như một trò đùa. Nếu các vị cư sĩ mà thâm đạt vào vùng đất tâm của chính mình thì lúc ấy, nhà cao, cửa rộng, tiền củadanh vọng, người thân đang vây quanh buộc ràng như ngục tù, phiền trược... cũng trở nên nhẹ tênh. Dĩ nhiênquy y Tam Bảo bên ngoài là những bước tu tập căn bản và rất quan trọng trên con đường về nguồn của chúng ta. Cũng như khi muốn đi hết một con đường dài, thì chúng ta không thể không khởi hành với những bước ban đầu thật vững chãi.

Về nguồn trong ý nghĩa thâm ái nhất là an trú vào sâu thẳm tâm linh. Và bốn câu đầu trong bài sám Ngã Niệm mà các giới tử thọ giới Tỳ kheo thường đọc sau thời Lăng Nghiêm có thể làm sáng tỏ thêm ý nghĩa này. Lời sám thống thiếtlâm ly mà mỗi khi tụng lên có thể khiến lòng mình rung động:

Ngã niệm tự tùng vô lượng kiếp
Thất viên minh tánh tác trần lao
Xuất sinh nhập tử thọ luân hồi
Dị trạng hình thù tao khổ sở.
Tạm dịch:

Con nhớ rằng con đã từ vô lượng kiếp, bỏ quên tánh giác ngộ trong con mà đi vào cuộc trần lao. Vào sinh ra tử lăn lộn trong cõi luân hồi, đã thay hình đổi dạng biết bao lần trong khổ nạn (làm người, làm thú, làm ngạ quỷ...).

Hình hài này có được là từ sự phối hợp của tinh cha, huyết mẹ. Ta tồn tại đến ngày nay là nhờ các pháp hữu vi nuôi dưỡng (gạo cơm, khí trời, ánh nắng...). Nhưng nhìn xa hơn thì ta từ đâu mà tượng hình trong thai mẹ? Ta có thể trả lời là từ nghiệp thức. Nhưng lần tìm phía sau nghiệp thức thì ta ở đâu? Chúng ta chưa thăm dò được. Khi nào chúng ta thắp sáng được nguồn tâm thì có thể thăm dò vào sau tầng nghiệp thức để biết ta từ đâu đến và khi trả hình hài này cho cát bụi ta về đâu. Chúng ta thường đặt ra những nghi vấn, những thắc mắc như đang ở trong cõi mộng và nói chuyện mộng, vì chưa chịu quay về tự tâm để thấu đạt nguồn linh tánh giác của mình. Nhưng có một điều chắc chắn rằng mọi pháp hữu vi trên đời đều sinh ra từ nền tảng của pháp vô vi.

Thực tế cũng đã chứng minh cho ta thấy sông núi, cỏ cây, nhà cửa... đều có mặt từ không gian bao lanày. Không có không gian trống rỗng thì không vật gì có thể sinh ra được, kể cả những hạt bụi li ti. Sau vụ "nổ lớn" tạo thành những hành tinh, những dãy thiên hà.... thì sự sống dần dần có mặt. Đầu tiên là các loại tảo dưới đáy biển, hình thành sự sống của những tinh thể đơn bào, tiến dần đến hình thành những sinh vật biết bò, sống nửa ướt nửa khô hội nhập vào thảm thực vật trải dài trên mặt địa cầu - sự sống sinh động bắt đầu có mặt. Và con người là loài động vật xuất hiện sau cùng.

Người ta đã nghiên cứu bằng cách phân tích cấu trúc não bộ của con người và cho rằng tuổi thọ của con người chỉ có bốn triệu năm. Thế nhưng sự tồn tại của tâm thứcnghiệp thức con người không phải chỉ ngần ấy thời gian, mà nó đã có mặt hằng triệu triệu năm trong cõi luân hồi. Không phải chỉ nhờ vào những yếu tố hữu vi (cha mẹ, khí trời, thức ăn...) để cho ta có thể hiện diện trên cõi đời, mà từ quá khứlâu xa hơnnghiệp lực đã đưa ta có mặt và sâu hơn cấp độ nghiệp lực, đó chính là nguồn linh tánh giác nuôi dưỡng chúng ta. Điều này mới nghe qua có thể ta thấy khó hiểu, nhưng thực tế rất đơn giản. Thử nhìn vào thiên nhiên ở bình diện cạn, chẳng hạn như mặt đất sinh ra cây cỏ, thế nhưng đất không thể tự nó sinh ra cây cỏ được; phải là một cái gì đó sâu hơn, nằm phía sau, bên trong đất mới tạo nên thảo mộc, cỏ cây. Sự tồn tại của con người chúng ta cũng vậy, không phải chỉ nhờ vào những điều kiện ta có thể nắm bắt, đo lường như cơm áo, nhà cửa... mà nhìn xa hơn, những gì ta phải nhờ đến đó là nước, không khí cho ta sự sống, và mịn hơn là ánh sáng, là năng lượng mặt trời. Cho nên những gì làm cho sự sống luân lưu thường rất tinh mịn, vi tế, mắt chúng ta khó thấy được, chỉ có thể cảm nhận mà thôi.

Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao từ nguồn linh tánh giác ta lại lạc vào chốn trần lao? Rõ ràng, nếu lần dò được nơi chốn ta đã lạc lốichắc chắn ta sẽ tìm ra được con đường trở về. Tuy chưa tiếp xúcđược với nguồn linh tánh giác của mình, nhưng ta có thể nhận biết được nguyên nhân từ đâu có buồn khổ, từ đâu có giận hờn, từ đâu có bất an. Và ta cũng có thể nhận ra được những cảm thọ nảy sinh ra từ đâu; và khi lần bước vào sâu hơn, ta sẽ nhận biết con người đích thực của ta không phải từ nguồn chảy vui buồn, giận hờn, bất an đó. Đây chính là con đường trở về nguồn cội của chúng ta.

Khi trong ta khởi lên tiếng nói thì thầmlập tức có vui buồnlo âusợ hãi, thương ghét... phát sinh theo. Các tâm hành này sinh diệt liên tục không ngừng và chúng là tác nhân hủy phá, làm chìm lấp tâm thanh tịnh vốn có của mình. Chỉ một thoáng nhìn thôi là quá khứ tràn về, tiềng thầm thì sinh khởi dẫn dắt ta chìm nổi, đồng hóa, đánh mất mình trong đó, cho nên nói: "... tự tùng vô lượng kiếp, thất viên minh tánh tác trần lao" là như vậy. Cho nên một bước sẩy chân không phải chỉ trong lúc này mà ta đã sẩy chân từ triệu triệu kiếp. Rõ ràng con đường này từ quá khứ đã dẫn ta đến hôm nay, và còn hứa hẹn dẫn ta đi hoài trong sinh tử. Do vậy có thể nói tiếng thầm, độc thoại, đối thoại trong ta là nhân tố gây nên bao nỗi sầu đau, phiền não, làm cho ta mất đi "tánh viên minh", khiến cho ta nổi chìm nhiều đời nhiều kiếp. Khi nhận ra được nguyên nhân này, ta có thể tin rằng ta đã thăm dò được vào chiều sâu của tâm thức, mở được cánh cửa thể tánh giác ngộ, bước thẳng về nguồn. Khi ấy, tất cả đến đi, mất còn của đời sống bên ngoài chỉ là bọt sóng, là sương mai đầu ngọn cỏ, không có gì làm cho ta chao đảo, lo sợ. Ý nghĩ thầm thì vẫn trôi chảy miên man, nhưng trong ta có cái vẫn đứng yên, đó là cái nhìn, cái thấy, khả năng quán chiếunhận biết của chúng ta. Nói ngắn gọn là cái "biết" của ta. Tự thân của những chữ "nguồn linh tánh giác" đã nói lên điều này.
Chúng ta quay về an trú ngay nơi nguồn linh tánh giác của mình là có thể lìa được buồn giận, lo lắngbất an. Sâu hơn nữa là gột sạch nghiệp thức của nhiều đời. Cuối cùng, như đức Thế Tôn dạy: "Củi hết, lửa tắt", nghĩa là hết phiền não, sầu lo thì "tánh giác viên minh" hiển hiện. Một khi có hình hài thì có sinh diệtnghiệp thức còn thì có đến có đi, có vui có buồn... Trái lại, khi chúng ta tan biến vào bản thể của tánh giác mênh mông thì không còn gì có thể đeo bám, ở đó không có trong, không có ngoài, bởi nơi chốn ấy như như bất động. Ngay bây giờ và ở đây, ta là trạng thái tỉnh sáng, rỗng lặng của nhận biết, ta là nguồn linh tự tánh của chính ta. Ta không cầu sinh về cảnh giới Dược Sư, cũng không mong cảnh giới Cực Lạc của A Di Đà. Ta chỉ hòa mình vào biển giác, tan biến vào đó chứ chẳng có gì gọi là chứng quả.

Chúng ta đừng nghĩ rằng chỉ có người tu hay giới xuất gia mới làm được điều này. Ngày xưađức Phậtsau khi thành đạo, ngài nói: "Mọi chúng sanh trên hành tinh này đều có chủng tánh Như Lai", tức là có khả năng chứng nghiệm trạng thái Niết bàn nơi tự tâmVấn đề là chúng ta có thật sự mong muốn khám phá chiều sâu của lòng mình hay không mà thôi.

Chuyện xưa kể, có hai người bạn tên là Lưu Thần và Nguyễn Triệu, nhân đi hái thuốc mà lạc bước vào động Thiên ThaiĐời sống tiên cảnh tuy sung sướnghoan lạc nhưng một thời gian sau, hai người cảm thấy nhớ nhà, nhớ nhân gian nên muốn quay về. Khi chia tay hai tiên nữ Ngọc Kiều và Giáng Tiên, hay chàng hứa sẽ quay trở lại. Về đến quê cũ hai người thấy ngôi làng ngày xưa nay đã đổi thay, tiêu điềuhoang vắng, không giống như ngày hai người ra đi. Làng xóm toàn người xa lạ, không còn ai có thể nhận ra hai chàng Lưu - Nguyễn. Tìm người để hỏi thì chỉ thấy một cụ già. Cụ già cho biết cách đây bốn trăm năm, cụ có một ông tổ bảy đời tên là Nguyễn Triệu, nhân tiết Đoan ngọ vào rừng hái thuốc rồi biệt tích. Bấy giờ Lưu - Nguyễn mới biết một ngày trên tiên giới bằng một năm ở trần gian. Những người cùng thời với hai chàng nay đã trở thành quá xa xưa. Hai người bơ vơ, bàng hoàng, nuối tiếc bèn tìm trở lại động Thiên Thai. Nhưng thương thay, cửa động đã khóa tự bao giờ, lối cũ vườn xưa nay không còn dấu vết. Mịt mù sương giăng đầu núi, cỏ xanh tràn lấp không tìm thấy lối về. Tất cả chỉ còn là bóng hình trong trí tưởng, chỉ còn lại mảnh trăng non lạc loài, chơi vơi cùng năm tháng. Cảm tác từ câu chuyện trên, thi sĩ Tản Đà đã làm bài thơ Tống Biệt với những câu:

.. Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi!
    . . . . . . . .
Cửa động
Đầu non
Hình bóng cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Ta thấy Lưu Thần - Nguyễn Triệu muốn quay về cả hai nơi: quê cũ ở nhân gian và động Thiên Thai, nhưng thật nghiệt ngã, cả hai nơi ấy đều trở thành xa lạ, đều trở thành mơ, chỉ còn mù mịt kỷ niệm và cuối cùng hai chàng không có lối về. Dưới cái nhìn của đạo Phậtchúng ta từ "nguồn linh tánh giác" lưu lạc vào cõi tử sinh, nhưng vẫn có con đường cho chúng ta trở lại. Và con đường trở lại ấy rất ngắn. Có điều chúng ta có muốn trở lại hay không mà thôi. Không những kinh điển Đại thừa đề cập đến vấn đềnày, mà ngay trong truyền thống Thiền cũng đã nói lên rất cụ thể và dễ hiểu. Đây là con đường ngắn nhất để chúng ta trở về "động tiên". Dĩ nhiên, đây không phải là chốn Đào nguyên của Lưu Thần - Nguyễn Triệu, mà động tiên để chúng ta trở lại là suối nguồn tự tâm.

Các truyền thống thiền của Phật giáo dù là Nguyên Thủy hay Đông Độ có mở ra cho chúng ta một con đường để đến được đầu nguồn của sự sống, đó là con đường thiền tậpBước đầu ta tập chăm chú vào hơi thở cho thân không còn trạo cử, và cũng làm cho chính hơi thở trở nên nhẹ nhàng hơn. Đây là phương pháp thực tập căn bản đầu tiên để đem tâm về lại với thân. Khi thân và tâm về lại một mối, yên tĩnh, quân bình là ta có thể ý thức được một cách sâu sắc mọi trạng thái của thân hànhThực tập được bước căn bản này là chúng ta đã thiết lập một chân đế vững chắc cho sự tu học. Khi chúng ta thực tậpquán niệm thân hành đạt đến mức thuần thục thì việc thực hành quán niệm về cảm thọquán niệm về tâm hànhquán niệm về các pháp cũng sẽ dễ dàng thành côngNiệm thân không thành thục thì niệm thọniệm tâmniệm pháp cũng không thể thành thục được. Không có một vị thiền sư, vị thầy nào giỏi mà không đi ngang qua bước căn bản này.

Đây là điều mà ai trong chúng ta cũng có thể thực tập được, kinh nghiệm được. Khi chúng ta để tâmquán niệm toàn thân, mời tánh biết của mình ở lại với thân là ta đã kích thích từng tế bào trong thân mình sống dậy, khiến trở nên linh hoạt và bén nhạy hơn. Một khi chúng ta chưa làm chủ được thân, chưa là cho thân an thì không thể làm chủ được tâm, làm cho tâm an được. Đó là phương pháp nhiệm mầu để nuôi dưỡng chính mình; nuôi dưỡng thân, nuôi dưỡng tâm, nuôi dưỡng cảm thọ.

Cảm thọ là một tâm hành luôn có mặt trong đời sống của chúng ta. Không có con người nào không được nuôi dưỡng bằng cảm thọ. Trong lãnh vực tâm lý, người ta đã xác định rõ điều này. Một người bị bệnh tim, nhưng nếu có tình yêu thực sự trong lòng, người ấy cũng sống được rất lâu. Vì vậycảm thọđứng về mặt tích cực, nó có năng lực rất lớn và mầu nhiệm; nó có thể vực dậy được hình hàinuôi dưỡng thọ mạng. Trong chúng ta chắc chắn có nhiều người đã từng nếm qua cảm thọ hỷ lạc, và cảm thọ này có công năng kéo dài lòng nhiệt tình tu tập của chúng ta. Có những niềm vui làm cho người ta hưng phấn suốt đời người. Có khi người sắp chết nhưng cảm thọ thương yêu đến với họ, nẩy sinh trong trái tim họ thì cũng có thể kéo dài sự sống thêm nhiều năm. Thực tế cho thấy đời sống con người phần lớn được nuôi dưỡng bằng cảm thọ.

Thôi Hộ là nhà thơ nổi tiếng vào đời Đường (Trung Quốc). Ngày nọ, Thôi Hộ đi đến một vùng quê loạn lạc, ghé vào nhà kia xin nước uống. Một cô gái mở cửa đưa cho chàng ly nước. Giữa nắng xuân, dưới hàng hoa đào, đôi má người con gái rực hồng, thắm còn hơn màu hoa. Người thơ bàng hoàng, ngẩn ngơ, ngây dại trước nhan sắc thiếu nữ. Và người con gái cũng cảm thấy lòng mình rung động. Sau đó chàng thi sĩ giã từ, về lại kinh thành. Năm sau, cũng vào mùa hoa đào nở, Thôi Hộ trở lại chốn cũ tìm người con gái năm xưa nhưng không gặp, chàng để lại bốn câu thơ đề trên vách. Năm sau chàng lại về, cũng hàng đào tươi thắm trong gió xuân, nhưng không gian, cảnh vật đượm màu tang thương. Chàng nghe có tiếng khóc cụ già trong nhà, lần hỏi thì được biết, người con gái trở về sau chuyến tản cư, nàng đọc được những câu thơ rồi lòng luôn ngày đêm trong ngóng, đợi chờ người đề thơ nhưng chờ hoài chẳng thấy; nàng vừa mới qua đời. Chàng cho biết mình là người làm bài thơ và xin được vào thăm. Ngồi xuống bên người con gái vừa nhắm mắt, những giọt nước mắt của chàng đã nhỏ xuống. Kỳ diệuthay, người con gái tỉnh dậy. Và chúng ta có bốn câu thơ bất hủ truyền lại đến tận bây giờ:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.


Hôm nay năm ngoái cửa cài
Hoa đào ánh với mặt người hồng tươi
Nay người chẳng biết đâu rồi
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.

    (Trần Trọng Kim dịch)
Rõ ràng cảm thọ không chỉ nuôi dưỡng đời sống mà còn khả năng cứu sống con người. Thế nhưng, điều quan trọng chúng ta cần chia sẻ ở đây đó là làm thế nào khi cảm thọ có mặt thì sự quan sátnhận biết của chúng ta cũng tức thì có mặt. Nếu không chúng ta sẽ bị cuốn trôi, mất mình vào các cảm thọ. Một người có mặt nơi trần gian đã được tạo hóa cài sẵn trong họ loại cảm thọ hạnh phúc. Tuy vậy, bất cứ lúc nào chúng ta đón nhận hạnh phúc, đón nhận niềm yêu thương thì khổ đau, bất toàn cũng sẽ có mặt. Ấy là điều tự nhiên.

Thế nên, trên con đường về nguồn, nếu thông minh thì chúng ta không để mình chìm vào những cảm thọ vui buồn. Nói như thế không có nghĩa là đời sống chúng ta không được quyền thưởng lãm những vui buồn của nhân thế, mà ở đây có điều khác biệt; người tu chúng ta là chứng nhân nhận biết cảm thọvui buồn, mà không phải là cảm thọ vui buồn. Như vậy là ta đã tìm được con đường về với nguồn linh tánh giác của chính mình.

- HẾT -
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/08/2019(Xem: 10647)
Vứt 1 cục PIN bừa bãi sẽ làm ô nhiễm 500l nước, 1m đất trong 50 năm Những vật dụng hoạt động bằng pin chắc hẳn gia đình nào cũng có như điện thoại, remote điều khiển, đồng hồ... Vậy có ai biết được tác hại khi vứt PIN không đúng chỗ sẽ có tai hại ra sao? Hãy cùng xem qua bài viết dưới đây để biết PIN là gì và có tác động gì đến môi trường, con người khi bị vứt bừa bãi nhé!
19/08/2019(Xem: 8618)
Chùa đầu tiên tôi dừng xe, vào bái Phật lễ Tăng là Thiền Tự Viên Giác ở thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung. Trụ trì là thầy Thông Huệ, giảng sư giáo thọ, thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, đệ tử xuất sắc của Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Từ, và hiện đang là Trưởng Ban Hoằng Pháp Tỉnh Hội Phật Giáo Khánh Hòa.
17/08/2019(Xem: 8519)
Robot và trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phổ biến, có thể đe dọa thay thế con người trong rất nhiều công việc hiện nay. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng một con robot có thể trở thành thầy tu và thuyết giảng Phật giáo? Ngôi Chùa Kodaiji 400 tuổi tại thành phố Kyoto, Nhật Bản đã sử dụng một con robot có tên là Mindar để thay thế công việc của các thầy tu, đó là thuyết giảng Phật giáo cho các du khách. Trong khi ngôi đền này hy vọng con robot có thể làm thay đổi bộ mặt của Phật giáo, thì một số người lại cho rằng Mindar giống như một con quái vật Frankenstein.
17/08/2019(Xem: 9899)
THỰC PHẨM CHO TÂM Nguyên tác FOOD FOR THE HEART của Thiền sư Ajahn Chah TKN. Liên Hòa chuyển dịch.
16/08/2019(Xem: 8985)
Thiền định là phương pháp luyện tập chủ yếu của Phật giáo, một tín ngưỡng lâu đời của Đông phương, thế nhưng ngày nay lại được nhắc đến rất nhiều tại các nước Tây phương. Vậy thiền định là gì ?
12/08/2019(Xem: 7554)
Hơn một tuần nay cơn gió lạnh đã thổi qua các tiểu bang phía đông nam của nước Úc và tôi bị bó tay trong nhà vì không thể tham dự các hội lễ Vu Lan tại các chùa cách xa nhà hơn 30km vì tánh tôi rất lo xa mà các thông báo của đài khí tượng cứ báo động từng giờ về sự nguy hiểm khi lái xe trên đường ... Thôi thì tôi tự khấn nguyện trước cha mẹ đã khuất bóng tôi sẽ chép trọn Hai phẩm trong bộ kinh MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT để cúng dường và hồi hướng tất cả công đức đến pháp giới chúng sanh và Tứ trọng ân ...Hai phẩm này tôi thích đọc hoài vì đã gần như dạy tôi những gì mà tôi đã gặp trong cuộc sống này và đã mang lại cho tôi thật sự một chút an bình khi đang ở một mình ... Đó là phẩm Bồ tát hạnh, và Gieo trồng thiện căn .
11/08/2019(Xem: 6579)
Tôi đã đi ngang qua Goa[1] vài lần vì có một trại định cư của người Tây Tạng gần đấy, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có một cuộc hội ngộ ở đây. Vị Thủ Hiến có thể xếp đặt một cuộc họp mặt và tôi muốn cảm ơn ông cho vinh dự lớn này.
10/08/2019(Xem: 9791)
“Một đêm nọ, giữa vách đá cheo leo, vua Lear đã hỏi ngài Bá Tước Mù xứ Gloucester rằng: “Ông hình dung cuộc sống này ra sao?”. Ngài đáp: “Tôi cảm nhận nó bằng tất cả cảm xúc của mình” Và chúng ta không nên giống như vậy hay sao?
08/08/2019(Xem: 7763)
Vào đêm trăng rằm tháng bảy năm Mậu Tuất (1082), Tô Đông Pha (1037-1101), một trong tám vị đại văn hào đời Đường Tống (Đường Tống bát đại gia), đang lúc bị lưu đày ở Hoàng Châu, đã cùng bạn chèo thuyền ngắm trăng, dạo chơi dưới chân núi Xích Bích. Trong cảnh gió mát trăng thanh, đàn hát vui vẻ, bỗng có một vị khách thổi lên một khúc tiêu ai oán. Tô Đông Pha hỏi lý do. Vị khách này giải thích vì tức cảnh sinh tình, chèo thuyền bên dưới ngọn núi Xích Bích nên nhớ lại trận chiến Xích Bích năm xưa, nơi Chu Du đã dùng hỏa công phá tan đội quân hùng mạnh của Tào Tháo. Anh hùng như Tào Tháo, thao lược như Chu Du mà nay có còn đâu?
03/08/2019(Xem: 4876)
Đức Lạt Ma nỗi tiếng của Tây Tạng là Yeshe Rinpoche (Thầy của Lạt Ma Zopa Rinpoche) từng dạy : "khi bạn tìm hiểu về Đạo Phật là bạn đang tìm hiểu về con người thật của chính bạn, về tâm trí bản chất của chính mình." Mãi đến bây giờ tôi mới chiêm nghiệm được điều sâu xa đó, thì ra trong tôi vẫn còn ẩn hiện một tình quê dạt dào từ lâu đã ẩn tàng dưới đáy sâu tâm thức.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]